Elisabeth Kubler-Ross
Phạm Nguyên Trường dịch
Gia đình bệnh nhân
Bố
đi đưa tang về
Đứa
con bẩy tuổi đứng bên cửa số, mắt mở to
bùa
hộ mệnh bằng vàng đung đưa trên cổ,
tuổi
này, những câu hỏi quá khó đối với nó.
Bố
ôm nó vào lòng
và đứa
con hỏi,
“Mẹ
đâu rồi?”
“Mẹ ở
trên thiên đường”, người cha đáp, tay chỉ lên trời
Đứa
trẻ ngước mắt nhìn trời, im lặng nhìn rất lâu.
Đêm
đó, tâm hồn rối bời của nó phát đi câu hỏi,
“Thiên
đường ở đâu?”
Không
có câu trả lời,
và
những ngôi sao như thể
những
giọt nước mắt của đêm đen vô minh đang cháy lên
Tagore, Người thoáng hiện
Thay
đổi và ảnh hưởng tới gia đính
Chúng ta không thể thực sự giúp bệnh nhân
nan y nếu không quan tâm tới gia đình của người đó. Gia đình có vai trò quan trọng
trong thời gian bị bệnh và phản ứng của gia đình sẽ góp phần to lớn vào phản ứng
của bệnh nhân trước căn bệnh của mình. Ví dụ, bệnh nặng và việc người chồng phải
nhập viện có thể dẫn đến những thay đổi trong gia đình mà người vợ phải tập làm
quen. Người vợ có thể cảm thấy bị đe dọa vì không còn được chồng bảo vệ và
không dựa vào chồng được nữa. Người vợ sẽ phải gánh vác nhiều công việc mà trước
đây chồng chị ta vẫn làm và sẽ phải điều chỉnh thời khóa biểu của chính mình
cho phù hợp với những yêu cầu mới, chưa quen và ngày càng gia tăng. Người vợ có
thể đột nhiên phải tham gia vào công việc kinh doanh và vấn đề tài chính, những
việc mà trước đây bà ta đã tránh.
Nếu người vợ phải tới bệnh viện thăm nuôi chồng,
thì có thể phải thu xếp phương tiện đi lại và người trông trẻ trong thời gian
chị ta đi vắng. Có thể có những thay đổi tinh tế hoặc có tính bi kịch trong gia
đình và bầu không khí trong nhà, và cách phản ứng của các con, do đó, làm tăng
thêm gánh nặng và trách nhiệm cho người mẹ. Người vợ sẽ đột nhiên đứng trước sự
thật là bà ta - ít nhất là tạm thời – trở thành người mẹ đơn thân.
Cùng với những lo lắng, trăn trở về chồng
mình, công việc và trách nhiệm gia tăng, cô đơn và thường thì oán hận cũng gia
tăng. Sự giúp đỡ mà người ta kì vọng từ người thân và bạn bè có thể không tới
hoặc có thể diễn ra dưới những hình thức làm cho người vợ hoang mang và không
thể chấp nhận được. Người vợ có thể bác bỏ những lời khuyên của hàng xóm, vì nó
có thể tăng thêm chứ không giảm bớt được gánh nặng. Mặt khác, người hàng xóm có
hiểu biết không tới để “nghe tin tức mới nhất” mà đến để giúp người mẹ, ví dụ
như nấu ăn, hoặc đưa bọn trẻ đi chơi. Đấy là người có thể được đánh giá rất
cao. Trong cuộc phỏng vấn bà S., có ví dụ như thế.
Mất mát mà người chồng cảm nhận được có thể
còn lớn hơn, vì đàn ông có thể ít linh hoạt hơn hoặc ít nhất là ít quan tâm đến
những vấn đề của các con, trường học, các hoạt động sau giờ học, ăn uống và quần
áo.
Cảm giác mất mát có thể xuất hiện ngay khi
người vợ nằm liệt giường hoặc bị hạn chế trong sinh hoạt. Đàn ông có thể khó chấp
nhận vai trò bị đảo ngược này hơn là phụ nữ. Vốn được phục vụ, thì lúc này người
ta nghĩ là anh ta sẽ trở thành người phục vụ. Không những không được nghỉ ngơi
sau một ngày làm việc, anh ta thấy vợ mình ngồi trên đi văng để xem tivi. Dù hữu
ý hay vô tình, anh ta có thể bực bội trước những thay đổi như thế, dù đã hiểu
lý do đến mức nào. “Vì sao cô ấy lại gây khó khăn cho tôi, khi tôi vừa khởi động
dự án mới này?”, người đàn ông nói. Phản ứng của anh ta diễn ta thường xuyên và
có thể hiểu được, nếu nhìn từ quan điểm của vô thức. Anh ta phản ứng với vợ chẳng
khác gì đứa trẻ phản ứng khi mẹ bỏ rơi nó. Chúng ta thường có xu hướng bỏ qua
phần lớn tính trẻ con vẫn còn đó trong tất cả chúng ta. Có thể giúp đỡ những
ông chồng như thế bằng rất nhiều cách khác nhau, tạo điều kiện để họ giải tỏa cảm
xúc của mình, chẳng hạn như tìm người giúp việc trong một tối nào đó trong tuần,
trong thời gian đó anh ta có thể đi chơi bowling, vui vẻ mà không có mặc cảm tội
lỗi và xả hơi, một việc mà anh ta khó có thể làm ở nhà khi có người mắc bệnh nặng.
Tôi nghĩ, kì vọng vào sự hiện diện liên tục
của bất kỳ thành viên nào trong gia đình là độc ác. Hệt như chúng ta phải hít
vào và thở ra, người ta có lúc phải “sạc pin” bên ngoài phòng bệnh, có lúc phải
sống một cuộc sống bình thường; chúng ta không thể hoạt động hiệu quả trong khi
thường xuyên nghĩ về bệnh tật. Tôi đã nghe nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng người
trong gia đình đi du lịch trong ngày cuối tuần, đi xem kịch hoặc xem phim. Họ
trách những người này hưởng thụ trong khi trong nhà có người bị bệnh nan y. Tôi
nghĩ sẽ có ý nghĩa hơn đối với bệnh nhân và gia đình họ khi thấy rằng căn bệnh
này không làm xáo trộn hoàn toàn công việc gia đình hoặc tước đoạt mọi hoạt động
thú vị của tất cả các thành viên; không những thế, căn bệnh có thể cho phép điều
chỉnh từng bước một và thay đổi sao cho người ta vẫn sống được khi người bệnh
không còn. Hệt như bệnh nhân nan y, không thể lúc nào cũng phải đối mặt với cái
chết, thành viên trong gia đình không thể và không nên bỏ tất cả các tương tác
khác chỉ vì để có thể ở bên cạnh bệnh nhân. Đôi khi người nhà cũng cần từ chối
hoặc trốn tránh những thực tại đáng buồn nhằm đối mặt với chúng tốt hơn khi thực
sự cần đến sự hiện diện của người đó.
Nhu cầu của gia đình sẽ thay đổi sau khi
có người mắc bệnh và tiếp tục thay đổi dưới nhiều hình thức sau khi người bệnh
chết đã lâu. Vì thế, các thành viên trong gia đình nên sử dụng năng lượng của
mình một cách tiết kiệm và không nỗ lực đến mức gục ngã khi cần thiết nhất. Một
người trợ giúp hiểu biết có thể đóng góp rất nhiều trong việc giúp họ duy trì sự
cân bằng hợp lý giữa việc phục vụ bệnh nhân và tôn trọng nhu cầu của chính họ.
Vấn
đề giao tiếp
Thường thì người ta thông báo cho vợ hoặc
chồng của người đó về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh. Người ta thường để cho
vợ hoặc chồng quyết định có nên chia sẻ với bệnh nhân hoặc các thành viên khác
trong gia đình và chia sẻ tới mức nào. Người ta cũng thường để cho họ quyết định
khi nào và thông báo như thế nào cho các con của họ, đây có lẽ là nhiệm vụ khó
khăn nhất, đặc biệt nếu các con còn quá nhỏ.
Trong những ngày hoặc tuần lễ quan trọng
này, những việc đó phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu và sự thống nhất trong gia
đình, khả năng giao tiếp của họ và sự có mặt của những người bạn có giá trị. Một
người bên ngoài, có thái độ trung lập, một người không quá dính líu về mặt cảm
xúc, có thể có ích rất nhiều khi lắng nghe những lo lắng, mong muốn và nhu cầu
của gia đình. Người đó có thể giúp đỡ về mặt pháp lý, giúp chuẩn bị di chúc và
thu xếp việc nuôi dưỡng trong giai đoạn nào đó hoặc trong thời gian dài những đứa
trẻ mồ côi cha mẹ. Ngoài những vấn đề thực tế này, thường thì các gia đình cũng
cần một người hòa giải, như chúng ta đã thấy trong cuộc phỏng vấn ông H.
