Elisabeth Kubler-Ross
Phạm Nguyên Trường dịch
II
Thái độ đối với cái chết và người sắp chết
Con
người tàn bạo,
Nhưng
loài người tử tế
Tagore, Bầy chim lạc.
Đóng
góp của xã hội vào thái độ phòng thủ
Cho đến lúc này, chúng ta đã xem xét phản ứng
của cá nhân con người đối với cái chết và người sắp chết. Nếu nhìn vào xã hội,
chúng ta có thể muốn tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra với con người trong cái xã hội cố
tình phớt lờ hoặc trốn tránh cái chết. Những yếu tố nào, nếu quả thật có những
yếu tố như thế, góp phần làm gia tăng những lo lắng liên quan đến cái chết? Cái
gì xảy ra trong lĩnh vực y học đang thay đổi từng ngày làm cho chúng ta phải tự
hỏi liệu y học có tiếp tục là một nghề nhân đạo và được tôn trọng hay đây là
lĩnh khoa học mới, nhưng đã bị phi cá nhân hóa nhằm phục vụ cho việc kéo dài đời
sống chứ không làm giảm bớt những đau khổ của con người? Các sinh viên y khoa
có thể chọn nghe hàng chục bài giảng về RNA và DNA, nhưng lại có ít trải nghiệm
về quan hệ đơn giản giữa bác sĩ và bệnh nhân, mà đấy lại là nền tảng cho sự
thành công của bác sĩ gia đình? Sẽ xảy ra chuyện gì trong xã hội chỉ chú trọng
vào chỉ số IQ và vị thế giai cấp chứ không chú ý vào những vấn đề đơn giản như
khéo léo, nhạy cảm, khả năng nhận thức và sự tinh tế trong việc kiểm soát khổ
đau? Trong tập thể những người cùng nghề nghiệp, nơi chàng sinh viên y khoa trẻ
tuổi được ngưỡng mộ vì công trình nghiên cứu và công việc trong phòng thí nghiệm
trong những năm đầu tiên ở trường y, nhưng anh ta không biết nói gì khi bệnh
nhân chỉ hỏi một câu hỏi đơn giản? Nếu chúng ta có thể kết hợp việc giảng dạy
các thành tựu khoa học và kỹ thuật mới, đồng thời cũng mạnh mẽ như thế vào quan
hệ giữa người với người thì chúng ta thực sự sẽ đạt được tiến bộ, nhưng sẽ
không có tiến bộ nếu kiến thức mới được truyền đạt cho sinh viên với cái giá là
họ ngày càng ít tiếp xúc với những người khác. Xã hội chỉ chú trọng vào số lượng
và đại chúng, chứ không chú trọng vào cá nhân - các trường y hy vọng sẽ gia
tăng được số người theo học, với xu hướng không để giảng viên và sinh viên tiếp
xúc với nhau, nó được thay thế bằng giảng dạy qua ti vi, ghi âm và phim ảnh, tất
cả đều có thể giúp giảng dạy được cho nhiều sinh viên hơn theo cách phi cá nhân
hóa - sẽ trở thành xã hội như thế nào?
Việc chuyển trọng tâm chú ý từ cá nhân
sang đại chúng đã và đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực tương tác khác
của con người. Nếu chúng ta nhìn vào những thay đổi diễn ra trong mấy thập kỷ
qua, chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng này ở khắp mọi nơi. Ngày xưa, người
đàn ông có thể nhìn thẳng vào kẻ thù của mình. Anh ta đã có cơ hội công bằng
trong cuộc chạm trán mang tính cá nhân với kẻ thù hữu hình. Giờ đây, người lính
cũng như thường dân phải lường trước vũ khí hủy diệt hàng loạt mà không người
nào có cơ hội hợp lý để trốn tránh, thậm chí thường không nhận thức được rằng
nó đang tới gần. Sự tàn phá có thể từ trên trời phóng xuống và giết chết hàng
nghìn người, tương tự như quả bom ở Hiroshima; nó có thể đến dưới dạng các chất
khí hoặc các phương tiện chiến tranh hóa học khác - làm tê liệt, giết chết mà
không nhìn thấy được. Không còn là người đang đấu tranh cho quyền lợi, niềm
tin, hay sự an toàn hoặc danh dự của gia đình mình nữa, đấy là quốc gia, trong
đó có phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp
mà không có cơ hội sống sót. Đây là cách mà khoa học và công nghệ đã góp phần
làm gia tăng sợ hãi về sự hủy diệt và do đó, sợ chết.
Vậy thì có gì phải ngạc nhiên khi con người
phải phòng thủ nhiều hơn? Nếu khả năng tự vệ về mặt thể chất ngày càng ít hơn,
thì khả năng phòng vệ về mặt tâm lý phải tăng lên gấp bội. Con người không thể cứ
chối bỏ mãi. Con người không thể tiếp tục giả vờ và cho rằng mình giả vờ thành
công rằng mình an toàn. Nếu chúng ta không thể chối bỏ cái chết, chúng ta có thể
cố gắng làm chủ nó. Chúng ta có thể tham gia cuộc đua trên đường cao tốc, chúng
ta có thể thấy số người chết trong những ngày quốc tang và rùng mình, nhưng
cũng vui mừng – “Đấy là người khác, không phải mình, tôi đã tham gia”.
Các nhóm người, từ các băng đảng đường phố
đến các quốc gia, có thể sử dụng danh tính nhóm nhằm bày tỏ nỗi sợ bị hủy diệt
bằng cách tấn công và tiêu diệt những người khác. Chiến tranh có lẽ chính là
nhu cầu đối mặt với cái chết, để chinh phục và làm chủ nó, để thoát ra khỏi nó
mà vẫn còn sống; một hình thức chối bỏ cái chết rất đặc biệt của chính chúng
ta? Một bệnh nhân sắp chết vì bệnh bạch cầu đã nói mà không ai có thể tin được:
“Tôi không thể chết vào lúc này. Đây không thể là ý Chúa, vì trong Thế chiến II,
Ngài đã để tôi sống sót khi tôi bị trúng viên đạn được bắn cách tôi chỉ vài bước
chân”.
Còn một người phụ nữ thì tỏ ra rất sốc và
cảm giác khó tin khi mô tả “cái chết oan uổng” của một thanh niên trên đường rời
Việt Nam và bị chết trong một tai nạn xe hơi, như thể sau khi sống sót trên chiến
trường, anh ta sẽ miễn nhiễm trước cái chết trên đường về nhà.
Do đó, khi nghiên cứu thái độ đối với cái
chết của các nhà lãnh đạo quốc gia, của những người đưa ra quyết định cuối cùng
về chiến tranh và hòa bình giữa các quốc gia người ta có thể tìm được cơ hội
cho hòa bình. Nếu tất cả chúng ta đều suy ngẫm về cái chết của chính mình với
những nỗ lực cao nhất, nhằm đối phó với những lo lắng xung quanh khái niệm về
cái chết của chính mình và giúp người khác làm quen với những suy nghĩ này, thì
có lẽ xung quanh chúng ta sẽ xảy ra ít tàn phá hơn.
Các hãng thông tấn có thể góp phần của
mình trong việc giúp dân chúng đối mặt với thực tại của cái chết bằng cách
tránh những thuật ngữ phi cá nhân hóa như “giải pháp cho câu hỏi về người Do
Thái” để kể về vụ thảm sát hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em; hoặc sử dụng vấn
đề diễn ra trong thời gian gần đây hơn, ví dụ, giành lại một quả đồi ở Việt Nam
bằng cách xóa bỏ ổ súng máy và tổn thất nặng nề của VC có thể được mô tả dưới dạng
một thảm kịch của con người và tổn thất nhân mạng của cả hai phía. Có rất nhiều
ví dụ trên tất cả các tờ báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác, không
cần phải đưa thêm vào đây.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng, với những tiến bộ
kỹ thuật diễn ra nhanh chóng và những thành tựu khoa học mới, con người có thể
phát triển không chỉ những kỹ năng mới, mà còn phát triển cả những vũ khí hủy
diệt hàng loạt mới, làm gia tăng sợ hãi về cái chết thảm khốc, đầy bạo lực. Con
người, bằng nhiều cách, phải tự bảo vệ mình về mặt tâm lý nhằm chống lại nỗi sợ
chết ngày càng gia tăng và ngày càng không có khả năng dự đoán và tự bảo vệ
mình trước cái chết. Về mặt tâm lý, con nguòi có thể chối bỏ thực tại của cái
chết của chính mình trong một giai đoạn nào đó. Vì trong vô thức, chúng ta
không thể nhận thức được cái chết của chính mình và tin rằng mình bất tử, nhưng
lại có thể hình dung ra cái chết của người hàng xóm, tin tức về số người thiệt
mạng trong chiến trận, trong chiến tranh, trên đường cao tốc chỉ củng cố thêm niềm
tin vô thức của chúng ta vào sự bất tử của mình và cho phép chúng ta - trong chốn
riêng tư và bí mật của tâm trí vô thức - vui mừng vì đó là “người tiếp theo, chứ
không phải tôi”.
Nếu không thể chối bỏ được nữa, chúng ta
có thể cố gắng chế ngự cái chết bằng cách thách thức nó. Nếu chúng ta có thể
lái xe trên đường cao tốc với tốc độ cao, nếu chúng ta có thể trở về từ Việt
Nam, chắc chắn là chúng ta thực sự cảm thấy mình miễn nhiễm với cái chết. Binh
lính địch bị giết gấp mười lần tổn thất của chúng ta – đây là tin chúng ta thường
nghe gần như mỗi ngày. Đây có phải là suy nghĩ đáng mong muốn của chúng ta, có
phải ước mơ trẻ thơ của chúng ta về sự toàn năng và bất tử được chúng ta phóng
chiếu ra bên ngoài? Nếu cả đất nước, cả một xã hội phải chịu đựng nỗi sợ hãi và
chối bỏ cái chết đến mức như thế, thì nó phải sử dụng những biện pháp phòng thủ
chỉ có thể mang tính hủy diệt. Chiến tranh, bạo loạn, số vụ giết người và những
tội ác khác ngày càng tăng có thể là những dấu hiệu cho thấy khả năng đối mặt với
cái chết với thái độ chấp nhận và phẩm gía của chúng ta đang giảm dần. Có lẽ
chúng ta phải quay trở lại với từng cá nhân con người và khởi sự lại từ đầu, cố
gắng tưởng tượng về cái chết của chính mình và học cách đối mặt với sự kiện bi
thảm nhưng không thể tránh khỏi này, với ít phi lý và sợ hãi hơn.
