July 17, 2024

Cái chết và người sắp chết dạy chúng ta điều gì (3)

 Elisabeth Kubler-Ross 

Phạm Nguyên Trường dịch


III

 

Giai đoạn thứ nhất: Chối bỏ và cách ly

 

Con người lập ra rào chắn để ngăn cản chính mình

Tagore, Bầy chim lạc

Trong số hơn 200 bệnh nhân sắp chết mà chúng tôi phỏng vấn, lúc đầu, hầu hết khi nhận thức được rằng mình mắc bệnh nan y đều nói: “Không, không phải tôi, cái này không thể là sự thật được”. Cả những bệnh nhân được thông báo một cách thẳng thắn khi họ mới mắc bệnh cũng như những người không được thông báo một cách rõ ràng và những người sau đó tự rút ra kết luận, ban đầu đều có phản ứng theo lối chối bỏ như thế. Một trong những bệnh nhân mô tả nghi lễ kéo dài và tốn kém, theo như bà ấy nói, nhằm cổ vũ cho thái độ chối bỏ của bà ta. Bà ta tin rằng phim X-quang có “sai sót”; bà ấy đề nghị khẳng định lại rằng báo cáo về bệnh của bà ấy không thể tới sớm như thế và báo cáo về một bệnh nhân nào đó khác hẳn đã ghi nhầm thành tên của bà ta. Khi người ta không thể xác nhận được bất kỳ nghi ngờ nào, bà ta nhanh chóng đòi ra khỏi bệnh viện này, để tìm bác sĩ khác với hy vọng thiếu căn cứ là “có lời giải thích rõ ràng hơn về những rắc rối của tôi”. Bệnh nhân này đã “đi khắp nơi”, gặp nhiều bác sĩ, một số người đã trấn an bà, những người khác xác nhận nghi ngờ trước đó. Dù được xác nhận hay không, bà ta cũng vẫn phản ứng hệt như cũ; bà ta yêu cầu khám đi khám lại, mặc dù đã biết mù mờ rằng chẩn đoán ban đầu là đúng, nhưng cũng muốn đánh giá thêm với hy vọng kết luận ban đầu thực sự có sai sót, đồng thời giữ liên lạc với bác sĩ để được giúp đỡ “bất cứ lúc nào”, như bà ấy nói.

Thái độ chối bỏ đầy lo lắng sau chẩn đoán vừa được trình bày là sự kiện thường xảy ra ở những bệnh nhân được thông báo một cách vội vã hoặc đột ngột, do người ta không biết rõ bệnh nhân hoặc làm nhanh “cho xong việc” mà không tính đến việc bệnh nhân đã sẵn sàng chấp nhận hay chưa. Hầu hết các bệnh nhân đều chối bỏ, hay chí ít là chối bỏ một phần, không chỉ trong giai đoạn đầu hoặc ngay sau khi biết rõ tình trạng của mình, mà thỉnh thoảng lại diễn ra trong những giai đoạn sau. Ai là người đã nói: “Chúng ta không thể lúc nào cũng nhìn mặt trời, không thể lúc nào cũng đối mặt với chết chóc”? Những bệnh nhân này có thể nghĩ tới khả năng là chính họ sẽ chết trong một thời gian nào đó, nhưng sau đó phải thôi nghĩ như thế nhằm tiếp tục theo đuổi sự sống.

