February 4, 2016

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư nghĩa là gì và phản ứng với nó như thế nào

Klaus Schwab


Phạm Nguyên Trường dịch

Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghệ sẽ làm thay đổi một cách căn bản lối sống, cách làm việc của chúng ta và cách chúng ta liên hệ với nhau. Sự chuyển hóa sẽ khác hẳn những giai đoạn mà nhân loại đã từng trải qua cả về quy mô, phạm vi và độ phức tạp. Chúng ta vẫn chưa biết nó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng rõ ràng là: phải có phản ứng tích hợp và toàn diện, bao gồm tất cả các bên liên quan của cộng đống chính trị thế giới, từ các khu vực công và tư đến giới hàn lâm và xã hội dân sự.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất sử dụng nước và máy hơi nước để cơ khí hóa quá trình sản xuất. Cuộc các mạng thứ hai sử dụng điện năng để tạo ra nền sản xuất đại trà. Cuộc cách mạng thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư hiện nay được xây dựng dựa trên cuộc Cách mạng thứ ba, tức là cuộc cách mạng kỹ thuật số diễn ra từ giữa thế kỉ XX. Đặc diểm của nó là sự hợp nhất các công nghệ, xóa nhòa ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số, và sinh học.

Có ba lý do giải thích vì sao những chuyển hóa đang diễn ra không phải chỉ đơn giản là sự kéo dài của cuộc Cách mạng công nghiệp thứ ba mà là Cuộc cách mạng thứ tư và là một cuộc Cách mạng khác: tốc độ, phạm vi và tác động lên các hệ thống. Tốc độ của những bước đột phá hiện nay là vô tiền khoáng hậu. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng thứ tư phát triển với tốc độ lũy thừa chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó sẽ phá vỡ hầu hết các ngành trong tất cả các quốc gia. Và bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển hóa toàn bộ các hệ thống, cả sản xuất, quản lí lẫn quản trị.

Khả năng của hàng tỉ người kết nối với nhau bằng các thiết bị di động - với khả năng xử lí, dung lượng lưu trữ và tiếp cận với tri thức chưa từng có - là vô cùng vô tận. Và những khả năng này sẽ được nhân lên nhiều lần bởi những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, người máy, tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau (Internet of Things), thiết bị tự động, in 3-D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử

Hiện nay, xung quanh chúng ta đã có khá nhiều trí tuệ nhân tạo, từ những chiếc xe tự hành và may bay không người lái đến những thiết bị trợ giúp và phần mềm phiên dịch hay đầu tư. Tiến bộ đầy ấn tượng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong mấy năm gần đây – nhờ sự gia tăng theo cấp số nhân về khả năng tính toán và một lượng lớn dữ liệu, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc chữa bệnh mới đến những thuật toán được sử dụng để dự đoán những mối quan tâm về văn hóa của chúng ta. Đồng thời, hàng ngày các công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang tương tác với thế giới sinh học. Các kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp thiết kế bằng máy tính, công nghệ in 3-D, kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp nhằm tạo ra sự cộng sinh giữa vi sinh vật, cơ thể chúng ta, những sản phẩm mà chúng ta tiêu thụ và thậm chí là cả những tòa nhà mà chúng ta sống nữa.

THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI

Tương tự như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư có tiềm năng nâng cao thu nhập trên toàn cầu và cải thiện chất lượng sống cho người dân trên toàn thế giới. Cho đến nay, những người thu lợi nhiều nhất là người tiêu dùng có thể đủ điều kiện và tiếp xúc được với thế giới kĩ thuật số; công nghệ đã làm ra các sản phẩm và dịch vụ mới có thể làm gia tăng hiệu quả công việc và niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Gọi taxi, đặt chỗ máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi game trên máy tính – tất cả những việc này đều có thể được thực hiện từ xa.

