July 9, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (19)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 18

 

Ngã ái: Tôn thờ bản ngã

 

 

Thẩm quyền đạo đức: Cuộc xung đột lớn

Đặc điểm của thế giới ngày nay là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm giành cho bằng được “Thẩm quyên đạo đưc”. Sức hấp dẫn là sự phù phiếm bẩm sinh và sức mạnh của việc thống trị và kiểm soát người khác mà người ta nhận thức được. Cuộc cạnh tranh này được áp dụng ở tất cả các nước, các hệ thống chính trị và triết học và toàn bộ các nền văn hóa, tất cả đều khẳng định sự ưu việt về mặt đạo đức và do đó, biện minh cho tất cả những hành động của mình. Khoa nạn nhân học là cửa sau quỷ quyết nhằm “chứng minh rằng người kia sai” trở thành tầng thao túng của việc tống tiền và bóc lột về mặt đạo đức.

Trong xã hội được truyền thông lèo lái hiện nay, ngay cả những người cực đoan nhất cũng như những tuyên bố kỳ quái, ảo tưởng nhất đều được xếp hạng ngang bằng với sự thật. Bằng cách làm như thế, những quyền và những tuyên bố đáng ngờ tin rằng chúng có thêm giá trị là “chính nghĩa” và “vượt trội”, nhờ đó mọi thứ và bất kỳ thứ gì cũng đều có thể được biện hộ hoặc được bào chữa, hay ít nhất là được ý kiến công chúng ủng hộ vì đồng cảm. Thế giới hiện nay không tôn thờ Thần tính mà tôn thờ bản ngã và do đó, cung cấp dưỡng chất cho những lời lẽ đao to búa lớn ái kỷ và giả dối trắng trợn thậm chí đến mức độ loạn thần kinh (miệng hùm nọc rắn ngoan đạo của “ngôn luận tự do”). Hiện nay xã hội đã trở thành vũ đài cho cuộc cạnh tranh của những “quyền” mang tính đạo đức mà người tự tuyên bố, tự phóng đại lên, mà thực ra chỉ là thói ích kỷ nhằm giành được lợi ích mà thôi.

Việc người ta sẵn sàng chấp nhận ngay cả những biến dạng thô thiển nhất của tính trung thực, sự thật hoặc tính chính trực xác nhận câu châm ngôn cơ bản của công trình nghiên cứu ý thức, nói rằng cốt lõi ái kỷ của bản ngã, như đã từng xảy ra trong suốt chiều dài của lịch sử, là tên hung thần được che dấu, do nó mà toàn bộ các nền văn hóa đã suy tàn và thậm chí hiện nay, dưới vỏ bọc tôn giáo, còn tìm cách giết những người vô tội.

Hiện nay những xu hướng này đang nổi lên, như được trình bày trong những phần trước, gọi là “tự do hóa” Kitô giáo hiện đại (Allen, 2006) nhằm phản ứng trước việc số người tham gia đã giảm tới 50%. Quá trình tự do hóa mở rộng đến mức thậm chí người ta bác bỏ quan điểm Sự nhập thể Thiêng liêng của Chúa Jessus như là Chúa Christ, phủ nhận Chúa Ba Ngôi hoặc sự thiêng liêng của Bí tích Thánh thể, và thay thế bằng những hệ tư tưởng chính trị phân biệt giới tính. (Lenny Bruce, diễn viên hài và nhà phê bình xã hội, nhận xét: “Người ta đang lũ lượt rời bỏ nhà thờ và quay về với Chúa”).

Người ta có thể mặc nhiên công nhận điều đó bằng cách cung cấp dưỡng chất cho “sự nhạy cảm”, “Mẹ Thiên nhiên” phải là “Cha-Mẹ Thiên nhiên”. Về mặt ngữ pháp, thuật ngữ “Ông” (Chúa) là chung chung và không nói tới giới tính. Tương tự như vậy, thuật ngữ “con người” dùng để chỉ loài người một cách khái quát, chứ không phải là nam giới.

