Elisabeth Kubler-Ross
Phạm Nguyên Trường dịch
V
Giai đoạn thứ ba: Mặc cả
Lưỡi rìu của tiều phu tìm đến cây để xin cán.
Cây cho nó.
Tagore, Bày chim lạc
Giai đoạn thứ ba, giai đoạn mặc cả, ít người
biết hơn nữa, nhưng cũng rất hữu ích đối với bệnh nhân, mặc dù nó chỉ xảy ra
trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu chúng ta không thể đối mặt với những sự thật
đáng buồn trong giai đoạn thứ nhất và thái độ tức giận với mọi người và với
Chúa trong giai đoạn thứ hai, có lẽ chúng ta có thể thành công trong việc ký kết
một thỏa thuận nào đó nhằm trì hoãn sự kiện không thể nào tránh được: “Nếu Chúa
quyết định đưa chúng ta rời khỏi trái đất này và Ngài đã không đáp lại lời cầu
xin đầy giận dữ của tôi, thì Ngài có thể sẽ có thiện ý hơn nếu tôi cầu xin một
cách dễ thương hơn”. Tất cả chúng ta đều đã quen với phản ứng kiểu này, đấy là
khi chúng ta thấy con mình đòi hỏi, rồi sau mới xin ân huệ. Chúng có thể không
chấp nhận câu trả lời “Không” của chúng ta khi chúng muốn ngủ qua đêm ở nhà một
người bạn. Chúng có thể tức giận và giậm chân. Chúng có thể đóng cửa phòng ngủ
và tạm thời bày tỏ thái độ tức giận bằng cách không cho chúng ta vào phòng.
Nhưng chúng cũng sẽ suy nghĩ thêm. Chúng có thể cân nhắc cách tiếp cận khác. Cuối
cùng, chúng sẽ đi ra, tình nguyện làm một số việc nhà, mà trong những trường hợp
bình thường, chúng ta không bao giờ bắt được chúng làm, và sau đó nói với chúng
ta: “Nếu con ngoan suốt tuần và rửa bát mỗi tối, thì mẹ có cho con đi không?”
Có một cơ hội nhỏ là tự nhiên chúng ta sẽ chấp nhận vụ mặc cả và đứa trẻ sẽ nhận
được những thứ mà trước đó đã bị từ chối.
Bệnh nhân bị bệnh nan y cũng sử dụng những
thủ đoạn tương tự. Người bệnh biết, từ những trải nghiệm trong quá khứ, rằng có
một cơ hội mong manh, và người đó có thể được khen thưởng vì đã có hành vi tốt
và ước muốn sẽ được thực hiện vì đã làm được những việc đặc biệt. Ước muốn của
bệnh nhân bao giờ cũng là kéo dài tuổi thọ, tiếp theo là được vài ngày không bị
đau đớn hay khó chịu về thể xác. Một bệnh nhân là ca sĩ opera, với khối u ác
tính ở miệng và mặt, không thể biểu diễn trên sân khấu được nữa, đã xin “được
biểu diễn thêm một lần nữa”. Khi nhận ra rằng đấy là việc bất khả thi, có lẽ cô
đã có màn trình diễn cảm động nhất trong đời mình. Cô đã đề nghị được đến dự hội
thảo và phát biểu trước khán giả chứ không phải sau tấm gương một chiều (máy nhắc
chữ[1]). Cô kể câu chuyện cuộc đời
mình, thành công và bi kịch của mình trước cử tọa cho đến khi chuông điện thoại
gọi cô trở về phòng. Bác sĩ và nha sĩ sẵn sàng nhổ hết răng của cô để tiến hành
xạ trị. Cô ấy đã xin được hát một lần nữa - cho chúng tôi nghe - trước khi cô ấy
phải ẩn mình mãi mãi.
Một bệnh nhân khác bị đau đớn và khó chịu
vô cùng, không thể về nhà vì phải thường xuyên tiêm thuốc giảm đau. Trong khi
con trai bà, theo mong muốn của mẹ, đang chuẩn bị kết hôn. Bà rất buồn khi nghĩ
rằng mình sẽ không thể tham dự ngày trọng đại này, vì anh con trai là người con
cả và được bà yêu quý nhất. Bằng những nỗ lực có phối hợp, chúng tôi đã dạy bà ấy
cách tự thôi miên, giúp bà cảm thấy khá thoải mái trong vài tiếng đồng hồ. Bà
đã hứa hẹn sẽ làm mọi thứ, nếu có thể sống để tham dự buổi hôn lễ của con trai
mình. Một ngày trước đám cưới, bà xuất viện trông hệt như một quý bà thanh lịch.
