CỐT LÕI TRONG
QUAN HỆ QUỐC TẾ
Karen A. Mingst
và
Ivan M.
Arrenguin-Toft
Phạm
Nguyên Trường dịch
Lời
nói đầu
Đến nay, đã có nhiêu cuốn sách giáo khoa ngắn gọn về quan hệ quốc tế. Cuốn sách này ban
đầu được chấp bút với mục đích có một quyển sách không chỉ nói trúng các vấn đề và ngắn gọn súc tích, mà còn, theo lời Roby Harrington của
nhà xuất bản W. W. Norton, nhằm thể hiện rõ ràng những điểm nào là cốt lõi và những điểm nào thì không.
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy việc xử lý những khái niệm và thông tin quan trọng
nhất của cuốn sách đã đứng vững trước thách thức của thời gian.
Lần
tái bản thứ bảy tác phẩm Cốt lõi trong
quan hệ quốc tế, sau hơn mười lăm năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, vẫn giữ
nguyên cấu trúc tổng quát của các phiên bản trước. Sinh viên cần một lịch sử ngắn
gọn về quan hệ quốc tế để hiểu lý do vì sao chúng ta nghiên cứu chủ đề này và
kiến thức hiện nay được hình thành từ những cái trước đó như thế nào. Phần cơ sở này được trình bày trong Chương 1 và
2. Các lý thuyết cung cấp những khuôn khổ diễn giải, giúp người đọc hiểu những
sự kiện đang xảy ra trên thế giới và cấp phân tích - hệ thống quốc tế, nhà nước
và cá nhân - giúp chúng ta tiếp tục tổ chức tốt hơn
và khái niệm hóa các tài liệu. Trong các Chương 3–7, chúng tôi
trình bày những lý thuyết cạnh tranh nhau và sử dụng chúng để minh họa cách áp dụng các cấp phân
tích và cách xem xét các tổ chức quốc tế, luật pháp quốc tế và các tổ chức phi
chính phủ. Sau đó, những vấn đề chính của thế kỷ XXI - an ninh, kinh tế, nhân
quyền, và những vấn đề xuyên quốc gia - được trình bày và phân tích trong các
Chương 8-11.
Lần
in thứ bảy, được duyệt lại toàn bộ, có bổ sung thêm những tài liệu mới về khủng
bố, an ninh trên không gian mạng
và những đe dọa hạt nhân; ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia
khác đối với hoạt động tài chính và thương mại trong nền kinh tế toàn cầu; và
những thách thức tạo ra bởi khu
vực sử dụng đồng Euro và cuộc khủng hoảng người tị nạn đối với tương lai của
EU. Người tị nạn và những người bị
cưỡng bức di cư trong nội bộ các quốc gia được thảo luận
như những vấn đề nhân quyền và nhân đạo. Những thách thức về biến đổi khí hậu
và những mối đe dọa đang gia tăng liên tục đối với sức khỏe con người có tầm ảnh hưởng toàn cầu như bệnh
Ebola cũng là những vấn đề mới được bổ sung.
Chương trình sư phạm phong phú của những lần in trước đã được sửa đổi,
trên cơ sở các đề nghị của những người chấp nhận cuốn sách và những nhà phê
bình:
-
Mỗi chương đều mở đầu bằng một câu chuyện mới “từ các tiêu đề báo chí”, được lựa chọn nhằm giúp sinh
viên áp dụng những khái niệm được thảo luận trong chương vào vấn đề đang diễn ra. Sau đó, trong mỗi
chương, những tít này
được thảo luận trong phần phía sau các tiêu
đề báo chí, bằng cách sử dụng những khái niệm và ý tưởng vừa được trình bày. Các chủ
đề thảo luận gồm có những nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine; hậu quả của biến đổi khí hậu; và Nga, Syria và hệ thống
quốc tế.
- Phần các Quan điểm trên thế giới được
cập nhật với những quan điểm mới – trong đó có an ninh trên không gian mạng, theo quan điểm của Vương quốc Anh, cuộc khủng hoảng của
khu vực sử dụng đồng Euro theo quan điểm của
Hy Lạp, quan điểm của nhà nước đang vươn lên như Ấn Độ, và quan điểm của
Vatican. Cách làm như thế khuyến khích sinh viên xem xét vấn đề cụ thể từ quan điểm của nhà nước cụ thể.
-
Phần đánh giá ở cuối chương có các câu hỏi
thảo luận và danh sách các thuật ngữ
chính của mỗi chương,
nhằm giúp sinh viên ghi nhớ, áp dụng và tổng
hợp những điều đã học.
-
Các Bảng Tóm
lược lý thuyết và tiêu điểm và nhiều bản đồ, hình vẽ và bảng biểu
rải rác trong toàn bộ cuốn sách nhằm tóm tắt các ý tưởng chính.
Nhiều
thay đổi được thực hiện theo đề nghị của các chuyên gia phê bình, chủ yếu là giảng
viên từng dùng cuốn sách này để dạy học. Dù không thể đáp ứng tất cả các đề xuất (không phải tất cả các nhà phê bình
đều đồng ý với nhau),
chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận những đề xuất khác nhau và xin cảm ơn các nhà
phê bình đã dành thời gian để góp ý.
Chúng tôi xin cảm ơn những nhà phê bình sau đây về đóng góp của họ cho lần xuất
bản này: Baktybek Abdrisaev, Utah Valley University; Benjamin Appel, Michigan
State University; Dlynn Armstrong-Williams, University of North Georgia; Mark
Baron, University of Calgary; Michael Beckley, Tufts University; Celeste
Beesley, Brigham Young University; Tabitha Benney, University of Utah; Cynthia
A. Botteron, Shippensburg University; John W. Dietrich, Bryant University;
Kathryn Fisher, National Defense University; Andrea B. Haupt, Santa Barbara
City College; Cynthia Horne, Western Washington University; Paul E. Lenze, Jr.,
Northern Arizona University; Heather Elko McKibben, University of California,
Davis; Lyle Stevens, Iowa Central Community College; Kendall Stiles, Brigham
Young University; and Bradford Young, Snow College.
Trong
ấn bản này, Karen Mingst xin đặc biệt cảm ơn chồng bà, Robert Stauffer. Robert
Stauffer luôn dành cả không gian lẫn sự động viên, cũng như thực hiện quá một nửa
gánh nặng trong gia đình. Không những vậy,
ông còn thường xuyên đề nghị, tương tự như hai
người con đã trưởng thành của chúng tôi, Ginger và Brett, tôi viết - một cuốn sách khác, một lần xuất
bản nữa! Đứa cháu còn chập chững của chúng tôi, Quintin, vẫn chưa làm chủ được
không gian và thời gian! Cháu là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc sống khoảnh khắc hiện tại.
Trong
lần xuất bản này, Ivan Arreguín-Toft xin được cảm ơn nhiều người; đặc biệt là vợ
tôi Monica Toft, và các con tôi, Sam và Ingrid Toft. Tôi cũng rất cám ơn Roby
Harrington, những lời khuyên uyên bác và tinh thần lạc quan không suy suyển của
ông luôn luôn là chất xúc tác cho những nỗ lực cao nhất của tôi. Cuối cùng, tôi
xin đặc biệt cảm ơn Karen Mingst, tầm nhìn mang tính sư phạm, mục đích rõ ràng
và đầy sức mạnh của bà mà chỉ có thái
độ sẵn sàng đối diện với thách thức mang tính phê phán chính mình và tôi của bà mới có thể sánh ngang với
công việc phức tạp và mang lại nhiều tưởng
thưởng là tiếp tục chấp bút cuốn sách giáo khoa cô đọng, hấp dẫn và toàn diện
nhất thế giới này.
Chúng
tôi gặp may vì có những biên tập viên của W. W. Norton, những người đã chăm nom
cho những lần xuất bản khác nhau: Ann Shin, biên tập viên của bốn lần xuất bản
đầu tiên, chị đã biết cuốn sách này cũng như các tác giả của nó. Chị luôn là nguồn suối dồi dào các ý tưởng và nhiêt huyết.
Lisa Camner McKay đã có nhiều gợi ý mang tính xây dựng và nhanh chóng hiểu được
điểm mạnh và điểm yếu cá nhân và tập thể của chúng tôi. Pete Lesser là người liên lạc điềm tĩnh cho lần tái bản này, ông dành sự quan tâm mang tính cá
nhân trong việc phát triển những đặc tính mới, giúp chúng tôi tập trung vào nhiệm
vụ và thời gian, và thể hiện kỹ năng biên tập khó ai bằng trong suốt quá trình
này. Và Samantha Held đã lãnh đạo quá trình biên tập một cách khẩn trương. Tóm
lại, nhiều người có tài, chuyên nghiệp và thú vị đã đóng góp vào việc hoàn
thành ấn phẩm này. Cho đến nay, chúng tôi coi đây là ấn bản tốt nhất. Chúng tôi
luôn luôn cảm thấy biết ơn về điều đó.
