Translator Unknown
Những Bài Học Sâu Sắc Trong Chuyển Hóa Nhân Cách
Giới thiệu chung
7 Thói Quen Hiệu Quả
(1989) là một trong những cuốn sách self-help (sách tự lực) nổi tiếng nhất mọi
thời đại. Cuốn hướng dẫn có ảnh hưởng to lớn này trình bày một loạt các nguyên
tắc thực tế sẽ giúp bạn thành công trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của
mình.
Về tác giả
Stephen
Covey là doanh nhân, giảng viên người Mỹ và là tác giả của những tựa sách bán
chạy nhất như The Leader in Me (Nhà lãnh đạo trong tôi) và 7 Thói Quen Hiệu
Quả, đã bán được hơn 20 triệu bản. Sự nghiệp đáng nể của ông đã giúp ông được
công nhận là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất của Tạp chí TIME vào năm
1996.
Tia sách 1
Để đạt thành công, bạn
phải vun bồi những thói quen phù hợp với những nguyên tắc đúng đắn.
Thử
hình dung lần đầu tiên bạn đến viếng một thành phố ngoại quốc. Phố xá thì xa
lạ, các biển hiệu thì viết bằng ngôn ngữ bạn không thể hiểu được. Bạn làm cách
nào để tìm ra đường đi? Và bạn làm cách nào để đi tới được đúng nơi bạn muốn
đến?
Nếu
bạn hỏi những người xa lạ trên đường, bạn có thể nhận được một ít lời chỉ dẫn
như “Rẽ phải ở đây!” hoặc “Bắt chuyến xe buýt này!” Và hẳn nhiên – những chỉ
dẫn này có thể hữu ích trong ngắn hạn. Nhưng, không thể nào tránh được, bạn lại
bị lạc đường. Một phương cách sáng suốt nhất là nên có một tấm bản đồ, đúng
không nào? Với một bức tranh chính xác về thế giới xung quanh, bạn có thể tự
tìm ra con đường của mình – bất cứ lúc nào.
Thật
thế, làm hoa tiêu dẫn dắt cuộc đời cũng tương tự như vậy. Trong lúc những hành
động nhỏ nhất định có thể hữu ích, nắm được một số các nguyên tắc bền vững có
tính định hướng, và tạo thành thói quen thực hiện theo đúng những nguyên tắc đó
thực sự có giá trị hơn nhiều.
Khi
tác giả Stephen Covey nhìn lại những lời khuyên để tự lực rèn luyện trong
khoảng thời gian 200 năm, ông phát hiện được một mô thức thú vị. Ông thấy đa số
những lời khuyên được đưa ra đều theo đúng một trong hai mô hình. Mô hình thứ
nhất là Đạo đức Cá nhân. Mô hình này lập luận rằng thành công đạt được nhờ học
tập một loạt những mẹo vặt và kỹ thuật. Nó cho rằng nếu bạn ăn nói đúng cách và
hoàn thành đúng nhiệm vụ, bạn ắt sẽ đạt được được những mục tiêu của mình. Lời
khuyên này nghe hấp dẫn – nhưng nó thường dẫn đến những thay đổi hời hợt hơn
chứ không tạo ra sự khác biệt trong nền tảng.
Mô
hình thứ hai thì khác. Mô hình này dựa trên nền tảng Đạo đức Phẩm cách. Phương
pháp này lập luận rằng có những nguyên tắc căn bản dẫn đến thành công. Những nguyên
tắc này không đặc thù cho một tình huống cụ thể nào cả. Chúng là những chân lý
sâu sắc bất di bất dịch về thế giới. Nếu chúng ta liên kết tính cách nội tại
của chúng ta với những nguyên tắc này, chúng ta sẽ đạt được những kết quả lâu
bền.
Vậy
trên thực tế mô hình này hoạt động như thế nào? Hãy thử ví dụ bạn muốn có một
cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn. Hình thái Đạo đức Cá nhân sẽ bảo bạn nên áp dụng
một lối giao tiếp mới hoặc thực hiện một loại kỳ nghỉ nào đó. Trái lại, hình
thái Đạo đức Phẩm cách khuyến khích bạn tự vận động. Có nghĩa là bạn phải trở
thành mẫu người có cuộc hôn nhân tốt bằng cách bồi đắp một phẩm cách dựa trên
những nguyên tắc như công bằng, đồng cảm, và tín nhiệm.
