December 17, 2024

ẢN NGÃ KHÔNG PHẢI LÀ CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN (2)

  BẢN NGÃ KHÔNG PHẢI

LÀ CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN 

TRÍ TUỆ NHẰM SIÊU VIỆT TÂM TRÍ VÀ NHẬN RA ĐẠI NGÃ

DAVID HAWKINS, M.D.; Ph.D.

Phạm Nguyên Trường dịch 


PHẦN II

 

BUÔNG BỎ BẢN NGÃ

 

Tình yêu là một phong cách sống. Nó là năng lượng tỏa ra khi những rào cản đã được buông bỏ. Nó không chỉ là cảm xúc hay suy nghĩ—mà là trạng thái của hiện hữu. Tình yêu là con người mà chúng ta đã trở thành bằng cách buông bỏ.

***

Người ta thực sự hoàn toàn không bị tâm trí chi phối. Những điều tâm trí tiết lộ là một dòng lựa chọn bất tận, tất cả đều được ngụy trang như là ký ức, tưởng tượng, sợ hãi, khái niệm, v.v. Muốn thoát khỏi sự thống trị của tâm trí, thì chỉ cần nhận ra rằng đoàn diễu hành của các chủ đề của nó chỉ là một bữa tiệc tùy tiện đang đi qua màn hình của tâm trí mà thôi.

***

Buông bỏ tạo điều kiện thuận lợi cho sức mạnh của khẳng định. Khẳng định là tuyên bố tích cực. Sức mạnh của nó bị hạn chế bởi thực tế là, dù có ý thức hay vô thức, chúng ta có nhiều chương trình tiêu cực đang nói điều hoàn toàn trái ngược với khẳng định. Bạn có thể tự khám phá sự kiện này bằng cách lưu ý rằng, khi bạn viết những lời khẳng định, thì tâm trí bạn sẽ nghĩ: “Ừ, nhưng…” Chính những câu “Ừ, nhưng...” này hạn chế sức mạnh của khẳng định và làm giảm hiệu quả của nó. Nếu bạn buông bỏ chướng ngại, ngăn cản khẳng định, thì bạn sẽ nhận thấy hiệu quả của chúng tăng lên nhanh chóng.

***

Trên thực tế, bản ngã-tự ngã không nhất thiết phải chết: sự sống không kết thúc; tồn tại không chấm dứt; và không có số phận bi thảm, khủng khiếp nào đang chờ đợi đưa sự sống đến chỗ cáo chung. Giống như bản ngã, toàn bộ câu chuyện đều là tưởng tượng. Không cần phải hủy diệt bản ngã hay thậm chí là phải nỗ lực sửa đổi nó. Nhiệm vụ đơn giản duy nhất cần phải làm là thôi đồng nhất với bản ngã như là tự ngã thực sự của mình!

Không còn đồng nhất với nó nữa, thì tự ngã thực sự tiếp tục đi và nói chuyện, ăn uống và cười đùa—điểm khác biệt duy nhất là, giống như cơ thể, nó trở thành “cái đó” chứ không còn là “tôi” hay “cái này” nữa.

***

Vậy thì, tất cả những việc cần làm là buông bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả và ảo tưởng cho rằng người ta đã phát minh hoặc tạo ra bản ngã này và thấy rằng đó chỉ là một sai lầm. Rõ ràng đây là một sai lầm rất tự nhiên và không thể nào tránh được. Mọi người đều mắc sai lầm này, và chỉ một số ít phát hiện ra sai lầm và sẵn sàng hoặc có thể sửa chữa nó.

***

Như Đức Phật đã nói: “Đừng đặt người khác lên trên chính mình”, có nghĩa là người thầy thực sự duy nhất của một người chính là Đại ngã (Phật tính).

Đại ngã của vị thầy và Đại ngã của chính mình là một và như nhau. Bậc thầy trở thành nguồn cảm hứng và thông tin. Chính cảm hứng hỗ trợ công cuộc tìm kiếm.

***

Tâm trí của con người, tương tự như một con tàu giữa biển khơi, nó không thể điều chỉnh hướng đi mà không có la bàn hoặc nguồn tham chiếu từ bên ngoài, ví dụ như các vì sao. Quan trọng là nhận ra rằng hệ thống chỉ có thể điều chỉnh được khi nó có quyền truy cập vào một điểm tham chiếu bên ngoài (ví dụ hệ thống định vị toàn cầu), điểm tham chiếu này có vai trò như một Chuẩn mực tuyệt đối để so sánh tất cả các dữ liệu khác.

