December 26, 2024

HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGÃ (7)

 HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGà

DAVID HAWKINS, M.D., Ph. D. 

Phạm  Nguyên Trường dịch 


7

 DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA VÀ SỰ THẬT 

Con đường dâng hiến, hay con đường của trái tim, là một cách tiếp cận khác mà các đệ tử tâm linh có thể đi theo. Không chỉ là sự tuân thủ một cách ngoan đạo, dâng hiến đòi hỏi người tìm kiếm tâm linh phải phó thác tất cả những khuynh hướng của tự ngã cho điều vĩ đại hơn—cho Sự thật của chính Thần tính. Khi đó, cách tồn tại của người đó trở thành tình yêu: tình yêu dành cho Chân lý và Thiên Chúa và sẵn sàng buông bỏ và phó thác bất cứ cái gì cản trở trải nghiệm tình yêu này. 

Bản ngã dường như sụp đổ từng phần một. Một khi niềm tin vào thực tại của bản ngã là tự ngã thực sự bị phá hoại, thì quá trình tan rã của nó đã bắt đầu. Khi lòng trung thành của người ta chuyển từ bản ngã sang thực tại tối thượng của Thiên Chúa, thì khoảng trống đã được tạo ra. Ân sủng của Thiên Chúa - thể hiện qua Chúa Thánh Thần - chảy vào không gian đó.

***

Nỗ lực tìm hiểu về Chúa là một khát vọng cao quý và cao nhất.

***

Một cách tiếp cận hữu ích là để tình yêu dành cho Thiên Chúa thay thế cho thái độ cố chấp thúc đẩy công việc tìm kiếm. Người ta có thể thoát khỏi mọi ham muốn tìm kiếm, và nhận ra rằng suy nghĩ rằng có bất kỳ điều gì khác ngoài Chúa là phù phiếm vô căn cứ. Đây chính là sự phù phiếm, tự nhận mình là tác giả của những trải nghiệm, suy nghĩ và hành động của mình. Suy nghĩ kỹ, có thể thấy rằng cả cơ thể và tâm trí đều là kết quả của vô số điều kiện của vũ trụ, và người ta, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là nhân chứng của sự hòa hợp này mà thôi.

***

Từ tình yêu vô bờ bến dành cho Thiên Chúa xuất hiện sẵn sàng từ bỏ mọi động cơ, ngoài động cơ phụng sự trọn vẹn Thiên Chúa. Trở thành tôi tớ của Chúa là mục tiêu của người ta chứ không phải là chứng ngộ. Trở thành một kênh hoàn hảo cho tình yêu của Thiên Chúa là phó thác hoàn toàn và loại bỏ mục tiêu tìm kiếm của bản ngã tâm linh. Chính niềm vui trở thành người khởi xướng cho công việc tâm linh diễn ra trong những giai đoạn sau.

***

Cuối cùng, người ta sẽ phát hiện được rằng buông bỏ tâm trí thực sự là món quà tuyệt vời nhất mà người ta có thể có.

***

Nếu, trong từng sát na đang trôi qua của mỗi khoảnh khắc, người ta đều hoàn toàn sẵn sàng phó thác cho nó, thì người đó có thể đột ngột siêu việt bản ngã chỉ trong nháy mắt. Và sau đó sẽ là con đường dẫn tới Chứng ngộ, trong đó Ánh sáng của Thiên Chúa như là Đại ngã sẽ mặc khải Cội nguồn của tất cả Tồn tại và Thực tại.

***

Nếu bản ngã không có quá khứ, hiện tại hay tương lai để tập trung vào, nó sẽ im lặng và được thay thế bằng sự im lặng của Hiện diện. Do đó, con đường dẫn đến “đốn ngộ” lúc nào cũng có ở đó. Nó xảy ra một cách tự nhiên, đấy là khi người ta buông bỏ được sức quyến rũ của câu chuyện về “tôi” (me) trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Vọng tưởng về “hiện tại” được thay thế bằng thực tại của “Mãi mãi”.