Tôi nhấn mạnh điều này vì tôi coi đó là biện pháp lành mạnh nhằm xử lý tình huống khó chịu và đau đớn mà một số bệnh nhân phải trải qua trong một thời gian dài. Chối bỏ đóng vai trò bộ phận giảm sóc sau khi họ nhận được những tin tức gây sốc bất ngờ, nó tạo điều kiện cho bệnh nhân lấy lại bình tĩnh và cùng với thời gian, huy động các biện pháp phòng vệ không quyết liệt đến mức như thế. Tuy nhiên, thái độ như thế không có nghĩa là, sau này, chính bệnh nhân đó sẽ không sẵn sàng hay thậm chí không vui và nhẹ nhõm nếu anh ta có thể ngồi nói chuyện với một người nào đó về cái chết của mình. Cuộc đối thoại như vậy sẽ và phải diễn ra khi bệnh nhân cảm thấy thích hợp (chứ không phải thích hợp đối với người nghe!) và sẵn sàng đối mặt với nó. Cuộc đối thoại phải kết thúc khi bệnh nhân không còn có thể đối mặt với sự thật và tiếp tục chối bỏ như trước. Đấy là thái độ không thích hợp khi diễn ra buổi nói chuyện. Chúng tôi thường bị cáo buộc là đã nói chuyện với những bệnh nhân ốm nặng về cái chết khi bác sĩ cảm thấy - rất đúng - rằng họ không phải là người sắp chết. Tôi ủng hộ những buổi trò chuyện về cái chết và người sắp chết với bệnh nhân rất lâu trước khi nó thực sự xảy ra, nếu bệnh nhân cho biết họ muốn như thế. Một người khỏe hơn, mạnh mẽ hơn có thể đối phó với nó tốt hơn và ít sợ hãi hơn trước cái chết đang tới, khi nó vẫn còn “cách xa hàng dặm” so với khi nó “đã ở ngay trước cửa”, một trong những bệnh nhân của chúng tôi đã nói như thế. Gia đình cũng dễ dàng thảo luận những vấn đề như thế trong lúc còn khỏe mạnh và vui vẻ, cũng như thu xếp hoặc đảm bảo tài chính cho con cái và những người khác trong khi chủ gia đình vẫn còn tỉnh tào. Trì hoãn những cuộc nói chuyện như thế thường không có lợi cho bệnh nhân mà chỉ giúp củng cố thái độ phòng thủ của chúng ta.

Chối bỏ thường là biện pháp phòng thủ tạm thời và chẳng mấy chốc sẽ được thay thế bằng chấp nhận một phần sự thật. Chối bỏ liên tục không phải lúc nào cũng mang lại thêm đau khổ, nếu nó được giữ cho đến phút chót, nhưng tôi thấy rất hiếm trường hợp như thế. Trong số hai trăm bệnh nhân nan y, tôi chỉ gặp ba người tìm cách chối bỏ cho đến phút cuối cùng. Hai trong số những người phụ nữ này đã nói ngắn gọn về người sắp chết nhưng chỉ gọi đó là “sự phiền toái không thể tránh được, hy vọng rằng nó sẽ đến trong khi đang ngủ” và nói “Tôi hy vọng rằng nó sẽ đến mà không đau đớn”. Sau những tuyên bố này, họ tiếp tục chối bỏ bệnh tật như trước đó.

Bệnh nhân thứ ba, cũng là một phụ nữ trung niên, chưa chồng, dường như đã có thái độ chối bỏ trong phần lớn cuộc đời mình. Cô ấy bị ung thư vú với một cái mụn khá lớn, có thể nhìn thấy được, nhưng mãi cho đến khi gần chết mới cho điều trị. Cô ấy rất tin vào Khoa học Cơ đốc và giữ vững niềm tin cho đến ngày cuối cùng. Mặc cho thái độ chối bỏ của mình, một phần con người cô ấy chắc chắn đã phải đối mặt với thực tại về căn bệnh của mình, vì cuối cùng cô đã chấp nhận nhập viện và chấp nhận một số phương pháp trị liệu mà người ta đưa ra. Trước khi phẫu thuật, tôi có đến thăm, cô ấy gọi ca phẫu thuật là “cắt một phần vết thương để cho nó lành nhanh hơn?” Cô ấy còn nói rõ rằng, chỉ muốn biết chi tiết về việc nhập viện, nó “không liên quan gì đến vết thương của tôi”. Những chuyến thăm lặp đi lặp lại cho thấy rõ ràng rằng cô ấy sợ bất kỳ thông tin nào từ các nhân viên bệnh viện, họ có thể phá vỡ thái độ chối bỏ của cô ấy, nghĩa là họ có thể nói về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của cô ấy. Cô ấy ngày càng yếu đi, cách trang điểm của cô cũng trở nên kỳ cục hơn. Ban đầu, son đỏ và phấn, má được thoa khá kín đáo, rồi son phấn trở nên sáng hơn và đỏ hơn cho đến khi trông cô chẳng khác gì một chú hề. Đến gần ngày chết quần áo của cô cũng trở nên sáng hơn và sặc sỡ hơn.

