December 11, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (10)

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ  


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+

Chương 10

Nhân quyền

Chú thích ảnh: Các nhà hoạt động thuộc liên minh các tổ chức phụ nữ châu Phi biểu tình ở Nairobi, Kenya, đòi thả 200 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc ở miền bắc Nigeria, để tỏ tình đoàn kết với phong trào #BringBackOurGirls toàn cầu.

Từ năm 2009, hơn 10.000 người đã bị giết và 1,5 triệu người phải di cư vì nạn bạo lực do phong trào Boko-Haram ở miền bắc Nigeria gây ra. Boko Haram, nghĩa là “Cấm sống theo lối  phương Tây ”, là một nhóm du kích Hồi giáo cực đoan chiến đấu chống lại chính phủ Nigeria. Kể từ năm 2014, nhóm này đã bắt cóc hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em, cả ở các thị trấn lẫn làng quê. Thế giới quan tâm tới tình hình ở đây khi hơn 200 nữ sinh của một trường nội trú bị bắt cóc, dẫn đến chiến dịch truyền thông quốc tế #BringBackOurGirls (trả các cô gái của chúng tôi) thu hút được sự ủng hộ của các nhà hoạt động trên toàn thế giới. Vụ bắt cóc và chiến dịch tiếp theo đã lấn át các sự kiện khác trên sóng truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội trong vài tháng, và chỉ giảm một cách chậm chạp trong khi các nữ sinh vẫn bị giam giữ, nhiều người khác bị bắt cóc và quân đội Nigeria lúng túng đang tìm cách sửa sai.

Hành động của Boko Haram và các nhóm thực hiện những tội ác tàn bạo như vậy không còn được coi là chấp nhận được trong thời chiến, sử dụng binh lính trẻ em hay tra tấn tù binh cũng không còn được chấp nhận nữa. Còn trong thời bình, việc buôn bán người và hàng hóa bất hợp pháp do các nước và các tổ chức tội phạm tiến hành cũng như ngược đãi người tị nạn không còn được coi là có thể biện hộ được. Nhân quyền trên bình diện quốc tế đã xuất hiện như một vấn đề quan trọng khác trong nền chính trị thế giới.

Nhiều thế kỷ sau Hiệp ước Westfalia, chủ quyền quốc gia là khái niệm bất di bất dịch. Nhà nước xử lý từng cá nhân và các nhóm người nằm dưới quyền tài phán của mình như thế nào là việc riêng của họ. Trong thế kỷ XXI, khái niệm đó không còn đúng nữa. Trên khắp thế giới, người ta không chỉ nghe mà còn theo dõi một cách cẩn thận những việc xảy ra ở các thành phố châu Á, thị trấn châu Phi, đường phố châu Âu và hội trường chính phủ Mỹ. Các nước và phương tiện truyền thông đại chúng thường lên án chính quyền nhà nước nào cưỡng ép các cá nhân cũng như các nhóm người, ngay cả khi không người nào ra tay can thiệp. Ngay cả những việc trong gia đình (ví dụ, bạo lực đối với vợ/chồng, con cái, hay đối với những người có khuynh hướng tình dục khác biệt) hiện được coi là một vấn đề của xã hội.

Trong khi, trong thời gian gần đây những vấn đề này đã vươn lên vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự quốc tế, thì việc đối xử theo luân thường đạo lý đối với các cá nhân và các nhóm người - hay nhân quyền – đã có nguồn gốc lịch sử lâu dài. Suốt nhiều thời đại, cả các nhà triết học và các nhà thần học đã nói những lời có cánh về cách đối xử phù hợp với các cá nhân và các nhóm người, trong khi các tiểu thuyết gia và những người viết tiểu luận thì kêu gọi mọi người chú ý đến những tệ nạn của chế độ nô lệ, nô lệ cưỡng bức và những vụ xâm phạm phẩm giá của phụ nữ và trẻ em. Các cá nhân bị ngăn chặn, không được tự do thể hiện hay thực hành tôn giáo của mình phải lưu vong, tìm nơi trú ẩn mới, cách xa những chính quyền đàn áp họ. Người ta đã gây ra các cuộc nội chiến nhằm đòi cho bằng được cách đối xử có thể chấp nhận được đối với các cá nhân và các nhóm người. Quan tâm tới những người khác xuất phát từ truyền thống tôn giáo, triết học và lịch sử. Chúng ta sẽ tìm hiểu một cách sơ lược những truyền thống đó, sau đó truy nguyên quá trình quốc tế hóa khái niệm trách nhiệm bảo vệ quyền của các cá nhân và các nhóm người.

Đối tượng nghiên cứu

- Mô tả các nền tảng tôn giáo, triết học và lịch sử của quyền con người.

- Giải thích vai trò mà các quốc gia, các IGO và NGO thực hiện trong việc bảo vệ và giám sát quyền con người.

- Xác định những quyền con người được luật pháp quốc tế bảo vệ.

- Phân tích lý do vì sao cộng đồng quốc tế thường thất bại khi phản ứng trước các cáo buộc về tội diệt chủng.

- Phân tích lý do vì sao rất khó giải quyết quyền con ngưới của phụ nữ trong lĩnh vực tư nhân.

- Giải thích vì sao người tị nạn vừa là vấn đề nhân quyền vừa là vấn đề nhân đạo.

Nền tảng tôn giáo, triết học và lịch sử của quyền con người

Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới - Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Khổng giáo – đều khẳng định phẩm giá của cá nhân và trách nhiệm của con người đối với đồng loại. Các tôn giáo khác nhau nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau: Nho giáo nhấn mạnh nhóm xã hội; Do Thái giáo nhấn mạnh trách nhiệm giúp đỡ những người gặp khó khăn; còn Phật giáo thì phản đối các chính sách của chính phủ gây đau khổ cho người dân[1]. Nhưng các tôn giáo này có dứt khoát coi các quyền không thể tương nhượng của con người là tiêu chuẩn trong đối xử? Hay đây chỉ là nhiệm vụ hay trách nhiệm của các tín hữu? Ai bảo vệ các quyền này và ai thực thi các nghĩa vụ? Ai hành động nhân danh những người bị vi phạm nhân quyền? Những tôn giáo này có ủng hộ nhân quyền cho tất cả mọi người? Câu trả lời là không rõ ràng.

Tương tự như các tôn giáo trên thế giới, các nhà triết học và các lý thuyết gia chính trị cũng đã đưa ra định nghĩa quyền con người, mỗi người lại có những điểm nhấn khác nhau. Các lý thuyết gia theo phái tự do khẳng định các quyền cá nhân là những quyền mà nhà nước không thể tước đoạt hay làm suy yếu. Ví dụ, John Locke viết rằng các cá nhân là những con người bình đẳng với nhau và độc lập với nhau, quyền tự nhiên của con người có trước cả luật pháp quốc gia lẫn quốc tế. Cơ quan công quyền được lập ra nhằm bảo đảm các quyền này. Các văn kiện lịch sử quan trọng như Đại Hiến Chương Tự Do (Magna Carta) của Anh năm 1215, Tuyên ngôn về quyền con người của Pháp (Declaration of the Rights of Man) năm 1789 và Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ năm 1791 đã liệt kê các quyền này. Các quyền chính trị và dân sự, trong đó có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do báo chí, xứng đáng được bảo vệ. Cả chính phủ độc tài lẫn hành động độc đoán đều không được tước đoạt các quyền tự do, được gọi là các quyền chính trị và dân sự.

Những lý thuyết gia theo phái cấp tiến chịu ảnh hưởng của Karl Marx và những người cầm bút xã hội chủ nghĩa khác định nghĩa các quyền kinh tế và xã hội cho các cá nhân, mà họ tin rằng nhà nước phải cung cấp. Theo quan điểm này, các cá nhân được hưởng các quyền lợi vật chất - quyền đi học, công việc tử tế, mức sống xứng đáng, nhà ở - cực kỳ cần thiết cho việc duy trì và cải thiện đời sống. Các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa tin rằng không có những đảm bảo về quyền kinh tế-xã hội thì quyền chính trị và dân sự là vô nghĩa.

Trong hai thế kỷ qua, người ta liên tục định nghĩa lại những khái niệm được đưa vào quyền của con người, và mở rộng sang lĩnh vực quyền của các nhóm người. Bao gồm cả quyền của nhóm những người nằm bên lề xã hội và quyền tập thể dành cho tất cả mọi người. Quyền của nhóm người bao gồm bảo vệ người bản địa, bảo vệ người tị nạn và gần đây hơn là bảo vệ người khuyết tật và những người có khuynh hướng tính dục khác biệt. Quyền tập thể bao gồm các quyền cần cho sự tồn vong của tập thể - cụ thể là quyền phát triển và quyền được hưởng môi trường trong lành. Trong các quốc gia và trên trường quốc tế người ta tranh cãi khá nhiều về những quyền này. Chính quá trình này đã dẫn đến cuộc tranh luận - về việc mở rộng những khái niệm được coi là quyền căn bản của con người có thực sự làm loãng chính những quyền mà người những khác đang cố gắng bảo vệ hay không.

Bốn cuộc tranh luận lớn đã xuất hiện trên những nền tảng này. Thứ nhất, đây có phải là những quyền con người thực sự? Nghĩa là, các quyền này có phải là bất tương nhượng - cơ bản đối với mọi người? Những quyền này có cần thiết cho cuộc sống hay không? Đây có phải là những quyền không thể tương nhượng – nghĩa là những quyền này thiết yếu đến mức không thể nào bị tước đoạt? Nếu các quyền con người là không thể tương nhượng, thì theo định nghĩa, đấy là những quyền phổ quát?

Thứ hai, nếu các quyền con người là phổ quát, chúng có thực sự được áp dụng cho tất cả các dân tộc, trong tất cả các nước, các tôn giáo và các nền văn hóa, không có ngoại lệ? Hay là các quyền phụ thuộc vào văn hóa? Một số học giả khẳng định ủng hộ tính tương đối của văn hóa, tức là ủng hộ tư tưởng cho rằng một số quyền được văn hóa quyết định, và do đó, môi trường văn hóa khác nhau thì có các quyền khác nhau. Các cuộc tranh luận về địa vị của phụ nữ, bảo vệ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình và những tục lệ  như cắt âm vật là đặc biệt nhạy cảm. Một số học giả khác, như nhà chính trị học Jack Donnelley nhận thấy cả yếu tố phổ quát lẫn yếu tố bối cảnh, mà ông gọi là “tính phổ quát tương đối”[2]. Tuyên ngôn Vienna (Vienna Declaration), thông qua tại Hội nghị Thế giới về Nhân quyền (World Conference on Human Rights), năm 1993, nói: “Tất cả các quyền con người là phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và có liên quan với nhau”. Nhưng, cũng văn kiện này lại đưa ra tuyên bố “phải lưu ý tới những đặc điểm của quốc gia và khu vực, bối cảnh văn hóa và lịch sử khác nhau”.

Thứ ba, cần ưu tiên một số quyền hơn những quyền khác? Chính vì các quyền chính trị-dân sự có nguồn gốc lịch sử lâu dài hơn, các quyền đó có quan trọng hơn các quyền khác? Ví dụ, một số người cầm bút ở Đông Á khẳng định rằng ủng hộ các quyền của cá nhân, coi các quyền này cao hơn phúc lợi của cộng đồng nói chung là sai lầm và có thể là nguy hiểm[3]. Các nước xã hội chủ nghĩa thuộc khối Xô Viết cũ, cũng như nhiều quốc gia phúc lợi xã hội ở châu Âu, coi các quyền kinh tế và xã hội là những quyền được ưu tiên cao, thậm chí cao hơn các quyền chính trị và dân sự. Các quốc gia khác ở phương Tây lại ưu tiên các quyền chính trị - dân sự. Và, thực sự, nhiều sáng kiến quốc tế trong việc xác định và thực thi các quyền nhân danh các quyền chính trị-dân sự. Tuy nhiên, đối với nhiều người, các quyền con người phụ thuộc lẫn nhau; mục đích của mỗi loại quyền con người là đối xử với mọi người với thái độ tôn trọng và và coi họ là đáng tôn trọng.

Chú thích ảnh: Dharavi là một trong những khu ổ chuột lớn nhất ở Mumbai, Ấn Độ. Nhiều người dân ở đây không có công ăn việc làm, không được học hành, không có nhà ở và không được chăm sóc sức khỏe đàng hoàng. Mặc dù quyền con người thường được tranh luận bằng những thuật ngữ cao quý, nhưng không có các biện pháp bảo vệ quyền kinh tế xã hội gây ra những hậu quả thực sự đối với người dân.

Thứ tư, ai có trách nhiệm và có “quyền” phản ứng trước các vụ vi phạm nhân quyền? Và phản ứng này là một nghĩa vụ vô điều kiện hay chỉ đơn giản là cơ hội? Theo truyền thống, trách nhiệm của nhà nước là bảo vệ công dân của mình, nhưng nếu nhà nước là kẻ lạm dụng, ai phải và có thể phản ứng? Phản ứng như thế nào? Chủ quyền quốc gia có đứng cao hơn các biện pháp bảo vệ quyền con người?

Phong trào nhân quyền toàn cầu đầu tiên - phong trào chống chế độ nô lệ - minh họa cho cuộc đấu tranh lâu dài trong việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này[4]. Trong thế kỷ XVIII, những người đòi bãi bỏ chế độ nô lệ (trong đó có các nhóm tôn giáo, công nhân, các bà nội trợ và lãnh đạo doanh nghiệp) ở Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp đã lập ra các tổ chức nhằm ủng hộ cho việc kết liễu nạn buôn bán nô lệ. Năm 1815, Đạo luật Cuối cùng của Đại hội Vienna được ký kết, với tuyên bố nói rằng buôn bán nô lệ là “trái ngược với các nguyên tắc nhân đạo và đạo đức phổ quát”. Đạo luật được thiết lập bằng những thuật ngữ đạo đức, chứ không phải bằng ngôn từ nói về nhân quyền. Nhưng Đạo luật này không tuyên bố rằng chế độ nô lệ là bất hợp pháp, và cũng không đưa ra được các cơ chế nhằm cổ vũ cho khát vọng đó. Lúc đó, các nước không coi tự do là quyền cơ bản, không thể tương nhượng của mỗi người.