***

Đệ tử tâm linh thường tìm cách chuyển hóa, vượt qua hoặc phá bỏ bản ngã, trong khi tất cả những việc cần làm chỉ là buông bỏ nó. Cần phải xây dựng và củng cố lòng tin, đức tin và tự tin vào Thực tại của Thiên Chúa. Khi từ bỏ tìm kiếm danh lợi, cuộc sống sẽ trở nên tương đối dễ dàng và bình an.

***

Tâm trí của người khao khát tâm linh phải vượt qua và từ chối mọi cám dỗ. Sau đó, người ta sẽ thấy rằng không mất mát gì hết, vì cám dỗ chỉ là một vọng tưởng khác mà thôi. Người khao khát tâm linh từ bỏ sự phù phiếm của ý kiến và nhiệm vụ cứu rỗi thế gian. Tiến hóa tâm linh ở bên trong của người đó có giá trị lớn hơn đối với xã hội, lớn hơn bất kỳ hình thức hành động nào khác. Từ bi tỏa ra và đóng góp thầm lặng cho trí huệ của nhân loại.

***

Nếu không có niềm tin vào biệu hiện bên ngoài của nó - được định nghĩa bởi tri giác - thế giới mà chúng ta nghĩ là có thật sẽ không còn. Khi chúng ta quyết định trở thành một với tiềm năng ở bên trong, luôn có đó của niềm vui và bình yên, thế giới sẽ biến thành một công viên giải trí cực kỳ hài hước—và tất cả các xung đột đều được coi là chỉ là vở kịch mà thôi.

***

Bản ngã—hay chính xác hơn là niềm tin rằng mình là bản ngã—làm lu mờ Nhận thức về Thực tại của Đại ngã như là Nhất thể của Tất Cả Những Cái Đang Là. Hoà tan bản ngã dẫn đến giải thoát khỏi ràng buộc của những vọng tưởng tạo ra đau khổ. Có thể soi xét một cách kỹ lưỡng những vọng tưởng mà không cần sợ hãi, từ đó sẽ thấy những sai lầm bị che dấu. Công cụ duy nhất mà ta cần là hoàn toàn sẵn sàng phó tác tất cả niềm tin, quan điểm và thái độ cho Thiên Chúa.

***

Cốt lõi của bản ngã là kiêu hãnh ái kỷ; trong thâm tâm, nó nghĩ mình là Chúa. Không cần căng thẳng quá, nó có thể bị mắc kẹt trong những giả định bí mật, thổi phồng, nhị nguyên, chỉ có thể bị phá vỡ bằng thái độ khiêm tốn. Đây là cánh cửa dẫn đến tự do và trải nghiệm hạnh phúc.

***

Tiêu cực dựa trên lực lượng bên ngoài (có nguồn gốc động vật), chỉ có thể bị chế ngự bằng sức mạnh bên trong, có nguồn gốc Thần thánh. Do đó, về mặt hoạt động, cần phải yêu cầu và cầu khẩn sự giúp đỡ của Chúa bằng bất kỳ phương tiện sẵn có nào đó.

***

Đại ngã thực sự đưa bản ngã giả nổi lên để nghiên cứu, cuối cùng dẫn đến việc tháo rời cơ cấu của chính bản ngã. Lúc đầu, người tìm kiếm tâm linh cho rằng có một bản ngã cá nhân đang tìm kiếm Đại ngã. Trên thực tế, chính Đại ngã thực sự đang thu hút người tìm kiếm đến với nó.

***

Bản ngã coi sống còn là kiểm soát. Khi buông bỏ kiểm soát, nỗi sợ hãi nguyên thủy tiềm ẩn sẽ xuất hiện. Cuộc đời là kết quả của Thần tính của Cội nguồn của nó, đó là cuộc đối đầu tối thượng với chính cốt lõi của bản ngã.

***

Khi bình an được đánh giá cao hơn thú vui của bản ngã không thể nào thỏa mãn nổi, thì người ta sẽ phát hiện ra rằng nó luôn hiện hữu và có đó. Thậm chí 99,7% người dân không biết rằng người ta thậm chí có lựa chọn như thế. Do đó, tự do mà người ta chưa biết đang có đó: có thể chỉ cần chọn từ chối những khoản đầu tư của bản ngã vào thế giới và những suy nghĩ của mình về nó (tức là, phó thác nó cho Thiên Chúa).

