February 4, 2016

Bóng dáng ngựa ô

NGỌC VIỆT


(GDVN) - Với cách thức lựa chọn ứng viên và bầu chọn Tổng thống tại Mỹ thì những người kém cỏi, dốt nát không thể chen chân vào đường đua ngay từ vạch xuất phát.

Bầu cử Tổng thống Mỹ đã chính thức vào giai đoạn "vượt chướng ngại vật". Nếu như ở giai đoạn khởi động, những con số thể hiện niềm tin của cử tri dành cho ứng viên chỉ là những con số do thăm dò dư luận mà có được, thì nay cuộc đua tranh đã vào giai đoạn quyết định của ủng hộ viên trong đảng dành cho ứng viên.

Giai đoạn này được bắt đầu bằng cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng viên cho hai đảng tại tiểu bang Iowa, ngày 1/2.

Cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa kết thúc với chiến thắng của Thượng Nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong đó, chiến thắng của bà Hillary không được đánh giá cao.

Thậm chí bà Hillary đã bị nghi ngờ về khả năng được chọn làm đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây, bởi cách biệt sít sao với đối thủ liền kề và không tạo được nhiều ấn tượng.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Ted Cruz lại mang một hương vị khác. Dù không bất ngờ nhưng chiến thắng của ông Ted Cruz được nhìn nhận là một chiến thắng vang dội và đầy ý nghĩa.

Bởi lẽ, để có được chiến thắng này ông Ted Cruz cùng cố vấn chính trị của mình trong suốt thời gian qua đã có những thay đổi chiến thuật rất hợp lý để có thể lấy được niềm tin của ủng hộ viên trong đảng Cộng hòa.
ed Cruz – người đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ảnh: BBC.

Mặc dù, chiến thắng hay thất bại tại Iowa chưa thể mang tính quyết định cho việc lựa chọn ứng viên đại diện cho hai chính đảng, nhưng nó đã tạo ra những thế mới và lực mới cho từng ứng viên trong giai đoạn tiếp theo.

Và đặc biệt qua đây dư luận có thể nhận thấy những tiêu chuẩn mà người dân Mỹ đặt ra cho vị Tổng thống tương lai của họ.

Có người cho rằng, nhận định như vậy là quá sớm vì đây mới là tiểu bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ. Còn 49 tiểu bang nữa với hàng loạt những cuộc lật đổ ngoạn mục và đầy bất ngờ có thể xảy ra thì làm sao có thể hình dung ra, đâu là ứng viên gần nhất với chức vị người đứng đầu Nhà Trắng để nói về tiêu chuẩn của họ?

Song người viết tin rằng, chỉ cần qua việc lựa chọn tại Iowa thì người ta có thể đoán biết vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phải là người hội tụ những tiêu chuẩn nào.

Chỉ có hội tụ đủ những tiêu chuẩn đó, tân Tổng thống mới có thể đóng vai trò là người mang đến quyền lợi cho người dân Mỹ nhiều nhất và đảm bảo an toàn nhất cho nước Mỹ - hai tiêu chí mà người Mỹ luôn dựa vào để chọn người đứng đầu chính quyền liên bang.

Tài năng

Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng tất cả những ứng viên ra tranh cử Tổng thống Mỹ đều là người có tài – điều đó không sai, thậm chí hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, với cách thức lựa chọn ứng viên và bầu chọn Tổng thống tại Mỹ thì những người kém cỏi, dốt nát không thể chen chân vào đường đua ngay từ vạch xuất phát.

Do đó việc đặt ra tiêu chuẩn tài năng cho việc lựa chọn Tổng thống Mỹ là thừa. Tuy nhiên, người có tài và người tài năng thì lại là khác.

Người tài là người có tư duy tốt và có nhận thức sâu – những yếu tố thể hiện cái tài, cái giỏi, trong số hàng loạt những yếu tố tạo nên tư chất của con người.

Nhưng tài năng thì lại là phẩm chất. Nghĩa là trước tiên phải có tài và những yếu tố khác của tính cách, tiếp theo là sự phối kết hợp giữa những yếu tố ấy tạo nên cái riêng của từng cá nhân.