Quyền này cũng không được áp dụng một cách phổ quát cho tất cả các quốc gia và các nền văn hóa. Các quốc gia phản ứng theo cách của mình trước những hành động của các cử tri ở trong nước: viết thư, ký thỉnh nguyện thư và vận động công khai, cùng với những hành động khác. Phản ứng trước những áp lực này, năm 1807, cả chính phủ Anh lẫn chính phủ Mỹ đều cấm buôn bán nô lệ trên các vùng lãnh thổ của nước mình (tức là, không được nhập khẩu nô lệ mới từ nước ngoài). Nhưng phải nửa thế kỷ sau, cuộc Nội chiến Mỹ, nhằm giải phóng nô lệ mới bùng lên. Ở những nơi khác, Tây Ban Nha bãi bỏ chế độ nô lệ ở Cuba vào năm 1880 và Brazil chấm dứt chế độ nô lệ vào năm 1888. Mãi đến năm 1926 Công ước Quốc tế về xóa bỏ chế độ nô lệ (International Convention on the Abolition of Slavery) mới được phê chuẩn. Phong trào chống đối chế độ nô lệ cho thấy các quyền chính trị-dân sự và kinh tế-xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Vì nô lệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, cho nên họ không có bất cứ quyền gì, thực chất là hoàn toàn không có phẩm giá. Ngay cả sau khi đã giành được các quyền chính trị và dân sự, những người từng là nô lệ trước đây và con cháu của họ vẫn phải và tiếp tục phải đấu tranh một cách trường kỳ để đòi các quyền kinh tế-xã hội trọn vẹn – nạn phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc thường tước đoạt của họ những quyền này.

Gần đây, Nhà nước Hồi giáo (IS) dường như đã phục hồi chế độ nô lệ. Năm 2014, nhóm này đã buộc hàng ngàn phụ nữ Yazidi làm nô lệ tình dục. Trái với các chuẩn mực đang thịnh hành, IS tuyên bố đây là hoạt động tôn giáo được kinh Koran chấp thuận, ngay cả khi các học giả Hồi giáo khác bác bỏ liên hệ giữa kinh Koran và nô lệ tình dục và khẳng định sự đồng thuận phổ quát rằng chế độ nô lệ vừa ghê tởm về mặt đạo đức vừa bất hợp pháp. Tuy nhiên, Chỉ số nô lệ toàn cầu (Global Slavery Index), được một tổ chức phi chính phủ thu thập, cho thấy rằng ở 14 quốc gia, có hơn 1% dân số bị buộc phải làm nô lệ; một nửa trong số đó là các quốc gia Hồi giáo[5].

Nói chung, chế độ nô lệ đã được giải thích lại theo các thuật ngữ thời hiện đại. Năm 1990, tổ chức Quốc tế Bài Nô lệ (Anti-Slavery International) đưa vào chương trình nghị sự của mình về vấn đề cấm buôn bán người, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, đây là quan niệm hiện nay về chế độ nô lệ. Hệ thống Kafala trong các quốc gia vùng Vịnh là ví dụ về mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người di cư đang tìm kiếm việc làm rất gần với tình trạng nô lệ. Theo thời gian, khái niệm ai là con người đã được mở rộng và coi những nô lệ cũng như những người bị buộc phải nằm trong tình trạng nô lệ về kinh tế cũng là con người.

Việc công nhận ai là người chịu trách nhiệm bảo vệ nhân quyền cũng phát triển theo thời gian. Các quốc gia vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Nhưng từ Thế chiến II, khái niệm trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người cũng đã xuất hiện và ngày càng được củng cố thêm.

Quyền con người – Trách nhiệm quốc tế đang gia tăng

Nhân quyền chỉ trở thành vấn đề quốc tế một cách từ từ. Hệt như các tổ chức phi chính phủ (NGO) thúc đẩy các sáng kiến bài trừ chế độ nô lệ, một nhóm phi chính phủ khác, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (International Committee of the Red Cross), đã hoạt động nhằm bảo vệ thương binh, tù binh và thường dân bị bắt trong thời chiến. Vì các quốc gia không thể đảm bảo các biện pháp bảo vệ, bên thứ ba sẵn sàng hành động nhân danh các nhóm đặc biệt đó. Các biện pháp bảo vệ đã được luật hóa trong Công ước Geneva thứ nhất, năm 1864, về Cải thiện Điều kiện Sống của Thương binh và Bệnh binh trong các Lực lượng Vũ trang trên Chiến trường, với mục đích bảo vệ người dân trong thời chiến. Sau bước khởi đầu của luật nhân đạo quốc tế trong thế kỷ XIX là ba công ước khác và một số nghị định thư được ký kết trong thế kỷ XX. Các công ước và nghị định thư này được gọi chung là Công ước Geneva, đấy là các luật lệ được áp dụng trong giai đoạn xung đột, trong đó có việc không được làm hại những người không tham chiến (đã thảo luận trong Chương 8).

Việc quốc tế hóa quyền con người trong các lĩnh vực nhạy cảm khác phát triển chậm chạp hơn. Tại Hội nghị Versailles, kết thúc Thế chiến I, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng thuyết phục các đại biểu khác, chủ yếu là tổng thống Mỹ, Woodrow Wilson, thông qua tuyên bố về nhân quyền. Là một cường quốc chiến thắng và tiến bộ kinh tế, Nhật Bản cảm thấy có quyền đòi hỏi rằng các quyền cơ bản, như bình đẳng giữa các chủng tộc và quyền tự do tôn giáo sẽ không bị người ta bác bỏ. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị ngăn chặn, các đại diện của Mỹ nhận thức được điều khoản như vậy sẽ làm cho Thượng viện [Mỹ] không thông qua hiệp ước hòa bình.

Thỏa ước của Hội Quốc Liên nói rất ít đến quyền con người, mặc dù lưu ý đến việc bảo vệ một số nhóm người nhất định. Ví dụ, Ủy ban Ủy quyền (Mandates Commission) được ủy quyền bảo vệ việc xử lý các dân tộc độc lập với mục tiêu là quyền tự quyết, nhưng tổ chức này không thể tiến hành các cuộc thanh tra độc lập. Tương tự như vậy, Hiệp ước về các Dân tộc Thiểu số (Minorities Treaties), năm 1919, yêu cầu các quốc gia bảo vệ tất cả cư dân, không phụ thuộc quốc tịch, ngôn ngữ, chủng tộc hay tôn giáo. Hội Quốc Liên cũng định ra các nguyên tắc hỗ trợ người tị nạn, tiền lệ cho vị thế của người tị nạn được bảo vệ theo Công ước năm 1951 Liên quan đến Vị thế của Người tị nạn (Convention Relating to the Status of Refugees).

Bài phát biểu nổi tiếng của Tổng thống Franklin Roosevelt “Bốn Quyền Tư Do”, năm 1941, kêu gọi xây dựng thế giới dựa trên bốn quyền tự do thiết yếu. Tuy nhiên, mãi sau Thế chiến II, khi quy mô của vụ diệt chủng người Do Thái (Holocaust) được tiết lộ, trật tự đạo đức mới này mới hình thành. Cùng với việc công nhận vụ diệt chủng, người ta đòi quốc tế phải hành động. Do đó, tại hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc, các nhóm xã hội dân sự, nhà thờ và các tổ chức hòa bình đã thúc đẩy và đã thành công trong việc đưa nhân quyền vào Hiến chương LHQ. Cuối cùng, Hiến chương Liên Hợp Quốc (Điều 55c) đã giao cho tổ chức này vai trò “thúc đẩy và khuyến khích tôn trọng các quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”.

Dựa trên vào nền tảng tôn giáo, triết học và lịch sử, đã thảo luận bên trên, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, năm 1948 - tuyên bố về khát vọng nhân quyền. Bản tuyên bố này xác định 30 nguyên tắc kết hợp cả các quyền chính trị lẫn các quyền kinh tế. Cuối cùng, các nguyên tắc này đã được luật hóa trong hai tài liệu, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, được thông qua vào năm 1966 và được phê chuẩn vào năm 1976. Ba văn kiện này được gọi chung là Bộ luật nhân quyền quốc tế (International Bill of Rights). Xung đột giữa quan điểm của phương Tây và quan điểm của chủ nghĩa xã hội đã ngăn chặn việc ký kết một hiệp ước duy nhất.

Sau đó, Liên Hợp Quốc và các cơ quan của tổ chức này nhận trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn nhân quyền trong nhiều khu vực - Bảng 10.1. Nhưng đồng thời, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã đặt nhân quyền vào địa vị nổi bật và những nước phê chuẩn các công ước coi đó là theo tiêu chuẩn phải theo. Hiến chương (Điều 2 [7]) công nhận chủ quyền quốc gia là cao nhất: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào”. Vậy thì, ai bảo vệ quyền con người và bảo vệ như thế nào?

Nhà nước là người bảo vệ nhân quyền

Các quốc gia, theo truyền thống Westphalia và những người theo phái hiện thực đề nghị, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ các tiêu chuẩn nhân quyền trong khu vực nằm dưới quyền tài phán của mình. Nhiều quốc gia dân chủ tự do lấy các quyền tự do chính trị và tự do dân sự làm cơ sở cho hoạt động nhân quyền của mình. Hiến pháp Mỹ và hiến pháp nhiều nước dân chủ châu Âu đặt tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và thủ tục tố tụng chuẩn mực ở vị trí trang trọng. Và chính những quốc gia này đã tìm cách quốc tế hóa những nguyên tắc đó. Nghĩa là, những nguyên tắc này đã trở thành một phần của chính sách đối ngoại của họ nhằm ủng hộ những điều khoản tương tự trong các quốc gia mới nổi. Sự hỗ trợ của Mỹ cho các sáng kiến như vậy thể hiện rõ ở cả Iraq lẫn Afghanistan, các bảo đảm cụ thể về nhân quyền được ghi trong các bản hiến pháp mới của những nước này. Còn Liên minh châu Âu thì buộc các nước muốn trở thành thành viên của tổ chức này phải chỉ ra tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện hồ sơ về tự do chính trị và tự do dân sự trước khi được kết nạp vào EU. Phù hợp với quan điểm của phái kiến tạo, các quốc gia có thể chấp nhận các chuẩn mực mới của quốc tế thông qua quá trình hòa nhập từng bước một.

 

Bảng 10.1                                                     Một số công ước nhân quyền của LHQ

Công ước

Bắt đầu phê chuẩn

Thời hạn thi hành

Số nước phê chuẩn (tính đền 2015)

Nhân quyền nói chung

 

 

 

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

1966

1976

168

Công ước quốc tế các quyền kinh tế xã hội và văn hoá           

1966

1976

164

Phân biệt chủng tộc             

 

 

 

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

1966

1969

177

Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác của tệ phân biệt chủng tộc (Apartheid)

1973

1976

109

Quyền của phụ nữ   

 

 

 

Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

1979

1981

189

Buôn người và những hình thức hoạt động tương tự như nô lệ

 

 

 

Công ước LHQ về trấn áp buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác    

1949

1951

82

Công ước quốc tế về xóa bỏ chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ (1926), sửa đổi 1953

           

1953

1955

99

Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia: Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em   

2000

2003

169

Công ước LHQ về trấn áp buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác    

1949

1951

82

Người tị nạn và người vô tổ quốc

 

 

 

Công ước về vị thế của người tị nạn    

1951

1954

145

Trẻ em

 

 

 

Công ước về quyền trẻ em      

1989

1990

196

An toàn thân thể

 

 

 

Công ước ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng      

1948

1951

147

Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác

1984

1987

158

Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích

2006

2010

51

Các công ước khác

 

 

 

Công ước về Bộ lạc và Dân tộc Bản địa trong các nước độc lập        

1989

1991

20

Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ     

1990

2003

48

Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật

2007

2008

160

Nguồn: University of Minnesota Human Rights Library and UN High Commissioner for Human Rights.

Tại sao chính sách đối ngoại của các quốc gia dân chủ tự do lại ủng hộ các quyền tự do chính trị và tự do dân sự? Dựa trên giả định tư lợi của phái hiện thực, có thể giải thích như sau: Các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị này có vị trí thuận lợi hơn trong việc buôn bán với nhau và sẽ - theo lý thuyết hòa bình dân chủ, thảo luận trong Chương 3 và 5 - ít gây chiến với nhau hơn. Giải thích thứ hai của phái tự do: Các chế độ dân chủ tự do tin tưởng mạnh mẽ vào việc bảo vệ các cá nhân trước các chính phủ vô đạo đức và mong muốn đưa những giá trị và niềm tin này ra nước ngoài.

Một số nước xã hội chủ nghĩa châu Âu có các biện pháp bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội vì họ cho rằng chính phủ có vai trò tích cực trong việc cung cấp các quyền đó. Theo quan điểm này, các chính phủ cần phải làm càng nhiều càng tốt nhằm đảm bảo cho người dân tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe đầy đủ và việc làm. Nhưng, trên thực tế, chính phủ phải làm bao nhiêu? Đầy đủ đến mức nào? Các quyền kinh tế và xã hội chỉ đạt được theo từng bước một và theo thời gian, và do đó, mấu chốt của cuộc thảo luận là liệu nhà nước có hành động với thiện chí và làm đầy đủ nhằm bảo vệ phúc lợi kinh tế và xã hội của các công dân của hay không.

Các nước có thể làm gì nếu họ tin rằng quyền con người của các cá nhân ở nước khác không được bảo vệ? Đã có một số phương tiện. Các quốc gia có thể tìm các khuyền khích các quốc khác thay đổi thực tiễn nhân quyền của mình. Xin xem lại thảo luận trong Chương 5 về cách thức thực thi quyền lực của các quốc gia. Lôi kéo bằng ngoại giao dựa trên tư tưởng cho rằng nhiều lợi ích khác liên kết với nhau - kinh tế, an ninh và/hoặc ngoại giao - với các quyền con người có thể là biện pháp buộc nhà nước nào đó thay đổi thực tiễn quyền con người. Ví dụ, quốc gia có thể được nhượng bộ về thương mại nếu những vụ vi phạm nhân quyền giảm đi. Liên kết có thể có tác động vì quan niệm cho rằng quan hệ kinh tế tốt hơn và hệ thống kinh tế cởi mở hơn có thể tạo ra áp lực ở trong nước trong việc đòi phải có nhiều tự do chính trị hơn, ít những vụ vi phạm nhân quyền hơn. Phương pháp này đôi khi đã được áp dụng với Trung Quốc. Mỹ cũng đang hy vọng như thế khi làm việc với Cuba. Bằng cách lôi kéo Cuba vào những vụ trao đổi thương mại, buôn bán và trao đổi văn hóa, Mỹ sẽ có thể theo dõi và gây áp lực mạnh hơn lên Cuba nhằm ngăn chặn các cụ vi phạm nhân quyền.

