(Reality, Spirituality and Modern Man)
David Hawkins, M. D., Ph. D.
Phạm Nguyên Trường dịch
CHƯƠNG 16
Siêu việt thế gian
Dẫn nhập
Có nhiều trở ngại, ngăn
cản, không cho người ta vươn tới tầng ý thức cao, vì chúng xuất phát từ cả bên
trong lẫn bên ngoài. Do đó, trong một cuộc đời, tầng ý thức của một người trung
bình chỉ thăng tiến được từ năm đến bảy điểm. Quá trình tiến hóa của tầng ý thức
của nhân loại nói chung cũng diễn ra chậm như thế và có thể đứng yên một chỗ trong
suốt nhiều thế kỷ hoặc thậm chí là dao động và giảm đi, như từng xảy ra vào năm
2006 (từ 207 xuống còn 204).
Tuy nhiên, vì có ý định
và hòa điệu tâm linh, quá trình tiến hóa của người sùng đạo có thể diễn ta tương
đối rất nhanh. Hiện nay nhiều thông tin đã sẵn sàng, kết quả của chính quá
trình nghiên cứu ý thức đã làm gia tăng khả năng đạt được chứng ngộ lên hàng chục
lần. Trên thực tế, chính việc nghiên cứu ý thức xuất hiện cũng là hệ quả của quá
trình tiến hóa của ý thức của nhân loại.
Từ bên trong tự ngã, cơ
cấu và động lực của bản ngã là rào cản đầy sức mạnh, ngăn cản quá trình khám
phá Thực tại tâm linh. Ngoài ra, chất nền ngây thơ, trẻ con của tâm trí có thể
bị những thứ trá ngụy lập trình, vì tâm trí không có khả năng phòng thủ ở bên
trong, không có cơ chế xác định thông tin là thật hay giả. Do đó, bản ngã bị ảo
tưởng cho rằng nó có khả năng phân biệt
làm cho mờ mắt. Ngược đời là, tâm trí không biết rằng khả năng của nó là có hạn
và dễ mắc sai lầm. Vì không khiêm tốn, cho nên quá trình tiến hóa tâm linh mới
dừng lại, phải có những sự kiện quan trọng hoặc vận may thì thói kiêu ngạo bẩm
sinh của bản ngã mới bị rúng động.
Ngoài việc chính tâm
trí của con người có những hạn chế nội tại bẩm sinh, thì còn có những vấn đề xuất
hiện trong đời sống khi người ta sống trong thế giới, với những thông tin từ
nhiều tầng khác nhau được liên tục được đưa vào, trong đó có cả các phương tiện
truyền thông. Thông tin cũng bao gồm các tầng sinh học/thể chất, cảm xúc/tâm
lý, tâm trí/tri giác và tâm linh/bối cảnh. Thế giới được trải nghiệm cũng thường
xuyên tạo ra khó khăn, theo nghĩa là nó đặt ra vô số lựa chọn và lựa chọn khi bị
áp lực về thời gian, buộc người ta phải liên tục quyết định.
Trong khi một người
khao khát tâm linh từ bỏ thế gian và tới sống trong những khu vực an toàn của cộng
đồng tâm linh tận tâm, thì đó không phải là lựa chọn của phần lớn những người
tìm kiếm muốn thực hiện nhiệm vụ khó khăn trong quá trình tiến hóa tâm linh mà vẫn
tham gia tích cực vào thế giới với những trách nhiệm và hoạt động hàng ngày.
Tuy nhiên, sẽ dễ dàng thực hiện nhiệm vụ này nếu nhận thức được những thái độ
và phong cách nhất định. Phần sau đây sẽ bàn về việc này.
Thế
gian là gì?