Như vậy, người tài năng phải là người có tài và biết phát huy nó trong quá trình sống qua cơ chế tương tác giữa nó với những yếu tố khác tạo nên phẩm chất của từng con người.

Donald Trump – người luôn về nhất trong các cuộc thăm dò, nhưng đã không thể hiện được tài năng trong thời điểm quyết định nhất tại Iowa. Ảnh: BBC.

Cái tài, cái giỏi của con người có thể là bẩm sinh, có thể hình thành trong quá trình sống, nhưng tài năng thì bắt buộc phải trải nghiệm qua hoạt động xã hội, qua sự tương tác trong quá trình sống và làm việc thì mới kết thành.

Do đó, người có tài không có nghĩa là người tài năng, và không phải ai có tài cũng trờ thành người tài năng. Vì vậy, tiêu chuẩn của người Mỹ đối với người đứng đầu chính quyền phải là người tài năng, chứ không chỉ là người có tài mà thôi.

Nghĩa là xuất phát điểm họ phải là những người có tài và qua quá trình vận động tranh cử thì họ dần trở thành người tài năng trong mắt người dân Mỹ, từ đó tác động đến sự lựa chọn của cử tri Mỹ.

Do vậy, những nhà làm luật lừng danh của nước Mỹ đã xây dựng nên cơ chế để người có tài trở thành người tài năng, giúp cho cử tri Mỹ lựa chọn được người xứng tầm với chức vị Tổng thống Mỹ. Đó là cơ chế vận động tranh cử. Phải qua tranh luận với đối thủ, đối thoại trực tiếp với công chúng thì tài năng mới được thể hiện.

Tài năng không thể có được, không thể chỉ được thể hiện trong những cuộc họp nội bộ của đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Đấy không phải là cơ chế chuyển phát tài năng. Có thể thành phần ưu tú trong đảng là người có tài nhưng trong xã hội thì những người như vậy có rất nhiều.

Người dân Mỹ cần người tài năng lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội, nghĩa là tài năng phải thể hiện trong các hoạt động xã hội, mà trước tiên nhất là quan hệ công chúng – biết, hiểu và thể hiện khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh, nảy sinh trong đời sống xã hội đa chiều, muôn màu và liên quan tới nhiều tầng lớp với nhiều lợi ích đan xen, chồng chéo.

Điều đó không thể có được trong các kỳ đại hội hay hội họp nội bộ nào. Vì vậy, người ta cho rằng cơ chế bầu cử tại Mỹ là một trong những cơ chế giúp chuyển phát và lựa chọn tài năng tiến bộ nhất, ưu việt nhất từ trước đến nay và người được bầu chọn làm Tổng thống của nước Mỹ luôn là người tài năng.

Qua việc chiến thắng của Ted Cruz cho thấy ông ta đang trên đà trở thành người tài năng của nước Mỹ. Tài năng của Ted Cruz vượt quá cái tài mà ông ta có trong phẩm chất của mình.

Nếu tìm hiểu từ khi bắt đầu đăng ký tranh cử rồi qua quá trình vận động tranh cử và cho đến trước ngày 1/2- tiến hành bầu cử sơ bộ tại Iowa - có thể thấy ông Cruz luôn cách xa ứng viên Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Ted Cruz đã biết khai thác điểm yếu của đối thủ để chuyển thành điểm mạnh của mình, biết sử dụng những kết quả sai lầm của đối thủ làm công cụ thẩm định tính đúng đắn trong sách lược của mình.

Ted Cruz đã có những điều chỉnh quan trọng trong giai đoạn quyết định nhất và ông đã vượt qua đối thủ đáng gờm nhất – Donald Trump.