Những vị thầy tâm linh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, đều có điểm hiệu chỉnh ở tầng 1.000, cảnh báo rằng không được chế giễu Thần tính và việc bác bỏ Thần tính của Thiên Chúa là báng bổ, chỉ có điểm hiệu chỉnh 20. Hiện tượng cực đoan đến mức cố tình vi phạm nguyên tắc nghiêm trang như thế và thay thế nó bằng hệ tư tưởng chính trị, vốn là sản phẩm của Herbert Marcuse vô thần hay phép biện chứng Marxist vô thần (điểm hiệu chỉnh 135) là thiếu thực tế và ngu ngốc. Vì vậy, các mục sư Tin Lành, các giám mục, và thậm chí cả các tổng giám mục dường như đã vi phạm chính tiền đề của sự thật tôn giáo của chính họ. Tầng được hiệu chuẩn của quá trình suy nghĩ bằng trí óc (điểm hiệu chỉnh 190) cho thấy sự hạn chế và không có ánh sáng vì người ta dạy rằng, ở trên Trời Chúa Jesus Christ là người bênh vực cho người ta trước mặt Chúa Cha, nhưng nếu công khai bác bỏ Ngài thì Ngài sẽ không làm như thế.

Vì bản ngã tham đắm sự phù phiếm của thẩm quyền đạo đức cho nên nó bác bỏ cả lý trí chính trực lẫn đức tin tôn giáo và thay thế bằng những khái niệm thấp kém hơn. Thậm chí người ta còn đảo ngược sự thật nhằm biện minh, hợp lý hóa và coi việc tàn sát người vô tội nhân danh Chúa (Allah “Đại Từ Đại Bi”) là ưu việt hơn về mặt đạo đức. Trong Kinh Koran có những đoạn có điểm hiệu chỉnh ở tầng 90 và hoàn toàn phủ nhận giáo lý cao hơn trong kinh Koran bằng cách trích dẫn câu: “Chặt đầu chúng” (điểm hiệu chỉnh 10), “Hãy giết những kẻ ngoại đạo ở bất cứ nơi nào bạn tìm ra chúng,” v.v. (barbarism; mời đọc Scheuer, 2007).

Bằng cách biến sự thật thành dối trá, đời sống trên trái đất bỗng trở thành sợ hãi, nguy hiểm và đe dọa thường xuyên. Quan trọng là nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ huấn luyện tư tưởng khủng bố (King, 2007).

Như vậy là, bằng cách tự cho rằng mình cao hơn về mặt đạo đức, sự tàn bạo cái “Nó” (Id) của Freud được người ta tuyên bố là lời của Thiên Chúa. Hậu quả của cái mà người ta cho là thẩm quyền đạo đức là tất cả các hành động đồi bại đều được phép làm và thậm chí còn được pháp luật bảo vệ vì người ta đã hợp lý hóa bằng cách nói rằng tất các các hành vi và hành vi “bất kỳ” nào cũng đều hợp pháp và có thể chấp nhận được vì “hành động là lời nói mang tính biểu tượng” như “thẩm quyền đạo đức” mà cơ quan tư pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố (điểm hiệu chỉnh 190).

Dùng “thẩm quyền đạo đức”, những người bảo vệ môi trường có thể đốt phá, đánh sập những công trình xây dựng và những tòa nhà, và những người hiếu chiến lập ra các tổ chức chính trị tuyên chiến với toàn thể nhân loại. Những kẻ phản bội trở thành anh hùng, và xúi giục nổi loạn được coi là biểu hiện đáng khen ngợi của chủ nghĩa lý tưởng cao cả, và thế là bất kỳ hành vi nào cũng có thể được hợp lý hóa. Hiện nay, lăng mạ chính đất nước mình được coi là siêu ái quốc.

Vì cơ quan tư pháp đã tuyên bố rằng, hành động là ngôn từ mang tính biểu tượng và ngôn luận là tự do, thì rõ ràng là tình trạng vô chính phủ là bộ luật mới của đất nước này. Do đó, các tác phẩm của Chomsky (điểm hiệu chỉnh 180), các tác phẩm của Marcuse (điểm hiệu chỉnh 150), các tác phẩm của Foucalt (điểm hiệu chỉnh 90), và tác phẩm của những người khác đã thay thế cho các Thiên Thần Giáng Thế Vĩ Đại (điểm hiệu chỉnh 1.000). Nếu như, như tương đối luận dạy, tỉnh táo và điên rồ chỉ đơn giản là những hình thức áp bức thuận tiện về mặt ngôn ngữ chứ không hề có thực tại cố hữu nào, thì những vụ hỗn loạn vô chính phủ sẽ trở thành lý tưởng, ví dụ như các cuộc bạo loạn ở Watts[1], thảm họa sau trận bão Katrina, các đường phố Baghdad và tình trạng hỗn loạn của những cuộc bạo loạn sau các đấu trận bóng đá.