Hẳn
nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm. Nếu bạn muốn phát triển một phẩm cách nội
tại dựa trên những nguyên tắc tốt đẹp, bạn cần thay đổi cách thức bạn thường
xuyên tiếp cận và nhận thức về thế giới xung quanh. Tóm lại, tạo ra những thay
đổi trên cơ sở hình thái phẩm cách đòi hỏi bạn phải trau dồi những thói quen
tốt.
Trong
tia sách tiếp theo, chúng tôi sẽ tuần tự giới thiệu cho bạn những thói quen
này.
Tia sách 2
Chủ động kiểm soát
phản ứng của mình đối với những chuyện xảy ra.
Đây
là câu hỏi đơn giản đã gây nhiều tranh cãi cho giới khoa học gia, triết gia, và
giới thường dân hàng thiên niên kỷ: Điều gì tạo nên bạn là bạn?
Một
số người cho rằng tất cả là do cơ chế di truyền – sự tiến hóa của con người và
chính ADN định đoạt đời sống của chúng ta. Nhiều người khác cho đó là do cha
mẹ. Họ bảo rằng chính những người nuôi nấng và cách thức chúng ta được dưỡng
dục đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều người khác nữa thì khẳng định chính môi
trường và hoàn cảnh cụ thể là những tác nhân gây ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Sự
thực là, không một giải đáp nào trong những điều nêu trên là đầy đủ. Tất cả
mang tính quyết định quá lớn – nghĩa là, chúng cho rằng cuộc sống của chúng ta
bị khống chế bởi những tác động từ bên ngoài. Nhưng những người thành công có
thói quen tiếp cận thế giới theo một phương thức khác. Họ nhận thức rằng trong
khi chúng ta không thể kiểm soát hết mọi thứ, chúng ta có thể kiểm soát bản
thân, và điều này tạo cho chúng ta có thói quen đầu tiên.
Một
trong những khác biệt chính yếu giữa con người và những loài thú vật khác là
khả năng tự-ý-thức. Thú vật phần lớn bị điều khiển bởi kích thích từ bên ngoài.
Khi chúng đối mặt với điều gì đó trong thế giới, nói chung chúng phản ứng theo
cách đã được lập trình sẵn. Trái lại, con người có thể biết dừng lại, phản tư,
cân nhắc và quyết định cách thức phản ứng như thế nào.
Khi
bạn ở thế chủ động, bạn có tự do chọn lựa cách thức tương tác với thế giới xung
quanh và cơ hội để quyết định số phận của mình. Chẳng hạn như, bạn có thể để
cho cơn mưa bất chợt phá hỏng những kế hoạch đi chơi ngoài trời của mình. Hoặc
bạn tập trung một cách có tiên liệu vào những điều tích cực. Thay vì suy nghĩ ủ
ê về thời tiết, bạn có thể hướng nguồn năng lượng để tận hưởng thời gian cùng
bạn bè, bất chấp cơn bão.
Điều
này hữu hiệu ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Hãy xem xét trường
hợp của nhà tâm thần học nổi tiếng Viktor Frankl. Ông bị giam cầm trong trại
tập trung suốt thời gian Thế Chiến II. Trong khi những kẻ hành hạ ông định đoạt
tất cả những điều kiện bên ngoài, ông ý thức vẫn kiểm soát được mọi phản ứng
của bản thân. Thay vì mất hết hy vọng, mỗi ngày ông hình dung đến một tương lai
tốt đẹp hơn khi ông được giảng dạy cho những học sinh về cách mà ông đã sống
sót, vượt qua nỗi kinh hoàng như thế nào. Phản ứng chủ động này đã tạo cho ông
sức mạnh để vượt qua và tạo nguồn lực hun đúc sự nghiệp nhà giáo dục về sau.
Bằng
luyện tập, bạn cũng có thể nuôi dưỡng nguồn lực để định hình một cách tích cực
phản ứng của bạn đối với những gian khổ nhất định. Khi bạn gặp một trở ngại
trong công việc hoặc trong đời sống cá nhân, hãy cân nhắc kỹ càng hơn cách thức
hành động của mình. Đừng bị khuất phục ngay bởi bản năng ban đầu của mình. Thay
vào đó, hãy lùi lại một bước, xem xét rõ căn nguyên của vấn đề, rồi hãy tập
trung năng lượng cho điều bạn thực sự có thể tác động đến một cách tích cực.
Tia sách 3
Bắt đầu mọi việc với
suy nghĩ về kết quả mong muốn.
