July 20, 2024

Cái chết và người sắp chết dạy chúng ta điều gì (6)

 Elisabeth Kubler-Ross 

Phạm Nguyên Trường dịch


VI

 

Giai đoạn bốn: Chán nản

 

Thế giới rượt đuổi trên những sợ dây của trái tim lần lữa làm nên những nốt nhạc buồn.

Tagore, Bày chim lạc

Khi bệnh nhân giai đoạn cuối không còn chối bỏ được tình trạng bệnh tật của mình, khi họ đã trải qua nhiều ca phẫu thuật hoặc nhập viện nhiều lần, khi họ bắt đầu thấy có nhiều triệu chứng hơn hoặc yếu và gầy hơn, thì họ không thể mỉm cười bỏ qua được nữa. Tình trạng tê liệt hay chấp nhận nghịch cảnh, phẫn nộ và thịnh nộ của người bệnh sẽ nhanh chóng được thay thế bằng cảm giác mất mát to lớn. Sự mất mát có thể thể hiện qua nhiều khía cạnh: người phụ nữ bị ung thư vú có thể phản ứng với việc mất hình thể của mình; người phụ nữ bị ung thư tử cung có thể cảm thấy mình không còn là phụ nữ nữa. Cô ca sĩ opera của chúng tôi đã phản ứng với cuộc phẫu thuật khuôn mặt và nhổ răng của như một cú sốc, mất tinh thần và thái độ chán nản sâu sắc nhất. Nhưng đấy chỉ là một trong nhiều mất mát mà bệnh nhân giai đoạn cuối phải chịu đựng mà thôi.

Với nhiều lần nhập viện và những biện pháp điều trị khác nhau, bệnh nhân còn phải chịu thêm gánh nặng tài chính; ban đầu là những thứ xa xỉ, sau đó là cả những thứ cần thiết cũng không còn tiền để mua. Những khoản tiền khổng lồ dành cho những lần điều trị và nhập viện trong những năm qua buộc bệnh nhân phải bán những tài sản duy nhất của mình; họ không thể giữ được ngôi nhà được xây cho mục đích dưỡng lão, không thể cho con vào đại học, và có lẽ không thể biến nhiều ước mơ thành hiện thực.

Chúng ta có thể thêm khả năng mất việc do thường xuyên vắng mặt hoặc không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ, và các bà mẹ và vợ có thể phải trở thành trụ cột của gia đình, do đó, họ không thể quan tâm tới con cái như trước nữa. Khi các bà mẹ bị bệnh, có thể phải nhờ người thân chăm sóc những đứa con nhỏ, làm cho bệnh nhân càng cảm thấy buồn và mặc cảm tội lỗi hơn nữa.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân đều biết rõ tất cả những lý do dẫn đến hiện tượng chán nản này. Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng quên rằng đấy là đau khổ mang tính chuẩn bị, mà bệnh nhân giai đoạn cuối phải trải qua nhằm chuẩn bị cho cuộc chia ly vĩnh viễn với thế giới này. Nếu tôi tìm cách phân biệt hai loại chán nản này, tôi sẽ coi loại thứ nhất là chán nản phản ứng, loại thứ hai là chán nản chuẩn bị. Cái trước có bản chất khác và phải xử lý hoàn toàn khác với cái sau.

Người hiểu biết sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm ra nguyên nhân của chán nản và giảm bớt một số mặc cảm tội lỗi hoặc xấu hổ không có thực, thường đi kèm với chán nản. Một người phụ nữ lo lắng rằng mình không còn là phụ nữ, có thể được người ta khen vì một số đặc điểm rất nữ tính; người đó có thể yên tâm rằng mình vẫn là người phụ nữ như trước khi phẫu thuật. Vú giả gia tăng lòng tự trọng của bệnh nhân ung thư vú. Nhân viên xã hội, bác sĩ hoặc cha tuyên úy có thể thảo luận về những lo lắng của bệnh nhân với người chồng, giúp bệnh nhân nâng cao lòng tự trọng. Trong giai đoạn này, nhân viên xã hội và cha tuyên úy có thể rất có ích trong việc hỗ trợ tổ chức lại gia đình, đặc biệt là khi phải suy nghĩ đến việc sắp xếp cho trẻ em hoặc người già neo đơn có liên quan tới người bệnh. Mức độ chán nản của bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng khi có người lo cho những vấn đề quan trọng này, đấy là hiện tượng gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi. Cuộc phỏng vấn bà C. trong Chương X là một ví dụ điển hình về một người phụ nữ chán nản quá mức và cảm thấy không thể đối phó với bệnh tật và cái chết đang cận kề vì có quá nhiều người phải được chăm sóc và bà dường như không nhìn thấy sự giúp đỡ nào. Bà đã mất khả năng hoạt động trong vai trò trước đây, nhưng không có ai thay thế được bà.

Loại chán nản thứ hai không phải do mất mát những thứ trong quá khứ mà do người ta suy nghĩ về những mất mát sắp xảy ra. Phản ứng đầu tiên của chúng ta trước những người buồn bã thường là cố gắng làm họ vui lên, bảo họ đừng nhìn mọi thứ một cách quá bi quan hay vô vọng. Chúng ta khuyến khích họ nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc đời, nhìn vào tất cả những điều tích cực, đầy màu sắc xung quanh họ. Đây thường là biểu hiện của nhu cầu của chính chúng ta, chúng ta không thể chịu đựng khuôn mặt buồn bã trong một khoảng thời gian dài. Đây có thể là một cách tiếp cận hữu ích trong khi đối phó với loại chán nản thứ nhất ở những bệnh nhân giai đoạn cuối. Nó sẽ giúp người mẹ khi bà biết rằng bọn trẻ chơi khá vui vẻ trong khu vườn của người hàng xóm, vì chúng chơi ở đó trong khi ông bố đi làm. Nó có thể giúp người mẹ biết rằng chúng vẫn tiếp tục cười đùa, đi dự tiệc và đưa bảng điểm tốt về nhà - tất cả đều là những biểu hiện chứng tỏ rằng con cái bà vẫn đi học, đi chơi, dù mẹ chúng không có mặt.

Khi chán nản là biện pháp chuẩn bị cho mất mát tất cả những người thân yêu sắp xảy, để tạo điều kiện cho trạng thái chấp nhận, thì những lời động viên và dỗ dành không còn ý nghĩa nữa. Không cần khuyến khích bệnh nhân nhìn vào khía cạnh tích cực của cuộc đời, vì như thế có nghĩa là người đó không nên suy ngẫm về cái chết sắp tới của mình. Sẽ là phản cảm nếu nói với người đó là đừng buồn, vì tất cả chúng ta đều vô cùng đau buồn khi mất người thân yêu. Bệnh nhân đang sắp sửa mất tất cả mọi thứ, kể cả những người mà người đó yêu thương. Nếu bệnh nhân được tạo điều kiện bày tỏ nỗi buồn của mình, người đó sẽ dễ dàng chấp nhận hơn hẳn, và người đó sẽ biết ơn những người có thể ngồi bên cạnh mình trong giai đoạn chán nản này; mà không cần liên tục bảo là đừng buồn. Loại chán nản thứ hai này thường diễn ra trong im lặng, ngược hẳn với loại thứ nhất, trong đó bệnh nhân có nhiều điều có thể chia sẻ và đòi hỏi nhiều tương tác bằng ngôn từ và thường là cần sự can thiệp tích cực của nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong nỗi buồn mang tính chuẩn bị, không có hoặc có rất ít chuyện cần nói. Đó là tình cảm có thể được bày tỏ giữa hai người và thường được thể hiện bằng cách chạm vào tay, vuốt tóc hay chỉ ngồi im lặng bên nhau. Đây là lúc mà bệnh nhân có thể chỉ cần cầu nguyện, đấy khi người đó bắt đầu lo lắng tới những việc ở phía trước chứ, không còn lo lắng về những việc ở phía sau nữa. Đó là lúc mà những vị khách tìm cách động viên bệnh nhân sẽ cản trở quá trình chuẩn bị về mặt cảm xúc của người đó, chứ không đẩy nhanh quá trình này.