Trong tương tai, cải tiến về công nghệ còn có thể dẫn đến những điều kì diệu, mang lại những lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động. Chi phí vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ hiệu quả hơn và chi phí buôn bán sẽ giảm, tất cả những sự kiện này sẽ giúp mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, như hai nhà kinh tế học Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể làm cho bất bình đẳng gia, đặc biệt là vì nó có thể làm rối loạn thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế cho lao động trong toàn bộ nền kinh tế, việc máy móc thay thế cho người lao động có thể làm gia tăng khoảng cách giữa số tiền trả cho tư bản và tiền trả cho lao động. Mặt khác, cũng có khả năng là việc công nghệ thay thế cho người lao động sẽ dẫn đến kết quả là lao động trở nên an toàn hơn và được tưởng thưởng nhiều hơn.

Hiện nay chúng ta không thể dự đoán được kịch bản nào sẽ xay ra, và lịch sử cho thấy rằng kết quả thường là sự kết hợp của hai kịch bản nói trên. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, tác nhân quan trọng nhất trong sản xuất sẽ là tài năng chứ không phải là tư bản. Điều này sẽ ngày càng chia thị trường lao động thành hai phân khúc “tay nghề thấp/lương thấp” và “tay nghề cao/lương cao”, điều đó, đến lượt nó, lại làm gia tăng căng thẳng trong xã hội.

Cùng với cuộc Cách mạng thứ tư, bất bình đẳng không những là mối lo chính trong kinh tế mà còn là mối lo lớn nhất trong lĩnh vực xã hội. Những người cung cấp nhà xưởng và vốn trí tuệ - các nhà sáng chế, các cổ đông và nhà đầu tư - sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất, đấy là lí do giải thích vì sao khoảng cách ngày càng gia tăng về của cải giữa những có vốn và những người lao động. Vì vậy, công nghệ là lí do vì sao trong những nước có thu nhập cao công nghệ là lí do chính làm cho thu nhập của đa số dân chúng gia tăng rất chậm, thậm chí còn giảm: ngày càng cần nhiều người lao động có tay nghề cao trong khi nhu cầu về người lao động ít học hoặc không có tay nghề thấp ngày càng giảm. Kết quả là thị trường lao động với nhu cầu cao ở hai đầu, trong khi khoảng giữa thì không có nhu cầu.

Điều này giúp giải thích vì sao lại có nhiều công nhân thất vọng và lo sợ rằng thu nhập thực tế của họ và của con họ sẽ tiếp tục lẽo đẽo theo sau đà tăng của giá cả. Nó cũng giúp giải thích vì sao giai cấp trung lưu trên toàn thế giới ngày càng cảm thấy bất mãn và cho rằng xã hội bất công đối với họ. Nền kinh tế mà người thắng cuộc được tất cả, tức là nền kinh tế giành ít cơ hội cho giai cấp trung lưu là nguyên nhân dẫn tới bất ổn và thờ ơ đối với chế độ dân chủ.

Thái độ bất mãn có thể còn gia tăng bởi sự lan tràn của công nghệ số và thông tin do các phương tiện thông tin đại chúng loan tải. Hơn 30% người dân trên thế giới hiện đang sử dụng công cụ thông tin xã hội để kết nối, học tập và chia sẻ thông in. Trong thế giới lí tưởng, những tương tác này sẽ cung cấp cơ hội cho việc tìm hiểu và cố kết các nền văn hóa khác nhau. Nhưng chúng cũng có thể còn tạo ra và truyền bá những mong đợi phi thực tế cho những cá nhân và những nhóm người khác nhau, cũng như tạo cơ hội cho người ta truyền bá những tư tưởng và ý thức hệ cực đoan.


TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP


Chủ đề cơ bản trong những cuộc thảo luận của tôi với các CEO và những nhà quản lí doanh nghiệp cao cấp trên khắp thế giới là gia tốc của cải tiến và tốc độ của đổ vỡ là những điều khó nắm bắt và khó dự đoán và đấy là nguồn tạo ra những sự ngạc nhiên bất tận, ngay cả đối với những người có nhiều mối quan hệ và có nhiều thông tin nhất. Trên thực tế, có bằng chứng rõ ràng rằng các ngành công nghệ vốn là trụ cột cho cuộc Cách mạng thứ tư là những ngành có ảnh hưởng mạnh nhất đối với doanh nghiệp.