Tôn giáo có vai trò gì trong những giai đoạn
thay đổi này? Ngày xưa, dường như có nhiều người thực sự tin vào Chúa hơn bây
giờ; họ tin vào kiếp sau, nơi họ sẽ được giải thoát khỏi mọi đau khổ và phiền
muộn. Phần thưởng trên thiên đường đang đợi họ, và nếu chúng ta chịu nhiều đau
khổ trên trái đất này, chúng ta sẽ được tưởng thưởng sau khi chết, tất cả phụ
thuộc vào lòng dũng cảm và khoan dung, sự kiên nhẫn và phẩm giá mà chúng ta có
khi mang trên vai gánh nặng của mình. Đau khổ phổ biến hơn khi việc sinh nở là
sự kiện tự nhiên, lâu dài và đau đớn - người mẹ thức khi đứa trẻ được sinh ra. Trong
đau khổ, người ta nhìn thấy mục đích và phần thưởng trong tương lai. Bây giờ
chúng ta sẽ làm dịu cơn đau đối với những người khác, tìm cách tránh đau đớn và
thống khổ; chúng ta thậm chí có thể làm cho chuyển dạ sớm, không sinh vào ngày
sinh nhật của người thân hoặc tránh ảnh hưởng đến một sự kiện quan trọng khác.
Nhiều bà mẹ chỉ thức giấc sau khi những đứa trẻ ra đời được vài tiếng đồng hồ,
quá mệt vì say thuốc và buồn ngủ đến mức không thể vui mừng khi con họ chào đời.
Không cần đau khổ, vì có thể dùng thuốc giảm đau, giảm ngứa và những khó chịu
khác. Niềm tin rằng đau khổ trên trái đất này rồi sẽ được tưởng thưởng trên
thiên đàng đã chết từ rất lâu rồi. Đau khổ đã không còn ý nghĩa như trước nữa.
Nhưng với thay đổi này, càng ít người hơn thực
sự tin vào đời sống ở phía bên kia cuộc đời, có lẽ nó chính là sự chối bỏ cái
chết của chúng ta. Vâng, nếu chúng ta không thể lường trước được đời sống sau
khi chết, thì chúng ta phải tính đến cái chết. Nếu trên Thiên đàng chúng ta
không còn được tưởng thưởng vì những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng, thì sự
đau khổ tự nó trở thành vô nghĩa. Nếu chúng ta tham gia các hoạt động của nhà
thờ để giao lưu hoặc đi khiêu vũ, thì chúng ta đã đánh mất mục đích mà nhà thờ đã
từng có trong quá khứ - đó là mang lại hy vọng, mạng lại mục đích trong những
bi kịch trên trái đất này, và nỗ lực nhằm tìm hiểu và mang lại ý nghĩa đối với
những sự kiện đầy đau đớn trong đời sống mà nếu không có nhà thờ thì không thể
chấp nhận được.
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng trong khi xã hội
đã góp phần vào việc làm cho chúng ta chối bỏ cái chết, thì tôn giáo đã đánh mất
nhiều tín đồ tin vào đời sống sau khi chết, tức là tin vào bất tử, và do đó, về
khía cạnh này, đã làm giảm thái độ chối bỏ cái chết. Về phía bệnh nhân, đây là
một cuộc trao đổi không hay. Trong khi chối bỏ tôn giáo, tức là niềm tin vào ý
nghĩa của đau khổ trên trái đất và phần thưởng trên thiên đường sau khi chết,
đã mang lại hy vọng và mục đích, thì sự chối bỏ của xã hội đã chẳng mang lại hy
vọng cũng như mục đích mà chỉ làm cho chúng ta thêm lo lắng và góp phần làm cho
chúng ta có thái độ phá hoại và hung hăng - giết người nhằm trốn tránh thực tại
và đối mặt với cái chết của chính mình.
Nhìn về tương lai sẽ giúp chúng ta thấy xã
hội, trong đó ngày càng có nhiều người “được giữ cho sống” với những máy móc làm
nhiệm vụ thay cho các cơ quan quan trọng và máy tính thỉnh thoảng kiểm tra xem
liệu một số chức năng sinh lý bổ sung có cần phải được thay thế bằng thiết bị
điện tử hay không. Ngày càng có nhiều các trung tâm được thành lập, nhằm thu thập
tất cả dữ liệu kỹ thuật và những chiếc bóng đèn có thể nhấp nháy khi bệnh nhân thở
hơi cuối cùng và tự động dừng thiết bị.
Người ta có thể ngày càng ưa thích những trung
tâm khác, đấy là nơi người chết nhanh chóng được cấp đông ở nhiệt độ cực kỳ thấp
và được đưa vào tòa nhà đặc biệt có nhiệt độ thấp, để chờ ngày khoa học và công
nghệ tiến bộ có thể rã đông họ, giúp họ sống lại và hòa nhập với xã hội, nhưng
lúc đó xã hội có thể đã ở trong tình trạng nhân mãn khủng khiếp đến mức có thể
cần những ủy ban đặc biệt nhằm quyết định xem bao nhiêu người có thể được rã
đông, tương tự như hiện nay có các ủy ban nhằm quyết định người nào sẽ được
ghép nội tạng, còn người nào sẽ phải chết.
Nghe có vẻ rất kinh khủng và không thể tin
được. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là tất cả những sự kiện này đã và đang xảy
ra rồi. Ở đất nước này, không có luật nào ngăn chặn những người có đầu óc kinh
doanh kiếm tiền từ tâm thái sợ chết, luật đó sẽ không cho những kẻ cơ hội quyền
quảng cáo và bán với giá rất cao lời hứa về khả năng sống lại sau nhiều năm nếu
được để trong tủ lạnh với nhiệt độ rất thấp. Đã có những tổ chức như thế, và mặc
dù chúng ta có thể cười nhạo những người hỏi liệu góa phụ của một người được cấp
đông ở nhiệt độ thấp có quyền nhận an sinh xã hội hay tái hôn hay không, thì tất
cả những câu hỏi đều rất nghiêm trọng, không thể nào bỏ qua được. Những câu hỏi
này thực sự cho thấy mức độ chối bỏ ngoài sức tưởng tượng mà một số người đòi hỏi
để tránh phải đối mặt với cái chết như một thực tế, và dường như đã đến lúc mọi
người thuộc mọi ngành nghề và nền tảng tôn giáo phải đồng tâm hiệp lực trước
khi xã hội của chúng ta bị tê liệt đến mức phải tự hủy hoại chính mình.
Bây giờ, sau khi chúng ta đã nhìn vào quá
khứ với khả năng con người đối mặt với cái chết một cách bình thản và có ý niệm
lờ mờ đáng sợ về tương lai, xin cùng nhau quay trở lại hiện tại và tự hỏi một
cách nghiêm túc xem chúng ta, với tư cách cá nhân, có thể làm gì trước tất cả
những hiện tượng này. Rõ ràng là chúng ta không thể tránh hoàn toàn xu hướng là
mọi thứ đang gia tăng. Chúng ta sống trong xã hội đại chúng chứ không phải cá
nhân. Các lớp học trong các trường y sẽ ngày càng đông hơn, dù chúng ta muốn
hay không thì cũng thế. Số lượng ô tô trên đường cao tốc sẽ tăng lên. Số người
được giữ cho sống sẽ tăng lên, đấy là nói nếu chúng ta chỉ xem xét sự tiến bộ
trong khoa tim mạch và phẫu thuật tim.
Chúng ta cũng không thể quay ngược thời
gian. Chúng ta không thể cho tất cả trẻ em trải nghiệm quá trình học tập về cuộc
sống đơn giản trong trang trại, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm việc sinh ra
và chết đi trong môi trường tự nhiên xung quanh đứa trẻ. Các tu sỹ, giáo sỹ thậm
chí có thể không đưa thêm nhiều người trở về với niềm tin vào cuộc sống sau khi
chết, niềm tin này sẽ làm cho chết trở thành bổ ích, mặc dù theo một nghĩa nào
đó thì đấy là chối bỏ cái chết.
Chúng ta không thể chối bỏ sự tồn tại của
vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như không thể quay ngược thời gian theo bất kỳ
cách nào hay ý nghĩa nào. Khoa học và công nghệ sẽ tạo điều kiện cho chúng ta
thay thế các cơ quan có ý nghĩa sống còn, và trách nhiệm trước sự sống và cái
chết, người hiến tặng và người nhận sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Các vấn đề pháp
lý, luân lý, đạo đức và tâm lý sẽ được đặt ra cho thế hệ hiện tại và tương lai,
họ sẽ ngày càng phải đưa ra nhiều quyết định về sống và chết, cho đến khi những
quyết định này cũng có thể phải giao cho máy tính.