Các nước như Mỹ và các nước tài trợ ở Châu Âu có thể ràng buộc: Chính sách nhân quyền tốt hơn thì được nhiều viện trợ quân sự hay các hình thức viện trợ khác, giảm bớt hoặc cắt hẳn viện nếu hồ sơ nhân quyền của nước đó nằm trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Năm 1976, do áp lực của Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu soạn tho báo cáo quốc gia hằng năm về quyền con người. Theo thời gian, những bản báo cáo này đã ngày càng toàn diện hơn. Cùng với các báo cáo hằng năm của các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Nhà Tự do (Freedom House), các bản báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ được sử dụng như một thành tố trong quá trình quyết định liệu Mỹ có viện trợ một nước nào đó hay quan hệ với nước đó hay không. Năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá tiêu cực về hồ sơ nhân quyền của Iran, chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng John Kerry tới Vienna để kí thỏa thuận hạt nhân với nước này. Tuy nhiên, những báo cáo này không phải là tiêu chí duy nhất và đôi khi, những nước có nhiều vi phạm nhân quyền vẫn được viện trợ vì những lợi ích chính trị hoặc chiến lược khác.

Trừng phạt các quốc gia bằng các biện pháp trừng phạt, như Bảng 5.1 cho thấy (trang 157), cũng là một khả năng. Sau vụ Trung Quốc đàn áp những người bất đồng chính kiến và vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, tháng 6 năm 1989, Mỹ đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc và cắt những khoản viện trợ mới; Nhật Bản và các các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng áp dụng những biện pháp này. Một số người ước tính rằng hành động đàn áp đó có thể đã làm cho Trung Quốc thiệt hại hơn 11 tỷ USD viện trợ song phương, trong thời gian bốn năm. Nhưng, như đã thảo luận trong Chương 5, áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm tìm cách gây áp lực cho quốc gia nào đó để buộc họ thay đổi hoàn toàn chính sách (hoặc một số chính sách) xấu xa của nó thường làm hại dân chúng nhiều hơn là làm hại nhà nước tiếp tục vi phạm các quyền cá nhân.

Trong những trường hợp xảy ra những vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, như tội diệt chủng hoặc hành động tàn bạo trên diện rộng, các nước có thể quyết định sử dụng vũ lực nhằm chống lại các quốc gia vi phạm, mặc dù, như sẽ thảo luận trong phần sau, việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền đang gây nhiều tranh cãi, có tính chọn lọc và thường được sử dụng theo lối đa phương. 

Nhà nước – tác phân vi phạm nhân quyền

Cả kiểu chế độ lẫn hình thức của những đe dọa thực sự hoặc theo cảm nhận là nguyên nhân của những vụ vi phạm nhân quyền do nhà nước gây ra. Nói chung, các quốc gia độc tài thường hay vi phạm các quyền chính trị và dân sự, trong khi các quốc gia kém phát triển hơn, ngay cả khi đấy là các nước dân chủ tự do, do không đủ nguồn lực hay thiếu ý chí chính trị, có thể không đủ sức hoặc không muốn thực thi các nghĩa vụ cơ bản về các quyền kinh tế và xã hội.

Tất cả các nước, trong đó có các nước dân chủ, trước những đe dọa xung đột dân sự hoặc khủng bố đều có thể sử dụng các biện pháp đàn áp nhằm chống lại kẻ thù, cả trong lẫn ngoài nước. An ninh quốc gia thường được đặt lên trên các quyền của cá nhân. Trên thực tế, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị công nhận rằng, các nguyên thủ quốc gia có thể hủy bỏ một số quyền tự do chính trị - dân sự khi an ninh quốc gia bị đe dọa.

Xung đột tiềm tàng giữa nhân quyền và an ninh quốc gia thể hiện rõ nhất trong vấn đề tra tấn, bị Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác, cấm. Các quốc gia có thể vì sợ sắp bị tấn công hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng mà được dùng các biện pháp tra tấn để buộc những người mà họ tin rằng có thông tin liên quan đến khủng bố hay không? Nếu các quốc gia tự kiềm chế và không dùng biện pháp mạnh thì một số công dân có thể chết. Vi phạm các quyền của người bị bắt hoặc công dân vô tội bị chết, thiệt hại nào lớn hơn? Năm 2009, cựu phó tổng thống Mỹ, Dick Cheney, công khai khẳng định rằng các nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm lớn hơn trước an ninh quốc gia. Những người khác phản ứng lại bằng cách hỏi rằng liệu các phương pháp ít bạo lực hơn có thể đạt được kết quả tương tự hay không. Một số người khác, như thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain, khẳng định rằng người Mỹ không được tra tấn vì nó sai và xúc phạm các giá trị Mỹ. Thật vậy, Công ước chống tra tấn nói rất rõ: Không bị tra tấn là quyền không bao giờ bị hủy bỏ. Nhưng hành vi nào bị coi là tra tấn vẫn là vấn đề gây tranh cãi, như đã thảo luận trong Chương 7 và 8.

Các điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền của quốc gia. Các nước nghèo hoặc các nước với điều kiện kinh tế đang xấu đi, khi giới ăn trên ngồi trốc tìm cách duy trì quyền lực và không muốn dân chúng chú ý tới những khó khăn về kinh tế, có thề đàn áp các quyền chính trị - dân sự. Nhưng ngay cả các quốc gia đã phát triển về kinh tế cũng có thể gặp khó khăn, không đáp ứng được các nhu cầu về quyền kinh tế và xã hội cho tất cả người dân. Và, trong một số trường hợp, người ta có thể cố tình làm suy yếu hoặc phủ nhận những quyền đó vì phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, dân tộc hoặc giới tính.

Cuối cùng, văn hóa và lịch sử ảnh hưởng đến thành tích nhân quyền của quốc gia. Ở những nơi mà bạo lực cộng đồng, hận thù sắc tộc và ý thức hệ mang tính kích động quần chúng (ví dụ, chủ nghĩa phát xít) tồn tại trong thời gian dài thì nhân quyền sẽ dễ bị vi phạm hơn. Chia rẽ sắc tộc, tôn giáo hoặc ý thức hệ càng lớn thì càng tạo ra những vụ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất.

Vai trò của cộng đồng quốc tế - IGO và NGO

Cộng đồng quốc tế có thể làm gì trong việc bảo vệ quyền con người? Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ khác có thể làm gì khi thành phần của các tổ chức này chính là các quốc gia có chủ quyền đang đe dọa các quyền của cá nhân và của các nhóm người?[6]

IGO hành động

Các hoạt động nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ (IGO) liên quan khác, trước hết và trên hết, là đặt ra các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được nêu rõ trong nhiều điều ước quốc tế. (Bảng 10.1.) Với các tiêu chuẩn đó, mặc dù một số có thể mới là nguyện vọng, các IGO sau đó có thể chuyển sang các vấn đề thực hiện.

Thứ hai, Liên Hợp Quốc và Ủy ban Nhân quyền Châu Âu đã tiến hành giám sát hành vi của nhà nước bằng cách thiết lập các thủ tục khiếu nại hành động của nhà nước, tổng hợp các báo cáo của những người quan tâm và các nhà quan sát trung lập về hành vi của nhà nước và điều tra những hành vi bị cho là vi phạm nhân quyền. Giám sát hành vi nhà nước là công việc nhạy cảm vì nó đụng chạm trực tiếp đến chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, người ta đã lập ra các cơ quan đặc biệt để kiểm tra, tư vấn và báo cáo công khai về tình hình nhân quyền ở một nước nào đó hoặc về các vụ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Năm 2006, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khởi xướng một cách tiếp cận mới, gọi là Đánh giá định kỳ toàn cầu (Universal Periodic Review), trong đó, cứ bốn năm một lần, tất cả các quốc gia thành viên đều tham gia đánh giá điểm mạnh và điểm yếu trong thành tích nhân quyền của chính mình. Trên cơ sở đánh giá như thế, các quốc gia khác sẽ đưa ra các khuyến nghị, như kêu gọi nhà nước đó yêu cầu các nước khác giúp đỡ trong một lĩnh vực cụ thể, cung cấp những cách tiếp cận mới, đề nghị nhà nước đó chia sẻ những hoạt động tốt nhất của mình với những nước khác hoặc thậm chí thực hiện các hành động cụ thể. Ví dụ, người ta đã gây áp lực lên cả Cuba lẫn Burkina Faso, đòi các nước này xóa bỏ án tử hình. Dữ liệu gần đây cho thấy, gần hai phần ba các khuyến nghị đã được chấp nhận; các quốc gia công nhận rằng các cuộc cải cách “phần lớn, phải mang tính tiến hóa, chứ không phải là cách mạng”[7].

Lĩnh vực hoạt động thứ ba của các IGO là thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy nhân quyền và gia tăng mức độ tuân thủ của nhà nước. Trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, trách nhiệm này được giao cho văn phòng điều phối và người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền. Một trong những hoạt động thúc đẩy nổi bật nhất là đảm bảo các cuộc bầu cử công bằng. Ví dụ, từ năm 1992, Liên Hợp Quốc giúp các cuộc bầu cử - những người theo dõi bầu cử, hỗ trợ kỹ thuật, - cho hơn 100 quốc gia. Liên Hợp Quốc nhận những vai trò khác nhau, từ xác nhận tiến trình bầu cử ở Côte d’voire, năm 2010, đến cung cấp chuyên viên giám sát, đôi khi còn chia sẻ trách nhiệm với các quốc gia như ở Afghanistan trong các năm 2004 và 2005 và Cộng hòa Nam Sudan, năm 2011. Năm 2014, Liên Hợp Quốc giám sát quá trình kiểm phiếu trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi ở Afghanistan. Mặc dù không loại bỏ được những trò lừa đảo và gian lận, nhưng nhờ có các giám sát viên nước ngoài, thường là các giám sát viên của Liên Hợp Quốc và IGO khác mà các quốc gia giành được tính chính danh. Các IGO còn có thể buộc chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền, nhưng ít khi áp dụng. Đối với các chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) - phân biệt chủng tộc đối với dân da đen chiếm đa số ở Nam Phi và chính sách tương tự như thế ở Nam Rhodesia (hiện nay là Zimbabwe) - cộng đồng quốc tế đã áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế. Nhưng, như đã thảo luận trong Chương 5, chính phủ Nam Phi đã không thay đổi ngay lập tức chính sách về nhân quyền và chính phủ cũng không bị lật đổ ngay lập tức.

Trong một vài trường hợp, lực lượng quân sự có thể được sử dụng. Khi xảy ra trường hợp khẩn cấp về nhân đạo ở miền bắc Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cũng như phản ứng trước các cuộc khủng hoảng ở Somalia, năm 1992; Bosnia vào giữa những năm 1990 và Libya năm 2011, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên kết một cách dứt khoát các vụ vi phạm nhân quyền với đe dọa an ninh và thi hành luật pháp mà không cần sự đồng ý của các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, các IGO rất ít khi can thiệp. Nhiều quốc gia bị người ta nghi là cố tình tăng cường quyền lực cho các tổ chức quốc tế nhằm giành quyền can thiệp vào những vụ việc mà họ vẫn coi là quyền tài phán nội bộ của nước mình.

Vai trò độc đáo của NGO

Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đặc biệt lớn tiếng và đôi khi rất hiệu quả trong lĩnh vực nhân quyền. Trong số hàng trăm tổ chức nhân quyền có những mối quân tâm xuyên biên giới quốc gia, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nằm trong số những nhóm nòng cốt lớn tiếng nhất và được nhiều người chú ý nhất. Các tổ chức này công khai các vấn đề, gây áp lực lên các quốc gia (cả người vi phạm và người thực thi pháp luật) và vận động các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, các tổ chức này thường lập ra các liên minh, dẫn đến các mạng lưới vận động và các phong trào xã hội[8].

Với Internet và Twitter, các cá nhân và các nhóm có thể nhanh chóng lên tiếng về những bất bình của mình với cử tọa trên toàn thế giới và lôi kéo những người có cảm tình với mình để thực hiện những hành động trực tiếp. Những công nghệ đặc biệt hiệu quả trong việc định hình diễn ngôn xung quanh vấn đề và gợi được sự quan tâm trong một số khu vực bầu cử. Ví dụ, trong những năm 1970, người ta thành lập các nhóm người khuyết tật – những người bị khuyết tật giống nhau cùng vào một nhóm - đầu tiên là ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Những người hoạt động bị phân mảnh, và không có biện pháp tiếp cận bao quát. Theo thời gian, các nhóm khác nhau đã cùng áp dụng cách tiếp cận mà nền tảng là các quyền. Năm 1992, bảy trong số các nhóm này đã sáp nhập vào một mạng lưới lỏng lẻo, gọi là Liên minh Người Khuyết tật Quốc tế (International Disability Alliance). Khi các công nghệ truyền thông mới trở thành dòng chính, các nhà hoạt động khuyết tật bắt đầu tìm được ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ như HRW và AI. Với sự hỗ trợ của HRW, AI và tài trợ từ Viện xã hội mở (Open Society Institute), công ước về người khuyết tật được trình cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Năm 2006, Công ước về Quyền của Người khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities) đã được thông qua[9]. Cuối năm 2015, 160 quốc gia đã trở thành thành viên của Công ước này. Công ước về Quyền của Người khuyết tật buộc các bên ký kết phải cấm tất cả các hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật. Ví dụ này cho thấy hành động có phối hợp của NGO có thể dẫn đến bộ luật quốc tế có giá trị như thế nào.

Chú thích ảnh: Sinh viên ở Seattle phân phát một biểu ngữ ủng hộ chiến dịch gây nhiều tranh cãi của nhóm Những đứa trẻ vô hình (Invisible Children Kony 2012). Chiến dịch này được thiết kế nhằm đưa Joseph Kony, lãnh đạo của Quân đội Kháng chiến của Chúa (Lord’s Resistance Army) ra tòa.

