July 8, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (18)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 17

 

Đạo đức, Lý trí và Đức tin

 

Dẫn nhập

Thánh Thomas Aquinas đã từng bàn đến vấn đề liên kết lý trí với đức tin trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng, Summa Theologica (điểm hiệu chỉnh 730), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1485. Tác phẩm vĩ đại này đã từng được vinh danh trong suốt nhiều thế kỷ vì đã thiết lập được tiền đề nói rằng lý trí củng cố và làm sáng tó đức tin và ngược lại. Làm như thế thì sẽ giải quyết được xung đột giữa lý trí và đức tin. Ngoài ra, ông còn dạy, rằng chỉ có lý trí không thôi thì chưa đủ, vì chỉ khi lý trí được soi sáng bởi mặc khải thì chúng ta mới hiểu được ý nghĩa chân thực nhất và cao cả nhất. Một mình lý trí chỉ thể hiện được tính khách quan khoa học theo lối kinh viện, trong khi mặc khải khơi dậy nhận thức chủ quan và lĩnh hội mang tính tâm linh bao trùm. Vì vậy, thần học cung cấp cho chúng ta nội dung tuyến tính, nhưng chỉ có mặc khải mới mang lại cho chúng ta bối cảnh phi tuyến tính cần thiết để có thể hiểu. Đức tin của người tìm kiếm tâm linh hiện đại không chỉ cần liên kết với lý trí, mà còn phải liên kết đức tin với thế giới bị khoa học và công nghệ thống trị, cùng với những ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng nữa. Sự xâm nhập sâu hơn là hậu quả của quá trình xói mòn logic và lý trí, đấy là do ảnh hưởng lan tràn của những xuyên tạc và sai lầm triết học đã bị chính trị hóa, vì thế mà tiêu chuẩn của tính chính trực và sự thật đã bị suy giảm đến mức giả dối hiện nay đã thực sự giành được vị thế pháp lý chẳng khác gì sự thật và đáng tin. Do đó, một tòa án ở Washington đã ban hành phán quyết nói rằng, không còn bất kỳ cơ sở nào để nói rằng đấy là vu khống, theo nghĩa là bất kỳ tuyên bố nào (“ngôn luận tự do”) cũng đều không cần phải có bằng chứng có thể xác nhận được. Vì vậy, những lời nói dối công khai và sự thật có thể kiểm chứng đều có giá trị như nhau. (Phán quyết này có điểm hiệu chỉnh 170).

Trong khi đó, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, đức tin thường xuyên bị tấn công, thì lúc này ngay cả chính lý trí, về cơ bản, cũng bị suy yếu đến mức nó thực sự cản trở năng lực của tâm trí con người trong việc kiểm nghiệm thực tại. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các học giả nổi tiếng (ví dụ, tương đối luận đạo đức và luân lý, và thuyết giải cấu trúc hậu hiện đại) đã tuyên bố một cách trắng trợn về sự đảo ngược thật giả, thiện ác

Dùng ái kỷ thay thế cho thần tính

Cùng với  những cuộc tấn công vào lý trí vừa nói bên trên, còn có những vụ xâm nhập trên diện rộng vào tính chính trực của các giáo lý tôn giáo. Một trong những các tôn giáo lớn trên thế giới thậm chí xuất hiện như là tôn giáo của hận thù, khủng bố và giết chóc, được bổ xung bằng những lời trích dẫn mộ đạo về “Sự chấp thuận của Thiên Chúa”.

Ở Mỹ, “Kitô giáo theo phái tự do” đã cúi đầu trước chủ nghĩa hậu hiện đại, hệ tư tưởng chính trị tương đối luận đến mức vô hiệu hóa chính nền tảng của thông tin xác thực của nó, chẳng hạn như từ chối Chúa Ba Ngôi và Thần Tính của Chúa Jesus Christ. Kết quả là, các nhà thờ Tin lành đã giảm tới 50% thành viên, thậm chí một số nhà thờ Công giáo, do những nỗ lực “hiện đại hóa”, mà đã mất dần các tín hữu.