Thế giới là “thực” hay “vọng
tưởng” đã là đề tài được các triết gia thảo luận trong suốt chiều dài của lịch
sử, nhưng không có người nào thực sự đưa ra phương tiện giải quyết mang tính thực
dụng và thỏa đáng, đấy là do người ta không có câu trả lời dựa trên bản chất vốn
có thực tại và khuynh hướng của chính ý thức của con người. Như vậy là, câu nói
“Cố gắng thay đổi thế giới là việc làm vô ích, vì cái thế giới mà bạn nhìn thấy
thậm chí không tồn tại”, đúng ở tầng ý thức 700, nhưng một người bình không thể
hiểu được. Tương tự, để “Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (St.
Francis of Assisi) là đúng, nhưng một người bình thường làm sao làm được chuyện
này?
Nói rằng sai lầm lớn nhất
của con người là “vô minh (Chúa Jesus Christ, Đức Phật, Krishna, Socrates, v.v.
đều nói như thế), cần được giải thích, vì tuyên bố này không giải thích được vô
minh là bẩm sinh hay do khiếm khuyết về đạo đức, do cố ý, do số phận sinh học, hạn
chế mang tính nghiệp báo hay bản chất của con người là dễ mắc sai lầm.
Trong bối cảnh này, “thế
gian” có hai nghĩa: (1) thế gian như nó đang là trong thực tại/bản chất (res externa/extensa của Descartes), hoặc
(2) thế gian như nó được tâm trí của con người nhận thức, quan sát, chứng kiến
và giải thích (res cogitans/interna của
Decartes). Bên cạnh những giải thích thế gian theo lối trải nghiệm, hiện nay còn
có thêm vào những cách giải thích của vật lý học Newton và cơ học lượng tử nữa.
Các triết thuyết khác
nhau, trong đó có siêu hình học, bản thể học, thần học và nhiều thứ khác đã từng
giải thích thế giới trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay thế giới còn được các
phương tiện truyền thông phản ánh và giải thích, sau đó còn được các giác quan
xử lý. Trong khi Socrates, Descartes và những người khác đã thể hiện rõ ràng thế
tiến thoái lưỡng nan của con người, nhưng họ không đưa ra được cách giải quyết mâu
thuẫn này, sự kiện này thể hiện rất rõ qua phiên tòa Scopes, cũng như những cuộc
tranh luận chính trị hiện nay về sự hòa điệu các thế giới quan khác nhau, trong
đó có chủ nghĩa thế tục và đức tin và các quyền được ưu tiên.
Các thế giới quan khác nhau
Sau đây là những lựa chọn
để nhìn thế giới
1. Được sinh làm người
là điều may mắn và hiếm có và là kết quả của nhân lành.
2. Thế giới là một cái
bẫy của vọng tưởng; do đó, sự cứu rỗi phụ thuộc vào không chấp trước với những
phẩm chất tuyến tính và đầy cảm xúc của nó.
3. Thế giới tri giác được
coi là kết quả của sự phóng chiếu của ý thức của con người, và do đó giống như quân
bài Rorschach.
4. Do trí tuệ của con
người bị hạn chế cho nên ta không thể biết được thực tại đích thực của thế gian.
5. Thế gian là một vở
hài kịch, một vở bi kịch, một bàn cờ chính trị, và nhiều thứ nữa.
6. Đây là thế giới để
con người chuộc tội, đầy khó khăn và đau khổ; do đó, hãy tìm kiếm thiên đường.
7. Thế giới là cơ hội
hiếm có cho quá trình tăng trưởng và tiến hóa tâm linh cao nhất bằng cách trả nợ
ác nghiệp và thực hành thiện nghiệp.
8. Thế giới là những cảm
giác muôn hình vạn trạng cực kỳ vô nghĩa, và bất kỳ ý nghĩa nào cũng chỉ là
phóng chiếu của con người mà thôi.
9. Thế giới là sân khấu
để người ta diễn vở hài kịch cực kỳ vô lý.
10. Thế giới và đời sống
con người là hậu quả của sự sa ngã của Adam và Eva, họ không vâng lời và bị
thái độ tò mò cám dỗ. Vì vậy, cuộc sống là sự sám hối vì tội lỗi nguyên thủ.
