March 2, 2023

Tư duy nhanh và chậm

 

 Translator Unknown

 Có thể đọc hoặc nghe tại đây:https://tiasach.com/sach/gioithieu/tu-duy-nhanh-va-cham

 Giới thiệu chung

 


Tư duy nhanh và chậm (xuất bản năm 2011) đúc kết từ nhiều thập kỷ nghiên cứu dẫn tới giải Nobel của giáo sư Kahneman. Cuốn sách diễn giải các đóng góp của ông về hiểu biết hiện tại của chúng ta về tâm lý và kinh tế học hành vi. Trong suốt nhiều năm, nghiên cứu của Kahneman và cộng sự đã giúp chúng ta hiểu hơn về các quyết định được hình thành như thế nào, vì sao chúng ta thường xuyên mắc những lỗi phán đoán chung, và làm cách nào để cải thiện bản thân.

Đôi nét về tác giả

Tiến sĩ Daniel Kahneman đạt giải Nobel Kinh tế học năm 2002. Ông là Học giả cấp cao tại Trường Quan hệ Công và Quốc tế Woodrow Wilson, giáo sư Tâm lý học và Công vụ tại Trường Woodrow Wilson, Giáo sư Tâm lý học Danh dự Eugene Higgins tại Đại học Princeton, và là thành viên của Trung tâm Lý tính tại Đại học Hebrew ở Jerusalem.

Giới thiệu

Về hai tâm trí: hành vi của chúng ta được quyết định như thế nào bởi hai hệ thống khác nhau - một hệ thống tự động và một hệ thống có cân nhắc.

 

Có một tấn kịch hấp dẫn diễn ra trong tâm trí của chúng ta, một cốt truyện như phim ảnh giữa hai nhân vật chính với những ngoắt ngoéo, kịch tính, và căng thẳng. Hai nhân vật này là Hệ thống 1 hấp tấp, tự động, thiên về trực giác và Hệ thống 2 nhiều suy nghĩ thâm trầm, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Khi đối đầu nhau, những tương tác của chúng sẽ quyết định cách chúng ta suy nghĩ, đưa ra phán xét và quyết định, và hành động.

Hệ thống 1 là phần não của chúng ta vốn hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức của chúng ta. Bạn có thể nhận ra hệ thống này hoạt động khi nghe một âm thanh rất lớn và bất ngờ. Bạn sẽ làm gì? Có lẽ bạn sẽ ngay lập tức và tự động hướng sự chú ý của mình về phía âm thanh. Đó là Hệ thống 1.

Hệ thống này là di sản của quá khứ tiến hóa của chúng ta: Có những lợi thế sinh tồn cố hữu trong việc có đủ khả năng thực hiện những hành động và phán xét nhanh chóng như vậy.

Hệ thống 2 là những gì chúng ta nghĩ đến khi hình dung phần não chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định, việc suy luận, và những niềm tin cá nhân của chúng ta. Nó xử lý các hoạt động có ý thức của tâm trí như việc tự kiềm chế, lựa chọn, và tập trung chú ý có chủ tâm hơn.

Ví dụ: hãy tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một phụ nữ trong đám đông. Tâm trí của bạn cố tình tập trung vào nhiệm vụ này: Nó nhớ lại các đặc điểm của người đó và bất cứ điều gì có thể giúp nhận ra vị trí của cô ấy. Sự tập trung này giúp loại bỏ những phân tâm tiềm ẩn, và bạn hầu như không để ý đến những người khác trong đám đông. Nếu duy trì được sự chú ý tập trung này, bạn có thể phát hiện ra cô ấy trong vòng vài phút, trong khi nếu bạn bị phân tâm và mất tập trung, bạn sẽ khó tìm thấy cô ấy.

Như chúng ta sẽ thấy trong những đoạn ngắn sau, mối quan hệ giữa hai hệ thống này quyết định cách chúng ta hành xử.

Tia sách 1

 

Tâm trí lười biếng: sự lười biếng có thể dẫn đến sai sót và ảnh hưởng đến trí hiểu biết của chúng ta như thế nào.

 

Để hiểu hai hệ thống đó hoạt động như thế nào, hãy thử giải bài toán cây-gậy-và-bóng nổi tiếng này:

Một cây gậy bóng chày và quả bóng có giá 1,10 đôla. Cây gậy đắt hơn quả bóng một đô la. Quả bóng giá bao nhiêu?

Mức giá vốn nhiều khả năng nảy ra trong óc bạn nhất là 0,10 đô la, là kết quả của Hệ thống 1 theo trực giác và tự động, và nó sai rồi! Bây giờ hãy dành ra một giây và làm toán.

Bạn thấy sai lầm của mình không? Câu trả lời đúng là 0,05 đô la.

Điều đã xảy ra là việc Hệ thống 1 hấp tấp của bạn đã chiếm quyền kiểm soát và tự động trả lời bằng cách dựa vào trực giác. Nhưng nó trả lời quá nhanh.

