February 4, 2016

Milovan Djilas - Giai Cấp Mới (Toàn bộ tác phẩm)


Milovan Djilas

Giai cấp mới


Milovan Djilas (1911-1995)

Phạm Nguyên Trường dịch

 Lưu ý: Vì không đưa được toàn bộ tác phẩm lên cùng một lúc cho nên phần chú thích có bị sai lệch.

Lời người dịch: Milovan Djilas, nhà hoạt động chính trị Nam Tư, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1911 tại làng Podbishtre, gần thành phố Kolashin, nước Cộng hoà Trenogori. Ông học luật và văn chương tại trường tổng hợp Belgrad, vào Đảng cộng sản vào năm 1932, lúc vừa tròn 21 tuổi. Ngay trong năm đó, ông đã bị chính quyền bắt tù vì tổ chức biểu tình. Ông tiếp tục hoạt động sau khi được tha vào năm 1935 và gặp Tito vào năm 1937, rồi trở thành một trong những người bạn chiến đấu thân cận nhất của Tito trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, Milovan Djilas được bầu làm Phó tổng thống Nam Tư. Năm 1948, khi Nam Tư xung đột với Moskva về ý thức hệ, ông được giao phụ trách công tác tư tưởng với nhiệm vụ chứng minh cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của Tito là đúng.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, chính việc phân tích một cách khoa học chế độ cộng sản ở Nam Tư đã cho thấy những mặt trái của nó và suy rộng ra là mặt trái của chế độ chuyên chính vô sản nói chung. Vì những hoạt động lí luận “ngược dòng” của mình, năm 1954 Milovan Djilas bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết các chức vụ, và năm 1955 thì bị xử tù án treo. Tháng 12 năm 1956, Milovan Djilas bị xử ba năm tù giam vì ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Hungary. Bản thảo tác phẩm Giai cấp mới được Milovan Djilas hoàn thành trong tù, được bí mật gửi ra nước ngoài và xuất bản ở New York năm 1957. Vì vụ này, ông bị kết án bảy năm tù giam. Milovan Djilas được tha trước thời hạn vào năm 1961. Ngay sau đó ông cho xuất bản từng phần tác phẩm Nói chuyện với Stalin, và vì vậy năm 1962 lại phải ra toà một lần nữa. Năm 1966, Milovan Djilas được ân xá và được chính phủ cấp lương hưu vì có công trong cuộc kháng chiến chống phát xít, nhưng vẫn bị cấm xuất bản trên lãnh thổ Nam Tư, cấm phát biểu với giới báo chí trong thời hạn 5 năm. Song điều đó không ngăn được ông tiếp tục sáng tác. Trong thời gian từ 1970 đến 1986 ông bị cấm xuất ngoại. Năm 1982 ông lên tiếng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, và trong những năm 1990 ông liên tiếp lên án chính sách của chính quyền Milosevich. Trong số các tác phẩm của Milovan Djilas xuất bản từ năm 1966 có thể kể thêm: Xã hội không hoàn hảo, xuất bản năm 1969;  Hồi kí của một nhà cách mạng, xuất bản năm 1973 và Tito: chuyện nội bộ, xuất bản năm 1980.

Milovan Djilas mất ngày 20 tháng 4 năm 1995, thọ 84 tuổi.

Giai cấp mới được dịch sang tiếng Nga và được xuất bản trước hết theo lối Samizdat từ đầu những năm 1960, sau đó in trong tập sách dưới nhan đề: Bộ mặt của chế độ toàn trị cùng với hai tác phẩm: Nói chuyện với Stalin Xã hội không hoàn hảo. Lần dịch này có tham khảo bản tiếng Anh The New Class – an Analysis of the Communist System của A Harvest/HBI Book. 

Lời nói đầu

Tất cả những điều trình bày ở đây có thể được viết theo một cách khác. Có thể được viết như câu chuyện về một trong những cuộc cách mạng của thời hiện đại, hay như tường trình một quan điểm và cuối cùng, như sự phản tỉnh của một nhà cách mạng. Vì vậy bạn đọc chớ lấy làm ngạc nhiên khi thấy tất cả những điều đó, mỗi thứ một ít, trong những trang sau đây. Đây có thể là sự tập hợp không đầy đủ những yếu tố vừa nêu – về lịch sử, những ý kiến và hồi kí cá nhân, nhưng đấy chính là ý định của tôi: sử dụng nhiều cách tiếp cận để vẽ lên mặt thật của chủ nghĩa cộng sản trong một tác phẩm sao cho vừa ngắn gọn vừa đầy đủ nhất. Khía cạnh hàn lâm có thể bị thiệt hai nhưng bức tranh lại đầy đủ hơn, sống động hơn.

Ngoài ra, hoàn cảnh của tôi rất bấp bênh, tôi chỉ có thể làm chủ một phần bằng cách không khuất phục nó mà thôi, cho nên tôi buộc phải vội vã viết ra những điều mình đã thấy và đã suy tư, nếu có điều kiện làm việc một cách cẩn trọng hơn thì có thể bổ cứu, có thể sửa đổi cả một vài kết luận nữa.

Nhận thức rõ tính vĩ đại của những xung đột trong thế giới ngày nay, một thế giới đang quằn quại đổi thay và đang hợp nhất, tôi không nghĩ rằng mình có thể phán những lời thông thái hay đưa ra những bản kết án cuối cùng. Thiển nghĩ không người nào, không nước nào có thể làm được việc đó. Tôi cũng không kì vọng hiểu cái thế giới bên ngoài thế giới cộng sản mà tôi có may mắn hay là không may được sống trong đó. Và khi tôi nói đến những lĩnh vực nằm ngoài biên giới của mình thì chỉ là để mô tả cái bên trong một cách rõ ràng hơn mà thôi.

Tất cả những điều trình bày ở đây đã được nói đến ở đâu đó, bằng những từ ngữ khác từ trước rồi. Cuốn sách này có thể chỉ là một cách làm mới lại màu sắc, không gian và có thể bất ngờ làm nảy sinh một tư tưởng độc đáo nào đó. Công việc của tôi chỉ là: nói theo cách của mình những điều người khác đã biết, đã cảm hoặc có thể đã nói theo cách của họ từ rất lâu rồi.

Độc giả chớ có tìm kiếm trong tác phẩm này một luận thuyết xã hội học hay triết học, ngay cả ở những chỗ tôi buộc phải sử dụng biện pháp khái quát hoá. Mục đích của tôi là dùng khái quát hoá để mô tả thế giới cộng sản chứ không phải là để triết lí về nó, mặc dù đôi khi khái quát hóa là việc không thể tránh được.

Tôi cho rằng tư biện là phương pháp tốt nhất và cũng phù hợp nhất cho việc trình bày các tư tưởng của mình. Mặc dù những trang ghi chép dưới đây không chứa nhiều các dẫn chứng, số liệu và sự kiện, không có nghĩa là các kết luận được dẫn ra không thể chứng minh được bằng cách ấy. Tôi muốn được vừa thảo luận vừa trình bày các quan sát của mình để đi đến kết luận. Đấy cũng là do ước mong làm cho tác phẩm ngắn hơn và đơn giản hơn, điều đó cũng phù hợp với câu chuyện và cách tư duy của cá nhân tôi.

Tôi, một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ những chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế; từ việc thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ai buộc tôi phải tham gia hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Tôi đã tự quyết, theo niềm tin của mình, một cách tự do. Tôi không coi mình là người thất vọng, tuy cũng có lúc như thế. Không, tôi đã tham gia một cách có ý thức, đã trình bày bức tranh và đi đến những kết luận trong cuốn sách này. Càng rời xa chủ nghĩa cộng sản, tôi càng tiến gần đến lí tưởng của chủ nghĩa dân chủ xã hội. Cuốn sách nhất định thể hiện sự phát triển tư tưởng của chính tôi, nhưng đây tất nhiên không phải là mục đích của tác giả.

Tôi cho rằng phê bình chủ nghĩa cộng sản như là một tư tưởng là một việc làm không cần thiết. Tư tưởng bình đẳng và bác ái tồn tại cũng lâu như chính loài người, được chủ nghĩa cộng sản ủng hộ trên lời nói, vốn mang trong mình nó sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lí tưởng đó đã làm cho việc phê phán chúng trở thành không chỉ phản động mà còn trống rỗng và vô nghĩa.

Tôi cũng không đi sâu vào chi tiết trong việc phê phán các lí thuyết cộng sản, mặc dù tôi nghĩ rằng đấy là việc có ích và cần làm lúc này. Trong tác phẩm, tôi chỉ tập trung mô tả đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại, nếu có nói đến lí thuyết thì cũng chỉ ở những chỗ chẳng đặng đừng.

Dễ hiểu là trong một tác phẩm ngắn như thế này thật khó mà trình bày hết những điều tôi đã  quan sát và những kết luận mà tôi đã rút ra được. Việc phải dẫn ra nhiều khái quát cũng là đương nhiên.

Như vậy là, từ phía mình tôi đã trình bày những điều cần thiết nhất trước khi bắt đầu câu chuyện, dù điều đó có thể khó hiểu đối với độc giả sống trong một thế giới khác, thế giới phi cộng sản, nhưng lại là dễ hiểu đối với người sống trong lòng chế độ cộng sản. Cả những điều được mô tả trong cuốn sách cùng ý tưởng của nó đều không phải là công của tôi. Tất cả đều là sản phẩm của thế giới mà tôi đang sống và tôi đang phê phán. Tôi đã thấy và đã trình bày tất cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã là sản phẩm của nó, có lúc đã là người tham gia xây dựng nó và bây giờ là người phê phán nó.

Sự không nhất quán chỉ là bề ngoài. Trước đây, cũng như hiện nay, tôi luôn đấu tranh để làm sao cuộc sống được hoàn thiện thêm mỗi ngày. Dù cuộc đấu tranh của tôi không cho kết quả như ý: tôi vẫn tiếp tục đấu tranh và trung thành với chính mình.


Nguồn gốc

1.

Chủ nghĩa cộng sản, như ta đã biết, có nguồn gốc sâu xa từ trong quá khứ, mặc dù “cuộc đời thực” của nó chỉ bắt đầu cùng với sự phát triển nền công nghiệp hiện đại ở Tây Âu.

Cơ sở của lí thuyết cộng sản - vật chất có trước và tất cả đều vận động - được kế thừa từ những nhà tư tưởng giai đoạn trước đó không lâu. Nhưng chủ nghĩa cộng sản càng kéo dài, càng mạnh lên thì vai trò của các nguyên lí nói trên càng nhỏ đi. Điều đó cũng là dễ hiểu: sau khi nắm được “tay lái” nó chỉ còn đo thế giới bên ngoài bằng chính cái thước của mình và không còn muốn vận động, không còn muốn thay đổi nữa.

Biện chứng pháp, chủ nghĩa duy vật và sự biến đổi của thế giới không phụ thuộc vào ý chí của con người, đấy là những hòn đá tảng của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx cổ điển.

Các lí thuyết gia cộng sản, trong đó có Marx và Engels, không phát minh ra bất kì nguyên lí nào của học thuyết. Tất cả các nguyên lí đều được “lấy từ bên ngoài” và được liên kết thành một hệ thống đặt cơ sở cho một thế giới quan mới.

Luận điểm vật chất có trước được kế thừa từ các nhà duy vật Pháp thế kỉ XVIII. Các nhà tư tưởng trước đó cũng đã nói đến nó, thí dụ, Democritus của Hi Lạp cổ đại cũng từng trình bày học thuyết này, dĩ nhiên là dưới một hình thức khác. Luận điểm về sự vận động như là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, hay như ta vẫn gọi là biện chứng pháp, được kế thừa từ Hegel. Nhưng ngay cả điều này cũng đã được Heraclitus nói đến ngay từ thời cổ đại.

Không đi vào chi tiết những sự khác biệt nhất định phải có giữa chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng pháp Marxist, cũng cần phải chỉ rõ rằng khi đưa ra luận điểm về sự vận động, Hegel đã coi các qui luật tối thượng, gọi là “tư tưởng tuyệt đối”, là không thay đổi, là bất biến. Đấy là luận điểm về những qui luật bất biến và không phụ thuộc vào ý chí của con người, nói cho cùng, đấy là những qui luật điều khiển tự nhiên, xã hội và con người.

Mặc dù Marx và Engels luôn luôn bảo vệ luận điểm về sự vận động, nhưng đồng thời các ông cũng nhấn mạnh rằng các qui luật của thế giới khách quan, thế giới vật chất là những qui luật bất biến và không phụ thuộc vào ý chí của con ngưới. Theo Engels, Marx tin tưởng rằng ông đã phát hiện ra những qui luật chủ yếu liên quan đến đời sống và vận động của xã hội, tương tự như Darwin đã phát minh ra các qui luật của đời sống các loài sinh vật vậy.

Không nghi ngờ gì rằng Marx đã tìm ra một số qui luật vận động của xã hội, đặc biệt là những biểu hiện của chúng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng sự kiện đó, dù đúng đến mức nào, cũng không biện minh được cho niềm tin của những người cộng sản rằng Marx đã tìm ra được tất cả các qui luật vận động của xã hội. Lại càng khó biện minh hơn sự ngoan cố của họ trong việc thực hiện công việc cải tạo xã hội theo những qui luật đó, tương tự như những người dựa vào các qui luật do Lamarck và Darwin phát hiện để tạo ra những giống loài mới. Vì trong xã hội loài người luôn luôn có những nhóm và những con người riêng lẻ đầy năng động và sáng tạo, hoạt động một cách có ý thức, đấy không phải là thế giới sinh vật vô tri.

Việc chủ nghĩa cộng sản hiện đại hợm hĩnh cho rằng dù chưa phải là tuyệt đối nhưng chủ nghĩa duy vật và biện chứng pháp đã là những phát minh khoa học vĩ đại, hàm chứa mầm mống chế độ độc tài một khi họ nắm quyền. Các tác phẩm của Marx, dù ông không thể tưởng tượng là điều đó lại xảy ra, đã có sẵn cơ sở cho thói kiêu ngạo, hơm hĩnh nêu trên.

Dĩ nhiên là chủ nghĩa cộng sản hiện đại không phủ nhận trật tự pháp chế khách quan, đặt nền tảng trên những qui luật ổn định. Nhưng sau khi giành được quyền lực, trên thực tế, cộng sản đã hành xử với xã hội và con người hoàn toàn khác. Quyền của nó đến mức nào thì nó sẽ hành xử như thế ấy.

Như đã nói bên trên, tin rằng họ và chỉ có họ mới nắm được các qui luật vận động của xã hội, cộng sản đã rút ra một kết luận vừa đơn giản vừa phản khoa học là họ có toàn quyền can thiệp vào các tiến trình xã hội, có toàn quyền điều khiển các tiến trình đó. Đấy là khuyết tật đầu tiên của hệ thống cộng sản.

Hegel coi chế độ quân chủ chuyên chế Phổ là hiện thân của “tư tưởng tuyệt đối” của ông. Cộng sản có cách hành xử hơi khác. Họ tự coi mình là đại biểu cho những khát vọng khách quan của xã hội. Đấy không chỉ là sự khác nhau giữa họ với Hegel mà còn là sự khác nhau giữa họ với chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ quân chủ chuyên chế chưa bao giờ tự hợm hĩnh về mình đến như thế. Vì vậy mà chế độ ấy cũng chưa tuyệt đối chuyên chế như chế độ cộng sản sau này.

2.

Theo thiển ý, chính Hegel cũng phải lấy là kinh ngạc với những phát minh của mình: nếu tất cả đều biến đổi thì tư tưởng của chính ông và xã hội mà ông muốn bảo vệ sẽ còn lại gì? Ông không thể, và như một giáo sư phục vụ hoàng gia, không có quyền - dựa vào triết lí của mình - đưa ra kết luận trực tiếp liên quan đến số phận của xã hội.

Marx lại là một trường hợp khác. Ngay từ khi còn trẻ, Marx đã có cơ hội theo dõi cuộc cách mạng năm 1848. Ông có thể và phải đi đến cùng với các kết luận rút ra được từ tư tưởng của Hegel đem áp dụng cho các nhu cầu của xã hội. Chả phải là cuộc đấu tranh đẫm máu giữa các mặt đối lập, một cuộc đấu tranh vì những điều mới lạ, cao cả hơn đã vừa làm rung chuyển cả châu Âu đó ư? Đúng thế, dường như không chỉ Hegel - cái ông Hegel được Marx “dựng dậy” đó, mà chính tất cả các triết lí cũ đã chẳng còn ý nghĩa và chẳng cần cho ai nữa vì khoa học đã phát minh ra những qui luật, trong đó có qui luật xã hội, với một tốc độ nhanh chưa từng có.

Chủ nghĩa thực chứng của Comte được coi là phương pháp khoa học; trường phái chính trị kinh tế học Anh (Smith, Ricardo...) đang nổi lên như cồn; trong các môn khoa học tự nhiên đầy rẫy những phát minh mang tính thời đại; nền công nghiệp, dựa vào các hướng dẫn kĩ thuật của các nhà nghiên cứu, đang lao lên phía trước với tốc độ chóng mặt; sự đau khổ và những cuộc chiến đấu đầu tiên của giai cấp vô sản đã cho thấy một cách rõ ràng “tật bệnh” của chế độ tư sản non trẻ. Vương quốc của khoa học, ngày đăng quan của nó tưởng như đã cận kề, tưởng như chỉ cần dẹp bỏ cái rào chắn cuối cùng, dẹp bỏ hình thức sở hữu tư bản chủ nghĩa là nhân loại sẽ bước vào thiên đường của hạnh phúc và tự do.

Tất cả đếu đã “chín muồi” cho một phát kiến vĩ đại. Marx có đủ, cả ý tưởng sâu sắc và lòng dũng cảm nữa. Lực lượng xã hội mà ông có thể dựa vào cũng đã sẵn sàng, thậm chí đang ở kề bên[1].

Marx vừa là một nhà khoa học vừa là một nhà tư tưởng. Như một nhà khoa học, ông đã có nhiều phát minh, đặc biệt là tгоng lĩnh vực xã hội học. Nhưng với tư cách một nhà tư tưởng, ông còn giành được những thành tích to lớn hơn rất nhiều: Marx đã trang bị tư tưởng cho những phong trào với rất nhiều thành viên và đầy sức mạnh, đầu tiên là ở châu Âu và nay đã lan sang tận châu Á nữa.

Chính Marx-nhà-bác-học hiểu rõ sự phù phiếm của những dự định kiểu ấy, ông không bao giờ nghĩ đến việc tạo ra một hệ thống triết học và tư tưởng bao trùm lên tất cả như thế. “C'est qu'il y a de certain, c'est que moi, je ne suis pas marxiste”[2]– chính ông đã nói như thế. Tính khoa học của các luận điểm của Marx là sự ưu việt của ông so với những người xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có Owen, Fourier, v.v… Việc ông không có ý định coi hệ thống triết học của mình là tuyệt đối đúng cho đến muôn đời sau, không coi nó là một hệ tư tưởng vạn năng lại là một ưu việt so với những đồ đệ của ông sau này, những người, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể được coi là các nhà tư tưởng chứ thật khó mà gọi được là các nhà khoa học (Plekhanov, Labriola, Lenin, Kautsky, Stalin, v.v…). Hệ thống hoá những điều Marx viết, đưa chủ nghĩa Marx thành một cấu trúc chặt chẽ chính là niềm đam mê của họ: kẻ càng ít hiểu triết học, càng không quan tâm đến triết học thì càng đam mê hơn. Thế vẫn chưa hết. Cùng với thời gian, những người kế tục Marx đã coi và đã trình bày học thuyết của ông như một hệ thống khép kín, như một thế giới quan toàn năng; họ tự xưng là những người kế tục sự nghiệp của Marx, những người đã đưa các tư tưởng của ông vào thực tiễn. Khoa học càng ngày càng nhường chỗ cho tuyên truyền. Điều đó lại cho phép tuyên truyền khoác lên cho mình cái mặt nạ khoa học.

Là con đẻ của thời đại mình, Marx không công nhận triết học như nó vốn là. Engels, người bạn gần gũi nhất của ông có lần đã cảm thán rằng, cùng với sự phát triển của khoa học, triết học đã cáo chung. Luận điểm đó cũng không có gì độc đáo. Cái gọi là triết học khoa học đã trở thành hiện tượng thời thượng, nhất là sau khi chủ nghĩa thực chứng của Comte và chủ nghĩa duy vật của Feuerbach được phổ biến rộng rãi.

Dễ hiểu vì sao Marx lại có quan điểm tiêu cực đối với sự cần thiết, thậm chí khả năng tồn tại của một hệ thống triết lí hữu dụng nào đó. Nhưng tại sao những đồ đệ của Marx lại cố gắng biến những luận điểm của ông thành một hệ thống triết học thống nhất, bao trùm lên tất cả, tạo ra từ đấy một hệ thống triết học duy nhất đúng, thì khó hiểu hơn. Trong khi phủ nhận mọi hệ thống triết học khác, trên thực tế, họ đã “sáng tác” ra hệ thống giáo lí “siêu” khoa học và “duy nhất đúng” như họ thường nói. Người cộng sản đại diện cho những giai tầng, do vị trí xã hội của mình, không chấp nhận bất cứ một quan điểm chính thống nào, lại xuất hiện vào đúng giai đoạn khi khoa học đã trở thành nỗi đam mê của mọi người, khi khoa học đang xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của sản xuất và đời sống, họ chỉ còn mỗi một cách: trở thành những người duy vật, trở thành những “đại diện duy nhất” của những quan điểm và phương pháp “duy nhất” khoa học để biến những quan điểm đó thành hiện thực.

Nếu Marx được “tiếp năng lượng” từ “tinh thần” thời đại cộng với sự đam mê khoa học của một nhà-cách-mạng-bác-học ước mơ tạo cho phong trào công nhân một cơ sở khoa học tương đối hoàn bị, thì trong khi biến các quan điểm của Marx thành giáo điều, các đồ đệ của ông đã hành động trong những điều kiện khác và với những mục đích khác hẳn.

Nếu lí thuyết được gọi là triết học Marxist (chủ nghĩa duy vật biện chứng) không thể hiện nhu cầu của phong trào công nhân châu Âu lúc đó, một phong trào đang rất cần một hệ tư tưởng mới, một triết lí khép kín, thì nó cũng sẽ bị xếp xó vì thiếu độc đáo và không thật sự sâu sắc, mặc dù trước tác của Marx được xếp vào loại những tác phẩm vĩ đại nhất về kinh tế và xã hội học và có thể cũng rất hấp dẫn về mặt văn chương nữa.

Không phải tính khoa học, mà trước hết là mối liên hệ với một phong trào và hơn nữa lại dựa trên tính khả dĩ của những biến đổi xã hội đã làm cho triết học Marxist có sức mạnh như thế. Triết học này giải thích và khẳng định rằng trật tự thế giới nhất định sẽ thay đổi. Trước hết, và nhất định phải như thế, vì nó tự sinh ra cái đối lập với chính mình, sinh ra kẻ đảo mồ chôn mình. Và thứ hai: giai cấp công nhân muốn và có đủ sức thực hiện những thay đổi đó. Ảnh hưởng của môn phái triết học này nhất định phải ngày một tăng; bên trong cũng như bên ngoài giai cấp công nhân đã xuất hiện ảo tưởng rằng đấy là một nền triết học bách chiến bách thắng. Nhưng hoá ra nếu không có những điều kiện phù hợp thì dù giai cấp công nhân ở đấy có phát triển và phong trào công nhân có mạnh đến đâu (Anh, Mĩ), ảnh hưởng của trường phái triết học này vẫn gần như không đáng kể.

Bó hẹp trong những luận điểm của Hegel và chủ nghĩa duy vật, triết học Marxist có giá trị khoa học không lớn như người ta cố tình gán cho nó. Nó chỉ có ý nghĩa thời đại trong vai trò của một hệ tư tưởng của những giai cấp bị áp bức, đặc biệt là của các phong trào chính trị. Ban đầu, ở châu Âu, nó có nghĩa là một hệ tư tưởng và một phong trào chính trị, còn sau đó, ở Nga và châu Á, nó là một phong trào chính trị và một hệ thống xã hội.

3.

Marx cho rằng sự cáo chung của xã hội tư bản sẽ diễn ra trong cuộc quyết đấu giữa hai giai cấp: tư sản và vô sản. Đối với ông, điều đó là đương nhiên; hơn nữa, trong chủ nghĩa tư bản thời kì đó sự phân biệt giàu nghèo là rất rõ rệt, tạo ra những thái cực đối lập gay gắt và cứ khoảng chục năm lại xảy ra những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kì làm rung chuyển toàn bộ xã hội.

Nói cho cùng, học thuyết của Marx chính là sản phẩm của cách mạng công nghiệp và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Không phải vô tình mà cảnh nghèo khổ đến cùng cực và điều kiện sống không khác gì súc vật của quần chúng kèm theo sự bùng nổ trong công nghiệp được Marx mô tả một cách đầy xót xa trong nhiều trang của cuốn Das Kapital (Tư bản luận), một tác phẩm quan trọng nhất của ông. Một loạt các cuộc khủng hoảng, đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản thế kỉ XIX, tình trạng nghèo khó và sự gia tăng dân số đã đưa Marx đến kết luận hoàn toàn có cơ sở: lối thoát duy nhất chính là cách mạng. Nhưng ông cũng cho rằng cách mạng không nhất thiết phải xảy ra, nhất là đối ở những nước, nơi mà các thể chế dân chủ đã là một truyền thống. Có lần ông đã chỉ rõ các nước như: Hà Lan, Anh và Mĩ. Nhưng dù sao, về tổng thể, thì điều đặc biệt nhất trong quan niệm của ông chính là học thuyết về tính tất yếu của cách mạng. Ông tin vào cách mạng, kêu gọi cách mạng, ông là một nhà cách mạng.

Các luận điểm cách mạng của Marx mới chỉ là giả định và hoàn toàn không phải là bắt buộc đối với mọi nước, mọi nơi; Lenin đã biến các luận điểm đó thành nguyên lí tối thượng và vạn năng. Trong tác phẩm The Infantile Disorder of “Left-Wing” Communism (Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản), một tác phẩm ít tính giáo điều nhất của mình[3], Lenin đã “phát triển”, nói cách khác, đã sửa luận điểm của Marx ngay đối với các nước vừa nói bên trên. Lenin khẳng định rằng điều Marx nói về nước Anh đã không còn đúng nữa, trong thời gian chiến tranh (Thế chiến I) nước này đã trở thành quân phiệt và vì vậy, giai cấp công nhân Anh chỉ có một lựa chọn: làm cách mạng. Sai lầm của Lenin không chỉ vì ông đã không nhận thức được rằng “chủ nghĩa quân phiệt Anh” chỉ là hiện tượng nhất thời, do chiến tranh tạo ra. Sai lầm lớn nhất chính là quan niệm sai về sự phát triển của nước Anh và những nước phương Tây khác, những nước đang tiến theo con đường dân chủ hoá và tiến bộ kinh tế. Lenin cũng không hiểu được bản chất của phong trào công nhân Anh, một mặt, ông đánh giá quá cao những tư tưởng “khoa học nhất” của mình, cũng có nghĩa là của Marx, và mặt khác, không thấy hết những khả năng khách quan của phong trào công nhân và vai trò của giai cấp công nhân trong xã hội. Dù không tuyên bố công khai, nhưng chính Lenin đã bắt đầu coi lí thuyết của mình cũng như kinh nghiệm của cách mạng Nga là vạn năng, có thể áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh.

Theo quan điểm của Marx, cách mạng sẽ diễn ra trước hết ở các nước tư bản đã phát triển. Kết quả của cách mạng sẽ là xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi con người sẽ có nhiều tự do hơn chế độ gọi là chủ nghĩa tư bản tự do. Dễ hiểu là, tuy phủ nhận “kiểu” chủ nghĩa tư bản đó, nhưng chính Marx lại là sản phẩm của thời đại tư bản tự do.

Chia sẻ quan điểm của Marx về việc chế độ tư bản phải được thay thế bằng không chỉ chủ nghĩa xã hội, một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn mà còn tự do hơn, những người dân chủ xã hội có toàn quyền tự nhận là đồ đệ của Marx. Ít nhất, họ cũng có quyền ngang với những người cộng sản, những người cũng dựa vào Marx, nhưng chỉ khác là luôn khẳng định rằng việc thay thế chủ nghĩa tư bản chỉ có thể được thực hiện bằng con đường cách mạng. Nhưng cả hai, cả cộng sản lẫn dân chủ-xã hội, khi trích dẫn Marx, đều không phải là những đệ tử chân truyền của Marx. Họ chỉ dùng Marx làm tấm bình phong che đậy cho những hoạt động thực tiễn trong những hoàn cảnh đã khác thời Marx rất xa.

Cùng trích dẫn và cùng dựa vào những tư tưởng của Marx, phong trào cộng sản và phong trào dân chủ xã hội đã phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Nơi nào mà sự tiến bộ về chính trị và kinh tế bị ngăn chặn, nói một cách khác, nơi nào vai trò khách quan của giai cấp công nhân yếu thì nơi đó nhu cầu hệ thống hoá và giáo điều hoá học thuyết của Marx lại tăng. Đã từng xảy ra như sau: ở một vài nơi, khi lực lượng kinh tế và quan hệ xã hội càng chưa sẵn sàng cho phát triển công nghiệp (thí dụ, Nga, sau đó là Trung Quốc) thì khía cạnh cách mạng của học thuyết Marxist lại càng được vồ vập và sau đó thì biến thành giáo lí. Cánh cách mạng xuất hiện và sau đó chiếm thế thượng phong trong phong trào công nhân. Chủ nghĩa Marx đóng vai trò nòng cốt và sau thắng lợi của các mạng thì trở thành hệ tư tưởng chính thống.

Còn nơi nào mà sự tiến bộ về chính trị và kinh tế khắc phục được nhu cầu phải làm cách mạng (thí dụ, nước Đức) thì khía cạnh kia, khía cạnh dân chủ và cải cách của chủ nghĩa Marx thắng thế. Đòi hỏi cải cách và cùng với nó là xu hướng phi giáo điều hoá trong tư tưởng và trong chính trị, là những đòi hỏi được chấp nhận và được thực hiện từng bước một. Cánh cải cách xuất hiện và chiếm thế thượng phong trong phong trào công nhân.

Trường hợp thứ nhất, dù chỉ là hình thức, mối liên hệ với Marx ngày càng trở nên gắn bó hơn; sự phân li với Marx đã diễn ra rất nhanh trong trường hợp thứ hai.

Trước hết là sự phát triển xã hội rồi sau đó là quan hệ với tư tưởng đã đưa phong trào xã hội chủ nghĩa châu Âu đến sự phân liệt không khoan nhượng và không thể nào khắc phục được. Đại để là sự thay đổi của các điều kiện chính trị và kinh tế trùng hợp với sự thay đổi diễn ra trong tâm trí của các lí thuyết gia xã hội chủ nghĩa đã làm cho họ hiểu và lí giải chính hiện thực, dù là tương đối, nghĩa là chưa đầy đủ và phiến diện.

Lenin ở Nga và Bernstein ở Đức, đấy chính là hai thái cực, thể hiện sự khác biệt hoàn toàn cả trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội lẫn phong trào công nhân.

Chủ nghĩa Marx “khởi thuỷ” chẳng còn để lại gì: ở phương Tây người ta đã quên hoặc gần như thế; ở phương Đông, sau khi cộng sản giành được quyền thống trị, biện chứng pháp và chủ nghĩa duy vật Marxist chỉ còn là hình thức và trở thành giáo điều, được dùng để củng cố quyền lực, được dùng để biện hộ cho sự đàn áp và nô dịch về tư tưởng. Chủ nghĩa Marx thực chất cũng đã bị vất bỏ ngay cả ở phương Đông, nó càng ngày càng trở thành một giáo lí sơ cứng.  Đối với phần này của thế giới, nó đã không còn là tư tưởng nữa, nó đã trở thành một thứ quyền lực mới, một nền kinh tế mới, một hệ thống xã hội mới.

Dù Marx hay lí thuyết của ông có ảnh hưởng như thế nào thì chính ông cũng không thể ngờ và không nghĩ rằng bước ngoặt như thế lại có thể xảy ra. Tương tự như những người khác, nhà khoa học lớn, người lí giải các qui luật vĩ đại đã bị lịch sử “đánh lừa”.

Sau Marx mọi sự đã diễn ra như thế nào?

Trong các nước đã hoàn thành cách mạng công nghiệp (Đức, Anh, Mĩ, v.v…), ngay từ những năm 70 của thế kỉ XIX đã bắt đầu quá trình hình thành các công ty cổ phần và các tập đoàn độc quyền, mà đỉnh điểm của nó kéo dài đến tận đầu thế kỉ XX. Điều đó đã được Gilferding, Gobson và những người khác nghiên cứu. Dựa vào kết quả của những tác giả đó, Lenin đã cho công bố một tác phẩm phân tích chính trị với nhan đề Imperialism, the Final Stage of Capitalism (Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản) với những lời tiên đoán mà phần lớn hóa ra là sai.

Sự bần cùng hoá một cách tương đối và tuyệt đối giai cấp công nhân đã không diễn ra ở chính những nước mà Marx nghiên cứu. Luận điểm của Marx lại được khẳng định ở những nước nông nghiệp Đông Âu, điều này đã được Hugh Seton-Watson nhắc tới trong tác phẩm From Lenin to Malenkov (Từ Lenin đến Malenkov - xuất bản ở New York năm 1953). Nếu Tây Âu đánh giá Marx chủ yếu vì vai trò lịch sử và những đóng góp khoa học của ông, thì ở phương Đông, ông được coi ông là nhà tiên tri của thời đại mới, còn học thuyết của ông thì trở thành “thuốc phiện”, trở thành một loại tôn giáo mới.

Tình cảnh ở Tây Âu, tức là khu vực có đóng góp vào lí thuyết của Marx và Engels được André Maurois mô tả trong tác phẩm The History of England (Lịch sử nước Anh) như sau: 

Khi Engels đến Manchester vào năm 1842 ông đã thấy cảnh 350 ngàn công nhân chen chúc trong những khu nhà ổ chuột ẩm thấp và bẩn thỉu, họ thở bằng bầu không khí đặc quánh như nước trộn với than vậy. Ông đã nhìn thấy trong hầm lò những người phụ nữ cởi trần làm lụng không khác gì súc vật. Những đứa trẻ phải đóng và mở những chiếc cửa thông gió trong tiếng gầm xé tai của đủ loại động cơ. Có đứa còn phải làm cả những việc nặng hơn. Trong những xưởng thêu sự bóc lột còn khủng khiếp đến mức ngay những đứa trẻ bốn tuổi đã phải làm việc để chỉ nhận đồng lương chết đói”

Engels đã sống đến lúc nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn khác về nước Anh, nhưng ông còn thấy một bức tranh khủng khiếp hơn, đấy là cảnh nghèo khó đến tuyệt vọng ở Nga, ở Balcans, chưa nói tới châu Á và châu Phi.

