CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ
Karen A. Mingst và
Ivan M. Arrenguin-Toft
Phạm Nguyên Trường dịch
CHƯƠNG
2
Bối
cảnh quốc tế của những mối quan hệ quốc tế hiện nay
Sáng
ngày 12 tháng 12 năm 1937, lạnh lẽo bao trùm thành phố Nam Kinh, thủ đô mới của
Trung Quốc. Binh lính Trung Quốc, yếu ớt và mất tinh thần, theo dõi cảnh binh
lính của Đế quốc Nhật Bản đưa những khẩu pháo hạng nặng vào vị trí để tấn công
thành phố. Quân Nhật, được pháo binh hạng nặng và máy bay ném bom hỗ trợ, tấn công từ
ba hướng. Một số quân nhân Trung Quốc vứt vũ khí và bỏ chạy, một số người khác
cởi bỏ quân phục và tìm cách lẩn vào đám đông thường dân, trong khi những người
khác ở bên ngoài thành phố vẫn quyết tâm chiến đấu.
Ngày
hôm sau, quân đội Nhật Bản tràn vào Nam Kinh; địa ngục trần gian xuất hiện
trong thành phố này. Những người lính Trung Quốc giơ tay và quỳ gối đầu hàng bị
hành quyết ngay lập tức. Nhiều người bị đâm chết hoặc chặt đầu. Phụ nữ và trẻ
em gái từ sáu, bảy tuổi trở lên bị cưỡng hiếp. Ngày nào cũng có hàng ngàn ngươi
bị hãm hiếp và hiếp dâm tập thể và thường bị giết ngay sau đó. Các nhà báo, nhà
truyền giáo và doanh nhân, còn ở lại thủ đô của Trung Quốc đã chứng kiến hàng
ngàn vụ hãm hiếp, giết người, hành quyết, tra tấn và sỉ nhục. Những lá thư tố
cáo mà họ gửi tới chính quyền Nhật Bản đã không có hồi âm. Tháng 1 năm 1938,
khoảng một tháng sau khi vụ tàn sát được phát động, quân đội Nhật Bản đã cố
tình giết chết 300.000 người không phải là binh lính và đã mất tinh thần.
Người
Trung Quốc ngày nay không bao giờ quên những từ như “Thảm sát” hoặc “Hiếp dâm ở
Nam Kinh”. Sự kiện các quan chức Nhật Bản tới thăm Đền Yasukuni nhằm tôn vinh
những người chết trong chiến tranh làm cho người Trung Quốc - những người bị buộc
phải nhớ những sự kiện khủng khiếp đó – tức giận.
Các
nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế cần phải
tìm hiểu các sự kiện và xu hướng của quá khứ. Các lý thuyết gia công nhận rằng
hoàn cảnh lịch sử định hình các khái niệm cốt lõi trong lĩnh vực này – đấy là
những khái niệm như nhà nước, quốc gia, chủ quyền, quyền lực và cân bằng quyền
lực. Ví dụ, nếu không hiểu cách thức người dân các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và
Nhật Bản ghi nhớ các sự kiện thời Thế chiến II thì khó mà hiểu được nền chính
trị hiện nay của những nước này.
Nói
chung, nguồn gốc của hệ thống quốc tế hiện nay được hình thành trong nền văn
minh phương Tây với châu Âu là trung tâm. Tất nhiên, cả trong các nền văn minh
vĩ đại từng thịnh vượng trong các khu vực khác trên thế giới nữa. Ấn Độ và
Trung Quốc, cùng với những nước khác, đã
từng có những nền văn minh rộng lớn, sống động, rất lâu trước khi xuất hiện các
sự kiện lịch sử được trình bày ở đây. Nhưng nhấn mạnh nguồn gốc châu Âu là do,
dù tốt hay xấu, cả về lý thuyết lẫn thực hành, quan hệ quốc tế hiện nay xuất
phát từ kinh nghiệm của châu Âu. Trong chương này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng
cách xem xét châu Âu trong giai đoạn ngay trước và sau cuộc Chiến tranh Ba mươi
năm (1618–1648). Sau đó chúng ta xem xét quan hệ của châu Âu với phần còn lại của
thế giới trong thế kỷ XIX, và kết thúc bằng phân tích về những biến chuyển quan trọng nhất trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ
XXI.
Đối tượng nghiên
cứu
- Phân tích thời kỳ lịch
sử nào gây được nhiều ảnh hưởng nhất tới quá trình phát triển quan hệ quốc tế.
- Mô tả cội nguồn lịch sử của nhà nước.
-
Tìm hiểu lý do vì sao các học giả quan hệ quốc tế lại lấy Hiệp ước Westphalia
làm chuẩn mực.
-
Giải thích cội nguồn lịch sử của hệ thống cân bằng quyền lực ở châu Âu.
- Giải thích cách thức chiến tranh lạnh trở thành một loạt những cuộc đối
đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
- Phân tích những sự kiện quan trọng định hình thế giới thời sau chiến
tranh lạnh và hai thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới.
Quá
trình hình thành hệ thống Westphalia
Hầu
hết các lý thuyết gia quan hệ quốc tế đều cho rằng nguồn gốc của hệ thống nhà
nước đương đại châu Âu là năm 1648, năm ký Hiệp ước Westphalia kết thúc cuộc
Chiến tranh Ba mươi năm. Hiệp ước này đánh dấu sự cáo chung của quyền lực tôn
giáo ở châu Âu và xuất hiện các chính quyền thế tục. Cùng với quyền lực thế tục
là nguyên tắc tạo ra nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế kể từ đó đến nay:
Khái niệm về tính toàn vẹn lãnh thổ của các nhà nước - những thành viên bình đẳng về pháp lý và có chủ quyền trong hệ thống quốc tế.
Quá trình hình thành chủ quyền quốc gia - khái niệm cốt lõi trong quan hệ quốc
tế đương đại - là một trong những thành quả trí tuệ quan trọng nhất, dẫn đến cuộc
cách mạng Westphalia. Khái niệm này được diễn giải khá đầy đủ trong các trước
tác của nhà triết học người Pháp, Jean Bodin (1530–1596). Đối với Bodin, chủ
quyền là “quyền lực tuyệt đối và vĩnh viễn được trao cho một quốc gia”[1]. Chủ quyền không nằm trong tay một cá nhân mà ở
trong tay nhà nước; do đó, nó là vĩnh viễn. Đó là “dấu hiệu đặc trưng của quốc
chủ, ông ta không thể tuân theo các mệnh lệnh của người khác dưới bất cứ hình
thức nào, vì chính ông ta là người ban hành luật pháp cho thần dân, ông ta cũng
là người bãi bỏ những bộ luật đã được ban hành và sửa đổi những bộ luật lỗi thời”[2].
Mặc
dù, lý tưởng là, chủ quyền là tuyệt đối, nhưng trên thực tế, theo Bodin, chủ
quyền không phải là không có giới hạn. Các nhà lãnh đạo bị luật thần thánh và
luật tự nhiên ngăn chặn: “Tất cả các ông hoàng trên trái đất đều tuân theo luật
của Thiên Chúa và luật tự nhiên”. Họ cũng bị chế độ cản trở, mỗi loại chế độ cản
trở một khác - đấy là “hiến pháp của
vương quốc” – dù đấy có là chế độ quân chủ, chế độ quý tộc, hay chế độ dân chủ
thì cũng thế. Và, cuối cùng, các nhà lãnh đạo bị các hiệp ước, hợp đồng, với những
lời hứa hẹn với người dân trong nước và những hiệp ước với các quốc gia khác cản
trở, dù trong quan hệ giữa các quốc gia không có trọng tài cao nhất đứng ra
phán xét[3].
Như vậy là, Bodin đã cung cấp cho chúng ta chất keo dính mang tính khái niệm về
chủ quyền. Khái niệm này xuất hiện cùng với hiệp ước Westphalia.
Cuộc
Chiến tranh Ba mươi năm đã tàn phá châu Âu. Cuộc chiến tranh, khởi đầu như là vụ
tranh chấp tôn giáo giữa những người theo đạo Công giáo và những người theo đạo
Tin lành, đã chấm dứt vì hai bên đều kiệt sức và các ngân hàng bị phá sản. Các
ông hoàng và các đội quân đánh thuê cướp bóc vùng nông thôn miền Trung Âu, liên
tục đánh nhau và tiến hành những cuộc vây hãm gây ra nhiều đổ nát và cướp bóc
dân thường để đảm bảo nguồn cung cấp trong khi ra trận. Nhưng hiệp ước đưa cuộc
xung đột này đến chỗ cáo chung tạo ra ba ảnh hưởng chính đối với thực tiễn quan
hệ quốc tế.
Thứ
nhất, Hiệp ước Westphalia đã chấp nhận khái niệm chủ quyền. Chỉ với một cú ra
đòn, hầu như tất cả các nước nhỏ ở Trung Âu đều giành được chủ quyền. Đế chế La
Mã Thần Thánh đã chết. Các ông vua – chứ không phải là nhà thờ đứng trên các quốc
gia - đã giành được quyền quyết định phiên bản Kitô giáo nào là phù hợp với các
các thần dân của mình. Với việc giáo hoàng và hoàng đế bị tước đoạt quyền lực,
người ta bắt đầu chú ý tới khái niệm nhà nước trong một khu vực lãnh thổ và ngày
càng chấp nhận nó, coi đấy là chuyện
bình thường. Hiệp ước Westphalia không chỉ hợp pháp hóa lãnh thổ và quyền của
các quốc gia - như chủ quyền, các
công quốc tiếp giáp nhau về lãnh thổ ngày càng phổ biến – trong việc lựa chọn tôn giáo của mình, nhưng
Hiệp ước cũng xác định rằng các quốc gia có quyền quyết định chính sách đối nội
mình, không bị áp lực từ bên ngoài và có toàn quyền tài phán trong khu vực địa
lý của mình. Như vậy là, Hiệp ước này đã đưa ra nguyên lý không can thiệp vào
công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Thứ
hai, vì các nhà lãnh đạo những nước quyền lực nhất châu Âu đã chứng kiến mức độ
tàn phá do lính đánh thuê gây ra trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, sau khi Hiệp
ước Westphalia được ký kết, các nước này đã tìm cách thành lập quân đội quốc
gia riêng. Quá trình phát triển của các lực lượng võ trang dẫn đến những biện
pháp kiểm soát ngày càng tập quyền hơn đối với lực lượng này, vì nhà nước phải
thu thuế để trả cho quân đội và các nhà lãnh đạo chiếm được quyền kiểm soát tuyệt
đối với quân đội. Nhà nước với đội quân quốc gia xuất hiện như một lực lượng đầy
quyền lực - chủ quyền của nó được thừa nhận và nền tảng thế tục của nó được thiết
lập một cách vững chắc. Và quyền lực của nhà nước cũng tăng lên. Các đơn vị
lãnh thổ lớn hơn giành được lợi thế, đấy là khi vũ khí trở nên ngày càng tiêu
chuẩn hóa hơn và có sức sát thương lớn hơn.
Chú
thích: Châu Âu năm 1648
Tiêu điểm Những diễn biến chính sau Hiệp ước
Westphalia |
- Khái niệm và thông lệ về chủ quyền phát triển. - Hệ thống kinh tế
tư bản chủ nghĩa xuất hiện (những kỳ vọng vững chắc tạo điều kiện cho những
khoản đầu tư dài hạn). - Kiểm soát tập
quyền các thiết chế tạo điều kiện cho việc thành lập và duy trì quân đội, sức
mạnh của quân đội gia tăng. |
Thứ
ba, Hiệp ước Westphalia chính thức hóa nhóm các quốc gia thống trị thế giới cho
đến đầu thế kỷ XIX: Áo, Nga, Phổ, Anh, Pháp và Các Tỉnh Hợp Nhất (hiện nay là
Hà Lan). Những nước ở phía tây - Anh, Pháp và Các Tỉnh Hợp Nhất - đã trải qua
cuộc phục hưng kinh tế theo tư tưởng của chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi các
nước ở phía đông — Phổ và Nga - trở lại với chế độ phong kiến. Ở phía tây, doanh nghiệp tư nhân
được khuyến khích. Nhà nước cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho buôn
bán, các công ty thương mại và các ngân hàng rất lớn xuất hiện. Ngược lại, ở
phía đông, vẫn còn chế độ nông nô và kinh tế bị bóp nghẹt. Tuy nhiên, ở cả hai
khu vực, tất cả các quốc gia đều nằm dưới quyền lãnh đạo của quốc vương, với
quyền lực tuyệt đối (gọi là nhà nước “chuyên chế”), ví dụ Louis XIV ở Pháp
(1643–1715), Peter Đại đế ở Nga (1682–1725), và Frederick II ở Phổ (1740–1786).
Lý
thuyết gia, Nhà xã
hội học quan trọng nhất thời bấy giờ là nhà
kinh tế học người Scotland, Adam Smith (1723-1790). Trong tác phẩm Của cải của các quốc gia (An Inquiry
into the Nature
and Causes of the Wealth
of Nations)
Smith khẳng định rằng, khái niệm thị trường phải được áp dụng cho tất cả các chế
độ xã hội. Các cá nhân - người lao động, chủ sở hữu, nhà đầu tư, người tiêu
dùng - phải được quyền tự do
theo đuổi những lợi ích của chính mình, ngoài những các quy định ở mức độ hạn chế của nhà nước. Theo Smith, mỗi người đều
hành động theo lối duy lý nhằm tối đa hóa lợi ích của mình. Và khi các nhóm người
theo đuổi lợi ích của mình thì hiệu quả kinh tế gia tăng, người ta sẽ sản xuất
và tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn trước. Gộp lại, của cải của quốc gia
và của cải của hệ thống quốc tế cũng gia tăng. Cái làm cho hệ thống này hoạt động
được gọi là bàn tay vô hình của thị trường: Khi các cá nhân theo đuổi lợi ích
duy lý của mình, thì hệ thống (thị trường) hoạt động sao cho nó mang lại nhiều
lợi ích cho tất cả mọi người[4].
Giải thích của Smith về cách thức các đơn vị cạnh tranh tạo điều kiện cho thị
trường tư bản chủ nghĩa đảm bảo sức sống của nền kinh tế đã và đang tạo được ảnh
hưởng sâu sắc đến các chính sách kinh tế và lựa chọn chính trị của nhà nước mà
chúng ta sẽ tìm hiểu trong Chương 9. Nhưng những tư tưởng khác của thời kỳ này
cũng làm thay đổi đáng kể việc cai trị trong thế kỷ XIX, XX và XXI.
Châu Âu trong thế kỷ XIX
Hai
cuộc cách mạng đánh dấu sự khởi đầu thế kỷ XIX - Cách mạng Mỹ (1773–1785) chống
lại sự thống trị của nước Anh và Cách mạng Pháp (1789) chống lại chính quyền
chuyên chế. Cả hai cuộc cách mạng đều là sản phẩm của tư duy Khai sáng cũng như
lý thuyết về khế ước xã hội. Các nhà tư tưởng của phong trào khai sáng cho rằng
cá nhân là người duy lý, có khả năng hiểu được luật pháp cai trị họ và có khả
năng làm việc nhằm cải thiện điều kiện sống của mình trong xã hội.
Hậu quả của
cách mạng: Những nguyên tắc cốt lõi
Cách
mạng Mỹ và Cách mạng Pháp đã dẫn tới hai nguyên tắc cốt lõi. Thứ nhất, chính
quyền chuyên chế phải khuất phục trước những hạn chế do con người đặt ra. Trong
Hai khảo luận thứ hai về chính quyền (Two Treatises of Government), triết gia
người Anh, John Locke (1632–1704), đã tấn công quyền lực chuyên chế và quan niệm
về quyền thiêng liêng do Đức Chúa trời ban cho các ông vua. Locke khẳng định rằng
nhà nước là thiết chế có ích, do những con người duy lý tạo ra nhằm bảo vệ các
quyền tự nhiên (cuộc sống, tự do, và tài sản) và lợi ích của họ. Người ta tự do
tham gia vào các giàn xếp chính trị này, họ thỏa thuận thành lập chính phủ nhằm
bảo vệ các quyền tự nhiên của tất cả mọi người. Điểm then chốt trong luận cứ của
Locke là, rút cục, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, chứ không nằm trong
tay người lãnh đạo hay nhà vua. Tính chính danh của nhà vua là do sự chấp thuận
của những người bị trị[5].
Nguyên
tắc cốt lõi thứ hai là chủ nghĩa dân tộc, trong đó nhân dân tạo ra bản sắc với
quá khứ, ngôn ngữ, phong tục và lãnh thổ chung. Những cá nhân chia sẻ những đặc
điểm này được khuyến khích tham gia tích cực vào tiến trình chính trị với tư
cách là một dân tộc.
Ví dụ, trong cuộc cách mạng Pháp, lời kêu gọi đầy tinh thần ái quốc hướng tới
nhân dân Pháp, thúc giục họ đứng lên
bảo vệ dân tộc Pháp và những lý tưởng
mới của nó. Lời kêu gọi này đã tạo nên mối liên kết tình cảm giữa nhân dân và
nhà nước, không phụ thuộc vào giai tầng xã hội. Hai nguyên tắc này - tính chính
danh và chủ nghĩa dân tộc - sinh ra từ các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp đã cung cấp
cơ sở cho nền chính trị trong thế kỷ XIX và XX.
Những cuộc chiến tranh của Napoleon
Ảnh
hưởng chính trị của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu là khá sâu sắc. Thế kỷ XIX bắt
đầu ở châu Âu bằng cuộc chiến tranh với quy mô chưa từng có. Nước Pháp đóng vai
trò quyền lực cách mạng làm cho nó trở thành mục
tiêu hấp dẫn của các quốc gia châu Âu khác, những nước muốn đè bẹp tư tưởng có
tính truyền nhiễm về chính phủ được sự đồng ý của nhân dân. Ngoài ra, Pháp dường
như là quốc gia vô tổ chức và yếu, hậu quả của cuộc xung đột nội bộ kéo dài
trong nhiều năm. Kết quả là, ngay sau cách mạng, Pháp đã bị lôi kéo vào một loạt
các cuộc chiến tranh ngày càng dữ dội hơn, với Áo, Anh và Phổ, đỉnh điểm là sự
vươn lên của một sĩ quan pháo binh - sinh ra trong tầng lớp “bình dân” trên đảo
Corse, tên là Napoleon Bonaparte – tới chức chỉ huy lực lượng quân sự Pháp và,
cuối cùng, trở thành hoàng đế Pháp.
Napoléon,
với sự giúp sức của các sĩ quan tài năng khác, đã quyết định tổ chức lại và biến
quân đội Pháp trở thành lực lượng chính quy. Sử dụng khéo léo lòng yêu nước cuồng
nhiệt của nhân dân Pháp, Napoléon đã đưa ra chiến trường những đội quân lớn, được
trang bị tốt và đầy nhiệt huyết. Những thay đổi khiêm tốn về công nghệ - đặc biệt
là trồng khoai tây có năng suất cao hơn - có thể tạo ra hệ thống kho quân nhu;
có nghĩa là quân nhu có thể được lưu trữ ở những vị trí được xác định từ trước,
dọc theo các tuyến đường hành quân
để quân đội có thể lĩnh trong khi di chuyển
mà không phải dừng lại và không phải cướp bóc lương thực, thực phẩm. Cùng
với chủ nghĩa dân tộc, hệ thống kho quân nhu giúp người Pháp đưa ra chiến trường
những đội quân lớn hơn, cơ động hơn và đáng tin cậy hơn, có thể sử dụng chiến
thuật sáng tạo mà những đội quân chuyên nghiệp nhỏ hơn của những kẻ thù của
Pháp – ví dụ, quân Phổ rất được người thời ấy tôn trọng - không có. Bằng một loạt
trận đánh nổi tiếng, trong đó có những trận ở Jena và Auerstedt (1806), với việc
quân đội của Napoléon đánh tan quân Phổ “bách chiến bách thắng”, Napoleon đã
chinh phục hầu như toàn bộ châu Âu trong vòng vài năm.
Nhưng,
lòng yêu nước từng mang lại nhiều thành công cho Napoléon cũng là cái đưa ông
ta tới sụp đổ. Ở Tây Ban Nha và Nga, quân đội của Napoléon đã gặp những người
dân tộc chủ nghĩa, với hình thức chiến tranh khác. Không những không đối đầu với
quân Pháp trong các cuộc trận địa chiến, những người du kích Tây Ban Nha sử dụng
những hiểu biết sâu sắc về địa hình khu vực để thực hiện chiến thuật
đánh-và-rút nhằm tiến công lực lượng chiếm đóng của Pháp. Quân du kích Tây Ban Nha còn được Anh tích cực ủng hộ. Quân Anh làm
chủ hoàn toàn mặt biển, có nghĩa là nước này có thể cho vay lương thực và vũ
khí; và thỉnh thoảng đưa lực lượng viễn chinh tới Tây Ban Nha. Khi các lực lượng
của Pháp đóng tại địa phương tìm cách trừng phạt người Tây Ban Nha, buộc họ phải
khuất phục bằng những hành động dã man (trong đó có cướp bóc, tra tấn, hãm hiếp,
và hành quyết tù nhân và những người bị nghi là quân nổi dậy không cần xét xử),
thì tinh thần kháng chiến càng gia tăng. Pháp phải trả giá đắt, nhiều binh sĩ
thiện chiến bị chết hoặc bị thương, tốn kém về tiền bạc, và thiệt hại về tinh
thần của Pháp lan ra ngoài biên giới Tây Ban Nha. Năm 1912, khi Napoléon xâm lược
Nga với số quân làm nhiều người kinh ngạc là 422 ngàn binh sĩ, quân Nga cũng
không chịu giáp chiến. Thay vào đó, họ rút lui về hậu cứ, đồng thời, trên đường
rút lui, họ còn phá hủy tất cả lương thực thực phẩm và nhà ở, gọi là chính sách
“đốt sạch”. Quân Pháp bắt đầu thiếu ăn nghiêm trọng, sau đó, trên đường tiến về
Moskva, toàn bộ quân đội chết dần chết mòn vì suy dinh dưỡng.