CHƯƠNG
1
Những
cách tiếp cận vấn đề
quan hệ quốc tế
Năm
2012, Martin Dempsey, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (Mỹ -
ND), nhận xét rằng thế giới đã trở nên “nguy hiểm hơn bao giờ hết”. Nếu chúng
ta liên tục nghe tin tức và các
phương tiện truyền thông xã hội suốt 24 giờ, chúng ta sẽ bị nhấn chìm
trong các báo cáo về việc Nhà nước Hồi giáo (IS) giết người dân Paris và làm nổ
tung những địa điểm khảo cổ cổ đại; máy bay không người lái đánh trúng mục tiêu
không dự tính trước ở Pakistan; đàn ông, phụ nữ và trẻ em bám vào những chiếc
thuyền ọp ẹp để chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và khó khăn kinh tế; và hàng
ngàn người dân Haiti, Philippines và Indonesia bỏ chạy khỏi thảm họa thiên tai.
Những hình ảnh sống động đó làm cho những sự kiện như thế dường như đang xảy ra
ở khắp mọi nơi, và có lẽ đang xảy ra ngay bên cạnh chúng ta. Và Dempsey, người
chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho nước Mỹ, cũng nhận thức được những mối đe
dọa ngay ngay trước mắt.
Tuy
nhiên, nhà tâm lý học Steven Pinker, tác giả cuốn: The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (tạm dịch:
Những vị thần tốt đẹp hơn trong bản chất
của chúng ta: Vì sao bạo lực giảm?), xuất bản năm 2011, rút ra kết luận nói
rằng “chúng ta có thể đang sống trong thời đại hòa bình nhất trong suốt giai đoạn
tồn tại của loài người”. Dempsey và Pinker đồng ý rằng số lượng các cuộc chiến
tranh giữa các nước đã giảm, số người chết do các cuộc chiến tranh đó gây ra
cũng giảm. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cuộc nội chiến cũng đã giảm.
Nếu tất cả những điều vừa nói là đúng, tại sao tác giả này có thể lạc quan về
khả năng sống chung một cách hòa bình, còn học giả khác thì bi quan hơn? Các nhà nghiên cứu xuất phát từ những lý thuyết khác nhau?
Họ nghiên cứu những dữ liệu, sử dụng những khoảng thời gian khác nhau?
Vị
trí của bạn trong thế giới là khá phức tạp. Bạn là thành viên của gia đình; cha
hoặc mẹ của bạn có thể làm việc cho công ty đa quốc gia; bạn có thể là thành
viên của một tổ chức phi chính phủ (NGO), ủng hộ một sự nghiệp đặc biệt mà bạn
cho là cao quý; bạn có thể là tín hữu Kitô giáo, Do Thái, hoặc Hồi giáo, hoặc bạn có thể thuộc một sắc dân với các thành
viên sống trên khắp thế giới; quốc gia của bạn có thể bao gồm các đơn vị khác
nhau, cùng có trách nhiệm đối với các vấn đề có ý nghĩa xuyên quốc gia; nhà nước
của bạn có thể có quan hệ ngoại giao và thương mại với các quốc gia trên khắp
thế giới; nhà nước của bạn có thể tham gia vào các hoạt động của các tổ chức
phi chính phủ quốc tế và có thể là thành viên của nhiều tổ chức liên chính phủ.
Các tác nhân đa dạng
trong quan hệ quốc tế không chỉ bao gồm 193 quốc gia hiện đã được công nhận,
cùng với các nhà lãnh đạo và các cơ quan chính phủ của họ, mà còn cả các chính
quyền thành phố, các tổ chức tìm kiếm lợi nhuận và phi lợi nhuận tư nhân, các tổ
chức quốc tế và cả bạn nữa.
Quan
hệ quốc tế, như một lĩnh vực trong môn khoa học chính trị, nghiên cứu các tương
tác giữa các tác nhân tham gia vào đời sống chính trị quốc tế. Đây là nghiên cứu
về hành vi của những tác nhân này khi họ tham gia một cách riêng rẽ và cùng
nhau trong các tiến trình chính trị quốc tế. Quan hệ quốc tế còn là lĩnh vực
nghiên cứu liên ngành, có sử dụng các khái niệm và tài liệu lịch sử, kinh tế,
và nhân loại
học, cũng như khoa học chính trị.
Làm
sao chúng ta có thể bắt đầu nghiên cứu hiện tượng đa diện, được gọi là quan hệ
quốc tế? Làm sao chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ theo lối lý thuyết về những
hiện tượng dường như không liên quan với nhau? Làm sao chúng ta có thể bắt đầu
trả lời những câu hỏi nền tảng về quan hệ giữa các quốc gia: bản tính của con người và nhà nước là gì? Quan
hệ giữa cá nhân và xã hội là gì? Hệ thống quốc tế được tổ chức như thế nào?
Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác.
Đối tượng nghiên cứu
- Tìm hiểu cách thức quan hệ quốc tế ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày của
bạn.
- Giải thích lý do vì sao chúng ta nghiên cứu lý thuyết quan hệ quốc tế.
- Phân tích cách thức sử dụng lịch
sử và triết học trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.
- Mô tả đóng góp của thuyết hành vi (behavioralism) vào khoa quan hệ quốc tế.
- Giải thích cách thức và lý do vì sao những phương pháp tiếp cận mới đã
và đang thách thức những phương pháp tiếp cận truyền thống.
Chú thích ảnh:
Các tổ chức phi chính phủ và các thành viên của họ thường phản ứng với các vấn
đề có tầm mức quốc tế. Trong ảnh, các tình nguyện
viên của các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Lebanon đang phân phối viện trợ
cho những người tị nạn Syria ở trại tị nạn Al-Masri, tháng 10 năm 2014.
Tư
duy theo lối lý thuyết
Các
nhà chính trị học xây dựng các lý thuyết hoặc hệ thống các ý tưởng nhằm tìm hiểu nguyên nhân của các sự
kiện xảy ra mỗi ngày trong quan hệ quốc tế và trả lời những câu hỏi nền tảng
trong lĩnh vực này. Dù có nhiều lý thuyết cạnh tranh với nhau, trong cuốn sách
này, chúng ta sẽ xem xét bốn trong số những lý thuyết nổi bật nhất: Chủ nghĩa
hiện thực (realism) và chủ nghĩa tân hiện thực (neorealism), chủ nghĩa tự do
(liberalism) và thuyết thể chế tân tự do
(neoliberal institutionalism), quan điểm cực đoan (radical perspectives) xuất phát từ chủ
nghĩa Marx và chủ nghĩa kiến tạo
(constructivism).
Nói
ngắn, chủ nghĩa hiện thực cho rằng các quốc gia sống trong hệ thống quốc tế vô
chính phủ; nghĩa là, không có quyền lực có khả năng kiểm soát tất cả. Mỗi nhà nước xây dựng chính sách của mình trên cách giải thích của nó về lợi
ích quốc gia, được định nghĩa bằng
sức mạnh. Cấu trúc của
hệ thống quốc tế được xác định bởi phân bố quyền lực giữa các quốc gia. Ngược lại,
về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ một số nền triết học cho rằng bản chất con người
về cơ bản là tốt. Các cá nhân lập ra các nhóm và, sau đó, lập ra nhà nước. Nói
chung, các quốc gia hợp tác với nhau và tuân thủ các quy tắc và thủ tục quốc tế
mà họ thỏa thuận ủng hộ. Lý thuyết cực đoan có
nguồn gốc từ kinh tế học. Hành động của các cá nhân chủ yếu được xác định bởi
giai cấp kinh tế; nhà nước là đại lý của chủ nghĩa tư bản quốc tế; và hệ thống
quốc tế được phân tầng một cách chặt
chẽ, bị thống trị bởi hệ thống tư bản quốc tế.
Tiêu điểm Những câu hỏi nền tảng về quan
hệ quốc tế
|
-
Làm sao mô tả được bản chất của con người nói chung? -
Quan hệ giữa cá nhân và xã hội là gì? -
Tính chất và vai trò của nhà nước là gì? -
Hệ thống quốc tế được tổ chức như thế nào? |
Trái
Ngược lại với cả chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa tự do, những người theo thuyết
kiến tạo về quan hệ quốc tế cho rằng
các cấu trúc quan
trọng trong hệ thống nhà nước không phải mang tính vật chất mà mang tính xã
hội và phụ thuộc vào tư tưởng. Lợi ích của các nhà nước không phải là nhất
thành bất biến mà có thể bị tác động và luôn luôn thay đổi. Cả bốn lý thuyết
này đều có thể được các học giả - những người phân tích quan hệ quốc tế - giải
thích khác nhau. Các lý thuyết này giúp chúng ta mô tả, giải thích và dự đoán.
Những lý thuyết khác nhau này giúp chúng ta xem xét quan hệ quốc tế từ những
quan điểm khác nhau. Như nhà nghiên cứu chính trị Stephen Walt giải thích:
“Không có cách tiếp cận duy nhất nào có thể nắm bắt tất cả sự phức tạp của nền
chính trị thế giới đương đại. Vì thế, có một loạt các ý tưởng cạnh tranh với
nhau thì hơn là một học thuyết chính thống duy nhất. Sự cạnh tranh giữa các lý
thuyết giúp chúng ta hiểu điểm mạnh và điểm yếu của chúng và thúc đẩy quá trình
cải tiến sau đó, trong khi khám phá những sai
sót trong lý thuyết được
nhiều người chấp nhận”[1].