Trong mấy ngày cuối cùng, cô ấy tránh soi gương, nhưng vẫn tiếp tục bôi son nhằm cố gắng che đậy tình trạng suy nhược và vẻ ngoài đang sa sút nhanh chóng của mình. Khi chúng tôi hỏi có thể làm gì giúp cô, thì cô trả lời: “Ngày mai tới nha”. Cô ấy không nói: “Để tôi yên” hay “Đừng làm phiền tôi”, mà để ngỏ khả năng là ngày mai có thể là ngày mà khả năng phòng thủ của cô sẽ không còn đứng vững được nữa, do đó, bắt buộc phải có người giúp đỡ. Câu nói cuối cùng của cô ấy: “Tôi đoán là tôi không thể chịu đựng được nữa”. Chưa đến một giờ sau, cô ấy chết.

Hầu hết bệnh nhân không phải lúc nào cũng có thái độ chối bỏ. Họ có thể nói một cách vắn tắt về hoàn cảnh thực của mình, rồi đột nhiên cho biết là không thể nhìn nhận vấn đề một cách thực tế được nữa. Thế thì, làm sao chúng ta biết khi nào bệnh nhân không muốn đối mặt với nó nữa? Họ có thể nói về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình, họ có thể chia sẻ một số ý tưởng quan trọng về chính cái chết hoặc đời sống sau khi chết (chính là chối bỏ), chỉ để thay đổi chủ đề sau mấy phút, gần như mâu thuẫn với những gì họ đã nói trước đó. Nghe họ vào lúc này giống như nghe bệnh nhân mắc một căn bệnh nhẹ, không có gì nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Đây là lúc chúng tôi tìm cách nắm bắt các dấu hiệu và thừa nhận (với chính mình) rằng đây là thời điểm bệnh nhân thích nhìn vào những thứ tươi sáng hơn, vui vẻ hơn. Sau đó, chúng tôi tạo điều kiện cho bệnh nhân mơ mộng về những điều hạnh phúc hơn, dù chúng không thực đến mức nào. (Có mấy bệnh nhân mơ mộng về những tình huống dường như không thể xảy ra - làm chúng tôi rất ngạc nhiên - đã trở thành sự thật). Tôi đang cố gắng nhấn mạnh rằng, tất cả các bệnh nhân đều có nhu cầu chối bỏ cao hơn ngay khi vừa phát hiện được căn bệnh nghiêm trọng, đến cuối đời thì nhu cầu đó giảm bớt. Sau đó, nhu cầu đến rồi đi, và người nghe nhạy cảm và tinh ý sẽ thừa nhận điều đó và tạo điều kiện cho bệnh nhân phòng thủ mà không để cho họ nhận thức được những mâu thuẫn của mình. Thông thường, trong những giai đoạn sau, bệnh nhân tìm cách cách ly hơn là từ chối. Lúc đó, bệnh nhân có thể nói về sức khỏe và bệnh tật, cái chết và sự bất tử của mình, như thể đấy là anh em sinh đôi được phép tồn tại bên cạnh nhau, đứng trước cái chết và vẫn nuôi hy vọng.