Chú thích tranh:
Những thành công và thất bại đầy kịch tính của Napoleon Bonaparte cho thấy cả sức mạnh và hạn chế của chủ nghĩa dân tộc,
công nghệ quân sự và tổ chức mới.
Khi
quân Pháp tới thủ đô Nga thì chính phủ nước này đã di tản hết. Quân đội Pháp
chiếm đóng Moskva, chỉ còn 110 ngàn người. Napoléon kiêu hãnh chờ đợi Sa Hoàng
đầu hàng. Sau khi nhận ra khả năng bị tổn thương là rất lớn, Napoleon tìm cách
trở về Pháp trước khi mùa đông khắc nghiệt của Nga ập tới. Nhưng, đã quá muộn.
Khi quân đội Pháp vượt qua điểm xuất phát là bờ sông Nieman, Napoléon chì còn
10 ngàn quân. Thất bại cuối cùng của vị hoàng đế đầy kiêu ngạo vào năm 1815,
trước lực lượng Anh và Phổ, trong trận Waterloo (nước Bỉ ngày nay) là không thể
tránh khỏi.
Hòa bình là cốt lõi của hệ thống châu
Âu
Sau
thất bại của Napoléon, năm 1815, và thiết lập hòa bình tại Hội nghị Vienna
(Congress of Vienna), năm cường quốc châu Âu - Áo, Anh, Pháp, Phổ, và Nga - được gọi là Thỏa thuận của châu Âu (Concert
of Europe), mở ra giai đoạn tương đối hòa bình trong hệ thống chính trị quốc tế.
Sau thất bại của Napoleon và cho đến cuộc chiến tranh Crimea, năm 1854, giữa
các siêu cường này không diễn ra trận chiến lớn nào và trong cuộc chiến tranh
Crimea, Áo và Phổ giữ địa vị trung lập. Những cuộc chiến tranh khu vực khác chỉ
diễn ra trong thời gian ngắn và trong những cuộc chiến đó, một số trong năm cường
quốc vẫn giữ địa vị trung lập. Trước khi xảy ra Thế chiến I, các cường quốc này
đã gặp nhau hơn 30 lần, trong một loạt các cuộc hội nghị, Concert trở thành một
câu lạc bộ của các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng. Thông qua những hội nghị như
thế, các quốc gia này không những đã hợp pháp hoá nền độc lập của các nước mới ở
châu Âu, mà còn phân chia châu Phi giữa các cường quốc thuộc địa.
Sự
kiện nền hòa bình giữa các siêu cường
tồn tại trong thời gian này dường như đáng ngạc nhiên do những thay đổi to lớn về kinh tế,
công nghệ và chính trị đã làm thay đổi hoàn toàn quan hệ quyền lực giữa các siêu cường. Công nghiệp hóa,
hiện tượng mang tính quyết định trong thế kỷ XIX, là con dao hai lưỡi. Trong nửa
sau thế kỷ XIX, các cường quốc hoàn toàn chú tâm vào quá trình công nghiệp hóa.
Vương quốc Anh là nước đi đầu, vượt xa tất cả các đối thủ về khai thác than, sản
xuất sắt, thép và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp. Ngoài ra, nước Anh đã trở
thành nguồn cung cấp vốn, là ngân hàng cho lục địa châu Âu và, trong thế kỷ XX,
thì trở thành ngân hàng cho thế giới. Công nghiệp hóa lan ra hầu như tất cả các
khu vực Tây Âu, dân chúng đổ xô vào các thành phố, các doanh nhân và người môi
giới đua nhau giành lợi thế kinh tế. Ngoài ra, trên tất cả, quá
trình công nghiệp hóa hướng các tầng lớp trung lưu tới việc tranh đoạt quyền lực
chính trị từ tay quý tộc. Khác với quý tộc, của cải và quyền lực của tầng lớp
trung lưu không nằm ở đất đai; khả năng trong việc phát minh, sử dụng và cải tiến
máy móc và quy trình công nghiệp của họ làm cho họ có quyền lực. Khi sức mạnh của
máy móc trở thành tuyệt đối cần thiết đối với an ninh (xin nghĩ tới pháo binh,
xe tăng) và thịnh vượng (xin nghĩ tới tàu buôn và đường sắt) của nhà nước, tầng
lớp trung lưu bắt đầu tìm cách giành thêm quyền lực chính trị cho tương xứng với những đóng góp của họ.
Chú thích bản đồ Châu
Âu năm 1815
Dân
số châu Âu tăng vọt và khi tuyến đường giao thông trên khắp châu Âu và toàn cầu
được củng cố thì thương mại cũng gia tăng đột biến. Những thay đổi về chính trị
diễn ra thật ấn tượng: Italy thống nhất năm 1870; năm 1871, nước Đức xuất hiện
từ 39 thực thể khác nhau; trong những năm 1830, Vương quốc Hà Lan bị chia thành
Hà Lan và Bỉ; và Đế chế Ottoman tan rã dần, dẫn tới việc Hy Lạp tuyên bố độc lập
vào năm 1829, Moldavia và Wallachia (Romania) tuyên bố độc lập vào năm 1856. Với
những thay đổi to lớn như vậy, vì sao lại không xảy ra những cuộc chiến tranh lớn?
Ít nhất ba yếu tố làm người ta không muốn gây chiến.
Thứ
nhất, giới tinh hoa chính trị ở tất cả các nước châu Âu đều sợ cách mạng của quần
chúng. Trên thực tế, tại Đại hội Vienna, nhà ngoại giao người Áo, Klemens von
Metternich (1773–1859), kiến trúc sư của Thỏa thuận châu Âu, tin rằng quay trở
lại thời đại của chế độ chuyên chế là cách tốt nhất trong việc quản lý châu Âu.
Giới tinh hoa đã mường tượng ra
các liên minh lớn, liên minh này sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo châu Âu lại với
nhau nhằm chống lại cuộc cách mạng do các giai cấp thấp hơn tiến hành. Trong nửa đầu thế
kỷ, những liên minh này không thu được thành công đáng kể nào. Trong những năm
1830, Anh và Pháp liên minh với nhau nhằm chống lại ba cường quốc phía Đông (Phổ,
Nga và Áo). Năm 1848, quần chúng nhân dân trong cả năm cường quốc đều đứng lên
đòi hỏi cải cách. Nhưng trong nửa sau của thế kỷ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã
hành động một cách có phối hợp nhằm đảm bảo rằng cuộc cách mạng của quần chúng
sẽ không lan truyền từ nước này sang nước khác. Năm 1870, trong cơn hỗn loạn đi
liền với thất bại của Pháp trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, Napoléon III lập tức
bị cô lập vì
người ta sợ cuộc cách mạng, nhưng cách mạng đã không xảy ra. Nỗi sợ quần chúng
nổi loạn là chất keo gắn kết các nhà lãnh đạo châu Âu, làm cho chiến tranh giữa
các nước khó có khả năng xảy ra hơn trước.
Thứ
hai, hai trong số những vụ xung đột lợi ích lớn nhất mà các quốc gia châu Âu
nòng cốt phải đối đầu đã xảy ra ở bên trong, chứ không phải là giữa những vùng
lãnh thổ gần gũi với nhau về văn hóa: Thống nhất nước Đức và Italy. Một số cường
quốc ủng hộ mạnh mẽ, trong khi một số cường quốc khác phản đối cũng mạnh mẽ quá
trình thống nhất Đức và Italy. Ví dụ, nước Anh ủng hộ việc thống nhất nước
Italy, làm cho việc Italy sáp nhập Naples và Sicily trở thành khả thi. Mặt
khác, nước Áo lo lắng về quyền lực ngày càng gia tăng của Phổ và do đó, không
quyết liệt phản đối sự kiện có thể đi ngược lại lợi ích quốc gia của mình – sự hình thành hai lân bang to lớn từ vô số
những thực thể độc lập. Nga chấp nhận việc Đức thống nhất, với điều kiện là lợi
ích của Nga ở Ba Lan được tôn trọng. Tầng
lớp trung lưu đang giữ thế thượng
phong ở Anh cũng ủng hộ việc thống nhất Đức, những người này cho rằng Đức mạnh
hơn là đối trọng tiềm tàng với Pháp. Như vậy, vì sức người và sức của của nhân
dân Đức và Italy dồn hết vào cuộc đấu tranh để tạo nên các nhà nước duy nhất
trong những vùng lãnh thổ nằm sát nhau và vì người ta chưa biết tác động thực sự
của các quốc gia mới thống nhất đối với cán cân quyền lực châu Âu, cho nên cuộc
chiến rộng lớn hơn đã được ngăn chặn.
Yếu
tố thứ ba trong việc việc củng cố hòa bình ở châu Âu là hiện tượng phức tạp và
có tính quyết định, đấy là chủ nghĩa đế quốc-thực dân.
Chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực
dân trong hệ thống châu Âu trước năm 1870
Việc
tìm ra thế giới “mới” - như người châu Âu gọi sau năm 1492 - dẫn đến việc khuếch
trương nhanh chóng giao lưu giữa châu Mỹ và châu Âu. Công nghệ lái tàu trên đại
dương cũng làm cho việc giao lưu với châu Á trở nên rẻ và thường xuyên hơn. Những người đầu
tiên đến thế giới mới là những nhà thám hiểm tìm kiếm những vùng đất mới, của cải
và vinh quang cá nhân; những thương nhân tìm kiếm nguyên vật liệu và quan hệ
thương mại; và những giáo sĩ tìm cách cải đạo “những người man di” sang đạo
Kitô. Nhưng số của cải làm người ta choáng váng mà họ tìm được và làm giàu là
việc khá dễ dàng, làm cho các cường quốc châu Âu cạnh tranh với nhau ngày càng
quyết liệt nhằm giành cho bằng được những vùng lãnh thổ xa xôi. Hầu hết các cường
quốc châu Âu đã trở thành đế chế và, sau khi được thành lập, liền tuyên bố rằng
những vùng đất của các dân tộc bản địa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Những
đế chế này là nguồn gốc của thuật ngữ chủ nghĩa đế quốc, tức là sáp nhập những
vùng lãnh thổ xa xôi (thường là bằng vũ lực) và cư dân của nó vào đế chế. Chủ
nghĩa thực dân, thường theo sau hoặc đi kèm chủ nghĩa đế quốc, là nói đến việc
định cư của người dân từ đất nước quê hương, ví dụ như Tây Ban Nha, giữa những thổ dân trong vùng lãnh thổ xa
xôi, ví dụ như Mexico. Như vậy là, hai thuật ngữ này hơi khác nhau một chút; hầu
hết, nhưng không phải tất cả nước đế quốc đều đưa công dân của mình tới định cư
cùng với dân chúng ở những vùng lãnh thổ mà họ sáp nhập, còn một số nhà nước
thì đã lập ra các thuộc địa, nhưng không gọi mình là đế chế. Tuy nhiên, hầu hết
các học giả sử đều dụng hai thuật ngữ này như những thuật ngữ có thể thay thế
cho nhau.
Quá
trình sáp nhập bằng cách chinh phục hoặc ký kết các hiệp ước kéo dài suốt 400
năm. Khi công nghệ truyền thông và du lịch được cải thiện, và khi người châu Âu
sản xuất được vaccine và chữa được các bệnh nhiệt đới, chi phí mà các cường quốc
châu Âu phải trả cho việc áp đặt ý chí của họ lên người dân bản địa tiếp tục giảm
đi. Người châu Âu được chào đón ở một số nơi, nhưng dân chúng ở hầu hết những
khu vực khác đã đứng lên chống lại họ. Trong hầu hết các trường hợp, người châu
Âu đã đè bẹp các cuộc kháng chiến, với rất ít chi phí hoặc rủi ro. Họ dùng súng
máy và kị binh cùng với pháo hạng nặng đáp trả giáo mác của thổ dân. Trong buổi
bình minh của thời đại máy móc, người ta thường cố ý coi thổ dân là mục tiêu, với
kết quả cũng chẳng khác gì nạn diệt chủng. Cuối thế kỷ XIX, gần như toàn bộ thế
giới đã nằm dưới quyền “cai trị” của các nước châu Âu. Vương quốc Anh là cường
quốc đế quốc lớn nhất và thành công nhất, nhưng ngay cả các nước nhỏ, như Bồ
Đào Nha và Hà Lan, cũng có những thuộc địa quan trọng ở nước ngoài.
Quá
trình này cũng dẫn đến việc hình thành bản sắc “châu Âu”. Các quốc gia châu Âu
đoàn kết với nhau, mà cơ sở tình đoàn kết là họ đều là người châu Âu, Kitô
giáo, “văn minh” và da trắng. Những đặc điểm này là cái để phân biệt “chúng ta”
- người châu Âu Kitô hữu – với “họ” - phần còn lại của thế giới. Do quá trình
công nghiệp hóa mà ngày càng có nhiều người biết chữ và ngày càng có nhiều người
tiếp xúc nhiều với thế giới thuộc địa, người châu Âu ngày càng nhận thấy sự
tương đồng và sự độc đáo của việc là “người châu Âu”. Bản sắc này, phần nào là
sự trở về với tình đoàn kết mà người ta từng cảm nhận được dưới thời Đế chế La
Mã và luật La Mã, hình thức thế tục của thế giới Kitô giáo
thời Trung Cổ và châu Âu lớn
hơn, như Kant và Rousseau hình dung (xem Chương 1). Đại hội Vienna và Thỏa
thuận châu Âu tạo cho những niềm tin này hình thức cụ thể hơn. Mặt trái của những
niềm tin này
là việc khai thác tài nguyên, chinh phục, và bóc lột người dân trong những nước
ngoài châu Âu và lập ra các thuộc địa ở những khu vực đó.
Cách
mạng công nghiệp cung cấp cho các quốc gia châu Âu khả năng quân sự và kinh tế
trong việc bành trướng về lãnh thổ. Một số nước đế quốc, vì lợi ích kinh tế, đã
tìm kiếm những thị trường mới, ở bên ngoài, để tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và
đổi lại, họ nhận về nguyên vật liệu, làm cho các ngành công nghiệp của họ càng
thêm phát triển. Đối với một số nước khác, động cơ là văn hóa và tôn giáo -
truyền bá đức tin Kitô giáo và “nền văn minh” của người da trắng đến lục địa
“đen” và xa hơn thế. Còn đối với một số nước khác, động lực là chính trị. Vì cân
bằng quyền lực ở châu Âu ngăn chặn những vụ đối đầu trực tiếp ngay trên lục địa
này, sự ganh đua giữa các nước châu Âu được triển khai ở châu Phi và châu Á.
Hai
câu hỏi quan trọng xuất hiện. Thứ nhất, vì sao việc bành trướng lãnh thổ chỉ diễn
ra ở châu Á và châu Phi mà không diễn ra ở châu Mỹ Latin? Thứ hai, Đức và Italy
- hai cường quốc châu Âu mãi sau này mới thống nhất - phản ứng như thế nào khi
họ có quá ít thuộc địa, nếu so với Bồ Đào Nha, một nước nhỏ hơn hẳn? Từ cuối thế
kỷ XIX, học thuyết Monroe - chính sách của
Mỹ, ngăn chặn, không cho châu Âu can thiệp vào Tây Bán Cầu - đã “bảo vệ” Mỹ
Latin, không cho các nước thực dân và đế
quốc châu Âu nhòm ngó tới khu vực này.
Chú thích ảnh:
Thế kỷ XIX, các nhà thám hiểm thường mở đường giúp các cường quốc châu Âu chiếm
châu Phi và châu Á làm thuộc địa. Ở đây, một đoàn thám hiểm người Pháp tìm cách
chiếm một vùng đất ở Trung Phi.
Nói
về Đức và Italy, sau khi thống nhất và công nghiệp hoá, nhiều người dân trong
hai nước này cảm thấy muốn được quốc tế tôn trọng (và để đảm bảo nhập khẩu được
nguyên vật liệu rẻ tiền), thì hai nước này “cần” sáp nhập hoặc chiếm những nước
ở châu Á hoặc châu Phi làm thuộc địa. Italy tìm cách chinh phục và chiếm đóng
Ethiopia, đế chế theo Kitô giáo ở vùng sừng châu Phi, nhưng đã bị thất bại nhục
nhã trong trận Adowa, năm 1896.
Nhằm
làm dịu bớt tham vọng đế quốc của Đức, ở Hội nghị Berlin (Congress of Berlin),
năm 1885, các cường quốc lớn đã tiến hành chia châu Phi, và “cho” Đức khu vực ảnh
hưởng ở Đông Phi (Tanganyika), Tây Phi (Cameroon và Togo), và Nam Phi (Tây-Nam
phi). Chủ nghĩa đế quốc châu Âu dường như đã tạo được lối thoát cho những khát
khao của Đức, trong vai trò siêu cường, mà không gây nguy hiểm cho sự cân bằng
quyền lực tinh tế ở chính châu Âu. Cuối thế kỷ XIX, 85% châu Phi nằm dưới quyền
kiểm soát của các quốc gia châu Âu.
Ở
châu Á, chỉ có Nhật Bản và Siam (Thái Lan) là không nằm dưới quyền cai trị trực
tiếp của châu Âu hoặc Mỹ mà thôi. Trung Quốc là ví dụ tuyệt vời về mức độ thống
trị của nước ngoài. Dưới triều đại nhà Thanh, bắt đầu từ thế kỷ XVII, trong vài
trăm năm sau đó, Trung Quốc đã đánh mất dần sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự. Trong
suốt thế kỷ XIX, các thương gia người Anh bắt đầu buôn bán với Trung Quốc; họ
mua trà, vải lụa và đồ sứ, thường thanh toán bằng thuốc phiện được buôn lậu vào
nước này. Năm 1842, quân Anh thắng Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến,
buộc Trung Quốc phải nhượng - thông qua một loạt các hiệp ước bất bình đẳng -
những quyền lực chính trị và lãnh thổ khác nhau cho người nước ngoài. Các quốc
gia châu Âu và Nhật Bản có thể chiếm những khu vực lãnh thổ rộng lớn của Trung
Quốc, họ tuyên bố có quyền độc quyền kinh doanh ở một số khu vực cụ thể. Các cường
quốc nước ngoài nắm được “những khu vực ảnh hưởng” của mình ở Trung Quốc. Đến
năm 1914, người châu Âu chiếm được 4/5 thế giới làm thuộc địa, và lúc đó vẫn kiểm
soát được phần lớn những khu vực đó.
Ghi chú bản đồ:
Bản đồ này cho thấy mọi quốc gia nằm dưới quyền kiểm soát của người Châu Âu, tại
bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn từ những năm 1500 đến những năm 1960. Mỹ,
Mexico và hầu hết các nước Mỹ Latin đã trở thành những quốc gia độc lập với
châu Âu trong thế kỷ XVIII và XIX, nhưng phần lớn các nước còn lại trên thế giới,
cho đến mãi sau Thế chiến II, vẫn là những nước thuộc địa.
Cuối
cùng, Mỹ cũng trở thành nước đế quốc. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến
tranh Mỹ-Tây Ban Nha, năm 1898, đẩy người Tây Ban Nha ra khỏi Philippines,
Puerto Rico, Cuba và một số hòn đảo nhỏ khác, Mỹ đã trở thành nước đế quốc, tuy
không có nhiều thuộc địa.
Tranh
giành quyền lực kinh tế đã dẫn đến việc khai thác bất chấp hậu quả các khu vực
thuộc địa, nhất là ở châu Phi và châu Á. Một khía cạnh nổi bật của cuộc đấu
tranh giữa những người châu Âu và những người mà họ chạm trán ở châu Phi và
châu Á là người bản địa không thể nào
chống lại được vũ khí và công nghệ truyền thông của châu Âu. Các quốc gia châu
Âu và quân đội của họ thường thắng trong những trận chiến chống quân thù đông gấp
bội và thường gán khả năng của họ cho công nghệ quân sự của mình. Một người biện
hộ nổi tiếng cho chủ nghĩa thực dân đã nói: “Nhờ Chúa mà chúng ta có súng đại
liên trong khi họ không có”[6].
Nhưng,
cuối thế kỷ XIX, giả định cho rằng các nước đế quốc có thể kiểm soát với chi
phí thấp những vùng lãnh thổ rộng lớn, xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều người
bị tước đoạt hoặc áp bức mà chỉ cần dùng một ít sĩ quan và quan chức hành chính
thực dân đã gặp những thách thức ngày càng gia tăng. Đối với Vương quốc Anh, chế
độ thực dân thành công nhất thế giới, tương lai của chủ nghĩa thực dân được thể
hiện rõ ràng bằng chiến thắng Pyrrhic trong Chiến tranh Anh-Boer lần thứ hai
(1899–1902; còn được gọi là Chiến tranh Nam Phi). Binh lính Anh chiến đấu chống
lại quân đội Boer (hậu duệ da trắng của người nhập cư Hà Lan tới Nam Phi trong
thập niên 1820), cuộc đàn áp chống lại những người nổi dậy ác liệt và kéo dài
làm chết hơn 20.000 phụ nữ và trẻ em Boer, vì người Anh không thể bảo đảm điều
kiện vệ sinh trong các trại giam, không đủ lương thực và nước uống. Cuộc chiến
tranh mà nước Anh dự kiến sẽ kéo dài không quá ba tháng, với chi phí không quá
10 triệu bảng Anh, đã kết thúc với chi phí là 230 triệu bảng và kéo dài 2 năm 8
tháng. Đây là cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử thuộc địa Anh. Đây là
cuộc chiến tranh không được lòng dân ở châu Âu và làm cho quan hệ giữa Anh và Đức
ngày càng căng thẳng, vì người Boer mua súng trường hiện đại của Đức và đã đề
nghị Đức can thiệp về ngoại giao và quân sự. Nhưng, năm cường quốc châu Âu vẫn
chưa chiến đấu trực tiếp với nhau.