Thông thường, khi đối mặt với một tình huống mà nó không thể hiểu được, Hệ thống 1 sẽ yêu cầu Hệ thống 2 giải quyết vấn đề, nhưng trong bài toán cậy-gậy-và-bóng, Hệ thống 1 đã bị lừa. Nó nhận thức vấn đề đơn giản hơn thực tế, và giả định sai lầm rằng nó có thể tự xử lý việc đó.

Vấn đề mà bài toán cây-gậy-và-bóng đặt ra là sự lười biếng trí óc bẩm sinh của chúng ta. Khi sử dụng bộ não của mình, chúng ta có xu hướng sử dụng khối năng lượng thấp nhất có thể cho mỗi nhiệm vụ. Đây được gọi là quy luật nỗ lực ít nhất. Bởi vì việc kiểm tra câu trả lời bằng Hệ thống 2 sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, tâm trí của chúng ta sẽ không làm điều đó khi nó nghĩ rằng nó có thể giải quyết được với Hệ thống 1.

Sự lười biếng này thật đáng tiếc, bởi vì việc sử dụng Hệ thống 2 là một khía cạnh quan trọng trong trí hiểu biết của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy rằng thực hành các nhiệm vụ kiểu Hệ thống 2, như tập trung và tự chủ, dẫn đến điểm thông minh cao hơn. Bài toán cây-gậy-và-bóng minh họa điều này, vì tâm trí của chúng ta lẽ ra có thể kiểm tra câu trả lời bằng cách sử dụng Hệ thống 2 và qua đó tránh mắc phải lỗi sai phổ biến này.

Do lười biếng và ngại sử dụng Hệ thống 2, tâm trí của chúng ta đang hạn chế sức mạnh trí tuệ của chúng ta.

Tia sách 2

 

Tình trạng lái tự động: tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình một cách có ý thức.

 

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy mấy mẫu tự rời “CM”? Có lẽ không nghĩ gì. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ban đầu xem xét từ “ĂN”? Bây giờ, khi bạn nhìn lại từ “CM”, bạn có lẽ sẽ điền cho đủ thành “CƠM”. Quá trình này được gọi là châm mồi.

Chúng ta được châm mồi khi việc tiếp xúc với một từ, khái niệm, hoặc sự kiện khiến chúng ta gợi nhớ đến các từ và khái niệm có liên quan. Nếu bạn đã nhìn thấy từ “ỐM" thay vì “ĂN” ở trên, bạn chắc có lẽ đã điền thành chữ “CÚM”.

Việc châm mồi như vậy không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ mà còn cả cách chúng ta hành động. Giống như tâm trí bị ảnh hưởng khi nghe một số từ và khái niệm nào đó, cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng như vậy. Một ví dụ tuyệt vời về điều này có thể được tìm thấy trong một nghiên cứu trong đó những người tham gia được châm mồi bằng những từ liên quan đến cảnh lớn tuổi, chẳng hạn như “trại dưỡng lão” và “nếp nhăn”, đã phản ứng qua việc đi bộ với tốc độ chậm hơn bình thường.

Thật đáng kinh ngạc, việc châm mồi của các hành động và suy nghĩ là hoàn toàn vô thức; chúng ta làm điều đó mà không nhận ra.

Do đó, điều mà việc châm mồi cho thấy, bất chấp nhiều người lập luận gì, rằng chúng ta không phải lúc nào cũng kiểm soát được hành động, phán xét, và lựa chọn của mình một cách có ý thức. Thay vào đó, chúng ta thường xuyên bị châm mồi bởi những điều kiện văn hóa và xã hội nào đó.

Ví dụ, nghiên cứu do Kathleen Vohs thực hiện chứng minh rằng khái niệm tiền bạc châm mồi cho những hành động cá nhân chủ nghĩa. Những người bị châm mồi với ý tưởng về tiền - ví dụ, do sự tiếp xúc với hình ảnh của tiền - hành động độc lập hơn và ít sẵn sàng can dự, phụ thuộc, hoặc chấp nhận các yêu cầu từ người khác. Một hàm ý trong nghiên cứu của Vohs là, việc sống trong một xã hội chứa đầy những yếu tố kích hoạt vốn châm mồi chuyện tiền bạc có thể thúc đẩy hành vi của chúng ta xa lìa lòng vị tha.

Việc châm mồi, cũng giống như các yếu tố xã hội khác, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của một cá nhân và qua đó ảnh hưởng đến những lựa chọn, phán xét, và hành vi - và những điều này phản chiếu vào nền văn hóa và ảnh hưởng nặng nề đến loại xã hội mà tất cả chúng ta đang sống.

Tia sách 3

 

Phán xét nhanh: cách trí óc đưa ra lựa chọn nhanh chóng, ngay cả khi nó không có đủ thông tin để đưa ra một quyết định hợp lý.