Xét về mọi khía cạnh, những sự thay đổi trong sản xuất do kĩ nghệ tạo ra ở phương Tây là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Những thay đổi đó đã dẫn đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế độc quyền và phân chia thế giới hành những khu vực ảnh hưởng của các tập đoàn đó, cũng như của các nước đã phát triển. Đấy cũng là lí do dẫn đến Thế chiến I và Cách mạng tháng Mười Nga.

Nhưng sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghiệp, công cuộc khai thác các thị trường mới và các nguồn nguyên liệu mới đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong địa vị của giai cấp công nhân. Lí tưởng cách mạng đã nhường chỗ cho các phương pháp hữu hiệu hơn, có ý nghĩa hơn; trước hết là những phương pháp nghị trường, nhằm cải cách và cải thiện điều kiện vật chất của giai cấp công nhân. Ở đó, cách mạng đã trở thành vô nghĩa và không thực tế.

Các nước có nền công nghiệp lạc hậu, trước hết là nước Nga, có hoàn cảnh khác hẳn. Họ chỉ có một sự lựa chọn: công nghiệp hoá hay rút khỏi vũ đài lịch sử và trở thành miếng mồi ngon cho các nước đã phát triển và các tập đoàn tư bản độc quyền mà kết quả không thể tránh khỏi sẽ là sự thoái hoá. Tư sản địa phương, các giai cấp, các đảng phái ở đó đều quá yếu, không thể nào giải quyết được vấn đề công nghiệp hoá đất nước. Cách mạng trở thành tất yếu, thành nhu cầu sống còn của dân tộc. Chỉ có giai cấp vô sản và đảng của nó là có đủ tinh thần và lực lượng để tiến hành cuộc cách mạng này mà thôi.

Tham gia vào việc hoàn thiện và mở rộng sản xuất là qui luật thường trực, nếu không nói là qui luật duy nhất của mọi xã hội, mọi cá nhân. Muốn không bị lạc hậu họ phải trực diện với các xã hội khác, trực diện với mâu thuẫn ngay trong nội bộ của mình. Quá trình phát triển và mở rộng sản xuất nhất định sẽ gặp phải các trở lực, cả trở lực tự nhiên lẫn trở lực do giai đoạn phát triển cụ thể của xã hội đó. Đấy là các trở lực do hình thức sở hữu, do các quan hệ pháp lí và quan hệ quốc tế cùng nhiều quan hệ khác tạo ra. Xã hội buộc phải loại bỏ dần các trở lực do tự nhiên gây ra. Tương tự như vậy, xã hội, hay đúng hơn, các lực lượng đại diện cho các trào lưu phát triển và mở rộng kinh tế nói trên phải hành động nhằm loại bỏ, biến cải và phá vỡ các trở lực sinh ra từ bên trong hay đưa đến từ bên ngoài. Các giai cấp, các đảng phái, các tư tưởng và hệ thống chính trị, tất cả đều là những biểu hiện của các quá trình vận động hay ngưng trệ.

Không có xã hội hay dân tộc nào đồng ý để sản xuất dẫm chân tại chỗ vì đấy là hiểm hoạ cho sự sống còn của chính họ. Lạc hậu là tự sát. Nhân dân không bao giờ tự nguyện chết, để loại bỏ các trở lực của quá trình sản xuất, nghĩa là loại bỏ những hiểm hoạ đối sự tồn vong của mình, nhân dân sẵn sàng chịu đựng mọi hi sinh.

Hoàn cảnh, các yếu tố vật chất và tinh thần đóng vai trò quyết định xem sự phát triển và mở rộng sản xuất sẽ được thực hiện bởi lực lượng nào và bằng phương tiện gì, cũng như hậu quả của tiến trình ấy. Nhưng quá trình sản xuất được hoàn thiện và mở rộng dưới ngọn cờ nào, với sự tham gia của lực lượng nào thì ít phụ thuộc vào con người, cũng như việc hình thành xã hội hay dân tộc vậy. Để có thể tồn tại, xã hội và dân tộc sẽ tìm được các lãnh tụ phù hợp với mục đích mà họ có trách nhiệm hoàn thành và có thể hoàn thành trong giai đoạn đó. Tư tưởng cũng vậy mà thôi.

Chủ nghĩa Marx cách mạng xuất hiện ở phương Tây đã phát triển, trong giai đoạn gọi là chủ nghĩa tự do tư sản đã “di cư” sang phương Đông (Nga, Trung Quốc, v.v...) lạc hậu của thời kì chủ nghĩa tư bản độc quyền. Về nguyên tắc, điều đó cũng phù hợp với trình độ phát triển của phương Đông và phương Tây, phù hợp với hoàn cảnh của phong trào công nhân những nơi đó. Phong trào xã hội chủ nghĩa bắt đầu bằng việc tập trung và chỉnh đốn (Quốc tế II) và kết thúc bằng việc chia rẽ thành cánh dân chủ xã hội (cải cách) và cánh cộng sản (cách mạng), với sự thành công của cách mạng ở Nga và việc thành lập Quốc tế III.

Trong các nước, nơi mà các biện pháp tiến hành công nghiệp hoá hoàn toàn thiếu vắng, cách mạng cộng sản lại xảy ra do những nguyên nhân đặc thù của các dân tộc đó. Cách mạng không thể nào xảy ra được nếu không có những nguyên nhân đặc thù này. Ở nước Nga nửa phong kiến, phong trào cách mạng đã nổi lên trước những người Marxist cả nửa thế kỉ. Để cách mạng bùng nổ cần phải có một số điều kiện cụ thể đặc biệt về kinh tế, chính trị và quốc tế nữa. Nhưng ở những nơi từng diễn ra cách mạng (Nga, Trung Quốc, Nam Tư) thì điều duy nhất cần lại là nhu cầu thiết yếu nhất, tức nhu cầu cải tạo công nghiệp.

Phong trào xã hội chủ nghĩa ở châu Âu sau Marx không chỉ mang tính duy vật và Marxist mà trên cơ sở đó đã xuất hiện và ngày càng phát triển nhận thức về sự độc tôn tư tưởng của mình, đấy cũng là tất yếu lịch sử. Bên phía kẻ thù là tất cả các lực lượng của xã hội cũ: tầng lớp tăng lữ và các nhà khoa học, sở hữu tư nhân, chính quyền, nhưng quan trọng nhất là bộ máy đàn áp, vì thường xuyên xảy ra chiến tranh nên bộ máy này lúc nào cũng sẵn sàng.

Người nào đó có ý định “lật nhào” cả thế giới này thì trước hết phải tìm cách giải thích nó một cách căn bản và “không thể sai lầm”. Nếu sự độc tôn về tư tưởng là điều cần cho mọi phong trào mới nổi thì đối với cách mạng nó lại là biện pháp duy nhất có thể đưa tới chiến thắng. Nhưng nếu phong trào giành được chiến thắng thì điều đó chỉ càng củng cố thêm niềm tin của nó vào chính mình và tư tưởng của mình. Nếu thắng lợi của các cuộc bãi công và đấu tranh trong nghị viện đã củng cố sức mạnh của cánh cải cách trong phong trào xã hội-dân chủ ở Đức và ở một vài nước khác thì với giai cấp vô sản Nga, những người không thể nào tưởng tượng được rằng họ có thể nhận thêm dù chỉ một xu mà không cần đổ máu, lối thoát sẽ chỉ còn là: chiến đấu không khoan nhượng, đấy là cách duy nhất để giải thoát con người ta khỏi nỗi tuyệt vọng và chết đói.

Các nước khác ở Đông Âu - Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumania, Bulgaria - không rơi vào hoàn cảnh như thế. Đấy là những nước không biết cách mạng là gì, Hồng quân Liên Xô đã áp đặt hệ thống cộng sản lên đầu lên cổ họ. Những nước này không cần, càng không cần phương pháp cộng sản trong việc cải tạo công nghiệp, hơn nữa, một vài nước trong số đó đã hoàn thành cải tạo công nghiệp từ trước rồi. Cách mạng đã được du nhập từ bên ngoài vào và từ trên xuống bằng báng súng ngoại bang và bộ máy đàn áp cũng do chính những báng súng đó lập nên. Phong trào cộng sản ở các nước đó, trừ Tiệp Khắc, vốn không có sức sống. Vì yếu, chế độ cộng sản ở những nước này phải sao chép Liên Xô, cả về hình thức lẫn nội dung. Liên Xô áp đặt cho họ hệ thống của mình, còn cộng sản địa phương thì hồ hởi tiếp thu. Nơi nào mà phong trào càng yếu thì sự sao chép, bắt chước “anh cả”- chế độ cộng sản toàn trị Nga - lại càng cẩn thận và tỉ mỉ hơn.

Các nước như Pháp và Ý, là những nước đã trải qua cách mạng công nghiệp, nhưng đảng cộng sản ở đó vẫn tương đối mạnh là do tình hình khó khăn của những nước này, họ không muốn rơi vào tình trạng lạc hậu so với các nước phát triển khác và vì vậy, đã gặp phải một số rối loạn xã hội. Nhưng chính vì họ đã trải qua quá trình dân chủ hoá và công nghiệp hoá và phong trào cộng sản ở đó cũng khác với Nam Tư, Nga hay Trung Quốc nên cách mạng ở những nước này không và sẽ không bao giờ có cơ may thành công. Sống và đấu tranh trong điều kiện của chế độ dân chủ, chính lãnh đạo các đảng cộng sản đó không thể thoát khỏi được “ảo tưởng” của chế độ đại nghị, còn khi nói đến cách mạng, nếu vần đề ấy xuất hiện, thì họ lại nghĩ ngay đến phong trào cộng sản quốc tế và sự giúp đỡ của Liên Xô chứ không hi vọng dựa vào lực lượng của chính mình. Trong khi cử tri cho rằng các đảng này là đại diện cho những hi vọng, nỗi đau khổ và sự tức giận của mình thì họ cũng lại ngây thơ tin rằng đấy chính là các chiến sĩ đấu tranh cho một nền dân chủ rộng lớn hơn.

Xuất hiện trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành một nền công nghiệp tiên tiến, chủ nghĩa cộng sản đã rút khỏi vũ đài hoặc tắt dần ở những nơi mà quá trình này đã hoàn thành, nhưng nó hưng thịnh và phát triển, trở thành thực tiễn ở những nơi mà quá trình ấy sẽ phải diễn ra.

Vai trò vừa nói của chủ nghĩa cộng sản trong các nước kém phát triển xác định tính chất của những cuộc cách mạng cộng sản đã thành công tại những nước đó.


Đặc điểm của cách mạng

1.

Những ai đã từng biết, dù không nhiều, lịch sử của các nước đã từng diễn ra các cuộc cách mạng cộng sản đều thấy rằng ở đấy từng tồn tại nhiều đảng phái không hài lòng với hiện tình của đất nước. Nổi bật nhất là nước Nga, nơi đảng thực hiện thành công công cuộc cách mạng không phải là tổ chức cách mạng duy nhất vào thời điểm đó.

Nhưng đảng cộng sản không chỉ có thái độ cách mạng đối với hiện tình đất nước mà còn là lực lượng tỏ thái độ kiên quyết nhất, nhất quán nhất với tư tưởng cải tạo xã hội theo hướng công nghiệp hoá. Trên thực tế, đấy chính là sự tiêu diệt một cách triệt để quan hệ sở hữu cũ - lực cản trên đường dẫn đến mục đích đã được lựa chọn. Không có đảng nào có thái độ quyết liệt như vậy đối với quan hệ sở hữu, không có đảng nào có xu hướng công nghiệp hoá đến như vậy.

Nhưng ta vẫn chưa thể hiểu tại sao các đảng đó phải ghi vào cương lĩnh của mình là các đảng xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện lạc hậu của nước Nga Sa Hoàng, sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không những không có khả năng tiến hành mà còn là lực cản đối với quá trình công nghiệp hoá. Vì quan hệ sở hữu này đang nằm trong một nước với những di sản năng nề của chủ nghĩa phong kiến và trong một thế giới, nơi các nước tư bản chủ nghĩa không muốn nhả khu vực nguyên liệu rộng lớn và một thị trường đầy tiềm năng khỏi tay mình.

Phù hợp với quá khứ của mình, nước Nga Sa Hoàng không bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp. Nga là nước duy nhất ở châu Âu không biết đến phong trào Cải cách tôn giáo và Phục hưng, không có các thành phố châu Âu thời Trung cổ. Và cái đất nước lạc hậu ấy, cái đất nước nửa nông nô với chính quyền độc tài chuyên chế và chế độ tập trung quan liêu ấy đã bị ném vào vòng xoáy của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới, vào mạng lưới của các trung tâm tài chính quốc tế.

Lenin trong tác phẩm Imperialism, the Final Stage of Capitalism (Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản) đã đưa ra các số liệu chứng tỏ rằng ba phần tư tài sản của các ngân hàng lớn nhất tại Nga là do tư bản nước ngoài kiểm soát. Trotsky trong tác phẩm Lịch sử cách mạng Nga nhấn mạnh rằng người nước ngoài nắm giữ 40% cổ phiếu của nền công nghiệp Nga, trong các lĩnh vực quan trọng thì tỉ lệ này còn cao hơn. Rõ ràng là người nước ngoài cũng nắm giữ phần cốt yếu trong các ngành kinh tế chính của Nam Tư nữa. Bản thân những thí dụ này không chứng tỏ được điều gì nếu không có sự kiện là trong khi tư bản nước ngoài buộc những nước này đóng vai trò nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, lại làm mọi cách nhằm ngăn chặn các nước đó phát triển. Trên thực tế, người ta đã tiến hành chính sách giữ cho các nước đó ở mãi trong tình trạng chậm tiến, thậm chí làm thoái hoá cả một dân tộc.

Như vậy là, một đảng nào đó nhận trách nhiệm tiến hành cách mạnh, thì về mặt đối nội nó phải tiến hành chính sách bài tư bản, và về đối ngoại phải chống đế quốc.

Tư sản dân tộc còn rất non yếu, chỉ đóng vai trò tay sai, đóng vai kẻ thừa hành chính sách của tư bản nước ngoài. Gắn bó máu thịt với cuộc cách mạng công nghiệp hoá không phải là giai cấp tư sản mà chính là giai cấp vô sản, giai cấp xuất hiện do việc bần cùng hoá ngày càng nhiều tầng lớp nông dân. Nếu việc tiêu diệt sự bóc lột dã man là vấn đề sống còn của những người đã trở thành vô sản thì công nghiệp hoá lại là vấn đề sống còn của những người nông dân đang sắp trở thành vô sản. Để có thể đồng thời thể hiện được quyền lợi của cả hai nhóm này, phong trào phải đưa ra các tư tưởng, khẩu hiệu và lời hứa có xu hướng bài tư bản, nghĩa là xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, đảng cách mạng không thể tiến hành cách mạng công nghiệp hoá mà không tập trung vào tay mình toàn bộ nguồn nội lực, mà trước hết là những nguồn lực thuộc quyền sở hữu của tư bản địa phương đang bị quần chúng căm ghét vì bị bóc lột thậm tệ và bị đối xử một cách vô nhân đạo. Đảng cách mạng cũng phải có thái độ tương tự đối với tư bản ngoại quốc.

Các đảng phái khác không có và cũng không thể có cương lĩnh tương tự như vậy. Tất cả các đảng phái này đều bị quá khứ đè nặng, đều muốn giữ lại các quan hệ đã trở nên trì trệ hoặc trong trường hợp tốt nhất thì cũng chỉ muốn tiến lên một cách chậm chạp, một cách hoà bình mà thôi. Các đảng có xu hướng bài tư bản, thí dụ, những người xã hội-cách mạng Nga kêu gọi quay trở lại với đời sống nông nghiệp bán khai. Còn cương lĩnh của những người xã hội chủ nghĩa, thí dụ, những người Melsevik Nga, cuối cùng cũng chỉ là loại bỏ bằng vũ lực những rào cản cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa, vì họ cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản phát triển mới tạo tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở đây vấn đề lại hoàn toàn khác: đối với những nước này, quay trở lại hay phát triển tư bản chủ nghĩa đều không thực tế, đều không thể thực hiện được.

Chỉ có đảng cổ động cho cuộc cách mạng bài tư bản và tiến hành công nghiệp hoá nhanh chóng đất nước mới có cơ may giành được thành công. Ngoài ra, đấy rõ ràng phải là đảng hành động theo các nguyên lí của chủ nghĩa xã hội. Và vì phải hoạt động trong những điều kiện có sẵn như thế, cũng như phải hoạt động trong phong trào công nhân hay phong trào xã hội chủ nghĩa, đảng này, về mặt tư tưởng phải dựa vào học thuyết, một mặt, nhấn mạnh rằng công nghiệp hoá là tiến bộ và không thể đảo ngược được và mặt khác, nhấn mạnh rằng cách mạng nhất định sẽ nổ ra. Lí thuyết ấy đã có sẵn rồi, chỉ cần cải biến nó cho phù hợp là xong. Đấy là chủ nghĩa Marx, khía cạnh cách mạng của chủ nghĩa Marx. Dựa vào chủ nghĩa Marx cách mạng cũng như phong trào xã hội chủ nghĩa châu Âu đối với đảng ấy là điều tự nhiên, cũng như sau này, trong quá trình phát triển của cách mạng và sự biến đổi về cơ cấu trong các nước tư bản phát triển, nó nhất định sẽ li khai với các đảng xã hội chủ nghĩa châu Âu vì những đảng này đã chuyển sang con đường cải cách.

Cách mạng và công nghiệp hoá một cách nhanh chóng đòi hỏi rất nhiều hi sinh, đòi hỏi những hành động bạo lực vô cùng dã man, lí trí không thể nào tưởng tượng nổi, đòi hỏi không chỉ những lời hứa mà còn niềm tin vào Thiên đàng trên trái đất nữa. Tiến theo nguyên tắc chung đó, theo con đường có ít chống đối nhất đó, những người tiến hành cách mạng và công nghiệp đã rời bỏ các quan điểm Marxist và xã hội chủ nghĩa, đã thay chúng bằng những điều ngược lại, nhưng cũng không chối bỏ hoàn toàn được chúng.

Chiến thắng của những người cộng sản (Bolshevik) Nga không có liên quan gì đến tính khoa học của các quan điểm của họ. Nếu tính khoa học là sự nhận biết xu hướng phát triển của cách mạng và công nghiệp hoá thì phải nhận rằng đảng Bolshevik đúng là một đảng có quan điểm khoa học. Nhưng nếu thế thì cũng phải nói rằng bất cứ đảng nào nắm được xu thế phát triển cũng đều là đảng có quan điểm khoa học cả[4]

Chủ nghĩa tư bản và những quan hệ tư bản chủ nghĩa là những hiện tượng tất yếu, phù hợp với mức độ phát triển của xã hội, cũng như bất kì hình thức nào khác mà nhờ đó xã hội thể hiện được các nhu cầu thường trực, cũng như khát vọng mở rộng và hoàn thiện nền sản xuất của mình. Ở nước Nga, chủ nghĩa tư bản đã cản trở qui luật này, trong khi ở nước Anh nửa đầu thế kỉ XIX, nó chính là lực lượng bảo đảm cho qui luật đó vận hành. Ở Anh, muốn đưa nền sản xuất lên một tầng cao mới, giai cấp tư sản bắt buộc phải thủ tiêu tầng lớp nông dân, nhưng ở Nga thì chính các chủ doanh nghiệp (nghĩa là các nhà tư sản) lại là nạn nhân của các mạng công nghiệp. Qui luật vẫn bảo toàn, dù hình thức thể hiện có khác và với những diễn viên khác.

Chủ nghĩa xã hội, trong hệ tư tưởng là các khẩu hiệu, những hứa hẹn và những lời có cánh, còn trên thực tế, là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc thù, trong những hoàn cảnh cụ thể, ở mức độ phát triển sản xuất cụ thể, tự đứng ra nhận trách nhiệm tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, nhận trách nhiệm cải tiến và mở rộng sản xuất cũng là một sự kiện tất yếu.

2.

Tất cả các cuộc cách mạng trước đây xảy ra là để phá bỏ hệ thống chính trị cản trở sự phát triển của các quan hệ kinh tế hay quan hệ xã hội đã trở thành chủ đạo trong xã hội.

Những cuộc cách mạng đó không thực hiện điều gì khác ngoài việc phá vỡ các cơ cấu chính trị lỗi thời và dọn đường cho các lực lượng và quan hệ sản xuất đã phát triển đầy đủ trong lòng xã hội cũ. Trong những trường hợp, khi các nhà cách mạng (những người Jacobin, đứng đầu là Robespierre và Saint-Just trong cách mạng Pháp) định dùng các phương tiện bạo lực để tạo lập những quan hệ kinh tế - xã hội mới, thì hành động của họ không tránh khỏi thất bại và chính họ cũng sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.

Trong tất cả các cuộc cách mạng trước, đàn áp và bạo lực chỉ là hậu quả, là phương tiện trong tay của các lực lượng và quan hệ kinh tế - xã hội đã nắm quyền chủ đạo; và nếu trong cao trào của cách mạng, họ có sử dụng vũ lực một cách thái quá, thì cuối cùng họ cũng buộc phải trở về với thực tế và khuôn khổ cho phép. Đàn áp và khủng bố dù có vai trò tất yếu thì cũng chỉ là hiện thượng có tính nhất thời.

Theo những điều đã trình bày ở trên, cũng như do những hoàn cảnh riêng biệt đặc thù, tất cả các cuộc cách mạng, dù được tiến hành từ “dưới lên” như ở Pháp hay từ trên xuống như dưới trào Bismark ở Đức, thì cuối cùng các cuộc cách mạng ấy nhất định phải dẫn tới chế độ dân chủ về mặt chính trị. Dễ hiểu là vì sao: “Nhiệm vụ chủ yếu” của các cuộc cách mạng đó là phá vỡ hệ thống chính trị chuyên chế lỗi thời và thiết lập những mối quan hệ chính trị phù hợp với các nhu cầu kinh tế hiện hành và các nhu cầu khác, phù hợp với nền sản xuất hàng hoá tự do. 

Các cuộc cách mạng cộng sản hiện đại được tiến hành trong những hoàn cảnh khác hẳn.

Chúng được thực hiện không phải như một cuộc chuyển tiếp sang – ta gọi là quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa – các quan hệ đã chín muồi, còn quan hệ tư bản thì đã “chín nẫu” rồi, mà ngược lại, được tiến hành ngay khi chủ nghĩa tư bản còn chưa phát triển, chưa sẵn sàng cho công cuộc công nghiệp hoá toàn bộ đất nước.

Ở Pháp, chủ nghĩa tư bản đã nắm thế thượng phong trong nền kinh tế, trong các quan hệ xã hội và ngay cả trong nhận thức của người dân từ rất lâu trước khi cách mạng nổ ra. Không thể nói như thế về sự chín muồi của chủ nghĩa xã hội ở Nga, ở Trung Quốc hay Nam Tư được.

Ngay các lãnh tụ cách mạng cũng nhận thức được điều đó. Ngày 7 tháng 3 năm 1918, giữa cao trào cách mạng, Lenin đã nhắc đến chuyện này tại đại hội bất thường lần thứ VII của Đảng cộng sản Nga như sau:

… Một trong những khác biệt chủ yếu của cách mạng tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa là đối với cách mạng tư sản vốn thoát thai từ chủ nghĩa phong kiến, trong lòng của chế độ cũ đã hình thành dần dần các tổ chức, các tổ chức đó biến đổi một cách từ từ tất cả các mặt của chế độ phong kiến. Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, mọi cuộc cách mạng tư sản chỉ làm mỗi một việc: đẩy nhanh sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một vị thế hoàn toàn khác. Do những dích dắc của lịch sử, đất nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa càng lạc hậu thì giai đoạn chuyển tiếp từ quan hệ tư bản chủ nghĩa sang quan hệ xã hội chủ nghĩa sẽ càng khó khăn…

Sự khác nhau giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng tư sản là trong trường hợp sau đã có sẵn các hình thức quan hệ tư bản chủ nghĩa, còn đối với chính quyền Xô Viết, chính quyền vô sản, thì các quan hệ này chưa có sẵn, nếu không kể đến các hình thức quan hệ tư bản đã phát triển, thực ra các quan hệ này mới bao trùm phần chóp bu không đáng kể của nền công nghiệp, nó hoàn toàn chưa đụng chạm gì đến ngành nông nghiệp.

Tôi trích dẫn Lenin, nhưng tôi cũng có thể trích dẫn bất kì lãnh tụ cách mạng cộng sản nào khác, cũng như có thể trích dẫn rất nhiều học giả khẳng định một chuyện hiển nhiên: chưa hề có “các quan hệ” cho chế độ mới. Chính quyền Xô Viết phải xây dựng các quan hệ đó. Nói chung, cộng sản giành được chính quyền ở các nước phải mất nhiều công sức thuyết phục, thảo luận và cố gắng “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, xây dựng các quan hệ mới mà ta tạm gọi là xã hội chủ nghĩa để làm gì nếu những quan hệ này đã chín muồi trước khi cách mạng cộng sản giành được thắng lợi?

Phân tích như thế, chúng ta đi đến kết luận, sau này mới thấy là có vẻ vô lí: nếu các điều kiện cho xã hội mới chưa chín muồi thì làm cách mạng để làm gì? Làm sao cuộc cách mạng ấy lại có thể xảy ra được? Làm sao nó lại có thể đứng vững được, mặc dù các quan hệ xã hội mới chưa hề tồn tại trong lòng xã hội cũ?

Cho đến lúc đó chưa có một cuộc cách mạng nào, chưa có đảng nào đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng các quan hệ xã hội, nghĩa là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Nhưng đây lại chính là tiền đề của các cuộc cách mạng cộng sản.

Về các qui luật chi phối sự phát triển của xã hội, các lãnh tụ cộng sản cũng chẳng biết nhiều hơn những người khác, nhưng lại phát hiện ra rằng ở đất nước mà họ có thể tiến hành cách mạng cũng có thể tiến hành công nghiệp hoá, nghĩa là có thể thực hiện công cuộc cải tạo xã hội vì nó phù hợp với những giả thuyết của họ. Cách mạng đã thành công trong những “điều kiện chưa chín muồi” là một minh chứng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cũng vậy thôi. Điều đó càng củng cố ảo tưởng rằng họ nắm được các qui luật phát triển của xã hội. Trên thực tế, họ đã thiết kế một xã hội mới và bắt đầu công cuộc xây dựng, dù có khi thay đổi, có khi bỏ bớt một số chi tiết, nhưng nói chung, họ vẫn tuân thủ thiết kế chính.

Công nghiệp hoá là bắt buộc, là nhu cầu hợp pháp, nhu cầu không thể thoái thác của xã hội, kết hợp với phương pháp tiến hành, phương pháp cộng sản chủ nghĩa.

Nhưng cả hai điều đó, cùng đồng thời phải phát triển, lại không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, lại cần một khoảng thời gian dài. Sau cách mạng, cần có lực lượng tiến hành công nghiệp hoá. Ở phương Tây, đấy là các lực lượng kinh tế, nằm ngoài chính trị, đấy là chủ nghĩa tư bản. Các nước cộng sản không có các lực lượng như thế, vai trò ấy được đặt lên vai các cơ quan cách mạng, lên vai chính quyền mới, lên vai đảng cách mạng.

Trong các cuộc cách mạng trước đây, bạo lực cách mạng biến thành rào cản cho phát triển kinh tế ngay sau khi trật tự cũ đã bị đập tan. Trong cách mạng cộng sản, bạo lực là điều kiện cần thiết cho phát triển, thậm chí cho sự tiến bộ của cách mạng. Các nhà cách mạng trước đây coi bạo lực là cái ác, là phương tiện dẫn đến mục tiêu. Nhưng những người cộng sản lại nâng nó lên thành bái vật và mục đích cuối cùng. Trong quá khứ, các giai cấp và lực lượng cấu thành xã hội mới đã tồn tại từ trước khi cách mạng nổ ra. Cách mạng cộng sản phải tạo ra cả xã hội mới, cũng như lực lượng cấu thành xã hội ấy.

Ở phương Tây, sau những “lầm lẫn” và “lệch lạc”, cách mạng nhất định sẽ dẫn đến chế độ dân chủ, nhưng ở đây, ở phương Đông, cách mạng phải kết thúc bằng chế độ độc tài. Các biện pháp đàn áp, khủng bố, các nhà cách mạng và các đảng cách mạng trở thành thừa, thành vật cản đối với phương Tây sau cách mạng. Phương Đông có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Nếu ở phương Tây chế độc tài đi kèm theo cách mạng dù sao cũng chỉ là hiện tượng tạm thời, thì ở phương Đông nó phải kéo dài “tới muôn đời sau”. Điều đó không chỉ bởi vì không thể tiến hành công nghiệp hoá trong một thời gian ngắn mà, như ta sẽ thấy trong phần trình bày sau, nó còn kéo dài ngay cả sau khi công nghiệp hoá đã thành công.

3.

Giữa cách mạng cộng sản và các cuộc cách mạng đã diễn ra trong quá khứ, ngoài những điều đã trình bày, còn có một loạt khác biệt quan trọng nữa như sau.

Những cuộc cách mạng trong quá khứ, mặc dù đã chín muồi trong kinh tế và trong nhận thức xã hội, đã không thể nào xảy ra được nếu không có sự trùng hợp nhất định của hoàn cảnh. Khoa học, về căn bản, đã xác định được những điều kiện cần cho sự bùng nổ và chiến thắng của cách mạng. Phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh những điều kiện chung, mỗi cuộc cách mạng còn có những đặc điểm riêng, nếu không tính đến và không nắm được những điều kiện đó thì cách mạng không thể xảy ra và không thể thành công được.

Đối với các cuộc cách mạng xảy ra trong quá khứ, chí ít là đối với các cuộc cách mạng lớn nhất, chiến tranh, hay nói đúng hơn, sự sụp đổ của quốc gia, không phải là điều kiện kích hoạt bắt buộc. Đối với cách mạng cộng sản thì đây là điều kiện căn bản, đảm bảo cho chiến thắng. Kết luận này đúng với cả trường hợp Trung Quốc: cách mạng ở đó đã bắt đầu trước cuộc xâm lược của Nhật Bản, nhưng đã kéo dài cả thập kỉ và chỉ thu được thắng lợi khi chiến tranh kết thúc. Cách mạng năm 1936 ở Tây Ban Nha có thể đã trở thành một ngoại lệ, nhưng cuộc cách mạng này đã không phát triển thành cách mạng cộng sản và không thu được thắng lợi chung cuộc.

Cách mạng cộng sản cần chiến tranh, cần phá huỷ bộ máy nhà nước cũ là vì, như đã nhấn mạnh ở trên, sự chưa chín muồi về kinh tế và xã hội. Để một nhóm nhỏ, dù có được tổ chức tốt và có kỉ luật đi nữa, có thể nắm được chính quyền thì cần phải phá bỏ toàn bộ hệ thống, đặc biệt là bộ máy nhà nước cũ, cần phải tiến hành chiến tranh. Xin nói thêm: chiến tranh với cơ cấu quyền lực cũ và với hệ thống quản lí nhà nước cũ, vốn đã trở thành người thua cuộc.  

Trong Cách mạng tháng Mười, Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga chỉ có khoảng 200 ngàn thành viên[5]. Năm 1941, Đảng cộng sản Nam Tư có khoảng 10 ngàn đảng viên. Rõ ràng là, để có thể giành được chính quyền thì bao giờ cũng cần sự ủng hộ tích cực của một bộ phận dân chúng, nhưng trong mọi trường hợp, khi một đảng tiến hành cách mạng và giành chính quyền lại có số lượng đảng viên không nhiều thì nó chỉ có thể kì vọng vào những điều may mắn “từ trên trời rơi xuống” mà thôi.

Nói chung, một đảng như thế khi chưa nắm được quyền lực thì không bao giờ có thể là đảng có đông đảng viên được.

Phá huỷ hoàn toàn trật tự xã hội cũ và xây dựng một trật tự mới khi các điều kiện về kinh tế và xã hội chưa chín muồi là một nhiệm vụ cực kì khó khăn và có vẻ không thực tế, cho nên đảng đó chỉ có thể lôi kéo được rất ít người, chỉ những người tin tưởng một cách mù quáng vào khả năng biến nó thành hiện thực mới ra nhập đảng mà thôi.

Những hoàn cảnh đặc biệt và một đảng đặc biệt chính là đặc trưng cơ bản của các cuộc cách mạng cộng sản.

Mọi cuộc cách mạng, cũng như mọi cuộc chiến tranh, đều đòi hỏi sự tập trung toàn bộ sức mạnh. Theo Albert Mathiez[6], cách mạng Pháp là cuộc cách mạng đầu tiên mà “tất cả nguồn lực của nhân dân: con người, lương thực, vật tư được tập trung vào tay chính phủ”. Cách mạng cộng sản, một cuộc cách mạng “chưa chín muồi” còn đòi hỏi sự tập trung hơn thế nữa: trong tay của đảng không chỉ là các giá trị vật chất mà còn cả các giá trị tinh thần, ngay đảng cũng bị chính trị hoá và được tổ chức một cách tập trung ở mức độ cao nhất. Chỉ có những đảng cộng sản đã cố kết về mặt chính trị và đoàn kết xung quanh trung ương, không có chia rẽ về mặt tư tưởng mới có khả năng tiến hành cách mạng.

Nếu tiền đề chiến thắng của mọi cuộc cách mạng là tập trung tất cả lực lượng và phương tiện cùng với sự thống nhất nhất định về chính trị của đảng cách mạng, thì đối với cách mạng cộng sản, điều đó còn có ý nghĩa hơn nữa, bởi vì ngay từ đầu nó đã loại trừ mọi nhóm hay chính đảng độc lập tham gia như đồng minh của đảng cộng sản, đồng thời nó còn đòi hỏi chính những người cộng sản một sự thống nhất hoàn toàn về chiến lược và sách lược, cũng như thống nhất về quan niệm triết học và cả đạo đức nữa. Sự kiện là những người xã hội-cách mạng cánh tả tham gia vào Cách mạng tháng Mười, cũng như những người không đảng phái và các nhóm thuộc các đảng phái khác nhau tham gia vào cách mạng Trung Quốc hay Nam Tư không những không phủ nhận mà còn khẳng định kết luận trên: những nhóm đó chỉ là tay sai của cộng sản và đến một lúc nào đó họ sẽ phải tự giải tán hoặc bị săn đuổi. Những người xã hội-cách mạng đã bị săn đuổi ngay khi có ý định hoạt động độc lập, còn những nhóm không cộng sản ủng hộ cách mạng ở Trung Quốc và Nam Tư thì trong thực tế đã tự ý thôi hoạt động chính trị ngay từ trước rồi.