(Chương VI).
Các vấn đề của người sắp chết sẽ chấm dứt,
nhưng vấn đề của gia đình thì vẫn tiếp tục. Có thể làm giảm được nhiều vấn đề bằng
cách thảo luận trước khi thành viên trong gia đình qua đời. Thật không may là,
chúng ta có xu hướng che giấu cảm xúc, không để bệnh nhân biết, cố gắng giữ
khuôn mặt tươi cười và vẻ ngoài vui vẻ giả tạo, sớm muộn gì sự giả tạo như thế
cũng tan vỡ. Chúng tôi đã phỏng vấn một người chồng bị bệnh nan y, ông ta nói:
“Tôi biết tôi chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa, nhưng đừng nói với vợ
tôi, cô ấy không thể chịu đựng được đâu”. Tình cờ, khi chúng tôi nói chuyện với
người vợ đến thăm chồng, bà ta đã tự ý nói những lời gần giống như thế. Vợ biết
và chồng cũng biết, nhưng cả hai người đều không đủ can đảm để chia sẻ với người
kia - và đấy là họ đã chung sống với nhau suốt ba mươi năm! Chính cha tuyên úy
trẻ tuổi đã khuyến khích họ chia sẻ nhận thức của mình, trong khi ông vẫn ở
trong phòng theo yêu cầu của bệnh nhân. Cả hai đều cảm thấy rất nhẹ nhõm, vì họ
không còn phải chơi trò chơi gian dối nữa và tiến hành công việc dàn xếp mà tự
mỗi người không thể nào làm được. Sau này, họ có thể mỉm cười về “trò trẻ con”
của mình, chính họ gọi như thế, và tự hỏi ai là người biết trước kết quả và họ
sẽ mất bao lâu nếu không có người bên ngoài giúp đỡ.
Tôi nghĩ rằng người sắp chết có thể rất có
ích trong việc giúp người thân đón nhận cái chết của chính mình. Người đó có thể
làm như thế bằng những cách khác nhau. Một cách tương đối tự nhiên là chia sẻ một
số suy nghĩ và cảm xúc của mình với các thành viên trong gia đình để giúp họ
chia sẻ cảm xúc của họ. Nếu bệnh nhân có thể vượt qua nỗi đau của chính mình và
chỉ cho gia đình mình thấy, bằng tấm gương của mình, rằng người ta có thể chết
một cách thanh thản, thì họ sẽ nhớ sức mạnh của người bệnh và chịu đựng những
đau khổ của chính họ với thái độ chững chạc hơn.
Mặc cảm tội lỗi có lẽ là hiện tượng song
hành gây ra nhiều đau đớn nhất khi một người nào đó sắp chết. Khi người bệnh bị
chẩn đoán là có khả năng sẽ chết, thì các thành viên trong gia đình thường tự hỏi
liệu họ có đáng trách hay không. “Giá như tôi đưa anh ấy đi khám sớm hơn” hay
“Đáng lẽ tôi phải nhận ra sự thay đổi sớm hơn và khuyến khích anh ấy đi khám”
là những câu mà các bà vợ của những bệnh nhân nan y thường nói. Không cần phải
nói rằng, người bạn của gia đình, bác sĩ gia đình hoặc cha tuyên úy có thể giúp
cho những người phụ nữ như thế bằng cách an ủi, giúp họ tránh những lời trách
móc phi thực tế và khẳng định rằng có lẽ bà ấy đã làm mọi thứ trong khả năng của
mình. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy rằng chỉ cần nói: “Đừng có mặc cảm tội lỗi,
vì chị không có tội”. Bằng cách nghe một cách cẩn thận và chăm chú các bà vợ,
chúng ta có thể tìm được lý do thực tế làm cho họ có mặc cảm tội lỗi. Người
thân thường mang nặng mặc cảm tội lỗi vì ước muốn đầy giận dữ đối với người chết.
Và người nào khi đang giận dữ chưa từng ước ao một người nào đó biến đi, đi xa
đi, thậm chí dám nói: “Chết đi”? Người đàn ông trong cuộc phỏng vấn của chúng
ta trong Chương XII là một ví dụ điển hình về hiện tượng này. Ông ta có lý do
chính đáng để giận vợ mình. Bà này đã bỏ chồng để đến sống cùng với anh trai của
mình, trong khi ông chồng lại coi anh trai bà ta là thành viên Đức quốc xã. Bà
này đã bỏ bệnh nhân người Do Thái, nhưng lại nuôi dạy người con trai duy nhất của
ông ta như một Kitô hữu. Bà này chết trong khi chồng không có mặt, còn bệnh
nhân cũng lên án bà ta vì việc này. Thật không may là, không bao giờ còn cơ hội
để thể hiện tất cả sự phẫn nộ chưa được giải quyết và người đàn ông kiệt sức vì
đau khổ và mặc cảm tội lỗi đến mức chính ông ta bị ốm nặng.
Khá nhiều người góa vợ, góa chồng tới gặp
bác sĩ tư hay tới các phòng khám và được chẩn đoán là bị các triệu chứng về thể
xác là do không thể vượt qua được những con đau buồn và mặc cảm tội lỗi. Nếu họ
được giúp đỡ trước khi vợ hoặc chồng mình chết nhằm thu hẹp khoảng cách giữa họ
và người sắp chết, thì họ đã thắng được một nửa trận chiến đấu này. Dễ hiểu là
người ta cảm thấy khó nói chuyện một cách thoải mái về cái chết và người sắp chết,
đặc biệt nếu cái chết đột nhiên trở thành vấn đề cá nhân ảnh hưởng tới chúng
ta, đã nằm ngay trước ngưỡng cửa ngôi nhà của chính chúng ta. Một ít người đã
trải nghiệm cơn khủng hoảng cận kề cái chết nhận thấy rằng giao tiếp chỉ khó
khăn trong giai đoạn đầu tiên và sẽ đơn giản hơn khi kinh nghiệm đã được tích
lũy. Không những không xa lánh và cô lập, hai người giao tiếp một cách sâu sắc
hơn và có ý nghĩa hơn, đồng thời có thể tìm thấy sự gần gũi và thấu hiểu mà chỉ
đau khổ mới có thể mang lại được cho họ.
Một ví dụ khác về việc người sắp chết và
gia đình ít giao tiếp là trường hợp của bà F.
Bà F. là phụ nữ da đen bị bệnh nan y và đã
yếu lắm rồi; bà nằm trên giường, bất động mấy tuần liền. Nhìn thân hình đen nhẻm
của bà ta trên tấm ga trải giường màu trắng làm tôi nhớ tới những cái rễ cây gớm
guốc. Do căn bệnh làm cho bà ấy tê liệt, khó mà xác định được hình thù hay các
đặc điểm của bà ta. Cô con gái đã sống với bà suốt đời cũng ngồi bất động bên cạnh
mẹ mà không nói một lời nào. Các điều dưỡng dưỡng viên đã đề nghị chúng tôi
giúp đỡ, không phải giúp bệnh nhân mà giúp cô con gái. Họ lo cho cô là hoàn
toàn đúng. Họ thấy mỗi tuần cô đều dành thêm thời gian để ngồi bên giường bệnh
của mẹ mình. Cô tạm ngừng làm việc và cuối cùng, âm thầm ở bên người mẹ đang hấp
hối suốt ngày đêm. Các y tá có thể đã bớt lo lắng nếu họ không cảm thấy sự phân
đôi đặc biệt, tức là họ ở bên nhau trong thời gian dài hơn nhưng lại chẳng nói
với mhau một câu nào. Bệnh nhân vừa bị đột quỵ và không thể nói được; bà ấy
cũng không thể cử động chân hoặc tay, và bác sĩ cho rằng đầu óc của bà ấy cũng
không còn hoạt động nữa. Cô con gái chỉ im lặng ngồi, không bao giờ nói một lời
nào với mẹ, không bao giờ thể hiện hành động quan tâm hay tình cảm - bằng lời
hay phi ngôn ngữ - cô ta chỉ câm lặng, ngồi đó.