 

Hãy tưởng tượng bạn gặp một người tên Ben trong một bữa tiệc, và bạn thấy anh ta rất dễ bắt chuyện. Sau đó, có người hỏi bạn có biết ai có thể muốn đóng góp cho tổ chức từ thiện của họ không. Bạn nghĩ đến Ben, mặc dù điều duy nhất bạn biết về anh ấy là anh ấy rất dễ nói chuyện.

Nói cách khác, bạn thích một khía cạnh trong tính cách của Ben, và thế là bạn cho rằng mình có thể thích mọi thứ khác ở anh ấy. Chúng ta thường tán thành hoặc bất đồng với một người ngay cả khi chúng ta biết rất ít về họ.

Xu hướng đơn giản hóa mọi thứ quá mức khi không có đủ thông tin của tâm trí của chúng ta thường dẫn đến sai lạc trong phán xét. Đây được gọi là sự gắn kết cảm xúc bị cường điệu, còn được gọi là hiệu ứng hào quang: Cảm giác tích cực về tính dễ thân cận của Ben khiến bạn phủ hào quang cho Ben, mặc dù bạn biết rất ít về anh ấy.

Nhưng đây không phải là cách duy nhất mà tâm trí chúng ta đi tắt khi đưa ra phán xét.

Ngoài ra còn có thiên kiến xác nhận vốn là xu hướng khiến người ta đồng ý với thông tin hậu thuẫn cho niềm tin mà họ đi theo trước đó, cũng như chấp nhận bất kỳ thông tin nào gợi đến những niềm tin đó.

Điều này có thể được chứng tỏ nếu chúng ta đặt câu hỏi, "James có thân thiện không?" Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối mặt với câu hỏi này mà không có thông tin nào khác, chúng ta rất có thể coi James là thân thiện - bởi vì tâm trí sẽ tự động xác nhận ý tưởng được gợi ra.

Cả hai hiệu ứng hào quang và thiên kiến xác nhận đều xảy ra bởi vì tâm trí của chúng ta háo hức đưa ra các phán xét nhanh chóng. Nhưng điều này thường dẫn đến sai lầm, vì không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ dữ liệu để đi đến một quyết định chính xác. Tâm trí của chúng ta dựa vào những gợi ý sai và sự đơn giản hóa quá mức để lấp đầy những khoảng trống trong khối dữ liệu, dẫn chúng ta đến những kết luận có khả năng sai lầm.

Giống như châm mồi, những hiện tượng nhận thức này xảy ra mà chúng ta không nhận thức được một cách có ý thức, và chúng ảnh hưởng đến các lựa chọn, phán xét, và hành động của chúng ta.

Tia sách 4

 

Heuristics: cách trí óc sử dụng các lối tắt để đưa ra những quyết định nhanh chóng.

 

Chúng ta thường rơi vào những tình huống mà chúng ta cần phải đưa ra phán xét nhanh chóng. Để giúp chúng ta làm điều này, tâm trí của chúng ta đã phát triển những lối tắt nho nhỏ để giúp chúng ta hiểu ngay về môi trường xung quanh. Những lối tắt đó được gọi là những phép heuristic.

Hầu như luôn luôn, các quy trình này rất hữu ích, nhưng rắc rối là tâm trí của chúng ta có xu hướng sử dụng chúng quá mức. Việc áp dụng chúng trong những tình huống không phù hợp có thể khiến chúng ta mắc sai lầm. Để hiểu rõ hơn những phép heuristic là gì và chúng có thể dẫn đến những sai lầm nào, chúng ta có thể xem xét hai trong số nhiều loại của chúng: heuristic thay thế và heuristic tiện dụng.

Heurestic thay thế xuất hiện khi chúng ta trả lời một câu hỏi dễ hơn câu hỏi thực sự được đặt ra.

Hãy xét câu hỏi này chẳng hạn: “Người phụ nữ đó là ứng viên cho chức cảnh sát trưởng. Bà ấy sẽ thành công thế nào trong chức vụ này?” Chúng ta tự động thay thế câu hỏi mà chúng ta được trông đợi trả lời bằng một câu dễ hơn, chẳng hạn như “Người phụ nữ này trông có giống người sẽ làm cảnh sát trưởng giỏi không?”

Phép heuristic này có nghĩa là thay vì nghiên cứu lai lịch và chính sách của ứng viên, chúng ta chỉ nêu ra cho mình câu hỏi dễ hơn nhiều là liệu người phụ nữ này có phù hợp với hình ảnh mường tượng của chúng ta về một cảnh sát trưởng tốt hay không. Bất hạnh thay, nếu người phụ nữ ấy không phù hợp với hình ảnh cảnh sát trưởng của chúng ta, chúng ta có thể loại bỏ bà ấy – cho dù bà ấy có nhiều năm kinh nghiệm chống tội phạm vốn khiến bà ấy trở thành ứng viên lý tưởng.

