HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGÃ
DAVID HAWKINS, M.D., Ph. D.
Phạm Nguyên Trường
dịch
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!
Lời giới thiệu
Toàn bộ đời sống đều phản ánh quá trình tiến hóa của ý thức, từ quá trình tiến hóa của vi khuẩn đơn giản đến các tầng Chứng ngộ cao cấp của các Đại Giác Giả trên thế gian này. Scott Jeffrey đã nhận nhiệm vụ khó khăn là phác họa những sự hiểu biết cốt lõi diễn ra trên Con đường Vĩ đại này. Những tuyển tập này là những bước chuyển hoá đầy cảm hứng, bẩm sinh giúp đẩy nhanh hành trình tiến tới Chứng ngộ. Hiểu một cách trọn vẹn bất kỳ bước nào cũng sẽ làm sáng tỏ tất cả những bước khác. Đó là hành trình vĩ đại nâng người đọc từ những điều dường như tầm thường tới Nhận ra Vinh quang của Thiên Chúa.
— David R. Hawkins, M.D., Ph.D
DẪN NHẬP
Đệ tử tâm linh đương đại bị
thông tin và các hoạt động tấn công đến mức mất rất nhiều thời gian và không thể
chú tâm vào tu tập được nữa. Bộ sưu tập các bài viết về bản chất của bản ngã,
tâm trí và chính ý thức mà bạn đang cầm trên tay được thiết kế để có thể trở
thành cuốn sách bỏ túi cho những người tìm kiếm và đệ tử nghiêm túc của giáo lý
của Tiến sĩ David R. Hawkins, dễ dàng mang theo và chiếm ít chỗ trong cái tủ đầu
giường của bạn. Cho dù bạn đang ngồi tại bàn làm việc, xếp hàng tại ngân hàng,
nhâm nhi cà phê trong quán, đi bộ trong rừng hay chỉ nằm trên giường, thì Giải
thể bản ngã, Nhận ra Đại ngã cũng cung cấp những chiêm nghiệm tiện lợi về Sự thật.
Những câu trích dẫn và đoạn văn truyền cảm hứng cho chiêm nghiệm và tư duy cho các đệ tử được chọn lọc từ tất cả các tác phẩm cốt lõi của Tiến sĩ Hawkins—trong đó có Power vs. Force; The Eye of the I; I: Reality and Subjectivity; Truth vs. Falsehood; Transcending the Levels of Consciousness; Discovery of the Presence of God; and Reality, Spirituality, and Modern Man— cũng như nhiều tác phẩm khác, đã xuất bản và chưa xuất bản.
Những đoạn này được lấy trực tiếp từ các tác phẩm vừa dẫn bên trên, chỉ có một số thay đổi nhỏ cho phù hợp, vì có nhiều trùng lặp, và được phân loại theo chủ đề để thuận tiện cho người đọc. Cái hay là bạn có thể bắt đầu đọc ở bất kỳ đoạn nào mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng nhất, hoặc chỉ cần lật đến một trang ngẫu nhiên. (Nếu bạn thấy bất kỳ thuật ngữ nào không quen thuộc, xin vui lòng tham khảo phần Thuật ngữ ở cuối sách.)
Cách tiếp cận với quá trình tiến bộ về mặt tâm linh như Tiến sĩ Hawkins giải thích không phải là “đến một nơi nào đó”, vì không có “nơi nào” để đến. Thay vào đó, bạn được hướng dẫn để siêu việt bản ngã của mình và rũ bỏ mọi vọng tưởng để Sự thật được tiết lộ. Như Ông đã giải thích trong nhiều lần nói chuyện của mình: “Mặt trời luôn luôn chiếu sáng; bạn chỉ cần loại bỏ những đám mây”.
Giáo lý của Tiến sĩ Hawkins cho chúng ta thấy bản ngã/tâm trí chỉ là ngôi nhà phức tạp của những cái gương. Là vị thầy và nhà huyền môn lão luyện, ông hướng dẫn chúng ta thoát khỏi những méo mó và sai lầm của tri giác để đi vào Ánh sáng của chính Ý thức. Những lời dạy của ông là ngọn hải đăng của chân lý mà bất kỳ người khao khát tâm linh nào cũng có thể đi theo để vươn tới những tầng ý thức cao hơn.
Bạn sẽ thấy rằng Tiến sĩ Hawkins làm sáng tỏ vọng tưởng về tính nhị nguyên (cảm giác tách biệt giữa “cái này” đang quan sát “cái kia”) và bản chất thực sự của Tính chủ quan, Thực tại và Sự thật với độ chính xác chưa từng có trong sách báo tâm linh. Trong khi chắt lọc những chủ đề khó khăn và khó hiểu đối với tâm trí phương Tây, ông đã cung cấp cho đệ tử tận tụy món quà sáng suốt và định hướng tâm linh.
Những lời dạy của Tiến sĩ Hawkins không dành cho những người nhút nhát về mặt tâm linh; tức là những người quan tâm hơn đến những hệ thống niềm tin tiếp thêm năng lượng, xác nhận ý kiến và tuân theo giáo lý tôn giáo một cách mù quáng. Những đoạn được chọn ở đây là dành cho những người đang tìm kiếm ý nghĩa và kiến thức lớn hơn, và cuối cùng là Tự Chứng Ngộ.
Trong khi siêu việt vọng tưởng về tự ngã (nhỏ bé), người ta nhận ra Đại ngã (cao hơn)—Thực tại Tối thượng mà từ đó xuất hiện ý thức, vượt ra ngoài ngôn từ hay khái niệm. Phần thứ nhất của cuốn sách này khám phá bản chất thực sự của tự ngã nhỏ bé—bản ngã và tâm trí. Những phần tiếp theo là nói về siêu việt bản ngã và trải nghiệm Hiện diện phi nhị nguyên của Thần tính và Chứng ngộ.
Nhiều chủ đề và khái niệm trong cuốn sách này là lặp lại, tương tự như trong các trước tác cốt lõi của Tiến sĩ Hawkins. Làm thế là có chủ đích, vì Tiến sĩ Hawkins giải thích rằng các nguyên tắc phi tuyến tính được học thông qua lặp đi lặp lại chứ không như kiến thức tuyến tính, tuần tự. Chính là trong lúc đọc, đọc lại và suy ngẫm về ý nghĩa đằng sau các từ ngữ mà sự hiểu biết của người đọc sẽ chín muồi. Cuối cùng, giáo lý trở thành một phần của đệ tử (một thực tại chủ quan, mang tính trải nghiệm). Lúc đó, từ ngữ trở thành không cần thiết.
