HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGÃ
DAVID HAWKINS, M.D., Ph. D.
Phạm Nguyên Trường dịch
PHẦN II
SIÊU VIỆT TỰ NGÃ
Như Tiến sĩ Hawkins giải
thích, khi siêu việt được tự ngã (bản ngã/tâm trí) Sự thật sẽ được tiết lộ. Có
nhiều con đường khác nhau dẫn đến Sự thật và Tự chứng ngộ, trong có con đường của
tâm trí, dâng hiến, thiền tập và chiêm nghiệm. Mỗi con đường nhấn mạnh một cách
tiếp cận hoặc phong cách khác nhau để đi đến cùng một đích đến. Phần này đề cập
đến những con đường khác nhau mà Tiến sĩ Hawkins đã nhấn mạnh nhằm tiến tới Tự
chứng ngộ.
CON ĐƯỜNG CỦA TÂM TRÍ
“Con đường của tâm trí”,
còn được gọi là “con đường của vô trí”, là theo đuổi Sự thật thông qua kiến
thức — bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng bản chất vọng tưởng của bản ngã và tâm trí
cùng với những chương trình khác nhau của chúng. Khi đó, chứng ngộ xảy ra bằng
cách buông bỏ những chương trình sai lầm này, bằng cách đó người ta nhận ra bản
chất của những thứ đang là. Trong những chiêm nghiệm này, Tiến sĩ Hawkins cung
cấp cho người khao khát tâm linh hướng đi rõ ràng để thoát khỏi “ngôi nhà của
những cái gương” của bản ngã. Chính quá trình nghiên cứu tâm trí đã bắt đầu làm
cho sự kìm kẹp của bản ngã giảm đi. Cảm giác về bản ngã bắt đầu thay đổi, và cảm
giác về “tôi” (I) bên trong của một người bắt đầu tiến triển qua các tầng ý thức.
***
Trong thực tại, bản ngã-tự
ngã hoàn toàn không nhất thiết phải chết: đời sống không kết thúc; tồn tại
không dừng lại; và hoàn toàn không có số phận khủng khiếp, bi thảm nào đang chờ
đợi nhằm kết thúc cuộc đời. Giống như bản ngã, toàn bộ câu chuyện là tưởng tượng.
Không cần phải phá hủy bản ngã hoặc thậm chí là làm việc với nó. Nhiệm vụ đơn
giản duy nhất cần hoàn thành là từ bỏ sự đồng nhất với bản ngã như tự ngã thực
sự của mình!
Cùng với việc từ bỏ đồng
nhất, tự ngã thực sự tiếp tục đi bộ và nói chuyện, ăn uống và cười đùa—điểm
khác biệt duy nhất là, giống như cơ thể, nó trở thành “cái đó” (that) chứ không
còn là “tôi” (me) hoặc “cái này” (this) nữa.
Vậy thì, tất cả những gì cần
làm là từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả và vọng tưởng cho rằng mình đã phát
minh ra hoặc tạo ra bản ngã này và thấy rằng đó chỉ là một sai lầm. Rõ ràng,
đây là một sai lầm rất tự nhiên và không thể tránh khỏi. Mọi người đều mắc phải
sai lầm này, và chỉ một số ít phát hiện ra sai lầm và sẵn sàng hoặc có khả năng
sửa sai.
***
Lên án, hận thù và mặc cảm
tội lỗi không thể khuất phục được bản ngã. Thay vào đó, phải làm mất năng lượng
của nó bằng cách nhìn nhận nó một cách khách quan, như bản chất thực sự của
nó—tức là, một tàn tích còn sót lại của nguồn gốc tiến hóa của con người.
***
Người ta hoàn toàn không
thực sự bị tâm trí chi phối. Những điều tâm trí tiết lộ là một dòng lựa chọn bất
tận, tất cả đều được ngụy trang thành ký ức, tưởng tượng, sợ hãi, khái niệm,
v.v. Muốn thoát khỏi sự thống trị của tâm trí, chỉ cần nhận ra rằng đoàn diễu
hành các chủ đề của nó chỉ là một quán ăn tự phục vụ tùy tiện lượn lờ trên màn
hình của tâm trí mà thôi.