Ông H. là ví dụ minh họa cho hiện tượng chán nản trở nên xấu đi do những người xung quanh ông ta, đặc biệt là người thân trong gia đình, không có nhận thức và hiểu biết về nhu cầu của bệnh nhân. Ông ta có cả hai loại chán nản, đấy là khi ông ta thể hiện những hối tiếc về “thất bại” của mình khi còn có sức khỏe, về những cơ hội đã bị mất khi vẫn còn thời gian để ở bên gia đình và nỗi buồn khi không thể chu cấp nhiều hơn cho người thân. Sư chán nản của ông ta song hành với việc ông ta ngày càng yếu đi và không có khả năng hoạt động trong vai trò người đàn ông và người chu cấp cho gia đình. Cơ hội được điều trị bổ sung đầy hứa hẹn không làm cho ông ta vui lên. Những cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho thấy ông ta sẵn sàng chia tay với cuộc đời này. Ông ta buồn vì buộc phải chiến đấu để giành cuộc sống, trong khi đã sẵn sàng chết. Chính khác biệt giữa mong muốn và sẵn sàng chết của bệnh nhân với kỳ vọng của những người xung quanh ông ta đã gây ra những đau buồn và rối loạn dữ dội nhất cho một số bệnh nhân của chúng tôi. Nếu những người làm nghề trợ giúp có thể nhận thức rõ hơn về sự khác biệt hoặc xung đột giữa bệnh nhân và những người gần gũi với bệnh nhân, thì họ có thể chia sẻ nhận thức của mình với gia đình bệnh nhân và hỗ trợ được rất nhiều cho bệnh nhân và gia đình họ. Những người làm nghề trợ giúp nên biết rằng chán nản kiểu này là cần và có lợi, đấy là nói nếu bệnh nhân chết trong giai đoạn chấp nhận và thanh thản. Chỉ những bệnh nhân đã có thể vượt qua những thống khổ và lo lắng mới có thể vươn tới được giai đoạn này. Nếu có thể chia sẻ với gia đình họ những lời trấn an như thế, thì họ cũng có thể tránh được nhiều đau đớn không cần thiết.

Buổi phỏng vấn đầu tiên với ông H. được trình bày trong đoạn sau:

Bệnh nhân: Tôi có phải nói rất to hay không?

Bác sĩ: Không, thế được rồi. Nếu chúng tôi không thể nghe rõ, thì chúng tôi sẽ nói. Ông có thể nói to hết mức, quan trọng là ông cảm thấy thoải mái. Anh H. nói nếu tôi nâng được tâm lý của anh ấy lên, thì anh sẽ nói chuyện vui vẻ, vì anh đã học về truyền thông.

Bệnh nhân: Lý do là vì tôi rất chóng mặt và mệt mỏi.

Bác sĩ: Ông muốn nói gì khi bảo “tôi nâng được tâm lý của anh ấy lên”?

Bệnh nhân: Vâng, người ta có thể cảm thấy thể chất bình thường ngay cả khi không phải như thế. Nó cung cấp cho bạn một loại thang máy về mặt tâm lý. Theo một cách nào đó, người ta cảm thấy cực kỳ tốt, chị biết đấy, chẳng hạn như nếu có tin tốt hoặc điều gì đó tương tự, ý tôi là như thế.

Bác sĩ: Những điều ông đang thực sự nói là nói về những điều tốt đẹp chứ không phải về những điều xấu.

Bệnh nhân: Chị nói chúng tôi là tốt?

Bác sĩ: Có phải đấy là điều ông đang nói?

Bệnh nhân:Ồ, không, không hề. . .

Cha tuyên úy: Tôi nghĩ ông ấy chỉ nói rằng, muốn một chút ủng hộ về mặt đạo đức.

Bác sĩ: Vâng. Vâng, đương nhiên rồi.

Bệnh nhân: Ý tôi là nếu tôi ngồi đây hơn năm phút thì tôi có thể sẽ gục, vì tôi quá mệt và tôi đã ngồi quá ít.

Bác sĩ: Được rồi, vậy tại sao chúng ta không đi thẳng vào vấn đề mà chúng ta muốn nói.

Bệnh nhân: Tốt qúa.

Bác sĩ:: Thực ra, chúng tôi không biết gì về ông. Điều chúng tôi đang tìm cách học hỏi từ bệnh nhân là làm sao chúng tôi có thể nói chuyện với họ như những con người, mà không cần trước hết xem phác đồ điều trị và tất cả những thứ đó.

Vì vậy, có lẽ, ngay từ đầu, ông có thể cho chúng tôi biết một bản tóm tắt rất ngắn gọn về tuổi tác, nghề nghiệp và ông đã nhập bệnh viện được bao lâu.

Bệnh nhân: Tôi đã ở đây khoảng hai tuần và đại khái thế, tôi là kỹ sư hóa, làm thương mại. Và tôi có bằng tốt nghiệp về kỹ thuật hóa học, ngoài ra tôi đã tham gia các khóa học tại trường Đại học về truyền thông.

Bác sĩ: (Nghe không rõ)

Bệnh nhân: Ồ, không hẳn, bởi vì vào lúc tôi đang làm cái này, thì họ có một khóa học về truyền thông, còn khi tôi học xong thì họ đã bỏ môn này.

Bác sĩ: Tôi hiểu rồi.

Cha tuyên uý: Cái gì làm cho ông quan tâm tới truyền thông? Là kỹ sư hóa học, đây là công việc hay sở thích của riêng của ông?

Bệnh nhân: Sở thích của riêng của tôi.

Bác sĩ: Cái gì làm cho ông phải nhập viện trong lần này? Đây có phải là lần đầu tiên ông nhập viện hay không?

Bệnh nhân: Lần đầu tiên tôi vào bệnh viện này.

Bác sĩ: Cái gì đưa ông đến đây?

Bệnh nhân: Vâng, thực tế là tôi cần xử lý thêm căn bệnh ung thư. Tôi đã mổ vào tháng tư.

Bác sĩ: Tháng Tư năm nay?

Bệnh nhân: Ở bệnh viện khác.

Bác sĩ: Trong năm nay? Và lúc đó ông được chẩn đoán là bị ung thư?

Bệnh nhân: Rồi sau đó không có bất kỳ chẩn đoán nào khác, tôi đã yêu cầu được vào bệnh viện này và tôi được vào.

Bác sĩ: Tôi hiểu rồi. Làm sao ông biết tin này? Tháng Tư người ta bảo rằng ông bị ung thư?

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ:: Làm sao ông biết, họ nói với ông thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, đương nhiên đó là một đòn mạnh.

Bác sĩ: Ừm ừm. Nhưng những người khác nhau phản ứng rất khác nhau trước những cú ra đòn như thế.

Bệnh nhân: Vâng, vâng, đó là một cú đánh mạnh hơn, vì họ không cho tôi chút hy vọng nào.

Bác sĩ: Không một chút nào?

Bệnh nhân: Không một chút nào. Chính ông bác sĩ đó nói rằng bố ông ta đã trải qua một cuộc phẫu thuật tương tự, trong cùng bệnh viện đó, cùng bác sĩ phẫu thuật, và ông ta không thể hồi phục và qua đời trong vòng khoảng một năm rưỡi ở cùng độ tuổi như tôi. Tôi còn mỗi một việc để làm là chờ đợi cái kết đắng cay.

Bác sĩ: Khá tàn nhẫn. Ông biết đấy, người ta tự hỏi liệu vị bác sĩ này có làm như thế vì nó đã xảy ra trong chính gia đình ông ấy hay không.

Bệnh nhân: Vâng, kết quả cuối cùng thật tàn nhẫn, nhưng nguyên nhân là do ông ta đã thực sự có trải nghiệm này.

Bác sĩ:: Ông nghĩ, sự kiện đó làm cho nó có thể bào chữa được. Làm cho người ta dễ hiểu.

Bệnh nhân: Vâng.

Cha tuyên úy: Ông phản ứng thế nào, khi ông ta làm như thế, khi ông ta nói với ông?

Bệnh nhân: Đương nhiên là tôi cảm thấy suy nhược và ở nhà theo yêu cầu của ông ta và nghỉ chứ không làm quá nhiều nữa. Nhưng tôi làm quá nhiều, tôi cũng đi loanh quanh khá nhiều, ông biết đấy, thăm viếng, người này người kia và những việc khác nữa. Nhưng sau khi tôi đến đây và phát hiện được rằng, tình trạng của mình còn hy vọng, tình trạng của tôi không phải là vô vọng, rồi tôi phát hiện được rằng mình đã làm sai, tôi đã tập thể dục quá nhiều, và giá như lúc đó tôi biết rằng lúc đó tôi có phong độ đỉnh cao ngay lập tức.

Bác sĩ: Có nghĩa là lúc này ông đang tự trách mình vì đã làm quá nhiều.

Bệnh nhân: Không, tôi không nói thế, tôi không biết. Không có đổ lỗi cho cách này hay cách khác. Tôi không đổ lỗi cho bác sĩ vì trải nghiệm của chính ông ta, tôi cũng không đổ lỗi cho mình vì tôi không có kiến ​​thức.