Chúc hành trình tâm linh của
bạn dẫn bạn đến Sự thật cao hơn….
— Cầu Chúa phù hộ cho bạn, Scott Jeffre
Phần I
TỰ NGÃ (BẢN NGÃ/TÂM TRÍ)
Quá trình siêu việt tới những tầng chứng ngộ cao nhất là quá trình buông bỏ sự đồng nhất với tự ngã cá nhân. Niềm tin vào một “tôi” (me) hay “tôi” (I)—một đơn vị xử lý trung tâm có cơ thể, tâm trí và cảm xúc riêng—là trở ngại đối với việc nhận ra bản chất thực sự của người đó. Tiến sĩ Hawkins giải thích rằng tự ngã (với chữ “s” viết thường)—sự kết hợp của bản ngã và tâm trí—giả định rằng có một “tác nhân nhân quả ở bên trong, ví dụ, ‘người thực hiện’ các hành động, ‘người suy nghĩ’ các suy nghĩ và ‘người quyết định’ các quyết định.” Chúng ta bắt đầu bằng cách khảo sát bản chất của bản ngã và tâm trí—cảm giác về tự ngã cá nhân—để chúng ta có thể được chuẩn bị tốt hơn nhằm siêu việt sự đồng nhất sai lầm này.
1.
BẢN CHẤT CỦA “BẢN NGÔ
Hawkins mô tả bản ngã là “người mà người ta tưởng tượng là đứng sau suy nghĩ và hành động”. “Tập hợp những thói quen cố hữu của tư duy” này, được sự đồng thuận của xã hội tăng cường và sự lặp lại một cách vô thức, tạo ra vọng tưởng về một tự ngã cá nhân. Mục tiêu chính của công việc tâm linh là siêu việt đơn vị xử lý trung tâm được cho là cực kỳ cần thiết cho khả năng sống sót này. Hiểu được bản chất của bản ngã sẽ cho thấy những cơ chế cơ bản của nó để chúng ta có thể rút lại giá trị mà chúng ta vô tình đã phóng chiếu lên nó, vá bằng cách đó tạo điều kiện cho tiến bộ về mặt tâm linh.
Sự thăng lên của ý thức được
thúc đẩy bởi nhận thức về bản chất mang tính tiến hóa của bản ngã và cơ cấu của
nó.
***
Nhận thức là quá trình thăng
lên. Thăng lên về mặt tâm linh là do hiểu được bản chất thực sự của bản ngã. Bản
ngã không phải là kẻ thù cần phải tấn công hay đánh bại, cũng không phải là cái
xấu cần phải khuất phục. Bản ngã được xoá bỏ bằng hiểu biết đầy từ bi.
***
Trong ngôn ngữ tâm linh, bản
ngã hàm ý phẩm chất tiêu cực, một trở ngại đối với nhận thức vì cơ cấu nhị
nguyên tuyến tính của nó. Tuy nhiên, trong tâm lý học, thuật ngữ này nói về các
kỹ năng đối phó và sinh tồn cần thiết nhằm xứ lý một cách hiệu quả các vấn đề của
thế gian.
***
Thế giới của bản ngã tương
tự như ngôi nhà của những cái gương mà bản ngã lang thang trong đó, nó lạc lối
và bối rối, khi nó đuổi theo những hình ảnh trong từng tấm gương. Cuộc sống của
con người có đặc điểm là có những thử thách và sai lầm bất tận trong khi người
đó tìm cách thoát khỏi mê cung. Đôi khi, đối với nhiều người—và có thể là đối với
hầu hết mọi người—thế giới của những cái gương trở thành ngôi nhà kinh hoàng
ngày càng tồi tệ hơn. Cách duy nhất để thoát khỏi chuyến đi lang thang quanh co
này là theo đuổi sự thật tâm linh.
***
Vì bản ngã được xây dựng từ
các định vị, nó không có lựa chọn nào khác ngoài cái mà nó đang là. Do đó, nó
trở thành nguồn gốc không thể tránh khỏi của đau khổ và mất mát bất tận. Trên hết,
nó sợ tương lai và bóng ma của chính cái chết, vốn là bản chất của cơ cấu của bản
ngã.
***
Bản ngã không phải là kẻ
thù cần khuất phục, mà chỉ là tổng hợp của những thói quen của tri giác chưa được
kiểm chứng.
***
Bản ngã có thể được coi là
một tập hợp các thói quen tư duy cố hữu là kết quả của sự cuốn hút bởi các trường
năng lượng vô hình thống trị ý thức con người. Chúng được củng cố bằng cách lặp
lại và bằng sự đồng thuận của xã hội. Chính ngôn ngữ cũng giúp củng cố bản ngả.
Suy nghĩ bằng ngôn ngữ là một hình thức tự lập trình. Sử dụng đại từ “tôi” làm
chủ ngữ, và do đó là nguyên nhân của mọi hành động, là sai lầm nghiêm trọng nhất
và tự động tạo ra tính nhị nguyên của chủ thể và đối tượng.
***
Trong thực tại không có cái
gọi là bản ngã; nó chỉ là vọng tưởng. Nó được tạo thành từ tổng hợp của các
quan điểm tùy tiện do quá trình xử lý trong tâm trí cung cấp và được cảm xúc và
tình cảm cấp thêm năng lượng. Những ham muốn này là những chấp trước mà Đức Phật
đã nói đến như là những ràng buộc của đau khổ. Với thái độ khiêm nhường tuyệt đối,
bản ngã sẽ bị giải thể. Đó là một tập hợp các quá trình xảy tuỳ tiện ra trong
tâm trí, nó chỉ có sức mạnh vì phù phiếm và thói quen. Nếu người ta buông bỏ sự
phù phiếm của suy nghĩ, thì nó sẽ bị giải thể. Mọi suy nghĩ đều là phù phiếm. Mọi
ý kiến đều là phù phiếm. Do đó, khoái lạc của phù phiếm là cơ sở của bản
ngã—hãy rút phích cắm ra và nó sẽ sụp đổ.
***
Bản ngã không phải là xấu
hay kẻ thù, nó chỉ là một vọng tưởng cần giải phóng để một cái gì đó tốt hơn hẳn
có thể thế chỗ cho nó.