Trong khi các công nghệ truyền thông mới thường tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch của các tổ chức phi chính phủ, một trong những ví dụ về sử dụng truyền thông cho thấy cả triển vọng lẫn những vấn đề mà nó gây ra. Trong hơn hai thập kỷ, Quân đội Kháng chiến của Chúa và lãnh đạo của tổ chức này, Ugandan Joseph Kony, đã bắt cóc trẻ con ở miền bắc Uganda và sử dụng lính trẻ con, đe dọa và làm cho dân chúng trong vùng sợ hãi. Tổ chức Những đứa trẻ vô hình, thành lập năm 2004, là tổ chức phi chính phủ, dùng phim ảnh và các hoạt động chính trị nhằm kêu gọi mọi người chú ý đến những lạm dụng này. Trong mấy năm qua, tổ chức đã tung ra một thông điệp đơn giản, bằng đồ họa, nhắm vào cử tọa phương Tây trong cuộc chiến chống lại Kony. Năm 2012, một đoạn video dài nửa giờ, nhan đề Kony 2012 được phát tán trên mạng xã hội, thu hút 80 triệu lượt truy cập. Mặc dù mọi người đều đồng ý rằng vụ lạm dụng này là vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, nhưng không phải tất cả mọi người, kể cả nhiều người ở chính Uganda, đều nhất trí với giải pháp của tổ chức Những đứa trẻ vô hình, vì họ ủng hộ hành động quân sự. Vì vậy, trong diễn ngôn của phái kiến tạo, các tổ chức phi chính phủ có thể giúp truyền bá tư tưởng và trong thời đại của các phương tiện truyền thông mới, họ thường sử dụng các nguồn lực vật chất nhằm mang lại nhiều hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cũng có khả năng bóp méo thông điệp, đơn giản hóa quá mức cácvấn đề phức tạp và đưa ra các giải pháp hời hợt. Và, như đã nói trong Chương 7, các tổ chức phi chính phủ có thể không đại diện cho tất cả những người có liên quan trực tiếp nhất. Xin nhớ rằng, các tổ chức phi chính phủ không có tư cách pháp nhân độc lập, có ít nguồn lực vật chất so với nhà nước và tồn tại theo ý chủ quan của các quốc gia mà họ đang hoạt động.

Đánh giá nỗ lực của cộng đồng quốc tế

Nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền có hiệu quả đến mức nào? Đặt ra các tiêu chuẩn, ví dụ, trong kí kết hiệp ước là rất quan trọng - không có tiêu chuẩn thì không có chỗ dựa để đánh giá. Nhưng, trong số các hoạt động khác nhau đã được đem ra thảo luận, có lẽ không có hoạt động nào hiệu quả bằng giám sát. Giám sát cũng là công việc hiệu quả nhất mà các tổ chức phi chính phủ có thể làm. Tổ chức Ân xá Quốc tế, thành lập năm 1961, có lẽ đã trở thành tổ chức giám sát nhân quyền hiệu quả nhất. Ân xá Quốc tế đã tham gia vào các hoạt động nhằm đặt dấu chấm hết đối với các vụ vi nhân quyền ở Uruguay và Paraguay trong những năm 1970. Các công trình nghiên cứu và các chuyên gia của tổ chức này là công cụ làm cho quốc tế chú ý tới những vụ vi phạm nhân quyền của giới quân nhân Argentina, trong đó có bắt cóc và những vụ mất tích hi đầu những năm 1980. Mặc dù ban đầu tổ chức này tập trung vào việc bảo vệ các tù nhân chính trị riêng lẻ, nhưng hiện nay chương trình nghị sự của tổ chức này đã mở rộng, bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có những vụ lạm dụng có hệ thống các quyền kinh tế và xã hội, nữ quyền và quyền của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (LGBT). Ân xá Quốc tế và các tổ chức tương tự như thế cung cấp thông tin cho các hoạt động giám sát của Liên Hợp Quốc và Mỹ[10].

Tất nhiên, giám sát không phải là hết, vì vậy, quan trọng là phải hỏi liệu quá trình giám sát của IGO hoặc NGO thông qua điều tra, báo cáo, nghị quyết, và nêu tên và bêu riếu cuối cùng có cải thiện được nhân quyền hay không. Lúc có lúc không. Một công trình nghiên cứu trên 400 tổ chức nhân quyền về việc bêu riếu, làm cho các chính phủ xấu hổ, từ năm 1992 đến 2004, cho thấy các quốc gia mà các tổ chức phi chính phủ nhắm tới quả thật đã cải thiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền của họ. Nhưng bêu riếu không thì chưa đủ. Bêu riếu chỉ có hiệu quả khi cả các tổ chức phi chính phủ trong nước, nằm trong quần chúng và được các bên thứ ba và các cá nhân khác ủng hộ[11]. Một công trình nghiên cứu khác về giám sát do Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông khác tiến hành trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2000 cho thấy các chính phủ được coi là những quốc gia vi phạm, thường “sau đó, thông qua những biện pháp bảo vệ các quyền chính trị, nhưng ít khi chấm dứt hoặc dường như giảm bớt những hành động khủng bố”[12]. Chỉ khi các tổ chức phi chính phủ tích cực xử lý các vấn đề thì hành động mới được cải thiện.

Như vậy, theo thời gian, việc giám sát của IGO và NGO, cũng như Đánh giá Định kỳ toàn cầu, không tất yếu là đủ để thay đổi hành động. Buộc người ta tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế có thể là quá trình lâu dài. Hơn nữa, khi các quốc gia không tuân thủ các quy tắc hiện hành, đấy có thể không phải là một hành động cố ý. Có thể có những cản trở, làm cho một số quốc gia không tuân thủ, như đã giải thích trong Chương 7.

Tất cả các hoạt động như thế của cộng đồng quốc tế nhân danh nhân quyền đều gặp nhiều khó khăn. Chữ ký của quốc gia trên hiệp ước không đảm bảo rằng họ sẽ sẵn sàng có đủ khả năng tuân theo các điều khoản của hiệp ước. Giám sát việc tuân thủ của nhà nước thông qua các hệ thống tự báo cáo dựa trên giả định họ sẵn sàng tuân thủ và minh bạch, nhưng phải nhớ rằng giả định này không phải luôn luôn đúng. Hành động trực tiếp bằng cách áp đặt cấm vận kinh tế có thể không đạt được mục tiêu đã được công bố - thay đổi trong chính sách nhân quyền - và trên thực tế, có thể làm hại những người mà biện pháp cấm vận tìm cách giúp đỡ. Các báo cáo cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế áp dụng đối với Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất làm giảm mức sống của người dân và tạo cho quần chúng nhiều khó khăn kinh tế hơn, trong khi giới ăn trên ngồi trốc mà cấm vận nhắm tới thì không bị ảnh hưởng. Các biện pháp trừng phạt cũng không có tác dụng trong việc loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq[13].

Mặc dù có những khó khăn như thế, cộng đồng quốc tế đang hướng tới quan điểm luật pháp mềm hoặc quy tắc trách nhiệm (R2P) mềm, mà trước hết là, các quốc gia có trách nhiệm đối xử nhân đạo với người dân của chính mình. Phần thứ hai liên quan đến bảo vệ người dân ở các quốc gia khác gây ra nhiều tranh cãi hơn. Can thiệp vào các công việc của các quốc gia khác ngay cả vì mục đích nhân đạo, như Chương 8 đã nói, có những vấn đề riêng của nó. Can thiệp có phải là phản ứng hợp pháp hay không, nếu chỉ được sử dụng một cách có chọn lọc, sử dụng trong một số trường hợp mà không sử dụng trong những trường hợp khác? Ví dụ, năm 2011, tại sao cộng đồng quốc tế (Liên Hợp Quốc, NATO và Liên minh các nước Ả Rập) đều lên tiếng ủng hộ hành động quân sự nhằm chống lại Đại tá Muammar Qaddafi ở Libya? Những dự báo của Qaddafi về “biển máu” của các đối thủ của ông và lời đe dọa “sẽ làm sạch Lybia, từ nhà nọ tới nhà kia” của ông ta đã biện minh cho vụ can thiệp được quốc tế chấp thuận[14]. Nhưng những bạo hành trên diện rộng được cho là do chế độ Bashar al Assad ở Syria nhằm chống lại chính người Syria, từ năm 2011, đã không dẫn đến phản ứng tương tự. Có thể xảy ra nguy cơ là tất cả các vụ can thiệp trong vào công việc của nước khác cuối cùng đều có thể vin vào R2P như một cái cớ? Rốt cuộc, chính phủ Mỹ, khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, đã biện hộ cho cuộc xâm lược bằng cách nói rằng chế độ của Saddam Hussein rất tàn bạo. Khi nào thì việc sử dụng thuật ngữ này trở thành lời biện hộ cho một quốc gia hay một nhóm các quốc gia hành động chỉ vì lợi ích quốc gia của chính mình?

Thật vậy, các quốc gia giải thích các quy tắc này theo những cách khác nhau. Khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn nghị quyết cho phép sử dụng các biện pháp nhằm bảo vệ thường dân ở Libya, thì Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu trắng. Khi NATO ra tay hành động nhằm lật đổ chế độ của Qaddafi đã kéo dài tới bốn mươi năm, Brazil đã cùng với Nga và Trung Quốc phản đối công khai. Brazil khẳng định, can thiệp vào Libya là trái với mục đích nhân đạo vì nó tạo ra các điều kiện làm gia tăng khủng bố và làm thiệt mạng nhiều người hơn. Sau đó Brazil ủng hộ một khái niệm “Trách nhiệm trong khi bảo vệ”. Họ khẳng định rằng phải đánh giá hậu quả của hành động quân sự theo từng trừng hợp để không đẩy thêm nhiều người dân vào hoàn cảnh rủi ro[15].

Hành động quốc tế và quốc gia nhân danh mục tiêu nhân quyền vẫn là công việc rất tế nhị. Ý tưởng của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta đi sâu vào các vấn đề nhân quyền cụ thể.

Những vấn đề nhân quyền cụ thể

Nói chung, các điều ước quốc tế về quyền con người giải quyết từng vấn đề riêng biệt, mỗi vấn đề đều đáng phải nghiên cứu. Trong phần này, trước hết, chúng ta nghiên cứu về tội diệt chủng và tội ác trên quy mô lớn. Bảo vệ, không để con người bị bạo hành là giá trị tôn giáo được coi trọng từ xưa đến nay. Phản ứng trước những hành động tàn bạo trong Thế chiến II là nguyên nhân dẫn đến quá trình quốc tế hóa quyền con người, đương nhiên là cần nghiên cứu những vấn đề này. Đồng thời, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh lại dẫn đến những biện pháp mới nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm. Chúng ta thường xem xét vấn đề bảo vệ hai nhóm người cụ thể. Trước hết, vấn đề về quyền phụ nữ là đáng nghiên cứu, vì nó liên quan đến quá trình mở rộng các quyền qua thời gian và không gian. Thứ hai, chúng ta xem xét vấn đề người tị nạn, cả quyền con người và những mối quan tâm mang tính nhân đạo.

Vấn đề diệt chủng và tội ác trên quy mô lớn

Trong thế kỷ XX đã có hàng triệu người chết vì chiến tranh, thanh lọc sắc tộc, tội ác chống lại loài người và bạo lực nhắm vào các cá nhân. Tuy nhiên, trong nửa đầu thế kỷ XX, còn chưa có từ ngữ để mô tả một loại bạo lực nhắm vào cơ thể con người là nạn diệt chủng. Một luật sư người Ba Lan, Raphael Lemkin, đã vô cùng phẫn nộ trước vụ tàn sát người Armenia, năm 1915, đến nỗi ông dành cả đời cho sự nghiệp nhân quyền, chính ông phát minh ra từ diệt chủng và sau đó đã chu du khắp thế giới để kêu gọi ban hành đạo luật quốc tế cấm hiện tượng này.

Đã xảy ra nạn diệt chủng người Do Thái và những dân tộc “không đáng mong muốn” khác trong Thế chiến II, trước khi cộng đồng quốc tế sẵn sàng hành động. Năm 1948, Công ước Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội Diệt chủng (CPPCG) đã được thông qua. Công ước đưa ra định nghĩa về tội diệt chủng (xem Hộp 10.1). Mặc dù Công ước đã được ký kết, phê chuẩn và công nhận như là một bước tiến trong nhân quyền quốc tế, song, tương tự như hầu hết các công ước pháp lý khác, Công ước này giải thích rõ một số vấn đề, nhưng còn mơ hồ về một số vấn đề khác. Tình trạng mơ hồ thường là do các bên chưa đạt được thỏa thuận trong quá trình đàm phán hoặc các nhà đàm phán chưa thỏa hiệp được với nhau. Một mặt, Công ước đã giải thích rõ diệt chủng bao gồm những tội ác nào. Tội phạm diệt chủng là những kẻ cố ý giết người; giết người hoặc gây thương tích không phải là kết quả vô tình của bạo lực hoặc hành động ngẫu nhiên. Mục tiêu của bạo lực phải là một nhóm người thuộc một dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Nhưng mặt khác, Công ước này khá mơ hồ. Công ước không đưa ra định nghĩa bao nhiêu người bị giết thì bị coi là diệt chủng. Công ước cũng không xác định bằng chứng nào được coi là cần để chứng tỏ rằng hành động là có chủ ý. Công ước cũng không thành lập cơ quan thường trực nhằm giám sát các cuộc diệt chủng có thể xảy ra hoặc thành lập hệ thống cảnh báo sớm. Cộng đồng quốc tế phải phản ứng, nhưng phản ứng như thế nào cũng là vấn đề khá mơ hồ.

Mặc dù đã có Công ước và ý định tốt đẹp về “không bao giờ để xảy ra việc này một lần nữa”, cộng đồng quốc tế đã không thể hành động một cách dứt khoát khi xảy ra nạn diệt chủng một cách có chủ đích. Trong những năm 1970, một triệu người Bangladesh đã bị giết; Ấn Độ đã can thiệp nhưng vẫn không ngăn chặn được vụ tàn sát. Hai triệu người Cambodia đã bị giết trong cùng thời gian này, nhưng vụ can thiệp của Việt Nam - vì những lý do khác - là quá muộn và những nước khác đã không lên tiếng.

Trong những năm 1990, hơn 750.000 người Rwanda đã bị giết trong khi một lực lượng nhỏ của Liên Hợp Quốc tại chỗ đã án binh bất động. Ở các nước thuộc Nam Tư cũ, trong đó có Bosnia-Herzegovina, Croatia, Serbia và Kosovo, những người thuộc một nhóm sắc tộc bị buộc phải rời bỏ chỗ ở, đôi khi bị giết hoặc bị đưa vào các trại tập trung, bị hãm hiếp, nhưng phản ứng của Liên Hợp Quốc và NATO trong việc ngăn chặn cuộc tàn sát tỏ ra không hiệu quả. Ở Darfur, đầu những năm 2000, có tới 200.000 người bị giết và hàng triệu người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong khi các tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo, thì các quốc gia đã không hành động một cách quyết đoán. Sau đó, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc/Châu Phi đã đưa lực lượng tới đây, nhưng quá yếu, như đã thảo luận trong Chương 7.

Trong vụ Rwanda và Darfur, các nước lớn đã có chính sách phối họp là không sử dụng từ diệt chủng, với nhận thức rõ rằng việc thừa nhận đó là tội diệt chủng thì phải có phản ứng quốc tế. Thay vào đó, ngay từ đầu, người ta đã coi đó là những cuộc xung đột sắc tộc “bình thường”; nhưng bây giờ nhìn lại, đây rõ ràng là không bình thường. Ngay cả khi liên minh do NATO hậu thuẫn được tổ chức nhằm ngăn chặn vụ thanh lọc sắc tộc người Serb ở Kosovo, NATO cũng không bao giờ sử dụng từ diệt chủng để mô tả những sự kiện đang diễn ra. Nhiều nước cũng không sử dụng từ diệt chủng khi 1,5 triệu người Armenia, do chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, mà bị giết vào năm 1915. Một thế kỷ sau, người ta vẫn còn tranh cãi về vấn đề này.