Lý tưởng hóa điều được cho là tính ưu việt của tương đối luận đạo đức bị đập tan khi khám phá ra rằng “đạo đức mới” chỉ đơn giản là phi đạo đức được hợp lý hóa mà thôi. Ngược đời là, quan điểm mới, được mở rộng, hiện đại hóa về tự do lại được thực thi bằng những biện pháp toàn trị được biện minh như là “newspeak” và “newthink” (ngôn ngữ mới và tư duy mới – ND) trong cuốn sách nổi tiếng, 1984 (Orwell, 1949). Hiện nay những dự đoán này được kích hoạt thành “cảnh sát tư tưởng” ở các trường đại học, “cảnh sát y tế”, “cảnh sát cha mẹ trẻ béo phì” và Cảnh sát ngôn ngữ (Language Police, Ravitch - 2003) về “sự nhạy cảm xã hội”. Như vậy là, quyền tự do có mục đích của “đạo đức” hậu hiện đại bị vô hiệu hóa bằng cách tự phủ định (mời đọc Tyranny of Tolerance, Dierker, 2006) được thể hiện qua các cuộc tấn công của sinh viên vào các dàn hợp xướng của trường đại học. Theo quan điểm chính trị, thì “chủ nghĩa tự do” của phái cực tả trở thành chế độ kiểm soát và ép buộc toàn trị. (Người giải phóng hôm nay là nhà cai trị độc tài trong ngày mai).

Bác bỏ cả đức tin lẫn lý trí sẽ dẫn đến hư hỏng và thoái hóa chứ không phải là giải phóng, kết quả là nhà tù và trại giam ở Mỹ mọc lên như nấm, cộng với đám đông các bệnh nhân tâm thần và người vô gia cư trên khắp cả nước. Ưu việt về đạo đức cũng là tương đối luận của tất cả các cuộc chiến tranh, chúng được biện minh theo lối lý tưởng hóa. Như vậy là, “tự do” trở thành luận điệu lẩn tránh và ngụy trang cho hành động tha hóa, gây tranh cãi, cũng như tự tôn vinh chính mình thông qua những người đồng tình và ủng hộ.

Công trình nghiên cứu kéo dài 24 năm ở San Diego College khẳng định sự thăng tiến từng bước một thái độ ngã ái của các thế hệ sinh viên đại học, thế hệ sau cao hơn thế hệ trước. Những chương trình truyền hình như The View, phát triển được là nhờ những màn trình diễn thô thiển của ác tâm, ủng hộ thái độ thù hận công khai dưới ngọn cờ của ngôn luận tự do, có điểm hiệu chỉnh ở tầng 60. Những người biện hộ và bảo vệ những màn trình diễn như thế tỏ ra phấn khích và say sưa trước sự điên khùng “tuyệt vời” (có lợi) như thế.

Rõ ràng là thèm khát sự chú ý của các phương tiện truyền thông đại chúng thực sự là một hình thức nghiện ngập dẫn đến những hành động cực đoan, chẳng hạn như ngay cả những lời thú tội sai, băng ghi lại tội phạm được đưa lên TV, cố ý khiêu khích, tạo ra một cách có chủ đích những hành động của cảnh sát (ví dụ, “ném đá”) và kịch bản “nạn nhân”. Bằng những thủ đoạn khéo léo, chính phủ Mỹ liên tục bị người ta cho là nhẫn tâm khi tách những người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi con em và gia đình họ. Một kế hoạch yêu thích khác là cảnh phô trương hành vi tình dục công khai hay thậm chí là hành động phạm tôi “bị camera ghi lại”. Thậm chí người Hồi giáo cực đoan còn chơi trò chặt đầu một cách chậm rãi các nữ tu truyền giáo hoặc cho nổ tung xe buýt chở trẻ em. Phiến quân Hồi giáo cũng như bin Laden lạm dụng sự chú ý của giới truyền thông.