Tiếp theo, ta có heuristic tiện dụng, đó là khi bạn đánh giá quá cao xác suất của điều gì đó bạn thường nghe nói tới hoặc thấy nó dễ nhớ.

Ví dụ, đột quỵ gây ra nhiều tử vong hơn so với tai nạn, nhưng một nghiên cứu cho thấy 80% số người trả lời khảo sát coi cái chết do tai nạn là một số phận nhiều khả năng xảy ra hơn. Điều này là do trên các phương tiện truyền thông chúng ta nghe nói về những cái chết do tai nạn nhiều hơn, và vì chúng gây ấn tượng mạnh hơn đối với chúng ta; chúng ta nhớ những cái chết do tai nạn kinh hoàng dễ dàng hơn những cái chết do đột quỵ, và vì vậy chúng ta có thể phản ứng không thích hợp với những nguy hiểm này.

Tia sách 5

 

Không giỏi với các con số: lý do tại sao chúng ta vất vả để hiểu các thống kê và vì nó mà mắc phải những sai lầm có thể tránh được.

 

Làm thế nào bạn có thể đưa ra dự đoán về việc liệu những điều nào đó sẽ xảy ra hay không?

Một cách hiệu quả là ghi nhớ tỷ lệ cơ bản. Ý niệm này nói tới một cơ sở thống kê mà các số liệu thống kê khác dựa vào đó. Ví dụ, hãy tưởng tượng một công ty taxi lớn có 20% xe taxi màu vàng và 80% xe taxi màu đỏ. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ cơ bản cho taxi màu vàng là 20% và tỷ lệ cơ bản cho taxi màu đỏ là 80%. Nếu bạn đặt một chiếc taxi và muốn đoán màu sắc của nó, hãy nhớ những tỷ lệ cơ bản và bạn sẽ đưa ra dự đoán khá chính xác.

Do đó, chúng ta nên luôn nhớ tỷ lệ cơ bản khi dự đoán một sự kiện, nhưng rất tiếc điều này không xảy ra. Trên thực tế, việc bỏ qua tỷ lệ cơ bản là cực kỳ phổ biến.

Một trong những lý do khiến chúng ta rơi vào cảnh bỏ qua tỷ lệ cơ bản là việc chúng ta tập trung vào những gì chúng ta mong đợi hơn là những gì có khả năng xảy ra nhất. Ví dụ, hãy tưởng tượng lại những chiếc taxi đó: Nếu bạn nhìn thấy năm chiếc taxi màu đỏ chạy qua, bạn có lẽ bắt đầu cảm thấy rất có thể rằng chiếc tiếp theo sẽ có màu vàng để thay đổi. Nhưng cho dù có bao nhiêu chiếc taxi màu nào đi qua, xác suất để chiếc taxi tiếp theo có màu đỏ vẫn là khoảng 80% - và nếu nhớ tỷ lệ cơ bản, chúng ta sẽ nhận ra điều này. Nhưng thay vào đó, chúng ta có xu hướng tập trung vào những gì chúng ta mong đợi được thấy, tức là, một chiếc taxi màu vàng, và vì vậy chúng ta có thể sẽ nhầm.

Bỏ qua tỷ lệ cơ bản là một sai lầm phổ biến liên quan đến vấn đề rộng hơn khi làm việc với số liệu thống kê. Chúng ta cũng vất vả để nhớ rằng mọi thứ đều hồi quy về mức trung bình. Đây là sự thừa nhận rằng mọi tình huống đều có trạng thái trung bình của chúng, và những biến thiên xa lìa mức trung bình đó cuối cùng sẽ nghiêng về mức trung bình.

Ví dụ, nếu một tiền đạo bóng đá ghi trung bình năm bàn mỗi tháng mà lại ghi 10 bàn trong tháng Chín, huấn luyện viên của cô ấy sẽ rất vui; nhưng nếu sau đó cô ấy tiếp tục ghi khoảng năm bàn mỗi tháng trong phần còn lại của năm, huấn luyện viên của cô ấy có lẽ sẽ chỉ trích cô ấy vì không tiếp tục “mạch thắng lợi” của cô ấy. Tuy nhiên, tiền đạo đó không đáng bị phê phán như thế. bởi vì cô ấy chỉ hồi quy về mức trung bình thôi!

Tia sách 6

 

Bất toàn trong quá khứ: lý do tại sao chúng ta nhớ các sự kiện qua cái nhìn từ hiện tại hơn là qua kinh nghiệm.

 

Tâm trí của chúng ta không ghi nhớ những kinh nghiệm một cách thẳng thắn. Chúng ta có hai bộ máy khác nhau, được gọi là bản ngã ký ức, cả hai đều ghi nhớ các tình huống một cách khác nhau.