Cùng với việc cấm diệt chủng là luật hóa các tội ác chống lại loài người và các tội ác trong thời chiến. Các tội ác chống lại loài người hiện được đưa vào Điều 7 của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (Rome Statute of the International Criminal Court) (xem Hộp 10.2). Nước Nam Tư thể hiện tình thế tiến thoái lưỡng nan khi áp dụng các công ước này. Trong cuộc chiến tranh đầu những năm 1990, thuật ngữ thanh lọc sắc tộc được đặt ra để nói về những nỗ lực có hệ thống của Croatia và người Serb ở Bosnia nhằm đẩy người của một nhóm sắc dân khác ra khỏi lãnh thổ của họ, nhưng không nhất thiết là quét sạch hoàn toàn nhóm người này.

Nhưng đây là tội diệt chủng hay tội ác chống lại loài người? Trong những năm 1992 và 1993, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã tiến hành một số cuộc điều tra, và rút ra kết luận rằng “có những vi phạm trên quy mô lớn và nghiêm trọng về quyền con người”, và người Hồi giáo là những nạn nhân chính. Ủy ban chuyên gia của Hội đồng Bảo an kết luận rằng tất cả các bên đều phạm tội ác chiến tranh, nhưng chỉ có người Serb là tiến hành chiến dịch diệt chủng một cách có hệ thống mà thôi. Nhưng một số quốc gia và nhiều tổ chức phi chính phủ không đồng ý với kết luận này. Năm 2007, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) phán quyết rằng Serbia không phạm tội diệt chủng hoặc âm mưu hay đồng lõa trong hành động diệt chủng. Các thẩm phán khẳng định rằng không có đủ bằng chứng chứng minh rằng người ta đã cố tình tiêu diệt người Bosnia. Năm 2015, chính tòa án này phán quyết rằng cả Serbia lẫn Croatia đều phạm tội, nhưng không chứng minh được rằng người ta cố ý phạm tội diệt chủng[16].

Những vụ có thể được coi là diệt chủng và tội ác chiến tranh tiếp tục diễn ra. Năm 2015, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc báo cáo rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể đã phạm tội diệt chủng và tội ác chiến tranh chống lại cộng đồng người Yazidi ở Iraq và kêu gọi Hội đồng Bảo an đưa vụ việc ra Tòa án Hình sự Quốc tế ( ICC). Nhưng vì Iraq không phải là nước tham gia ICC, cho đến nay ICC vẫn chưa xem xét vấn đề này.

Như cuộc thảo luận ở đây cho thấy, những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn hoặc chặn đứng những hành vi vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn là công việc có nhiều trắc trở. Khi ngăn ngừa là bất khả thi – vì lý do chính trị hoặc do hoàn cảnh - vấn đề tiếp theo là liệu có thể trừng phạt những người chị trách nhiệm và trừng phạt như thế nào.

Hộp 10.1

Công ước về tội diệt chủng 

Điều 1. Các bên ký kết khẳng định rằng, hành động diệt chủng, bất kể được thực hiện trong thời bình hay thời chiến, đều là tội ác theo luật pháp quốc tế mà các bên cam kết sẽ ngăn chặn và trừng trị.

 Điều 2. Trong Công ước này, diệt chủng có nghĩa là bất kỳ hành vi nào, được thực hiện nhằm cố ý tiêu diệt, toàn bộ hay một phần, một nhóm dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo, ví dụ như các hành động nêu dưới đây: 

a) Giết các thành viên của nhóm;

b) Gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm;

c) Cố ý bắt nhóm phải chịu các điều kiện sống dẫn đến hủy diệt về mặt thể chất của toàn bộ hoặc một bộ phận thành viên của nhóm;

d) Cố ý áp đặt những biện pháp nhằm ngăn chặn sinh đẻ trong nhóm;

e) Cưỡng bức chuyển giao trẻ em của nhóm sang một nhóm khác. 

Điều 3. Những hành vi sau đây phải bị trừng trị:

a) Diệt chủng;

b) Âm mưu phạm tội diệt chủng;

c) Trực tiếp và công khai kích động hành vi diệt chủng;

d) Cố tình phạm tội diệt chủng nhưng chưa đạt;

e) Đồng phạm tội diệt chủng.

 

 

 

Hộp 10.2

Tội ác chống lại loài người 

Điều 7 của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế viết như sau: Vì mục đích của Đạo luật này, “tội phạm chống lại loài người” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào sau đây khi được thực hiện như một phần của một cuộc tấn công trên quy mô lớn hoặc có hệ thống:

(a) Giết người;

(b) Hủy diệt;

(c) Bắt làm nô lệ;

(d) Ép buộc, dùng vũ lực trục xuất, lưu đày;

 (e) Bỏ tù hoặc tước quyền tự do thân thể nghiêm trọng khác vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế;

(f) Tra tấn

(g) Cưỡng hiếp, nô lệ tình dục, mại dâm cưỡng bức, mang thai cưỡng bức, triệt sản bắt buộc hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác;

(h) Khủng bố chống lại bất kỳ nhóm hoặc tập thể có thể nhận dạng được về chính trị, chủng tộc, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa trong đoạn 3 hoặc các căn cứ khác được công nhận là không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành động nào được đề cập trong đoạn này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc thẩm quyền của Tòa án; 

(i) Ép buộc, dùng vũ lực gây ra mất tích;

(j) Phân biệt chủng tộc;

(k) Những hành động mất nhân tính gây ra thương tổn nặng nề đến tình trạng thể chất hoặc tinh thần, sức khỏe hay phẩm chất con người, như gây tổn thương, tàn tật hay tổn hại khốc liệt cho thân thể.

 

 

Trừng phạt những kẻ có tội

Xu hướng chính trong thiên niên kỷ mới là những kẻ phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ý tưởng này không phải là mới. Sau Thế chiến II, các nước đồng minh đã lập ra các phiên tòa để trừng phạt các nhà lãnh đạo Đức và Nhật vì những việc họ đã làm trong thời chiến. Tuy nhiên, vì những phiên tòa này là hình phạt của người chiến thắng dành cho kẻ chiến bại, nên không được coi là tiền lệ hợp pháp. Sau những vụ tàn sát ở Nam Tư và Rwanda, Liên Hợp Quốc đã thành lập hai tòa án hình sự đặc biệt, Toà hình sự quốc tế dành cho Nam Tư cũ, năm 1993, và Toà Hình sự Quốc tế dành cho Rwanda, năm 1994. Những Tòa hình sự đặc biệt này - được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn - đã lập ra các thủ tục nhằm giải quyết các vấn đề về thẩm quyền, bằng chứng, tuyên án và bỏ tù. Do phải thiết lập các thủ tục và những khó khăn trong việc truy tìm bị cáo, các phiên tòa này diễn ra rất chậm. Đến cuối năm 2015, Tòa án Nam Tư đã hoàn tất thủ tục tố tụng 141 trong số 161 bị cáo, cùng với 80 bản án được tuyên. Tòa án Rwanda truy tố 95 người và kết án 55. Tòa án này đã chính thức kết thúc vào ngày 1 tháng 12 năm 2015. 

Chú thích ảnh: Tháng 2 năm 2015, các thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế đã tha bổng lãnh đạo dân quân Congo, Ngudjolo Chui.

Do những khó khăn mà các phiên tòa đặc biệt tạo ra, năm 1998, các quốc gia dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã kí kết Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Đây là tòa án quốc tế mới được thiết lập, có cả thẩm quyền xét xử bắt buộc và thẩm quyền xét xử các cá nhân[17]. Bốn loại tội ác được Tòa án này xét xử: Tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội xâm lược. Không có người nào (trừ những người dưới 18 tuổi) nằm ngoài quyền tài phán, trong đó có cả nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo quân đội. ICC là biện pháp cuối cùng, chỉ xét xử những vụ án khi mà tòa án quốc gia không chịu xử hoặc không thể truy tố những tội ác quá tàn bạo.

ICC bắt đầu hoạt động vào năm 2003; trong năm 2016, đã có gần 25 vụ việc liên quan tới tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người chờ đem ra xét xử. Hầu hết là các tội ác xảy ra ở các nước châu Phi, vài vụ được các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây quan tâm. Lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan, Omar Hassan al-Bashir và Joseph Kony chỉ huy Quân đội Kháng chiến của Chúa là những trường hợp ngoại lệ nổi bật. Năm 2014, sứ quân Bosco Ntaganda của Congo bị bắt và kết án phạm các tội ác chiến tranh như cưỡng hiếp, giết người và sử dụng binh lính trẻ em.

Tuy nhiên, ICC cũng gây ra tranh cãi. Nhiều nước ủng hộ coi tòa án này là cực kì cần thiết nhằm thiết lập luật pháp quốc tế và buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm vì những hành động mà họ đã làm trong cuộc xung đột. Những nước khác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, thì lại có thái độ phê phán. Đặc biệt, Mỹ phản đối các điều khoản của Quy chế có thể làm cho quân nhân Mỹ hay tổng thống Mỹ bị ICC đưa ra xét xử, vì họ tin rằng Mỹ có trách nhiệm quốc tế đặc biệt, Mỹ là nước bá chủ cho nên quân đội và các nhà lãnh đạo của nước này nằm ngoài thẩm quyền của ICC. Mỹ còn phản đối một cách tổng quát hơn, họ khẳng định rằng ICC xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Trong khi vẫn còn tranh cãi, thì năm 2011, Mỹ, với vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa Libya ra Tòa án Quốc tế (ICC). Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi, từng là những nước ủng hộ ICC, ngày càng tỏ ra hoài nghi về tính trung lập của nó vì rất nhiều vụ trong danh sách xét xử của tòa là các nhà lãnh đạo châu Phi.

Trừng phạt những kẻ xúi giục, dù là thông qua các tòa án quốc tế hay tòa án khu vực, cũng gây tranh cãi vì phải cân nhắc giữa hòa bình và công lý. Xử các cá nhân vì đã có những hành động sai trái trong thời chiến hay đảm bảo hòa bình, cái nào quan trọng hơn? Đưa các cá nhân ra trước công lý có thể gây nguy hiểm cho nền hòa bình lâu dài, vì những người bị truy tố trong tương lai có thể tìm mọi cách nắm giữ quyền lực. Bản cáo trạng dành cho al-Bashir do ICC đưa ra, nói ông này phạm tội ác chiến tranh và “vai trò thiết yếu” của ông ta trong những vụ giết người và bạo hành ở Darfur, cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn nếu ông ta không bị Hội đồng Bảo an đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)? Bản cáo trạng có làm cho việc dàn xếp chính trị cho cuộc xung đột Darfur trở thành phức tạp thêm? Và liệu việc al-Bashir công khai coi thường tòa án có làm suy yếu tính chính danh của tòa án này? Một số người cho rằng có biện pháp tốt hơn.

Hòa giải và tái xây dựng các ủy ban sự thật

Các ủy ban sự thật là một cách tiếp cận khác, được sử dụng ở Nam Phi sau khi chế độ phân biệt chủng tộc cáo chung và ngày càng được lòng người hơn. Ý tưởng đằng sau các ủy ban này là xem xét trong một diễn đàn mở những sự kiện đã xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng, nhằm khám phá sự thật và trong quá trình đó, hòa giải để tiến lên. Cách tiếp cận này được coi là phù hợp ở các quốc gia vừa thoát khỏi cuộc nội chiến với nạn bạo lực lan tràn, bên nào cũng có lỗi và bây giờ mọi người phải sống cùng nhau. Các ủy ban sự thật ngày càng được sử dụng cùng với những cơ chế pháp lý khác, ví dụ, tòa án địa phương (ở Rwanda và Bosnia) hoặc tòa án hỗn hợp (ở Sierra Leone và Campuchia). Quá trình thành lập các cơ chế này cho thấy xu hướng coi các cá nhân, ví dụ, những đương và cựu lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo các nhóm không thuộc nhà nước là đối tượng chế tài của luật pháp quốc tế trong những trường hợp mà trước đây chỉ có các quốc gia mới có tư cách đó.

Quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền: Quốc tế hóa quyền của phụ nữ 

Quyền của phụ nữ cho thấy cách thức nhân quyền chuyển từ chương trình nghị sự quốc gia sang chương trình nghị sự quốc tế, cách thức các quyền khác nhau liên kết với nhau và quyền của phụ nữ liên kết trực tiếp với các giá trị và chuẩn mực văn hóa. Quyền của phụ nữ đang dần trở thành vấn đề toàn cầu, một áp phích của Liên Hợp Quốc dành cho Hội nghị Vienna năm 1993 viết: “Nữ quyền là Nhân quyền”. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng quan niệm như thế.

Từ các quyền chính trị và kinh tế sang nhân quyền

Đầu tiên, phụ nữ kêu gọi tham gia chính trị trong phạm vi quốc gia, họ đòi các quyền chính trị và dân sự dưới hình thức quyền bầu cử của phụ nữ. Mặc dù phụ nữ Anh đã giành được quyền đó vào năm 1918, còn phụ nữ Mỹ thì giành được vào 1920, nhưng phải đến sau Thế chiến II thì phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới mới có quyền phổ thông đầu phiếu. Ưu tiên trước mắt lúc đó của Liên Hợp Quốc và Ủy ban về địa vị phụ nữ (Commission on the Status of Women) được thành lập sau Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền năm 1949 là buộc các quốc gia trao cho phụ nữ quyền bầu cử, quyền giữ các chức vụ và hưởng các quyền theo pháp luật. Hơn một thập kỷ sau, Công ước năm 1979 về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women, năm 1979 - CEDAW) đã làm rõ thêm tiêu chuẩn này, cho rằng phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và đời sống công cộng là bất hợp pháp.

Trong những năm 1960 và 1970, các quốc gia chú ý nhiều hơn đến các quyền kinh tế và xã hội của phụ nữ. Trong suốt nhiều năm ròng, các tổ chức phát triển cộng đồng tin rằng tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ, có thể tham gia vào và hưởng lợi ngang nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi các chuyên gia bắt đầu kiểm tra số liệu thống kê về các vấn đề kinh tế và xã hội liên quan đến phụ nữ, họ thấy rằng không phải như thế. Việc ứng dụng công nghệ mang lại nhiều lợi ích hơn cho đàn ông; cần phải có các chính sách đặc biệt dành cho phụ nữ.

