December 29, 2024

HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGÃ (10)

 HOÀ TAN BẢN NGÃ, NHẬN RA ĐẠI NGà

DAVID HAWKINS, M.D., Ph. D. 

Phạm  Nguyên Trường dịch 


10

 

PHI NHỊ NGUYÊN

 

 

Thực tại của Đại ngã có đặc điểm là phi nhị nguyên: vượt ra ngoài hình tướng và tính nhị nguyên nhân của “cái này” và “cái kia”, chủ thể và đối tượng, “của tôi” và “của anh”. Trạng thái phi nhị nguyên thường được mô tả bằng cách nhấn mạnh những gì nó không là, và chỉ ra thực tại không thể mô tả chính xác, mà chỉ có thể trải nghiệm theo lối chủ quan.

 

Phân tích bản chất của ý thức cho thấy cứu rỗi xảy ra như là kết quả việc ý thức quay trở về trạng thái nguyên sơ ban đầu của phi nhị nguyên. Nó chỉ có thể làm như như thế bằng cách “phục tùng” buông bỏ tính nhị nguyên của ý muốn và thái độ ngoan cố của bản ngã đối với tính phi nhị nguyên của Sự thật của Chúa. Quay trở về từ tính nhị nguyên của bản ngã tới phi nhị nguyên của linh hồn là vô cùng khó khăn và không thể xảy ra, nếu không có Ân điển của Chúa. Do đó, con người cần một vị Chúa cứu thế để có người ủng hộ, nguồn cảm hứng và điểm tựa cho sự cứu rỗi của mình khỏi những đau khổ của bản ngã.

***

Bản ngã/tâm trí suy nghĩ, trường (ý thức) biết và Đại ngã là.

***

Phi nhị nguyên có nghĩa là không có hình tướng, sự phân chia hay giới hạn—chẳng hạn như thời gian, địa điểm hoặc suy nghĩ—bao gồm cả những giả định tuyến tính tùy tiện. Thần tính, do “tính chất” bẩm sinh của nó, là toàn tri, toàn hiện và toàn năng; và tất cả đều tiến hóa như là hệ quả của Cái Phi Hiển Lộ trở thành Hiển Lộ như là Tạo hoá đang tiến hóa.

***

Trong Thực tại, từ quan điểm phi nhị nguyên, có thể quan sát được và trải nghiệm được rằng thực ra vạn vật diễn ra một cách tự phát như là hiệu ứng của trường của hệ quả tự động của quá trình hiển lộ tiềm năng thành thực tại. Vô hình tướng là sức mạnh tiềm ẩn của bối cảnh vô biên vô tế của Ý thức/Thực tại/Thần tính và tác động của nó lên nội dung. Trường sức mạnh phi tuyến tính, vô biên vô tế hiện diện như nhau bên trong, bên ngoài và bên trên. Tiềm năng trở thành hiện thực khi các điều kiện cho phép hoặc thuận lợi. Quá trình này được trao quyền bằng ý định, cũng như phẩm chất phi cá nhân bẩm sinh của chính ý thức.

***

Trong phi nhị nguyên của nhận thức, ngay cả trình tự cũng không còn xảy ra nữa, và nhận thức thay thế cho trải nghiệm. Không còn trải nghiệm về “khoảnh khắc” nữa, vì chỉ có Bây giờ liên tục mà thôi. Chuyển động dường như là chậm, như thể lơ lửng bên ngoài thời gian. Không có gì là không hoàn hảo. Không có gì là thực sự chuyển động hay thay đổi; không có sự kiện nào thực sự đang diễn ra. Thay cho trình tự, có nhận xét rằng vạn vật đều đang trong giai đoạn mở ra, và mọi hình tướng chỉ là hiện tượng phụ, có tính chuyển tiếp được tạo ra bởi tri giác và thói quen nhận xét của hoạt động của tâm trí.

 

Trong Thực tại, mọi thứ đều xuất hiện như là biểu hiện của tiềm năng vô biên vô tế của vũ trụ. Các trạng thái đang tiến hóa là hậu quả của những điều kiện, nhưng không phải do chúng gây ra. Điều kiện quyết định cách chúng ta nhìn thấy, còn hiện tượng như là thay đổi thực ra là kết quả của một điểm quan sát tùy tiện.