Các cuộc cách mạng trước đây không phải là “đặc quyền” của một nhóm duy nhất nào. Trong cao trào của cách mạng, các nhóm khác nhau có thể chèn ép hoặc tiêu diệt lẫn nhau, nhưng cách mạng không phải là sự nghiệp của một nhóm duy nhất và cũng không kết thúc bằng việc thiết lập quyền thống trị lâu dài của nhóm đó. Những người Jacobin ở Pháp chỉ có thể nắm giữ chế độ chuyên chế trong một thời gian ngắn. Chế độ chuyên chế của Napoleon, sinh ra từ trong cách mạng, đồng thời cũng là sự cáo chung của cách mạng và báo hiệu giai đoạn nắm quyền của các tập đoàn tư bản lớn. Nếu trong các cuộc cách mạng trước kia, một đảng đóng vai trò chủ đạo, các đảng khác vẫn tiếp tục hoạt động, cho dù một số có bị cấm đoán và săn đuổi thì điều đó cũng không thể kéo dài vì không ai có thể tiêu diệt được họ. Điều đó chỉ xảy ra trong các cuộc cách mạng cộng sản hiện đại về sau này mà thôi. Ngay Công xã Paris, cộng sản vẫn coi đây là một cuộc diễn tập của họ, thực chất là một cuộc cách mạng đa đảng phái.

Nếu một đảng nào đó, trong những giai đoạn nào đó của cách mạng, có đóng vai trò chủ đạo hay vai trò đặc biệt đi nữa thì nó cũng không tập trung hoá về tổ chức và tư tưởng như đảng cộng sản. Ngay những người Thanh giáo ở Anh hay những người Jacobin ở Pháp cũng không bắt buộc phải có quan điểm thống nhất về tư tưởng và triết học, mặc dù Thanh giáo là một tổ chức tôn giáo. Về mặt tổ chức, Jacobin chỉ là liên hiệp các câu lạc bộ, đối với Thanh giáo thì ngay một liên hiệp như vậy cũng không tồn tại. Chỉ có các cuộc cách mạng cộng sản thời hiện đại mới làm cho sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của đảng trở thành qui luật.

Một điều chắc chắn là: trong tất cả các cuộc cách mạng trước đây, sau khi nội chiến và can thiệp từ bên ngoài kết thúc thì các phương pháp cách mạng cũng như các đảng cách mạng đã không còn cần thiết nữa, đảng có thể bị giải tán. Cách mạng cộng sản thì ngược lại, họ tiếp tục sử dụng các hình thức và biện pháp cách mạng, còn đảng cộng sản thì trở nên tập trung hoá hơn bao giờ hết, tư tưởng của đảng trở thành duy nhất đúng.

Lenin đặc biệt nhấn mạnh điều này trong tiến trình cách mạng (Trong Luận cương Hội nghị thứ II Quốc tế cộng sản, phần “Điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản”):

Trong giai đoạn nội chiến khốc liệt hiện nay, đảng cộng sản chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình nếu được tổ chức một cách tập trung nhất, trong đảng phải có kỉ luật sắt, bên cạnh kỉ luật thời chiến, nếu ban chấp hành trung ương là cơ quan quyền lực có uy tín, được giao quyền lực rộng rãi và nhận được sự tin cậy của các đảng viên[7].

Stalin còn nói thêm:

Trong điều kiện cuộc đấu tranh trước khi giành được chính quyền chuyên chính, kỉ luật đảng đã là như thế. Sau khi giành được chính quyền kỉ luật đảng càng phải được nâng cao hơn nữa[8].

Tinh thần cảnh giác cách mạng, những đòi hỏi cấp bách về sự thống nhất về mặt tư tưởng, tính đặc thù về chính trị và tư tưởng, chủ nghĩa tập trung, tất cả những điều đó đã không biến mất sau khi giành được chính quyền, mà ngược lại, ngày càng trở thành gay gắt hơn, trầm trọng hơn.

Trong những cuộc cách mạng trước, giai đoạn áp dụng những biện pháp nghiêm khắc, giai đoạn tập trung quyền lực và độc quyền tư tưởng chỉ giới hạn trong khoảng thời gian xảy ra các sự kiện cách mạng. Đối với cuộc cách mạng cộng sản thì đây chỉ là bước khởi đầu của một nền chuyên chế toàn trị của một nhóm người, của một nền thống trị không có hồi kết.

Bạo lực của các cuộc cách mạng trước, ngay cả trong thời kì gọi là Khủng bố trong Cách mạng Pháp, dù không phải lúc nào cũng công chính, nhưng chỉ nhằm trừ khử những kẻ thù thực sự chứ không phải để loại bỏ những người có thể trở thành kẻ thù. Nếu không kể những cuộc chiến tranh tôn giáo thời Trung cổ, việc tiêu diệt hay săn đuổi những tầng lớp xã hội nhất định chỉ là những hiện tượng cực kì hãn hữu. Cộng sản thì khác, nhận thức được rằng cả về lí thuyết và trên thực tế, họ xung đột với tất cả các giai cấp và các hệ tư tưởng khác cho nên họ chiến đấu không chỉ chống kẻ thù đã bị lật đổ nhưng vẫn còn sức sống, mà họ còn phải chống lại cả những kẻ thù giả định nữa. Tại những nước vùng Baltic, người ta lập danh sách những người mà họ cho rằng trước đây từng có cảm tình với các đảng phái khác và chỉ trong vài ngày hơn một ngàn người[9] đã bị đàn áp. Việc giết hại mấy ngàn sĩ quan Ba Lan[10] trong khu rừng ở Katyn (Katyn Forest) cũng có cùng bản chất như thế. Sau khi cách mạng đã xảy ra hàng chục năm, cộng sản vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp đàn áp, với hình thức có vẻ tinh vi hơn, nhưng có thể còn trên diện rộng hơn cả trong những ngày cách mạng (thí dụ, việc tiêu diệt địa chủ). Sau cách mạng, sự độc đoán và bất dung về tư tưởng càng ngày càng tăng thêm. Nâng cao vai trò của tư tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin đối với đảng cầm quyền là một xu hướng thường trực, ngay cả khi nó tự ý hay buộc phải giảm nhẹ các biện pháp đàn áp trực tiếp.

Khi cuộc trấn áp cách mạng chấm dứt thì các cuộc cách mạng trước đây, đặc biệt là cách mạng tư sản, liền hướng sự chú ý sang việc khẳng định quyền tự do cá nhân. Ngay những người cách mạng cũng coi việc đảm bảo các quyền công dân là một sự nghiệp có ý nghĩa trọng đại. Sự độc lập của toà án luôn luôn được coi là thành quả của cách mạng. Chế độ cộng sản ở Liên Xô, cũng như ở bất kì quốc gia cộng sản nào khác, sau bốn mươi năm tồn tại cũng chưa hề nghĩ tới điều đó.  

Nâng cao quyền công dân và người dân được pháp luật bảo vệ là thành quả cuối cùng của các cuộc cách mạng trước đây. Không thể nói như thế về cách mạng cộng sản.

Cuối cùng, còn một sự khác biệt lớn nữa giữa các cuộc cách mạng trước đây và cách mạng cộng sản thời hiện đại.

Các cuộc cách mạng trước đây, đặc biệt là những cuộc cách mạng lớn, nổ ra trong quá trình đấu tranh của các tầng lớp lao động, nhưng thành quả thì lại thuộc về một giai cấp khác, thuộc về giai cấp thực hiện việc lãnh đạo về mặt tinh thần và thường là cả về mặt tổ chức của cách mạng. Thành quả của cuộc đấu tranh của những người nông dân và vô sản Pháp bị giai cấp tư sản - cách mạng chính là biểu hiện quyền lợi của giai cấp này - chiếm đoạt. Quần chúng cũng tham gia vào cách mạng cộng sản. Nhưng thành quả lại không thuộc về họ mà thuộc về bộ máy quan liêu. Bộ máy quan liêu không phải ai khác mà chính là cái đảng vừa thực hiện xong cuộc cách mạng. Trong cách mạng cộng sản, các phong trào tiến hành cách mạng không biến mất. Cách mạng cộng sản cũng “ăn thịt những người con của mình”, nhưng không ăn thịt tất cả.

Trên thực tế, ngay sau khi cách mạng cộng sản thành công, nhất định phải xảy ra giai đoạn thanh toán nhau khốc liệt, đầy phản trắc giữa các nhóm, các trào lưu có những quan điểm khác nhau về con đường tiến lên của cách mạng.

Những lời kết án lẫn nhau luôn luôn diễn ra xung quanh việc chứng minh một cách giáo điều rằng ai phản cách mạng một cách “khách quan” hoặc “chủ quan” hơn, hoặc ai là tay sai của kẻ thù “bên trong” hay tư bản quốc tế. Dù cách giải quyết những cuộc tranh luận có như thế nào đi chăng nữa, chiến thắng vẫn thuộc về những người theo đuổi quá trình công nghiệp hoá theo các nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản - buộc nền sản xuất phải phụ thuộc hoàn toàn vào đảng và các cơ quan nhà nước - một cách kiên trì nhất và kiên quyết nhất. Trong khi ăn thịt những đứa con của mình, cách mạng cộng sản có chừa lại một ít, đặc biệt nó không động đến những người quan trọng, những người cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá trong tương lai. Thường thì những nhà cách mạng tin tưởng một cách ngây thơ vào các khẩu hiệu và tư tưởng của cách mạng, tin vào khả năng thực hiện các khẩu hiệu đó bị tiêu diệt trước. Xu hướng coi ý nghĩa của cách mạng là củng cố chính quyền như công cụ của quá trình công nghiệp hoá theo nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản là xu hướng thắng thế.

Cách mạng cộng sản là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử mà một nhóm những người tham gia, đặc biệt là những người lãnh đạo đã thọ được sau thắng lợi, đã sống sót sau khi những người đồng chí của mình bị thủ tiêu. Trong những cuộc cách mạng trước đây, nhóm này nhất định bị tiêu diệt. Cách mạng cộng sản là cuộc cách mạng đầu tiên được thực hiện “vì lợi ích” của một nhóm trong số những người cách mạng. Họ và bộ máy quan liêu, châu tuần xung quanh họ là những người được hưởng thành quả của cách mạng. Đấy chính là lí do để cho họ cũng như đông đảo quần chúng giữ mãi ảo tưởng về sự độc đáo của cách mạng, một cuộc cách mạng trung thành với chính mình, với những khẩu hiệu được viết trên những là cờ của mình. Chẳng phải là chính những người đó hay phần lớn trong số họ với những tư tưởng và khẩu hiệu cũ hay đã biến dạng một phần, vẫn lãnh đạo đảng được trui rèn trước cách mạng và nay là những người đứng đầu chính quyền giành được trong cách mạng đó ư?[11]

4.

Ảo tưởng về mục đích và khả năng thực sự mà cuộc cách mạng cộng sản tạo ra không thể có sức mạnh và sức sống hơn ảo tưởng của các cuộc cách mạng trước đây nếu như nó không đồng thời hé mở cho người ta thấy một cách giải quyết hoàn toàn mới về quan hệ sở hữu, nói cách khác, nếu kết quả của nó không phải là một hình thức sở hữu mới. Tất cả các cuộc cách mạng trước đều ít nhiều tạo ra những biến động về quan hệ sở hữu. Nhưng lúc đó chỉ là một hình thức sở hữu tư nhân này đã chén ép một hình thức sở hữu khác. Bây giờ khác hẳn: đã xảy ra một sự biến đổi căn bản, triệt để, sở hữu tư nhân bị một loại sở hữu trước đó chưa hề tồn tại, sở hữu tập thể, lấn át.

Ngay trong tiến trình cách mạng, các điền trang lớn cũng như các tập đoàn tư bản kếch xù, nghĩa là những sở hữu có sử dụng lao động làm thuê đã bị tịch thu. Điều đó tạo ra niềm tin rằng lời hứa của những người cách mạng về việc tạo dựng một thiên đàng của công bằng và bình đẳng không phải là những lời nói suông. Đảng và chính quyền do đảng lãnh đạo đồng thời tiến hành những bước tiến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, điều đó càng củng cố thêm lòng tin của người dân: giờ giải phóng cho dân nghèo đã điểm. Không cần phải giấu giếm, chuyên chế và bạo lực có mặt khắp nơi. Nhưng đấy chỉ là hiện tượng nhất thời, trong khi các giai cấp bị tước đoạt còn kháng cự, trong khi còn đủ mọi loại “phản động”, trong khi chưa cải tạo xong công nghiệp mà thôi!

Quá trình công nghiệp hoá đã có một số thay đổi. Công nghiệp hoá một đất nước lạc hậu lại không được sự trợ giúp, ngược lại, còn bị bên ngoài cản trở, đòi hỏi phải tập trung trong tay nhà nước tất cả mọi nguồn lực. Quốc hữu hoá các điền trang lớn, các tập đoàn tư bản lớn, mới chỉ là bước đầu trong việc tập trung tài sản vào tay chính quyền mới.

Nhưng vấn đề chưa kết thúc ở đây. Và cũng không thể kết thúc ở đây được.

Quan hệ sở hữu mới được hình thành, cộng sản thường gọi sở hữu tập thể hay tài sản xã hội chủ nghĩa, đôi khi họ gọi là tài sản nhà nước, nhất định sẽ mâu thuẫn với những hình thức sở hữu khác. Tài sản mới này phải gánh vác nhiệm vụ chính của quá trình công nghiệp hoá và vì vậy mâu thuẫn sẽ càng ngày càng gay gắt thêm. Tài sản của thợ thủ công, công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ, nghĩa là tại những cơ sở không hề sử dụng lao động làm thuê hoặc sử dụng không đáng kể cũng sẽ bị tập trung. Việc tịch thu tài sản của những chủ sở hữu nhỏ được thực hiện ngay cả khi đấy không phải nhu cầu kinh tế, nghĩa là nhằm nâng cao năng suất lao động.

Khi tiến hành công nghiệp hoá, người ta đã tịch thu tài sản của cả những tầng lớp không có biểu hiện chống phá, thậm chí còn giúp đỡ cách mạng. Nhà nước đã trở thành chủ sở hữu, trở thành người quản lí cả những tài sản nhỏ bé đó. Tài sản tư nhân đã không còn hay đã bị thu nhỏ đến mức vai trò của nó trở thành không đáng kể, đối với những người cầm quyền mới thì việc tiêu diệt hoàn toàn sở hữu tư nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong nhận thức của những người cộng sản và một số quần chúng thì đấy chính là việc thủ tiêu hoàn toàn các giai cấp, là thực hiện lí tưởng xã hội phi giai cấp. Trên thực tế, cùng với việc hoàn thành công nghiệp hoá và tập thể hoá, các giai cấp cũ đã không còn. Trong mắt của những người cộng sản thì ảo tưởng về xã hội phi giai cấp mà họ từng mơ ước đã thành hiện thực. Họ tin như thế hay giả vờ tin như thế, mặc cho sự bất bình của quần chúng, thậm chí họ còn tuyên bố một cách dối trá rằng đấy là “tàn dư của quá khứ”, là “âm mưu của kẻ thù giai cấp”.

Tất cả các cuộc cách mạng, thậm chí tất cả các cuộc chiến tranh đều tạo ra ảo tưởng. Ảo tưởng được tạo ra nhân danh những lí tưởng không thể nào thực hiện được, nhưng với người chiến sĩ đang hăng say chiến đấu thì đấy không phải là ảo tưởng, đấy chính là thực tế. Lí tưởng bạc màu, ảo tưởng cũng thành sương khói ngay khi chiến cuộc vừa lụi tàn. Nhưng cách mạng cộng sản thì khác. Ảo tưởng do nó tạo ra còn sống rất lâu trong lòng những người đã từng chiến đấu vì lí tưởng và cả trong quần chúng nữa. Bạo lực, chuyên quyền, cướp bóc trắng trợn, đặc quyền đặc lợi của tầng lớp nắm quyền, tất cả những điều đó vẫn không làm cho một bộ phận dân chúng, đặc biệt là những người cộng sản, giải thoát khỏi niềm tin mù quáng vào các khẩu hiệu của cách mạng. Dù sao cũng vẫn là “chủ nghĩa xã hội”, dù bất ngờ và dã man thật nhưng chúng ta “vẫn tiến được một bước về phía trước”... Niềm tin và hi vọng của con người vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi đã hoàn thành công nghiệp hoá.

Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.

Tất cả các dân tộc, bằng cách này hay các khác, đều phải trải qua cách mạng. Các cuộc cách mạng, tuy không thường xuyên, nhưng nhất định phải diễn ra. Cách mạng sẽ đưa đến chế độ chuyên chế, nhưng đồng thời lại dẫn dắt các dân tộc vào con đường mà trước đó họ chưa từng dám bước chân vào.

Cách mạng cộng sản không thực hiện, không thể thực hiện được những lí tưởng mà nó từng giương cao trong cuộc đấu tranh. Nhưng nó đã đưa những vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Âu lên con đường văn minh hiện đại. Nó đã tạo ra tiền đề vật chất cho một xã hội tự do hơn trong tương lai. Nếu cách mạng cộng sản đã tạo ra chế độ độc tài tuyệt đối thì đồng thời, cũng tạo ra tiền đề để loại bỏ nó trong tương lai. Nếu thế kỉ XIX đã tạo ra nền công nghiệp hiện đại cho phương Tây, thì thế kỉ XX sẽ làm điều đó cho phương Đông. Cái bóng khổng lồ của Lenin đã bao trùm lên một không gian rộng lớn trên lục địa Á-Âu trong suốt gần một trăm năm qua. Cùng với chế độ độc tài ở Trung Quốc hay chế độ dân chủ ở Ấn Độ và Burma, tất cả các dân tộc châu Á và không chỉ các dân tộc châu Á đang tiến những bước vững chắc trên con đường công nghiệp hoá. Cách mạng Nga đã khởi đầu quá trình này và vì vậy, ta có thể nói đến giá trị không bao giờ phai mờ của nó.

5.

Từ những điều đã trình bày, có thể có cảm tưởng rằng cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại. Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế.

Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột”.

Nhưng cũng không thể nói rằng cộng sản đã lừa nhân dân, không thể nói rằng họ đã cố tình đánh lừa rồi sau không chịu thực hiện. Sự thật đơn giản là: họ không thể thực hiện được điều mà chính họ đã nhiệt liệt tin tưởng. Dĩ nhiên là họ không nhận như thế, họ không dám nhận ngay cả khi buộc phải hành động trái ngược hẳn với những điều đã hứa một cách thực tâm. Theo họ, công nhận điều đó cũng có nghĩa là công nhận rằng cách mạng là vô ích. Và như thế, chính họ sẽ là những người vô tích sự. Chuyện đó thì không thể xảy ra được, nhất là đối với họ. 

Kết quả cuối cùng của những xung đột xã hội không bao giờ giống và không thể giống với những điều đã được những người tham gia hoạch định từ trước, vì nó phụ thuộc vào một loạt hoàn cảnh mà trí tuệ và kinh nghiệm của con người không thể nắm bắt hết được. Điều đó còn đặc biệt đúng đối với những cuộc cách mạng đỏi hỏi những nỗ lực phi thường, những cuộc cách mạng thực hiện những thay đổi tận gốc rễ, tạo ra niềm tin tuyệt đối rằng sau chiến thắng sẽ là cuộc sống tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Cách mạng Pháp được thực hiện nhân danh lí trí, với niềm tin rằng tự do, bình đẳng và bác ái nhất định sẽ tới. Cách mạng Nga được thực hiện nhân danh “thế giới quan khoa học”, vì một xã hội không còn giai cấp. Nhưng cả hai cuộc cách mạng đó không thể nào thắng lợi nếu những người cách mạng và cùng với họ là một bộ phận quần chúng không tin tưởng vững chắc vào lí tưởng của mình.

Niềm tin viển vông của những người cộng sản vào khả năng của họ sau cách mạng còn lớn hơn cả niềm tin của những người mà họ dẫn dắt. Công nghiệp hoá là không thể tránh, người cộng sản có thể biết và đã biết điều đó, nhưng hậu quả của nó đối với xã hội và các quan hệ xã hội thì họ không biết, họ chỉ có thể đoán mò mà thôi.

Các nhà sử học chính thức ở Liên Xô và Nam Tư thường mô tả cách mạng như là kết quả của những hành động được tính toán kĩ lưỡng từ trước. Nhưng thực ra, chỉ có phương hướng cách mạnh và đấu tranh vũ trang là được hoạch định, còn hình thức sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện, trong những hoàn cảnh cụ thể. Lenin rõ ràng là một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử cũng không tưởng tượng được cách mạng sẽ nổ ra khi nào và dưới hình thức nào, ông cũng chỉ nắm được điều đó qua thực tiễn của cuộc đấu tranh. Tháng 1 năm 1917, trước Cách mạng tháng Hai đúng một tháng và trước Cách mạng tháng Mười, cuộc cách mạng đã đưa ông đến quyền lực, có 10 tháng, trong buổi thuyết trình trước các đảng viên xã hội Thuỵ Sĩ, ông đã nói như sau:

Những người già cả chúng tôi có lẽ sẽ không được nhìn thấy những trận chiến quyết định của cuộc cách mạng tương lai. Nhưng tôi có thể nói một cách tin tưởng rằng, các bạn trẻ đang hoạt động tích cực trong phong trào xã hội ở Thuỵ Sĩ và trên toàn thế giới sẽ có may mắn không chỉ đấu tranh mà còn chiến thắng trong cuộc các mạng vô sản trong tương lai[12].

Có cần thảo luận việc Lenin hay bất kì một người nào khác có thể dự đoán được những hậu quả xã hội của cuộc cách mạng, tiên đoán được những quan hệ sẽ hình thành trong và sau khi cuộc đấu tranh phức tạp và kéo dài ấy kết thúc hay không?

Mặc dù mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là phi thực tế, nhưng khác với những người cách mạng trong quá khứ, người cộng sản tỏ ra rất thực tiễn trong việc thực hiện vai trò lịch sử của mình. Họ đã tiến hành công nghiệp hoá bằng một biện pháp duy nhất có thể: thiết lập chế độ toàn trị tuyệt đối.

Với cách mạng cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử, những người cách mạng không biến mất khỏi vũ đài chính trị mà còn tiến hành xây dựng các quan hệ xã hội mới, trái ngược hẳn với những gì họ từng tin và từng hứa với một tinh thần thực dụng cao độ, mặc dù không giải thoát hoàn toàn khỏi những ảo tưởng của thời tiền cách mạng. Trong quá trình cải tạo và cộng nghiệp hoá, cách mạng cộng sản đã biến chính các nhà cách mạng thành chủ nhân và người sáng tạo của xã hội mới.

Những dự đoán cụ thể của Marx và của Lenin về việc xây dựng một xã hội tự do, phi giai cấp thông qua chuyên chính vô sản tỏ ra là không chính xác. Nhưng công cuộc công nghiệp hoá xã hội trên cơ sở của nền công nghệ hiện đại thì đã thành hiện thực.

Khác với các qui luật khách quan, tức là những qui luật khẳng định tính vạn năng hay có thể nói tính chính xác của mình; một lần nữa ta lại thấy vai trò của con người chỉ là tương đối, các dự đoán của con người chỉ là tương đối[13]

6.

Nếu muốn có một kết luận không phải trên thực tế khách quan mà theo các qui luật của logic hình thức thì ta có thể nói: cuộc cách mạng cộng sản đã dựa vào bộ máy nhà nước để thực hiện việc cưỡng bách trong những hoàn cảnh đặc biệt, nó đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp hoá tương tự như chủ nghĩa tư bản đã làm ở phương Tây, cho nên nó chính là cuộc cách mạng tư sản – nhà nước và chiến thắng mà nó mang lại chính là quan hệ tư bản – nhà nước. Điều này đặc biệt đúng khi ta thấy nhà nước làm nhiệm vụ điều chỉnh tất cả quan hệ như chính trị, lao động và các quan hệ khác và điều đặc biệt quan trong là chính quyền làm nhiệm vụ phân phối thu nhập quốc dân, sử dụng những nguồn lực về hình thức đã trở thành sở hữu nhà nước.

Cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề: quan hệ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác là quan hệ tư bản nhà nước, quan hệ xã hội chủ nghĩa hay quan hệ nào khác, là cuộc tranh cãi mang tính giáo điều. Thực ra nó đúng là vấn đề mang tính giáo điều.

Nhưng đây là một vấn đề cực kì quan trọng.

Ngay cả khi giả sử lời khẳng định của Lenin rằng tư bản nhà nước là “thời kì mở đầu của chủ nghĩa xã hội”, hay đây là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội thì những người dân sống dưới chế độ chuyên chế cộng sản cũng không vì thế mà cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng nếu ta có thể nhận thức được, một cách dù là tương đối, đặc điểm của sở hữu và quan hệ xã hội mà cách mạng cộng sản sẽ mang lại thì mới mong giải phóng con người khỏi các gông xiềng của nó. Nếu người ta không nhận thức được bản chất của các quan hệ trong xã hội mà họ đang sống và không biết phương pháp thay đổi các quan hệ đó thì cuộc đấu tranh của họ sẽ trở thành vô ích.

Như vậy, nếu đồng ý rằng cách mạng cộng sản, trái ngược với những lời hứa hẹn và những ảo tưởng, chỉ dẫn đến các quan hệ tư bản nhà nước thì ta sẽ nhận thấy rằng các biện pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của bộ máy hành chính, giảm bớt sự tuỳ tiện và áp bức của nó chính là những biện pháp thực tế và đúng đắn. Các ông trùm cộng sản đã làm đúng như thế: họ luôn luôn kêu gọi hoàn thiện công tác quản lí hành chính và đấu tranh chống lại “chủ nghĩa quan liêu”, mặc dù về mặt lí luận họ không công nhận rằng hệ thống của họ chính là chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Nhưng quan hệ ở đây không phải là quan hệ tư bản nhà nước, hệ thống không thể nâng cao hiệu quả một cách rõ rệt bằng biện pháp đơn giản như cải tiến hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, không thể biến nó thành “bộ máy công bằng hơn” được.

Quan hệ trong chủ nghĩa cộng sản rất giống với quan hệ tư bản nhà nước về mặt hình thức và vai trò bao trùm lên toàn bộ của bộ máy nhà nước. Nhưng bên dưới cái mặt nạ đó là một cái gì đó hoàn toàn khác[14].

Để có thể nhận thức được bản chất các quan hệ xuất hiện trong cách mạng cộng sản và được củng cố vững chắc bởi quá trình công nghiệp hoá và hợp tác hoá cần phải chú ý đến vai trò và phương pháp hoạt động của nhà nước trong chế độ cộng sản. Ở đây phải nhấn mạnh rằng bộ máy nhà nước không phải là công cụ chủ yếu để tạo lập quan hệ sở hữu và các quan hệ xã hội khác, nó chỉ đóng vai trò người bảo vệ các quan hệ ấy mà thôi. Mọi thứ dường như đều được làm nhân danh và phù hợp với các qui định của nhà nước. Nhưng bên trên và đằng sau mọi hành động của nhà nước là đảng cộng sản.

Cũng không phải là toàn đảng mà chỉ là tầng lớp quan liêu, tầng lớp chuyên nghiệp của đảng. Chính tầng lớp quan liêu này mới là người sử dụng, quản lí và phân phối toàn bộ khối tài sản đã được quốc hữu hoá và tập thể hoá cũng như toàn thể đời sống xã hội nói chung. Chính vai trò độc quyền quản lí và phân phối thu nhập quốc dân cũng như mọi tài sản khác của quốc gia đã biến tầng lớp quan liêu này thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi. Các quan hệ xã hội về mặt hình thức và nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như là quan hệ tư bản nhà nước. Nguồn gốc của nó cũng dễ làm cho người ta nghĩ như thế: công nghiệp hoá không phải nhờ các nhà tư sản mà bằng các biện pháp cưỡng chế. Trên thực tế, vai trò đó do một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, sử dụng bộ máy nhà nước như là công cụ, như là bình phong về mặt pháp lí, thực hiện. Mọi người cũng đều biết như thế[15].

Nếu quyền sở hữu chỉ là quyền sử dụng và phân phối và nếu quyền đó chỉ thuộc về một nhóm người nhất định, thì điều đó có nghĩa là trong các nhà nước cộng sản đã xuất hiện một hình thức sở hữu hoàn toàn mới, hay là đã xuất hiện một giai cấp cai trị và bóc lột mới.

Không phải trên lời nói, mà trên thực tế, những người cộng sản đã hành động như mọi giai cấp cầm quyền khác, họ cũng không thể hành động khác được. Trong khi tin tưởng rằng đang xây dựng một xã hội lí tưởng, nhưng họ lại xây dựng xã hội của mình, bằng những phương tiện mà họ có trong tay. Những điều kiện cho việc hình thành xã hội đó đã chín muồi, cho dù nó không thể chín cho một xã hội lí tưởng như niềm tin mà cách mạng từng hứa hẹn. Như vậy là, ta có thể kết luận rằng với một số nước, trong một giai đoạn phát triển nhất định, cuộc cách mạng và xã hội của họ không xuất hiện một cách vô tình và trái tự nhiên. Đấy là lí do vì sao xã hội đó, trong một giai đoạn nhất định, giai đoạn công nghiệp hoá, đã phải chịu và chịu đựng được bạo lực cộng sản, dù nó có tàn khốc và vô nhân đến mức nào. Sau giai đoạn đó, bạo lực đã không còn cần thiết nữa, nó chỉ còn được sử dụng để đảm bảo đặc quyền ăn cướp của giai cấp mới mà thôi. Khác hẳn với các cuộc cách mạng trong quá khứ, cách mạng cộng sản nhân danh tiêu diệt giai cấp đã lập nên ách thống trị của một giai cấp mới.

Tất cả những điều khác chỉ là ảo tưởng hão huyền.


  
Giai cấp mới

1.

Như đã nói ở trên, ở Liên Xô và các nước cộng sản khác, tất cả đã diễn ra không như tưởng tượng của các lãnh tụ nổi tiếng nhất như Lenin, Stalin, cũng như Trotsky và Bukharin. Cứ theo quan niệm của họ, bộ máy nhà nước Liên Xô sẽ ngày một yếu đi, trong khi nền dân chủ sẽ ngày một mạnh thêm. Đã xảy ra điều hoàn toàn ngược lại. Người ta cho rằng mức sống sẽ được nâng cao nhanh chóng trong một tương lai không xa, nhưng hoá ra đời sống được cải thiện không đáng kể, trong các nước Đông Âu mức sống lại có phần sụt giảm: trong mọi trường hợp, sự cải thiện điều kiện sống cũng không tương xứng với mức độ công nghiệp hoá. Người ta từng tin tưởng rằng mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay sẽ dần được san bằng, nhưng hoá ra những mâu thuẫn này ngày một sâu sắc thêm. Tình hình cũng xảy ra tương tự trong các lĩnh vực khác, kể cả các dự đoán về sự phát triển của thế giới phi cộng sản.

Nhưng ảo tưởng lớn nhất chính là ảo tưởng rằng cùng với việc công nghiệp hoá và tập thể hoá nghĩa là cùng với việc thủ tiêu sở hữu tư bản chủ nghĩa, Liên Xô sẽ trở thành xã hội phi giai cấp. Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế, người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập được một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.

Dễ hiểu là giai cấp mới này, cũng như mọi giai cấp trước nó trong quá khứ, đã tự coi sự thống trị của mình là sự toàn thắng của hạnh phúc và tự do cho tất cả mọi người. Chỉ có một khác biệt duy nhất: thiếu khoan dung hơn, nó không cho phép nghi ngờ những ảo tưởng do nó áp đặt và không cho phép nghi ngờ quyền cai trị của mình. Điều đó lại chứng tỏ rằng sự thống trị của nó toàn triệt hơn mọi chế độ từng được biết đến trong lịch sử, thành kiến và ảo tưởng giai cấp của nó cũng tương đương như thế.

Giai cấp mới, tầng lớp quan liêu, đúng hơn phải nói tầng lớp chính trị quan liêu, không những mang trong mình nó tất cả đặc thù của các giai cấp bóc lột trước đó mà còn có những đặc trưng riêng biệt, khác hẳn. Ngay nguồn gốc của nó, tuy có nhiều điểm chung với sự xuất hiện của những giai cấp khác, nhưng vẫn có những khác biệt.

Các giai cấp khác, trong đại đa số các trường hợp, cũng giành được tài sản và quyền lực bằng con đường cách mạng, nghĩa là phá bỏ các quan hệ chính trị, xã hội và các quan hệ cũ khác. Nhưng những giai cấp đó giành được chính quyền sau khi các hình thức kinh tế mới đã có thế thượng phong trong lòng xã hội cũ. Giai cấp mới, trong hệ thống cộng sản, xuất hiện không phải với mục đích hoàn thành các cuộc cải cách mà với ý định đặt nền móng cho các quan hệ kinh tế mới và sự thống trị của chính nó đối với xã hội.

Trong các thời đại trước, việc giành chính quyền của một giai cấp, một bộ phận của giai cấp hay của một đảng nào đó chính là hành động cuối cùng trong việc tạo lập và hình thành ý thức của thời đại. Ở Liên Xô, tình hình diễn ra khác hẳn: giai cấp mới chỉ thực sự hình thành sau khi đã nắm được quyền lực. Ý thức của nó tiếp tục phát triển - và phải phát triển vì cho đến lúc đó nó chưa ăn sâu, bén rễ vào đời sống của dân tộc – vượt trước cả khả năng kinh tế và khả năng vật lí của nó; còn vai trò của dân tộc và bức tranh về thế giới thì được vẽ ra dưới dạng lí tưởng hoá. Điều này, tuy nhiên, không làm giảm khả năng thực tế của nó. Ngược lại là khác. Cùng với những ảo tưởng và mặc dù có những ảo tưởng như thế, giai cấp mới chính là hiện thân của xu hướng công nghiệp hoá, một xu hướng đã trở thành đòi hỏi khách quan. Từ đó cũng xuất hiện tính thực dụng của nó. Niềm tin vào một thế giới lí tưởng do chính nó hứa hẹn đã cố kết đội ngũ, đã reo rắc ảo tưởng vào trong quần chúng, nhưng cũng kêu gọi và động viên họ hoàn thành những công việc có ý nghĩa thực tiễn to lớn.