Bác sĩ: Vâng. Trước khi đến bệnh viện đó, ông có linh cảm gì không? Ông đã có những triệu chứng nào? Ông có bị đau hay có cảm giác rằng, điều gì đó không ổn nghiêm trọng không?

Bệnh nhân: Vâng, tôi ngày càng suy nhược, nhưng một hôm, tôi thấy trong bụng quá tệ và tôi phải làm hậu môn nhân tạo. Đấy là phẫu thuật mà tôi đã phải làm.

Bác sĩ: Vâng. Điều tôi thực sự muốn hỏi là ông đã chuẩn bị bao nhiêu cho cú đánh này. Bằng cách nào đó ông có linh cảm thấy không?

Bệnh nhân: Hoàn toàn không.

Bác sĩ:: Hoàn toàn không. Ông khỏe, ông là người đàn ông khỏe mạnh cho đến lúc nào?

Bệnh nhân: Cho đến khi nhập viện.

Bác sĩ: Tại sao ông lại vào bệnh viện?

Bệnh nhân:Vâng, chỉ để cho bác sĩ xem vì tôi bị táo bón và tiêu chảy luân phiên nhau.

Bác sĩ: Ừm ừm. Ông đang nói là thực ra ông đã không chuẩn bị.

Bệnh nhân: Hoàn toàn không. Không chỉ có thế, mà họ còn đưa tôi đến bệnh viện trong vòng vài giờ sau khi tôi đến văn phòng của ông ta và trong vòng một tuần hoặc lâu hơn một chút ông ta đã mổ cho tôi.

Bác sĩ: Vì vậy, có cảm giác cấp bách. Rồi sau đó họ làm hậu môn nhân tạo hay còn gì nữa?

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Vâng, và khó làm phải không?

Bệnh nhân: Dạ?

Bác sĩ: Khó làm.

Bệnh nhân: Ồ, không, làm hậu môn nhân tạo khá dễ.

Bác sĩ: Dễ làm à?

Bệnh nhân: Người ta nghĩ đó chỉ là một phần của căn bệnh; nói cách khác, hậu môn nhân tạo được cho là sẽ cho thấy tất cả những thứ khác, nhưng những thứ chúng tiết lộ rõ ràng là không đúng.

Bác sĩ: Làm sao mọi thứ trở nên tương đối. Hừm, tôi nghĩ rằng phải chịu những đau đớn do hậu môn nhân tạo gây ra, nhưng khi đấy là vấn đề sống chết thì hậu môn nhân tạo là chuyện vặt so với những thứ tồi tệ khác.

Bệnh nhân: Chắc chắn rồi, sẽ chẳng là gì nếu người đó tiếp tục sống.

Bác sĩ: Vâng. Sau khi ông biết tin này, chắc hẳn là ông đã suy nghĩ về việc mọi thứ sẽ ra sao khi ông chết. Ông sẽ sống được bao lâu nữa. Làm sao người đàn ông như ông đối phó với những câu hỏi như thế?

Bệnh nhân: À thực ra tôi đã có quá nhiều đau buồn mang tính cá nhân trong trong cuộc sống của chính mình, cho nên dường như chuyện đó không phải là nhiều lắm. Chỉ thế thôi.

Bác sĩ: Thật sao?

Cha tuyên úy: Nỗi đau mang tính cá nhân?

Bệnh nhân: Một loạt trong một thời gian.

Cha tuyên úy: Ông có muốn nói về chuyện đó không?

Bệnh nhân: Ồ vâng, không sao đâu ạ.

Bác sĩ: Có nghĩa là cá nhân ông có nhiều mất mát?

Bệnh nhân: Vâng, cha và mẹ tôi mất, anh trai tôi chết, một cô con gái hai mươi tám tuổi chết, để lại hai đứa con thơ mà chúng tôi chăm sóc trong suốt ba năm, cho đến tháng 12 năm ngoái. Và đó là cú đánh tồi tệ nhất, vì nó là một lời nhắc nhở liên tục về cái chết của con gái tôi.

Cha tuyên úy: Mấy đứa trẻ ở trong nhà ông. Cô con gái ông chết vì bệnh gì?

Bệnh nhân: Con gái tôi chết vì khí hậu khắc nghiệt ở Ba Tư.

Cha tuyên uý: Khi cháu ở nước ngoài?

Bệnh nhân: 50 độ trong bóng râm, gần như quanh năm.

Cha tuyên uý: Khi cháu ở xa nhà.

Bệnh nhân: Con gái tôi không phải là loại người có thể chịu đựng được cuộc sống khắc nghiệt.

Bác sĩ: Anh có mấy con? Đây có phải là người con duy nhất của anh?

Bệnh nhân: Ồ, không, chúng tôi còn ba đứa khác.

Bác sĩ: Anh còn ba con nữa. Hiện chúng thế nào?

Bệnh nhân: Tốt.

Bác sĩ: Chúng không sao chứ? Anh biết tôi không hiểu chuyện gì chứ? Anh là người đàn ông trung niên - tôi không biết anh bao nhiêu tuổi - nhưng một người đàn ông trung niên thường không còn cha mẹ. Con gái đương nhiên là đau khổ nhất, trẻ con bao giờ cũng đau khổ hơn. Tại sao anh nói rằng bởi vì anh đã có quá nhiều mất mát, cuộc sống của chính anh dường như không có gì đặc biệt?

Bệnh nhân: Tôi không thể trả lời câu hỏi đó.

Bác sĩ:  Thật là ngược đời, có phải không? Bởi vì nếu cuộc sống của anh không có gì đặc biệt thì chết là việc rất dể, có phải không? Anh đã thấy điều tôi không hiểu?

Cha tuyên uý:  Tôi chỉ tự hỏi liệu đây có phải là điều mà anh ấy đang cố gắng nói hay không. Đây có phải là những điều mà anh ấy đã tìm cách nói với người khác? Tôi không chắc chắn là những điều tôi nghe anh nói là tin anh bị ung thư tới như một cú đánh nữa vì những mất mát mà anh đã phải chịu đựng.

Bệnh nhân: Không, ồ không, tôi không có ý đó. Ý tôi là ngoài căn bệnh ung thư, tôi còn bị những cú đánh khác. Tuy nhiên, tôi sẽ nói, à, tôi chỉ đang cố gắng nghĩ ra một ý tưởng nhỏ mà tôi có, nó rất quan trọng. Ông hỏi tại sao tôi lại quan tâm đến cái chết hơn đời sống kể từ khi tôi có thêm ba đứa con nữa.

Bác sĩ: Tôi cũng nêu câu hỏi này ra để nhìn ở phía có ánh sáng.

Bệnh nhân: Vâng, vâng, tôi không biết liệu chị có nhận ra điều đó không, nhưng khi bị những cú đánh như thế, chúng không chỉ ảnh hưởng đến ông bố mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình. Chị thấy chứ?

Bác sĩ: Vâng, đúng như vậy.

Cha tuyên uý: Vậy là bà xã nhà anh cũng đã có một thời gian khá khó khăn?

Bệnh nhân: Vợ tôi và tất cả các con, tất cả các con. Và ông có thể nói rằng tôi đang ở đây, có thể nói là, sống trong nhà xác.

Bác sĩ: Trong một thời gian. Đúng thế.

Bệnh nhân: Nó tiếp tục diễn ra và tôi coi nó là vấn đề đau khổ chưa được giải quyết.

Bác sĩ:  Vâng. Điều mà anh H. thực sự muốn nói là đã có quá nhiều đau khổ cho nên lúc này rất khó gánh thêm đau khổ thêm nữa.

Bệnh nhân: Đúng như thế.

Bác sĩ: Chúng tôi có thể giúp được gì cho anh? Ai có thể giúp anh? Có người nào có thể giúp được không?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ vậy.

Bác sĩ: (Nghe không rõ) Có ai giúp anh chưa?

Bệnh nhân: Ngoài chị ra, tôi chưa bao giờ hỏi bất cứ người nào.

Bác sĩ: Có ai nói chuyện với anh như chúng ta đang nói lúc này?

Bệnh nhân:Không.

Cha tuyên uý: Vâng, còn những mất mát khác thì sao. Khi cô con gái anh qua đời, lúc đó anh có nói chuyện với ai không? Hay vợ anh có nói chuyện với ai không? Hay đây có phải là câu chuyện được để cho hai người để giữ trong lòng? Hai vợ chồng anh có bao giờ nói chuyện với nhau?

Bệnh nhân:  Không nhiều lắm.

Cha tuyên uý:  Anh phải giữ nó trong lòng?

Bác sĩ: Bây giờ vợ anh có đau buồn như lúc trước không? Hay là sau đó chị ấy đã hồi phục?

