July 18, 2024

Cái chết và người sắp chết dạy chúng ta điều gì (4)

 Elisabeth Kubler-Ross 

Phạm Nguyên Trường dịch


 

IV

 

Giai đoạn thứ hai: Tức giận

 

Chúng ta nhận thức sai lầm về cuộc đời và cho rằng cuộc đời lừa dối chúng ta.

Tagore, Bầy chim lạc

Nếu phản ứng đầu tiên của chúng ta trước tin tức thảm khốc là, “Không, không đúng, không, nó không thể liên quan đến tôi”, thì nó phải nhường chỗ cho phản ứng mới, khi cuối cùng chúng ta cũng chợt nhận ra: “Ồ, vâng, chính tôi, đó không phải là lầm lẫn”. May là, hoặc không may là, rất ít bệnh nhân có thể giữ mãi thế giới giả tạo, trong đó họ vẫn là người khỏe mạnh cho đến khi chết.

Khi không thể giữ được lâu hơn nữa giai đoạn chối bỏ ban đầu, nó sẽ được thay thế bằng cảm giác phẫn nộ, thịnh nộ, ghen tị và oán hận. Câu hỏi hợp lý tiếp theo sẽ là: “Tại sao lại là tôi?” Một trong những bệnh nhân của chúng tôi, Bác sĩ G., đã nói: “Tôi cho rằng hầu hết mọi người ở vị trí của tôi sẽ nhìn vào người khác và nói, ‘Chà, tại sao không thể là anh ta?’ và ý nghĩ này đã nhiều lần hiện lên trong tâm trí tôi. Một ông già mà tôi biết từ khi tôi còn là một đứa trẻ con đi trên đường phố. Ông ấy đã tám mươi hai tuổi rồi, và theo như những kẻ hữu sinh hữu tử chúng ta thường nói thì ông ta chẳng còn giá trị gì nữa. Ông ta bị bệnh thấp khớp, bị què, bẩn thỉu, ông ta không phải là mẫu người mà bạn muốn trở thành. Ý nghĩ đó tràn ngập đầu óc tôi, tại sao không phải là ông già George mà lại là tôi?” (trích từ cuộc phỏng vấn với Bác sĩ G.).

Trái ngược với giai đoạn chối bỏ, từ quan điểm của gia đình và nhân viên bệnh viện, giai đoạn phẫn nộ này rất khó xử lý. Lý do: sự kiện là thái độ phẫn nộ này di chuyển theo mọi hướng và phóng chiếu vào môi trường trong những thời điểm gần như ngẫu nhiên. Họ phẫn nộ vì cho rằng các bác sĩ không giỏi, bác sĩ không biết cần phải làm những xét nghiệm nào và cần theo chế độ ăn kiêng như thế nào. Họ giữ bệnh nhân quá lâu trong bệnh viện hoặc không tôn trọng ước muốn của bệnh nhân về các ưu tiên ưu đãi. Bác sĩ cho phép đưa một người ốm yếu như thế vào phòng của họ khi họ đã trả rất nhiều tiền để được ở một mình và nghỉ ngơi, v.v. Các y tá thậm chí còn thường xuyên trở thành mục tiêu cho sự phẫn nộ của họ hơn nữa. Cái gì họ chạm vào cũng đều không đúng. Ngay khi họ vừa ra khỏi phòng, thì chuông reo. Đèn bật sáng ngay khi họ vừa bắt đầu báo cáo cho ca tiếp theo của các y tá. Khi các y tá giũ gối và trải giường, bệnh nhân liền trách rằng không bao giờ để họ yên. Khi y tác để bệnh nhân một mình, thì đèn bật sáng và họ yêu cầu sắp xếp lại giường cho thoải mái hơn. Gia đình đến thăm được đón tiếp chẳng vui vẻ gì, nó làm cho cuộc gặp gỡ trở thành một sự kiện đau lòng. Sau đó, gia đình sẽ phản ứng bằng nỗi buồn và nước mắt, mặc cảm tội lỗi hay xấu hổ, hoặc tránh những lần thăm trong tương lai, nó chỉ làm tăng thêm sự khó chịu và phẫn nộ của bệnh nhân mà thôi.

Vấn đề ở đây là ít người tự đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và tự hỏi cơn thịnh nộ này có thể đến từ đâu. Có lẽ chúng ta cũng sẽ phẫn nộ nếu mọi hoạt động trong cuộc đời của chúng ta bị ngưng lại quá sớm; nếu tất cả những tòa nhà mà chúng ta bắt đầu xây đều trở thành dở dang, sẽ do người khác hoàn thiện; nếu chúng ta để dành được một số tiền mà khó khăn lắm mới kiếm được nhằm tận hưởng vài năm nghỉ ngơi và chơi bời, đi du lịch và theo đuổi sở thích của mình, mà lúc này đứng trước sự thật rằng “tất cả đều không dành cho tôi”. Chúng ta còn biết làm gì với sự phẫn nộ của mình, ngoài việc trút nó lên đầu những người có nhiều khả năng sẽ được hưởng tất cả những thứ này? Những người hối hả xung quanh chỉ nhằm nhắc nhở rằng chúng ta thậm chí không thể đứng trên đôi chân của mình. Những người yêu cầu các xét nghiệm khó chịu và thời gian nằm viện kéo dài với tất cả những hạn chế và chi phí của nó, trong khi hết giờ làm việc họ có thể về nhà và vui hưởng đời sống. Những người bảo chúng ta nằm yên để việc truyền dịch hoặc truyền máu không phải làm lại, trong khi chúng ta cảm thấy muốn thoát ra khỏi bộ da của mình để làm một cái gì đó nhằm chứng minh rằng chúng ta vẫn đang hoạt động ở một tầng nào đó!

Lúc này nhìn vào đâu bệnh nhân cũng thấy bất bình. Anh ta có thể bật tivi chỉ để thấy một nhóm thanh niên vui vẻ đang nhảy những vũ điệu hiện đại làm cho anh ta khó chịu khi mọi chuyển động đều bị hạn chế hoặc làm cho anh ta đau đớn. Anh ta có thể xem bộ phim cao bồi, trong đó người ta bị bắn một cách lạnh lùng, trong khi những người chứng kiến khác nhau tiếp tục uống bia. Anh ta sẽ so sánh họ với gia đình mình hoặc nhân viên bệnh viện. Anh ta có thể nghe tin tức về những vụ tàn phá, chiến tranh, hỏa hoạn và thảm kịch - ở xa anh ta, không hề quan tâm đến cuộc chiến đấu và hoàn cảnh của một con người chẳng bao lâu nữa sẽ bị rơi vào quên lãng. Vì vậy, bệnh nhân này đảm bảo rằng anh ta sẽ không bị lãng quên. Anh ta sẽ lớn tiếng, anh ta sẽ đòi hỏi, anh ta sẽ phàn nàn và yêu cầu được chú ý, có lẽ như một tiếng thét lớn cuối cùng: “Tôi còn sống, đừng quên điều đó. Mọi người có thể nghe thấy tiếng nói của tôi, tôi chưa chết!”

Nếu bệnh nhân được tôn trọng và thấu hiểu, được quan tâm và được người thân dành cho một ít thời gian, thì người đó sẽ nhanh chóng hạ giọng và bớt đòi hỏi một cách giận dữ. Anh ta sẽ biết rằng mình là con người có giá trị, được chăm sóc, được phép hoạt động ở mức cao nhất có thể, miễn là anh ta có thể. Anh ta sẽ được người ta lắng nghe mà không cần phải nổi cơn thịnh nộ, sẽ được đến thăm mà không cần bấm chuông thường xuyên, vì việc ghé thăm anh ta không phải là một nghĩa vụ cần phải làm, mà là niềm vui.

Bi kịch có lẽ là do chúng ta không nghĩ đến những lý do làm cho bệnh nhân phẫn nộ và tự mình nhận lấy nó, trong khi nó vốn dĩ chẳng liên quan gì hoặc rất ít liên quan đến những người đã trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ. Tuy nhiên, khi nhân viên hoặc gia đình phản ứng mang tính cá nhân với những cơn thịng nộ này, họ phản ứng với sự phẫn nộ ngày càng tăng lên của chính mình, chỉ càng cung cấp thêm dưỡng chất cho những hành vi thù địch của bệnh nhân. Họ có thể lảng tránh và rút ngắn cuộc thăm viếng hoặc vòng thăm viếng hoặc là họ có thể vướng vào những tranh luận vô ích, bằng cách bảo vệ lập trường của mình mà không biết rằng thường thì những vấn đề này hoàn toàn chẳng có liên quan gì.

Bệnh nhân X là ví dụ về sự phẫn nộ hợp lý, đấy là do phản ứng của một y tá gây ra. X đã nằm liệt giường trong vài tháng và chỉ được phép tháo máy trợ thở trong vài giờ vào ban ngày. Anh ấy đã có cuộc đời với nhiều hoạt động và cảm thấy khó chịu đựng khi bị hạn chế đến mức như thế. Anh ta ý thức rõ rằng thời gian sống của mình được tính từng ngày, và ước muốn lớn nhất của anh là được di chuyển theo những vị trí khác nhau (anh ấy bị liệt cổ). Anh ta xin y tá đừng bao giờ dựng thành giường lên vì nó làm cho anh ta liên tưởng đến việc mình đang nằm trong quan tài. Cô y tá vốn rất ác cảm với bệnh nhân này, đã đồng ý rằng lúc nào cũng bỏ thành giường xuống. Y tá trực này đã rất phẫn nộ khi bị quấy rầy trong lúc đọc sách, cô ấy biết rằng anh ta sẽ im lặng miễn là cô ấy làm theo ước muốn của anh ta.

Trong lần gặp X. trước đây, tôi thấy người đàn ông bình thường rất có phẩm cách này đang rất phẫn nộ. Anh ta nói đi nói lại với cô y tá: “Cô đã nói dối tôi”, trong khi nhìn chằm chằm vào cô ta với vẻ giận dữ không thể tin được. Tôi hỏi anh ấy lý do của cơn phẫn nộ này. Anh ta cố gắng nói với tôi rằng cô ấy đã dựng thanh vịn bên thành giường lên ngay khi anh ta yêu cầu đặt ở tư thế thẳng đứng để anh ấy có thể đưa chân ra khỏi giường “một lần nữa”. Cuộc nói chuyện bị gián đoạn nhiều lần vì cô y tá cũng phẫn nộ không kém, cô ấy bảo rằng phải dựng thanh vịn bên thành giường lên nhằm đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân. Một cuộc tranh cãi ầm ĩ tiếp tục, sự phẫn nộ của cô y tá có lẽ được thể hiện rõ nhất trong câu nói: “Nếu tôi bỏ xuống, anh sẽ ngã khỏi giường và vỡ đầu”. Nếu xem xét lại sự việc này với mục đích tìm hiểu các phản ứng chứ không phán xét, chắc chắn là chúng ta sẽ nhận ra rằng cô y tá này cũng sử dụng biện pháp tránh né bằng cách ngồi trong một góc trong khi đọc cuốn sách bìa mềm và “bằng mọi giá” cố gắng giữ cho bệnh nhân im lặng. Cô y tá vô cùng khó chịu khi phải chăm sóc một bệnh nhân nan y và chưa bao giờ tự nguyện đối mặt với anh ta hoặc tìm cách nói chuyện với anh ta. Cô ấy đã thực hiện “nghĩa vụ” của mình bằng cách ngồi trong cùng một phòng, nhưng về mặt tình cảm, càng xa chừng nào càng tốt chừng ấy. Đó là cách duy nhất mà người phụ nữ này có thể làm.