Chúng tôi vào phòng để mời cô con gái, khoảng
gần 40 tuổi và còn độc thân, tham gia cùng chúng tôi trong một buổi thảo luận
ngắn. Chúng tôi hy vọng là sẽ hiểu được phần nào việc cô ngày càng có mặt ở đây
trong một thời gian dài, đồng nghĩa với việc cô ngày càng tách biệt với thế giới
bên ngoài. Các cô y tá ở đây lo lắng về phản ứng của cô ấy sau khi mẹ mất,
nhưng họ cũng nhận thấy rằng cô ta cũng ít nói như mẹ mình, dù lý do có thể
khác nhau. Tôi không biết cái gì làm cho tôi quay sang phía người mẹ trước khi
rời khỏi phòng cùng với cô con gái. Có lẽ tôi cảm thấy mình đang lấy đi một người
khách của bà ấy; mà có lẽ đó chỉ là thói quen cũ của tôi nhằm thông báo cho bệnh
nhân về những sự kiện đang diễn ra. Tôi nói với bà ấy rằng tôi sẽ đưa con gái
bà ra ngoài một thời gian, vì chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của cô ấy khi cô ấy
chỉ còn lại một mình. Bệnh nhân nhìn tôi và tôi đã hiểu ra hai điều: Thứ nhất,
bà ấy hoàn toàn nhận thức được những sự kiện đang diễn xung quanh, mặc dù rõ
ràng là bà ấy không có khả năng giao tiếp; thứ hai, và không thể nào quên, là
không bao giờ được xếp bất kỳ người nào vào cái gọi là đời sống thực vật, ngay
cả khi dường như họ không phản ứng với nhiều kích thích khác nhau.
Chúng tôi đã nói chuyện khá lâu với cô con
gái, cô đã từ bỏ công việc, từ bỏ một ít người quen và căn hộ của mình chỉ để
được ở bên cạnh người mẹ đang hấp hối của mình càng lâu càng tốt. Cô không hề
nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ chết. Cô cảm thấy phải ở trong phòng bệnh gần
như cả ngày lẫn đêm và thực sự chỉ ngủ được khoảng ba tiếng đồng hồ mỗi đêm
trong suốt vài tuần qua. Cô bắt đầu tự hỏi liệu mình có tự làm cho mình quá mệt
mỏi, không thể suy nghĩ được gì hay không. Ý nghĩ ra khỏi phòng làm cô sợ, vì mẹ
cô có thể chết bất cứ lúc nào. Cô chưa bao giờ tâm sự với mẹ mình về những việc
này, mặc dù người mẹ đã bị bệnh khá lâu rồi và mãi đến gần đây vẫn có thể nói
chuyện được. Cuối cuộc phỏng vấn, cô con gái đã có thể thể hiện một số mặc cảm
tội lỗi, mâu thuẫn và oán hận - vì đã có đời sống cô đơn như thế và hơn thế nữa,
có lẽ vì đã bị bỏ rơi. Chúng tôi khuyến khích cô ấy thể hiện cảm xúc của mình một
cách thường xuyên hơn, quay trở lại công việc bán thời gian để có quan hệ với
người khác và công việc bên ngoài phòng bệnh, chúng tôi cũng nói sẵn sàng nếu
cô ấy cần người tâm sự.
Khi đi cùng cô con gái trở lại phòng bệnh,
tôi lại thông báo cho bệnh nhân về buổi nói chuyện của chúng tôi. Tôi đề nghị
bà ấy đồng ý để con gái chỉ đến thăm trong một khoảng thời gian nào đó trong
ngày. Bà ấy nhìn sâu vào mắt chúng tôi, thở phào nhẹ nhõm, rồi nhắm mắt lại. Cô
y tá chứng kiến cuộc gặp gỡ này đã tỏ ra ngạc nhiên trước nhiều phản ứng đến
như thế. Cô y tá thể hiện thái độ biết ơn vì đã nhìn thấy tất cả, vì tập thể điều
dưỡng khá gắn bó với bệnh nhân và chính họ cũng cảm thấy bất an trước nỗi đau đớn
thầm lặng và không thể diễn đạt được của cô con gái. Cô con gái đã tìm được
công việc bán thời gian và - trước sự vui mừng của các nhân viên - đã chia sẻ
tin tức này với mẹ mình. Những chuyến thăm của cô ấy giờ đây ít mâu thuẫn hơn,
ít cảm giác bổn phận và oán hận hơn trước, và do đó, có ý nghĩa hơn. Cô con gái
cũng liên lạc lại với những người khác trong và ngoài bệnh viện và làm quen với
một số người mới trước khi mẹ cô chết, một cái chết bình yên xảy ra sau đó vài
ngày.
Ông Y. là người mà chúng tôi sẽ luôn luôn
nhớ, vì ông đã cho chúng tôi thấy những cơn đau đớn, tuyệt vọng và cô đơn của một
ông già sắp mất vợ sau nhiều chục năm chung sống hạnh phúc.
Ông Y. là một nông dân “dãi dầu mưa nắng”,
đã già, hốc hác và chưa từng đặt chân tới thành phố lớn nào. Ông cày ruộng,
nuôi nhiều bê và có mấy người con đang sống ở các vùng miền khác nhau. Hai vợ
chồng ông sống với nhau trong nhiều năm qua và như ông nói, “đã quen nhau rồi”.
Cả hai người đều không thể tưởng tượng được là mình sẽ sống mà không có người
kia.
Mùa thu năm 1967, vợ ông bị bệnh nặng, bác
sĩ khuyên ông nên đưa bà tới thành phố lớn để chạy chữa. Ông Y. đắn đo trong một
thời gian, nhưng thấy vợ ngày càng gầy yếu đi nên ông đã đưa bà đến “bệnh viện
lớn” và bà được đưa vào khoa điều trị tích cực. Người nào nhìn thấy phòng điều
trị đó cũng sẽ đánh giá cao sự khác biệt của đời sống ở đây so với phòng bệnh
được làm một cách vội vàng trong trang trại. Mỗi giường đều có bệnh nhân nguy kịch
- từ trẻ sơ sinh đến người già đang hấp hối. Xung quanh mỗi giường đều có những
thiết bị hiện đại nhất mà người nông dân này từng thấy. Chai treo trên cột ở đầu
giường, máy hút đang hoạt động, màn hình tích tắc và nhân viên luôn đi lại để
giữ cho thiết bị hoạt động và theo dõi các tín hiệu quan trọng. Có rất nhiều hoạt
động ồn ào, vội vã và những quyết định quan trọng, người ta đến và đi, và không
có chỗ cho người nông dân già chưa bao giờ nhìn thấy thành phố lớn.
Ông Y. khăng khăng đòi được ở bên vợ,
nhưng người ta khẳng định rằng ông chỉ được gặp vợ mỗi giờ 5 phút mà thôi. Và
thế là ông ta đứng đó, mỗi giờ năm phút, chỉ nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch của
vợ, cố gắng nắm lấy tay bà, lầm bầm vài từ tuyệt vọng – và lại nghe thấy người ta
kiên quyết và nhất quán: “đi đi, hết thời gian rồi”.
Một sinh viên của chúng tôi đã phát hiện
được ông Y, anh này cảm thấy rằng ông ấy trông vô cùng tuyệt vọng trong khi đi
đi lại lại trong hành lang, chả khác gì một linh hồn lạc lối trong bệnh viện lớn.
Cậu sinh viên này đã đưa ông ấy tới buổi hội thảo của chúng tôi. Ông ấy đã chia
sẻ những đau đớn của mình và cảm thấy nhẹ nhõm khi có người để trò chuyện. Ông ấy
đã thuê căn phòng tại Ngôi nhà Quốc tế, chủ yếu dành cho sinh viên, nhiều sinh
viên vừa quay lại để học tiếp. Người ta bảo ông rằng phải đi ngay để nhường chỗ
cho các sinh viên vừa tới. Ngôi nhà này cách bệnh viện không xa, nhưng ông lão
thường đi mấy chục lần một ngày. Không tìm được nơi tá túc, không có người để
nói chuyện, thậm chí không chắc tìm được phòng trọ nếu bà vợ sống thêm vài ngày
nữa. Sau đó là nhận thức cứ bám riết lấy ông, rằng ông có thể thực sự mất vợ và
ông có thể phải quay về mà không có bà đi cùng.