***

Muốn phá vỡ sự kìm kẹp của tâm trí cần phải có thái độ khiêm nhường triệt để và ý chí mãnh liệt nhằm buông bỏ những động lực tiềm ẩn của nó. Ý chí này nhận được năng lượng và sức mạnh từ một ý chí khác—xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa—và đam mê buông bỏ yêu suy nghĩ để yêu Chúa.

***

Biết được điều kiện cần để vươn tới trạng thái Thần thánh sẽ đẩy nhanh tiến trình; nếu không, sẽ có kháng cự vô thức của sợ hãi, đấy là do vô minh. Có hiểu biết cần thiết thì sẽ khắc phục được sợ hãi này; do đó, không còn gì để sợ nữa, và mọi sợ hãi đều là vọng tưởng. Hiểu biết như thế cũng cần ngay cả khi đã vươn tới những trạng thái rất cao.

***

Một sự thật cơ bản có giá trị và hữu ích vô giá là câu châm ngôn: tất cả sợ hãi đều là sai lầm và không dựa trên thực tế. Khắc phục sợ hãi bằng cách đi thẳng qua nó cho đến khi người ta đột phá vào niềm vui mà sợ hãi đang chặn lại. Niềm vui sau khi đối mặt với bất kỳ nỗi sợ tâm linh nào xuất phát từ việc khám phá ra rằng đó chỉ là vọng tưởng không có cơ sở hay thực tại nào hết.

***

Tất cả các mô tả, dù có hoa mỹ hay tinh tế đến đâu, thực chất cũng chỉ là cách chúng ta đo lường và định nghĩa thông qua tri giác của mình về các phẩm chất được gán cho một đối tượng hay hiện tượng chứ chúng không tồn tại một cách độc lập. Không có gì là cái có thể được mô tả; do đó, mọi mô tả đều là những thứ mà vật đó không phải là.

Việc nhận ra Thực tại Tuyệt đối và Sự thật là món quà tuyệt vời nhất mà người ta có thể dành cho thế giới và toàn thể nhân loại. Do đó, công việc tâm linh, về bản chất, là phụng sự vô tư vô ngã và phó thác cho Ý chí của Chúa. Khi nhận thức của một người tăng lên, sức mạnh của trường ý thức đó tăng theo hàm số mũ—và tự nó, làm được nhiều việc hơn tất cả các nỗ lực hoặc cố gắng làm giảm bớt đau khổ của thế gian. Tất cả những nỗ lực như thế đều vô ích vì chúng chắc chắn bị dẫn sai đường vì bị bóp méo và là vọng tưởng của chức năng tri giác của chính bản ngã.

***

Không thể siêu việt “Tâm trí” bằng cách theo đuổi nó, mà chỉ có thể siêu việt bằng cách buông bỏ vọng tưởng về tâm trí như vị cứu tinh.

***

Người ta có thể phó thác ham muốn suy nghĩ cho Chúa, cách làm này sau đó nhanh chóng khơi dậy sợ hãi về sự sống sót của tâm trí. Lúc đó, người ta phải phó thác ý chí sống còn cho Chúa. Nếu một người thôi suy nghĩ, họ có thể cảm thấy lo sợ về việc trở nên vô tri, hoặc sợ mất ý thức. Không suy nghĩ được gọi là “ngớ ngẩn Thần thánh” hoặc “ngu ngốc Thần thánh”. Tuy nhiên, những gì thực sự cần biết sẽ tự mặc khải - không phải như là những ý nghĩ, mà là hiểu biết, thấu hiểu và nhận thức thông qua tổng thể.