Bệnh nhân:  Không bao giờ có thể nói như thế.

Bác sĩ: Chị ấy có phải là người không thể giao tiếp không?

Bệnh nhân:  Cô ấy không nói về chuyện đó. Cô ấy, cô ấy là một người giao tiếp tốt, cô ấy là giáo viên.

Bác sĩ: Chị ấy là người như thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, cô ấy có thân hình vạm vỡ, tinh thần vui vẻ, kiểu người luôn được hoan nghênh nhiệt liệt vào đầu niên học và được món quà rất giá trị khi hết năm.

Bác sĩ:  Điều đó có ý nghĩa gì đó, anh biết đấy.

Cha tuyên uý:  Những người như thế là của hiếm.

Bệnh nhân:  Đúng vậy.

Bác sĩ:  Vâng.

Bệnh nhân: Cô ấy cũng là người hết mình vì tôi và gia đình.

Bác sĩ: Đối với tôi, nếu có người giúp đỡ thêm, chị ấy có thể nói về những chuyện đó.

Bệnh nhân: Vâng, chị nghĩ như thế, phải không.

Bác sĩ: Anh sợ nói về nó hay chị ấy cảm thấy bị ức chế khi nói về chuyện đó?

Bệnh nhân: Xin nhắc lại lần nữa.

Bác sĩ: Ai trong hai người cản trở cuộc trò chuyện như vậy?

Bệnh nhân:  Vâng, chúng tôi thực sự đã trò chuyện với nhau. Và câu trả lời của cô ấy là ra nước ngoài và nuôi những đứa trẻ ở đó. Vậy là cô ấy đã đi hơn hai năm liên tiếp trong mùa hè, trong đó có mùa hè vừa qua. Và, tất nhiên, đương nhiên là con rể của chúng tôi đã thanh toán cho những chuyến đi.

Các cháu ở với chúng tôi đến tháng Chạp rồi về. Rồi tháng 12 bà H. qua bên đó nghỉ lễ, rồi hè này về 1 tháng. Cô ấy định ở lại hai tháng nhưng vì tôi, cô ấy chỉ ở lại một tháng, vì đó là thời gian tôi dưỡng bệnh.

Cha tuyên uý: Tôi tự hỏi rằng anh muốn nói chuyện bao lâu về tình trạng của anh với vợ anh và những lo lắng của cô ấy về trách nhiệm của cô ấy đối với các cháu. Liệu nó có ảnh hưởng đến khả năng chia sẻ của anh hay có thể là ảnh hưởng tới cảm giác của anh rằng anh không nên chia sẻ và tạo gánh nặng cho cô ấy với bất cứ cái gì khác. Đã có bất kỳ cảm giác nào như thế không?

Bệnh nhân: Vâng, có những vấn đề khác giữa cô ấy và tôi. Mặc dù, như tôi đã nói, cô ấy là người rất cởi mở, nhưng tôi vẫn lo lắng, cô ấy cảm thấy rằng chính tôi chưa làm tốt công việc của mình.

Bác sĩ: Về mặt nào?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không kiếm đủ tiền. Và đương nhiên là với bốn đứa con, đấy là lý do vì sao, cô ấy cảm thấy như thế. Cô ấy cảm thấy rằng tôi nên giống như con rể, chị biết đấy. Cô ấy còn cảm thấy rằng, tôi phải chịu trách nhiệm vì đã không nuôi dạy đứa con trai út đúng mức. Vì sự kiện là nó có đặc điểm di truyền mà mọi người đều biết. Thậm chí cho đến bây giờ cô ấy vẫn đổ lỗi cho tôi.

Bác sĩ: Cô ấy đổ lỗi cho anh về chuyện đó?

Bệnh nhân:  Đổ lỗi cho tôi vì chuyện đó.

Bác sĩ: Cháu này đang làm gì?

Bệnh nhân: Nó ở trong Thủy quân lục chiến nhưng họ cho giải ngũ rồi.

Bác sĩ: Bây giờ anh ta đang làm gì?

Bệnh nhân: Vâng, đáng lẽ nó phải xin việc, công việc cũ của nó là bán hàng.

Cha tuyên uý:  Còn hai người con nữa của anh?

Bệnh nhân: Vâng, con trai thứ hai của tôi, cô ấy cũng đổ lỗi cho tôi. Vì nó học hơi chậm. Cô ấy cảm thấy rằng nếu ai đó vào đó và sẵn sàng giúp đỡ, ông biết đấy, cô ấy sẽ là máy phát năng lượng, đáng ra nó đã là đứa đứng đầu. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng trước sau gì cô ấy cũng sẽ nhận ra rằng nó sẽ không như thế. Đó chỉ là vấn đề di truyền. Người con trai đầu lòng khá tốt vì cô ấy thúc đẩy và nó vừa có bằng về điện tử.

Cha tuyên uý: Vì cô ấy thúc đẩy cậu này?

Bệnh nhân: Ồ, không, cháu rất thông minh, thằng này là người thông minh duy nhất, ông có thể nói như thế, trừ cô con gái.

Cha tuyên uý: Vâng, anh vừa nói đến di truyền. Anh nghĩ, yếu kém là do bên nào? Anh đã gây cho tôi ấn tượng là anh nghĩ rằng do phía anh. Hay vợ của anh gợi ý rằng từ phía anh.

Bệnh nhân: Vâng, tôi không biết cô ấy gợi ý gì về cái đó. Tôi không nghĩ cô ấy cảm thấy đấy là di truyền. Tôi nghĩ cô ấy cảm thấy việc tôi vào đó và làm đủ việc không phải là vấn đề. Trong thời gian rảnh rỗi, tôi nên làm việc gì đó. Tôi không chỉ cần kiếm nhiều tiền hơn, đó là chủ đề của cuộc sống của chúng tôi. Cô ấy sẽ giúp đỡ tôi bằng mọi cách, nhưng cô ấy luôn đổ lỗi cho tôi vì đã không hoàn thành vai trò của mình. Tôi phải kiếm được ít nhất là mười lăm ngàn một năm.

Bác sĩ: Tôi có cảm giác điều mà anh H. thực sự đang nói là vợ anh ấy là một người phụ nữ hoạt bát và tràn đầy năng lượng, chị ấy cũng muốn anh và các con của chị ấy cũng như vậy.

Bệnh nhân: Đúng thế.

Bác sĩ: Và chị ấy không thể chịu đựng được khi anh không giống chị ấy.

Bệnh nhân: Đúng thế.

Bác sĩ: Và nó có nghĩa là vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Và sau đó chị ấy nói hãy nhìn con rể của tôi, anh ta kiếm được rất nhiều tiền và có lẽ anh ta là người rất vui vẻ và tràn đầy năng lượng.

Bệnh nhân: Không chỉ con rể mà tất cả những người mà cô ấy biết.

Bác sĩ: Tôi nghĩ điều đó liên quan tới bệnh nhân H. vì khi anh ấy ốm và khi anh ấy yếu hơn

Bệnh nhân: Cho xin lỗi?

Bác sĩ: Khi anh bị ốm và ngày càng yếu đi, anh sẽ ít vui vẻ hơn, ít năng lượng hơn và kiếm được ít tiền hơn.

Bệnh nhân: Trên thực tế, đó là những thứ một lúc nào đó tôi đã nói với cô ấy. Khi tôi, khi tôi khoảng bốn mươi, chị biết đấy, tôi đã sống chậm lại một chút và tôi tự nhủ, nếu bây giờ mọi thứ diễn ra theo cách này, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra sau đó vì cô ấy trở nên hăng hái hơn.

Bác sĩ: Sẽ rất kinh khủng phải không?

Bệnh nhân: Vì cô ấy ngày càng vui vẻ hơn.

Bác sĩ: Tuy nhiên, nó có nghĩa là sẽ khó khăn hơn đối với anh. Chị ấy có phải là người không khoan dung với những người phải ngồi xe lăn không?

Bệnh nhân: Cô ấy cực kỳ không khoan dung với những người không đủ thông minh.

Bác sĩ: Vâng, khi anh yếu đuối về thể chất, anh vẫn có thể thông minh, anh biết đấy.

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Nhưng chị ấy không khoan dung với những người không có khả năng làm việc.

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Bởi vì anh lúc nào cũng có thể là người thông minh.

Bệnh nhân: Vâng, khi chúng ta nói thông minh, chúng ta muốn nói, à, áp dụng thông minh vào hành động. Đó là những thứ cô ấy muốn.

Cha tuyên uý: Tôi nghe anh nói thành công.

Bệnh nhân: Thành công, đúng thế.

Bác sĩ: Ừm ừm.