***
Chỉ có thể vươn tới thái độ
khiêm tốn triệt để bằng cách giới hạn những suy nghĩ và ý kiến trong phạm vi
có thể xác minh được. Có nghĩa là, sẵn sàng từ bỏ mọi giả định của tư duy. Với
lòng kiên trì, những điều phù phiếm tưởng là sự thật biến mất và giờ đây được
coi là cơ sở của những sai lầm. Trong một vụ va chạm cuối cùng, người ta nhận
ra rằng tâm trí thực sự không “biết” bất cứ điều gì. Nếu nó biết bất cứ điều
gì, thì đấy chỉ biết “về”, và nó không thể thực sự biết—bởi vì thực sự biết có
nghĩa là trở thành cái được biết (ví dụ, biết về Trung Quốc không làm cho người
ta trở thành người Trung Quốc).
***
Giới hạn tâm trí vào những
điều có thể chứng minh được là làm giảm quy mô và ảnh hưởng của nó, để nó trở
thành đầy tớ chứ không phải là chủ nhân của người ta. Rõ ràng là thực ra tâm
trí xử lý các giả định, hình thức bên ngoài, sự kiện được nhận thức, kết luận
không thể chứng minh và các hoạt động mà nó coi một cách sai lầm là thực tại.
Không có thực tại nào được tâm trí dựng lên là thực sự tồn tại.
***
Khi xem xét một cách cẩn
thận, người ta thấy rằng tất cả các ý kiến đều vô giá trị. Tất cả đều là phù
phiếm và không có tầm quan trọng hoặc giá trị nội tại nào hết. Tâm trí của mọi
người đều chứa đầy những ý kiến bất tận, và khi được nhìn nhận đúng bản chất
của chúng, thì ý kiến thực ra chỉ là hoạt động của tâm trí. Tuy nhiên, quan
trọng hơn là, các ý kiến bắt nguồn từ và củng cố các định vị, và chính những
định vị này mang lại đau khổ bất tận. Buông bỏ định vị là không còn ý kiến, và
không còn ý kiến là buông bỏ định vị.
***
Nền tảng cho sự tồn tại và
khả năng thống trị của bản ngã là tuyên bố về quyền tác giả của tất cả các trải
nghiệm chủ quan. “Tôi nghĩ” cực kỳ nhanh chóng trong việc tự xen vào như là
nguyên nhân của tất cả các khía cạnh trong đời sống của người ta. Khó có thể
phát hiện được sự kiện này, trừ khi tập trung sự chú ý cao độ trong khi thiền định
về nguồn gốc của luồng suy nghĩ.
Khoảng thời gian giữa một
sự kiện được cảm nhận ở bên trong và tuyên bố về quyền tác giả của bản ngã là
khoảng 1/10.000 giây. Khi kẽ hở này bị phát hiện, thì bản ngã không còn thống
trị được nữa. Rõ ràng là người ta là nhân chứng của các hiện tượng chứ không phải
là nguyên nhân hoặc người tạo ra sự kiện. Khi đó, bản ngã được xác định là cái
đang được chứng kiến chứ không phải là nhân chứng hoặc người trải nghiệm…. Tóm
lại, có thể nói rằng bản ngã là tổng hợp các định vị được gắn kết với nhau bởi
sự phù phiếm và sợ hãi. Khiêm nhường triệt để sẽ làm cho nó tan rã, khiêm nhường
cũng làm suy yếu sự lan truyền của nó.
***
Muốn xoá bỏ sự thống trị của
nội dung của tâm trí, thì cần phải xóa bỏ vọng tưởng cho rằng suy nghĩ là cá
nhân; rằng chúng có giá trị; hoặc chúng thuộc về, hoặc bắt nguồn từ, chính bản
thân mình. Giống như cơ thể, tâm trí và nội dung của nó thực sự là sản phẩm của
thế gian.
***
Ý nghĩ “tôi biết” ngăn cản,
không cho người ta có nhận thức cao nhất về “Tôi là”. Từ biết là nhị nguyên và
giả định sự phân đôi giữa một chủ thể tách biệt—“người biết”—và một cái gì đó
phải được biết.
***
Thực tại trở thành hiển
nhiên khi những trở ngại của tri giác và hoạt động của tâm trí, trong đó có tất
cả các hệ thống niềm tin, bị loại bỏ.
***
Thực ra là không cần khuất
phục bản ngã, mà chỉ cần thôi đồng nhất với nó.
