December 13, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (12)

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ  

 


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+


Thuật ngữ

Vô chính phủ (anarchy) - không có chính quyền

Kiểm soát vũ khí (arms control) – những biện pháp hạn chế trong nghiên cứu, chế tạo hoặc triển khai các hệ thống vũ khi và một số binh chủng.

Xung đột bất đối xứng (asymmetric conflict) – chiến tranh giữa các phe phái chính trị có sức mạnh không tương đương nhau, trong đó bên yếu hơn tìm cách vô hiệu hóa sức mạnh đối thủ của mình bằng cách lợi dụng điểm yếu của đối thủ.

Cân bằng quyền lực (balance of power) - bất kỳ hệ thống nào trong đó các tác nhân (ví dụ, các quốc gia) có sức mạnh gần tương đương nhau, sao cho không một quốc gia hay liên minh quốc gia nào có thể thống trị các tác nhân khác trong cùng hệ thống.

Chiến lược lôi kéo (bandwagoning strategy) - chiến lược, trong đó các quốc gia yếu hơn liên kết lực lượng với các quốc gia mạnh hơn.

Thuyết hành vi (behavioralism) - cách tiếp cận đối với nghiên cứu khoa học xã hội và quan hệ quốc tế, nói rằng các cá nhân và tổ chức, ví dụ, các quốc gia, hành động rập khuôn; dẫn đến niềm tin cho rằng có thể mô tả, giải thích và dự đoán được hành vi.

Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus) thay thế cho Đồng thuận Washington (Washington Consensus); thí nghiệm với các chính sách kinh tế trong chủ nghĩa tư bản nhà nước; chính phủ đóng vai trò tích cực hơn trong việc chọn kẻ thắng và người thua về kinh tế

Hệ thống niềm tin (belief system) – những nhận thức có tổ chức và tích hợp của các cá nhân trong xã hội, trong đó có cả những người ban hành quyết định về chính sách đối ngoại, thường dựa trên lịch sử của thời đã qua, là những kiến thức hướng dẫn họ lựa chọn một số chính sách nhất định chứ không lựa chọn những chính sách khác.

Lưỡng cực (bipolar) - hệ thống quốc tế, trong đó có hai cường quốc hoặc hai khối có quyền lực gần bằng nhau

BRICS - nhóm không chính thức của các cường quốc kinh tế mới nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi

Nền chính trị quan liêu (bureaucratic politics) - mô hình ban hành quyết định chính sách đối ngoại nói rằng các quyết định của nhà nước là kết quả của quá trình thương lượng giữa các nhóm quan liêu có những lợi ích cạnh tranh với nhau; các quyết định phản ánh quyền lực tương đối của các tay chơi cá nhân trong bộ máy quan liêu hoặc của các tổ chức mà họ là người đại diện

Chủ nghĩa tư bản (capitalism) - hệ thống kinh tế, trong đó quyền sở hữu tư liệu sản xuất nằm trong tay tư nhân; hệ thống hoạt động phù hợp với các lực lượng thị trường, vốn và lao động di chuyển một cách tự do; mà theo những người cấp tiến là quan hệ bóc lột giữa chủ sở hữu phương tiện sản xuất và người lao động.

Ngoại giao thông qua những người nổi tiếng (celebrity diplomacy) – sử dụng những người nổi tiếng để làm người ta chú ý đến một vấn đề và/hoặc tìm cách gây ảnh hưởng lên cả công chúng lẫn những người ban hành quyết định nhằm theo đuổi một quá trình hành động.

Tính nhất quán của nhận thức (cognitive consistency) – các cá nhân có xu hướng chấp nhận thông tin tương thích với những thông tin đã nhận trước đó, thường là bằng cách bỏ qua thông tin không nhất quán; liên kết với ước muốn được nhất quán trong thái độ của mình.

Chiến tranh lạnh (Cold War) – giai đoạn trong quan hệ quốc tế từ sau Thế chiến II tới năm 1990, nổi bật bởi sự cạnh tranh về tư tưởng, kinh tế, chính trị và quân sự giữa Liên Xô và Mỹ.

Hàng hóa tập thể (collective good) - hàng hóa công cộng, ai cũng có thể tiếp xúc, không phụ thuộc vào đóng góp cá nhân, ví dụ, không khí, các đại dương hoặc Nam Cực - nhưng không ai có quyền sở hữu hay phải chịu trách nhiệm; quyết định của một nhóm người hoặc quốc gia về hàng hóa tập thể gây ra ảnh hưởng đến các nhóm hoặc quốc gia khác

An ninh tập thể (collective security) - khái niệm cho rằng hành động hung hăng nhắm chống lại một quốc gia phải bị tập thể các quốc gia khác đánh bại, vì hành động hung hăng nhắm chống lại một quốc gia là chống lại tất cả những quốc gia khác; đây là cơ sở của Hội quốc liên và Liên Hiệp Quốc

Chủ nghĩa thực dân (colonialism), hoạt động nhằm thành lập, giữ vững và mở rộng các thuộc địa ở nước ngoài trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX. Chủ nghĩa thực dân, do hai động lực chính sau đây:

(1) chỉ cho dân chúng bản địa cách sống tốt nhất (“khai hóa văn minh); và (2) bóc lột dân chúng bản địa và lãnh thổ - về lao động và tài nguyên – nhằm tăng sức mạnh của chính quyền thực dân. Hiện đã mất tính chính danh trên toàn thế giới.

Lợi thế tương đối (comparative advantage) - khả năng của một nước trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tương đối hiệu quả hơn các nước khác; cơ sở của nguyên lí kinh tế tự do, nói rằng các nước được lợi nếu có tự do thương mại.