Chúng ta sẽ nghiên cứu những tư tưởng cạnh tranh này, nghiên cứu điểm mạnh và
điểm yếu của chúng trong phần còn lại của cuốn sách.
Phát triển những
câu trả lời
Làm
sao các nhà chính trị học tìm được thông tin nhằm đánh giá mức độ chính xác, sự
liên quan và sức mạnh của
các lý thuyết của họ? Họ dùng lịch sử, triết học và phương pháp khoa học để trả lời những câu hỏi nền tảng
trong lĩnh vực của mình.
Lịch sử
Nghiên
cứu quan hệ quốc tế thường bắt đầu bằng lịch sử. Không có nền tảng lịch sử, thì
không thể hiểu được nhiều vấn đề quan trọng hiện nay. Lịch sử nói với chúng ta
rằng những vụ đánh bom ở Israel do Hamas thường xuyên tiến hành là một phần của vụ tranh chấp
lãnh thổ giữa người Ả Rập và người Do Thái, có từ thời kỳ xuất hiện Kinh thánh,
còn nguồn gốc hiện nay là việc thành lập nhà nước Israel vào năm 1948. Cuộc nội
chiến kéo dài 20 năm giữa người Hồi giáo phía Bắc và Kitô giáo/tín đồ vật linh ở
miền Nam và cuộc khủng hoảng ở Darfur bắt đầu vào năm 2003 là sản phẩm của việc
chính quyền trung ương bỏ bê các khu vực ngoại vi trong một thời gian dài, lại
bị những khác biệt về tôn giáo và thiên tai làm cho trầm trọng thêm. Không có nền tảng lịch sử như thế, chúng ta
không thể bàn giải pháp phù hợp cho vụ tranh chấp Ả Rập-Israel, cũng như không
thể hiểu vì sao việc thành lập Cộng hòa Nam Sudan, năm 2011, không phải là giải
pháp cho cuộc khủng hoảng Darfur.
Như
vậy, lịch sử cung cấp cho chúng ta nền tảng cực kì quan trọng cho việc nghiên cứu
quan hệ quốc tế. Lịch sử quan trọng đến mức cho đến đầu thế kỷ XX lĩnh vực này
vẫn chưa được tách thành ngành
nghiên cứu riêng biệt. Trước đó, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, ở hầu hết các cơ
sở giáo dục, quan hệ quốc tế là một phần của lĩnh vực nghiên cứu lịch sử ngoại
giao. Kiến thức về lịch sử ngoại giao và lịch sử dân tộc vẫn là những yếu tố quyết định đối với những người
nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Lịch
sử không chỉ khuyến khích các nhà nghiên cứu tìm kiếm kiến thức chi tiết về
các sự kiện cụ thể, mà còn có thể được sử dụng để kiểm tra những kết luận mang
tính khái quát. Có những sự kiện điển hình của quá khứ đã được giải mã, người
nghiên cứu lịch sử có thể bắt đầu giải thích những mối quan hệ giữa các sự kiện
khác nhau. Ví dụ, nắm được những trường hợp đã được ghi chép khi chiến tranh xảy
ra và những sự kiện điển hình dẫn đến chiến tranh, nhà sử học trong lĩnh vực
ngoại giao có thể tìm ra những giải thích về cuộc chiến hoặc nguyên nhân dẫn
tới chiến tranh. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại, Thucydides (khoảng 460-401 trước
Công nguyên), trong tác phẩm Lịch sử chiến
tranh Peloponnesia (History of the
Peloponnesian War), đã sử dụng phương pháp tiếp cận này. Tách biệt giữa
nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến, Thucydides thấy rằng
chính sự phát triển quyền lực của Athens đã làm cho cuộc chiến trở thành không
thể tránh khỏi. Khi quyền lực của Athens tăng lên, Sparta, đối thủ lớn nhất của
Athens, sợ mất quyền lực của chính mình. Như vậy, sự thay đổi phân bố quyền lực là nguyên nhân cơ bản
của cuộc chiến Peloponnesia[2].
Nhiều
học giả đi theo Thucydides đã sử dụng lịch sử theo cách tương tự như. Nhưng những người sử dụng lịch sử cần cảnh giác,
vì không phải lúc nào cũng có thể rút ra những bài học
rõ ràng từ lịch sử. Chúng ta thường dựa vào những sự tương
đồng, ví dụ, so sánh cuộc chiến tranh Iraq, năm 2003, với cuộc chiến tranh Việt
Nam. Trong cả hai trường hợp, Mỹ đều phải chiến đấu trong một thời gian dài nhằm
chống lại kẻ thù mà họ hầu như không hiểu, và thường là không nhận diện được.
Trong cả hai cuộc chiến, Mỹ đã áp dụng chiến lược ủng hộ quá trình xây dựng nhà
nước, sao cho chính quyền trung ương nước sở tại có thể tiếp tục chiến đấu, đấy
là chính sách mang tên Việt Nam hóa
và Iraq hóa. Chính sách này đã dẫn đến
tình trạng sa lầy, khi sự ủng hộ ở trong nước giảm đi và Mỹ rút quân. Tuy
nhiên, sự khác biệt là rõ ràng; không có sự tương đồng nào là hoàn hảo. Việt
Nam đã có một lịch sử lâu dài và ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc, được trui
rèn trong các cuộc chiến tranh chống lại cả Trung Quốc lẫn Pháp. Ngược lại,
Iraq là một quốc gia tương đối mới, với sự chia rẽ khá mạnh mẽ về sắc tộc và
tôn giáo, nhiều nhóm người khác nhau của nước này theo đuổi những mục tiêu khác
nhau. Ở Việt Nam, mục tiêu của Mỹ là bảo vệ đồng minh Nam Việt Nam trong cuộc
chiến chống lại miền Bắc cộng sản, được Liên Xô hậu thuẫn. Ở Iraq, mục tiêu trước
hết là lật đổ Saddam Hussein, bị nghi là đang sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt,
và mục tiêu thứ hai, là tạo ra nước Iraq dân chủ, để cuối cùng, sẽ đưa khu vực
trở thành ổn định hơn[3].
Trong cả hai cuộc chiến, dù chúng ta không thể bỏ qua lịch sử, nhưng giúp chúng ta cũng không thể
rút ra những “bài học” đơn giản từ những sự kiện lịch sử tương đồng này.
Chú thích ảnh:
Các học giả thường dựa vào lịch sử để giúp tìm hiểu nền chính trị thế giới. Khi
Mỹ xâm lược Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, năm 1991, và
sau đó là cuộc Chiến tranh Iraq, năm 2003, một số nhà quan sát so sánh với cuộc
Chiến tranh Việt Nam, khi nhiều người Mỹ phản đối sự dính líu của Mỹ. Tuy
nhiên, có những khác biệt đáng kể trong những sự kiện này.
Không
bao giờ có tương đồng hoàn toàn. Các bài học thường được rút ra chỉ phản ánh xu
hướng lý thuyết của người đó mà thôi. Những người theo chủ nghĩa hiện thực có
thể rút ra bài học từ cả cuộc chiến tranh Việt Nam lẫn cuộc chiến tranh Iraq là
Mỹ đã không sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình; những nhà hoạt động
chính trị đã trói chân trói tay hoạt động quân sự; nếu không, kết quả có thể đã
khác. Những người theo phái tự do có thể rút ra kết luận rằng lẽ ra Mỹ không
bao giờ được dính líu vào những vụ này vì đất nước họ không bị ảnh hưởng trực
tiếp, còn khả năng của một nước trong việc xây dựng hay tái thiết một nước khác
là có giới hạn. Chúng ta có thể rút ra những bài học gì từ việc Mỹ ngấm ngầm chấp
thuận việc Nga chiếm Crimea vào năm 2014? Đây có phải là một Munich khác, khi
các đồng minh nhượng bộ Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II? Hay đây là sự khẳng
định tinh thần tự quyết dân tộc, vì dân Crimea, chủ yếu là người Nga, đã bỏ phiếu
đồng ý tách khỏi Ukraine và tái liên kết với nước Nga? Kế hoạch hành động chung
toàn diện, thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây và Iran, năm 2015, đặt giới
hạn cho chương trình hạt nhân của Iran, có phải là thời khắc khác của Munich
hay Helsinki?[4]
Helsinki là nói tới hiệp ước năm 1975 chính thức phê chuẩn biên giới sau Thế
chiến II và nêu cao việc tôn trọng nhân quyền. Lịch sử không cho bài học hoặc
hướng dẫn rõ ràng nào.