***
Bản ngã là người làm mà
người ta tưởng tượng ra đằng sau suy nghĩ và hành động. Người ta tin rằng nó là
cần thiết và thiết yếu cho sự sống còn. Lý do là đặc điểm chính của bản ngã là tri
giác, và là tri giác, nó bị giới hạn bởi hệ hình nhân quả.
***
Bản ngã sợ bị xoá bỏ và do
đó, chống lại việc buông bỏ vọng tưởng về sự tồn tại riêng biệt trong “ở đây” mà
nó tưởng tượng ra và “bây giờ” mà nó tưởng tượng ra. Nó sợ rằng nó sẽ tan rã
thành hư vô, và do đó, nhận thức có ý thức cũng sẽ chấm dứt. Trong quá trình
xem xét, sẽ thấy rõ rằng thực tại của một người hoàn toàn không phải là “ai”,
mà thay vào đó là Toàn thể yêu thương mãnh liệt, được nhận ra và được biết là gần
gũi hơn, thoải mái hơn và thoải mái hơn hẳn so với cảm giác trước đây về “Tôi”.
***
Bản ngã có thể được gọi là
bộ xử lý trung tâm và trung tâm lập kế hoạch— trung tâm tích hợp, điều hành, chiến lược và chiến thuật dàn dựng, đối
phó, sắp xếp, lưu trữ và truy xuất.
***
Khi chúng ta tiến gần hơn
đến việc khám phá ra nguồn gốc của sự ngoan cường của bản ngã, chúng ta sẽ có một
khám phá quan trọng đáng kinh ngạc, nói rằng chúng ta say mê tự ngã của mình.
***
Bản ngã bí mật “yêu” và
bám vào quan điểm mình là nạn nhân và thu được niềm vui méo mó và biện minh
nghiệt ngã từ đau đớn và đau khổ.
***
Một cơ chế mà bản ngã sử dụng
nhằm bảo vệ mình là phủ nhận dữ liệu gây đau đớn và phóng chiếu ra thế giới và
những người khác.
***
Bản ngã bám rất chặt và do
đó dường như phải có những điều kiện khắc nghiệt trước khi nó từ bỏ định vị của
mình. Thông thường phải thông qua trải nghiệm tập thể của hàng triệu người
trong suốt nhiều thế kỷ người ta mới học được ngay cả những điều dường như là sự
thật đơn giản và hiển nhiên—mà cụ thể là, hòa bình tốt hơn chiến tranh hay tình
yêu tốt hơn hận thù.
***
Mặc dù tầng chính trực (tầng
200 trên Bản đồ ý thức) chính là ngưỡng của tiến bộ về mặt tâm linh, người ta
có thể thấy rằng do cơ cấu của bản ngã, nên có thể khó vươn tới được tầng này.
Sức mạnh của bản ngã là như thế, chỉ có nội lực tâm linh mới có thể vượt qua được.
***
Bản ngã có những phương thức
xác định mang tính tri giác theo thói quen. Trước tiên, phải nhận dạng được chúng
thì mới có thể gỡ bỏ được. Người ta phải từ bỏ mặc cảm tội lỗi rằng mình có bản
ngã.
***
Quan trọng hơn, không phải
là bản chất của bản ngã, mà là đồng nhất với nó như là “tôi” (me), “tôi” (I) hoặc
“bản thân tôi” (myself). Bản ngã được thừa hưởng như “nó là” và thực sự là một “nó”
phi cá nhân. Vấn đề xuất hiện vì người ta cá nhân hóa nó và đồng nhất với nó.
“Nó” của cơ cấu bản ngã không phải là độc nhất vô nhị hay cá nhân, và nó tương
đối giống nhau (với những biến thể do nghiệp lực gây ra) ở tất cả mọi người. Thực
sự khác nhau giữa mỗi cá nhân là mức độ mà một người bị các chương trình của nó
bắt làm nô lệ. Do đó, mức độ thống trị được xác định bởi mức độ người đó đồng
nhất với bản ngã. Về bản chất, nó không có nội lực, và nội lực nhằm từ chối các
chương trình của bản ngã tăng theo hàm số mũ khi người đó tiến bộ về mặt tâm
linh. Đó là ý nghĩa thực sự của Bản đồ Ý thức. Những gì mà phần lớn mọi người đều
nghĩ là sự thật, nhưng thực ra đấy chỉ là ý kiến mà thôi.
***
Từ một bối cảnh rộng hơn,
chúng ta có thể thấy rằng bản ngã không phải là “xấu”, mà chủ yếu là một con vật
ích kỷ. Nếu không hiểu và chấp nhận “tự ngã động vật” tự tư tự lợi, thì không
thể làm cho ảnh hưởng của nó giảm đi.
***
Kỳ lạ là, khi ta chấp nhận,
làm quen với bản ngã và nhận thức nó bằng tâm từ bi thì sự kìm kẹp của nó sẽ yếu
đi; ngược lại, tự phê bình, lên án, sợ hãi và xấu hổ chỉ làm cho nó mạnh thêm.
***
Cám dỗ bắt nguồn từ bên
trong; nó chỉ đơn giản là mong muốn trải nghiệm phần thưởng của bản ngã và sự
thỏa mãn các xung lực, ngay cả khi đấy chỉ là sự tò mò hoặc mong muốn.
***
Bản ngã của con người
thích giả vờ rằng cái ác tồn tại “ở ngoài kia” và dụ dỗ tự ngã ngây thơ, bất hạnh
của mình vô tình rơi vào bẫy của quyến rũ. Kẻ cám dỗ thực sự là ham muốn của bản
ngã nhằm giành được lợi ích—lợi ích có thể là cảm giác, sự phấn khích, lợi thế,
uy tín hay niềm vui khi kiểm soát người khác.
***
Nguồn gốc tâm lý của cái gọi
là “ác” chủ yếu là sự ngây thơ trẻ con của những bản năng động vật nguyên thủy
của bản ngã trẻ con, vốn có xu hướng nổi giận nếu những xung động của nó bị quyền
lực bên ngoài cản trở. Cơn thịnh nộ mang tính đối kháng hoặc cuộc nổi loạn mang
tính ái kỷ là đặc điểm của bọn tội phạm, của các thanh thiếu niên hư hỏng, những
kẻ hiếu chiến và đạo đức gỉa thanh giáo; tất cả đều giống nhau.
***
Luôn ghi nhớ rằng bản
ngã/tâm trí không trải nghiệm thế giới, mà chỉ là tri giác của nó về thế giới
mà thôi.