Tóm
lại, phần lớn sự cạnh tranh, kình địch và căng thẳng thể hiện như thường thấy
trong quan hệ giữa các nước châu Âu có thể biến thành hành động trong những khu
vực nằm rất xa châu Âu. Người châu Âu tranh giành thuộc
địa để có vị thế cao hơn, nhiều của cải hơn và nhiều quyền lực hơn so với các đối
thủ của mình. Người châu Âu có thể tưởng
tượng rằng mình đang đưa ánh sáng văn minh đến những khu vực “tối tăm” trên thế
giới, đồng thời kiếm được nguồn tài nguyên (khoáng sản và “binh lính bản xứ”)
mà họ có thể cần trong những cuộc chiến tranh tương lai ở châu Âu. Tất cả các
nước thực dân đều hiểu rằng có thể phải mất nhiều năm thì mới tích lũy đủ nguồn
lực, đủ sức giành lợi thế trong cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu. Vì vậy, tất cả
các nước đều chú tâm vào việc quản lý các cuộc khủng hoảng, sao cho xung đột lợi
ích không leo thang thành chiến tranh toàn diện. Như vậy là, chủ nghĩa thực dân là “van an toàn”, góp phần củng cố
sự thống nhất và bản sắc châu Âu, đồng thời ngăn chặn, không để căng thẳng ở
châu Âu leo thang.
Nhưng,
cuối thế kỷ XIX, thiệt hại do cạnh tranh về chính trị và kinh tế đã trở thành
tác nhân gây ra bất ổn. Quá trình thống nhất nước Đức, công nghiệp hóa nhanh
chóng, và dân số gia tăng đã làm cho căng thẳng leo thang, không thể điều chỉnh
kịp thời để có thể ngăn chặn được chiến tranh. Năm 1870, giữa Pháp và Đức đã xảy
ra một cuộc chiến lớn. Pháp thất bại. Với việc ký kết hiệp ước hòa bình đầy nhục
nhã, Pháp buộc phải nhượng các tỉnh đã nằm trong vòng tranh chấp trong một thời
gian dài là Alsace và Lorraine, hai tỉnh này trở thành lãnh thổ của nước Đức mới.
Cuộc chiến tranh này và lòng căm thù sục sôi mà nó sinh ra là tiếng kèn báo hiệu
cho cuộc xung đột sẽ xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, di sản của chủ nghĩa thực
dân, vốn là tác nhân xoa dịu những căng thẳng ở châu Âu, lại tạo ra cơ sở cho
lòng căm thù không bao giờ dứt của nhiều người châu Á và châu Phi đối với người
châu Âu; lòng căm thù tiếp tục gây ra rắc rối đối với hòa bình, công tác nhân đạo
và hoạt động phát triển ở những khu vực này trên thế giới.
Cân bằng quyền lực
Trong
thế kỷ XIX, chủ nghĩa thực dân, lợi ích chung của giới ăn trên ngồi trốc bảo thủ ở châu Âu, và bối rối trước quá trình thống
nhất đầy khó khăn của các công quốc ở Đức và Italy dường như đã thúc đẩy một nền
hòa bình lâu dài. Nhưng, còn một yếu tố nữa góp phần củng cố nền hòa bình tương
đối này: cân bằng quyền lực. Các nhà nước châu Âu – có lực lượng tương đối ngang nhau – sợ, không muốn để một nước có ưu thế
hơn hẳn nào đó (bá quyền) xuất hiện. Kết quả là, họ tạo ra các liên minh nhằm
chống lại bất kỳ phe phái nào có
thể có lực lượng mạnh hơn, và bằng cách, đó tạo ra cân bằng quyền lực. Ý tưởng đàng sau cân bằng quyền lực khá đơn giản. Các
nước sẽ lưỡng lự trước việc khởi động chiến tranh với một đối thủ có khả năng
chiến đấu và chiến thắng ngang bằng (đối xứng) với mình vì nguy cơ thất bại là
khá cao. Khi một nước hoặc liên minh các nước mạnh hơn hẳn so với các quốc gia
thù địch (bất đối xứng), xác suất xảy ra chiến tranh là khá cao. Các hiệp ước,
ký kết sau năm 1815, được thiết kế không chỉ ngằm ngăn chặn các cuộc cách mạng
của quần chúng mà còn nhằm ngăn chặn, không cho xuất hiện cường quốc bá quyền,
tương tự như nước Pháp dưới thời Napoleon. Nước Anh hay nước Nga - chí ít là
vào cuối thế kỷ XIX- có thể đã nắm được vị trí lãnh đạo vượt trội – nước Anh là
do khả năng kinh tế và sức mạnh hải quân, còn nước Nga là do tương đối bị cô lập
về mặt địa lý và rất đông người. Nhưng, không nước nào trong hai nước này tìm
cách giành địa vị bá quyền, khả năng ảnh hưởng tới cán cân quyền lực của từng
nước đều giảm và cả hai nước đều chấp nhận nguyên trạng.
Tuy
nhiên, Anh và Nga có vai trò khác nhau trong sự cân bằng quyền lực. Anh thường
có vai trò cân bằng ở hải ngoại; ví dụ, nước này nhân danh người Hy Lạp can thiệp
vào cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối những năm 1820, nhân
danh người Bỉ trong chiến tranh giành độc lập khỏi Hà Lan vào năm 1830, nhân
danh Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tranh Crimea với Nga trong những năm 1854 -
1856, và một lần nữa, nhân danh Thổ Nhĩ Kỳ
trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ, trong những năm 1877 - 1878. Như vậy là,
nước Anh đảm bảo rằng quyền lực ở châu Âu là tương đối cân bằng. Nga giữ vai
trò người xây dựng các liên minh. Liên minh Thần thánh, năm 1815, làm cho Áo,
Phổ, và Nga cùng nhau chống lại nước Pháp cách mạng, và Nga đã dùng quyền cai
trị Ba Lan để xây dựng những liên kết với Phổ. Lợi ích của Nga ở eo biển
Dardanelles, tuyến đường thủy chiến lược nối Địa Trung Hải và Biển Đen, và lợi
ích của họ ở Constantinople (nay là Istanbul) chồng chéo lên lợi ích của nước
Anh. Như vậy, hai quốc
gia này, cùng nằm ở bên lề của châu Âu, lại đóng vai trò quan trọng trong việc
làm cho hệ thống cân-bằng-quyền-lực hoạt động hiệu quả.
Trong
ba thập niên cuối của thế kỷ XIX, Thỏa thuận của châu Âu đã hao mòn, bắt đầu bằng
cuộc chiến tranh Pháp-Nga (1870) và cuộc xâm lăng của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ (Chiến
tranh Nga-Thổ, 1877-1878). Các liên minh bắt đầu được củng cố khi hệ thống
cân-bằng-quyền-lực bắt đầu suy yếu. Đường sắt ra đời, mang lại cho các cường quốc
lục địa như Đức và Áo-Hungary khả năng huy động về kinh tế và chiến lược cao
ngang với cường quốc trên biển, như Anh. Sự thay đổi này làm giảm khả năng cân bằng
quyền lực của Anh trên lục địa châu Âu. Về phần nước Nga, nước này bắt đầu lẽo
đẽo theo sau trong cuộc chạy đua công nghiệp hóa, và tương đối ít đường sắt, có
nghĩa là nguồn nhân lực to lớn của nước này có thể ngày càng có ít khả năng tiếp
cận chiến trường đúng lúc để có thể quyết định kết quả trận đánh. Vì vậy, sức mạnh
của Nga suy giảm, chỉ còn ngang với Pháp, Đức và Áo-Hungary.
Tiêu điểm Những sự diễn biến chính ở châu Âu, thế kỷ
XIX |
- Hai khái niệm xuất
hiện từ các cuộc cách mạng: Tư tưởng cho rằng chính quyền hợp pháp cần phải
được sự đồng ý của những người bị trị và chủ nghĩa dân tộc. - Hệ thống được điều
tiết bằng cân bằng quyền lực đã mang lại nền hòa bình tương đối cho châu Âu.
Các tầng lớp ăn trên ngồi trốc liên kết với nhau vì sợ quần chúng, và những
lo lắng về đối nội quan trọng hơn chính sách đối ngoại. - Chủ nghĩa đế quốc của châu Âu ở châu Á và
châu Phi giúp duy trì cán cân quyền lực của châu Âu. - Cân bằng quyền lực
bị phá vỡ do đế quốc Đức phát triển quá nhanh và các liên minh ngày càng xơ cứng hơn, kết quả là xảy ra Thế chiến I. |
Sụp đổ: Các liên minh được củng cố.
Trong
những năm cuối thế kỷ XIX, hệ thống cân bằng quyền lực đã yếu đi. Trong những
giai đoạn trước đây, các liên minh tương đối linh hoạt và uyển chuyển; thì lúc
này, các liên minh ngày càng trở nên xơ cứng hơn. Hai phe cùng nổi lên: Liên minh Tay ba (Đức, Áo-Hung và Italy)
được thành lập năm 1882 và Liên minh Hai nước (Pháp và Nga) được thành lập năm
1893. Năm 1902, Anh từ bỏ vai trò “người giữ thăng bằng”, để tham gia liên minh
hải quân với Nhật Bản nhằm ngăn chặn Nga hợp tác với Nhật ở Trung Quốc. Liên
minh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: Lần đầu tiên, một nhà nước châu Âu
(Anh) đã quay sang liên kết với một nước châu Á (Nhật Bản) nhằm ngăn chặn một
cường quốc châu Âu (Nga). Và, vào năm 1904, Anh tham gia liên minh với Pháp, gọi
là Entente Cordiale (Hiệp ước thân thiện Anh Pháp).
Cùng
năm đó, Nga và Nhật Bản gây chiến với nhau (Chiến tranh Nga-Nhật), cuộc chiến
mà nhiều người châu Âu nghĩ rằng Nhật Bản sẽ thất bại. Xét tới cùng, mãi sau
này Nhật Bản mới công nghiệp hóa, và mặc dù, trên giấy tờ, lực lượng hải quân của
Nhật Bản khá ấn tượng, nhưng đối thủ của họ là người da trắng châu Âu. Nhưng tình trạng lạc hậu về công nghiệp của Nga có ảnh hưởng
nghiêm trọng đến cuộc chiến tranh này. Khi chiến tranh nổ ra, quân Nhật bao vây
pháo đài chính của Nga ở cảng Arthur. Không có đủ đường sắt, có nghĩa là nước
này không thể củng cố lực lượng của mình ở vùng Viễn Đông bằng đường này, vì vậy nước này đã tìm cách phá vây
bằng cách đưa tới chiến trường hạm đội đang đóng trong những hải cảng ở Baltic,
cách đó tới 18.000 dặm. Nhưng sau cuộc tấn công mà phía Nhật phải trả giá đắt,
họ chiếm được cảnh Arthur, trong khi hạm đội Nga vẫn còn lang thang trên biển.
Tháng 5 năm 1905, hạm đội Nga và Nhật gặp nhau ở vịnh Tsushima, và kết quả có
thể là thất bại lớn nhất của hải quân trong lịch sử: Nga mất tám tàu chiến, khoảng
5.000 thủy thủ bị giết và 5.000 người khác bị bắt làm tù binh. Nhật Bản mất ba
tàu ngư lôi và 116 thủy thủ. Tác động của chiến thắng của Nhật Bản lớn hơn hẳn
việc họ đánh bại Nga ở vùng Viễn Đông. Việc một cường quốc ở châu Á đánh bại đế
quốc thực dân da trắng làm suy giảm nghiêm trọng nền tảng tư tưởng cốt lõi của
chủ nghĩa thực dân: Người da trắng ưu việt hơn người da màu. Thất bại của Nga
khuyến khích Nhật Bản bành trướng và làm cho Đức coi thường khả năng của Nga
trong việc ngăn chặn những tham vọng của Đức ở châu Âu. Thất bại của Nga ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tính chính danh của Sa Hoàng, dẫn tới cuộc vận động cách mạng,
và năm 1917, cuộc cách mạng này đã lật đổ đế chế Nga và dựng lên Liên bang các
nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô hay Liên bang Xô Viết).
Hệ
thống cân-bằng-quyền-lực sụp đổ hoàn toàn khi Thế chiến I nổ ra. Sức mạnh gia
tăng nhanh chóng của Đức
càng làm nghiêm trọng thêm
ảnh hưởng mang tính gây mất ổn định của tình trạng trở lên cứng nhắc của các khối liên minh trong giai đoạn chuyển tiếp
từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX. Đến năm 1912, Đức đã vượt Pháp và Anh cả về tốc độ
tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp nặng lẫn tốc độ gia tăng dân số. Đức
cũng lo ngại trước những nỗ lực của Nga nhằm hiện đại hóa mạng lưới đường sắt
tương đối thưa thớt của mình. Là nước mà mãi về sau mới tiếp cận được với cốt
lõi quyền lực của châu Âu, và là nước đã đánh bại Pháp trong Chiến tranh Pháp –
Phổ (1870), nhiều người Đức cảm thấy rằng nước mình không được công nhận về ngoại giao và không
có địa vị tương xứng với sức mạnh của mình. Không được công nhận là một phần lý
do vì sao Đức khuyến khích Áo-Hungary tiêu diệt Serbia sau khi Đại Công tước
Franz Ferdinand (Hoàng thái tử của Đế quốc Áo-Hungary) bị ám sát ở Sarajevo,
tháng 6 năm 1914. Tương tự như hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu thời đó, các
nhà lãnh đạo Đức tin rằng chiến tranh làm cho nhà nước và công dân của nó mạnh
mẽ thêm, và rút lui sau khi bị sỉ nhục sẽ chỉ khuyến khích người ta tiếp tục sỉ
nhục mình. Bên cạnh đó, Áo-Hungary, một đồng minh quan trọng nhất của Đức chắc
chắn sẽ nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh mang tính khu vực
này.
Chú thích bản đồ:
Châu Âu, năm 1914
Nhưng
dưới sự lãnh đạo của hệ thống các liên minh gắn bó mật thiết với nhau, phát
súng định mệnh đó tạo ra những phản ứng dây chuyền. Đức hy vọng rằng cuộc chiến
này sẽ chỉ mang tính khu vực, nhưng chẳng bao lâu sau nó đã leo thang thành cuộc
chiến trên toàn lục địa châu Âu, sau
khi Nga Hoàng ra lệnh tổng động viên các lực lượng Nga. Sau khi quân Đức vượt qua biên giới nước Bỉ (xâm
phạm địa vị trung lập mà nước Anh đã bảo đảm cho Bỉ) thì cuộc chiến trên lục địa
leo thang thành chiến tranh thế giới, lúc đó Anh đã đứng về phía Pháp và Nga. Đế
chế Ottoman, đối thủ lâu đời của Nga, tham chiến cùng với Đức và Áo-Hungary. Cả
hai bên đều dự đoán là cuộc chiến sẽ ngắn và có tính quyết định (chấm dứt trước
Giáng sinh năm đó), nhưng không phải như thế. Kế hoạch Schlieffen của Đức - chiến
lược giành chiến thắng quyết định trong cuộc chiến diễn ra trên hai mặt trận chống
lại cả Nga và Pháp - thất bại gần như ngay lập tức, dẫn đến tình trạng không lối thoát. Trong giai đoạn từ
năm 1914 đến năm 1918, binh lính từ hơn mười nước đã trải qua cảnh gian khổ triền miên của chiến tranh
giao thông hào và những kinh
hoàng do khí độc gây ra. Cuộc “Đại Chiến”, như sau này người ta gọi, lần đầu
tiên có những vụ dội bom từ trên không, cũng như cuộc chiến không giới hạn của
tàu ngầm. Việc hải quân Anh phong tỏa Đức làm cho nhiều người Đức bị đau khổ và
đói khát. Hơn 8,5 triệu binh sĩ và 1,5 triệu thường dân thiệt mạng. Đức,
Áo-Hungary, Đế chế Ottoman và Nga thua trận, trong khi Anh và Pháp — hai trong
ba “nước chiến thắng” - bị suy yếu nghiêm trọng. Chỉ có Mỹ, mãi về sau mới tham
chiến, ra khỏi cuộc chiến mà gần như không bị tổn thương gì. Việc đế quốc
Ottoman bị đánh bại và sau đó bị Pháp và Anh chia thành nhiều nước – họ thành lập
những quốc gia mới, nằm dưới quyền kiểm soát và thao túng của hai nước này - tiếp tục có ảnh hưởng tới nền hòa
bình giữa các nước ở Trung Đông cho đến tận ngày nay.
Giai đoạn giữa hai cuộc Thế Chiến
I và Thế chiến II
Hồi
cuối Thế chiến I người ta thấy những thay đổi cực kỳ quan trọng trong quan hệ
quốc tế. Thứ nhất, ba đế chế châu Âu mệt mỏi và cuối cùng tan vỡ trong giai đoạn
kết thúc hoặc gần kết thúc Thế chiến I. Ở những đế chế theo trật tự xã hội bảo
thủ của châu Âu, chủ nghĩa dân tộc đã nổi lên thay thế cho trật tự cũ. Nga ra
khỏi cuộc chiến vào năm 1917, khi cách mạng bùng lên ở trong nước. Sa Hoàng bị
lật đổ và cuối cùng được thay thế không chỉ bởi một nhà lãnh đạo mới (Vladimir
Ilyich Lenin) mà còn được thay thế bằng một hệ tư tưởng mới - chủ nghĩa cộng sản
- có ảnh hưởng sâu sắc tới nền chính trị quốc tế trong suốt thế kỷ XX. Đế chế
Áo-Hungary và Đế chế Ottoman tan rã. Áo-Hungary được chia tách thành Áo,
Hungary, Tiệp Khắc, một phần của Nam Tư, và Romania. Đế chế Ottoman cũng được sắp
xếp lại. Đã bị suy yếu dần trong suốt thế kỷ XIX, thất bại này đã làm cho
Ottoman sụp
đổ hoàn toàn. Người A Rập đứng lên chống lại chính quyền Ottoman, lực lượng Anh
chiếm đóng Palestine (trong đó có Jerusalem) và Baghdad. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành
quốc gia lớn nhất trong số các nước xuất hiện từ đống tro tàn của Đế chế
Ottoman.
Sự
cáo chung của các đế chế đẩy nhanh và củng cố chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế,
một trong những điểm thuộc Mười bốn điểm do Tổng thống Woodrow Wilson đưa ra
trong hiệp định kết thúc Thế chiến I ủng hộ quyền tự quyết, tức là quyền của một
số nhóm người thuộc cùng dân tộc được quyền tự cai trị mình. Những cách tân về
công nghệ trong ngành in ấn và quần chúng độc giả, hiện đã biết đọc biết viết,
khuyến khích chủ nghĩa dân tộc của những nhóm người khác nhau (ví dụ, Áo và
Hungary). Bây giờ người ta có thể dễ dàng xuất bản với giá rẻ sách báo trong vô
số các ngôn ngữ châu Âu khác nhau và do đó, đưa ra những giải thích khác nhau về
lịch sử và đời sống của dân tộc.
Thay
đổi quan trọng thứ hai: Sau Thế chiến I, Đức thậm chí còn trở thành cường quốc
bất mãn hơn cả trước đây. Đức bị đánh bại trên chiến trường, nhưng, khi chiến
tranh kết thúc, quân đội Đức vẫn còn chiếm đóng lãnh thổ của đối phương. Hơn nữa,
các nhà lãnh đạo Đức là những người không trung thực với nhân dân Đức. Nhiều tờ
báo Đức dự đoán sẽ có bước đột phá lớn và chiến thắng ngay trước khi hiệp định
đình chiến tháng 11 năm 1918 được ký kết, vì vậy mà ở Berlin đã lan truyền huyền
thoại nói rằng những người theo phái tự do (và sau đó là người Do Thái) đã “đâm
vào lưng” quân đội Đức. Thậm chí, sự kiện là Hội nghị Versailles - chính thức kết
thúc chiến tranh – buộc người Đức thế hệ sau phải bồi thường toàn bộ chiến phí
– 32 tỷ USD cho những thiệt hại mà chiến tranh gây ra cho các nước khác. Vì Đức
in thêm nhiều tiền để trả nợ, người Đức bị nạn lạm phát, làm cho tầng lớp trung
lưu và giai cấp công nhân lâm vào tình trạng nghèo khó. Cuối cùng, Đức không được
duy trì lực lượng quân sự thường trực, còn quân đội Pháp và Anh chiếm đóng
thung lung Ruhr, cũng là vùng công nghiệp hóa hiệu quả nhất. Những biện pháp trừng
phạt khắc nghiệt này đã tạo ra bầu không khí giúp cho sự ngóc đầu dậy của những
lực lượng bảo thủ, ví dụ, Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia (Nazis), do
Adolf Hitler cầm đầu. Hitler công khai nói rằng ông ta hiến dâng cuộc đời mình
nhằm sửa chữa “những sai trái”, áp đặt lên nhân dân Đức sau Thế chiến I.
Thứ
ba, việc thực thi Hội nghị Versailles được trao cho Hội Quốc Liên - tổ chức
liên chính phủ, được lập ra nhằm ngăn chặn tất cả các cuộc chiến tranh giữa các
nước trong tương lai – Hội này cuối cùng đã thất bại. Tổ chức này không có ảnh
hưởng chính trị, không có các công cụ pháp lý hay tính chính danh, để có thể thực
hiện nhiệm vụ được giao. Ảnh hưởng chính trị của Hội Quốc Liên bị suy yếu bởi sự
kiện là Mỹ - Tổng thống nước này, ông Woodrow Wilson, kiến trúc sư chính của Hội
- đã từ chối tham gia và rút về với chính sách đối ngoại mang tính biệt lập.