Vì giai cấp mới không được hình thành từ các tiến trình kinh tế-xã hội diễn ra trên thực tế, ta chỉ có thể tìm thấy mầm mống của nó bên trong một tổ chức đặc biệt, tổ chức dựa trên kỉ luật sắt và sự thống nhất về mặt tư tưởng. Họ phải lấy những nhân tố chủ quan, đấy là sự thống nhất về nhận thức và kỉ luật sắt để bù vào những khiếm khuyết khách quan trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội trong những giai đoạn đầu.

Nguồn gốc của giai cấp mới là đảng kiểu mới, đảng Bolsevik. Lenin đã hoàn toàn có lí khi cho rằng đảng do ông thành lập là đảng đặc biệt trong lịch sử loài người, nhưng ông không thể nghĩ rằng chính đảng đó lại là nguồn gốc của một giai cấp mới.

Đúng hơn phải nói rằng mầm mống của giai cấp mới không phải nằm trong toàn bộ đảng Bolsehvik mà chỉ nằm trong tầng lớp các nhà cách mạng chuyên nghiệp, lực lượng nòng cốt của đảng trước khi đảng giành được chính quyền. Không phải vô tình mà sau thất bại của Cách mạng năm 1905 Lenin đã khẳng định rằng chỉ có các nhà cách mạng chuyên nghiệp, nghĩa là những người lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp chính, ngoài ra họ không làm gì khác, mới có thể thành lập được một đảng kiểu mới. Stalin, người kiến tạo giai cấp mới trong tương lai là biểu hiện rõ ràng nhất hình ảnh người cách mạng chuyên nghiệp kiểu đó. Nhóm các nhà cách mạng chuyên nghiệp đó đã phát triển dần dần thành một giai cấp cầm quyền mới. Các nhà cách mạng này sẽ còn đóng vai trò hạt nhân của nó trong một thời gian dài. Trotsky đã nhận xét rằng chính các nhà cách mạng chuyên nghiệp đã tạo ra mầm mống của bộ máy quan liêu của Stalin. Nhưng ông đã không hiểu một điều, đây chính là mầm mống của một giai cấp cầm quyền, giai cấp bóc lột mới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là đảng và giai cấp là một. Đảng chỉ là hạt nhân, là cơ sở. Thật khó, thậm chí không thể xác định được ranh giới của giai cấp mới và không thể liệt kê được tất cả các thành viên của nó. Nói chung, bất cứ người nào nhờ độc quyền trong việc quản lí mà có đặc lợi về kinh tế thì đều có thể coi là thuộc giai cấp mới cả.

Đồng thời, công tác quản lí cũng là một công việc cần thiết cho xã hội cho nên cá nhân có thể vừa là một người có ích vừa là một kẻ ăn bám. Rõ ràng rằng, không phải đảng viên nào cũng nằm trong giai cấp, cũng như không phải bất kì người thợ thủ công hay đảng viên đảng tư sản nào cũng được coi là nhà tư sản vậy.

Một cách chung nhất, có thể nói rằng: cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó ngày càng thể hiện rõ thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng, cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động, đầy sáng kiến, thì nay, đối với những ông trùm của giai cấp mới, đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lí tưởng ra.

Đảng tạo ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở. Giai cấp thì mạnh lên, trong khi đảng thì yếu đi, đấy là số phận không thể cưỡng lại được của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.

Một đảng không quan tâm đến việc tái sản xuất, nghĩa là không mang trong mình nó giai cấp mới và tài sản của giai cấp ấy thì không thể nào trụ vững được về mặt tư tưởng và đạo đức, hơn nữa lại có thể cầm quyền lâu trong một thời gian dài như đảng cộng sản. Sau khi hoàn thành kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Stalin hùng hồn tuyên bố rằng nếu không thành lập được bộ máy thì “chúng ta” đã thất bại rồi! Đáng ra phải nói thành lập “giai cấp mới” thì mọi sự đã rõ ràng hơn.

Việc một đảng chính trị trở thành mầm mống của một giai cấp mới có vẻ như là một việc không hoàn toàn bình thường. Thường thì đảng là sản phẩm của các giai cấp hay tầng lớp dân cư đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế và tinh thần nhất định. Nhưng nếu xem xét kĩ những bước thăng trầm của nước Nga và các nước khác, nơi mà chủ nghĩa cộng sản đã giành thắng lợi bằng nội lực thì ta sẽ thấy rằng cái đảng kiểu mới đó chính là sản phẩm của những hoàn cảnh cụ thể và không phải là hiện tượng bất thường và vô tình. Mặc dù chủ nghĩa Bolshevik có nguồn gốc từ trong sâu thẳm của lịch sử Nga, nó còn là phó sản của hoàn cảnh chính trị mà nước Nga đã rơi vào trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thế kỉ XIX và thế kỉ XX. Sự phát triển đã buộc nước Nga phải thoát ra khỏi chế độ độc tài chuyên chế, nhưng chủ nghĩa tư bản lại quá yếu, phụ thuộc vào tư bản nước ngoài, không đủ sức thực hiện cách mạng công nghiệp. Việc đó chỉ có thể được thực hiện bởi một giai cấp mới, dĩ nhiên là giai cấp này sẽ thực hiện theo những quan điểm riêng của mình.

Giai cấp như vậy chưa tồn tại.

Lịch sử không quan tâm đến việc ai làm, quan trọng là điều cần thiết đã được làm. Điều đó đã xảy ra ở Nga và ở các nước đã từng diễn ra các cuộc cách mạng cộng sản khác. Cách mạng đã tạo ra lực lượng: đấy là các lí tưởng, các tổ chức và những lãnh tụ cần thiết. Giai cấp mới đã hình thành từ những điều kiện khách quan, do ý chí, tư tưởng và hành vi của những lãnh tụ cách mạng.

2.

Giai cấp mới có nguồn gốc từ những người vô sản. Quí tộc thoát thai từ tầng lớp nông dân, giai cấp tư sản sinh ra từ những người buôn bán, thợ thủ công, các điền chủ thời trung cổ, tương tự như vậy, giai cấp mới được hình thành từ tầng lớp vô sản. Ở đây có thể có một số ý ngoại lệ là do điều kiện đặc thù của từng dân tộc. Nhưng “vật liệu” hình thành nên giai cấp mới thì vẫn là tầng lớp vô sản ở những nước kém phát triển và chính tầng lớp ấy cũng còn rất lạc hậu.
           
Nhưng nguồn gốc không phải là lí do duy nhất, thậm chí chỉ là lí do phụ giải thích vì sao giai cấp mới luôn luôn nói rằng họ là đại diện của giai cấp công nhân. Họ làm điều đó vì những lí do khác. Thứ nhất giai cấp này tuyên bố lập trường bài tư bản cho nên nó phải tìm sự ủng hộ của các tầng lớp lao động, thứ hai nó dựa vào cuộc đấu tranh và niềm tin của giai cấp vô sản về chế độ cộng sản, nơi không còn cảnh người bóc lột người dã man nữa. Ngoài ra, giai cấp mới còn phải quan tâm đến việc đảm bảo cho quá trình sản xuất hoạt động bình thường, đấy cũng là lí do nó phải cố gắng để không bị mất liên hệ với quần chúng lao động. Nhưng quan trọng nhất là giai cấp mới không thể tiến hành công nghiệp hoá và bằng cách đó củng cố sức mạnh của mình nếu không có giai cấp công nhân, những người vẫn coi việc nâng cao vai trò của công nghiệp là con đường thoát khỏi cảnh nghèo nàn và tuyệt vọng mà chính giai cấp này cũng như toàn dân tộc đang lâm vào. Quyền lợi, lí tưởng, hi vọng và niềm tin của giai cấp mới, của một bộ phận giai cấp công nhân và bần cố nông đã song hành với nhau trong một thời gian dài. Sự đồng thuận như vậy cũng đã từng xảy ra giữa các giai tầng của các giai cấp khác nhau trong quá khứ. Chả phải là giai cấp tư sản đã là người đại diện cho tầng lớp nông dân trong cuộc đấu tranh phản phong đấy ư?

Con đường đưa giai cấp mới đến với quyền lực là tham gia vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và những tầng lớp cùng khổ khác. Những tầng lớp này chính là chỗ dựa của đảng, đúng hơn phải nói: của giai cấp mới. Quyền lợi của các lực lượng này liên kết chặt chẽ với nhau cho đến khi giai cấp mới thiết lập được sự thống trị của mình. Sau đó thì giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo khổ khác chỉ còn được quan tâm vì nhu cầu của sản xuất và giữ cho những tầng lớp dễ biến động và nổi loạn trong vòng kìm kẹp mà thôi.

Địa vị độc tôn đối với toàn xã hội mà giai cấp mới nhân danh giai cấp công nhân lập nên trước hết là sự độc tôn ngay với giai cấp công nhân, ban đầu là trong lĩnh vực tinh thần, dưới danh nghĩa là đội tiên phong của giai cấp vô sản, sau đó là trong tất cả các lĩnh vực khác, thực chất là một sự lừa dối vĩ đại mà giai cấp mới buộc phải thực hiện. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng nguồn sức mạnh và lĩnh vực quan tâm của giai cấp mới chính là công nghiệp. Không có công nghiệp thì giai cấp mới không những không thể ổn định mà cũng không thể khẳng định được địa vị thống trị của mình.

Giai cấp mới luôn luôn được bổ sung bằng những người xuất thân từ giai cấp công nhân. Số phận của tầng lớp nô lệ từ xưa đến nay vẫn là như thế, họ phải cống nạp cho các ông chủ những đại diện tài năng nhất, có tầm nhìn xa trông rộng nhất của mình. Trong trường hợp này giai cấp bóc lột mới đã phát sinh và phát triển từ chính giai cấp bị bóc lột.

3.

Khi phân tích một cách có phê phán hệ thống cộng sản, người ta thường đưa ra đặc trưng cơ bản nhất của hệ thống này, đây là việc toàn dân phải chịu khuất phục trước một tầng lớp đặc biệt, tầng lớp các viên chức quan liêu. Nói chung, thì đúng như thế. Nhưng phân tích một cách kĩ hơn, ta sẽ thấy rằng toàn dân phải chịu khuất phục trước một nhóm nhỏ con người cụ thể, những người trong thực tế không phải là quan chức hành chính, những người hợp thành hạt nhân của bộ máy quan liêu, hay theo cách gọi của tôi là giai cấp mới. Trên thực tế, đấy chính là bộ máy quan liêu chính trị, bộ máy của đảng. Tất cả các viên chức khác chỉ là người giúp việc, ở đây có thể là một bộ máy vừa to lớn vừa chậm chạp nhưng cần thiết cho mọi cộng động. Sự phân biệt giữa nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai có thể được nhận biết về mặt xã hội học; nhưng trong cuộc sống, đây là hai nhóm không thể tách biệt. Vấn đề không chỉ bởi vì toàn bộ hệ thống cộng sản là một hệ thống có tính chất quan liêu, tầng lớp quan liêu chính trị và hành chính đều có thể náu mình trong đó mà còn vì các đảng viên cũng thường thực hiện những nhiệm vụ quản lí có ích khác nhau. Ngoài ra, tầng lớp quan chức chính trị không thể nắm hết đặc quyền đặc lợi, nó phải chia bớt một phần cho những quan chức khác nữa.

Ngoài ra cần phải nhận rõ sự khác nhau giữa bộ máy quan liêu chính trị đã nói ở trên với bộ máy quan liêu xuất hiện trong quá trình tập trung hoá của nền sản xuất hiện đại (sự độc quyền, các công ty, tài sản nhà nước). Trong các công ty độc quyền tư bản, số lượng công nhân cổ trắng cũng đang tăng lên một cách nhanh chóng. Điều đó cũng đúng đối với cả các ngành công nghiệp đã được quốc hữu hoá ở phương Tây nữa. Trong tác phẩm Human Relations in Administration (Quan hệ con người trong bộ máy quản lí)[1], R. Dabin khẳng định rằng các viên chức nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất được coi là một tầng lớp đặc biệt:

Các viên chức thường sống gắn bó với đồng nghiệp. Quyền lợi chung thường đóng vai trò chất kết dính, gắn bó họ với nhau, đặc biệt là sự cạnh tranh nội bộ ít xảy ra vì sự thăng tiến phụ thuộc vào thâm niên công tác. Khả năng xảy ra xung đột nội bộ như vậy là gần như không có, và người ta cho rằng điều đó có ảnh hưởng tích cực đối với bộ máy quan liêu. Nhưng tinh thần đồng đội và cơ cấu xã hội lại dẫn đến kết quả là cá nhân thường chăm lo đến quyền lợi của mình chứ không còn quan tâm đến khách hàng hay các viên chức cấp cao do bầu cử mà ra.

Mặc dù có nhiều điểm giống nhau, nhất là tinh thần đồng đội, nhưng các viên chức quan liêu cộng sản không phải là các quan chức phương Tây đã được nói tới ở trên. Khác biệt là ở chỗ: tuy cũng là một giai tầng đặc biệt nhưng các viên chức nhà nước trong các nước không cộng sản không có quyền quyết định về tài sản, trong khi các viên chức cộng sản lại làm chính công việc ấy. Bên trên các viên chức phương Tây là các chính trị gia, thường là thông qua bầu cử hoặc là các ông chủ thực sự, trong khi đó bên trên các viên chức cộng sản thì không còn ai, không có chủ nhân cũng chẳng còn người quản lí nào khác, chỉ có họ với nhau mà thôi. Ở phương Tây, đấy là các công chức trong nhà nước hiện đại hay các viên chức trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; còn ở đây là một hiện tượng hoàn toàn khác: một giai cấp mới.

Tương tự như các giai cấp hữu sản khác, minh chứng cho sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt chính là sở hữu và quan hệ đặc thù của nó với những giai cấp khác. Chỉ cần nhìn vào đặc quyền do cái sở hữu kia mang lại là ta biết ngay một cá nhân cụ thể có thuộc về giai cấp ấy hay không.

Nếu xem xét khái niệm “sở hữu” theo quan điểm được khoa học xác định ngay từ thời La Mã, như là quyền chiếm hữu, quản lí và sử dụng (usus, Fructus, abusus) sản phẩm vật chất thì tầng lớp quan liêu cộng sản đã thực hiện chính những quyền ấy đối với tài sản quốc gia. Còn muốn biết một người có thuộc tầng lớp quan liêu, tầng lớp hữu sản hay không, chỉ cần xem người đó được sử dụng những gì do tài sản đó mang lại, trong trường hợp này là tài sản đã được quốc hữu hoá. Một người được coi là thuộc về tầng lớp đảng trị quan liêu, thuộc về giai cấp mới nếu người đó nhận được nhiều hơn cái đáng lẽ xã hội phải trả cho phần công việc mà người đó thực hiện, cũng như trong mọi vị trí xã hội đặc quyền đặc lợi khác, chính vị trí mang lại cho người ta quyền được hưởng mọi ưu đãi. Trên thực tế, quyền sở hữu của giai cấp mới được thể hiện trong việc bộ máy quan liêu đảng trị nắm toàn bộ quyền hành trong việc phân phối thu nhập quốc dân, định đoạt mức lương, lựa chọn phương hướng phát triển của nền kinh tế, cũng như quản lí số tài sản đã được quốc hữu hoá cũng như mọi tài sản khác. Trong mắt một người dân bình thường thì đây là công việc vừa sức, có thu nhập cao chứ hoàn toàn không phải là một công việc quá nặng nề đối với người cán bộ cộng sản[2].

Sau khi đã huỷ bỏ quyền sở hữu tư nhân, về nguyên tắc, giai cấp mới không thể dựa vào một kiểu sở hữu tương tự được nữa. Quan hệ sở hữu tư nhân không những không phù hợp đối với việc thiết lập quyền thống trị của giai cấp mới mà việc bãi bỏ quan hệ sở hữu này còn là điều kiện cần thiết về mặt kinh tế để cải tạo toàn bộ dân tộc. Giai cấp mới khai thác sức mạnh, đặc quyền, tư tưởng và thói quen từ một hình thức sở hữu đặc thù. Đấy là sở hữu tập thể, nghĩa là cái sở hữu mà nó có quyền quản lí và phân phối nhân danh dân tộc, nhân danh xã hội.

Hình thức quan hệ sở hữu cộng sản nói trên có xu hướng ràng buộc với những quan hệ xã hội hoàn toàn xác định. Đấy là quan hệ giữa sự quản lí độc quyền, một bên là một nhóm người rất nhỏ làm công việc quản lí và bên kia là đám quần chúng công nhân, nông dân và trí thức chẳng có một chút quyền hành gì. Nhưng mối quan hệ đó vẫn chưa phải là tất cả vì tầng lớp quan liêu cộng sản còn nắm độc quyền trong việc phân phối sản phẩm nữa.

Từ đó có thể thấy rằng bất kì sự thay đổi quan hệ xã hội nào, nghĩa là sự thay đổi quan hệ giữa những kẻ giữ độc quyền quản lí và người lao động nhất định sẽ dẫn tới thay đổi trong quan hệ sở hữu. Và ngược lại: sự giảm thiểu hay loại bỏ độc quyền phân phối sản phẩm sẽ làm thay đổi quan hệ xã hội đã nói ở trên, nghĩa là sẽ làm thay đổi tình trạng trong đó một số người được độc quyền quản lí còn số khác thì buộc phải làm việc[3]. Trong chế độ cộng sản, quan hệ chính trị - xã hội và sở hữu (chính quyền toàn trị và độc quyền về sở hữu) liên kết và bổ sung cho nhau một cách hữu hiệu hơn bất kì hệ thống xã hội nào khác.

Tước bỏ quyền của những người cộng sản đối với sở hữu cũng có nghĩa là thủ tiêu họ như một giai cấp. Đấu tranh để buộc họ cho những lực lượng xã hội khác tham giai quản lí tài sản (giống như các nhà tư sản bị các cuộc đình công và quốc hội buộc phải cho công nhân tham gia vào việc phân chia lợi nhuận) cũng có nghĩa là tước bỏ của họ độc quyền đối với tài sản, độc quyền tư tưởng và độc chiếm chính quyền. Đấy sẽ là khởi đầu của chế độ dân chủ và tự do, là sự cáo chung của chế độ toàn trị và độc quyền cộng sản. Vì vậy, khi điều đó chưa xảy ra thì việc thuyết phục người ta rằng có thể đạt được những thay đổi sâu sắc và nghiêm túc dưới chế độ cộng sản là một việc bất khả thi. Như vậy, sự thay đổi thật sự sâu sắc chỉ có thể là loại bỏ độc quyền cộng sản về kinh tế và chế độ toàn trị. Hiện tại thì chưa có tín hiệu nào rằng điều đó sẽ xảy ra trong một tương lai gần.

Quyền sở hữu của giai cấp mới cũng như việc một người được coi là thuộc vào giai cấp đó, như đã nói ở trên, được thực hiện thông qua đặc quyền quản lí của họ. Đặc quyền này bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội, từ quản lí nhà nước và quản lí kinh tế cho đến các cơ sở thể thao hoặc từ thiện. Lãnh đạo đảng, lãnh đạo chính trị chính là hạt nhân của toàn bộ hệ thống, có khả năng quản lí tất. Chính nó tạo ra đặc quyền đặc lợi. A. Uralov[4] viết rằng lương trung bình của người công nhân Liên Xô vào năm 1935 chỉ có 1.800 rub/năm, trong khi bí thư huyện uỷ lĩnh tổng cộng khoảng 45.000/rub. Từ đó đến nay vị trí của người công nhân và cán bộ đảng đã có thay đổi. Nhưng thực chất vẫn như xưa. Các tác giả khác cũng đưa ra những số liệu tương tự. Không thể che giấu được những mối quan hệ như thế với ngay cả những người khách viếng thăm Liên Xô và các nước cộng sản khác trong thời gian vừa qua.

Các hệ thống khác cũng có các chính khách chuyên nghiệp. Ta muốn nghĩ về tầng lớp này thế nào cũng được, tốt có, xấu có, nhưng họ là một tầng lớp cần thíêt. Xã hội không thể tồn tại mà không có chính quyền, không có nhà nước, cũng như không thể thiếu những người đấu tranh để giành quyền lực.

Nhưng các chính khách chuyên nghiệp trong các hệ thống ấy là những người khác hẳn với các chính trị gia cộng sản. Trong trường hợp xấu nhất, các chính khách đó có thể sử dụng quyền lực để giành đặc lợi cho mình hoặc cho những kẻ đồng hội đồng thuyền với mình, hoặc bảo vệ quyền lợi kinh tế của những giai tầng nhất định trong xã hội. Xã hội cộng sản thì khác hẳn. Ở đây chính sự quản lí, chính quyền lực đã đồng nghĩa với chiếm hữu, quản lí và sử dụng gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia. Giành được chính quyền nghĩa là giành được đặc quyền đặc lợi, và một cách gián tiếp là giành được sở hữu. Cho nên trong chế độ cộng sản, quyền lực hay chính trị như là một nghề, đã trở thành nếu không phải là nghề lí tưởng của tất cả mọi người (vì đối với số đông, được làm quan là việc thiên nan vạn nan) thì cũng là nỗi khát khao của những người kẻ muốn được sống ăn bám hoặc cảm thấy rằng có hi vọng “lọt” vào được tầng lớp ăn bám đó.

Trước cách mạng, đảng viên cộng sản có nghĩa là nghèo khổ về vật chất, thoát li hoạt động cách mạng là vinh dự, thì giờ đây, khi đảng đã nắm được chính quyền, đảng viên đồng nghĩa với thành viên của giai cấp nắm quyền, hoạt động cách mạng đồng nghĩa với việc trở thành những kẻ bóc lột đầy quyền uy.

Cách mạng cộng sản và hệ thống cộng sản cố tình che giấu bản chất của mình trong một thời gian dài. Tương tự như vậy, quá trình hình thành giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn, bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. Một hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể, hay như thường gọi là sở hữu xã hội xã hội chủ nghĩa là cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá, nhưng thực ra đấy chính là hình thức sở hữu của tầng lớp quan liêu chính trị. Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc.

4.

Sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản đương đại và sự xuất hiện giai cấp mới thể hiện rõ trong tính cách và vai trò của những người cổ súy cho nó[5].

Marx - Lenin - Stalin - Khrushchev: lãnh tụ thay đổi, cách truyền bá tư tưởng cũng thay đổi theo. Marx là người có ý chí, nhưng ông không thể tưởng tượng ra cảnh cấm một người nào đó trình bày tư tưởng của anh ta; Lenin vẫn còn khoan dung với những cuộc thảo luận trong đảng và không cho rằng tổ chức đảng hay lãnh tụ đảng có quyền coi điều này là “đúng đắn” về tư tưởng, điều kia là “sai lầm”; Stalin cấm mọi cuộc thảo luận trong nội bộ đảng và “chuyển” cho trung ương, nghĩa là cho chính mình độc quyền về tư tưởng. Các hình thức của phong trào cũng biến đổi theo: Liên đoàn công nhân quốc tế của Marx (Quốc tế I), chưa phải là tổ chức Marxist về tư tưởng mà chỉ là sự kết hợp của các nhóm khác nhau, cùng ra các nghị quyết với một sự đồng thuận nhất định; đảng của Lenin là một nhóm tiên phong với một sự thống nhất, một tư tưởng và đạo đức của riêng họ và một mức độ dân chủ nhất định; dưới gót giày của Stalin, đảng đã trở thành một đám đông ù lì về tư tưởng (vì tư tưởng được “rót từ trên xuống”), nhưng toàn tâm toàn ý bảo vệ hệ thống, bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho họ. Thực ra Marx chưa hề thành lập ra bất kì đảng phái nào; Lenin tiêu diệt mọi đảng phái, kể cả các đảng xã hội chủ nghĩa, chỉ để lại đảng của chính mình; Stalin thì đẩy ngay cả đảng Bolshevik vào hậu trường sau khi đã biến hạt nhân của nó thành hạt nhân của giai cấp mới và biến toàn đảng thành một giai tầng đặc quyền đặc lợi vô cảm và phi cá tính.

Marx đã tạo ra một lí thuyết nhất quán về tác động của các giai cấp và đấu tranh giai cấp đối với sự phát triển của xã hội (mặc dù đây không phải là phát kiến của chính ông), ông đánh giá con người chủ yếu từ thành phần giai cấp của họ. Mặc dù vậy, ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại lời giáo huấn của Terentius: Nihil a me alienum puto (đúng hơn phải là: Nihil humani a me alienum puto – Không có gì của con người là xa lạ với tôi); Lenin đánh giá con người trên cơ sở quan điểm tư tưởng của người đó chứ không dựa vào thành phần giai cấp nữa; Stalin thì chia nhân loại thành hai: trung thành và kẻ thù. Marx chết như một người nhập cư nghèo khổ ở London, nhưng ông được cả những nhà tư tưởng lớn cũng như các đồng chí trong phong trào đánh giá rất cao; Lenin chết khi đã là lãnh tụ của một trong những cuộc cách mạnh vĩ đại nhất, và đã là một nhà độc tài vì xung quanh ông đã có một số nịnh thần rồi; Stalin được người ta biến thành thánh ngay từ khi ông ta qua đời.

Sư biến đổi trong những khuôn mặt đại diện nói trên chỉ là phản ánh sự biến đổi đã diễn ra trên thực tế và trong đời sống tinh thần của phong trào cộng sản.

Lenin, người sáng lập đảng Bolshevik, một đảng kiểu mới và lí thuyết về vai trò đặc biệt của nó trong việc xây dựng xã hội mới chính là cha đẻ về mặt tinh thần và thực tế của giai cấp mới, mặc dù ông không hề nhận thức được điều đó. Dĩ nhiên đây chỉ là một khía cạnh trong khối di sản đồ sộ và nhiều mặt của ông mà thôi. Nhưng nó xuất hiện từ chính những hành động của ông, dù ông không hẳn muốn như thế. Và vì vậy mà giai cấp mới cho đến nay vẫn coi ông là người cha tinh thần của mình.

Người sáng lập thật sự giai cấp mới chính là Stalin. Đấy là một người vai so, chân tay quá dài, thân người lại ngắn, bụng bự, khuôn mặt nông dân, khá điển trai, đôi mắt nâu, sáng, tinh ranh và lúc nào cũng như đang cười cợt, tỏ ra khoái trá mỗi khi nói được một lời châm biếm chua cay hay khôn vặt; một người thích những chuyện tiếu lâm thô lậu, thiếu giáo dục và không hẳn có tài về văn chương, một diễn giả kém, nhưng là một nhà tổ chức thiên tài, một người giáo điều thâm căn cố đế, nhưng cũng là một nhà quản lí vĩ đại, một người Gru-gia, nhưng lại hiểu rõ hơn ai hết khát vọng của những người theo thuyết Đại Nga – ông đã sáng lập ra một giai cấp mới bằng những phương pháp tàn bạo nhất[6]. Dễ hiểu rằng ban đầu Stalin đã được giai cấp mới đẩy lên đỉnh kim tự tháp quyền lực để rồi sau đó nó lại phải cúi rạp mình tuân phục những hành vi tàn bạo và không có ai kiềm chế được của ông ta. Stalin đã là người dẫn đầu, là lãnh tụ xứng đáng trong khi cái giai cấp ấy tiến từng bước một lên đỉnh cao quyền lực của mình.
  
 Giai cấp mới đựơc tượng hình trong bão tố của cách mạng, trong lòng của đảng cộng sản, nhưng nó đã có hình hài như ngày nay là nhờ cách mạng công nghiệp: vị trí của nó chẳng thể vững chắc và sức lực của nó chẳng thể được củng cố nếu không có cuộc cách mạng công nghiệp và nền công nghiệp ấy. Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội cũng đồng nghĩa với việc giai cấp mới đã giành thắng lợi. Hai quá trình đó đã song hành với nhau và do hoàn cảnh đã đan xen, đã xoắn xuýt với nhau một cách chặt chẽ nhất[7].

Giữa cao trào công nghiệp hoá, sau khi đã mở tung cánh cửa của đủ mọi thứ đặc quyền đặc lợi, Stalin bắt đầu đưa ra các mức lương chênh lệch nhau một trời một vực. Ông ta hiểu rằng không thể thực hiện được tiến trình công nghiệp hoá nếu như giai cấp mới không nhận được quyền lợi về mặt vật chất, nếu không cho nó quyền sở hữu tài sản. Nếu không có công nghiệp hoá thì giai cấp mới cũng khó mà sống còn được: không có nguồn sống và cũng chẳng thể tìm được sự biện hộ về mặt lịch sử.

Cùng với việc công nghiệp hoá là sự mở rộng đội ngũ của tầng lớp quan liêu, tăng cường số lượng đảng viên của đảng. Khởi đầu công nghiệp hoá, năm 1927 đảng có tổng cộng 887.233 đảng viên, thì năm 1934, nghĩa là sau kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đã có 1.847.448 người. Đây là một hiện tượng mới, liên quan trực tiếp đến quá trình công nghiệp hoá: các cơ hội của giai cấp mới đã tăng lên, đặc quyền đặc lợi của những thành viên của nó cũng gia tăng. Hơn thế nữa, đặc quyền đặc lợi và chính cái giai cấp đó đã phình lên nhanh hơn tốc độ công nghiệp hoá. Khó mà đưa ra được các số liệu chứng minh cho điều đó, nhưng một người quan sát bình thường cũng có thể nhận thấy điều đó, hơn nữa nếu ta nhớ rằng sản xuất đã phát triển nhanh hơn khả năng cải thiện điều kiện sống của người dân. Phần lớn thành quả của tiến bộ kinh tế đạt được bằng giá của những mất mát và nỗ lực vô bờ bến của quần chúng rõ ràng là đã rơi vào tay giai cấp mới.

Chính quá trình hình thành giai cấp mới cũng không diễn ra một cách hoàn toàn suôn sẻ. Sự kháng cự không chỉ xuất phát từ các giai cấp và các đảng phái cũ, mà từ ngay một số người người cách mạng, những người không thể chấp nhận hiện thực nhãn tiền khi so sánh nó với lí tưởng mà họ từng theo đuổi. Ở Liên Xô sự phản kháng của những người cách mạng thể hiện rõ nhất trong cuộc xung đột giữa Trotsky và Stalin. Không phải vô tình mà cuộc tranh chấp giữa Trotsky và Stalin, giữa những người đối lập trong đảng với Stalin, giữa chế độ và tầng lớp nông dân, lại có những hình thức biểu hiện rõ rệt nhất chính vào lúc quyền lực và sự thống trị của giai cấp mới được củng cố.

Trotsky, một diễn giả tài ba, một ngòi bút tinh tế, sắc sảo, một người thông minh, có tầm hiểu biết rộng, nhưng lại thiếu một điều: cảm nhận thực tế. Ông muốn tiếp tục là người cách mạng khi mà mọi người đã muốn sống cuộc sống đời thường. Ông muốn làm hồi sinh một đảng cách mạng, trong khi chính nó đã biến thành một giai cấp mới, giai cấp không còn quan tâm tới những lí tưởng cao cả nữa, nhưng lại hoàn toàn không thờ ơ đối với những tiện nghi trong sinh hoạt hàng ngày. Ông chờ đợi phản ứng của quần chúng, cái quần chúng đã bị chiến tranh, đói khát làm cho kiệt quệ ngay đúng vào lúc giai cấp mới đã nắm được trọn vẹn quyền lực và bắt đầu được hưởng thụ đặc quyền đặc lợi. Sau khi đã giành được đặc quyền đặc lợi giai cấp mới bắt đầu ru ngủ quần chúng bắng cách vẽ ra cảnh ấm no mà người ta từng mơ ước bấy lâu nay[8]. Ánh hào quang mà Trotsky vẽ ra có thể nhuộm hồng những chân trời xa tít, nhưng không thể khơi lên ngọn lửa trong bếp của những con người đói khát. Ông đã cảm thấy một cách rõ ràng mặt trái của những hiện tượng mới, nhưng ông không hiểu được ý nghĩa của chúng. Hơn nữa ông cũng không phải là một người Bolshevik, đấy vừa là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của ông. Quá khứ “phi” Bolshevik làm ông luôn luôn phải hành động với cảm giác thiếu tự tin[9]. Khi nhân danh cách mạng đả phá tầng lớp quan liêu, ông đã không nhận ra rằng mình đang tấn công vào uy tín của đảng, nghĩa là tấn công vào giai cấp mới.

Trong khi đó Stalin chẳng thèm quan tâm đến quá khứ cũng như tương lai. Ông ta đã khống chế được lực lượng của một giai cấp mới, của chế độ quan liêu đang định hình, đã trở thành lãnh tụ và người tổ chức của chính giai cấp đó. Ông ta không tuyên truyền, ông ta ra lệnh. Dĩ nhiên là ông ta cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng, nhưng là tương lai hiện thực đối với tầng lớp quan liêu, để cho tầng lớp ấy hàng ngày hàng giờ cảm thấy sự quan tâm của Stalin đối với sự sung túc trong đời sống và sự ổn định trong vị trí xã hội của họ. Các bài diễn văn của ông ta không thể gọi là có lửa, thực ra phải nói là chán ngắt, nhưng đối với giai cấp mới thì đấy chính là ngôn ngữ của thực tế, gần gũi và dễ hiểu. Trotsky mơ ước nhìn thấy một cuộc cách mạng bao trùm khắp châu Âu và sau đó là toàn thế giới. Stalin không phản đối, nhưng trước khi thực hiện công việc mạo hiểm đó, ông ta phải quan tâm đến nước Nga, đến những người mà ông ta dựa vào để củng cố hệ thống, tạo ra sức mạnh và niềm vinh quang của nhà nước Nga. Trotsky là người của cuộc cách mạng đã trở thành quá vãng, Stalin là người của hôm nay và như vậy cũng có nghĩa là người của ngày mai.