Cha tuyên uý: Họ không chỉ có khả năng mà còn làm được điều gì đó. Nhưng cái làm cho tôi suy nghĩ ở đây là làm sao mà với những việc đang diễn ra lại loại bỏ quyền hay cơ hội để anh có thể có để thực sự nói về mình và những căn bệnh của mình.

Bệnh nhân:: Đúng thế, và cả những đứa trẻ nữa.

Cha tuyên uý:  Đây là lo lắng.

Bệnh nhân: Tôi thấy là các con tôi chắc chắn là không phát triển được, đấy là do những yêu cầu quá cao của mẹ chúng. Chẳng hạn, cô ấy là một thợ may có tài, bên cạnh nghề giáo viên. Cô ấy có thể may một bộ vest cho đàn ông vào những ngày nghỉ cuối tuần. Và đẹp hơn những bộ mà ông đã thấy, chẳng khác gì bộ có giá 250 đôla.

Bác sĩ: Nhưng, những việc đó tạo cho anh cảm giác nào?

Bệnh nhân: Vâng, nó làm cho tôi có cảm giác là, việc cô ấy giỏi như thế nào đối với tôi cũng chẳng có gì khác biệt, vì tôi ngưỡng mộ cô ấy - tôi không biết phải nói thế nào - như một thần tượng, chị biết đấy. Sẽ chẳng có gì khác biệt nếu cô ấy không khăng khăng bắt tôi phải trở thành như thế.

Bác sĩ: Vâng. Làm sao anh có thể mắc bệnh?

Bệnh nhân: Đây thực sự là điểm chính.

Bác sĩ: Đó là những cái chúng tôi đang thực sự cố gắng tìm cho ra, làm sao để giúp được anh.

Bệnh nhân: Đây thực sự là điểm quan trọng nhất. Vì chị thấy nếu có bệnh, và người đau đớn, và người đó có nỗi buồn chưa được giải quyết, và người đó sống với một người đáp ứng mọi khía cạnh trong nỗi buồn này, chị biết đấy, tôi không biết mình sẽ sống như thế nào sau cái chết của con gái chúng tôi và đại khái như thế, câu trả lời xuất hiện ngay lập tức: “Hãy ngẩng cao đầu, suy nghĩ tích cực”, trên thực tế, cô ấy là người thích suy nghĩ tích cực.

Cha tuyên uý: Anh tiếp tục đi quá nhanh và anh sẽ không phải dừng lại và suy nghĩ về chuyện đó.

Bệnh nhân: Đúng vậy.

Bác sĩ: Nhưng anh ấy sẵn sàng suy nghĩ và nói về nó. Anh nên nói về nó; anh phải có ai đó để nói về nó.

Bệnh nhân: Bà xã ngắt lời giữa chừng. Không có khả năng để nói chuyện với cô ấy về bất kỳ chuyện gì trong những chuyện này.

Cha tuyên uý: Tôi hiểu rằng anh có rất nhiều niềm tin vào chính mình.

Bệnh nhân: Chính tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách giải quyết những vấn đề này. Vì tôi thực sự là người lao động rất chăm chỉ, giống như người cô ấy muốn. Tôi đã luôn như thế, tôi luôn là học sinh rất xuất sắc. Trong khóa học tại trường Đại học, tôi đạt điểm A và điểm B trong tất cả các môn học.

Cha tuyên uý: Nhưng tôi nghe anh nói rằng anh có khả năng làm việc đó, nhưng anh cũng biết rằng làm việc chăm chỉ sẽ không giải quyết được những xung đột mà cuộc sống đã tạo ra vào lúc này. Anh đã phân biệt giữa suy nghĩ về cuộc sống và suy nghĩ về cái chết, anh nhớ chứ?

Bác sĩ: Anh có bao giờ nghĩ đến cái chết chưa?

Bệnh nhân: Vâng. Chị định nói gì về nó?

Cha tuyên uý: Tôi chỉ băn khoăn không biết anh nghĩ gì về sự sống trong mối quan hệ với cái chết và ngược lại.

Bệnh nhân: Vâng, à, chúng ta phải thừa nhận điều đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết nhiều như thế, nhưng tôi đã nghĩ đến sự vô giá trị của đời sống trong những tình huống như thế.

Cha tuyên uý: Vô giá trị?

Bệnh nhân: Nếu ngày mai tôi chết, vợ tôi vẫn hoàn toàn bình thường.

Bác sĩ: Coi như không có chuyện gì xảy ra?

Bệnh nhân: Đó là cách tôi cảm nhận được. Cô ấy sẽ không bỏ lỡ một nhịp nào.

Cha tuyên uý: Hệt như cách cô ấy đối xử với những người chết khác? Hay có chút khác nhau?

Bệnh nhân: Sau khi con gái tôi chết, tại sao, cô ấy còn những đứa con khác. Nhưng nếu tôi không để lại bất kỳ đứa con nào, cuộc sống của cô ấy sẽ không thay đổi gì cả.

Cha tuyên uý: Cái gì làm cho anh có sức mạnh để đưa ra nhận xét rằng một trong những điều thú vị khi đến đây là người ta đã cho anh cảm giác hy vọng. Người ta nói rằng họ có thể làm một số việc cho anh và họ đang làm những việc đó. Cái gì chạm vào bên trong anh khát vọng sống của chính anh? Mặc dù anh cảm thấy vô giá trị, cái gì bên trong anh đã tìm thấy sự hài lòng và mong muốn tiếp tục sống. Đây có phải là niềm tin?

Bệnh nhân: Vâng, tôi có thể nói rằng đó là một kiểu hy vọng mù quáng hơn bất cứ thứ gì khác, và nhóm đồng tu của tôi cũng đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi là người hoạt động tích cực trong công việc của nhà thờ Trưởng lão trong rất nhiều năm. Tất nhiên, sự kiện là tôi có thể làm một số việc mà vợ tôi không thích, chẳng hạn như hát trong dàn đồng ca, dạy trong trường Chúa nhật và những việc tương tự như thế. Vâng, sự kiện là tôi đã có thể làm một số việc mà tôi cảm thấy có giá trị trong cộng đồng và những công việc đó đã giúp tôi. Nhưng những công việc nhỏ nhặt mà tôi làm trong thời gian đó đều bị coi là vô giá trị, vì thực tế là nó không mang lại được nhiều tiền.

Bác sĩ: Nhưng đó là quan niệm của chị ấy. Quan niệm của anh vẫn là nó đã được giá trị?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ nó đáng giá, rất đáng giá.

Bác sĩ: Anh thấy đấy, tôi nghĩ đây là điều quan trọng. Anh vẫn có cảm giác về giá trị. Đây là lý do vì sao tôi nghĩ hy vọng có ý nghĩa đối với anh. Anh vẫn muốn sống. Anh không thực sự muốn chết, phải không? Đó là lý do tại sao anh đến bệnh viện này.

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Với anh, chết có ý nghĩa gì? Đó là một câu hỏi khó nhưng có lẽ anh có thể trả lời.

Bệnh nhân: Chết có ý nghĩa gì đối với tôi?

Bác sĩ: Chết có ý nghĩa gì đối với anh?

Bệnh nhân: Chết. Nó có nghĩa là chấm dứt những hoạt động có giá trị. Giá trị trong trường hợp của tôi, tôi không cảm thấy giống như vợ tôi. Ý tôi không phải là các hoạt động kiếm tiền.

Cha tuyên uý: Anh đang nói về việc hát trong ca đoàn và dạy ở trường Chúa nhật. Cùng với mọi người, kiểu như thế.

Bác sĩ: Vâng.

Bệnh nhân: Tôi luôn là người hoạt động tích cực trong công việc cộng đồng, tất cả các hoạt động khac nhau. Cái làm cho đời sống trở thành vô giá trị vào lúc này là sự kiện là tôi nhìn vào bản thân mình từ quan điểm của bác sĩ, là không bao giờ tôi có thể quay trở lại những công việc này.

Bác sĩ: Còn bây giờ anh đang làm gì ở đây?

Bệnh nhân: Dạ?

Bác sĩ: Bây giờ anh đang làm gì ở đây?

Bệnh nhân: Việc tôi đang làm bây giờ là trao đổi quan điểm, có thể có ích.

Bác sĩ: Đó là một hoạt động có giá trị. Nó có thể có ích đối với anh, nhưng nó chắc chắn có ích đối với chúng tôi.

Cha tuyên uý:  Một hoạt động có giá trị theo cách hiểu của anh, chứ không phải của vợ anh.

Bác sĩ: Vâng, (cười) đó là lý do tại sao tôi muốn làm rõ. Điều anh đang thực sự nói là cuộc sống đáng sống miễn là anh có thể có giá trị nào đó và làm điều gì đó có giá trị.