Tính “ưu việt” về mặt đạo đức của quyền tự do ngôn luận được đưa lên chín tầng mây (hiện nay ở Mỹ có điểm hiệu chỉnh 190) do sự lạm dụng có chủ đích của nó trở thành con dao hai lưỡi để xã hội tự sát: cơ cấu của xã hội cũng như của giới hàn lâm đang sụp đổ một cách từ từ, đấy là hậu quả của việc chính trị hóa mọi thứ nhằm làm lu mờ bản chất bằng cách tô màu nhận thức hoặc khái niệm hóa (Krauthammer, 2007). Trong khi đó, ngược đời là cơ cấu cơ bản của xã hội thực sự được giữ lại với nhau bằng chủ nghĩa thực dụng trong hoạt động kinh tế, công nghiệp, kinh doanh, và hoạt động của công ty (điểm hiệu chỉnh từ 350 đến 380), được củng cố thêm bằng trách nhiệm giải trình, cơ cấu pháp lý, tính duy lý và trách nhiệm. Hiện nay Wal-Mart thực sự cung cấp cho những khu vực bị thiên tai nguồn cung cấp để người ta có thể sống còn trong khi bộ máy quan liêu của chính phủ lóng ngóng và thất bại trong các cuộc tranh giành quyền lực chính trị theo lối quan liêu.

Sức mạnh của “ism”

Bằng nghiên cứu ý thức, đã phát hiện ra rằng hậu tố “ism” có điểm hiệu chỉnh 190 và thể hiện sự suy giảm của kiến thức hay tập hợp các tiền đề khi nó trở thành hệ thống niềm tin đã bị chính trị hóa, mang tính cảm xúc, giữ thế thượng phong, rồi những người ủng hộ tuyên truyền rằng mình ưu việt hơn về mặt đạo đức. Như vậy là, “cơ bản” (fundamental) có nghĩa thế này, trong khi “chủ nghĩa chính thống” (fundamentalism) lại có màu sắc và ý nghĩa khác. Thậm chí khoa học (sience) cũng không còn chính trực như trước, một khi nó trở thành “khoa học vạn năng (scientism) (ví dụ, môi trường luận (environmentalism) hoặc chủ nghĩa giản lược duy vật (materialistic reductionism)). Một khi hệ thống tín ngưỡng trở thành “ism”, thì nó truyền đạo và tìm kiếm người cải đạo. Đáng lưu ý là tính ưu việt về mặt đạo đức mang lại cho cốt lõi ái kỷ của bản ngã trạng thái “đặc biệt” và được trao quyền.

Hấp dẫn đối với bản ngã tâm linh là việc thủ đắc những “sức mạnh” đặc biệt, gia tăng sức hấp dẫn của cái gọi đào tạo “theo lối bán rong để kiếm lời” (điểm hiệu chỉnh 200) nhằm thủ đắc những khía cạnh quyến rũ của cái gọi là công năng đặc dị bằng cách tạo ra những trạng thái ý thức đã thay đổi. Ngoài ra, còn có sức hấp dẫn của những thứ huyền bí đầy ma lực, quyến rũ, cũng như cho rằng những giáo lý mơ hồ là “bí mật” , “UFO”, “bí ẩn” và “cổ xưa”, thậm chí còn được tôn vinh là “những giáo lý bí mật (điểm hiệu chỉnh 160).

Những giáo lý tâm linh chính trực có điểm hiệu chỉnh cao là miễn phí và minh bạch, trong khi “những giáo lý bí mật và những hiện tượng bí ẩn” lại có giá khá cao, và quá trình huấn luyện để có thể thủ đắc những trạng thái đã thay đổi của ý thức hoặc “phúc lành” đặc biệt có thể phải mất hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn đôla và hơn thế nữa.

Tất nhiên là sự ngây thơ, giàu trí tưởng tượng của trẻ con sẽ cảm thấy các nghi thức bí mật, bùa chú và nghi lễ đầy ma thuật có sức hấp dẫn. Sự nổi tiếng của bộ sách Harry Potter, mô tả một cách hấp dẫn những bí ẩn, ma thuật và trao quyền là bằng chứng. Những người đưa tin từ cõi khác, các nhà ngoại cảm, người thấu thị, du khách và UFO từ “các chiều không gian khác”, “sứ giả đến từ tương lai”, “sự tái sinh của các tông đồ”, v.v. cũng được gán cho những hiện tượng đặc biệt như thế.