Triết học
Triết
học có thể giúp chúng ta trả lời các câu hỏi trong quan hệ quốc tế. Nhiều trường
phái triết học cổ điển chú tâm vào nhà nước và các nhà lãnh đạo của nó – những thành phần cơ bản trong quan
hệ quốc tế - cũng như các phương pháp phân tích. Ví dụ, Plato (c. 427-347 TCN),
triết gia Hy Lạp cổ đại, trong tác phẩm Cộng
hòa (The Republic), kết luận rằng trong “nhà nước hoàn hảo”, những người nên cai trị phải là những người tài giỏi
trong lĩnh vực triết học và chiến tranh. Plato gọi những nhà cai trị lý tưởng
là “Hoàng đế - Triết gia”[5].
Mặc dù không trực tiếp thảo luận về quan hệ quốc tế, Plato đưa ra hai ý tưởng
có ảnh hưởng mạnh và lâu dài tới
quá trình phát triển của lĩnh vực này: Phân tích giai cấp và tư duy biện chứng,
cả hai đều là nền tảng cho những nhà phân tích
Marxist. Những người cực đoan,
tương tự như những nhà Marxist,
coi giai cấp kinh tế là tác nhân chia rẽ chính trong nền chính trị quốc nội và
quốc tế; Chương 3 và 9 sẽ tìm hiểu sâu quan điểm này. Những người Marxist cũng
công nhận mức độ quan trọng của tư duy biện chứng - đó là, lập luận từ những cuộc
đối thoại dẫn tới phát hiện ra mâu thuẫn trong các khẳng định ban đầu và trong
thực tiễn chính trị. Trong các thuật ngữ Marxist đương đại, quá trình phân tích
như thế cho thấy mâu thuẫn giữa chính sách toàn cầu và khu vực, ví dụ, công
nhân dệt may trong khu vực mất việc làm vì cạnh tranh của nước ngoài và được
thay thế bằng thiết bị công nghệ cao.
Plato
có đóng góp cả về nội dung lẫn phương pháp luận vào tư tưởng hiện đại, người học
trò của ông, triết gia Aristotle (384-322 TCN) cũng thế, ông có đóng góp cả về
nội dung (tìm kiếm hệ thống chính trị quốc nội lý tưởng) lẫn phương pháp. Trong
khi phân tích 168 bản hiến pháp, Aristotle đã xem xét những điểm tương đồng và
sự khác biệt giữa các nhà nước, ông trở thành tác giả đầu tiên sử dụng phương
pháp phân tích so sánh. Ông rút ra kết luận rằng, sự thăng trầm của các quốc
gia chủ yếu là do các yếu tố bên trong – đến thế kỷ XXI, kết luận này vẫn còn được người ta tiếp tục đem ra bàn cãi[6].
Sau
thời đại cổ điển, nhiều triết gia liên quan tới quan hệ quốc tế đã tập trung
vào những câu hỏi nền tảng của môn học này. Triết gia người Anh, Thomas Hobbes
(1588–1679), trong tác phẩm Leviathan,
hình dung trạng thái tự nhiên, một thế giới không có chính phủ hay trật tự dân sự,
nơi người ta cai trị bằng niềm đam mê, sống trong tình trạng thường xuyên lo lắng
về sự an toàn của chính mình. Đối với Hobbes, con người sống trong cô đơn, ích
kỷ và thậm chí là tàn bạo. Ngoại suy lên bình diện quốc tế, khi không có nhà chức
trách quốc tế, xã hội rơi vào “trạng thái tự nhiên” hoặc vô chính phủ. Các quốc
gia trong tình trạng vô chính phủ hành động như con người trong trạng thái tự
nhiên. Đối với Hobbes, giải pháp cho nan đề này là nhà nước trung ương tập quyền
- leviathan - nơi quyền lực được kiểm soát một cách tập trung và tuyệt đối[7].
Triết
gia người Pháp, Jean-Jacques Rousseau (1712- 1778), đã tìm cách trả lời cho cùng một bộ
câu hỏi, nhưng dưới ảnh hưởng của phong trào Khai sáng, đã đưa ra giải pháp khác. Trong “Diễn ngôn về
nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa người với người” (Discourse on the Origin and
Foundations of Inequality among Men), Rousseau mô tả trạng thái tự nhiên là thế
giới ích kỷ, con người quan tâm trước hết tới tự bảo tồn - không khác mô tả của
Hobbes về trạng thái tự nhiên.
Rousseau
đặt ra tình huống tiến thoái lưỡng nan trong câu chuyện hươu và thỏ. Trong một
xã hội săn bắn, mỗi người phải thực hiện nhiệm vụ được giao để những người thợ
săn có thể tìm và bẫy được hươu là thức ăn cho cả nhóm. Nhưng, nếu có con thỏ
đi ngang qua, một cá nhân có thể đuổi theo thỏ, với hy vọng là sẽ có bữa ăn một
cách nhanh chóng và chẳng thèm quan tâm đến sự kiện là hành động của anh ta sẽ ảnh
hưởng đến cả nhóm như thế nào. Rousseau rút ra sự tương đồng giữa những thợ săn
và các quốc gia. Các quốc gia có theo đuổi những quyền lợi ngắn hạn, như người
thợ săn đuổi theo con thỏ hay không? Hay họ nhận thức được quyền lợi chung?[8]
Giải pháp của Rousseau đối với nan đề do hươu và thỏ gây ra khác với Leviathan của Hobbes. Rousseau thích việc thành lập các cộng đồng nhỏ hơn,
nơi người ta có thể đồng thuận về “ý chí chung”. Thật vậy, theo Rousseau, “chỉ
ý chí chung”, chứ không phải leviathan, mới có thể “hướng các lực lượng của nhà
nước tới mục đích mà nó được thiết lập, đấy là lợi ích chung”[9].
Theo quan điểm của Rousseau, “Mỗi người chúng ta cùng đặt mình và tất cả quyền
lực của mình dưới sự lãnh đạo tối cao của ý chí chung; và tất cả chúng ta cùng
nhau coi mỗi thành viên như là một phần không thể tách rời của cái toàn thể”[10].
Triết
gia người Đức Immanuel Kant (1724–1804) đưa ra quan điểm triết học khác về đặc
điểm của xã hội trên bình diện quốc tế trong hai tác phẩm Tư tưởng về Lịch sử Phổ quát (Idea
for a Universal History) và Hòa Bình
Vĩnh Cửu (Perpetual Peace). Kant
mường tượng liên bang của các quốc gia như là phương tiện để có được hòa bình,
đấy là trật tự thế giới, trong đó con người có thể sống mà không sợ chiến
tranh. Chủ quyền vẫn được giữ nguyên, nhưng trật tự liên bang mới sẽ thích hợp
hơn so với “siêu-leviathan”,
hiệu quả hơn và thực tế hơn các cộng đồng nhỏ của Rousseau. Phân tích của Kant
dựa trên quan niệm khác với quan niệm của Rousseau hay Hobbes về con người.
Theo quan điểm của ông, dù con người được coi là ích kỉ, nhưng họ có thể học những
cách sống mới của chủ nghĩa quốc tế và phổ quát[11].
Truyền
thống do các triết gia này đặt ra góp phần vào quá trình phát triển quan hệ quốc
tế bằng cách kêu gọi người ta chú ý tới những mối quan hệ nền tảng: Quan hệ giữa
cá nhân và xã hội, giữa các cá nhân trong xã hội và giữa các xã hội với nhau.
Các nhà triết học này có những quan điểm khác nhau, thường là cạnh tranh với
nhau, về các mối quan hệ quốc tế này và chúng nên như thế
nào. (Xem Bảng 1.1). Các nhà triết học đầu tiên đã dẫn các học giả về quan hệ
quốc tế đương đại tới việc nghiên cứu đặc điểm của các nhà lãnh đạo, tới việc
công nhận mức độ quan trọng của các nhân tố nội bộ của quốc gia, sự tương đồng
của các quốc gia và tự nhiên, và mô tả cộng đồng quốc tế. Lịch sử và triết học
tạo điều kiện cho chúng ta nghiên cứu sâu những câu hỏi nền tảng - bản chất của
con người và đặc điểm rộng lớn của nhà nước và của xã hội trên bình diện quốc tế.
Lịch sử và triết học tạo điều kiện cho chúng ta thảo luận các yếu tố mang tính
quy chuẩn (hoặc đạo đức) trong đời sống chính trị: Vai trò của nhà nước là gì?
Tiêu chuẩn trong xã hội trên bình diện quốc tế phải như thế nào? Muốn có trật tự
thì phải xây dựng được xã hội trên bình diện quốc tế như thế nào ? Khi nào thì
chiến tranh là chính nghĩa? Có cần tái phân phối nguồn lực kinh tế hay không?[12]
Phương pháp triết học – trong khi cung cấp cho chúng ta hướng dẫn mang tính quy
phạm - có thể không giúp chúng ta trả lời những câu hỏi cụ thể; nhưng có thể
cho chúng ta biết cần phải làm gì; nhưng triết học thường không giúp chúng ta
đưa ra hoặc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, cả lịch sử và triết học đều là
công cụ quan trọng cho các học giả về quan hệ quốc tế.