Ép buộc (compellence) - đe dọa nhắm ép buộc người khác thực hiện một hành động mà nếu không thì sẽ họ không thực hiện

Các hoạt động giữ gìn hoà bình phức hợp hoặc đa phương (complex peacekeeping or multidimensional) – chiến dịch đa phương sử dụng các nhân viên quân sự và dân sự, thường bao gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình truyền thống và các hoạt động xây dựng quốc gia; nguy hiểm hơn vì không phải tất cả các bên đều đồng ý và vì vũ lực thường được sử dụng.

Thuyết kiến tạo (constructivism) - một lý thuyết về quan hệ quốc tế, đưa ra giả thuyết về cách các tư tưởng, chuẩn mực, và thiết chế định hình bản sắc và lợi ích quốc gia.

Ngăn chặn (containment) - chính sách đối ngoại được thiết kế nhằm chặn đứng quá trình bành trướng của kẻ thù bằng cách ngăn chặn cơ hội bành trướng của nó, bằng cách giúp đỡ những quốc gia yếu hơn thông qua các chương trình viện trợ nước ngoài, và bằng cách sử dụng vũ lực cưỡng chế chỉ để chống lại nỗ lực của kẻ thù nhằm bành trướng về mặt vật lí; chính sách quan trọng của Mỹ đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Tội ác chống loài người (crimes against humanity) – tội ác quốc tế, trong đó có giết người, bắt làm nô lệ, thanh trừng sắc tộc và tra tấn, chống lại thường dân, được quy định trong Quy chế Rome.

Thuyết tương đối về văn hóa (cultural relativism) - niềm tin cho rằng nhân quyền, đạo đức và luân lí được quyết định bởi văn hóa và lịch sử và do đó không phải là giá trị phổ quát.

Lý thuyết hòa bình dân chủ (democratic peace theory) - được hỗ trợ bởi bằng chứng thực nghiệm rằng các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau, nhưng các quốc gia này đánh nhau với các nước độc tài.

Dịch chuyển nhân khẩu học (demographic transition) - tình hình, trong đó mức độ phát triển kinh tế gia tăng làm cho tỷ lệ tử vong giảm, sau đó tỷ lệ cũng sinh giảm.

Các lý thuyết gia phụ thuộc (dependency theorists) – những người mà tư tưởng xuất phát từ chủ nghĩa cấp tiến, và giải thích rằng nghèo đói và kém phát triển ở các nước đang phát triển là do sự phụ thuộc mang tính lịch sử của họ vào và bị thống trị bởi của các nước giàu có.

Chứng khoán phái sinh (derivatives) - các công cụ tài chính thường có nguồn gốc từ một tài sản (thế chấp, cho vay, ngoại hối, lãi suất) mà các bên đồng ý trao đổi; cách mua và bán rủi ro trên thị trường tài chính quốc tế

Giảm bớt căng thẳng (détente) - giảm bớt mối quan hệ căng thẳng; trong bối cảnh của tác phẩm này, détente đề cập tới sự nới lỏng và đánh giá lại những đe dọa của các đối thủ chính trị, ví dụ, Mỹ và Liên Xô trong những năm cuối thời Chiến tranh Lạnh

Răn đe (deterrence) - chính sách duy trì lực lượng quân sự và kho vũ khí lớn nhằm ngăn cản bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào, làm cho họ không dám hành động; các quốc gia cam kết trừng phạt quốc gia xâm lược

Ngoại giao (diplomacy) – hoạt động của các quốc gia tìm cách gây ảnh hưởng đối với hành vi của các quốc gia khác bằng cách thương lượng, đàm phán, thực hiện những hành động không có những áp lực cụ thể hoặc kiềm chế, không thực hiện những hành động như thế hoặc kêu gọi công chúng nước ngoài ủng hộ quan điểm nào đó.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (direct foreign investment - FDI) - đầu tư vào quốc gia khác, thường là do các công ty đa quốc gia thực hiện, bằng cách thành lập cơ sở sản xuất hoặc phát triển ngành khai khoáng.

Giải trừ quân bị (disarmament) - chính sách loại bỏ vũ khí tấn công của quốc gia; có thể giải trừ tất cả các loại vũ khí hoặc chỉ giải trừ một số loại vũ khí được chỉ định; logic của chính sách này là càng ít vũ khí thì càng an toàn.

Chiến tranh chuyển hướng (diversionary war) - lý thuyết nói rằng các nhà lãnh đạo có thể khởi động xung đột nhằm chuyển hướng sự chú ý của dân chúng khỏi các các vấn đề quốc nội.

Hiệu ứng domino (domino effect) - ẩn dụ cho thấy rằng một quốc gia mất ảnh hưởng đối với kẻ thù thỉ chắc chắn sau đó sẽ mất quyền kiểm soát các lân bang, tương tự như những quân bài domino lần lượt bị đổ; được Mỹ sử dụng ẩn dụ này nhằm biện minh cho việc giúp đỡ Nam Việt Nam, vì sợ rằng nếu nước này trở thành cộng sản, thì các nước láng giềng cũng sẽ rơi vào ảnh hưởng của cộng sản

Cộng đồng epistemia (epistemic community) - cộng đồng chuyên gia và chuyên viên kỹ thuật, những người có chung niềm tin và cách tiếp cận vấn đề.

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa (ethnonational movements) - tham gia hoạt động chính trị có tổ chức của các cộng đồng có chung liên kết về dân tộc; một số phong trào đòi quyền tự chủ trong quốc gia; một số phong trào khác muốn tách ra và thành lập quốc gia mới; trong khi những phong trào khác thì muốn gia nhập quốc gia khác với quốc gia mà họ đang là thành viên

Liên minh châu Âu (European Union - EU) - liên minh gồm 28 nước ở châu Âu, trước đây là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EC); được thiết kế từ những năm 1950 nhằm hội nhập về kinh tế, nhưng đã bành trướng thành liên minh chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn.

Tập hợp nằm trong kí ức (evoked set) - xu hướng tìm kiếm những chi tiết trong một tình huống hiện thời tương tự như những thông tin đã thu thập được từ trước.