Tóm lại, lúc đó, phản ứng đầu tiên của bệnh nhân có thể là trạng thái sốc tạm thời, họ sẽ từ từ hồi phục. Khi cảm giác tê liệt ban đầu bắt đầu biến mất và lời nói dối có thể làm người bệnh trấn tỉnh trở lại, phản ứng thông thường của con người là: “Không, không thể là tôi”. Vì trong tâm trí vô thức, tất cả chúng ta đều bất tử, cho nên hầu như chúng ta không thể thừa nhận rằng mình cũng phải đối mặt với cái chết. Tùy thuộc rất nhiều vào việc người ta đã nói với bệnh nhân như thế nào, bệnh nhân có bao nhiêu thời gian để từng bước thừa nhận điều không thể tránh khỏi và họ đã chuẩn bị như thế nào trong suốt cuộc đời nhằm đối phó với các tình huống căng thẳng, họ sẽ từng bước từ bỏ thái độ chối bỏ của mình và sử dụng những cơ chế phòng thủ ít triệt để hơn.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân đã chối bỏ khi đứng trước các nhân viên bệnh viện, những người phải sử dụng hình thức xử lý này vì lý do riêng của mình. Những bệnh nhân như thế có thể lựa chọn những người khác nhau trong các thành viên gia đình hoặc nhân viên để thảo luận về bệnh tật hoặc cái chết sắp xảy ra, trong khi giả vờ đóng vai người khỏe mạnh với những người không thể chịu đựng được ý nghĩ về việc họ sẽ chết. Có thể đây là lý do dẫn đến sự khác biệt về quan điểm liên quan đến nhu cầu cần biết về căn bệnh hiểm nghèo của chính bệnh nhân.

Mô tả ngắn gọn về trường hợp của cô K. là ví dụ về bệnh nhân đã sử dụng biện pháp chối bỏ triệt để trong một thời gian dài và cho thấy biện pháp quản lý của chúng tôi từ khi cô này nhập viện cho đến khi qua đời vài tháng sau đó.

Cô K. là phụ nữ Công giáo, da trắng, 28 tuổi, có hai con đang đang học mẫu giáo. Cô nhập viện vì bệnh gan giai đoạn cuối. Chế độ ăn uống rất cẩn thận và kiểm tra mỗi ngày trong phòng thí nghiệm là những điều kiện bắt buộc nhằm giữ cho cô tiếp tục sống.

Người ta cho chúng tôi biết rằng hai ngày trước khi nhập viện, cô ấy đã đến phòng khám và được thông báo rằng không có hy vọng hồi phục. Gia đình báo cáo rằng bệnh nhân “suy sụp”, cho đến khi một người hàng xóm trấn an rằng luôn luôn có hy vọng, khuyến khích cô tham gia một giáo phái từng có nhiều người đã được chữa lành. Sau đó, bệnh nhân đã yêu cầu linh mục hỗ trợ, nhưng lại được bảo rằng không được gặp một người chữa bệnh bằng đức tin.

Thứ bảy, một ngày sau khi đến phòng khám, bệnh nhân đã đến gặp người chữa bệnh bằng đức tin và “ngay lập tức cảm thấy tuyệt vời”. Chủ nhật, mẹ chồng phát hiện được cô trong trạng thái xuất thần, lúc đó chồng cô đang đi làm, hai đứa con nhỏ bị bỏ lại một mình, không được ăn uống hay chăm sóc. Chồng và mẹ chồng đưa cô đến bệnh viện và ra về trước khi bác sĩ có thể nói chuyện với họ.

Bệnh nhân xin gặp cha tuyên úy bệnh viện “để nói với ông ta một tin tốt lành”. Khi vị giáo sĩ vào phòng, bệnh nhân chào đón ông với tâm trạng rất phấn khởi: “Ôi, thưa cha, thật tuyệt vời. Con đã được chữa lành. Con sẽ chỉ cho các bác sĩ thấy rằng, Chúa sẽ chữa lành cho con. Bây giờ con đã khỏe rồi”. Cô ấy cảm thấy buồn vì “ngay cả nhà thờ cũng không hiểu cách làm việc của Chúa”, ám chỉ lời khuyên của vị linh mục rằng không nên đến thăm giáo phái kia.

Bệnh nhân này trở thành vấn đề đối với các bác sĩ, vì cô ta gần như chối bỏ hoàn toàn căn bệnh của mình và trở nên không đáng tin liên quan đến lượng thức ăn. Cô ấy thỉnh thoảng ăn nhiều đến mức ngất đi; nhưng có lúc lại ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh. Vì thế, cô ta cần được tư vấn về mặt tâm lý.