Kết quả: Xuất hiện Phong trào phụ nữ trong phát triển (women in development - WID) - một phong trào xuyên quốc gia chuyên xem xét tệ phân biệt đối xử có hệ thống với phụ nữ và phát triển nhưng không có nh hưởng tốt đối với đời sống của người nghèo. Phong trào đã được bốn hội nghị thế giới do Liên Hợp Quốc tài trợ khuyến khích. Tại các hội nghị này, phụ nữ đã được huy động và đã lập ra mạng lưới tạo điều kiện cho họ thiết lập chương trình nghị sự kinh tế quan trọng có ảnh hưởng tới phụ nữ, trong đó có tiền lương ngang với nam giới, bảo vệ thai sản và không phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Trong khuôn khổ của WID, Ngân hàng Thế giới và hầu như toàn bộ hệ thống của Liên Hợp Quốc đã khởi động các chương trình nhằm nâng cao địa vị kinh tế cho phụ nữ. Hiện nay, chương trình nghị sự của WID được tích hợp vào hầu hết các chương trình hỗ trợ quốc tế, trong mục “giới và phát triển và lồng ghép giới”[18] (gender mainstreaming - lồng ghép giới là khái niệm chính sách công để đánh giá các tác động khác nhau đối với những người có giới tính khác nhau của bất kỳ hành động chính sách nào, bao gồm luật và chương trình, ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ - ND).

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women - CEDAW) giải quyết cả các quyền chính trị-dân sự và một loạt quyền kinh tế-xã hội. Dù đã có 188 quốc gia đã ký Công ước này, các nước này đã đưa vào các bảo lưu hoặc nhận thức quan trọng, cho thấy các quốc gia diễn giải Công ước khác nhau đến mức nào. Nhiều bảo lưu liên quan tới quyền của phụ nữ. Các quốc gia như Algeria và Ai Cập, cùng với nhiều quốc gia khác, bảo lưu những điều khoản xung đột với các bộ luật quốc gia và luật gia đình, là những bộ luật phản ánh các giá trị tôn giáo và văn hóa của những nước đó.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là các biện pháp bảo vệ nhằm chống lại những vi phạm nhân quyền trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau, đáng chú ý là bạo hành phụ nữ trên cơ sở giới tính. Bạo lực trên cơ sở giới tính bao gồm bạo hành phụ nữ trong gia đình và trong cuộc sống gia đình; phân công lao động theo giới ở nơi làm việc; và bạo hành phụ nữ trong chiến tranh, nhất là cưỡng hiếp và tra tấn. Tóm lại, bạo hành phụ nữ và các hành vi lạm dụng khác trong tất cả các lĩnh vực được coi là vi phạm cả nhân quyền lẫn các chuẩn mực về nhân đạo.

Chú thích ảnh: Ở Afghanistan dưới thời Taliban, phụ nữ có nguy cơ bị giết khi bí mật đi học. Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát của Liên Hợp Quốc và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) cấm phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1980, Afghanistan đã ký CEDAW, nhưng đã không phê chuẩn Công ước này cho đến sau khi Taliban bị lật đổ. 

Bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra

Năm 2015, Liên Hợp Quốc báo cáo rằng bạo hành phụ nữ và trẻ em gái “vẫn ở mức báo động cao” - hơn một phần ba phụ nữ trên thế giới bị bạo hành về thể xác. Hai ví dụ cho thấy vấn đề thường gây tranh cãi và cũng xảy ra thường xuyên này.

Hiếp dâm là một ví dụ điển hình của bạo hành đối với phụ nữ. Trong Chương 2, chúng ta đã thảo luận về các vụ thảm sát ở Nam Kinh do binh lính Nhật Bản gây ra vào năm 1937. Trong đó có các vụ hãm hiếp một cách có hệ thống của hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc. Một số sự kiện hiện nay thể hiện rõ mức độ bạo hành đặc thù này đối với phụ nữ: binh lính Iraq, trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, đã cưỡng hiếp 2.000 phụ nữ Kuwait; năm 1993, lực lượng Serb và Croatia đã cưỡng hiếp 60.000 phụ nữ Bosnia, 250.000 phụ nữ ở Burundi và trong cuộc xung đột sắc tộc ở Rwanda, năm 1993-1994 đã bị cưỡng hiếp, khoảng 200.000 phụ nữ trong vụ bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo, và hơn 200 phụ nữ và trẻ em gái ở Darfur năm 2014 đã bị cưỡng hiếp. Trong các phiên tòa xử tội ác chiến tranh trước đó, hiếp dâm không bị coi là tội ác chiến tranh, mặc dù trong thời Thế chiến II, các nước sử dụng nó một cách có hệ thống, coi đấy là một trong những công cụ của chiến tranh.

Trong những năm 1990, hiếp dâm, một chính sách có hệ thống của nhà nước, ngày càng được nhiều người coi là vấn đề nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ kêu gọi thành lập các tòa hình sự quốc tế đặc biệt để xem xét tội hiếp dâm. Tại tòa án đặc biệt dành cho Rwanda, Jean-Paul Akayesu bị buộc tội hãm hiếp tập thể và diệt chủng. Năm 1998, trong quyết định gây tranh cãi, các thẩm phán đã đưa ra phán quyết vô tiền khoáng hậu rằng hiếp dâm không chỉ là tội ác chống lại loài người mà còn là tội diệt chủng. Giờ đây, Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế đã đưa hiếp dâm, nô lệ tình dục và cưỡng ép mại dâm vào tội ác chống lại loài người - khi những hành động này là một phần của cuộc tấn công trên quy mô lớn và có hệ thống chống lại dân thường.

Hiếp dâm không chỉ là vấn đề của thời chiến. Ở Nam Á và Trung Đông, vấn đề đặc biệt này nghiêm trọng ngay cả trong thời bình. Ở một số nơi, hãm hiếp phụ nữ có thể được coi là một hành động trả thù chấp nhận được. Phụ nữ bị hãm hiếp, bị người ta coi là ô nhục, sau đó có thể bị giết. Hoặc việc truy tố tội phạm có thể khó khăn, như ở Pakistan, phụ nữ bị hãm hiếp có thể bị kết án ngoại tình trừ khi có bốn người đàn ông làm chứng cho câu chuyện hiếp dâm. Vụ hãm hiếp tập thể một sinh viên Ấn Độ, năm 2012 và sau đó, cái chết của cô sau đó đã làm cho quốc tế chú ý tới vấn đề ở một quốc gia mà định nghĩa về hiếp dâm còn mơ hồ, cảnh sát và chính quyền không điều tra, còn các công tố viên thì không theo đuổi các trường hợp này một cách quyết liệt. Dưới áp lực của công chúng, chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng theo dõi việc truy tố vụ án đó và đưa ra bốn bản án tử hình.

Tấn công thân xác phụ nữ cũng là vấn đề ở nhiều nơi trên thế giới. Bắt đầu từ những năm 1990, ở Ciudad Juarez, Mexico, đã xảy ra làn sóng tấn công phụ nữ, khoảng một phần ba trong số đó liên quan đến tấn công tình dục, làm cho chỉ trong năm 2010 đã có 304 người chết. Tương tự như Pakistan và Ấn Độ, chính quyền Mexico đã bị chỉ trích vì chỉ điều tra một cách chiếu lệ và không đưa được thủ phạm ra tòa. Trong quân đội Mỹ, trong năm 2012-2013, những vụ hãm hiếp các nữ chiến sĩ bởi chính các đồng đội của họ đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Trong khi quân đội đã thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế hành vi ghê tởm này, Quốc hội lại cho quân đội giữ quyền công tố, làm cho những người muốn chính quyền dân sự xử lý các vụ án cảm thấy thất vọng.

Càng ngày, các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, như Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế càng đưa các hành vi vi phạm quyền của phụ nữ ra trước cộng đồng quốc tế và cộng đồng gây áp lực. Nếu các cơ quan nhà nước không xử lí nghiêm túc các trường hợp này, thì nhà nước cũng là đồng lõa. Nhưng, với các chuẩn mực văn hóa khác nhau, người ta dễ dàng che dấu các hành động trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau và cưỡng lại thay đổi.

Buôn bán phụ nữ và trẻ em là hình thức khác của vi phạm nhân quyền theo giới tính. Mặc dù bị Công ước CEDAW cấm, việc buôn bán ngày càng trở thành phổ biến - bởi biên giới mở, áp lực phải giữ chi phí lao động ở mức thấp và nghèo đói làm cho phụ nữ và các gia đình phải tìm kiếm bất kỳ công việc làm nào (kể cả trong lĩnh vực mại dâm). Nhiều phụ nữ bị buộc phải làm việc trong những công xưởng lao động cực kì nặng nhọc với đồng lương chết đói và tình trạng nô lệ trong gia đình ít được biết tới, dao động từ 12 đến 27 triệu người; khoảng một phần tư trong số này bị người ta đem bán, nhiều người bị bán cho lĩnh vực mại dâm. Vấn đề là đặc biệt nghiêm trọng, vì khác với cưỡng hiếp, tức là người bị hiếp không đồng ý, ở đây, phụ nữ có thể quyết định để người ta buôn bán mình vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, thông qua một số điều ước, đã coi những hình thức bóc lột này là bất hợp pháp (xem Bảng 10.1).

 

Đằng sau tiêu đề báo chí 

Nạn nhân chiến tranh 

Tình cảnh tuyệt vọng của các nạn nhân do Boko Haram gây ra, được mô tả ở đầu chương này, không phải là duy nhất. Phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân của chiến tranh và xung đột dân sự. Trong khi một số người có thể tự cầm vũ khí và trở thành chiến binh, hầu hết đã trở thành nạn nhân: mất chồng và người thân trong gia đình, mất nhà cửa và sinh kế. Một số người bị hãm hiếp, tra tấn và buộc phải hiến thân cho quân đội. Các tiêu đề báo trên khắp thế giới đã làm người ta kinh hoàng: “Hầu hết các cô gái được giải cứu khỏi bàn tay của Boko Haram đang mang thai”a. 

Đôi khi, phụ nữ và trẻ em trở thành những con tốt trong các cuộc xung đột chính trị. Ở Uganda, từ những năm 1980, Quân đội Kháng chiến của Chúa đã bắt cóc hơn 30.000 trẻ em ở miền bắc Uganda, bắt chúng làm lính trẻ con và làm cho người ta sợ hãi. Tương tự như phong trào #BringBackOurGirls ở Nigeria, chiến dịch được tổ chức bởi Những đứa trẻ vô hình (Invisible Children) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng toàn cầu, nhưng sau đó, chính những đề nghị của họ làm cho tổ chức này mất uy tín. Trong cả hai trường hợp, các phương tiện truyền thông xã hội đã không thể sửa chữa được những sai lầm hay giữ được sự chú ý của thế giới. 

Ở Nigeria, khoảng 1.000 bé gái và trẻ em bị Boko Haram bắt cóc đã được giải thoát. Về giai đoạn bị giam cầm, họ nói rằng cực kỳ tàn bạo; ăn không đủ no, cưỡng hôn, bị buộc phải cải sang đạo Hồi, nô lệ tình dục và bị hãm hiếp. 214 người trong số trong số 234 phụ nữ được quân đội Nigeria giải cứu trong một cuộc đột kích đang mang thai. Những con số này cho thấy hãm hiếp là vũ khí phổ biến trong chiến tranh. Hiếp dâm có phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên của xung đột - không chỉ là việc binh lính làm - từ vụ binh lính Nhật hãm hiếp ở Nam Kinh, Trung Quốc, năm 1937, đến những vụ lính Mỹ hãm hiếp ở Việt Nam? Đây là quan điểm mà cộng đồng quốc tế giữ trong nhiều năm liền. Hay hãm hiếp là chiến lược chiến tranh có chủ ý, được thiết kế để tiêu diệt một nhóm người thuộc một dân tộc nào đó hay tiếp tục giữa cho một nhóm khác tồn tại? Vụ các binh sĩ Serbia và Croatia hãm hiếp phụ nữ Bosnia, năm 1993 và vụ hãm hiếp phụ nữ trong các cuộc xung độ sắc tộc ở Burundi và Rwanda, năm 1993, làm người ta nghĩ tới một chiến lược có chủ ý. Thật vậy, theo Công ước ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng, di chuyển trẻ em bằng bạo lực, áp dụng các biện pháp ngăn chặn sinh sản hoặc cố ý gây tổn hại cơ thể một cách nghiêm trọng là tội diệt chủng.

 Chú thích ảnh: Phụ nữ và trẻ em tập trung tại trại tị nạn Assaga của Liên Hiệp Quốc, đông nam Niger, năm 2015. Họ là những người trốn chạy khỏi những vụ bạo hành do Boko Haram gây ra ở quê nhà, Nigeria. 

Chính phủ Nigeria đã không thể chặn đứng được cuộc nổi dậy của Boko Haram, bạo lực lan sang các nước láng giềng: Cameroon, Chad và Niger. Mặc dù Mỹ đã đưa các cố vấn quân sự tới để giúp xác định vị trí các cô gái bị bắt cóc, Pháp đã nỗ lực trong việc phối hợp các hoạt động quân sự và lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) đã có mặt tại nước này, Boko Haram vẫn tiếp tục hãm hiếp, cướp bóc và giết người. 

Chiến tranh tiếp tục làm cho con người bị đau khổ. Cộng đồng quốc tế, thông qua các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, đang tham gia xử lí những người bị ảnh hưởng và tìm cách chữa trị cho những người đã trải qua giai đoạn oán hận và bạo lực. Những người theo phái tự do có thể chỉ ra những chương trình tích cực như thế. Bạo hành phụ nữ đã chuyển từ quan hệ giữa cá nhân sang lĩnh vực công cộng, cả các tổ chức quốc tế lẫn quốc gia đang phản ứng. Công ước Liên Mỹ về Bạo lực đối với Phụ nữ (Inter-American Convention on Violence against Women) đã được ký vào năm 1994, còn ở Châu Âu, tổ chức Vận động hành lang của Phụ nữ Châu Âu (European Women’s Lobby) đã và đang thúc đẩy chương trình nghị sự. Các quốc gia cũng thế, họ làm nhiều việc khác nhau, như thành lập các trung tâm trợ giúp người bị hiếp dâm và nhắm vào các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nhập cư, người tị nạn và những người mắc kẹt trong chiến tranh và xung đột. 

Những người theo phái nữ quyền cấp tiến cho rằng khi còn phân chia lao động theo giới, cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng một cách chậm chạp trước các hành vi lạm dụng phụ nữ, dù đó có là những công xưởng bóc lột tàn tệ, mại dâm, buôn bán cơ thể phụ nữ hay những lạm dụng trong thời chiến. Thật vậy, chính sức mạnh bất di bất dịch của các lực lượng kinh tế tiếp tục đặt phụ nữ vào thế bất lợi. 