Các nhóm chính thống Hồi giáo cực đoan (extremist Islamic fundamentalism groups) - tìm cách thay đổi các quốc gia và xã hội bằng các biện pháp bạo lực và cưỡng ép nhằm giúp áp đặt luật Sharia

Khả năng tấn công phủ đầu (first-strike capability) - khả năng khởi động cuộc tấn công hạt nhân có khả năng ngăn chặn hoàn toàn cuộc tấn công trả đũa

Quốc gia dễ đổ vỡ (fragile state state) – quốc gia với chính phủ không hiệu quả hoặc không có chính phủ, tình trạng vô luật pháp lan tràn, thường song hành với bạo loạn và tội phạm; các cơ quan nhà nước không bảo vệ được người dân của mình

Đại hội đồng (General Assembly) một trong những cơ quan chính của Liên hợp quốc; nói chung, giải quyết các vấn đề ngoài lĩnh vực hòa bình và an ninh; mỗi quốc gia thành viên có một phiếu bầu; làm việc với sáu ủy ban chuyên trách bao gồm tất cả các quốc gia thành viên

Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (General Agreement on Tariffs and Trade - GATT) - được Hiệp định năm 1947 thành lập với tư cách là thiết chế của Bretton Woods, chịu trách nhiệm về đàm phán chế độ thương mại quốc tế theo chủ nghĩa tự do, bao gồm các nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại và địa vị tối huệ quốc; năm 1995 được cải cách thành Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization –WTO).

Diệt chủng (genocide) - giết hại hoặc làm hại một cách có hệ thống một nhóm người trên cơ sở đặc điểm dân tộc, tôn giáo, sắc tộc hoặc chủng tộc, với ý định tiêu diệt nhóm người này

Cơ cấu và quy trình quản trị toàn cầu (Global governance structures and processes) – tạo điều kiện cho các tác nhân phối hợp những nhu cầu và lợi ích phụ thuộc lẫn nhau trong khi không có chính quyền thống nhất

Toàn cầu hóa (globalization) - quá trình hội nhập ngày càng tăng về kinh tế, chính trị, truyền thông, quan hệ xã hội và văn hóa; ngày càng làm suy yếu chủ quyền quốc gia truyền thống

Nhóm 7 (G7) - nhóm các cường quốc kinh tế truyền thống (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italy, Canada), tổ chức các hội nghị hàng năm nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế; từ khi Nga tham gia, các cuộc thảo luận G8 chuyển sang các vấn đề chính trị

Nhóm 77 (G77) - liên minh khoảng 125 nước đang phát triển, thúc đẩy cải cách quan hệ kinh tế giữa các nước đang phát triển và đã phát triển.

Nhóm 20 (G20) - nhóm bộ trưởng tài chính và người đứng đầu các ngân hàng trung ương (gần đây là các nguyên thủ quốc gia) của các cường quốc kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nga, Australia, Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các đại diện của G7; họp định kỳ để thảo luận về các vấn đề kinh tế.

Tư duy nhóm (groupthink) - xu hướng để các nhóm nhỏ tạo ra đồng thuận và chống lại những lời chỉ trích quan điểm cốt lõi của mình, thường lờ đi thông tin trái chiều; nhóm có thể tẩy chay những thành viên có quan điểm khác

Chiến tranh du kích (guerrilla warfare) - sử dụng các lực lượng vũ trang không thường trực nhằm phá hoại ý chí của chính phủ đang nắm quyền (hoặc sự ủng hộ của nước ngoài cho chính phủ đang nắm quyền) bằng cách tấn công có chọn lọc các địa điểm hoặc nhân viên dễ bị tổn thương trong một thời gian dài; du kích ẩn náu trong dân chúng mà họ tìm cách làm người đại diện, và như vậy, làm cho người dân bình thường gặp nguy hiểm; du kích cần sự ủng hộ của xã hội (hoặc ở mức tối thiểu là sự thờ ơ xã hội) và nơi trú ẩn (căn cứ xa xôi trong vùng rừng núi hoặc biên giới được bảo vệ lỏng lẻo) thì mới sống sót được và nhờ sống sót mà giành được chiến thắng.

Bá quyền (hegemon) - một quốc gia giữ thế thượng phong với sức mạnh vượt trội; thiết lập và thực thi các luật lệ và chuẩn mực trong hệ thống quốc tế

Can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention) – hành động do các quốc gia, các tổ chức quốc tế hoặc cộng đồng quốc tế nói chung nhằm can thiệp, thường là bằng vũ lực, để giảm bớt những đau khổ của con người mà không cần nhà nước kia đồng ý.

An ninh con người (human security) - khái niệm về an ninh được mở rộng để đưa vao những biện pháp bảo vệ các cá nhân khỏi nạn bạo lực có hệ thống, suy thoái môi trường và thảm họa y tế; khái niệm này được đặt ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc; đấy là do các quốc gia bất lực hoặc không sẵn sàng (xem thêm Trách nhiệm bảo vệ) để bảo vệ một cách thỏa đáng công dân của mình.

Chiến tranh lai ghép (hybrid warfare) - thuật ngữ mới được sử dụng để mô tả chiến lược cố tình pha trộn các yếu tố và kỹ thuật của chiến tranh thông thường (ví dụ, đồng phục quốc gia, vũ khí hạng nặng) và chiến tranh phi quy ước (ví dụ, du kích, bán quân sự, chiến tranh thông tin hoặc chiến tranh mạng) nhằm ép buộc đối thủ mà vẫn không bị quy kết và báo thù.

Giả thuyết (hypotheses) - tuyên bố mang tính thăm dò về quan hệ nhân quả trước khi khảo sát và kiểm tra sự hợp lý của chúng và thường được đưa ra trước khi khảo sát và kiểm tra hậu quả mang tính thực nghiệm của những quan hệ này.