***

Bằng cách quan sát, có thể thấy rằng bên dưới những hình ảnh và từ ngữ, có năng lượng thúc đẩy—mong muốn suy nghĩ, nhằm duy trì hoạt động của tâm trí, để liên tục làm việc với bất kỳ thông tin nào mà tâm trí có thể tìm thấy nhằm lấp đầy khoảng trống. Có thể phát hiện ra động lực “suy nghĩ”, vốn là phi cá nhân. Bằng cách quan sát, có thể phát hiện được rằng hoàn toàn không có “tôi” nào suy nghĩ những ý nghĩ. Trên thực tế, “tôi” ít khi can thiệp. Tâm trí sẽ có thái độ chỉ trích và cố gắng giữ thể diện bằng cách chế giễu trạng thái cao hơn.

***

Đây là cơ hội vô cùng quý báu vì đây chính là thái độ ngăn cản người đó vươn tới trạng thái cao hơn của đời sống. Chính quá trình đọc cuốn sách này là vô cùng quý giá, vì nó sẽ tiết lộ chính xác rào cản là gì và chính xác lý do vì sao những mục tiêu này là bất khả thi trong lúc này. Khi phản kháng, chỉ trích và chê bai xuất hiện, chúng ta có thể bắt đầu buông bỏ chúng và buông bỏ ngay lúc này trong quá trình đọc về chúng. Đây là một cơ hội tuyệt vời để xác định những trở ngại ở bên trong, cản trở việc thực hiện. Như Pogo đã nói: “Chúng ta đã xác định được kẻ thù, và đó chính là chúng ta[1]”.

***

Đạo đức và luân lý chính trực, giống như lý trí và đức tin chân chính, được xây dựng vững chắc trên nền tảng của thái độ khiêm tốn thực tế, trong đó bản chất thay thế cho biểu hiện bên ngoài và nhận thức đã được xã hội hóa[2]. Đạo đức như một phẩm chất được thể hiện qua những đặc điểm của tính cách, chẳng hạn như quan tâm đến người khác, trung thực, chính trực, tinh thần trách nhiệm và trách nhiệm giải trình, cũng như trung thành với các khái niệm tâm linh cơ bản. Tốt bụng, yêu thương, hỗ trợ, lịch sự, tử tế, ân cần và hữu ích không phải là giương cao lá cờ cho một sự nghiệp hay vượt trội. Đạo đức, do đó, là một cách sống khiêm nhường trong thế gian này vì chính nó, chứ không phải vì lợi ích hay để thổi phồng bản ngã. Hậu quả của nó là ở bên trong nhưng cũng được chứng minh bằng mức độ hạnh phúc và lòng tự trọng dựa trên thực tế.

***

Luôn luôn nhận thức được rằng con người thực sự của bạn không phải là bản ngã. Không đồng nhất với nó.

***

Những công cụ đầu tiên mà chúng ta cần là thái độ sẵn sàng và tâm trí cởi mở—sẵn sàng nói rằng tâm trí đang nhìn vào cái gì đó, mà nó đang yêu cầu được xem xét để có thể được chữa lành. Chữa lành cơ thể diễn ra cùng với sự chữa lành tâm trí. Tất cả bệnh trên cơ thể, mà cuối cùng tôi đã buông bỏ, đều tự chữa lành là do kết quả của việc chữa lành các hình tướng tư duy trong tâm trí. Tất cả các quá trình chữa lành đều xuất phát từ thái độ sẵn sàng từ bỏ thái độ lên án chính mình và người khác, từ bỏ thái độ chỉ trích, than thân trách phận, oán hận và tất cả năng lượng tiêu cực ở tầng dưới 200, trong đó có tiếc nuối, lo lắng, bồn chồn, bất bình, tự coi thường mình và tự căm ghét chính mình. Chính việc buông bỏ những thứ đó đã chuyển năng lượng sang trường năng lượng mang lại chữa lành.

***

Lên án, căm ghét và mặc cảm tội lỗi không thể chiến thắng được bản ngã. Thay vào đó, người ta làm cho nó mất năng lượng bằng cách nhìn nhận một cách khách quan bản chất thực sự của nó—nó là tàn tích còn sót lại của nguồn gốc tiến hóa của con người.

***

Chìa khóa thành công là nghiên cứu và bắt chước thẩm quyền chân chính chứ không chống lại hoặc tấn công nó bằng thái độ đố kỵ, ghen ghét hoặc thù địch.

***

Thực tại trở nên hiển nhiên khi những cản trở nhận thức và tư duy bị loại bỏ, bao gồm tất cả các hệ thống niềm tin.

***

Không cần phải biết về Đại ngã mà chỉ cần trở thành Nó bằng cách buông bỏ cái không phải là Đai ngã. Nhận thức này diễn ra như là chuyển hoá mang tính chủ quan.

***

Niềm tin không thay đổi, sự thật của giáo lý, và sự chính trực của bậc thầy, cộng với thái độ tận tụy và gắn bó với phương pháp tu tập đơn giản, là tất cả những việc cần làm... Nhận ra rằng trí tuệ không còn là công cụ hữu ích nữa, mà giờ đây nó là rào cản, người tìm kiếm tâm linh sẽ vươn tới độ chín cần thiết cho những con đường được chú tâm hơn để tới với Chúa bằng cách vượt qua tâm trí, thông qua trái tim hoặc thông qua con đường của ý thức.