Khi chúng tôi lắng nghe, ông ấy ngày càng phẫn
nộ bệnh viện hơn nữa - phẫn nộ với các y tá vì quá độc ác: chỉ cho phép ông
thăm mỗi giờ đúng năm phút. Ông ấy cảm thấy như thể mình ngáng đường đi của họ
thậm chí ngay cả trong những khoảnh khắc quá ngắn ngủi đó. Đó có phải là cách
ông ấy phải nói lời tạm biệt với người vợ đã từng chung sống với mình năm mươi
năm? Làm sao giải thích cho một ông già rằng, phòng điều trị tích cực hoạt động
theo cách đó, phải có những quy tắc hành chính và luật quy định giờ thăm bệnh
nhân và quá nhiều khách trong phòng là không thể chấp nhận được - nếu không phải
vì bệnh nhân, thì có thể vì có những thiết bị khá nhạy cảm? Chắc chắn ông ta sẽ
không nói, “Vâng, anh yêu vợ anh và anh sống ở nông thôn trong thời gian dài
như thế, tại sao anh không thể để bà ấy chết ở đó?” Có lẽ ông ta sẽ trả lời rằng
ông ta và vợ ông là một người, giống như cái cây và gốc rễ của nó, người này
không thể sống thiếu người kia. Bệnh viện lớn hứa sẽ làm cho bà và ông sống lâu
thêm, một ông già nhà quê sẵn sàng lao vào một nơi như thế để tìm kiếm tia hy vọng
mà nó đã hứa.
Chúng tôi không thể làm gì nhiều cho ông ấy,
ngoài việc giúp ông ấy tìm được nơi tạm trú an toàn hơn trong khả năng tài
chính của mình, và thông báo cho những ngưởi con trai ông rằng ông rất cô đơn
và họ cần tới ngay. Chúng tôi cũng nói chuyện với các điều dưỡng viên. Chúng
tôi đã không xin cho ông được quyền thăm vợ lâu hơn, nhưng ít nhất cũng đã làm
cho ông cảm thấy được hoan nghênh trong thời gian ngắn ngủi mà ông được phép ở
bên cạnh vợ.
Không cần phải nói rằng, những sự cố như
thế xảy ra mỗi ngày ở tất cả các bệnh viện lớn. Cần tăng cường sắp xếp nhằm tạo
điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong gia đình bệnh nhân trong các phòng
điều trị như thế. Nên có những phòng ở gần đó để người nhà bệnh nhân có thể nghỉ
ngơi, ăn uống, và có thể chia sẻ sự cô đơn, có thể an ủi nhau trong những giai
đoạn chờ đợi bất tận. Những người làm công tác xã hội hoặc cha tuyên úy phải sẵn
sàng tiếp đón thân nhân, dành đủ thời gian cho từng người, các bác sĩ và y tá
nên thường xuyên đến thăm phòng của thân nhân người bệnh, sẵn sàng giải đáp các
thắc mắc và lo lắng. Hiện nay, thân nhân người bệnh thường bị bỏ mặc hoàn toàn.
Họ phải chờ đợi ở hành lang, nhà ăn hoặc xung quanh bệnh viện, đi đi lại lại mà
chẳng có mục đích gì. Họ có thể cố gắng tìm gặp bác sĩ hoặc nói chuyện với y
tá, nhưng thường được bảo rằng bác sĩ đang làm việc trong phòng mổ hoặc ở một
chỗ nào đó. Vì số nhân viên chịu trách nhiệm về phúc lợi của từng bệnh nhân
ngày càng tăng thêm, không người nào biết rõ về bệnh nhân cũng như bệnh nhân
không biết tên bác sĩ đang điều trị cho mình. Thường xảy ra là, người thân được
nói phải gặp hết người này tới người khác và cuối cùng là đến văn phòng của cha
tuyên úy, không kì vọng nhiều vào câu trả lời liên quan đến bệnh nhân mà chỉ hy
vọng tìm được an ủi và thông cảm cho những đau đớn của chính mình.
Một số thân nhân sẽ giúp ích nhiều cho bệnh
nhân và nhân viên bệnh viện nếu họ không tới thăm thường xuyên và lâu đến thế.
Tôi nhớ một người mẹ không cho phép bất kỳ người nào chăm sóc người con trai đã
hai mươi hai tuổi mà bà coi như đứa trẻ sơ sinh. Mặc dù chàng trai này hoàn
toàn có khả năng tự giải quyết các nhu cầu của mình, nhưng bà mẹ tắm rửa cho
anh ta, đòi đánh răng cho anh ta và thậm chí còn lau rửa cho anh ta sau khi đi
vệ sinh. Người bệnh này hay cáu bẳn, giận
dữ mỗi khi mẹ tới. Các y tá sợ bà ta và ngày càng không thích bà ta. Những người
làm công tác xã hội đã cố gắng nói chuyện với bà mẹ, nhưng vô ích, bà ta gạt đi
cùng với một số nhận xét đầy ác ý.
Cái gì làm cho bà mẹ trở thành người quá
lo lắng theo lối phản cảm như thế? Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu bà ta và tìm
ra các biện pháp và cách thức nhẳm giảm bớt sự hiện diện của bà, nó vừa làm cho
bệnh nhân và điều dưỡng viên cảm thấy khó chịu và cảm thấy như bị coi thường.
Sau khi thảo luận vấn đề với các nhân viên, chúng tôi nhận ra rằng chúng ta có
thể đã phóng chiếu những mong muốn của mình lên bệnh nhân, và, sau khi suy nghĩ
lại, chúng tôi thấy rằng anh ta thực sự góp phần, nếu không nói là mời gọi hành
vi của bà mẹ. Người ta nghĩ rằng anh chàng sẽ ở trong bệnh viện để xạ trị trong
vài tuần; rồi sẽ ra viện để về nhà trong vài tuần, và có lẽ sẽ nhập viện một lần
nữa. Có phải chúng tôi đã giúp anh ta bằng cách can thiệp vào quan hệ của hai mẹ
con, dù điều đó dường như bị chúng tôi coi làm phản cảm tới mức nào? Có phải
chúng ta hành động chủ yếu là do chúng ta phẫn nộ trước người mẹ quá quan tâm
này, bà ta đã làm cho các y tá cảm thấy như “những bà mẹ không tốt” và do đó
kích động trí tưởng tượng muốn được giải cứu của chúng ta? Sau khi chúng tôi thừa
nhận sự kiện này, chúng tôi không còn oán giận người mẹ như trước và cũng đối xử
với cậu thanh niên như một người trưởng thành, nói cho cậu ấy biết rằng cậu ấy
phải đặt ra giới hạn nếu hành vi của người mẹ tỏ ra quá coi thường cậu ta.
Tôi không biết những chuyện này có ảnh hưởng
gì không vì chàng thanh niên ra viện ngay sau đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây
là ví dụ đáng được nhắc tới, vì nó chỉ ra rằng không cần thiết để cho cảm xúc của
mình bị cuốn theo những cái được coi là tốt và đúng đối với một người nhất định.
Có thể người đàn ông này chỉ có thể chịu đựng được bệnh tật của mình bằng cách
tạm thời lùi về thời trẻ con và người mẹ cũng được an ủi phần nào khi bà ta có
thể đáp ứng những nhu cầu đó. Tôi không tin rằng nói thế là hoàn toàn đúng cho
trường hợp này, vì bệnh nhân rõ ràng là phẫn nộ và bực bội khi mẹ anh ta có mặt
ở đó, nhưng anh ta cũng ít khi tìm cách ngăn cản bà ta, mặc dù anh ta hoàn toàn
có thể đặt ra giới hạn với những người thân khác trong gia đình và nhân viên bệnh
viện.
Đối
phó với thực tại trong gia đình bệnh nhân nan y
Người thân trong gia đình cũng trải qua những
giai đoạn điều chỉnh khác nhau, tương tự như những giai đoạn mà bệnh nhân đã trải
qua. Lúc đầu, nhiều người trong gia đình không thể tin rằng đó là sự thật. Họ
có thể chối bỏ sự kiện là căn bệnh như thế đã xuất hiện trong gia đình hoặc “đi
khắp nơi” để gặp hết bác sĩ này đến bác sĩ khác với hy vọng hão huyền rằng đó
là chẩn đoán sai. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và trấn an (rằng tất cả không
phải là sự thật) từ các thầy bói và thầy lang. Họ có thể thu xếp những chuyến
đi tốn kém đến các phòng khám và bác sĩ nổi tiếng và đối mặt từng bước một với
thực tại có thể làm cho cuộc đời họ thay đổi nhanh đến chóng mặt. Phụ thuộc rất
nhiều vào thái độ, nhận thức, khả năng giao tiếp của bệnh nhân, lúc đó gia đình
sẽ có những thay đổi nhất định. Nếu có thể chia sẻ những lo lắng chung, họ có
thể nhanh chóng giải quyết được những vấn đề quan trọng và chịu ít áp lực về thời
gian và cảm xúc hơn. Nếu mỗi người đều tìm cách giữ bí mật, không để người kia
biết, họ sẽ tạo ra rào cản nhân tạo, nó sẽ gây khó khăn cho những muộn phiền có
tính chuẩn bị nào đó cho bệnh nhân hay gia đình của bệnh nhân. Kết quả cuối
cùng sẽ thảm khốc hơn hẳn so với những người có thể nói và khóc cùng nhau.