Chủ nghĩa đế quốc (imperialism) - chính sách và hoạt động bành trướng sự thống trị của quốc gia này lên quốc gia kia bằng cách chinh phục lãnh thổ hoặc thống trị về kinh tế; chủ nghĩa cấp tiến coi đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình bành trướng của hệ thống tư bản

Thiết chế (institution) - các tiến trình và cơ cấu của trật tự xã hội, mà các kỳ vọng và bản sắc tương đối ổn định của cá nhân và nhóm châu tuần xung quanh; ví dụ, ở hầu hết các nước, các khu vực, thiết chế hôn nhân vừa là thiết chế xã hội, vừa là thiết chế chính trị và kinh tế.

Các tổ chức liên chính phủ (intergovernmental organizations - IGO) - các cơ quan hoặc tổ chức quốc tế được các quốc gia thành lập và do các quốc gia thành viên kiểm soát, chuyên giải quyết các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm.

Những người di cư trong nước (internally displaced people - IDP) - những người phải rời bỏ nhà cửa, thường là do nội chiến, nhưng vẫn sống ở nước mình

Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (International Bill of Rights) - tên gọi chung của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights), Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social, and Cultural Rights)

Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF) thiết chế của Bretton Woods, ban đầu có nhiệm vụ giúp các quốc gia giải quyết các vấn đề về cán cân thanh toán tạm thời; hiện nay có vai trò rộng lớn hơn trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển mắc nợ bằng cách cung cấp các khoản vay cho những nước thiết lập các chính sách cụ thể hoặc các chương trình điều chỉnh cơ cấu

Chế độ quốc tế (international regimes) – các luật lệ, chuẩn mực và thủ tục do các quốc gia và các tổ chức liên quốc gia đặt ra vì họ có những quan tâm chung và được dùng để tổ chức các hoạt động chung

Quan hệ quốc tế (international relation) - nghiên cứu về tương tác giữa các tác nhân khác nhau (quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức bên dưới quốc gia như bộ máy quản lý hành chính, chính quyền địa phương và cá nhân) tham gia vào nền chính trị quốc tế

Xã hội quốc tế (international society) - các quốc gia và các tác nhân bên dưới quốc gia trong hệ thống quốc tế, các thiết chế và chuẩn mực điều chỉnh quá trình tương tác của họ; ngụ ý rằng các tác nhân này giao tiếp, chia sẻ lợi ích và bản sắc chung; được xác định trong trường phái lý thuyết chính trị của Anh.

Chiến tranh giữa các quốc gia (interstate war) - bạo lực có tổ chức giữa các quốc gia được quốc tế công nhận, làm cho ít nhất một nghìn người chết trong các trận đánh trong một năm; từ năm 1900, chiến tranh giữa các quốc gia đã làm chết nhiều người nhất trong khoảng thời gian tương đối ngắn trong lịch sử thế giới, ví dụ, Thế chiến II, từ năm 1939 đến năm 1945 đã giết chết từ 50 đến 70 triệu người.

Chiến tranh trong nội bộ quốc gia (intrastate war) – bạo lực có tổ chức và cố ý ở trong nước, làm cho ít nhất một nghìn người chết do đánh nhau trong một năm; cho đến nay nội chiến (civil war) vẫn là hình thức chiến tranh nội bộ phổ biến nhất, nhưng một số cuộc tấn công khủng bố bên trong các quốc gia đã vượt quá ngưỡng một nghìn người chết, và do đó có thể được coi là chiến tranh.

Chiến tranh chính nghĩa (just war) - tư tưởng cho rằng các cuộc chiến phải được đánh giá theo hai phạm trù công lý:

(1) jus ad bellum - đâu là lời biện minh thích hợp cho việc tham chiến; và (2) jus in bello, sự chính nghĩa của hành động của các bên tham chiến.

Hội Quốc Liên (League of Nations) - tổ chức quốc tế sau khi Thế chiến I kết thúc với mục đích ngăn chặn một cuộc chiến khác; dựa trên an ninh tập thể.

Tính chính danh (legitimacy) - quyền cai trị phù hợp đạo đức và luật pháp, dựa trên luật pháp, tập quán, di truyền hoặc sự đồng ý của người bị trị

Cấp phân tích (levels of analysis) – khuôn khổ phân tích, dựa trên ý tưởng cho rằng các sự kiện trong quan hệ quốc tế có thể được giải thích bằng cách xem xét các cá nhân, quốc gia hoặc hệ thống quốc tế và có thể tách biệt nguyên nhân ở cấp này ra khỏi nguyên nhân ở các cấp khác

Chủ nghĩa tự do (liberalism) - lý thuyết dựa trên giả định về lòng tốt bẩm sinh của cá nhân và giá trị của các thiết chế chính trị trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội

Xung đột vũ trang hạn chế (limited wars armed conflicts) - thường xảy ra giữa các quốc gia, trong đó các bên tham chiến nhận thức được giới hạn về cả nguồn lực được đem ra sử dụng cũng như những mục tiêu chính trị cần đạt được bằng chiến tranh (cụ thể, mục tiêu không phải là đánh bại hoàn toàn kẻ thù hoặc đầu hang vô điều kiện).

Nan đề Malthus (Malthusian dilemma) - kịch bản, trong đó dân số tăng nhanh hơn năng suất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.

Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) - lý thuyết kinh tế nói rằng thương mại quốc tế sẽ làm gia tăng của cải của quốc gia, đặc biệt là vàng; quyền lực nhà nước được tăng cường bởi cán cân thương mại thuận lợi.

Hình ảnh phản chiếu trong gương (mirror images) - các cá nhân và các nhóm có xu hướng nhận thấy ở đối thủ những đặc điểm trái ngược với những đặc điểm mà họ nhìn thấy trong bản thân mình.