Nga cũng không tham gia, không có nước bại trận nào được tham gia. Quyền lực hợp
pháp của Hội Quốc Liên tương đối yếu, các công cụ mà tổ chức này có trong tay
nhằm thực thi hòa bình tỏ ra không hiệu quả.
Thứ
tư, trật tự hòa bình quốc tế
thể hiện trong Mười Bốn Điểm của Wilson không được chi tiết hóa. Wilson kêu gọi
thực hiện nền ngoại giao mở - “hiệp ước hòa bình công khai, đạt được một cách
công khai, sau khi ký, các nước sẽ không giải thích theo ý mình, mà nền ngoại
giao phải được tiến hành một cách trung thực và công khai”[7].
Điểm thứ ba tái khẳng định chủ nghĩa tự do trong lĩnh vực kinh tế, loại bỏ các
rào cản kinh tế giữa tất cả các quốc gia đồng ý tham gia hiệp ước hòa bình này.
Hội là “hiệp hội chung của các quốc gia”, sẽ duy trì trật tự và đảm bảo rằng
chiến tranh không bao giờ xảy ra một lần nữa. Nhưng, những nguyên tắc này không
được chấp nhận. Theo nhà sử học E. H. Carr, “Đặc điểm của hai mươi năm, tức là
giai đoạn từ năm 1919 tới năm 1939, là sự sụp đổ đột ngột của những hy vọng hão
huyền của mười năm đầu thành tuyệt vọng đáng lo ngại trong mười năm tiếp theo,
là chuyển từ không tưởng, hầu như không quan tâm tới hiện thực sang hiện thực, trong đó tất cả các thành tố không
tưởng đều bị loại bỏ”[8].
Chủ nghĩa tự do và những yếu tố không tưởng và không thực tế của nó đã được
thay thế bằng chủ nghĩa hiện thực – một lý thuyết khác hẳn. Chủ nghĩa hiện thực được coi là lý thuyết chủ đạo về
quan hệ quốc tế.
(Xem Chương 3).
Những
người theo phái hiện thực ra đời trong thế giới đầy hỗn loạn. Nền kinh tế Đức
bùng nổ; thị trường chứng khoán Mỹ suy sụp; nền kinh tế thế giới bị xáo trộn rồi
sụp đổ. Năm 1931, Nhật Bản đưa quân vào Mãn Châu và năm 1937 đưa quân vào phần
còn lại của Trung Quốc; Năm 1935 Italy tràn vào Ethiopia; chủ nghĩa phát xít,
chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản xung đột với nhau.
Tiêu điểm Những diễn biến chính trong giai
đoạn giữa hai cuộc Thế chiến |
- Ba đế chế sụp đổ:
Nga xảy ra cách mạng, Đế quốc Áo-Hung bị chia cắt, và Đế chế Ottoman do cuộc
chiến tranh ở bên ngoài và bất ổn nội bộ. Những vụ sụp đổ này dẫn đến sự hồi
sinh của chủ nghĩa dân tộc. - Việc Đức không
hài lòng với cách giải quyết Thế chiến I (Hiệp ước Versailles) dẫn đến sự
ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức. Đức tìm thấy đồng minh ở Italy và
Nhật Bản. - Hội Quốc Liên yếu
kém, không đủ sức phản ứng trước cuộc xâm lăng của Nhật Bản, Italy và Đức. Hội
Quốc Liên cũng không ngăn chặn hoặc lật ngược được tình trạng suy thoái kinh
tế lan tràn khắp thế giới. |
Thế chiến II
Theo
quan điểm của hầu hết người châu Âu và nhiều người Mỹ, thì Đức và cụ thể là
Adolf Hitler, đã khơi mào Thế chiến II. Nhưng, trong những năm 1930, Nhật Bản
và Italy cũng có vai trò quan trọng trong việc phá vỡ trật tự giữa các quốc
gia. Năm 1931, Nhật Bản gây ra sự kiện Mukden (nay là Thẩm Dương, còn gọi là sự
kiện Phụng Thiên hay sự kiện Mãn Châu - ND), lấy cớ tấn công Trung Quốc và sáp
nhập Mãn Châu vào đế quốc Nhật bản. Cuộc xâm lược của Nhật Bản diễn ra cùng với
những hành động vô cùng dã man đối với nhân dân Trung Quốc, trong đó có hãm hiếp,
giết người và tra tấn dân thường và chính phủ dân sự Nhật Bản ngày càng không đủ
sức kiềm chế các tướng lĩnh của họ ở Trung Quốc. Hành động của Nhật Bản ở Triều
Tiên cũng dã man không kém. Những hành động tàn bạo của Nhật Bản trong việc chống
lại những người không có vũ khí ở Trung Quốc đạt đến đỉnh điểm trong vụ Thảm
sát ở Nam Kinh, đã được thảo luận ở đầu chương này. Khi tin tức về vụ thảm sát
và hãm hiếp lan tới Mỹ - chính nước này đã bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp với
Nhật Bản về những hành động trước đó của Nhật Bản ở Trung Quốc – đã xảy ra khủng
hoảng ngoại giao, dẫn tới chiến tranh, khi lực lượng Nhật Bản tấn công Hạm đội
VII của Mỹ ở Trân Châu Cảng, tháng 12 năm 1941.
Nhưng
Đức Quốc xã, Đế chế thứ ba, đã trở thành thách thức lớn nhất đối với trật tự giữa
các quốc gia vừa mới hình thành sau Thế chiến I. Adolf Hitler nắm được quyền với
lời hứa khôi phục kinh tế và niềm tự hào dân tộc của nước Đức. Tuy nhiên, cốt
lõi của các chính sách kinh tế của ông ta là đầu tư quá mức vào sản xuất vũ
khí. Trên thực tế, Đức không có tiền mua lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cần
thiết nhằm duy trì nhịp điệu sản xuất, vì vậy, nước này ép các lân bang - phần
lớn là những quốc gia mới được thành lập và yếu hơn, nằm ở phía đông, như
Bulgaria, Hungary và Romania – ký kết những hợp đồng thương mại làm cho những
nước này (yếu hơn) phá sản. Một nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế giai đoạn đó
nói: “Đây là quá trình luẩn quẩn. Khủng hoảng kinh tế phần lớn là do Đức tái vũ
trang quá nhanh. Một trong những lối thoát có thể là giảm tốc nhịp độ tái vũ
trang: Nhưng khi biện pháp này bị bác bỏ thì
nước Đức rơi vào thế phải bành trướng, và sau đó phải bành trướng nhằm
tiếp tục vũ trang”[9].
Nhưng khi nhận ra rằng mình đã bị bỏ rơi quá xa, các cường quốc châu Âu khác đã
sử dụng tất cả các cơ hội ngoại giao nhằm trì hoãn, không muốn đối đầu với Đức,
cho đến khi họ có thể có cơ hội thành công. Vì những lý do này và cả những lý
do khác, trong đó có những thiệt hại kinh tế mà cả Anh và Pháp đều phải gánh chịu
trong Thế chiến I, hai nước này đã chẳng làm gì nhiều nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy
của nước Đức.
Chủ
nghĩa phát xít của Đế Chế Thứ Ba đã huy động hiệu quả quần chúng trong việc ủng
hộ nhà nước. Chủ nghĩa phát xít đã lợi dụng ý tưởng cho rằng chiến tranh và
xung đột là hoạt động cao quý, những nền văn minh thượng đẳng được hình thành từ
đây. Nó đã tìm được sức mạnh từ niềm tin nói rằng một số chủng tộc là thượng đẳng,
còn những chủng tộc khác là hạ đẳng, và nhân danh sự nghiệp của mình mà chiếm
đóng những nước nhu nhược và yếu kém. Mùa thu năm 1938, hy vọng ngăn chặn một
cuộc chiến tranh tổng lực hoặc ít nhất, trì hoãn chiến tranh cho đến khi công
tác chuẩn bị phòng thủ của mình có thể được củng cố, Anh đồng ý cho Đức chiếm
vùng cực tây của Tiệp Khắc. Nhưng đây là hy vọng hão huyền. Mùa xuân năm 1939,
Đế Chế Thứ Ba thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc, và tháng 9 năm 1939, sau
khi ký hiệp ước hòa bình với Liên Xô, chia nhau nước Ba Lan; quân Đức tràn vào
Ba Lan từ phía Tây, trong khi quân Liên Xô tấn công từ phía Đông. Ý định thực sự
của Hitler là bảo vệ sườn phía đông trước mối đe dọa của Liên Xô, trong khi tấn
công Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và cuối cùng là Pháp (định ép Anh giữ thái độ
trung lập). Kế hoạch tổng quát của ông ta là kêu gọi Đức quay sang phía Đông và
đánh chiếm Liên Xô. Ba Lan bị đánh bại một cách nhanh chóng, nhưng vì Anh và
Pháp đã đứng ra đảm bảo an ninh cho Ba Lan, tuyên bố chiến tranh được đưa ra
ngay lập tức: Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu.
Ghi chú:
Châu Âu, các phe phái năm 1939
Năm
1940, Hitler thực hiện kế hoạch của mình và thu được thành công trong một loạt
các cuộc chinh phục
diễn ra mau lẹ, đỉnh điểm là đánh bại Pháp vào tháng 5 năm đó. Cuối mùa hè và
mùa thu cùng năm, sau nhiều lần không ép được Anh giữ vị trí trung lập, Đế Chế
Thứ Ba chuẩn bị xâm lược và sau đó xảy ra Trận Chiến Anh (Battle of Britain).
Cuộc chiến hầu như chỉ diễn ra trên không, nước Anh cuối cùng đã chiến thắng nhờ
lòng dũng cảm, tháo vát và may mắn; và Hitler bị buộc phải quay về phía Đông,
trong khi nước Anh thù địch ở phía sau. Tháng 6 năm 1941, Đế Chế Thứ Ba tiến
hành cuộc xâm lược với tham vọng lớn nhất trong lịch sử nhân lại: Chiến dịch
Barbarossa — cuộc xâm lăng Liên Xô, được lập kế hoạch từ lâu, nhưng đã thất bại
thảm hại. Cuộc tấn công bất ngờ này đã buộc Liên Xô phải đứng về phe Anh và
Pháp.
Lực
lượng phát xít – Đức, Italy và Nhật Bản - dẫn đến liên minh cơm không lành canh
không ngọt giữa Liên Xô và các nước Mỹ, Anh và Pháp, theo chủ nghĩa tự do; cùng
với các nước khác (gọi là Đồng Minh). Liên minh này tìm cách chống lại phe Trục
(Đức, Italy và Nhật Bản), bằng vũ lực, nếu cần. Như vậy, trong Thế chiến II, những
nước trên mặt trận chống lại phe Trục đã hành động một cách nhất trí, mặc dù họ
bất đồng về ý thức hệ.
Năm
1945, Đồng minh giành được thế thượng phong. Tháng 9 năm 1943, Italy đầu hàng;
Đế Chế Thứ Ba và đế quốc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Ở châu Âu, Liên Xô phải
trả giá đắt nhất trước cuộc xâm lăng của Đức, tự coi mình là người chiến thắng ở
châu Âu - có sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Ở Thái Bình Dương, Mỹ, Trung Quốc và Triều
Tiên phải trả giá đất nhất cho cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Mỹ tự coi mình là
người chiến thắng ở Thái Bình Dương. Cần chú ý tới hai đặc điểm khác của Thế
chiến II.
Thứ
nhất, theo sau cuộc xâm lăng Ba Lan, xâm lăng các nước vùng Bantic và Liên Xô,
những đội giết người có tổ chức, mục tiêu duy nhất của chúng là giết thật nhiều
người, dù họ ủng hộ hay chống lại nước Đức. Người Do Thái bị tách riêng ra,
nhưng chính sách của Đức Quốc xã còn bao gồm cả người Di Gan (Gipsy, hiện nay gọi
là Roma), người theo cộng sản, người đồng tính, và thậm chí cả người Đức có các
khuyết tật bẩm sinh như hở hàm ếch hoặc dị tật bẩm sinh ở chân. Ở Đức, Ba Lan,
các nước vùng Baltic, Nam Tư và Liên Xô, những người được đưa vào danh sách bị
buộc phải rời khỏi nhà. Bọn Đức Quốc Xã bắt những người này phải làm việc trong
các trại lao động khổ sai, trong những điều kiện cực kỳ tàn nhẫn, rồi giết họ
ngay lập tức hoặc giết họ một cách từ từ. Ở Đông Á, quân đội Nhật Bản cũng có
những hành động độc ác tương tự với người Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên
không có tấc sắt trong tay. Quân Nhật thường tra tấn các nạn nhân hoặc bắt họ
trở thành đối tượng trong các cuộc thí nghiệm man rợ, rồi mới giết. Ở nhiều
nơi, phụ nữ bị bắt vào nhà chứa, hoặc “trạm vui vẻ”, như người Nhật lúc đó nói
về những địa chỉ này. Sự tàn bạo gần như chưa từng có của phe Trục trong những
hành động chống lại thường dân trong những khu vực mà họ chiếm đóng trong thời
gian chiến tranh dẫn đến việc thành lập các tòa án xử tội ác chiến tranh, và cuối
cùng, đến những đặc điểm mới trong nền chính trị quốc tế thời hậu chiến: Các
Công ước Geneva (Geneva Conventions) năm 1948 và 1949. Những Công ước này – là
những bộ luật quốc tế - chính thức coi nhiều hành vi ngược đãi, trong đó có tra
tấn, giết người và tước đoạt lương thực thực phẩm là tội hình sự, tất cả đều là
những tội lỗi chống lại thường dân trong những khu vực bị Đức và Nhật chiếm
đóng trong Thế chiến II. Các công ước này đều được gọi chung là Luật nhân đạo
quốc tế (international humanitarian law - IHL); tuy nhiên, vì việc thực thi nói
chung là tự nguyện, hiệu quả của chúng thường bị người ta nghi ngờ.
Người
Đức và người Nhật không phải là lực lượng duy nhất coi chủng tộc là nhân tố
trong Thế chiến II. Theo tài liệu của John Dower trong tác phẩm Chiến Tranh Không Thương Xót (War without Mercy), Mỹ, Anh, và các lực
lượng Australia chiến đấu trong khu vực Thái Bình Dương có xu hướng coi người
Nhật là “đười ưa” hoặc “khỉ”. Kết quả là họ ít khi bắt sống tù binh và cảm thấy
thoải mái khi tấn công ồ ạt bằng không quân các thành phố của Nhật Bản. Năm
1942, người Mỹ gốc Nhật Bản bị tước đoạt những quyền lợi hợp pháp và bị giam giữ
trong suốt thời gian chiến tranh. Trên chiến trường Thái Bình Dương, tệ phân biệt
chủng tộc đã có ảnh hưởng đến hành động và chiến lược của quân đội cả hai bên[10].
Thứ
hai, mặc dù Đức đầu hàng vô điều kiện, tháng 5 năm 1945, chiến tranh chỉ chấm dứt
khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm đó. Đến lúc đó, Nhật Bản không còn hy vọng
giành chiến thắng. Ngay từ đầu tháng 1, Nhật Bản đã nói rõ rằng nước này có thể
sẵn sàng đầu hàng, với điều kiện là quân Đồng Minh không đưa ra tòa hay bỏ tù
Hoàng đế Hirohito. Nhưng trước đó, Đồng minh đã thỏa thuận rằng họ chỉ chấp nhận
đầu hàng vô điều kiện, vì vậy Nhật Bản chuẩn bị chống cự lại cuộc xâm lăng của
Mỹ và có thể là của cả Liên Xô, hy vọng rằng nguy cơ quân Đồng minh bị thương
vong nặng nề có thể tạo cho cơ hội tránh cho Hoàng đế không bị xét xử và trừng
phạt. Nhưng, ngày 6 tháng 8, Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố
Hiroshima, và ba ngày sau, thả quả bom thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Thương
vong của những vụ ném bom này không lớn hơn những vụ đánh bom các thành phố lớn
của Nhật Bản hồi đầu năm. Nhưng vũ khí mới, cộng với tuyên bố chiến tranh của
Liên Xô ngay trong ngày xảy ra vụ đánh bom thành phố Nagasaki (và Nhật tính
toán rằng hoàng đế có thể được tha), đã dẫn đến việc Nhật Bản đầu hàng vô điều
kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.
Thế
chiến II chấm dứt dẫn đến sự phân phối lại một cách căn bản quyền lực trên thế
giới. Các nước chiến thắng là Mỹ và Liên Xô nổi lên như những cường quốc mới, mặc
dù Liên Xô bị tổn thất nghiêm trọng và vẫn bị tê liệt về kinh tế, so với Mỹ.
Tuy nhiên, cái mà sức kinh tế của Liên Xô không có, thì nước này lại bù đắp bằng
sự tiếp cận địa chính trị với hai khu vực mà tương lai của hệ thống quốc tế sẽ
được quyết định: Tây Âu và Đông Á. Cuộc chiến tranh này cũng làm thay đổi biên giới chính trị. Liên Xô gần như
đã sáp nhập các nước vùng Baltic (Latvia, Lithuania và Estonia) và một phần
lãnh thổ Áo, Phần Lan, Tiệp Khắc, Ba Lan và Romania; Đức và Triều Tiên bị chia
cắt; còn Nhật Bản thì bị đuổi ra khỏi phần lớn lục địa châu Á. Những thay đổi
này đã góp phần vào cuộc xung đột quốc tế mới: Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh Lạnh
Ngay
trong giai đoạn chiến tranh, các nhà lãnh đạo các nước chiến thắng trong Thế
chiến II - Thủ tướng Anh, Winston Churchill; Tổng thống Mỹ, Franklin Roosevelt;
và Thủ tướng Liên Xô, Joseph Stalin - đã lập kế hoạch cho trật tự thời hậu chiến.
Thật vậy, Hiến chương Đại Tây Dương
(Atlantic Charter), ký ngày 14 tháng 8 năm 1941, kêu gọi hợp tác kinh tế
và chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống an ninh vĩnh viễn. Những bản kế hoạch
này được hoàn thành vào các năm 1943 và 1944 và đơm hoa kết trái bằng việc
thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 1945. Tuy nhiên, một số kết quả khác của Thế
Chiến II là nguyên nhân của sự xuất hiện điều mà chúng ta gọi là Chiến tranh Lạnh.
Nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh
Kết
quả trước tiên và quan trọng nhất của Thế chiến II là sự xuất hiện của hai siêu
cường – Mỹ và Liên Xô - những tác nhân chính trong hệ thống quốc tế, làm cho
Tây Âu suy thoái, không còn là trung tâm của nền chính trị thế giới. Kết quả tiếp
theo của cuộc chiến là gia tăng sự khác biệt mang tính nền tảng giữa hai cường
quốc cả về quyền lợi quốc gia lẫn hệ tư tưởng. Sự khác biệt về quyền lợi quốc
gia trong lĩnh vực địa chính trị xuất hiện ngay lập tức. Đã từng bị phương Tây
xâm lược nhiều lần, trong đó có Thế chiến II, Liên Xô sử dụng sức mạnh vừa nắm
được nhằm củng cố ảnh hưởng của mình ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, Tiệp Khắc,
Hungary, Bulgaria và Romania. Lãnh đạo Liên Xô tin rằng có các lân bang thân
thiện (hoặc chí ít là yếu) ở vùng biên giới phía Tây là quan trọng sống còn đối
với lợi ích quốc gia. Ở Mỹ, đã diễn ra cuộc tranh luận nảy lửa giữa những người
ủng hộ chiến lược đẩy lùi (rollback strategy) khá hung hăng - đẩy Liên Xô trở lại
biên giới của mình - và những người ủng hộ chiến lược ngăn chặn ít hung hăng
hơn. Nhà ngoại giao, đồng thời là nhà sử học, George Kennan, công bố trên tờ Foreign Affairs bức điện “X” nổi tiếng,
khẳng định rằng, vì Liên Xô luôn luôn cảm thấy bất an về quân sự, nước này sẽ
thực thi chính sách đối ngoại hung hăng. Do đó, kiềm chế Liên Xô, Kennan viết,
phải trở thành hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại thời hậu chiến của Mỹ[11].
Năm
1947, Mỹ đưa khái niệm ngăn chặn thành hành động vào học thuyết Truman. Biện hộ
cho việc ủng hộ về vật chất cho Hy Lạp trong cuộc cuộc chiến chống cộng sản, Tổng
thống Harry Truman khẳng định: “Tôi tin rằng chính sách của Mỹ là phải ủng hộ
các dân tộc tự do đang đấu tranh nhằm chống lại các nhóm thiểu số có vũ trang
hoặc áp lực từ bên ngoài muốn chinh phục họ. Tôi tin rằng chúng ta phải giúp đỡ
các dân tộc tự do để họ tự quyết định số phận của mình theo cách riêng của họ”[12].
Chính sách kiềm chế - thực ra là dùng gián điệp, áp lực kinh tế và triển khai lực
lượng quân sự - là do sự bất đối xứng, theo nghĩa tương đối, lực lượng ở châu
Âu. Sau khi Đế Chế Thứ Ba đầu hàng, quân đội Mỹ và Anh nhanh chóng giải ngũ và
về nước, trong khi quân đội Liên Xô không làm như thế. Năm 1948, Liên Xô chặn
tuyến đường vận chuyển từ phía Tây đến Berlin, thủ đô của Đức – lúc đó đã được
Hội nghị Potsdam năm 1945 chia thành những khu vực khác nhau; lúc đó Mỹ đã nhận
thức được rằng ngay cả khi họ là quốc gia duy nhất có vũ khí nguyên tử, họ cũng
không đủ sức ép Liên Xô rút lui về biên giới thời tiền chiến. Và, tháng 8 năm
1949, Liên Xô thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Như vậy, kiềm chế, dựa
trên lợi ích địa chính trị của Mỹ và nhận thức ngày càng được nhiều người chia
sẻ là tìm cách đẩy lùi Liên Xô có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới,
trở thành học thuyết nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời Chiến
tranh Lạnh.