Không người nào có thể tin vào tình trạng thực sự của bà ấy. Bà ấy là “người hạnh
phúc nhất trên thế gian” và trông thật rạng rỡ. Tôi tự hỏi, bà sẽ phản ứng như
thế nào khi giai đoạn mặc cả chấm dứt.
Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc khi
bà ấy trở lại bệnh viện. Bà ấy trông có vẻ mệt mỏi và hơi kiệt sức và - trước
khi tôi có thể chào – bà ta nói: “Xin đừng quên rằng tôi còn có một đứa con
trai khác nữa!”
Thương lượng thực sự là nỗ lực nhằm trì
hoãn; nó phải thích phần thưởng “vì có hành vi tốt”, nó cũng phải tự đặt ra “thời
hạn”, ví dụ, một buổi biểu diễn nữa, một đám cưới nữa của con trai và bao gồm một
lời hứa không được nói ra rằng bệnh nhân sẽ không xin thêm, nếu trì hoãn được
chấp thuận. Không có bệnh nhân nào của chúng tôi “giữ lời hứa”, nói cách khác,
họ giống như những đứa trẻ khi chúng nói: “Con sẽ không bao giờ đánh em gái nữa,
nếu mẹ cho con đi chơi”. Không cần nói thêm rằng, cậu ta sẽ đánh em gái mình một
lần nữa, tương tự như cô ca sĩ opera sẽ tìm cách biểu diễn một lần nữa. Cô ấy
không thể sống mà không có những buổi biểu diễn tiếp theo và ra viện trước khi
nhổ răng. Bệnh nhân vừa được mô tả không muốn gặp chúng tôi một lần nữa, trừ
khi chúng tôi công nhận sự thật là bà ấy còn một cậu con trai khác mà bà cũng
muốn chứng kiến đám cưới của nó.
Hầu hết các vụ mặc cả là mặc cả với Thiên
Chúa và thường được giữ bí mật hoặc được nhắc tới giữa các dòng chữ hay trong
văn phòng riêng của cha tuyên úy. Trong những cuộc phỏng vấn mang tính cá nhân,
không có khán giả, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng vì số người hứa “một cuộc đời
dâng hiến cho Thiên Chúa” hoặc “một cuộc đời phục vụ Giáo hội” để được sống
thêm. Nhiều bệnh nhân của còn hứa sẽ hiến tặng các bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể
“cho khoa học” (nếu các bác sĩ sử dụng kiến thức khoa học nhằm kéo dài tuổi thọ
cho mình).
Về mặt tâm lý, lời hứa có thể liên quan tới
mặc cảm tội lỗi thầm kín, và do đó sẽ rất hữu ích nếu những nhận xét như vậy của
bệnh nhân không bị nhân viên bệnh viện lờ đi. Nếu cha tuyên úy hay bác sĩ nhạy
cảm gợi ra những tuyên bố như thế, thì đấy là ông ta có thể muốn tìm hiểu xem bệnh
nhân có thực sự có mặc cảm tội lỗi vì đã không đi nhà thờ thường xuyên hoặc bệnh
nhân có những mong muốn mang tính thù nghịch sâu sắc, nhưng vô thức đã dẫn đến mặc
cảm tội lỗi đó hay không. Chính vì thế mà chúng tôi thấy rất hữu ích khi sử dụng
cách tiếp cận liên ngành trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, vì cha tuyên úy
thường là người đầu tiên nghe được những lo lắng như thế. Lúc đó, chúng tôi sẽ
theo đuổi cho đến khi bệnh nhân không còn những sợ hãi phi lý hoặc ước muốn bị
trừng phạt vì mặc cảm tội lỗi quá mức, nó chỉ xảy ra khi người ta mặc cả thêm
và hứa hẹn nhiều hơn khi “thời hạn” đã hết.
[1]
Máy nhắc chữ cho phép người thuyết trình đọc từ văn bản chiếu lên kính ngay trước
máy quay phim hoặc truyền hình – ND.
No comments:
Post a Comment