Bằng chứng của ảnh hưởng của “hiện đại hóa” là việc người ta thúc đẩy một cách ngược đời việc Kitô giáo thế thục hóa bằng cách dùng “BCE” thay thế cho B.C., hoặc dùng “CE” thay cho A.D. Người ta bảo là “nhạy cảm” (có nghĩa là chiều chuộng thói ái kỷ) đối với những người theo đạo Hồi không phải Kitô hữu (những người đã chính thức bỏ Dương lịch, theo nghị định của Ayatollah). Tuy nhiên, ngược đời là, sự thay đổi như vậy lại được coi là “không nhạy cảm” đối với các Kitô hữu trên toàn thế giới và hai nghìn năm lịch sử. Sau hành động xúc phạm Kitô giáo này là hiện tượng thậm chí còn xúc phạm hơn, đấy là Tổng Giám mục Canterbury đề nghị vào tháng 2 năm 2008 rằng, Anh nên chấp nhận luật Sharia. (Mời đọc Woodward and Butt). Các nhà báo Mỹ đã chú ý, chẳng hạn như Kathleen Parker (Nhóm người viết cho Washington Post, ngày 15 tháng 2 năm 2008) tới những đe dọa của Hồi giáo đối với quyền tự do ngôn luận ở Châu Âu.

Để không “xúc phạm” ai, Kitô giáo phải loại bỏ tất cả các tài liệu nói về Chúa Jesus Christ; Phật giáo sẽ phải loại bỏ tất cả tham chiếu đến Đức Phật; Do Thái giáo sẽ phải loại bỏ tất cả các nhà tiên tri hoặc tên gọi Chúa bằng tiếng Do Thái; và chính tôn giáo cũng sẽ bị loại bỏ vì nó có thể xúc phạm những người không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới phương Tây bị mắc kẹt với con số định danh của chính năm đó. Đây là năm 2008. Dù được chỉ định như thế nào, “2008” đánh dấu hai ngàn lẻ tám năm sau ngày Chúa giáng sinh. Còn “BC 350”, như mọi người đều biết, có nghĩa là ba trăm năm mươi năm trước khi Chúa giáng sinh.

Thậm chí khi được ngụy trang thành “Kỷ nguyên hiện đại” (Modern Era), con số chỉ năm vẫn nói tới ngày sinh của Chúa Jesus Christ. (Có lẽ là “Kỷ nguyên hiện đại” phải được sửa lại để chỉ năm bắt đầu với khám phá của Thomas Edison trong lĩnh vực điện, hoặc có lẽ là động cơ hơi nước, hoặc chắc chắn là với sự ra đời của con chip bán dẫn và máy tính).

Từ “cảnh sát tư tưởng” xuất hiện “cảnh sát ngôn ngữ”, “cảnh sát cảm giác”, “cảnh sát giới tính”, “cảnh sát xu hướng tình dục” và “cảnh sát nhạy cảm về tôn giáo” (xem Dierker, 2006). Như có thể dễ dàng quan sát được, tất cả những điều vừa nói được cho là thái độ “nhạy cảm”, “phải đạo” và “ưu việt hơn” về bản chất là hòa điệu với thói ái kỷ, mà người ta kỳ vọng là thế giới sẽ phục vụ bản ngã trẻ con của mỗi người. Nó sẽ làm cho người ta giả vờ là thế giới của những kỳ vọng của trẻ con và xung đột thường xuyên giữa các phe phái tự tư tự lợi làm cho xã hội tan rã và cuối cùng là mất khả năng sinh tồn về mặt vật lý. Có lẽ cái thực sự cần chính là “cảnh sát thói ái kỷ”. Việc sử dụng thuật ngữ “vô cảm” mang tính miệt thị như hiện nay rõ ràng là khá vô cảm và là biểu tượng cố tình xúc phạm người khác.

Từ những điều vừa trình bày, rõ ràng là từ “nhạy cảm” có nghĩa là lòng trung thành và phục vụ cho hiện tượng loạn thần kinh theo lối ích kỷ, thường được gọi là “ích kỷ”. Vì vậy, khi phóng chiếu lên người khác, để không “làm tổn thương cảm giác” của những người nổi tiếng, có thể là những tên khủng bố (giết hàng ngàn người), cảm xúc thực sự của 750 triệu hành khách hàng năm trên máy bay của các hãng hàng không của Mỹ đã hoàn toàn bị lờ đi khi họ phải đi qua biết bao nhiêu cửa an minh, bị khám xét và nhiều lần bị chậm. Một “kẻ đánh bom giày” làm cho 750 triệu người phải cởi giày, với những khoản chi phí làm người ta phải kinh ngạc. Cách làm này dựa trên giả định rằng những du khách không được mời mà đến Hoa Kỳ có lòng tự trọng rất mong manh và có thể cảm thấy “bị xúc phạm” nếu hỏi họ đến từ đâu, v.v. Xin lưu ý rằng, các nước khác không phải là những nước cẩu thả và họ sử dụng hồ sơ (trong đó có nhận diện mống mắt) như là lẽ thường và lý trí, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về sinh tồn của nhà nước có chủ quyền.