***

Chìa khóa để vượt qua những hạn chế cố hữu của bản ngã/tâm trí là khiêm nhường, nếu không có nó, tâm trí sẽ bị mắc kẹt một cách vô vọng trong ngôi nhà vọng tưởng của những cái gương.

***

Giống như mặt trời, Đại ngã bên trong luôn luôn tỏa sáng, nhưng vì những đám mây tiêu cực, chúng ta không trải nghiệm được Nó. Không cần cố gắng tìm kiếm và nạp vào quá nhiều sự thật hoặc kiến thức đúng đắn, mà chỉ cần tập trung vào việc loại bỏ những điều dối trá, rồi bản chất của sự thật sẽ tự hiển lộ. Loại bỏ những đám mây trên bầu trời để làm sáng tỏ những thứ tiêu cực sẽ tạo điều kiện người ta trải nghiệm các trường năng lượng tích cực. Chỉ cần loại bỏ cái tiêu cực – sẵn sàng buông bỏ những thói quen suy nghĩ tiêu cực. Khi loại bỏ các chướng ngại này, bạn sẽ dần dần cảm thấy sống động hơn và trải nghiệm niềm vui trong chính sự tồn tại của mình.

***

Vọng tưởng đầu tiên cần buông bỏ là niềm tin cho rằng có một thứ gọi là “tâm trí”. Về mặt trải nghiệm, chỉ có thể nói rằng những suy nghĩ, cảm xúc, hình ảnh và ký ức xuất hiện trong nhận thức của người ta đi theo một tiến trình bất tận. Do đó, từ ‘‘tâm trí’’, cũng như từ ‘‘bản ngã’’, chỉ là những khái niệm mà thôi.

***

Buông bỏ bản ngã là sẵn sàng buông bỏ chấp trước vào nó, coi nó như cái thay thế cho Chúa và nó chỉ là một vọng tưởng khác.

***

Làm sao để thiền định có thể tiếp tục diễn ra trong đời sống hàng ngày? Chỉ cần liên tục tự hỏi “cái gì” đang hành động, nói, cảm nhận, suy nghĩ hoặc quan sát. Đây là tập trung chú ý, không dùng ngôn ngữ… Thiền liên tục có thể được ví như thủ ấn, hoặc tư thế và thái độ, trong đó mọi hành động đều được thánh hóa nhờ việc dâng hiến chúng như là một hành động phụng sự hoặc thờ phụng. Khi thái độ của một người đối với mọi thứ trở thành tận tuỵ, thì Thần tính sẽ tự biểu lộ.

***

Người ta hy sinh lợi ích vật chất hoặc ích kỷ để đạt được tiến bộ tâm linh, và khi làm như thế, cái phù du sẽ bị khuất phục trước cái vĩnh cửu, và cái có giá trị thực sự sẽ được lựa chọn chứ không lựa chọn vọng tưởng. Một thước đo hữu ích khi đưa ra quyết định là tự coi như mình đang nằm trên giường chết và tự hỏi, Tôi muốn chịu trách nhiệm giải trình về những quyết định nào vào lúc đó?

***

Tình yêu Thiên Chúa thông qua tôn thờ, tận tụy, cam kết, tuyên bố hoặc phụng sự bất vị kỷ là chất xúc tác và lời mời chính thức để Thần tính can thiệp thông qua sức mạnh của chính trường ý thức phi tuyến tính, toàn trí, có mặt khắp nơi và toàn năng. Bằng cách buông bỏ mọi kháng cự, trường phi tuyến tính đầy sức mạnh này sẽ ngày càng trở thành chiếm ưu thế và cuối cùng là Hiện diện bao trùm tất cả.

***

Quan sát không thiên kiến, thì sẽ thấy sự mở ra của đời sống tự bộc lộ như là hệ quả của sự xuất hiện một cách tự phát của thực tại như một biểu hiện của tiềm năng khi có các điều kiện thuận lợi.

***

Tất cả các tôn giáo chân chính đều khẳng định rằng cứu rỗi là kết quả của phó thác và thừa nhận Chúa thông qua đức tin, tôn thờ, làm việc thiện, cầu nguyện và tuyên bố.

***

Nếu, trong mỗi sát na trôi qua chính xác của mỗi khoảnh khắc, sẵn sàng hoàn toàn hoàn toàn phó thác cho nó, người ta có thể đột nhiên siêu việt được bản ngã chỉ trong một chớp mắt. Và sau đó là con đường mở ra cho Nhận thức, trong đó Ánh sáng của Thiên Chúa như Đại ngã sẽ tiết lộ Cội nguồn của tất cả Tồn tại và Thực tại.