Mỹ
và Liên Xô còn có những khác biệt lớn về ý thức hệ. Chủ nghĩa tự do dân chủ của
Mỹ dựa trên hệ thống xã hội chấp nhận sự hữu ích và giá trị của từng cá nhân; dựa
trên hệ thống chính trị phụ thuộc vào sự tham gia của cá nhân vào tiến trình bầu
cử; và hệ thống kinh tế, chủ nghĩa tư bản, cung cấp cơ hội để các cá nhân theo
đuổi những mục tiêu hợp lý về mặt kinh tế, chính phủ chỉ can thiệp ở mức tối
thiểu. Trên bình diện quốc tế, chính sách này biến thành ủng hộ các chế độ dân
chủ khác và giúp đỡ các thiết chế và tiến trình tư bản tự do, trong đó có và
quan trọng nhất là thương mại tự do.
Hệ
tư tưởng cộng sản của Liên Xô còn tạo được ảnh hưởng đối với quan niệm của đất
nước này về hệ thống quốc tế và hoạt động của nhà nước. Thất bại của cuộc Cách
mạng năm 1848 đã đẩy lý thuyết Marxist vào khủng hoảng; Chủ nghĩa Marx khẳng định
rằng nông dân và công nhân sẽ tự động đứng lên và lật đổ các ông chủ tư sản của
mình, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Cuộc khủng hoảng trong lý thuyết Marxist
đã được Vladimir Lenin giải quyết phần nào bằng cách đưa thêm vào “vai trò tiên
phong của giai cấp vô sản”, trong đó Lenin nói rằng quần chúng phải được những
người trí thức có hiểu biết đầy đủ về chủ nghĩa xã hội dẫn dắt hoặc “soi đường”.
Nhưng kết quả cuối cùng là hệ thống, trong đó mọi hy vọng tiến tới chủ nghĩa cộng
sản - viễn cảnh không tưởng, cho rằng nhà nước sẽ tiêu vong cùng nạn nghèo đói, chiến tranh,
phân biệt đối xử về giới tính, và những hiện tượng tiêu cực khác – phải được chỉ
đạo từ bên trên. Điều đó có nghĩa là đối với Mỹ và các đồng minh theo chủ nghĩa tự do của nước này, hệ thống của Liên
Xô trông chẳng khác gì chế độ độc tài, hung hăng xuất khẩu ra toàn thế giới chế
độ độc tài dưới vỏ bọc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong tất cả các nước liên
minh với Liên Xô (Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Lithuania, Latvia, Estonia, Ba
Lan…) chủ quyền của nhân dân đã không còn. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Liên
Xô cảm thấy bị bao vây bởi phe tư bản thù địch và khẳng định rằng Liên Xô
“không được buông lỏng mà phải củng cố nhà nước, củng cố các cơ quan nhà nước,
các cơ quan tình báo, quân đội, nếu không muốn bị môi trường tư bản chủ nghĩa
xóa sổ”[13].
Sự
khác biệt “từ dưới lên” và “từ trên xuống” còn bị làm cho trầm trọng thêm bởi cả
hai bên đều hiểu sai về nhau. Khi đã không tin nhau, mỗi bên đều có xu hướng
coi các chính sách của bên kia chắc chắn là đe dọa. Ví dụ, việc thành lập Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trên toàn
thế giới. Bên phía phương Tây, NATO là nỗ lực tuyệt vọng nhằm bảo vệ Tây Âu
không có lực lượng phòng thủ trước quân đội Liên Xô trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu; trong khi đó, theo quan
điểm của Liên Xô, NATO rõ ràng là liên minh quân sự hung hăng, với mục tiêu là
tước đoạt những thành quả mà Liên Xô giành được trong khi đánh bại Đế Chế Thứ
Ba. Còn khi Liên Xô phản ứng bằng những biện pháp mà nước này coi là phòng thủ,
thì Anh và Mỹ lại coi những hành động này là những bước leo thang nguy hiểm.
Thế
chiến II kết thúc còn dẫn tới kết quả thứ ba: Hệ thống thuộc địa sụp đổ, chỉ một
ít người tiên đoán được quá trình này. Thất bại của Nhật Bản và Đức đồng nghĩa
với sự cáo chung ngay lập tức hai đế quốc này. Các cường quốc thực dân khác đứng trước thực tế là vị trí, cả về kinh
tế lẫn chính trị của mình, đều đã suy yếu, và phải đối mặt với các phong trào
đòi độc lập đầy sức mạnh, vừa mới xuất hiện, của người bản xứ, được Hiến chương
Liên Hợp Quốc với nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết
ủng hộ. Các phong trào này được trang bị những loại vũ khí hạng nhẹ còn sót lại
sau Thế chiến II, được những vị chỉ huy tài năng lãnh đạo, áp dụng các chiến lược
phòng thủ gián tiếp, ví dụ, chiến tranh du kích “cách mạng” và được những lý tưởng
của chủ nghĩa dân tộc truyền cảm hứng, sẵn sàng hy sinh thân mình. Các nước chiến
thắng bị buộc – dưới áp lực của phong trào kháng chiến ở thuộc địa, do chính họ
đã suy yếu, hoặc do áp lực của Mỹ - phải trao trả độc lập cho các thuộc địa cũ
của mình, khởi đầu bằng việc nước Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ độc, năm 1947.
Đầu những năm 1950, Pháp thua trận ở Đông Dương, dẫn đến quá trình phi thực dân
hóa trong khu vực này. Giai đoạn từ năm 1957 đến năm 1963, các nước châu Phi
cũng giành được độc lập.
Bản đồ:
Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh
Kết
quả thứ tư là nhận thức được rằng sự khác biệt giữa hai siêu cường hàng đầu sẽ
được thể hiện một cách gián tiếp, trên vũ đài của nước thứ ba, chứ không phải
là đối đầu trực diện. Cả hai đối thủ đều tin rằng rủi ro của đối đầu quân sự trực
tiếp là quá lớn. “Mất” đồng minh tiềm tàng nào, dù nghèo hay xa đến đâu, có thể
là khởi đầu của quá trình tích lũy, nó sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong
cán cân quyền lực. Như vậy là, Chiến tranh Lạnh đã đưa quá trình toàn cầu hóa
xung đột đến tất cả các châu lục. Quan hệ quốc tế trở thành quan hệ toàn cầu thực
sự.
Các
khu vực khác trên thế giới không chỉ đơn giản phản ứng trước các đòi hỏi của
Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ: Những khu vực này đã tìm ra và phát triển
các ý thức hệ mới hoặc sửa đổi những diễn ngôn đang giữ thế thượng phong của
châu Âu nhằm giải quyết công việc của chính họ. Quá trình toàn cầu hóa nền
chính trị thời hậu chiến, do đó, đồng nghĩa với sự vươn lên của các đối thủ mới
trong cuộc tranh giành quyền lực. Mặc dù Mỹ và Liên Xô vẫn giữ được vị trí thống
trị của mình, những ý thức hệ mới được người ta lựa chọn trở thành những cục
nam châm đầy quyền lực đối với dân chúng các nước độc lập và đang phát triển ở
châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin. Sau đó, trong những năm 1970, các nước này
đã thúc đẩy ý thức hệ kinh tế mới – được trình bày một cách tóm tắt trong
chương trình Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (New International Economic Order)
(Chương 9).
Tiêu điểm Những diễn biến chính trong thời Chiến
tranh Lạnh |
- Hai siêu cường -
Mỹ và Liên Xô – nổi lên. Hai nước này bị chia rẽ bởi lợi ích dân tộc, ý thức
hệ và hiểu lầm nhau. Sự chia rẽ như thế được thể hiện trên những khu vực địa
lý khác nhau. - Xảy ra loạt các
cuộc khủng hoảng — bao vây Berlin (1948–49), Chiến tranh Triều Tiên
(1950–53), khủng hoảng tên lửa ở Cuba (1962), Chiến tranh Việt Nam (1965–73),
can thiệp quân sự của Liên Xô ở Afghanistan (1979–89). - Nền hòa bình lâu
dài giữa các siêu cường đối địch nhau được duy trì bằng những biện pháp kiềm
chế lẫn nhau. |
Chiến tranh Lạnh – một loạt các cuộc
xung đột.
Chúng
ta có thể nói đặc điểm của Chiến tranh Lạnh (1945–1989) là 45 năm đầy căng thẳng
và cạnh tranh giữa các siêu cường, nhưng không có vụ đụng độ quân sự trực tiếp
nào. Vũ khí hạt nhân tạo ra rào cản có tính răn đe, mỗi bên đôi khi phải miễn
cưỡng hành động sau bức tường đó và ngày càng thận trọng hơn. Công nghệ hạt
nhân càng phát triển thì cả hai bên cùng nhận ra rằng chiến tranh hạt nhân có
thể phá hủy cả hai nước đến mức không còn hy vọng phục hồi. Tình hình như thế
được người ta gọi là “Hủy diệt lẫn nhau một cách chắc chắn” - được nhấn mạnh bằng
chữ viết tắt của nó: MAD (mutual assured destruction). Mặc dù cả hai siêu cường
đều có khuynh hướng rút khỏi những cuộc đối đầu – hoặc là vì lợi ích quốc gia của
mình không đến mức phải mạo hiểm trước cuộc đối đầu hạt nhân hoặc lòng quyết
tâm mang tính ý thức hệ đã nao núng trước thực tế quân sự - một số vụ đối đầu
đã leo thang gần tới tình trạng chiến tranh.
Như
vậy là, Chiến tranh Lạnh có thể được hiểu như là loạt các cuộc đối đầu. Hầu hết
là giữa các phe được ủy nhiệm (Bắc Triều Tiên đối đầu với Hàn Quốc, Bắc Việt
Nam đối đầu với Nam Việt Nam, Ethiopia đối đầu với Somalia), hoàn toàn có khả
năng là cả Mỹ lẫn Liên Xô không có ý định làm cho chiến tranh leo thang, và họ
đã làm như thế. Do đó, Chiến tranh Lạnh không chỉ là cuộc đối đầu giữa các siêu
cường mà còn là đối đầu giữa hai khối các nước: Khối phi cộng sản (Mỹ, cùng với
Canada, Australia, phần lớn các nước Tây Âu [trong liên minh NATO], Hàn Quốc,
Nhật Bản, và Philippines); và khối cộng sản (Liên Xô, với các nước đồng minh
trong Hiệp ước Warsaw ở Đông Âu, Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa, Cuba). Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, những khối này ngày càng trở
nên lỏng lẻo và đôi khi một số nước thể hiện quan điểm khác với siêu cường nắm
quyền lãnh đạo của khối. Nhưng, trong phần lớn giai đoạn này, chính trị thế giới
cũng chia theo khối. Bảng 2.1 trình bày
các sự kiện lớn liên quan đến Chiến tranh Lạnh.
Một
trong những vụ đối đầu trực tiếp, khá căng thẳng giữa các siêu cường là ở Đức.
Ngay sau Thế chiến II, Đức bị chia thành các khu vực do những nước khác nhau
chiếm đóng. Mỹ, Pháp và Anh cai quản miền Tây; Liên Xô cai quản miền Đông.
Berlin, thủ đô của Đức, cũng bị chia thành những khu vực tương tự, nhưng lại nằm
ở Đông Đức, do Liên Xô kiểm soát. Năm 1948, Liên Xô ngăn chặn đường bộ từ Tây Đức
tới Berlin, Mỹ và Anh phải cung cấp bằng đường hàng không trong suốt 13 tháng.
Năm 1949, Đông và Tây Đức tuyên bố thành lập các nhà nước riêng rẽ. Năm 1961,
Đông Đức xây Bức tường Berlin xung quanh phần thuộc về Tây Đức nhằm ngăn chặn
làn sóng người Đông Đức tìm cách đào thoát khỏi đất nước đầy khó khăn này. Tổng
thống Mỹ John F. Kennedy đáp lại bằng cách tới thăm thành phố và tuyên bố: “Ich
bin ein Berliner” (Tôi là người Berlin), cam kết rằng Mỹ sẽ bảo vệ Cộng hòa
Liên bang Đức bằng mọi giá. Không có gì ngạc nhiên là, việc rỡ bỏ bức tường
Berlin, tháng 11 năm 1989, trở thành biểu tượng nổi bật nhất của kết thúc của Chiến
tranh Lạnh.
Bảng 2.1 Những sự kiện
quan trọng thời Chiến tranh Lạnh |
|
Năm 1945-48 |
Liên Xô thiết lập
các chế độ Cộng sản ở Đông Âu |
Năm 1947 |
Tuyên bố học thuyết
Truman; Mỹ đề xuất kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu. |
Năm 1947-48 |
Liên Xô phong tỏa
Berlin; Mỹ và đồng minh vận tải bằng đường hàng không. |
Năm 1949 |
Liên Xô thử bom hạt
nhân, chấm dứt tình trạng độc quyền về vũ
khí hạt nhân của Mỹ. Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo giành chiến thắng
trong cuộc nội chiến, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mỹ và đồng
minh thành lập khối NATO. |
Năm 1950-53 |
Chiến tranh Triều
Tiên |
Năm 1957 |
Liên Xô phóng vệ
tinh nhân tạo Sputnik, làm phương Tây lo lắng và thành chất xúc tác cho cuộc
cạnh tranh về khoa học giữa các cường quốc. |
Năm 1960-63 |
Khủng hoảng ở Congo và Liên Hợp Quốc can thiệp để lấp chỗ trống về quyền lực. |
Năm 1962 |
Khủng hoảng tên lửa
ở Cuba, chiến tranh hạt nhân được tháo ngòi vào phút chót. |
Năm 1965 |
Mỹ bắt đầu can thiệp
mạnh vào Việt Nam. |
Năm 1967 |
Israel đánh bại
Ai-Cập, Syria, và Jordan trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày. Hội nghị thượng đỉnh
Glassboro đưa ra tín hiệu hòa giải, làm giảm căng thẳng giữa hai siêu cường. |
Năm 1968 |
Quá trình tự do
hóa của chính phủ Tiệp Khắc bị cuộc xâm lăng của Liên Xô chặn đứng. Hiệp ước
Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) được ký kết. |
Năm 1972 |
Tổng thống Mỹ,
Nixon thăm Trung Quốc và Liên Xô. Mỹ và Liên Xô ký kết hiệp ước Hạn chế Vũ
khí Chiến lược (SALT I). |
Năm 1973 |
Chiến tranh Yom
Kippur giữa Israel và các nước Arab dẫn tới khụng hoảng năng lượng toàn cầu. |
Năm 1975 |
Chiến tranh ủy nhiệm
và bài thực dân dân diễn ra ở Angola, Mozmbique và Ethiopia. Nam Việt Nam rơi
vào tay Cộng sản Bắc Việt. |
Năm 1979 |
Mỹ và Liên Xô ký hiệp
ước SALT II (nhưng Quốc hội Mỹ không thông qua). Liên Xô xâm lược
Afghanistan. Vua Iran (đồng minh quan trọng của Mỹ) bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo. Israel và Ai-Cập ký kết thỏa
thuận hòa bình. |
Năm 1981-89 |
Học thuyết Reagan
cung cấp cơ sở cho việc Mỹ ủng hộ các lực lượng “chống cộng” ở Nicaragua và
Afghanistan. |
Năm 1985 |
Gorbachev bắt đầu
các cuộc cải cách kinh tế và chính trị ở Liên Xô. |
Năm 1989 |
Các cuộc cách mạng
hòa bình ở Đông Âu lật đổ các chế độ cộng sản. Bức tường Berlin sụp đổ. Liên
Xô rút quân khỏi Afghanistan. |
Năm 1990 |
Đức tái thống nhất. |
Năm 1991 |
Gobachev từ chức.
Liên Xô tan rã. |
Năm 1992-93 |
Nga và các nước cộng
hòa thuộc Liên Xô cũ trở thành các quốc gia độc lập. |
Chiến tranh Lạnh ở châu Á và Mỹ Latin
Trung
Quốc, Đông Dương, và đặc biệt là Triều Tiên đã trở thành biểu tượng của Chiến
tranh Lạnh ở châu Á. Năm 1946, sau nhiều năm chiến đấu oai hùng và quyết liệt,
chống lại ách chiếm đóng của Nhật Bản, sau khi Nhật Bản đầu hàng, những người cộng
sản trên khắp lục địa châu Á đã tìm cách giành quyền kiểm soát đất nước mình. Ở
Trung Quốc, liên minh thời chiến giữa Quốc Dân Đảng (những người theo đường lối
dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản) và “Quân Giải phóng Nhân dân” của Mao Trạch
Đông tan rã, cuộc nội chiến mới bùng lên, Mỹ ủng hộ Quốc Dân Đảng bằng cách
cung cấp cho họ nhiều vũ khí và thiết bị quân sự. Tuy nhiên, năm 1949, Quốc Dân
Đảng bị đánh bại, và các nhà lãnh đạo của nó chạy ra đảo Formosa (hiện nay gọi
là Đài Loan). Sau khi khối cộng sản được bổ sung một phần tư dân số thế giới, lợi
ích của Mỹ ở Nhật Bản và Philippines dường như đã bị đe dọa một cách trực tiếp.
Năm
1946, ở khu vực mà lúc đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp (gồm các nước Campuchia,
Lào và Việt Nam), Hồ Chí Minh cho kéo cờ cộng sản ở Hà Nội và tuyên bố Việt Nam
là quốc gia độc lập. Pháp nhanh chóng quay lại nhằm tái chiếm Đông Dương;
nhưng, mặc dù quân Pháp chiến đấu dũng cảm và thiện chiến, họ không thể đánh bại
được quân cộng sản (gọi là Việt Minh). Năm 1954, sau khi giăng bẫy Việt Minh tại
một thị trấn phòng thủ kiên cố, gọi là Điện Biên Phủ, nhưng chính quân Pháp lại
bị mắc bẫy và thua một trận quyết định. Pháp rút khỏi Đông Dương; hiệp định hòa
bình được ký kết ở Geneva trong cùng năm đó, chia Đông Dương thành Lào,
Campuchia và Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành hai miền: Bắc Việt Nam và Nam
Việt Nam.
Sau
mấy năm tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Xô trong việc thống nhất bán đảo Triều Tiên
dưới sự cai trị của cộng sản, cuối cùng, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Nhật
Thành, đã thuyết phục được Joseph Stalin cung cấp cho ông ta xe tăng, trọng
pháo, không quân, cần cho quá trình chinh phục Nam Triều Tiên phi cộng sản.
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, quân đội cộng sản Bắc Triều Tiên vượt biên giới Hàn
Quốc và nhanh chóng áp đảo lực lượng phòng thủ của Nam Hàn. Chỉ trong một thời
gian ngắn, quân Bắc Triều Tiên đã chiếm được Seoul, thủ đô của Nam Hàn, và sau
đó buộc một ít lực lượng quân sự Nam Hàn và Mỹ thoát chết rút về ngoại ô thành
phố cảng Pusan. Trong một trong những vụ lật ngược thế trận ngoạn mục nhất
trong lịch sử, lực lượng Mỹ - lần đầu tiên chiến đấu dưới sự bảo trợ của Liên Hợp
Quốc vì “cuộc xâm lăng vô cớ” của Bắc Triều Tiên và vi phạm luật pháp quốc tế -
đã bất ngờ đổ bộ lực lượng xuống Inchon. Chỉ trong vòng vài ngày, quân đội Mỹ
đã chia cắt và sau đó, tiêu diệt quân Bắc
Triều Tiên. Giữa tháng 10 năm đó, các lực lượng Liên Hợp Quốc đã chiếm được Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc
Triều Tiên, và đến cuối tháng 10, quân Bắc Triều Tiên gần như đã bị tiêu diệt sạch.
Nhưng,
chiến tranh đã không kết thúc ở đây. Trái ngược với mong muốn của Tổng thống Mỹ
Harry Truman, tướng Douglas MacArthur lệnh cho các đơn vị đang giành chiến thắng
của ông - quá tự tin về chiến thắng và dàn mỏng – tiêu diệt hoàn toàn quân Bắc
Triều Tiên bại trận, lúc đó đã đóng quân rất gần biên giới Trung Quốc cộng sản.
Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẽ can thiệp nếu chiến tranh tiến đến sát lãnh thổ
của mình, và, tháng 11, họ cho quân tham chiến. Các binh sĩ được trang bị tương
đối kém, nhưng đông hơn hẳn về số lượng và có tinh thần chiến đấu cao đã tấn
công các lực lượng Liên Hiệp Quốc, buộc quân đội Mỹ phải rút lui trên đoạn đường
dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau đó, hai bên lâm vào tình thế bế tắc, và cuối
cùng, cuộc chiến kết thúc bằng hiệp định đình chiến, năm 1953. Nhưng, tương tự
như với cuộc khủng hoảng Berlin, sau thỏa thuận đình chiến, đã diễn ra nhiều cuộc
đối đầu về ngoại giao trong suốt nhiều năm sau đó – đấy là việc Mỹ đóng quân ở
Hàn Quốc, do tranh chấp về sử dụng khu phi quân sự giữa miền bắc và miền nam,
và nỗ lực của Bắc Triều Tiên nhằm trở thành cường quốc hạt nhân; ngay cả sau
khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, việc Bắc Triều Tiên tìm cách trở thành cường
quốc hạt nhân vẫn là nguồn gốc của xung đột kéo dài cho đến tận ngày nay.