Trong phân tâm học, hội chứng loạn thần kinh vừa nói được gọi là “quá trình hình thành phản ứng” trong đó một người phản ứng quá mức trước một khiếm khuyết bằng cách phóng đại điều ngược lại với nó. Như vậy là, người “nhạy cảm” là người thực sự vô cảm trước cảm xúc của những người khác. Bằng cách làm như thế, thiểu số tìm cách thống trị đa số nhằm giành cho bằng được quyền lợi ích kỷ của mình. Cùng với quá trình trưởng thành, người ta học để chịu trách nhiệm về tính ích kỷ của chính mình và “vượt qua nó” như bài hát của ban nhạc rock Eagles khuyên người ta. Giải pháp thay thế là đưa toàn bộ xã hội xuống tầng ý thức thấp nhất, cuối cùng thậm chí còn đe dọa ngay cả sự sống còn, vì lo lắng theo lối loạn thần kinh rằng đối đầu với nghi phạm khủng bố có thể “làm tổn thương cảm xúc của chúng”.

Mặc cho tất cả những điều vừa nói, đạo đức vẫn là những hướng dẫn mang tính thế tục để người ta hành động, và hơn 50% người Mỹ tuân thủ các nguyên lý đạo đức cơ bản (cuộc thăm dò của Gallup, tháng 5 năm 2006). Tuy nhiên, cùng lúc đó, hơn 80% người ta tin rằng đạo đức hiện nay đang suy thoái.

Dùng cảm xúc thay thế cho thực tại

Trên Thang đo Ý thức, các tầng dưới 200 ngụ ý giả dối và cảm xúc tiêu cực. Các tầng hiệu chỉnh từ 200 trở lên ngụ ý những tầng sự thật ngày càng gia tăng và cảm xúc tích cực. Trên những tầng 400, sự thật được bộc lộ như là logic và lý trí, được ưu tiên hơn cảm xúc. Trẻ con bị tình cảm chi phối và chỉ đến giai đoan trưởng thành, họ mới phục tùng thực tại của lý trí. Cuối cùng mới tích hợp, và người ta “cảm thấy hài lòng” là mình đã trở thành người có lý trí và thực tế. Những cảm xúc tiêu cực sẽ bị đè nén và chỉ những cảm xúc tích cực mới được phép ngự trị hoàn toàn.

Những cảm xúc dưới tầng 200 là ái kỷ và định hướng động vật/bản ngã. Trong khi những cảm xúc ích kỷ thường được hợp lý hóa và được bào chữa (“chỉ là con người mà thôi”), nhưng đây là những cảm xúc không đáng khen. Mọi người đều cho rằng cảm xúc không được kiềm chế là trẻ con và không phù hợp với đời sống công cộng hoặc tranh luận nghiêm túc.

Người ta kỳ vọng rằng, người trưởng thành sẽ phát triển được năng lực chịu trách nhiệm về những cảm xúc của chính mình. Ở tầng ý thức dưới 200, “cảm xúc” được cho là quan trọng nhất và thường được sử dụng nhằm biện minh và hợp pháp hóa bất kỳ và tất cả các hành vi. Do đó, có khoảng cách rất lớn trong giao tiếp giữa những người ở trên và ở dưới tầng 200.

Ngã ái khuyến khích cảm xúc, coi đó là chất nền để ràng buộc lý trí và sử dụng chúng như là biện pháp kiểm soát người khác. Vì vậy, nếu 1% cảm thấy “không thoải mái” khi nói đến Thần tính, thì thực tế là 99% người dân là những người theo thuyết tự nhiên thần giáo được cho là cần bị lờ đi vì cảm xúc của “họ” không được người ta coi trọng. Do đó, xuất hiện hiện tượng kỳ quặc trong chính quyền của đa số: có những đặc điểm loạn thần kinh và sự non nớt của nhóm thiểu số. Quá trình này là gốc rễ của 98% các cuộc biểu tình bất đồng chính kiến - tính ích kỷ được phóng đại lên thành “quyền”, cần phải được đáp ứng. “Quyền” biện minh cho bạo lực, bạo loạn, đốt nhà, cướp bóc, diệt chủng và phá hoại, như các trận đấu bóng đá hay bạo loạn trên đường phố Paris đã cho thấy. Ngã ái là định vị có hại, dễ dàng chuyển thành phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và cuồng tín.