***

Ý thức tự thăng lên khi được cung cấp thông tin thiết yếu, sau đó được kích hoạt bởi ý định. Đến lượt mình, nó thúc đẩy cảm hứng, khiêm nhường và buông bỏ, và những khuynh hướng này ngày càng hoạt động mạnh hơn. Khi đã chiếm được ưu thế, chúng dẫn đến thái độ tận tụy và kiên trì. Bên cạnh những khía cạnh này của ý thức, tiến bộ sẽ nhanh hơn nếu được chuyên gia hướng dẫn và các tầng ý thức được hiệu chỉnh của các vị thầy và giáo lý cũng rất hữu ích.

***

Vọng tưởng là hệ quả thứ yếu, tự động của định vị. Hiện tượng xảy ra trong quá trình kỳ diệu này là định vị bị giải thể, tạo điều kiện cho việc đưa vào bối cảnh lớn hơn, bên ngoài thời gian và địa điểm, bằng cách đó nội dung tuyến tính được thay thế bằng phi tuyến tính (bối cảnh).

***

Khi xem xét một cách kỹ lưỡng, người ta phát hiện được rằng tất cả các ý kiến ​​đều vô giá trị. Chúng đều là phù phiếm và không có vai trò quan trọng hoặc giá trị nội tại nào. Tâm trí của mọi người đều chứa đầy những ý kiến ​bất tận, và khi nhìn ra đúng bản chất của chúng, ý kiến thực sự chỉ là hoạt động của tâm trí. Tuy nhiên, quan trọng hơn là tất cả các ý kiến đều ​​bắt nguồn từ và củng cố các định vị, và chính những những định vị này mang đến những đau khổ bất tận. Buông bỏ các định vị là bịt miệng các ý kiến, và bịt miệng các ý kiến ​​là buông bỏ các định vị.

***

Quá trình tiến hóa của ý thức là di sản mang tính nghiệp lực của một người vì nó là phẩm chất bẩm sinh trong chính ý thức của con người… Giá trị của việc chứng kiến một cách thận trọng là thậm chí chỉ cần nhận thức được khiếm khuyết của bản ngã cũng có xu hướng xóa bỏ khiếm khuyết đó. Bằng cách buông bỏ và cầu nguyện, Ý chí Thần thánh tạo điều kiện cho quá trình chuyển hoá từ cái nhỏ hơn sang cái lớn hơn, vì Đại ngã hỗ trợ môt cách phi nỗ lực và tiếp thêm năng lượng cho ý định.

***

Toàn bộ Đại ngã được giữ trong trường phi tuyến tính lớn hơn của nhận thức luôn luôn có đó. Nó là bối cảnh chứ không phải nội dung. Giống như khi ta nhìn Trái Đất từ ngoài không gian: không gian là bối cảnh còn Trái Đất là nội dung…. Cùng với phó thác, những trở ngại sẽ được giải quyết bởi lòng từ bi vô biên vô tế của Thần tính yêu thương vô điều kiện tất cả những gì tồn tại, vì tồn tại là sự hiển lộ của Thiên Chúa. Chỉ có vọng tưởng mới có thể khiến sự thật hiển nhiên này trở thành không hiển nhiên mà thôi.

***

Sai lầm xảy ra khi chúng ta bám víu vào niềm tin cho rằng tôi là “cái đó”. Sự thật được bật mí khi chúng ta thấy rằng người ta có “cái đó” hoặc làm “cái đó”, chứ không phải là “cái đó”.

***

Khi bản ngã biết được lợi ích của việc buông bỏ các mục tiêu ích kỷ, thì chính nó sẽ trở thành bàn đạp cho quá trình tìm hiểu tâm linh và những phương tiện để siêu việt chính nó, trong khi nó nhận ra rằng khiêm nhường là sức mạnh, chứ không phải là yếu đuối, và đó là khôn ngoan chứ không phải là ngu dốt.

***

Bản ngã—hay chính xác hơn, niềm tin cho rằng mình là bản ngã—làm lu mờ Nhận thức về Thực tại của Đại ngã như là Nhất thể (Oneness) của Tất Cả Những Thứ Đang Là. Tan rã bản ngã sẽ dẫn đến giải thoát khỏi ràng buộc của những vọng tưởng vốn là nguyên nhân của đau khổ. Soi xét bằng cái tâm vô uý và thận trọng những vọng tưởng này thì chúng ta sẽ phát hiện được những niềm tin sai lầm nằm ở bên dưới. Chỉ cần một công cụ duy nhất là sẵn sàng phó thác mọi niềm tin, ý kiến ​​và thái độ cho Thiên Chúa.

***

Tiềm năng tâm linh được kích hoạt khi không còn kháng cự, tương tự như bông hoa nở ra và phản ứng với hơi ấm của mặt trời nhờ những phẩm chất nội tại do chính Tạo hoá thấm nhuần vào trong nó.