11. Thế giới và nhân loại
là Thiên Chúa tạo ra và do đó, được Thiên Chúa soi đường và về bản chất là thánh
thiện.
12. Thế giới chỉ đơn giản
là sản phẩm vật lý của vũ trụ vật lý.
13. Cuộc sống và do đó,
nhân loại là sản phẩm hoàn toàn ngẫu nhiên của quá trình tiến hóa sinh học theo
thuyết Darwin (giản lược mang tính cơ học). Sống sót là do chọn lọc tự nhiên, kẻ phù hợp nhất sẽ sống sót.
14. Thế giới và vũ trụ
chỉ là vọng tưởng thoáng qua, được bản ngã tạo ra nhằm làm cho mình tách biệt với
Thiên Chúa.
15. Đời sống của con
người là sự thể hiện của Ý Chúa, qua đó Chúa Ba Ngôi hoàn thành việc hiện thực
hóa tiềm năng vô biên vô tế.
16. Con người hạ xuống từ
các vì sao và từ thiên đường rơi xuống.
17. Con người xuất thân
từ loài khỉ.
18. Thế giới và cuộc sống
trần thế là con đường tối ưu cho quá trình tiến hóa của ý thức trong hình tướng
của con người, từ nguồn gốc động vật để tiến tới chứng ngộ và cứu rỗi tâm linh.
Do đó, con người là từ động vật trên đường tiến tới thiên thần.
19. Thế giới và đời sống
của con người chỉ là một chiều kích của tồn tại trong số rất nhiều chiều kích.
20. Thế giới đại diện
cho sự hợp nhất của tuyến tính và phi tuyến tính và thực sự tồn tại bên ngoài
thời gian và nhân quả.
21. Thế giới ban tặng
món quà sự sống thông qua hiện hữu và tồn tại, bằng cách đó ý thức trở thành trải
nghiệm được và do đó, được cụ thể hóa thành Thực tại Tối thượng từ đó phát sinh
năng lực để tồn tại/nhận thức.
22. Quá trình tiến hóa
tâm linh xảy ra là do đời sống con người tạo điều kiện cho những khám phá ngẫu
nhiện và nhận thức của con người về Thần tính như là Cội nguồn của nó. Như vậy
là, buông bỏ bản ngã/tự ngã thì sẽ thấy Thực tại tâm linh của Đại ngã, bằng
cách đó Thực tại của Thiên Chúa sẽ hiển lộ và được trải nghiệm theo lối chủ
quan như là Đại ngã (Thiên Chúa Hằng Hữu).
23. Tất cả bối cảnh của
thế giới đều là tư duy mang tính phỏng đoán, vì cuộc đời chỉ được sống bằng trải
nghiệm chủ quan.
24. Con người chỉ là một
loài vượn nhân hình (hominid) đã tiến hóa cao và do đó, chỉ đơn thuần là một
loài sinh vật, còn tâm linh là sản phẩm của trí tưởng tượng.
25. Con người là thảm họa
đối với môi trường, và loài người càng sớm tự hủy và nhanh chóng đưa thế giới trở
về với Tự nhiên thì càng tốt.
26. Nhân loại đang trên
đường cong học tập về quá trình tiến hóa sinh học/xã hội.
27. “Ý nghĩa” là cấu
trúc ngữ nghĩa/ngôn ngữ, mà không có thực tai cố hữu nào; do đó, bất kỳ và tất
cả các tuyên bố đều có hiệu lực như nhau.
28. “Tôi phát minh ra
thế giới mà tôi nhìn thấy”.
29. Cố gắng cứu thế giới
là việc làm vô nghĩa, vì thế giới mà bạn nhìn thấy thậm chí không tồn tại.
30. Thế giới là một nơi
thích hợp để chuộc tội và cứu rỗi.
31. Nhận thức của một người
về thế giới là kết quả của tầng ý thức của người đó.
32. Thế giới loài người
là bệnh viện tâm linh và đơn vị phục hồi chức năng.