Thứ nhất, ta có bản ngã trải nghiệm, nó ghi lại cảm giác của chúng ta trong thời điểm hiện tại. Nó đặt ra câu hỏi: "Bây giờ vụ đó cảm thấy thế nào?"

Kế đó là bản ngã ghi nhớ vốn ghi lại toàn bộ sự kiện diễn ra như thế nào sau dữ kiện đó. Nó hỏi, "Nhìn chung nó như thế nào?"

Bản ngã trải nghiệm cho biết chính xác hơn về những gì đã xảy ra, bởi vì cảm giác của chúng ta trong một kinh nghiệm thì luôn chính xác nhất. Nhưng bản ngã ghi nhớ, vốn ít chính xác hơn vì nó ghi lại những ký ức sau khi tình huống kết thúc, lại chiếm ưu thế trong ký ức của chúng ta.

Có hai lý do khiến bản ngã ghi nhớ thống trị bản ngã trải nghiệm. Lý do thứ nhất được gọi là bỏ qua thời lượng, trong đó chúng ta bỏ qua tổng thời lượng của sự kiện để chỉ giữ lại một ký ức cụ thể trong sự kiện đó. Lý do thứ hai là quy tắc đỉnh điểm-kết thúc, trong đó chúng ta nhấn mạnh quá mức những gì xảy ra vào lúc kết thúc của một sự kiện.

Để có một ví dụ về sự thống trị này của bản ngã ghi nhớ, hãy xem thí nghiệm này, vốn đo lường ký ức của con người về một cuộc nội soi đại tràng đau đớn. Trước khi nội soi, những người này được chia thành hai nhóm: những bệnh nhân trong nhóm thứ nhất được thực hiện cuộc nội soi lâu, hơi kéo dài, trong khi những người trong nhóm còn lại được nội soi ngắn gọn hơn nhiều, nhưng mức độ đau tăng dần về cuối.

Bạn có thể nghĩ rằng khổ sở nhất sẽ là những người phải chịu đựng quy trình lâu hơn, vì cơn đau của họ kéo dài hơn. Đây chắc chắn là điều họ cảm thấy vào thời điểm đó. Trong quá trình này, khi mỗi bệnh nhân được hỏi về cảm giác đau, bản ngã trải nghiệm của họ đã đưa ra câu trả lời chính xác: những người có liệu trình lâu hơn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm đó, khi bản ngã ghi nhớ lấy lại được ưu thế, những người trải qua quá trình ngắn hơn với phần kết thúc đau hơn cảm thấy tồi tệ nhất. Cuộc khảo sát này đem lại cho chúng ta một ví dụ rõ ràng về việc bỏ qua thời lượng, quy tắc đỉnh điểm-kết thúc, và những ký ức bị lỗi của chúng ta.

Tia sách 7

 

Đặt tâm trí vào vấn đề: việc điều chỉnh sự tập trung của tâm trí có thể ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta như thế nào.

 

Tâm trí của chúng ta sử dụng khối lượng năng lượng khác nhau tùy theo nhiệm vụ. Khi không cần huy động sự chú ý và cần ít năng lượng, chúng ta đang ở trong trạng thái thoải mái nhận thức. Tuy nhiên, khi tâm trí của chúng ta phải huy động sự chú ý, chúng sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn và rơi vào trạng thái căng thẳng nhận thức.

Những thay đổi này trong mức năng lượng của não có tác động đáng kể đến cách chúng ta hành xử.

Ở trạng thái thoải mái nhận thức, Hệ thống 1 nặng trực giác kiểm soát tâm trí của chúng ta, và Hệ thống 2 nặng luận lý và đòi hỏi nhiều năng lượng hơn bị suy yếu. Điều này có nghĩa là chúng ta thiên về trực giác hơn, sáng tạo hơn, và hạnh phúc hơn, nhưng chúng ta cũng có nhiều khả năng mắc sai lầm hơn.

Trong trạng thái căng thẳng nhận thức, nhận thức của chúng ta được nâng cao hơn, và do đó Hệ thống 2 được giao phụ trách. Hệ thống 2 sẵn sàng kiểm tra kỹ các phán xét của chúng ta hơn Hệ thống 1, vì vậy mặc dù chúng ta kém sáng tạo hơn nhiều, nhưng chúng ta sẽ mắc ít sai lầm hơn.

Bạn có thể tác động một cách có ý thức đến khối lượng năng lượng mà tâm trí sử dụng để bước vào trạng thái tâm trí phù hợp cho một số nhiệm vụ nào đó. Ví dụ, nếu bạn muốn một thông điệp trở nên thuyết phục, hãy thử thúc đẩy tình trạng thoải mái nhận thức.