***
Bản ngã không phải là “bạn”
thực sự; nó được thừa hưởng như một phần của việc sinh ra là một con người. Về
cơ bản, nó bắt nguồn từ thế giới động vật, và quá trình tiến hóa của ý thức đã
diễn ra thông qua những giai đoạn sơ khai của quá trình tiến hóa của nhân loại,
vì vậy có thể nói rằng tìm kiếm chứng ngộ là lặp lại lịch sử tiến hóa của loài
người.
***
Bản ngã là tập hợp các
chương trình, trong đó lý trí vận hành thông qua một loạt các thuật toán phức tạp,
nhiều lớp, nơi mà suy nghĩ tuân theo một số cây quyết định có trọng số khác
nhau được điều chỉnh bởi kinh nghiệm trong quá khứ, giáo dục, và các lực lượng
xã hội; do đó, nó không phải là một trạng thái tự tạo ra. Động lực bản năng được
gắn vào các chương trình này, bằng cách đó, nó làm các quá trình sinh lý tham
gia vào cuộc chơi.
***
Bản ngã nhận được niềm vui
và sự thỏa mãn khủng khiếp từ đau khổ và từ tất cả tầng không chính trực: kiêu
hãnh, tức giận, ham muốn, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và đau buồn. Niềm vui bí mật
của đau khổ có thể làm cho người ta nghiện. Nhiều người dành cả cuộc đời mình
cho nó và khuyến khích những người khác làm theo. Muốn ngăn chặn cơ chế này, phải
xác định niềm vui của phần thưởng và sẵn sàng phó thác cho Chúa. Vì xấu hổ, bản
ngã ngăn chặn nhận thức có ý thức về những âm mưu của nó, đặc biệt là bí mật của
trò chơi “nạn nhân”.
***
Hỏi: Các chương trình của
bản ngã sẽ không tiếp tục trừ khi chúng bí mật mang lại khoái lạc?
Trả lời: Đó là bí mật của
các bí mật. Phần thưởng là phần thưởng thỏa mãn khoái lạc. Bản ngã đã học cách
trở thành rất thông minh để sống còn. Nó có khả năng sử dụng bất kỳ thủ đoạn hoặc
mánh khóe nào của tự lừa dối và ngụy trang. Thế giới mà chúng ta chứng kiến
chỉ đơn giản là vở diễn của các bản ngã tập thể diễn ra trên sân khấu tri
giác của hình tướng và thời gian.
***
Thỏa mãn bản ngã thú vị và
gây nghiện hơn là bảo vệ mạng sống của con người, chứ chưa nói đến phẩm giá.
***
Bằng cách cam kết với sự
trung thực bên trong, chúng ta sẽ thấy rõ rằng nền tảng của các phản ứng của bản
ngã là niềm vui mà nó nhận được từ những phản ứng này. Có sự thỏa mãn ở bên
trong, đấy là phần thưởng của than thân trách phận, tức giận, thịnh nộ, căm
thù, kiêu hãnh, mặc cảm tội lỗi, sợ hãi, v.v. Niềm vui bên trong này, nghe có vẻ
bệnh hoạn, sẽ tiếp thêm năng lượng và lan truyền tất cả những cảm xúc này. Muốn
xóa bỏ ảnh hưởng của chúng, thì chỉ cần sẵn sàng từ bỏ và phó thác những niềm
vui bí mật bên trong đáng ngờ này cho Chúa và chỉ trông cậy vào Chúa để có được
niềm vui, hài lòng và hạnh phúc..
***
Muốn xóa bỏ bản ngã, thì
phải sẵn sàng từ bỏ trò chơi có thưởng này, với sự khoa trương về cảm xúc và lặp
đi lặp lại dữ liệu và câu chuyện nhằm biện minh cho quan điểm của nó. Người ta
sẽ nhận tháy rằng bản ngã khai thác mọi điều sai lầm và nó không có niềm vui
nào lớn hơn là đắm chìm trong “sự phẫn nộ chính đáng”. Nó chỉ “yêu” định vị hấp
dẫn đó, vì nó mang lại tưởng thưởng to lớn.
***
Hiện tượng nghiện ngập và
sự sống sót của bản ngã dựa trên nền tảng là niềm vui bí mật của thái độ tiêu cực,
người ta không thể từ bỏ được nó cho đến khi nhận ra, xác định và thú nhận nó
mà không hề xấu hổ hay có mặc cảm tội lỗi. Phải thấy rằng đây chính là cách mà
bản ngã—mọi người đều thừa hưởng—hoạt động, và nhận ra rằng thực ra nó hoàn
toàn không mang tính cá nhân.
***
Đối với bản ngã, việc từ bỏ
động lực tự tưởng thưởng được coi là mất mát. Bản ngã không tin tưởng Chúa và
do đó, nghĩ rằng nó chỉ có thể quay vào chính mình nhằm duy trì, tồn tại và hưởng
lạc. Bản ngã tin vào cơ chế của chính nó và không tin vào Chúa. Không nên chỉ
trích nó vì sai lầm này, vì nó không có nền tảng mang tính trải nghiệm để so
sánh. Biện pháp duy nhất để thoát khỏi nó là niềm tin cho rằng có một cách tốt
hơn. Nó nghe thấy sự thật tâm linh và bắt đầu tìm kiếm vào lúc tâm trí vỡ mộng
với những sai lầm của chính nó và không vươn lên được tới hạnh phúc. Cuối cùng,
nó nhận ra rằng sự thỏa mãn nghiệt ngã mà nó rút ra từ những cơn đau là sự thay
thế tồi tệ cho niềm vui.
***
Đối với bản ngã, lợi ích nằm
bên ngoài; đối với linh hồn, chúng nằm ở bên trong, vì niềm vui của tồn tại
luôn luôn có đó, không phụ thuộc vào nội dung hay hình tướng. Đối với linh hồn,
ngày nắng hay ngày mưa đều như nhau. Nhận thức tận hưởng phẩm chất chứ không nắm
chặt hình tướng. Do đó, nó có thể “ở cùng” mà không cần sở hữu hay kiểm soát.
Nhận thức không bị thúc đẩy bởi mục tiêu, mà thay vào đó, nó đánh giá cao khả
năng tìm kiếm niềm vui như nhau trong mọi hoàn cảnh.
***
Thái độ cứng nhắc và chống
lại quá trình hiệu chỉnh của bản ngã là do ích kỷ, kiêu ngạo và phù phiếm theo
kiểu ngã ái. Bản ngã tập thể của toàn bộ quốc gia làm cho họ sụp đổ và hủy diệt.