***
Thôi đồng nhất với cơ thể/cảm
xúc/tâm trí là “tôi”. Hãy trung thực và thừa nhận rằng chúng là của bạn nhưng
không phải là bạn. Lúc đầu, nghe như là giả tạo, lạ lẫm, xa lạ và không tự
nhiên; nhưng thực tế cơ bản là đó là sự thật ở tầng cao hơn, làm cho nó trở
thành một công cụ rất mạnh mẽ và đáng gờm. Tâm trí sẽ tìm cách phủ nhận thực tại
này cũng như phủ nhận sự thật (đó là việc mà nó “phải làm”) vì Sự thật được nhận
thức bằng trực giác là kẻ thù của nó.
***
Trong khi thông tin thông
thường được “thủ đắc” bằng nỗ lực, thì trong nỗ lực tâm linh lại nhấn mạnh từ bỏ,
buông bỏ và phó thác. “Công việc” bao gồm xác định định vị và sau đó siêu việt
sự kháng cự của bản ngã và từ bỏ sự kiểm soát hoặc chủ quyền vọng tưởng của nó.
Do đó, cốt lõi của công việc tâm linh là hoà điệu với việc xoá bỏ và giải phóng
tâm trí chứ không làm cho nó giàu có thêm.
***
Phức tạp là do tri giác của
bản ngã/tâm trí. Một con dao sắc có thể cắt đứt hàng trăm đối tượng khác nhau;
chỉ cần một hành động đơn giản. Tương tự như thế, chỉ cần một khái niệm chính
đơn giản là thoát khỏi mọi sự ràng buộc của bản ngã: bản ngã nghiện niềm vui/lợi
ích mang tính chủ quan. Đây là lợi ích bí mật của tất cả những ham muốn, giá trị
và sức hấp dẫn mà người ta tưởng tượng ra. Nó được khuếch đại bởi những giá trị,
sự hào nhoáng hoặc sự độc đáo mà người ta tưởng tượng ra. Chỉ có lợi ích, và
chính lợi ích này đơn giản là xếp chồng lên mọi thứ được mong muốn và do đó thu
hút chấp trước. Niềm vui gắn liền với hạnh phúc xuất phát từ đó; do đó, bản ngã
chỉ có một mục tiêu. Nhận thức rõ như thế tạo điều kiện cho chúng ta thoát ra
khỏi mọi hấp dẫn. Một mình động cơ này được phóng chiếu lên nhiều đối tượng,
con người, phẩm chất, sự kiện hoặc hoàn cảnh khác nhau.
***
Bản ngã thông minh có thể
rút ra được “nhựa sống”/phần thưởng của thỏa mãn và niềm vui bí mật từ bất cứ
thứ gì mà nó lựa chọn một cách tùy tiện. Thực ra, luôn luôn chỉ là một mục
tiêu, được lặp đi lặp lại. “Cái” mà nó mong muốn thực sự là không liên quan. Địa
điểm được nó tưởng tượng ra là “ở ngoài kia” nhưng thực tế là “ở trong này”, vì
niềm vui mà nó giành được là chủ quan và ở bên trong. Từ bỏ mục tiêu duy nhất
này sẽ tiết lộ Thực tại của Đại ngã—là cội nguồn bẩm sinh của tất cả hạnh
phúc—và Chứng ngộ nó sẽ chấm dứt mọi mong muốn và ham muốn. Hạnh phúc luôn luôn
xuất phát từ bên trong. Khoái lạc (pleasure) thì chóng qua; niềm vui (joy) và hạnh
phúc xuất phát từ bên trong.
***
Chìa khóa để siêu việt những
hạn chế cố hữu của bản ngã/tâm trí là khiêm nhường, nếu không khiêm nhường tâm
trí sẽ bị mắc kẹt một cách vô vọng trong ngôi nhà vọng tưởng của những cái
gương.
***
Khi hiểu được cơ cấu và chức
năng tiến hóa của bản ngã, thì việc tháo rời nó ra sẽ thuận lợi hơn, đấy là quyết
định ở bên trong: theo đuổi những gì là thực và vĩnh cửu chứ không theo đuổi những
thứ tạm thời, chóng qua và phù du.
***
Tâm trí con người cũng giống
như con tàu trên đại dương, nó không thể điều chỉnh hướng đi của mình nếu không
có la bàn hoặc nguồn tham chiếu bên ngoài, chẳng hạn như các vì sao. Quan trọng
là phải nhận ra rằng một hệ thống chỉ có thể điều chỉnh được khi nó có thể tiếp
cận một điểm tham chiếu bên ngoài (như hệ thống định vị toàn cầu), đóng vai trò
là cái Tuyệt đối mà tất cả các dữ liệu khác phải được đem ra so sánh với nó.