Bệnh nhân: Nhưng chị biết đấy, có người đánh giá cao thì quá tuyệt với. Nếu chị yêu họ.

Bác sĩ: Anh có thực sự tin rằng chẳng người nào đánh giá cao anh?

Bệnh nhân: Tôi không tin là vợ tôi đánh giá cao.

Cha tuyên uý: Đó là điều mà tôi nghĩ anh ấy đang nói tới

Bác sĩ: Vâng, còn con của anh thì sao?

Bệnh nhân:Tôi nghĩ là chúng có. Nhưng vợ là vấn đề lớn, chị biết đấy, vợ của một người đàn ông. Đặc biệt nếu anh ta khá ngưỡng mộ vợ mình, chị biết đấy. Và cô ấy rất, chị có thể nói, rất là đáng yêu. Vì cô ấy tràn đầy năng lượng sinh động và tất cả những thứ đó.

Cha tuyên uý: Có thường xuyên xảy ra với cuộc hôn nhân của anh hay không? Hoặc nó dễ nhận ra hơn hơn sau giai đoạn đau buồn của anh? Và mất mát nữa?

Bệnh nhân: Không khác. Trên thực tế, tốt hơn sau những đau buồn và mất mát. Vâng, ví dụ, trong lúc này, cô ấy rất tốt với tôi trong một thời gian. Từ khi tôi nhập viện, nhưng vâng, luôn luôn như thế. Khi tôi bị ốm hay đại loại thế, tại sao, cô ấy cư xử rất tốt với tôi trong một thời gian. Nhưng sau đó cô ấy không xóa bỏ được sự kiện rằng đây là một người lười nhác, không kiếm được tiền.

Cha tuyên uý: Vâng, làm sao anh giải thích được những thứ đã xảy ra trong cuộc đời mình? Anh nói đến việc đi nhà thờ. Làm sao anh giải thích được những sự kiện đã xảy ra với anh? Theo nghĩa thái độ của anh đối với đời sống, một số người sẽ gọi là niềm tin của anh với đời sống. Chúa có vai trò gì trong đó?

Bệnh nhân: Ồ vâng. Vâng, trước hết, với tư cách là một Kitô hữu, Chúa Jesus Christ là người trung gian. Rất đơn giản. Khi tôi giữ tầm nhìn trong khi nhìn, mọi thứ diễn ra khá tốt. Và tôi khuây khỏa từ chính mình. Tôi có giải pháp cho những vấn đề mà mọi người lo lắng.

Cha tuyên uý: Điều mà anh ấy đang nói là giữa vợ và anh ấy là cần một người hòa giải, và anh đã nói đến Chúa Christ như một người hòa giải trong các vấn đề khác của anh. Anh đã nghĩ về điều này theo quan điểm của vợ anh và quan hệ của anh hay chưa?

Bệnh nhân: Tôi đã nói, nhưng đáng tiếc mà cũng có thể không đáng tiếc, vợ tôi là người rất năng động.

Cha tuyên uý: Tôi đã nghe anh nói rằng bà xã là người rất năng động và tích cực đến nỗi không có chỗ cho Thiên Chúa năng động trong cuộc đời cô ấy. Sẽ không có chỗ cho người hòa giải.

Bệnh nhân: Vâng, đó là trường hợp của cô ấy.

Bác sĩ: Anh có nghĩ rằng chị ấy sẵn sàng nói chuyện với một người trong chúng tôi?

Bệnh nhân: Tôi tin chắc là sẽ, vâng.

Bác sĩ: Nếu anh hỏi chị ấy? Chắc anh sẽ không sao chứ?

Bệnh nhân: Vợ tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đi khám bác sĩ tâm thần, đặc biệt là đi cùng với tôi.

Bác sĩ: Ừm ừm. Bác sĩ tâm thần thì có gì đáng sợ?

Bệnh nhân: Chính những điều chúng ta đang nói. Tôi nghĩ rằng cô ấy sẽ che dấu.

Bác sĩ: Vâng, xin xem cuộc phỏng vấn diễn ra như thế nào. Nó có thể có ích. Và nếu anh đồng ý, thỉnh thoảng chúng tôi sẽ ghé qua. Được chứ?

Bệnh nhân: Chị sẽ ghé, chị nói thế mà?

Bác sĩ: Và thăm anh.

Bệnh nhân: Tại giường của tôi?

Bác sĩ và Cha tuyên uý: Vâng.

Bệnh nhân: Thứ Bảy này tôi sẽ ra viện.

Bác sĩ: Tôi hiểu. Vì vậy, chúng ta không có nhiều thời gian.

Cha tuyên uý: Vâng, nếu lúc nào đó anh quay lại phòng khám, anh có thể quay lại gặp bác sĩ được không?

Bệnh nhân: Tôi không dám chắc, nhưng có thể. Đó là một chuyến đi dài, dài.

Cha tuyên uý: Vâng, tôi hiểu rồi.

Bác sĩ: Vâng, nếu đây là lần gặp cuối cùng của chúng ta, có thể anh có một số câu hỏi muốn hỏi.

Bệnh nhân: Vâng, tôi nghĩ rằng một trong những lợi thế lớn nhất của cuộc phỏng vấn này là rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra mà tôi không nghĩ tới.

Bác sĩ: Nó cũng giúp chúng tôi.

Bệnh nhân:Tôi nghĩ rằng bác sĩ R. đã đưa ra một số gợi ý rất hay và chị cũng đưa ra những gợi ý hay. Nhưng tôi còn biết một điều nữa, nếu tôi không cải thiện một cách triệt để, tại sao, thì thể chất của tôi sẽ không được chữa khỏi.

Bác sĩ: Có đáng sợ không?

Bệnh nhân: Đáng sợ?

Bác sĩ: Tôi không thấy anh sợ gì hết.

Bệnh nhân: Không, tôi không sợ, vì hai lý do. Thứ nhất, tôi có đức tin tôn giáo khá vững chắc, dựa trên thực tế là tôi đã truyền đức tin cho người khác.

Bác sĩ:  Vì vậy, anh có thể nói về mình rằng anh là người không sợ chết và chấp nhận nó khi nó đến, chỉ như vậy thôi.

Bệnh nhân: Vâng, tôi không sợ chết, nhưng dù ít dù nhiều, tôi sợ không còn cơ hội tiếp tục các hoạt động trước đây của mình. Vì, chị thấy đấy, tôi không thực sự thích kỹ thuật cũng như làm việc với mọi người.

Cha tuyên uý:  Do đó anh quan tâm tới truyền thông.

Bệnh nhân: Một phần là vì thế, vâng.

Cha tuyên uý: Điều làm tôi ấn tượng không phải là không sợ hãi, mà là lo lắng, cảm giác hối hận về mối quan hệ của anh với bà xã.

Bệnh nhân: Tôi đã hối hận suốt đời, vì đã không thể nói chuyện được với cô ấy. Ông có thể nói thực à, nếu ông tìm hiểu kĩ, trong nghiên cứu về giao tiếp của tôi, tôi không thực sự biết, nhưng có lẽ 90% là tôi đang cố gắng gần gũi với vợ mình.

Bác sĩ: Tìm cách nói với chị ấy, phải không? Anh chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự giúp đỡ chuyên nghiệp nào? Anh biết đấy, tôi có cảm giác rằng có thể giúp được, có thể giúp được.

Cha tuyên uý: Đó là lý do vì sao cuộc họp ngày mai rất quan trọng.

Bác sĩ: Vâng, vâng. . . Vì vậy, tôi không cảm thấy thực sự vô ích, nó không phải là không thể sửa chữa, anh biết đấy. Anh vẫn còn thời gian để làm điều đó.

Bệnh nhân: Vâng, tôi muốn nói rằng chừng nào tôi còn sống thì còn hy vọng vào cuộc đời.

Bác sĩ: Đúng vậy.

Bệnh nhân: Nhưng sống không phải là tất cả mọi thứ trên thế gian. Chất lượng của đời sống, tại sao bạn sống.

Cha tuyên uý: Vâng, tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội đến thăm anh. Tôi muốn ghé thăm anh tối nay trước khi tôi về nhà tối nay.

Bệnh nhân: Vâng, tôi muốn làm việc đó ... Ồ ... (bệnh nhân không muốn rời đi) ... Chị định hỏi tôi một số câu hỏi mà chị chưa hỏi.

Bác sĩ: Tôi đã nói như thế?

Bệnh nhân: Ừm ừm.

Bác sĩ: Tôi đã quên chuyện gì?