Cô ấy mong anh ta chết đi (“đập vỡ sọ”) và yêu cầu rõ ràng là anh ta phải nằm ngửa và ngậm miệng lại (như thể đã nằm trong quan tài). Cô ấy đã phẫn nộ khi anh ta yêu cầu được trở mình, đối với anh ta đây là biểu hiện của việc anh vẫn còn sống, nhưng cô y tá lại không muốn. Rõ ràng là cô y tá quá sợ hãi trước cái chết đã cận kề đến mức cô ta phải tự bảo vệ bằng cách né tránh và cách ly. Việc cô ta muốn bệnh nhân nằm im và không trở mình chỉ làm cho bệnh nhận thêm sợ sự bất động và cái chết của chính mình. Anh ta không liên lạc được với ai, cô đơn và bị cô lập, cũng như hoàn toàn bất lực trong những cơn đau và phẫn nộ ngày càng gia tăng. Khi yêu cầu cuối cùng của anh ta được đáp ứng, một hạn chế ban đầu lại gia tăng (các thanh giường được nâng lên chứng tỏ anh ta bị nhốt lại), cơn thịnh nộ chưa được thể hiện của anh ta hướng vào tình tiết đáng tiếc này. Nếu cô y tá không có mặc cảm tội lỗi đến như thế về những ước muốn có tính phá hoại của chính mình, thì có lẽ cô ta đã giảm bớt thái độ phòng thủ và tranh cãi, do đó, có thể ngăn chặn sự cố ngay từ đầu và tạo điều kiện cho bệnh nhân bày tỏ cảm xúc của mình và chết thoải mái hơn một chút sau đó vài giờ.

Tôi sử dụng những ví dụ này để nhấn mạnh vai trò quan trọng của lòng khoan dung của chúng ta trước sự phẫn nộ hợp lý hoặc phi lý của bệnh nhân. Không cần phải nói rằng, chúng ta chỉ có thể làm được nếu chúng ta không sợ hãi và do đó không có thái độ phòng thủ quá mức. Chúng ta phải học cách lắng nghe bệnh nhân và đôi khi thậm chí chấp nhận một số cơn giận dữ phi lý, biết rằng sự nhẹ nhõm trong khi thể hiện sẽ giúp họ chấp nhận một cách thoải mái hơn những giây phút cuối cùng. Chúng ta chỉ có thể làm được như thế khi chúng ta đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình trước cái chết, những ước muốn mang tính phá hoại của chính mình và nhận thức được thái độ phòng thủ của chính chúng ta có thể là rào cản trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Một bệnh nhân có vấn đề khác là người đàn ông luôn nắm quyền kiểm soát trong suốt cuộc đời mình, ông ta phản ứng một cách giận dữ khi bị buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát. Tôi nhớ đến ông O., phải nhập viện vì bệnh Hodgkin[1] mà ông ta cho rằng nguyên nhân là do thói quen ăn uống thiếu chất của mình. Ông ta là doanh nhân giàu có và thành đạt, chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc ăn uống và chưa bao giờ bắt buộc phải ăn kiêng để giảm cân. Lời kể của ông ta hoàn toàn không thực tế, nhưng ông ta khăng khăng nói rằng chính ông ta tạo ra “điểm yếu đó”. Ông ta tiếp tục chối bỏ, bất chấp quá trình xạ trị cũng như kiến thức và trí thông minh vượt trội của mình. Ông ta tuyên bố có thể đứng dậy và bước ra khỏi bệnh viện ngay khi ông ấy quyết tâm ăn nhiều hơn, đấy toàn là những việc nằm trong tầm tay của ông ta.

Một ngày nọ, vợ ông ấy đến văn phòng của tôi, mắt đẫm lệ. Bà ấy nói rằng khó có thể chịu đựng được lâu hơn nữa. Ông ta bao giờ cũng là bạo chúa và luôn luôn kiểm soát chặt chẽ công việc kinh doanh, cũng như cuộc sống trong gia đình. Bây giờ ông ấy đang nằm viện, ông ta không cho bất kỳ người nào biết sẽ diễn ra những giao dịch nào. Ông ấy phẫn nộ với bà khi bà đến thăm và phản ứng thái quá khi bà hỏi về sức khỏe hoặc tìm cách đưa ra lời khuyên. Bà O. đã nhờ giúp đỡ trong việc quản lý người đàn ông độc đoán, hay đòi hỏi, thích kiểm soát, không thể chấp nhận giới hạn của mình và không muốn chia sẻ một số thực tế cần phải chia sẻ.

Chúng tôi đã chỉ cho bà ấy thấy - trong ví dụ về việc chồng bà cần phải tự trách mình vì “điểm yếu của mình” - rằng ông ta phải kiểm soát mọi tình huống và tự hỏi liệu bà có thể mang lại cho ông ta cảm giác kiểm soát nhiều hơn hay không, đúng lúc ông ta đã mất nhiều quyền kiểm soát môi trường của mình. Bà ấy đã làm như thế bằng cách mỗi ngày đều tới thăm, nhưng gọi điện trước, hỏi thời gian và chuyến thăm kéo dài bao lâu là thuận tiện nhất. Ngay khi ông ta được quyền quyết định thời gian và độ dài của các chuyến thăm, những cuộc gặp gỡ trở thành ngắn gọn, nhưng thú vị. Ngoài ra, bà ấy cũng ngừng khuyên nên ăn gì và bao lâu thì ngồi dậy một lần, mà thay vào đó, bà ấy diễn đạt lại thành những câu như: “Em cá là chỉ có anh mới có thể quyết định khi nào nên bắt đầu ăn món này hay món kia”. Ông ta đã có thể ăn trở lại, nhưng chỉ sau khi tất cả nhân viên và người thân thôi bảo ông ta phải làm gì.

Các nhân viên điều dưỡng cũng sử dụng phương pháp như thế: cho ông ta kiểm soát thời gian truyền dịch, thay ga trải giường, v.v., và - có lẽ không phải là điều ngạc nhiên – ông ta đã chọn khoảng thời gian gần đúng như cũ để làm những việc này mà không hề có phẫn nộ và tranh cãi nữa. Vợ và con gái của ông ấy cảm thấy thích thú hơn khi tới thăm và cũng cảm thấy bớt phẫn nộ và tội lỗi hơn về phản ứng của chính mình đối với người chồng và người cha ốm yếu này. Họ đã rất khó sống chung khi ông ấy còn khỏe mạnh, và trở nên gần như không thể chịu đựng được khi ông ấy mất khả năng kiểm soát môi trường của mình.

Đối với các cố vấn, bác sĩ tâm thần, cha tuyên úy hoặc các nhân viên khác, những bệnh nhân này là những trường hợp đặc biệt khó khăn, vì thời gian của chúng tôi thường có giới hạn, còn công việc thì quá nhiều. Cuối cùng, khi chúng tôi có thời gian đến thăm những bệnh nhân như ông O., người ta lại bảo chúng tôi: “Không phải bây giờ, để sau nhé”. Rất dễ quên những bệnh nhân như thế, dễ bỏ mặc họ; nói cho cùng, họ tự gây ra cho mình. Họ đã có cơ hội, còn thời gian của chúng ta thì hạn chế. Tuy nhiên, chính những bệnh nhân như ông O. mới là người cô đơn nhất, không chỉ vì khó nói chuyện với ông ta, mà còn vì ông ta ngay từ đầu và chỉ chấp nhận khi đáp ứng các điều kiện của ông ta. Về khía cạnh này, những người giàu có và thành đạt, những người có quyền kiểm soát có lẽ là những khốn khổ nhất trong những hoàn cảnh như thế, người đó đánh mất chính những thứ đã làm cho đời sống của mình trở nên thoải mái như thế. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều giống nhau, nhưng ông O. không thể thừa nhận chuyện này. Họ chiến đấu đến cùng và thường bỏ lỡ cơ hội vươn tới thái độ chấp nhận một cách khiêm tốn cái chết, coi nó là kết quả cuối cùng của cuộc đời. Họ từ chối và phẫn nộ, và là những người tuyệt vọng nhất.

Cuộc phỏng vấn sau đây là ví dụ về sự phẫn nộ của bệnh nhân sắp chết. Nữ tu sĩ I. là một nữ tu trẻ một lần nữa phải nằm viện vì bệnh Hodgkin. Đây là bản ghi lại từ băng thu âm cuộc thảo luận giữa cha tuyên úy, bệnh nhân và tôi trong lần nhập viện thứ mười một của cô ấy. Nữ tu I. là bệnh nhân nóng nảy, hay đòi hỏi, hành vi của cô làm cho nhiều người trong và ngoài bệnh viện bực bội. Càng bất lực, cô càng tạo ra nhiều vấn đề trong quản lý, đặc biệt là đối với các nhân viên điều dưỡng. Cô có thói quen trong khi nằm viện là đi từ phòng này sang phòng khác, thăm những bệnh nhân ốm nặng và gợi ra nhu cầu của họ. Sau đó, cô ấy sẽ đứng trước bàn của y tá và yêu cầu chú ý tới những bệnh nhân này, nó làm cho các y tá phẫn nộ, coi đấy là can thiệp và không phù hợp. Vì chính nữ tu I. ốm khá nặng, họ không tranh cãi với cô ấy về những hành vi không thể chấp nhận được, mà thể hiện sự phẫn nộ bằng cách đến thăm phòng cô ấy trong thời gian ngắn hơn, tránh tiếp xúc và nếu gặp thì kết thúc thật nhanh.

Dường như mọi thứ đang xấu đi và khi chúng tôi bước vào, mọi người đều có vẻ nhẹ nhõm vì đã có người khác sẵn sàng chăm sóc cho nữ tu I. Chúng tôi hỏi hỏi liệu cô có sẵn sàng tham gia buổi hội thảo của chúng tôi nhằm chia sẻ một số suy nghĩ và cảm xúc với chúng tôi. Cô ấy tỏ ra khá háo hức để làm hài lòng chúng tôi; cuộc thảo luận sau đây diễn ra vài tháng trước khi cô ấy qua đời.

Chu tuyên úy: Vâng, sáng nay chúng ta đã nói một chút về mục đích của buổi thảo luận. Cô biết rằng các bác sĩ và y tá quan tâm đến việc làm sao chúng tôi có thể đáp ứng một cách hiệu quả hơn đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng. Tôi không nói rằng cô đã trở thành người qúa quen thuộc ở đây, nhưng rất nhiều người biết cô. Chúng ta đi theo hành lang và tôi nghĩ chưa đi quá chục mét và bốn nhân viên khác nhau đã dừng lại để chào hỏi.

Bệnh nhân: Ngay trước khi các vị đến, có một chị tạp vụ đang lau sàn nhà đã mở cửa chỉ để nói: “Xin chào”. Trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy chị ấy. Tôi nghĩ rằng đây là kiểu người khác thường. Chị ấy nói: “Tôi chỉ muốn xem chị là người như thế nào (cười), vì tôi không biết”.

Bác sĩ: Để gặp một Sơ trong bệnh viện?

Bệnh nhân: Có thể nhìn thấy Sơ nằm trên giường, hoặc có thể chị ấy đã nghe hoặc nhìn thấy tôi trong hành lang và thực sự muốn nói chuyện với tôi, nhưng sau đó quyết định là không nên lãng phí thì giờ. Tôi thực sự không biết, nhưng tôi cảm nhận được như thế. Chị ấy nói: “Tôi chỉ muốn nói xin chào”.

Bác sĩ: Cô đã nằm viện bao lâu rồi? Xin cho chúng tôi một bản tổng kết ngắn về những sự kiện này.

Bệnh nhân: Lần này thực chất là 11 ngày.

Bác sĩ: Cô nhập viện hôm nào?

Bệnh nhân: Đêm thứ hai, cách đây hai tuần.

Bác sĩ: Nhưng trước đây cô đã từng vào bệnh viện này.