***
Siêu việt tâm trí là thấy
rằng nhiều và một là như nhau. Không có những thuật ngữ nhị nguyên tương phản
nhau của tâm trí: nhiều hay một, thì cả hai đều không tồn tại. Thay vào đó, chỉ
có thể có sự nhận thức: “Tất Cả Đang Là”.
***
Mọi ý kiến đều là phù
phiếm, không có giá trị nội tại, và thực ra là kết quả của sự ngây thơ.
***
Trong khi hoạt động của
tâm trí bình thường có thể được mô tả là nỗ lực liên tục để “giành được” một
cái gì đó, thì nhận thức tâm linh hoàn toàn không cần nỗ lực, thụ động và tự
phát. Nó “nhận” chứ không “thu”. Tương tự, khi âm thanh dừng lại, thì im lặng tự
bộc lộ. Không thể dùng nỗ lực hay cố gắng để có được nó. Với hoạt động của tâm
trí, người ta có thể kiểm soát; với mặc khải, hoàn toàn không có kiểm soát nào
hết. Không thể kiểm soát được khi không có gì để kiểm soát và không có phương
tiện để kiểm soát, ngay cả nếu kiểm soát là khả thi. Không thể thao túng được
cái phi hình tướng.
***
Từ suy nghĩ cho rằng chúng
ta là tâm trí của mình, chúng ta bắt đầu thấy rằng chúng ta có tâm trí—và chính
tâm trí có những ý nghĩ, niềm tin, cảm xúc và ý kiến. Cuối cùng, chúng ta vươn
tới nhận thức thấu triệt rằng, tất cả những ý nghĩ của chúng ta chỉ đơn giản là
mượn được từ cơ sở dữ liệu cực kỳ to lớn của ý thức và không bao giờ thực sự là
của chúng ta. Các hệ tư tưởng thịnh hành được tiếp nhận, hấp thụ và đồng nhất với
chúng ta; và đến thời điểm thích hợp, chúng được thay thế bằng những tư tưởng mới
đã trở thành những tư tưởng thời thượng đối với chúng ta. Khi chúng ta không
còn quá coi trọng những khái niệm thoáng qua như thế, thì chúng sẽ không còn khả
năng thống trị chúng ta nữa. Chúng ta trải nghiệm quyền tự do ngày càng gia
tăng của tâm trí và từ tâm trí.. Điều này dẫn đến nguồn gốc của niềm vui mới;
niềm vui của tồn tại tự trưởng thành khi ta tiến lên trên Bản đồ của Ý thức.
***
Chính việc đồng nhất với nội
dung của ý thức là nguyên nhân làm cho trải nghiệm về bản ngã là có giới hạn.
Ngược lại, đồng nhất với chính ý thức là biết rằng Đại ngã thực sự của người ta
là vô hạn. Khi vượt qua được sự tự đồng nhất giới hạn như thế thì cảm giác về tự
ngã đồng nhất với chính ý thức, và chúng ta trở thành “Giác giả”.
***
Theo định nghĩa, tâm trí -
trong khi đồng nhất với bản ngã - không thể hiểu được thực tại; nếu có thể hiểu
được, thì nó sẽ ngay lập tức tự biến mất, đấy cũng là lúc nó nhận ra bản chất vọng
tưởng của chính mình. Chỉ khi vượt qua nghịch lý của tâm trí, siêu việt bản
ngã, thì cái vốn Là sẽ tự thể hiện một cách rõ ràng và rực rỡ trong tính Tuyệt
đối vô biên vô tế của nó. Và rồi, tất cả những từ này đều trở thành vô nghĩa.
***
Lúc nào cũng nhận thức được
rằng bạn thực sự không phải là bản ngã. Xin đừng đồng nhất với nó.
***
Bằng cách hướng nội tìm,
người ta có thể thấy rằng có phần thay đổi và phần không thay đổi. Do đó, phần
thay đổi tự nhận mình là vọng tưởng.
***
Tâm trí chỉ có thể “biết về”,
chứ không thực sự biết được bản chất—là nhận thức phi ngôn từ, trong đó ý thức
và bản chất hợp nhất thành Nhất thể.