Thực tại Vô biên Vô tế là toàn trí và không phụ thuộc vào việc nói, suy nghĩ và diễn đạt bằng ngôn từ. Bản ngã ái kỷ nghiện nói. Đối với Đại ngã nó chẳng có giá trị gì. Bản ngã/tâm trí tin rằng nếu nó ngừng suy nghĩ/cảm nhận, bản ngã cá nhân sẽ chết, vì nó là bản chất của hệ thống sinh tồn của bản ngã. Do đó, nó sợ hãi và tránh xa im lặng và tĩnh lặng. Bản ngã/tự ngã đồng nhất với những thứ tuyến tính, rời rạc, tách biệt và có thể xác định được; tức là nội dung.

***

Mọi người ở một tầng nhất định đều biết rằng họ “đang là”—bản ngã sau đó cãi cọ về các chi tiết của định nghĩa, nhưng Đại ngã không bị những trò lừa bịp đó lừa phỉnh. Mọi sự đồng nhát sai lầm đều có thể bị loại bỏ ngay khi người ta sẵn sàng phó thác mọi hoạt động tâm trí cho Chúa.

***

Trong quá khứ, con đường dẫn tới Chúa là thông qua trái tim (tình yêu, dâng hiến, phụng sự vô tư vô ngã, phó thác, tôn thờ và ngưỡng mộ) hoặc thông qua tâm trí (Advaita, hay con đường phi nhị nguyên). Mỗi con đường dường như thoải mái hơn ở một giai đoạn này hay giai đoạn khác, hoặc xen kẽ nhau. Tuy nhiên, nghĩ rằng có một bản ngã cá nhân hoặc một “tôi” hoặc một bản ngã đang nỗ lực hoặc tìm kiếm, hoặc sẽ trở thành chứng ngộ là cản trở. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi nhận ra rằng không có cái gì như là bản ngã hoặc một bản sắc “tôi” đang tìm kiếm; thay vào đó, đó là khía cạnh phi cá nhân của ý thức đang khám phá và tìm kiếm.

***

Chấp trước vào cốt lõi “tôi” của bản ngã là tin rằng nó là cội nguồn của đời sống, vì vậy buông bỏ nó dường như là người đó đang phó thác chính đời sống cho Thiên Chúa.

***

Xuất hiện những câu hỏi về nguồn gốc của khả năng thậm chí nhận ra Tồn tại hay Hiện hữu, và liệu những phẩm chất như vậy là bẩm sinh hay là sự chồng chất của những giả định của hệ hình thầm lặng. Người ta hỏi: “Do đặc điểm nào mà có thể nhận thức được trừu tượng, và phải chăng chính cái biết đó không chỉ đơn giản là tầng trừu tượng cao hơn?” Một lần nữa, mặc dù những câu hỏi này dường như là hàn lâm đối với trí tuệ, về mặt trải nghiệm, chúng là ưu tiên và có khả năng chuyển hoá sâu sắc như ánh sáng của các tầng ý thức. Ở những tầng  cao nhất, chúng là những đám mây cuối cùng che giấu sự rạng rỡ của mặt trời Thần tính.

***

Không có “người suy nghĩ” bên trong nào đằng sau những suy nghĩ, không có “người làm” nào đứng sau hành động, không có “người tìm kiếm” chứng ngộ. Thời điểm thích hợp thì tìm kiếm tự diễn ra và nó xuất hiện như là tiêu điểm của sự chú ý. Tất cả các khía cạnh và phẩm chất của ý thức đều tự vận hành và tiếp thêm năng lượng cho nhau dưới sự chỉ đạo chung của ý chí.

***

Trong Thực tại, mọi thứ đều hiển lộ theo lối tự phát số phận vốn có của bản chất của nó; để làm như thế, nó không cần bất kỳ sự trợ giúp bên ngoài nào. Với thái độ khiêm nhường, người ta có thể từ bỏ vai trò tự phong của bản ngã là vị cứu tinh của thế giới và phó thác trực tiếp cho Thiên Chúa. Thế giới mà bản ngã hình dung ra là phóng chiếu của vọng tưởng và định vị tùy tiện của chính nó. Không có thế giới nào như thế hết.