Năm
1962, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba là vụ đối đầu trực tiếp nổi bật giữa các
siêu cường trong khu vực khác trên bản đồ thế giới. Mỹ coi việc Liên Xô triển
khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba là đe dọa trực tiếp lãnh thổ của
mình: Chưa từng có vũ khí của kẻ thù đầy sức mạnh nào từng được triển khai gần
bờ biển của Mỹ đến như thế. Biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chứng tỏ một
cách rõ ràng rằng không bên nào muốn đối đầu trực tiếp, nhưng khi cuộc khủng hoảng
trở thành công khai thì không bên nào muốn xuống thang và khả năng xảy ra chiến
tranh hạt nhân toàn cầu là cực kỳ cao. Mỹ quyết định bao vây Cuba - một ví dụ
khác về thực thi chiến lược ngăn chặn - ngăn chặn không cho Liên Xô đưa thêm
tên lửa tới. Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy, bác bỏ những hành động hung hăng
hơn, được giới quân sự ưa chuộng hơn, ví dụ, đổ quân lên Cuba hay không kích
các vị trí đặt tên lửa. Thông qua những cuộc tiếp xúc không chính thức, đằng
sau hậu trường ở Washington, và liên lạc trực tiếp giữa Kennedy và thủ tướng Liên
Xô, Nikita Khruschev, Liên Xô đồng ý đưa tên lửa ra khỏi Cuba, còn Mỹ thì đồng
ý đưa những tên lửa có tầm hoạt động và sức công phá tương tự như thế ra khỏi
Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng đã được giải quyết và chiến tranh đã được ngăn chặn.
Việt
Nam cung cấp một kiểu thách thức khác. Chiến tranh lạnh cũng diễn ra ở đây,
nhưng không phải bằng cuộc khủng hoảng đầy kịch tính mà bằng cuộc nội chiến kéo
dài. Cộng sản Bắc Việt Nam và các đồng minh Trung Quốc và Liên Xô của nước này
chiến đấu nhằm chống lại “thế giới tự do” - Nam Việt Nam liên minh với Mỹ và
các nước ủng hộ, trong đó có Hàn Quốc, Philippines, và Thái Lan. Đối với hầu hết
những nhà lập chính sách của Mỹ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Việt
Nam là thách thức khác của thuyết ngăn chặn: Họ khẳng định, phải ngăn chặn ảnh
hưởng của cộng sản, trước khi nó lây lan như một chuỗi những quân bài Domino
đang đổ, sang phần còn lại của Đông Nam Á và xa hơn nữa (gọi là hiệu ứng
domino). Do đó, Mỹ ủng hộ các nhà cầm quyền độc tài Nam Việt Nam là Ngô Đình Diệm
và sau đó là Nguyễn Văn Thiệu nhằm chống lại chế độ cộng sản của Hồ Chí Minh ở
miền Bắc, được cả Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và Liên Xô ủng hộ. Nhưng, khi
chính phủ và quân đội Nam Việt Nam lung lay, Mỹ tăng cường giúp đỡ về quân sự,
đưa thêm binh sĩ vào miền Nam và leo thang những cuộc tấn công bằng không quân ở
Miền Bắc.
Chú thích ảnh:
Đối với Mỹ, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sự đối đầu của Chiến tranh Lạnh
ở châu Á. Mỹ ủng hộ các lực lượng Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống lại chế độ
cộng sản ở miền Bắc. Đây là một nữ du kích Việt Cộng chuẩn bị súng chống tăng trong cuộc
Tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Trong
giai đoạn đầu, Mỹ tin rằng sẽ chiến thắng; nói cho cùng, một siêu cường với tất
cả trang thiết bị quân sự và lực lượng cơ động thành thạo về kỹ thuật chắc chắn
là có thể đánh bại lực lượng du kích Việt Cộng được huấn luyện sơ sài. Tuy
nhiên, chẳng bao lâu sau các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã vỡ mộng, vì các lực
lượng cộng sản rất khéo léo trong việc tránh hỏa lực của Mỹ, còn ban lãnh đạo
tham nhũng của Nam Việt Nam đã bòn rút hết những nguồn lực quan trọng sống còn
cho cuộc đấu tranh còn quan trọng hơn: sự ủng hộ của dân chúng. Khi thương vong
của Mỹ gia tăng, mà triển vọng chiến thắng thì không thấy đâu, dân chúng Mỹ
chán ngán cuộc chiến. Mỹ có nên sử dụng tất cả khả năng quân sự thông thường của
mình để ngăn chặn, không để Nam Việt Nam “đổ” và chặn đứng hiệu ứng domino? Mỹ
có nên chiến đấu cho đến khi chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản giành thắng lợi
hay nên rút ra khỏi vũng lầy mất lòng dân này? Mỹ có nên đầu hàng các lực lượng
của chủ nghĩa cộng sản? Những câu hỏi này, trong cả những khía cạnh chiến lược địa chính trị và
ý thức hệ, quyết định đặc điểm của giai đoạn giữa của Chiến tranh Lạnh, từ khi
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu một cách chậm chạp hồi cuối những năm 1950 cho đến
khi cuộc rút lui đầy kịch tính của các quan chức Mỹ khỏi Sài Gòn, thủ đô Nam Việt
Nam, năm 1975, mà biểu tượng là những máy bay trực thăng rời khỏi mái nhà đại sứ
quán Mỹ, trong khi hàng chục người Việt Nam tuyệt vọng tìm cách bám lấy những
chiếc thang lên máy bay để chạy trốn.
Những
nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn, không để cộng sản chiếm Nam Việt Nam đã thất bại,
tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, đã không xảy ra hiệu ứng domino. Ở
cả hai phía, các liên minh thời chiến tranh lạnh đều bị lung lay: Trước đó rất
lâu, tình hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc đã biến thành trận đấu mang tính
địa chiến lược và tranh cãi về mô hình của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là
trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Nhưng, cuộc chiến Việt Nam hầu như không ảnh
hưởng tới khối Xô Viết. Liên minh phương Tây do Mỹ lãnh đạo rơi vào tình huống
hiểm nghèo, một số đồng minh (trong đó có Canada) phản đối mạnh mẽ chính sách của
Mỹ đối với Việt Nam. Cấu trúc lưỡng cực của hệ thống quốc tế thời Chiến tranh Lạnh
tan rã. Ở Mỹ, niềm tin vào phương án sử dụng lực lượng quân sự bị lung lay, làm
cho Mỹ không muốn cam kết về mặt quân sự trong suốt hơn một chục năm. Trước
đây, sức mạnh của Mỹ được coi là công chính, nhưng ở Việt Nam, Mỹ không những
không giành được chiến thắng cuối cùng, mà còn không công chính trong hành động.
Chiến tranh Lạnh có thực sự Lạnh?
Không
phải lúc nào một trong hai siêu cường hành động thì phía bên kia cũng phản ứng.
Trong một số trường hợp, phía bên kia quyết định không hành động, hoặc chí ít
là không phản ứng theo cách có thể dẫn tới xung đột. Thường thì đấy là do người
ta sợ rằng xung đột sẽ leo thang thành chiến tranh. Ví dụ, năm 1956, Liên Xô
xâm lược Hungary, còn năm 1968 thì xâm lược Tiệp Khắc, hai quốc gia có chủ quyền
và là đồng minh trong Hiệp ước Warsaw. Trong những hoàn cảnh khác, Mỹ có thể đã
phản ứng bằng vũ lực, nhưng, nước này chỉ lên án chứ không ngăn chặn những hành
động xâm lược của Liên Xô. Năm 1956, Mỹ tỏ ra lo lắng về cuộc khủng hoảng kênh
đào Suez, nhưng không lên tiếng vì biết rằng chưa sẵn sàng phản ứng bằng quân sự.
Năm 1968, Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam và bị bao phủ bởi tình trạng hỗn loạn mà cuộc
bầu cử tổng thống gây ra. Mỹ có thái độ tự mãn, mặc dù tỏ ra giận dữ, khi Liên
Xô xâm lược Afghanistan vào năm 1979. Liên Xô cũng không lên tiếng khi Mỹ có những
hành động hung hăng trong khu vực nằm dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ, ví dụ, cuộc
xâm lược Grenada, năm 1983 và Panama, năm 1989. Như vậy là, trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh, ngay cả những hành động xâm lược do một trong hai cường quốc thực
hiện không phải lúc nào cũng dẫn đến phản ứng của phía bên kia.
Nhiều
sự kiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh chỉ liên quan đến Mỹ và Liên Xô một cách
gián tiếp; các lực lượng ủy nhiệm thường chiến đấu ngay trên nước mình. Đúng nhất
là ở Trung Đông. Đối với cả Mỹ lẫn Liên Xô, Trung Đông là khu vực có tầm quan
trọng sống còn, vì có những nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có dầu mỏ,
được dánh giá là chiếm một phần ba trữ lượng thế giới), vị trí chiến lược của
vùng này - trung tâm giao thông giữa châu Á và châu Âu và tầm quan trọng về văn
hóa - cái nôi của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Sau khi Israel được thành lập
vào năm 1948 và được công nhận về ngoại giao (Mỹ là nước đầu tiên), khu vực này
trở thành vũ đài của cuộc đối đầu giữa các siêu cường được thực hiện bằng bàn
tay của các lực lượng ủy nhiệm - giữa Israel được Mỹ ủng hộ và các nước Arab được
Liên Xô ủng hộ, như Syria, Iraq và Ai Cập. Trong Cuộc Chiến Sáu Ngày, năm 1967,
chỉ trong vòng 6 ngày, Israel đã đập tan quân đội Ả Rập được trang bị vũ khí của
Liên Xô và chiếm được những vùng lãnh thổ chiến lược trên Cao nguyên Golan, dải
Gaza và vùng Bờ Tây. Trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur, năm 1973, mà người Ai Cập
đã lập kế hoạch cho một
cuộc chiến tranh hạn chế, chiến thắng của Israel không đến mức hoàn toàn áp đảo,
vì Mỹ và Liên Xô đã thỏa thuận ngừng bắn trước khi xảy ra những thiệt hại to lớn
hơn. Nhưng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những cuộc chiến “nóng” như thế
thường kéo theo hoạt động du kích được tất cả các bên ủng hộ. Khi quyền lực giữa
Israel (và Mỹ), một bên và người Ả Rập (cùng với Liên Xô) ở phía bên kia, được
giữ ở trạng thái cân bằng, thì khu vực này được để yên; nhưng khi cân bằng bị
đe dọa, thì các siêu cường hành động - thông qua lực lượng ủy nhiệm – nhằm duy
trì tình trạng cân bằng. Những tranh cãi khác cũng làm cho khu vực này trở
thành bất ổn,
các sự kiện xảy ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc chứng tỏ điều đó.
Ở
những khu vực không có tầm quan trọng về mặt chiến lược đến như thế đối với hai
siêu cường trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu thông qua các lực lượng
ủy nhiệm thậm chí còn diễn ra thường xuyên hơn. Châu Phi và Mỹ Latin cho thấy
nhiều ví dụ về những sự kiện như thế. Khi thực dân Bỉ đột ngột rời bỏ Congo,
năm 1960, cuộc nội chiến bùng nổ, đấy là do các phe phái đối địch nhau tìm cách nắm quyền và lập lại
trật tự. Một trong những đối thủ, Thủ tướng Congo, Patrice Lumumba (1925– 1961),
kêu gọi Liên Xô giúp đỡ trong cuộc chiến đấu chống lại quân nổi dậy được phương
Tây chống lưng và đã nhận sự ủng hộ cả về ngoại giao lẫn quân sự. Nhưng,
Lumumba đã bị Tổng thống Congo, Joseph Kasavubu, đồng minh của Mỹ, sa thải.
Trong khi những người khác, ví dụ, Moïse Tshombe, lãnh đạo tỉnh Katanga có nhiều
mỏ đồng – được coi là gắn bó chặt chẽ với các nhóm lợi ích của phương Tây - đã
chiến đấu nhằm giành quyền kiểm soát. Cuộc nội chiến kéo dài 3 năm có thể trở
thành cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài giữa Mỹ và Liên Xô. Nhưng, Liên Hợp Quốc đã
ngăn chặn cuộc đối đầu này bằng cách gửi lực lượng giữ gìn hòa bình tới Congo,
mục đích chính của lực lượng này là giữ cho chính phủ chuyển tiếp ổn định và
ngăn chặn, không để cho các cường quốc biến Congo trở thành đấu trường đầy bạo
lực khác của Chiến tranh Lạnh.
Ở
Mỹ Latin, các bên tham gia nội chiến có thể chuyển cuộc đấu tranh của họ thành
những vụ đối đầu của Chiến tranh Lạnh thông qua bàn tay của các lực lượng ủy
nhiệm, và bằng cách đó mà được một trong hai cường quốc giúp đỡ trang thiết bị
quân sự và chuyên môn kỹ thuật. Trong hầu hết các trường hợp, các nước Mỹ Latin
đều được lãnh đạo bởi các chính phủ gắn bó với các tầng lớp thượng lưu giàu có,
những người thực sự nắm trong tay độc quyền về tài sản của đất nước (ví dụ,
ngành cà phê ở El Salvador). Khi các cuộc biểu tình chống tham nhũng và bất
công leo thang thành bạo lực, người ta thường đề nghị Cuba Cộng sản giúp đỡ các
phong trào vũ trang, và để đáp lại, Mỹ thường ủng hộ các chính phủ đang nắm quyền
– ngay cả khi đã nắm được những tài liệu về những vụ vi phạm nhân quyền của những
chính phủ này. Ví dụ, ở Nicaragua, sau khi những người cộng sản, gọi là
Sandinistas, giành được chính quyền từ tay nhà độc tài, năm 1979, chính quyền
Ronald Reagan đã ủng hộ cuộc nổi loạn, gọi là “Contras” nhằm lật ngược cái mà họ
sợ sẽ trở thành “vị trí đứng chân của cộng sản” ở Mỹ La-tinh. Những cuộc chiến tranh ủy quyền như thế tạo
điều kiện cho các siêu cường phóng chiếu quyền lực và ủng hộ các lợi ích mang
tính địa chiến lược (ví dụ, dầu mỏ ở Angola, các tuyến giao thông xung quanh
Vùng Sừng ở châu Phi, Học thuyết Monroe ở Mỹ Latin) và ý thức hệ mà không phải
đối đầu trực tiếp với nhau và có nguy cơ xảy ra chiến tranh lớn hay chiến tranh
nguyên tử.
Tóm
lại, Chiến tranh Lạnh chỉ thực sự tương đối lạnh ở châu Âu, còn ở những nơi
khác thì rất ấm, thậm chí khá nóng. Ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ
Latin, từ năm 1946 đến năm 1900, hơn 40 triệu người đã thiệt mạng trong các cuộc
chiến tranh ủy nhiệm của các siêu cường.
Nhưng
Chiến tranh Lạnh cũng “diễn ra” và được làm nhẹ đi bằng ngôn từ, cũng như tại
các hội nghị thượng đỉnh (cuộc họp của các nhà lãnh đạo) và trong các hiệp ước.
Một số hội nghị thượng đỉnh thời Chiến tranh Lạnh tương đối thành công: Hội nghị
thượng đỉnh Glassboro, năm 1967, giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô bắt đầu
quá trình giảm bớt căng thẳng, được gọi là détente
(giảm căng thẳng). Tuy nhiên, một số hội nghị không có bất kỳ kết quả nào. Một
số hiệp ước, các bên tự đặt ra những giới hạn về vũ khí hạt nhân. Ví dụ, Hiệp ước
Hạn chế Vũ khí Chiến lược I (SALT I), năm 1972, đặt giới hạn tuyệt đối về số lượng
tên lửa đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missiles - ICBM), đầu
đạn hạt nhân được triển khai và phương tiện chứa nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục
tiêu độc lập (multiple independently targetable reentry vehicles - MIRVs); và
Hiệp ước hạn chế số lượng các hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo
(anti-ballistic missile - ABM) của mỗi siêu cường. Như vậy là, các siêu cường
đã được hưởng những giai đoạn thỏa hiệp, khi họ có thể thỏa thuận về các nguyên
tắc và chính sách.
Giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh
Bức
tường Berlin sụp đổ năm 1989, tượng trưng cho sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh,
nhưng, trên thực tế, Chiến tranh Lạnh kết thúc một cách từ từ. Giữa những năm
1980, Mikhail Gorbachev, thủ tướng Liên Xô lúc đó, và những nhà cải cách khác của
Liên Xô đã khởi xướng hai quá trình - glasnost
(cởi mở về chính trị) và perestroika
(tái cơ cấu kinh tế). Glasnost, cùng với công nghệ mới - videocassette - lần đầu
tiên kể từ sau Cách mạng Tháng Mười, người công dân Xô Viết trung bình có điều
kiện so sánh mức sống của mình với mức sống của những người công dân phương
Tây. So sánh cho thấy họ ở trong hoàn cảnh kém hơn hẳn. Glasnost cũng mở cửa cho những chỉ trích hệ thống chính trị, đỉnh
điểm là sự xuất hiện hệ thống đa đảng và Đảng Cộng sản, từng là đảng độc quyền,
đã phải tái định hướng một cách mạnh mẽ. Perestroika
phá hoại ngầm nền tảng của nền kinh tế kế hoạch hóa, một trong những thành
phần thiết yếu của hệ thống cộng sản. Lúc đầu, Gorbachev và các nhà cải cách đã
tìm cách cứu hệ thống, nhưng sau khi được khởi xướng, những cuộc cải cách này
đã dẫn đến kết quả là Hiệp ước Warsaw bị giải thể, Gorbachev từ chức vào tháng
12 năm 1991, và Liên Xô tan rã vào năm 1992-1993.
Những
cuộc cải cách ở trong nước của Gorbachev cũng làm thay đổi định hướng trong
chính sách đối ngoại của Liên Xô. Cần phải đưa đất nước ra khỏi tình trạng sa lầy
về chính trị và kiệt quệ về kinh tế do cuộc chiến tranh ở Afghanistan gây ra,
trong khi vẫn tìm cách giữ thể diện, Gorbachev đề nghị các thành viên thường trực
của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “có thể trở thành lực lượng đảm bảo an ninh
khu vực”[14].
Quá trình kiểm tra diễn ra ở Afghanistan. Ở đây, một nhóm nhỏ các quan sát viên
của Liên Hợp Quốc đã tiến hành theo dõi và xác minh quá trình rút hơn 100.000
quân Liên Xô trong các năm 1988 và 1989 - không thể làm được việc này trong cao
trào của Chiến tranh Lạnh. Tương tự như thế, năm 1988, Liên Xô đồng ý và ủng hộ
việc rút quân đội Cuba khỏi Angola. Liên Xô rút khỏi các cam kết quốc tế với
các lân bang, cũng như những nước ở xa hơn. Quan trọng nhất, Liên Xô đồng ý hợp
tác trong các hoạt động đa phương nhằm bảo vệ an ninh khu vực.
Thử
thách đầu tiên thời hậu-Chiến tranh Lạnh của cái gọi là trật tự thế giới mới là
phản ứng trước cuộc xâm lược của Iraq và thôn tính Kuwait, tháng 8 năm 1990. Mặc
dù đã từng ủng hộ Iraq trong một thời gian dài, Liên Xô (và sau này là nước
Nga), cùng với bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,
đã đồng ý, trước hết, phải áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với
Iraq. Rồi họ lại thỏa thuận nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc hỗ trợ các phương tiện nhằm
khôi phục hiện trạng – đuổi Iraq ra khỏi Kuwait bằng lực lượng đa quốc gia. Cuối
cùng, các nước này ủng hộ việc đưa Phái bộ Quan sát viên Liên Hợp Quốc tới Iraq-Kuwait để giám sát khu vực
này và tạo điều kiện cho Liên Hợp Quốc tiến
hành can thiệp mang tính nhân đạo và xây dựng những khu vực trú ẩn an toàn cho
người Kurd và người Shiite ở Iraq. Mặc dù xây dựng sự đồng thuận về mỗi hành động
này (hoặc thuyết phục Trung Quốc bỏ phiếu trắng) là công việc đầy khó khăn,
liên minh đã đứng vững – trong thời Chiến tranh Lạnh, không ai có thể tưởng tượng
nổi một sự thống nhất như thế.
Đặc
điểm của những năm 1990 là cuộc đấu tranh của các nước đồng minh và kẻ thù cũ
nhằm xác định bản sắc và quyền lợi mới trong thế giới phức tạp hơn. Khi nguy cơ
xảy ra Thế chiến III không còn, mục đích của NATO là gì? Nếu không phải ngăn chặn
cuộc xâm lăng của các quốc gia khác thì mục đích hay trọng tâm của chính sách đối
ngoại của nhà nước là gì? Ví dụ, Mỹ và Israel là vô địch về khả năng chiến đấu
và chiến thắng trong các cuộc chiến giữa các quốc gia. Nhưng các quốc gia khác
có thể là những quốc gia nào? Lực lượng vũ trang được huấn luyện để chiến thắng
trong các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia có vai trò gì trong những vụ bạo lực
ở trong nước? Quá trình tan rã đầy bạo lực của Nam Tư kéo dài suốt một thập kỷ,
bất chấp những cố gắng của phương Tây nhằm giải quyết cuộc xung đột một cách
hòa bình. Cũng trong thời gian này, thế giới còn chứng kiến những căng thẳng và
bạo lực sắc tộc ở miền trung châu Phi. Vụ diệt chủng ở Rwanda và Burundi đã bị
cộng đồng quốc tế lờ đi. Và, dù Mỹ giữ thế thượng phong về quân sự, Nga vẫn đủ
sức, cả về quân sự lẫn ảnh hưởng chính trị, ngăn cản sự can thiệp của Mỹ vào những
vụ bạo lực sắc tộc trong vùng Ngoại Kavkaz (Transcaucasus).