Chủ nghĩa lý tưởng là ưu việt về mặt đạo đức

“Lý tưởng” có nghĩa là giả thuyết mặc dù tên gọi của nó khá hấp dẫn. Tất cả sự tàn phá mà con người gây ra được tiếp thêm năng lượng khi lý tưởng mang tính ý thức hệ được thổi phồng lên (ví dụ: “Nước Đức trên hết”; “Giai cấp công nhân toàn thế giới liên hiệp lại”; “Tham gia Mặt trận Giải phóng”; “Ủng hộ Chính phủ nhân dân”; và “Tòa án nhân dân”).

“Ism” trong các biểu hiện chính trị, chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, là những công cụ hấp dẫn của các khẩu hiệu hoặc “meme”, khi được lặp đi lặp lại nó sẽ trở thành một tôn giáo, người ta sẽ hy sinh vì nó và thậm chí được đề cao như những người anh hùng, chẳng hạn như tôn vinh những kẻ đánh bom liều chết, phi công Kamikaze và những chiến sỹ đấu tranh vì tự do. Thái độ kiêu ngạo là dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan đã mất cân bằng, TV thậm chí còn ủng hộ và quảng bá những hành động hy sinh chính mình, hy sinh người khác, hy sinh cả con cái và sự chính trực tâm linh nữa.

Đằng sau những phong trào có “ism” như thế là các nhà lãnh đạo cũng như các thành viên phong trào cực kỳ ích kỷ, họ thổi phồng theo lối ái kỷ vào trạng thái say sưa theo kiểu thôi miên trong các cuộc biểu quần chúng và các màn trình diễn phô trương thiếu tự nhiên. Một lần nữa, động cơ chung cho tất cả các phong trào như thế là khẳng định tính ưu việt về mặt đạo đức (Lenin, Stalin, Hitler, Mao, Pol Pot, Arafat, bin Laden, Castro, và các nhà lãnh đạo hiện nay ở Bắc Triều Tiên, Nam Mỹ và Trung Đông [Iran], đều có điểm hiệu chỉnh dưới 180).

Đạo đức đích thực

Đạo đức và luân lý chính trực, tương tự như lý trí và đức tin đích thực, có nền tảng vững chắc, đấy là thái độ khiêm tốn thực tế: bản chất thay thế cho biểu hiện bên ngoài và nhận thức đã bị xã hội hóa. Đạo đức là đức tính tốt được thể hiện bằng những tính cách, ví dụ như quan tâm tới người khác, trung thực, chính trực, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm, cũng như lòng trung thành với những khái niệm tâm linh căn bản. Là người tử tế, có tình, hỗ trợ, lịch sự, tốt bụng, ân cần và hay giúp đỡ mà không dương cao ngọn cờ vì sự nghiệp hay thượng cấp. Do đó, đạo đức là cách sống khiêm nhường trong thế gian, vì lợi ích của chính nó, chứ không phải vì lợi lộc hay bản ngả bị thổi phồng lên. Kết quả là ở trong tâm, nhưng người ngoài có thể chứng kiến mức độ hạnh phúc và lòng tự trọng có đầy đủ cơ sở thực tế.

Những tính cách này là cực kỳ cần thiết cho quá trình tiến hóa và tiến bộ tâm linh, đòi hỏi kỷ luật tự giác, thái độ khiêm tốn và lòng dũng cảm cũng như quyết tâm. Chúng dẫn đến cầu nguyện và thực hành những nguyên tắc tâm linh trong tất cả những công việc của người đó, cùng với nhận thức rằng cuối cùng mỗi người đều phải giải trình trước Thiên Chúa về những việc đã làm khi người ta được ban tặng đời sống. (Tuyên bố này có điểm hiệu chỉnh là đúng ở tầng Vô biên Vô tế. “Mỗi sợi tóc trên đầu đều sẽ được đếm” là sự thật có thể xác nhận được).

Đạo đức đích thực không làm cho người ta kiêu ngạo, mà làm cho người ta trở thành khiêm tốn, biết ơn và nhân từ, nhờ đó, cuối cùng vẻ đẹp, sự hoàn hảo và sự thánh thiện ở bên trong của mọi Tạo vật đều nảy sinh như là mặc khải; do đó, có câu châm ngôn, “Con đường thẳng và hẹp…đừng lãng phí thời gian”.