Những người theo phái hiện thực cho rằng nhiều vấn đề trong số đó sẽ không bao giờ trở thành “vấn đề chính trị cấp bách”, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia. Nhưng hành động của Boko Haram đe dọa đối an ninh quốc gia của không chỉ của Nigeria mà còn của những nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Rõ ràng, những hành động này đe dọa an ninh con người.

 

 

Câu hỏi cho phân tích phê phán

1. Tại sao phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị đau khổ trước sự tàn bạo của chiến tranh?

2. Chính phủ mới ở Nigeria đang làm gì nhằm chống lại Boko Haram?

3. Cộng đồng quốc tế có thể làm gì để giảm thiểu thiệt hại do bạo lực của Boko Haram gây ra?

a. Karyn Polewaczyk, “Most of the Girls Rescued from Boko Haram Are Now Pregnant,” Jezebel, May 6, 2015.

Mặc dù đã có các tiêu chuẩn quốc tế về việc chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, vẫn có những khó khăn trong công tác giám sát và thực thi. Thứ nhất, mặc dù đã có các thỏa thuận quốc tế, ở cấp địa phương người ta vẫn chưa đồng ý được với nhau thế nào là buôn người. Thứ hai, buôn người diễn ra một cách bí mật, làm cho việc thực thi trở thành phức tạp. Hơn nữa, buôn người được coi là vấn đề nhân quyền và tội phạm xuyên quốc gia. Có nhiều nhóm liên quan đến Liên Hợp Quốc, trong đó có báo cáo viên đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát và gây áp lực lên các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến lĩnh vực buôn người cùng tham gia. Họ sử dụng nhiều chiến lược khác nhau, từ cung cấp cơ hội việc làm thay thế cho phụ nữ, đến giáo dục phụ nữ về những nguy cơ của nạn buôn người, tới trừng phạt bằng cách bắt giam những kẻ buôn người, cho đến thực thi pháp luật xuyên biên giới một cách nghiêm ngặt hơn.

Về lâu dài, giải pháp giải quyết một cách rốt ráo tệ phân biệt đối xử với phụ nữ, dù có là chính trị, kinh tế hay xã hội, thì vẫn phải là nâng phụ nữ từ vị thế phụ thuộc có tính lịch sử của họ vào nam giới. Những người ủng hộ nữ quyền theo phái tự do cho rằng đã có tiến bộ, vì phụ nữ đã có những đặc quyền mà có thời chỉ là đặc quyền của nam giới. Sự kiện là cả lạm dụng ở lĩnh vực công lẫn trong quan hệ giữa người với người đã trở thành tâm điểm của truyền thông đại chúng, hoạt động có phối hợp của các tổ chức phi chính phủ và hành động của nhà nước cho thấy đã có tiến bộ. Tuy nhiên, những người ủng hộ nữ quyền theo phái cấp tiến (xã hội chủ nghĩa) không nhìn thấy nhiều tiến bộ, họ chỉ vào các lực lượng kinh tế liên tục đưa phụ nữ vào địa vị bất lợi. Đáng khích lệ là, hầu như tất cả đều lên án các hình thức bạo lực khác nhau với phụ nữ cả trong lĩnh vực công lẫn trong quan hệ giữa người với người, mặc dù họ có những biện pháp giải quyết khác nhau.

Mặc dù các điều ước khác nhau về nhân quyền đã thiết lập biện pháp pháp lý dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế, trong tương lai, lực lượng thực thi chính sẽ tiếp tục nằm ở cấp độ quốc gia. Các quốc gia - được thúc đẩy bởi sự ủng hộ và vận động mạnh mẽ của các nhóm nữ quyền độc lập ở trong nước và sự thẩm thấu dần dần của các quy tắc giải quyết bạo lực trong khu vực – đang ủng hộ các chính sách cụ thể - chi tiền cho các trung tâm bảo trợ nạn nhân, lập ra các trung tâm giúp nạn nhân bị hiếp, thông qua những bộ luật nhằm bảo vệ những thành phần dân cư dễ bị tổn thương và tài trợ cho các chương trình phòng ngừa[19]. Các nước tiến hành những hành động, đơn phương hoặc đa phương, nhằm trừng phạt các quốc gia vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề nan giải vẫn là các quốc gia có thể không chỉ là những người bảo vệ mà còn là những kẻ vi phạm nhân quyền.

Người tị nạn và những người di cư trong nước: Nhân quyền và khủng hoảng nhân đạo

Một nhóm người được bảo vệ khác là người tị nạn. Từng được cho là vấn đề tạm thời, trong giai đoạn cuối Thế chiến II, vấn đề người tị nạn đã gia tăng đáng kể, từ Châu Âu, đến Trung Đông, Đông Nam Á và Châu Mỹ Latin. Thách thức bao gồm hai vấn đề - nhân quyền và nhân đạo - người dân trốn chạy khỏi nội chiến, diệt chủng và điều kiện kinh tế làm người ta trở thành khốn cùng ở một quốc gia và chạy sang một quốc gia khác. Đây cũng là cuộc khủng hoảng người tị nạn, khi các quốc gia tiếp nhận áp dụng các chính sách tị nạn ngày càng khắt khe hơn và đã tìm cách giữ người tị nạn tại nơi họ đã ra đi[20].

Công ước liên quan đến Tình trạng của người tị nạn, còn được gọi là Công ước về người tị nạn năm 1951 (Convention Relating to the Status of Refugees) định nghĩa người tị nạn là một người, vì “có đủ căn cứ để sợ bị bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội hoặc quan điểm chính trị, ở bên ngoài đất nước mà mình có quốc tịch và không thể hoặc do sợ hãi, không muốn để cho đất nước đó bảo vệ”. Hiện nay, theo Công ước này, người được bảo vệ bao gồm cả những người ra đi vì những cuộc xung đột nội bộ. Cộng đồng quốc tế, cụ thể là Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) làm việc với các tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ những người đó bằng cách cung cấp nơi cư trú tạm thời cho đến khi một quốc gia khác cấp cho họ quy chế tị nạn hoặc họ có thể trở về cố quốc. Quyền của người tị nạn là không bị trục xuất: người tị nạn không thể bị buộc phải quay về quê hương bản quán.

Các cuộc nội chiến trong thập niên 1990, các cuộc xung đột sắc tộc trong thiên niên kỷ mới và hậu quả của Mùa xuân Ả Rập đồng nghĩa với việc đời sống của hàng triệu người đã bị gián đoạn. Con số có thể làm người ta choáng váng, gần 60 triệu người, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào, từ khi Thế chiến II kết thúc. Một nhóm là những người di cư trong nước (internally displaced people - IDP): những người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn nhưng vẫn ở lại trong nước. Mặc dù không được quốc tế bảo vệ về mặt pháp lí, nhưng họ là biểu hiện của khủng hoảng nhân đạo. Họ cần nơi trú ẩn, thực phẩm, chăm sóc y tế mà quốc gia nơi họ đang sống hoặc không thể đáp ứng những nhu cấu thiết yếu đó hoặc không muốn đáp ứng. Về mặt kỹ thuật, họ vẫn nằm dưới sự bảo vệ của đất nước mình. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1990, UNHCR dần dần nhận thêm trách nhiệm hỗ trợ nhiều người di cư ở trong nước (IDP). Tổ chức này làm việc với các cơ quan nhân đạo như Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) và UNICEF, và các tổ chức phi chính phủ như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Bác sĩ không Biên giới.

Một nhóm khác, khoảng 19,5 triệu người, là những người đã rời cố quốc và tìm kiếm sự bảo vệ tạm thời ở một quốc gia khác hoặc thường trú ở một quốc gia khác: Những người tị nạn. Trong khi các cơ quan quốc tế có thể cố gắng và đáp ứng nhu cầu nhân đạo của người tị nạn và cung cấp tài liệu pháp lý, thì các quốc gia có quyền chấp nhận hoặc từ chối người đang tị nạn hoặc sẽ là người tị nạn. Chỉ các quốc gia mới có thể cấp quyền cư trú, cấp giấy phép làm việc hoặc quyền công dân.

Ở Đông Nam Á, đấy là cuộc khủng hoảng do tình cảnh khốn cùng của người Rohinyga ở Myanmar gây ra. Còn các quốc gia tiếp nhận, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, đều là những nước đang phát triển, có nhiều vấn đề kinh tế-xã hội và ít nguồn lực. (Xem Quan điểm toàn cầu: Người tị nạn, nhìn từ Đông Nam Á, trang 390-391).

Không ở đâu cuộc khủng hoảng tị nạn/tiếp nhận tị nạn và khủng hoảng nhân đạo lại rõ ràng như cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria. Tính đến đầu năm 2016, có hơn 4 triệu người tị nạn chạy khỏi Syria và hơn 7 triệu người phải rời khỏi nơi cư trú. Người tị nạn đã chạy sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và Iraq. Mỗi nước xử lý tình huống này một khác - Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp những biện pháp bảo vệ tạm thời cho khoảng 30% số người phải rời bỏ nhà cửa hiện sống trong các trại tị nạn. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là một bên ký Công ước về Người tị nạn, không cho những người từ bên ngoài châu Âu nộp đơn xin tị nạn. Trong khi Jordan và Lebanon không phải là nước ký kết Công ước này, lại cho người Syria vào, nhưng không cho làm việc. Không thể làm việc, người dân không thể kiên nhẫn lâu hơn và cũng hết tiền bạc; cả Lebanon và Jordan đang ở điểm tới hạn. Đấy là lí do vì sao người tị nạn tràn vào châu Âu.

 

Quan điểm toàn cầu 

Người tị nạn: Nhìn từ Đông Nam Á 

Từ năm 2013, các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore đã chứng kiến làn sóng người không có giấy tờ tùy thân tìm cách tiếp cận bến bờ của họ. Đa số những người chạy trốn quê hương để tới những bến bớ khác đều là người Rohingya theo đạo Hồi – chạy khỏi nước Myanmar với đa số là người theo Phật giáo.  

Người Rohingya sống ở Myanmar đã hàng trăm năm. Tuy nhiên, năm 1974, chính phủ quân sự nước này khẳng định rằng Rohingya là những di dân kinh tế từ Bangladesh, họ đã tới Miến Điện (Burma) trong thời kỳ nước này còn là thuộc địa của Anh. Sau đó, họ bị tước quyền công dân Miến Điện. Đầu những năm 1990, giáo lý Phật giáo cực đoan ở Myanmar và giới lãnh đạo quân sự tăng cường đàn áp người Rohingya. Hận thù và phân biệt đối xử trở thành phổ biến và công khai hơn, vì người ta đổ lỗi cho di sản thời thuộc địa. 

Kể từ khi Myanmar trở nên dân chủ hơn vào năm 2011, hoàn cảnh khó khăn của người Rohingya lại càng tồi tệ thêm. An toàn cá nhân bị đe dọa và nghề đánh bắt cá, sinh kế của họ bị hạn chế. Cả chính phủ Myanma lẫn đảng chính trị đối lập, Liên minh Dận tộc vì Dân chủ, do Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đều đã lên tiếng về vấn đề này. Người tị nạn hiện đã trở thành vấn đề khu vực. Một số quốc gia Đông Nam Á đã và đang phải đối mặt với số lượng lớn người tìm cách tiếp cận với bờ biển của họ. Những kẻ buôn lậu đã lập ra các tuyến đường vận chuyển người, họ dựng lên các trại tạm thời ở Thái Lan và đưa người Rohingya vượt biển trên những chiếc thuyền cũ nát. Hầu hết các nước trong khu vực không tham gia Công ước về người tị nạn năm 1951 và các quốc gia này không có khung pháp lý quốc gia để đối phó với người tị nạn, người xin tị nạn và người không có quốc tịch. Những quốc gia này đã cho phép Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) bảo vệ những người này cho đến khi tình trạng của họ được xác định. 

Malaysia, đất nước theo đạo Hồi - điểm đến được người Rohingya ưa thích – trong nhiều năm qua đã chấp nhận một ít người bỏ trốn. Các nhà chức trách đã âm thầm làm việc với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và các tổ chức quốc tế khác để quản lý người tị nạn và người xin tị nạn, nhưng những người tới bờ biển nước này một cách bất hợp pháp lại bị đối xử hà khắc hơn. Nhưng năm 2015, khi số người chạy trốn gia tăng, quan điểm của Malaysia về người tị nạn đã trở nên cứng rắn hơn. 

Tương tự như thế, trước đây Indonesia đã nhận một ít người xin trợ giúp. Nhưng, khi số tàu thuyền chạy khỏi Myanmar gia tăng đột ngột, quân đội Indonesia bắt đầu đưa những thuyền buôn lậu trở về, đẩy họ ra khỏi vùng lãnh hải nước mình, và thậm chí bắt hồi hương những người có quyền được công nhận là tị nạn - luật nhân đạo quốc tế cấm làm như thế. Singapore cũng khẳng định rằng họ không có đủ nguồn lực để đối phó với một số lượng lớn người tị nạn. 

Thái Lan đã chặn người di cư ngay trên biển. Nước này cung cấp nhiên liệu và thực phẩm để buộc những con thuyền này đi sang vùng biển khác. Nhưng những kẻ buôn lậu cũng đã dựng trại trên lãnh thổ Thái Lan để giữ người trong điều kiện tồi tệ trước khi đưa họ lên thuyền để tới những nơi khác. Quân đội Thái Lan đã phá hủy các trại này, tuy nhiên, việc này chỉ làm gia tăng nhanh chóng số người được đưa lên thuyền đi tìm vùng đất thân thiện hơn mà thôi.

 Không nước nào trong số các nước lớn nhất hay giàu có nhất châu Á nhận trách nhiệm về việc này. Australia và Nhật Bản đã hỗ trợ về tài chính, nhưng không tái định cư người tị nạn. Nhiều tin đồn nói rằng Australia đã trả tiền cho những kẻ buôn người để đưa họ ra khỏi lãnh hải nước này. Đây là hành động vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không đứng ra lãnh trách nhiệm. Trung Quốc cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Myanmar, nhưng họ đã không sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình nhằm tìm cách thay đổi tình hình ở Myanmar. Vấn đề còn phản ánh thực tế là nhiều người trong số đó không phải là người tị nạn theo nghĩa hợp pháp của thuật ngữ này: Họ sợ bị bức hại nếu trở về nơi xuất phát vì lý do chủng tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch. Nhiều người không thể chứng minh rằng mình sẽ bị bức hại nếu quay trở về. Nhiều người bỏ trốn vì nghèo đói hoặc thất nghiệp, và họ không có quyền tị nạn hợp pháp. Họ phải tuân theo luật pháp và quy định của quốc gia tiếp nhận, do đó, chiến lược của các quốc gia Đông Nam Á là không để họ vào nước mình. 

Năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu phối hợp hành động. Các nước thành viên ASEAN đồng ý khởi động một quỹ nhằm chia sẻ chi phí với các chính phủ sở tại cho các nạn nhân của nạn buôn người. Indonesia, Malaysia và Philipin, mỗi nước đã đồng ý nhận 7.000 người. 

Các cơ quan nhân đạo quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới, UNICEF, UNESCO, Tổ chức Di trú Quốc tế (International Organization for Migration), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Bác sĩ Không Biên giới nhận trách nhiệm hỗ trợ người di cư trong trật tự và nhân đạo.

 

Câu hỏi cho phân tích mang tính phê phán

 

1. Tại sao các nước Hồi giáo như Malaysia và Indonesia không sẵn lòng chấp nhận nhiều người tị nạn hơn?

2. Tổ chức khu vực như ASEAN có thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn?

3. Phải có những áp lực nào đối với chế độ ở Myanmar để buộc họ phải chấp nhận người Rohingya là công dân với đầy đủ các quyền dân sự và chính trị?

 

 

 

 

Từ năm 2015, những người tị nạn và IDP liều lao vào những chuyến đi trên biển đầy nguy hiểm, phải trả tiền cho những kẻ buôn người để họ hướng dẫn đường đi và đi bộ trên những con đường về phía bắc, qua Balkan. Họ hy vọng rằng sẽ được cấp quy chế tị nạn và có lẽ được tị nạn vĩnh viễn ở một nước EU nào đó, chủ yếu là các nước giàu có và thân thiện hơn như Đức và Thụy Điển. Nhưng, như Chương 7 đã nói, tình hình này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trong các nước EU. Ủy ban châu Âu đề xuất bắt buộc chia lại người tị nạn cho tất cả các nước thành viên, nhưng hầu hết các nước đã từ chối xem xét nhận đủ số lượng người được phân chia hoặc chỉ nhận một số nhóm nhất định (chủ yếu là các Kitô hữu). Một số lượng cực lớn người tị nạn, hình ảnh của họ được đưa lên các bản tin suốt 24 giờ một ngày, những hi vọng bất thành của họ về cuộc sống tốt hơn, mặc dù không đủ nguồn lực, đã biến vấn đề này thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. Nguồn lực và năng lực hành chính của ngay cả các nước giàu có hơn cũng không đủ để đáp ứng, còn phản ứng bất bình của dân chúng trong nước thì gia tăng. Tuy nhiên, theo luật nhân quyền quốc tế thì họ phải cung cấp những biện pháp bảo vệ tạm thời, cho đến khi người tị nạn trình bày hoàn cảnh cá nhân của mình. Và họ không thể bị hồi hương khi chiến sự còn tiếp diễn và còn sợ bị khủng bố.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn này có thể được coi là phép thử quan trọng của quy tắc trách nhiệm (R2P). Quy tắc trách nhiệm (R2P) không chỉ bắt buộc các nước phải có hành động cưỡng chế đối với các quốc gia, mà còn bắt buộc các quốc gia phải bảo vệ người dân bằng cách cung cấp nơi ở và quy chế tị nạn. Như Alex Bellamy nhận xét, “bảo đảm cho họ được đi lại một cách an toàn và qui chế tị nạn chắc chắn là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, nếu không là hiệu quả nhất, trực tiếp bảo vệ người dân, để họ tránh được những tội ác tàn bạo”[21]. Nhưng các nước kém phát triển nhất, nơi có tới 86% người tị nạn trên thế giới, không đủ nguồn lực về tài chính, còn nhiều nước phát triển ở phương Tây thì lại quan tâm tới an ninh quốc gia của chính mình.

Những quan điểm trái ngược nhau về vi phạm nhân quyền

Vì sao người ta lại không hành động quyết liệt khi phản ứng trước các vi phạm nhân quyền? Những người theo phái hiện thực nói rằng các nước đã xác định rằng phản ứng không  lợi, vì các vụ vi phạm nhân quyền thường không đe dọa an ninh của chính quốc gia đó. Nếu nạn diệt chủng do một nhà nước tiến hành làm cho lợi ích quốc gia của nước khác rơi vào tình trạng nguy hiểm, trong đó có xâm phạm các giá trị cốt lõi của nước này, thì họ có thể hành động. Như cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Henry Kissinger, cảnh báo, một người hoạch định chính sách theo trường phái hiện thực khôn ngoan sẽ không để tình cảm hoặc phúc lợi của cá nhân mình chi phối, mà phải dựa trên những tính toán về lợi ích quốc gia[22]. Làm sao giải thích vì sao, một số vấn đề cụ thể, một hoặc mấy nước trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã dùng quyền phủ quyết, hoặc khẳng định rằng họ sẽ dùng quyền phủ quyết nhằm ngăn chặn phản ứng quốc tế có phối hợp trước các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, ví dụ Mỹ phủ quyết vụ Rwanda, Trung Quốc phủ quyết vụ Darfur, và Nga phủ quyết vụ Syria?

Trong khi lợi ích quốc gia thường được xem xét theo quan điểm an ninh, nhưng lợi ích quốc gia có thể rộng hơn, trong đó có truyền thống lịch sử hoặc các giá trị được người trong nước coi trọng. Mỹ có lịch sử đấu tranh vì quyền con người tương thích với các giá trị của nước mình. Năm 1941, Tổng thống Franklin Roosevelt khẳng định, “Tự do nghĩa là, ở khắp mọi nơi, quyền con người đều là tối thượng. Chúng tôi ủng hộ những người đấu tranh để giành và giữ các quyền đó”. Sau Thế chiến II, người Mỹ chủ trương trừng phạt những kẻ có tội và tại hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc đưa quyền con người thành trách nhiệm chính. Tuy nhiên, một số hành động khác của Mỹ không phù hợp quan điểm này. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Mỹ ủng hộ các chế độ chống cộng, họ ủng hộ cả những nước có thành tích về vi phạm nhân quyền; Mỹ ủng hộ chế độ của người da trắng Nam Phi. Mỹ đã không phê chuẩn nhiều văn kiện quan trọng về nhân quyền, trong đó có Quy chế về Tòa án Hình sự Quốc tế. Những người theo phái hiện thực giải thích rằng những hành động này là vì lợi ích quốc gia và phù hợp với việc bảo vệ chủ quyền.

Những người theo phái tự do nhiều khả năng (hơn những người theo thuyết hiện thực) sẽ tư vấn rằng nhà nước không chỉ nên can thiệp nhằm phản ứng trước nạn nạn diệt chủng mà còn nên phản ứng với những hành vi xâm phạm nhân quyền ít kịch tính hơn. Việc họ nhấn mạnh phúc lợi cá nhân và tính linh hoạt của nhà nước (vì những người theo phái tự do tin đó là bản chất và mục đích của nhà nước) làm cho việc can thiệp của một quốc gia vào hành động của các quốc gia khác trở thành hấp dẫn hơn đối với họ. Tương tự như những người theo phái hiện thực, họ có thể muốn các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức nhân đạo chủ động can thiệp. Do đó, đưa các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc tới những khu vực xảy ra vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn thường là phản ứng đầu tiên. Nhưng những người theo phái tự do thường cho rằng nhà nước có trách nhiệm hành động can thiệp vào các vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Tuy vậy, lợi ích này có thể xung đột với những lợi ích khác – bảo toàn liên minh, ngăn chặn kẻ thù hoặc sử dụng các nguồn lực cho sáng kiến chính sách trong nước. Những lời biện hộ của Mỹ cũng có thể xuất hiện trong tư tưởng của phái tự do: Hiến pháp Mỹ coi trách nhiệm trong nước là cao nhất và tình trạng phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và các bang gây khó khăn cho việc áp dụng luật pháp quốc tế.

Những người theo phái cấp tiến cho rằng không cần can thiệp, nhưng với những lý do khác. Họ cho rằng những bất công trong hệ thống quốc tế bắt nguồn từ hệ thống kinh tế bất công, mà cụ thể là bắt nguồn từ hệ thống tư bản quốc tế: một số nhóm người và một số cá nhân bị bóc lột. Nếu việc can thiệp là hợp lý, thì phải được áp dụng mà không có phân biệt đối xử. Và những người theo phái cấp tiến tin rằng điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì lợi ích kinh tế của các quốc gia hùng mạnh nhất là động của các cuộc can thiệp.

Trong khi nhân quyền có thể “là một ý tưởng chính trị có tính hấp dẫn duy nhất thời đại ngày nay”[23], những vấn đề xuyên quốc gia khác đang nổi lên - và đó là chủ đề của chương tiếp theo.

Câu hỏi thảo luận

1. Theo bạn, những quyền nào nên được ưu tiên? Quyền chính trị-dân sự? Quyền kinh tế-xã hội? Quyền tập thể của các nhóm? Vì sao?

2. Tìm hai bài báo cho thấy ví dụ về việc các quan chức nhà nước vi phạm quyền của công dân? Những công dân này có biện pháp bảo vệ nào hay không?

3. Đôi khi khó chứng minh tội diệt chủng. Chọn một trường hợp bạo lực cụ thể được nhà nước khuyến khích (ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Armenia; Sudan chống lại người Darfur, chính phủ Assad ở Syria chống lại công dân nước mình). Có thể coi đây là diệt chủng? Bạn sẽ phải thu thập những bằng chứng nào?

4. Nếu bạn là phụ nữ và quyền con người của bạn bị vi phạm, bạn có thể sử dụng những biện pháp nào để đưa trường hợp của mình ra tòa?

5. Trình bày xung đột giữa quyền của người tị nạn và quyền của các quốc gia trong việc bảo vệ biên giới và an ninh quốc gia?

Các thuật ngữ chính

Tội ác chống lại loài người crimes against humanity (p. 379)

 tính tương đối của văn hóa cultural relativism (p. 364)

Diệt chủng genocide (p. 377)

người di dân trong nước internally displaced people (p. 389)

 Bộ luật nhân quyền quốc tế International Bill of Rights (p. 367)

Không bị hồi hương non-refoulement (p. 389)

Người tị nạn refugees (p. 388)

luật pháp mềm soft law (p. 376)



[1] See Paul Gordon Lauren, The Evolution of International Human Rights. Visions Seen, 3rd ed. (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2011), chap. 1.

[2] Jack Donnelly, International Human Rights, 4th ed. (Boulder, CO: Westview, 2013). See esp. chap. 3.

[3] See, for example, Amartya Sen, “Universal Truths: Human Rights and the Westernizing Illusion,” Harvard International Review 20:3 (Summer 1998): 40–43.

[4] See Paul Gordon Lauren, Power and Prejudice: The Politics and Diplomacy of Racial Discrimination (Boulder, CO: Westview Press, 1996).

[5] “The Persistence of History,” The Economist, August 22, 2015, 50.

[6] See Karen A. Mingst and Margaret P. Karns, The United Nations in the 21st Century, 4th ed. (Boulder, CO: Westview, 2012), chap. 6.

[7] See Edward McMahon and Marta Ascherio, “A Step Ahead in Promoting Human Rights? The Universal Periodic Review of the UN Human Rights Council,” Global Governance 18:2 (April– June 2012): 239.

[8] See Margaret E. Keck and Kathryn Sikkink, Activists beyond Borders: Advocacy Networks in International Networks (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1998); and Charles Tilly, Social Movements, 1768–2004 (Boulder, CO: Paradigm, 2004).

[9] Janet E. Lord, “Disability Rights and the Human Rights Mainstream: Reluctant Gate Crashers?” in The International Struggle for New Human Rights, Clifford Bob, ed. (Philadelphia: Univer­ sity of Pennsylvania Press, 2009), pp. 83–92.

[10] On Amnesty International, see Stephen Hopgood, Keepers of the Flame. Understanding Amnesty International (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2006); Ann Marie Clark, Diplomacy of Conscience: Amnesty International and Changing Human Rights Norms (Princeton, NJ: Prince­ ton University Press, 2001).

[11] Amanda M. Murdie and David R. Davis, “Shaming and Blaming: Using Events Data to Assess the Impact of Human Rights INGOs,” International Studies Quarterly 56:1 (March 2012): 1–16.

[12] Emilie Hafner­Burton, “Sticks and Stones: Naming and Shaming the Human Rights Enforcement Problem,” International Organization 62:4 (2008): 706.

[13] David Cortright and George A. Lopez, The Sanctions Decade: Assessing UN Strategies in the 1990s (Boulder, CO: Lynne Rienner, 2000).

[14] Jonas Claes, Libya and the “Responsibility to Protect” (Washington, DC: United States Institute of Peace, 2011). See also Alex J. Bellamy, “The Responsibility to Protect Turns Ten,” Ethics and International Affairs 29:2 (2015): 161–85.

[15] Paul Wojcikiewicz Almeida, “From Non­Indifference to Responsibility While Protecting: Brazil’s Diplomacy and the Search for Global Norms,” South African Institute of International Affairs Occasional Paper No. 138 (April 2013).

[16] International Court of Justice, Case Concerning Application of Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Bosnia and Herzegovina v. Serbia and Montenegro), ICJ Reports 2007, p. 43. International Court of Justice, Application of the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Croatia v. Serbia, 2015), www.icj-cij.org/docket/files/118/18422.pdf.

[17] For an excellent study on the International Criminal Court, see Benjamin N. Schiff, Building the International Criminal Court (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2008). For an updated analysis related to U.S. position, see David Bosco, Rough Justice: International Criminal Court in a World of Power Politics (New York: Oxford University Press, 2014).

[18] See Devaki Jain, Women, Development and the UN: A Sixty-Year Quest for Equality and Justice (Bloomington: Indiana University Press, 2005).

[19] Mala Htun and S. Laurel Weldon, “The Civic Origins of Progressive Policy Change: Combating Violence Against Women in Global Perspective, 1975–2005,” American Political Science Review 106:3 (August 2012): 548–69.

[20] Gil Loescher and James Milner “UNHCR and the Global Governance of Refugees,” in Global Migration Governance, ed. Alexander Betts (New York: Oxford University Press, 2011), pp. 189–209.

[21] Alex J. Bellamy, “Safe Passage and Asylum Key to Fulfilling the Responsibility to Protect,” International Peace Institute: Global Observatory (Sept. 8, 2015).

[22] Henry Kissinger, Diplomacy (New York: Simon and Schuster, 1994).

[23] Zbigniew Brzezinski, The Grand Failure: The Birth and Death of Communism in the Twentieth Century (New York: Scribner’s, 1989), p. 256.



No comments:

Post a Comment