Một cách để làm điều này là tiếp xúc với thông tin lặp đi lặp lại. Nếu thông tin được lặp lại nhiều lần với chúng ta, hoặc khiến nó dễ nhớ hơn, thì nó sẽ trở nên thuyết phục hơn. Điều này là do tâm trí của chúng ta đã phát triển để phản ứng tích cực khi liên tục tiếp xúc với những thông điệp rõ ràng giống nhau. Khi thấy một cái gì đó quen thuộc, chúng ta bước vào trạng thái thoải mái nhận thức.

Ngược lại, trạng thái căng thẳng nhận thức giúp chúng ta thành công với những thứ như các vấn đề thống kê.

Chúng ta có thể bước vào trạng thái này bằng cách tiếp xúc với thông tin được trình bày một cách gây rắc rối, chẳng hạn như nó được in bằng kiểu chữ khó đọc. Tâm trí của chúng ta trở nên linh hoạt và tăng mức năng lượng của chúng trong nỗ lực để hiểu vấn đề, và do đó chúng ta khó có thể đơn giản bỏ cuộc.

Tia sách 8

 

Chấp nhận may rủi: cách những xác suất được trình bày cho chúng ta ảnh hưởng đến phán xét rủi ro của chúng ta.

 

Cách chúng ta đánh giá các ý tưởng và tiếp cận vấn đề được quyết định nhiều bởi cách thức chúng được thể hiện với chúng ta. Những thay đổi nhỏ trong chi tiết hoặc trọng tâm của một tuyên bố hoặc câu hỏi có thể thay đổi đáng kể cách thức chúng ta giải quyết nó.

Một ví dụ tuyệt vời về điều này có thể được tìm thấy trong cách chúng ta đánh giá rủi ro.

Bạn có thể nghĩ rằng một khi chúng ta có thể xác định được xác suất rủi ro xảy ra, mọi người sẽ tiếp cận nó theo cùng một cách. Tuy nhiên, chuyện lại không xảy ra như vậy. Ngay cả đối với các xác suất được tính toán cẩn thận, chỉ cần thay đổi cách biểu hiện các con số là có thể thay đổi cách chúng ta tiếp cận nó.

Ví dụ: mọi người sẽ coi một sự kiện hiếm là có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu nó được trình bày bằng một tần suất tương đối thay vì một xác suất thống kê.

Trong cái được gọi là thí nghiệm ông Jones, hai nhóm chuyên gia tâm thần đã được hỏi liệu có an toàn khi cho ông Jones xuất viện khỏi bệnh viện tâm thần hay không. Nhóm đầu tiên được cho biết rằng những bệnh nhân như ông Jones có “xác suất 10% thực hiện một hành vi bạo lực", và nhóm thứ hai được cho biết rằng “cứ 100 bệnh nhân tương tự như ông Jones, ước tính có 10 người thực hiện hành vi bạo lực.” Trong hai nhóm này, số người trả lời từ chối cho xuất viện ở nhóm thứ hai thì gần gấp đôi số người từ chối ở nhóm thứ nhất.

Sự chú ý của chúng ta có thể bị phân tâm khỏi những gì có liên quan về mặt thống kê theo một cách khác vốn được gọi là bỏ qua mẫu số. Điều này xảy ra khi chúng ta bỏ qua các số liệu thống kê đơn giản để hướng theo những hình ảnh tinh thần sống động vốn ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta.

Hãy xem hai phát biểu sau: “Thuốc này bảo vệ trẻ em khỏi bệnh X nhưng có 0,001% rủi ro bị biến dạng vĩnh viễn” so với “Một trong số 100.000 trẻ em dùng thuốc này sẽ bị biến dạng vĩnh viễn.” Mặc dù cả hai phát biểu đều có giá trị ngang nhau, nhưng phát biểu thứ hai khiến chúng ta nhớ đến một đứa trẻ bị biến dạng và có ảnh hưởng lớn hơn nhiều, đó là lý do nó có thể khiến chúng ta ít có khả năng sử dụng loại thuốc đó hơn.

Tia sách 9

 

Không phải robot: lý do tại sao chúng ta không đưa ra lựa chọn hoàn toàn dựa trên suy nghĩ hợp lý.

 

Làm thế nào để chúng ta đưa ra lựa chọn cá nhân?

Trong một thời gian dài, một nhóm các nhà kinh tế học thế lực và có tầm ảnh hưởng đã gợi ý rằng chúng ta đưa ra quyết định hoàn toàn dựa trên lập luận hợp lý. Họ lập luận rằng tất cả chúng ta đều đưa ra lựa chọn theo lý thuyết tiện ích vốn cho rằng khi các cá nhân đưa ra quyết định, họ chỉ xem xét các dữ kiện hợp lý và chọn phương án có kết quả tổng thể tốt nhất cho họ, nghĩa là lựa chọn đem lại nhiều tiện ích nhất.

Ví dụ, lý thuyết tiện ích có thể nêu ra kiểu tuyên bố này: Nếu bạn thích ăn cam hơn ăn chuối, thì bạn cũng sẽ lựa chọn có 10% cơ hội trúng trái cam thay vì 10% cơ hội trúng trái chuối.