Ngay khi bệnh nhân vượt qua giai đoạn tức
giận, người thân trong gia đình cũng sẽ trải nghiệm những cảm xúc tương tự như
thế. Họ sẽ phẫn nộ với bác sĩ đã khám cho bệnh nhân trước đó và không chẩn đoán
được và bác sĩ đang đứng trước họ với thực tế đáng buồn này. Họ có thể phóng
chiếu cơn thịnh nộ lên các nhân viên bệnh viện, những người không quan tâm đúng
mức, dù việc chăm sóc có hiệu quả đến mức nào. Phản ứng này cũng chứa nhiều
thái độ đố kị, vì người thân thường cảm thấy bị lừa khi không thể hoặc không được
phép ở bên cạnh bệnh nhân và chăm sóc cho họ. Cũng có mặc cảm tội lỗi và mong
muốn bù đắp những cơ hội đã bị bỏ lỡ trong quá khứ. Càng giúp thân nhân bày tỏ
những cảm xúc này trước cái chết của người thân, thì gia đình sẽ càng cảm thấy
thoải mái hơn.
Khi có thể giải quyết được thái độ phẫn nộ,
oán hận và mặc cảm tội lỗi, thì gia đình sẽ vượt qua giai đoạn muộn phiền có
tính chuẩn bị, tương tự như người sắp chết. Những muộn phiền này càng được bày
tỏ trước khi người thân chết, thì sau đó người ta càng dễ vượt qua. Chúng tôi
thường nghe người thân nói một cách đầy tự hào rằng họ luôn cố gắng giữ khuôn mặt
tươi cười khi tiếp xúc với bệnh nhân, cho đến một ngày họ không thể giữ vẻ mặt
đó được nữa. Họ ít nhận ra rằng người bệnh dễ thấy những cảm xúc chân thật của
người thân trong gia đình hơn hẳn chiếc mặt nạ giả tạo và đối với người bệnh,
điều đó chỉ có nghĩa là ngụy trang chứ không phải là chia sẻ hoàn cảnh đáng buồn
này.
Nếu người thân trong gia đình có thể cùng
nhau chia sẻ những cảm xúc này, thì họ sẽ từng bước đối mặt với thực tế là cảnh
tử biệt sinh ly đang tới gần và cùng nhau chấp nhận nó. Có lẽ khoảng thời gian
cuối cùng là giai đoạn đau lòng nhất đối với gia đình, lúc đó bệnh nhân đang dần
tách mình ra khỏi thế giới, trong đó có cả gia đình mình. Người thân không hiểu
rằng người sắp chết đã tìm thấy sự bình yên và chấp nhận rằng mình sẽ phải từng
bước tách ra khỏi môi trường xung quanh, trong đó có những người thân yêu nhất
của mình. Làm sao người đó có thể sẵn sàng chết nếu còn tiếp tục níu kéo nhiều
mối quan hệ đầy ý nghĩa đến như thế? Khi bệnh nhân yêu cầu chỉ cho thêm một vài
người bạn, sau đó thì chỉ con cái và cuối cùng chỉ vợ mới được tới, thì ta nên
hiểu rằng đó là cách người bệnh tự tách mình ra. Những người ruột thịt thường
hiểu sai, coi đó là hắt hủi họ; chúng tôi đã gặp một số ông chồng và bà vợ phản
ứng gay gắt trước hiện tượng bình thường và lành mạnh này. Tôi nghĩ rằng chúng
ta có thể giúp họ một cách tốt nhất bằng cách giúp họ hiểu rằng chỉ những bệnh
nhân đã đi qua giai đoạn hấp hối mới có thể tự thoát ra một cách từ từ và thanh
thản theo cách này mà thôi. Đối với họ, nó phải là cội nguồn an ủi và khuây khỏa
chứ không phải là đau buồn và oán hận. Đây là giai đoạn mà gia đình cần được hỗ
trợ nhiều nhất, còn bệnh nhân có lẽ là ít nhất. Tôi không muốn ám chỉ rằng bệnh
nhân nên được để nằm một mình, cô đơn. Lúc nào chúng ta cũng phải có mặt, nhưng
khi bệnh nhân đã đạt đến giai đoạn chấp nhận và quá trình tách ra này thường
đòi hỏi rất ít quan hệ mang tính cá nhân. Nếu không giải thích ý nghĩa của sự
tách biệt này cho gia đình, thì có thể xuất hiện các vấn đề, như trường hợp của
bà W. (Chương VII).
Cái chết đáng buồn nhất, có lẽ, nếu không
tính những người rất trẻ thì đấy là cái chết của những người rất già, nếu nhìn
từ quan điểm của gia đình. Dù các thế hệ sống chung hay sống tách biệt nhau, mỗi
thế hệ đều có nhu cầu và quyền được sống đời sống của mình, có không gian
riêng, những nhu cầu riêng được thỏa mãn phù hợp với thế hệ của mình. Người già
đã không còn hữu ích, đấy là nói bằng những thuật ngữ của truyền thống kinh tế
của chúng ta, nhưng mặt khác, họ có quyền được sống đời sống của mình trong phẩm
giá và an bình. Khi họ còn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần và có thể tự
trang trải cho chính mình, thì họ hoàn toàn có thể sống đời sống của mình. Tuy
nhiên, chúng ta đã và đang thấy nhiều cụ già bị tàn phế về thể xác hoặc tinh thần,
những cụ già này cần rất nhiều tiền thì mới có thể duy trì được phẩm giá ở mức
mà gia đình họ mong muốn. Lúc đó, gia đình thường đứng trước quyết định khó
khăn, đó là huy động tất cả số tiền mà họ có, bao gồm các khoản vay và tiền tiết
kiệm dành cho giai đoạn nghỉ hưu của chính họ, nhằm chi trả cho quá trình chăm
sóc. Bi kịch của những người già này có lẽ là số tiền và thường là sự hy sinh về
mặt tài chính không tạo ra bất kỳ sự cải thiện nào về sức khỏe mà chỉ nhằm giữ ở
mức tồn tại tối thiểu. Nếu có rắc rối về y học, thì chi phí sẽ rất lớn và gia
đình thường muốn người đó ra đi một cách nhanh chóng và không đau đớn, nhưng
gia đính ít khi thể hiện ước muốn đó một cách công khai. Rõ ràng là mong muốn
như thế tạo ra mặc cảm tội lỗi.
Tôi nhớ đến một bà lão đã nhập viện được mấy
tuần và cần được chăm sóc một cách chu đáo và tốn kém ở một bệnh viện tư nhân.
Mọi người đều mong bà ấy chết cho nhanh, nhưng hết ngày này đến ngày khác tình
trạng của bà không hề thay đổi. Con gái bà cảm thấy khó xử, không biết nên đưa
bà vào viện dưỡng lão hay để bà nằm trong bệnh viện; dường như bà muốn ở lại bệnh
viện. Con rể bà tỏ ra phẫn nộ vì đã chi cho bà toàn bộ số tiền mà họ tiết kiệm
được và đã nhiều lần cãi nhau với vợ, trong khi cô vợ lại cảm thấy đưa bà ra khỏi
bệnh viện là việc làm quá tội lỗi. Khi tôi đến thăm, bà cụ trông có vẻ sợ hãi
và mệt mỏi. Tôi chỉ hỏi một cách đơn giản rằng bà sợ cái gì. Bà ấy nhìn tôi và
cuối cùng đã nói ra những điều mà trước đây bà không thể nói được, vì chính bà
cũng nhận ra rằng những sợ hãi của mình là phi thực tế. Bà ấy sợ “bị giun ăn
ngay khi vẫn còn sống”. Trong khi tôi đang thở sâu để lấy hơi và cố gắng hiểu ý
nghĩa thực sự của lời bà, thì cô con gái đã buột miệng, “Nếu ý nghĩ đó làm cho
mẹ không chết, thì chúng con có thể thiêu mẹ”, câu đó đương nhiên có nghĩa là hỏa
táng sẽ ngăn chặn, không để bà tiếp xúc với giun. Tất cả sự phẫn nộ bị kìm nén
của cô con gái đều được thể hiện trong câu này. Tôi ngồi một mình với bà lão
thêm một lúc nữa. Chúng tôi bình tĩnh nói chuyện về nỗi ám ảnh suốt đời của bà ấy
và sự sợ chết của bà được thể hiện trong việc sợ giun, như thể bà ấy sẽ nhận thức
được chúng sau khi đã chết vậy. Bà cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì đã thể hiện được
những lo lắng của mình và đã thông cảm với thái độ phẫn nộ của cô con gái,
ngoài ra không có gì khác. Tôi khuyến khích bà chia sẻ những cảm xúc này với cô
con gái, để sau này cô ta không phải cảm thấy đau đớn vì đã bộc phát nói ra những
lời như thế.