Những nguyên tắc truyền thống

Từ xa xưa, trí tuệ tôn giáo/tâm linh cho rằng những năng lượng tiêu cực gây ảnh hưởng tới nhân loại nhằm chống lại quá trình tiến hóa tâm linh và tấn công sự trong sáng và sự thật. Theo truyền thống, những năng lượng này được gọi là “xấu xa”, “satan”, “ác quỷ” hay “cõi trung giới thấp hơn”, ngụ ý rằng chúng có nguồn gốc từ những chiều kích “không tốt”. Những năng lượng tìm cách chống lại và đứng cao hơn sự thật và thay thế bằng dối trá trước đây gọi là năng lượng “Luciferic” (thái độ bác bỏ một cách kiêu hãnh Thiên Chúa).

Năng lượng tìm cách phá hủy sự trong sáng và tình yêu được gọi là “Satan”. Trong khi năng lượng Luciferic kiêu hãnh tìm kiếm quyền lực và kiểm soát, thì năng lượng của Satan kích thích nô lệ tình dục, mạo phạm và bạo dâm, bạo lực, ô uế, chiến tranh và phá hoại. Cả hai loại năng lượng này tận dụng cám dỗ và quyến rũ và rất thông minh trong việc giả làm cừu non, thậm chí còn tuyên bố là được Thiên Chúa cho phép (cũng không hiếm người mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như với kẻ giết người nổi tiếng, Son of Sam[1]).

Tất nhiên, hiện nay cả hai loại ảnh hưởng này đều được thể hiện một cách sinh động và được truyền bá trong xã hội, tác động của nó lại được truyền thông đại chúng khuếch đại và trao cho nó rất nhiều quyền lực. Các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí đều tán dương hai xu hướng này. Tất cả các xu hướng có tính phá hoại đều nhằm vào sự nhẹ dạ và yếu đuối của con người, vốn là hậu quả của sức hút của cốt lõi ái kỷ của chính bản ngã, do bản ngã mà những xu hướng này xuất hiện và có xu hướng tự củng cố.

Có thể thấy trong suốt chiều dài của lịch sử tôn giáo ảnh hưởng của những năng lượng coi Thiên Chúa là kẻ thù tối thượng và do đó tìm cách hạ bệ sự thật tôn giáo hoặc định nghĩa lại Thiên Chúa theo bằng những hình ảnh và khái niệm của Satan. Xin lưu ý vụ suy sụp của Kitô giáo  sau Công đồng Nicaea (từ tầng trên 900 xuống những tầng 400). Việc đưa thêm, ví dụ, Sách Khải Huyền (điểm hiệu chỉnh 70) vào Tân Ước có vai trò quan trong trong vụ  suy giảm này, (kinh Tân Ước, nếu không có Khải Huyền, có điểm hiệu chỉnh 800).

Vụ suy sụp của Hồi giáo và người sáng lập ra nó đã được mô tả trong những tác phẩm khác cũng có vai anh hưởng không kém (Xem thêm Truth vs. Falsehood, Chương 16). Muhammad có điểm hiệu chỉnh 700 vào lúc ông đọc cho người ta chép Kinh Koran, nhưng ba năm sau, khi bắt đầu cầm vũ khí, ông bất ngờ rơi xuống tầng 130, và từ năm 629 sau Công nguyên là những cuộc “thánh” chiến không bao giờ ngưng cho đến tận ngày nay. (Thánh chiến (Jihad) có điểm hiệu chỉnh 30).

Ngoài ra, Wahhabism (điểm hiệu chỉnh 30) và người sáng lập ra nó có điểm hiệu chỉnh 20 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho Hồi giáo. Những giáo lý vô cùng có hại của đạo Wahhabism lại được Sayyid Qutb (điểm hiệu chỉnh 75) củng cố thêm. Luật Hồi giáo hiện hành (Sharia) có điểm hiệu chỉnh ở tầng 190, những lời tiên tri về ngày tận thế của đạo Hồi có điểm hiệu chỉnh ở tầng 70, và “thái độ hân hoan chiến thắng” có điểm hiệu chỉnh 50.