Bệnh nhân: Tôi hiểu từ những điều chị nói là chị không chỉ chịu trách nhiệm về buổi hội thảo này mà còn. Vâng, chị phụ trách việc gì, chúng ta hãy nói như vậy. Có người nào đó quan tâm đến quan hệ giữa tôn giáo và tâm thần học.

Bác sĩ: Vâng, tôi bắt đầu hiểu. Anh thấy đấy, rất nhiều người có quan niệm khác về những gì chúng tôi đang làm ở đây. Tôi thích nhất là được nói chuyện với người ốm hay những bệnh nhân hấp hối. Để hiểu họ hơn một chút. Để dạy cho nhân viên bệnh viện cách chúng ta có thể giúp họ tốt hơn, và cách duy nhất chúng ta có thể dạy điều đó là coi bệnh nhân là người thầy của mình, anh biết đấy.

Cha tuyên uý: Anh có câu hỏi nào về quan hệ tôn giáo hay không?

Bệnh nhân:Vâng, tôi đã có một số câu hỏi. Ví dụ, một là bệnh nhân bình thường sẽ chỉ gọi cho cha tuyên úy, mà không gọi cho bác sĩ tâm lý nếu anh ta cảm thấy quá yếu.

Bác sĩ: Đúng thế.

Bệnh nhân: Vâng. Sau đó, câu hỏi đã được ông hay một người nào đó đã hỏi tôi, tôi cảm thấy thế nào về công việc của các cha tuyên úy. Và tôi nói rằng tôi đã chết lặng khi biết rằng tôi đã yêu cầu cha tuyên úy vào lúc nửa đêm và cha tuyên úy không làm việc ban đêm. Ý tôi là tôi không thể tin được, không thể tin được. Bởi vì người ta cần cha tuyên úy vào lúc nào? Chỉ vào ban đêm thôi, tin tôi đi. Đó là khi người ta ném găng tay đấm bốc đi và tự mình chiến đấu. Đấy là lúc người ta cần cha tuyên úy. Tôi sẽ nói chủ yếu là khoảng mười hai giờ, vân vân.

Bác sĩ: Sáng sớm.

Bệnh nhân: Và nếu người ta cho các vị xem biểu đồ thì nhiều nhất khoảng 3 giờ sáng. Và nó chỉ nên như thế. Ông bấm chuông, y tá đến, “Tôi muốn gặp cha tuyên úy”, trong vòng năm phút, cha tuyên út xuất hiện, còn ông thì đang trên đường đến.

Bác sĩ: Để thực sự nói chuyện.

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Đây là câu hỏi mà anh muốn tôi hỏi, công việc của cha tuyên úy làm cho anh hài lòng đến mức nào. Tôi hiểu rồi, có lẽ tôi đã hỏi câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi hỏi anh là ai đã giúp anh, có ai đã giúp anh không. Lúc đó anh đã không nói tới cha tuyên úy.

Bệnh nhân: Đó là rắc rối với chính nhà thờ. Khi nào người ta cần giáo sĩ.

Bác sĩ: Vâng.

Bệnh nhân: Thông thường người ta ấy cần vào khoảng ba giờ sáng.

Bác sĩ: Vâng, Cha tuyên úy N. có thể trả lời, vì ông đã thức suốt đêm hôm qua để xem xét bệnh nhân.

Cha tuyên uý: Tôi không cảm thấy tội lỗi như đáng lẽ tôi phải có, đêm qua tôi chỉ ngủ có hai tiếng thôi. Mặc dù vậy, tôi có thể đánh giá cao câu chuyện của anh, tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều được nói ra sẽ được cảm nhận.

Bệnh nhân: Và tôi nghĩ rằng đấy là ưu tiên cao nhất.

Cha tuyên uý:  Quan tâm thực sự đến người nào đó đang tìm kiếm giúp đỡ.

Bệnh nhân: Chắc chắn rồi, mục sư, mục sư Giáo hội Trưởng lão đã làm lễ cưới cho cha mẹ tôi, là kiểu người như thế. Nó không làm ông tổn thương chút nào. Tôi gặp cụ khi ấy đã 95 tuổi, thính giác vẫn tốt như ngày xưa, thị giác vẫn tốt như xưa, ông bắt tay như người mới 25.

Cha tuyên uý: Nó, một lần nữa tượng trưng cho một số thất vọng mà anh ta đã trải nghiệm.

Bác sĩ: Đây là một phần của buổi hội thảo, nhằm tìm ra những thứ đó, để chúng ta có thể làm việc hiệu quả hơn.

Bệnh nhân: Đúng thế. Và nói về các giáo sĩ, tôi cho rằng người ta sẽ ít có cơ hội được tư vấn khi cần, đấy là nói so với các bác sĩ tâm thần - đây là một điều đặc biệt - vì giáo sĩ được cho là không tìm kiếm tiền bạc, còn bác sĩ tâm thần thì được cho là cần trả một khoản tối thiểu. Vì vậy, ở đây chúng ta có một người tìm kiếm tiền bạc, anh ta có thể kiếm tiền vào ban ngày, ban đêm hoặc bất cứ lúc nào anh ta muốn, nhưng chúng ta có thể sắp xếp với một bác sĩ trị liệu để đến vào ban đêm, nhưng hãy tìm cách lôi được một giáo sĩ ra khỏi giường vào ban đêm.

Cha tuyên uý: Dường như anh đã có một số trải nghiệm với hàng ngũ giáo sĩ.

Bệnh nhân: Vị giáo sĩ của tôi hiện nay rất tốt, nhưng vấn đề là ông ấy phải giải quyết với cả một lũ trẻ con. Ít nhất là bốn đứa. Chà, khi nào ông sẽ ra ngoài? Sau đó, họ nói với tôi về việc họ, à, có những thanh niên trong chủng viện và những thứ tương tự như thế. Không nhiều lắm, thực tế là chúng tôi thậm chí còn gặp khó khăn khi tìm kiếm một số cho công việc Giáo dục Cơ đốc nhân. Nhưng tôi nghĩ nếu họ có nhà thờ đang hoạt động thì họ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc thu hút những người trẻ tuổi.

Cha tuyên uý: Tôi nghĩ chúng ta có một số điều cần nói, nhưng đấy không phải là một phần của buổi hội thảo. Đôi khi anh ấy và tôi sẽ gặp nhau và chúng tôi sẽ xem xét lại nhà thờ. Tôi đồng ý với một phần những gì anh ấy nói.

Bác sĩ: Vâng, nhưng tôi rất vui vì anh ấy đã nói ra những chuyện này. Đây là phần quan trọng. Dịch vụ điều dưỡng như thế nào?

Bệnh nhân: Ở đây?

Bác sĩ: Vâng.

 

Bệnh nhân:Vâng, thực tế là mỗi đêm tôi đều cần cha tuyên úy, đó là vì ban ngày tôi phải đối phó với các kiểu y tá không phù hợp. Có một số y tá ở đây làm việc hiệu quả nhưng họ xoa bóp cho bệnh nhân sai cách. Sự thật là, bạn cùng phòng với tôi đã nói, bạn sẽ khỏe hơn, nhanh gấp đôi nếu không có cô y tá đó. Cô ấy chiến đấu từng phút một, chị hiểu ý tôi chứ? Chị bước vào và nói, ồ, cô có thể giúp tôi một chút, từ việc ăn và vì tôi bị loét và bệnh gan và thứ này thứ kia và thứ khác. Cô ấy nói, tốt, chúng tôi rất bận, tất cả phụ thuộc vào anh. Muốn ăn thì ăn, không muốn thì thôi. Rồi có một y tá khác khá tốt bụng và theo cách cô ấy giúp đỡ bệnh nhân, nhưng cô ấy không bao giờ cười, không hề cười. Và đối với một người như tôi, một người bình thường, chị biết đấy, mỉm cười và được tiếng là có thiện chí, tại sao, dường như người ta thấy buồn khi nhìn cô ấy. Đêm nào cô ấy cũng vào và không một nụ cười.

Bác sĩ: Bệnh nhân cùng phòng với anh là người thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không thể nói chuyện với anh ta kể từ khi anh ta bắt đầu những phương pháp điều trị bằng cách thở, nhưng tôi tưởng tượng anh ta sẽ khá ổn vì anh ta không mắc nhiều bệnh khác nhau như tôi.

Bác sĩ: Anh biết ban đầu anh dự định chỉ khoảng năm hoặc mười phút và sau đó anh nói rằng anh sẽ rất, rất mệt. Anh vẫn có thể ngồi thoải mái chứ?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không sao.

Bác sĩ:  Anh có biết chúng ta nói chuyện bao lâu không? Một giờ.

Bệnh nhân: Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được mình có thể ngồi tới một giờ.