Hãy
bắt đầu với bài tập luyện trí não về một cảnh tương ảm đạm: Hãy hình dung ba
năm tới trong tương lai, và, đau buồn thay bạn đột nhiên qua đời. Đúng vậy, đó
là một bi kịch. Nhưng lúc ấy, tất cả bạn hữu, gia đình, và đồng nghiệp đã tập
trung đông đủ để dự đám tang của bạn. Từng người một lần lượt bước bên bục để
đọc điếu văn. Bạn muốn họ nói như thế nào về bạn?
Hẳn
nhiên, điều này rất khó để nghĩ đến, nhưng nó lại giúp chúng ta định hướng cuộc
sống. Bất ngờ, những tiểu tiết vụn vặt của đời sống thường nhật tan biến hết,
và tất cả những điều ưu tiên thực sự của bạn trở thành tâm điểm. Bây giờ bạn
nghĩ đến các mối quan hệ, những thành tựu đã đạt được, và thế giới bạn muốn để
lại đằng sau như thế nào.
Như
thí nghiệm ảm đạm này chỉ ra, cân nhắc thành quả tối thượng là khía cạnh thiết
yếu của việc tổ chức cuộc sống của bạn. Đó là lý do những người có hiệu năng
cao hình thành thói quen tư duy xuyên suốt mọi sự việc– mà chính nó mang lại
cho chúng ta thói quen thứ hai: Bắt đầu mọi việc với suy nghĩ về kết quả mong
muốn.
Bất
cứ khi nào bạn thực hiện một hành động, dù lớn hay nhỏ, bạn thực chất thực hiện
nó hai lần. Bạn thấy đó, trước khi thực hiện một hành động, trước hết bạn phải
hình dung ra nó bằng lập ra một bản kế hoạch trong đầu. Những kế hoạch này có
thể sơ lược và chóng vánh, giống như danh sách những việc cần làm hàng ngày nằm
ở trong tâm trí, hoặc chi tiết và cụ thể, giống như một kế hoạch kinh doanh
được hoạch định kỹ lưỡng.
Dù
cách nào đi nữa, điều quan trọng là phải nghĩ đến tương lai; điều này giúp bạn
định hướng hiện tại. Hãy thử hình dung việc xây dựng căn nhà mơ ước của mình.
Trước khi dựng khung sườn nhà hoặc lợp mái, phác thảo một bản thiết kế là việc
khôn ngoan cần làm. Tóm lại, nếu không có bức tranh rõ ràng những gì bạn sẽ xây
dựng, tiến trình xây dựng sẽ là một thảm họa hỗn độn. Bạn sẽ phạm những lỗi lầm
đắt giá, hoang phí vật liệu xây dựng giá trị, và chắc chắn kết quả là sẽ không
được như ý.
Áp
dụng nguyên tắc này cho những kế hoạch ngắn hạn thì tương đối dễ. Ví dụ, trong
lĩnh vực nghề nghiệp, vạch ra lịch làm việc hàng tuần trước và đề ra những mục
tiêu rõ ràng mà bạn mong muốn hoàn thành trước cuối mỗi quý luôn là việc làm
thông minh.
Tuy
nhiên, những lợi ích thực sự của thói quen này đến từ việc lập kế hoạch dài
hạn. Để thực hiện việc này, hãy tưởng tượng cuộc sống bạn khát khao đạt đến
bằng xác lập một bản sứ mệnh cho bản thân. Thực hiện một số truy vấn nghiêm túc
và viết ra những gì bạn thực sự hy vọng đạt tới, những giá trị nào bạn muốn đề
cao, và những gì bạn xem là thành công thực sự. Sử dụng văn bản này để đo lường
thành công của bạn và như một bản hướng dẫn để giúp bạn đưa ra những quyết
sách. Khi bạn đã biết rõ mục đích mà bạn khát khao đạt đến, sẽ dễ dàng hơn rất
nhiều để bạn tiếp tục dấn bước trên con đường đúng đắn.
Tia sách 4
Đặt lên hàng đầu những
điều cần làm trước nhất
Chín
giờ sáng ngày thứ Hai, bạn đang ở văn phòng. Chuông điện thoại reo vang, máy in
thì bị kẹt giấy không in được, bạn phải viết một bản báo cáo, và phác thảo một
bản kế hoạch cho một dự án. Và còn nữa – lãnh đạo của bạn đang gõ cửa, muốn vào
nói chuyện với bạn.
Bạn
giải quyết việc nào trước?