Cùng với quá trình trưởng thành về mặt tâm linh, người ta hiểu ra rằng cuộc đời này là quý giá và có quá nhiều giá trị, không thể lãng phí cho những tư tưởng như trở thành giỏi hơn, tốt hơn, cao quý hơn hoặc dương tự đắc hay những trạng thái của bản ngã bị thổi phồng khác.

Lý trí và đức tin: Hòa hợp

Như đã nói trước đây, lý trí xử lý những vấn đề cụ thể, các biểu tượng tuyến tính và các sự kiện theo phép biện chứng duy lý của logic và định nghĩa ổn định. Quá trình này mang lại kết luận có thể xác nhận được, theo nghĩa là, chúng là hệ quả của các tiền đề cho trước. Các quy tắc logic, tương tự như các quy tắc toán học, rất chặt chẽ và tuyến tính theo nghĩa là, không linh hoạt hoặc phụ thuộc vào sự xuyên tạc của từng cá nhân. Vì vậy, yêu cầu bổ sung về “mức độ phù hợp[2]”, nghĩa là các biểu tượng thể hiện chính tầng trừu tượng. Vì vậy, chủ đề được giới hạn trong tầng trừu tượng hay phạm trù, lớp, loài, chi và ví dụ cụ thể. Vì vậy, bằng lý trí, không thể tuyên bố rằng chim thực chất chỉ là một loài động vật có vú có lông vũ.

Xuyên tạc các tầng trừu tượng và vi phạm những nguyên tắc cơ bản sẽ làm cho lý trí bị méo mó và suy thoái đến mức trong quá khứ nó được mô tả là “đao to búa lớn” (điểm hiệu chỉnh 180), với đặc điểm là vi phạm những nguyên tắc cơ bản để đạt được những lợi ích ích kỷ. Trong những giới hạn và quy luật của lý trí, tất cả các tuyên bố đều phải chứng minh được. Dối trá là vi phạm nghiêm trọng, nó cũng thể hiện tầng ý thức thấp và không có sự chính trực hay trí thông minh.

Lý trí, trong phạm vi của riêng nó, có tính thực dụng cao và có lợi, tuy nhiên nó chủ yếu bị giới hạn trong miền tuyến tính (những tầng 400). Vì vậy, logic bổ sung thêm tính thực tế, là thông tin hữu ích nhưng không cung cấp được ý nghĩa trọn vẹn.

Trong khi tuyến tính biểu thị những đặc điểm định nghĩa được và xác định những phẩm chất thực tế, còn “ý nghĩa” lại là hệ quả về bản chất và bối cảnh. Khoảng 85% người dân trên thế giới không có khả năng phân biệt bản chất và bối cảnh thích hợp (ở Mỹ là 55%). Vì thế, cùng một sự kiện nhưng những người ở bên trên và bên dưới tầng 200 có cách nhìn nhận và giải thích rất khác nhau. Ví dụ, bên dưới tầng 200, khái niệm “người mạnh là người có lý” là có thể chấp nhận được. Nhưng người bên trên tầng 200 cho rằng “mạnh” có nghĩa là kiềm chế và trách nhiệm.

Những điều kiện, hoàn cảnh giữ thế thượng phong, và thời gian cũng như những thứ không sờ mó được như ý định, sự sắp đặt, động cơ, giả định và trừu tượng, trong đó có phán xét về giá trị. Vì vậy, năng lực “biết” thực sự chưa trở thành khả năng, trừ khi cá nhân đó đã tiến hóa đến tầng ý thức tương đối cao. Vì vậy, hiệu chỉnh tầng ý thức có giá trị to lớn vì nó xác định được thực tại bên trong gắn liền với trường điểm hút năng lượng cụ thể nào đó.

Tầm nhìn tâm linh

Như Thánh Thomas Aquinas từng nhận xét, lý trí (nội dung tuyến tính) cần phải được năng lượng tâm linh của đức tin và cầu nguyện soi sáng, nhờ thế mà ý nghĩa và tầm quan trọng sẽ được bộc lộ (nhờ bối cảnh phi tuyến tính). Vì vậy, cuối cùng, trải nghiệm chủ quan và nhận thức tâm linh tạo điều kiện cho hiểu biết và đánh giá một cách đầy đủ.