Cha tuyên uý: Chúng tôi rất ý thức về điều đó để không muốn làm anh mệt mỏi.

Bác sĩ:  Vâng, tôi thực sự nghĩ chúng ta nên dừng việc đó ngay bây giờ.

Bệnh nhân:Tôi nghĩ chúng ta đã nói về hầu hết mọi thứ.

Cha tuyên uý: Tôi sẽ ghé qua vào khoảng giờ ăn tối trước khi đi về nhà, để gặp lại anh.

Bệnh nhân: Vâng, sáu giờ à?

Cha tuyên uý: Năm giờ ba mươi đến sáu giờ, khoảng đó.

Bệnh nhân: Rất tốt ạ. Ông có thể giúp tôi ăn, vì tôi có cô y tá xấu nết.

Cha tuyên uý: Được rồi.

Bác sĩ:  Cảm ơn anh đã đến. Tôi rât cảm kich.

Cuộc phỏng vấn H. là ví dụ điển hình về cái mà chúng tôi gọi là “cuộc phỏng vấn mở”.

Nhân viên bệnh viện coi anh ta là người đàn ông dễ cáu kỉnh, ít giao tiếp và họ đoán rằng anh ta sẽ không đồng ý nói chuyện với chúng tôi. Ngay từ đầu, anh ta đã cảnh báo chúng tôi rằng có khả năng ngã quỵ nếu ngồi quá năm phút - tuy nhiên, sau một giờ trò chuyện, anh ta cảm thấy khó có thể ra đi và hoàn toàn ổn về thể chất cũng như tinh thần. Anh ta trăn trở với nhiều mất mát cá nhân, nặng nề nhất là cái chết của người con gái sống xa nhà. Tuy nhiên, cái làm cho anh ta buồn nhất là mất hết hy vọng. Nó liên quan trước hết đến việc bác sĩ nói về căn bệnh của anh ấy: “...họ không cho tôi chút hy vọng nào. Chính ông bác sĩ đó nói rằng bố ông ta đã trải qua một cuộc phẫu thuật tương tự, trong cùng bệnh viện đó, cùng bác sĩ phẫu thuật, và ông ta không thể hồi phục và qua đời trong vòng khoảng một năm rưỡi ở cùng độ tuổi như tôi. Tôi còn mỗi một việc để làm là chờ đợi cái kết đắng cay”.

H. không bỏ cuộc và chuyển sang bệnh viện khác, ở đấy họ đã cho anh ta hy vọng.

Ở phần sau cuộc phỏng vấn, anh ta thể hiện cảm giác tuyệt vọng khác, mà cụ thể là, anh ta không thể thuyết phục vợ chia sẻ một số sở thích và giá trị quan của mình. Cô ấy thường làm cho anh ta cảm thấy mình là một kẻ thất bại, anh ấy bị cho là có người lỗi khi các con của họ không đạt được thành tích, anh ta không kiếm được đủ tiền, và anh ta hoàn toàn nhận thức được rằng, đã quá muộn rồi, không thể đáp ứng được những đòi hỏi của vợ mình và không bao giờ đáp ứng được những kỳ vọng của cô ta. Khi cảm thấy yếu đi và không thể làm việc, nhìn lại cuộc đời mình, anh càng nhận ra sự khác biệt giữa các giá trị quan của vợ và của chính mình. Khoảng cách dường như lớn đến mức việc giao tiếp giữa hai người trở nên gần như bất khả thi. Tất cả đã xảy ra với người đàn ông này trong giai đoạn để tang con gái và khơi dậy nỗi buồn mà anh ta đã trải qua sau khi cha mẹ mình chết. Khi anh ta mô tả nỗi buồn này, chúng tôi có cảm giác rằng anh ta có quá nhiều đau buồn, anh ta không thể chịu thêm đau buồn nữa - do đó, cuộc đối thoại quan trọng nhất vẫn chưa được nói ra, chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại đó sẽ mang lại cho anh ta cảm giác bình yên. Trong tất cả vụ chán nản này, có cảm giác tự hào, cảm giác có giá trị mặc dù gia đình anh ta không đánh giá cao. Vì vậy, chúng tôi không thể không mong muốn trở thành cầu nối trong cuộc nói chuyện cuối cùng giữa bệnh nhân và vợ của anh ta.

Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu tại sao nhân viên bệnh viện không thể cho biết anh H. có nhận thức như thế nào về bệnh tình của mình. Anh ta không nghĩ nhiều về căn bệnh ung thư của mình, mà đang nhìn lại ý nghĩa của cuộc đời và tìm cách chia sẻ điều này với người quan trọng nhất - vợ mình. Anh ta vô cùng chán nản không phải vì bệnh nan y, mà vì chưa thôi khóc than cha mẹ và đứa con đã khuất. Khi đã có quá nhiều đau đớn, người ta sẽ không trải nghiệm cơn đau đớn mới như cơ thể khỏe mạnh chưa bị đau. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng có thể loại bỏ nỗi đau này, nếu chúng tôi có thể tìm cách nói tất cả với vợ H.

Sáng hôm sau, chúng tôi gặp chị ta, một phụ nữ cường tráng, mạnh mẽ, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống như H. miêu tả. Cô ấy xác nhận gần như nguyên văn những gì anh H. đã nói ngày hôm trước: “Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn như cũ khi anh ấy không còn nữa”. Anh ta yếu, thậm chí anh ấy không thể cắt cỏ hay làm những việc vặt khác, nếu làm anh ấy có thể ngất. Đàn ông sống trong trang trại là kiểu người khác, họ có cơ bắp rắn rỏi và mạnh mẽ. Họ làm việc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn và anh ta cũng không mấy quan tâm đến việc kiếm tiền… Vâng, cô ấy biết rằng anh ta không còn sống được bao lâu nữa, nhưng cô không thể đưa anh ta về nhà. Cô ta đã định đưa chồng vào viện dưỡng lão rồi sẽ vào đó thăm... Vợ H. nói tất cả những chuyện này với giọng điệu của một người phụ nữ bận rộn, có nhiều việc khác cần quan tâm, không thể để người khác quấy rầy. Có thể lúc đó tôi cảm thấy mất kiên nhẫn hoặc thông cảm với thái độ tuyệt vọng của H., nhưng tôi nhắc lại một lần nữa bằng ngôn từ của mình bản chất của những thông tin mà cô ta đưa ra. Tôi tóm tắt ngắn gọn rằng H. đã không đáp ứng được kỳ vọng của cô, anh ấy thực sự không giỏi về nhiều mặt, và sẽ chẳng ai thương tiếc khi anh ấy không còn nữa. Nhìn lại cuộc đời của anh ta, người ta có thể tự hỏi liệu có điều gì đáng nhớ hay không….

Vợ H. chợt nhìn tôi, giọng xúc động, bà gần như hét lên: “Ý chị là sao, anh ấy là người đàn ông trung thực và chung thủy nhất trên đời…”.

Chúng tôi ngồi thêm vài phút, trong thời gian đó tôi chia sẻ với cô ấy một số điều chúng tôi đã nghe được trong cuộc phỏng vấn. Vợ H. thừa nhận rằng cô chưa bao giờ nghĩ về anh ta theo kiểu này và hoàn toàn sẵn sàng công nhận những giá trị của anh ta. Chúng tôi cùng nhau trở lại phòng bệnh nhân và vợ H. tự nhắc lại bằng lời của mình những chuyện chúng tôi đã trao đổi tại phòng làm việc. Tôi sẽ bịa khi nói rằng khuôn mặt nhợt nhạt của bệnh nhân vùi trong cái gối của anh ta, mà là cái nhìn đầy kỳ vọng hiện rõ trên nét mặt, sự ngạc nhiên được thể hiện về việc liệu chúng ta có thể nói chuyện với nhau hay không. Và mắt anh ta sáng lên khi nghe chính vợ mình nói, “... và em đã nói với chị ấy rằng anh là người đàn ông trung thực và chung thủy nhất trên thế gian này, và thật khó tìm được người như thế trong những ngày này. Và trên đường về nhà chúng tôi sẽ đi ngang qua nhà thờ để lượm lặt một số công việc nhà thờ rất có ý nghĩa đối với anh. Nó sẽ làm cho anh có việc làm trong vài ngày tới ....”.

Có một chút ấm áp thực sự trong giọng nói của cô ta khi cô nói chuyện với chồng mình và chuẩn bị cho chồng xuất viện. “Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên chị,” anh nói khi tôi bước ra khỏi phòng, cả hai chúng tôi đều biết rằng sẽ không còn lâu nữa, nhưng lúc này, cái đó không quan trọng. 

No comments:

Post a Comment