***

Thực ra không cần phải chế ngự bản ngã mà chỉ cần thôi đồng nhất với nó là được.

***

Bản ngã thông minh có thể rút được nhựa sống/phần thưởng của thỏa mãn và niềm vui bí mật từ bất cứ thứ gì mà nó lựa chọn một cách tuỳ tiện. Thực ra, lần nào cũng vẫn chỉ cùng một mục tiêu ấy mà thôi. “Cái” nó thực sự mong muốn không có liên quan gì. Quỹ đạo mà nó tưởng tượng ra là “ở ngoài kia” nhưng thực ra là “ở trong này”, vì niềm vui mà người ta giành được là có tính chủ quan và ở bên trong. Từ bỏ mục tiêu đơn lẻ, duy nhất này sẽ tiết lộ Thực tại của Đại ngã—cội nguồn bẩm sinh của tất cả hạnh phúc trên đời—Nhận ra Nó là kết thúc mọi mong muốn và ham muốn. Quỹ đạo của hạnh phúc luôn xuất phát từ bên trong. Khoái lạc là phù du; niềm vui và hạnh phúc xuất phát từ bên trong.

***

Quan sát tâm trí bằng thái độ khách quan là trải nghiệm vừa mang tính giáo dục vừa không gây căng thẳng, và có thể được thực hiện một cách bình tĩnh.

***

Từ suy nghĩ cho rằng chúng ta là tâm trí, chúng ta bắt đầu nhìn nhận rằng mình có tâm trí —và chính tâm trí có những suy nghĩ, niềm tin, cảm xúc và ý kiến. Cuối cùng, chúng ta có thể đi đến nhận thức thấu triệt, rằng tất cả những suy nghĩ của chúng ta chỉ được mượn từ cơ sở dữ liệu lớn của ý thức và chưa bao giờ thực sự là của riêng chúng ta. Các hệ thống tư tưởng thịnh hành được tiếp nhận, hấp thụ và đồng nhất với chúng ta; rồi đến một lúc nào đó, chúng được thay thế bằng những ý tưởng hợp thời với chúng ta. Khi đánh giá thấp những quan niệm thoáng qua như thế, thì cũng là lúc chúng không còn khả năng thống trị chúng ta nữa. Chúng ta trải nghiệm mức độ tự do đang thăng lên của, cũng như khỏi, tâm trí. Đến lượt mình, nó trở thành cội nguồn mới của niềm vui; đúng là, niềm vui của tồn tại tự nó trở thành chín chắn hơn khi người thăng lên trên Bản đồ Ý thức.

***

Xét từ quan điểm tâm linh, tất cả các suy nghĩ chỉ đơn giản là phù phiếm, vọng tưởng và tự cao tự đại mà thôi. Càng ít suy nghĩ, thì cuộc đời càng trở nên thú vị hơn. Cuối cùng, suy nghĩ được thay thế bằng cái biết. Việc người ta biết rằng “mình tồn tại” thực ra không cần đến suy nghĩ nào hết. Vì vậy, sẽ có ích khi quyết định dừng những cuộc đối thoại ở bên trong và những lời lảm nhảm vô ích.

***

Một khi những suy nghĩ, giống như các đồ vật, không còn mang tính cá nhân nữa, thì chúng sẽ mất giá trị và sức hấp dẫn. Suy nghĩ và cảm xúc xuất phát từ ham muốn, và tâm trí ham muốn những thứ nó đánh giá cao. Muốn dọn sạch tâm trí, chỉ cần lưu ý rằng không có cái gì có “giá trị” hay “đáng gia” đặc biệt hay duy nhất, ngoại trừ niềm tin được đầu tư, chồng chéo và được phóng chiếu ra bên ngoài. Do đó, hãy huỷ bỏ giá trị, vai quan trọng và quan tâm.

***

Trong quá trình tu tâm, có thể tập trung vào chất lượng của ý thức như là quá trình mà không thực sự tham gia vào “cái gì” đang được xử lý hay trải nghiệm.

***

Những người đã thử hành thiền Zen đều biết rằng việc đầu tiên được dạy là xử lý sự khó chịu của cơ thể vật lý bằng cách buông bỏ việc chống lại trải nghiệm, hủy bỏ những suy nghĩ về nó và trở thành một với nó, do đó làm cho nó biến mất.

***

Nếu mục đích của đời sống là làm hết sức mình trong từng khoảnh khắc đang mở ra của tồn tại, thì thông qua công việc tâm linh, người ta đã thoát khỏi nguyên nhân chính của khổ đau. Trong khoảnh khắc dừng lại của hiện tại tuyệt đối, không còn câu chuyện cuộc đời nào để phản ứng hay chỉnh sửa. Với sự “nhất tâm” như thế, sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi thứ chỉ đơn giản “như nó vốn là”, không cần bình luận hay tính từ nào hết.