Khi chúng tôi nhìn thấy bệnh nhân này, cô ấy tỏ ra vui vẻ quá mức, cười khúc khích và trấn an chúng tôi rằng cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Cô ấy đi quanh khắp phòng, chào hỏi bệnh nhân và nhân viên, cố gắng quyên góp tiền để làm quà cho một trong các bác sĩ mà cô vô cùng tin tưởng, nó dường như cho thấy rằng, ít nhất phần nào cô đã nhận thức được tình trạng của mình. Cô ấy trở thành vấn đề khó vì cô ấy không tin vào chế độ ăn uống và biện pháp chữa trị và “không cư xử như một bệnh nhân”. Niềm tin của cô ấy vào sức khỏe của mình là không thể lay chuyển và cô ấy nhất quyết muốn được người khác xác nhận.

Cuộc thảo luận với người chồng cho thấy đây là người đàn ông khá đơn giản, lãnh đạm, tin tưởng một cách nghiêm túc rằng, thà để vợ mình sống một thời gian ngắn ở nhà với lũ trẻ còn hơn là đau khổ kéo dài trong bệnh viện, chi phí liên tục và tất cả những thăng trầm của căn bệnh mãn tính của cô. Anh ta có chút đồng cảm với vợ mình và tách biệt một cách khá hiệu quả cảm xúc ra khỏi những suy nghĩ của mình. Thực ra là anh ta không thể có hoàn cảnh gia đình ổn định: anh ta làm việc vào ban đêm và mấy đứa con sống bên ngoài suốt cả tuần lễ. Nghe anh ta nói và đặt mình vào vị trí của anh ta, chúng tôi có thể đánh giá rằng anh ta chỉ có thể giải quyết hoàn cảnh hiện tại của mình với thái đô vô tư như thế mà thôi. Chúng tôi không thể nói ra một số nhu cầu của cô vợ với anh ta, với hy vọng rằng thái độ đồng cảm của anh chồng có thể làm dịu bớt nhu cầu chối bỏ của cô ấy, do đó, làm cho cô ấy dễ dàng chấp nhận phương pháp điều trị hiệu quả. Anh ta ra đi trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, như thể phải hoàn thành một nhiệm vụ không thể từ chối được, rõ ràng là không thể thay đổi thái độ của anh ta.

Chúng tôi thường xuyên đến thăm K. Cô ấy đánh giá cao những cuộc trò chuyện của chúng tôi, chúng giải quyết những việc diễn ra hàng ngày và những câu hỏi về nhu cầu của cô ấy. Cô ấy yếu dần, chỉ ngủ mơ mơ màng màng trong vài tuần lễ, và hầu như không nói. Sau đó, cô ngày càng hoang mang, mất phương hướng và hoang tưởng về một phòng ngủ đẹp, đầy hoa thơm do chồng mang đến. Khi cô tỉnh táo hơn, chúng tôi tìm cách giúp cô làm mấy món đồ nghệ thuật và thủ công để cho thời gian trôi nhanh hơn một chút. Trong mấy tuần qua cô đã ở một mình trong phòng, có hai cánh cửa đóng kín, rất ít nhân viên ghé vào phòng vì họ cảm thấy mình chẳng làm được gì nhiều. Các nhân viên hợp lý hóa sự tránh né của họ bằng những nhận xét như: “Cô ấy bối rối quá, chẳng biết gì” và “Tôi không biết phải nói gì với cô ấy, cô ấy có những ý tưởng quá điên rồ”. Khi cảm thấy cách ly và cô đơn ngày càng gia tăng, cô thường nhấc điện thoại lên, “chỉ để nghe giọng nói của ai đó”.

Khi người ta áp dụng chế độ ăn kiêng không có protein, cô ấy bị đói và sụt cân. Cô ấy sẽ ngồi trên giường, ngón tay giữ chặt những túi đường nhỏ và nói: “Cuối cùng thì món đường này cũng sẽ giết tôi”. Tôi ngồi bên cạnh cô, cô nắm tay tôi và nói: “Chị có đôi bàn tay thật ấm áp. Em hy vọng chị sẽ ở bên em khi em ngày càng lạnh hơn”. Cô mỉm cười ra vẻ hiểu biết. Cô ấy biết và tôi cũng biết rằng lúc này cô ấy đã thôi không chối bỏ nữa. Cô ấy đã có thể suy nghĩ và nói về cái chết của chính mình và chỉ yêu cầu một chút an ủi là có người bên cạnh và giai đoạn cuối cùng mà không quá đói.