Mặc dù mỗi người sẽ cố gắng, theo cách của
mình, nhằm trì hoãn những câu hỏi và vấn đề cho đến khi người đó buộc phải đối
mặt với chúng, người đó sẽ chỉ có thể thay đổi nếu anh ta có thể bắt đầu quan
niệm về cái chết của chính mình. Không thể làm như thế trên bình diện đại
chúng. Máy tính cũng không thể làm được. Mỗi người phải tự mình làm lấy. Mỗi
người trong chúng ta đều muốn tránh nó, nhưng mỗi người trong chúng ta đều phải
đối mặt với nó, chỉ có trước hay sau mà thôi. Nếu tất cả chúng ta có thể bắt đầu
bằng cách suy ngẫm về khả năng là chính mình sẽ chết, chúng ta có thể tạo được ảnh
hưởng đến nhiều thứ, mà quan trọng nhất là phúc lợi của bệnh nhân, gia đình người
bệnh và cuối cùng có lẽ là cả đất nước chúng ta. Nếu chúng ta có thể dạy cho
sinh viên của mình giá trị của khoa học và công nghệ, đồng thời dạy nghệ thuật
và khoa học về các mối quan hệ giữa người với người, về lòng nhân ái và chăm
sóc bệnh nhân toàn diện, thì đó sẽ là tiến bộ thực sự. Nếu khoa học và công nghệ
không bị lạm dụng nhằm gia tăng khả năng hủy diệt, nhằm kéo dài sự sống chứ
không phải làm cho nó trở thành nhân bản hơn, nếu chúng ta có thể dành nhiều thời
gian hơn chứ không phải ít hơn cho nhũng giao tiếp giữa người với người, thì
chúng ta thực sự có thể nói về xã hội vĩ đại.
Cuối cùng, chúng ta có thể đạt được an
bình - an bình trong tâm chúng ta cũng như hòa bình giữa các quốc gia - bằng
cách đối mặt và chấp nhận thực tế rằng chính mình sẽ chết.
Ông P là ví dụ về việc kết hợp giữa thành
tựu y học, khoa học và nhân văn:
Ông P. là bệnh nhân 51 tuổi, nhập viện
trong tình trạng xơ cứng teo cơ một bên tiến triển rất nhanh với tổn thương
hành tủy. Ông ta không thể thở nếu không có máy trợ thở, khó khạc đờm, bệnh
viêm phổi đang tiến triển và nhiễm trùng ở chỗ mở khí quản. Sau đó ông ta không
thể nói được; do đó, ông ta nằm trên giường, nghe thấy âm thanh đáng sợ của máy
trợ thở, không thể nói với người nào về nhu cầu, suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Chúng tôi có thể đã không bao giờ đến gặp bệnh nhân này nếu một trong những bác
sĩ đã không can đảm yêu cầu giúp đỡ chính ông ta. Một buổi tối thứ Sáu, ông bác
sĩ này đến thăm chúng tôi và đề nghị đơn giản là cần hỗ trợ, chủ yếu không phải
giúp bệnh nhân mà giúp chính ông bác sĩ. Trong khi chúng tôi ngồi nghe ông ấy
nói, chúng tôi đã nghe được những cảm xúc mà người ta thường không nói tới. Người
ta chỉ định vị bác sĩ này khi bệnh nhân nói trên vừa nhập viện và rõ ràng là
ông bác sĩ rất ấn tượng trước những đau khổ của bệnh nhân. Bệnh nhân của vị bác
sĩ này còn khá trẻ và mắc chứng rối loạn thần kinh cần được theo dõi vế mặt y tế
và chăm sóc đặc biệt chỉ để kéo dài sự sống trong một thời gian ngắn. Vợ của bệnh
nhân này bị bệnh đa xơ cứng và đã bị liệt tứ chi trong suốt 3 năm qua. Bệnh
nhân đã hy vọng sẽ chết trong lần nhập viện này, vì anh ta không thể tưởng tượng
được sự kiện là có hai người bị liệt trong một gia đình, mỗi người chỉ nhìn người
kia mà không thể chăm sóc cho nhau.
Bi kịch kép này đã làm cho bác sĩ lo lắng
và nỗ lực hết sức mình nhằm cứu người đàn ông này “trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Bác sĩ biết rõ rằng thế là trái với mong muốn của bệnh nhân. Những nỗ lực của bác
sĩ tiếp tục thu được thành công ngay cả sau khi bệnh tắc mạch vành làm cho bức
tranh càng phức tạp thêm. Ông bác sĩ đã chiến đấu thành công như từng chiến đấu
với bệnh viêm phổi và nhiễm trùng. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, một
câu hỏi xuất hiện – “Làm gì bây giờ?” Bệnh nhân chỉ có thể sống nếu có máy trợ
thở và chăm sóc 24/24 giờ, anh ta không thể nói chuyện hay cử động dù chỉ một
ngón tay, về mặt trí tuệ, anh ta vẫn còn sống và nhận thức đầy đủ về tình trạng
khó khăn của mình, nhưng nếu không có máy và không được chăm sóc thì các cơ
quan trong người anh ta không thể hoạt động được. Ông bác sĩ này đã bị mọi người
ngấm ngầm chỉ trích vì đã nỗ lực cứu bệnh nhân đó. Bệnh nhân cũng phẫn nộ và thất vọng với vị bác sĩ
này. Ông bác sĩ này phải làm gì? Ngoài ra, đã quá muộn, không thể thay đổi được
nữa. Ông ta đã muốn làm hết sức mình, với tư cách là một bác sĩ, nhằm kéo dài sự
sống và bây giờ, khi đã thành công, ông ta chẳng được gì ngoài những lời chỉ
trích (có thật hoặc không có thật) và sự phẫn nộ của bệnh nhân.
Chúng tôi quyết định cố gắng giải quyết
xung đột trước mặt bệnh nhân, vì anh ta là thành phần quan trọng. Bệnh nhân tỏ
ra quan tâm khi chúng tôi nói với anh ta lý do chúng tôi đến thăm. Rõ ràng là
anh ta cảm thấy hài lòng vì chúng tôi để cho anh ấy cùng tham gia, nghĩa là coi
và đối xử với anh ta như một con người, mặc dù anh ta không có khả năng giao tiếp.
Ngay khi vào đề, tôi đã đề nghị anh ta gật đầu hoặc ra hiệu cho chúng tôi, nếu
anh ta không muốn thảo luận vấn đề cụ thể nào đó. Đôi mắt anh ta nói nhiều hơn là
ngôn từ. Rõ ràng là anh ta đã cố gắng nói nhiều hơn và chúng tôi cũng tạo điều cho
anh ta tham gia. Ông bác sĩ này cảm thấy nhẹ người khi chia sẻ gánh nặng, trở
nên khá sáng tạo và thỉnh thoảng lại mở máy trợ thở trong vài phút để giúp bệnh
nhân nói vài từ. Rất nhiều cảm xúc đã được tỏ bày trong những lần phỏng vấn
này. Bệnh nhân nhấn mạnh rằng anh ta không sợ chết, nhưng sợ sống. Anh ta cũng
đồng cảm với thầy thuốc nhưng yêu cầu bác sĩ “hãy giúp tôi sống như anh đã cố gắng
hết sức để kéo tôi khỏi tay tử thần”. Bệnh nhân mỉm cười và vị bác sĩ cũng mỉm
cười.
Không khí căng thẳng giảm hẳn khi cả hai
có thể nói chuyện với nhau. Tôi nói lại những xung đột mà vị bác sĩ vừa gặp, bệnh
nhân tỏ ra thông cảm. Tôi hỏi bệnh nhân, làm sao chúng tôi có thể giúp anh ta một
cách tốt nhất vào lúc này. Anh ta nói rằng ngày càng hoảng loạn hơn vì không thể
giao tiếp bằng lời, bằng cách viết hoặc bằng các phương tiện khác. Anh ta rất
biết ơn vì chúng tôi đã cùng nỗ lực trong mấy phút vừa qua và cuộc trao đổi sẽ
giúp làm cho những tuần tiếp theo bớt đau đớn hơn hẳn. Trong lần phỏng vấn sau
đó, tôi vui mừng nhận thấy bệnh nhân thậm chí còn nghĩ tới khả năng xuất viện
và lên kế hoạch chuyển đến Bờ Tây “nếu tôi có thể có máy trợ thở và dịch vụ điều
dưỡng ở đó”.
Ví dụ này có lẽ đã thể hiện rõ ràng nhất
tình trạng khó khăn mà nhiều bác sĩ trẻ thường gặp. Họ học cách kéo dài đời sống,
nhưng ít được đào tạo hoặc thảo luận về “sống là gì”. Bệnh nhân này tự coi mình
là “chết đến nơi rồi”, bi kịch là, về mặt trí tuệ, anh ta hoàn toàn nhận thức
được hoàn cảnh của mình và không thể cử động dù chỉ một ngón tay. Khi cái ống
đè lên và làm anh ta bị đau, anh ta không thể nói với y tá, đang ở bên anh ấy
suốt ngày đêm, nhưng không thể học được cách giao tiếp. Chúng ta thường cho rằng
“không thể làm được gì” và chỉ quan tâm tới thiết bị chứ không quan tâm tới nét
mặt của bệnh nhân, mà nét mặt lại có thể cho chúng ta biết nhiều điều quan trọng
hơn là cái máy hiệu quả nhất. Khi bệnh nhân bị ngứa, anh ta không thể di chuyển,
gãi hoặc thổi và trở nên lo lắng về sự bất lực của mình cho đến khi nó trở thành
hoảng loạn đến mức “gần như phát điên”. Bằng cách áp dụng một cách đều đặn biện
pháp trị liệu chỉ kéo dài năm phút như thế đã giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn và
có thể chịu đựng những bất hạnh của mình một cách tốt hơn.
Nó cũng làm giảm bớt những xung đột mà bác
sĩ phải chịu đựng và giúp cho anh ta có quan hệ tốt hơn mà không có mặc cảm tội
lỗi hay thương hại. Khi bác sĩ thấy những cuộc đối thoại trực tiếp như thế có
thể làm cho người ta thanh thản và cảm thấy thoải mái, anh ta sẽ tự làm tiếp, và
chỉ coi chúng tôi như chất xúc tác để trợ giúp cho quá trình giao tiếp.