Có vẻ hiển nhiên, phải không?

Nhóm các nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này tập trung vào Trường phái Kinh tế Chicago và học giả nổi tiếng nhất của họ là Milton Friedman. Sử dụng lý thuyết tiện ích, Trường phái Chicago lập luận rằng các cá nhân trên thị trường là những người ra quyết định cực kỳ hợp lý và được nhà kinh tế học Richard Thaler và luật sư Cass Sunstein sau này đặt tên là những Econ. Với tư cách là Econ, mỗi cá nhân đều hành động theo cách giống nhau, định giá hàng hóa và dịch vụ dựa trên nhu cầu hợp lý của họ. Hơn nữa, các Econ cũng đánh giá sự giàu có của họ một cách hợp lý, chỉ cân nhắc mức độ tiện ích mà nó cung cấp cho họ.

Vì vậy, hãy tưởng tượng hai người, John và Jenny, cả hai đều có tài sản trị giá 5 triệu đô la. Theo lý thuyết tiện ích, họ có cùng một mức giàu có, nghĩa là cả hai đều phải hạnh phúc như nhau với tài sản của mình.

Nhưng nếu chúng ta phức tạp hóa mọi thứ một chút thì sao? Giả sử rằng tài sản 5 triệu đô la của họ là kết quả cuối cùng của một ngày ở sòng bạc, và cả hai có xuất phát điểm rất khác nhau: John bước vào chỉ với 1 triệu đô la và tăng gấp 5 lần số tiền của mình, trong khi Jenny đến với 9 triệu đô la và nó bị thu nhỏ lại còn 5 triệu. Bạn còn nghĩ John và Jenny hạnh phúc như nhau với 5 triệu đô la của họ không?

Chắc là không rồi. Vậy thì rõ ràng, phải có thêm điều gì đó trong cách chúng ta đánh giá mọi thứ chứ không chỉ là tiện ích thuần túy.

Như chúng ta sẽ thấy trong đoạn tiếp theo, vì không phải tất cả chúng ta đều nhìn tiện ích một cách hợp lý như trong lý thuyết tiện ích, chúng ta có thể đưa ra những quyết định kỳ lạ và dường như không hợp lý.

Tia sách 10

Linh cảm: lý do tại sao thay vì đưa ra quyết định chỉ dựa trên những cân nhắc hợp lý, chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tình cảm.

Nếu lý thuyết tiện ích không hiệu quả, thì cái gì mới hiệu quả?

Một giải pháp thay thế là lý thuyết triển vọng, được phát triển bởi tác giả sách này.

Lý thuyết triển vọng của Kahneman thách thức lý thuyết tiện ích bằng cách chỉ ra rằng khi chúng ta đưa ra lựa chọn, không phải lúc nào chúng ta cũng hành động theo cách hợp lý nhất.

Ví dụ, hãy tưởng tượng hai kịch bản sau: Trong kịch bản đầu tiên, bạn được cấp 1.000 đô la và sau đó phải lựa chọn giữa việc chắc chắn nhận thêm một khoản 500 đô la hoặc chấp nhận 50% may rủi để giành được 1.000 đô la nữa. Trong kịch bản thứ hai, bạn được trao 2.000 đô la và sau đó phải lựa chọn giữa khoản lỗ chắc chắn là 500 đô la hoặc chấp nhận 50% rủi ro bị mất 1.000 đô la.

Nếu đưa ra những lựa chọn hoàn toàn hợp lý, chúng ta sẽ lựa chọn giống nhau trong cả hai kịch bản. Nhưng mọi chuyện không xảy ra như thế. Trong trường hợp thứ nhất, hầu hết mọi người chọn khoản thu chắc chắn, trong khi ở trường hợp thứ hai, hầu hết mọi người chấp nhận một canh bạc.

Lý thuyết triển vọng giúp giải thích tại sao sự vụ lại diễn biến như vậy. Nó nêu bật ít nhất hai lý do tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng hành động một cách hợp lý. Cả hai đều nêu bật thói lo sợ mất mát của chúng ta - thực tế là chúng ta sợ thua lỗ hơn là coi trọng lợi lộc.

Lý do thứ nhất là, chúng ta đánh giá mọi thứ dựa trên các điểm tham chiếu. Việc bắt đầu với 1.000 đô la hoặc 2.000 đô la trong hai kịch bản sẽ thay đổi quyết định liệu chúng ta có sẵn sàng đánh cược hay không, bởi vì điểm xuất phát ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá vị trí của mình. Điểm tham chiếu trong kịch bản thứ nhất là 1.000 đô la và 2.000 đô la trong kịch bản thứ hai vốn hàm nghĩa rằng việc kết thúc ở mức 1.500 đô la đem lại cảm giác giống như một chiến thắng trong kịch bản thứ nhất, nhưng là một thua lỗ khó chịu trong kịch bản thứ hai. Cho dù suy luận của chúng ta ở đây rõ ràng là không hợp lý, chúng ta hiểu giá trị qua điểm xuất phát cũng như qua giá trị khách quan thực tế tại thời điểm đó.