“Lần đầu tiên trong cuộc đua năm 2016, các quy tắc thông thường của chính trị đã ứng nghiệm với Donald Trump. Sức mạnh trong tổ chức của Ted Cruz với một ban vận động tranh cử siêu đẳng đã vận động những nhà chính trị độc lập thể hiện sự ủng hộ Thượng nghị sĩ Texas, giúp đánh bại Doanh nhân tỷ phú, 28% so với 24% số phiếu của cử tri”, CNN ngày 2/2 bình luận.

Chiến thắng của Ted Cruz không thể do may mắn mà nó thể hiện khả năng thích ứng kịp thời của ông trước tâm trạng của đối thủ, trước tâm lý của ủng hộ viên trong những thời điểm quan trọng – nghĩa là ông đã làm cho mình mạnh lên nhờ khả năng thay đổi linh hoạt – biểu hiện quan trọng của người tài năng trong xã hội hiện nay.

Tuổi tác

Nếu xem tài năng là điều kiện cần thì tuổi tác sẽ là điều kiện đủ mà người dân Mỹ dựa vào để lựa chọn vị Tổng thống tương lai. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ thì chỉ quy định tuổi tối thiểu, không có quy định tuổi tối đa cho việc tham gia ứng cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, qua những lần bầu cử gần đây, người ta nhận thấy tuổi tác đã có ảnh hưởng đến việc lựa chọn của người dân Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống của họ.

Tuổi tác là một trong những bất lợi của ứng viên Hillary Clinton. Ảnh: BBC.

Từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992 đến nay – nghĩa là đã gần một phần tư thế kỷ – người dân Mỹ không lựa chọn vị Tổng thống tương lai có tuổi đời ngoài 60 khi nhậm chức.Dù luật pháp không có quy định, nhưng điều ấy lại như luật bất thành văn và nó luôn lặp lại trong 6 kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua.

G.W.Bush (Bush cha) là vị Tổng thống gần đây nhất có tuổi đời ngoài 60 được lựa chọn. Điều này làm cho dư luận tin rằng vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ lại có thể là người tuổi dưới 60. Và điều đó có xác xuất rất cao, dù cuộc đua chưa vào hồi quyết liệt, chưa vào giai đoạn quyết định.

Theo người viết, có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới điều kiện này – đó là Chiến tranh Lạnh và khoa học công nghệ.

Ai cũng biết rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc trong những năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống G.W.Bush khi Liên Xô chính thức chấm dứt sự tồn tại vào năm 1991. Và trước đó là sự tan rã của khối Hiệp ước Quân sự Warszawa.

Chiến tranh Lạnh kết thúc sớm hơn so với dự đoán của Mỹ và phương Tây, thế giới nhanh chóng hình thành nên cục diện đơn cực - Mỹ gần như đóng vai trò chi phối mọi vấn đề mang tính toàn cầu.

Vì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nhanh chóng gây nên sự bất ổn ở gần như hầu khắp mọi khu vực trên thế giới nên Mỹ không có đối thủ đối trọng trực tiếp.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đối thủ ngang tài ngang sức đã không còn đe dọa nước Mỹ, những đối thủ mới thì vẫn đang nằm ở dạng tiềm tàng nên nước Mỹ được chủ động trong việc sắp xếp lại trật tự thế giới theo ý mình. Đồng thời Mỹ cũng có điều kiện tập trung vào phát triển đất nước, sau một thời gian dài chay đua vũ trang tốn kém và nguy hiểm.

Cũng từ đó, chiến lược phát triển của Hoa Kỳ trong giai đoạn mới được xây dựng phù hợp với tình hình hậu Chiến tranh Lạnh.

Để thực hiện chiến lược mới, người dân Mỹ cảm nhận người lãnh đạo chính quyền phải thể hiện sự năng nổ và quyết liệt – tố chất của người trẻ tuổi, thay vì trước đây phải điềm tĩnh và thâm trầm – tốt chất của người có tuổi.

Macro Rubio – một ứng viên trẻ tuổi tiềm năng, có thể gây bất ngờ trong cuộc đua. Ảnh: BBC.

Người dân Mỹ đã tự hình thành nên điều kiện tuổi tác trong suy nghĩ của họ khi lựa chọn vị Tổng thống tương lại.