***
Bản ngã không chỉ không thể
đánh giá đúng các tình huống nguy hiểm mà còn sẵn sàng hy sinh đời sống vì mục
đích của chính mình. Do đó, bản ngã có khả năng làm chết người và thà “nhìn bạn
chết” chứ không chịu thừa nhận là mình sai.
***
Bản ngã che giấu, trong
khi nhận thức tiết lộ. Câu trả lời cho nhiều quan điềm của bản ngã còn khiếm
khuyết có thể được bao hàm trong sự tỉnh táo thường bị bỏ qua của “lẽ thường”.
***
Ở những tầng cao hơn, bản
ngã được coi là vọng tưởng, không có bất kỳ thực tại bẩm sinh nào.
***
Về bản chất, bản ngã là
ích kỷ ở mức cao nhất và hoàn toàn không có bất cừ nguyên tắc đạo đức nào.
***
Bản ngã là nạn nhân của
chính nó. Hướng nội tìm một cách nghiêm khắc, sẽ phát hiện được rằng bản ngã thực
sự chỉ đang “tạo ra huyên náo” để vui chơi và sống sót mà thôi. “Bạn” thực ra
là người thua.
***
Bản ngã bám vào cảm xúc, vốn
liên hệ mật thiết với định vị của nó; nó giả vờ nghĩ rằng nó không có lựa chọn
nào khác. “Phó thác cho Thiên Chúa” có nghĩa là ngừng nhìn vào bản ngã để tìm
kiếm an ủi và cảm giác phấn khích, mà, thay vào đó, khám phá niềm vui thanh thản,
vô tận của sự bình yên. Nhìn vào bên trong chính là tìm thấy nguồn ánh sáng bất
tận và luôn hiện hữu trong chính tâm trí.
***
Bản ngã bảo vệ những hạn
chế của chính mình bằng những lời phủ nhận đầy kiêu hãnh, do đó, nó trở thành nạn
nhân của chính mình.
***
Từ công trình phân tích
theo lối phát triển, sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu ý thức, người ta thấy rằng
dường như bản ngã của con người chủ yếu là sản phẩm và sự tiếp nối của sự hiện
diện của cốt lõi sinh tồn trong quá trình tiến hóa của động vật.
***
Trái ngược với thói kiêu
ngạo bẩm sinh của bản ngã, trí thông minh chân chính là phẩm chất của ý thức/nhận
thức và không dễ bị tấn công vì bản chất của nó là phi tuyến tính. Tuy nhiên,
nó được bản ngã sử dụng trong biểu hiện của nó như là tâm trí, sau đó tâm trí
trở thành và phục vụ cho động lực sinh tồn của bản ngã. Do đó, bản ngã thực sự
sử dụng tâm trí như vật ngụy trang và ẩn mình trong những cơ cấu khôn khéo của
nó. Nhận thức như thế làm rõ lý do vì sao sự ngụy trang của bản ngã dưới hình
thức tôn giáo và phá hoại những chân lý tâm linh đã là trung tâm của sự thống
trị của nó đối với các nền văn hóa lớn trong thời gian dài và làm hàng triệu
người chết.
***
Sự tồn tại dai dẳng của bản
ngã nguyên thủy trong con người được gọi là cốt lõi ái kỷ của “thói vị kỷ”, ở tầng
hiệu chỉnh dưới 200 (tầng chính trực quan trọng) nó chứng tỏ sự tồn tại dai dẳng
của bản chất nguyên thủy của tư lợi, coi thường quyền của người khác và coi người
khác là kẻ thù và đối thủ cạnh tranh chứ không phải đồng minh. Không có gì nguy
hiểm hơn là bản ngã được tôn giáo hóa.
***
Mặc dù bản ngã/tự ngã thường
nhận công lao vì giúp con người sống sót, nhưng cội nguồn thực sự của sự sống
là hiện diện của Thần tính như là Đại ngã. Chỉ nhờ có Đại ngã mà bản ngã mới có
khả năng tự duy trì. Nó chỉ là bộ tiếp nhận năng lượng sống chứ không phải cội
nguồn của nó, như nó tin tưởng.
***
Bản ngã là nhân vật chính
trong bộ phim đang diễn ra bên trong cuộc đời của mỗi người.
***
Bản ngã thông minh thể hiện
sự vĩ đại bên trong của mình bằng cách tìm cách thay thế Thần tính bằng cách
tuyên bố mình chính là Chúa (hoặc Nero, Caesar, v.v.), hoặc tuyên bố thẩm quyền
Thần thánh đặc biệt bằng cách tuyên bố rằng mình được Chúa ban cho và do đó được
uỷ quyền.
***
Quan điểm của bản ngã có đặc
điểm là phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi “cho người khác”. Cuối cùng, phần thưởng
của bản ngã là năng lượng duy trì bản ngã, vì nó không có niềm vui của năng lượng
tâm linh. Phần thưởng của bản ngã là cái thay thế cho Thần tính; do đó, nó duy
trì chủ quyền tối cao của mình và nó bí mật thuyết phục mình, nó tin một cách
thầm lặng rằng nó là cội nguồn của chính sự sống—tức là, nó là Thiên Chúa.
***
Tự mình, bản ngã sẽ không
bao giờ tìm kiếm sự rỗi. . . . Cơ chế để cứu rỗi là thông qua ý chí, mời gọi sự
can thiệp của Thần tính.
***
Đối với bản ngã, “muốn” được
coi là “nhu cầu” và “phải có”. Do đó, việc tìm kiếm của nó có thể trở thành
điên cuồng, và nó có thể vứt bỏ thái độ cần thận trọng. Do đó, ham muốn leo
thang đến mức trở thành tuyệt vọng và đòi hỏi bất kỳ sự hy sinh nào, trong đó cả
việc hàng triệu người phải chết. Nó phải có những gì nó muốn bằng mọi giá và nó
sẽ tìm được nhiều lý do để biện hộ cho chính mình. Nó loại bỏ lý trí bằng những
lời lẽ đao to búa lớn, được củng cố bằng cách đổ lỗi và ma quỷ hóa người khác,
vì bản ngã phải chiến thắng bằng mọi giá—bởi vì trong suốt hàng triệu năm tiến
hóa, nó đã chết nếu không được thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu của mình. Bản
ngã có trí nhớ rất dai và được củng cố trong suốt hàng triệu năm qua.