Vấn đề rủi ro đạo đức (moral hazard problem) - khi các quốc gia hoặc cá nhân không phải gánh chịu trả hậu quả mà hành vi bất cẩn của mình gây ra, họ sẽ không có động cơ thay đổi hành vi đó.

Nguyên tắc tối huệ quốc (most-favored-nation, MFN) - nguyên tắc trong các hiệp định thương mại quốc tế, khi một quốc gia hứa sẽ dành cho quốc gia kia cách đối xử tương tự trong buôn bán như quốc gia kia dành cho đối tác thương mại được ưu tiên nhất.

Chủ nghĩa đa phương (multilateralism) - hoạt động quốc tế do ba hoặc nhiều hơn ba quốc gia thực hiện theo những nguyên tắc mà họ cùng chia sẻ; họ thường xuyên, nhưng không phải lúc nào cũng thông qua các thiết chế quốc tế.

Các tập đoàn đa quốc gia (multinational corporations - MNC) doanh nghiệp tư nhân có cơ sở sản xuất, bán hàng hoặc hoạt động ở một số quốc gia.

Đa cực (multipolar) - hệ thống quốc tế, trong đó có một số quốc gia hoặc cường quốc có sức mạnh hoặc trọng lượng gần bằng nhau

Buôn lậu ma túy (narcotrafficking) - vận chuyển số lượng lớn ma túy bất hợp pháp như heroin hoặc cocaine qua biên giới quốc gia.

Dân tộc (nation) - một nhóm người chia sẻ ngôn ngữ, lịch sử hoặc văn hóa chung

Lợi ích quốc gia (national interest) - là lợi ích của nhà nước, cơ bản nhất là bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền; trong tư duy của phái hiện thực, lợi ích là nhất thể, được định nghĩa là theo đuổi quyền lực; trong khi phái tự do cho rằng có nhiều lợi ích quốc gia; trong tư duy của phái cấp tiến thì đó là lợi ích của tầng lớp cầm quyền.

Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) – sùng bái và trung thành với dân tộc và những đặc điểm chung của các dân tộc; được sử dụng để thúc đẩy mọi người làm những hành động yêu nước, đôi khi dẫn đến kết quả là một nhóm người tìm cách thống trị nhóm người khác.

Quốc gia-dân tộc (nation-state) - thực thể được hình thành khi những người có chung nguồn gốc lịch sử, văn hóa hoặc ngôn ngữ lập nên nhà nước của mình với đường biên giới, chính phủ và được quốc tế công nhận; xu hướng này có nguồn gốc từ các cuộc Cách mạng Pháp và Mỹ.

Ngoại tác tiêu cực (negative externalities) – thuật ngữ kinh tế nói về các hậu quả không chủ ý, phải trả giá đắt (có hại) của quá trình trao đổi; về mặt chính trị, ngoại tác tiêu cực của chính phủ thất bại có thể là người tị nạn; trong cuộc chiến chống nổi dậy, ngoại tác tiêu cực đối với chính phủ đương quyền đang chiến đấu với quân nổi dậy có thể là các nhóm khủng bố tăng cường tuyển quân, đấy là do những đau khổ, cố ý hoặc vô tình, gây ra cho những người không phải là chiến binh trong các khu vực tranh chấp

Thuyết thể chế tân tự do (neoliberal institutionalism) - diễn giải lại chủ nghĩa tự do, nói rằng ngay cả trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ, các quốc gia sẽ hợp tác vì họ thường xuyên tương tác với nhau và họ có lợi khi làm như thế; các thiết chế cung cấp khuôn khổ cho các tương tác mang tính hợp tác

Chủ nghĩa tân hiện thực (neorealism) - diễn giải lại chủ nghĩa hiện thực, nói rằng cơ cấu của hệ thống quốc tế là cấp quan trọng nhất, cần phải nghiên cứu; các quốc gia hành xử theo cách họ đang hành xử vì cơ cấu của hệ thống quốc tế; trong đó có niềm tin rằng có thể tìm được các luật chung đủ sức giải thích các sự kiện.

Tội phạm mạng (netcrime) - tội phạm sử dụng mạng Internet; có thể bao gồm các hoạt động khác nhau, như e-mail hoặc bắt nạt những người cùng trang lứa, sử dụng mã máy tính để đánh cắp thông tin của người khác, đưa lên mạng khiêu dâm trẻ em hoặc ăn cắp sở hữu trí tuệ

Trật tự kinh tế quốc tế mới (New International Economic Order - NIEO) - danh sách những đòi hỏi của Nhóm 77 nhằm cải cách quan hệ kinh tế giữa Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu, nghĩa là, cải cách quan hệ kinh tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Người không chiến đấu phải được bảo vệ (noncombatant immunity) - nguyên tắc cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế (trước đây gọi là là Luật về chiến tranh), cho rằng không được cố tình coi những người không mang vũ khí trong cuộc xung đột là mục tiêu hoặc làm cho họ chịu đau khổ một cách có hệ thống; đấy là thường dân không vũ trang, binh lính đã đầu hàng và những người lính bị thương nặng, không thể tự vệ.

Các tổ chức phi chính phủ (nongovernmental organizations - NGO) - các hiệp hội tư nhân do các cá nhân hoặc các nhóm lập ra; tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế hoặc xã hội, thường là hoạt động xuyên qua biên giới quốc gia.

Không bị hồi hương (non-refoulement) - nguyên tắc nói rằng người tị nạn không thể bị buộc phải trở về cố quốc vì sợ bị đàn áp trên cơ sở chủng tộc, sắc tộc hoặc thành viên của một nhóm xã hội nào đó.

Phản kháng bất bạo động (nonviolent resistance) – phản kháng cơ quan có thẩm quyền, bác bỏ một cách có hệ thống việc dùng bạo lực làm chiến thuật; ví dụ thường thấy là đình công, biểu tình ngồi và tuần hành phản đối.