***

Trong Thực tại của phi nhị nguyên, không có đặc quyền, không có được, không có mất hay thứ hạng. Tương tự như cái nút chai trên mặt biển, mỗi linh hồn trong biển ý thức, đều nổi lên hoặc chìm xuống tới tầng của nó, đấy là do lựa chọn của chính nó—chứ không phải bởi bất kỳ sức mạnh hay sự ưu ái bên ngoài nào. Một số bị thu hút bởi ánh sáng và một số tìm kiếm bóng tối, nhưng tất cả đều diễn ra theo bản chất riêng của nó, đấy là do quyền tự do và bình đẳng Thần thánh.

***

Vì toàn bộ vũ trụ và vạn vật trong đó là một khối thống nhất về mặt nghiệp lực, cho nên Toàn thể của Thực tại là chứng ngộ. Nếu tất cả là một khối thống nhất về mặt nghiệp lực, có xuất xứ từ cùng một cội nguồn, thì nhìn thấy bất kỳ sự tách biệt nào cũng đều chỉ là sản phẩm của tri giác mà thôi. Trong Thực tại, một và nhiều là như nhau..

***

Bản ngã nhỏ bé bị Đại ngã làm cho tan rã. Thái độ mang tính chữa lành của Đại ngã đối với bản ngã là tâm từ bi; bằng cách tha thứ mà người ta được tha thứ. Thái độ sẵn sàng buông bỏ phát sinh từ Ân sủng của Chúa, cho phép sức mạnh của Chúa được thông qua Chúa Thánh Thần để đưa hiểu biết vào bối cảnh mới—và, bằng cách đó, phá bỏ sự thống trị của tri giác và tính nhị nguyên đi kèm với nó, và đấy chính là cội nguồn của mọi đau khổ. Giải thể tính nhị nguyên là món quà cuối cùng của Chúa, vì nó giải thể chính cội nguồn và khả năng sinh ra đau khổ. Trong phi nhị nguyên, đau khổ không thể xảy ra..

***

Ở tầng phi nhị nguyên, có quá trình quan sát nhưng không có người quan sát, vì chủ thể và đối tượng là một. Bạn-và-tôi trở thành Một Đại ngã trải nghiệm tất cả như là Thần thánh.

***

Trong phi nhị nguyên, định vị là không thể xảy ra; do đó, tri giác bắt nguồn từ các định vị, là nguồn gốc của những hiểu lầm về Thiên Chúa, mà, đáng tiếc là, nhân loại đã phải trả giá quá đắt.

***

Siêu việt tuyến tính tới phi tuyến tính là con đường của nhà huyền môn—con đường phi nhị nguyên—để nhận ra ánh sáng bên trong của chính ý thức, Đại ngã Bất tử Đích thực. Mọi người đều tin vào cảm giác bên trong về thực tại hay khả năng “biết” nằm bên dưới mọi trải nghiệm và chứng kiến, không phụ thuộc vào nội dung. Nội dung của tâm trí suy nghĩ, nhưng chỉ có trường phi tuyến tính “biết”, hoặc làm sao có thể biết được cái đang được suy nghĩ?

Bởi vì mọi người đều thực sự sống trong trải nghiệm tại mọi thời điểm, Cội nguồn của khả năng biết hoặc trải nghiệm lúc nào cũng ở ngay bên cạnh và là nguyên sơ. Tất cả mọi người đều trải nghiệm rằng họ liên tục “trải nghiệm”, dù nội dung luôn luôn thay đổi có là gì thì cũng thế.

***

Tất cả mọi người đều là những nhà huyền môn và ngay từ khi sinh ra đã bị cuốn hút về phía chứng ngộ, dù họ có nhận thức được chuyện này hay không. Đó là phẩm chất của học hỏi và tò mò được mở rộng ra, mà đấy là bẩm sinh của tâm trí. Do đó, con đường “Bất nhị Sùng kính” mở ra cho tất cả mọi người và không có yêu cầu nào, ngoài khả năng trung thực ở bên trong và sự sẵn sàng hoà điệu với sự thật có thể xác minh được và đi theo nó cho đến Cội nguồn của nó.