***
Thật nhẹ nhõm khi để tâm
trí trở nên tĩnh lặng và chỉ “có mặt” cùng với môi trường xung quanh.
***
Tâm trí đã được đưa vào kỷ
luật chỉ nên nói khi được yêu cầu làm một nhiệm vụ nào đó. Nếu không được huấn
luyện, tâm trí sẽ trở thành một nghệ sĩ phóng túng biểu diễn “trên sân khấu” và
tạo ra rắc rối. Bản ngã cần học cách tôn trọng Đại ngã và sự tĩnh lặng của Hiện
diện. Bằng cách quan sát tâm trí, sẽ thấy rõ ràng là tự ngã là đứa trẻ phá
phách, hỗn láo, luôn luôn muốn được người ta chú ý tới mình.
***
Thường thì việc cố gắng
ngăn chặn suy nghĩ hoặc buộc tâm trí phải im lặng mà không loại bỏ động lực và
phần thưởng của nó là việc làm vô ích. Có thể xác định và buông bỏ gốc rễ của động
lực của nó. Sau đó, thật ngạc nhiên là có thể đưa ra quyết định: Không nghĩ về
bất cứ chuyện gì. Có thể thực hiện được bằng cách hoà điệu với sự tĩnh lặng vô
biên vô tế mà từ đó suy nghĩ nảy sinh. Nó không nằm giữa các ý nghĩ, mà nằm
ngay trước khi ý nghĩ xuất hiện.
***
Xoá bỏ sự thống trị của
tâm trí có thể được thực hiện bằng một bước duy nhất—khiêm tốn—được củng cố bằng
cách đơn giản là nhận ra rằng tâm trí không phải là tối cao, toàn năng, hoặc thậm
chí không có khả năng phân biệt thật giả.
***
Hỏi: Làm sao buộc được
tâm trí im lặng?
Trả lời: Không thể. Tâm
trí tự động dừng lại khi không còn quan tâm đến nó nữa. Sẽ có ích hơn khi không
thừa nhận nó và thôi đồng nhất với nó như là “tâm trí của tôi”. Ý nghĩ là hệ quả
tự động của tầng ý thức đã được hiệu chỉnh cụ thể cộng với cá nhân hóa, chúng
có được giá trị nhờ những thứ như thế. Khi từ bỏ sự kích hoạt của ký ức, người
ta sống trong khoảnh khắc vừa xuất hiện chứ không bám vào quá khứ hoặc dự đoán
tương lai nữa.
***
Tâm trí dừng lại khi nó
không còn được tiếp thêm năng lượng ái kỷ nữa. Suy nghĩ thực chất là phù phiếm.
Khả năng sống sót là tự phát và tự chủ, là hệ quả mang tính nghiệp lực và tự động.
Ngay cả khi tâm trí trở nên hoàn toàn im lặng, cơ thể vẫn tiếp tục công việc của
mình như một món đồ chơi được lên dây cót bằng nghiệp lực.
***
Hỏi: Khi tâm trí biến mất
thì cái gì thay thế cho nó?
Trả lời: Trí tuệ thần
thánh mở ra. Ý thức/nhận thức vẫn còn, nhưng đó là năng lực hay điều kiện tự chủ.
Mất tâm trí không dẫn đến “hư vô”; ngược lại, nó được thay thế bằng Toàn thể.
Chiếc lá không phải là cây. Có thể từ bỏ bất kỳ sự đồng nhất nào với những gì
người ta nghĩ hoặc tin rằng mình là, vì không có gì trong số đó là thật, và “hư
vô” hoàn toàn chỉ là tưởng tượng.
***
Từ quan điểm tâm linh, tất
cả suy nghĩ đều là phù phiếm, vọng tưởng và khoa trương. Càng ít suy nghĩ, cuộc
đời càng trở nên thú vị. Cuối cùng, suy nghĩ được thay thế bằng cái biết. Cái
“đang là” thực sự không cần bất kỳ suy nghĩ nào hết. Do đó, sẽ có ích khi quyết
định dừng cuộc trò chuyện ở trong đầu và những lời lảm nhảm vô ích.
***
Từ chối ký ức, vốn là kho
chứa vọng tưởng rộng lớn, dẫn đến một cách tiếp cận rõ ràng đối với quá trình tự
vấn. Nó dẫn đến khám phá ra rằng thực ra là không có “người nào”; chỉ có nhận
thức. Bạn không phải là “ai” mà là “cái gì”.