Quy phạm (normative) - liên quan đến các quy tắc đạo đức; trong chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế là các tiêu chuẩn cho rằng chính sách phải như thế nào.

Bắc (North) - các quốc gia phát triển, chủ yếu ở Bắc Bán Cầu, trong đó có các nước Bắc Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization - NATO) Liên minh quân sự và chính trị giữa nước Tây Âu và Mỹ, thành lập năm 1948 với mục đích bảo vệ châu Âu trước cuộc xâm lăng của Liên Xô và các đồng minh của nước này; sau Chiến tranh Lạnh sau chiến tranh đã mở rộng, bao gồm cả Đông Âu.

Phổ biến hạt nhân (Nuclear proliferation) – lan truyển về mặt địa lý năng lực quản lý phản ứng dây chuyền hạt nhân được kiểm soát; ban đầu chỉ có Mỹ và Liên Xô có khả năng này. Công nghệ này – trong đó có các cơ sở năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng như vũ khí hạt nhân - đã lan sang các nước, trong đó có Vương quốc Anh, Pháp, Nhật Bản, Argentina, Đức, Thụy Sĩ, Pakistan, Ấn Độ, Israel và một số nước khác.

Các trung tâm tài chính hải ngoại (offshore financial centers)- các nước hoặc các khu vực pháp lý chỉ có vài quy định về giao dịch ngân hàng và tài chính, thường có thuế suất thấp; các cá nhân và ngân hàng quốc tế thường dùng để chuyển tiền

Nền chính trị có tổ chức (organizational politics) - mô hình ban hành quyết định chính sách đối ngoại, nói rằng các quyết định của nhà nước là sản phẩm của các tổ chức và đơn vị của chính quyền nằm bên dưới nhà nước; các quy trình và tiến trình hoạt động chuẩn của các tổ chức quyết định phần lớn chính sách; thay đổi lớn trong chính sách khó có thể xảy ra.

Kiến tạo hòa bình (peacebuilding) - các hoạt động chính trị và kinh tế sau khi xung đột chấm dứt, được thiết kế nhằm giữ vững và củng cố các khu định cư hòa bình; trong đó có quản lý hành chính, tổ chức bầu cử và các hoạt động phát triển kinh tế.

Đầu tư theo danh mục (portfolio investmen) – các khoản đầu tư tư nhân vào quốc gia khác bằng cách mua cổ phiếu hoặc trái phiếu, mà không kiểm soát trực tiếp các khoản đầu tư

Quyền lực (power) - khả năng gây ảnh hưởng lên người khác và khả năng kiểm soát kết quả nhằm tạo ra kết quả mà nếu để tự nhiên thì sẽ không xảy ra

Sức mạnh tiềm tàng (power potential) - thước đo sức mạnh mà một thực thể, ví dụ, một quốc gia có thể có, xuất phát từ cả nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình của nó; không phải lúc nào các quốc gia cũng có thể biến sức mạnh tiềm tàng của mình thành sức mạnh trên thực tế

Nan đề tù nhân (prisoner’s dilemma) - trò chơi mang tính lý thuyết, trong đó các tay chơi duy lý (quốc gia hoặc cá nhân) đưa ra những lựa dẫn đến kết quả (thưởng phạt) mà tất cả các tay chơi đều rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn so với tập hợp những lựa chọn khác.

Ngoại giao công chúng (public diplomacy) - sử dụng một phương pháp ngoại giao nhất định nhằm tạo ra hình ảnh thuận lợi của quốc gia hoặc người dân của mình trong mắt các quốc gia khác và công chúng những quốc gia đó; phương pháp bao gồm, ví dụ, các chuyến tham quan thiện chí, trao đổi văn hóa và sinh viên, và thuyết trình trên các phương tiện truyền thông

Chủ nghĩa cấp tiến (radicalism) - lý thuyết xã hội, do Karl Marx dựng lên và được các lý thuyết gia khác cải biến, cho rằng xung đột giai cấp giữa chủ sở hữu phương tiện sản xuất và công nhân cuối cùng sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản sụp đổ; phê phán chủ nghĩa tư bản.

Tác nhân duy lý (rational actor) - tác nhân duy lý trong tư duy của phái hiện thực là cá nhân hay nhà nước dùng lập luận logic để lựa chọn chính sách; nghĩa là, tác nhân này cần đạt được mục tiêu đã xác định, tác nhât xem xét tất cả các chiến lược có thể được lựa chọn và lựa chọn chính sách giúp đạt được mục tiêu một cách tốt nhất

Chủ nghĩa hiện thực (realism) - lý thuyết về quan hệ quốc tế nhấn mạnh rắng các quốc gia quan tâm đến việc tích lũy quyền lực nhằm đảm bảo an ninh trong cái thế giới vô chính phủ này. Chủ nghĩa hiện thực dựa trên quan niệm cho rằng các cá nhân là những người tìm kiếm quyền lực và các quốc gia hành động trong khi theo đuổi lợi ích quốc gia của mình, mà lợi ích lại được định nghĩa bằng các thuật ngữ của quyền lực.

Người tị nạn (refugee) – những người chạy trốn khỏi đất nước mình vì sợ bị đàn áp vì lý do chủng tộc, sắc tộc hoặc thành viên trong một nhóm xã hội nào đó

Trách nhiệm bảo vệ (responsibility to protect - R2P) - chuẩn mực mới xuất hiện, quy định rằng cộng đồng quốc tế phải giúp đỡ những người bị đau khổ do chính nhà nước của mình hoặc nước khác gây ra.

Đẩy lùi (rollback) - chiến lược sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để kiên quyết buộc kẻ thù phải từ bỏ lãnh thổ mà họ đã chiếm được.