Trotsky coi thắng lợi của Stalin là sự phản bội, là sự xuyên tạc chính quyền Xô-viết và thành quả của cách mạng. Chính vì thế mà ông hiểu và cảm thấy đau đớn trước những biện pháp vô luân của Stalin. Mặc dù Trotsky là người đầu tiên gần như hiểu được bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại (dù là không cố ý, dù là với ước mong cứu nó) nhưng phải nhận rằng ông không thể đi đến tận cùng bản chất ấy. Cho rằng đấy chỉ là “sự bùng phát” nhất thời của chủ nghĩa quan liêu chà đạp lên đường lối trong sáng của đảng cách mạng, Trotsky tin có thể giải quyết bằng cách thay đổi ban lãnh đạo, tiến hành “đảo chính cung đình” là được. Nhưng khi cuộc đảo chính ấy diễn ra (sau khi Stalin chết) thì người ta mới hiểu rằng bản chất của hệ thống là không thay đổi. Vấn đề hoá ra là có nguồn gốc sâu xa và căn bản hơn nhiều. Stalin đã để lại không chỉ một chính quyền mới, chuyên chế hơn chính quyền trước đó, mà còn để lại một giai cấp mới. Một trong những khía cạnh của cách mạng, khía cạnh bạo lực vẫn tiếp tục; sự sinh thành và củng cố của giai cấp mới đã trở thành hiện tượng đương nhiên.

Stalin có thể có nhiều lí do hơn cả Trotsky khi tự xưng là người kế tục của Lenin và là con đẻ của cách mạng, dù là đứa con thiếu giáo dục.

Lenin là người kiến tạo một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Stalin là người đã thực hiện một khối lượng công việc cực kì to lớn để thiết lập nên sự thống trị và quyền sở hữu của một giai cấp mới, giai cấp xuất thân từ trong lòng của một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất, trong một đất nước rộng lớn nhất.

Sau Lenin, một người hoàn toàn sống bằng tư tưởng và lòng say mê, trên sân khấu đã xuất hiện nhân vật Stalin, biểu tượng của những bước chân tàn nhẫn, nặng nề của giai cấp mới trong việc chinh phục đỉnh cao quyền lực của nó.

Sau Lenin và Stalin sẽ đến cái điều phải đến cùng với sự trưởng thành của giai cấp mới, đấy là sự tầm thường, đấy là lãnh đạo tập thể và một người chân thật, hiền lành, một người “từ nhân dân” mà ra : Nikita Khrushchev. Giai cấp mới đã không còn cần những nhà cách mạng hay những kẻ giáo điều nữa. Giai cấp mới có thể chấp nhận những con người “đơn giản” như Khrushchev, Malenkov, Bulganin hay Shepilov, họ chính là đại diện trung bình của giai cấp đó. Chính giai cấp mới cũng đã mệt mỏi với những cuộc thanh trừng và cải tạo bất tận rồi. Sau khi đã ổn định vị trí, giai cấp mới cần phải tránh ngay cả mối nguy hiểm xuất phát từ chính lãnh tụ của mình. Đấy là do giai cấp đã thay đổi, còn Stalin thì vẫn như cũ, giống như thời giai cấp còn non nớt, những người giao động và những kẻ bị nghi là sẽ giao động đều bị trừng phạt cả. Chính cá nhân Stalin cũng như lí luận về “sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giai cấp” sau khi “chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi” cũng là điều kiện cần của việc hình thành giai cấp mới. Nhưng bây giờ điều đó đã trở thành thừa. Giai cấp mới không hề phủ nhận những di sản do triều đại Stalin để lại, nó chỉ phê phán thói lộng hành trong những năm cuối đời của ông ta, thực ra cũng không phải hoàn toàn như vậy, nó chỉ phủ nhận những biện pháp đụng chạm đến chính giai cấp, hay nói như Khrushchev là “đụng chạm đến những người cộng sản tốt” mà thôi.

Thời đại cách của Lenin được thay bằng thời đại củng cố quyền lực và quyền sở hữu hay thời đại công nghiệp hoá vì cuộc sống ấm nó, hạnh phúc của giai cấp mới do Stalin lãnh đạo. Chủ nghĩa cộng sản cách mạng của Lenin được thay bằng chủ nghĩa cộng sản giáo điều Stalin và đến lượt nó, lại được thay bằng chủ nghĩa cộng sản phi giáo điều, bằng sự lãnh đạo tập thể, nghĩa là quyền lãnh đạo nằm trong tay một nhóm đầu sỏ.

Đấy là ba giai đoạn phát triển giai cấp mới ở Liên Xô, ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa cộng sản Nga. Về nguyên tắc, đấy cũng là những giai đoạn phát triển của tất cả các chế độ cộng sản khác.

Chủ nghĩa cộng sản Nam Tư cũng có đầy đủ đặc trưng của ba giai đoạn như đã nói ở trên, nhưng lại quyện chặt với vấn đề dân tộc và cá nhân, tập trung vào một con người, đấy là Tito. Là một nhà cách mạng vĩ đại (nhưng thiếu tư tưởng độc đáo), một kẻ tiếm quyền (nhưng không có biểu hiện ngờ vực bệnh hoạn và giáo điều kiểu Stalin), giống như Khrushchev, ông cũng là đại diện của “nhân dân”, nghĩa là tầng lớp cán bộ trung cấp của đảng. Chính ông là người luôn luôn bảo vệ một cách nhất quán (nếu so với những người khác) chủ nghĩa Marx nhưng hành động lại chỉ vì lợi ích (chỉ cần thấp thoáng bóng dáng lợi ích thôi cũng đủ); ông chính là tấm gương phản chiếu toàn bộ con đường của chủ nghĩa cộng sản: cách mạng, rập khuôn chủ nghĩa Stalin và cuối cùng là từ bỏ nó để tìm diện mạo riêng.
   
Ba giai đoạn phát triển của giai cấp mới – Lenin, Stalin, “lãnh đạo tập thể” – là không tách rời nhau cả về nội dung và tư tưởng.

Lenin đã là một người giáo điều, còn Stalin là nhà cách mạng, theo cách của mình, cũng như “ban lãnh đạo tập thể”, trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng một cách hữu hiệu cả những phương pháp cách mạng cũng như phương pháp giáo điều. Hơn thế nữa, ban lãnh đạp tập thể chỉ không chấp nhận phương pháp giáo điều khi nó đụng chạm quyền lợi của nhóm chóp bu của giai cấp mới mà thôi. Đồng thời nó lại kiên quyết hơn trong việc “giáo dục” quần chúng, tích cực nhồi sọ giáo điều, hay chủ nghĩa Marx - Lenin cho họ. Giai cấp mới sau khi nắm được sức mạnh kinh tế đã tỏ ra mềm dẻo hơn, đã không còn khốc liệt và độc đoán như xưa nữa.

Giai đoạn anh hùng của chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung.

Thời đại của các lãnh tụ vĩ đại đã cáo chung.

Bắt đầu giai đoạn của những kẻ thực dụng. Đấy là giai cấp mới. Giai cấp ấy đang đứng trên đỉnh cao của quyền lực và tài sản, nhưng thiếu tư tưởng. Giai cấp ấy không có gì để phát biểu nữa. Chỉ còn mỗi một việc là biện hộ cho chính nó.


5.

Nếu những người cộng-sản-chống-Stalin, trong đó có Trotsky và một số nhà dân chủ xã hội khác không coi tầng lớp lãnh đạo cộng sản như là một hiện tượng “song hành”, bản chất là quan liêu, là một căn bệnh trong thời kì phát triển của một xã hội lí tưởng, xã hội phi giai cấp, tương tự như xã hội tư bản đã từng trải qua dưới thời Cromwell hay Napoleon, thì có lẽ việc chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại không phải là chế độ chuyên chế sớm nở tối tàn và sự độc đoán của chế độ quan liêu đó chỉ là tạm thời, mà là một giai cấp bóc lột mới, sẽ chẳng phải là một việc có ý nghĩa lắm.

Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta đang nói về một giai cấp mới. Nghĩa là ta đang nói về một hiện tượng ổn vững và có nguồn gốc sâu xa. Và sự kiện đấy là một giai cấp mới, giai cấp đặc biệt, với hình thức sở hữu và cầm quyền đặc biệt không có nghĩa là nó không phải là một giai cấp. Ngược lại[10].

Dù sử dụng bất cứ định nghĩa nào về giai cấp, kể các định nghĩa Marxist, ta đều đi đến kết luận: ở Liên Xô và các nước cộng sản khác đã xuất hiện một giai cấp mới, giai cấp hữu sản và bóc lột. Dĩ nhiên là tôi không khắng định rằng giai cấp này hoàn toàn tương đồng với những giai cấp hữu sản khác trong quá khứ. Tôi chỉ khẳng định rằng vấn đề không phải là sự lên ngôi tạm thời của các đầu lĩnh quan liêu đã giành được quyền lực do những hoàn cảnh ngẫu nhiên của cách mạng[11].

Đặc trưng cơ bản của giai cấp mới chính là quyền sở hữu tập thể.

Các lí thuyết gia cộng sản khẳng định rằng (một số người tin là như thế) chủ nghĩa cộng sản phát minh ra sở hữu tập thể.

Sở hữu tập thể dưới những hình thức khác nhau đã từng tồn tại trong những hình thái xã hội trước đây. Các chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại dựa trên cơ sở sở hữu nhà nước, nghĩa là sở hữu của chính nhà vua. Đất canh tác chỉ trở thành sở hữu tư nhân tại Ai Cập kể từ thế kỉ thứ XV trước công nguyên, trước đó tư nhân chỉ có quyền sở hữu nhà và vườn: đất công được cho thuê, các viên chức nhà nước thu tô và quản lí. Hệ thống tưới tiêu và những công trình khác đều là tài sản nhà nước. Tài sản nhà nước giữ vai trò chủ đạo cho đến tận khi nước này mất độc lập vào thế kỉ I trước công nguyên[12].

Nếu quên những sự kiện đó ta sẽ không thể nào hiểu được sự thần thánh hoá các Pharaoh Ai Cập hay các vua chúa phương Đông cổ đại, ta cũng không thể nào hiểu được tại sao người ta lại có thể xây dựng được những đền chùa, lăng tẩm, cung điện, kênh đào, đường xá, thành quách vĩ đại đến như vậy.

La Mã cổ đại cũng coi những vùng đất mới chiếm được là tài sản nhà nước và nhà nước cũng sở hữu rất nhiều nô lệ. Nhà thờ thời Trung cổ cũng sở hữu rất nhiều tài sản tập thể.

Chỉ có chủ nghĩa tư bản là chống lại sở hữu tập thể (bản chất của nó là như thế). Nhưng đấy là nói trước khi có các công ty cổ phần. Chủ nghĩa tư bản tuy không hào hứng, nhưng cũng không thể chống lại được hình thức sở hữu này.

Cái mới mà những người cộng sản đem lại không phải là tính chất tập thể, mà là sự bao trùm toàn bộ của hình thức sở hữu này. Sở hữu của giai cấp mới bao trùm lên toàn bộ, khác hẳn với các giai đoạn trước, kể cả thời kì của các Pharaoh Ai Cập.

Tất cả chỉ có thế.

Tài sản của giai cấp mới cũng như đặc điểm của nó không phải xuất hiện ngay lập tức mà hình thành trong một quá trình lâu dài kèm theo những biến động không ngừng. Ban đầu chính dân tộc, đúng hơn là một bộ phận nhỏ của dân tộc, cảm thấy có nhu cầu (nhân danh cải tạo công nghiệp) chuyển toàn bộ tiềm năng kinh tế vào tay một đảng chính trị. Đảng, “đội quân tiên phong của giai cấp vô sản” tìm mọi cách cổ vũ cho sự tập trung đó, một sự tập trung chỉ có thể xảy ra cùng với việc thay đổi chính quan hệ sở hữu. Sự thay đổi như vậy quả thật đã diễn ra, ban đầu là việc quốc hữu hoá các xí nghiệp lớn, rồi sau đó cả các xí nghiệp nhỏ nữa. Loại bỏ sở hữu tư nhân là điều kiện của tiến trình công nghiệp hoá và sự xuất hiện giai cấp mới. Nhưng, nếu không giành được vai trò đặc biệt, vai trò cai quản xã hội và tài sản quốc gia, những người cộng sản không thể biến thành giai cấp mới. Tài sản, về mặt hình thức, đã trở thành sở hữu toàn dân, nhưng trên thực tế, thông qua quyền quản lí, sử dụng và phân phối, đã trở thành tài sản của một tầng lớp của đảng và bộ máy quan liêu châu tuần xung quanh tầng lớp đó.

Quá trình này xảy ra tương đối chậm và đấy chính là mảnh đất màu mỡ cho ảo tưởng rằng trong chế độ cộng sản toàn thể xã hội chứ không phải một giai cấp đã nắm trọn quyền sở hữu tài sản[13].

Nhận thức được rằng tài sản có thể củng cố được quyền lực và mang lại nhiều đặc lợi, bộ máy quan liêu của đảng không thể không thò bàn tay thâu tóm cả các ngành sản xuất nhỏ. Hơn nữa vì bản chất là toàn trị và độc quyền, thù địch với mọi hình thức sở hữu mà nó không quản lí được, giai cấp mới tìm mọi cách tiêu diệt hoặc chiếm hữu các hình thức sở hữu đó.

Trước khi tiến hành tập thể hoá, Stalin tuyên bố rằng vấn đề là “ai thắng ai?” mặc dù giai cấp nông dân, vốn phân tán cả về kinh tế và chính trị, không thể tạo ra bất cứ mối nguy hiểm nào đối với chính quyền Xô Viết. Nhưng giai cấp mới không thể yên tâm khi còn những chủ sở hữu khác: lỡ xảy ra phá hoại trong nông nghiệp hay cung cấp nguyên liệu thì sao! Đấy là nguyên nhân chủ yếu của việc đàn áp nông dân. Nhưng còn một lí do nữa, lí do giai cấp: khi tình hình không ổn định, nông dân có thể làm lung lay địa vị của giai cấp mới. Giai cấp mới phải sử dụng các hợp tác xã như là biện pháp hành chính và kinh tế để buộc tầng lớp nông dân khuất phục mình. Đấy cũng là đòi hỏi của giai cấp mới đang hình thành ở nông thôn, nơi bọn quan liêu cũng sinh sôi và phát triển với một tốc độ không thể nào tưởng tượng nổi.

Mặc dù việc tước đoạt tài sản, nhất là của các chủ sở hữu nhỏ, thường tạo ra hỗn loạn về kinh tế và kìm hãm sản xuất, nhưng điều đó không làm giai cấp mới bận tâm. Giống như mọi chủ sở hữu khác trong lịch sử, giai cấp mới chỉ quan tâm giành giật thật nhiều tài sản và củng cố địa vị của mình. Dân tộc dù có bị thua nhưng quyền sở hữu vẫn tiếp tục đảm bảo cho giai cấp mới đặc quyền đặc lợi, nghĩa là họ thắng, là được. Tập thể hoá nông thôn là biện pháp cần thiết để giai cấp mới khẳng định sức mạnh và quyền sở hữu của nó.

Tuy không có số liệu cụ thể nhưng ta cũng không thể nói rằng năng suất cây trồng ở Liên Xô cao hơn thời Sa Hoàng. Ta biết rằng năng suất là thấp và các nhà kinh tế học Nam Tư tính ra rằng (dĩ nhiên là trong giai đoạn mâu thuẫn với Liên Xô) ngay trên những cánh đồng màu mỡ của Ukraine năng suất cũng không được 1 tấn một hecta. Số lượng gia súc và gia cầm trong giai đoạn hợp tác hoá cũng giảm hơn 50%, và cho đến nay vẫn chưa đạt mức như thời nước Nga Sa Hoàng lạc hậu.

Nhưng nếu số thiệt hại này là có thể tính đếm được thì thiệt hại về người, hàng triệu nông dân bị đẩy vào các trại lao động, là không thể đo đếm được. Tập thể hoá tràn qua như một cuộc chiến tranh huỷ diệt, giống như một cơn điên, không thể nào xảy ra được, nếu như nó không có lợi cho giai cấp mới, không đảm bảo cho giai cấp này quyền bá chủ xã hội.

Người ta đã tiến hành tiêu diệt hoặc “tập thể hoá” (biến thành sở hữu của giai cấp mới) sở hữu tư nhân bằng đủ mọi cách có thể tưởng tượng được: quốc hữu hoá, tập thể hoá cưỡng bức, thuế cao, chèn ép khi tham gia thị trường. Dù người chủ cũ có sử dụng ít lao động hơn, dù việc tước đoạt sở hữu không giải quyết được các vấn đề kinh tế, thì đấy cũng không phải là vấn đề mà giai cấp mới quan tâm[14].

Sự xuất hiện giai cấp mới và tài sản của nó không thể không ảnh hưởng đến tâm lí và cách sống của những người đã nằm trong giai cấp ấy. Họ chiếm đoạt hết: nhà nghỉ, các căn hộ đẹp, đồ gỗ,..v.v...Tầng lớp quan chức chóp bu, giới tinh hoa của giai cấp mới, sống trong các khu đặc biệt, nghỉ trong những khu vực an dưỡng riêng. Bí thư đảng uỷ và giám đốc cảnh sát mật trở thành không chỉ những người có quyền tối thượng mà còn sở hữu những căn hộ đẹp nhất, những chiếc ô tô xịn nhất, v.v... Sau họ là những người khác, theo nấc thang quyền lực. Tiền ngân sách, “tặng phẩm”, việc xây dựng và tái trang bị, tất cả dường như là do nhu cầu của nhà nước và cơ quan, nhưng thực ra đây chính là nguồn tài sản vô tận, vĩnh cửu, dành riêng cho các quan chức của bộ máy chính trị.

Chỉ khi nào giai cấp mới không thể “giải quyết” được với số tài sản mà nó cướp được hoặc số tài sản đó đã trở thành gánh nặng và nguy hiểm về chính trị, thì nó mới chịu nhường cho những giai tầng khác, nghĩa là chấp nhận các hình thức sở hữu khác. Đấy là trường hợp giải tán hợp tác xã ở Nam Tư: bị nông dân chống đối, sản lượng giảm liên tục chính là mối nguy tiềm ẩn đối với chế độ. Nhưng giai cấp mới, chưa ở đâu và chưa bao giờ, tuyên bố rằng nó từ bỏ quyền sở hữu đó và không tái hợp tác hoá khi có điều kiện. Vâng, giai cấp mới không thể từ bỏ, cũng như nó không thể khác cái nó đang là: một giai cấp toàn trị và độc đoán, chuyên quyền về bản chất.

Chưa có một bộ máy quan liêu nào từng theo đuổi mục đích của mình với sự kiên định đến như thế. Chỉ có các ông chủ, với những hình thức sở hữu mới, đang dọn đường cho những hình thức sản xuất mới, mới có thể thể hiện sự kiên trì và kiên định đến như thế.

Marx tiên đoán rằng sau khi giành được thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ gặp hai mối nguy, đấy là các giai cấp đã bị lật đổ, và bộ máy quan liêu của chính mình. Khi những người cộng sản, đặc biệt là cộng sản Nam Tư, phê phán chế độ của Stalin và chủ nghĩa quan liêu, họ đã dựa vào tư tưởng này của Marx. Nhưng những điều xảy ra hôm nay trong chế độ cộng sản và giả định của Marx mà ta đang nói tới có rất ít điểm chung. Marx đã tiên đoán khả năng sinh sôi nảy nở của bộ máy quan liêu ăn bám (điều đang diễn ra trong các chế độ cộng sản), nhưng ông không thể nào ngờ được rằng những người cầm quyền cộng sản lại có thể sử dụng tài sản không phải vì quyền lợi của toàn bộ bộ máy quan liêu nói chung mà chỉ vì quyền lợi của một nhóm chóp bu nắm quyền. Cho nên trong trường trường hợp này, Marx chỉ là cái cớ để phê phán sự tham lam vô độ của một giai tầng riêng biệt của giai cấp mới mà thôi.

Như vậy vấn đề không phải chỉ là sự quan liêu độc đoán, thoái hoá, biến chất và ăn bám, dù chế độ cộng sản, hơn bất cứ chế độ nào khác, đầy dẫy các hiện tượng đó mà là việc những người cộng sản giành quyền quản lí và phân phối toàn bộ tài sản quốc gia, chính ở đây họ đã tự thể hiện là hạt nhân của giai cấp mới, giai cấp hữu sản và đấy cũng là cơ sở của chế độ toàn trị của họ[15].

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại không chỉ là đảng kiểu mới, không chỉ là chế độ quan liêu dựa trên sở hữu độc quyền và sự can thiệp quá mức của nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Chủ nghĩa cộng sản hiện đại trước hết là tư tưởng giai cấp của những kẻ hữu sản và bóc lột kiểu mới.

6.

Không có một giai cấp nào xuất hiện nhờ vào những hành động hữu thức dù sự hưng thịnh của từng giai cấp bao giờ cũng đi kèm với cuộc đấu tranh có ý thức và có tổ chức. Giai cấp mới cũng không ngoài thông lệ đó. Nhưng giai cấp mới cũng có một số đặc thù.

Do sự bấp bênh về vị trí xã hội và kinh tế, cũng như xuất thân từ một đảng chính trị, giai cấp mới buộc phải cực kì cố kết, luôn luôn hành động một cách có ý thức và với một kế hoạch thật rõ ràng. Cuối cùng nó buộc phải từ bỏ một cách thận trọng và có ý thức những nguyên lí thuở ban đầu của chính nó[16]. Như vậy là, giai cấp mới có tổ chức và có ý thức hơn bất kì giai cấp nào trước đó.

Kết luận này là chính xác nếu nói về nhận thức và ý thức tổ chức trong quan hệ với thế giới bên ngoài, với các đảng phái, các giai cấp và lực lượng xã hội khác. Không có một giai cấp nào trong lịch sử từng thể hiện sự đoàn kết thống nhất trong việc tranh đoạt và bảo vệ độc quyền sở hữu tài sản và chế độ toàn trị của mình đến như thế.

Mặt khác, giai cấp mới, vốn bị è cổ dưới gánh nặng của sự tự huyễn, lại là giai cấp có nhận thức về mình kém nhất, mà cụ thể là không nhận rằng nó là một giai cấp, dù là giai cấp với những đặc điểm hoàn toàn mới mẻ. Tất cả nhà tư sản hay địa chủ đều tự nhận thức được rằng họ thuộc vào một thành phần xã hội nhất định và tin tưởng rằng thành phần xã hội này có trách nhiệm đưa nhân loại đến bến bờ hạnh phúc, không có họ, thế giới sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn và diệt vong. Người cộng sản, như một thành viên của giai cấp mới, cũng tin rằng không có đảng của anh ta xã hội sẽ thụt lùi và tiêu vong. Nhưng anh ta không nhận thức được rằng mình thuộc về giai cấp hữu sản và không nghĩ đến những đặc quyền đặc lợi mà mình được hưởng. Đúng là chỉ cần tách khỏi giai cấp đó là mọi đặc quyền đặc lợi đều biến mất ngay lập tức[17]. Dĩ nhiên là anh ta nghĩ rằng mình thuộc về một nhóm người những tư tưởng, mục đích, tâm trạng và vai trò nhất định. Và chỉ thế thôi. Anh ta không thể nào nhận thức được rằng mình thuộc về một giai tầng xã hội đặc biệt: giai cấp hữu sản.

Sở hữu tập thể có tác dụng cố kết giai cấp nhưng đồng thời cũng là vật cản không cho người ta nhận ra bản chất giai cấp của mình: mỗi người thuộc tầng lớp hữu sản tập thể này đều nghĩ rằng mình đang tham gia vào một phong trào với mục đích tiêu diệt xã hội có giai cấp.

So sánh giai cấp mới với các giai cấp khác cho ta thấy nhiều tương đồng cũng như tương dị.

Giai cấp mới cũng tham lam, giống như giai cấp tư sản thời kì đầu, nhưng lại không cần cù và tiết kiệm như các nhà tư sản. Nó là một tổ chức cố kết và khép kín, giống như giai cấp quí tộc, nhưng lại thiếu tâm hồn tinh tế và phẩm chất của người hiệp sĩ.

Nhưng tính ưu việt của giai cấp mới cũng không phải là ít.

Là một tổ chức cực kì cố kết, nó luôn sẵn sàng hi sinh và sẵn sàng cho những chiến công. Từng “nguyên tử” của mỗi “chiến binh” của nó cũng thuộc về toàn thể đội ngũ, ít nhất về lí thuyết người ta đã nghĩ như thế. Cá nhân biến mất hoàn toàn, nhưng lòng trung thành với tổ chức thì lại cao vòi vọi[18]. Chưa từng có giai cấp nào trong quá khứ có nhiều quyền lực như thế: nắm toàn bộ tài sản quốc gia, nó có thể huy động sức mạnh tinh thần của chính mình và lực lượng của toàn dân để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng sống còn.

Quyền sở hữu mới không phải là quyền lực chính trị nhưng nhờ quyền lực chính trị mà đảng và bộ phận đầu não của đảng có toàn quyền sở hữu, quyền sử dụng và quản lí khối tài sản đó.

Quyền lực, nghĩa là quyền phân phối tài sản quốc gia, sẽ tạo ra cho những kẻ có quyền đó các ưu đãi về vật chất nhất định sẽ kéo theo thói ham hố quyền lực, giả dối, ninh bợ, ghen tị. Tư tưởng địa vị và chủ nghĩa quan liêu ngày càng phát triển là hai căn bệnh nan y của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì những người cộng sản đã thoái hoá thành giai cấp hữu sản (chỉ có một con đường duy nhất để chiếm được quyền lực và quyền lợi, đấy là trung thành với đảng, với giai cấp và chủ nghĩa xã hội) cho nên “việc bước qua xác chết” đồng đội đã là một trong những đặc điểm của lối sống, là điều kiện tiên quyết trên con đường hoạn lộ của chủ nghĩa cộng sản.

Trong những hệ thống phi cộng sản, tư tưởng địa vị và hám quyền là dấu hiệu rằng làm quan là có lợi hay chủ sở hữu chỉ là kẻ ăn bám cho nên việc quản lí tài sản phải giao cho những người làm thuê. Trong chủ nghĩa cộng sản tư tưởng địa vị và hám quyền chứng tỏ sự kiện là người ta muốn giành quyền sở hữu và đặc quyền đặc lợi đi kèm vời quyền quản lí tài sản và con người[19].

Một người thuộc giai cấp nào đó không có nghĩa với việc sở hữu một khối tài sản nhất định. Điều đó càng đúng đối với chế độ cộng sản: sở hữu mang tính tập thể. Ở đây muốn trở thành chủ sở hũu hay đồng sở hữu cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị. Chỉ thế thôi, không cần hơn.

Giống như các giai cấp, trong giai cấp mới cũng luôn luôn có kẻ ngã ngựa trong khi những kẻ khác lại đang leo lên. Nhưng trong các giai cấp hữu sản-tư nhân, quyền sở hữu được thừa kế. Trong giai cấp mới, không ai có quyền thừa kế, mỗi người phải tự chen bằng được để leo lên những nấc thang cao hơn. Giai cấp mới được hình thành từ những người đại diện của giai tầng hạ lưu nhất, đông đảo nhất trong xã hội, nó luôn luôn chao đảo không khác gì sóng biển. Như đã nói ở trên, về mặt xã hội học ta có thể xác định được thành phần của giai cấp mới, nhưng trên thực tế việc đó khó hơn rất nhiều vì nó luôn luôn biến động, có kẻ từ nhân dân thành “quan nhất thời” thì lại có kẻ trở về làm “dân vạn đại”.

Về mặt lí thuyết, mọi người đều có thể leo lên. Giống như những người lính của Napoleon trước đây, họ cũng từng đeo sau lưng trượng nguyên soái, nhưng số thực sự được cầm nó chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở đây mỗi người chỉ cần một phẩm chất, đấy là lòng trung thành tuyệt đối đối với đảng (thực ra là với giai cấp mới). Nhưng đấy lại chính là điều khó khăn nhất. Giai cấp mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và “vận dụng lí luận” nữa, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kì khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa. Nhiều người có thể bước vào nhưng những kẻ đến đích thì tương đối hiếm. Nếu so sánh với các giai cấp hữu sản khác thì giai cấp mới vừa rộng mở hơn vừa khó đạt đến hơn. Vì một trong những đặc trưng của nó là độc chiếm quyền lực, các thành kiến của bộ máy quan liêu nhiều tầng nấc chỉ làm cho việc leo lên khó khăn hơn mà thôi.

Chưa ở đâu và chưa bao giờ cánh cửa lại rộng mở như thế đối với những kẻ trung thành, nhưng cũng chưa ở đâu con đường danh vọng lại khó khăn và đòi hỏi nhiều nạn nhân và sự hi sinh to lớn đến như vậy. Chế độ cộng sản, một mặt mở rộng cửa chào đón tất cả, nhưng mặt khác, nó lại là chỗ khó vào và bất dung với cả những môn đồ của chính mình.

7.

Nói rằng trong các nước cộng sản đã xuất hiện một giai cấp mới, tuy chưa làm cho vấn đề trở nên hoàn toàn rõ ràng nhưng cũng tạo cơ sở để cho ta tìm hiểu những thay đổi theo chu kì trong những nước này, mà trước hết là ở Liên Xô.

Dĩ nhiên mọi sự thay đổi, trong từng nước hay trong cả khối cộng sản, đều phải được nghiên cứu: vùng ảnh hưởng và ý nghĩa của nó trong những hoàn cảnh cụ thể. Nhưng để làm điều đó phải có khái niệm chung về cả hệ thống.

Liên quan đến những thay đổi hiện nay ở Liên Xô, thiết nghĩ sẽ không thừa khi tìm hiểu những chuyện đang diễn ra với các hợp tác xã nông nghiệp. Hơn nữa việc thành lập hợp tác xã và chính sách của chính quyền Xô Viết thể hiện rõ bản chất bóc lột của giai cấp mới.

Stalin trước đây, cũng như Khrushchev hiện nay, đều coi hợp tác xã chưa phải là hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa, thực ra điều đó chỉ có nghĩa là giai cấp mới chưa giành được địa vị bá chủ ở nông thôn. Sự thật là như thế. Thông qua các hợp tác xã, nó mới chỉ nô dịch được nông dân và giành được một phần khá lớn thu nhập của họ (bằng cách buộc phải bán cho nhà nước), nhưng chưa trở thành người chủ sở hữu đất đai duy nhất. Stalin hiểu rõ điều đó và trước khi chết (trong bài báo Economic Problems of Socialism in the U.S.S.R - Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô) ông ta đã dự trù việc biến các hợp tác xã thành tài sản nhà nước, hay nói một cách khác, đã chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc biến bộ máy quan liêu thành chủ nhân ông thật sự. Mặc dù chỉ trích Stalin vì những sai lầm trong các vụ thanh trừng, nhưng Khrushchev lại giữ nguyên quan điểm của Stalin về vấn đề hợp tác xã, hơn nữa còn biến nó thành hiện thực bằng cách gửi về nông thôn 30.000 cán bộ đảng, phần lớn những người này đều giữ chức chủ tịch nông trang.

Chế độ mới, tuy thực hiện cái gọi là dân chủ hoá, nhưng giống như thời còn Stalin, họ càng ngày càng chiếm thêm nhiều “tài sản xã hội chủ nghĩa” hơn. Phi tập trung hoá trong kinh tế không phải là phân phối lại sở hữu mà chỉ là tăng quyền phân phối tài sản cho các tầng lớp quan liêu cấp thấp hơn, cấp nước cộng hoà, tỉnh, huyện. Nếu cái gọi là dân chủ hoá và phi tập trung hoá được tiến hành khác đi thì sẽ đụng chạm đến vấn đề chính trị, sẽ cho phép, nếu như không phải toàn dân thì cũng là một bộ phận dân chúng được có tiếng nói trong quá trình phân phối sản phẩm hoặc ít nhất cũng có thể thể hiện thái độ phê phán đối với tầng lớp chóp bu. Trên thực tế, điều đó nhất định sẽ dẫn tới việc xuất hiện các phong trào chính trị, phong trào đối lập, dù vẫn trung thành với đường lối chính. Việc đó đã không diễn ra. Cũng như đã không diễn ra quá trình dân chủ hoá đảng. Dân chủ hoá và phi tập trung hoá chỉ dành cho những người cộng sản: trước hết là dành cho tầng lớp chóp bu, sau đó thì đến các tầng lớp dưới. Một phương pháp mới, phù hợp với những điều kiện đã thay đổi nhằm tăng cường hơn nữa độc quyền sở hữu và củng cố quyền thống trị toàn trị của giai cấp mới.

Sự xuất hiện trong những nước cộng sản một giai cấp độc-quyền-toàn-trị-hữu-sản cho ta kết luận: những thay đổi được thực hiện theo sáng kiến của những người cộng sản thực chất là vì quyền lợi và “theo đơn đặt hàng” của chính giai cấp mới. Điều đó không có nghĩa là có thể bỏ qua, không cần xem xét những thay đổi đó. Cần phải tìm hiểu thực chất các thay đổi và sau đó xác định ý nghĩa và hậu quả của chúng.

Giống như mọi giai tầng xã hội khác, giai cấp mới luôn luôn sống và phản ứng với các tác nhân bên ngoài, chống đỡ và tiến lên để trở thành ngày một mạnh hơn. Điều đó không có nghĩa là các thay đổi này không ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài hoặc không đụng chạm đến tận căn để chính giai cấp đó. Nhưng hiện tại các thay đổi đó chưa thể làm lung lay chứ đừng nói biến cải được hệ thống cộng sản.

Giống như mọi chế độ khác, chế độ cộng sản cũng phải tính đến những thay đổi và tâm lí của quần chúng. Do tính biệt lập của mình và do không được tự do phát biểu ý kiến, đảng cộng sản không nắm được tâm trạng của dân chúng. Nhưng lãnh đạo nhất định phải thấy sự bất bình của quần chúng. Mặc dù có một chính quyền toàn trị, về nguyên tắc, giai cấp mới không có khả năng miễn dịch đối với phong trào đối lập.

Sau khi nắm được chính quyền, những người cộng sản đã dễ dàng đè bẹp được giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản: hướng cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại những lực lượng này không phải là việc khó. Tịch thu tài sản của họ cũng không khó. Khó khăn chỉ xuất hiện khi tiến hành tịch thu tài sản của các tiểu chủ. Dù quần chúng đã đấu tranh, nhưng ở đây những người cộng sản cũng thắng. Xã hội trở lại như xưa: các giai cấp cũ, các ông chủ cũ đã không còn, chỉ còn xã hội “phi giai cấp”, hay đang trên đường tiến đến đó, nhưng con người thì bắt đầu sống theo cách khác.

Đòi hỏi trở về với những quan hệ cũ, quan hệ trước cách mạng là không thực tế (nếu không nói là khôi hài) vì các quan hệ cũ đã không còn cơ sở, cả về vật chất lẫn xã hội nữa rồi. Những người cộng sản thanh toán dễ dàng những đòi hỏi kiểu này.