Thế giới khẳng định
Thế giới của đời sống thường
nhật tạo được ảnh hưởng thông qua tâm trí và các giác quan và làm cho người ta
yêu hay ghét cũng như tạo ra ý nghĩa và giá trị, tất cả đều có thể được đưa vào
bối cảnh khác thông qua quá trình nhận thức và phát triển tâm linh. Cuộc đấu
tranh vì người khao khát tâm linh phải tách tri giác khỏi bản chất và quá trình
tư duy khỏi quá trình xác nhận giá trị theo lối trải nghiệm chủ quan. Người ta
nhìn thấy thế giới như là sản phẩm của quá trình xử lý bằng cảm xúc/tâm trí, kết
quả là sẽ nhận được ý nghĩa trừu tượng. Như đã trình bày trong những cuốn sách xuất
bản trước đây, tầm nhìn và trải nghiệm về thế giới là thể hiện tầng ý thức giữ
thế thượng phong của người đó.
Cùng với việc loại bỏ tên
gọi, phỏng đoán và phóng chiếu, chỉ có thể thực sự nói rằng thế giới và mọi thứ
trong đó chỉ đơn giản “đang là”. Suy ngẫm sẽ thấy rõ rằng cái đang “là”, chính
xác là nó “có nghĩa” là như thế, không có tính từ và tư duy mang tính miêu tả.
Sự phân loại của René Descartes res
externa (thế giới như nó đang là) và res
interna (thế giới như người ta nhận thức được) hòa tan vào nhau thông qua
quá trình, trong đó tất cả các tuyên bố đều được coi là chỉ nằm bên ngoài thực
tại mà họ đang cố gắng miêu tả.
Nói một cách triệt để,
thì mọi thứ chỉ đơn giản là bản sắc của nó, và tất cả các ý nghĩa hoặc mô tả mà
người ta nói tới đều là những phóng chiếu và nhận thức/tư duy bên ngoài, được xếp
chồng lên mà thôi. Không có các mô tả, giá trị và ý nghĩa được phóng chiếu ra thì
thế giới sẽ bộc lộ Ánh sáng Thần tính như bản chất của quá trình tiến hóa/sáng
tạo của nó. Sự hoàn hảo của cái Toàn thể tỏa sáng rực rỡ và vạn vật đều là sự
biểu hiện hoàn hảo và viên mãn bản chất của nó là do sự tồn tại đó.
Thế giới vốn dĩ hoàn hảo
về mặt tâm linh như nó đang là, và
như thế, nó là điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình phát triển ý thức của con
người, vì nó cung cấp cơ hội cao nhất cho quá trình thực thi thiện nghiệp và hoàn
trả ác nghiệp thông qua sức mạnh tâm linh của ý chí. Nhìn thấy như thế sẽ làm
cho người ta biết ơn cũng như có thái độ nhẫn chịu trước những trải nghiệm dường
như là tiêu cực, tức là đau khổ.
Lĩnh hội được và hiểu
biết được thực tại cơ bản phụ thuộc hoàn toàn vào việc lĩnh hội gía trị của bản
sắc như là Hiện diện và Thực tại, qua đó, vạn vật, không có chủ ngữ hay vị ngữ,
chỉ là những cái mà chúng đang là. Mặc
dù, nói chung những câu này nghe có vẻ thừa, nhưng bên trong chúng là sự nhận
thức, nhận thức là giải thoát.
“Ý nghĩa” của bất cứ thứ
gì thực ra đều là cái nó đang là, vì
nó là cái gì thì ý nghĩa của nó là
như thế. Với nhận thức như thế, bản chất của thế giới tỏa sáng với Ánh sáng của
Thần tính như sự mặc khải, và người ta nhìn thấy tất cả đều đáng yêu, hoàn hảo,
hoành tráng và đẹp. Xin khẳng định lại: Thế giới như nó đang là, là hoàn hảo
cho sự thăng tiến của ý thức của con người, vì nó cung cấp cơ hội cao nhất để tích
thiện nhiệp và xóa bỏ ác nghiệp thông qua những lựa chọn mang tính tâm linh của
ý chí. Nhìn thấy như thế sẽ làm cho người ta biết ơn cũng như nhẫn chịu trước
những trải nghiệm dường như tiêu cực, tức là đau khổ.