***

Bản chất cốt lõi của công việc tâm linh là tập trung vào những thứ sinh khởi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và nhận thức được “cái gì” đang trải nghiệm và nó đang trải nghiệm ở đâu.

***

Mục đích của thiền là tách ra, đặc biệt là tách ra khỏi quan niệm cho rằng suy nghĩ là “của tôi” (mine) hoặc là “tôi” (me). Trong Thực tại, suy nghĩ, cũng như chính tâm trí, chỉ là “của nó”. Ý tưởng về quyền sở hữu xuất phát từ việc cá nhân hóa những suy nghĩ này, do sự quen thuộc vì tâm trí (giống như một cái máy ảnh) có mặt ở đó để ghi lại những suy nghĩ, sự kiện và ký ức trong quá khứ. Tuy nhiên, nó chỉ ghi lại, vì vai trò quan trọng của chúng mà thôi. Lưu ý rằng ta nhớ lại cả chi tiết nhỏ nhặt ở ven đường trong một chuyến xe xuyên quốc gia nhàm chán. Máy ảnh bên trong tâm trí ghi lại những thứ mà nó cho là có giá trị.

***

Quyết định hoặc lựa chọn hữu ích là quyết định dừng lảm nhảm về mọi thứ trong tâm trí và kiềm chế trong việc đưa ra các bình luận, ý kiến, sở thích và tuyên bố về giá trị. Do đó, tuân theo kỷ luật là chỉ quan sát mà không đánh giá, không đưa giá trị vào, không biên tập, không bình luận hoặc yêu ghét những gì mình đang chứng kiến.  ​​

Mỗi trải nghiệm sống, dù có “bi thảm” đến mức nào, đều chứa một bài học bị che giấu. Khi chúng ta khám phá ra và thừa nhận món quà được che giấu ở đó, thì quá trình chữa lành sẽ diễn ra.

***

Khi ta từ chối và buông bỏ những khoản tưởng thưởng của bản ngã, thì tâm lý sẽ ít bị nó kìm kẹp hơn trước, và trải nghiệm tâm linh tiến triển khi từ bỏ dần những tàn dư của nghi ngờ. Kết quả là, niềm tin được thay thế bằng cái biết được trải nghiệm, chiều sâu và mức độ tận tụy gia tăng và cuối cùng có thể thay thế và làm lu mờ mọi hoạt động và sở thích thế gian khác.

***

Sẵn sàng, can đảm và đức tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buông bỏ cái cũ. Tiến bộ tâm linh mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại ở chỗ nó nâng cao tầng ý thức của tất cả mọi người. Chỉ cần một chút cũng tạo ra khác biệt. Một trở ngại khác đối với quá trình phát triển tâm linh là thiếu kiên nhẫn. Có thể vượt qua bằng cách phó thác.

***

Khi tâm trí ngừng nói, người ta mới nhận thức được rằng mình là đời sống. Người ta đắm chìm trong cuộc đời chứ không chỉ ở trên bề mặt, chỉ nói về nó. Ngược đời là, nó tạo điều kiện cho người ta tham gia một cách đầy đủ. Khi ích kỷ giảm bớt, thì niềm vui của tự do và dòng chảy của đời sống sẽ cuốn người ta vào phó thác hoàn toàn. Lúc đó, người ta ngừng phản ứng với cuộc đời để có thể thanh thản tận hưởng nó.

***

Người ta vọng tưởng rằng mình không thể đi qua được cuộc đời nếu không suy nghĩ. Không có chuyện đó xảy ra. Không cần phải có bất kỳ cá nhân nào ở đó. Không cần nghĩ rằng có một “tôi” (I) chịu trách nhiệm cho hành động của một người nào đó. Mọi thứ đều tự diễn ra. Chính bản ngã phù phiếm nói: “Tôi đã làm việc này; Tôi đã nghĩ thế này; Tôi đã quyết định thế này”. Hoàn toàn không có “tôi” nào hết.

***

Bằng cách hiểu và chấp nhận bản chất của bản ngã, nó sẽ bị vượt qua và cuối cùng tan rã, biến mất khi tất cả các định vị của nó và các nhị nguyên xuất phát từ chúng đã được buông bỏ.

***

Hiểu và chấp nhận bản chất của bản ngã, thì sẽ siêu việt được nó và cuối cùng nó sụp đổ và biến mất khi tất cả các định vị và tính nhị nguyên xuất phát từ chúng đã được buông bỏ. Bản ngã không trở thành chứng ngộ mà biến mất và sụp đổ. Sau đó, nó được thay thế bằng một Thực tại Siêu việt như Đức Phật đã mô tả; tức là, Phật Tính. Giống như mặt trời chiếu sáng khi mây tan, Thực tại của Đại ngã tỏa sáng theo cách riêng của nó như là Mặc khải, Nhận thức và Chứng ngộ.