***
Đối với người có nhận thức
cao, hầu hết mọi người dường như đi lại như thể họ đang ở trong trạng thái mơ màng,
vô thức nào đó và không nhận thức được chính mình. Tự quan sát dẫn đến thức tỉnh,
sau đó thúc đẩy mong muốn học hỏi, phát triển, trưởng thành và tiến hóa. Tự vấn
dẫn đến khám phá và mở ra các lớp làm khuất lấp Đại ngã. Với tự vấn, người ta
xem xét nền tảng của đức tin và niềm tin—và bằng cách thiết lập các kỹ thuật và
tiêu chí tâm linh, người ta khám phá ra sự xác thực bên trong của các chân lý
tâm linh cho chính mình. Do đó, lĩnh vực tìm hiểu là chức năng của ý thức/nhận
thức và cách thức mà nó đưa trải nghiệm bên trong của bản thân mình, người khác
và Thần tính vào bối cảnh.
***
Quá trình ở bên trong chủ
yếu là quá trình thôi cung cấp năng lượng cho vọng tưởng chứ không phải là thủ
đắc thông tin mới.
***
“Người trải nghiệm” là
ranh giới tri giác của ý thức/nhận thức không phụ thuộc vào bản chất của dữ liệu
đang được xử lý. Người ta đồng nhất với phẩm chất này như là “tôi” (me) hoặc
“tôi” (I). Bằng quan sát, người ta sẽ nhận ra rằng chức năng này là tự chủ và
phi cá nhân, mặc dù tự ngã tuyên bố đấy là bản sắc. Người trải nghiệm không phải
là “ai” mà là “nó”. Đó là hoạt động chức năng có tính tự chủ. Có thể so sánh nó
với một công cụ đa năng có khả năng xử lý và khám phá. Bản ngã/tự ngã phát triển
mạnh nhờ đặc điểm của “người trải nghiệm” và thực sự nghiện nó. Bằng chú ý và ý
chí, có thể từ bỏ sức hấp dẫn đấy quyến rũ của người trải nghiệm. Việc khuất phục
trước những trò mua vui, giải trí của nó chỉ là thói quen. Nó không phải là “bạn”,
mà chỉ là hoạt động mà tự ngã đồng nhất với mà thôi. Tâm trí nghĩ rằng nó sẽ
“trống rỗng” và trở thành hư vô nếu không có thông tin đầu vào tuyến tính liên
tục và tập trung vào “những sự kiện đang diễn ra”. Tuy nhiên, vào ban đêm, giấc
ngủ là sự giải thoát khỏi những huyên náo bất tận của người trải nghiệm. Do đó,
tâm trí nghĩ rằng chỉ có ba khả năng: (1) trải nghiệm; (2) ngủ (quên lãng); hoặc
có lẽ là (3) ngủ mơ. Nhưng trạng thái thứ tư, tâm trí bình thường không biết,
đó là chính nhận thức, độc lập với nội dung hoặc trải nghiệm—hoặc thậm chí là
tham gia, phân tích hoặc ghi lại. Phẩm chất cơ bản là không cần nỗ lực, yên
bình và phù hợp với lối sống chiêm nghiệm. Nó dẫn đến trạng thái mà trước đây gọi
là định (samadhi).
***
Một khi các ý nghĩ, giống như các đồ vật, không
còn bị cá nhân chi phối, thì chúng sẽ mất giá trị và mất sức hấp dẫn. Ý nghĩ và
cảm xúc xuất phát từ ham muốn, và tâm trí mong muốn những gì nó đánh giá cao.
***
Muốn xoá bỏ tâm trí, chỉ cần
lưu ý rằng không có gì có “giá trị” đặc biệt hoặc “đáng giá”, ngoài niềm tin được
đầu tư, xếp chồng lên nhau và phóng chiếu ra bên ngoài. Do đó, hãy rút lại giá
trị, vai trò quan trọng và thích thú
***
Những chuyển đổi quan trọng
xảy ra khi người ta từ bỏ tư duy mang tính khái niệm cùng với từ bỏ sự quan tâm
đến “trải nghiệm” hoặc sự đồng nhất với bản ngã/tự ngã và các chức năng xử lý của
nó.
***
Cùng với quá trình tu tập,
người ta có thể tập trung vào phẩm chất của ý thức như là một quá trình mà
không thực sự tham gia vào “cái” đang được xử lý hoặc trải nghiệm.