Chúng tôi đã không trao đổi với nhau nhiều hơn những lời vừa dẫn; chúng tôi chỉ ngồi im lặng một lúc, rồi khi tôi đi ra, cô ấy hỏi liệu tôi có chắc chắn sẽ quay lại và có mang theo chuyên gia vật lý trị liệu tuyệt vời đó hay không – cô gái này đã giúp cô ấy làm một số món đồ bằng da cho gia đình cô ấy “để họ có điều gì đó để tưởng nhớ tới tôi”.

Nhân viên bệnh viện, dù đấy có là bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội hay cha tuyên úy, không biết họ đã bỏ lỡ điều gì khi tránh né những bệnh nhân như thế. Nếu người ta quan tâm tới hành vi của con người, những biện pháp thích nghi và phòng thủ mà con người phải sử dụng nhằm đối phó với những căng thẳng như thế, thì đây chính là nơi để tìm hiểu về chúng. Nếu họ ngồi và lắng nghe, và thỉnh thoảng tới thăm khám nếu bệnh nhân cảm thấy không muốn nói chuyện trong lần gặp đầu tiên hoặc lần thứ hai, bệnh nhân sẽ nhanh chóng nảy sinh cảm giác tin tưởng rằng đây là một người quan tâm, luôn sẵn sàng, luôn ở gần đâu đó.

Khi sẵn sàng trò chuyện, họ sẽ cởi mở và chia sẻ sự cô đơn của mình, đôi khi bằng lời nói, đôi khi bằng cử chỉ hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ. Trong trường hợp cô K., chúng tôi không bao giờ tìm cách bác bỏ thái độ chối bỏ của cô, chúng tôi không bao giờ cãi lại khi cô đảm bảo với chúng tôi về tình trạng sức khỏe của mình. Chúng tôi chỉ nhắc đi nhắc lại rằng nếu muốn trở về nhà với các con, thì cô phải uống thuốc và tuân thủ chế độ ăn kiêng. Có những ngày cô tự nhét đầy bụng những món ăn bị cấm, và ngày hôm sau phải chịu những cơn đau gấp đôi. Không thể chấp nhận được và chúng tôi đã nói với cô ấy như thế. Đây là một phần thực tại mà chúng tôi không thể chối bỏ với cô ấy. Vì vậy, theo một cách nào đó, chúng tôi đã ngấm ngầm nói với cô ấy rằng cô đang bị bệnh nặng. Rõ ràng là chúng tôi đã không nói rõ được, vì rõ ràng là cô ấy không thể chịu đựng được sự thật ở giai đoạn bệnh tật như thế. Mãi sau này, sau khi đã trải qua các giai đoạn nửa mê nửa tỉnh và rút lui hoàn toàn, và các giai đoạn bối rối trước ảo tưởng về sự chăm sóc đầy yêu thương, dịu dàng của chồng được thể hiện qua những bông hoa, cô mới có đủ sức mạnh để nhìn vào thực tại của mình và mới đủ sức yêu cầu thức ăn ngon hơn và có người ở bên cạnh khi hấp hối, cô ấy cảm thấy gia đình mình sẽ không làm được như thế.