Nhưng giai cấp mới sẽ cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với những đòi hỏi về tự do. Không phải tự do nói chung và cũng không chỉ tự do về chính trị. Giai cấp mới không phản ứng dữ dội đối với những đòi hỏi trở về với những quan hệ xã hội hay quan hệ sở hữu cũ, nó tỏ ra thù địch nhất đối với những đòi hỏi về tự do tư tưởng, tự do phê bình, dù chỉ là trong khuôn khổ của các quan hệ mới, trong khuôn khổ của “chủ nghĩa xã hội”. Có sự nhạy cảm như vậy là do tính chất đặc biệt của giai cấp mới.

Tự bản năng giai cấp này nhận thức được rằng toàn bộ tài sản quốc gia thực ra đã là của nó, còn những nhãn hiệu như “tài sản xã hội chủ nghĩa”, “tài sản nhà nước”, “tài sản xã hội” chỉ là những khái niệm giả tạo về mặt pháp lí. Nó cũng nhận thức được rằng nếu tính toàn trị của nó bị phương hại thì tài sản của nó cũng bị đe doạ. Chính vì thế, nó chống lại mọi đòi hỏi về tự do: nhân danh bảo vệ “tài sản xã hội chủ nghĩa”. Và ngược lại, những lời phê phán phương pháp quản lí (độc quyền) cũng làm nó hoảng loạn: nó sợ mất chính quyền. Giai cấp mới càng phản ứng với những đòi hỏi và phê phán thì người ta càng dễ nhận ra bản chất của nó, bản chất của giai cấp hữu sản và tham quyền.

Đó là một mâu thuẫn lớn, có thể là lớn nhất của giai cấp mới. Cụ thể là: sở hữu dường như là của xã hội, của cả nước, nhưng lại bị một nhóm sử dụng cho quyền lợi của mình. Sự bất tương hợp giữa quan hệ pháp lí và thực tế không chỉ tạo ra những quan hệ kinh tế và xã hội tù mù và bất bình thường mà còn dẫn đến việc nói một đằng làm một nẻo (đừng nghe nó nói, hãy xem nó làm – ND) của tầng lớp lãnh đạo, vì tất cả những biện pháp mà họ thi hành cuối cùng đều chỉ nhằm mục đích củng cố vị trí chính trị và quan hệ sở hữu của chính mình.

Giai cấp mới không thể nào giải quyết được mâu thuẫn đó, giải quyết nó cũng đồng nghĩa với việc vị trí của họ bị đe doạ vậy.

Các giai cấp hữu sản trong quá khứ không nắm độc quyền về quyền lực và sở hữu, họ chỉ giải quyết mâu thuẫn này với mức độ phù hợp với đòi hỏi của hoàn cảnh. Nói cách khác, ở đâu có tự do thì ở đó giai cấp hữu sản buộc phải từ bỏ một phần độc quyền của mình đối với sở hữu tài sản. Và ngược lại: ở đâu độc quyền sở hữu tài sản không còn thì dù ít dù nhiều, tự do nhất định sẽ tới.

Trong chế độ cộng sản, cả quyền lực và sở hữu đều nằm trọn trong tay một nhóm người. Điều này lại bị thượng tầng pháp luật che đậy. Nếu trong chế độ tư bản người lao động và nhà tư sản bình đẳng trước pháp luật dù về mặt vật chất một người là bị bóc lột, người kia là kẻ bóc lột, thì trong chế độ cộng sản đã xảy ra điều hoàn toàn ngược lại: trong quan hệ sở hữu mọi người đều bình đẳng (tài sản là của toàn dân) nhưng trên thực tế, thông qua độc quyền quản lí, chỉ một nhóm nhỏ có quyền sở hữu tài sản mà thôi.

Đòi hỏi tự do trong chế độ cộng sản chính là mũi kim đâm trúng tim đen của nó, lật tẩy bản chất của nó, là đòi hỏi đưa quan hệ sở hữu phù hợp với luật pháp.

Đòi hỏi tự do và chuyển giao các tài sản lớn do toàn thể nhân dân tạo dựng được vào tay nhân dân và đặt nó dưới sự quản lí của xã hội (thông qua các đại diện được bầu một cách thực sự dân chủ) có nghĩa là buộc giai cấp mới hoặc là nhượng bộ các lực lượng xã hội khác hoặc phải dỡ bỏ cái mặt nạ che đậy bản chất là một giai cấp hữu sản và bóc lột của chính nó. Vì tài sản của giai cấp ấy cũng như sự bóc lột của nó được thực hiện thông qua quyền lực, thông qua sự độc quyền quản lí, nhưng đấy chính là những khái niệm mà nó phủ nhận. Có phải chính giai cấp ấy vẫn thường nhấn mạnh rằng nó thực hiện vai trò quản lí là để bảo vệ tài sản của toàn xã hội ư?

Mâu thuẫn nói trên tạo ra hàng loạt vấn đề nội bộ của giai cấp mới. Làm cho giai cấp mới có địa vị không xác định về mặt pháp lí. Đẩy giai cấp mới vào bế tắc, càng ngày càng lột trần sự không phù hợp giữa lời nói và việc làm của nó: trong khi hứa hẹn loại bỏ mọi sự phân biệt giữa người với người, nhưng bằng việc chiếm đoạt một cách bất công thành quả lao động của người khác, giai cấp mới đang hàng ngày hàng giờ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người với người. Thực hiện những điều trái ngược hẳn với lí thuyết giáo điều mà nó từng tuyên cáo, giai cấp mới buộc phải bảo vệ đến cùng giáo điều đó như bảo vệ con ngươi của mắt mình, vì giáo điều cung cấp cho dân chúng huyền thoại về vai trò lịch sử của giai cấp mới, một giai cấp có nhiệm vụ giải phóng nhân loại khỏi mọi áp bức và bất công.

Mâu thuẫn giữa vị trí thực tế của giai cấp hữu sản và địa vị pháp lí của nó có thể là lí do chủ yếu cho việc phê phán “có tính khiêu khích” ảnh hưởng đến quần chúng và phá vỡ hàng ngũ của nó, vì chỉ một tầng lớp nhỏ của giai cấp này được hưởng đặc quyền đặc lợi mà thôi.

Mâu thuẫn này sẽ ngày càng lan rộng và phát triển và đấy chính là hi vọng cho những thay đổi thật sự dù tầng lớp nắm quyền trong các chế độ cộng sản đi theo hay chống lại trào lưu thay đổi đó. Mâu thuẫn này đã là lí do của những thay đổi mà giai cấp mới đã tiến hành trong quá khứ, trong đó có việc dân chủ hoá và phi tập trung hoá.

Buộc phải thực hiện từng bước và nhượng bộ đối với các lực lượng xã hội khác là cách làm của giai cấp mới nhằm che đậy mâu thuẫn vừa nói và củng cố địa vị của mình. Nhưng vì tài sản và quyền lực của giai cấp mới vẫn chưa hề bị đụng chạm, mọi biện pháp, kể cả những biện pháp được thực hiện do khát vọng dân chủ hoá, cũng đều thể hiện một xu hướng, đó là tăng cường quyền lực của bộ máy quan liêu của đảng. Hệ thống được thiết kế một cách khéo léo đến nỗi ngay cả các biện pháp dân chủ cũng bị “đúc khuôn” cho vừa với mức cho phép và quay sang phục vụ cho việc tăng cường quyền lực của tầng lớp đương quyền. Tương tự như ở phương Đông cổ đại, nơi chế độ nô lệ ngấm vào mọi quan hệ xã hội, kể cả quan hệ gia đình, chế độ chuyên chế toàn trị của tầng lớp đương quyền cộng sản áp đặt sự quản lí của mình lên cả những lĩnh vực mà tầng lớp chóp bu không hề trông thấy bất kì lợi ích nào. 

Phong trào tự quản của công nhân Nam Tư, được lập ra trong thời kì đối đầu với Liên Xô, đã có lúc được coi là biện pháp dân chủ nhằm kêu gọi đảng từ bỏ độc quyền quản lí, đã biến hoá dần và không những không làm thay đổi hoặc lung lay hệ thống mà đã trở thành một trong những phương hướng hoạt động của tổ chức đảng. Cái điều được trù liệu khi người ta tổ chức phong trào tự quản - tạo ra một hình thức dân chủ mới – đã không và không thể đạt được kết quả mong đợi. Ngoài ra, tự do không thể chỉ là được chia miếng bánh to hơn. Phong trào tự quản công nhân không tạo ra sự tham gia của người sản xuất trực tiếp vào quá trình phân phối lợi tức, không chỉ trên bình diện quốc gia mà ngay tại các cơ sở nữa, người ta đã tìm mọi cách ngăn chặn nó trong những giới hạn an toàn. Chế độ đã tìm mọi cách như chính sách thuế khoá và các biện pháp khôn khéo khác để tước đoạt phần lợi nhuận mà người công nhân đã cố gắng tạo ra chỉ với hi vọng rằng nó sẽ là của họ. Ngoài ảo tưởng ra, họ chẳng thu nhập thêm được bao nhiêu. Không có tự do nói chung, phong trào công nhân phải mất tự do là đương nhiên. Trong một xã hội thiếu tự do, không một ai được quyền ra bất cứ quyết định nào. Kẻ ban phát bao giờ cũng hưởng phần hơn.

Điều đó không có nghĩa rằng giai cấp mới, dù chỉ vì lợi ích của chính mình, không thể nhượng bộ quần chúng. Phong trào công nhân tự quản và việc phi tập trung hoá chính là những nhượng bộ đối với quần chúng. Hoàn cảnh có thể buộc giai cấp mới, dù nó có độc đoán chuyên quyền và toàn trị đến đâu, phải tuân theo ý chí của quần chúng. Năm 1948, khi xảy ra đối đầu với Liên Xô, các nhà lãnh đạo Nam Tư đã buộc phải tiến hành một loạt cải cách, nhưng sau này, khi vừa có dấu hiệu nguy hiểm cho địa vị của mình, chính họ đã bãi bỏ những biện pháp cải cách này. Những chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Âu.

Để bảo vệ quyền thống trị của mình, giai cấp cầm quyền buộc phải tiến hành một số cải cách khi quần chúng nhận ra rằng tài sản, về danh nghĩa là của toàn dân, đã bị giai cấp ấy sử dụng như là tài sản riêng. Những biện pháp được thực hiện thường được mệnh danh là “tiếp tục phát triển chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội chủ nghĩa” nhưng cơ sở của chúng chính là sự bùng nổ những mâu thuẫn nói trên. Giai cấp mới phải luôn luôn tính toán nhằm củng cố quyền lực và quyền sở hữu của mình, đồng thời lẩn tránh sự thật và càng ra sức chứng minh rằng họ đang lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng xã hội của những con người hạnh phúc và bình đẳng, một xã hội không còn người bóc lột người. Giai cấp mới không thể vượt qua được mâu thuẫn sâu sắc nội tại sau đây: nguồn gốc xuất thân không cho phép nó hợp thức hoá tài sản, nhưng từ bỏ nó thì lại sợ vì làm thế chính là cách tự đào huyệt dưới chân mình. Giai cấp mới buộc phải dùng những mục tiêu phi thực tế và mù mờ hơn để biện hộ cho sự thống trị không giới hạn của mình.

Đây thực sự là giai cấp nô dịch với sức mạnh của chưa từng có trong lịch sử. Nhưng đây cũng là giai cấp đoản thọ nhất, tương lai của nó thật là mờ mịt. Vì chứng tự mãn, dẫm đạp lên toàn bộ xã hội, nó không thể nào đánh giá được đúng vai trò của mình, cũng như không thể đánh giá đúng những điều đang diễn ra xung quanh.  

Thực hiện công nghiệp hoá, giai cấp mới đồng thời đã thực hiện công cuộc chấn hưng dân tộc, ở những chỗ, những lúc mà điều đó nhất định phải chấn hưng, nhưng nay nó đã hết hơi rồi, nó không còn khả năng gì ngoài khả năng đàn áp một cách dã man và cướp bóc một cách vô liêm sỉ. Nó không còn khả năng sáng tạo nữa. Và hậu quả không thể đảo ngược được: vũ khí của nó chỉ còn là sự lừa dối.

Khi tiến hành cách mạng, giai cấp mới đã đã thực hiện được những chiến công vô tiền khoáng hậu, nhưng giai đoạn cầm quyền của nó là một trong những trang nhục nhã nhất trong lịch sử nhân loại. Người ta sẽ lấy làm hân hoan khi nhớ lại những thành tựu đạt được dưới quyền nó, nhưng người ta cũng sẽ phải lấy làm xấu hổ khi nhớ đến những phương tiện mà nó đã sử dụng.

Giai cấp mới nhất định sẽ biến khỏi vũ đài lịch sử, điều đó là rõ ràng. So với các giai cấp khác trong quá khứ, việc biến mất của nó sẽ tạo ra ít hoài cảm nhất. Chà đạp lên tất cả những gì không thoả mãn được tính ích kỉ của nó, giai cấp mới tự chuốc lấy cho mình một cái chết nhục nhã và sự thờ ơ của người đời.


                       

Nhà nước đảng trị

1.

Cơ chế quyền lực cộng sản có thể là một cơ chế đơn giản nhất mà người ta có thể nghĩ ra được, kết quả là nó tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất.

Cơ chế này cực kì đơn giản, tại chóp bu của mọi hoạt động chính trị, kinh tế và tư tưởng là một đảng duy nhất, đảng của những người cộng sản. Xã hội dậm chân tại chỗ, hay vận động với tốc độ rùa bò hay lao vào những khúc quanh chóng mặt, tất cả phụ thuộc vào các quyết định của tổ chức đảng.

Vì vậy, công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.

Ai cũng hiểu rằng quyền lực, bất chấp luật pháp, nằm trong tay các tổ chức đảng và cảnh sát mật. “Vai trò lãnh đạo của đảng” không thấy ghi trong bất kì điều luật nào, nhưng lại thấm vào mọi tổ chức và mọi lĩnh vực hoạt động; không thấy ở đâu nói rằng cảnh sát mật của đảng có quyền theo dõi công dân, nhưng cảnh sát vẫn là lực lượng đầy uy quyền; không có tài liệu nào nói rằng toà án và viện kiểm sát phải báo cáo với tổ chức đảng và cảnh sát mật, nhưng sự thật đã là như thế. Sự thật là như thế đối với nhiều người đã không còn là bí mật, đa số đều biết. Người ta cũng biết rằng cái gì được phép, cái gì bị cấm và ai có quyền cấm. Đấy là lí do vì sao người ta có thể thích ứng được với hiện thực và bất kì vấn đề gì họ cũng giải quyết với tổ chức đảng hoặc tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.

Việc quản lí các tổ chức xã hội được thực hiện bằng một phương pháp đơn giản sau đây: các đảng viên ở đó thành lập đảng đoàn và đưa ra mọi quyết định sau khi đã thoả thuận với cấp lãnh đạo bên trên. Đấy chỉ là sơ đồ chung. Trên thực tế, nếu tổ chức do một người có quyền lực trong đảng lãnh đạo thì nó không cần phải thoả thuận về những vấn đề không quan trọng với ai hết. Ngoài ra, những đảng viên đã quen với hệ thống sẽ biết vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không vì cấp trên chỉ quan tâm đến những vấn chung, có tính nguyên tắc hay có tính chất đặc biệt mà thôi. Đảng đoàn tồn tại để khi cần có tiếng nói cuối cùng của đảng, còn những người bầu ra tổ chức ấy nghĩ gì thì nó không thèm quan tâm.

Cội nguồn của phương pháp quản lí và thực thi quyền lực của đảng, cũng như của chế độ toàn trị cộng sản và giai cấp mới xuất phát từ giai đoạn chuẩn bị cách mạng của đảng. Chính những đảng đoàn trước đây đã phát triển, phân nhánh, hoàn thiện và đóng vai trò lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của đảng của giai cấp công nhân tạo ra “vai trò lãnh đạo của đảng” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước cách mạng, lí thuyết này đã trui rèn nên lực lượng cán bộ cho cách mạng, nay nó lại đóng vai trò biện hộ cho chế độ toàn trị của giai cấp mới. Thật ra cũng có một chút khác biệt. Trước đây, cách mạng và những hình thức của nó là việc không tránh khỏi, thậm chí là nhu cầu của bộ phận xã hội nhằm hướng đến tiến bộ kinh tế và kĩ thuật.

Nhưng thoát thai từ cách mạng, bạo lực toàn trị và ách thống trị của giai cấp mới đã trở thành núi đá đè lên xã hội, làm cho xã hội kiệt sức vì mất bao mồ hôi, xương máu. Một vài hình thức cách mạng đã trở thành phản động. Đảng đoàn là một trong những hiện tượng như thế.

Việc điều hành dưới chế độ cộng sản được bộ máy nhà nước thực hiện theo hai cách. Cách thứ nhất: theo chức năng như đã nói ở trên. Về nguyên tắc, đây là phương pháp chủ yếu. Nhưng trên trên thực tế phương pháp thứ hai: một số chức vụ của chính quyền chỉ được giao cho các đảng viên lại hay được áp dụng. Đấy là những vị trí được coi là quan trọng đối với mọi chính quyền, đặc biệt là chính quyền cộng sản: cảnh sát, trước hết là cảnh sát mật, ngoại giao đoàn và tầng lớp sĩ quan, nơi công tác chính trị và tình báo được coi là công tác chủ yếu. Chỉ các cơ quan trung ương của ngành tư pháp mới bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt: cơ quan này thuộc quyền các tổ chức đảng và cảnh sát nhưng lương thấp nên không hấp dẫn. Xu hướng chung là làm cho ngành này trở thành hấp dẫn hơn, có nhiều bổng lộc hơn để lôi kéo các đảng viên. Khi đó việc quản lí ngành tư pháp sẽ dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa: toà án sẽ xử theo đúng đường lối chung của đảng, nghĩa là theo đúng “tinh thần xã hội chủ nghĩa”.

Chỉ có trong chế độ cộng sản mới có việc một số ngành chức năng (đã liệt kê và cả những ngành khác nữa) mới bị các đảng viên hoàn toàn khống chế. Chính quyền cộng sản dù mang tính giai cấp về nội dung lại mang tính đảng về hình thức, quân đội của đảng, nhà nước do đảng lãnh đạo. Nếu nói cho thật đúng thì người cộng sản có xu hướng coi nhà nước và quân đội là vũ khí của riêng mình.

Dù không được thể hiện trên bất cứ tài liệu nào nhưng chỉ có đảng viên mới có quyền trở thành cảnh sát, sĩ quan quân đội, trở thành các nhà ngoại giao, nghĩa là các đảng viên và chỉ có các đảng viên mới có quyền giữ các chức vụ quyền lực, thực thi quyền lực, điều đó không chỉ tạo ra một tầng lớp quan liêu, tầng lớp ưu tú mà còn đơn giản hoá cơ chế quản lí. Bằng cách đó, đảng đoàn đã bao gồm ở mức độ này hay mức độ khác tất cả những người làm việc trong các lĩnh vực này. Kết quả là các cơ quan đó trở thành một trong những bộ phận của công tác đảng, đảng đoàn biến mất.

Vì vậy, trong các chế độ cộng sản không có sự khác biệt của các cơ quan đó với các tổ chức đảng, nhất là giữa đảng và cảnh sát mật. Đảng và cảnh sát liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động hàng ngày, sự khác nhau chỉ còn là phân công lao động. Đảng, có thời đã là người tổ chức quần chúng, thì nay đã trở thành một bộ máy.

Toàn bộ cơ chế quyền lực được thực hiện theo sơ đồ sau: các cơ cấu chính trị là đặc quyền của các đảng viên, các cơ quan ban ngành khác thì hoặc do các đảng viên nắm giữ hoặc bị họ kiểm soát một cách gắt gao. Chỉ cần ở trung ương diễn ra cuộc họp hoặc công bố một bài báo là toàn bộ bộ máy sẽ đi vào vận hành. Chỉ cần một nơi nào đó có trục trặc là đảng và cảnh sát sẽ can thiệp ngay.

2.

Nếu đảng cộng sản không phải là một đảng đặc biệt thì hình thức nhà nước đó không thể nào tồn tại được[1].

Trên kia đã nói đến tính chất đặc biệt của đảng cộng sản. Nhưng vẫn cần phải nói thêm một loạt biểu hiện đặc thù nữa ngõ hầu làm rõ bản chất của nhà nước cộng sản.

Đảng cộng sản là đảng đặc biệt không chỉ vì nó là đảng cách mạng, tập trung, có kỉ luật nhà binh, có những mục tiêu cụ thể hay có những đặc điểm khác. Tất cả những điều vừa nói đều là những tính chất đặc biệt của nó cả.

Có cả những đảng khác với những tính chất gần như thế, mặc dù trong đảng cộng sản những tính chất này có thể được biểu hiện một cách mạnh mẽ hơn.

Nhưng chỉ có trong đảng cộng sản thì sự thống nhất về tư tưởng, sự thống nhất về thế giới quan và quan điểm trong việc xây dựng xã hội mới là bắt buộc với mọi đảng viên. Dĩ nhiên là mệnh lệnh này chỉ là bắt buộc đối với các cơ quan đầu não, các cơ quan cấp cao mà thôi. Các cấp bên dưới về hình thức cũng phải tuân thủ sự thống nhất về tư tưởng nhưng thực ra trách nhiệm của họ chính là: thực thi các nghị quyết được đưa xuống từ bên trên. Nhưng xu hướng chung là phải nâng cao trình độ của cấp dưới để họ luôn nắm được quan điểm của lãnh tụ.

Dưới thời Lenin hiện tượng bất đồng quan điểm vẫn còn được chấp nhận. Lenin không cho rằng tất cả các đảng viên đều bắt buộc phải có quan điểm hoàn toàn giống nhau, mặc dù chính ông là người khởi xướng việc lên án và loại bỏ khỏi hàng ngũ của đảng những quan điểm mà ông cho rằng không hoàn toàn Marxist, hay thiếu tính đảng, nghĩa là những quan điểm mà theo ý ông là không có tác dụng củng cố đảng. Ông đã xử lí các nhóm đối lập trong đảng không phải theo kiểu của Stalin: không bắn giết mà chỉ bịt miệng. Dưới quyền ông, người ta còn được thảo luận và biểu quyết. Chế độ toàn trị chưa hoàn toàn thắng thế.

Đối với Stalin thì sự thống nhất về tư tưởng, thống nhất về chính trị là điều kiện để trở thành đảng viên. Đấy là đóng góp trực tiếp của Stalin vào lí luận về đảng kiểu mới của Lenin. Điều đáng chú ý là luận điểm về sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng được ông ta phát biểu ngay từ khi còn rất trẻ. Dưới triều Stalin, sự thống nhất về tư tưởng là điều kiện bắt buộc của tất cả các đảng cộng sản và điều đó vẫn còn tác dụng cho đến tận hôm nay.

Các lãnh tụ Nam Tư, ban lãnh đạo Liên Xô, cũng như các đảng cộng sản khác hiện vẫn giữ quan điểm như vậy. Sự kiên trì tính thống nhất về tư tưởng trong đảng không chỉ là dấu hiệu của sự trì trệ mà còn chứng tỏ rằng trong các ban “lãnh đạo tập thể” hiện nay không có sự trao đổi ý kiến hoặc rất ít khi có trao đổi ý kiến.

Sự thống nhất bắt buộc như vậy nói lên điều gì và sẽ dẫn đến đâu?

Sẽ dẫn đến hậu quả thật là tai hại.

Trước hết, bất kì đảng nào, đặc biệt là đảng cộng sản, quyền lực bao giờ cũng nằm trong tay lãnh tụ hoặc các cơ quan lãnh đạo. Sự thống nhất là mệnh lệnh (đặc biệt là đối với đảng cộng sản, một đảng có kỉ luật theo kiểu nhà binh) nhất định sẽ dẫn tới việc bao cấp về tư tưởng của trung ương đối với các đảng viên thường. Nếu dưới thời Lenin tư tưởng chỉ được thống nhất sau các cuộc đấu tranh dữ dội ở các cấp cao nhất, thì Stalin bắt đầu tự mình quyết định tư tưởng nào là đúng, còn “ban lãnh đạo tập thể” hiện nay lại chỉ cần ngăn chặn không cho những tư tưởng mới xuất hiện là được. Chủ nghĩa Marx đã trở thành lí luận của các ông trùm cộng sản như thế đấy. Một chủ nghĩa Marx hoặc chủ nghĩa cộng sản khác không thể nào xảy ra được, trong hiện tại và có thể cả trong tương lai nữa.

Hậu quả của sự thống nhất về tư tưởng thật là tai hại: nền chuyên chế của Lenin dĩ nhiên là khắc nghiệt, nhưng nó chỉ trở thành toàn trị dưới trào Stalin. Việc loại bỏ cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ đảng đã dẫn đến sự tiêu diệt tự do trong toàn xã hội. Sự bất dung đối với các trào lưu tư tưởng khác và việc khăng khăng khẳng định tính khoa học giả tạo của chủ nghĩa Marx-Lenin đã tạo ra sự độc quyền tư tưởng của ban lãnh đạo chóp bu của đảng và cuối cùng là sự thống trị tuyệt đối của nó đối với xã hội.

Thống nhất về tư tưởng thực chất là sự đè nén mọi sáng kiến không chỉ trong phong trào cộng sản mà trong toàn xã hội nữa. Tất cả những gì mang tính mới mẻ đều phải được đảng cho phép, xã hội bị đặt hoàn toàn dưới sự giám sát của đảng, còn trong đảng thì không có chút tự do nào.

Sự thống nhất về tư tưởng không xảy ra ngay lập tức, điều đó, cũng như những điều khác trong chế độ cộng sản đã phát triển một cách tuần tự và nó chỉ đạt được sức mạnh tuyệt đối khi các xu hướng khác nhau của phong trào đấu tranh quyết liệt với nhau để giành quyền lực. Và không phải vô tình mà vào giữa những năm 20 của thế kỉ XX chính Trotsky bị yêu cầu từ bỏ quan điểm của mình. Stalin bắt đầu tập hợp lực lượng.

Sự thống nhất về tư tưởng là cơ sở của độc tài cá nhân, thiếu sự thống nhất đó thì độc tài cá nhân không thể nào tồn tại được. Cái này tạo ra cái kia và củng cố lẫn nhau. Đây là điều có thể hiểu được: sự độc quyền tư tưởng hay sự thống nhất bắt buộc vê mặt tư tưởng chỉ là mặt nạ của chế độ độc tài cá nhân mà thôi. Mặc dù sự thống nhất về tư tưởng và chế độ độc tài đã song song tồn tại ngay từ khởi thủy của phong trào Bolshevik, phong trào cộng sản hiện đại, nhưng chúng chỉ được củng cố khi chế độ bước vào giai đoạn trưởng thành và sẽ là xu hướng chủ đạo cho đến ngày diệt vong của chế độ đó.

Việc đàn áp các quan điểm khác nhau trong ban lãnh đạo đảng tự động dẫn đến việc loại bỏ các trào lưu, xu hướng trong nội bộ phong trào và như vậy đồng nghĩa với việc giết chết tất cả các biểu hiện dân chủ trong các đảng cộng sản. Trong chế độ cộng sản “lãnh tụ là người biết tuốt” đã trở thành nguyên tắc: những kẻ có quyền dù ngu dốt đến đâu cũng đều trở thành nhà tư tưởng hết.

Khi người ta tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong đảng cũng là lúc sự độc tài cá nhân hay độc tài của một nhóm những kẻ cầm đầu đang được củng cố. Nhóm này có thể tạm thời thoả thuận với nhau hoặc cùng tồn tại khi có sự cân bằng lực lượng như ở Liên Xô hiện nay.

Trong quá khứ người ta đã từng thấy xu hướng thống nhất về tư tưởng của các đảng khác nữa, đặc biệt là các đảng xã hội. Nhưng đây chỉ là xu hướng và cũng không kéo dài như các đảng cộng sản. Đảng viên không chỉ là một người Marxist mà phải là Marxist theo quan điểm và chỉ thị từ trung ương. Từ một tư tưởng có tính cách mạng và tự do, chủ nghĩa Marx đã trở thành một giáo lí không khác gì trong các chế độ độc tài phương Đông, nơi vương triều có toàn quyền qui định và giải thích giáo lí, còn nhà vua đóng luôn vai trò Giáo Chủ.

Sự thống nhất bắt buộc về tư tưởng, đã phát triển qua nhiều giai đoạn và mang nhiều hình thức khác nhau, đã và vẫn là đặc điểm cơ bản của đảng Bolshevik hay đảng cộng sản.

Nhưng sự thống nhất bắt buộc như thế sẽ không thể nào xảy ra được nếu như đảng không phải là cha đẻ của giai cấp mới và nếu như nó không đặt ra cho mình nhiệm vụ lịch sử chưa từng có.

Lịch sử hiện đại chưa có giai cấp nào hay đảng phái nào thực hiện được sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng trong hàng ngũ của mình như đảng cộng sản. Nhưng ngoài họ thì cũng chưa ai có ý định cải tạo toàn bộ xã hội chủ yếu bằng các biện pháp chính trị và hành chính. Chỉ có những người có niềm tin tuyệt đối, có niềm tin mù quáng vào sự đúng đắn và trong sáng của các quan điểm và mục đích của mình mới dám làm những việc như vậy. Nhiệm vụ này khó khăn đến nỗi nó đòi hỏi không chỉ thái độ không khoan nhượng đối với các tư tưởng khác và các nhóm xã hội khác mà còn đòi hỏi sự khuất phục của toàn xã hội và sự cố kết của chính giai cấp cầm quyền. Đấy chính là lí do vì sao đảng cộng sản cần một sự ổn định vững chắc về tư tưởng.

Sau khi đã đạt được rồi, sự thống nhất về tư tưởng sẽ trở thành một định kiến. Người cộng sản được dạy rằng thống nhất về tư tưởng (thực ra là các tư tưởng được truyền từ trên xuống) là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm, bè phái trong đảng là hoạt động xấu xa nhất.

Như vậy là không thể tạo được chế độ toàn trị nếu không đàn áp các nhóm xã hội khác, cũng như sự thống nhất về tư tưởng không thể xảy ra được nếu không tiến hành thanh trừng ngay trong hàng ngũ của mình. Hai quá trình này diễn ra đồng thời và quyện chặt vào nhau một cách “khách quan” trong nhận thức của những người sáng lập chế độ toàn trị, mặc dù đấy là hai việc khác nhau, một đằng là tiêu diệt kẻ thù và mặt khác là “giải quyết quan hệ” trong nội bộ. Dĩ nhiên Stalin biết rằng Trotsky, Bukharin hay Dinoviev không phải là gián điệp hay những kẻ phản bội. Nhưng việc họ bất đồng với ông ta đã tạo nhiều khó khăn cho việc thiết lập chế độ toàn trị và ông ta phải tiêu diệt họ, tất cả chỉ có thế mà thôi. Tội lỗi của ông ta đối với đảng chính là ông ta đã biến sự tranh chấp, bất đồng khách quan về tư tưởng và đường lối chính trị trong đảng thành tội lỗi chủ quan của từng người và từng nhóm khác nhau và vu cho họ những hành động tội ác mà họ không phạm.

3.

Nhưng đối với chế độ cộng sản thì đấy là con đường bắt buộc phải đi qua. Có thể thiết lập chế độ toàn trị, nghĩa là tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, bằng những biện pháp mềm dẻo hơn biện pháp mà Stalin đã áp dụng, nhưng bản chất vẫn chỉ là một. Ngay cả trong những trường hợp khi mà công nghiệp hoá không phải là biện pháp cũng như điều kiện để tạo ra chế độ toàn trị - Tiệp Khắc và Hungary là những thí dụ - thì đảng cộng sản vẫn áp dụng những biện pháp không khác gì những biện pháp được áp dụng ở các nước chậm phát triển, thí dụ như Liên Xô. Đấy không phải là do Liên Xô áp đặt cho các đảng đàn em mà là bản chất của các đảng cộng sản, bản chất của tư tưởng cộng sản. Quyền lực tối thượng của đảng đối với xã hội, đồng nhất chính quyền và bộ máy quyền lực với đảng, chỉ những cấp nào đó mới được quyền có tư tưởng là bản chất của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.

Đảng là sức mạnh của chính quyền và nhà nước cộng sản. Đảng là người tạo nên tất cả, là cội nguồn và sức mạnh cố kết giai cấp mới, quyền lực, tài sản và tư tưởng của giai cấp ấy.

Chính vì vậy mà trong chế độ cộng sản không thể xảy ra độc tài quân sự mặc dù ở Liên Xô dường đã từng có các âm mưu cướp quyền của giới tướng lĩnh. Nếu giả dụ chế độ độc tài quân sự có thuyết phục được xã hội về sự cần thiết phải tập trung toàn bộ sức mạnh và chấp nhận hi sinh trong một thời gian nào đó thì nó cũng không thể kiểm soát được toàn bộ xã hội. Chỉ có một đảng duy nhất làm được chuyện đó, đấy là đảng tuyên truyền cho những lí tưởng cao cả, sự độc đoán chuyên quyền của nó được các đảng viên và tất cả những ai tin vào lí tưởng ấy coi không những là cần thiết mà còn là hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội cao nhất.

Nếu xét theo khía cạnh tự do thì độc tài quân sự trong chế độ cộng sản là một tiến bộ lớn. Nó đồng nghĩa với sự cáo chung của chế độ toàn trị của đảng, của nhóm chóp bu nắm quyền của đảng đối với xã hội.

Về lí thuyết, độc tài quân sự chỉ xảy ra khi đất nước gặp thất bại năng nề về quân sự hoặc có khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Lúc đó hình thức khởi thuỷ của nó sẽ là độc tài của đảng hay dưới danh nghĩa độc tài của đảng. Nhưng điều đó nhất định sẽ dẫn tới sự thay đổi của toàn bộ hệ thống.

Chế độ độc tài toàn trị của nhóm đầu sỏ trong đảng trong các chế độ cộng sản không phải là kết quả nhất thời của cuộc tranh chấp chính trị mà là kết quả của một quá trình phức tạp và kéo dài. Sự cáo chung của chế độ độc tài không chỉ có nghĩa là sự thay thế hình thức cai trị này bằng hình thức cai trị khác mà còn là sự thay đổi, đúng hơn là khởi đầu của sự thay đổi của cả hệ thống. Nền chuyên chính của đảng chính là hệ thống, là linh hồn, trí tuệ và bản chất của cả hệ thống.