Ngay
cả khi bạn biết các mục tiêu của bạn là gì, để biết các bước nào cần làm vào
thời điểm nào vẫn là điều khó. Thói quen thứ tư sẽ hữu ích ở đây: Đặt lên hàng
đầu những điều cần làm trước nhất. Hoặc nói một cách khác: ưu tiên hóa các công
việc theo tầm quan trọng và tính cấp thời của chúng.
Chúng
ta hãy bàn về cách thức như thế nào. Có nhiều phương pháp quản lý thời gian.
Một số người thích tạo lập các danh sách; những người khác cho rằng chúng ta
nên sắp xếp các công việc trước. Nhưng bí quyết thực sự để làm việc hiệu quả là
tổ chức các bước việc làm theo mức độ ưu tiên – và đối với việc này, bạn có thể
sử dụng ma trận quản lý thời gian.
Ma
trận quản lý thời gian là một bảng kẻ ô trong đó bạn liệt kê tất cả các công
việc theo hai chiều: tính khẩn cấp và tầm quan trọng. Để tạo một bảng như thế,
bạn lấy một tờ giấy, và kẻ thành bốn ô. Ô trên bên trái là Phần tư thứ I: Dành
cho những công việc vừa quan trọng vừa khẩn cấp, chẳng hạn như những khủng
hoảng bất ngờ không thể nào bỏ qua được. Ô trên bên phải là Phần tư thứ II:
Những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp – những kế hoạch dài hạn như xây
dựng các mối quan hệ với khách hàng. Ô dưới bên trái là Phần tư thứ III: đây là
ô dành cho những công việc khẩn cấp nhưng không chính yếu, chẳng hạn như trả
lời điện thoại. Cuối cùng, ô dưới bên phải là Phần tư thứ IV: ô này dành cho
những việc không khẩn cấp cũng không quan trọng, giống như chơi ô chữ để giết
thời gian.
Một
khi bạn đã phân chia tất cả các nhiệm vụ theo cách này, bạn sẽ thấy việc tập
trung nỗ lực cho công việc nào cũng trở nên dễ dàng hơn. Trong khi những việc
trong Phần tư thứ I là quan trọng, những việc trong Phần tư thứ II thực sự đáng
được chú ý đặc biệt. Những việc này thường bị bỏ qua nhiều nhất bởi vì chúng
không tạo cảm giác thúc bách. Tuy nhiên, chúng vẫn quan trọng, và thường đi kèm
hậu quả phải bù đắp lớn nhất. Nếu bạn chú ý đến chúng sớm hơn, bạn có thể ngăn
chặn những điều mới nảy sinh trong Phần tư thứ I.
Hẳn
nhiên, không ai có thể làm được mọi việc một mình. Nhiều lúc đặt lên hàng đầu
những điều cần làm trước tiên đòi hỏi bạn phải ủy thác những công việc mà bạn
không cần phải trực tiếp giải quyết. Chỉ cần đảm bảo không quản lý quá chi li.
Đừng giao công việc chi tiết; thay vào đó, nên đòi hỏi những kết quả cụ thể.
Trên hết, khi nói đến tính hiệu quả, thành quả sau cùng là vấn đề quan trọng
nhất.
Tia sách 5
Luôn hướng tới viễn
cảnh mọi người cùng có lợi.
Bạn
đang theo dõi một trận chung kết bóng bầu dục. Đây là trận tranh tài cuối cùng
của mùa giải. Chỉ có một đội thắng và một đội thua. Một đội sẽ mang về cúp
chiến thắng; đội kia sẽ ra về tay trắng, bất chấp họ đã thi đấu hay giỏi như
thế nào.
May
mắn thay, không phải tất cả lĩnh vực nào của cuộc sống cũng đều giống như vậy –
nơi một đội phải chiến thắng và các đội còn lại phải thất bại. Thực tế là, nếu
bạn sử dụng tư duy cộng tác, đa số mọi tình huống đều có thể mang lại lợi ích
chung. Đó là lý do những người có hiệu xuất cao tận dụng thói quen thứ năm: đảm
bảo mọi người đều đạt được thành quả tích cực.
Suốt
quãng đời, chúng ta kiến tạo những mối quan hệ bằng sử dụng những mô hình nào
đó định hình cách thức chúng ta tương tác. Đối với nhiều người, mô hình thống
trị là thế giới quan kẻ-thắng-người-thua. Điều này có nghĩa là họ xem mỗi sự
trao đổi, dù là việc cá nhân, kinh doanh, hay những việc khác, như là một cuộc
tỉ thí mà qua đó thu đạt được điều họ muốn đồng nghĩa với các bên tham gia khác
không thể đạt được những gì họ muốn.