Tôi cảm thấy rõ ràng rằng đây là trường hợp
điển hình. Tôi cảm thấy mời bác sĩ tâm thần sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, đấy
là nói khi quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ gặp nguy hiểm hoặc bác sĩ không thể
hoặc không muốn thảo luận các vấn đề quan trọng với bệnh nhân. Tôi thấy việc vị
bác sĩ trẻ này thừa nhận những giới hạn và xung đột mà mình đang gặp và tìm kiếm
sự giúp đỡ chứ không lảng tránh bệnh nhân và vấn đề là thái độ can đảm và là dấu
hiệu của sự trưởng thành vượt bậc. Mục tiêu của chúng ta không phải là tìm
chuyên gia cho những bệnh nhân sắp chết, mà là đào tạo nhân viên bệnh viện để họ
cảm thấy thoải mái trước những khó khăn như thế và tìm kiếm giải pháp. Tôi tin
rằng, nếu trong tương lai còn gặp những bi kịch kiểu như thế, người thầy thuốc
trẻ này sẽ không rơi vào tình trạng náo động và xung đột như thế nữa. Anh ta sẽ
cố gắng để trở thành bác sĩ và kéo dài đời sống cho bệnh nhân, nhưng cũng xem
xét nhu cầu của bệnh nhân và thảo luận thẳng thắn với người bệnh. Bệnh nhân
này, vẫn là một con người, chỉ là anh ta không chịu đựng được gánh nặng cuộc đời,
vì không thể sử dụng được những khả năng vốn có của mình. Bằng cách kết hợp nhiều
nỗ lực với nhau, bệnh nhân có thể sử dụng được một số khả năng vốn có của mình,
nếu chúng ta không xua đuổi ngay khi vừa nhìn thấy một con người tàn phế và đau
khổ như thế. Có lẽ tôi đang nói là chúng ta có thể giúp họ chết bằng cách cố gắng
giúp họ sống, chứ không sống đời sống thực vật một cách lạnh lùng.
Khởi
đầu của công trình nghiên cứu chuyên đề liên ngành về cái chết và người sắp chết
Mùa thu năm 1965, bốn sinh viên thần học của
Trường dòng Chicago đã đến gặp tôi để được giúp đỡ trong dự án nghiên cứu mà họ
đã chọn. Lớp học của họ phải viết một bài báo về “khủng hoảng trong cuộc sống của
con người”, và bốn sinh viên này coi chết là khủng hoảng lớn nhất mà con người
phải đối mặt. Lúc đó, câu hỏi tự nhiên xuất hiện: Làm sao tiến hành nghiên cứu
về người sắp chết, khi thu thập dữ liệu là hoàn toàn bất khả thi? Khi không thể
xác minh dữ liệu và không thể tạo được cuộc thí nghiệm? Chúng tôi nói chuyện một
lúc và quyết định rằng, cách tốt nhất để chúng tôi có thể nghiên cứu về chết và
người sắp chết là đề nghị những bệnh nhân nan y trở thành thày giáo của chúng
tôi. Chúng tôi sẽ quan sát những bệnh nhân nặng, nghiên cứu phản ứng và nhu cầu
của họ, đánh giá phản ứng của những người xung quanh họ, và tiếp cận với người
sắp chết ở khoảng cách gần nhất khi họ cho phép.
Chúng tôi quyết định rằng, trong tuần sau
sẽ phỏng vấn một bệnh nhân sắp chết. Chúng tôi đã thống nhất về thời gian và địa
điểm, và toàn bộ dự án có vẻ quá đơn giản và không có rắc rối gì. Vì những sinh
viên này không có kinh nghiệm lâm sàng và chưa từng gặp bệnh nhân nan y trong bệnh
viện, cho nên chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ có một số phản ứng mang tính cảm xúc.
Tôi sẽ phỏng vấn, còn họ thì đứng bên cạnh giường bệnh để theo dõi và quan sát.
Rồi chúng tôi sẽ về văn phòng của tôi và thảo luận về phản ứng của chính mình
và phản ứng của bệnh nhân. Chúng tôi tin rằng bằng cách thực hiện nhiều cuộc phỏng
vấn kiểu này, chúng tôi sẽ cảm nhận được những người mắc bệnh nan y và nhu cầu
của họ, đến lượt mình, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng nếu có thể.
Chúng tôi không có định kiến nào khác,
chúng tôi cũng không đọc bất kỳ bài báo hay ấn phẩm nào về chủ đề này để có thể
cởi mở và chỉ ghi lại những hiện tượng mà chính chúng tôi có thể nhận ra, ở cả ở
bệnh nhân và ở chính mình. Chúng tôi cũng cố ý không nghiên cứu bệnh án vì nó
cũng có thể làm loãng hoặc làm biến đổi quan sát của chính chúng tôi. Chúng tôi
không muốn có bất kỳ định kiến nào về phản ứng có thể có của bệnh nhân. Tuy
nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng nghiên cứu tất cả các dữ liệu mà mình có sau khi
chúng tôi đã ghi lại những ấn tượng của chính mình. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ
giúp chúng tôi nhạy cảm hơn trước nhu cầu của những bệnh nhân nặng, sẽ nâng cao
khả năng nhận thức của chúng tôi và hy vọng rằng việc ngày càng có nhiều cuộc tiếp
xúc với những bệnh nhân nan y ở các độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau sẽ làm cho
những sinh viên đang quá sợ hãi cảm thấy bình tĩnh hơn.
Chúng tôi rất hài lòng với kế hoạch của mình, nhưng và chỉ vài ngày sau, khó khăn bắt đầu.
Tôi bắt đầu xin phép các bác sĩ làm các
nhiệm vụ khác nhau và ở các khoa khác nhau để được phỏng vấn bệnh nhân mắc bệnh
nan y của họ. Phản ứng rất đa dạng, từ những sửng sốt hoài nghi cho đến thay đổi
khá đột ngột về chủ đề cuộc trò chuyện; kết quả cuối cùng là tôi không có cơ hội
đến gần bất cứ bệnh nhân nào như thế. Một số bác sĩ “bảo vệ” bệnh nhân của mình
bằng cách nói rằng họ ốm lắm, rất mệt hoặc yếu, hoặc không thích nói chuyện; một
số người khác thẳng thừng từ chối tham gia dự án nghiên cứu này. Tôi phải nói
thêm để biện hộ cho họ, họ có lý ở một mức độ nào đó, vì tôi mới bắt đầu công
việc của mình ở bệnh viện này và chưa có người nào có cơ hội biết tôi, cũng như
phong cách và công việc của tôi. Ngoài tôi ra, chẳng có ai đảm bảo với họ, rằng
các bệnh nhân sẽ không bị tổn thương, rằng những người chưa được thông báo về mức
độ nghiêm trọng của họ cũng sẽ không được thông báo. Ngoài ra, những bác sĩ này
không biết trải nghiệm trước đây của tôi với những người sắp chết ở những bệnh
viện khác.
Tôi nói thêm như thể để thể hiện phản ứng
của họ một cách công bằng nhất mà tôi có thể. Những bác sĩ này đều có thái độ phòng
vệ khi nói về cái chết và người sắp chết và cũng bảo vệ bệnh nhân của mình để
tránh những trải nghiệm khó chịu với thành viên của khoa mà họ chưa quen, tôi là
người vừa mới tham gia vào hàng ngũ của họ. Đột nhiên, dường như không có bệnh
nhân sắp chết nào trong cái bệnh viện khổng lồ này. Những cú điện thoại và những
cuộc viếng thăm mang tính cá nhân đến các khoa đều chẳng mang lại lợi ích gì. Một
số bác sĩ nói một cách lịch sự rằng họ sẽ suy nghĩ về chuyện này, một số người
khác thì nói rằng họ không muốn để bệnh nhân của mình phải trả lời những câu hỏi
như thế, vì nó có thể làm cho họ quá mệt mỏi. Một y tá còn giận dữ hỏi tôi, với
thái độ hoàn toàn không thể tin được, rằng tôi có thích nói chuyện với một
thanh niên hai mươi tuổi hay không, anh này chỉ có thể sống vài tuần nữa là
cùng! Cô ấy bỏ đi trước khi tôi có thể nói thêm về kế hoạch của chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được một bệnh
nhân, anh ta đã choàng tay ôm tôi. Anh ta mời tôi ngồi xuống và rõ ràng là rất
muốn nói. Tôi bảo anh ta rằng lúc này tôi không muốn nghe, nhưng sẽ trở lại vào
ngày hôm sau cùng với các sinh viên. Tôi đã không đủ nhạy cảm để đánh giá những
thông tin của anh ấy. Gặp được bệnh nhân như thế là rất khó, tôi phải chia sẻ với
các sinh viên của mình. Lúc đó tôi chưa nhận ra rằng khi một bệnh nhân như thế
nói: “Xin mời ngồi”, ngày mai có thể là quá muộn. Khi chúng tôi đến thăm anh ta
vào ngày hôm sau, anh ta đang nằm, yếu quá, không nói được nữa. Anh ta tìm cách
nhấc cánh tay lên và thì thầm: “Cảm ơn vì đã cố gắng” – chưa tới một giờ sau, anh
ta qua đời và giữ lại những điều anh ta muốn chia sẻ với chúng tôi và đấy là những
điều chúng tôi rất muốn tìm hiểu. Đó là bài học đầu tiên và đau đớn nhất của
chúng tôi, nhưng cũng là khởi đầu của công trình nghiên cứu chuyên đề này, nó bắt
đầu như một thí nghiệm và kết thúc như là một trải nghiệm đối với nhiều người.
Sau buổi hôm đó, mấy sinh viên này gặp tôi
tại văn phòng của tôi. Chúng tôi cảm thấy cần phải nói về trải nghiệm của chính
mình và muốn chia sẻ những phản ứng của mình nhằm tìm hiểu chúng. Cách làm như
thế còn tiếp tục cho đến tận hôm nay. Về mặt kỹ thuật, có rất ít thay đổi. Mỗi
tuần một lần, chúng tôi đều đến gặp một bệnh nhân nan y. Chúng tôi xin phép bệnh
nhân ghi âm cuộc nói chuyện và để bệnh nhân có toàn quyền quyết định thời gian.