***
Cơ cấu của bản ngã là nhị
nguyên, nó chia tách sự thống nhất của Thực tại thành các cặp trái ngược nhau
và do đó, những thứ dường như là đối lập lại là sản phẩm và nội dung của tri
giác, bao gồm phóng chiếu. Quan điểm của bản ngã là tự lan truyền, vì phần thưởng
mà nó tìm kiếm một cách bí mật là chính cảm xúc. Bản ngã tự cao tự đại không có
cả khả năng kiểm tra thực tế cũng như khả năng cải thiện bằng lý trí, logic hay
duy lý.
***
Nghiện ngập những khuynh
hướng của bản ngã giống như tình trạng say xỉn: niềm vui được tạo ra từ những cảm
xúc tiêu cực. Do đó, các định vị tiêu cực có xu hướng là những thói quen tự duy
trì giống như nghiện ngập, dựa trên những giả định và sức quyến rũ ở bên trong
của việc thỏa mãn những bản năng cơ bản của động vật. Bằng cách lặp đi lặp lại,
cuối cùng chúng sẽ giành được quyền thống trị và kiểm soát, đó là mục đích bẩm
sinh ngay từ đầu của bản ngã ái kỷ.
***
Các tầng dưới tầng có điểm
hiệu chỉnh dưới 200 (tầng chính trực) có xu hướng tự lan truyền vì khoái cảm cảm
xúc quyến rũ của phần thưởng mang tính bản năng động vật của bản ngã.
***
Bản ngã hướng đến những điều
cụ thể và nội dung tuyến tính trong tầm nhìn của nó. Ảnh hưởng của nó đối với
chính tầm nhìn là có chọn lọc và hạn chế nhằm tập trung chủ yếu vào phía gần
hơn của các đối tượng (nhằm thao túng). Linh hồn hướng đến bối cảnh và toàn thể,
và do đó, bao gồm và tập trung vào phía xa hơn của các đối tượng. Trường của nó
là rộng chứ không phải cục bộ.
***
Trong cuộc sống bình thường,
bản ngã/tâm trí đi từ “chưa hoàn thành” đến “hoàn thành”, rồi từ “chưa trọn vẹn”
đến “trọn vẹn”. Ngược lại, con đường tâm linh là một hướng đi và phong cách sống,
từ trọn vẹn đến trọn vẹn như là các trạng thái tiến hóa. Các quan điểm của bản
ngã có tính tương tác và thường là lai ghép. Ví dụ, muốn thôi giận dữ có thể cần
sẵn sàng từ bỏ thái độ kiêu hãnh vốn là nền tảng của giận dữ, mà đến lượt mính,
nó lại phụ thuộc vào việc từ bỏ một ham muốn nào đó. Có nghĩa là buông bỏ sợ
hãi đã tiếp thêm năng lượng cho ham muốn, và một lần nữa, nó liên quan đến việc
buông bỏ mất mát mà người ta tưởng tượng ra, v.v.
Do đó, các động lực đan
xen và tương tác lẫn nhau, và việc buông bỏ chúng về mặt chức năng sẽ dẫn đến
các tầng tiếp theo, bao gồm tính nhị nguyên. Do đó, các lớp sâu hơn có xu hướng
làm nổi lên bề mặt niềm tin của một người về Chúa, những kỳ vọng tâm linh được
lập trình và các hệ thống niềm tin. Do đó, công việc tâm linh là vấn đề khám
phá, siêu việt các khái niệm của tâm trí, chẳng hạn như khái niệm về nhân quả.
***
Sự sống còn của bản ngã phụ
thuộc vào việc đánh bại sự thật vì nó phụ thuộc vào dối trá. Một là sự thật tâm
linh thách thức giả định của bản ngã rằng nó là tối cao.
Bản ngã nghiện việc trở
thành “đúng” (ví dụ, chính trị). Mục tiêu giữ thế thượng phong của bản ngã là
trở thành “đúng”. Do đó, đó là cốt lõi của phần thưởng của sự công chính. Bạn
có thể là người đúng mà không cần là người công chính, và bạn có thể công chính
mà không cần phải đúng.
***
Bản ngã tập trung vào một
điểm - người trải nghiệm - được lập trình để tìm kiếm khoái lạc và sự sống còn bằng
những thứ mà nó thu được. Nó coi hạnh phúc là thứ mà người ta thủ đắc, sở hữu
và liên kết. Do đó, người trải nghiệm được lập trình để “nhận”. Chức năng của
người trải nghiệm là nhận được khoái lạc và sở hữu nó. Nó không quan tâm đến
linh hồn trừ khi nó tình cờ trở thành người hướng tới tâm linh. Lúc đó, mục
tiêu của nó thay đổi, và nó phát hiện ra rằng cội nguồn của khoái lạc hoàn toàn
nằm ở bên trong. Khi nó phát hiện ra cội nguồn của khoái lạc là Đại ngã (chứ
không phải là tự ngã nhỏ bé), kết quả là không phụ thuộc vào thế gian nữa. Thỏa
mãn những ham muốn của bản ngã nằm trong miền tuyến tính. Hạnh phúc thực sự xuất
phát từ miền phi tuyến tính. Khi buông bỏ sự phụ thuộc vào người trải nghiệm để
có được niềm vui và hạnh phúc, người ta phát hiện được rằng cội nguồn của hạnh
phúc là sự tồn tại của chính mình, và nhận ra Đại ngã chính là hạnh phúc.
***
Lưu ý rằng khía cạnh người
trải nghiệm của bản ngã luôn sẵn sàng hưởng lợi từ những hiện tượng mà nó chứng
kiến, ngay cả khi chỉ để xác nhận thực tại của chính nó là “bạn” (you) của cái “tôi”
(I) cá nhân luôn luôn tự tin.
Bản ngã không muốn chấp nhận
rằng quá trình mở ra của những hiện tượng tuần tự là tự chủ và phi cá nhân. Nó
sẵn sàng nhảy vào để áp đặt một cảm giác, mà đến lượt mình, đấy lúc nào cũng là
quan điểm hay định vị của bản ngã, chẳng hạn như một ý kiến, hoặc ít nhất là một
mệnh lệnh để tuyên bố rằng nó là yếu tố cực kỳ cần thiết đối với bản sắc và ý
thức về thực tại của một người. Việc ngừng đồng nhất với người trải nghiệm như là
thực tại của chính mình là chuyển đổi to lớn từ nội dung nhị nguyên sang bối cảnh
phi nhị nguyên, và do đó, từ tự ngã sang Đại ngã.