Trong
khi mô hình này hữu dụng trong một số tình huống, trong những tình huống khác
nó là một thảm họa. Nó biến mọi thứ trở thành cuộc tranh đoạt, biến đối tác
tiềm năng trở thành kẻ đối nghịch. Điều này làm nảy sinh sự bất tín và bất hòa
– và, hẳn nhiên, làm cho cả hai trở thành kẻ thua cuộc. Chẳng hạn như, thử hình
dung một nhóm chuyên trách bán hàng mà duy nhất người bán được nhiều hàng nhất
mới được nhận phần thưởng. Số còn lại không được nhận gì cả. Đây là sự sắp đặt
kẻ-thắng-người-thua kích thích mỗi người chơi quan tâm duy nhất đến bản thân
mình. Những người cảm thấy giống như thế có thể ém nhẹm các mối dẫn đầu, hoặc
tệ hại hơn, phá hoại lẫn nhau. Kết quả là gì? Làm giảm toàn bộ doanh số.
Có
một giải pháp thay thế cho mô hình này, đó là mô hình mọi-người-cùng-thắng. Thế
giới quan này chuyển sự cạnh tranh theo chiều hướng hợp tác. Nó tìm kiếm những
thành quả mà các bên tham gia đều được hưởng lợi. Đối với nhóm chuyên trách bán
hàng đó, điều này có thể có nghĩa chỉ khi cá nhân nào hoàn thành chỉ tiêu doanh
số của mình mới được nhận phần thưởng. Theo cách này, thắng lợi của một nhân
viên bán hàng cũng là thắng lợi của những nhân viên khác. Mô thức sắp xếp
mọi-người-cùng-thắng khuyến khích tương tác giao tiếp và làm việc kết hợp với
nhau, và dẫn đến tổng doanh số tăng cao hơn và người nào cũng hạnh phúc hơn.
Phương
pháp tốt nhất nào để đảm bảo bạn luôn hướng đến mô hình mọi-người-cùng-thắng?
Hãy áp dụng tâm thế thặng dư. Tâm thế này không xem những điều tốt đẹp như
thành công, hạnh phúc, hoặc ngay cả lợi nhuận như những mặt hàng hiếm có. Thay
vào đó, nó ý thức rõ những thứ tốt đẹp luôn dồi dào cho tất cả mọi người. Khi
bạn nhận ra rằng luôn sẵn có nhiều giá trị hơn là cái chúng ta có thể có, thì
tìm kiếm phương thức hợp tác để thu đạt được giá trị đó trở nên dễ dàng hơn.
Với
tâm thế mọi-người-cùng-thắng, những thắng lợi lớn nhất xảy đến cho bạn khi bạn
thấy rằng tất cả chúng ta cùng chung một đội.
Tia sách 6
Xây dựng những mối
quan hệ bền chặt hơn bằng cách thấu hiểu người khác.
Nhìn
chữ thấy nhòa, bạn luôn phải nheo mắt nhìn, và không thể nhận ra người bạn ở
cách xa mươi mét. Đã tới lúc phải đi thăm bác sĩ nhãn khoa. Giờ thì bạn đã rõ
những chuyến đi khám như thế là như thế nào. Bạn phải đọc to những chữ cái in
trên bảng treo trên tường mỗi khi bác sĩ thử các mắt kính khác nhau. Cuối cùng,
bạn cũng tìm được đôi tròng kính chính xác cho mình.
Nhưng
điều gì sẽ xảy ra nếu vị bác sĩ đó đã áp dụng một phương pháp khác? Giả sử như,
thay vì kiểm tra mắt của bạn, vị bác sĩ đưa cho bạn cặp mắt kính mình đang đeo,
và nói, “Tôi đeo cặp kính này thấy tốt.”? Hẳn nhiên, thị giác của bạn vẫn thấy
nhòe, và chắc chắn bạn phải kiếm một bác sĩ nhãn khoa khác.
Điều
nầy nghe phi lý, nhưng trong giao tiếp, nhiều người hành động giống như vị bác
sĩ đó. Họ đưa ra giải pháp trước khi thực sự hiểu ra vấn đề. Những người có
hiệu suất cao thì hành động theo một phương cách khác, áp dụng thói quen thứ
sáu: Lắng nghe để thấu hiểu trước khi trình bày.