Bảng 1.1 |
Đóng góp của các nhà triết học vào lý thuyết quan hệ quốc tế |
Plato, người Hy Lạp,
427-344, trước CN |
Khẳng định rằng sức
sống của con người là trí thuệ. Chỉ một ít người có thể có nhận thức thấu triệt
về cái gì là tốt; xã hội nên phục tùng quyền lực của những ông vua-triết gia
này. Nhiều ý tưởng như thế được triển khai trong tác phẩm Cộng hòa (The Republic). |
Aristotle, người
Hy Lạp, 384–322, trước CN |
Giải quyết vấn đề
trật tự trong thành bang Hy Lạp. Người đầu tiên sử dụng phương pháp nghiên cứu
so sánh, quan sát nhiều giai đoạn khác nhau và đưa ra kiến giải cho các khuôn
mẫu mà ông phát hiện được. |
Thomas Hobbes, người
Anh, 1588–1679 |
Trong tác phẩm Leviathan, ông mô tả đời sống trong trạng
thái tự nhiên là cô độc, ích kỷ và tàn bạo. Các cá nhân và xã hội có thể
thoát khỏi trạng thái tự nhiên nhờ một nhà nước đơn nhất, gọi là leviathan. |
Jean-Jacques Rousseau,
người Pháp, 1712–1778 |
Trong “Diễn ngôn về
nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa người với người” (Discourse
on the Origin and Foundations of Inequality among Men), ông mô tả tình trạng
tự nhiên trong xã hội, cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Ông khẳng định
rằng giải pháp cho tình trạng tự nhiên là khế ước xã hội, theo đó, các cá
nhân tập hợp trong các cộng đồng nhỏ, trong đó, “ý chung” sẽ được thực hiện. |
Immanuel Kant, người
Đức, 1724–1804
|
Liên kết với trường phái lý tưởng hoặc không tưởng. Trong
Tư tưởng về Lịch sử Phổ quát (Idea for a Universal History) và Hòa Bình Vĩnh Cửu (Perpetual Peace), ông
ủng hộ liên bang toàn thế giới các nước cộng hòa, ràng buộc bỡi pháp quyền. |
Phương pháp khoa học: Thuyết hành vi
Trong
những năm 1950, một số học giả bắt đầu dựa vào những hiểu biết về bản chất của con người và lịch sử
để phát triển cách tiếp cận khoa học hơn trong việc nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Họ xây dựng dựa trên giả định triết học rằng người ta thường hành động theo những
cách có thể đoán trước được. Nếu các cá nhân hành động
theo những cách có thể đoán trước, thì nhà nước cũng hành động như thế? Có những
khuôn mẫu lặp đi lặp lại về cách thức nhà nước hành động? Có những khuôn mẫu
tinh tế về lịch sử ngoại giao? Các quốc gia có thèm khát quyền lực như một số
triết gia muốn làm cho chúng ta tin như thế? Làm sao giải thích được những phát
hiện mang tính thực nghiệm? Chúng ta có thể sử dụng những phát hiện này để dự
đoán tương lai?
Thuyết hành vi cho rằng các cá nhân,
đơn độc cũng như khi là thành viên của các nhóm, đều hành động theo những khuôn
mẫu. Nhiệm vụ của nhà khoa học hành vi là đưa ra các giả thuyết hợp lý về những
hành động rập khuôn đó và kiểm tra một cách hệ thống và theo lối thực nghiệm những
giả thuyết mà họ đưa ra. Dùng các công cụ khoa học để mô tả và giải thích hành
vi của con người, các nhà khoa học này hy vọng có thể dự đoán được hành vi
trong tương lai. Tuy vậy,
nhiều người hài lòng với việc có thể giải thích được các khuôn mẫu, vì dự đoán
trong lĩnh vực khoa học xã hội vẫn là công việc không lấy gì làm chắc chắn.
Dự án Những yếu tố tương thuộc của chiến
tranh (Correlates of War project) tạo điều kiện cho chúng ta nhìn thấy ứng dụng
của thuyết hành vi. Từ năm 1963, nhà chính trị học ở Đại học Michigan, J. David
Singer và đồng nghiệp của ông, nhà sử học Melvin Small, đã nghiên cứu một trong
những câu hỏi nền tảng trong quan hệ quốc tế: Vì sao lại xảy ra chiến tranh?[13] Với động cơ là mối quan tâm mang tính triết học chuẩn tắc là làm sao để có hòa bình, hai học giả đã chọn cách tiếp cận
mang tính phương pháp luận thực nghiệm. Không tập trung vào một cuộc chiến “lớn” làm thay đổi xu hướng
lịch sử, như Thucydides đã làm, họ cố gắng tìm ra các khuôn mẫu trong một số cuộc
chiến tranh khác nhau. Tin rằng có thể tìm được những khuôn mẫu có thể khái
quát hóa tất cả các cuộc chiến tranh, Singer và Small đã dùng dữ liệu thống kê nhằm khám phá các khuôn mẫu.
Nhiệm vụ ban đầu của dự án Correlates
of War là thu thập dữ liệu về các cuộc chiến tranh quốc tế trong giai đoạn từ
1865 đến 1965, trong đó có hơn 1.000 người chết được ghi nhận trong vòng 12
tháng. Với mỗi cuộc chiến trong số 93 cuộc chiến tranh phù hợp với những tiêu
chí này, các nhà nghiên cứu đã tìm được dữ liệu về tầm quan trọng, sự khốc liệt
và mãnh liệt của nó, cũng như tần suất chiến tranh theo thời gian. Quá trình
thu thập dữ liệu cho thấy nhiệm vụ lớn hơn hẳn những gì Singer và Small dự
đoán, và đã huy động nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên mới tốt nghiệp.
Sau khi các cuộc chiến tranh đã được hệ
thống hóa, nhiệm vụ thứ hai là đưa ra các giả thuyết cụ thể, có thể kiểm chứng
được, có thể giải thích sự bùng nổ của chiến tranh. Có mối quan hệ nào giữa số
lượng những lời cam kết của liên minh trong hệ thống quốc tế và số lượng các cuộc
chiến tranh đang diễn ra hay không? Có mối quan hệ nào giữa con số các cường quốc
trong hệ thống quốc tế và số cuộc chiến hay không? Có mối quan hệ nào giữa số
lượng các cuộc chiến tranh theo thời gian và mức độ ác liệt của các cuộc xung đột
hay không? Theo thời gian, yếu tố nào có liên quan nhất tới sự bùng nổ của chiến tranh? Và
những yếu tố này liên quan với nhau như thế nào? Liên quan giữa hệ thống quốc tế,
ví dụ, sự tồn tại của các tổ chức quốc tế và bùng nổ của chiến tranh? Mặc dù trả
lời những câu hỏi này sẽ không bao giờ chứng
minh rằng một yếu tố cụ thể nào đó là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh, các
câu trả lời có thể gợi ý những mối tương quan đáng được giải thích bằng lý
thuyết.
Đấy là mục tiêu của dự án nghiên cứu này và của nhiều dự án sau đó trong môn
khoa học hành vi.
Một ví dụ khác về nghiên cứu trong môn
hành vi có thể được tìm thấy trong các sách báo viết về nhân quyền. Câu hỏi
mà nhiều học giả khảo sát là lý do vì sao một số nước vi phạm các hiệp ước về
nhân quyền. Có phải vì các nhà nước không bao giờ có ý định tuân theo các điều
khoản? Ký kết hiệp ước chỉ trò đùa ư? Có phải đấy là do quốc tế không có khả năng ép buộc
các quốc gia thực thi?
Hoặc, vì các quốc gia thường không có khả năng thực hiện các tiêu chuẩn mới?
Nhà xã hội học Wade M. Cole bắt đầu với giả thuyết - khác với dự án Correlates
of War, khởi đầu bằng thu thập dữ liệu - nói rằng “việc không tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp ước
quốc tế không phải là chủ tâm hay cố ý”[14]. Mà, nó phụ thuộc vào hiệu quả của bộ
máy quản lý của nhà nước. Sử dụng dữ liệu từ mỗi biến độc lập về hiệu quả của bộ
máy quản lý hành chính nhà nước và các biến phụ thuộc của việc trao quyền lực nhà nước và dữ liệu về quyền
toàn vẹn thân thể trong Bộ dữ liệu về quyền con người của Cingranelli-Richards
(Cingranelli-Richards (CIRI) Human Rights Dataset), Cole sử dụng các mô hình thống kê
phức tạp nhằm khẳng định kỳ vọng của mình. Cải tiến trong việc trao quyền lực nhà nước và quyền toàn vẹn thân thể
sau khi Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được kí kết phụ thuộc vào
năng lực của nhà nước.