Chúng tôi đã chuyển từ phòng bệnh nhân sang một phòng phỏng vấn nhỏ, người ta
có thể nhìn và nghe thấy chúng tôi, nhưng chúng tôi không nhìn thấy khán giả. Từ
một nhóm bốn sinh viên thần học, lớp học đã tăng lên đến năm mươi người, cần phải
thiết lập cửa sổ màn hình.
Khi nghe tin bệnh nhân nào đó có thể tham
gia vào công trình nghiên cứu, một mình tôi đến gặp anh ta hoặc đi cùng với một
sinh viên, tôi muốn bác sĩ hoặc cha tuyên úy của bệnh viện, hoặc cả hai người
giới thiệu tôi với bệnh nhân. Sau phần giới thiệu ngắn gọn, chúng tôi nêu ra mục
đích và thời gian thăm gặp một cách rõ ràng và cụ thể. Tôi nói với mỗi bệnh
nhân rằng chúng tôi có một nhóm nhân viên liên ngành của bệnh viện mong muốn học
hỏi từ người bệnh. Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi cần biết thêm về bệnh
nhân đang rất ốm yếu và sắp chết. Sau đó, chúng tôi tạm dừng và chờ phản ứng của
bệnh nhân, bằng lời hoặc không dùng lời nói. Chúng tôi chỉ làm như thế sau khi được
bệnh nhân mời nói chuyện. Cuộc đối thoại điển hình diễn ra như sau:
Bác
sĩ:
Xin chào ông X. Tôi là bác sĩ R. và đây là Cha tuyên úy N. Ông có muốn nói chuyện
một chút không?
Bệnh
nhân:
Xin mời, xin mời ngồi.
Bác
sĩ:
Chúng tôi ở đây với một yêu cầu đặc biệt. Cha tuyên úy N. và tôi đang làm việc
với một nhóm người của bệnh viện, họ đang cố gắng tìm hiểu thêm về những bệnh
nhân nặng và sắp chết. Ông cảm thấy sẵn sàng trả lời một số câu hỏi của chúng
tôi chứ?
Bệnh
nhân:
Tại sao các vị không hỏi và tôi sẽ xem liệu tôi có thể trả lời được không.
Bác
sĩ:
Ông bị bệnh như thế nào?
Bệnh
nhân:
Tôi bị khối u ác tính….
(Một bệnh nhân khác có thể nói, “Chị có thực
sự muốn nói chuyện với một bà già sắp chết hay không? Chị còn trẻ và khỏe như
thế!”)
Lúc đầu nhiều người không dễ dãi như thế.
Họ bắt đầu phàn nàn về cơn đau, khó chịu, sự phẫn nộ, cho đến khi họ chia sẻ sự
thống khổ của mình. Lúc đó, chúng tôi mới nhắc họ rằng đây chính xác là những điều
chúng tôi muốn những người khác nghe và liệu họ có nghĩ tới việc nhắc lại chính
những điều ấy sau một thời gian ngắn hay không.
Khi bệnh nhân đồng ý, bác sĩ cho phép và mọi
chuyện được sắp xếp xong xuôi, chúng tôi đích thân đưa bệnh nhân vào phòng phỏng
vấn. Rất ít người trong số họ đi được, hầu hết đều phải ngồi xe lăn, một số người
phải khiêng bằng cáng. Mang theo cả dụng cụ truyền dịch, truyền máu, nếu cần.
Thân nhân không được tham gia, mặc dù đôi khi, sau cuộc đối thoại, chúng tôi
cũng phỏng vấn người nhà bệnh nhân. Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi đều giữ
nguyên tắc những người có bất kỳ thông tin nào về bệnh nhân đều không được tham
gia. Trên đường đến phòng phỏng vấn, chúng tôi thường nhắc lại mục đích của cuộc
phỏng vấn và nhấn mạnh bệnh nhân có quyền dừng lại theo ý mình bất cứ lúc nào,
vì bất kỳ lý do gì. Một lần nữa, chúng tôi mô tả chiếc gương trên tường giúp
khán giả có thể nhìn và nghe thấy chúng tôi và tạo điều kiện cho bệnh nhân có những
giai đoạn được chia sẻ những thông tin riêng tư với chúng tôi, và thường được sử
dụng nhằm làm giảm bớt những lo lắng và sợ hãi vào phút cuối.
Khi vào phòng phỏng vấn, cuộc trò chuyện
diễn ra dễ dàng và nhanh chóng, bắt đầu với thông tin tổng quát, rồi đến những
mối quan tâm hoàn toàn cá nhân, như thể hiện trong các cuộc phỏng vấn được ghi
lại, một số nội dung được trình bày trong cuốn sách này.
Sau mỗi phiên phỏng vấn, trước hết, bệnh
nhân được đưa trở lại phòng của mình, cuộc hội thảo sẽ tiếp tục ngay sau đó.
Không có bệnh nhân nào phải đợi ở hành lang. Khi người phỏng vấn quay trở lại lớp
học, người đó sẽ tham gia cùng khán giả và chúng tôi cùng nhau thảo luận về sự
kiện vừa diễn ra. Những phản ứng tự phát của chính chúng tôi được đem ra ánh
sáng, dù có phù hợp hay bất hợp lý đến mức nào thì cũng thế. Chúng tôi thảo luận
về những phản ứng khác nhau của chúng tôi, cả cảm xúc lẫn trí tuệ. Chúng tôi thảo
luận về phản ứng của bệnh nhân trước những người phỏng vấn khác nhau, trước những
câu hỏi và cách tiếp cận khác nhau và cuối cùng cố gắng hiểu tâm lý động lực học
(psychodynamic) trong các giao tiếp của bệnh nhân. Chúng tôi nghiên cứu điểm mạnh
và điểm yếu của người bệnh, cũng như của chúng tôi trong việc quản lý con người
này và kết luận bằng cách đề xuất một số cách tiếp cận mà chúng tôi hy vọng sẽ
giúp làm cho những ngày hoặc tuần cuối cùng của bệnh nhân được thoải mái hơn.
Không có bệnh nhân nào chết trong khi phỏng
vấn. Thời gian sống dao động từ mười hai giờ đến vài tháng. Nhiều bệnh nhân mà chúng
tôi phỏng vấn trong thời gian gần đây vẫn còn sống, nhiều bệnh nhân nguy kịch
đã thuyên giảm và đã trở về nhà. Một số người không tái phát và đang tiến triển
tốt. Tôi nhấn mạnh chuyện này vì chúng ta đang nói về cái chết với những bệnh
nhân không thực sự chết theo nghĩa cổ điển của từ này. Chúng tôi nói chuyện với
nhiều người, nếu không nói là với hầu hết trong số họ về sự kiện này, vì đó là sự
kiện mà họ phải đối mặt, đấy là những căn bệnh thường gây tử vong - sự can thiệp
của chúng tôi có thể diễn ra bất cứ lúc nào, từ khi có chẩn đoán cho đến ngay
trước khi chết.
Cuộc thảo luận phục vụ nhiều mục đích khác
nhau, như chúng tôi đã tìm ra qua trải nghiệm. Nó có lợi nhất trong việc làm
cho các sinh viên nhận thức được rằng chết là khả năng có thật, không chỉ đối với
những người khác mà còn đối với chính họ. Nó đã được chứng minh là biện pháp quan
trọng trong việc làm cho người ta bớt mẫn cảm, nó sẽ diễn ra một cách chậm chạp
và đau đớn. Nhiều sinh viên mới tới lần đầu đã bỏ về trước khi cuộc phỏng vấn kết
thúc. Một số có thể ngồi suốt buổi, nhưng không thể nói được gì trong khi thảo
luận. Một số người đã chuyển tất cả sự phẫn nộ và thịnh nộ của mình sang những
người tham gia khác hoặc người phỏng vấn, đôi khi còn chuyển sang bệnh nhân. Chuyển
phẫn nộ vào bệnh nhân đôi khi xảy ra khi bệnh nhân dường như đối mặt với chết chóc
với thái độ bình tĩnh và bình thản, trong khi anh sinh viên này cảm thấy rất
khó chịu trước cái chết. Cuộc thảo luận cho thấy rằng sinh viên nghĩ rằng bệnh
nhân không thực tế hoặc thậm chí là giả vờ, vì không thể tưởng tượng được rằng một
người nào đó có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy với phẩm giá cao
như thế.
Những người tham gia khác bắt đầu đồng cảm
với bệnh nhân, đặc biệt, nếu họ cùng tuổi và phải giải quyết những xung đột này
trong cuộc thảo luận, cũng như rất lâu sau đó. Khi những người trong nhóm bắt đầu
biết nhau và nhận ra rằng không có gì là cấm kỵ, các cuộc thảo luận trở thành một
loại trị liệu nhóm dành cho những người tham gia, với nhiều cuộc tranh cãi thẳng
thắn, hỗ trợ lẫn nhau, và đôi khi là những khám phá và hiểu biết sâu sắc đầy
đau đớn. Bệnh nhân ít khi nhận ra tác động và ảnh hưởng lâu dài của nhiều hoạt
động giao tiếp đối với rất nhiều kiểu người và nhiều sinh viên.
Hai năm sau khi thiết lập, nghiên cứu chuyên
đề này đã trở thành một khóa học được công nhận của trường y và chủng viện thần
học. Nhiều bác sĩ thăm khám, y tá và trợ lý y tá, hộ lý, nhân viên xã hội, linh
mục và giáo sĩ Do Thái, các nhà trị liệu bằng xông hơi và vật lý trị liệu cũng
tham gia, nhưng bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi ít khi tham gia. Các sinh viên y
khoa và thần học tham gia khóa học chính thức cũng tham dự một khóa học lý thuyết,
chuyên bàn về những câu hỏi mang tính lý thuyết, triết học, đạo đức, luân lý và
tôn giáo, do tác giả và cha tuyên úy bệnh viện luân phiên tổ chức.