Giao
tiếp tốt là trọng tâm của bất kỳ mối quan hệ ý nghĩa nào. Bất hạnh thay, đa số
mọi người chỉ rèn luyện những kỹ năng nói – nghĩa là, họ chỉ mong mỏi được
người khác hiểu. Tuy nhiên, đó chỉ mới một nửa của bức tranh. Để thực sự tạo
dựng được những liên kết cá nhân, bạn phải hiểu người khác nữa. Và để thực sự
hiểu được người khác, bạn phải biết lắng nghe.
Hẳn
nhiên, lắng nghe không có nghĩa đơn thuần là nghe được. Lắng nghe có nghĩa là
thực sự nắm bắt được tâm tư và tình cảm của người khác ở mức độ có ý nghĩa.
Cách thức tốt nhất để thực hiện được điều này là thực tập lắng nghe thấu cảm.
Hình thức lắng nghe này đòi hỏi bạn phải bắt nhịp được tâm trí cũng như cảm xúc
của người khác. Có nghĩa là nghe được lời nói của người đó, nhưng đồng thời
phải phát hiện cho được cảm thức ẩn sâu đằng sau những lời nói đó.
Một
cách để thực hiện được điều này là kìm nén việc đưa ra lời khuyên cho đến khi
hiểu được rõ ràng điều người khác cố gắng truyền đạt. Cho nên thay vì chỉ dựa
vào giai thoại với trần thuật của riêng bạn, hãy cố gắng xác định được cảm xúc
của người khác đang cố cất lên thành lời. Việc này được gọi là “phản ánh,” và
có thể đơn giản như nói rằng, “Điều đó nghe bực mình ghê.” hoặc, “Bạn thấy điều
này là quan trọng.” Việc này giữ cho cuộc đối thoại tập trung vào người mà bạn
muốn hiểu.
Tuy
nhiên, đây không phải là con đường tắt hoặc một mẹo vặt. Để lắng nghe thấu cảm
phát huy hiệu quả, bạn phải có chân thành quan tâm đến những người khác. Nó đòi
hỏi thời gian, nỗ lực, và luyện tập mới làm được thành thục. Nhưng nếu bạn thử,
người khác sẽ nhận ra và đánh giá cao sự chú tâm của bạn. Thực tế là, họ thường
ứng đối lại với lòng cảm thông và tôn trọng của họ. Qua thời gian, các mối quan
hệ của bạn sẽ trở nên cởi mở, thỏa mãn, và có ý nghĩa hơn.
Tia sách 7
Kiến tạo nguồn năng
lượng cộng hưởng mạnh mẽ bằng tăng cường trao đổi cởi mở.
Hãy
dạo bước qua một khu rừng nhiệt đới. Khu rừng đầy ắp sự sống và muôn vàn cảnh
đẹp. Điều gì khiến nơi này sinh động và tươi tốt như vậy? Phải chăng do chim
chóc nhảy hót trên cành? Hay bao đàn kiến đang bò khắp trên mặt đất? Cũng có
thể do ánh nắng rọi xuyên qua tán lá trên đầu? Không phải vậy, chúng ta không
thể gán công lao cho chỉ một yếu tố riêng biệt. Thực tế là, tất cả những thứ
này đều liên kết với nhau. Chính mạng lưới các mối tương tác phức tạp này của
cuộc sống khiến cho những hệ sinh thái như vậy hình thành và phát triển.
Trong
các mối liên hệ con người và thiên nhiên, cái tổng thể thường lớn hơn những
thành tố của nó cộng lại. Chúng ta gọi hiện tượng này là năng lượng cộng hưởng,
và những người có hiệu suất cao luôn cởi mở để khai thác tiềm năng của nó và
thực hiện thói quen thứ bảy này: tạo nên nguồn năng lượng cộng hưởng bằng tăng
cường trao đổi cởi mở mọi ý tưởng.
Năng
lượng cộng hưởng có thể khó xác định, nhưng, nói theo cách đơn giản nhất, đó là
nguồn năng lực sáng tạo được hình thành khi nhiều người khác nhau được kết nối
hài hòa với nhau. Bạn biết đó, mỗi người mỗi khác, và mỗi cá nhân đều có nhiều
ưu và nhược điểm riêng. Cho nên khi các nhóm cùng làm việc chung với nhau, họ
thực sự có thể củng cố những điều tích cực cho nhau trong khi giảm thiểu những
điều tiêu cực. Kết quả là, toàn thể một khối tốt đẹp hơn được hình thành.