Không thể “chứng minh” được nhận thức và hiểu biết tâm linh, nhưng có thể dùng kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức để xác minh. Ở tầng ý thức cao hơn người ta sẽ thấy rằng hiển nhiên là “thế giới hoàn hảo như nó đang là”, nhưng ở những tầng ý thức thấp hơn thì người ta sẽ cho rằng nhận thức như thế là sai, vì họ đang giữ trong tâm trí những lý tưởng hóa chỉ có tính giả thuyết.

Trước nhiều nhân chứng và những người tham gia các lớp học, chúng tôi đã nhiều lần xác nhận rằng, thế giới mang tới cho chúng ta cơ hội tiến hóa tâm linh cao nhất, đấy là do các tùy chọn cực kỳ đa dạng, giúp đỡ quá trình phát triển ý thức và điều kiện cao nhất để tích thiện nghiệp. Khi siêu việt được ý kiến cá nhân, thì mỗi khoảnh khắc mà ta chứng kiến và quan sát đểu là hoàn hảo (ví dụ, thất bại hay bi kịch rõ ràng đều ẩn chứa một bài học nào đó).

Đạo đức và Tạo hóa

Mỗi loài thể hiện “đạo đức” bẩm sinh của riêng mình một cách đơn giản như kết quả của trải nghiệm đau đớn và lợi ích. Do đó, “đúng và sai” dường như là đặc điểm sinh học, thậm chí hiện nay còn được chính khoa học công nhận là đã được cài đặt sẵn vào mạng lưới thần kinh của não bộ. Những hành vi “đạo đức” được đàn sói, đàn cá heo, voi và khỉ thể hiện. Thậm chí ở các tầng thấp hơn, đúng và sai được thể hiện bằng những cuộc tấn công, trục xuất ra khỏi bầy đàn, thống trị và phục tùng và sự thống trị của nam alpha hay nữ alpha.

Các sinh vật, bằng phản xạ có điều kiện đơn giản, đã học được cái gì có tác dụng và cái gì không có tác dụng. Thông tin này được thu thập vào trong trường năng lượng điểm hút của ý thức, rồi sau đó được đưa vào tâm trí và lưu trữ trong hệ thống thần kinh (Bird, 2006). Thậm chí những con thích “lừa dối” cũng bị tẩy chay, bị trừng phạt nặng nề hoặc bị trục xuất khỏi đàn hoặc nhóm. Như vậy là, có thể suy ra rằng chúng sinh được tạo ra theo cách mà phân-biệt-đúng-sai đã trở thành bẩm sinh và cuối cùng thành chủ quyền.

Rất đáng quan tâm là việc khám phá ra khả năng của não bộ trong việc cảm nhận được cảm xúc của đồng loại (Medina, 2007). Động vật có vú trực giác được cảm xúc và ý định của nhau, nó là kết quả của quá trình quan sát hành vi của những con khác. Đây là cơ chế cơ bản của hòa nhập xã hội và thái độ đồng cảm. Trải nghiệm rất có ý nghĩa với loài khỉ Macaque cho thấy một chú khỉ thậm chí sẽ thôi tranh giành thức ăn nếu quá trình này làm cho con khỉ khác trong cái chuồng gần đó cảm thấy đau đớn. Bản thân thí nghiệm này dường như đã thể hiện rằng hành vi ích kỷ của con người là đáng khinh, chỉ vì lợi ích cá nhân mà người ta sẵn sàng giết hoặc thuê giết người.

Trong bối cảnh tổng thể này, cá nhân được quyền có những ước muốn và lựa chọn và có thể được đáp ứng, nhưng thậm chí ngay cả như thế thì ước muốn và lựa chọn chỉ hợp pháp trong các giới hạn và điều kiện có thể xác định được. Như vậy là, về mặt sinh học, đạo đức và luân lý hỗ trợ sự sống còn, cũng như quá trình tiến hóa của ý thức và nhận thức của con người về mục tiêu Chứng ngộ.