Tiêu điểm Những
diễn biến chính trong giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh |
- Những thay đổi
trong chính sách đối ngoại của Liên Xô/Nga, với việc rút quân khỏi
Afghanistan và Angola, cuối những năm 1980, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. - Iraq xâm lược
Kuwait, năm 1990 và phản ứng đa phương kéo các cựu thù thời Chiến tranh lạnh
lại với nhau. - Glasnost và perestroika tiếp tục diễn ra ở Nga, sau khi nước này được tổ chức
lại vào các năm 1992-1993. - Nam Tư cũ tan rã thành các quốc gia độc lập;
nội chiến diễn ra ở Bosnia và Kosovo, buộc Liên Hợp Quốc và NATO phải can thiệp. - Xung đột sắc tộc
lan tràn ở Trung và Tây Phi, Trung Á, và tiểu lục địa Ấn Độ. |
Quan điểm trên thế
giới Lý giải về sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh: Quan điểm từ
Liên Xô cũ Nhiều học giả về lịch sử quan hệ quốc
tế người Mỹ gán kết thúc Chiến tranh Lạnh cho những chính sách mà Mỹ đã khởi
xướng: Xây dựng lực lượng quân sự vững chắc, đủ sức thắng Liên Xô cả trong
chiến tranh hạt nhân lẫn chiến tranh thông thường và phát triển được nền kinh
tế vững chắc và đa dạng nhất mà thế giới từng biết. Tuy nhiên, ở Liên Xô người
ta lại nghĩ khác. Quan điểm giữ thế
thượng phong ở Liên Xô cũ về sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh là do một loạt
những sự kiện phức tạp và diễn ra trong thời gian rất dài ở ngay Liên Xô. Những
tác nhân chính trị, sinh thái và nhân khẩu học dẫn đến sự kiện có thể được
coi là sự tan rã đột ngột của Liên Xô và do đó, kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Các lý thuyết gia về quan hệ quốc tế đã không dự đoán được sự kiện này; có lẽ
họ đã không xem xét những tác nhân ở ngay trong lòng Liên Xô và không có tầm
nhìn lịch sử đủ dài. Cuối những năm
1980, thế thượng phong về chính trị và quyền lực của Đảng Cộng sản, trụ cột
tư tưởng chính của Liên Xô, đã bị xói mòn đáng kể. Việc khám phá ra những tội
ác khủng khiếp của Joseph Stalin đối với nhân dân Liên Xô, đặc biệt là các
dân tộc thiểu số, làm gia tăng thái độ thù địch trong những vùng sâu, vùng xa
của đế quốc Liên Xô. Nhiều người trong các nước cộng hòa nhỏ bé hơn và các
khu vực tự trị thiểu số có thái độ tức giận chính quyền trung ương vì bị buộc
phải Nga hóa, vì một số dân tộc thiểu số bị đưa đến những vùng không phải là
nơi chôn nhau cắt rốn của họ và những tội ác khác, như gây ra nạn đói ở Nga
và Ukraine hồi đầu những năm 1930. Cuộc thảo luận ngày càng công khai về những
sự kiện như thế đã sói mòn lòng nhiệt tình mang tính ý thức hệ của dân chúng
và lung lay niềm tin của họ vào “chính quyền của nhân dân”. Chú thích ảnh: Mikhail Gorbachev đọc diễn văn tại
Quốc hội Nga, năm 1991. Trong những năm
1960, một số nhà lãnh đạo Liên Xô đã nhận ra tình trạng trì trệ trong các
lĩnh vực kinh tế, công nghệ và nông nghiệp. Các nhà phê bình trong lòng chế độ
lên án ban lãnh đạo chính trị cao nhất là đã trở thành cứng nhắc. Chính sách
bổ nhiệm suốt đời các vị trí lãnh đạo hàng đầu, có hiệu lực cho đến giữa những
năm 1980, có nghĩa là những người được bổ nhiệm giữ vị trí đến 20 năm hoặc
hơn, không phụ thuộc vào năng lực và thành tích của họ. Có rất ít nỗ lực cải
cách và hiện đại hóa hệ thống, những người trẻ tuổi ít có cơ hội thể hiện vai
trò lãnh đạo chính trị. Thất bại trong lãnh đạo, thể hiện trong nền kinh tế
nghèo nàn, làm cho tất cả các tầng lớp xã hội đều bất bình và oán giận. Hơn nữa, Liên Xô
là quốc gia rất đa dạng về sắc tộc: 15 nước cộng hòa lớn, một số nước cộng
hòa còn có các nước cộng hòa và khu vực “tự trị”, với hàng trăm sắc tộc khác
nhau. Mặc dù việc khai thác các nguồn tài nguyên trong những vùng lãnh thổ xa
xôi mang lại lợi ích kinh tế cho Liên Xô, nhưng giữ cho đế chế không tan rã
là công việc rất tốn kém. Các khoản trợ cấp dành cho những khu vực bên ngoài
làm cho nhà nước Liên Xô bị thiệt hại nặng nề. Cùng với thái độ bất mãn về
kinh tế đang ngày càng tăng và sự suy thoái về ý thức hệ do Đảng Cộng sản cổ
vũ, cuối những năm 1980, các phong trào dân tộc chủ nghĩa địa phương bắt đầu
nhảy vào khoảng trống về ý thức hệ. Đầu những năm
1980, tình trạng méo mó cố hữu và kém hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa của
Liên Xô phần nào đã được bù đắp bởi lợi nhuận từ lĩnh vực năng lượng: Xuất khẩu
dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, công nghiệp và nông nghiệp của Liên Xô vẫn lẽo
đẽo theo sau, kém hiệu quả và không có khả năng cạnh tranh. Công nghệ cũng
phát triển một cách chậm chạp. Giá dầu trên thế giới lao dốc trong những năm
1980 làm cho các vấn đề càng phức tạp thêm. Việc phân phối các nhu yếu phẩm
và các sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng kém đã làm người dân mất hẳn
niềm tin vào mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa và làm cho thái độ bất mãn của
dân chúng càng gia tăng. Ngân sách nhà nước ngày càng giảm, Liên Xô không còn
đủ sức chịu đựng gánh nặng của cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, không đủ sức
tài trợ cho một cuộc chiến tranh tốn
kém ở Afghanistan, và giữ cho đế chế ngày càng bị chia rẽ tiếp tục nằm trong
quỹ đạo của nó như trước nữa. Tác động qua lại của
tất cả những yếu tố trên đã lên đến đỉnh điểm khi Mikhail Gorbachev nắm được
quyền lực, năm 1985. Nhận thức được rằng thay đổi đã trở thành nhu cầu cấp
bách, ông ta tung ra những cuộc cải cách kinh tế đầy tham vọng, gọi là perestroika, nghĩa đen là “tái cơ cấu”
các quan hệ kinh tế, trong đó có bỏ kế hoạch hóa tập quyền và hạn chế các khoản
trợ cấp của chính phủ. Glasnost là
cải cách chính trị, “công khai hóa” tức là giảm bớt kiểm duyệt và khuyến
khích quá trình dân chủ hóa. Trong chính sách đối ngoại, “Tư duy mới” (New Thinking), nghĩa là cải thiện quan hệ với Mỹ và cùng
tồn tại giữa các hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở những
giá trị nhân bản mà hai bên cùng chia sẻ. Lý do quan trọng nhất cho hầu hết
những thay đổi ở trong nước là các vấn đề kinh tế. Giảm chi tiêu quân sự và
tiếp cận với các khoản vay từ phương Tây đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự
tồn tại của đất nước đã lâm vào tình trạng khó khăn này. Việc khối Đông Âu
tan rã quá nhanh chóng đã dẫn tới những thay đổi đầy kịch tính trong cán cân
quyền lực của hệ thống quốc tế. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa ngóc đầu dậy
và các lực lượng theo trường phái tự do khu vực có thêm động lực và giành được
khá nhiều ghế đại diện trong các cơ quan lập địa phương ngay sau những cuộc bầu
cử có tính cạnh tranh đầu tiên ở các nước từng đi theo đường lối xã hội chủ
nghĩa. Cuối cùng, Nga trở
thành một trong nước đầu tiên tuyên bố độc lập và khẳng định chủ quyền của
mình, các nước cộng hòa khác cũng làm theo, gọi là “cuộc diễu hành chủ quyền”,
năm 1991. Sự tan rã của Liên Xô đã là một chương quan trọng trong lịch sử Chiến
tranh Lạnh, nhưng với những sự kiện gần đây ở Nga và Ukraine - đặc biệt là vụ
sáp nhập bằng vũ lực Crimea - chúng ta chưa thể nói rằng sự sụp đổ của Liên
Xô là chương cuối cùng của Chiến tranh Lạnh.
|
Trong
suốt những năm 1990 và cho đến tận ngày nay, thực tế kép này khi thì hội tụ lúc
lại tách ra. Quá trình tan rã Nam Tư đạt đỉnh điểm trong cuộc chiến tranh do Mỹ
lãnh đạo, chống lại Serbia nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công vào người gốc
Albania ở Kosovo. Cuộc không kích kéo 78 ngày của NATO chống lại Serbia chấm dứt
với khi người Serb đầu hàng và thành lập bộ máy hành chính quốc tế ở Kosovo. Cuộc
chiến tranh này còn là thách thức mãnh liệt những nguyên tắc cốt lõi của luật
pháp quốc tế: Về mặt kỹ thuật, hành động của NATO ở Kosovo là vi phạm chủ quyền
của Serbia. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO nói rằng những vụ cưỡng hiếp, cướp
bóc và giết người do người Serb thực hiện là tai họa lớn hơn: Vi phạm nguyên tắc
chủ quyền không tai hại bằng việc cho phép người Serb giết và tra tấn người gốc
Albania ở Kosovo. Những việc làm như thế còn có ảnh hưởng tới nền chính trị quốc
tế cho đến bây giờ.
Rõ
ràng là, sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh trong những năm 1990 chứng tỏ đã có
sự thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế, đấy là sự cáo chung của một thời kỳ lịch sử và sự khởi đầu của một
thời kỳ khác. Đối với nhiều người, sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ, cùng với sức
mạnh kinh tế của nước này dường như đã mở ra thời kỳ nước Mỹ có vai trò chủ đạo
trong các vấn đề quốc tế ở mức mà ngay cả người La Mã cổ đại hay Alexander Đại
đế cũng không thể nào so sánh được. Mỹ dường như đã có thể áp đặt ý chí của
mình đối với các nước khác, thậm chí là chống lại những lời phản đối mạnh mẽ của
các đồng minh của mình. Nhưng, hiện đã có những nghi ngờ về vai trò chủ đạo của
Mỹ; nước này không đủ sức ngăn chặn hay chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc, nội
chiến và vi phạm nhân quyền, dù những sự kiện đó có xảy ra ở Somalia, Rwanda,
hoặc Nam Tư cũ thì cũng thế. Và nhiều mối đe dọa khác, ví dụ chủ nghĩa khủng bố,
an ninh mạng, và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã chứng tỏ, về bản
chất, những sự kiện này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên: Dù có mạnh đến mấy,
không nhà nước đơn lẻ nào có thể một mình đứng vững trước những đe dọa này.
Thiên niên kỷ mới: Hai thập kỷ đầu
tiên
Có
lẽ sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ giữa các quốc gia sau khi Chiến tranh Lạnh
cáo chung là mức độ gia tăng đến chóng mặt chủ nghĩa khủng bố - có thời từng là
đe dọa tương đối nhỏ - từ vấn đề thực thi pháp luật thành vấn đề sống còn của
an ninh quốc gia (và do đó, trở thành vấn đề quân sự). Ngày 11 tháng 9 năm
2001, toàn thế giới đã chứng kiến cuộc tấn công khủng bố làm nhiều người thiệt
mạng, gây ra những chấn thương về tâm lý và tàn phá về kinh tế do Al Qaeda tổ
chức và tài trợ nhằm vào thành
phố New York và thủ đô Washington D.C. Những cuộc tấn công, do Osama bin Laden
chỉ huy, đã kích hoạt “Cuộc chiến chống khủng bố”, do Mỹ dẫn đầu, trên toàn thế
giới. Được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới và lần đầu tiên viện dẫn Điều
V trong Hiến chương NATO, nói rằng tấn công một thành viên NATO cũng là tấn
công tất cả các nước thành viên, Mỹ lãnh đạo liên minh đặc biệt trong cuộc chiến
chống lại các tổ chức khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Như thảo luận trong
Chương 8, cuộc chiến chống khủng bố này liên kết nhiều yếu tố vào một loạt chiến
dịch trong những nước khác nhau. Nhiều nước đã bắt giữ những tên khủng bố có tiếng
và những kẻ ủng hộ họ và đóng băng những khoản tiền của họ. Tháng 10 năm 2001,
Mỹ phát động chiến tranh ở Afghanistan nhằm lật đổ chế độ Taliban, chế độ đã
dành cho tổ chức Al Qaeda của Osama bin Laden nơi ẩn náu và căn cứ để tổ chức
này được tự do lập kế hoạch, tổ chức và huấn luyện chiến dịch khủng bố chống lại
Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới.
Sau
chiến dịch bước đầu thành công ở Afghanistan trong các năm 2001 và 2002 - Chiến
dịch Tự do Vĩnh cửu (Operation Enduring Freedom), với mục tiêu cụ thể là những
tên khủng bố và những kẻ ủng hộ họ và mở đường cho các cuộc bầu cử toàn dân, Mỹ
đã rời bỏ các đồng minh của mình. Tin rằng Iraq đang tiến hành chương trình bí
mật nhằm sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction - WMD)
và tạo ra những mối đe dọa liên tục bằng cách ủng hộ các tổ chức khủng bố, Mỹ
đã tìm thuyết phục Liên Hợp Quốc cho
phép dùng vũ lực để loại bỏ Saddam Hussein và tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt
đang bị dấu giếm. Khi thấy Liên Hợp
Quốc không ủng hộ đòi hỏi này, Mỹ thành lập liên minh riêng, trong đó có đồng
minh chủ yếu là Vương quốc Anh. Năm 2003, Liên minh này đã đập tan quân đội và
lật đổ được chính phủ Iraq. Không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng người
ta đã đưa ra những lời biện hộ bổ sung cho cuộc xâm lăng, trong đó có thúc đẩy
chế độ dân chủ cho ba dân tộc chính của Iraq – người Kurd, người A Rập theo
phái Sunni và người A Rập theo phái Shia - trong một nhà nước duy nhất. Cuộc
chiến ở Iraq vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, mặc dù Hussein đã bị hành quyết
vào năm 2006 và lực lượng chiến đấu Mỹ đã rút về nước. Iraq vẫn còn bị các cuộc
xung đột giáo phái xé ra thành từng mảnh, còn lực lượng vũ trang được Mỹ xây dựng
và đào tạo, sau khi Mỹ rút quân năm 2011, đã gặp hết thất bại này tới thất bại
khác. Iraq, Syria và Lebanon hiện đang phải đối mặt với một nhóm khủng bố mới
và rất man rợ, với danh xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Đáng buồn là, sự ổn định
trong tương lai của Iraq và số phận của dân tộc đã chịu nhiều đau khổ này vẫn
chưa rõ ràng.
Chiến
dịch Tự do Vĩnh cửu đã tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm. Nếu Mỹ và các đồng minh của
nước này có thể đưa quân vào Afghanistan nhằm trừng phạt hoặc ngăn chặn chủ
nghĩa khủng bố, thì vì sao họ không thể đưa quân vào bất kỳ nước nào khác chứa
chấp khủng bố? Năm 2001,
sau khi Taliban bị đánh bại, phần lớn ban lãnh đạo của tổ chức này đã vượt qua
biên giới được kiểm soát một cách lỏng lẻo giữa Afghanistan và vùng Tây Bắc của
Pakistan. Nhưng Pakistan là đồng minh chính thức của Mỹ, và cực kỳ nhạy cảm trước
bất kỳ sự biểu hiện nào đối với chủ quyền của mình. Tình hình đó đã tạo ra thế
tiến thoái lưỡng nan không chỉ đối với quan hệ Mỹ - Pakistan. Nếu Mỹ muốn bình
định Afghanistan, họ phải được Pakistan giúp đỡ trong việc loại bỏ khu vực ẩn
náu mà nước này đã dành cho các các nhóm người mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ
coi là những kẻ khủng bố. Nhưng, Pakistan lúc đó không có cả năng lực lẫn ý chí
để đóng cửa biên giới giữa Pakistan và Afghanistan hoặc ngăn chặn các nhóm nằm
trong lãnh thổ của mình tấn công lực lượng Afghanistan bên trong Afghanistan. Nếu
Mỹ chỉ sử dụng những nguồn lực của mình để thực các mục tiêu thì Pakistan sẽ kịch
liệt phản đối. Như vậy là, “cuộc chiến chống khủng bố” đặt ra trước các nhà lập
chính sách Mỹ những tình huống tiến thoái lưỡng nan, rất khó xử.
Thậm
chí, sau vụ suy thoái kinh tế đi kèm với tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 và
khủng hoảng tài chính năm 2008, quân đội và kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù mạnh như thế, công dân Mỹ vẫn không cảm thấy được an toàn. Cuộc
chiến chống khủng bố còn lâu mới kết thúc và dường như không mang chiến thắng lại
gần hơn. Vấn đề là, liệu cường quốc mới nổi (hay liên minh các cường quốc) có
giành được vị trí ngang bằng với Mỹ hay không cũng chưa có lời giải. Và, mặc dù
ở Mỹ người ta vẫn rất tôn trọng quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Afghanistan - tất cả,
ngoại trừ một ít cố vấn quân sự, binh sĩ đã được rút về vào năm 2014 – quân đội
đã không còn được lòng dân như trước.
Tiêu điểm
Những diễn biến chính trong hai
thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới |
- Mạng lưới khủng
bố Al Qaeda tiến hành các vụ khủng bố ngay tại Mỹ và nhắm vào những quyền lợi
của Mỹ ở nước ngoài; Mỹ và các lực lượng liên minh đáp trả bằng những hành động
quân sự ở Afghanistan và Iraq. - Các vụ tấn công
khủng bố diễn ra ở Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Anh, Nigeria và Pháp. - Cuộc khủng hoảng
tài chính ở Mỹ, năm 2008, tàn phá nền kinh tế nước này và nhanh chóng lan
sang các nước khác. - Mùa xuân năm
2011, Tunisia trở thành quốc gia đầu tiên trong một loạt các quốc gia Ả Rập,
nơi các cuộc nổi dậy của dân chúng lật đổ nhà cai trị độc tài đã cầm quyền
trong thời gian dài. Kết quả của Mùa xuân Ả Rập vẫn chưa ngã ngũ. - Năm 2014, Trung
Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, trở thành nước chi cho quốc phòng lớn thứ
hai, sau Mỹ. Trung Quốc cũng bắt đầu các hoạt động nạo vét nhằm củng cố những
yêu sách lãnh thổ đầy tham vọng của mình ở Biển Đông. Căng thẳng giữa Trung
Quốc với các nước láng giềng và Mỹ leo thang. - Tháng 2 năm
2014, binh sĩ mặc đồng phục không có huy hiệu quốc gia bắt đầu chiếm đóng các
cơ quan chính phủ và truyền thông quan trọng ở Crimea. Tháng 3, Crimea bỏ phiếu
áp đảo về việc tái liên kết với nước Nga. Động thái này làm cho các nước châu
Âu và các nước có chung đường biên giới với Nga lo lắng. - Tháng 6 năm
2014, Nhà nước Hồi giáo tự xưng là Vương quốc Hồi giáo (caliphate), Abu Bakr
al-Baghdadi là quốc vương; và tung ra yêu sách lãnh thổ
ở những vùng với hơn mười triệu người ở Iraq và Syria sinh sống. Mỹ và liên
minh của các nước Ả Rập vẫn chưa đánh bại được IS hoặc làm suy yếu nghiêm trọng
quyền kiểm soát lãnh thổ của nhà nước tự xưng này. |
Các
sự kiện đương thời tiếp tục làm người ta bất ngờ. Tháng 12 năm 2010, vụ phản
kháng của một người đàn ông ở Tunisia làm bùng lên phong trào biểu tình của quần
chúng chống lại sự tàn bạo và nạn tham nhũng của nhà cai trị độc tài cầm quyền
trong thời gian dài ở Tunisia, Zine al-Abidine Ben Ali. Tháng 1 năm 2011, Ben
Ali bị lật đổ và chạy trốn tới Saudi Arabia. Nhưng phong trào biểu tình chống lại
các nhà lãnh đạo Ả Rập tham nhũng và tàn bạo không dừng lại ở đó. Các cuộc biểu
tình nhanh chóng bùng nổ ở Ai Cập, Libya, Yemen, Bahrain và sau đó là Syria.
Nhà lãnh đạo Ai Cập, Hosni Mubarak, bị bất ngờ và phải lựa chọn: Giết hàng loạt
người biểu tình hay từ chức. Quân đội Ai Cập không chịu bắn vào người biểu
tình, Mubarak buộc phải từ chức. Số phận của nhà lãnh đạo độc tài Libya,
Muammar Qaddafi, còn bi thảm hơn: Sau khi bị cuộc nổi dậy được Pháp và Mỹ ủng hộ
buộc phải rời bỏ quyền lực, Qaddafi bị bắt và bị sát hại.
Chú thích ảnh:
Người biểu tình ở Tunisia tấn công văn phòng của thủ tướng bằng chiếc quan tài
phủ cờ Tunisia, tháng 1 năm 2011. Nhiều chính phủ độc tài ở Trung Đông phải đối
mặt với những cuộc nổi dậy của quần chúng trong Mùa xuân Ả Rập.