Điều
này có thể xảy ra trong bất kỳ bối cảnh nào. Chẳng hạn như, hãy tưởng tượng một
lớp học mà ở đó tất cả học sinh đều có quyền tương tác và trao đổi mọi ý tưởng
một cách tự do. Điều gì sẽ xảy ra? Một số học sinh nêu câu hỏi với vẻ khiêu
khích, một số khác sẽ đưa ra những câu trả lời có nội dung phong phú, và những
học sinh khác nữa sẽ nâng cuộc thảo luận lên với nhiều hiểu biết sâu sắc thân
tình. Cuối cùng, bạn có thể dạy chệch giáo án, nhưng học sinh nào cũng học hỏi
được nhiều điều hơn.
Cách
thức để khuyến khích năng lượng cộng hưởng là tạo ra môi trường mà trong đó mỗi
người đều cảm thấy an toàn và được tôn trọng. Điều này đòi hỏi vận dụng thêm
những thói quen khác, giống như tư duy mọi-người-cùng-thắng và lắng nghe thấu
cảm. Khi những thói quen này được áp dụng vào thực tiễn, có khả năng cao mọi
người cùng chia sẻ những ý tưởng, gia tăng phần đóng góp cho nhau, và đánh giá
cao những kỹ năng khác nhau những người khác mang lại.
Tình
trạng này hoạt động hiệu quả đối với David Lilienthal. Khi ông điều hành Ủy Ban
Năng Lượng Nguyên Tử tại Hoa Kỳ sau Thế Chiến II, ông đã tập hợp được một nhóm
gồm những người có năng lực cao. Tuy nhiên, mỗi chuyên gia đều có những quan
điểm mạnh mẻ riêng đến nỗi nhiều lúc đối chọi với các quan điểm của nhiều người
khác. Do vậy, Lilienthal đã xếp lịch làm việc nhiều tuần lễ cho các buổi họp
nhóm để mỗi thành viên có thể chia sẻ niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, và nguyên do
của mình đối với chương trình. Những buổi thảo luận công khai này đã tạo được
bầu không khí tin tưởng và thấu hiểu. Cuối cùng, Ủy ban đã phát triển được một
môi trường sáng tạo với năng suất cao.
Giống
như một hệ sinh thái phong phú gồm nhiều giống loài quan hệ liên kết với nhau,
những nhóm có hiệu suất cao nhất là nơi những thành viên liên kết và nâng đỡ
lẫn nhau – nơi bạn để cho nguồn năng lượng cộng hưởng bừng nở.
Tia sách 8
Dành thời gian để chăm
sóc bản thân.
Hãy
hình dung bạn là một thợ đốn cây rừng cần mẫn. Mỗi ngày bạn đi vào rừng và bắt
tay chặt hạ cây. Một vài cây đầu tiên thì dễ. Phụp, phụp, phụp, một cây đã đổ
nhào. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn nhận thấy một chiều hướng gây khó chịu.
Mỗi cây ngày càng cần nhiều nhát chặt hơn mới chịu đổ xuống. Đến cuối tuần, đốn
đổ được một thân cây mất hết cả buổi chiều.
Điều
gì xảy ra sai lạc ở đây? Đó là một sai lầm đơn giản. Trong khi bạn cần mẫn làm
việc, bạn quên khuấy không chăm chút dụng cụ lao động của mình. Cái rìu trân
quý của bạn, một thời sắc lẹm và sáng loáng, nay thì cùn lụt và vô dụng.
Như
câu chuyện ngụ ngôn này chỉ ra, ngay cả những người thợ tận tâm và nhiệt thành
nhất rốt cùng cũng phải kiệt lực nếu họ không có thời gian nghỉ ngơi. Vì lý do
này, thói quen thứ bảy cũng là cuối cùng của những người có hiệu suất cao là
nghỉ ngơi và tái tạo. Hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân.
Khi
bạn nỗ lực hoàn thành những tham vọng, bạn dễ dàng bị cuốn hút vào những hành
động hướng ngoại mà bỏ mặc việc bảo dưỡng sự an khang của bản thân. Hẳn nhiên,
đây là sự bỏ sót nguy hiểm, bởi vì nếu không có một cơ thể, trí óc, và tâm hồn
được nuôi dưỡng tốt, tất cả những thói quen hiệu quả khác của bạn sẽ bắt đầu bị
thương tổn. Do vậy, phân bổ thời gian và năng lượng để tái tạo bản thân liên
tục theo bốn phương diện khác nhau là vô cùng quan trọng.