Tuy vậy, vấn đề phương pháp xuất hiện trong cả
hai dự án. Cơ sở dữ liệu của dự án Correlates of War bao gồm tất cả các cuộc
chiến tranh giữa các quốc gia, không quan tâm tới bối cảnh chính trị, quân sự,
xã hội và công nghệ khác nhau. Những cuộc chiến tranh hồi cuối những năm 1800
có thể được giải thích bằng những tác nhân hệt như những cuộc chiến tranh trong
thiên niên kỷ mới? Trả lời câu hỏi này đã đưa các nhà nghiên cứu sau này đến việc mở rộng cơ sở dữ liệu để đưa thêm vào
tranh chấp quân sự giữa các quốc gia, tức là những cuộc xung đột không dẫn tới
chiến tranh toàn diện. Những dữ liệu này bao gồm không chỉ chiến tranh giữa các
nước và nội chiến mà còn có cả các cuộc chiến tranh giữa các khu vực trong một
nước, chiến tranh giữa các cộng đồng và chiến tranh không do nhà nước tiến hành[15]. Công trình nghiên cứu quyền con người
gặp phải vấn đề lớn về đánh giá và đo lường các biến quan trọng không thể đo lường
trực tiếp. Làm sao đo lường được những khái niệm như trao quyền lực nhà nước và năng lực của nhà nước?
Nhiều chỉ số khác nhau cần phải được kết hợp lại với nhau. Và không phải tất cả
các quốc gia, trong tất cả các giai đoạn được nghiên cứu đều có dữ liệu. Cần phải
nghiên cứu cả những giải thích khác cho từng trường hợp. Những công trình
nghiên cứu như thế không bao giờ là mục đích tự thân, chúng chỉ là phương tiện
nhằm cải tiến những giải thích và cung cấp cho các học giả khác giả thuyết cần kiểm tra thêm.
Cách tiếp cận của thuyết hành vi đã gây thất vọng ở nhiều dạng khác nhau. Thứ nhất, dữ liệu phải được lựa chọn
và sưu tập. Dữ liệu khác nhau có thể dẫn đến những kết luận rất khác nhau. Xin
xem xét những đánh giá trái ngược nhau trước câu hỏi: Bạo lực trên bình diện
toàn cầu có giảm hay không? Trên thực tế, thế giới có hòa bình hơn hay không.
Thứ hai, một số nhà phê bình cho rằng quan tâm tới dữ liệu và phương pháp lấn
át nội dung thực chất của công trình nghiên cứu của họ. Ít người tỏ ra nghi ngờ
tầm quan trọng của những nỗ lực ban đầu của Singer và Small trong việc tìm
nguyên nhân của chiến tranh,
nhưng ngay cả các nhà nghiên cứu này cũng thừa nhận là đã bỏ quên một số câu hỏi
quan trọng khi sưu tập dữ liệu và cải tiến các phương pháp nghiên cứu. Một số học
giả, những người tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận của thuyết hành vi, đề nghị
đơn giản hóa các phương pháp khó hiểu nhằm tái tập trung vào những vấn đề thực
chất. Thứ ba, một số người cho rằng nhiều câu hỏi nền tảng - bản chất của loài
người và xã hội - bị những người theo thuyết hành vi lờ đi, vì đây là những câu
hỏi không dễ kiểm chứng bằng các phương pháp thực nghiệm. Các nhà phê bình này
đề nghị quay về với cội nguồn triết học của các quan hệ quốc tế. Phần lớ các học giả vẫn trung thành với thuyết
hành vi và phương pháp khoa học và chỉ ra bước tiến bộ chậm chạp đã diễn ra
trong việc giải thích quan hệ giữa các quốc gia.
Phía sau tiêu đề
báo chí
Thế giới đang trở nên bình yên hơn?
Tiêu đề báo chí như “Bạo lực trên thế giới giảm: Thực tế hay Huyền
thoại?” hoặc “Thế giới đang trở nên bình yên hơn không?”a thu hút sự quan tâm của chúng ta. Như chúng
ta đã thấy ở đầu chương này, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên nquân
Martin Dempsey và nhà tâm lý học Steven Pinker (và chắc là nhiều người khác)
có những câu trả lời hoàn toàn khác nhau cho những câu hỏi này. Cái gì làm
cho quan điểm của họ trở thành khác nhau?
Pinker khẳng định rằng trong quá khứ, thế giới nhiều bạo
lực hơn. Bạo lực trong phân tích của Pinker bao gồm tất cả các hình thức bạo
lực — giết người, chiến tranh giữa các bộ lạc, chế độ nô lệ, án tử hình, hiếp
dâm. “Quá khứ” của ông kéo dài hàng thế kỷ. Số liệu thống kê mà ông trích dẫn
chứng tỏ rằng số người chết trong các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc nhiều
gấp 9 lần số người chết trong những cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX và tỷ lệ
người bị giết ở châu Âu thời Trung Cổ cao gấp 30 lần hiện nay. Ông cũng chỉ
ra rằng chế độ nô lệ đã tồn tại hàng ngàn năm và chỉ bị bãi bỏ trong 50 năm gần
đây mà thôi. Và, theo quan điểm của ông, cần phải so sánh số người bị ảnh hưởng
bởi bạo lực với quy mô tương đối của dân số tại từng thời điểm. Vì vậy, trong
khi số người chết và hành vi bạo lực hiện nay có thể lớn hơn, nhưng nếu so
sánh với quy mô dân số thì lại nhỏ hơn rất nhiều: trong thế kỷ XVII, “chiến
tranh tôn giáo” đã giết chết khoảng 2% dân số các nước tham chiến, trong khi
đó, trong thế kỷ XX, thế kỷ có con số người chết cao nhất từ trước tới nay,
thì chỉ có 0,7% dân số chết trong các cuộc chiến tranh mà thôi. So sánh quá
khứ với những dữ liệu gần đây hơn, Pinker thấy rằng số cuộc chiến tranh giữa
các cường quốc đã giảm. Thế chiến I và II là những lần gia
tăng đột ngột trong xu hướng chung là
đang giảm. Sau năm 1946, số người chết tính theo đầu người trong tất cả các
cuộc chiến tranh khác nhau - chiến tranh thuộc địa, nội chiến, nội chiến bị
quốc tế hóa, nạn diệt chủng, cũng như xung đột giữa các quốc gia – đã giảm.
Chú thích ảnh: Người ta khẳng định rằng thế giới của chúng ta yên bình
hơn các thế kỷ trước. Có đúng không? Làm sao chúng ta biết?
Dempsey, và chắc chắn nhiều người khác trong cộng đồng những
người lập chính sách, thấy một thực tế khác. Từ những năm 1950 đến những năm
1990, tổng số các cuộc xung đột vũ trang dưới mọi hình thức đã tăng lên gấp ba lần. Và, dù hầu hết các cuộc xung đột đều
có cường độ tương đối thấp, số người chết không nhiều và số người chết trong
chiến tranh đã giảm đáng kể - nếu năm 1950 cứ một triệu người trên thế giới
thì có 240 người chết do chiến tranh, thì năm 2007 đã giảm xuống còn chưa tới
10 người chết do chiến tranh - vẫn còn quá cao nếu bạn là người chịu trách
nhiệm về đời sống của những người khác. Những người coi thế giới ngày nay là
quá bạo lực nghi ngờ về độ tin cậy của dữ liệu từ những thế kỷ trước. Chúng
ta có thực sự biết rằng trong những xã hội săn bắn và hái lượm, chiến tranh
đã giết chết 15% dân số như Pinker khẳng định? Nhiều nhà nhân chủng học khẳng
định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các xã hội loài người thuở ban đầu
là những xã hội thích chiến tranh. Và, trên thực tế, mãi đến thời gian rất gần
đây chúng ta vẫn không có dữ liệu đáng tin cậy về tỷ lệ người bị giết và tỷ lệ
tội phạm có tổ chức trong hầu hết các quốc gia đã phát triển, nhưng luận cứ của
Pinker lại bao gồm tất cả các hình thức bạo lực.
Pinker giải thích rằng bạo lực giảm đi là do, trong khi
các cá nhân vẫn có thể có xu hướng báo thù, tàn ác và bạo lực, thì các lực lượng
khác— “những vị thần tốt đẹp hơn” – đang lái người ta theo hướng khác. Các
chính phủ và giáo dục tốt hơn khuyến khích mọi người kiểm soát các xung động
của mình và đàm phán với những người khác. Dân chủ hóa cũng có đóng góp; các
nước dân chủ không thích đánh nhau. Thương mại tự do cũng có đóng góp; những
người tham gia buôn bán không thích đánh nhau. Các tổ chức quốc tế cũng có
đóng góp; các nước thành viên không thích đánh nhau. Xem xét những xu hướng
trong quá khứ giúp chúng ta dự đoán tương lai. Nhiều khả năng
là Dempsey và những
người khác nhìn thấy một tương lai ảm đạm.
Họ dự đoán những vụ đối đấu trong tương lai không chỉ ở Trung Đông mà còn ở
Đông Á, nơi mà chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, Nhật Bản, và những nước khác
đang ngóc đầu dậy. Pinker không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về tương lai, nếu
luận cứ của ông chính xác, thì dù trong lòng người ta vẫn có những xu hướng sâu xa nói trên, tương lai sẽ trở nên yên bình hơn.
|
CÂU
HỎI PHÂN TÍCH
1. Dựa trên những hiểu biết cho đến
lúc này, xin cho biết luận cứ của ai - Dempsey hay Pinker – về thế giới của
chúng ta hiện nay (yên bình hơn hay bất an hơn) chính xác hơn? Bằng chứng nào củng
cố luận cứ của họ?