Số
phận của cái mà hiện nay chúng ta coi là “Mùa xuân Ả Rập”, năm 2011, vẫn chưa
rõ ràng; ở Bahrain, cuộc biểu tình đã bị đàn áp một cách tàn bạo, còn ở Syria,
những toan tính của Bashar al Assad nhằm tiếp tục nắm quyền trước làn sóng phản
đối rộng khắp đã dẫn sự kiện là các lực lượng của ông ta đã giết hơn 70.000 người
Syria và gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn to lớn. Ở Ai Cập, rõ ràng là khó đạt được “dân chủ”, vì sau
khi Mubarak sụp đổ người ta đã bầu Muhammad Morsi (lãnh đạo một đảng tôn giáo
không được lòng dân) lên làm tổng thống, ông này sau đó đã bị quân đội Ai Cập
phế truất, và hiện nay do chính phủ lâm thời, thực chất là do quân đội, lãnh đạo.
Tuy nhiên, Mùa Xuân A Rập là sự kiện đáng chú ý vì hai lý do. Thứ nhất, nó chứng
tỏ rằng những lời tuyên bố của các chiến binh và những người Hồi giáo cực đoan
(ví dụ, Al Qaeda) rằng chỉ có các cuộc cách mạng Hồi giáo, các cuộc tấn công khủng
bố chống “phương Tây” và tái lập luật Hồi giáo nghiêm ngặt mới lật đổ được các
nhà cai trị độc tài A Rập là sai.
Thứ hai, sức mạnh của các cơ quan mật vụ và quân đội kết hợp với nhau cũng
không thể chống lại được quyền lực của những người thanh niên có điện thoại di
động, lòng can đảm và niềm tin.
Đằng sau những tiêu đề báo chí Tại sao quốc gia đầy sức mạnh như Nhật Bản lại không thể
triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài? Đầu năm 2015, hai
nhà báo người Nhật bị Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu. IS đã ghi lại và đưa
các vụ hành quyết - chặt đầu – rất chi tiết lên Internet, làm cho Nhật Bản và
toàn thế giới choáng váng và tức giận. Nhiều người, trong đó có Thủ tướng Nhật
Bản Shinzo Abe, kêu gọi Nhật Bản đáp trả bằng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, một
bài báo nhan đề “Vụ chặt đầu tạo ra cuộc tranh luận mới về những hạn chế áp đặt
lên quân đội Nhật Bản”a làm cho chúng ta chú ý tới “hạn chế” áp đặt
lên quân đội Nhật Bản. Những hạn chế này là gì? Xuất phát từ đâu? Tại sao chúng lại quan trọng? Hiện nay Nhật Bản
là nước dân chủ hiến định, nhưng trong quá khứ không phải lúc nào
cũng như thế. Hiến pháp Nhật Bản chủ yếu đã dựa trên mô hình của Mỹ, vì Mỹ là nước thắng trận chính và chiếm đóng
Nhật Bản sau khi Nhật Bản đầu hàng hồi Thế chiến II. Mặc dù Nhật Bản đã và vẫn
là quốc gia công nghiệp tiên tiến đầy sức mạnh, người dân có tay nghề và nền
kinh tế lớn thứ ba thế giới tính theo GDP, hiến pháp thời hậu chiến của nước
này có một số điều khoản và hạn chế đáng chú ý. Đứng đầu trong số này là cấm
sử dụng lực lượng vũ trang Nhật Bản ở nước ngoài (Điều 9). Vì vậy, ngoài các
hoạt động nhân đạo, lực lượng quốc phòng Nhật Bản bị cấm triển khai ở nước
ngoài. Chú thích ảnh: Hiện nay, lực lượng bảo vệ bờ biển
Nhật Bản vẫn là lực lượng quân sự quan trọng nhất ở Nhật Bản. Tương tự như nước
Anh ngày nay, một đảo quốc công nghiệp tiên tiến khác, Nhật Bản có lực lượng
bộ binh không lớn và có lực lượng hải quân khá mạnh nhằm bảo vệ các tuyến đường
vận tải thương mại hàng hải. Người ta tiếp tục tranh cãi về việc có nên tăng
cường lực lượng bộ binh và cho phép nước này triển khai quân ở nước ngoài hay
không. Những sự kiện xảy
ra trong lịch sử Nhật Bản đã trói chân trói tay, ngăn
chặn không cho nước này hành động. Nhiều nhà sử học khẳng định rằng trong Thế
chiến II, kẻ thù của Nhật và nạn nhân trong các chiến dịch quân sự của Nhật
cho rằng thái độ gây hấn và hành động tàn bạo trong giai đoạn chiếm đóng là đặc
điểm của dân tộc hay chủng tộc, chứ không phải là lãnh đạo tồi. Vụ thảm sát
Nam Kinh, ở đầu chương này là ví dụ về những sự kinh hoàng trong thời gian
đó. Đấy là là lý do vì sao biện pháp ngăn chặn việc sử dụng các lực lượng vũ
trang của Nhật Bản ở nước ngoài được đưa vào hiến pháp và được nhiều người
trong năm 1945 cho là hợp lý. Trái ngược với Đế chế Thứ ba của Đức, một nước
xâm lược lớn khác trong Thế chiến II. Trong trường hợp này, người ta gán phần
lớn tội lỗi lên nhà lãnh đạo Đức, Adolf Hitler, mặc dù nhiều người tin rằng một
số đặc điểm trong văn hóa Đức làm cho người Đức trở thành dân tộc hiếu chiến
và tàn bạo. Một số hạn chế đối với quân đội Đức cũng được đưa vào hiến pháp mới.
Những ràng buộc này có còn thích đáng nữa hay không? Thời gian thay đổi;
các quy tắc cũng thay đổi. Các bản hiến pháp có thay đổi cùng với thời gian?
Nếu có thì thay đổi như thế nào và nhanh tới mức nào? Cuộc tranh luận về vấn
đề này đang diễn ra ở cả Nhật Bản lẫn Đức. Trong trường hợp Nhật Bản, việc
không sử dụng lực lượng quân sự ở nước ngoài có còn là biện pháp hữu ích
trong việc bảo vệ công dân của mình trước những hành động khủng bố hay ngược
đãi ở bên ngoài Nhật Bản hay không? Hạn chế về việc sử dụng lực lượng quân sự
có làm giảm sức mạnh của Nhật Bản hay không? Khi nào Nhật Bản có thể trở
thành, một lần nữa, quốc gia “bình thường”, tức là quốc gia có thể bảo vệ lợi
ích quốc gia của mình như tất cả các quốc gia khác đang làm?
|
a.
Martin Fackler, “Beheadings Frame a New Debate About Restraints on Japan’s
Military,” New York Times, February 3, 2015.
Cần
phải chú ý tới bốn hiện tượng trong thời gian gần đây. Thứ nhất, “trỗi dậy hòa
bình của Trung Quốc”, thuật ngữ được lãnh đạo Trung Quốc sử dụng lần đầu vào
năm 2003; có nghĩa là thể hiện sức mạnh về kinh tế, quân sự, và ngoại giao của
Trung Quốc sao cho các lân bang không cảm thấy sợ hãi và bất an. Nhưng, từ năm
2014, Trung Quốc đã và đang khuếch trương lực lượng quân sự của mình với tốc độ
rất cao, làm cho nước này có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ngoài ra, năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu nạo vét rất nhiều cát để bồi đắp các
rạn san hô ở vùng biển tranh chấp trong quần đảo Trường Sa. Những hòn đảo trong
quần đảo này là nguồn lực chiến lược quan trọng đối với Việt Nam, Philippines,
Malaysia và Đài Loan, những nước này cũng đáp trả bằng chương trình nạo vét của
mình, với quy mô nhỏ hơn hẳn. Nếu thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc
có mục đích làm giảm những lo ngại trong khu vực và trên trường quốc tế liên
quan đến quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thì chi tiêu quân sự và bồi
đắp của Trung Quốc lại có tác động ngược lại. Tháng 10 năm 2015, Hải quân Mỹ đã
đưa tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường, USS Lassen, vào trong khu vực 12 hải
lý của một trong những hòn đảo nhân tạo để phản đối, và căng thẳng trong khu vực
- không chỉ nằm trên các tuyến đường vận tải quan trọng mà còn được cho là có
nhiều mỏ dầu khí - tiếp tục gia tăng.
Thứ
hai, năm 2014, Liên bang Nga xâm lược Ukraine – quốc gia độc lập, có chủ quyền,
sau đó sáp nhập tỉnh Crimea (cùng với hải cảng chiến lược quan trọng, Sevastopol)
của Ukraine. Không phải binh sĩ Nga mặc quân phục Nga làm việc này, mà là các
binh sĩ Nga (thường là lực lượng đặc biệt) mặc đồng phục nhưng không có phù hiệu
(cách làm mà hiện nay người ta gọi là chiến tranh Hybrid (lai)). Chiến thuật
này tạo điều kiện cho cả chính phủ Nga và NATO cũng như những người đại diện
cho EU ủng hộ lập luận, nói rằng luật pháp quốc tế không hề bị vi phạm, mặc dù
không có nhà chức trách đáng tin cậy nào ở bên ngoài nước Nga tin khẳng định
này. Có lẽ nguy hiểm nhất trong chính sách đối ngoại của Nga ở Ukraine không phải
là việc sáp nhập Crimea, mà là tiền lệ mà hành động này đặt ra. Trong một động
thái làm người ta nhớ lại tuyên bố của Đức về người Đức ở Sudeten, năm 1938, đấy
là Nga khẳng định rằng, sau khi chính quyền hợp pháp ở Ukraine bị lật đổ trong
một cuộc đảo chính, công dân của mình ở Crimea và Ukraine đang bị đe dọa về thể
xác. Các thành viên NATO, như Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia
và Lithuania lo ngại rằng Nga có thể sử dụng chiến thuật tương tự nhằm hạ bệ
chính phủ của mình và sáp nhập phần lớn lãnh thổ của những nước này.
Thứ
ba, Đức là động cơ đáng tin cậy nhất về năng suất và tăng trưởng kinh tế của
EU, nhưng từ năm 2009, sức khỏe của nền kinh tế và thậm chí cả tính bền vững
trong dài hạn của khu vực đồng Euro (Eurozone) cũng đã trở thành vấn đề được
nhiều người quan tâm. Các thành viên EU như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây
Ban Nha và Cyprus cho thấy họ không có khả năng trả nợ hoặc tái cấp vốn cho các
khoản vay của chính phủ. Việc mất khả năng trả nợ của những nước này dẫn đến những
căng thẳng chính trị nghiêm trọng giữa Đức với các quốc gia “phương Bắc” của
khu vực đồng Euro. Các nước giàu có hơn bị ép phải bỏ các khoản nợ này. Còn những
nước nợ nần thì tuyên bố rằng nguyên nhân của những vấn đề kinh tế có là gì đi
nữa thì để cho họ phá sản là hủy hoại Liên minh châu Âu và, nói rộng ra, hủy hoại
nền hòa bình tương đối mà người châu Âu kỳ vọng. Những vấn đề này - cùng với
các vấn đề liên quan mật thiết là di cư và người tị nạn – sẽ được trình bày chi
tiết hơn trong các Chương 7, 9 và 10.
Thứ
tư, quá trình tước bỏ quyền lực của các nhà độc tài đầy quyền lực trong mùa
xuân Ả Rập đã giúp Nhà nước Hồi giáo (IS), đôi khi được gọi là ISIS (Nhà nước Hồi
giáo ở Iraq và Syria) hoặc ISIL (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant) ngóc đầu dậy,
ảnh hưởng không những tới Syria, Lebanon, và Iraq, mà còn tới cả Iran và thậm
chí châu Âu (nhiều người tị nạn từ khu vực này đã tìm cách xin cư trú ở châu
Âu). Ngoài sự tàn bạo không cần dấu diếm của nó (trong đó có hãm hiếp có chủ ý
và có hệ thống các cô gái không theo Hồi giáo trong những vùng nằm dưới quyền
kiểm soát của họ) và thái độ bảo thủ tôn giáo (dựa vào những lời giải thích rất
hạn hẹp và sai lầm về kinh Koran và lời nói của nhà Tiên Tri), IS chiếm và vẫn
giữ được những khu vực rộng lớn trong vùng lãnh thổ của Iraq và Syria và đã phá
hủy một cách có hệ thống các di sản văn hóa trong những các vùng lãnh thổ mà họ
chiếm được, vì họ khẳng định rằng đây là tôn thờ ngẫu tượng. Chúng ta sẽ thảo
luận về IS trong Chương 8.
Đối
với tất cả các quốc gia trong thiên niên kỷ mới, ngoài những hiện tượng dường
như là sự xuất hiện của các cuộc xung đột do chính sách thực dụng (realpolitik)
kiểu cũ gây ra, thì hai vấn đề chính vẫn còn tiếp tục phát triển: (1) Các vấn đề
xuyên quốc gia trong thập kỷ đầu tiên – những vấn đề quan trọng vượt ra ngoài
biên giới quốc gia, ví dụ, tôn giáo, tội phạm có tổ chức, bệnh truyền nhiễm,
môi trường, an ninh trên không gian ảo và khủng bố - trở thành dễ hay khó khắc
phục hơn? (2) Các quốc gia phải dành năng lực của đất nước mình cho những mục
tiêu nào: quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao và chính trị? Ngăn chặn và loại
bỏ chủ nghĩa khủng bố sẽ trở thành mục tiêu mới, mang tính dân tộc, của các quốc
gia? Ngăn chặn thảm họa môi trường toàn cầu có phải là mục tiêu mới? Tìm cách
khắc phục bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng về thu nhập trên toàn thế giới
có phải là mục tiêu mới? Những mục tiêu quốc gia và quốc tế nào sẽ được coi là
ưu tiên trong nền chính trị thế giới trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI,
và ai là người dẫn đường?
Tổng kết: Những bài học từ lịch sử
Đặc
điểm của thế giới trong thiên niên kỷ mới có phải là các cường quốc tăng cường
hợp tác với nhau hay sẽ là kỷ nguyên xung đột giữa các nước hay xung đột về các
tư tưởng mới? Những vụ xung đột lợi ích gần đây ở Bắc Phi, Biển Đông và vùng
ngoại vi địa chính trị của nước Nga có phải là tín hiệu của sự quay lại của hệ
thống đa cực hồi thế kỷ XIX? Hay toàn bộ khái niệm về phân cực đã lỗi thời? Làm
sao dự đoán được những điều tương lai sẽ mang tới hay tương lai sẽ mô tả thời đại
hiện nay như thế nào? Bản sắc đang thay đổi của
các nhà nước và tương tác của các tác nhân và tổ chức nằm ngoài nhà nước có ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi
và khả năng của các quốc gia trên đường tiến lên phía trước?
Chúng
ta có bước đi đầu tiên nhằm trả lời những câu hỏi, đấy là nhìn về quá khứ. Khảo
sát quá trình phát triển các mối quan hệ quốc tế đương đại tập trung vào cách
thức hình thành và tiến hóa theo thời gian của các khái niệm cốt lõi về quan hệ
quốc tế, đặc biệt là nhà nước, chủ quyền, quốc gia, cân bằng quyền lực và hệ thống
quốc tế. Từng khái niệm đã phát triển trong bối cảnh lịch sử cụ thể, là những
viên gạch tạo nên các mối quan hệ quốc tế đương đại. Nhà nước đã được củng cố,
nhưng chủ quyền quốc gia có thể bị xói mòn - cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Sau
khi hệ thống lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh chấm dứt, những đặc điểm chính của
hệ thống quốc tế đương đại đang thay đổi.
Hơn
nữa, chúng ta đã thấy rằng, cách các dân tộc và các nhà lãnh đạo của họ nhớ các
sự kiện ảnh hưởng một cách đáng kể đến cảm nhận của họ về tính chính danh của bất
kỳ mục đích hoặc hành động nào. Trung Quốc nhớ tới vụ Thảm sát Nam Ninh năm
1937 và nghĩ rằng Nhật Bản chưa bao giờ thừa nhận một cách thỏa đáng những hành
động tàn bạo mang tính phân biệt chủng tộc ở Trung Quốc thời Thế chiến II hiện
vẫn còn gây nhiều rắc rối cho quan hệ Trung -Nhật Bản. Và ký ức của Iran về sự
giúp mà trước đây Mỹ và Anh dành cho vua Iran (Iran coi nhà độc tài này là xấu
xa) và cuộc xâm lược hai quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo là Iraq và
Afghanistan – có ảnh hưởng mạnh đến quan điểm của Iran về việc sở hữu vũ khí
răn đe hạt nhân của riêng mình. Như vậy là, tìm hiểu các sự kiện lịch sử là biện
pháp tốt để hiểu động cơ của các nhà lãnh đạo hiện nay và các dân tộc mà họ
lãnh đạo.
Để
giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những xu hướng của quá khứ và cách chúng gây ảnh
hưởng lên tư duy đương thời, chúng ta sẽ quay sang phần lý thuyết. Lý thuyết
làm cho phân tích diễn ra theo lớp lang; cung cấp cho chúng ta lời giải thích tổng
quát các sự kiện cụ thể. Trong Chương 3, chúng ta sẽ xem xét các lý thuyết đối
chọi nhau về quan hệ quốc tế. Các lý thuyết này nhìn lại quá khứ từ các những
quan điểm hoàn toàn khác nhau.
Câu hỏi thảo luận
1.
Hiệp ước Westphalia thường được coi là khởi nguồn của các quan hệ quốc tế hiện
đại. Tại sao hiệp ước này lại cột mốc hữu ích? Cột mốc này bỏ qua những nhân tố
nào?
2.
Quá trình thực dân hóa của các cường quốc châu Âu đã chính thức chấm dứt. Tuy
nhiên, ảnh hưởng của thời kỳ thuộc địa thì vẫn còn. Hãy giải thích với các ví dụ
cụ thể.
3.
Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Thảo luận hai sự kiện đang diễn ra, trong đó, nền
chính trị của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại .
4.
Quá trình phát triển môn quan hệ quốc tế gắn bó chặt chẽ với lịch sử Tây Âu và
Mỹ. Với sự thiên vị theo nền văn minh như thế, chúng ta có thể bỏ sót điều gì?
Những thuật ngữ chính
Cân
bằng quyền lực balance of power (p. 35)
Chủ
nghĩa tư bản capitalism (p. 46)
Chiến
tranh lạnh Cold War (p. 44)
Chủ
nghĩa thực dân colonialism (p. 31)
Ngăn
chặn containment (p. 45)
Giảm
căng thẳng détente (p. 56)
Răn
đe deterrence (p. 48)
Hiệu
ứng domino domino effect (p. 52)
Bá
quyền hegemon (p. 35)
Chiến
tranh hybrid hybrid warfare (p. 66
Chủ
nghĩa đế quốc imperialism (p. 31)
Hội
quốc liên League of Nations (p. 39)
Tính
chính danh legitimacy (p. 26)
Dân
tộc nation (p. 26 )
Chủ
nghĩa dân tộc nationalism (p. 26)
Khối
Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương North Atlantic Treaty Organization (NATO) (p. 46)
Chủ
nghĩa xã hội socialism (p. 46)
Chủ
quyền sovereignty (p. 23)
Hội
nghị thượng đỉnh summits (p. 56)
Xuyên
quốc gia Transnational (p. 67)
Hiệp
ước Westphalia Treaties of Westphalia (p. 23)
Cuộc
chiến chống khủng bố war on terrorism (p. 61)
Hiệp
ước Warsaw Warsaw Pact (p. 49)
Vũ
khí hủy diệt hàng
loạt weapons of mass destruction (WMD)
(p.
61)
Ghi
chú ảnh: Đại úy lục quân, Kristen Griest, và trung úy Hải quân Mỹ, Shaye Haver,
chúc mừng nhau sau khi hoàn thành mỹ mãn khóa huấn luyện biệt kích. Ngày 21
tháng 8 năm 2015, hai người trở thành những phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ tốt
nghiệp chương trình huấn luyện này. Họ đáp ứng những tiêu chuẩn tương tự như 94
nam giới tốt nghiệp cùng khóa với mình.
[1] Jean Bodin, Six Books on the Commonwealth, trans. M. J. Tooley (Oxford: Basil
Blackwell, 1967), p. 25.
[2] Bodin, Commonwealth, p. 28.
[3] Bodin, Commonwealth, p. 28
[4] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (New
York: Modern Library, 1937).
[5] John Locke, Two Treatises on Government (Cambridge, UK: Cambridge University
Press, 1960).
[6] Hilaire Belloc, as quoted in John
Ellis, A Social History of the Machine
Gun (New York: Random House, 1975), p. 18.
[7] Quoted in A. C. Walworth, Woodrow Wilson (Baltimore, MD: Penguin,
1969), p. 148.
[8] E. H. Carr, The Twenty Years’ Crisis, 1919–1939: An Introduction to the Study of
International Relations (New York: Harper Torchbooks, 1939, rep. 1964), p.
224.
[9] P. M. H. Bell, The Origins of the Second World War in
Europe (New York: Longman, 1986), pp. 151–52.
[10] John Dower, War Without Mercy: Race and Power in the Pacific War (New York:
Pantheon Books, 1986).
[11] George F. Kennan [“X”], “fte
Sources of Soviet Conduct,” Foreign
Affairs 25 (July 1947): 566–82.
[12] Quoted in Charles W. Kegley Jr.
and Eugene R. Wittkopf, World Politics:
Trend and Transformation, 5th ed. (New York: St. Martin’s, 1995), p. 94.
[13] Joseph Stalin, “Reply to
Comrades,” Pravda, August 2, 1950.
[14] Mikhail Gorbachev, “Reality and
Guarantees for a Secure World,” as reported in Foreign Broadcast Information
Service, Daily Report, Soviet Union, September 17, 1987, p. 25.
No comments:
Post a Comment