***

Nói một cách đơn giản, nhận thức hay chứng ngộ là trạng thái mà cảm giác về tự ngã chuyển từ miền vật chất tuyến tính hạn chế sang miền vô biên vô tế phi tuyến tính và phi hình tướng. “Tôi” (me) chuyển từ nhìn thấy được sang không nhìn thấy được. Nó xảy ra như một sự dịch chuyển nhận thức và đồng nhất từ ​tri giác về hình tướng là khách quan và thực sang nhận thức về chủ quan thuần túy là Thực tại Tối thượng.

***

Tò mò có thể được dịch chuyển từ hình tướng và nội dung của những suy nghĩ để nhận thức được trường ý thức/nhận thức tĩnh lặng vừa mới được sinh ta. Tĩnh lặng là của Đại ngã; suy nghĩ là của bản ngã.

***

Trong quá trình khám phá tâm linh, người ta tìm kiếm để khám phá cái gì đang nhận thức—và có thẩm quyền để cảm nhận sự tồn tại của—“Tôi” hoặc phẩm chất của “Tôi”, chứ không phải “tôi” cụ thể hay có giới hạn

***

Ý định tâm linh phục vụ, củng cố và tập trung vào quá trình chứng kiến ​​và quan sát chứ không tập trung vào “làm” hay những việc cụ thể. Quá trình tâm linh giống như việc đứng trong gió hay thả mình trong dòng nước, để cho dòng chảy tự nhiên của năng lượng hoặc trải nghiệm diễn ra mà không cần kiểm soát hay can thiệp.

***

Nhất tâm có nghĩa là tập trung vào đỉnh của con sóng của quá trình chứng kiến/trải nghiệm, cộng với sẵn sàng buông bỏ được mất. Đó là kỹ năng chính mà người ta cần.

***

Mục đích của hành thiền là siêu việt tâm trí và các hoạt động của tâm trí và tri giác có giới hạn của nó, do đó siêu việt tính nhị nguyên và ngày càng nhận thức được Nhất thế.

***

Dễ dàng quan sát được rằng mặc dù có một “tâm trí đang nói” diễn ra cùng một lúc, nhưng còn có nhận thức thầm lặng mang tính toàn cầu hơn và không có tiêu điểm và hoạt động một cách tự động. Chiêm nghiệm hay thiền định tập trung chú ý vào bối cảnh chứ không phải nội dung tạo điều kiện cho việc chuyển bản sắc của một người từ trạng thái tạm thời và có ý chí (do đó, mang tính cá nhân) sang bản chất không thay đổi của chính nhận thức. Nó lại dẫn đến khám phá, rằng con người là trường chứ không phải là những chi tiết cụ thể của nội dung. Bước nhảy vọt trong nhận thức này có thể rất đột ngột, đó là tầng satori (chứng ngộ) trong Phật giáo.

***

Bản ngã dường như thường sụp đổ từng phần. Một khi đức tin vào thực tại của bản ngã như là tự ngã thực sự bị xói mòn, thì quá trình tan rã của nó đã được khởi động. Khi người ta không còn trung thành và phục tùng bản ngã nữa mà chuyển sang trung thành và phục tùng thực tại tối thượng của Thiên Chúa, thì không gian đã được tạo ra. Ân điển của Thiên Chúa, được thể hiện qua Chúa Thánh Thần (Holy Spirit), tràn vào.

***

Đệ tử tâm linh thường tìm cách chuyển hóa, chế ngự hoặc tiêu diệt bản ngã, trong khi tất cả những việc cần làm chỉ là từ bỏ nó. Cần phải có lòng tin, đức tin và tin tưởng vào Thực tại của Thiên Chúa. Khi người ta từ bỏ tìm kiếm lợi nhuận, thì đời sống trở nên tương đối dễ dàng và yên bình.

***

Bản ngã coi sống còn là kiểm soát. Khi kiểm soát hoàn toàn bị buông bỏ, thì sợ hãi nguyên thủy tiềm ẩn sẽ xuất hiện. Sự sống là hệ quả của Thần tính của Cội nguồn của nó, đấy là cuộc đối đầu cuối cùng với chính cốt lõi của bản ngã.

***

Muốn phá vỡ sự kìm kẹp của tâm trí thì cần có thái độ khiêm nhường triệt để và ý chí mãnh liệt nhằm buông bỏ những động cơ tiềm ẩn của nó. Thái độ sẵn sàng này nhận được năng lượng và sức mạnh từ một sẵn sàng khác—xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa— niềm đam mê hy sinh tình yêu tư duy cho tình yêu Thiên Chúa.

***

Mọi người đã ở tầng nhất định đều biết rằng họ “là”—lúc đó bản ngã sẽ cãi cọ về các chi tiết của định nghĩa, nhưng Đại ngã không bị mưu mẹo như thế đánh lừa. Cùng với việc sẵn sàng phó thác mọi hoạt động của tâm trí cho Thiên Chúa, mọi đồng nhất sai lầm đều có thể bị loại bỏ ngay lập tức.