Tất cả các cuộc phỏng vấn đều được ghi âm
và sẵn sàng để cho sinh viên và giảng viên sử dụng. Cuối mỗi quý, mỗi sinh viên
đều viết một bài báo về một chủ đề do mình lựa chọn. Những bài báo này sẽ được đăng
trong một ấn phẩm phát hành sau đó; đấy là các hoạt động rất cá nhân – từ các
khái niệm và sợ chết cho đến các bài báo có tính triết học, tôn giáo hoặc xã hội
học ở tầng cao về cái chết và người sắp chết.
Để đảm bảo bí mật, trên các bản ghi lại từ
băng ghi âm, danh sách tất cả những người tham dự, tên và dữ liệu nhận dạng đều
đã thay đổi.
Từ cuộc gặp mặt không chính thức của bốn
sinh viên, nghiên cứu chuyên đề này đã diễn ra trong vòng hai năm, với khoảng
năm mươi người tham gia, đấy là các thành viên của tất cả các ngành nghề làm việc
trong bệnh viên. Ban đầu, trung bình mỗi tuần phải mất mười giờ thì mới được
bác sĩ cho phép phỏng vấn bệnh nhân; bây giờ chúng tôi ít khi phải tìm bệnh
nhân. Chúng tôi được các bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội giới thiệu và đáng
khích lệ nhất có lẽ là từ những bệnh nhân đã tham gia hội thảo và đã chia sẻ trải
nghiệm của họ với những bệnh nhân nan y khác, những người này sau đó đã yêu cầu
được tham dự, đôi khi để giúp chúng tôi, đôi khi để được người ta nghe họ nói.
Người sắp chết đóng vai thày giáo, Nói hay không nói, đấy là vấn đề
Khi nói chuyện với các bác sĩ, cha tuyên
úy của bệnh viện và nhân viên điều dưỡng, chúng tôi thường có ấn tượng về sự
quan tâm của họ đối với sức chịu đựng của bệnh nhân trước “sự thật”. “Sự thật
nào?” là câu hỏi mà chúng tôi thường đưa ra. Đứng trước người bệnh sau khi đã
có chẩn đoán là mắc bệnh ác tính là công việc khó khăn. Một số bác sĩ muốn nói
với người thân, nhưng không để bệnh nhân biết sự thật nhằm tránh, không để cảm
xúc bộc phát. Một số bác sĩ nhạy cảm với nhu cầu của bệnh nhân và có thể trình
bày khá thành công, để bệnh nhân nhận thức được căn bệnh nghiêm trọng, nhưng
không làm cho người đó mất hết hy vọng.
Cá nhân tôi cảm thấy rằng câu hỏi này
không bao giờ được trở thành xung đột thực sự. Câu hỏi không phải là “Có nên
nói...?”, mà là “Làm sao chia sẻ việc này với bệnh nhân của tôi?” Tôi sẽ tìm
cách giải thích thái độ này trong các trang sau. Do đó, tôi sẽ phải phân loại một
cách thô sơ nhiều trải nghiệm mà bệnh nhân đã trải qua khi họ đối mặt với nhận
thức đột ngột về ngày từ giã cõi đời của chính họ. Như chúng tôi đã vạch ra một
cách sơ lược bên trên, con người không cảm thấy thoải mái khi thấy sự kết thúc cuộc
đời của chính mình trên trái đất này, họ chỉ thỉnh thoảng và không thật suy
nghĩ một chút về khả năng là chính mình sẽ chết. Rõ ràng là, một trong những
trường hợp như thế là nhận thức về căn bệnh đang đe dọa tính mạng. Chỉ riêng sự
kiện là bệnh nhân được thông báo rằng mình bị ung thư đã làm cho người đó nhận
thức được khả năng là mình sẽ chết.
Người ta thường nói rằng mọi người đều đánh
đồng bệnh ác tính với bệnh nan y và coi hai căn bệnh này là như nhau: Về cơ bản
là đúng và nó có thể là phúc lành hay tai họa, tất cả phụ thuộc vào cách xử lý
của bệnh nhân và gia đình trong tình huống cực kỳ quan trọng này.
Đối với hầu hết mọi người, ung thư vẫn là
một căn bệnh nan y, mặc dù ngày càng có nhiều phương pháp chữa trị thực sự,
cũng như các đợt thuyên giảm có ý nghĩa. Tôi tin rằng chúng ta nên tạo ra thói
quen thỉnh thoảng nghĩ về cái chết và người sắp chết, tôi hy vọng rằng tất cả
chúng ta đều nên làm như thế trước khi đối mặt với nó trong cuộc đời của chính
mình. Nếu chúng ta không làm như thế, chẩn đoán ung thư của người trong gia
đình sẽ nhắc nhở chúng ta một cách tàn nhẫn về cái chết của chính mình. Do đó,
có thể là phúc lành khi sử dụng thời gian bị bệnh để nghĩ về cái chết và người
sắp chết dưới góc độ của chính chúng ta, dù bệnh nhân sẽ chết hay còn sống thêm
một thời gian nữa.
Nếu bác sĩ có thể nói chuyện thoải mái với
bệnh nhân về việc đã phát hiện được căn bệnh ác tính mà không nhất thiết phải
đánh đồng nó với cái chết sắp xảy ra, thì ông ta sẽ phục vụ bệnh nhân một cách
tốt nhất. Đồng thời, bác sĩ nên để ngỏ cánh cửa của hy vọng, cụ thể là các loại
thuốc, phương pháp điều trị, cơ hội xuất hiện kỹ thuật và nghiên cứu mới. Cái
chính là ông ta nói với bệnh nhân rằng tất cả chưa phải là hết; rằng bác sĩ
không bỏ bệnh nhân vì chẩn đoán nào đó; rằng đó là cuộc chiến mà họ sẽ cùng nhau
chiến đấu - bệnh nhân, gia đình và bác sĩ – dù kết quả cuối cùng có là gì thì
cũng thế. Người bệnh như thế sẽ không sợ bị bỏ rơi, lừa dối, hắt hủi, mà sẽ tiếp
tục tin tưởng vào sự trung thực của bác sĩ của mình và biết rằng cái gì có thể
làm được, thì họ sẽ cùng nhau làm. Cách tiếp cận như vậy cũng làm cho gia đình
bệnh nhân yên tâm, họ thường cảm thấy cực kỳ bất lực trong những thời điểm như
thế. Họ tin vào cách trấn an của bác sĩ, bằng lời nói hoặc không dùng lời nói thì
cũng thế. Họ được động viên là cái gì có thể làm thì người ta sẽ làm, nếu không
thể làm cho bệnh nhân sống lâu hơn thì ít nhất cũng làm giảm bớt đau khổ cho họ.
Nếu bệnh nhân nhập viện với khối u ở vú, vị
bác sĩ chu đáo sẽ chuẩn bị cho bà ta khả năng đó là một khối u ác tính và nói với
bà ta rằng, ví dụ, sinh thiết sẽ cho thấy bản chất thực sự của khối u. Bác sĩ
cũng sẽ nói trước với bà ta rằng sẽ cần phải phẫu thuật nếu phát hiện được khối
u ác tính. Bệnh nhân được chuẩn bị như thế sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị
cho khả năng mắc bệnh ung thư và sẽ được chuẩn bị tốt hơn để chấp nhận.
Cần phẫu thuật thì nên phẫu thuật. Khi bệnh
nhân tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, bác sĩ có thể nói: “Xin lỗi, chúng tôi phải thực
hiện ca phẫu”. Nếu bệnh nhân trả lời: “Cảm ơn Chúa, lành tính”, bác sĩ có thể
chỉ nói: “Mong rằng đó là sự thật”, rồi im lặng ngồi cạnh bệnh nhận một lúc, chứ
không bỏ chạy. Bệnh nhân như thế có thể giả vờ không biết trong vài ngày. Bác
sĩ sẽ là người tàn nhẫn, nếu buộc người bệnh phải chấp nhận sự thật khi họ đã thể
hiện rõ ràng rằng chưa sẵn sàng nghe điều đó. Sự kiện là bác sĩ chỉ cần nói với
bệnh nhân một lần là đủ để duy trì niềm tin vào bác sĩ. Bệnh nhân như thế sẽ tìm
bác sĩ vào lúc khác, khi họ có thể và đủ sức mạnh để đối mặt với hậu quả mà căn
bệnh của mình gây ra.
Bệnh nhân khác có thể phản ứng bằng cách
nói: “Thưa bác sĩ, thật kinh khủng, tôi còn sống được bao lâu nữa?” Lúc đó, bác
sĩ có thể cho người bệnh biết, trong những năm gần đây đã kéo dài tuổi thọ cho
những bệnh nhân kiểu này thêm được bao nhiêu năm và khả năng phẫu thuật bổ sung
cũng đã chứng tỏ là kết quả khá tốt; bác sĩ cũng có thể nói, rằng không ai biết
bệnh nhân có thể sống thêm bao lâu nữa. Tôi nghĩ rằng cho bệnh nhân biết họ có
thể sống được cụ thể mấy tháng hay mấy năm nữa là biện pháp xử lý tồi tệ nhất đối
với bất kỳ bệnh nhân nào, dù sức khỏe của họ có như thế nào đi nữa thì cũng thế.
Vì trong bất kỳ trường hợp nào thông tin đó cũng là sai, và quy luật là ngoại lệ
xảy ra theo cả hai hướng, tôi không hiểu lý do vì sao chúng ta thậm chí còn xem
xét những thông tin kiểu đó. Trong một số trường hợp, rất ít gặp, có thể cần phải
thông báo cho người chủ gia đình về thời gian sống ngắn ngủi của người đó nhằm
giúp người ta sắp xếp công việc. Tôi nghĩ, ngay cả trong những trường hợp như vậy,
người bác sĩ tế nhị có thể thông báo với bệnh nhân rằng, tốt hơn hết là ông/bà
ta nên sắp xếp công việc của mình cho ổn thỏa khi có thời gian rảnh rỗi và sức
lực để làm việc đó, chứ đừng chờ đợi quá lâu. Bệnh nhân như thế rất có thể sẽ
nhận được thông điệp ngấm ngầm, trong khi vẫn có thể giữ hy vọng mà bệnh nhân cần
phải giữ, kể cả những người nói rằng họ sẵn sàng chết. Các cuộc phỏng vấn của
chúng tôi đã chỉ ra rằng, tất cả các bệnh nhân đều để ngỏ khả năng tiếp tục sống
và không người nào trong số họ luôn luôn khẳng định rằng không còn muốn sống nữa.