Khi gặp lại cô con gái bên ngoài phòng bệnh,
tôi nói với cô rằng mẹ cô đã thông cảm, và cuối cùng họ đã cùng nhau nói về những
lo lắng của mình, và kết thúc bằng việc thu xếp đám tang, một lễ hỏa táng.
Không những không ngồi im với bộ mặt đầy giận dữ, mà họ còn trò chuyện và an ủi
lẫn nhau. Người mẹ qua đời ngay ngày hôm sau. Nếu tôi không nhìn thấy vẻ bình
yên trên mặt bà ấy trong ngày cuối cùng, tôi có thể lo lắng rằng cơn giận dữ
bùng phát của cô con gái có thể đã giết chết bà.
Một khía cạnh khác thường không được nghĩ
tới là bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Người ta thường nghĩ tới bệnh
ung thư, cũng như có thể nghĩ đến bệnh tim. Ung thư thường được coi là căn bệnh
kéo dài, đau đớn trong khi bệnh tim có thể tấn công một cách bất ngờ, không đau
nhưng chết đột ngột. Tôi nghĩ rằng có khác biệt rất lớn, nếu người thân chết một
cách từ từ, có nhiều thời gian để cho cả hai bên chuẩn bị, đấy là nói so với cú
điện thoại làm người ta sợ, “Xảy ra, mọi chuyện thế là xong rồi”. Nói chuyện với
bệnh nhân ung thư về chết và giai đoạn hấp hối sẽ dễ dàng hơn là nói chuyện với
bệnh nhân tim mạch, vì chúng ta lo ngại rằng chúng ta có thể làm cho họ sợ hãi
và do đó, kích động một cơn đau tim, tức là làm cho người đó chết. Do đó, người
thân của bệnh nhân ung thư dễ thảo luận về tử biệt sinh ly hơn là gia đình của
người bị bệnh tim, khi cuộc đời có thể kết thúc bất cứ lúc nào và cuộc thảo luận
có thể kích hoạt nó, ít nhất đấy là ý kiến của nhiều thành viên trong các gia
đình mà chúng tôi đã nói từng chuyện trò.
Tôi nhớ người mẹ của một thanh niên ở
Colorado, bà này không cho con trai mình tập bất kì động tác thể dục nào, dù là
nhẹ nhàng nhất, mặc dù một số bác sĩ đã khuyên ngược lại. Trong những cuộc trò
chuyện, bà mẹ này thường nói: “nó mà làm quá thì sẽ chết với tôi”, như thể bà ấy
chờ đợi hành động thù địch mà con trai mình sẽ thực hiện. Bà ấy hoàn toàn không
nhận thức được thái độ thù địch của chính mình ngay cả sau khi chia sẻ với
chúng tôi sự oán hận của bà, vì có “một đứa con trai yếu đuối như thế”, đứa con
trai mà bà thường đổ cho là tại người chồng kém hiệu quả và thất bại của mình.
Phải mất mấy tháng lắng nghe một cách cẩn thận, kiên nhẫn trước khi bà ta có thể
thể hiện một số mong muốn tiêu cực đối với con mình. Bà ta giải thích những những
mong muốn tiêu cực bằng sự kiện là anh con trai là nguyên nhân dẫn đến đời sống
xã hội và nghề nghiệp có phần hạn chế của bà, do đó làm cho bà ta trở thành kém
hiệu quả, bà cũng coi chồng mình là người kém hiệu quả như thế. Đây là những
tình huống của một gia đình phức tạp, trong đó, một thành viên bị bệnh trong
gia đình mất khả năng hoạt động do mâu thuẫn của những người thân. Nếu chúng ta
có thể học được biện pháp phản ứng với những thành viên trong các gia đình như
thế với tâm từ bi và cảm thông chứ không phán xét và chỉ trích, thì chúng ta
cũng giúp được bệnh nhân chịu đựng khuyết tật của mình một cách dễ dàng và có
nhân phẩm hơn.
Ví dụ sau đây về ông P. cho thấy những khó
khăn có thể xảy ra với bệnh nhân khi người đó đã sẵn sàng tách ra, nhưng gia
đình lại không chấp nhận được thực tế đó, góp phần làm nảy sinh mâu thuẫn của bệnh
nhân. Mục tiêu của chúng tôi là luôn luôn giúp bệnh nhân và gia đình của họ
cùng nhau đối mặt với khủng hoảng để đồng thời đạt được thái độ chấp nhận thực
tại cuối cùng này.
Ông P. khoảng ngoài năm mươi, trông già
hơn tuổi tới mười lăm năm. Các bác sĩ cảm thấy rằng ông ấy có ít cơ hội điều trị,
một phần là do căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và quá suy nhược, nhưng chủ yếu
là do ông ta không có “tinh thần chiến đấu”. Trước lần nhập viện này, ông P. đã
bị cắt dạ dày vì ung thư cách đây 5 năm. Ban đầu ông ta chấp nhận bệnh tật của
mình một cách vui vẻ và tràn đầy hy vọng.
Nhưng ngày càng yếu đi, ngày càng bị suy
nhược cho đến khi tái nhập viện, X-quang ngực cho thấy khối u di căn trong phổi
của ông ta. Khi tôi tới, người ta chưa thông báo cho bệnh nhân kết quả sinh thiết.
Câu hỏi đặt ra là liệu có nên xạ trị hay phẫu thuật cho một người ở trong tình
trạng yếu ớt như thế hay không. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra trong hai
buổi. Chuyến thăm đầu tiên là tôi tự giới thiệu và nói với ông ấy rằng tôi sẵn
sàng nếu ông ấy muốn nói về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh và những vấn đề mà
nó có thể gây ra. Một cuộc điện thoại cắt ngang câu chuyện và tôi đi ra, sau
khi đề nghị ông ta suy nghĩ về chuyện đó. Tôi cũng thông báo cho ông ấy khi nào
thì tôi sẽ lại tới.
Hôm sau, khi gặp tôi, ông P. giơ tay chào
và ra hiệu mời ngồi xuống ghế. Mặc dù nhiều lần bị gián đoạn do người ta thay
chai truyền dịch, phân phối thuốc và đo mạch và huyết áp như thường lệ, chúng
tôi đã ngồi nói chuyện trong hơn một tiếng đồng hồ. Ông P. đã cảm thấy trước rằng
mình sẽ được phép “mở màn”, đấy là theo cách nói của ông. Không có thái độ
phòng thủ, không có thái độ lảng tránh trong câu chuyện của ông ta. Ông ấy là
người dường như luôn quý tiếc từng giờ, không để mất thời gian quý báu và dường
như rất háo hức chia sẻ những lo lắng và hối tiếc của mình với người có thể lắng
nghe.
Trước đó một ngày, ông ấy đã tuyên bố,
“Tôi muốn ngủ, ngủ, ngủ và không thức dậy nữa”. Hôm nay ông ấy lại nói như thế,
nhưng thêm từ “nhưng”. Tôi nhìn ông ta như muốn hỏi, nhưng ông ta tiếp tục nói
với tôi với giọng nhỏ nhẹ, yếu ớt rằng bà vợ đã tới thăm ông. Bà ta tin chắc rằng
ông sẽ khỏi. Bà ta muốn ông về nhà chăm sóc khu vườn hoa. Bà ta cũng nhắc lại lời
hứa của ông là sẽ nghỉ hưu sớm, có lẽ sẽ chuyển đến Arizona, để sống thêm mấy
năm tốt đẹp nữa...