Thú vị là, 80% những người có điểm hiệu chỉnh bên trên tầng 200 đều coi Hồi giáo hiện đại là nguy hiểm và là đe dọa, trong khi chỉ có 40% số người có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200 có quan điểm như thế (tháng 11 năm 2007).

Một sai làm bên trong nữa của Hồi giáo là tôn thờ Muhammad chứ không tôn thờ Thiên Chúa. Muhammad chỉ là nhà tiên tri hay người đưa tin, và trong giai đoạn tốt đẹp nhất, chỉ kéo dài trong ba năm, ông này từng có điểm hiệu chỉnh ở tầng 700. (Chúa/Allah có điểm hiệu chỉnh Vô biên Vô tế). Sau đó, bằng những cuộc chinh phục, ông ta đã khuất phục trước cái bẫy của quyền lực trần thế. Những vụ sụp đổ từng bước một của Hồi giáo được khảo sát chi tiết trong tác phẩm What the Koran Really Says (Warraq, 2002) và Jihad Incorporated (Emerson, 2006). Trong tác phẩm Thinking Like a Terrorist (German, 2007) vấn đề còn được trình bày rõ ràng hơn nữa.

Ngay cả Giáo hội Công giáo La Mã cũng không miễn nhiễm trước những hiện tượng phá hoại hoặc tấn công của Satan (ví dụ, Tòa án dị giáo). Gần đây hơn là hiện tượng ấu dâm trong giới tăng lữ, với nhiều tăng lữ dính líu vào, đủ sức làm cho nhiều giáo phận bị phá sản và đóng cửa. Đấy là do hàng ngàn về các vụ kiện do nạn nhân ấu dâm tiến hành.

Ngoài những bi kịch mang tính thiết chế vừa nói, trong thời gian gần đây cũng như hiện nay còn có rất nhiều “những ông thầy sa ngã”, đấy là những người từng có điểm hiệu chỉnh khá cao, thường là khoảng 550 và thậm chí là cao tới những tầng 700, nhưng sau đó đã rớt xuống, là vì bị quyến rũ, bị mê hoặc và cám dỗ về vai trò của mình. Đây là do những khiếm khuyết và yếu kém của bản ngã mà người ta không nhận ra khi có quyền lực đối với những người khác. Đấy có thể là quyến rũ về tình dục, về danh và lợi, và sự phồng lên của bản ngã tâm linh, sự nổi tiếng và “có nhiều đệ tử”. (Những nhà lãnh đạo tôn giáo sa ngã là vì sư phụ của họ đã không cảnh báo trước về những nguy hiểm như thế).

Các vị thánh mà mọi người đều biết trong quá khứ từng mô tả những thăng trầm trong nỗ lực tâm linh của mình (ví dụ, Confessions of St. Augustine,v..v). Ngay cả Đức Phật cũng bị “quỷ ám”, chúng tìm kiếm những điểm yếu hay khiếm khuyết tâm linh, còn Chúa Jesus Christ đổ mồ hôi máu trong Vườn Gethsemane. Trong những nỗ lực tâm linh mà người tu tập đang làm mỗi ngày, những can nhiễu có thể xuất phát bên ngoài hoặc từ bên trong, chẳng hạn như những quyến rũ của việc chìm đắm trong mặc cảm tội lỗi và sám hối hoặc kiêu hãnh về mặt tâm linh.

Trong thế giới hiện đại, trở ngại và rào cản là do phẩm chất của đời sống hiện đại, cùng với sức quyến rũ và năng lượng có chủ ý, cùng với những giá trị không chính trực và những cuộc tấn công vào lý trí và kiểm nghiệm thực tại có tính toán và phối hợp. Các “blog” trên Internet là nền tảng săn-đuổi-và-nuôi-dưỡng cho cả năng lượng Satanic lẫn Luciferic đã bị chính trị hóa (ví dụ, trên các trang web đầy hận thù được công bố rộng rãi).