Bệnh nhân: Đây là lần nhập viện thứ 11.

Bác sĩ: Lần thứ 11, tính từ bao giờ?

Bệnh nhân: Từ năm 1962.

Bác sĩ: Từ năm 62 đến nay cô đã nhập viện 11 lần?

Bệnh nhân:Vâng.

Bác sĩ: Lần này cũng vẫn bệnh đó?

Bệnh nhân: Không. Tôi được chẩn đoán lần đầu vào năm 1953.

Bác sĩ: À, à. Họ chẩn đoán cho cô thế nào?

Bệnh nhân: Bị bệnh Hodgkin.

Bác sĩ: Bệnh Hodgkin.

Bệnh nhân: Nhưng bệnh viện này có máy chiếu xạ cao mà bệnh viện của chúng tôi không có. Tuy nhiên, khi tôi nhập viện, câu hỏi đặt ra là trong những năm qua họ có chẩn đoán đúng không. Tôi đã gặp bác sĩ ở đây và trong vòng năm phút, người ta xác nhận rằng tôi đã bị bệnh - rằng tôi bị bệnh như tôi đã nói.

Bác sĩ: Bệnh Hodgkin?

Bệnh nhân: Vâng. Trong khi các bác sĩ khác đã xem các tấm phim và nói rằng tôi không bị bệnh. Lần nhập viện cuối cùng, tôi bị phát ban khắp người. Không phải mẩn ngứa đâu, lở loét thật đấy, do tôi gãi vì bị ngứa. Tôi nên nói rằng người tôi đầy vết loét. Tôi cảm thấy mình như là người bị bệnh hủi và người ta nghĩ rằng tôi có vấn đề về tâm lý. Tôi nói với họ rằng tôi bị bệnh Hodgkin và họ nghĩ rằng đó là vấn đề tâm lý, vì tôi khăng khăng nói rằng mình mắc căn bệnh này. Khi họ không thể cảm thấy bất kỳ khối u nào mà trước đây họ đã cảm thấy là tôi đã có, nhưng họ đã kiểm soát nó bằng bức xạ. Họ nói rằng tôi không có khối u nào trong lúc này. Tôi nói rằng lúc này tôi có, vì tôi cảm thấy giống như tôi đã cảm thấy trước đây. Bác sĩ đó nói, “Cô nghĩ gì?” Tôi nói, “Tôi nghĩ tất cả những triệu chứng này là do Hodgkin”. Bác sĩ lại nói, “Cô hoàn toàn đúng”. Vì vậy, trong khoảnh khắc đó, anh ta đã trả lại cho tôi lòng tự trọng. Tôi biết tôi đã gặp một người ở đây, người đó sẽ làm việc với tôi về vấn đề này và không tìm cách làm cho tôi cảm thấy rằng tôi không thực sự bị bệnh.

Bác sĩ: Theo nghĩa . . . ? (Băng không nghe được) Chà, đây là vấn đề tâm lý.

Bệnh nhân: Vâng, thật thông minh khi nghĩ rằng đây là vấn đề của tôi, rằng tôi nghĩ rằng tôi bị bệnh Hodgkin. Đó là bởi vì họ không thể cảm nhận được bất kỳ khối u nào trong ổ bụng, chụp hình ven bằng tia X sẽ thấy ngay lập tức và kính ảnh thông thường hoặc sờ nắn thì không thấy được. Thật không may, nhưng đấy là hiện tượng tôi đã phải trải qua, đấy là tất cả những gì tôi có thể nói.

Cha tuyên úy: Nhưng trông cô rất thanh thản.

Bệnh nhân: Ồ, ý tôi là, tôi chắc chắn cảm thấy nhẹ nhõm vì không có vấn đề gì có thể giải quyết được khi tôi bị bệnh về mặt cảm xúc, cho đến khi tôi có thể chứng minh rằng tôi bị bệnh về thể chất. Tôi không thể thảo luận về nó với mọi người nữa hoặc được nhẹ nhõm vì tôi không cảm thấy họ tin rằng tôi bị bệnh. Ông hiểu những điều tôi muốn nói, tôi gần như phải che giấu tất cả các vết loét và tôi đã giặt sạch bộ quần áo dính máu và tôi chỉ có thể làm đến thế thôi. Tôi không cảm thấy được người ta chấp nhận. Chắc chắn là họ đang đợi tôi giải quyết vấn đề của riêng mình, ông biết đấy.

Bác sĩ: Theo nghề chuyên môn thì cô là y tá?

Bệnh nhân: Vâng, tôi là y tá.

Bác sĩ: Cô làm việc ở đâu?

Bệnh nhân: Làm ở Bệnh viện S. T. Đúng vào lúc bắt đầu tất cả những sự kiện này, người ta đã chuyển tôi khỏi chức Giám đốc Dịch vụ Điều dưỡng. Tôi đã học chương trình thạc sĩ trong vòng 6 tháng và sau đó họ quyết định đưa tôi trở lại trường để giảng dạy giải phẫu và sinh lý học, tôi nói với họ rằng tôi không thể làm được, vì bây giờ người ta đã kết hợp hóa học và vật lý học, còn tôi học hóa học lần cuối cùng cách đây 10 năm, hóa học bây giờ hoàn toàn khác. Thế là họ cử tôi tham gia khóa học hóa học vào mùa hè năm đó về hữu cơ và tôi trượt.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thi trượt. Cha tôi qua đời vào năm đó và công việc kinh doanh bị trục trặc, đồng nghĩa với việc ba người con trai xảy ra xung đột về việc ai sẽ điều hành công việc kinh doanh và thật chua xót, tôi không biết rằng hiện tượng như thế có thể tồn tại trong một gia đình. Rồi sau đó họ yêu cầu tôi bán cổ phần của mình. Tôi đã rất vui mừng khi được thừa kế một phần trong công việc kinh doanh của gia đình mình và sau đó dường như mọi thứ diễn ra theo những cách mà tôi không tính đến, ví dụ, tôi có thể bị thay thế trong khi đang làm việc, tôi phải nhận một công việc giảng dạy mà tôi cảm thấy chưa được chuẩn bị. Tôi có thể thấy rằng tôi có nhiều vấn đề về tâm lý, rồi tình trạng này diễn ra suốt mùa hè và đến tháng 12, khi tôi bị sốt và ớn lạnh và tôi bắt đầu đi dạy, tôi cảm thấy rất khó khăn và ốm yếu đến mức tôi phải thực sự yêu cầu được gặp bác sĩ. Thậm chí sau lần này tôi cũng không bao giờ quay lại bác sĩ. Tôi đã luôn cố gắng hết sức mình. Tôi phải chắc chắn rằng các triệu chứng là rất khách quan, nhiệt độ trên nhiệt kế đủ cao để tôi không phải thuyết phục bất kỳ người nào khác. Trước khi họ quan tâm đến tôi.

Bác sĩ: Hoàn toàn khác với những gì người ta thường nói với chúng tôi. Thường thì bệnh nhân thích chối bỏ căn bệnh tật của mình. Nhưng cô lại phải chứng minh rằng mình bị bệnh về thể chất.

Bệnh nhân: Trong chừng mực mà tôi không thể được chăm sóc bằng cách khác, sẽ đến lúc tôi rất cần, tôi cần được tự do nằm xuống khi cảm thấy quá tồi tệ.

Bác sĩ: Cô không thể nhận được bất kỳ sự giúp đỡ, giúp đỡ chuyên nghiệp nào khi gặp vấn đề về cảm xúc? Hay người ta cho là cô không có vấn đề gì về cảm xúc?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ họ đang tìm cách điều trị các triệu chứng của tôi. Họ không cho tôi uống aspirin nhưng tôi cảm thấy rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được tận cùng của nó trừ khi tôi phát hiện ra[2], và tôi đã đến gặp bác sĩ tâm lý. Ông ấy nói với tôi rằng tôi bị bệnh về cảm xúc, vì tôi đã bị bệnh về thể chất quá lâu rồi. Và ông ta trị liệu cho tôi về thể chất. Ông ấy khăng khăng nói rằng họ phải cho tôi nghỉ việc, rằng tôi phải nghỉ ngơi ít nhất mười giờ mỗi ngày. Ông ta cho tôi liều vitamin cao. Còn bác sĩ đa khoa lại muốn điều trị tâm lý cho tôi. Bác sĩ tâm lý thì điều trị cho tôi về mặt thể chất.

Bác sĩ: Đó là một thế giới hỗn tạp?

Bệnh nhân: Vâng. Và tất cả là do sợ hãi mà tôi mà phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Tôi đã nghĩ rằng ông ta sẽ làm cho tôi gặp phải vấn đề mới, nhưng ông ấy không làm thế. Ông ấy làm cho họ không săn lùng tôi, khi họ bắt được tôi đi gặp ông ta, chị biết đấy, họ rất hài lòng. Và đó là trò hề vì ông ấy đối xử với tôi đúng như cách mà tôi cần được đối xử.

Cha tuyên úy: Như bác sĩ đa khoa.

Bệnh nhân: Trong khi đó tôi đã được xạ trị. Tôi đã được ông ấy cho một số thuốc, nhưng họ không cho uống vì nghĩ rằng tôi bị viêm đại tràng. Bác sĩ X quang nói rằng đau bụng là viêm đại tràng. Và thế là họ thôi cấp thuốc. Họ đã làm được một số việc tốt, nhưng họ không cho tôi đủ liều lượng nhằm ngăn chặn các triệu chứng một cách âm thầm và từng bước một, đó là điều mà lẽ ra tôi phải làm. Nhưng họ không thể nhìn thấy chúng, chị thấy đấy, họ không thể cảm nhận được những khối u này, họ chỉ cần xem qua chỗ tôi bị đau mà thôi.

Bác sĩ: Vì vậy, để tóm tắt một chút, để làm rõ toàn bộ vấn đề, điều cô thực sự đang nói là, khi cô được chẩn đoán mắc bệnh Hodgkin, cô còn gặp rất nhiều vấn đề. Cũng trong thời gian đó thì bố cô mất, công việc kinh doanh của gia đình cô đang trong quá trình giải thể và họ yêu cầu cô bán cổ phần của mình. Còn tại nơi làm việc, người ta giao cho cô công việc mà cô không thích.

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Chứng ngứa của cô, một triệu chứng thường gặp trong bệnh Hodgkin, thậm chí còn không được coi là thành phần trong căn bệnh của cô. Nó được coi là vấn đề cảm xúc của cô. Bác sĩ đa khoa đối xử với cô như bác sĩ tâm thần, còn bác sĩ tâm thần thì lại đối xử như bác sĩ đa khoa.

Bệnh nhân: Vâng, và họ mặc kệ. Họ đã thôi tìm cách chăm sóc tôi.

Bác sĩ: Vì sao?

Bệnh nhân: Bởi vì tôi không chấp nhận chẩn đoán của họ và họ đang đợi tôi hiểu ra.

Bác sĩ:  Tôi hiểu rồi. Cô chấp nhận chẩn đoán bệnh Hodgkin bằng cách nào? Nó có ý nghĩa gì đối với cô?

Bệnh nhân: Vâng, chị thấy đấy, khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh, lúc đó tôi cảm thấy nó, vì vậy tôi đã đi kiểm tra và sau đó nói với bác sĩ và ông ấy nói rằng ban đầu không cần phải nghĩ đến điều xấu nhất. Chưa hết, khi ông ta quay lại sau cuộc phẫu thuật và nói chuyện với tôi, tôi không nghĩ mình sẽ sống được hơn một năm. Mặc dù tôi không thực sự cảm thấy khỏe lắm, nhưng tôi đã quên nó đi và nghĩ rằng, tôi sẽ sống lâu nhất có thể, chị thấy đấy. Nhưng kể từ năm 1960, khi tất cả những vấn đề này bắt đầu, tôi thực sự chưa bao giờ khỏe. Và có những lúc trong một ngày tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi. Nhưng bây giờ tôi đã chấp nhận, còn họ thì chưa bao giờ cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng họ không tin rằng tôi mắc bệnh. Ở nhà người ta cũng chưa bao giờ nói bất cứ điều gì. Tôi quay lại gặp vị bác sĩ đã ngừng chiếu xạ và mọi thứ khác, ông ấy không bao giờ nói một lời nào, trừ khi tôi lại có các khối u và trong trường hợp đó, nhưng lúc đó ông ấy đang đi nghỉ và vì vậy khi ông ấy quay lại, tôi đã nói với ông ấy. Tôi đã nghĩ ông ta là người chân thành. Có những người nói với tôi một cách mỉa mai rằng tôi chưa bao giờ bị bệnh Hodgkin, rằng những khối u đang lớn lên có lẽ là do bệnh viêm nhiễm. Đây là một sự mỉa mai, có nghĩa là chúng tôi biết rõ hơn cô. Chúng tôi đã quyết định tất cả những việc này. Ít nhất thì ông ta cũng là người chân thành, nghĩa là ông ta đã chờ đợi một cái gì đó khách quan trong suốt thời gian qua. Và vị bác sĩ ở đây đã nói với tôi rằng hãy nhớ rằng trong cuộc đời người đàn ông này có thể phải đối phó với năm vấn đề, mỗi vấn đề chỉ khác nhau một chút. Tôi thực sự khó hiểu tất cả những chuyện này. Vì vậy, ông ta luôn gọi điện đến đây và hỏi bác sĩ về liều lượng và mọi thứ khác. Tôi sợ ông ta trị bệnh cho tôi trong thời gian dài, vì tôi cảm thấy ông ta không phù hợp. Ý tôi là nếu tôi không tiếp tục tới đây, tôi sẽ không nghĩ rằng mình còn sống. Đó là bởi vì chúng ta không cung cấp những cơ sở giống nhau cho bệnh nhân, và cũng vì ông ta không thực sự hiểu tất cả các loại thuốc này. Ông ta đã thử với từng bệnh nhân, ở đây họ đã thử năm mươi lần trước khi họ sẽ thử với tôi.

Bác sĩ:  Vâng, đối với cô, cô còn quá trẻ, lại mắc một căn bệnh cuối cùng sẽ làm cho cô chết? Có lẽ trong một thời gian ngắn?

Bệnh nhân: Tôi không còn quá trẻ. Tôi bốn mươi ba. Tôi hy vọng chị nghĩ rằng tuổi đó là trẻ.

Bác sĩ: Tôi hy vọng cô coi tuổi đó là trẻ. (cười)

Cha tuyên úy: Vì chị hay vì chúng tôi?

Bác sĩ:  Vì tôi.

Bệnh nhân: Nếu tôi đã từng nghĩ như thế, thì bây giờ tôi không nghĩ như thế nữa vì tôi đã chứng kiến – ví dụ như mùa hè năm ngoái, trong khi tôi ở đây suốt mùa hè, tôi đã chứng kiến một cậu bé mười bốn tuổi mắc bệnh bạch cầu và chết. Tôi đã chứng kiến một đứa trẻ năm tuổi chết. Tôi đã trải qua cả mùa hè với một cô gái mười chín tuổi trong khi đau đớn và thất vọng tột cùng. Và cô ấy không thể ở trên bãi biển với bạn bè của mình. Tôi đã sống lâu hơn họ. Tôi không nói rằng tôi có cảm giác thành tựu. Tôi không muốn chết, tôi thích sống. Tôi không có ý nói như thế, nhưng tôi đã có vài lần phát hoảng khi cảm thấy không có ai ở xung quanh hoặc sẽ không có ai đến với tôi. Ý tôi là đôi khi đau đớn dữ dội và những thứ tương tự. Tôi không làm phiền các y tá theo nghĩa, tôi không yêu cầu bất cứ điều gì mà tôi có thể tự làm, nó thường làm cho tôi cảm thấy rằng họ không biết tôi thực sự cảm thấy thế nào. Bởi vì họ không đến và hỏi. Ý tôi là tôi thực sự có thể sử dụng dụng cụ gãi lưng, nhưng chị thấy đấy, họ không đến gặp tôi thường xuyên và làm những gì họ làm cho những bệnh nhân khác mà họ nghĩ là bị bệnh. Tôi không thể tự gãi lưng cho mình. Tôi kéo chăn ra, quay để hạ giường xuống. Tôi làm mọi thứ cho chính mình ngay cả khi tôi phải làm một cách từ từ và đôi khi làm trong khi rất đau. Tôi nghĩ rằng tất cả đều tốt cho tôi. Nhưng vì thế mà họ không làm, tôi không nghĩ họ thực sự cho là tôi bị bệnh. Tôi nghĩ hàng giờ liền, tôi nghĩ một ngày nào đó nếu tôi bắt đầu chảy máu hoặc bị sốc thì người tạp vụ sẽ tìm thấy tôi chứ không phải nhân viên. Bởi vì vừa đến một cái là họ đưa viên thuốc, tôi nhận một viên thuốc hai lần một ngày, trừ khi tôi yêu cầu thuốc giảm đau...

Bác sĩ:  Tất cả những cái đó làm cho cô cảm thấy thế nào?

Bệnh nhân: Hử?

Bác sĩ: Nó làm cho cô cảm thấy thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, không sao cả trừ những lúc tôi đau quá hoặc khi tôi không thể đứng lên và không có ai tỏ ra sẵn sàng chăm sóc tôi. Tôi có thể yêu cầu việc này, nhưng tôi không nghĩ là cần thiết. Tôi nghĩ họ nên biết bệnh nhân của mình đang ở trong tình trạng như thế nào. Tôi không tìm cách che giấu bất cứ điều gì, nhưng khi người ta cố gắng và làm hết sức có thể, một lần nữa người ta phải trả giá cho điều đó và chị thấy đấy, đã có vài lần tôi bị ốm nặng, khi tôi - do mù tạt nitơ (nitrogen mustard) và những thứ đại loại như thế - tiêu chảy nhiều, và chưa từng có ai đến kiểm tra phân hay hỏi xem tôi đã đi ngoài mười lần chưa. Tôi phải nói với các y tá cái gì sai. Ý tôi là tôi đã đi mười lần. Đêm qua tôi biết chụp X-quang vào buổi sáng là không phù hợp, vì họ đưa tôi xuống để chụp với quá nhiều barium. Tôi phải nhắc họ rằng tôi cần sáu viên thuốc để chụp X-quang vào hôm nay. Tôi nhận thức được những việc này, nhưng tôi đang tự chăm rất nhiều lần rồi. Khi còn ở nhà, ở bệnh xá, thì ít nhất họ còn vào hỏi thăm, họ tin rằng tôi là bệnh nhân. Ở đây tôi không biết mình đã làm thế với chính mình, nghĩa là tôi không xấu hổ vì đã làm điều đó. Tôi rất vui vì tôi đã làm tất cả những việc có thể làm cho chính mình, nhưng tôi đã bị choáng vài lần khi đau đớn dữ dội và khi bật đèn thì không có ai trả lời. Và cũng vì tôi không nghĩ rằng họ sẽ đến kịp, nếu có chuyện gì xảy ra. Và tôi cảm thấy nếu họ làm thế với tôi thì họ sẽ làm như thế với những người khác. Và một phần trong việc tôi đi quanh các bệnh nhân trong những năm qua thực sự là để tìm hiểu xem họ bị bệnh như thế nào, rồi sau đó tôi sẽ đứng trước cái bàn đó và nói rằng người này và người kia cần thứ gì đó để giảm đau và chỉ cần đợi nửa giờ ...

Bác sĩ:  Các cô y tá phản ứng như thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, khác nhau. Người duy nhất tôi nghĩ đã làm tôi vô cùng bực bội là y tá trực đêm. Có một bệnh nhân, chị biết không đêm hôm trước, một bệnh nhân đã vào phòng tôi và lên giường với tôi. Tôi tình cờ biết vụ này, tôi là y tá và tôi không sợ. Vì vậy, tôi bật đèn lên và đợi. Vâng, đêm đó người phụ nữ này đã ra khỏi giường, trèo qua thành giường. Lẽ ra bà ta nên đeo thắt lưng. Tôi không nói gì với bất cứ ai về chuyện này. Tôi gọi y tá, rồi y tá và tôi đưa bà ta trở lại giường. Và rồi cũng đêm đó khi một người phụ nữ ngã từ giường xuống, tôi ở phòng bên cạnh cho nên tôi đến đó trước. Chị thấy đấy, tôi đến trước y tá khá lâu. Rồi sau đó, một cô gái trẻ khác, khoảng hai mươi tuổi, đang hấp hối và rên rỉ thành tiếng. Cho nên, suốt đêm đó tôi không thể nào ngủ được. Chính sách ở bệnh viện này là không được uống thuốc ngủ sau 3 giờ sáng. Tôi không biết tại sao, nhưng quy định như vậy. Và nếu chị cảm thấy - Nếu tôi uống chloral hydrat[3] loại nhẹ không làm cho tôi nôn nao vào ngày hôm sau, thì nó sẽ chỉ giúp ích cho tôi ngay lúc đó. Đối với họ, chính sách này quan trọng hơn là bệnh nhân được ngủ thêm một giờ hay hai giờ nữa. Đây là một chính sách ở đây. Chị biết đấy, các loại thuốc không tạo ra thói quen cũng được đối xử theo cách tương tự như thế. Chị không thể nhận - Nếu bác sĩ chỉ định một liều rưỡi codeine[4] cứ sau bốn tiếng, chị không thể nhận thuốc trước năm giờ. Tôi muốn nói khái niệm là chị không thể lặp lại trong vòng bốn giờ, dù đấy có là gì thì cũng thế! Nó có tạo ra thói quen hay không thì cũng thế. Chúng ta đã không thay đổi khái niệm của mình. Người bệnh đau, đau thì cần thuốc. Không nhất thiết phải trong bốn giờ, đặc biệt nếu nó không phải là thuốc tạo ra thói quen.

Bác sĩ:  Cô bực bội vì thiếu sự quan tâm mang tính cá nhân? Và chăm sóc cá nhân? Có phải cảm xúc của cô xuất phát từ đó?

Bệnh nhân: Vâng, không dựa trên cơ sở cá nhân. Họ không hiểu những cơn đau. Nếu họ chưa từng...

Bác sĩ:  Đau làm cô lo lắng nhất?

Bệnh nhân:Vâng, tôi quan tâm nhất đến những bệnh nhân ung thư mà tôi đã tiếp xúc, chị thấy đấy. Và tôi phẫn nộ trước sự kiện là họ tìm cách ngăn những người này trở thành những người nghiện ma túy, trong khi những người đó không sống đủ lâu để trở thành nghiện ma túy. Có một cô y tá ở khu bên kia thậm chí còn giữ thuốc hạ huyết áp sau lưng nhằm tìm cách can ngăn họ. Ngay cả vào phút cuối, chị biết đấy. Cô ta sợ mình có thể làm cho người nào đó nghiện ma túy. Bệnh nhân này sẽ không sống được lâu. Họ có quyền đó, vì họ không ăn không ngủ được, họ chỉ tồn tại khi họ đau đớn đến như thế. Ít nhất khi bị hạ huyết áp, người ta cảm thấy thoải mái, người ta có thể sống, người ta có thể tận hưởng mọi thứ, người ta có thể nói chuyện. Người ta còn sống. Nhưng cái khác là người ta đang chờ đợi một cách tuyệt vọng để người nào đó tỏ ra thương xót và giải thoát cho họ.

Cha tuyên úy: Đây có phải là tình trạng mà cô đã trải nghiệm kể từ khi cô bắt đầu đến đây?

Bệnh nhân: Vâng. Vâng, đúng vậy. Tôi muốn nói là tôi đã nhận thấy nó. Tôi nghĩ đó là điển hình của một số tầng lầu trong bệnh viện này vì cùng một nhóm y tá đang ở đó. Đó là một biểu hiện gì đó trong chúng ta, chúng ta dường như không còn tôn trọng đau khổ nữa.

Cha tuyên úy: Làm sao cô có thể giải thích điều đó?

Bệnh nhân:Tôi nghĩ họ đang bận. Tôi hy vọng là như thế.

Bác sĩ: Là cái gì?

Bệnh nhân: Tôi đã đi bộ và thấy họ nói chuyện ở đó và sau đó thấy họ nghỉ giải lao. Nó làm cho tôi phẫn nộ. Khi y tá nghỉ giải lao và người phụ tá quay lại và nói với bệnh nhân rằng y tá đang cầm chìa khóa ở tầng dưới và bệnh nhân phải đợi. Khi người đó muốn cho bệnh nhân uống thuốc ngay cả trước khi cô y tá đi ăn. Tôi nghĩ nên có người nào đó phụ trách tầng đó có thể đến và cho bệnh nhân thuốc giảm đau, để bệnh nhân không phải vã mồ hôi trong cả nửa tiếng đồng hồ trước khi có người tới. Đôi khi phải bốn mươi lăm phút sau họ mới tới. Và chắc chắn là họ sẽ không chăm sóc bệnh nhân này trước tiên. Họ sẽ trả lời điện thoại và xem bảng phân công, và những chỉ định mới mà các bác sĩ để lại. Họ sẽ không làm việc này ngay lúc đầu, không tìm hiểu xem có bệnh nhân nào cần thuốc giảm đau hay không.

Bác sĩ:  Để kết thúc, cô có phiền không nếu tôi...chuyển chủ đề? Tôi muốn sử dụng thời gian của chúng ta để xem xét nhiều khía cạnh khác nhau. Cô sẽ cảm thấy ổn chứ ?

Bệnh nhân: Vâng, không sao ạ.

Bác sĩ:  Cô đã nói rằng đã từng nhìn thấy hoặc chứng kiến trong phòng bệnh có một đứa trẻ năm tuổi và mười chín tuổi đang hấp hối. Làm sao cô hiểu sự kiện này? Cô có có hình dung, cô có tưởng tượng về chuyện đó?

Bệnh nhân: Ý chị là làm sao tôi chấp nhận chuyện đó?

Bác sĩ: Vâng. Đại khái là cô đã trả lời một phần câu hỏi này rồi. Nói rằng cô không muốn la, cô không thích cô đơn. Khi cô gặp khủng hoảng, dù đấy là cơn đau hay tiêu chảy hay bất cứ hiện tượng nào khác mà người nào đó vượt qua. Có nghĩa là cô không thích bị bỏ lại một mình. Cái còn lại là những cơn đau. Nếu cô phải chết, cô muốn nó không phải là những cơn vật vã, không đau đớn và cô đơn.

Bệnh nhân: Đúng như thế ạ.

Bác sĩ:  Còn cái gì khác mà cô nghĩ là quan trọng? Chúng ta nên xem xét cái đó? Tôi muốn nói không chỉ với cô mà còn với những bệnh nhân khác.

Bệnh nhân: Tôi nhớ tới D.F., ông này đã phát điên vì những bức tường trống trơn mà ông ta nhìn thấy trong phòng, bình thường đã rất không hấp dẫn rồi. Cũng chính người y tá không muốn cho bệnh nhân uống thuốc đã mang đến cho ông ta mấy bức ảnh đẹp về Thụy Sĩ. Chúng tôi dán chúng lên tường phòng ông ấy. Khi ông ta chết, trước khi chết, ông ta đã nhờ cô y tá kia chuyển chúng cho tôi. Tôi đã đến thăm ông ta vài lần và làm những bức tranh vì tôi nhận thức được chúng có ý nghĩa như thế nào đối với ông ấy. Và làm như thế trong tất cả các phòng, tôi muốn nói là đêm trước, mẹ của cô gái mười chín tuổi này đã ở với cô ấy suốt ngày này sang ngày khác, bà ấy mang cho tôi những tấm bìa cứng và chúng tôi vẽ, rồi treo lên tường. Chúng tôi đã không xin phép người giám sát, nhưng chúng tôi đã sử dụng loại băng dính không làm hỏng các bức tường, chị biết đấy. Tôi nghĩ việc đó đã khiến cô y tá bực mình. Tôi nghĩ rằng ở đây có rất nhiều thủ tục quan liêu. Tôi biết rằng cảnh đẹp có thể nhắc nhở, chắc chắn sẽ nhắc nhở người khác về đời sống và cách sống, nếu không nói là nhắc nhở về Thiên Chúa. Tôi thực sự có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong tự nhiên. Tôi muốn nói như thế, người ta sẽ không cô đơn nhiều đến như thế nếu có thứ gì đó làm cho người ta trở thành một phần của đời sống. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với ông D.F. Còn S., xung quanh cô ấy là những bông hoa và những cuộc điện thoại, và những vị khách được phép gặp cô ấy, những cô bạn gái đến thăm, và tôi nghĩ rằng nếu tất cả đều bị đuổi đi vì cô ấy bị bệnh nặng, thì cô ấy sẽ buồn lắm đấy. Cô ấy cảm thấy dường như vẫn sống khi có khách ở bên cạnh, ngay cả khi đang rất đau đớn. Cô ấy không thể nói chuyện với họ, chị biết đấy. Tôi nghĩ về cô ấy, chị thấy đấy. Các Sơ của chúng tôi mỗi tuần chỉ tới thăm một lần thôi, đôi khi họ hoàn toàn không tới. Và vì vậy tôi có những người bạn đồng hành, đấy là những vị khách hay bệnh nhân mà tôi thăm hỏi, nó đã giúp tôi rất nhiều. Khi tôi khóc hoặc chán nản, tôi biết mình phải làm cái gì đó để thôi nghĩ về bản thân và dù tôi có đau hay không, tôi phải lê lết đến bên người khác, để tập trung vào họ. Và thế là tôi có thể quên những vấn đề của mình...

Bác sĩ:: Điều gì xảy ra khi cô không thể làm những việc này?

Bệnh nhân: Vậy thì tôi – lúc đó tôi cần mọi người và nhưng họ không đến.

Bác sĩ:  Vâng, cô biết đấy, đấy là chỗ chúng tôi có thể giúp.

Bệnh nhân: Vâng. Nhưng nó chưa bao giờ xảy ra. (Khóc).

Bác sĩ: Nhưng nó sẽ xảy ra. Đó là một trong những mục đích của chúng tôi.

Cha tuyên úy: Cô muốn nói là chưa bao giờ có chuyện họ đến? Khi cô cần họ?

Bệnh nhân: Chỉ ít thôi. Giống như khi tôi nói, khi người ta bị bệnh, họ sẽ tránh xa. Ông biết đấy, họ nghĩ bệnh nhân không muốn nói chuyện, dù bệnh nhân không thể phản ứng, dù họ chỉ ngồi đó, bệnh nhân sẽ biết họ không cô đơn. Ý tôi là, đây sẽ là những vị khách bình thường. Nếu người ta nhìn thấy việc này, và nếu đó là người không rống lên về việc cầu nguyện, nếu họ có thể nhẹ nhàng đọc Kinh Lạy Cha cùng với bệnh nhân, bài Kinh mà chính bệnh nhân đã không thể tự mình nói được trong mấy ngày liền, vì vừa nói: “Lạy Cha chúng con”, sau đó phần còn lại bị lẫn lộn hết, ông biết đấy. Bệnh nhân lại được nhắc nhở, và cái đó có ý nghĩa ghê lắm. Ông thấy đấy, nếu tôi không có gì để tặng cho người ta, người ta sẽ bỏ tôi. Ông biết đấy, nếu tôi có thể cho người ta, nhưng rất nhiều người không biết rằng tôi cần bao nhiêu.

Bác sĩ:  Đúng. (Cuộc trò chuyện hỗn hợp.)

Bệnh nhân: Và họ cho tôi khi tôi không bị bệnh nặng. Tôi nhận được rất nhiều nhưng lúc đó nhu cầu của tôi không lớn lắm.

Bác sĩ: Nhu cầu của cô lớn hơn hẳn khi cô không còn khả năng cho đi.

Bệnh nhân:Vâng, và mỗi lần tôi bị ốm, tôi sẽ lo lắng rất nhiều về tài chính, chi phí hết bao nhiêu, còn lúc khác tôi sẽ lo lắng về việc liệu tôi có việc làm khi trở về hay không. Rồi lần khác tôi sẽ lo lắng nếu chuyện đó xảy ra, chị biết đấy, tôi sẽ bị bệnh kinh niên và luôn phụ thuộc vào người khác. Mỗi lần lại có những cái khác nhau, chị biết đấy, xuất hiện nên tôi luôn có nhu cầu.

Bác sĩ: Chuyện gì đã xảy ra trong đời sống bên ngoài của cô? Tôi không biết gì về kinh nghiệm và hoàn cảnh xã hội của cô hoặc lối sống của cô. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô khi cô không thể làm việc? Lúc đó, nhà thờ có hỗ trợ cô hoặc chỗ làm việc của cô hiện nay hoặc gia đình có hỗ trợ không không? Ai hỗ trợ?

Bệnh nhân: Vâng, chắc chắn là có. Tôi đã nhập viện ba lần trong chính bệnh viện của chúng tôi. Có lần trong đêm tôi đau đến không thở được. Tôi đi xuống hành lang và gõ cửa phòng y tá và cô ấy đưa tôi trở lên và cho tôi uống thuốc hạ đường huyết và sau đó họ quyết định để tôi ở trong bệnh xá. Đây là bệnh xá dành cho các Sơ. Chỉ có các Sơ mới có thể đến đó và ở đó thật cô đơn. Chị thấy đấy, không có tivi hay đài phát thanh, đây không phải là một phần cuộc sống của chúng tôi. Đôi khi, trừ những trường hợp liên quan tới việc học hành và nếu mọi người không đến, tôi cần những thứ này. Không ai nói những chuyện này với bệnh nhân và tôi đã nói chuyện này với bác sĩ để ngay khi cơn đau qua đi và tôi có thể chịu đựng được, thì ông ấy cho tôi xuất viện, vì biết rằng về mặt tâm lý, tôi cần giao tiếp với mọi người. Nếu tôi có thể về phòng riêng của mình, nằm xuống, mặc quần áo bốn hoặc năm lần một ngày và đi ăn, thì ít nhất tôi cũng cảm thấy mình là một phần của cuộc sống. Tôi không cảm thấy cô đơn đến như thế. Mặc dù tôi thường xuyên phải ngồi trong nhà thờ, mà không thể cầu nguyện vì cảm thấy không khỏe, nhưng tôi vẫn ở bên cạnh những người khác. Chị hiểu ý tôi chứ?

Bác sĩ:  Vâng. Tại sao cô nghĩ rằng sự cô đơn lại khủng khiếp đến như thế đối với cô?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ, không, tôi không nghĩ rằng mình sợ cô đơn, vì có những lúc tôi cần ở một mình. Tôi không muốn nói thế. Nhưng trừ khi tôi liên kết nó với việc bị bỏ rơi trong tình huống này, tôi sẽ không thể tự giúp mình được. Nếu tôi cảm thấy đầy đủ, thì không cần người ta cũng không sao. Nhưng tôi, đó không phải là chết một mình, đó là sự tra tấn mà cơn đau có thể tạo ra cho bệnh nhân, giống như chỉ muốn bứt tóc ra. Chị sẽ không quan tâm nếu không tắm trong nhiều ngày, vì nó tốn quá nhiều công sức, giống như chị đang trở nên ít nhân bản hơn.

Cha tuyên úy: Ý thức nhất định về phẩm giá mà cô ấy muốn giữ càng lâu càng tốt.

Bệnh nhân: Vâng, và đôi khi tôi không thể tự làm được.

Bác sĩ:  Cô biết đấy, cô đã nói rất nhiều về những việc chúng tôi đã làm ở đây trong cả năm nay và những việc chúng tôi đã cố gắng thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ rằng cô thực sự thể hiện thành lời.

Bệnh nhân: Vẫn muốn trở thành một cá nhân. (Bác sĩ: Một con người.)

Bệnh nhân: Vâng. Tôi có thể nói với chị một chuyện khác. Năm ngoái tôi đã xuất viện ở đây. Tôi phải ngồi xe lăn về bệnh viện của chúng tôi vì chân tôi bị gãy. Đó là gãy xương về mặt bệnh lý. Và tất cả những người tốt bụng đã đẩy chiếc xe lăn đó chỉ làm cho tôi mất tập trung, vì họ đẩy tôi đến nơi họ muốn tôi đến chứ không phải nơi tôi muốn đến. Và không phải lúc nào tôi cũng có thể nói cho họ biết tôi muốn đi đâu. Tôi thà bị đau ở cánh tay, trong khi tự đẩy mình vào nhà vệ sinh còn hơn phải nói với người ta tôi muốn đi đâu, rồi sau đó để họ đợi bên ngoài và dành cho tôi thời gian để tôi sử dụng nhà vệ sinh. Chị hiểu tôi chứ? Họ sẽ gọi tôi là người rất độc lập, nhưng tôi thì không. Tôi phải giữ phẩm giá của mình vì họ sẽ hủy hoại nó vì tôi. Tôi không nghĩ rằng khi tôi thực sự cần sự giúp đỡ, tôi sẽ từ chối nó theo cách tôi đã làm. Nhưng kiểu giúp đỡ như thế này của nhiều người lại gây rắc rối cho người khác. Chị biết chứ? Lòng tốt của họ và tôi biết đó là thiện chí, nhưng tôi không thể đợi cho đến khi họ đi ra. Ví dụ, chúng tôi có một Sơ chăm sóc chúng tôi và chị ấy cung cấp tất cả những thứ này và sau đó chị ấy cảm thấy bị hắt hủi nếu bệnh nhân không chấp nhận. Vâng, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi. Tôi biết chị ấy có một cái nẹp ở sau lưng. Họ chỉ định những thứ này cho bệnh xá, không tốt lắm, cho những Sơ đã 77 tuổi. Vâng, tôi thức dậy và tự dọn giường của mình trước khi tôi hỏi một người trong bọn họ. Nhưng nếu chị ấy đề nghị dọn giường và tôi từ chối, thì chị ấy sẽ cảm thấy như tôi hắt hủi, không coi chị ấy như một y tá. Vì vậy, tôi phải nghiến chặt răng lại và hy vọng rằng chị ấy sẽ không đến vào ngày hôm sau và nói với tôi rằng chị ấy bị đau lưng suốt cả đêm và không thể ngủ được, vì tôi sẽ cảm thấy như mình đã gây ra chuyện đó.

Cha tuyên úy: E hèm.... cô ấy có bắt cô phải trả tiền.

Bệnh nhân: Có.

Cha tuyên úy: Tôi có thể chuyển đề tài...?

Bác sĩ:: Cô sẽ cho chúng tôi biết khi cảm thấy mệt mỏi, đúng không?

Bệnh nhân:Vâng, xin cứ tiếp tục. Tôi có cả ngày để nghỉ ngơi.

Cha tuyên úy: Nói về đức tin của cô, bệnh tật đã làm gì với đức tin của cô? Nó củng cố hay làm suy yếu niềm tin của cô vào Chúa?

Bệnh nhân: Tôi không nói rằng bệnh tật của tôi có ảnh hưởng, vì tôi chưa bao giờ nghĩ về nó theo nghĩa đó. Tôi muốn hiến mình cho Thiên Chúa, như một nữ tu. Tôi muốn trở thành bác sĩ và đi truyền giáo. Vâng, tôi đã không làm bất cứ việc gì trong chuyện này. Ông thấy đấy, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất nước mình. Tôi đã bị bệnh suốt nhiều năm qua. Bây giờ tôi biết rằng đó là - tôi đã quyết định cái mà tôi muốn làm cho Thiên Chúa. Tôi bị cuốn hút vào những điều này và tôi nghĩ chúng là ý muốn của Ngài. Nhưng rõ ràng là không phải như thế. Vì vậy, tôi cam chịu, mặc dù nếu tôi khỏe lại, tôi vẫn muốn chính những thứ ấy. Tôi vẫn muốn học ngành y. Điều này, tôi nghĩ bác sĩ truyền giáo là tuyệt vời, hơn cả một y tá ngay cả khi các chính phủ đặt ra những hạn chế như thế đối với các y tá.

Nhưng, đức tin của tôi, tôi nghĩ, đã bị chấn động mạnh nhất ở đây. Không phải là do bệnh, mà qua một người đàn ông là bệnh nhân ở phía bên kia hành lang. Một người đàn ông Do Thái rất tốt bụng. Chúng tôi gặp nhau ở phòng chụp X-quang, trong căn phòng nhỏ ở đó. Hai chúng tôi đang chờ chụp X-quang. Đột nhiên tôi nghe thấy giọng nói và ông ta nói với tôi: “Cô đang vô cùng hạnh phúc vì chuyện gì vậy?” Tôi nhìn ông ta và nói: “Vâng, tôi không đặc biệt hạnh phúc, nhưng tôi không sợ chuyện gì sẽ xảy ra nếu đó là cái mà anh định nói”. Ánh mắt hoài nghi xuất hiện. Vâng, đó là cách chúng tôi gặp nhau và chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi đã vượt qua khoảng cách, dù ít dù nhiều. Ông ta là người Do Thái, và không thực hành bất kỳ truyền thống tâm linh nào, ông ta khinh thường hầu hết các giáo sĩ Do Thái mà ông từng gặp. Vì vậy, ông ấy đi sang phòng tôi và nói rằng thực ra là không có Chúa. Chúng ta đã tạo ra Chúa vì chúng ta cần Chúa. Bây giờ, tôi chưa từng nghĩ về điều đó. Ông ta thực sự tin như thế. Tôi nghĩ ông ta làm thế vì ông ta không tin vào thế giới bên kia. Cùng lúc đó, chúng tôi có một cô y tá theo thuyết bất khả tri, cô ấy nói chắc chắn rằng có thể có một vị Chúa đã tạo ra thế giới. Họ đã nói chuyện này với tôi. Tôi nghĩ rằng đó là những gì ông ấy muốn thảo luận. Họ đã bắt đầu. Và cô y tá nói với tôi: “Nhưng chắc chắn là từ đó ông ta không quan tâm tới thế giới nữa”. Vâng, trước khi tới đây, tôi chưa bao giờ thực sự gặp những người như thế. Ông biết đấy, đó là lần đầu tiên tôi phải đánh giá đức tin của mình. Có nghĩa là mỗi khi tôi nói: “Ồ, chắc chắn là có Chúa. Hãy nhìn vào thiên nhiên”. Đây là điều mà một người nào đó đã dạy tôi.

Cha tuyên úy: Họ đang thách thức cô?

Bệnh nhân: Vâng. Và ý tôi là, những người đó đã dạy tôi. Họ có có lý hơn những người nghĩ ra tất cả những thứ này không? Có nghĩa là tôi phát hiện ra rằng tôi không có tôn giáo. Tôi đã theo tôn giáo của người khác. Và đây là những gì M. đã làm với tôi. M. là một người, ông biết đấy. Và ông ta luôn luôn nói điều gì đó mỉa mai hoặc cô y tá này sẽ nói: “Tôi không biết tại sao tôi lại quan tâm đến Nhà thờ Công giáo La Mã nhiều như thế, trong khi tôi ghét nó đến như thế”. Ý tôi là, đây là lúc cô ấy đưa cho tôi một viên thuốc. Điều này là để làm cho tôi tỉnh thức, một cách nhẹ nhàng. Nhưng M. thực sự cố gắng tỏ ra cung kính vì tôi. Ông ta sẽ nói: “Cô muốn nói về chuyện gì?” Ông ta nói: “Tôi muốn nói về Barabbas[5]”. Tôi sẽ nói: “Không, M. ơi, ông không thể nói về Barrabas thay vì nói về Chúa Kitô”, và ông ấy nói: “Vâng, thực ra khác biệt là gì. Đừng buồn, Sơ”. Và ta sẽ cố gắng tỏ ra tôn kính và tôn trọng, nhưng ông luôn luôn thách thức tôi: Giống như đó hoàn toàn là một trò lừa bịp, ông biết không?

Bác sĩ:  Cô thích ông ta?

Bệnh nhân: Vâng. Hiện vẫn thích.

Bác sĩ:  Ngay trong lúc này à? Phải có người nào đó đang ở đây vào lúc này chứ?

Bệnh nhân: Không, nó xảy ra trong lần thứ hai tôi nhập viện ở đây. Nhưng chúng tôi vẫn luôn là bạn bè.

Bác sĩ:  Cô vẫn còn liên lạc với ông ta chứ?

Bệnh nhân: Hôm qua ông ấy đã ở đây. Vâng, ông ấy đã gửi cho tôi một bó hoa rất đẹp. Nhưng vì có ông ấy, mà tôi thực sự có được đức tin của mình. Thực ra, đó là đức tin của riêng tôi vào lúc này. Và đó là đức tin, chứ không phải lý thuyết của người nào khác, nghĩa là tôi không hiểu con đường của Chúa và nhiều chuyện đang xảy ra, nhưng tôi tin rằng Chúa vĩ đại hơn tôi và khi tôi nhìn thấy những người trẻ tuổi sắp chết, và cha mẹ của họ, và người ta nói rằng đó là mất mát và mọi thứ, tôi có thể thấy. Tôi nói: “Chúa là tình yêu”, và tôi muốn nói điều đó ngay lúc này. Đó không phải là ngôn từ, tôi thực sự có ý đó. Và rằng Chúa, nếu Chúa là tình yêu, thì Chúa biết rằng khoảnh khắc này trong đời sống con người này là khoảnh khắc đẹp nhất của họ và nếu họ sống lâu hơn, nếu họ sống ít hơn, Chúa không thể ban cho họ nhiều khoảnh khắc vĩnh cửu đến như thế, nếu không họ sẽ vĩnh viễn bị trừng phạt, mà đấy sẽ là sự trừng phạt kinh khủng hơn lúc này. Tôi nghĩ trong tình yêu của Chúa, đây là cách tôi có thể chấp nhận cái chết của những người trẻ tuổi và vô tội này.

Bác sĩ:  Cô sẽ không phản đối nếu tôi hỏi một số câu hỏi rất riêng tư chứ?

Cha tuyên úy: Chỉ một, một sự thật. Nếu tôi nghe không lầm thì cô đang nói rằng bây giờ cô có đức tin mạnh mẽ hơn và có khả năng chấp nhận bệnh tật của mình so với khi mới bắt đầu. Là do kết quả của đức tin.

Bệnh nhân: Ồ, không. Tôi chỉ muốn nói về đức tin của tôi bên ngoài bệnh tật của tôi. Nhưng đó không phải là bệnh tật, mà là M. đang thách thức đức tin của tôi, thậm chí không cố ý làm như thế.

Bác sĩ:  Bây giờ đức tin là của chính cô ấy chứ không phải thứ mà người khác dạy.

Cha tuyên úy: Xuất phát từ mối quan hệ.

Bệnh nhân: Đức tin đã tới đây. Xảy ra ở đây, ngay tại đây, trong bệnh viện này. Vì vậy, tôi muốn nói là tôi đã tìm ra nó trong những tháng năm này và tôi đã trưởng thành trong đó. Vì vậy, bây giờ tôi thực sự hiểu đức tin và tin tưởng là gì. Trước đây tôi luôn luôn mò mẫm để hiểu nó cho rõ ràng hơn. Và ngay cả khi tôi biết nhiều hơn và rằng, nó không thay đổi được sự kiện là tôi còn thấy và thích nhiều hơn nữa. Tôi nói với M., “Nếu không có Chúa, tôi chẳng có gì để mất, nhưng nếu có Chúa thì tôi sẽ tôn thờ Ngài vì Ngài xứng đáng được thờ phượng, theo nghĩa là tôi có thể làm được nhiều nhất vào lúc này”. Trong khi trước đây đức tin là của người khác, là tự động, là kết quả của công học tập của tôi. Tôi đã không - tôi đã không thờ phượng Chúa. Tôi nghĩ là có, nhưng hãy tin tôi đi, nếu ai đó nói rằng tôi không tin Chúa thì người đó đang xúc phạm tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy có sự khác biệt.

Cha tuyên úy: Chị còn câu hỏi nào khác?

Bác sĩ:  Vâng, tôi có, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải hoàn thành trong khoảng năm phút. Nhưng có lẽ chúng ta có thể tiếp tục câu chuyện này vào lúc khác.

Bệnh nhân: Tôi muốn nói với các vị điều mà một bệnh nhân đã nói với tôi. “Đừng đến và nói với tôi đây là ý Chúa dành cho tôi”. Tôi chưa từng nghe thấy người nào phẫn nộ về nhận xét này. Cô ấy là một bà mẹ hai mươi bảy tuổi, để lại ba đứa con thơ. “Tôi ghét khi một người nào đó nói với tôi câu này. Tôi biết điều đó nhưng chị ta đang sống trong những cơn đau này. Không ai có thể an ủi khi chị ta đang bị đớn”. Lúc đó, tốt hơn hết chỉ nên nói cái gì đó tương tự như: “Cô đang bị đau”, để có cảm tưởng như có người hiểu những gì bệnh nhân đang trải qua hơn là lờ chuyện này đi và đưa thêm vào cái gì đó. Khi đang khỏe mạnh, thì không sao. Một chuyện khác tôi có thể nói, người ta không thể dùng từ ung thư. Dường như từ này vẫn tạo ra đau đớn.

Bác sĩ:  Cũng có những từ khác giống như thế.

Bệnh nhân: Nhưng với nhiều người, nhiều hơn hẳn tôi. Tôi nghĩ rằng theo nhiều cách, đó là một căn bệnh phù hợp, tôi đã thu được nhiều lợi ích vì có bệnh. Tôi đã gặp nhiều bạn bè, nhiều người. Tôi không biết liệu bệnh tim hay tiểu đường có dễ chấp nhận hơn không. Tôi nhìn theo hành lang và tôi vui mừng vì những gì tôi có, thay vì những gì tôi không có. Tôi không ghen tị với người khác. Nhưng khi bị bệnh nặng, người ta không nghĩ đến bất cứ điều gì như thế. Người ta chỉ chờ xem liệu mọi người sẽ làm họ đau hay giúp đỡ.

Bác sĩ: Cô là cô gái như thế nào? Khi còn là một cô bé, điều gì đã khiến cô trở thành một nữ tu? Đây có phải là một kế hoạch gia đình hay cái gì đó?

Bệnh nhân: Tôi là người duy nhất trong gia đình. Chúng tôi có mười anh chị em, năm trai và năm gái. Tôi không bao giờ nhớ mình không muốn trở thành một nữ tu. Nhưng đôi khi, chị biết đấy, vì tôi đã nghiên cứu nhiều về tâm lý học, tôi tự hỏi liệu điều đó có đưa tôi đến một nơi mà tôi sẽ trở nên nổi bật hay không. Đến nơi mà tôi rất khác với những chị em của tôi, những người rất phù hợp với gia đình tôi. Mẹ tôi - họ là những người quản gia giỏi và những thứ đại loại như thế, còn tôi thích sách và những thứ tương tự. Nhưng tôi xin nói rằng trong nhiều năm, tôi không tin đấy là sự thật. Hiện nay, đôi khi tôi không muốn trở thành nữ tu, bởi vì quá nhiều khó khăn, tôi nhớ rằng nếu Chúa muốn tôi làm như thế, tôi có thể chấp nhận, vì đấy là ý Chúa. Ngài, bằng cách này hay cách khác, cách đây mấy năm, đã chỉ cho tôi con đường khác. Và cái này nữa, tôi tiếp tục nghĩ - tôi đã nghĩ về nó suốt cả đời này và đây là con đường duy nhất và bây giờ tôi cũng có thể nghĩ rằng mình sẽ là một người mẹ tốt và một người vợ tốt. Lúc đó tôi nghĩ đây là điều duy nhất mà tôi nên hoặc có thể làm. Tôi muốn nói là không phải là bị ép buộc, vì tôi đã làm một cách tự do, nhưng tôi không hiểu. Lúc ra đi tôi mới mười ba tuổi và tôi đã không tuyên thệ cho đến khi tôi hai mươi tuổi, nghĩa là tôi có tất cả thời gian và lúc đó còn sáu năm nữa để quyết định, và, lời thề cuối cùng đã nhiều năm rồi. Và tôi nói rằng giống như trong hôn nhân, nó phụ thuộc vào người đó. Người đó có thể chấp nhận hoặc từ chối. Chị biết đấy, chị có thể làm cho nó trọn vẹn hơn cho chính mình.

Bác sĩ: Cô còn mẹ không?

Bệnh nhân: Vâng, còn ạ.

Bác sĩ:  Bà ấy là người phụ nữ như thế nào?

Bệnh nhân: Cha và mẹ tôi đều là những người di cư từ XY tới. Mẹ tôi đã tự học tiếng Anh. Bà là một người rất thân thiện. Tôi nghĩ bà không hiểu bố tôi lắm. Bố tôi là nghệ sĩ và ông là người bán hàng giỏi, còn mẹ tôi là một người rất kín đáo, khép kín. Bây giờ tôi nhận ra rằng chắc chắn là mẹ tôi có cảm giác bất an. Bà đánh giá cao việc là người kín đáo và những thứ tương tự như thế, vì vậy, gia đình chúng tôi coi thường tính cách hướng ngoại. Nhưng tôi lại có xu hướng hướng ngoại. Vì tôi muốn thoát ly và làm việc, trong khi các chị tôi thích ở nhà thêu thùa và mẹ tôi thực sự hài lòng với các chị em tôi. Tôi tham gia các câu lạc bộ khác nhau và những thứ tương tự như thế. Còn bây giờ họ bảo tôi là người hướng nội. Tôi thấy khó trong suốt cuộc đời mình.

Bác sĩ:  Tôi không nghĩ cô là người hướng nội.

Bệnh nhân: Vâng, họ vừa nói với tôi như thế cách đây khoảng hai tuần. Tôi thường không tìm được người có thể nói chuyện với mình, ngoài những câu chuyện thông thường. Tôi quan tâm tới rất nhiều thứ. Tôi chưa bao giờ có người để chia sẻ. Sự kiện như thế thường xảy ra khi ngồi cùng nhóm người, tôi ngồi cùng bàn với một nhân viên kế toán và một người nào đó, nhiều nữ tu của chúng tôi không có cơ hội được học hành như tôi, và tôi nghĩ họ có phần ghen tị. Nghĩa là họ nghĩ người kia nghĩ rằng anh ta cao hơn họ. Vì vậy, ngay lập tức nếu gặp một người như vậy, ta phải ngậm miệng lại, nghĩa là không cung cấp cho họ bất kỳ cơ sở nào để nghĩ như thế. Giáo dục làm cho người ta trở thành khiêm tốn, chứ không phải kiêu căng. Nhưng tôi sẽ không thay đổi ngôn ngữ của mình. Nghĩa là nếu tôi có thể sử dụng từ phù hợp, thì tôi sẽ không sử dụng từ nào đơn giản hơn. Còn nếu họ nghĩ đây là câu chuyện to tát, thì không phải. Tôi có thể nói chuyện đơn giản với một đứa trẻ như bất kỳ người nào khác, nhưng tôi sẽ không thay đổi cách nói chuyện của mình sao cho phù hợp với từng người. Nhưng đã có khi tôi ao ước mình có thể làm được như thế. Nghĩa là, tôi phải trở thành người mà người ta muốn tôi trở thành. Bây giờ tôi không còn như thế nữa. Bây giờ họ cũng phải học cách chấp nhận tôi. Tôi đang đòi hỏi họ hay tôi sẽ bình yên chờ đợi điều đó, nó sẽ không xé tôi thành từng mảnh được. Người ta phẫn nộ với tôi và họ đã làm cho chính mình phẫn nộ. Tôi không nhất thiết phải làm họ phẫn nộ.

Bác sĩ: Cô cũng phẫn nộ với mọi người.

Bệnh nhân: Vâng, đúng vậy, nhưng nó thậm chí còn làm tôi phẫn nộ khi người đó nói rằng tôi là người hướng nội trong khi người này không quan tâm đến việc thảo luận nhiều về những điều bên ngoài lối mòn. Không quan tâm đến tin tức và không quan tâm đến những sự kiện xảy ra trong ngày hôm đó. Tôi muốn nói là không bao giờ có thể nói về quyền công dân ...

Bác sĩ:  Lúc này cô đang nói về ai?

Bệnh nhân: Các nữ tu của tôi ở trong tu viện.

Bác sĩ:  Tôi hiểu rồi. Được rồi, tôi rất muốn tiếp tục, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên kết thúc. Cô có biết chúng ta đã thảo luận bao lâu rồi không?

Bệnh nhân: Không. Tôi nghĩ là một tiếng đồng hồ.

Bác sĩ:  Hơn một tiếng.

Bệnh nhân:Vâng, tôi cho rằng chúng ta đã thảo luận khá lâu. Tôi biết quá trình tư vấn sẽ diễn ra nhanh chóng, khi người ta say mê.

Cha tuyên úy:  Mặc dù vậy, tôi tự hỏi liệu cô có muốn hỏi chúng tôi điều gì không.

Bệnh nhân:Tôi có làm các vị bị sốc không?

Bác sĩ:  Không.

Bệnh nhân: Vì tôi có tính tự phát, tôi có thể đã phá hủy hình ảnh.

Bác sĩ: Một ni cô thì phải như thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, đúng vậy.

Cha tuyên úy: Cô đã gây ấn tượng đối với tôi, tôi sẽ nói như thế.

Bệnh nhân: Nhưng tôi không muốn làm ai đó bị tổn thương vì hình ảnh của mình, tôi biết.

Bác sĩ: Không, cô không làm gì như thế hết.

Bệnh nhân: Ý tôi là, tôi không muốn ông nghĩ xấu về các nữ tu hay bác sĩ hay bất cứ thứ gì, hay y tá

Bác sĩ: Tôi không nghĩ là tôi sẽ nghĩ như thế, được chứ? Chúng tôi muốn thấy cô chính là cô.

Bệnh nhân: Đôi khi tôi tự hỏi liệu tôi có tạo ra khó khăn cho họ hay không.

Bác sĩ: Tôi chắc rằng đôi khi cô là người như thế.

Bệnh nhân: Ý tôi là, là một y tá và là Sơ, tôi tự hỏi liệu tôi làm họ họ khó xử hay không.

Bác sĩ:  Tôi rất vui khi thấy cô không đeo mặt nạ Nữ tu. Cô vẫn là cô.

Bệnh nhân: Nhưng đây là vấn đề khác mà tôi nói với chị, đây là một vấn đề khác của tôi. Ở nhà, tôi không bao giờ có thể rời khỏi phòng mà không có thói quen như thế. Nhưng ở đây tôi coi đó là rào cản và cái đó, có những tình huống mà tôi ra khỏi phòng của mình mà chỉ mặc áo choàng, làm cho một số nữ tu ở nhà cảm thấy sốc. Họ đã tìm cách đưa tôi ra khỏi bệnh viện này. Họ nghĩ rằng tôi cư xử không đúng chuẩn và tôi sẽ cho người khác vào phòng mình khi những người kia muốn vào. Những việc như thế làm cho họ bị sốc. Họ sẽ không nghĩ đến việc cho tôi những thứ mà tôi cần – sẽ không đến thăm tôi thường xuyên. Và rằng họ không đến thăm tôi thường xuyên như hồi tôi ở bệnh xá. Tôi có thể nằm ở đó, tôi đã nằm đó trong hai tháng, nhưng rất ít nữ tu đến thăm tôi. Nhưng tôi hiểu, vì họ đang làm việc trong bệnh viện, khi rảnh rỗi, họ sẽ tìm cách đi xa. Nhưng tôi phải tìm cách nói với mọi người rằng tôi không cần họ. Và ngay cả khi tôi, chị biết đấy, yêu cầu họ quay lại, nhưng họ dường như không tin. Họ tin rằng có thế có sức mạnh hay cái gì đó, tự tôi làm thì tốt hơn, họ không quan trọng. Và tôi không thể cầu xin họ.

Cha tuyên úy: Làm hỏng hết ý nghĩa của nó.

Bệnh nhân: Không đúng. Tôi không thể cầu xin người nào đó cái mà tôi cần.

Cha tuyên úy: Tôi nghĩ - cô đã nói rõ cho chúng tôi biết rồi. Rất có ý nghĩa. Vai trò quan trọng của phẩm giá con người của bệnh nhân. Không van xin hay không bị lấn át, và thao túng.

Bác sĩ: Nhưng tôi nghĩ, nếu tôi có thể kết thúc vấn đề này bằng một lời khuyên. Tôi thậm chí không thích từ này. Tôi nghĩ đôi khi, khi chúng tôi đau đớn và thống khổ và chúng tôi trông cũng khỏe mạnh như cô, y tá có lẽ rất khó biết khi nào cô cần y tá, khi nào cô không cần. Và tôi nghĩ đôi khi có lẽ cần đề nghị nhiều hơn và đấy không phải là cầu xin. Cô biết chứ? Có lẽ là đó là công việc khó khăn hơn.

Bệnh nhân:Bây giờ lưng tôi rất đau. Tôi sẽ quay lại cái bàn làm việc đó khi đi ngang qua và xin một viên thuốc giảm đau. Tôi không thể nói khi nào tôi cần thuốc, nhưng xin một viên thuốc giảm đau là đủ, phải thế không? Tôi bị đau dù thần thái của tôi có tốt hay không, tôi bị đau. Các bác sĩ nói rằng tôi nên cố gắng và thoải mái, nghĩa là có ngày không đau vì khi tôi đi làm lại, tôi sẽ phải đổ mồ hôi qua một số lớp học, dù tôi có đau hay không. Thế là tốt, nhưng tôi đánh giá cao sự hiểu biết của họ khi cho rằng thỉnh thoảng người ta cần thoát khỏi đau đớn, chỉ để thư giãn thôi.

Cuộc phỏng vấn cho thấy rõ nhu cầu của bệnh nhân này. Cô ấy rất giận dữ và oán hận, thái độ này dường như bắt nguồn từ thời thơ ấu. Cô là một trong mười người con và cảm thấy như người xa lạ ngay trong gia đình mình. Trong khi các anh chị em khác thích ngồi nhà thêu thùa và làm mẹ hài lòng, thì cô lại tỏ ra giống bố hơn, muốn thoát ly, muốn đi đến nhiều nơi. Chẳng khác gì không làm cho Mama hài lòng. Cô ấy dường như đã dàn xếp nhu cầu của mình để trở thành khác biệt với các anh chị em của mình, để có bản sắc riêng và trở thành cô gái ngoan mà mẹ mong muốn bằng cách đi tu. Chỉ đến khi sắp sang tuổi bốn mươi, khi cô ấy bị ốm và đòi hỏi nhiều, giữ thái độ “gái ngoan” mới ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một phần thái độ oán hận của cô đối với các nữ tu là lặp lại thái độ oán hận của cô đối với mẹ và các anh chị em của mình, oán hận việc họ không chấp nhận mình, lặp lại cảm giác bị từ chối trước đó. Không những không hiểu nguồn gốc của thái độ phẫn nộ và oán hận của cô ấy, những người xung quanh cô đã phản ứng theo lối cá nhân và bắt đầu hắt hủi cô ấy nhiều hơn nữa. Cô ấy chỉ có thể bù đắp cho tình trạng cô lập ngày càng gia tăng như thế bằng cách đến thăm những bệnh nhân khác và đòi hỏi thay cho họ - do đó, đáp ứng nhu cầu của họ (thực sự là của cô ấy), đồng thời bày tỏ thái độ không hài lòng và lên án thái độ không quan tâm của bệnh viện. Chính yêu cầu mang tính thù địch này đã làm cho các y tá xa lánh – dễ hiểu mà - và thái độ đó lại càng làm cho cô ấy có lý do dễ chấp nhận hơn thái độ thù địch của chính mình.

Trong cuộc phỏng vấn, một số nhu cầu đã được đáp ứng. Cô được phép là chính mình, thù địch và đòi hỏi mà không phán xét và cảm xúc cá nhân. Người ta đã hiểu cô ấy chứ không phán xét. Người ta đã tạo điều kiện cho cô trút bỏ một phần thái độ thịnh nộ của mình. Khi trút bỏ được gánh nặng này, cô ấy có thể thể hiện một khía cạnh khác của mình, đó là một người phụ nữ ấm áp, biết yêu thương, sáng suốt và giàu tình cảm. Rõ ràng là cô ấy yêu người đàn ông Do Thái kia và công nhận anh ta vì đã phát hiện được ý nghĩa thực sự của tôn giáo của cô. Người đàn ông đó đã mở ra cánh cửa trong nhiều giờ để cô nhìn vào bên trong và cuối cùng giúp cô tìm được niềm tin bên trong chứ không phải niềm tin bên ngoài vào Chúa.

Đến cuối cuộc phỏng vấn, cô ấy đề nghị có nhiều cơ hội hơn để lên tiếng như thế này. Cô ấy diễn giải nhu cầu của mình, một lần nữa một cách giận dữ, bằng cách yêu cầu một viên thuốc giảm đau. Chúng tôi tiếp tục đến thăm cô và ngạc nhiên khi biết rằng cô đã không còn đến thăm những bệnh nhân đang hấp hối khác và dễ phục tùng các nhân viên bệnh viện hơn trước. Khi cô bớt cáu kỉnh với các y tá, họ đến thăm cô thường xuyên hơn và cuối cùng đề nghị gặp chúng tôi “để hiểu cô hơn”. Cách làm này đã tạo ra khác biệt đến mức nào.

Trong lần cuối cùng tôi đến thăm, cô ấy nhìn tôi một lần nữa và cuối cùng đề nghị tôi điều mà trước đây chưa có người nào đề nghị, đó là đọc cho cô nghe một chương trong Kinh thánh. Lúc đó cô ấy đã khá yếu và chỉ ngửa cổ ra sau, và bảo tôi nên đọc trang nào, bỏ qua trang nào.

Tôi không thích công việc này vì tôi thấy nó hơi đặc biệt và vượt quá những công việc thông thường mà tôi thường được yêu cầu làm. Tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn hẳn nếu cô ấy đề nghị tôi gãi lưng, đổ bô vào ban đêm, hoặc cái gì đó tương tự như thế. Tuy nhiên, tôi còn nhớ rằng mình đã nói với cô ấy là chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu, và có vẻ hơi coi thường khi gọi cho cha tuyên úy bệnh viện khi nhu cầu của cô ấy dường như khá cấp bách vào chính thời điểm đó. Tôi nhớ lại ý nghĩ đáng sợ là một vài đồng nghiệp của tôi có thể bước vào phòng và cười nhạo vai trò mới của tôi, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì không có ai vào phòng của cô trong “phiên họp” này.

Tôi đọc từng chương, không thực sự nhận thức được những điều mình đã đọc. Cô đã nhắm mắt và tôi thậm chí không thể khám phá được phản ứng của chính mình. Cuối cùng, tôi hỏi cô ấy rằng đây có phải là lần cuối cùng cô ấy diễn kịch không hay có điều gì khác đằng sau mà tôi không hiểu. Đó là lần duy nhất tôi nghe thấy cô ấy cười sảng khoái, đầy cảm kích và hài hước. Cô ấy nói rằng có cả hai, nhưng mục đích chính thực sự là mục đích tốt. Đó không chỉ là phép thử cuối cùng của cô ấy đối với tôi mà đồng thời cũng là thông điệp cuối cùng cô ấy gửi cho tôi, mà cô ấy hy vọng tôi sẽ nhớ sau khi cô ấy đã ra lâu rồi....

Vài ngày sau, cô ấy đến thăm tôi, ăn mặc chỉnh tề, tại văn phòng của tôi để chia tay. Cô ấy trông vui vẻ, gần như hạnh phúc. Cô ấy không còn là một nữ tu giận dữ làm cho mọi người xa lánh, mà là một người phụ nữ đã tìm thấy chút bình yên nếu không nói là chấp nhận hoàn cảnh và đang trên đường về nhà. Cô ấy qua đời ngay sau đó.

Nhiều người trong chúng tôi vẫn nhớ đến cô ấy, không phải vì những khó khăn mà cô ấy đã gây ra, mà vì những bài học mà cô ấy đã dạy cho nhiều người trong chúng tôi. Và vì vậy, trong những tháng cuối đời, cô ấy đã trở thành người mà cô ấy rất muốn trở thành, khác biệt với những người khác, nhưng vẫn được yêu thương và chấp nhận.



[1] Bệnh Hodgkin hay còn gọi là bệnh ung thư Hodgkin là một loại ung thư hệ bạch huyết. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở những người từ 20 đến 40 tuổi và những người trên 55 tuổi - ND.

[2] Người ta nói rằng bệnh nhân này nói dối trong khi chính cô ta chắc chắn rằng căn bệnh thể chất nào đó đã gây ra nhiều triệu chứng mà cô ấy mắc phải. Để chắc chắn rằng mình suy nghĩ đúng, cô đã đến gặp bác sĩ tâm lý, người đã xác nhận niềm tin của cô – chú thích trong nguyên tác.

[3] Chloral hydrate dùng trước phẫu thuật để giảm lo lắng và gây an thần và/hoặc gây ngủ. Trước đây, thuốc được dùng để điều trị chứng mất ngủ. Tuy nhiên, thuốc này chỉ có tác dụng gây ngủ khi sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu dùng dài ngày trên 2 tuần sẽ mất hiệu lực. Hiện nay đã có nhiều thuốc khác tốt hơn thay thế - ND.

[4] Codeine là một dẫn xuất của thuốc phiện dùng để giảm đau, một dạng thuốc ho, và thuốc trị tiêu chảy. Thường được sử dụng để điều trị đau nhẹ đến vừa phải - ND.

[5] Theo Tân Ước, Barabbas là một tù nhân được đám đông ở Jerusalem chọn thay Chúa Jesus để được thống đốc Pontius Pilate ân xá và trả tự do trong lễ Vượt Qua - ND.


No comments:

Post a Comment