Bên phía cung, nhiều ngành đang chứng kiện sự xuất hiện của các công nghệ mới, sẽ tạo ra những biện pháp hoàn toàn mới nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện có và làm rối loạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng hiện có. Đổ vỡ còn do những người cạnh tranh đầy sáng kiến và nhanh nhẹn gây ra, những người này – nhờ tiếp cận với nền tảng công nghệ số toàn cầu trong nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán và phân phối – có thể hất cẳng những người đang hoạt động trong những lĩnh vực này nhanh chóng hơn hẳn trước kia vì họ có thể cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả của hàng hóa mà họ cung cấp.

Sự thay đổi lớn bên phía cung cũng sẽ xảy ra vì sự minh bạch và tham gia của người tiêu thụ gia tăng và hành vi của người tiêu thụ thay đổi (ngày càng dựa vào mạng và dữ liệu trên mạng) buộc các công ty phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp.

Xu hướng chính là phát triển những nền tảng khả thi về công nghệ, có thể kết hợp cả cung và cầu nhằm phá vỡ những cơ cấu hiện có, như chúng ta đã thấy trong nền kinh tế “chia sẻ” hay “phục vụ nhu cầu”. Những nền tảng công nghệ này làm cho việc sử dụng bằng điện thoại trở nên dễ dàng hơn, dễ thu hút người, tài sản và dữ liệu hơn – bằng cách đó tạo ra những cách thức mới trong tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ ngay trong tiến trình. Ngoài ra chúng còn hạ thấp rào cản đối với doanh nghiệp và cá nhân trong việc tạo ra của cải, làm thay đổi môi trường làm việc và môi trường sống của người lao động. Những doanh nghiệp dựa trên nền tảng mới này sẽ gia tăng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, từ giặt là cho đến mua sắm, từ những việc nhỏ mọn cho đến đỗ ô tô, từ mát-xa cho tới du lịch.

Nói chung, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư có thể gây ra cho doanh nghiệp bốn tác động chính – tác động lên kì vọng của người tiêu dùng, tác động lên tính năng của sản phẩm, tác động lên đổi mới sáng tạo và tác động lên hình thức tổ chức. Dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp thì người tiêu dùng cũng ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế, một nền kinh tế luôn luôn nghĩ tới cải tiến cách thức phục vụ người tiêu dùng. Hơn nữa, nhờ kĩ thuật số mà tính năng của sản phẩm vật chất và dịch vụ có thể gia tăng, và vì vậy mà giá trị của chúng cũng gia tăng. Công nghệ mới làm cho tài sản trở thành lâu bền hơn và dẻo dai hơn, trong khi dữ liệu và phân tích nói cho ta biết phải bảo quản chúng như thế nào. Đồng thới, thế giới với những trải nghiệm của nguồi tiêu dùng, dịch vụ dựa trên cơ sở dữ liệu, hiệu suất của tài sản dựa vào phân tích, đòi hỏi những hình thức hợp tác mới, đặc biệt là với tốc độ cải tiến và phá hủy như đã thấy. Cuối cùng, sự xuất hiện của những nền tảng toàn cầu và những mô hình kinh doanh mới có nghĩa là cần phải suy nghĩ lại về tài năng, văn hóa và hình thức tổ chức.

Nhìn chung, sự chuyển dịch không thể tránh khỏi từ số hóa đơn giản (Cách mạng công nghiệp thứ ba) sang sáng tạo đổi mới dựa trên sự kết hợp của các công nghệ (Cách mạng công nghiệp thứ tư) đang buộc các công ti phải xem xét lại cách làm ăn của họ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt, vẫn là một: những người đứng đầu doanh nghiệp và những nhà điều hành cấp cao cần phải hiểu môi trường đang thay đổi, phải đưa ra những thách thức trước các giả định của nhóm điều hành và đổi mới sáng tạo không ngừng và liên tục.

TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ

Khi thế giới vật chất, thế giới kỹ thuật số và thế giới sinh học tiếp tục hội tụ, các công nghệ mới và nền tảng mới sẽ ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công việc của chính phủ, thể hiện ý kiến của mình, phối hợp những nỗ lực của họ, và thậm chí tránh được sự giám sát của cơ quan công quyền. Đồng thời, chính phủ sẽ nằm được sức mạnh của công nghệ mới - dựa trên các hệ thống giám sát toàn diện và khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số - nhằm gia tăng khả năng kiểm soát dân chúng. Tuy nhiên, nói chung, khi vai trò trung tâm của chính phủ trong việc thực hiện chính sách giảm dần do có những nguồn cạnh tranh, tái phân phối và phân quyền mà các công nghệ mới làm cho trở thành khả thi thì các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực đòi thay đổi cách tiếp cận về sự tham gia của cộng đồng và lập chính sách.

Cuối cùng, khả năng của hệ thống quản trị và các cơ quan công quyền trong việc thích ứng sẽ quyết định khả năng sống sót của họ. Nếu họ chứng minh được khả năng nắm bắt được cái thế giới đang thay đổi một cách đột ngột này, buộc các cơ cấu của họ đưa sự minh bạch và hiệu quả lên mức đủ cao giúp họ duy trì lợi thế cạnh tranh thì họ sẽ tồn tại. Nếu không thể tiến hóa thì họ gặp nhiều khó khăn hơn.

Điều này sẽ đặc biệt đúng trong lĩnh vực luật lệ. Các hệ thống chính sách công và ra quyết định hiện thời đã tiến hóa cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp thứ hai, đấy là khi người ra quyết định có thời gian nghiên cứu vấn đề cụ thể và đưa ra phản ứng cần thiết hoặc khung pháp lý thích hợp. Toàn bộ quá trình được thiết kế theo lối tuyến tính và cơ học, kết quả của cách cách tiếp cận cứng nhắc “từ trên xuống”.

Nhưng cách tiếp cận đó không còn khả thi nữa. Do những thay đổi của cuộc Cách mạng thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh và có ảnh hưởng rộng, các nhà lập pháp và những người quản lí đang đứng trước những thách thức chưa từng có và đa số không thể đối phó được.

Thế thì làm sao họ có thể bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và xã hội nói chung trong khi tiếp tục hỗ trợ đổi mới và phát triển công nghệ? Bằng cách nắm lấy nền quản trị “nhanh”, tương tự như khu vực tư nhân áp dụng phản ứng nhanh trước sự phát triển của phần mềm và hoạt động kinh doanh nói chung. Có nghĩa là nhà quản lí phải liên tục thích ứng với môi trường mới và đang thay đổi nhanh chóng, tự đào tạo lại để có thể thực sự hiểu những thứ mà họ đang quản lí. Muốn làm như thế, chính phủ và các cơ quan quản lí cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư cũng sẽ có tác động sâu sắc đối với an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả khả năng và bản chất của các cuộc xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự đổi mới công nghệ, và hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Các cuộc xung đột trong thời hiện đại dính líu đến các quốc gia đang ngày càng có tính “lai ghép” (hybrid), tức là kết hợp kỹ thuật chiến đấu truyền thống với các yếu tố phi nhà nước. Sự phân biệt giữa chiến tranh và hòa bình, quân nhân và không phải quân nhân, và thậm chí bạo lực và bất bạo động (chiến tranh trên không gian mạng) đang trở thành mờ nhạt.

Khi diễn ra quá trình như thế và các công nghệ mới như vũ khí tự động hoặc vũ khí sinh học dễ sử dụng hơn, các cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn với nhà nước và có khả năng gây ra những thiệt hại to lớn. Khả năng dễ bị tổn thương mới này sẽ tạo ra những mối lo mới. Nhưng đồng thời, những tiến bộ trong công nghệ - ví dụ, biện pháp bảo vệ mới hoặc nhắm mục tiêu chính xác hơn - sẽ tạo điều kiện làm giảm quy mô hoặc tác động của bạo lực.

TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN


Cuối cùng, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ làm thay đổi không chỉ những việc chúng ta làm mà còn thay đổi cả chính chúng ta. Nó sẽ có ảnh hưởng đến bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan với nó: ý thức của chúng ta về sự riêng tư, quan niệm của chúng ta về quyền sở hữu, mô hình tiêu thụ của chúng ta, thời gian chúng ta làm việc và giải trí, và cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ và xây đắp các mối quan hệ với những người khác. Nó đã và đang làm thay đổi sức khỏe của chúng ta và dẫn đến tự “định lượng” (ý là con người tự định lượng cho mình: thức ăn, sức khỏe, tâm lí…- ND), và làm gia tăng năng lực của con người nhanh hơn là chúng ta vẫn nghĩ. Có thể kéo dài danh sách này đến vô tận bởi vì nó là hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của chúng ta.