Trở thành “tâm linh” có
nghĩa là ý định tập trung vào những mục tiêu, ý nghĩa mang tính tâm linh và đưa
những sự kiện và trải nghiệm của đời sống vào bối cảnh tâm linh. Cũng có nghĩa
là trân trọng món quà của chính đời sống, cũng như trân trọng đời sống của các
chúng sinh khác. Chính ý định tâm linh sẽ đưa toàn bộ đời sống trong mọi biểu hiện
của nó vào bối cảnh khác, và bằng cách đó, ý nghĩa và tầm quan trọng sẽ trở nên
rõ ràng.
Tốt/Xấu – tiến thoái lưỡng nan
Đây có thể là một rào cản
khó vượt qua, theo nghĩa là, thái độ phán xét đã ăn sâu bén rễ vào tâm lý của con
người đến mức dù đã cố gắng hết sức, nó vẫn xuất hiện dường như là tự động. Đối
lập tốt/xấu đã khắc sâu vào tâm trí ngay từ thời thơ ấu và được củng cố trong
suốt cuộc đời. Ở hình thức nguyên thủy nhất, nó chỉ đơn giản là tô màu cho cảm
xúc, “muốn” và “không muốn”. Bằng cách này, cái người ta mong muốn là “tốt”, còn
cái người ta “không muốn” và làm cho người ta “khó chịu” là “xấu”. Nó trở thành
nền tảng cho đạo đức và chuẩn mực ứng xử, rất khác nhau ở các thành phần xã hội
khác nhau và trong các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, sự phân đôi tốt-xấu là
bản chất bên trong của tất cả các nền văn hóa trong mọi thời đại và thậm chí
người ta còn thấy trong hành vi của bầy đàn động vật.
Phần thưởng hay hình phạt
càng củng cố thêm tính nhị nguyên, rồi sau đó chúng được tiếp thu như hài lòng
hay chán nản và làm cho lòng tự trọng tăng lên hay giảm đi. Phê phán hay dạy đời
là bản chất của xã hội loài người, và cũng như đã nói trong các tác phẩm trước,
những công trình nghiên cứu gần đây đã phát hiện được khả năng là nó đã được
cài đặt sẵn trong cấu trúc của thần kinh và sinh lý học của chính não bộ của
con người (Gazzaniga, 2005; Ackerman, 2006).
Các dạng sống nguyên thủy
nhất còn tồn tại hoặc không thể tồn tại là do có hay không có những nguồn năng
lượng cần thiết ở bên ngoài; do đó, sự phân đôi giữa đúng với sai, thành công với
thất bại, tốt với xấu và ăn được với không ăn được là đặc hữu của hình thức sống
hữu cơ. Hành vi nhóm trong vương quốc động vật gần như giống hệt hành vi của
con người, thậm chí ở cả tầng tranh giành quyền lực giữa các quốc gia để tồn tại,
bành trướng lãnh thổ và thống trị (bá quyền).
Siêu việt sự phân đôi
“tốt/xấu” mang tính phê phán làm ta khó chịu thực ra rất đơn giản: nhận ra rằng
mọi thứ và mọi người đều là cái mà họ đang là, đơn giản chỉ là bản sắc của họ
mà thôi. Tương tự như thế, người đó chỉ có thể là người mà họ đã trở thành và bất
kỳ lúc nào họ cũng là con người mà họ đang là. Phân loại về mặt đạo đức chỉ có
thể là giả định dựa trên quan điểm mang tính giả thuyết “đã có thể là”. Nếu như
người ra thực sự “đã có thể” là người khác, thì họ đã là người khác rồi. Giả
thuyết bao giờ cũng không có giá trị, vì nó là tưởng tượng lý tưởng hóa được
người ta phóng chiếu ra bên ngoài, mà không có thực tại căn bản nào; do đó nó luôn
luôn có điểm hiệu chỉnh là sai.