Hòa hợp lý trí và đức tin

Sau khi thực hiện công trình nghiên cứu sâu rộng, Thánh Thomas Aquinas tuyên bố rằng, không có xung đột giữa lý trí và thần học, cũng như tôn giáo được mặc khải, không những thế, chúng củng cố và hỗ trợ cho nhau. Đưa năng lượng tâm linh vào sẽ tạo ra quá trình tổng hợp giữa lý trí và đức tin thông qua việc lĩnh hội và hiểu biết tâm linh. Nó phù hợp với tầng ý thức, như là hậu quả của đưa vào bối cảnh đã mở rộng, nó minh họa thực tại của nội dung, có thể dần dần trở thành trải nghiệm cá nhân như là trạng thái chủ quan.

Các trường năng lượng của ý thức cũng tương tự như các trường tương tác giữ thế thượng phong (“các điểm hút”), có thể so sánh với trọng trường nhỏ hơn bên trong những trường ngày càng lớn hơn. Các trường nhỏ hơn có xu hướng ảnh hưởng lẫn nhau. Đến lượt mình, các trường nhỏ hơn đóng góp vào mô thức rung động của trường lớn hơn. Các mô thức và tương tác của chúng được phối hợp thêm bằng sự hài hòa của các trường năng lượng, các trường này lại tạo ra những phức tạp hơn nữa trong phạm vi cực kỳ cao (ví dụ, các tầng giữ thế thượng phong). Công trình nghiên cứu sinh lý thần kinh được tiến hành trong thời gian gần đây (Medina, 2006) đã khẳng định tổ chức nhu thế.

Giải thích bên trên giúp chúng ta hiểu rõ hoạt động của ý chí tự do và luận cứ của quyết định luận. Nó cũng làm rõ ảnh hưởng của ý định trong tương tác với những mô thức thủ đắc được do nghiệp lực và những xu hướng dẫn đến chấp nhận hay phủ định các lựa chọn. Tùy chọn được thường xuyên lựa chọn, thì càng có nhiều khả năng nó sẽ được chọn trong tương lai. Đây là cũng là nhận xét của cơ học lượng tử (“hiệu ứng Quantum Zeno”) và lý thuyết xác suất, trong cuộc sống hàng ngày thường gọi là “thói quen” hay “quá trình hình thành tính cách”. Do hiệu ứng lựa chọn, việc liên tục lựa chọn sự thật chính trực do “tập trung chú ý” dần dần sẽ làm giảm khả năng lựa chọn phương án ít chính trực hơn (hiệu ứng “nhóm lửa”, Medina, 2006).

Hiệu chỉnh ý thức sẽ dẫn đến một con số biểu thị sự thống trị của trường năng lượng tương quan, đến lượt mình, trường này quyết định nhận thức. Khi hiểu biết gia tăng, kiến  thức tập thể được gọi là khôn ngoan. Hợp nhất của đức tin và lý trí hòa điệu với trường năng lượng cụ thể của chính ý thức. Bản chất của quá trình chắt lọc giá trị và ý nghĩa dẫn đến trực giác tâm linh hòa điệu với bản chất, mà trước đây gọi là tầm nhìn tâm linh (“khai thiên mục” của hệ thống luân xa của cơ thể Bồ đề [điểm hiệu chỉnh 600]).

Đạo đức là tổng hợp và hòa hợp mang tính thực dụng của nhiều yếu tố phức tạp thành các phương thức hành vi, nhận thức và ra quyết định theo thói quen, được gộp lại thành thuật ngữ “tính cách”. Ý định tâm linh đưa trải nghiệm vào bối cảnh mới, rồi sau đó giữ thế thượng phong trong việc hình thành lối sống và sự lựa chọn, cũng như các giá trị và mục tiêu. Người đó trở thành người hưởng thụ đời sống chứ không còn là nạn nhân của nó nữa.



[1] Các cuộc bạo loạn Watts, đôi khi được gọi là Cuộc nổi loạn Watts hoặc Cuộc nổi dậy Watts, diễn ra ở khu phố Watts và các khu vực lân cận của Los Angeles từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 8 năm 1965 - ND.

[2] Goodness of fit  - Mức độ phù hợp của một mô hình thống kê mô tả mức độ phù hợp của nó với một tập hợp các quan sát. Các phép đo mức độ phù hợp thường tóm tắt sự khác biệt giữa các giá trị được quan sát và các giá trị được mong đợi trong mô hình được đề cập – ND.

No comments:

Post a Comment