Trong chế độ cộng sản, quyền lực tập trung vào tay một nhóm rất nhỏ các lãnh tụ và cái gọi là chuyên chính vô sản chỉ còn là những khẩu hiệu sáo rỗng mà thôi. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của giai câp vô sản đã góp phần làm nên chuyện đó.

Không nghi ngờ rằng trong giai đoạn đấu tranh giành quyền lực, đảng đã là lãnh tụ thực sự của quần chúng lao động, đã bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng ngay từ bấy giờ vai trò và vị trí của đảng đã đồng thời là những giai đoạn và hình thức để tiến đến quyền lực của chính mình. Giai cấp công nhân đã được lợi, nhưng đảng cũng được củng cố để trở thành người nắm quyền và hạt nhân của giai cấp mới. Ngay khi giành được quyền lực, đảng - làm như mình là hiện thân quyền lợi của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động - ngay lập tức “khoác vào mình toàn bộ gánh nặng” của chính quyền và không quên kiểm soát luôn toàn bộ tài sản quốc gia. Sự tham gia và vai trò của giai cấp vô sản, ngoại trừ giai đoạn đấu tranh cách mạng ngắn ngủi lúc đầu, về thực chất cũng không khác gì các giai cấp khác.

Điều đó không có nghĩa là giai cấp vô sản, đúng hơn là một bộ phận của nó, trong những giai đoạn nhất định không ủng hộ việc đảng nắm quyền. Còn nông dân thì ủng hộ những người hứa dùng công nghiệp hóa để đưa họ thoát khỏi cảnh bần cùng tuyệt vọng.

Việc có những giai đoạn nhân dân lao động đã ủng hộ đảng không có nghĩa là, thứ nhất, nhân dân nắm được quyền lực và thứ hai, việc tham gia của họ có ảnh hưởng quyết định đến quá trình phát triển của xã hội và các quan hệ xã hội. Trong chế độ cộng sản không có quá trình nào trong những quá trình từng được thực hiện lại có tác dụng củng cố quyền làm chủ của quần chúng lao động nói chung và của giai cấp vô sản nói riêng.

Không thể nào xảy ra khác đi được.

Các giai cấp và quần chúng không thực thi các chức năng của quyền lực, các chính đảng thay mặt họ làm chuyện này. Ngay cả các đảng dân chủ nhất thì vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về các lãnh tụ, như vậy nghĩa là quyền lực của đảng bao giờ cũng là quyền lực của các lãnh tụ.

Cái gọi là chuyên chính vô sản, trong trường hợp tốt nhất cũng là quyền lực của đảng và sau đó nhất định trở thành quyền lực của các lãnh tụ đảng. Còn hiện ta đang thảo luận về chính quyền toàn trị thì chuyên chính vô sản chỉ còn là sự biện hộ về mặt lí luận, là cái mặt nạ che đậy cho sự chuyên chế của một số lãnh tụ đầu sỏ. Đấy là nói trường hợp tốt nhất.

Marx coi chuyên chính vô sản như là nền dân chủ trong nội bộ giai cấp vô sản và dành cho giai cấp vô sản, nghĩa là một chế độ trong đó tồn tại nhiều xu hướng và đảng phái xã hội chủ nghĩa. Công xã Paris năm 1871 là nền chuyên chính vô sản duy nhất thời Marx và ông đã dựa vào kinh nghiệm của nó để đưa ra kết luận của mình, nhưng Công xã là chính quyền đa đảng và những người Marxist không đóng vai trò quan trọng cả về số lượng lẫn ảnh hưởng. Chuyên chính vô sản, nếu nói về sự thực thi quyền lực của cả giai cấp, chỉ là một giả tưởng vì quyền lực bao giờ cũng được thực thi thông qua các tổ chức. Lenin đã biến chuyên chính vô sản thành quyền lực của một đảng, còn Stalin thì biến nó thành quyền lực của riêng mình, biến thành nền độc tài cá nhân cả trong đảng và trong chính quyền. Sau cái chết của nhà độc tài cộng sản những người kế tục ông ta cảm thấy vô cùng vui mừng vì thông qua “lãnh đạo tập thể” họ có thể chia nhau quyền lực. Như vậy là, trong tất cả các trường hợp vừa xét, chuyên chính vô sản chỉ là một giả tưởng hoặc là quyền lực của một nhóm lãnh tụ tinh hoa.

Lenin tin rằng Xô Viết là hình thức của chính quyền chuyên chính vô sản, là “phát minh” của Marx. Khởi thuỷ các Xô Viết, nhờ vào sáng kiến cách mạng và sự tham gia đông đảo của quần chúng, đã tạo cho người ta cảm tưởng như thế. Trotsky cũng cho rằng Xô Viết có ý nghĩa thời đại, tương tự như các cơ quan lập pháp trong cuộc đấu tranh với chế độ chuyên chế. Nhưng đấy chỉ là ảo tưởng. Từ những tổ chức cách mạng, Xô Viết đã thoái hoá thành hình thức chính quyền chuyên chế toàn trị của giai cấp mới, của đảng cầm quyền.

Nguyên tắc tập trung dân chủ của Lenin, cả trong đảng và chính phủ, cũng có diễn biến tương tự. Khi trong đảng còn có, dù ít dù nhiều, những cuộc tranh luận thì dù chưa thật dân chủ, ta vẫn có thể coi như có một nguyên tắc như vậy. Sau khi chế độ toàn trị đã được thiết lập, tập trung dân chủ chỉ còn là những từ ngữ sáo rỗng che đậy bản chất của nó là sự tuỳ tiện của tầng lớp chóp bu đương quyền mà thôi.

Từ những nguyên nhân đã nói ở trên, có thể rút ra kết luận: việc biến chuyên chính của đảng thành độc tài cá nhân là quá trình bất khả kháng. Sự thống nhất về tư tưởng, mâu thuẫn không tránh khỏi của nhóm cầm quyền và nhu cầu của hệ thống nói chung nhất định sẽ đưa tới độc tài cá nhân. Lãnh tụ đảng, người đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực chính là kẻ thể hiện và bảo vệ một cách kiên định nhất quyền lợi của giai cấp mới.

Các điều kiện lịch sử cũng là nhân tố giúp cho việc thiết lập và củng cố nền độc tài cá nhân: nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hoá cũng như chiến tranh đòi hỏi mọi người phải có chung một ý chí, phải thống nhất hành động. Chúng ta có thể kể thêm một nguyên nhân nữa, nguyên nhân đặc biệt của chủ nghĩa cộng sản: đối với từng đảng viên và cả phong trào cộng sản thì chính quyền, quyền lực là mục đích chính và cũng là phương tiện chính. Người cộng sản khát khao quyền lực như nắng hạn khát mưa. Câu: “Được làm vua thua làm giặc” thể hiện đúng bản chất họ.

Các lãnh tụ cộng sản còn có xu hướng xa hoa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, một loại nghệ thuật mà chỉ những người đặc biệt mới có.

Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được. Phải kể thêm là tham nhũng nữa. Đây không phải là tham quan ô lại, chuyện này bây giờ có thể ít hơn chế độ cũ. Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám.

Một đảng viên đảng cộng sản Nam Tư đã mô tả trạng thái tâm lí của một đảng viên thường như sau: “Nói một cách chân thành thì tôi như bị xé làm ba phần: tôi ghen tị với những người có ô tô đẹp hơn tôi vì tôi cho rằng họ cống hiến cho đảng và cho chủ nghĩa ít hơn tôi; tôi nhìn những người không có ô tô và nghĩ: đúng rồi - công lao ít; dù sao mặc lòng, tôi cảm thấy hạnh phúc vì nói gì thì nói tôi cũng có ô tô riêng.”  

Người này đúng ra không thể coi là đảng viên chân chính. Anh ta thuộc loại tin vào lí tưởng và tham gia phong trào nhưng sau đó đã thất vọng, chỉ còn coi đảng là nấc thang danh vọng. Người cộng sản chân chính phải là hai trong một: cuồng tín và hám quyền vô bờ bến. Những người khác chỉ có thể được coi là những gã háo danh hoặc những người say mê lí tưởng mà thôi.

Trên mọi nấc thang của hệ thống cộng sản ta đều thấy tính chất quan liêu và được phân chia thứ bậc một cách rõ ràng. Khắp nơi đều có các nhóm mà người ngoài khó thâm nhập vào được và tất cả các nhóm đó đều châu tuần xung quanh các lãnh tụ hoặc ban lãnh đạo cấp trên. Tất cả hoạt động chính trị tựu trung chỉ là giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm ấy với nhau, ở đâu cũng có sự bao che, bè phái. Càng lên cao thì các mối ràng buộc gia đình, dòng họ càng mạnh. Những vần đề quốc kế dân sinh quan trọng nhiều khi được giải quyết trong bữa ăn hay các cuộc đi săn hoặc thảo luận chỉ có ba bốn người. Các cuộc hội nghị đảng, các cuộc họp của chính phủ hay quốc hội chỉ có tính chất trình diễn, được tổ chức nhằm hợp thức hoá những vấn đề đã được quyết định “trong xó bếp” từ lâu.

Người cộng sản coi quyền lực (của mình, dĩ nhiên rồi) như một bái vật cho nên khi những người ấy, đúng hơn phải nói những gia đình ấy, có mặt ở đâu đó như là những quan chức nhà nước thì ta thấy họ có ngay những bộ mặt lạnh lùng, xa cách và long trọng.

Đúng là chế độ chuyên chế, nhưng chưa được khai sáng.

Chính hoàng đế, chính nhà độc tài cũng không nhận thức được rằng mình là độc tài, là hoàng đế. Stalin đã cười nhạo khi có người gọi ông ta là nhà độc tài. Ông ta cảm thấy mình chỉ là người đại diện cho ý chí tập thể của đảng. Ở khía cạnh nào đó thì ông ta cũng có lí, mặc dù có thể lịch sử chưa từng biết đến người nào có nhiều quyền lực hơn ông. Đơn giản là, cũng như tất cả các lãnh tụ độc tài cộng sản khác, ông ta hiểu rằng chỉ cần xa rời các nguyên tắc tư tưởng cơ bản của đảng, xa rời sự độc quyền của giai cấp mới, xa rời chế độ toàn trị là ông ta sẽ bị lật đổ ngay. Là người tạo ra và cũng là đại diện thông minh nhất của hệ thống không bao giờ ông ta lại làm như thế. Nhưng Stalin cũng là người phụ thuộc vào hệ thống do chính ông ta lập ra, cũng phụ thuộc vào “ý kiến chung” của nhóm đầu sỏ nắm quyền. Ông ta không thể sống thiếu họ, cũng không thể chống lại họ.

Dù có vẻ kì quặc nhưng sự thật vẫn là: trong hệ thống cộng sản, ngay cả cấp cao nhất, ngay cả lãnh tụ, tất cả đều không có tự do. Mọi người phụ thuộc lẫn nhau và đều phải rất thận trọng: làm sao không tách khỏi không khí chung, quan điểm chung, quyền lợi chung, cách hành xử chung.

Sau những điều đã trình bày ta còn có thể nói về chuyên chính vô sản được không?


4.

Lí thuyết của Lenin về nhà nước, được Stalin và những người khác bổ sung, đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố chế độ chuyên chế đảng trị. Có hai luận điểm quan trọng quyện chặt lấy nhau trong lí thuyết này: lí thuyết về nhà nước và luận điểm về sự cáo chung của chính nhà nước. Được trình bày đầy đủ nhất trong tác phẩm The State and the Revolution (Nhà nước và cách mạng) do Lenin viết trong thời kì trốn tránh Chính phủ lâm thời, lí thuyết này cũng như toàn bộ chủ nghĩa Lenin đều dựa trên khía cạnh cách mạng của chủ nghĩa Marx về vấn đề nhà nước (có sử dụng nhiều kinh nghiệm của cuộc cách mạng Nga lần thứ I – năm 1905) và được các lãnh tụ cộng sản khác bổ sung thêm sau này. Từ quan điểm lịch sử, tác phẩm The State and the Revolution là vũ khí tư tưởng quan trọng của chính cách mạng chứ không phải cơ sở lí thuyết để xây dựng chính quyền mới.

Lenin coi nhà nước chỉ là biện pháp cưỡng chế, đúng hơn là cơ chế đàn áp của giai cấp này đối với các giai cấp khác trong xã hội. Lenin từng đưa ra định nghĩa ngắn gọn: “Nhà nước-dùi cui”

Điều đó không có nghĩa là các chức năng khác của nhà nước đã bị bỏ qua, nhưng ngay ở đây Lenin cũng tìm thấy vai trò chủ yếu của nhà nước: biện pháp đàn áp của giai cấp này đối với các giai cấp khác.

Nếu lí thuyết của Lenin về nhà nước có nhiệm vụ phá huỷ bộ máy nhà nước cũ và để chuẩn bị làm việc đó phải bóc hết những gì không phải là bản chất của nhà nước đi, thì lí thuyết đó còn xa mới có thể gọi là một khoa học.

Trên thực tế, lí thuyết của Lenin, kêu gọi phá hủy bộ máy nhà nước cũ, chưa thể gọi là lí thuyết khoa học[2]. Tác phẩm rất quan trọng này của Lenin, theo quan điểm lịch sử, tiếp tục truyền thống của lí luận cộng sản: các kết luận và quan điểm có vẻ khoa học thực ra được hình thành từ nhu cầu trực tiếp của đảng; một nửa chân lí được tuyên bố là chân lí. Không nghi ngờ rằng cưỡng chế và đàn áp là một phần máu thịt của mọi nhà nước, còn bộ máy nhà nước thì bị những lực lượng chính trị và xã hội khác nhau sử dụng (nhất là khi có xung đột võ trang). Nhưng từ kinh nghiệm của mình, mỗi người đều biết rằng xã hội, dân tộc, cần bộ máy nhà nước để phát triển và phối hợp các chức năng khác nhau. Học thuyết cộng sản, trong đó có lí thuyết của Lenin đã bỏ qua khía cạnh này.

Trong thời quá khứ xa xôi đã có những cộng đồng không cần nhà nước và chính quyền. Không thể gọi đấy là xã hội vì đấy chỉ mới là giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng bán khai mông muội sang xã hội loài người. Nhưng ngay cả các cộng đồng đó cũng đã có những hình thức quyền lực nhất định. Lại càng ngây thơ khi cho rằng trong tương lai, với cơ cấu xã hội ngày càng phức tạp hơn, nhu cầu về nhà nước sẽ biến mất. Lenin (dựa vào uy tín của Marx, thực ra về vấn đề này Marx ủng hộ những người vô chính phủ) đã nêu ra và biện giải cho một xã hội như thế, xã hội không còn nhà nước. Hãy để sang một bên tính chính đáng của các tiền đề, ta thấy ngay đấy là giấc mơ về một xã hội cộng sản phi giai cấp của ông. Nếu theo lí thuyết này thì vấn đề rất đơn giản: không còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, không còn ai để áp bức, bóc lột nữa thì nhà nước dĩ nhiên là không cần. Trước khi đến đó thì “chuyên chính vô sản” là hình thức nhà nước “dân chủ nhất”, lí do: nó thủ tiêu các giai cấp và vì vậy sẽ dần dần trở thành không cần thiết nữa. Như vậy là, mọi hành động nhằm tăng cường nền chuyên chính vô sản, nghĩa là dẫn tới “thủ tiêu” các giai cấp đều được coi là chính đáng, tiến bộ, đều đưa người ta tiến dần đến tự do cả. Đấy là lí do vì sao khi chưa giành được chính quyền thì những người cộng sản đòi hỏi phải có những hình thức dân chủ, nhưng chỉ cần giành được chính quyền là họ lập tức đàn áp mọi yêu cầu tự do mà họ gọi là “tư sản”. Đấy là lí do vì sao hiện nay họ vẫn khăng khăng phân biệt “dân chủ tư sản” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mặc dù đáng ra phải phân biệt về lượng của tự do, hay tính phổ quát của tự do.

Lí thuyết của Lenin và của chủ nghĩa cộng sản về nhà nước chứa đầy khiếm khuyết: cả về khoa học cũng như trên thực tế. Chính cuộc sống đã bác bỏ lời tiên đoán của Lenin: “chuyên chính vô sản” không những không thủ tiêu các giai cấp mà chính nó cũng không có ý định tự tiêu vong. Đáng lẽ ra việc thiết lập chế độ toàn trị cộng sản sau khi đã tiêu diệt hết các giai cấp của xã hội cũ phải đem lại cho các nhà cầm quyền một sự “an bình” nhất định vì mục đích là tiêu diệt hoàn toàn các giai cấp đã cận kề. Nhưng không, sức mạnh của nhà nước (trước hết là các cơ quan chuyên chính) không những không giảm mà còn tăng thêm không ngừng.

Để che đậy thiếu sót về lí luận, Stalin đã phải vá víu nó bằng cách bịa ra vai trò “giáo dục” ngày càng cao của nhà nước Xô Viết.

Nếu qui lí thuyết cộng sản về nhà nước, chưa nói đến thực tế, chỉ là cưỡng chế và đàn áp như là chức năng chủ yếu, nếu không nói là chức năng duy nhất, thì từ quan điểm của Stalin có thể thấy vai trò to lớn của cảnh sát, kể cả trong lĩnh vực giáo dục nữa. Rõ ràng, chỉ những kẻ ác tâm mới có thể nghĩ như thế. Và ở đây, lí luận của Stalin là chỗ trú thân cho một nửa chân lí của cộng sản: không thể giải thích được tại sao trong “xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành” sức mạnh và sự áp bức của bộ máy nhà nước ngày càng được tăng cường thêm, ông ta liền cho một trong những chức năng chủ yếu của nhà nước là giáo dục. Đàn áp không còn hợp thời nữa: các giai cấp đối kháng đã không còn, đàn áp giai cấp phải chấm dứt.

Lí luận “tự quản” do các lãnh tụ Nam Tư đưa ra cũng có chung số phận. Khi mâu thuẫn với Stalin đạt đỉnh điểm, họ phải nghĩ ra một cái gì đó để “uốn nắn” những “lệch lạc” của ông ta và khởi đầu sự “tiêu vong” của nhà nước. Nhưng điều đó không cản trở họ cũng như Stalin chăm bẵm lực lượng đàn áp, chăm bẵm cái chức năng, theo lí thuyết của họ là tối thượng của bộ máy nhà nước.

Điều đặc biệt là ngược lại với lí luận về sự “tiêu vong”, chức năng của nhà nước ngày càng mở rộng và phân nhánh cùng với số người tham gia vào bộ máy ngày một đông hơn. Nhận thức được rằng vai trò của bộ máy nhà nước sẽ ngày càng mở rộng và phức tạp thêm (dù xã hội đã chuyển sang giai đoạn “phi giai cấp”, giai đoạn “cộng sản), Stalin quyết định rằng nhà nước sẽ tiêu vong khi tất cả các công dân đều sẵn sàng nhận những công việc của ông ta, đạt đến trình độ của ông ta. Lenin cũng từng nói tới giai đoạn khi một bà nội trợ cũng đảm đương vai trò quản lí nhà nước. Như chúng ta đã thấy, các lí thuyết tương tự như của Stalin từng hiện diện tại Nam Tư. Nhưng không lí thuyết nào có thể san bằng được cách biệt giữa giáo điều cộng sản về nhà nước, nghĩa là sự “tiêu vong” các giai cấp và “tiêu vong” của nhà nước trong chế độ “xã hội chủ nghĩa” của họ với chế độ đảng trị-toàn trị trên thực tế.

5.

Vấn đề quan trọng nhất, cả về phương diện lí thuyết và phương diện thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản là vấn đề nhà nước, và đây chính là nguồn gốc của mọi rắc rối và những mâu thuẫn ngày một rõ ngay trong lòng chế độ cộng sản.

Vì nhà nước không chỉ là - rất ít khi chủ yếu là - bộ máy đàn áp (trừ chế độ cộng sản, đây chính là một hình thức nội chiến giữa nhân dân và những kẻ đương chức đương quyền), nên bộ máy nhà nước cũng như toàn xã hội luôn nằm trong tình trạng chống đối - khi thăng khi giáng - tầng lớp chóp bu, một tầng lớp ngấm ngầm muốn biến bộ máy nhà nước thành một kẻ chỉ chuyên làm việc cưỡng bức. Cộng sản đã không hoàn thành được việc đó, cũng như họ không thể nô dịch được toàn bộ xã hội. Nhưng họ đã thiết lập được sự kiểm soát của các cơ quan chuyên chính - cảnh sát và đảng - lên toàn bộ bộ máy nhà nước và các công việc mà bộ máy này thực hiện. Vì vậy, việc phản ứng của các cơ quan chính phủ đối với “sự thiếu cảm thông” từ phía đảng, công an hoặc các nhân vật cụ thể trên thực tế chính là phản ứng của xã hội, chính là sự chống đối của xã hội được thể hiện thông qua bộ máy nhà nước trước những o ép và coi thường các nhu cầu và ước vọng của nhân dân.

Ngay cả trong chế độ cộng sản, nhà nước và vai trò của nó cũng không chỉ là các cơ quan chuyên chính và không đồng nhất với những cơ quan này. Khi nhà nước như một cách tổ chức đời sống của nhân dân, của xã hội, chịu phục tùng các cơ quan chuyên chính nghĩa là nhà nước nằm trong nhà nước. Chế độ cộng sản không thể giải quyết được mâu thuẫn đó vì tính toàn trị của nó luôn luôn xung đột với những xu hướng khác, trái ngược hoàn toàn với sự áp chế mà các chức năng khác của nhà nước có thể đảm nhiệm. 

Mâu thuẫn này cùng với việc người cộng sản luôn luôn coi nhà nước là và chỉ là cơ quan chuyên chính đã dẫn đến kết quả là nhà nước cộng sản không thể trở thành nhà nước pháp quyền, nghĩa là nhà nước với toà án không phụ thuộc vào chính quyền, còn pháp luật thì được tôn trọng trên thực tế.

Hệ thống không chấp nhận một nhà nước như thế. Ngay cả khi các lãnh tụ cộng sản muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì họ cũng không thực hiện được vì nó sẽ là mối đe doạ đối với chế độ toàn trị của họ.

Sự độc lập của toà án và thượng tôn pháp luật nhất định sẽ dẫn tới đối lập. Không có điều luật nào của cộng sản cấm, thí dụ, tự do tư tưởng hay tự do lập hội. Trên cơ sở các nguyên tắc độc lập của toà án, luật pháp phải đảm bảo các các quyền tự do công dân khác nữa.

Nhưng trên thực tế những điều đó chưa bao giờ được thực hiện.

Công nhận về mặt hình thức các quyền tự do công dân, chế độ cộng sản lại đặt ra điều kiện tiên quyết: chỉ được sử dụng các quyền ấy vì mục đích của “chủ nghĩa xã hội” mà các lãnh tụ cổ xuý, nghĩa là ủng hộ cho quyền lực của họ.

Tương tự như vậy, không thể nào tách quyền lực của cảnh sát khỏi quyền lực của tư pháp. Người ra lệnh bắt giam, khởi tố trên thực tế cũng là người nắm quyền kết án và thi hành án. Một vòng tròn khép kín: chính quyền hành pháp và lập pháp chỉ là một, các cơ quan điều tra, xét xử và trừng phạt cũng là một nốt.

Thế thì tại sao chuyên chính cộng sản lại cần pháp luật ? Tại sao họ lại che đậy bằng sự tuân thủ pháp luật?

Ngoài lí do chính trị, lí do tuyên truyền, nếu chế độ muốn tồn tại nó phải đảm bảo tính pháp lí cho những kẻ mà nó dựa vào, nghĩa là tính pháp lí cho giai cấp mới.

Luật pháp bao giờ cũng được soạn thảo vì nhu cầu và quyền lợi của đảng tức là của giai cấp mới. Về mặt hình thức, pháp luật bảo vệ quyền lợi của tất cả công dân nhưng trên thực tế nó chỉ bảo vệ quyền lợi của những người không bị coi là “kẻ thù của chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, cộng sản luôn bị đau đầu vì trò chơi luật pháp do chính họ viết ra, nhưng rồi lại bị họ phủ nhận ngay khi cần. Sau một thời gian, khi đã nhận ra nguyên nhân “đau khổ” của mình, để đơn giản hoá trò chơi pháp luật họ thường sáng tác ra những luật lệ “vá víu” có thể giải thích thế nào cũng được.

Thí dụ, ở Nam Tư luật ghi rằng không thể kết án một người nếu hành vi của người đó không được xác định rõ ràng theo các khung pháp lí. Nhưng đa số các vụ án chính trị lại được thực hiện trên cơ sở gọi là “truyên truyền xuyên tạc”. Người ta không dựa vào luật để giải thích khái niệm này, nó được trao cho các quan toà với lực lượng cảnh sát mật đứng đằng sau.

Vì vậy mà các vụ án chính trị trong chế độ cộng sản chỉ là những cuộc trình diễn, nghĩa là toà án được giao nhiệm vụ chứng minh “tội lỗi” của bị cáo phù hợp với yêu cầu của những kẻ nắm quyền. Nói các khác, toà án có trách nhiệm đưa những kết luận chính trị đã được chuẩn bị trước vào trong khung pháp luật hiện hành.

Trong cách xử này việc thú nhận của bị cáo đóng một vai trò quan trọng (có thể là quan trọng nhất). Bị cáo phải tự nhận là kẻ thù. Không cần chứng cớ gì hết, chứng cớ được thay bằng lời thú tội của chính bị cáo.

Cái gọi là “Những vụ án Moskva” chỉ là những thí dụ lố bịch và đẫm máu nhất của trò hề về pháp luật trong chế độ cộng sản. Phần lớn các phiên tòa khác cũng đều như vậy, đấy là nói những hành động cụ thể và bản án. Những vụ án chính trị ở Nam Tư chỉ là phiên bản "bỏ túi" của những vụ án ở Moskva mà thôi.

Các vụ án chính trị được dàn dựng như thế nào?

Đầu tiên, cảnh sát mật, theo “gợi ý” của cán bộ đảng, “phát hiện” được một người nào đó là kẻ thù của chế độ, là cái gai của chính quyền vì anh ta công khai bảo vệ một quan điểm nào đó hoặc anh thảo luận quan điểm đó với bạn bè của mình. Nếu việc “phát hiện” thành công thì sẽ đến giai đoạn hai, giai đoạn đưa nạn nhân vào bẫy. Người ta sẽ sử dụng một kẻ khiêu khích để thu thập những “bằng chứng có tính chất phá hoại” hoặc doạ dẫm một kẻ nào đó và bắt phải kí những tài liệu vu khống mà cảnh sát đưa cho. Trong chế độ cộng sản, đa số các tổ chức bí mật là do chính cảnh sát lập ra để bẫy các phần tử bất đồng ý kiến. Chế độ cộng sản không tìm cách ngăn chặn mà ngược lại còn cố tình đẩy các công dân “không đáng” tin đến những hành động sai trái và tội lỗi khác nhau để trừng phạt họ.

Stalin đã làm như vậy, có cả tra tấn và không cần toà án. Ngay cả trong trường hợp có toà án và không tra tấn thì thực chất cũng vẫn thế: cộng sản thanh toán những người chống đối không phải vì họ vi phạm pháp luật mà chỉ vì họ là những phần tử chống đối. Vì vậy, có thể nói: đa số tù nhân chính trị thực chất là những người chống đối chế độ, nhưng theo quan điểm của luật pháp thì họ không phải là tội phạm. Nhưng cộng sản lại cho rằng họ đáng bị trừng phạt dù không có cơ sở pháp lí để làm chuyện đó.

Khi có các cuộc nổi dậy của quần chúng, chính quyền cộng sản đã thẳng tay đàn áp mà không cần để ý đến tính hợp hiến và hợp pháp của những hành động đó. Lịch sử hiện đại chưa từng biết những vụ đàn áp dã man, phi nhân và phi pháp đến như thế. Vụ đàn áp ở Poznan gây nhiều tai tiếng nhưng chưa phải là vụ đẫm máu nhất. Quân đội chiếm đóng cũng như chính quyền thuộc địa dù là người ngoài, dù hành động theo những biện pháp khẩn cấp cũng ít khi sử dụng những biện pháp dã man như thế. Những nhà cầm quyền cộng sản đã chà đạp pháp luật và tiến hành khủng bố ngay chính nhân dân nước mình.

Ngay trong những vấn đề không liên quan gì đến chính trị, luật pháp cũng thường bị vi phạm. Giai cấp toàn trị vẫn hàng ngày hàng giờ can thiệp cả vào những lĩnh vực này.

Bài báo ngắn trên tờ Politics (Chính trị) được trích dẫn dưới đây đủ nói lên vai trò và vị trí của toà án ở Nam Tư, nơi luật pháp nói chung được tôn trọng hơn so với các nước cộng sản khác.

Trong cuộc hội thảo kéo dài hai ngày dưới sự chủ trì của công tố viên liên bang, đồng chí Brana Evremovich, khi thảo luận các vấn đề liên quan đến tội phạm kinh tế, các công tố viên các nước cộng hoà và hai tỉnh Voevodin và Belgrad đều nhất trí cho rằng muốn ngăn chặn hữu hiệu các tội phạm kinh tế cần phải kiên quyết và sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan kinh tế và tất cả các tổ chức chính trị…

Mọi người đều  nhất trí rằng cho đến nay xã hội chưa phản ứng đúng mức đối với các loại tội phạm kinh tế…

Các công tố viên đều cho rằng xã hội cần phản ứng một cách hữu hiệu hơn nữa. Họ cho rằng cần phải xử lí nghiêm khắc về mặt pháp luật, bên cạnh những biện pháp hành chính khác….

Những sự kiện được dẫn ra trong các báo cáo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng các lực lượng bị thất bại trên trường chính trị đang cố gắng báo thù trong lĩnh vực kinh tế. Như vậy vấn đề tội phạm kinh tế trong giai đoạn hiện nay không chỉ là vấn đề pháp lí mà còn là vấn đề chinh trị, đòi hỏi sự phối hợp của công tố với các cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội…

Tổng kết buổi thảo luận, công tố liên bang, đồng chí Brana Evremovich, nhắc lại rằng cần phải tuân thủ pháp luật cũng như sự nghiêm khắc mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã phê phán những cá nhân phạm các tội về kinh tế.

Như vậy là, các công tố viên đã quyết định đường lối xử án cho các quan tòa và hình phạt phải tuân theo chỉ đạo của “lãnh đạo cấp cao”.

Sự độc lập của toà án và tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu?

Trong chế độ cộng sản, lí thuyết về pháp luật được cải biến theo hoàn cảnh và nhu cầu của nhóm chóp bu nắm quyền. Hình phạt theo nguyên lí của Vishinsky phải được quyết định trên “nguyên tắc đích xác”, nghĩa là không được để cho các tính toán chính trị làm ảnh hưởng đến quyết định của toà. Nhưng cho dù người ta có áp dụng các nguyên lí nhân bản và khoa học hơn thì thực chất vẫn không thay đổi nếu quan hệ giữa chính quyền, bộ máy tư pháp và luật pháp vẫn giữa nguyên như trước. Trong những chiến dịch nhằm “củng cố tính pháp lí” hay những lời lẽ huênh hoang của Khrushchev rằng “bây giờ”đảng đã kiểm soát được cảnh sát và bộ máy tư pháp chỉ chứng tỏ rằng giai cấp mới cần sự an toàn về mặt pháp lí chứ không phải là sự thay đổi quan điểm của giai cấp cầm quyền đối với xã hội, nhà nước, tòa án và pháp luật.


6.

Hệ thống pháp luật cộng sản không thể thoát khỏi bệnh hình thức, vai trò của các tổ chức đảng và cảnh sát trong thủ tục tố tụng cũng rõ ràng như trong hệ thống bầu cử và các lĩnh vực khác. Thế vẫn chưa hết. Càng lên cao thì sự thượng tôn pháp luật càng có tính cách trang trí và ảnh hưởng của chính quyền đối với bộ máy tư pháp và các cuộc bầu bán càng tăng.

Mọi người đều biết sự trống rỗng và phô trương của các cuộc bầu cử dưới chế độ cộng sản, Clement Rechard Attlee gọi một cách khôi hài là: “cuộc đua một ngựa”. Tôi nghĩ rằng cũng cần thảo luận về việc tại sao những người cộng sản lại cần những cuộc bầu bán không hề có ý nghĩa gì đối với việc phân bố lực lượng, cũng như tại sao họ lại cần cái quốc hội khá tốn kém mà chẳng được tích sự gì.

Ngoài lí do tuyên truyền, lí do đối ngoại và những lí do khác tương tự, có một việc mà không chính quyền nào, kể cả chính quyền cộng sản có thể bỏ qua, đấy là mọi sự đều phải được hợp pháp hoá. Trong điều kiện hiện nay thì hợp pháp hoá là thông qua các đại diện dân cử. Nhân dân có trách nhiệm ủng hộ mọi quyết định của những người cộng sản, dù chỉ là hình thức.

Bên cạnh đó còn một nguyên nhân sâu xa nữa giải thích lí do vì sao các lãnh tụ cộng sản lại phải “nuôi” quốc hội: các chính sách của chính phủ-giới chóp bu của giai cấp mới phải được giới chức đảng ủng hộ. Không cần quan tâm tới dư luận xã hội, nhưng tất cả các chính phủ cộng sản đếu phải quan tâm tới dư luận trong đảng, dư luận trong các đảng viên cộng sản.

Đấy là lí do vì sao bầu cử chẳng có ý nghĩa gì nhưng việc chọn người lại được các cấp lãnh đạo thực hiện một cách vô cùng thận trọng. Hàng loạt khía cạnh được cân nhắc: đóng góp, vai trò và chức năng trong xã hội, nghề nghiệp, vv... Đối với lãnh đạo thì các cuộc bầu cử có ý nghĩa rất lớn vì họ có thể xếp bên cạnh mình những lực lượng mà họ coi là có giá trị, cũng có nghĩa là tạo cho chính mình tính hợp pháp trước đảng, trước giai cấp và nhân dân.

Những thử nghiệm nhằm đưa hai ba ứng viên cho một ghế đại biểu trong các cuộc bầu cử quốc hội đều thất bại. Nam Tư đã tiến hành các cuộc bầu cử như vậy, nhưng sau đó đã bị lãnh đạo gán cho nhãn “chia rẽ”. Có những tin tức nói rằng tại các nước Đông Âu cũng đang tiến hành việc có nhiều ứng viên cho một ghế đại biểu. Giả sử chuyện đó có xảy ra thì tôi cho rằng khả năng thành công là rất thấp, mặc dù đây là một bước tiến hay có thể nói là sự khởi đầu của quá trình dân chủ hoá. Tôi nghĩ rằng Đông Âu rồi cũng đi theo mô hình “tự quản” của Nam Tư chứ chưa thể dẫn đến quá trình dân chủ hoá hoặc phân hoá trong hàng ngũ đảng cầm quyền được. Hạt nhân chuyên chế nhận thức được rằng nó sẽ gặp nhiều rắc rối nếu không giữ vững sự thống nhất truyền thống và vì vậy vẫn nắm giữ chặt quyền điều khiển. Mọi sự tự do, kể cả tự do trong đảng, đe doạ không chỉ quyền lực của các lãnh tụ mà đe doạ ngay chính chế độ toàn trị.