2. Theo bạn, bàn những vấn đề này có
phải là việc quan trọng hay không? Tại sao lại quan trọng hoặc tại sao lại
không quan trọng?
a. See Human Security Report Project,
“The Decline in Global Violence: Reality or Myth?” (March 3, 2014) and Carnegie
Council for Ethics in International Affairs, “Is the World Becoming More
Peaceful?” (Sept. 27, 2012)..
Chọn phương pháp nghiên cứu này chứ
không chọn phương
pháp kia có dẫn tới kết quả khác nhau hay không? Mặc dù có rất ít những so sánh
mang tính hệ thống, bằng chứng cho thấy rằng trong các nghiên cứu về nhân quyền, phương pháp khác nhau thì
kết quả cũng khác nhau[16]. Các nhà nghiên cứu định tính trong lịch
sử và triết học thường sử dụng các nghiên cứu tập trung vào một
trường hợp
về vấn đề nhân quyền
cụ thể trong thời gian dài thường phát hiện được tiến bộ trong các hồ sơ về
nhân quyền. Và họ phát hiện ra rằng đã xuất hiện các tiêu chuẩn nhân quyền mới.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu hành vi, nói chung, tìm được ít bằng chứng như thế
về những thay đổi trong hành vi của nhà nước. Dựa vào những công trình nghiên cứu
số
lớn, bao gồm nhiều
quốc gia, trong nhiều thập kỷ, với dữ liệu sẵn có, các nhà nghiên cứu chỉ tìm
thấy những cải tiến không đáng kể trong hồ sơ nhân quyền của nhà nước. Làm sao
giải thích được kết quả khác nhau như thế? Sự khác nhau trong quá trình định nghĩa hiện
tượng cần nghiên cứu (bằng những hoạt động dùng để xác định hay chứng minh nó), vấn đề, thời gian và dữ liệu sẵn có,
tất cả đều là nguyên nhân tạo ra khác biệt trong kết quả. Sự khác nhau này dẫn
các nhà nghiên cứu đến đề nghị sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Các dự
án sử dụng nhiều phương pháp có thể giúp chúng ta khắc phục được kết quả làm
người ta lo lắng rằng các phương pháp khác nhau dẫn đến những kết luận khác
nhau.
Những cách tiếp cận thay thế
Một số nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế
không hài lòng với việc sử dụng lịch sử, triết học, hoặc các công cụ của thuyết
hành vi. Những người theo thuyết kiến tạo đã chuyển sang phân tích diễn ngôn để
trả lời những câu hỏi nền tảng về quan hệ quốc tế. Nhằm theo dõi những bước đi
trong tiến trình tư tưởng định hình bản
sắc, những người theo thuyết kiến tạo đã phân tích nền văn hóa, phân tích các
quy phạm, quy trình và thực tiễn xã hội. Họ khảo sát kỹ lưỡng cách thức hình
thành và thay đổi bản sắc theo thời gian. Họ sử dụng các văn bản, các cuộc phỏng
vấn, và tài liệu lưu trữ, và họ nghiên cứu thực tiễn tại địa phương bằng cách
đi trên các phương tiện giao thông công cộng và xếp hàng. Bằng cách sử dụng nhiều
tập hợp dữ liệu, họ xây dựng được mô tả đầy đủ và phong phú. Các công trình
nghiên cứu chuyên đề trong cuốn sách Văn
hóa an ninh quốc gia (The Culture of
National Security) do Peter Katzenstein chủ biên sử dụng
phương pháp này. Dựa trên những phân tích chính sách đối ngoại của Liên Xô
trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, phân tích chính sách an ninh của Đức và
Nhật Bản từ chủ nghĩa quân phiệt sang chủ nghĩa chống quân sự hóa, và bản sắc
dân tộc Ả Rập, các tác giả tìm kiếm những quan tâm về an ninh được xác định bởi
các tác nhân đang đối phó với các yếu tố văn hóa. Những công trình nghiên cứu
này chỉ ra cách thức các yếu tố xã hội và văn hóa định hình chính sách an ninh
quốc gia khác hẳn với kỳ vọng của những người theo phái hiện thực hoặc những
người theo phái tự do[17].
Những người theo thuyết hậu hiện đại
tìm cách giải cấu trúc các khái niệm cơ bản của lĩnh vực nghiên cứu này, như
nhà nước, quốc gia, tính duy lý, và chủ nghĩa hiện thực, bằng cách nghiên cứu
các văn bản (hoặc các nguồn) để tìm ý nghĩa nằm khuất bên dưới bề mặt trong những
đoạn văn. Khi những ý nghĩa khuất lấp đó được tìm ra, những người theo thuyết hậu
hiện đại tìm cách thay thế hình ảnh từng có trật tự bằng sự hỗn loạn, thay thế
những tình thế lưỡng phân bằng nhiều bức ảnh khác nhau. Ví dụ, Cynthia Weber khẳng
định rằng chủ quyền (sự độc lập của nhà nước) không những không được xác định một
cách rõ ràng mà còn không phải lúc nào cũng có căn cứ. Đào xuống bên dưới bề mặt
của chủ quyền, vượt lên những đánh giá của các nhà triết học truyền thống, bà khám
phá ra rằng luôn luôn có dự chuyển dịch việc khái niệm hóa chủ quyền, tùy thuộc
vào tính cấp bách của thời điểm và các giá trị của các cộng đồng khác nhau. Ý
nghĩa phức tạp của chủ quyền được quyết định bởi thời gian, địa điểm, và hoàn cảnh
lịch sử[18]. Cụ thể hơn, Karen T. Litfin cho thấy
các tiêu chuẩn về chủ quyền đang thay đổi như thế nào nhằm giải quyết vấn đề hệ sinh
thái bị hủy hoại mặc
dù quá trình này vẫn còn gây tranh cãi[19]. Những phân tích như thế có ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết và thực hành trong quan hệ
quốc tế, xuất phát từ chủ quyền quốc gia và những thông lệ được chấp nhận có tác dụng củng
cố chủ quyền.
Đấy là những quan hệ và thực tiễn góp phần củng cố chủ quyền. Đấy là những phân
tích thách thức cách hiểu thông thường.
Những người theo thuyết hậu hiện đại
còn tìm cách phát hiện tiếng nói của “những người khác”, những người bị tước đoạt
quyền lợi và bị đẩy ra bên lề quan hệ quốc tế. Christine Sylvester minh họa
cách tiếp cận của bà bằng cuộc thảo luận về Trại Hòa bình Greenham (Greenham Common Peace Camp), một nhóm
phần lớn là phụ nữ đầu thập kỷ 1980 đi bộ hơn 100 dặm để tới căn cứ không quân
của Anh nhằm phản đối kế hoạch triển khai tên lửa ở căn cứ này. Mặc dù bị các
phương tiện truyền thông đại chúng lờ đi - và do đó “không có tiếng nói” – những
người diễu hành vẫn tiếp tục phản đối bằng cách tuyển dụng các nhóm hoạt động
chính trị khác ở gần căn cứ này và lôi kéo các quân nhân đồn trú trong căn cứ.
Năm 1988, khi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate Range Nuclear
Force Treaty) được ký kết, tên lửa ở đây được tháo dỡ, những người phụ nữ này
chuyển đến khu vực phản đối khác và thu hút được sự chú ý của công chúng tới
vai trò của nước Anh trong thời đại hạt nhân[20]. Các học giả theo trường phái này còn khảo sát biện pháp đấu tranh
đòi các quyền của tầng lớp tiện dân (dalit hoặc untouchables) ở Nam Á, cách
thức mà những người khuyết tật giành tiếng nói trong các diễn đàn quốc tế và vì
sao một số người, ví dụ, những trẻ em bị hãm hiếp đã không có tiếng nói nào[21].
Không có vấn đề
quan trọng
nào trong quan hệ quốc tế hiện nay có thể được trả lời bằng
cách dựa hoàn toàn vào chỉ một phương pháp. Lịch sử, dù dưới dạng nghiên cứu chuyên đề mở rộng (Chiến tranh Peloponnesia) hoặc công
trình nghiên cứu nhiều cuộc chiến tranh (Correlates of War hay những cuộc tranh
chấp bị quân sự hóa giữa các quốc gia), cung cấp cho chúng ta những câu trả lời
hữu ích. Các trường phái
triết học cung cấp cho chúng ta cả lập luận thuyết phục lẫn khuôn khổ cho các
cuộc thảo luận quan trọng hiện nay. Nhưng những phương pháp của thuyết hành vi
đang giữ thế thượng phong vì ngày càng sử dụng các phương pháp hỗn hợp, kết hợp
những phương pháp tốt nhất của khoa học xã hội và các những cách tiếp cận khác.