***

Trong Thực tại, mọi thứ đều thể hiện một cách tự phát số phận vốn có của bản chất của nó; nó không cần bất kỳ sự trợ giúp bên ngoài nào. Với thái độ khiêm nhường, người ta có thể từ bỏ vai trò tự phong của bản ngã như là cứu tinh của thế giới và phó thác trực tiếp cho Thiên Chúa. Thế giới mà bản ngã tưởng tượng ra là sự phóng chiếu của những vọng tưởng và định vị tùy tiện của chính nó. Thế giới như thế không tồn tại.

***

Theo truyền thống, con đường đến với Chúa là thông qua trái tim (tình yêu, tận tụy, phụng sự vô ngã, phó thác, thờ phượng và sùng bái) hoặc thông qua tâm trí (Advaita[3], hay con đường phi nhị nguyên). Mỗi con dường như có thể dễ đi hơn trong một giai đoạn nào đó, hoặc xen kẽ nhau. Tuy nhiên, sẽ là trở ngại khi nghĩ rằng có một tự ngã cá nhân hoặc một “tôi” hoặc một bản ngã đang phấn đấu hoặc tìm kiếm, hoặc nó sẽ trở thành chứng ngộ. Sẽ dễ dàng hơn hẳn khi nhận ra rằng không có cái gì như là bản ngã hoặc bản sắc “tôi” đang thực hiện bất kỳ cuộc tìm kiếm nào; thay vào đó, đó là khía cạnh phi cá nhân của ý thức đang khám phá và tìm kiếm.

***

Mục đích cơ bản của công việc tâm linh và dâng hiến là siêu việt những hạn chế của quá trình tiến hóa bẩm sinh của bản ngã và bằng cách đó, tiếp cận và phát triển khả năng mới được hình thành của chính ý thức, vượt qua tất cả các giới hạn của bản ngã/tự ngã. Lúc đó, nhờ Ân sủng Thần thánh, Sự thật sẽ tự thể hiện. Thần tính tự mặc khải với những ai cầu khẩn Ngài, nhưng chỉ khi đến thời điểm mà Ngài cho là phù hợp. Tốc độ tiến hóa tâm linh dường như là khá chậm, nhưng nỗ lực tâm linh thì không bao giờ là vô ích. Tiến trình có thể trở thành rất đột ngột và rất lớn cả về chiều kích lẫn tác động.

***

Tất cả sự thật cần biết đã được những người từng có mặt trên hành tinh này nói ra rồi. Tất cả các Bậc Thầy Vĩ Đại đều tuyên bố cùng một sự thật, vì không có sự thật nào khác. Ánh Sáng Chói Loà của Đại ngã bên trong vẫy gọi và cung cấp nguồn cảm hứng và sức mạnh tâm linh. Hiện diện của Thiên Chúa bên trong là cội nguồn của tồn tại của con người; do đó, việc tìm kiếm cội nguồn của con người là phù hợp với Ý Chúa.

***

Lựa chọn sự thật, an bình và niềm vui luôn có đó—mặc dù nó dường như bị chôn vùi đằng sau vô minh và thiếu hiểu biết xuất phát từ việc đã chọn những lựa chọn khác: thói quen suy nghĩ. Sự thật bên trong tự mặc khải khi tất cả các lựa chọn khác đã bị từ chối vì đã phó thác cho Thiên Chúa.

 



[1] Pogo là một nhân vật hoạt hình được tạo ra bởi Walt Kelly, một họa sĩ truyện tranh người Mỹ. Câu nói nổi tiếng: “Chúng ta đã xác định được kẻ thù, và đó chính là chúng ta” thể hiện ý thức tự phê bình và nhắc nhở rằng đôi khi, những vấn đề mà chúng ta gặp phải lại xuất phát từ chính chúng ta - ND.

[2] Socialized perception – Nhận thức đã được xã hội hoá là khái niệm trong tâm lý học và xã hội học, dùng để chỉ cách mà các cá nhân nhận thức thế giới xung quanh dựa trên những quy chuẩn và ảnh hưởng xã hội mà họ tiếp xúc và học hỏi từ môi trường sống. Quá trình này bao gồm việc một người dần tiếp nhận những quan điểm, giá trị và khuôn mẫu văn hóa từ cộng đồng, từ đó ảnh hưởng đến cách họ cảm nhận và đánh giá sự việc, hiện tượng - ND.

[3] Advaita là một khái niệm cốt lõi trong triết học Ấn Độ, đặc biệt là trong Vedanta, chỉ sự thống nhất tuyệt đối của tất cả mọi thứ. Theo Advaita, mọi thứ trong vũ trụ đều là một phần của một thực tại tối cao, không thể phân chia, được gọi là Brahman - ND.

No comments:

Post a Comment