***
Thông qua quan sát, có thể
thấy rằng bên dưới những hình ảnh và từ ngữ, có một năng lượng thúc đẩy—mong muốn
suy nghĩ, duy trì hoạt động của tâm trí, bận rộn với bất kỳ thông tin đầu vào
nào mà tâm trí có thể tìm được để lấp đầy khoảng trống. Có thể phát hiện được động
lực “suy nghĩ”, vốn là phi cá nhân. Cùng với quá trình quan sát, có thể phát hiện
ra rằng hoàn toàn không có “tôi” nào suy nghĩ về những suy nghĩ. Trên thực tế, “tôi”
ít khi can thiệp.
***
Thực tại tâm linh là cội nguồn
lớn hơn của niềm vui và thỏa mãn, hơn hẳn những gì thế giới có thể cung cấp. Nó
là bất tận và luôn có sẵn trong hiện tại chứ không phải trong tương lai. Thực ra
nó thú vị hơn vì người ta học được cách sống trên đỉnh của khoảnh khắc hiện tại,
chứ không ở phía sau con sóng (quá khứ) hoặc ở phía trước con sóng (tương lai).
Sống trên đỉnh của khoảnh khắc này sẽ tự do hơn là trở thành tù nhân của quá khứ
hoặc kỳ vọng vào tương lai.
***
Nếu mục tiêu của cuộc đời
là làm tốt nhất những gì mình có thể làm ở mỗi khoảnh khắc đang mở ra của tồn tại,
thì thông qua công việc tâm linh, người ta đã thoát khỏi nguyên nhân chính gây
ra đau khổ. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng của hiện tại tuyệt đối, không có câu
chuyện cuộc đời nào để phản ứng hay chỉnh sửa. Với “nhất tâm” như thế, người ta
sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi thứ chỉ “như nó đang là,” không có bình luận
hay tính từ nào hết.
***
Khi tâm trí ngừng nói, người
ta nhận ra rằng mình là đời sống. Người ta chìm vào đời sống chứ không nổi ở
trên bề mặt, và nói về nó. Ngược đời là, nó cho phép tham gia một cách đầy đủ.
Khi thói ích kỷ giảm đi, thì niềm vui của tự do và dòng chảy tuyệt đối của đời
sống sẽ cuốn người ta buông bỏ hoàn toàn. Sau đó, người ta ngừng phản ứng với
cuộc đời để có thể tận hưởng nó một cách thanh thản.
***
Tiến bộ tâm linh là có thể,
vì tâm trí, thông qua hiểu biết, có thể đưa nội dung của bản ngã vào bối cảnh mới
và thấy rõ cơ chế của nó. Một khi sự kiện này xảy ra, người ta không còn “phó mặc”
một cách mù quáng cho bản ngã nữa.
***
Khi từ bỏ và buông bỏ được
những phần thưởng của bản ngã, thì sự kìm kẹp của nó đối với tâm lý sẽ giảm bớt,
và trải nghiệm tâm linh sẽ tiến triển khi những tàn dư của nghi ngờ dần dần được
loại bỏ. Kết quả là, niềm tin được thay thế bằng kiến thức mang tính trải
nghiệm, và chiều sâu cũng như mức độ sùng kính tăng lên và cuối cùng, có thể thay
thế và làm lu mờ mọi hoạt động và những quan tâm khác trên thế gian này.
***
Cuối cùng, người ta nhận
ra rằng hình tướng là do phi hình tướng và chúng là một và như nhau—nhưng trước
khi nhận xảy ra sự kiện này, chính hình tướng làm cho người ta phân tâm và chậm
trễ, tốt nhất là nên tránh.
***
Hỏi: Tạo điều kiện để
tiến bộ nhanh hơn bằng cách nào?
Trả lời: Tò mò là bản năng
của con người. Những lựa chọn mà chúng ta đưa ra sẽ hình thành nên những thói
quen tư duy, ảnh hưởng đến cách chúng ta tập trung vào các vấn đề trong cuộc sống.
Trong mỗi khoảnh khắc đều có tất cả các yếu tố cần thiết để nhận ra. Hãy tìm kiếm
bản chất chứ không chỉ biểu hiện bề ngoài. Mọi thứ đều hoàn hảo nếu được nhìn
nhận như nó đang là. Mọi thứ đều chính xác như “phải như thế”, dù sáng bóng và
mới hay hoen gỉ và đấy bụi.