***

Theo quan điểm của bản ngã, giá trị là một khái niệm được tạo ra qua tâm trí và gắn liền với cảm xúc, trong khi Thực tại không đòi hỏi suy nghĩ. Với thái độ khiêm tốn, người ta có thể thành thật tuyên bố và chứng kiến ​sự kiện là mọi thứ chỉ đơn giản “là như thế”, không phụ thuộc vào giá trị được phóng chiếu ra ngoài. “Giá trị” nội tại của nó là nó “là”; do đó, tồn tại là trọn vẹn trong chính nó và không cần phải được đặt tên là “đặc biệt”. Khi Bản chất Thần thánh của Toàn bộ Sáng tạo tỏa sáng mà không bị cản trở, thì bản ngã/tâm trí sẽ kính sợ mà im lặng.

***

Mục đích cơ bản của công việc tâm linh và dâng hiến là siêu việt những giới hạn mang tính tiến hóa bẩm sinh của bản ngã và bằng cách đó, tiếp cận và phát triển khả năng mới chớm nở của chính ý thức, vượt qua mọi giới hạn của bản ngã/tự ngã. Lúc đó, Sự thật tự thể hiện nhờ Ân sủng của Thiên Chúa. Thần tính tự mặc khải với những người kêu cầu Ngài trong thời điểm mà Ngài cho là phù hợp. Tốc độ tiến hóa tâm linh có thể dường như là chậm, nhưng nỗ lực tâm linh thì không bao giờ là vô ích. Bước phát triển có thể nên rất đột ngột và rất lớn về quy mô và ảnh hưởng.

***

Nhiệt tình với Thiên Chúa, chứ không nhiệt tình với hệ thống niềm tin. Đó là quyết định thực sự duy nhất cần có và có thể áp dụng cho mọi tình huống và bất kỳ tình huống nào. Câu hỏi luôn luôn là liệu có nên theo đuổi công việc thế gian hay thay vào đó, hoà điệu với Sự thật của Thiên Chúa. Tìm kiếm chứng ngộ khác với tìm kiếm thành công trên thế gian này.

***

Cần có thái độ tôn trọng đối với nỗ lực tâm linh. Con đường thẳng và hẹp; đừng lãng phí thời gian hoặc công sức. Chính xác là kỷ luật vốn có đối với cam kết nghiêm túc. Một số đệ tử có thể vẫn đang trong giai đoạn khám phá, nhưng một khi lòng đầy nhiệt huyết, thì thôi thúc vươn tới Chúa trở thành một động lực không ngừng nghỉ—hoặc thậm chí, trong mắt thế gian, là “điên rồ”. Từ lúc đó trở đi, không còn kiên nhẫn để giải trí hay sao lãng nữa. Nó phụ thuộc vào quyết định, ý chí, tầng ý thức và khuynh hướng nghiệp lực. Khi tình yêu dành cho Chúa ngày càng mãnh liệt hơn, thì không cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào.

***

Tất cả sự thật cần biết đã được những người từng sống trên hành tinh này nói ra rồi. Tất cả Những bậc Thầy Vĩ Đại đều tuyên bố cùng một sự thật, vì không có sự thật nào khác. Sự Rạng Rỡ của Đại Ngã bên trong gọi mời và cung cấp nguồn cảm hứng và sức mạnh tâm linh. Hiện diện của Thiên Chúa bên trong là cội nguồn của tồn tại của một người; do đó, việc tìm kiếm cội nguồn của con người là phù hợp với Ý Chúa.

***

Cam kết của một người chỉ nên dành cho Thiên Chúa và Sự thật. Phải tôn trọng các bậc Thầy, nhưng lòng sùng kính chỉ dành cho Sự thật. Như Đức Phật đã nói: “Đừng đặt người khác lên trên chính mình”, có nghĩa là người thầy thực sự duy nhất của một người chính là Đại ngã (Phật tính).

***

Lựa chọn sự thật, an bình và niềm vui luôn có đó—mặc dù nó dường như bị chôn vùi đằng sau vô minh và không nhận thức được, là do đã chọn những thứ khác, ví dụ thói quen suy nghĩ. Sự thật bên trong tự mặc khải khi tất cả các lựa chọn khác đều bị từ chối bằng cách phó thác cho Chúa.

 

No comments:

Post a Comment