Một khám phá thú vị của của công nghiên cứu được thực hiện trong thời gian gần đây là thay đổi cách nhìn “quan hệ nhân quả” của ngôn từ và thái độ căm ghét. Vỏ bọc hiền lành là giả định được người ta truyền bá là một số sự kiện nào đó trên thế gian là “nguyên nhân” gây ra hận thù, do đó, hận thù dường như được hợp pháp hóa và hợp lý hóa, coi nó là chính đáng. Nghiên cứu hiệu chỉnh ý thức chỉ ra rằng, trình tự thực ra là ngược lại (bạn đọc có thể tự mình xác nhận hiện tượng này). Lòng căm thù của cá nhân có trước và tồn tại từ trước như một đặc điểm trong tính cách, rồi sau đó tìm lý do để thể hiện ra bên ngoài, bằng ngôn ngữ hận thù, v.v. Lòng thù hận chỉ tìm kiếm lý do bên ngoài, rồi sau đó lên án nó, coi nó là “nguyên nhân”.

Hiện tượng thể hiện rất rõ trong Thế chiến II, các quân nhân thậm chí không “ghét” kẻ thù và nhận ra rằng cả Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật đều hành động vì họ bị nhồi sọ về tư tưởng và bị buộc phải làm như thế. Các quân nhân thậm chí còn bắt tay và chào mừng hành động dũng cảm của phía bên kia, một số thậm chí còn trở thành bạn bè của kẻ thù cũ cho đến cuối đời. Chúng tôi sợ các phi công the kamikaze nhưng không căm thù họ vì họ cũng chỉ đang làm nhiệm vụ như chúng tôi mà thôi.

Xin lưu ý rằng, những người ghét chỉ “yêu” cái sự ghét và dính chặt vào nó. Một số người ghét là những chuyên gia được nhiều người biết và được trả lương cao, họ làm cho nhiều người ái kỷ cảm thấy hài lòng. Do đó, chiến tranh trở thành vũ đài được ưa chuộng của những kẻ đầy thù hận và luận điệu lẩn tránh của môn nạn nhân học.

Biện pháp bảo vệ và phòng thủ

Bằng những công trình nghiên cứu sâu rộng về ý thức, hiện nay đã có sẵn các tầng được hiệu chỉnh của sự thật của các con đường của tôn giáo và các vị thầy và có thể cung cấp lộ trình rõ ràng cho những lựa chọn mà trong trong quá khứ từng làm cho người ta bối rối. Số phận của linh hồn vĩnh cửu của người ta đang ngàn cân treo sợi tóc. Vì vậy, việc lựa chọn giáo lý hoặc vị thầy chính trực là xứng đáng với những nỗ lực và ý định tốt nhất của mỗi người. Để so sánh, thỉnh thoảng bạn nên tự hỏi: “Tôi có sẵn sàng lên một chiếc máy bay mà phi công có điểm hiệu chỉnh ở tầng 170,” nhưng nhiều người lại không thận trọng khi làm việc này, trong khi sự an toàn về tâm linh còn quan trọng hơn hẳn sự an toàn về thể chất.

Sự phản đối ở bên trong, cản trở quá trình tiến hóa tâm linh là hệ quả của cơ cấu của chính bản ngã của con người, bản ngã không nhận thức được những hạn chế và xu hướng dễ mắc sai lầm của chính nó (“vô minh”). Xảy ra hiện tượng như thế là vì bản ngã rất dễ bị vẻ ngoài đánh lừa và nó không thể phân biệt được bản chất. Nhưng vấn đề này không còn khó vượt qua như trước nữa, vì hiệu chỉnh ý thức là bản chất chứ không phải là vẻ ngoài. Như vậy là, những cản trở lớn, không cho người ta tiếp xúc với sự thật, đã được Socrates, Descartes, Jesus, Krishna và Đức Phật tiết lộ, không còn ngăn cản được quá trình tiến hóa tâm linh nữa.


Hiện nay lừa đảo trong lĩnh vực tâm linh thực sự không thể nào xảy ra được nữa, vì những thứ giả trang làm ra vẻ ngây thơ không còn có thể lừa đảo nữa. Về bản chất, những thứ tinh khiết, trung thực và thánh thiện đều được hiệu chỉnh như chúng đang là, còn dối trá có thể bị vạch trần bằng cánh tay của ngay cả một đứa trẻ ngây thơ (video Power vs. Force, Hawkins, 1995).


[1] David Richard Berkowitz còn được biết đến với tên Son of Samlà một kẻ giết người hàng loạt người Mỹ. Hắn bị cáo buộc là đã thực hiện 8 vụ xả súng tại thành phố New York - ND.

No comments:

Post a Comment