Các tùy chọn sẵn có phụ
thuộc vào phạm vi của những khả năng giữ thế thượng phong, bằng chứng là nhận
xét buồn bã: “Giá như lúc đó tôi đã biết những thứ tôi biết vào lúc này”. Rõ
ràng là ở độ tuổi khác nhau hoặc trong các điều kiện khác nhau, bên trong hoặc bên
ngoài, người ta có thể lựa chọn khác đi.
Nhận thức như thế cũng
làm giảm bớt mặc cảm tội lỗi và tự lên án chính mình, vì con người lúc này
không phải là con người trong thời điểm mắc sai lầm. Tuy nhiên, sự kiện đó
không nhất thiết xóa bỏ trách nhiệm hay hậu quả của nghiệp lực, nhưng nó tạo được
ảnh hưởng và làm cho tội lỗi giảm đi. Tin rằng người khác “nên” chấp nhận và sống
theo những tiêu chuẩn, đạo đức và quy tắc ứng xử cũng như cách giải thích hiện
thực của mình là không thực tế cũng như cuối cùng sẽ làm cho mình cảm thấy khó
chịu. Thói răn dạy đạo đức mà người ta phóng chiếu ra ngoài luôn được thể hiện
là “nên” và thường dẫn đến sự oán hận, căm ghét, hận thù hay thậm chí là trả
thù và tất nhiên là chiến tranh (ví dụ, quan điểm ngây thơ của người Mỹ rằng tất
cả các quốc gia khác “nên” trở thành chế độ dân chủ). Bằng cách lựa chọn, người
ta có thể từ bỏ thói quen phán xét. Kết quả sẽ là sự bình an ở bên trong.
Trong quan hệ và nền
chính trị quốc tế, người ta thường lờ đi sự kiện là thế giới quan của người này
hoàn toàn khác với thế giới quan của người khác. Tâm từ bi nảy sinh từ việc chấp
nhận giới hạn của con người và thấy rằng mọi người đều là tù nhân của chính thế
giới quan của họ. Khi không còn chấp trước, thì cũng không còn áp lực phải tìm
cách thay đổi thế giới hoặc thay đổi đời sống của những người có quan điểm khác
với mình hoặc không đồng ý với họ để chứng tỏ rằng họ sai. Một người bạn đã tiến
hóa, đồng thời cũng là một người thông thái và thông minh, cách đây nhiều năm
đã nói: “Thật nhẹ nhõm khi nhận ra rằng tôi không cần phải có ý kiến về tất cả mọi
vấn đề” (Richmond, 1979).
Chấp nhận/Hài hước
Muốn siêu việt thế gian
thì cần có tâm từ bi và chấp nhận. Đây là kết quả của sự khiêm tốn ở bên trong,
bằng cách đó người ta phó thác thế giới cho Thiên Chúa, tâm trí ngày càng bình
an hơn. Một trong những những công cụ tâm linh có giá trị nhất mà trước đây người
ta rất ít nói tới, đấy là giá trị to lớn của hài hước. Hài kịch là hậu quả của
tâm từ bi: so sánh giữa tri giác và bản chất, và biện phải giải quyết là kết quả
của việc chấp nhận những thứ mơ hồ.
Hài hước hoàn toàn khác
với chế giễu hay ác ý, nó là từ bi, theo nghĩa là, chấp nhận những giới hạn và
nhược điểm của con người, coi đó là bản chất. Do đó, nó giúp cho quan điểm “sống
trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” và thể hiện rằng, người ta sống
sót tương tự như cây sậy uốn theo chiều gió, chứ không bị gẫy như cây sồi cứng
nhắc.