***
Bản ngã không phải là thực
tại thực sự hay cội nguồn của sự sống hoặc sự tồn tại, và do đó dễ bị xoá bỏ.
Nó là nguyên thủy nhưng về bản chất không phải là chủ quyền tối cao. Nó chỉ thống
trị cho đến khi người ta nhận ra tính chất vọng tưởng của nó.
***
Chính cơ thể không thực sự
được trải nghiệm; thay vào đó, chỉ có các cảm giác của cơ thể được trải nghiệm.
Do đó, nhận thức về cơ thể chỉ đơn giản là cảm giác tổng hợp mà vùng cơ thể của
não ghi lại thông tin đầu vào và thông qua chức năng của tế bào thần kinh, nó sao
chép lại hình ảnh của cơ thể.
***
Chấp trước vào cơ thể là chấp
trước vào cảm giác và sự chồng chéo của khái niệm “của tôi” (mine); do đó, những
thứ là “của tôi” và do “tôi” kiểm soát phải là “tôi là người đó”. Sự đồng nhất
với cơ thể là kết quả của các định vị của bản ngã. Để thôi đồng nhất tự ngã với
cơ thể, chỉ cần coi cơ thể là “nó” chứ không phải là “tôi”.
***
Cảm giác về “người” mà
chúng ta đang là chủ yếu là sự đồng nhất với cơ thể, tính cách và
quá trình xử lý trong tâm trí
của nó, cùng với quá trình đầu tư cảm xúc kèm theo. Có thể hình dung ở trong
tâm trí để xem có thể mất bao nhiêu phần cơ thể hay cảm giác về nó mà vẫn giữ
được ý thức về “tôi”. Rõ ràng là “tôi” mang tính trải nghiệm có một cơ thể,
nhưng không phải là cơ thể này.
***
Cốt lõi ái kỷ của bản ngã hoà
điệu với việc mình là người “đúng”, dù “đúng” có nghĩa là đồng ý với trí tuệ
hay bác bỏ nó như là cái không có giá trị. Với thái độ khiêm nhường, người tìm
kiếm nghiêm túc sẽ khám phá ra rằng chỉ một mình tâm trí - dù có học tới mức
nào–không thể giải quyết được tình thế tiến thoái lưỡng nan của biện pháp xác định
và xác thực sự thật—đây là xác nhận bằng trải nghiệm chủ quan cũng như các tiêu
chí khách quan, có thể chứng minh được.
***
Có phần thưởng và thỏa mãn
bí mật khi người ta trở thành nạn nhân, kẻ tử vì đạo hoặc người thua.
***
Freud đã khám phá ra rằng,
vì mặc cảm tội lỗi, bản chất động vật của con người bị kìm nén, rồi sau đó phóng
chiếu lên người khác, hoặc lên một vị thần được cho là có cùng khiếm khuyết về
tính cách như con người. Trong quá khứ, ngược đời là, con người sợ hãi những phóng
chiếu của chính mình và nhầm lẫn Thần tính với mặt tối bị kìm nén trong bản chất
của chính mình. Không thể xoá bỏ bản ngã bằng cách lên án hay tự căm ghét chính
mình, mà đấy chính là biểu hiện của bản ngã, mà bằng cách chấp nhận và tâm từ
bi, nảy sinh từ việc hiểu được bản chất và nguồn gốc bên trong của nó.
***
Cần nhớ rằng tâm lý con
người giống như phần cứng của máy tính, nó vô tình chấp nhận bất kỳ phần mềm
nào mà người ta lập trình cho nó. Socrates đã từng nói: “tất cả những việc làm
sai đều là không cố ý, vì con người luôn luôn chọn những gì mình tin là tốt đối
với mình”. Con người chỉ đơn giản là nhầm lẫn về cội nguồn thực sự của lòng tốt
và hạnh phúc và do đó, đã nhầm lẫn khi chọn những thứ bên ngoài (vọng tưởng) chứ
không chọn Sự thật. Thay vì phỉ báng bản ngã—và đắm chìm trong mặc cảm tội lỗi,
xấu hổ và tự căm ghét chính mình—sẽ hiệu quả hơn hẳn nếu chấp nhận bản ngã như
nó đang là, trân trọng giá trị lịch sử của nó và chăm sóc nó như chăm sóc thú
cưng ngây thơ.
Chúng ta có thể chấp nhận
rằng bản ngã, “tất nhiên”, mong muốn lợi ích, lợi thế, lòng tham, v.v. Bằng
cách đơn giản là kỳ vọng nó như nó đang là, thì có thể chấp nhận được bản chất
của nó và sau đó siêu việt nó. Bản ngã chỉ làm những việc mà nó đã được đào tạo
để làm trong hàng thiên niên kỷ, và nó vẫn nghĩ rằng sự sống sót của nó phụ thuộc
vào việc tuân thủ và thực hành những chương trình của nó. Do quá trình tiến
hóa, những chương trình này đã trở thành sự đối lập với ý định của con người có
đạo đức hiện nay hay ý định của người tìm kiếm tâm linh nghiêm túc.
Khi tiếp cận bản ngã,
chúng ta nên nhớ rằng bản ngã được nuôi dưỡng và bị quyến rũ bởi năng lượng
tiêu cực của đau đớn, đau khổ, căm thù và mặc cảm tội lỗi—sau đó nó chấp trước vào
những thứ đó (nghiện). Nó bí mật nuôi dưỡng “nhựa sống” mà nó có được từ việc
trở thành kẻ tử vì đạo hoặc nạn nhân; và nó thích căm thù, là người “đúng” và trả
thù. Tầng ý thức của bản ngã được xây dựng trên những đặc điểm của sức mạnh, dù
đấy có là sức mạnh của cảm xúc, trí tuệ hay thể chất. Do đó, dùng sức mạnh ngược
lại của đạo đức hay cảm xúc thì không giải thể hoá giải được bản ngã, mà phải sử
dụng sức mạnh của chính Sự thật thì mới hoá giải được nó.
***
Nền tảng chính để cho tiêu
cực tồn tại là phần thưởng bí mật của bản ngã từ những thứ tiêu cực (“nhựa sống
của nó”). Phần thưởng bí mật này là nguồn năng lượng duy nhất của bản ngã, vì vậy
nó coi tha thứ, cũng như lòng từ bi, là “kẻ thù”.