Tránh dùng tính từ, vì tất
cả chúng đều là những phẩm chất mà chúng ta phóng chiếu lên, suy nghĩ ra. Sau
đó, người ta thậm chí có thể bỏ động từ và trạng từ vì không có gì thực sự là “đang
làm” bất cứ cái gì; nó chỉ là bẩm sinh. Chuyển từ trạng thái này sang trạng
thái khác là hiện tượng bắt nguồn từ bên trong người quan sát, coi trình tự như
là động từ. Nếu nhìn được trong thời gian chưa đến 1/10.000 giây, mọi thứ dường
như đứng yên.
***
Sai lầm xảy ra khi chúng
ta bám víu vào niềm tin cho rằng tôi là “cái đó”. Sự thật được hé lộ khi chúng
ta thấy rằng người ta có “cái đó” hoặc làm “cái đó”, chứ không phải là “cái
đó”.
***
Sẽ được rất nhiều tự do khi
nhận ra rằng tôi “có” một cơ thể và một tâm trí, chứ không phải tôi “là” tâm
trí hoặc cơ thể của tôi. Khi siêu việt được sợ chết, thì đời sống trở thành một
trải nghiệm đã được chuyển hoá vì sợ chết là nền tảng của tất cả những sợ hãi khác.
Rất ít người biết được sống mà không sợ hãi là như thế nào. Nhưng vượt qua nỗi
sợ hãi là niềm vui, lúc đó ý nghĩa và mục đích của tồn tại trở thành rất rõ
ràng. Khi nhận thức được như thế, đời sống sẽ trở thành dễ dàng, và nguồn gốc của
đau khổ không còn; đau khổ chỉ là cái giá mà chúng ta phải trả cho những chấp
trước của mình mà thôi.
***
Một rào cản lớn đối với tiến
hóa tâm linh và siêu việt đồng nhất giữa tự ngã với tâm trí là quá trình xử lý
dữ liệu, ký hiệu và từ ngữ thông qua quá trình suy nghĩ tuỳ tiện, mà người ta
cho là “đang suy nghĩ”.
***
Con người vọng tưởng cho rằng
mình không thể sống sót nếu không suy nghĩ. Không có chuyện như thế. Không cần
bất kỳ người nào phải có mặt ở đó. Không cần phải nghĩ rằng có một “tôi” chịu
trách nhiệm cho hành động của người đó. Mọi thứ đều tự làm. Chính sự phù phiếm
của bản ngã nói: “Tôi đã làm việc này; tôi nghĩ ra việc kia; tôi quyết định cái
nọ” Không có “tôi” nào hết. Tất cả đều tự quyết định và tự làm, tất cả đều tự
chúng (tự chủ) làm. Không cần phải có một “tôi.” Không có “người làm”; tất cả đều
“tự làm” một cách tự phát. Không có một cá nhân riêng biệt nào làm bất cứ điều
gì; hành động tự diễn ra. Chấm dứt quá trình khách thể hóa. Trải nghiệm chuyển
từ các trạng thái kế tiếp nhau sang chính quá trình, từ tuyến tính sang phi tuyến
tính; khách quan và chủ quan đều là một.
***
Bản ngã/tâm trí sợ rằng nếu
không suy nghĩ, nó sẽ (1) chán, và (2) không còn tồn tại. Tương đối dễ siêu việt
nhàm chán, đấy là thấy rằng nhàm chán chỉ là thất vọng vì không được những suy
nghĩ “thú vị” tạo ra cảm giác vui vẻ. Muốn siêu việt suy nghĩ, thì phải thực sự
tập trung lại vào việc tìm kiếm nền tảng mà từ đó xuất hiện suy nghĩ.
***
Bằng cách hiểu và chấp nhận
bản chất của bản ngã, có thể siêu việt được nó và cuối cùng, nó sụp đổ và biến
mất khi tất cả các định và tính nhị nguyên của nó đã được buông bỏ. Bản ngã không
trở thành chứng ngộ, mà thay vào đó, nó biến mất và sụp đổ. Sau đó, nó được
thay thế bằng Thực tại Siêu việt như Đức Phật mô tả; tức là, Phật Tính. Cũng giống
như mặt trời chiếu sáng khi mây không còn, Thực tại của Đại ngã tỏa sáng theo
cách riêng của nó như là Mặc khải, Nhận thức và Chứng ngộ
No comments:
Post a Comment