Tiếng cười nhẹ nhõm thể
hiện niềm vui vì đã giải quyết được xung đột và khả năng cười nhạo chính mình
là cực kỳ quan trọng, thúc đẩy thái độ tự trọng tích cực. Phản ứng lại mọi thứ
như thể đấy là sự kiện rất quan trọng lại là kết quả thái độ phù phiếm của cốt
lõi ái kỷ của bản ngã (ví dụ, “nhạy cảm” hoặc “bị xúc phạm”). Hài hước đưa những
trải nghiệm và sự kiện vào bối cảnh mới và do đó, tạo điều kiện cho niềm vui mà
không cần thái độ phán xét theo lối đạo đức. Hài hước tiến hóa như thái độ chấp
nhận mang tính triết học và có tác dụng chữa lành. Nhờ đó mà đau khổ, mâu thuẫn,
cảm xúc tiêu cực giảm đi.
Cuộc sống là hằng hà sa
số những mơ hồ, nếu không có thái độ hài hước thì không thể giải quyết được những
mơ hồ này. Nếu sử dụng một cách thận trọng, hài hước thông qua chấp nhận sẽ dẫn
đến an bình và khả năng thích ứng tăng lên chứ không phải là oán hận đầy thất vọng
hoặc tư tưởng chủ bại. Bằng thái độ hài hước, chúng ta “vượt lên trên” hoàn cảnh
mà vẫn giữ được phẩm giá ở bên trong chứ không còn xấu hổ, tức giận, oán hận hoặc
làm giảm lòng tự trọng. Hài hước cũng tạo điều kiện thuận lợi trí huệ, theo
nghĩa là, nó đưa những điểm yếu của con người vào bối cảnh mới, coi đó là bản
chất của chính thân phận của con người và do đó, không còn mang tính cá nhân nữa.
Diễn viên hài Jack
Benny đóng vai một nhân vật nổi tiếng keo kiệt và hà tiện. Một tên cướp chặn đường
ông ta và nói, “Đưa tiền đây không tao bắn chết”. Benny do dự và sau đó chậm
rãi, nhưng nói một cách có chủ ý và chu đáo: “Chà, không gấp như thế chứ”. Tất
nhiên, bằng cách nói như thế, ông làm cho chúng ta cười, vì con người quá thiên
về vật chất, con người không ngừng hy sinh mạng sống, niềm vui và hưởng thụ chỉ
để kiếm được nhiều tiền.
Cuối cùng nhưng không
kém phần quan trọng là sự hài hước mỉa mai, rút ra từ sự mơ hồ của ngay cả những
trải nghiệm khủng khiếp nhất của con người và tạo điều kiện cho chúng ta thoát
ta khỏi những trải nghiệm này và do đó, giảm bớt được đau đớn. Do đó, hài hước giúp
cho quá trình siêu việt và giải thoát khỏi những ràng chấp trước nơi thế gian
và những ham muốn đầy vọng tưởng.
Hài hước là biểu hiện của tự do và niềm vui, còn tiếng cười thì có tác dụng chữa lành về mặt sinh học. Trong khi trên Thang đo Ý thức, mặc cảm tội lỗi và sám hối theo kiểu “mặc áo tang và rắc tro lên đầu”, mà những thế kỷ trước thường coi trọng, có điểm hiệu chỉnh khá thấp. Chúa nằm ở trên cùng của Thang đó, chứ không phải ở dưới đáy. Đức tin, tình yêu và niềm vui là con đường cao tốc; chết và u ám chỉ dẫn đến buồn bã và tuyệt vọng. Căm ghét chính mình làm đui mù nhận thức về Đại ngã như một phản ánh của Sáng tạo Thần thánh
Cảm ơn bác đã post bài mới liên tục hai ngày cuối tuần, sáng CN cháu vào bấm liên tục refresh bài mới mà chưa thấy, cháu đang nghĩ có thể bác sẽ dành post vào đầu tuần, thì chiều bác thông báo bài mới trên facebook rồi, cháu rất mừng ạ.
ReplyDelete