Lý do thứ hai, chúng ta bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc độ nhạy giảm dần: giá trị mà chúng ta cảm nhận có thể khác với giá trị thực tế của nó. Ví dụ: việc giảm từ 1.000 đô la xuống 900 đô la thì không gây cảm giác tồi tệ bằng việc giảm từ 200 đô la xuống 100 đô la, mặc dù giá trị tiền tệ của cả hai khoản lỗ là bằng nhau. Tương tự trong ví dụ của chúng tôi, giá trị cảm nhận bị mất khi giảm từ 1.500 đô la xuống 1.000 đô la thì lớn hơn khi giảm từ 2.000 đô la xuống 1.500 đô la.

Tia sách 11

 

Hình ảnh sai: lý do tâm trí xây dựng những bức tranh hoàn chỉnh để giải thích thế giới, nhưng chúng lại dẫn đến sự tự tin thái quá và những sai lầm.

 

Để hiểu các tình huống, tâm trí của chúng ta sử dụng một cách tự nhiên sự cố kết về mặt nhận thức; chúng ta xây dựng các bức tranh tinh thần hoàn chỉnh để giải thích các ý tưởng và khái niệm. Ví dụ, chúng ta có nhiều hình ảnh trong não về thời tiết. Chẳng hạn, chúng ta có một hình ảnh về thời tiết mùa hè, vốn có thể là hình ảnh của một mặt trời chói chang, nóng nực đang nhấn chìm chúng ta trong cái nóng.

Tựa như việc giúp chúng ta hiểu mọi thứ, chúng ta cũng dựa vào những hình ảnh này khi đưa ra quyết định.

Khi đưa ra quyết định, chúng ta tham khảo những hình ảnh này và xây dựng các giả định và kết luận dựa trên chúng. Ví dụ: nếu chúng ta muốn biết quần áo nào để mặc vào mùa hè, chúng ta quyết định dựa trên hình ảnh thời tiết của mùa đó.

Vấn đề là chúng ta đặt quá nhiều tin cậy vào những hình ảnh này. Ngay cả khi số liệu thống kê và dữ liệu có sẵn không phù hợp với hình ảnh trong tâm trí của chúng ta, chúng ta vẫn để hình ảnh đó hướng dẫn mình. Vào mùa hè, cơ quan dự báo thời tiết có thể dự đoán thời tiết tương đối mát mẻ, nhưng bạn vẫn có thể ra ngoài với quần đùi và áo phông, vì đó là những gì hình ảnh về mùa hè trong tâm trí khuyên bạn nên mặc. Sau đó, bạn có thể sẽ phải run rẩy ngoài trời!

Nói tóm lại, chúng ta quá tin cậy vào những hình ảnh thiếu chính xác trong tâm trí của chúng ta. Nhưng có nhiều cách để vượt qua sự tự tin thái quá này và bắt đầu đưa ra những dự đoán tốt hơn.

Một cách để tránh sai lầm là sử dụng dự báo lớp tham chiếu. Thay vì đưa ra phán xét dựa trên những hình ảnh khá khái quát trong tâm trí của bạn, hãy sử dụng các ví dụ cụ thể trong quá khứ để đưa ra dự báo chính xác hơn. Ví dụ, hãy nghĩ về dịp trước đó bạn đã đi ra ngoài khi đó là một ngày hè lạnh giá. Bạn đã mặc gì lúc đó?

Ngoài ra, bạn có thể đề ra chính sách rủi ro dài hạn để có những biện pháp cụ thể trong cả trường hợp dự báo chính xác và sai lệch. Thông qua việc chuẩn bị và đề phòng, bạn có thể dựa vào bằng chứng cụ thể thay vì những bức tranh khái quát trong tâm trí và đưa ra những dự báo chính xác hơn. Trong trường hợp ví dụ về thời tiết, điều này có nghĩa là mang theo một chiếc áo len mỏng phòng hờ.

Kết luận

 

Tóm tắt cuối cùng

 

Thông điệp chính của cuốn sách này là:

Suy nghĩ, Nhanh và Chậm cho chúng ta thấy rằng tâm trí của chúng ta bao gồm hai hệ thống. Hệ thống thứ nhất hành động theo bản năng và cần ít nỗ lực; hệ thống thứ hai thì cân nhắc hơn và đòi hỏi chúng ta chú ý nhiều hơn. Suy nghĩ và hành động của chúng ta thay đổi tùy theo hệ thống nào trong hai hệ thống đang kiểm soát bộ não của chúng ta vào thời điểm đó.

Lời khuyên thực tế

Hãy lặp lại thông điệp!

 

1 comment: