BẢN NGÃ KHÔNG PHẢI
LÀ CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN
VINH QUANG THIÊN CHÚA TRÊN CÁC TẦNG TRỜI
DẪN NHẬP
Quá trình phát triển tâm linh tương tự như đặt mình
vào trong luồng gió
— DAVID R. HAWKINS, M.D., Ph.D.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một cái cây vào mùa thu, một nửa số lá đã rụng và sau đó một cơn gió mạnh thổi qua và tất cả những chiếc lá còn lại rơi ngay xuống đất hay chưa? Cuốn sách này có thể là cơn gió mạnh như thế đối với bạn. Tương tự như một cái cây đã rụng rất nhiều lá, bạn đã sẵn sàng từ bỏ rất nhiều cách tư duy cũ và những mô thức hạn chế về lo lắng, đau buồn, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và tức giận.
Hãy coi cuốn sách này là sức mạnh giúp xóa tan phần còn lại của những “chiếc lá” mà bạn đang bám víu vào, nhưng bạn thậm chí không nhận ra chúng có ở đó—những lời hứa giả dối của bản ngã, những gắn bó khó nhìn thấy và những niềm tin sai lầm, không cho bạn nhận ra rằng bạn là một với Tất cả. Như chúng ta biết khi quan sát bốn mùa, cái cây phải trải qua quá trình buông bỏ của mùa đông trước khi nó có thể nở hoa vào mùa xuân.
Bạn có sẵn sàng buông bỏ việc nhìn nhận chính mình theo cách mà bản ngã tin rằng bạn đang là hay không? Bạn có sẵn sàng tiến xa hơn, để biết rằng bản ngã chỉ là vọng tưởng hay không? Tiến sĩ Hawkins cho chúng ta biết rằng ngay cả ý tưởng về một bản ngã riêng biệt như là người tìm kiếm Sự thật cũng là vọng tưởng: “Là trở ngại khi nghĩ rằng có một tự ngã cá nhân hoặc một ‘Tôi’ hoặc một bản ngã đang nỗ lực hoặc tìm kiếm, hoặc sẽ trở thành chứng ngộ. Sẽ dễ dàng hơn hẳn khi nhận ra rằng không có thứ gì như là bản ngã hoặc bản sắc ‘Tôi’ đang thực hiện bất kỳ cuộc tìm kiếm nào; thay vào đó, đó là khía cạnh phi cá nhân của ý thức đang khám phá và tìm kiếm.”
Quá trình này là chuyển từ chúng ta là “ai” thành chúng ta là “cái gì”. Tôi đã học được điều này từ Tiến sĩ Hawkins theo kiểu khá buồn cười. Một ngày nọ, ông ấy đặt cho tôi một biệt danh, “Fran-Fran,” và điều này đã kích động một loạt các trò đùa gõ cửa giữa chúng tôi:
Tiến sỹ: Fran-Fran
Fran: Tiến sỹ-tiến sỹ Doc-Doc.
Tiến sỹ: Cộc-cộc.
Fran: Ai đấy?
Tiến sỹ: Không phải “ai”
mà “cái gì”.
Lúc đó chúng tôi phá ra cười. Bạn có thấy ông ấy tài giỏi đến mức nào khi sử dụng hài hước để phá vỡ những thói quen nhận thức cũ hay chưa? Ngay cả khi ông ấy kết nối với tôi như một cá nhân, một “ai đó”, thái độ hài hước của ông đã cắt đứt vọng tưởng về tư cách con người. Ông ấy nói, “Bạn không phải là ‘ai đó’ mà là ‘cái gì.’” Bản ngã cá nhân bị ám ảnh bởi việc trở thành một “ai đó” thành công trên thế gian này, chẳng hạn như “Tôi là thế này… tôi đã làm việc đó… Tôi có cái này….Tôi tin vào cái đó…” Tiến sĩ Hawkins đề nghị là, thay vì tập trung vào chúng ta là “ai”, chúng ta hãy tự hỏi mình trong khi chiêm nghiệm, “Tôi là cái gì?”
Khi chúng ta từ bỏ “con người” (who) mà chúng ta nghĩ mình đang là, chúng ta sẽ đến với “cái gì” (what), Cội nguồn của chính tồn tại. Buông bỏ bản sắc và tính cách, niềm tin và chấp trước, và thậm chí buông bỏ chính mình như là người tìm kiếm, thì sẽ còn lại gì?
Tôi nhớ một khoảnh khắc khi tôi ở bên ông và tôi chợt nhận ra: “Tôi không phải là giáo sư, mặc dù tôi làm việc như một giáo sư. Tôi không phải là một tín đồ, mặc dù tôi phụng sự như một tín đồ. Tôi không phải là phụ nữ, mặc dù tôi sống như một phụ nữ. Tôi không phải là ‘tôi’ (me), mặc dù tôi hoạt động như ‘tôi’ (me).” “Cái gì” (what) thay thế cho “ai” (who). Tình yêu làm tan rã mọi “ai” (who) mà chúng ta tìm cách bám víu vào. Dòng sông không còn tên gọi khi chảy vào biển lớn.
Trong cuốn sách này, những giáo lý quan trọng nhất từ một loạt tác phẩm của Tiến sĩ Hawkins đã được chọn lọc nhằm hướng dẫn chúng ta trong quá trình Tự chứng ngộ. Bất kỳ lời dạy nào, nếu được áp dụng trực tiếp, đều tiết lộ Sự thật. “Cái chân nào của con voi cũng dẫn đến con voi,” như Tiến sĩ Hawkins từng nói.
Tiến sĩ Hawkins khuyên chúng ta khi đọc cuốn sách, thì nên tìm cách “biết” chứ không phải “biết về”. “Biết” ngụ ý trải nghiệm chủ quan; “biết về” có nghĩa là tích lũy sự kiện.
Và ông cũng khuyên chúng ta nên cầu nguyện ở bên trong:
Xin làm tôi tớ Chúa, là phương tiện của Tình Yêu Thần Thánh, là kênh truyền tải Ý chí Chúa[1]. Xin được hướng dẫn và trợ giúp thần thánh và phó thác tất cả ý chí cá nhân bằng cách dâng hiến. Dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa. Coi tình yêu và an bình là những lựa chọn ưu tiên hơn tất cả các lựa chọn khác. Cam kết với mục tiêu của tình yêu vô điều kiện và tâm từ bi đối với tất cả đời sống trong tất cả các biểu hiện của nó và phó thác tất cả phán xét cho Chúa. — The Eye of the I: From Which Nothing Is Hidden (2002), Chapter 13: Explanations, p. 265.
Nếu chúng ta có thể từ bỏ vọng tưởng về cái “tôi” (me) nhỏ bé này, thì Tiến sĩ Hawkins hứa rằng chúng ta sẽ có niềm vui chưa từng có: “Hoàn toàn không có thứ gì trong trải nghiệm bình thường của con người có thể so sánh với niềm vui của Hiện diện của Tình yêu của Chúa. Để nhận ra Hiện diện đó thì không có sự hy sinh nào là quá lớn hay nỗ lực nào là quá nhiều.” Ông xác nhận lời hứa này với sự chắc chắn chỉ có thể có khi chính ông đã phó thác mọi thứ trên bàn thờ Đấng Tối Cao.
Cuốn sách này khá mỏng, nhưng nó có thể có ảnh hưởng to lớn đến đời sống của bạn. Nó sẽ đưa bạn đi qua quá trình chuyển hoá hoàn toàn ý thức—nếu bạn quyết định áp dụng những lời dạy của nó một cách sâu sắc vào bên trong chính mình.
Với lòng tận tụy và biết ơn,
Fran Grace, Ph. D.
PHẦN I
BẢN CHẤT CỦA TỰ NGÃ
(BẢN NGÃ/TÂM TRÍ)
Trong khi tâm trí thầm tin
rằng sự sống còn của nó là do bản ngã, thì ngược lại, sự sống còn của một người
là do linh hồn truyền năng lượng cho bản ngã để nó hoàn thành những nhiệm vụ
quan trọng. Chính vì ý định của linh hồn mà tự ngã hoặc bản ngã thấp hơn thậm
chí còn nhớ uống vitamin. Trên thực tế, chúng ta sống và tồn tại, không phải vì
có bản ngã, mà vì đã mặc kệ nó.
***
Thế giới của bản ngã tương
tự như một ngôi nhà của những cái gương mà bản ngã đi lạc vào; trong khi đuổi
theo những hình ảnh trong từng cái gương, nó đã lạc lối và bối rối. Đời sống của
con người là những thử và sai bất tận trong khi họ tìm cách thoát khỏi mê cung.
Đôi khi, đối với nhiều người—và có thể là đối với hầu hết mọi người—thế giới của
những cái gương trở thành ngôi nhà kinh hoàng và ngày càng tệ hại hơn. Cách duy
nhất để thoát khỏi những cuộc lang thang quanh co là theo đuổi sự thật tâm
linh.
***
Quan trọng cần nhớ là thế
giới hoạt động trong hệ hình nhân quả tuyến tính hạn chế của vật lý Newton với
nhận thức giữ thế thượng phong về những gì là “thực”. Mặt khác, tâm linh dựa
trên những thực tại không nhìn thấy được và các cõi phi nhị nguyên và do đó dường
như là không thực hoặc, tốt nhất nên nói là, kỳ cục đối với thế giới bình thường.
***
Mọi thứ đều diễn ra theo
cách riêng của nó; không có cái gì gây ra bất cứ cái gì khác…. Quan trọng là phải
biết rõ rằng vọng tưởng về nhân quả tuyến tính như là lời giải thích cho các hiện
tượng quan sát được trong đời sống là hạn chế lớn nhất và sâu sắc nhất của tư
duy…Tư duy, lý trí, logic và ngôn ngữ đều có cơ cấu nhị nguyên, dựa trên tiên đề
nói rằng có một chủ thể và một đối tượng, rằng có một “cái này” làm hoặc là
nguyên nhân gây ra một “cái kia”.
***
***
Tĩnh lặng tuyệt đối tạo được
ảnh hưởng và có lợi hơn mớ ngôn ngữ và hành động dư thừa phát ra từ bản ngã tâm
linh và những lý lẽ rỗng tuếch của nó. Những lời đao to búa lớn mang tính tâm
linh vẫn chỉ là những lời đao to búa lớn và là ngụy biện mang tính tâm linh mà
thôi. Cam kết với chứng ngộ làm thay đổi và đưa các vai trò xã hội vào bối cảnh
mới.
***
Tâm trí hoạt động như bộ xử
lý dữ liệu đồng thời được thu thập từ cả bên trong lẫn bên ngoài… Một số thông
tin được nhận thức và lưu trữ trong các ngân hàng bộ nhớ, nhưng cũng có quá
trình xử lý theo lối vô thức tất cả dữ liệu được lưu trữ trong vô thức. Màng lọc
xử lý này tạo ra độ trễ 1/10.000 giây và hoạt động như là sự tách biệt giữa tự
ngã (self) và và Đại ngã/Thực Tại (Self/Reality). Màng lọc xử lý này là “người
trải nghiệm” đang hành động.
***
Màng lọc của người trải
nghiệm lại được ham muốn và sự đồng nhất với nó tiếp thêm năng lượng. Ham muốn
này giống như tò mò, mong muốn và thèm khát, và là trải nghiệm chính trải nghiệm.
Ngoài ra, có sự đồng nhất tự ngã với chính quá trình trải nghiệm và thông tin
liên quan đến nội dung của trải nghiệm.
***
Các trường năng lượng mạnh
mẽ đến mức chúng chi phối nhận thức của chúng ta. Chúng thực sự là những cánh cổng
để chúng ta nhìn ra thế giới. Chúng ta thường nghe nói rằng đây thực sự chỉ là
một thế giới của những cái gương, và tất cả những gì chúng ta trải nghiệm là
trường năng lượng của chính chúng ta phản chiếu lên chúng ta như là nhận thức
và trải nghiệm.
***
Có thể coi bản ngã là tập
hợp những thói quen suy nghĩ cố hữu, mà những suy nghĩ này lại là kết quả của
quá trình đồng bộ hóa với các trường năng lượng không nhìn thấy được chi phối ý
thức của con người. Những thói quen suy nghĩ này được củng cố bằng cách lặp đi
lặp lại lại và được xã hội chấp nhận. Chính ngôn ngữ cũng góp phần củng cố thói
quen này. Suy nghĩ bằng ngôn ngữ là một hình thức tự lập trình. Sử dụng đại từ Tôi
(I) làm chủ ngữ—và do đó, là nguyên nhân được ám chỉ của mọi hành động—là sai lầm
nghiêm trọng nhất, và tự động tạo ra tính nhị nguyên của chủ thể và khách thể.
***
Từ một bối cảnh rộng hơn,
chúng ta có thể thấy rằng bản ngã không phải là “xấu” mà chủ yếu là con vật ích
kỷ. Nếu không hiểu và chấp nhận“bản ngã động vật” này thì không thể giảm được ảnh
hưởng của nó.
***
Rõ ràng là cội nguồn mang
tính bản năng của các cơ chế của bản ngã là thỏa mãn và đáp ứng các nhu cầu và ước
muốn sinh tồn.
***
Cốt lõi ái kỷ của bản ngã là
hoà điệu với là người “đúng”, dù “đúng” có nghĩa là hoà điệu với khôn ngoan hay
bác bỏ nó như là thứ vô giá trị. Với thái độ khiêm tốn, người tìm kiếm nghiêm
túc khám phá được rằng chỉ một mình tâm trí, dù có học tới mức nào, thì nó cũng
không thể giải quyết được tình thế tiến thoái lưỡng nan là làm sao xác định và
xác thực được sự thật—quá trình này đòi hỏi xác nhận bằng trải nghiệm chủ quan,
cũng như các tiêu chí khách quan, có thể chứng minh được.
***
Quan trọng nhất cần nhớ là
bỏ qua nguyên tắc của mình nhằm giành được những lợi ích ngắn hạn là chúng ta
thực sự đang từ bỏ sức mạnh bên trong cực kỳ to lớn. Ví dụ, trong quá trình
nghiên cứu chúng tôi phát hiện được rằng lý lẽ cho rằng xử tử tội phạm sẽ ngăn
chặn được tội ác là không đúng; và mục đích không thể biện minh cho phương tiện…
Bởi vì chúng ta không phân biệt được nguyên tắc và lợi ích ngắn hạn cho nên người
bình thường không có khả năng phân biệt để có thể hiểu được sự khác biệt giữa yêu
nước và Yêu nước chân chính, giữa tinh thần Mỹ và Tinh thần Mỹ, giữa chúa và Chúa,
giữa tự do và Tự do, giữa liberty và Liberty. Do đó, “tinh thần Mỹ” được những
nhóm người da trắng thượng đẳng (có điềm hiệu chỉnh 150) và đám đông hành hình
theo kiểu lynch sử dụng như là biện hộ, giống như những cuộc chiến tranh được
tiến hành nhân danh “Chúa” trong suốt chiều dài của lịch sử… Cần phải có kinh
nghiệm và đánh giá với đầy đủ kiến thức thì mới học được sự khác biệt giữa các
nguyên tắc và đồ giả. Phải thận trọng như thế thì mới có thể sống sót về mặt đạo
đức trong thế giới hiện đại nói chung, nhưng lại là điều bắt buộc trong những
vùng xám với sự mơ hồ về đạo đức đã được nâng từ quy ước lên thành nghệ thuật: vũ
đài chính trị và thị trường đang diễn ra mỗi ngày.
***
Sự thật triệt để có nghĩa
là những thứ đang được trải nghiệm, không phải những thứ người ta thực sự nghĩ
về hoặc những khái niệm mà người ta đang phóng chiếu vào trải nghiệm; đó không
phải là dán nhãn cho nó mà là những gì người ta thực sự trải nghiệm ở bên trong
chính mình.
***
Bộ não là cơ quan cảm giác
của người trải nghiệm, và người ta nhận ra rằng nó phải chết về mặt thể xác. Do
đó, khi người ta nhận ra bằng cách chấp nhận rằng chết là không thể tránh được
thì người ta mới thấy Đại ngã (Self) quan
trọng hơn tự ngã (self).
***
Các khái niệm có tầng sức
mạnh bên trong, có thể hiệu chỉnh được. Tầng sự thật càng cao, thì sức mạnh bên
trong của nó càng lớn. Năng lượng của khái niệm là kết quả của sự thật của lời tuyên
bố cộng với tầng ý thức của người phát ngôn. Nếu không được năng lượng cao hơn
giúp đỡ (từ vị thầy vĩ đại), bản ngã/tâm trí không thể siêu việt được chính nó.
***
Những hiện tượng đối lập với
nhau không tồn tại trong Thực tại. Chúng chỉ là những khái niệm của ngôn từ và tư
duy. Xin lấy hai thứ dường như đối lập với nhau là ánh sáng và bóng tối. Thực
ra, không có thứ gì gọi là bóng tối; chỉ có ánh sáng. Những điều kiện sau đó có
thể được mô tả chính xác như là có ánh sáng hoặc không có ánh sáng, hoặc ánh
sáng có ở những mức độ khác nhau; do đó, tất cả ánh sáng hoặc không có ánh sáng
chỉ có thể được định nghĩa theo ánh sáng bằng sự có mặt của nó hoặc mức độ của
nó, hoặc không. Do đó, chỉ có một biến số: có ánh sáng hay không có ánh sáng.
***
Diễn đạt bằng lời nói giúp
thiết lập bối cảnh mà sau đó từng bước trở thành phi ngôn ngữ và bao quát hơn.
Thông tin chính xác tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm hữu ích
bằng cách chỉ ra những con đường làm cho người ta mất thời gian và phân tâm một
cách vô ích.
***
Nếu thời gian không tồn tại,
thì khái niệm “nơi chốn” cũng thế.... “Không gian” là một khái niệm. Tâm trí tưởng
tượng rằng nếu một thứ gì đó tồn tại ở một nơi nào đó, thì nơi đó phải là không
gian. Tương tự như thời gian, “không gian” là tưởng tượng… Trong Thực tại phi
tuyến tính, không có đường thời gian nào để xác định một khoảnh khắc hoặc một
điểm có thể gọi là “bây giờ”.
***
Nghiên cứu hình tướng là
công việc rất hấp dẫn đối với trí tuệ trong các biểu hiện của nó trong vật lý học,
hóa học, thiên văn học, vũ trụ học, v.v. Rồi, con người bắt đầu hỏi vũ trụ đến
từ đâu và sẽ đi về đâu. Thực ra, hiện tượng này chứng tỏ một bản năng động vật
khác rất quan trọng, đó là trí tò mò. Muốn tìm thức ăn, bạn tình hoặc nơi trú ẩn,
động vật luôn luôn tìm kiếm theo bản năng và dường như đối với nó, tò mò là không
thể nào thỏa mãn được. Khám phá là bản năng bẩm sinh của nhân loại, và tầng cao
nhất của nó dẫn đến tìm hiểu về mặt tâm linh. Quá trình này dẫn tới những câu hỏi:
tôi là ai, tôi là gì, tôi đến từ đâu, cội nguồn và số phận của tự ngã là gì, và
Chúa là ai và ở đâu.
***
Tất cả các khía cạnh của đời
sống con người đều là phù du; do đó, bám víu vào bất kỳ khía cạnh nào cuối cùng
cũng đều mang lại đau khổ và mất mát. Tuy nhiên, mỗi sự cố là một cơ hội để tìm
kiếm ở bên trong cội nguồn của đời sống, nó luôn có đó, không thay đổi, và
không bị mất hay bị thời gian tàn phá.
***
Chúng ta thực sự không trải
nghiệm chính thân cơ thể của mình; thay vào đó, chúng ta chỉ trải nghiệm những
cảm giác của cơ thể. Do đó, nhận thức về cơ thể chỉ là cảm giác tổng hợp mà
vùng cảm giác thân thể của não bộ ghi lại, và, thông qua hoạt động của tế bào
thần kinh, nó tái tạo hình ảnh của cơ thể.
***
Cuối cùng, chúng ta chỉ có
thể biết mọi thứ bằng cách “trở thành chính nó”. Chỉ có thể giải được những câu
đố của nhận thức luận bằng cách loại bỏ suy nghĩ vì mọi lời nói đều là những
tuyên bố trái ngược nhau. Có thể lấy bất kỳ từ nào và truy tìm lại nguồn gốc của
nó. Từ đó bắt nguồn như thế nào? Từ đâu? Từ đó có phải là đồ vật mà người nói
muốn nói hay không? Khi đặt ra những câu hỏi như thế, cuối cùng chúng ta sẽ đứng
trước nghịch lý tối thượng của tính nhị nguyên. Thực tại triệt để là hiểu được
bản chất của bất cứ thứ gì là biết được Chúa. Diễn đạt bằng ngôn từ là biện
pháp mà con người tìm cách chạm đến những điều cao cả, mặc dù không bao giờ có
thể đạt được hoàn toàn.
***
Không có thời gian biểu
hay lộ trình có sẵn nào có thể dẫn đến Thiên Chúa. Mặc dù con đường của mỗi người
là độc nhất vô nhị, nhưng địa hình cần vượt qua là tương đối giống nhau cho tất
cả mọi người. Cần vượt qua và siêu việt những khiếm khuyết chung của con người
vốn có sẵn trong cơ cấu của bản ngã con người. Người ta muốn nghĩ rằng những
khiếm khuyết này mang tính cá nhân; tuy nhiên, tự thân bản ngã không phải là cá
nhân. Nó được thừa hưởng cùng với việc trở thành con người. Chi tiết khác nhau là
do nghiệp quá khứ.
***
Cái “nó” trong cơ cấu của
bản ngã ở tất cả mọi người không phải là độc nhất vô nhị hay có tính cá nhân,
mà tương đối giống nhau, với những biến thể mang tính nghiệp quả. Cái thực sự
khác nhau ở mỗi người là mức độ mà một người phải làm nô lệ cho các chương
trình của nó. Do đó, mức độ thống trị được xác định bởi mức độ mà một người đồng
nhất với nó. Về bản chất, nó không có sức mạnh bên trong, và sức mạnh làm suy yếu
các chương trình của bản ngã tăng theo hàm số mũ khi người ta thăng tiến về mặt
tâm linh.
***
Do những hạn chế cố hữu của
nó, bản ngã không thể biết Chúa bằng trải nghiệm. Chúa là tính chủ quan tuyệt đối,
là nền tảng cho tồn tại và khả năng nhận thức. Chúa vượt ra ngoài thời gian, địa
điểm hay đặc điểm của con người. Tất cả những mô tả về Thực tại Tối thượng của các
giác giả trong suốt chiều dài của lịch sử đều giống hệt nhau. Chỉ có một Thực tại
Tối cao… Vì Thượng đế (Godhead), hay Thượng đế Phi Hiển Lộ (God Unmanifest), vượt ra ngoài mọi mô tả, Nhận thức Tối
thượng là hoàn toàn chủ quan và hoàn toàn không có nội dung. Những thực thể nhẹ
dạ tuyên bố là thần linh không thừa nhận thần tính tuyệt đối của Đấng Tối Cao
Vô Biên Vô Tế (Infinite Supreme). Lúc đó, chúng ta có thể nói rằng một vị thần
giả hiệu là một thực thể đã từ chối sự thật nhằm giành quyền lực, kiêu ngạo và quyền
kiểm soát người khác, và đã khuất phục trước sai lầm của Lucifer, tuyên bố rằng
bản ngã là Thiên Chúa (tức là chứng hoang tưởng tự đại). Cơ sở cho sai lầm này
là không muốn phó thác chủ quyền tối cao của “Tôi” của bản ngã cho sự Toàn năng
của Thiên Chúa.
***
Kiêu ngạo dưới hình thức
kiêu căng của tư tưởng, suy nghĩ, khái niệm và ý kiến là cơ sở của vô minh. Thuốc
giải là khiêm nhường triệt để, có thể phá bỏ sự thống trị của tri giác… Bước
vào lãnh địa của thực tại giống như đi qua một màng lọc tinh vi—chỉ có nước tinh
khiết mới có thể đi qua, và tất cả cá, côn trùng và mảnh vụn đều bị bỏ lại ở bên
ngoài. Chỉ có ý thức thuần túy không có nội dung mới có thể vượt qua các rào cản
của tri giác và trở thành nước tinh khiết có thể đi qua màng lọc… Hữu hạn là
con đẻ của vô hạn và không bao giờ thực sự tách biệt khỏi nó, trừ khi tri giác xen
vào; tiềm năng vô biên vô tế của phi hiển lộ trở thành hiện thực của cái hiển lộ
là do ý chí của Chúa như là Đấng Sáng Tạo.
***
Theo truyền thống, sẵn
sàng cho việc học hỏi tâm linh được gọi là “chín muồi”, là kết hợp ngẫu nhiên
giữa ý định chân thành cộng với trưởng thành, quá trình tiến hóa tăng dần của ý
thức và kích hoạt mong muốn học tập theo lối trải nghiệm… Nhiệt tình tăng lên
và cuối cùng là tận tụy, và những mục tiêu và giá trị tâm linh dần dần thay thế
cho những mục tiêu và giá trị hạn hẹp hơn của bản ngã thế gian… Tốt nhất nên mô
tả tiến trình như là quá trình mở ra của nhận thức và mặc khải tự phát thường
được gán cho trực giác và hướng dẫn ở bên trong… Khi công việc tâm linh tiến
triển, bản ngã dần dần tan rã và hòa nhập vào Đại ngã, là cái có khả năng học tập
khác với khả năng của bản ngã/tâm trí.
***
Người tìm kiếm đã tiến bộ
hơn từng nghe nói rằng không có “ở kia” hay “ở đây” và do đó, họ chịu trách nhiệm
cho mọi sự kiện xảy ra. Lúc đó người ta nhận thức được rằng mọi thứ dường như xảy
ra thực ra là những thứ đang được lưu giữ trong những cái trước đây được coi là
“bên trong”. Do đó, khuynh hướng phóng chiếu đã không còn. Định vị như là “nạn
nhân vô tội”, với tất cả sự “ngây thơ” giả tạo của nó, đã bị vạch trần… Niềm
tin là yếu tố quyết định những thứ mà người ta trải nghiệm. Không có “nguyên
nhân” bên ngoài nào hết. Người ta khám phá ra phần thưởng bí mật từ những phóng
chiếu bí mật mà người ta không nhận thức được. Có thể khám phá được các chương
trình nền tảng của mình bằng cách liệt kê những lời than vãn và đau khổ của
mình, rồi sau đó làm ngược lại.
***
Thực tại của tâm trí là hư
cấu. Nhận thức được như thế làm cho nó mất quyền thống trị, không còn là trọng
tài của thực tại nữa. Nhìn bằng con mắt của bản ngã, cuộc đời là những màn biểu
diễn hấp dẫn và ghê tởm, sợ hãi và những niềm vui thoáng qua liên tục thay đổi.
Nó coi nền tảng của sự an toàn của nó là các định vị (xem phần Thuật ngữ) được
đánh giá quá cao, nhưng, cùng với quá trình trưởng thành, từng bước một, nó tìm
kiếm ở bên trong những phẩm chất lâu dài, có thể tin cậy được. Nếu không có chỉ
dẫn hoặc thông tin tâm linh, nó không biết phải nhìn theo hướng nào và có thể
chỉ đơn giản là quay lại với những kỹ thuật sinh tồn cơ bản có giá trị thực dụng.
***
Luôn luôn nhớ rằng bản
ngã/tâm trí không trải nghiệm thế giới mà chỉ là tri giác của nó về thế giới.
***
Bản ngã là người làm mà
người ta tưởng tượng ra đằng sau suy nghĩ và hành động. Người ta tin chắc rằng
sự hiện diện của nó là cần thiết và thiết yếu cho sự sống còn của con người. Lý
do là phẩm chất chính của bản ngã là tri giác, và như thế, nó bị giới hạn bởi hệ
hình nhân quả.
***
Trong khi mục tiêu của bản
ngã/tâm trí chủ yếu là làm, hành động, đạt được hoặc thực hiện, thì ý định của
chiêm nghiệm là “trở thành”. Trong khi trí tuệ muốn biết “về”, thì chiêm nghiệm
tìm kiếm chính Cái Biết và trí tuệ độc lập. Tư duy duy lý liên quan đến thời
gian, tuần tự và tuyến tính, trong khi chiêm nghiệm diễn ra bên ngoài thời
gian. Nó là phi tuyến tính và liên quan đến hiểu biết bản chất. Chiêm nghiệm sùng
kính là một cách sống hay phong cách sống trên thế gian này, bắng cách đó cuộc
đời của người ta trở thành một lời cầu nguyện.
***
Hiện tượng nghiện ngập và
sự sống sót của bản ngã dựa trên nền tảng là niềm vui bí mật của thái độ tiêu cực,
người ta không thể từ bỏ được nó cho đến khi nhận ra, xác định và thú nhận nó mà
không hề xấu hổ hay có mặc cảm tội lỗi. Phải thấy rằng đây chính là cách mà bản
ngã—mọi người đều thừa hưởng—hoạt động, và nhận ra rằng thực ra nó hoàn toàn không
mang tính cá nhân.
***
Bản ngã bí mật “yêu” và
bám víu vào vị trí nạn nhân và rút ra từ những đau đớn và khổ đau niềm vui méo
mó và những lời biện hộ đáng sợ.
***
Bản ngã bảo vệ những hạn
chế của chính mình bằng những lời phủ nhận đầy kiêu hãnh, do đó, nó trở thành nạn
nhân của chính mình.
***
Bản chất của cơ cấu cơ bản
nhất của bản ngã của con người là sự ngây thơ bẩm sinh ở chỗ nó tin vào thực tế
hoặc sự thật của các chương trình của chính nó và không nhận thức được rằng nó
không có khả năng tự điều chỉnh hoặc tự nhận ra sai lầm trong suy nghĩ của
mình. Lý do làm cho bản ngã không có khả năng xác minh là dữ liệu của nó chỉ được
sử dụng trong các hệ thống xử lý ở bên trong. Các cơ chế bên trong của bản ngã
không có bất kỳ nguồn tham chiếu bên ngoài, độc lập nào để có thể xác minh.
***
Khi tiến gần hơn đến việc
khám phá ra nguồn gốc của sự ngoan cường của bản ngã, chúng ta sẽ phát hiện được
sự thật quan trọng đáng kinh ngạc là chúng ta say mê tự ngã của mình.
***
Nhận thức là một quá trình
tiến lên từng bước một. Hiểu được bản chất thực sự của bản ngã sẽ thúc đẩy quá
trình phát triển tâm linh. Bản ngã không phải là kẻ thù cần phải tấn công hay
đánh bại, cũng không phải là cái xấu cần phải được khắc phục. Hiểu biết với tâm
từ bi sẽ làm tan rã bản ngã.
***
Lòng tự trọng thực tế xuất
phát từ quá trình thực hiện các nguyên tắc chính trực để cho ý định trở thành yếu
tố quan trọng, vốn ít dễ bị tổn thương hơn so với kết quả lý tưởng…Cần phải có
lòng dũng cảm để từ bỏ những điểm tựa của kiêu hãnh và, khiêm tốn chấp nhận thực
tại bên trong của mình, vốn đến từ nguồn gốc bất khả xâm phạm. Muốn chấp nhận cốt
lõi bên trong sự tồn tại của một người như là thực tại tự tồn tại thì cần phải
từ bỏ mọi định nghĩa về mình như “ai” (who) và thay vào đó, nhìn nhận mình như “cái
gì”… Mọi công lao đều được dành cho Chúa như là Hiện diện của Thần tính bên
trong chứ không dành cho bản ngã, và do đó, thành tích dẫn đến thái độ biết ơn
và niềm vui hơn là kiêu hãnh vốn dễ bị tổn thương.
***
Vũ trụ có thái độ rất hợp
tác. Vì vũ trụ chính là ý thức, cho nên nó cảm thấy hạnh phúc khi tạo ra bất cứ
điều gì mà chúng ta muốn tìm thấy “ở ngoài kia”. Vấn đề nằm ở chính khái niệm về
nguyên nhân, nó đặt ra câu hỏi bằng cách giả định sự uốn cong của thời gian, một
chuỗi sự kiện có ý nghĩa. Nếu chúng ta bước ra khỏi thời gian, thì sẽ không có nguyên
nhân nào hết. Có thể nói rằng thế giới hiển lộ xuất phát từ thế giới phi hiển lộ,
nhưng một lần nữa cái đó sẽ suy ra một chuỗi nhân quả tuần tự trong thời gian—tức
là, cái phi hiển lộ trở thành hiển lộ. Một khi vượt ra khỏi sự uốn cong của thời
gian, với những hạn chế ngầm của nó trong việc hiểu mọi thứ chỉ theo trình tự,
sẽ không còn khái niệm trước hay sau.
***
Bởi vì bản ngã được xây dựng
từ các định vị, nó không có lựa chọn nào khác ngoài việc là cái mà nó đang là.
Do đó, nó trở thành nguồn gốc không thể tránh khỏi của những đau khổ và mất mát
bất tận. Trên hết, nó sợ tương lai và bóng ma của cái chết, vốn là bản chất của
cơ cấu của bản ngã. Bản ngã có các phương thức xác định nhận thức theo thói
quen. Phải xác định được chúng trước khi có thể gỡ bỏ. Phải từ bỏ mặc cảm tội lỗi
về việc mình có bản ngã.
***
Trái ngược với thói kiêu
ngạo bẩm sinh của bản ngã, trí thông minh chân chính là phẩm chất của ý thức/nhận
thức và không dễ bị tấn công vì bản chất của nó là phi tuyến tính. Tuy nhiên,
nó được bản ngã sử dụng trong biểu hiện của nó như là tâm trí, sau đó tâm trí trở
thành và phục vụ cho động lực sinh tồn của bản ngã. Do đó, bản ngã thực sự sử dụng
tâm trí như vật ngụy trang và ẩn mình trong những cơ cấu khôn khéo của nó.
***
Bản ngã không phải là kẻ
thù cần phải khuất phục, mà nó chỉ đơn giản là bộ sưu tập những thói quen nhận
thức chưa được kiểm chứng.
***
Con người vừa là linh hồn
vừa là thể xác; do đó, thực tế là con người luôn tồn tại trong miền tuyến tính
và phi tuyến tính.
***
Thật kỳ lạ là, gọng kìm của
bản ngã sẽ giảm khi ta chấp nhận, làm quen và hiểu biết với tâm từ bi; ngược lại,
tự phê bình, lên án, sợ hãi và sự xấu hổ chỉ làm cho nó mạnh thêm.
***
Câu trả lời cho nhiều quan
điềm của bản ngã còn khiếm khuyết có thể được bao hàm trong sự tỉnh táo thường
bị bỏ qua của “lẽ thường”.
***
Một cơ chế mà bản ngã sử dụng
nhằm bảo vệ chính mình là phủ nhận dữ liệu gây đau đớn
và phóng chiếu nó ra thế
giới bên ngoài và những người khác.
***
Bản ngã không xấu cũng
không phải là kẻ thù, mà chỉ là vọng tưởng cần phải thoát ra để
một thứ gì đó tốt hơn hẳn
có thể thế chỗ cho nó.
***
Trong thực tại, không có
thứ gì là bản ngã hết; nó chỉ là vọng tưởng. Nó được tạo thành từ bộ sưu tập
các quan điểm tùy tiện do quá trình diễn ra trong tâm trí cung cấp và được cảm
xúc và cảm giác tiếp thêm năng lượng. Những ham muốn này là những chấp trước mà
Đức Phật đã nói đến như là ràng buộc của đau khổ. Với thái độ khiêm tốn cao nhất,
bản ngã sẽ tan rã. Đó là tập hợp các quá trình diễn ra một cách tuỳ tiện trong
tâm trí, sức mạnh của nó là do thói quen và sự phù phiếm. Buông bỏ sự phù phiếm
của suy nghĩ, thì bản ngã sẽ tan rã. Tất cả các suy nghĩ đều là phù phiếm. Tất
cả các ý kiến đều là phù phiếm. Do đó, niềm vui của phù phiếm là cơ sở của bản
ngã—rút phích cắm ra và nó sẽ sụp đổ.
***
Bản ngã cực kỳ dai dẳng và
do đó, dường như phải có những điều kiện khắc nghiệt trước khi có thể buông bỏ được
định vị. Phải trải qua trải nghiệm tập thể của hàng triệu người trong nhiều thế
kỷ thì mới học được ngay cả những điều dường nhu là đơn giản và hiển nhiên—cụ
thể là, hòa bình tốt hơn chiến tranh hay tình yêu tốt hơn hận thù.
***
Thái độ cứng nhắc và chống
lại quá trình hiệu chỉnh của bản ngã là do ích kỷ, kiêu ngạo và phù phiếm theo
kiểu ngã ái. Bản ngã tập thể của toàn bộ quốc gia làm cho họ sụp đổ và hủy diệt.
***
Bản ngã/tâm trí cho rằng
và tin rằng tri giác và cách diễn giải của nó về những trải nghiệm của cuộc đời
là “thực” và do đó là “đúng”. Nó cũng tin - bằng cách phóng chiếu – rằng những
người khác cũng nhìn nhận, suy nghĩ và cảm nhận giống mình – nếu họ không như vậy,
thì họ lầm lẫn và vì thế là sai. Do đó, tri giác củng cố việc kiểm soát của
mình bằng cách đồ vật hóa (hành động biến một ý tưởng trừu tượng thành một thực
thể cụ thể - ND) và các giả định.
***
Bản ngã bám vào cảm xúc, vốn
liên hệ mật thiết với định vị của nó; nó giả vờ nghĩ rằng nó không có lựa chọn
nào khác. “Phó thác cho Thiên Chúa” có nghĩa là ngừng nhìn vào bản ngã để tìm
kiếm an ủi và cảm giác phấn khích, mà, thay vào đó khám phá niềm vui thanh thản,
vô tận của sự bình yên. Nhìn vào bên trong chính là tìm thấy nguồn ánh sáng bất
tận và luôn hiện hữu trong chính tâm trí.
***
***
Mặc dù tầng chính trực (tầng
200 trên Bản đồ Ý thức) chính là ngưỡng cửa của tiến bộ tâm linh, nhưng người
ta có thể thấy rằng do cơ cấu của bản ngã, có thể khó vươn tới được tầng này. Sức
mạnh của bản ngã lớn đến mức phải dùng sức mạnh tâm linh thì mới có thể vượt
qua được nó.
***
Cám dỗ bắt nguồn từ bên
trong; nó chỉ đơn giản là mong muốn trải nghiệm phần thưởng và sự thỏa mãn của
bản ngã từ một xung động nào đó, ngay cả khi đó chỉ là sự tò mò hoặc một ham muốn.
***
Thỏa mãn bản ngã thú vị và
gây nghiện hơn là bảo vệ mạng sống của con người, chứ chưa nói đến phẩm giá.
***
Bản ngã nhận được niềm vui
và sự thỏa mãn khủng khiếp từ đau khổ và từ tất cả tầng không chính trực: kiêu
hãnh, tức giận, ham muốn, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và đau buồn. Niềm vui bí mật
của đau khổ có thể làm cho người ta nghiện. Nhiều người dành cả cuộc đời mình
cho nó và khuyến khích những người khác làm theo. Muốn ngăn chặn cơ chế này, phải
xác định niềm vui của phần thưởng và sẵn sàng phó thác cho Chúa. Vì xấu hổ, bản
ngã ngăn chặn nhận thức có ý thức về những âm mưu của nó, đặc biệt là bí mật của
trò chơi “nạn nhân”.
***
Bản ngã của con người
thích giả vờ rằng cái ác nằm ở “ngoài kia” và dụ dỗ tự ngã ngây thơ, bất hạnh của
nó vô tình rơi vào bẫy quyến rũ. Kẻ cám dỗ thực sự là ham muốn giành lợi lộc của
bản ngã—dù đó có là cảm giác, phấn khích, lợi thế, uy tín hay niềm vui được kiểm
soát người khác thì cũng thế.
***
Đối với bản ngã, lợi ích nằm
bên ngoài; đối với linh hồn, chúng nằm ở bên trong, vì niềm vui của tồn tại
luôn luôn có đó, không phụ thuộc vào nội dung hay hình tướng. Đối với linh hồn,
ngày nắng hay ngày mưa đều như nhau. Nhận thức tận hưởng phẩm chất chứ không nắm
chặt hình tướng. Do đó, nó có thể “ở cùng” mà không cần sở hữu hay kiểm soát. Nhận
thức không bị thúc đẩy bởi mục tiêu, mà thay vào đó, nó đánh giá cao khả năng
tìm kiếm niềm vui như nhau trong mọi hoàn cảnh.
***
Bản ngã là tập hợp các
chương trình, trong đó lý trí vận hành thông qua một loạt các thuật toán phức tạp,
nhiều lớp, nơi mà suy nghĩ tuân theo một số cây quyết định có trọng số khác
nhau được điều chỉnh bởi kinh nghiệm trong quá khứ, giáo dục, và các lực lượng
xã hội; do đó, nó không phải là một trạng thái tự tạo ra. Động lực bản năng được
gắn vào các chương trình này, bằng cách đó nó làm các quá trình sinh lý tham
gia vào cuộc chơi.
***
Ở các tầng cao hơn, bản
ngã được coi là vọng tưởng, không có bất kỳ thực tại bẩm sinh nào. Do đó, hiểu
biết bản ngã là kiến thức hữu ích mà sau này sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, cố gắng
làm như thế trước khi có thể giải thể nó bằng nhận thức tâm linh sẽ dẫn đến quan
điểm hư cấu vì tâm trí dễ dàng kết hợp tất cả các tài liệu đã học được và tìm
cách phát triển trong một hình tướng mới, được ngụy trang… Để bù đắp cho thái độ
tự mãn về những thứ đã học được, với thái độ khiêm tốn, người ta tập trung vào
những gì còn phải học.
***
Bản ngã không phải là “bạn”
thực sự; nó được thừa hưởng như một phần của việc sinh ra là một con người. Về
cơ bản, nó bắt nguồn từ thế giới động vật, và quá trình tiến hóa của ý thức đã
diễn ra thông qua những giai đoạn sơ khai của quá trình tiến hóa của nhân loại,
vì vậy có thể nói rằng tìm kiếm chứng ngộ là lặp lại lịch sử tiến hóa của loài
người.
***
Bằng cách cam kết với sự trung
thực bên trong, chúng ta sẽ thấy rõ rằng nền tảng của các phản ứng của bản ngã
là niềm vui mà nó nhận được từ những phản ứng này. Có một thỏa mãn bên trong, đấy
là phần thưởng của than thân trách phận, tức giận, thịnh nộ, căm thù, kiêu
hãnh, mặc cảm tội lỗi, sợ hãi, v.v. Niềm vui bên trong này, nghe có vẻ bệnh hoạn,
sẽ tiếp thêm năng lượng và lan truyền tất cả những cảm xúc này. Muốn xóa bỏ ảnh
hưởng của chúng, thì chỉ cần sẵn sàng từ bỏ và phó thác những niềm vui bí mật
bên trong đáng ngờ này cho Chúa và chỉ trông cậy vào Chúa để có được niềm vui, hài
lòng và hạnh phúc.
***
Muốn xóa bỏ bản ngã, thì phải
sẵn sàng từ bỏ trò chơi có thưởng này, với sự khoa trương về cảm xúc và lặp đi
lặp lại dữ liệu và câu chuyện nhằm biện minh cho quan điểm của nó. Người ta sẽ nhận
tháy rằng bản ngã khai thác mọi sai lầm và nó không có niềm vui nào lớn hơn là
đắm chìm trong “sự phẫn nộ chính đáng”. Nó chỉ “yêu” định vị hấp dẫn đó, vì nó mang
lại tưởng thưởng to lớn.
***
Đối với bản ngã, việc từ bỏ
động lực tự tưởng thưởng được coi là mất mát. Bản ngã không tin tưởng Chúa và
do đó, nghĩ rằng nó chỉ có thể quay vào chính mình nhằm duy trì, tồn tại và hưởng
lạc. Bản ngã tin vào cơ chế của chính nó và không tin vào Chúa. Không nên chỉ
trích nó vì sai lầm này, vì nó không có nền tảng mang tính trải nghiệm để so
sánh. Biện pháp duy nhất để thoát khỏi nó là niềm tin cho rằng có một cách tốt
hơn. Nó nghe thấy sự thật tâm linh và bắt đầu tìm kiếm vào lúc tâm trí vỡ mộng
với những sai lầm của chính nó và không vươn lên được tới hạnh phúc. Cuối cùng,
nó nhận ra rằng thỏa mãn nghiệt ngã mà nó rút ra từ những cơn đau là sự thay thế
tồi tệ cho niềm vui.
***
Về bản chất, bản ngã là
ích kỷ ở mức cao nhất và hoàn toàn không có bất cừ nguyên tắc đạo đức nào.
***
Sự tồn tại dai dẳng của bản
ngã nguyên thủy trong con người được gọi là cốt lõi ái kỷ của “thói vị kỷ”, ở tầng
hiệu chỉnh dưới 200 (tầng chính trực quan trọng) nó chứng tỏ sự tồn tại dai dẳng
của bản chất nguyên thủy của tư lợi, coi thường quyền của người khác và coi người
khác là kẻ thù và đối thủ cạnh tranh chứ không phải đồng minh. Không có gì nguy
hiểm hơn là bản ngã được tôn giáo hóa.
***
Bản ngã không chỉ không thể
đánh giá đúng các tình huống có thể làm chết người, mà nó còn sẵn sàng hy sinh đời
sống cho mục đích của chính nó. Do đó, bản ngã có khả năng làm chết người và
thà “nhìn bạn chết” còn hơn là thừa nhận rằng nó sai.
***
Bản ngã là nạn nhân của
chính nó. Hướng nội tìm một cách nghiêm khắc, sẽ phát hiện được rằng bản ngã thực
sự chỉ đang “tạo ra huyên náo” để vui chơi và sống sót mà thôi. “Bạn” thực sự
thực ra là người thua.
***
Linh hồn tiến hóa qua những
giai đoạn rất dài, với những lần tái sinh theo định kỳ vào nhà máy tâm linh của
trái đất để phát triển và sửa chữa. Khi mọi sửa chữa đã xong, cuộc sống trần thế
không còn giá trị nữa, và sức hấp dẫn và tái sinh vào cõi người cũng chấm dứt.
***
Từ công trình phân tích theo
lối phát triển, sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu ý thức, người ta thấy rằng dường
như bản ngã của con người chủ yếu là sản phẩm và sự tiếp nối của sự hiện diện của
cốt lõi sinh tồn trong quá trình tiến hóa của động vật.
***
Mặc dù bản ngã/tự ngã thường
nhận công lao vì giúp con người sống sót, nhưng cội nguồn thực sự của sự sống
là sự hiện diện của Thần tính như là Đại ngã. Chỉ nhờ có Đại ngã mà bản ngã mới
có khả năng tự duy trì. Nó chỉ là bộ tiếp nhận năng lượng sống chứ không phải cội
nguồn của nó, như nó tin tưởng.
***
Bản ngã thông minh thể hiện
sự vĩ đại bên trong của mình bằng cách thay thế Thần tính bằng tuyên bố rằng
mình chính là Chúa (hoặc Nero, Caesar, v.v.), hoặc tuyên bố thẩm quyền Thần
thánh đặc biệt bằng cách tuyên bố rằng mình được Chúa ban cho và do đó được uỷ
quyền.
***
Nền tảng chính làm cho
tiêu cực tổn tại mãi là phần thưởng bí mật mà bản ngã nhận được từ tiêu cực. Phần
thưởng bí mật này là nguồn năng lượng duy nhất của bản ngã, vì vậy nó coi tha
thứ, cũng như tâm từ bi, là “kẻ thù”.
***
Quan điểm của bản ngã có đặc
điểm là phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi “cho người khác”. Cuối cùng, phần thưởng
của bản ngã là năng lượng duy trì bản ngã, vì nó không có niềm vui của năng lượng
tâm linh. Phần thưởng của bản ngã là cái thay thế cho Thần tính; do đó, nó duy
trì chủ quyền tối cao của mình và nó bí mật thuyết phục mình, nó tin một cách
thầm lặng rằng nó là cội nguồn của chính sự sống—tức là, nó là Thiên Chúa.
***
Đối với bản ngã, “muốn” được
coi là “nhu cầu” và “phải có”. Do đó, việc tìm kiếm của nó có thể trở thành
điên cuồng, và nó có thể vứt bỏ thái độ thận trọng. Do đó, ham muốn leo thang đến
mức trở thành tuyệt vọng và đòi hỏi mọi hy sinh, trong đó cả việc hàng triệu
người phải chết. Nó phải có những gì nó muốn bằng mọi giá và nó sẽ tìm được nhiều
lý do để biện hộ cho chính mình. Nó loại bỏ lý trí bằng những lời lẽ đao to búa
lớn, được củng cố bằng cách đổ lỗi và ma quỷ hóa người khác, vì bản ngã phải
chiến thắng bằng mọi giá—bởi vì trong suốt hàng triệu năm tiến hóa, nó đã chết
nếu không được thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu của mình. Bản ngã có trí nhớ
rất dai và được củng cố trong suốt hàng triệu năm qua.
***
Tự mình, bản ngã sẽ không
bao giờ tìm kiếm cứu rỗi… Cơ chế để cứu rỗi là thông qua ý chí, mời gọi sự can
thiệp của Thần tính.
***
Bằng tâm từ bi, người ta
nhận ra rằng cơ cấu của bản ngã không thể nào hiểu được những gì nằm ngoài tầm
với của nó.
***
Xin lưu ý rằng, trong vũ
trụ toàn ảnh, thành tựu của mỗi người đều góp phần vào tiến bộ và hạnh phúc của
toàn thể.
***
Cơ cấu của bản ngã là nhị
nguyên, nó chia tách sự thống nhất của Thực tại thành các cặp trái ngược nhau và
do đó, những thứ dường như là đối lập lại là sản phẩm và nội dung của tri giác,
trong đó có phóng chiếu.
***
Biện pháp bảo vệ duy nhất
là thừa nhận rằng chúng ta là cội nguồn của trải nghiệm của riêng mình, chúng
ta là chủ của nó, chúng ta có thể xử lý nó và chúng ta lớn hơn nó.
***
Bản ngã không phải là thực
tại thực sự, hoặc không phải là cội nguồn của sự sống hay tồn tại, và do đó, dễ
bị huỷ bỏ. Nó là nguyên thủy nhưng về bản chất không phải là chủ quyền tối cao.
Nó chỉ thống trị cho đến khi người ta nhận ra rằng thực ra nó là vọng tưởng.
***
Quan điểm của bản ngã là tự lan truyền, vì phần thưởng
mà nó tìm kiếm một cách bí mật là
chính cảm xúc.
***
***
Bản ngã nghiện việc trở thành
người “đúng” (ví dụ, chính trị). Mục tiêu giữ thế thượng phong của bản ngã là cảm
giác mình là người “đúng”. Do đó, trọng tâm của phần thưởng là người công bằng.
Bạn có thể là người đúng mà không phải là người công bằng, và bạn có thể công mằng
mà không phải là người đúng.
***
Cảm giác về việc chúng ta
là “ai” (who) chủ yếu là sự đồng nhất với cơ thể, tính cách và quá trình xử lý trong
tâm trí của nó, đi kèm với đầu tư về mặt cảm xúc. Có thể hình dung trong tâm trí
để xem thực sự có thể mất bao nhiêu phần của cơ thể hay cảm giác của nó mà vẫn
giữ được cảm giác “tôi” của mình. Rõ ràng là “tôi” trải nghiệm có một cơ thể
nhưng “tôi” không phải là cơ thể.
***
Chấp trước vào cơ thể là chấp
trước vào cảm giác và sự chồng chất lên nhau của khái niệm “của tôi”; do đó, những
gì là “của tôi” và do “tôi” kiểm soát phải là “tôi là người đó”. Đồng nhất với
cơ thể là hệ quả của các định vị của bản ngã. Muốn tách khỏi việc đồng nhất tự
ngã với cơ thể, chỉ cần coi cơ thể là “nó” chứ không phải là “tôi” (me).
***
Bản ngã không chỉ đồng nhất
với tâm trí mà còn đồng nhất với nội dung của nó—nội dung trở thành ký ức “của
tôi”, giác quan “của tôi”, suy nghĩ “của tôi”, cảm xúc “của tôi”, tài sản “của
tôi”, thành công “của tôi”, thất bại “của tôi”, kỳ vọng “của tôi”, cảm xúc “của
tôi”, v.v. Đồng nhất giả định quyền sở hữu và quyền tác giả; do đó, bản ngã
nhìn nhận và tin rằng mình là một tác nhân nhân quả riêng biệt, mang tính cá
nhân và nó suy ra là nguồn gốc của sự tồn tại của chính nó.
***
Tất cả các bậc thầy vĩ đại
đều tuyên bố rằng khiếm khuyết chính của con người là “vô minh”. Nghiên cứu
nhanh chóng chỉ ra rằng nền tảng cơ bản của vô minh là do hạn chế của cơ cấu bẩm
sinh của chính bản ngã, nó là hệ quả của quá trình tiến hóa vẫn đang diễn ra của
ý thức.
***
Sự phù phiếm của bản ngã (ở
tầng kiêu hãnh) là vô cùng tận và tính tự phụ của nó lớn đến mức nó có thể bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa.
Nhận thức chỉ là giả định của ngôn ngữ, giới hạn trong các ký hiệu tuyến tính,
nội dung hạn chế của quá trình xử lý trong tâm trí. Nói rằng nó có thực tại
khách quan thực sự nào đó là giả định hoàn toàn chủ quan.
***
Tính chủ quan tuyệt đối của
Sự thật được mặc khải ngăn cản mọi cân nhắc hoặc không chắc chắn, có xuất xứ từ
bản ngã. Khi bản ngã sụp đổ, tất cả các lập luận đều chấm dứt và được thay thế
bằng tĩnh lặng. Nghi ngờ là bản ngã.
***
Bằng nỗ lực tâm linh, người
ta phát hiện được rằng chính mình là người bị giam cầm và là “nạn nhân” bị mắc
bẫy bởi những mánh khóe tinh vi của bản ngã.
***
Ngược đời là, bản ngã nhận
ra rằng không ích kỷ, hay có lòng vị tha thì sẽ mang lại lợi ích lớn hơn là tự
tư tự lợi. Khi nhận thức được lợi ích của việc từ bỏ các mục tiêu vị kỷ, thì tự
thân bản ngã trở thành bàn đạp cho quá trình truy cầu tâm linh và là phương tiện
để siêu việt của chính nó, nó nhận ra rằng khiêm tốn là sức mạnh chứ không phải
yếu đuối, và khiêm tốn là khôn ngoan chứ không phải ngu dốt. Sẵn sàng “tha thứ
và quên đi” có điểm hiệu chỉnh ở tầng 450 (lý trí/logic). Sẵn sàng “tha thứ và phó
thách cho Thiên Chúa” có điểm hiệu chỉnh ở tầng 540 (tình yêu vô điều kiện).
***
Giống như cơ thể, tâm trí
không phải là tự ngã thực sự của một người, và giống như cơ thể, về cơ bản, nó
là phi cá nhân. Nó có những suy nghĩ, nhưng những suy nghĩ này không phải là sản
phẩm của tự ngã. Thậm chí khi một người không muốn có tâm trí, thì họ cũng có
tâm trí. Không có sự lựa chọn nào khác; tâm trí bị áp đặt và đè lên người ta mặc
dù không ai yêu cầu. Thực tế là có tâm trí là áp đặt không cố ý giúp người ta nhận
ra rằng đó không phải là sự lựa chọn hay quyết định mang tính cá nhân.
***
Bằng cách tự kiểm tra và hướng
vào bên trong, có thể khám phá ra rằng tất cả các trạng thái ý thức đều là kết
quả của quá trình lựa chọn. Chúng không phải là những điều chắc chắn không thể
thay đổi, được quyết định bởi những yếu tố không thể kiểm soát được. Bằng cách
kiểm tra cách thức hoạt động của tâm trí có thể khám phá được sự kiện này.
***
Xin ngừng đồng nhất với cơ
thể/cảm xúc/tâm trí là “tôi”. Xin hãy trung thực và thừa nhận rằng chúng là của
bạn nhưng không phải là bạn. Lúc đầu việc này dường như là giả tạo, lạ lẫm, xa
lạ và không tự nhiên; nhưng thực tại cơ bản là nó là sự thật ở tầng cao hơn,
khiến nó trở thành một công cụ rất mạnh mẽ và vững chắc. Tâm trí sẽ tìm cách phủ
nhận thực tại này cũng như phủ nhận sự thật (đó là việc mà nó “cho là phải
làm”) bởi vì nó coi Sự thật là kẻ thù của mình.
***
Như một thuật ngữ, “nguyên
tắc” dường như là trừu tượng, nhưng hậu quả của nguyên tắc thì khá cụ thể. Nếu
chúng ta xem xét các nguyên tắc, chúng ta sẽ thấy rằng chúng nằm trong cõi vô
hình, bên trong chính ý thức. Mặc dù có thể chỉ ra những ví dụ về sự trung thực
trên thế giới này, nhưng bản thân sự trung thực, như là một nguyên tắc tổ chức
cốt lõi của nền văn minh không tồn tại độc lập ở bất kỳ nơi nào trong thế giới
bên ngoài. Do đó, sức mạnh bên trong thực sự xuất phát từ chính ý thức; những
gì chúng ta thấy là biểu hiện nhìn thấy được của cái không nhìn thấy được… Ý
nghĩa quan trọng đến mức khi cuộc đời không còn ý nghĩa, thì người ta thường tự
tử. Khi cuộc đời không còn ý nghĩa, trước hếr chúng ta bị trầm cảm; khi cuộc đời
có ít ý nghĩa hơn, thì cuối cùng chúng ta sẽ rời bỏ nó. Lực lượng bên ngoài có
mục tiêu nhất thời; khi đạt được mục tiêu, thì sự trống rỗng vô nghĩa vẫn còn
nguyên ở đó. Mặt khác, sức mạnh bên trong không ngừng thúc đẩy chúng ta. Ví dụ, nếu cuộc đời của chúng ta là cống
hiến nhằm nâng cao phúc lợi của những người khác và tất cả những người mà chúng
ta tiếp xúc, thì cuộc đời của chúng ta sẽ không bao giờ mất ý nghĩa.
***
Một trong những nguyên tắc
cơ bản của chính ý thức là sự ngây thơ vốn là bản chất của nó. Vì tâm trí ngây
thơ, cho nên chúng ta phải bắt đầu cẩn thận quan sát và bảo vệ nó. Chúng ta phải
trở thành giống như người mẹ của nó. Tâm trí giống như một đứa trẻ ngây thơ đi
ra thế giới và tin tất cả mọi điều nó nghe được. Nó tin vào tất cả các biển quảng
cáo, tất cả các quảng cáo và tất cả những nhận xét mà người ta nói. Nó tin vào tất
cả những thứ nó nhìn thấy. Nó không có biện pháp đánh giá và không biết phân biệt.
Chúng ta phải bắt đầu chịu trách nhiệm và nói: “Tôi có thể thấy rằng tâm trí của
mình thực chất là ngây thơ, và vì sự ngây thơ của tâm trí của đứa trẻ vẫn ở bên
tôi trong suốt cuộc đời, tôi nên bắt đầu tìm hiểu những gì nó đã rước về”.
***
Nếu không có một mô thức hấp
dẫn làm cơ sở, thì chúng ta không thể trải nghiệm được bất cứ thứ gì. Do đó,
toàn bộ vũ trụ hiển lộ là sự biểu hiện và trải nghiệm đồng thời của chính nó.
***
Mọi sự phân tách dường như
đều chỉ là sản phẩm của tư duy. Quan trọng nhất là phải nhận ra rằng tâm trí
luôn trải nghiệm qua một góc nhìn nhất định.
***
Hầu hết mọi người đều trải nghiệm băng ghi hình bản
ngã diễn giải các sự kiện. Họ không trải nghiệm các sự kiện như chúng đang diễn
ra trong thực tại; họ đang trải nghiệm diễn giải của bản ngã.
***
Khiếm khuyết chính hiện
nay, và lúc nào cũng thế, là thiết kế của tâm trí con người làm cho nó không có
khả năng phân biệt thật giả. Khiếm khuyết di truyền quan trọng nhất này nằm ở gốc
rễ của mọi đau khổ và tai ương của con người.
***
***
Khi nhìn vào công việc này
từ quan điểm của Sự thật, chúng ta có thể thấy rằng không có cái gọi là “chỉ là
bản ngã”. Nó có nghĩa là có một nơi nào đó không có Chúa. Tất cả các quan điểm
đều là bản ngã, và sau đó bản ngã được xếp chồng lên cái không phải là bản ngã.
Phải có thứ gì đó lớn hơn, đó chính là ý thức. Để thực hiện công việc tâm linh
một cách an toàn và tránh khủng hoảng, cần phải khẳng định lại, nhìn vào bên
trong và khám phá ra sự ngây thơ của chính mình. Thật sự không an toàn nếu làm
công việc tâm linh mà không thoáng thấy sự ngây thơ bẩm sinh đó và luôn luôn để
mắt đến nó, vì ngây thơ đó là cánh cổng quay trở về với Sự thật để người ta
không bị lạc trong vũng lầy.
***
[1] Vì tác giả là Kitô hữu cho
nên từ God được dịch là Thiên Chúa hay Chúa, người đọc, tuỳ vào đức tin của mình
có thể chuyển thành Thượng đế/Alla/Phật… ND.
No comments:
Post a Comment