Trừng phạt (sanction) – sử dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và thậm chí lực lượng quân sự để buộc thực thi chính sách do quốc tế áp đặt hoặc phải thực thi chính sách của quốc gia khác; các biện pháp trừng phạt có thể là tích cực (khuyến khích) hoặc tiêu cực (trừng phạt)

Giải pháp làm mọi người đều thoản mãn (satisficing) - trong lý thuyết ra quyết định, xu hướng của các quốc gia và các nhà lãnh đạo quốc gia nhằm đưa ra giải pháp tối thiểu có thể chấp nhận được - không phải là kết quả tốt nhất có thể - nhằm đạt được đồng thuận và thiết lập chính sách

Khả năng tấn công trả đũa (second-strike capability) - trong thời đại vũ khí hạt nhân, đây là khả năng của quốc gia trong việc phản ứng và làm cho kẻ thù bị thiệt hại sau khi quốc gia này bị kẻ thù tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân; đảm bảo rằng cả hai bên sẽ bị thiệt hại đến mức không thể chấp nhận được.

Hội đồng Bảo an (Security Council) - một trong những cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm về trách nhiệm về các vấn đề hòa bình và an ninh; có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực được Đại Hội Đồng bầu lên.

Tiến thoái lưỡng nan về an ninh (security dilemma) - tình hình khi một quốc gia cải thiện khả năng quân sự của mình, đặc biệt là khả năng phòng thủ, nhưng các quốc gia khác lại coi đấy là đe dọa; mỗi quốc gia trong hệ thống quốc tế vô chính phủ đều tìm cách gia tăng khả năng quốc phòng của chính mình, làm cho những quốc gia khác mất an ninh, thường dẫn đến chạy đua vũ trang.

Quyền lực thông minh (smart power) - sử dụng những biện pháp ép buộc (quyền lực cứng) cùng với thuyết phục và sức hấp dẫn (quyền lực mềm)

Trừng phạt thông minh (smart sanction) – những biện pháp trừng phạt hạn chế có mục tiêu rõ rang nhằm làm tổn thương hoặc ủng hộ những nhóm người cụ thể nào đó; được sử dụng nhằm tránh những thiệt hại về nhân đạo mà các biện pháp trừng phạt tổng quát có thể gây ra.

Chủ nghĩa xã hội (socialism) - hệ thống kinh tế và xã hội dựa trên những biện pháp can thiệp sâu rộng của chính phủ hoặc sở hữu công cộng các phương tiện sản xuất nhằm phân phối của cải một cách công bằng hơn; trong lý thuyết cấp tiến, đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản

Luật pháp mềm (soft law) – chuẩn mực không ràng buộc về hành vi của quốc gia; cuối cùng có thể trở thành hoặc không trở thành luật cứng hoặc luật bắt buộc phải thi hành.

Quyền lực mềm (soft power) – khả năng làm thay đổi hành vi của đối tượng trên cơ sở tính chính danh của tư tưởng hay chính sách của mình chứ không phải trên cơ sở sức mạnh vật chất (kinh tế hoặc quân sự).

Nam (South) - các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Nam Á

Chủ quyền (sovereignty) - chính quyền nhà nước, trên cơ sở được các quốc gia khác và các tác nhân phi nhà nước thừa nhận trong việc quản trị các vấn đề bên trong biên giới quốc gia, tức là những vấn đề ảnh hưởng đến dân chúng, đến nền kinh tế, an ninh và hình thức chính phủ.

Các quỹ tài sản của nhà nước (sovereign wealth funds) - các công ty đầu tư do nhà nước kiểm soát, quản lý dự trữ ngoại hối lớn; nằm ở Trung Quốc hoặc tại các nước xuất khẩu dầu mỏ (Na Uy), các quốc gia vùng Vịnh (Saudi Arabia).

Quốc gia (state) - đơn vị chính trị có tổ chức, có lãnh thổ, dân số ổn định và chính phủ mà dân chúng phải trung thành và được các quốc gia khác công nhận về mặt pháp lý

Phân tầng (stratification) - phân bố nguồn lực không đồng đều giữa các nhóm người và các quốc gia khác nhau

Các chương trình điều chỉnh cơ cấu (structural adjustment programs) - các chính sách và khuyến nghị của IMF với mục đích hướng dẫn các quốc gia giải hoát khỏi những khó khăn về cán cân thanh toán và khủng hoảng kinh tế

Hội đàm và hội nghị thượng đỉnh (summits talks and meetings) - hội đàm và hội nghị giữa những người đứng đầu chính phủ các nước khác nhau; được thiết kế nhằm thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp và tạo diễn đàn nhằm thảo luận về các vấn đề và hoàn tất các cuộc đàm phán chính thức.

Siêu cường (superpowers) - các quốc gia có quyền lực cao nhất so với các cường quốc khác; thuật ngữ được đặt ra trong thời Chiến tranh Lạnh để chỉ Mỹ và Liên Xô.

Phát triển bền vững (sustainable development) - cách tiếp cận với phát triển kinh tế, tìm cách dung hòa giữa tăng trưởng kinh tế trong hiện tại và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai

Hệ thống (system) - một nhóm các đơn vị hoặc các bộ phận hợp nhất bằng một số hình thức tương tác thường xuyên, trong đó thay đổi trong một đơn vị tạo ra thay đổi trong các đơn vị khác; những tương tác này diễn ra theo những quy tắc sẵn có.

Chủ nghĩa khủng bố (terrorism) - sử dụng bạo lực chính trị có tổ chức bởi các tác nhân nhằm vào những người không phải là chiến sĩ với mục đích tạo ra sợ hãi, coi đây là phương tiện nhằm đạt được mục tiêu chính trị hoặc tôn giáo; một hình thức của chiến tranh bất đối xứng.

Lý thuyết (theory) - tuyên bố đã được khái quát hóa về các hoạt động chính trị, xã hội hoặc kinh tế, tìm cách mô tả và giải thích những hoạt động đó; trong nhiều trường hợp, được sử dụng làm cơ sở dự đoán.