Ông ấy nói một cách sôi nổi và trìu mến về
cô con gái 21 tuổi mình, cô bé phải tạm nghỉ học đại học để tới thăm bố, và cô
đã choáng váng khi thấy tình trạng của cha mình. Ông ấy nhắc tới tất cả những
việc này, như thể ông ta phải chịu trách nhiệm vì đã làm cho gia đình thất vọng,
vì không đáp ứng được kỳ vọng của họ.
Tôi nói với ông ấy như thế và ông gật đầu.
Ông ấy nói về tất cả những việc hối tiếc mà ông từng làm. Những năm đầu tiên
sau khi kết hôn, ông lao vào làm việc nhằm tích lũy của cải cho gia đình, cố gắng
“làm cho họ thành một gia đình hạnh phúc”, và khi làm như thế, phần lớn thời
gian ông ta đều ở xa gia đình. Sau khi mắc bệnh ung thư, ông ấy đã dành từng
giây phút để ở bên cạnh họ, nhưng lúc đó, dường như đã quá muộn rồi. Con gái
ông đi học xa nhà và có bạn bè riêng của nó. Khi cô còn nhỏ, cần và muốn ở bên
ông, thì ông lại bận kiếm tiền.
Ông ấy nói về tình trạng hiện nay mình như
sau: “Ngủ là cách giải thoát duy nhất. Mỗi khoảnh khắc thức đều là thống khổ,
thống khổ thuần túy. Không có giải thoát nào. Tôi ghen tị với hai người đàn ông
mà tôi đã thấy khi họ bị hành quyết. Tôi ngồi ngay trước mặt người thứ nhất.
Tôi không cảm thấy gì cả. Bây giờ, tôi nghĩ, anh ta là người may mắn. Anh ta
đáng tội chết. Anh ta không đau khổ, nó diễn ra nhanh chóng và không đau đớn.
Tôi nằm trên giường, mỗi giờ, mỗi ngày đều là dày vò cực độ”.
Ông P. không bận tâm nhiều về những đau đớn,
khó chịu về thể xác, mà bị dày vò bởi những ân hận vì đã không thực hiện được kỳ
vọng của gia đình, vì đã “thất bại”. Ông ấy bị nhu cầu khủng khiếp của mình là
“buông bỏ và ngủ, ngủ, ngủ” và thác lũ bất tận những kỳ vọng từ môi trường xung
quanh tra tấn. “Các y tá tới và nói rằng tôi phải ăn, nếu không tôi sẽ không có
sức, các bác sĩ đến và nói với tôi về phương pháp điều trị mới mà họ đã bắt đầu,
và kì vọng rằng tôi sẽ hài lòng; vợ tôi đến và kể cho tôi nghe về công việc mà
người ta nghĩ rằng tôi sẽ làm khi tôi ra viện, còn con gái tôi tôi thì nhìn tôi
và nói “Bố phải khỏe lên nha” - làm sao có thể chết thanh thản cho được?”
Ông ấy mỉm cười trong giây lát và nói:
“Tôi sẽ điều trị như thế và về nhà một lần nữa. Tôi sẽ quay lại làm việc vào
ngày hôm sau và kiếm thêm một ít tiền. Dù sao thì tiền bảo hiểm của tôi cũng sẽ
chi trả cho việc học hành của con gái tôi, nhưng nó vẫn cần có bố trong một thời
gian nào đó. Nhưng chị biết đấy và tôi cũng biết, tôi không thể làm như thế nữa.
Có lẽ họ phải học cách đối mặt với nó. Nó sẽ làm cho cái chết trở nên dễ dàng
hơn rất hẳn!”
Ông P. cũng như bà W. (Chương VII) cho
chúng ta thấy bệnh nhân đã gặp khó khăn như thế nào trước cái chết đã cận kề và
dự đoán được nó trong khi gia đình chưa sẵn sàng “buông bỏ” và ngăn cản họ một
cách ngấm ngầm hoặc rõ ràng, không cho họ tách mình ra khỏi những rắc rối trên
thế gian này. Chồng bà W. đứng ngay bên cạnh giường và nhắc nhở bà về cuộc hôn
nhân hạnh phúc của họ, ông ta bảo rằng cuộc hôn nhân có thể chấm dứt và cầu xin
các bác sĩ làm mọi thứ có thể nhằm cứu bà. Còn vợ ông P. thì nhắc ông ta về những
lời hứa chưa thực hiện và những nhiệm vụ chưa hoàn thành, và đấy là những nhu cầu
chẳng khác gì chồng bà W., mà cụ thể là muốn có ông ở bên cạnh trong nhiều năm
nữa. Tôi không thể nói rằng các vị này đều chối bỏ. Cả hai đều biết tình trạng
sức khỏe của vợ/chồng mình. Tuy nhiên, cả hai, vì nhu cầu riêng của mình, đã
quay lưng lại với thực tế. Họ đối mặt với nó trong khi nói chuyện với những người
khác, nhưng lại chối bỏ nó khi đứng trước mặt bệnh nhân. Trong khi chính người
bệnh lại cần được nghe họ nói rằng họ cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của
căn bệnh và có thể chấp nhận thực tế. Nếu không có kiến thức như thế, thì “mỗi
khoảnh khắc thức đều là thống khổ thuần túy”, theo cách nói của ông P.. Cuộc phỏng
vấn của chúng tôi kết thúc ở đây, tôi nói rằng hy vọng là những người quan trọng
xung quanh ông ấy sẽ học được cách đối mặt với quá trình hấp hối của ông, chứ đừng
hy vọng kéo dài thêm cuộc sống của ông ấy.
Ông P. đã sẵn sàng tách mình ra khỏi thế
gian. Ông ta đã sẵn sàng bước vào giai đoạn cuối cùng, đấy là kết thúc có thể
có nhiều triển vọng hơn hoặc không còn đủ sức để sống tiếp. Có thể tranh cãi về
việc liệu những nỗ lực y tế toàn diện có phù hợp cho những trường hợp như thế
hay không. Với dịch truyền và truyền máu, vitamin, thuốc tăng lực và thuốc chống
trầm cảm, với liệu pháp tâm lý và điều trị theo triệu chứng, nhiều bệnh nhân
như thế có thể có “thêm sinh khí mới”. Tôi đã thấy người ta chửi rủa nhiều hơn
là tỏ thái độ cảm kích vì đã có thêm thời gian, và tôi xin nhắc lại rằng mình
tin là bệnh nhân có quyền được chết một cách thanh thản và trong phẩm giá.
Không nên dùng bệnh nhân như đối tượng phải thực hiện nhu cầu của chúng ta, khi
mong muốn của bệnh nhân trái ngược với mong muốn của chúng ta. Tôi đang nói tới
những bệnh nhân bị bệnh về thể chất, nhưng vẫn tỉnh táo và đủ sức đưa ra quyết
định cho chính mình. Chúng ta cần tôn trọng mong muốn và ý kiến của họ, cần lắng
nghe và tham khảo ý kiến của họ. Nếu mong muốn của bệnh nhân trái ngược với niềm
tin của chúng ta, chúng ta nên thể hiện mâu thuẫn này một cách cởi mở và để cho
bệnh nhân quyết định về các biện pháp can thiệp hoặc điều trị tiếp theo. Nhiều
bệnh nhân nan y mà tôi đã phỏng vấn cho đến nay, tôi chưa thấy bất kỳ hành vi
phi lý hay những yêu cầu không thể chấp nhận được, và trong đó có hai người phụ
nữ bị bệnh tâm thần được trình bày trước đó, hai người này tiếp tục theo đuổi
quá trình điều trị, trong đó một người gần như hoàn toàn chối bỏ căn bệnh của
mình.
Gia
đình có người thân vừa chết
Khi bệnh nhân qua đời, tôi cho rằng nói về
tình yêu Thiên Chúa là hành động tàn nhẫn và không phù hợp. Khi mất một người
nào đó, đặc biệt là nếu chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị, chúng ta nổi
khùng, phẫn nộ và tuyệt vọng; chúng ta nên được phép thể hiện những cảm xúc như
thế. Các thành viên trong gia đình thường được để yên ngay sau khi họ đồng ý
cho khám nghiệm tử thi. Cay đắng, phẫn nộ, hoặc tê liệt, họ đi lang thang qua
các hành lang bệnh viện, không thể thường xuyên đối mặt với thực tế tàn khốc.