Trước
tiên là phương diện thể chất. Điều này có nghĩa là chăm sóc cơ thể bằng thường
xuyên luyện tập thể dục, chế độ dinh dưỡng thích hợp, và ngủ nghỉ đầy đủ. Phát
triển những thói quen lành mạnh này sẽ cho bạn sức chịu đựng dẻo dai để duy trì
hoạt động suốt thời gian dài.
Phương
diện thứ hai là về tinh thần. Tái tạo phương diện này là kết nối với chính
mình, những giá trị của mình, và cái đẹp trong thế giới xung quanh. Mỗi ngày,
hãy bỏ ra ít phút để lắng đọng tâm tư, cầu nguyện, hoặc trầm tư mặc tưởng. Bạn
sẽ thấy những thực hành như vậy giữ cho bản thân được tập trung và sẵn sàng đối
mặt giải quyết nghịch cảnh.
Phương
diện thứ ba là về tâm trí. Giống như cơ thể, não bộ của bạn cũng cần luyện tập
thường xuyên. Duy trì trí óc nhạy bén bằng luôn học hỏi những điều mới mẻ. Tập
luyện những kỹ năng mới, đọc sách mới, hoặc cố gắng học một ngoại ngữ. Những
hoạt động yêu thích này làm phong phú đời sống của bạn và giúp bạn thường xuyên
kết nối với thế giới xung quanh.
Phương
diện thứ tư cũng là phương diện cuối cùng liên quan đến khía cạnh cảm xúc và xã
hội trong đời sống của bạn. Theo đuổi tính hiệu quả không có nghĩa là bạn phải
hy sinh đời sống xã hội của bạn. Mà trái lại, trên thực tế - nuôi dưỡng các mối
quan hệ nghề nghiệp và cá nhân của bạn đều tối hệ trọng. Hãy thường xuyên thăm
hỏi những người bạn yêu thương, chuyện trò cùng đồng nghiệp, và vui chơi cùng
con cái.
Nếu
bạn cam kết luôn làm mới mỗi phương diện này, bạn sẽ không ngừng gặt hái nhiều
thành quả. Nắm vững những thói quen này, bạn sẽ luôn sẵn sàng để hành động như
một người có hiệu suất lớn.
Kết luận
Tóm tắt cuối cùng
Thông
điệp chính của những tia sách này:
Tự hoàn thiện không phải là ghi nhớ một loạt những lối đi tắt
hoặc mẹo vặt mà chỉ có tác dụng trong một số tình huống nào đó. Thay vào đó,
phương pháp có ý nghĩa nhất để cải thiện cuộc sống của bạn và để trở nên hiệu
quả hơn là phải phát triển cho được những thói quen mạnh mẽ dựa trên những
nguyên tắc dẫn đường. Là người có hiệu suất cao, bạn nên:
Một.
Chủ động kiểm soát phản ứng của mình đối với những chuyện xảy ra.
Hai.
Bắt đầu mọi việc với suy nghĩ về kết quả mong muốn.
Ba.
Ưu tiên hóa bằng việc đặt lên hàng đầu những điều cần làm trước nhất
Bốn.
Luôn hướng tới viễn cảnh mọi người cùng có lợi.
Năm.
Xây dựng những mối quan hệ bền chặt hơn bằng cách thấu hiểu người khác.
Sáu.
Kiến tạo nguồn năng lượng cộng hưởng mạnh mẽ bằng tăng cường trao đổi cởi mở.
Cuối
cùng là số bảy. Bảo đảm dành đủ thời gian cho bản thân.
Khi
bạn đã biến những thói quen này thành nội lực và bồi đắp được cam kết thực hiện
chúng về lâu về dài, bạn sẽ từng bước thu hái thành quả của cuộc sống tích cực
hiệu quả.
Lời
khuyên thiết thực
Luôn tiến lên theo lộ trình xoắn ốc.
Nhận
ra thành tựu và cam kết tiếp tục hoàn thiện bản thân đều quan trọng như nhau.
Luôn ý thức rõ hành trình tự hoàn thiện bản thân bằng theo dõi sát những thành
công của mình. Lập một bản danh sách những phẩm chất mà bạn mong muốn phấn đấu
đạt đến và hàng tuần đánh giá hiệu quả bạn đã đạt được. Thấy được thành công
mình đã đạt được sẽ giúp duy trì tinh thần cao và động viên bản thân thăng
tiến.
những thói quen này rất cần thiết
ReplyDelete