Và những phương pháp mới hơn trong phân tích diễn ngôn, mô tả kĩ lưỡng, và chủ
nghĩa hậu hiện đại cung cấp cho chúng ta cơ sở thậm chí còn phong phú hơn, làm
chỗ dựa cho các học giả về quan hệ quốc tế.
Tóm tắt: Hiểu quan
hệ quốc tế
Làm sao chúng ta, những người nghiên cứu,
có thể hiểu các
sự kiện chính trị quốc tế trong cuộc sống thường nhật của mình? Các học giả về
quan hệ quốc tế dùng cách nào để giúp chúng ta hiểu thế giới xung quanh chúng
ta? Chương này đã giới thiệu các lý thuyết chính về các quan hệ quốc tế, bao gồm
các phương pháp tiếp cận của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cấp
tiến và thuyết kiến tạo.
Các lý thuyết này cung cấp cho
chúng ta khuôn khổ để đặt và trả lời những câu hỏi nền tảng cốt lõi. Để trả lời
những câu hỏi này, các học giả quan hệ quốc tế sử dụng nhiều môn học khác nhau,
trong đó có lịch sử, triết học, tâm lý học hành vi và nghiên cứu mang tính phê
phán (xem Bảng 1.2). Quan hệ quốc tế là môn học đa nguyên và chiết trung.
Bảng 1.2 Các
công cụ nghiên cứu quan hệ quốc tế |
|
Công cụ |
Phương pháp |
Lịch sử |
Nghiên cứu các trường hợp đơn lẻ và phức tạp |
Triết học |
Xây dựng cơ sở từ những tác phẩm cốt lõi và tư duy phân
tích |
Thuyết hành vi |
Tìm các khuôn mẫu trong hành vi của con người và hành vi
của nhà nước bằng cách sử dụng các phương pháp thực nghiệm dựa trên phương
pháp khoa học |
Các công cụ khác |
Giải cấu trúc
các khái niệm chính và dùng phân tích diễn ngôn để xây dựng những mô tả chi tiết; tìm ra tiếng nói
của “những người khác” |
Để hiểu quá trình phát triển lý thuyết
quan hệ quốc tế, chúng ta cần xem xét các xu hướng tổng quát về quá trình phát
triển của
nhà nước và hệ thống quốc tế, đặc biệt là các sự kiện ở châu Âu, thế kỷ XIX và
XX. Những sự kiện trong lịch sử ngoại giao là chủ đề của Chương 2. Chương 3 sẽ
giúp chúng ta tư duy về quá trình phát triển quan hệ quốc tế về mặt lý thuyết
thông qua một số khuôn khổ - chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa cấp
tiến và thuyết kiến tạo. Chương 4, 5 và 6 khảo sát các cấp phân tích quan hệ quốc
tế. Cụ thể, Chương 4 khảo sát hệ thống quốc tế; Chương 5 khảo sát nhà nước; và
Chương 6 khảo sát cá nhân. Mỗi chương này đều được tổ chức xung quanh các khung
lý thuyết, giúp chúng ta so sánh các mô tả và giải thích của những người theo
phái tự do, phái hiện thực, và phái cực đoan , được củng cố - nếu phù hợp – bằng thuyết kiến tạo.
Chương 7 khám phá và phân tích vai trò của các tổ chức quốc tế, luật pháp quốc
tế và tác nhân phi chính phủ. Bốn chương cuối cùng nghiên cứu các vấn đề chính
trong quan hệ quốc tế: Chương 8, chiến tranh và xung đột; Chương 9, kinh tế
chính trị học quốc tế; Chương 10, nhân quyền; và Chương 11, các vấn đề xuyên quốc
gia trong thế kỷ XXI.
Câu hỏi thảo luận
1. Một thành viên đáng kính trong gia
đình cầm cuốn sách này lên và nhìn thấy lý thuyết ngay trong chương đầu tiên.
Người đó tỏ vẻ hoài nghi về giá trị của lý thuyết. Hãy giải thích cho người ấy
ích lợi của quá trình phát triển cách đánh giá mang tính lý thuyết.
2. Bạn thích triết học, nhưng bạn
không thích quan hệ quốc tế lắm. Làm sao liên kết đam mê của bạn với quan tâm
mang tính thực dụng này? Bạn có thể nghiên cứu những vấn đề nào?
3. Bạn là người có nhiều kinh nghiệm
trong việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử được lưu trữ. Đề xuất hai dự án
nghiên cứu mà bạn có thể thực hiện nhằm hiểu rõ hơn về quan hệ quốc tế.
4. Làm thế nào để những công trình
nghiên cứu về quan hệ quốc tế có tính khoa học hơn? Những vấn đề sẽ xuất hiện
khi làm như thế?
Các thuật ngữ chính
Vô
chính phủ Anarchy (tr. 9)
Thuyết
hành vi behavioralism
(p. 12)
Quan
hệ quốc tế (tr. 4) international relations (p. 4)
Tính
quy phạm (p. 10) normative (p. 10)
[1] Stephen M. Walt, “International
Relations: One World, Many theories ,”
Foreign Policy 110 (Spring 1988): 30.
[2] Thucydides, History of the Peloponnesian War, trans. Rex Warner, rev. ed. (Harmondsworth,
UK: Penguin, 1972).
[3] Xem Jeffrey Record and W. Andrew
Terrill, “Iraq and Vietnam: Differences, Similarities, and Insights” (Carlisle,
PA: Strategic Studies Institute, U.S. Army War College, 2004), www.strategic
studiesinstitute.army.mil/pubs/display.cfm?pubID=377 (accessed 9/18/15).
[4] Stephen Krasner, “Israel: Munich
or Helsinki,” Omphalos: Middle East
Conflict in Perspective (August 28, 2015). For more on the use of
historical analogies, see Yuen Foong Khong, Analogies
at War: Korea, Munich, Dien Bien Phu, and the Vietnam Decision of 1965
(Princeton, NJ: Princeton University Press, 1992).2015). For more on the use of
historical analogies, see Yuen Foong Khong, Analogies at War: Korea, Munich,
Dien Bien Phu, and the Vietnam Decision of 1965 (Princeton, NJ: Princeton
University Press, 1992).
[5] Plato, The Republic, trans. Desmond Lee (Harmondsworth, UK: Penguin,
1955).
[6] Aristotle, The Politics, ed. Trevor J. Saunders, trans. T. A. Sinclair
(Harmondsworth, UK: Penguin, 1981).
[7] Thomas Hobbes, Leviathan, ed. C. B. Macpherson
(Harmondsworth, UK: Penguin, 1968).
[8] Jean-Jacques Rousseau, “Discourses
on the Origin and Foundations of Inequality among Men,” in Basic Political Writings of Jean-Jacques Rousseau, ed. and trans.
Donald A. Cress (Indianapolis, IN: Hackett Publishing, 1987).
[9] Jean-Jacques Rousseau, “On the
Social Contract,” bk. 2, chap. 1, in Basic
Political Writings of Jean-Jacques Rousseau, p. 153.
[10] Rousseau, “Social Contract,” bk.
1, chap. 6, p. 148.
[11] Xem Immanuel Kant, Idea for a Universal History from a
Cosmopolitan Point of View (1784) and Perpetual
Peace: A Philosophical Sketch (1795), both reprinted in Kant Selections, ed. Lewis White Beck
(New York: Macmillan Co., 1988).
[12] Xem, ví dụ, Michael Walzer, Just and Unjust Wars. A Moral Argument with
Historical Illustrations (New York: Basic Books, 1977); Jack Donnelly, Universal Human Rights in Theory and
Practice, 2nd ed. (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2003).
[13] J. David Singer and Melvin Small, The Wages of War, 1816–1965: A Statistical Handbook (New York: Wiley, 1972).
[14] Wade M. Cole, “Mind the Gap: State
Capacity and the Implementation of Human Rights Treaties,” International Organization 69 (Spring 2015): 410.
[15] Meredith Reid Sarkees, “Defining
and Categorizing Wars,” in Resort to War:
A Data Guide to Inter-State, Extra-State, Intra-State, and Non-State Wars,
1816–2007, ed. Meredith Reid Sarkees and Frank Whelon Wayman (Washington,
DC: CQ Press, 2010).
[16] Emilie M. Hafner-Burton and James
Ron, “Seeing Double: Human Rights Impact through Qualitative and Quantitative
Eyes,” World Politics 61:2 (April
2009): 360-401.
[17] Peter J. Katzenstein, ed., The Culture of National Security: Norms and
Identity in World Politics
(New
York: Columbia University Press, 1996).
[18] Cynthia Weber, Simulating Sovereignty: Intervention, the
State, and Symbolic Interchange
(Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1994).
[19] Karen T. Litfin, ed., The Greening of Sovereignty in World
Politics (Cambridge, MA: fte MIT Press, 1998).
[20] Christine Sylvester, “Emphatic
Cooperation: A Feminist Method for IR,” Millennium:
Journal of International Studies 23:2 (1994): 315–34.
[21] See articles in Clifford Bob, ed., The International Struggle for New Human Rights (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2009)..
No comments:
Post a Comment