Tôi là một người rất hăng hái và là người áp dụng công nghệ ngay từ đầu, nhưng đôi khi tôi cũng tự hỏi liệu sự hội nhập không tránh được của công nghệ vào cuộc sống của chúng ta có làm giảm bớt một số khả năng tinh túy của con người, ví dụ như lòng từ bi và sự hợp tác. Mối quan hệ của chúng ta với điện thoại thông minh là trường hợp đáng suy ngẫm. Kết nối liên tục có thể tước đi một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống: thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ và tham gia vào những cuộc đối thoại có giá trị.

Một trong những thách thức lớn nhất mà công nghệ thông tin mới đặt ra cho cá nhân là sự riêng tư. Theo bản năng, chúng ta hiểu được vì sao nó là lại quan trọng đến như thế, nhưng việc theo dõi và chia sẻ thông tin về chúng ta là phần thiết yếu của mối liên kết mới. Những cuộc tranh luận về các vấn đề cơ bản như tác động của việc mất quyền kiểm soát các dữ liệu của chúng ta lên đời sống nội tâm của chúng ta chắc chắn sẽ gia tăng trong những năm tới. Tương tự như vậy, những cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, tức là những lĩnh vực đang định nghĩa lại con người nghĩa là gì bằng cách gia tăng tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và khả năng, sẽ buộc chúng ta phải xác định lại ranh giới đạo đức và đạo lí của chúng ta.

ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI

Cả công nghệ lẫn những đổ vỡ đi kèm với nó đều không phải là lực lượng ngoại sinh mà con người không thể kiểm soát nổi. Tất cả chúng ta - trong những quyết định mà chúng ta làm mỗi ngày, trong vai trò người công dân, người tiêu dùng và nhà đầu tư - đều có trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển của nó. Do đó, chúng ta phải nắm lấy cơ hội và sức mạnh mà chúng ta có để định hình cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư và hướng nó tới một tương lai thể hiện những mục tiêu và các giá trị chung của chúng ta.

Song, để làm được như thế chúng ta phải xây dựng được một quan điểm toàn diện và được mọi người trên thế giới chia sẻ về cách thức công nghệ tác động lên cuộc sống của chúng ta và định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người của chúng ta. Chưa bao giờ tương lai lại đầy hức hẹn đến như thế, mà cũng đầy nguy hiểm đến như thế. Nhưng những người đưa ra quyết định hiện nay lại thường xuyên bị mắc kẹt trong tư duy truyền thống, tư duy tuyến tính, hoặc quá chú ý vào những cuộc khủng hoảng, không còn thời gian suy nghĩ mang tầm chiến lược về những lực lượng đổi mới và gây đổ đang định hình tương lai của chúng ta.

Cuối cùng, tất cả đều qui về con người và các giá trị. Chúng ta cần phải định hình tương lai sao cho tất cả chúng ta đều có lợi, bằng cách đưa nhân dân lên hàng đầu và trao quyền cho họ. Trong tình hình xấu nhất, phi nhân tính nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư có thể “rô bốt hóa” nhân loại và do đó có thể tước đoạt trái tim và linh hồn của chúng ta. Nhưng nếu nó trở thành lực lượng bổ sung cho các phần tốt đẹp nhất của bản chất con người – khả năng sáng tạo, cảm thông, quản lí – thì cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư có thể đưa nhân loại lên tầm cao mới của ý thức tập thể và đạo đức, dựa trên nhận thức chung về số phận. Trách nhiệm của tất cả chúng ta là bảo rằng phương án sau phải giữ thế thượng phong.

Klaus Schwab là người sáng lập và chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)

https://www.foreignaffairs.com/articles/2015-12-12/fourth-industrial-revolution

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

No comments:

Post a Comment