***

Hỏi: Phi nhị nguyên có giống như thực tại triệt để, trong đó mọi thứ được nhìn nhận là biểu hiện của bản chất của nó bởi chính bản sắc của nó?

Trả lời: Đó là nhận thức thấu triệt cực kỳ quan trọng. Toàn bộ Tạo hóa, tự bản thân nó, đi từ trạng thái hoàn hảo này sang trạng thái hoàn hảo khác chỉ đơn giản do sự tồn tại của nó. Tồn tại vốn đã là sự viên mãn của tiềm năng được biểu hiện thành hiện thực.

***

Cái Biết xuất phát từ bên trong là bẩm sinh, dễ tiếp cận và mang tính trải nghiệm. Cái Biết như vậy cũng nằm ngoài định nghĩa hoặc mô tả, nó là nền tảng chính, có thể xác nhận và mang tính phổ quát của sức mạnh và năng lượng—từ đó xuất hiện khả năng cũng như làm cho tồn tại trở thành hiện thực. Thực tại Tối thượng này được mặc khải bằng công trình nghiên cứu nền tảng và cội nguồn của chính ý thức, đó là bối cảnh phi tuyến tính tối thượng vượt ra ngoài mọi định nghĩa. Do đó, bằng con đường chứng ngộ, sẽ không có mối quan hệ tách biệt giữa “bạn-Thượng đế” với “tôi-con người”. Đây là ý nghĩa của thuật ngữ Advaita (phi nhị nguyên) của Đại ngã so với bản ngã. Đây là cốt lõi được soi sáng của nhà huyền môn, qua đó Thực tại phi tuyến tính tối thượng tự bộc lộ khi những trở ngại của bản ngã tuyến tính đã được từ bỏ.

***

Trong Bất nhị Sùng kính, người ta không mắc sai lầm được, đấy là do sùng kính những phẩm chất phi tuyến tính quan trọng nhất của Thần tính, chẳng hạn như tâm từ bi, nhất thể, tình yêu, sự thật, toàn trí, vĩnh cửu, vô biên vô tế, hiện diện khắp nơi và toàn năng—vượt ra ngoài hình tướng, không gian, thời gian, bản năng hay cảm xúc của con người..

***

Trong khi điều kiện tiên quyết chính để gắn bó với tôn giáo là đức tin, những phẩm chất thiết yếu cần thiết nhằm đi theo con đường phi nhị nguyên là khiêm nhường, buông bỏ và tận tụy sùng kính với con đường mà mình đã chọn.

***

Có thể dễ dàng nhận xét rằng những người theo tôn giáo có đặc điểm là “Tôi biết” thông qua kinh sách, học thuyết của giáo hội, những sự kiện được coi là tiền lệ trong quá khứ..v.v. Ngược lại, đệ tử tâm linh của phi nhị nguyên bắt đầu từ quan điểm cơ bản, chân thực hơn: “Tôi, chính tôi, chẳng biết gì”.

***

Hỏi: Con đường Bất nhị Sùng kính có gì khác so với các giáo lý truyền thống?

Trả lời: Con đường này có đặc điểm là loại bỏ mọi cạm bẫy và những thứ không cần thiết, vì thời gian thì ngắn và cánh cổng thì hẹp. Do đó, nó không liên quan đến quá khứ; nghĩa là, đến các học thuyết, giáo điều, nghi lễ trong lịch sử, nhân vật, sự kiện hoặc hệ thống niềm tin. Trao quyền đến từ bên trong thông qua sự đồng ý của ý chí. Khi những trở ngại được loại bỏ thì Sự thật sẽ tự xuất hiện. Thiên hướng là từ bên trong chứ không phải là phản hồi trước lời khuyên từ bên ngoài. Cội nguồn vừa là người khởi xướng vừa là đích đến.

 

Lần đầu tiên trong suốt chiều dài của lịch sử, thông tin tâm linh hiện có sẵn, ai cũng có thể tiếp cận được. Khả năng phân biệt thật giả và mức độ thể hiện của nó hiện là một tài sản và lợi thế lớn. Theo nghiên cứu ý thức, cơ hội để trở thành người chứng ngộ hiện nay cao hơn một nghìn lần so với bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ

***

Hỏi: Con đường của Bất nhị Sùng kính là khó khăn?