***
Bản ngã không chỉ đồng nhất
với tâm trí, mà còn đồng nhất với nội dung của nó—trở thành ký ức “của tôi”, cảm
giác “của tôi”, suy nghĩ “của tôi”, cảm xúc “của tôi”, tài sản “của tôi”, thành
công “của tôi”, thất bại “của tôi”, kỳ vọng “của tôi”, v.v. Đồng nhất giả định
quyền sở hữu và quyền tác giả; do đó, bản ngã nhìn nhận và tin rằng nó là một
tác nhân nhân quả riêng biệt, mang tính cá nhân và cho là nguồn gốc của sự tồn
tại của chính nó.
***
Bản chất của cơ cấu cơ bản
nhất của bản ngã của con người là sự ngây thơ bẩm sinh, ở chỗ nó tin vào thực tại
hoặc sự thật của các chương trình của chính nó và không nhận ra rằng, nó không
có khả năng tự sửa chữa. Lý do làm cho bản ngã không có khả năng xác minh là dữ
liệu của nó chỉ giới hạn trong các hệ thống xử lý ở bên trong. Những cơ chế bên
trong của bản không có bất kỳ nguồn tham chiếu bên ngoài, độc lập nào để xác
minh.
***
Với tâm từ bi, người ta nhận
ra rằng cơ cấu của bản ngã là như thế, nó không thể biết được cái gì nằm ở bên ngoài.
***
Không có thời gian biểu
hay lộ trình được vạch ra để đến với Chúa. Mặc dù con đường của mỗi người là độc
nhất vô nhị, nhưng địa hình cần phải vượt qua thì tương đối giống nhau đối với
tất cả mọi người. Công việc là vượt qua và siêu việt những khiếm khuyết chung của
con người vốn có trong cơ cấu của bản ngã con người. Người ta muốn nghĩ rằng những
khiếm khuyết này là cá nhân; tuy nhiên, bản ngã không phải là cá nhân. Nó được
thừa hưởng cùng với việc trở thành một con người. Các chi tiết khác nhau là do
nghiệp chướng trong quá khứ.
***
Sự phù phiếm của bản ngã (ở
tầng kiêu hãnh) là vô tận và tự phụ trong vọng tưởng vĩ đại của nó rằng nó có
thể phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Tri thức chỉ là giả định về mặt ngôn ngữ, bị
giới hạn trong các ký hiệu tuyến tính, là nội dung hạn chế của quá trình xử lý của
tâm trí. Nói rằng nó có bất kỳ thực tại khách quan nào cũng chỉ là giả định
hoàn toàn chủ quan mà thôi.
***
Bằng nỗ lực tâm linh, người
ta khám phá ra rằng chính mình đã bị giam cầm và là “nạn nhân” bị mắc bẫy bởi
những cú lừa khéo léo của bản ngã.
Tất cả các bậc thầy vĩ đại
đều tuyên bố rằng khiếm khuyết chính của con người là “vô minh”. Nghiên cứu
nhanh chóng phát hiện được rằng cơ sở của vô minh là do hạn chế của cơ cấu bẩm
sinh của bản ngã, như là hệ quả của quá trình tiến hóa vẫn đang diễn ra của ý
thức.
***
Ở con người, không chỉ có
khả năng xử lý và giải thích dữ liệu tuyến tính mang tính tiến hóa, mà còn có sẵn
năng lượng phi tuyến tính của ý thức/nhận thức được gọi là “tâm linh” vì nguồn
năng lượng này không phải là vật chất và không thể định nghĩa được bằng các
khái niệm tuyến tính. Nó cũng tiến hóa trong quá trình phát triển của con người
và được gọi là “linh hồn của con người”. Nó được đặc trưng bởi sự xuất hiện của
cơ thể năng lượng phi vật chất (“thể vía”), sự sống còn và tiến hóa của nó độc
lập với chính cơ thể vật chất. Do đó, linh hồn liên quan đến bản chất, còn lý
trí liên quan đến hình tướng và định nghĩa tuyến tính.
Như có thể thấy từ quá
trình phát triển mang tính tiến hóa của nó, đức tin là một nhu cầu sinh học để sống
còn, được gắn vào cơ cấu cơ bản của bản ngã như là ý thức về chính mình. Khả
năng nhận thức và trải nghiệm chính mình là một phẩm chất của nhận thức mang
tính tri giác vốn có trong thế giới động vật. Do đó, loài người sống bằng đức
tin. Do ngây thơ, bản ngã đã đặt đức tin chính của nó vào cốt lõi ái kỷ của bản
ngã (ví dụ, tri giác và ý kiến), do đó, nó cho rằng quyền tự chủ và chủ quyền
như là người phán xét hiện thực. Bản ngã, do cơ cấu và nguồn gốc của nó, đui mù
trước những hạn chế của chính nó.
***
Tính chủ quan tuyệt đối của
Sự thật được tiết lộ ngăn cản mọi tính toán hoặc không chắc chắn xuất phát từ bản
ngã. Khi bản ngã sụp đổ, mọi lập luận đều chấm dứt và được thay thế bằng tĩnh lặng.
Nghi ngờ là bản ngã.
Việc tâm trí không thể chứng minh một mệnh đề không có nghĩa là mệnh đề đó sai. Đây là cái bẫy của người vô thần, vì tâm trí không thể biết cái gì là đúng. Đồng thời, nó cũng không thể bác bỏ, vì khi đó nó sẽ rơi vào mâu thuẫn là phải chứng minh điều ngược lại. Cốt lõi ái kỷ của bản ngã kết luận một cách vô thức và ngây thơ rằng nó là toàn năng và do đó, không có thái độ khiêm tốn cần thiết để vươn tới Sự thật cao hơn.
***
Ngược đời là, bản ngã vốn
có khuynh hướng vị kỷ sẽ tìm thấy lợi ích khi nó bắt đầu nhận ra rằng không ích
kỷ sẽ mang lại lợi thế to lớn. Khi bản ngã học được lợi ích của việc buông bỏ
các mục tiêu ích kỷ, thì tự nó trở thành bàn đạp cho công cuộc tìm hiểu tâm
linh và phương tiện để siêu việt chính nó, nó nhận ra rằng khiêm nhường là sức
mạnh chứ không phải là điểm yếu, và đó là khôn ngoan chứ không phải là ngu dốt.
Sẵn sàng “tha thứ và quên đi” có điểm hiệu chỉnh ở tầng 450 (lý trí/logic). Sẵn
sàng “tha thứ và phó thác cho Chúa” có điểm chỉnh ở tầng 540 (tình yêu vô điều
kiện).
No comments:
Post a Comment