Khi hỏi các bệnh nhân xem họ đã được thông
báo như thế nào, chúng tôi biết rằng dù có được thông báo rõ ràng hay không thì
tất cả bệnh nhân đều biết về căn bệnh nan y của mình, nhưng tin tưởng rất nhiều
vào bác sĩ khi tin tức được trình bày theo cách có thể chấp nhận được.
Cách chấp nhận được là như thế nào? Làm
sao bác sĩ biết bệnh nhân nào muốn nghe một cách ngắn gọn, bệnh nhân nào muốn
được giải thích dài dòng và bệnh nhân nào hoàn toàn muốn lảng tránh vấn đề? Làm
sao chúng ta biết khi chúng ta không hiểu bệnh nhân trước khi phải đưa ra những
quyết định như thế?
Câu trả lời phụ thuộc vào hai sự kiện sau
đây. Quan trọng nhất là thái độ và khả năng của chúng ta khi đối mặt với bệnh
nan y và cái chết. Nếu đây là một vấn đề lớn trong đời sống của chính chúng ta,
và chết được coi là chủ đề đáng sợ, khủng khiếp, cấm kỵ, thì chúng ta sẽ không
bao giờ có thể đối mặt với nó một cách bình tĩnh và có ích khi đứng trước bệnh
nhân. Và tôi cố tình nói “chết”, ngay cả khi chúng ta chỉ phải trả lời câu hỏi
ác tính hay không ác tính. Ác tính luôn luôn gắn liền với cái chết sắp xảy ra,
bản chất hủy diệt của cái chết, và chính ác tính gợi lên mọi cảm xúc. Nếu chúng
ta không thể bình thản đối mặt với cái chết, thì làm sao chúng ta có thể giúp đỡ
bệnh nhân? Lúc đó, chúng ta chỉ còn mỗi hy vọng là bệnh nhân sẽ đặt ra với
chúng ta câu hỏi khủng khiếp này. Chúng ta đi vòng quanh và nói về nhiều chuyện
vặt vãnh hoặc thời tiết bên ngoài rất đẹp, còn bệnh nhân nhạy cảm sẽ tham gia
cuộc chơi và nói về mùa xuân tới, ngay cả khi người đó biết rõ rằng mình sẽ
không còn mùa xuân nào nữa. Lúc đó, những bác sĩ này, khi được hỏi, sẽ nói với
chúng ta rằng bệnh nhân của họ không muốn biết sự thật, rằng họ không bao giờ hỏi
về việc đó và họ tin rằng mọi chuyện đều ổn. Trên thực tế, các bác sĩ cảm thấy
rất nhẹ nhõm vì họ không phải đối mặt và thường thì hoàn toàn không biết rằng họ
đã gây ra phản ứng như thế ở các bệnh nhân của mình.
Những bác sĩ nào vẫn cảm thấy khó chịu về
những cuộc thảo luận như vậy nhưng không có thái độ phòng thủ quá mức có thể mời
cha tuyên úy hay linh mục và đề nghị ông ta nói chuyện với bệnh nhân. Họ có thể
cảm thấy thoải mái hơn khi giao được nhiệm vụ khó khăn này cho người khác, có
thể tốt hơn là hoàn toàn tránh né. Mặt khác, họ có thể lo lắng đến mức ra lệnh một
cách rõ ràng cho nhân viên và cha tuyên úy là không được nói cho bệnh nhân biết.
Mức độ rõ ràng trong các mệnh lệnh như thế sẽ cho chúng ta biết nhiều hơn về sự
lo lắng của các bác sĩ hơn là họ muốn công nhận.
Những người khác gặp ít khó khăn hơn trong
vấn đề này và phát hiện được rất ít bệnh nhân không muốn nói về bệnh tình nghiêm
trọng của họ. Từ nhiều bệnh nhân mà tôi đã nói chuyện về vấn đề này, tôi tin chắc
rằng bác sĩ nào cần thái độ chối bỏ sẽ tìm thấy thái độ đó ở bệnh nhân của mình,
còn những người có thể nói về căn bệnh nan y sẽ thấy bệnh nhân của mình có khả
năng đối mặt và chấp nhận sự thật cao hơn. Nhu cầu chối bỏ của bệnh nhân tỷ lệ
thuận với nhu cầu chối bỏ của bác sĩ. Nhưng đây chỉ là một nửa vấn đề.
Chúng tôi đã phát hiện được rằng, bệnh
nhân khác nhau sẽ phản ứng khác nhau trước những thông tin như thế, tất cả phụ
thuộc vào tính cách của họ, cũng như phong cách và cách thức mà họ đã quen trong
quá khứ. Những người dùng chối bỏ làm biện pháp bảo vệ chính sẽ thường xuyên chối
bỏ hơn hẳn những người khác. Những bệnh nhân mà trước đây từng đối mặt một cách
cởi mở với những tình huống căng thẳng cũng sẽ hành động tương tự như thế trong
giai đoạn hiện nay. Do đó, làm quen với một bệnh nhân mới, để tìm ra những điểm
mạnh và điểm yếu của người đó là việc làm hữu ích. Tôi sẽ trình bày một ví dụ cụ
thể:
Cô A., một phụ nữ da trắng 30 tuổi, đề nghị
chúng tôi gặp cô trong thời gian cô nằm viện. Cô ấy tự giới thiệu là người phụ
nữ đồng tính, lùn, béo phì, vừa mỉm cười vừa nói với chúng tôi về “ung thư hệ bạch
huyết lành tính” mà cô đã trải qua nhiều biện pháp trị liệu, trong đó có hóa trị
bằng cobalt mustart và nitrogen mustard, hầu hết mọi người trong bệnh viện đều
biết là để điều trị các khối u ác tính. Cô ấy biết rõ căn bệnh của mình và sẵn
sàng thừa nhận đã đọc sách báo viết về nó. Cô ta đột nhiên xúc động mạnh và kể
một câu chuyện khá cảm động về việc bác sĩ của cô ấy đã nói về “ung thư hệ bạch
huyết lành tính” sau khi nhận được kết quả sinh thiết. “Ung thư hệ bạch huyết
lành tính?”, tôi lặp lại, giọng nói cho thấy tôi có ý nghi ngờ và sau đó ngồi im
để chờ câu trả lời. “Xin bác sĩ cho tôi biết đó là ác tính hay lành tính?”, cô ta
hỏi nhưng không đợi tôi trả lời, cô ấy bắt đầu nói chuyện về việc mình đã cố gắng
mang thai, nhưng không có kết quả. Cô ấy từng hy vọng có con trong suốt 9 năm
trời, cô ấy đã trải qua tất cả các xét nghiệm, cuối cùng thông qua môi giới với
hy vọng sẽ nhận được con nuôi. Người ta không cho cô nuôi con nuôi vì nhiều lý
do, lúc đầu vì cô mới lấy chồng được hai năm rưỡi, sau có lẽ vì tình cảm bất ổn
định. Cô không thể chấp nhận sự thật là cô thậm chí không thể nuôi con nuôi. Lúc
này cô ta đang nằm bệnh viện và bị buộc phải ký vào một tờ giấy yêu cầu xạ trị
với tuyên bố rõ ràng rằng nó sẽ dẫn đến vô sinh, khả năng sinh con chấm dứt và
không thể nào đảo ngược được nữa. Cô ta không thể chấp nhận chuyện đó, mặc dù
thực tế là cô đã ký giấy tờ và đã trải qua quá trình chuẩn bị sơ bộ xạ trị. Người
ta đã đánh dấu lên bụng của cô và buổi xạ trị đầu tiên sẽ được tiến hành vào
sáng ngày hôm sau.
Buổi nói chuyện này làm cho tôi thấy rằng
cô ấy vẫn chưa thể chấp nhận sự thật. Cô ta hỏi về khối u ác tính nhưng không đợi
câu trả lời. Cô ấy còn nói với tôi rằng không thể chấp nhận sự thật là mình sẽ
không có con, mặc dù cô ấy đã chấp nhận xạ trị. Cô ấy tiếp tục nói rất lâu, rất
chi tiết về ước muốn không thành của mình và tiếp tục nhìn tôi, ánh mắt chứa đựng
một câu hỏi lớn. Tôi nói rằng cô ấy có thể đang nói về việc mình không có khả
năng đối mặt với bệnh tật chứ không phải là không có khả năng đối mặt với việc không
thể sinh nở. Tôi nói rằng mình có thể hiểu chuyện này. Tôi còn nói rằng cả hai
tình huống đều khó khăn, nhưng không đến mức tuyệt vọng và hứa sẽ trở lại vào
ngày hôm sau, sau trị liệu.