Nhìn lại quan hệ lâu dài và đầy ý nghĩa này, tôi chắc chắn rằng chuyện đó có thể xảy ra chỉ vì cô ấy cảm thấy rằng chúng tôi tôn trọng ước muốn chối bỏ bệnh tật của mình càng lâu càng tốt. Chúng tôi chưa bao giờ là những người phán xét cho dù cô ấy có tạo ra nhiều vấn đề đến mức nào. (Cứ cho là làm như thế sẽ dễ dàng hơn đối với chúng tôi, vì chúng tôi chỉ là những người tới thăm và không chịu trách nhiệm về chế độ ăn uống cân bằng của cô ấy hoặc ở bên cô ấy cả ngày, phải trải nghiệm hết khó chịu này tới khó chịu khác). Chúng tôi tiếp tục các cuộc thăm viếng ngay cả trong thời gian cô ấy hoàn toàn mất lý trí và không thể nhớ được nét mặt của chúng tôi cũng như chức năng nghề nghiệp của chúng tôi. Về lâu dài, chính sự chăm sóc kiên trì của người trị liệu, người đã xử lý những phức cảm của cái chết của chính mình một cách thích đáng mới có thể giúp bệnh nhân vượt qua những lo lắng và sợ hãi về cái chết sắp xảy ra. Cô K. đã đề nghị hai người ở cùng với mình trong những ngày cuối cùng ở bệnh viện; một người là nhà trị liệu mà cô ấy đã trao đổi rất ít, nếu quả thật là có trao đổi, thỉnh thoảng chỉ cầm tay và ngày càng tỏ ra lo lắng về thức ăn, những cơn đau hay sự khó chịu. Người kia là chuyên gia vật lý trị liệu đã giúp cô quên đi thực tại trong một thời gian và tạo điều kiện cho cô hoạt động như một người phụ nữ sáng tạo, hiệu quả, tạo ra những đồ vật mà cô sẽ để lại cho gia đình mình – đây có thể là những biểu hiện của sự bất tử.

Tôi sử dụng ví dụ này để chỉ ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nói được rõ ràng rằng bệnh nhân thực sự mắc bệnh nan y. Trước tiên, chúng tôi cố gắng khơi gợi nhu cầu của bệnh nhân, tìm cách nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của họ, đồng thời tìm kiếm các thông tin công khai hoặc ngầm ẩn nhằm xác định tại mỗi thời điểm nhất định, bệnh nhân muốn đối mặt với thực tại ở mức độ nào. Bệnh nhân này, bằng nhiều cách khác thường, đã nói khá rõ ràng ngay từ đầu rằng chối bỏ là tối cần thiết để giúp mình giữ được tỉnh táo. Mặc dù nhiều nhân viên bệnh viện cho rằng cô này rõ ràng là bị tâm thần, nhưng các cuộc kiểm tra đã chứng tỏ rằng cô vẫn cảm nhận được thực tại, mặc dù biểu hiện có thể ngược lại hoàn toàn. Qua đó, chúng tôi biết được rằng cô ấy không thể chấp nhận gia đình cần thấy cô ấy chết “càng sớm càng tốt”, cô ấy không thể thừa nhận kết cục của mình khi mới bắt đầu được chơi vui với những đứa con nhỏ của mình, và cô ấy bám víu một cách tuyệt vọng vào lời khẳng định rằng sức khỏe của cô vẫn tuyệt vời của người chữa bệnh bằng đức tin.

Tuy nhiên, phần khác trong cơ thể cô ấy ý thức khá rõ về căn bệnh của mình. Cô ấy đã không nằng nặc đòi ra viện; trên thực tế, cô ấy đã tự làm cho mình cảm thấy thoải mái khi nằm viện. Xung quanh cô có rất nhiều vật dụng quen thuộc, như thể cô sẽ ở lại trong một thời gian dài. (Cô ấy không bao giờ ra khỏi bệnh viện). Cô ấy còn chấp nhận những giới hạn mà chúng tôi đưa ra. Cô ấy ăn những thứ mà người ta bảo cô ăn, đôi khi có đi quá đà, nhưng đấy là ngoại lệ. Sau đó, cô ấy thừa nhận rằng không thể sống với quá nhiều hạn chế như thế và chết còn sướng hơn là sống khổ như thế. Có người có thể coi các giai đoạn ăn quá nhiều thực phẩm bị cấm là một hình thức tự sát, theo nghĩa là chúng sẽ làm người ta chết rất nhanh nếu nhân viên không can thiệp một cách kiên quyết.