Mặt khác, với khoa học công nghệ hiện đại, người lãnh đạo nước Mỹ cũng không thể là người đi sau tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người dân Mỹ mong muốn người nắm giữ vận mệnh quốc gia phải áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào xử lý công việc để đạt hiệu quả cao nhất. Và đương nhiên, tuổi trẻ có ưu thế hơn trong yêu cầu này.

“Cách mạng” về yêu cầu tuổi tác được đánh dấu bằng việc người dân lựa chọn vị Thống đốc trẻ tuổi của bang Arkansas Bill Clinton, thay vì đương kim Tổng thống G.W.Bush – người đang có uy tín rất cao lúc đó khi có công lớn kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhất là chiến thắng vang dội trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất 1991.

Qua các kỳ bầu cử tiếp theo, người dân Mỹ đều lựa chọn những người tuổi trẻ cho chức vị Tổng thống của mình. Clinton thắng Bob Dole, Bush thắng Kerry, Obama thắng McCain và Romney đều là đại diện cho lực lượng trẻ tuổi.

Điều đó cho thấy việc trẻ hóa Tổng thống Mỹ đã được thực hiện dù không có văn bản luật mới nào của nước Mỹ quy định điều này.

Với thực tế cuộc bầu cử năm 2016, sau cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa cho thấy, nếu xét ở 3 vị trí đầu – những vị trí có khả năng trở thành ứng viên nhất – của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, rõ ràng Ted Cruz đang có lợi thế lớn nhất được lựa chọn làm ứng cứ viên của đảng Cộng hòa, và cũng là lợi thế để người Mỹ bầu chọn làm Tổng thống tương lai.

Bên phía đảng Cộng hòa, Donald Trump đã 69 tuổi, phía đảng Dân chủ thì Hillary Clinton cũng đã 69 tuổi, thậm chí Bernie Sanders đã ở tuổi 74. Giờ chỉ có Marco Rubio bên đảng Cộng hòa là ngang hàng với Ted Cruz về tuổi tác.

Điều đó cho thấy, dù phải đối đầu với nhiều đồi thủ trực tiếp và đối thủ tiềm năng, nhưng Ted Cruz thực ra đã thấy được đối thủ lợi hại nhất của mình.

“Marco Rubio hoàn thành cuộc đua tranh ở Iowa với vị trí thứ ba – khi có được 23% phiếu ủng hộ - là thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của ông và đe dọa vị trí thứ hai của Donald Trump. Thậm chí ông Marco Rubio đã được cho là có thể cạnh tranh với Ted Cruz - một người bảo thủ”, theo CNN ngày 2/2.

Người viết nhận định rằng, Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ sẽ khó có thể là người của đảng Dân chủ bởi tính thích thay đổi của người Mỹ.

Cũng chính vì nhận ra điều bất lợi này nên không nhiều nhân vật nổi tiếng bên phía đảng Dân chủ ra tranh cử, chứ không phải vì sự quá vượt trội của ứng viên Hillary Clinton có thể làm họ bị lu mờ.

Do vậy gần như chỉ còn là sự “tranh chấp nội bộ” của đảng Cộng hòa cho chức vị Tổng thống Mỹ tương lai. Trong cuộc đua tranh này, ứng viên Donald Trump là người yếu thế nhất, dù ông là người nổi bật trong suốt thời gian qua. Vì vậy, cuộc đua tranh giữa Ted Cruz và Marco Rubio sẽ dần thay thế sự bùng nổ của Donald Trump trên truyền thông trong thời gian tới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thực sự đã bước vào giai đoạn tăng tốc đối với các ứng viên khi lần lượt tại 49 tiểu bang còn lại, hai đảng sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên cho đảng mình.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng người được lựa chọn làm ứng viên và được bầu chọn làm Tổng thổng Mỹ nhiệm kỳ tới sẽ là người thuộc lực lượng trẻ tuổi và qua thực tiễn phải thể hiện được tài năng.

Nguồn: Giáo Dục

No comments:

Post a Comment