Trên đường đến buổi xạ trị đầu tiên, cô ấy
đã xác nhận rằng đã biết về căn bệnh ác tính, nhưng vẫn hy vọng rằng phương
pháp điều trị này có thể chữa khỏi hẳn. Trong những lần thăm hỏi thân mật, gần
như xã giao sau đó, cô tỏ ra dao động giữa việc nói về những đứa con và căn bệnh
ác tính của mình. Cô ta ngày càng mau nước mắt và không còn vẻ ngoài đồng tính
trong những lần gặp này. Cô ấy hỏi vế “cái nút kỳ diệu có thể giúp cô thoát khỏi
mọi nỗi sợ hãi và giải thoát khỏi gánh nặng trong lồng ngực của mình”. Cô ấy vô
cùng lo lắng về người bạn cùng phòng sắp tới, “lo lắng đến chết”, cô ấy nói như
thế nếu đấy là người phụ nữ mắc bệnh nan y. Vì các nhân viên y tá trong phòng
cô ấy là những người rất hiểu biết, chúng tôi đã kể cho họ nghe về những nỗi sợ
hãi của cô ấy, và cô ấy trở thành bạn đồng hành của một người phụ nữ trẻ, vui vẻ,
chị này đã giúp làm cho cô cảm thất rất nhẹ nhõm. Các nhân viên điều dưỡng còn động
viên cô ấy khóc khi cô ấy muốn khóc, chứ không kỳ vọng rằng lúc nào cô ấy cũng cười.
Bệnh nhân này đánh giá cao thái độ như thế. Các nhân viên trong phòng tỏ ra khá
ngạc nhiên khi biết về nhận thức và khả năng thảo luận về tương lai của cô một
cách thực tế.
Sau vài lần mang lại nhiều hiệu quả, bệnh
nhân này đột ngột hỏi tôi có con hay không và khi tôi nói có, cô ấy đề nghị tôi
đừng tới nữa vì quá mệt mỏi rồi. Những lần đến thăm sau đó cô ấy có những lời
nhận xét đầy giận dữ, khó chịu về các nhân viên y tá, bác sĩ tâm thần và những
người khác, cho đến khi cô ấy có thể thừa nhận rằng mình ghen tị với những người
khỏe mạnh và trẻ trung, đặc biệt là ghen với tôi, vì tôi dường như có tất cả.
Khi cô nhận ra rằng không bị bỏ rơi mặc dù đôi khi trở thành người khá khó
tính, càng ngày cô càng nhận thức được nguồn gốc của thái độ giận dữ của mình
và nói một cách không úp mở rằng đấy là do phẫn nộ với Chúa, vì đã bắt cô ta chết
khi còn quá trẻ và hoàn toàn chưa mỹ mãn. May mắn là, cha tuyên úy của bệnh viện
không phải là người thích trừng phạt mà là một người có thái độ thông cảm và đã
nói chuyện với cô ấy về thái độ phẫn nộ tương tự như tôi đã làm trước khi cơn
giận lắng xuống, để nhường chỗ cho nỗi buồn và, chúng tôi hy vọng, cuối cùng cô
sẽ chấp nhận số phận của mình.
Cho đến lúc này, bệnh nhân này vẫn có thái
độ lưỡng lự đối với vấn đề chính của mình. Đối với nhóm người mà cô ấy tự coi
là người phụ nữ thù địch, theo nghĩa mình là người không có con; tức là vị
tuyên úy và tôi, cô ấy chỉ nói về ý nghĩa của cuộc đời ngắn ngủi của mình và những
hy vọng mà cô ấy vẫn giữ (đúng là như thế) nhằm kéo dài nó. Sợ hãi lớn nhất của
cô ta vào thời điểm chấp bút tác phẩm này là khả năng chồng cô sẽ kết hôn với một
người phụ nữ khác có thể có con, nhưng sau đó cô vừa cười vừa thừa nhận: “Anh ấy
không phải là vua xứ Ba Tư, nhưng là người đàn ông thực sự vĩ đại”. Cô ấy vẫn
chưa hoàn toàn xử lý được thái độ ghen tị của mình đối với những người đang sống.
Sự kiện là cô không cần phải tiếp tục chối bỏ hoặc chuyển nó sang vấn đề bi thảm
khác, nhưng dễ chấp nhận hơn tạo điều kiện cho cô xử lý một cách thành công hơn
căn bệnh của mình.
Một ví dụ khác về vấn đề “nói hay không nói”
là trường hợp của D., không ai dám chắc là anh ta có biết bệnh của mình thực sự
là gì hay không. Các nhân viên bệnh viên tin rằng bệnh nhân không biết tình trạng
nghiêm trọng của mình, vì anh ta không bao giờ cho ai lại gần mình. Anh ta
không bao giờ hỏi về bệnh tình của mình, và nói chung, dường như anh này sợ
nhân viên bệnh viện. Các cô y tá sẵn sàng đánh cược rằng anh ấy sẽ không bao giờ
chấp nhận lời mời tham gia thảo luận vấn đề này cùng với tôi. Đã lường trước những
khó khăn, tôi ngập ngừng đến gần và hỏi một câu đơn giản: “Bệnh anh thế nào?” “Tôi
bị ung thư…”, anh ta đáp. Vấn đề của anh ta là chưa từng có người nào hỏi một
câu hỏi đơn giản và thẳng thắn như thế. Họ đã lầm khi so sánh đôi mắt dữ tợn của
anh ta với một cánh cửa đóng kín; trên thực tế, thái độ lo lắng của chính họ đã
ngăn cản, không cho họ phát hiện ra điều mà anh ấy rất muốn chia sẻ với người
khác.
Nếu căn bệnh ác tính được người ta trình
bày như căn bệnh vô vọng thì sẽ dẫn đến cảm giác “chẳng ích gì, chúng ta chẳng
thể làm được gì”, thì đó sẽ là khởi đầu của giai đoạn khó khăn cho bệnh nhân và
những người xung quanh họ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mình ngày càng bị cô lập hơn,
bác sĩ không còn quan tâm, cô lập và sự tuyệt vọng sẽ ngày càng tăng. Bệnh tình
có thể nhanh chóng xấu đi hoặc bệnh nhân sẽ bị trầm cảm, họ có thể không thoát
ra được trừ khi một người nào đó có thể tạo cho họ hy vọng.
Gia đình của những bệnh nhân như thế có thể
chia sẻ cảm giác đau buồn và bất lực, vô vọng và tuyệt vọng, chẳng giúp được gì
nhiều cho sức khỏe của bệnh nhân. Họ có thể rơi vào tình trạng trầm cảm trong
thời gian ngắn ngủi còn lại, chứ không biết làm phong phú thêm trải nghiệm thường
gặp trước phản ứng của bác sĩ như đã nói bên trên.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, phản ứng
của bệnh nhân không chỉ phụ thuộc vào cách bác sĩ nói chuyện với anh ta. Tuy
nhiên, cách thức thông báo tin xấu là yếu tố quan trọng, nhưng nó thường bị
đánh giá thấp và cần được chú trọng hơn trong quá trình giảng dạy cho sinh viên
y khoa và giám sát các bác sĩ trẻ.
Tóm lại, tôi tin rằng câu hỏi không nên được
đặt ra theo cách sau: “Tôi có cần nói với bệnh nhân của mình hay không?”, mà
nên được diễn đạt lại thành: “Làm sao chia sẻ kiến thức này với bệnh nhân của
tôi?” Trước hết, bác sĩ nên xem xét thái độ của chính mình trước căn bệnh ác
tính và cái chết để có thể nói về những vấn đề nghiêm trọng như thế mà không tỏ
ra lo lắng thái quá. Bác sĩ nên lắng nghe những tín hiệu từ bệnh nhân, chúng có
thể giúp anh ta động viên bệnh nhân sẵn sàng đối mặt với thực tế. Càng nhiều
người xung quanh bệnh nhân biết tiên lưỡng xấu, thì chính bệnh nhân sẽ càng nhanh
chóng nhận ra tình trạng thực sự của mình, vì ít người đủ sức giữ bộ mặt vui vẻ,
đáng tin trong một giai đoạn kéo dài. Hầu hết nếu không phải tất cả bệnh nhân đều
biết. Họ cảm nhận được khi thấy người ta đã thay đổi thái độ đối với mình, khi
thấy mọi người dành cho mình cách tiếp cận mới và khác trước, tiếng nói nhỏ nhẹ
hơn hoặc lảng tránh vòng vo, qua khuôn mặt đẫm lệ của người thân hoặc nụ cười
gượng gạo của một người trong gia đình không thể che giấu được cảm xúc thật. Họ
sẽ giả vờ là không biết khi bác sĩ hay người thân không thể nói về tình trạng
thực sự của mình, và họ sẽ chào đón người sẵn sàng nói về điều đó nhưng cho
phép họ giữ thái độ nếu họ thấy cần.
Dù bệnh nhân có được thông báo rõ ràng hay
không, họ vẫn sẽ nhận thức được sự kiện này và có thể mất niềm tin vào bác sĩ từng
nói dối hoặc không giúp mình đối mặt với tình trạng nghiêm trọng của bệnh tật,
trong khi họ có thể có thời gian giải quyết công việc của mình một cách ngăn nắp.
Chia sẻ tin tức đau đớn này với bất kỳ bệnh
nhân nào cũng là cả một nghệ thuật. Càng đơn giản, thì bệnh nhân càng dễ nhớ lại
trong ngày hôm sau, nếu quả thực người đó không thể “nghe” vào lúc này. Các bệnh
nhân của chúng tôi đánh giá cao sự kiện này, khi người ta nói với họ theo lối riêng
tư, trong một căn phòng nhỏ, chứ không phải ở hành lang của phòng khám đông người.
Điều mà tất cả các bệnh nhân của chúng tôi
nhấn mạnh là cảm giác đồng cảm, nó có giá trị hơn là tin tức mang tới bi kịch tức
thời. Đó là trấn an rằng cái gì có thể làm thì sẽ được làm, họ sẽ không bị “bỏ
rơi”, đã có sẵn biện pháp trị liệu, có hy vọng - ngay cả trong những trường hợp
nặng nhất. Nếu tin tức có thể được truyền đạt theo cách đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục
tin tưởng vào bác sĩ và họ sẽ có thời gian để vượt qua những phản ứng khác nhau,
chúng sẽ giúp người bệnh đối phó với tình huống mới và căng thẳng này.
Trong các trang tiếp theo, chúng tôi cố gắng
tóm tắt những gì mình đã học được về cơ chế đối phó trước căn bệnh nan y do những
bệnh nhân sắp chết cung cấp.
No comments:
Post a Comment