Những ngày đầu tiên có thể có rất nhiều công việc bận rộn, thu xếp việc ma chay
và họ hàng thăm viếng. Sau tang lễ, sau khi họ hàng đã ra về, sẽ là những khoảng
trống. Lúc này, những người thân trong gia đình sẽ rất biết ơn nếu có người để
nói chuyện, đặc biệt nếu đó là người đã từng tiếp xúc với người quá cố trong thời
gian gần đây và có thể chia sẻ những câu chuyện về một số khoảnh khắc tốt đẹp
trong giai đoạn cuối đời của người quá cố. Nó sẽ giúp cho người thân trong gia
đình vượt qua cú sốc và buồn đau ban đầu, đồng thời chuẩn bị cho họ chấp nhận một
cách từ từ.
Nhiều thân nhân bị ký ức và trầm tư mặc tưởng
chiếm hết tâm trí, thậm chí còn thường xuyên nói chuyện với người quá cố như thể
người đó vẫn còn sống. Họ không chỉ tự cô lập mình khỏi những người đang sống
mà còn tự làm cho mình khó đối mặt với thực tại của sự chết chóc. Tuy nhiên, đối
với một số người, đây là cách duy nhất để họ có thể đương đầu với mất mát, chế
giễu hoặc buộc họ phải hàng ngày đối mặt với thực tại không thể chấp nhận được
là hành động tàn nhẫn. Hiểu được nhu cầu của họ và giúp họ từng bước một tự đưa
mình ra khỏi tình trạng cô lập sẽ là việc làm hữu ích hơn. Tôi đã thấy những hiện
tượng này, chủ yếu là ở những góa phụ trẻ, mất chồng khi còn quá trẻ và chưa được
chuẩn bị. Nó cũng có thể thường xảy ra trong những giai đoạn chiến tranh, khi
người thanh niên chết ở chiến trường, mặc dù tôi tin rằng chiến tranh luôn luôn
làm cho người thân nhận thức rõ hơn về khả năng một đi không trở lại. Do đó, họ
chuẩn bị sẵn sàng đón nhận cái chết hơn là, chẳng hạn, cái chết bất ngờ của người
thanh niên vì bệnh ngày càng nặng thêm với tốc độ quá nhanh.
Cuối cùng cần nói về trẻ em. Chúng thường
bị người ta quên. Không đến mức là không có người quan tâm; ngược lại mới đúng.
Nhưng ít người cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với trẻ em về chết chóc. Trẻ
con có những khái niệm khác nhau về chết chóc, và cần phải cân nhắc trước khi
nói chuyện với chúng và hiểu được thông tin của chúng. Tới ba tuổi, trẻ em chỉ
lo lắng về sự chia ly, sau đó là nỗi sợ bị xẻo da cắt thịt. Ở tuổi này, trẻ em
bắt đầu vận động, có những chuyến đi đầu tiên “ra thế giới”, những chuyến đi
trên vỉa hè bằng xe ba bánh. Chính trong môi trường này, nó có thể nhìn thấy
con thú cưng yêu quý đầu tiên bị ô tô cán hoặc một con chim xinh đẹp bị mèo ăn
thịt. Đối với nó, đây là cắt da xẻo thịt, vì đó là độ tuổi mà nó quan tâm đến sự
toàn vẹn của cơ thể và sợ bất cứ thứ gì có thể xâm phạm tới cơ thể của nó.
Ngoài ra, chết chóc, như đã nói trong
Chương I, không phải là sự thật vĩnh viễn đối với đứa trẻ từ ba đến năm tuổi.
Nó là tạm thời, giống như vùi một củ cây hoa vào lòng đất vào mùa thu, nó mọc
trở lại vào mùa xuân năm sau.
Sau năm tuổi, cái chết thường được coi là
người đàn ông, một ông ba bị đến bắt người đi; nó vẫn được cho là do sự can thiệp
từ bên ngoài.
Khoảng chín đến mười tuổi, quan niệm thực
tế bắt đầu cho thấy chết là quá trình sinh học vĩnh viễn.
Trẻ em sẽ phản ứng khác nhau trước cái chết
của cha hay mẹ, từ lặng lẽ rút lui và cô lập đến khóc lóc ầm ĩ, thu hút sự chú
ý và do đó, thay thế đối tượng yêu thương và không thể thiếu. Vì trẻ em chưa thể
phân biệt được giữa mong muốn và sự thực (như đã nói trong Chương I), chúng có
thể cảm thấy rất hối hận và tội lỗi. Chúng cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm
vì đã giết cha hay mẹ và do đó, sợ hãi sẽ bị trừng phạt khủng khiếp do quả báo.
Mặt khác, chúng có thể đón nhận cuộc chia ly một cách tương đối bình tĩnh và
nói những câu như “Mẹ sẽ trở lại vào kỳ nghỉ trong mùa xuân tới” hoặc bí mật
đưa cho bà mẹ một quả táo - để đảm bảo rằng bà có đủ thức ăn trong chuyến đi
không lâu. Nếu người lớn buồn nát ruột trong giai đoạn này, không hiểu được những
đứa trẻ như thế và trách mắng hoặc trừng phạt chúng, thì trẻ con có thể giữ
trong lòng những đau buồn của riêng mình - nó thường là gốc rễ của những xáo trộn
cảm xúc trong những giai đoạn sau.
Tuy nhiên, đối với thanh thiếu niên, mọi
thứ không khác nhiều, đấy là nói so với người trưởng thành. Đương nhiên, vị
thành niên tự nó đã là giai đoạn khó khăn và mất cha mẹ thường là quá sức chịu
đựng đối với nó. Người lớn nên lắng nghe và cho phép chúng bộc lộ cảm xúc của
mình, cho dù đấy là mặc cảm tội lỗi, phẫn nộ hay chỉ là buồn bã.
Giải
tỏa buồn bã và phẫn nộ
Tôi muốn nói lại một lần nữa là, nếu cần,
hãy để người thân trong gia đình nói chuyện, khóc hay la hét. Hãy để họ chia sẻ
và giả tỏa, nhưng phải sẵn sàng có mặt. Khi những vấn đề dành cho người chết đã
được giải quyết, thì người thân trong gia đình còn phải để tang trong một thời
gian dài nữa. Nhiều tháng sau khi một thành viên trong gia đình chết, người
thân trong nhà vẫn cần giúp đỡ và hỗ trợ.
Tôi đương nhiên không cho rằng giúp đỡ phải
là tư vấn chuyên nghiệp dưới hình thức nào đó; hầu hết mọi người không cần và
cũng không có khả năng chi trả cho những việc như thế. Nhưng họ cần một người,
người bạn, bác sĩ, y tá hay cha tuyên úy – người cụ thể không quan trọng. Người
làm công tác xã hội có thể là người có ý nghĩa nhất, nếu người đó đã từng giúp
sắp xếp chỗ ở trong viện dưỡng lão và nếu gia đình muốn nói nhiều hơn về người
mẹ của họ trong cơ sở cụ thể đó, đây có thể là nguồn gốc của mặc cảm tội lỗi vì
đã không giữ bà ấy ở nhà. Những gia đình như thế đôi khi còn đến thăm những người
già khác trong cùng viện dưỡng lão và tiếp tục chăm sóc một người nào đó, có lẽ
như một cách chối bỏ sự chết chóc, mà cũng có lẽ chỉ để làm điều tốt đẹp vì những
cơ hội chăm sóc người bà quá cố đã bị bỏ lỡ. Dù vì lý do gì, chúng ta nên cố gắng
tìm hiểu nhu cầu của họ và giúp người thân hướng những nhu cầu này theo lối
tích cực nhằm giảm bớt mặc cảm tội lỗi, xấu hổ hoặc sợ bị trừng phạt. Giúp đỡ
có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể dành cho bất kỳ thân nhân nào của người chết,
dù là trẻ em hay người lớn, là chia sẻ cảm xúc của họ trước cái chết của người
thân và tạo điều kiện để họ vượt qua những cảm xúc của mình, cho dù chúng là hợp
lý hay phi lý.
Nếu chúng ta có thái độ khoan dung trước sự phẫn nộ của họ, dù đấy là nhắm vào chúng ta, hoặc nhắm vào người đã khuất hay nhắm vào Chúa, thì nghĩa là chúng ta đang giúp họ tiến một bước dài để chấp nhận mà không có mặc cảm tội lỗi. Nếu chúng ta lên án họ vì đã dám nói ra những suy nghĩ khó có thể dung thứ được về mặt xã hội đến như thế, thì chúng ta là những người đáng trách vì đã kéo dài sự đau buồn, xấu hổ và mặc cảm tội lỗi của họ, kết quả là họ sẽ bị ốm yều về thể chất và tinh thần.
No comments:
Post a Comment