Theo một cách nào đó, bệnh nhân này đã thể hiện thái độ dao động giữa việc chối bỏ gần như hoàn toàn về căn bệnh của mình và những cố gắng lặp đi lặp lại làm cho mình chết. Bị gia đình hắt hủi, lại bị nhân viên bệnh viện coi thường hoặc phớt lờ, cô trở thành con người đáng thương, một người phụ nữ trẻ tóc rối bù, ngồi cô đơn, tuyệt vọng bên mép giường, tay cầm chặt chiếc điện thoại để nghe. Cô phải tạm thời ẩn náu trong ảo tưởng về vẻ đẹp, những bông hoa và sự chăm sóc đầy yêu thương, không thể nào có được trong cuộc đời thực. Cô không có nền tảng tôn giáo vững chắc, có thể giúp cô vượt qua cuộc khủng hoảng này; cần nhiều tuần và nhiều tháng ngồi im lặng bên cô mới có thể giúp cô chấp nhận cái chết của mình mà không tự tử và không bị loạn thần kinh.

Phản ứng của chúng tôi với người phụ nữ trẻ này rất đa dạng. Lúc đầu chúng tôi cực kỳ nghi ngờ. Làm sao cô ấy có thể giả vờ khỏe mạnh khi cô ấy được cho ăn rất ít? Làm sao cô ấy có thể nằm viện và trải qua tất cả các cuộc kiểm tra đó, nếu cô ấy thực sự tin rằng mình khỏe mạnh? Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã nhận ra rằng cô ấy không thể nghe những câu hỏi đó và bắt đầu tìm hiểu cô ấy sâu hơn bằng cách nói về những thứ ít làm cô đau đớn hơn. Chúng tôi nói, rằng cô ấy còn trẻ và vui vẻ, cô ấy có con nhỏ và gia đình cô không giúp được gì, những câu chuyện như thế đã có đóng góp rất nhiều vào nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp đỡ bệnh nhân, mặc cho thái độ chối bỏ của cô trong một thời gian dài. Chúng tôi tạo điều kiện cho cô chối bỏ bao nhiêu cũng được, miễn là cô ấy tiếp tục sống và luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ trong suốt thời gian cô ấy nằm viện.

Khi các nhân viên góp phần làm cho cô ấy bị cô lập, chúng tôi thường tỏ ra phẫn nộ với họ và để cửa mở, như một thói quen, nhưng lần ghé thăm tiếp theo lại thấy đóng. Khi chúng tôi quen dần với những điểm đặc biệt của cô ấy, chúng tôi thấy chúng không xa lạ lắm và bắt đầu thông cảm hơn, và chúng tôi càng khó hiểu vì sao các y tá lại cố tính tránh cô. Cuối cùng, nó trở thành vấn đề cá nhân, có cảm cảm giác như đang nói tiếng nước ngoài với người không thể giao tiếp với người khác.

Rõ ràng là chúng tôi đã quan tâm sâu sắc đến bệnh nhân này, vượt ra ngoài sự dính líu thông thường của nhân viên bệnh viện. Khi cố gắng tìm hiểu lý do của sự dính líu này, chúng tôi cũng phải nói thêm rằng một số là biểu hiện của sự thất vọng của chúng tôi khi không làm cho gia đình có vai trò lớn hơn đối với bệnh nhân đáng thương này. Chúng tôi phẫn nộ có lẽ là do  chúng tôi phải đảm nhận vai trò của người an ủi mà chúng tôi nghĩ rằng người chồng phải làm. Và - ai mà biết - có lẽ nhu cầu cố gắng hết sức mình trong những hoàn cảnh như vậy là thể hiện một ước muốn vô thức rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ không bị hắt hủi nếu số phận an bài một điều gì đó tương tự như thế cho chúng ta. Nói cho cùng, cô ấy là một phụ nữ trẻ có hai con nhỏ - khi nhìn lại, tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có hơi quá trong việc ủng hộ sự chối bỏ của cô ấy hay không.

Nó cho thấy chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn các phản ứng của chính mình khi làm việc với bệnh nhân vì phản ứng của chúng ta sẽ luôn luôn được phản ánh trong hành vi của họ và có thể góp phần rất lớn vào việc làm cho họ khỏe mạnh lên hay yếu đi. Nếu chúng ta sẵn sàng nhìn nhận bản thân một cách trung thực thì nó có thể giúp chúng ta trưởng thành và chín chắn hơn. Đối với quá trình này, không có công việc nào phù hợp hơn là đối xử với những bệnh nhân ốm nặng, già hoặc sắp chết.

No comments:

Post a Comment