Đế chế Thứ ba (Third Reich) - nhà nước Đức từ 1933 đến năm 1945; giai đoạn nằm dưới quyền cai trị của Adolf Hitler và Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia của ông ta còn gọi là “Naziz”, sau Đế chế Thứ hai (Second Reich, 1871 - 1918) và Đế chế Thứ nhất (First Reich, 962 - 1806)

Chiến tranh toàn diện (total wars) - xung đột vũ trang thường xảy ra giữa nhiều quốc gia hùng mạnh, kéo theo tàn phá trên diện rộng và nhiều người thiệt mạng, các bên tham chiến không thừa nhận bất cứ giới hạn nào trong việc sử dụng vũ lực nhằm đạt được mục đích chính trị của mình, trong đó có việc kẻ thù đầu hàng vô điều kiện.

Ngoại giao nhân dân (track-two diplomacy) – hoạt động không chính thức của các cá nhân hoặc nhóm người nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế hoặc nội chiến đang diễn ra.

Giữ gìn hòa bình truyền thống (traditional peacekeeping) - sử dụng các lực lượng quân sự của bên thứ ba mang tính đa phương nhằm đạt được một số mục tiêu khác nhau, thường là để giải quyết và ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia, trong đó có thi hành lệnh ngừng bắn và chia tách các lực lượng; được sử dụng trong thời kì Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn, không để xung đột giữa các cường quốc leo thang.

Xuyên quốc gia (transnational) - xuyên biên giới quốc gia hoặc biên giới truyền thống giữa các nước; có thể đề cập đến những hành động của các chủ thể phi nhà nước khác nhau, ví dụ, các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ

Các phong trào xuyên quốc gia (transnational movements) – những nhóm người từ các từ các quốc gia khác nhau có chung niềm tin tôn giáo, ý thức hệ hoặc chính sách và những người làm việc cùng nhau nhằm thay đổi hiện trạng

Các hiệp ước Westphalia (Treaties of Westphalia) - các hiệp ước Westfalia kết thúc cuộc Chiến tranh Ba mươi năm ở châu Âu, năm 1648; trong quan hệ quốc tế, đây là xuất phát điểm của chủ quyền nhà nước trong một không gian lãnh thổ nào đó.

Chiến tranh phi quy ước (unconventional warfare) - chiến tranh, trong đó các phương tiện được sử dụng (ví dụ, cố tình làm hại những người không chiến đấu) hoặc mục đích nhắm tới (ví dụ, diệt chủng) vi phạm cách làm truyền thống

Đơn cực (unipolar) - hệ thống quốc tế trong đó chỉ có một tác nhân duy nhất gây được ảnh hưởng nhiều nhất.

Tác nhân đơn nhất (unitary actor) - nhà nước là tác nhân có một tiếng nói và một lợi ích quốc gia duy nhất; những người theo phái hiện thực cho rằng các quốc gia là những tác nhân đơn nhất

Quyền tài phán phổ quát (universal jurisdiction) - khái niệm pháp lý cho phép các quốc gia tuyên bố thẩm quyền pháp lý vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia của mình với mục đích trừng phạt một tên tội phạm đặc biệt hung ác vi phạm luật pháp tất cả các quốc gia hoặc bảo vệ các quyền con người

Chiến tranh (War) - bạo lực chính trị được tổ chức chính quyền được mọi người công nhận nhằm cưỡng chế một chính thể khác, và làm cho mỗi năm có ít nhất một nghìn người chết vì chiến tranh. Tất cả các bên liên quan phải có năng lực thực sự, đủ sức làm hại lẫn nhau; định nghĩa này làm cho chiến tranh khác với khủng bố, bạo loạn, giết người hang loạt, diệt chủng và các cuộc đụng độ nhỏ.

Cuộc chiến chống khủng bố (war on terrorism) - lời kêu mang tính tu từ học đầy sức mạnh nhằm tận dụng tất cả các nguồn lực sẵn có của xã hội (cả vật chất và phi vật chất) nhằm đánh bại một chiến thuật chính trị; hàm ý quan trọng của tuyên bố “cuộc chiến chống khủng bố” là sẽ không hoặc sẽ có rất ít giới hạn, nếu quả thật là có những giời hạn như thế, trong việc sử dụng nguồn lực mà thôi.

Hiệp ước Warsaw (Warsaw Pact) - liên minh quân sự do các nước thuộc khối Xô Viết thành lập, năm 1955, nhằm đáp trả việc Tây Đức tái vũ trang và kết nạp nước này vào khối NATO; cho phép quân đội Liên Xô đóng ở Đông Âu

Đồng thuận Washington (Washington Consensus) - niềm tin của phái tự do, cho rằng phát triền chỉ diễn ra khi áp dụng các chính sách kinh tế tự do đặc thù, mà đặc biệt là tư nhân hóa.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction - WMD) - vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ, khác với những loại vũ khí khác, vì không thể hạn chế được sức phá hủy của chúng trong thời gian và địa điểm duy nhất; do đó, những người có tư duy sẽ không sử dụng chúng  vì bên tấn công không bao giờ có thể được bảo vệ hoàn toàn khỏi tác hại của cuộc tấn công mà họ khởi xướng với những loại vũ khí đó.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) – tổ chức cho vay hoạt động trên toàn thế giới, tập trung vào việc cung cấp tài chính cho các dự án trong các nước đang phát triển; tên chính thức là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development), được thành lập như một trong những thiết chế chính của Bretton Woods nhằm giải quyết vấn đề tái thiết và phát triển sau Thế chiến II.

Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) - tổ chức liên chính phủ được lập ra nhằm hỗ trợ các nguyên tắc của thương mại tự do của phái tự do; trong đó có các biện pháp thực thi và cơ chế giải quyết tranh chấp; được thành lập năm 1995 - thay thế Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement on Tariffs and Trade – GATT).

 


No comments:

Post a Comment