Trả lời: Không phải là con đường gian khổ, mà chỉ là mức độ kháng cự của bản ngã đối với con đường đó. Khắc phục kháng cự bằng ý chí kiên định—sau đó xây dựng năng lực tâm linh để dâng hiến, nỗ lực và sẵn sàng buông bỏ các chướng ngại.

Dâng hiến mời gọi sức mạnh của tình yêu, nhờ đó khiêm nhường loại bỏ các trụ cột và định vị của bản ngã. Nó cũng kích hoạt việc sử dụng kiến thức có tính chuyển hoá. Ý định tiếp thêm năng lượng cho ý chí, từ đó cho phép chuyển hoá nhằm xoá bỏ các hạn chế do sự kháng cự tạo ra.

***

Áp dụng con đường Bất nhị Sùng kính sẽ đưa vào bối cảnh mới nghĩa vụ theo đuổi Sự thật chứ không dính líu với thế gian và hành động của thế gian. Cách phụng sự thế giới tốt nhất là phù hợp với nhận thức.

Cam kết là cốt lõi của Sự thật, và nó không bị cải đạo hay những điều bí mật quyến rũ. Chỉ cần có thái độ tò mò và hấp dẫn đối với Sự thật—vốn là trọn vẹn, toàn bộ và tự đầy đủ.

***

“Tôi Vô biên Vô tế” là thực tại chủ quan nằm bên dưới “Tôi” cá nhân và cho phép trải nghiệm “tính Tôi” như là sự tồn tại của một người. Đó là “Tôi” tuyệt đối cho phép tuyên bố “Tôi”. Ý thức, hay khả năng nhận thức, là phi hình tướng và là nền tảng để nhận dạng hình tướng.

***

Sự thật Tối thượng được nhận ra như là tính chủ quan thuần túy, triệt để. Nó tự bộc lộ và vượt ra ngoài mọi tranh cãi.

***

Cội nguồn của Sự thật Tâm linh cao nhất là phi tâm trí. Trí tuệ gặp khó khăn trong việc hiểu được sự thật quan trọng này, vì tâm trí vốn có tính nhị nguyên và hạn chế, nó kỳ vọng rằng “cái này” là do “cái kia”. Trong Thực tại tâm linh cao cấp, tính nhị nguyên tan biến vì “cái này” là “cái kia”. Siêu việt nhị nguyên thì Người tìm kiếm và Cái được tìm kiếm trở thành Một; nghĩa là, Nhận ra Đại ngã, Soi sáng và Chứng ngộ.

***

Tôn giáo chủ yếu hướng tới thế giới nhị nguyên, trong khi chứng ngộ hướng đến phi nhị nguyên. Con đường nghiêm ngặt dẫn đến chứng ngộ nói rằng vì nhị nguyên là vọng tưởng, cho nên cố gắng hoàn thiện nó chẳng mang lại lợi ích gì. Do đó, phải siêu việt bản ngã và coi nó là vọng tưởng, như nó đang là. “Nhân cách tốt” là đáng khen ngợi, nhưng chính nó không dẫn đến chứng ngộ. Khả năng đạt được chứng ngộ dựa là hiểu biết sâu sắc về bản chất của chính ý thức.

***

Giao diện giữa tâm trí và thực tại này chính là trung tâm của cảm giác “tôi” thông thường, và nó tạo ra độ trễ 1/10.000 giây giữa thực tế (thế giới như nó vốn là; Descartes gọi là “res extensa”) và thế giới mà người ta tri giác hay trải nghiệm được (Descartes gọi là “res cogitans”). Sự tách biệt này là cốt lõi và vị trí của vọng tưởng về tính nhị nguyên của bản ngã, làm cho người ta không hiểu được Thực tại ở bên trong của Phi nhị nguyên (Đại ngã). Sau khi siêu việt được vọng tưởng về một bản ngã riêng biệt, mang tính cá nhân, tách biệt, thì sẽ xuất hiện Hào quang và Nhất thể của Đại ngã—nhờ đó mọi sự sống, dù được biểu hiện như là chủ quan hay khách quan, đều được đưa vào bối cảnh mới của Nhất thể.


No comments:

Post a Comment