Quốc hội cộng sản không chỉ không đưa ra các quyết sách quan trọng, thực ra nó không có khả năng làm việc đó. Biết trước rằng sẽ được bầu, hả hê vì được tham gia vào toàn bộ tiến trình kể từ lúc lập danh sách ứng viên, các đại biểu, dù có muốn cũng không có sức lực và dũng khí để có thể tranh luận. Hơn nữa họ được uỷ quyền không phải bởi cử tri cho nên họ cũng không phải chịu trách nhiệm với cử tri. Họ chỉ có mỗi một quyền là thỉnh thoảng lại ủng hộ một trăm phần trăm những quyết định đã được giải quyết sau hậu trường. Hệ thống cũng cần chính một quốc hội như thế, cho nên nếu có trách thì chỉ trách là nó quá tốn kém và vô tích sự.

7.

Nhà nước cộng sản được xây dựng trên cơ sở bạo lực và đàn áp, luôn luôn xung đột với nhân dân, cho nên ngay cả khi không có tác nhân bên ngoài, nó vẫn là một bộ máy nhà nước quân phiệt. Không ở đâu sự tôn sùng sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự, lại được đề cao như trong các nước cộng sản. Chủ nghĩa quân phiệt là nhu cầu nội tại của giai cấp mới, là một trong những hình thức tồn tại của nó và đồng thời cũng là tác nhân củng cố đặc quyền đặc lợi của nó.

Là một tổ chức mang tính bạo lực, và khi cần thì chỉ thực hiện vai trò bạo lực, nhà nước cộng sản ngay từ đầu đã là một nhà nước quan liêu. Hoàn toàn phụ thuộc vào một nhóm nhỏ những kẻ cầm quyền chóp bu, cơ quan nhà nước, không ở đâu bằng chế độ cộng sản, tràn ngập đủ các thứ văn bản pháp qui. Ngay từ khi vừa xuất hiện nó, đã lập tức tạo ra một khối lượng văn bản pháp qui nhiều đến nỗi các luật sư và quan toà bị ngập lụt. Ngay những việc tầm phào nhất cũng phải được phê duyệt, mặc dù trên thực tế chẳng có ý nghĩa gì. “Tác phẩm” của các nhà làm luật cộng sản thường có động cơ chính trị và vì vậy mà bỏ qua hiện thực của đời sống. Chìm trong những công thức pháp lí “xã hội chủ nghĩa” trừu tượng, lại không bị các lực lượng đối lập phê phán, họ đã “nhốt” cuộc sống sinh động vào những điều khoản cứng nhắc. Và tất cả đều được quốc hội thông qua.

Nhưng chủ nghĩa quan liêu cộng sản lại không hề ảnh hưởng đến nhu cầu và cách thức làm việc của các lãnh tụ cộng sản. Giới cầm quyền chóp bu của nhà nước, cũng là của đảng, ít khi chịu tự giới hạn bởi các nguyên tắc. Trong tay nó là chính sách, là các quyết định mang tính chính trị, không thể chờ đợi và không chịu bất kì giới hạn nào. Chính những người sáng lập ra bộ máy quan liêu nhất và tập trung nhất lại không phải là những người quan liêu hoặc chịu tự giới hạn bởi các tiêu chuẩn pháp lí nào. Stalin không quan liêu. Tito cũng thế. Vì vậy các văn phòng của các lãnh tụ cộng sản thường rất lộn xộn và cẩu thả.

Điều đó cũng không ngăn cản các “ông chủ” thỉnh thoảng lại tổ chức các phong trào “đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu” nghĩa là chống lại sự cẩu thả và chậm trễ của bộ máy hành chính. Nhưng đây không phải là ý định loại bỏ chủ nghĩa quan liêu thực sự đã ăn sâu, bén rẽ vào xã hội mà bản chất của nó là sự phụ thuộc toàn diện của đời sống xã hội vào bộ máy chính trị.

Các lãnh tụ cộng sản thường nhắc đến Lenin khi tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.

Nhưng nếu nghiên cứu kĩ Lenin thì ta sẽ thấy ông không thể nào tiên đoán được rằng bộ máy quan liêu sẽ nuốt chửng hệ thống mới. Khi chạm trán với sự quan liêu, một phần là sản phẩm của chế độ do Sa Hoàng để lại, ông cho rằng tai hoạ là do “không có bộ máy gương mẫu gồm toàn những người cộng sản hoặc những người đã học qua trường đảng”[3]. Dưới thời Stalin, những quan chức cũ đã không còn, chỉ còn “toàn” đảng viên cộng sản nhưng tệ quan liêu thì lại tăng lên. Ngay ở Nam Tư, nơi tệ quan liêu có ít hơn, nhưng bản chất của nó, nghĩa là sự độc quyền chính trị và các quan hệ do độc quyền này tạo ra thì vẫn vững như bàn thạch.

Nhà nước cộng sản, đúng hơn phải nói chính quyền, tìm mọi các để phi cá tính hoá không những từng người mà còn toàn thể dân tộc, thậm chí phi cá tính hoá ngay chính những người bảo vệ chế độ. Người ta định biến cả dân tộc thành một nòi quan chức. Tiền lương, diện tích nhà ở và nói chung, tất cả nhu cầu về vật chất như tiền lương, nhà ở và thậm chí hoạt động tinh thần đều được phân phối, đều bị kiểm soát một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự phân biệt không chỉ theo tiêu chuẩn là viên chức hay không (tất cả đều là viên chức) mà theo mức lương và đủ mọi loại ưu tiên ưu đãi khác. Sau khi tập thể hoá thì ngay tầng lớp nông dân cũng ngày càng bị lôi kéo vào tổng liên đoàn những kẻ quan liêu.

Nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Trong hệ thống cộng sản, các nhóm xã hội được phân chia một cách cực kì rạch ròi. Nhưng mặc dù có những mâu thuẫn và khác biệt như thế xã hội cộng sản vẫn là xã hội cố kết hơn bất kì xã hội nào khác. Điểm yếu của sự cố kết này chính là tính chất cưỡng chế và mâu thuẫn của nó. Nhưng tất cả các bộ phận của nó lại phụ thuộc lẫn nhau, không khác gì các chi tiết của một cỗ máy khổng lồ.

Giống như mọi chế độ chuyên chế khác, chính quyền cộng sản coi cá nhân chỉ như là một đơn vị trừu tượng. Trong chế độ chuyên chế, những người thuộc phái trọng thương đã đẩy nền kinh tế vào sự bảo trợ hoàn toàn của nhà nước, còn chính nhà vua (thí dụ Ekaterina) thì cho rằng nhà nước có trách nhiệm cải tạo các thần dân của mình. Các lãnh tụ cộng sản cũng tư duy theo cách ấy. Nhưng dưới chế độ chuyên chế, chính quyền chỉ cải tạo về tư tưởng các chủ sở hữu, còn bây giờ, trong chế độ cộng sản, chính quyền vừa là chủ sở hữu vừa là nhà tư tưởng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cá tính đã biến mất, hay con người đã trở thành một chiếc đinh ốc vô hồn di chuyển theo quyết định của một mụ phù thuỷ toàn năng trong lòng của bộ máy to lớn nhưng vô hồn của nhà nước. Con người vừa có xu hướng tập quần, vừa có xu hướng cá nhân cho nên ngay cả trong hệ thống này nó vẫn tìm mọi cách bảo vệ cá tính mình. Chưa bao giờ cá tính con người lại bị đè nén đến như thế cho nên nó phải thể hiện bằng những cách khác.

Thế giới của cá nhân đã trở thành thế giới của những lo toan thường nhật, không có tương lai nào. Nhưng những lo toan thường nhật đó cũng luôn luôn đụng độ với hệ thống, một hệ thống muốn đè bẹp tất cả nhu cầu vật chất và tinh thần của con người nên ngay cái thế giới nhỏ bé đó của cá nhân cũng không được tự do, không được bảo vệ. Trong chế độ cộng sản, cá nhân buộc phải học được cách sống mà không có bất kì sự đảm bảo nào. Nếu nó chịu khuất phục thì nhà nước sẽ để cho nó lay lắt qua ngày. Nó luôn bị giằng xé giữa ước muốn và khả năng. Nó phải phục tùng quyền lợi tập thể, nhưng cũng như trong mọi hệ thống khác nó luôn luôn chống đối các đại diện độc đoán của tập thể. Đa số công dân của chế độ cộng sản không chống lại chủ nghĩa xã hội, nhưng họ bất bình cách thực hiện, thực ra những người cộng sản đâu có xây dựng chủ nghĩa xã hội cho nên từng thần dân của họ phải bất bình với những hạn chế không phải vì quyền lợi của toàn xã hội mà chỉ nhân danh quyền lợi của nhóm đương quyền.

Những người thuộc các hệ thống khác không thể nào hiểu được vì sao các dân tộc dũng cảm và đầy tự hào lại có thể chấp nhận để người ta tước đoạt tự do tư tưởng và tự do lao động kiếm sống. Cách giải thích khá chính xác và đơn giản: bộ máy đàn áp dã man và bao trùm lên tất cả. Nhưng còn có những nguyên nhân khách quan sâu sắc hơn.

Một trong những nguyên nhân đó, nguyên nhân lịch sử, đã được chúng tôi nói tới: khao khát cải tạo nền kinh tế đã buộc nhân dân phải chấp nhận mất tự do.

Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân trí dục và đức dục. Ước mơ chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản, ước mơ đạt được mức sống lí tưởng, niềm hi vọng, sự phấn khích có thể nói sánh ngang với niềm phấn khích tôn giáo không chỉ đối với những người cộng sản mà cho cả một bộ phận dân chúng nữa. Trong quan niệm của đa số người không thuộc các giai cấp cũ thì việc vùng dậy có tổ chức nhằm chống lại chính quyền, chống lại đảng đồng nghĩa với sự phản bội tổ quốc, phản bội những lí tưởng cao đẹp nhất.

Phong trào đối lập có tổ chức không thể xuất hiện trong các chế độ cộng sản dĩ nhiên là do tính chất bao trùm, tính chất toàn trị của các nhà nước đó. Tính chất toàn trị thâm nhập vào mọi tế bào của xã hội, vào từng cá nhân, vào những công trình nghiên cứu của các nhà bác học, vào cảm hứng của các thi sĩ, vào ước mơ của các đôi tình nhân. Chống lại nó không chỉ có nghĩa là tự đưa mình đến giá treo cổ mà còn chuốc lấy sự khinh bỉ và né tránh. Không một chút ánh sáng nào, không một chút khí trời nào có thể lọt vào được dưới gót sắt của nó.

Cả hai phong trào đối lập, sinh ra từ các giai cấp cũ và xuất hiện ngay trong lòng chế độ cộng sản đều không có khả năng tạo ra được đường lối đấu tranh. Đại diện của phong trào thứ nhất sẽ biến mất, còn đại diện của phong trào thứ hai thì quay ra phê phán chế độ bằng những thuật ngữ giáo điều vô nghĩa lí. Điều kiện cho những con đường mới chưa xuất hiện.

Bên cạnh đó, nhân dân, bằng bản năng của mình, đã phát hiện ra các phương pháp khác, họ luôn phản kháng, ngay cả chỉ vì những tiểu tiết. Phong trào phản kháng này chính là mối đe doạ cụ thể nhất, lớn nhất đối với chế độ. Các lãnh tụ cộng sản không biết nhân dân đang nghĩ gì, muốn gì. Biết rằng lòng dân không yên, họ không thể tự tin như xưa nữa.

Nếu lịch sử chưa từng thấy một hệ thống nào có thể vô hiệu hoá những người chống đối như chế độ chuyên chính vô sản thì nó cũng chưa từng thấy một trật tự xã hội nào lại bị người dân chối bỏ đến như thế. Có vẻ như lương tâm càng bị cầm tù và khả năng cho những hành động có tổ chức càng bị giới, hạn quần chúng càng thêm ta thán, oán ghét.

Toàn trị cộng sản đưa tới oán cừu toàn diện, mọi tình cảm của con người đều bị nung cháy trong ngọn lửa oán hận đó, chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng và lòng hận thù.

Sự chống đối một cách tự phát, từng ngày từng giờ, bùng lên vì những “việc vặt” của hàng triệu người là hình thức phản kháng mà cộng sản không thể nào dập tắt được. Có thể thấy điều đó ngay trong cuộc chiến tranh Xô-Đức. Có cơ sở để tin rằng tinh thần chiến đấu của người Nga không phải đã cao đến thế ngay khi quân Đức tràn vào Liên Xô. Nhưng Hitler đã để lộ mục đích: tiêu diệt nhà nước Nga và biến tất cả người Slav thành nô lệ. Chỉ khi đó lòng yêu nước sâu xa không gì dập tắt được mới bùng dậy. Trong suốt cuộc chiến tranh, Stalin không một lần nào nhắc tới chính quyền Xô Viết hay chủ nghĩa xã hội, ông ta chỉ dùng danh từ Tổ quốc. Người ta sẵn sàng chết vì tổ quốc ngay cả khi bên cạnh đó là chủ nghĩa xã hội của Stalin.

8.

Các chế độ cộng sản đã giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề dân tộc, mà những chế độ trước đó phải bó tay. Nhưng họ không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề dân tộc. Vấn đề này đã tái xuất hiện, dưới hình thức mới và nghiêm trọng hơn.

Bá quyền dân tộc ở Liên Xô đã được thiết lập thể hiện qua bộ máy quan liêu có nhiều cành nhánh và thông qua những đại diện của dân tộc được coi là hiện thân của chế độ. Nhưng ở Nam Tư, đã xảy ra những cuộc tranh cãi vì mâu thuẫn giữa những bộ máy quan liêu của các dân tộc khác nhau. Nhưng trong cả hai trường hợp, đây không phải là mâu thuẫn dân tộc theo nghĩa cũ. Cộng sản vốn không phải là những người dân tộc chủ nghĩa, đối với họ, chủ nghĩa dân tộc chỉ là một trong những biện pháp nhằm củng cố sức mạnh mà thôi. Khi cần, họ có thể trở thành những người sô-vanh cực đoan nhất. Stalin, một người Georgia, nhưng trong thực tế và tuyên truyền, khi cần ông ta có thể trở thành một người Đại Nga điên cuồng nhất. Ngay cả Khrushchev cũng phải công nhận rằng một trong những sai lầm của Stalin là ông ta đã tiêu diệt toàn bộ một số sắc dân. Stalin và phe nhóm của ông ta đã lợi dụng thành kiến dân tộc của người Nga – dân tộc lớn nhất – như thể đấy là những người Hottentot[4] vậy. Các lãnh tụ cộng sản sẽ luôn luôn tìm cách sử dụng tất cả những biện pháp mà họ cho là có lợi, kể cả giáo lí về quyền bình đẳng giữa bộ náy quan liêu của những dân tộc khác nhau, mà theo họ là tương đồng với quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Nhưng quyền lợi dân tộc và tình cảm dân tộc không phải là nền tảng của xung đột giữa các bộ máy quan liêu của các dân tộc trong trong chế độ cộng sản. Có thể có một chút gì đó, nhưng nguyên nhân chính nằm ở chỗ khác: quyền uy tối thượng trong khu vực của mình, trong khu vực mình cai quản. Cuộc đấu tranh vì uy tín và quyền lực của nước cộng hòa “của mình” thường không vượt quá ước mong củng cố quyền lực của chính mình. Các đơn vị nhà nước cộng sản cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn là khu vực quản lí lấy ngôn ngữ làm cơ sở. Các quan chức cộng sản là những nhà yêu nước nhiệt thành đơn vị nắm dưới quyền cai quản của mình, ngay cả khi những khu vực đó không được chia theo ngôn ngữ hay chủng tộc. Trong một số đơn vị hành chính ở Nam Tư (hội đồng khu vực), tinh thần sô-vanh còn cao hơn cả chính phủ các nước cộng hòa.

Ở một số đảng viên cộng sản người ta có thể thấy cả chủ nghĩa sô-vanh thiển cận lẫn sự suy thoái về ý thức dân tộc. Tất cả phụ thuộc vào cơ hội và nhu cầu.

Khó có thể gọi ngôn ngữ mà cộng sản dùng là ngôn ngữ của chính người dân nước họ. Vẫn là những từ ngữ đó, nhưng câu cú, khái niệm và ý tứ bên trong – tất cả đều có tính đặc thù, tính cộng sản.

Là những người có thái độ nghi ngờ với những hệ thống khác và trung thành tuyệt đối với hệ thống của mình, người đảng viên cộng sản có thể trở thành những người quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành, đấy là nói khi quyền lợi của họ đòi hỏi như thế.

Những dân tộc khác nhau, có thời từng là những dân tộc độc đáo, có lịch sử và những kì vọng riêng của mình thì nay đã trở thành những dân tộc bất động, thiếu sinh khí và chán nản, bị đè bẹp dưới gót giày của những ông trùm đầy quyền lực, biết tuốt – thực chất là những kẻ chẳng thuộc về dân tộc nào. Cộng sản không thể khuyến khích được tinh thần dân tộc. Theo nghĩa này, họ không giải quyết được vấn đề dân tộc. Hiện nay ai còn biết tên các nhà văn hay chính khách người Ukraine? Cái dân tộc lớn bằng Pháp và có thời từng là dân tộc tiến bộ nhất của nước Nga đã gặp chuyện gì vậy? Có cảm tưởng bên dưới bộ máy đàn áp phi cá tính đó, đấy chỉ còn là một đám đông chẳng có hình dạng gì.

Nhưng không phải thế.

Cá tính của con người, các giai cấp xã hội và ý tưởng tiếp tục sống, các dân tộc thì cũng thế; các dân tộc tiếp tục hoạt động, tiếp tục đấu tranh chống lại chế độ độc tài. Và tiếp tục giữ được bản sắc riêng của mình. Vâng, tinh thần và linh hồn của dân tộc đã bị đàn áp, nhưng không bị bẻ gẫy. Bị khuất phục, nhưng họ không đầu hàng. Không phải là chủ nghĩa dân tộc xưa cũ, chủ nghĩa dân tộc tư sản mà là ước muốn được là chính mình, và bằng con đường phát triển riêng của mình mà trở thành thành viên bình đẳng trong cộng đồng nhân loại đang khuyến khích họ.

Giáo điều trong kinh tế

1.

Trong chế độ cộng sản, quá trình phát triển kinh tế không chỉ là cơ sở mà còn là tấm gương phản chiếu con đường chuyển hoá của chế độ từ chuyên chính cách mạng sang chuyên chế phản động. Quá trình phát triển đầy chông gai và mâu thuẫn đó cho ta thấy đồng thời nhu cầu can thiệp của nhà nước vào kinh tế trong những giai đoạn đầu và dần dần biến thành chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những quan chức nắm quyền. Ban đầu, nhà nước giành tất cả các phương tiện sản xuất: viện cớ là cần đầu tư cho quá trình công nghiệp hoá; và kết quả là sự phát triển kinh tế được quản lí phù hợp với quyền lợi của giai cấp cầm quyền.

Từ xưa đến nay, tất cả những người hữu sản đều làm như thế, họ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà thôi. Nhưng giai cấp mới khác với các chủ sở hữu cũ ở chỗ họ nắm trong tay tất cả tài nguyên của đất nước, sức mạnh kinh tế được họ tăng cường một cách tự giác hơn và có tổ chức hơn. Tính tổ chức được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị, kinh tế và các tổ chức khác cũng đã được các giai cấp cũ áp dụng. Nhưng vì trong các hình thái kinh tế trước đây giai cấp hữu sản là rất nhiều cá nhân riêng lẻ cũng như tồn tại những hình thức sở hữu cạnh tranh với nhau, cho nên trong điều kiện bình thường nền kinh tế phát triển một cách tự phát.

Nền kinh tế cộng sản cũng không tránh được điều đó, mặc dù khác với các nền kinh tế kia, loại bỏ tính tự phát được coi là một trong các nhiệm vụ đầu tiên của nó.

Cách làm đó dựa trên cơ sở lí luận như sau: các lãnh tụ cộng sản tin tưởng rằng họ nắm được các qui luật kinh tế và có thể quản lí sản xuất trên cơ sở những qui luật đó. Nhưng sự thật lại không phải như thế, sự thật là: họ đã chiếm được nền kinh tế và cũng giống như họ đã giành được thắng lợi của cách mạng, một lần nữa điều đó tạo cho họ ảo tưởng rằng dường như tất cả mọi chuyện xảy ra đều là kết quả của phương pháp khoa học tuyệt vời của họ.

Tin vào sự đúng đắn của các lí thuyết của mình, họ đã áp dụng ngay những lí thuyết ấy vào quản lí kinh tế. Đầu tiên, những người cộng sản so sánh những biện pháp kinh tế của mình với các luận điểm của Marx và sau đó thì đem áp dụng. Ở Nam Tư, người ta từng tuyên bố rằng kế hoạch hoá là theo Marx, mặc dù Marx không những không phải là một nhân viên kế hoạch và nói chung ông hoàn toàn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng điều quan trọng là lương tâm của các lãnh tụ vẫn trong sáng, và điều quan trọng hơn là sự đàn áp và bóc lột được biện hộ bằng những “mục đích cao cả” và có “cơ sở khoa học”.

Hệ thống cộng sản không thể tránh khỏi các giáo điều trong kinh tế. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng người ta làm kinh tế theo đúng các quan điểm giáo điều vốn là đặc trưng chủ yếu của hệ thống kinh tế cộng sản, đúng ra đó là một căn bệnh mãn tính. Chính trong kinh tế chứ không ở đâu khác, các lãnh tụ cộng sản đã thể hiện sự khéo léo cực kì trong việc “áp dụng” lí thuyết cho những nhu cầu của mình và nếu cần thì lờ luôn lí thuyết đi.

Ban lãnh đạo cộng sản buộc phải tiến hành công nghiệp hoá nhanh chóng là do nhu cầu lịch sử như đã nói ở trên, nhưng bên cạnh, họ còn phải xây dựng nền kinh tế bảo đảm cho sự tồn vong của chính mình. Dường như để xây dựng xã hội phi giai cấp và thủ tiêu quan hệ người bóc lột người mà nó đã dựng lên hệ thống quản lí kinh tế khép kín, dựng lên hình thức sở hữu do nó độc quyền thống trị. Ban đầu chính các nguyên nhân khách quan đã buộc những người cộng sản phải lựa chọn hình thức sở hữu tập thể. Nhưng bây giờ, họ tiếp tục củng cố hình thức sỡ hữu này (không cần biết có phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hoá hay không) vì mục đích của chính họ, vì quyền lợi riêng của giai cấp cộng sản. Ban đầu, người ta đã tiếm đoạt quyền điều khiển nền kinh tế vì lí tưởng, nhưng sau đó họ tiếp tục làm thế nhằm nắm giữ toàn bộ sở hữu và quyền thống trị, đấy chính là thực chất của các biện pháp chính trị đã được tiến hành có lớp lang và rộng khắp; đấy chính là thực chất các biện pháp quản lí kinh tế không phải do nhu cầu của nền kinh tế, cũng không phải do nhu cầu của quốc gia mà hoàn toàn tuân theo các nhu cầu chính trị ích kỉ của tầng lớp nắm quyền.

Trong lần trả lời phỏng vấn hồi năm 1956, Tito đã phải công nhận rằng các nền kinh tế phương Tây cũng hàm chứa các “thành tố xã hội chủ nghĩa”, nhưng thiếu cái gọi là “tính tự giác”. Đấy là toàn bộ ý tưởng cộng sản: vì “tự giác” xây dựng chủ nghĩa xã hội trong nước mà những người cộng sản buộc phải chuyên quyền, phải giữ độc quyền sở hữu tài sản.

Việc những người cộng sản gán cho “tính tự giác” trong các tiến trình phát triển kinh tế và xã hội một ý nghĩa to lớn đã cho ta thấy bản chất bạo lực và khát vọng chiếm hữu của họ. Nếu không thế thì họ nhấn mạnh nhân tố này để làm gì?

Việc người cộng sản kiên quyết phủ nhận tất cả các hình thức sở hữu khác ngoài hình thức mà họ cho là xã hội chủ nghĩa trước hết nói lên sự hám quyền và lòng tham vô đáy của họ. Nhưng họ sẵn sàng từ bỏ thái độ như thế nếu nó không đáp ứng quyền lợi, họ coi lí thuyết của mình chẳng khác gì một cái giẻ lau có thể xài hoặc quẳng đi bất cứ lúc nào. Thí dụ, ở Nam Tư người ta đã thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, nhưng sau đó lại giải tán (vì sự trong sáng của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội) và hiện nay quan niệm về vấn đề này rất mù mờ. Những thí dụ tương tự như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các nước cộng sản khác. Nhưng xu hướng tiêu diệt tất cả các hình thức sở hữu, trừ hình thức do họ dựng lên vẫn là mục đích bất di bất dịch của những người cộng sản.

Mỗi chính sách kinh tế đều thể hiện quyền lực đối với những lực lượng kinh tế nhất định và là ước muốn quản lí các lực lượng này. Ngay những người cộng sản cũng không thể đặt được quyền thống trị tuyệt đối đối với quá trình sản xuất. Nhưng họ thường xuyên áp bức, luôn luôn buộc nó phải tuân thủ những mục đích chính trị và tư tưởng của mình. Đấy là khác biệt của họ với tất cả những đường lối khác.

2.

Tính chất toàn trị của sở hữu cũng như hệ tư tưởng thường đóng vai trò quyết định trong chính sách kinh tế còn do vị trí đặc biệt của người sản xuất trong chế độ cộng sản nữa. Ở Liên Xô, quyền tự do lao động đã bị hạn chế ngay sau cách mạng. Nó đã không bị bãi bỏ hoàn toàn ngay cả khi nhu cầu công nghiệp hoá là rất cao. Điều đó chỉ xảy ra sau khi cuộc cách mạng công nghiệp đã hoàn thành, cũng như vị trí của giai cấp mới đã được củng cố. Luật pháp qui định mọi người đều phải làm việc theo sự phân công của “tổ chức” được áp đặt vào năm 1940. Trong giai đoạn này cũng như sau Thế chiến II đã xuất hiện các trại lao động, thực chất là một hình thức bóc lột nô lệ. Ngoài ra, lao động trong các nhà máy và lao động khổ sai gần như không còn sự cách biệt nào.

Các trại lao động và những hình thức lao động “tình nguyện” khác chính là những hình thức lao động khổ sai nặng nề nhất. Các trại lao động hoặc phong trào tình nguyện có thể chỉ mang tính giai đoạn nhưng lao động bắt buộc là hiện tượng cố hữu ở Liên Xô.

Mặc dù trong các nước cộng sản khác, lao động bắt buộc không đạt đến mức như vậy nhưng hoàn toàn tự do lao động thì cũng không nước nào có cả.

Lao động bắt buộc trong các chế độ cộng sản là hậu quả của việc chiếm hữu tất cả hay hầu như tất cả các nguồn lực quốc gia. Người lao động bị đặt trước một sự kiện là sức lao động, cũng là hàng hoá duy nhất của anh ta, phải được bán cho chỉ duy nhất một người, theo những điều kiện bất khả tương nhượng vì không còn người mua nào khác. Nếu chỉ có một người mua là nhà nước thì người công nhân chỉ còn một cách là chấp nhận mọi điều kiện nếu không muốn chết đói. Thị trường sức lao động xấu xa, bỉ ổi của giai đoạn tiền tư bản đã bị quan hệ sở hữu độc quyền của giai cấp mới tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng người lao động thì không vì thế mà được tự do hơn.

Người lao động trong chế độ cộng sản (kể cả ở các trại lao động khổ sai) không phải là người nô lệ thời cổ đại, họ không bị coi là một loại đồ vật. Ngay Aristotle, một nhà tư tưởng vĩ đại thời đó, cũng cho rằng một số người được sinh ra là người tự do, còn số khác là nô lệ. Dù luôn kêu gọi cải tạo hệ thống chiếm nô và đối sử nhân đạo với nô lệ, ông cũng chỉ coi nô lệ như một loại công cụ sản xuất mà thôi. Không thể nào đối xử với một người công nhân hiện đại có kiến thức khoa học kĩ thuật và tay nghề như vậy được. Lao động bắt buộc trong chế độ cộng sản khác với thời cổ đại và cũng khác với mọi thời đại khác. Nó không liên quan (hoặc rất ít liên quan) với trình độ kĩ thuật mà là kết quả của một chính sách và quan hệ sở hữu nhất định.

Trong khi đó trình độ kĩ thuật hiện đại lại cần những người công nhân tự do cho nên anh ta luôn luôn mâu thuẫn, khi thăng khi giáng, với chế độ lao động bắt buộc, với độc quyền sở hữu và chế độ chính trị toàn trị cộng sản.

Về mặt hình thức, người công nhân trong chế độ cộng sản là người tự do, nhưng mức độ tự do của anh ta vô cùng hạn chế. Nói chung, về mặt hình thức, chế độ cộng sản không hạn chế tự do. Nó làm điều đó trên thực tế. Lao động và sức lao động cũng chịu cảnh tương tự.

Trong một xã hội, khi mà tất cả tài sản đều nằm trong tay một nhóm người thì sức lao động không thể có tự do. Nó cũng là một loại tài sản gián tiếp của nhóm đó mà thôi. Dĩ nhiên là nhóm cầm quyền không thể sở hữu một trăm phần trăm sức lao động của con người vì mỗi người lao động là một cá thể, mỗi người sử dụng một phần sức lao động của mình. Nhưng đến lượt nó, sức lao động (nhìn một cách trừu tượng và toàn diện) lại là một nhân tố của toàn bộ nền sản xuất xã hội. Giai cấp cầm quyền mới đối xử với sức lao động cũng như họ đối xử với tất cả các nguồn lực quốc gia và các phương tiện sản xuất khác mà không cần tính đến yếu tố con người.

Vì vậy nhà nước, đúng hơn phải nói bộ máy đảng, có thể giữ độc quyền ấn định điều kiện lao động, quyết định mức lương và những vấn đề liên quan khác. Nắm giữ độc quyền tài sản, thực thi chuyên chế trong lĩnh vực chính trị, bộ máy đảng nắm giữ luôn quyền quyết định điều kiện làm việc của người lao động[5].

Như vậy là, đối với bộ máy quan liêu chỉ có khái niệm sức lao động trừu tượng, chỉ có những người công nhân như là một nhân tố của quá trình sản xuất. Điều kiện làm việc trong từng nhà máy, trên từng công trường, trong từng lĩnh vực cụ thể, việc gắn tiền lương với lợi nhuận của xí nghiệp, đối với bộ máy quan liêu, tất cả những điều đó đều không tồn tại và không thể tồn tại được. Khi toàn bộ sở hữu đã nằm trong tay của một nhóm người thì kết quả và ý nghĩa của nền sản xuất cũng trở thành vô giá trị đối với ngay chủ nhân của nó. Tiền lương và điều kiện lao động cũng như sức lao động trở thành những khái niệm trừu tượng, vô hồn, chỉ là các định mức và hệ số mà thôi. Kết quả hoạt động của từng xí nghiệp hoặc lĩnh vực không có hoặc có rất ít ý nghĩa đối với thu nhập của người lao động. Đấy là nói chung, tuỳ vào điều kiện và nhu cầu, dĩ nhiên là có những trường hợp ngoại lệ. Cách đặt vấn đề như thế nhất định sẽ dẫn tới sự bàng quan của người lao động và cuối cùng là dẫn đến chất lượng kém, lãng phí tài nguyên. Cộng sản luôn luôn kêu gọi nâng cao năng suất lao động nhưng họ đã bỏ qua không thèm nghĩ đến việc sử dụng có hiệu quả sức lao động nói chung.

Trong tình hình như thế cần phải có rất nhiều biện pháp khen thưởng. Người lao động bàng quan được động viên bằng mọi cách. Nhưng nếu không thay đổi toàn bộ hệ thống, nếu vẫn nắm giữ toàn bộ tài sản và quyền lực, cộng sản không thể tạo được sự quan tâm thường trực của từng người công nhân và của tất cả người lao động đối với kết quả sản xuất nói chung.

Ngay những cố gắng nghiêm túc nhằm chia cho công nhân một phần lợi tức, như ở Nam Tư và các nước Đông Âu khác, cũng đã kết thúc, bị bộ máy quan liêu chiếm đoạt, lấy cớ là do lạm phát và để đầu tư cơ bản. Người lao động chỉ được nhận một phần mang tính tượng trưng và quyền được phân phối số tiền nhỏ nhoi đó thông qua các tổ chức đảng hoặc công đoàn mà thực chất vẫn là thông qua bộ máy quan liêu đó. Không được quyền đình công cũng như quyền sở hữu, người công nhân không được nhận và không được tham gia vào việc phân chia lợi nhuận. Tất cả những quyền này liên quan mật thiết với nhau, cũng như liên quan mật thiết với tự do chính trị, không thể có cái này mà thiếu cái kia được.

Trong hệ thống như thế không thể tồn tại tổ chức công đoàn độc lập, còn các cuộc đình công là những hiện tượng cực kì đặc biệt, là biện pháp chẳng đặng đừng, là sự bùng nổ của sự bất bình của quần chúng lao động (Đông Đức năm 1953, Poznan – Ba Lan năm 1956)

Cộng sản giải thích việc không được tự do bãi công như sau: giai cấp công nhân nắm chính quyền và thực hiện quyền làm chủ thông qua nhà nước, bãi công thì hoá ra tự chống lại mình à! Quá trẻ con, dĩ nhiên rồi. Người ta lấy cớ là không có tư hữu, nhưng thực tế là người chủ sở hữu thật sự đã khoác lên mình một cái mặt nạ tập thể và không được xác định một cách chính thức.

Lí do chính của việc không được bãi công là chủ sở hữu, dù khoác nhiều bộ mặt, vẫn chỉ là một chủ thể duy nhất, nắm toàn bộ tài nguyên mà chủ yếu là nắm sức lao động cho nên mọi hành động chống lại nó, nếu không mang tính toàn diện, đều rất khó thực hiện. Bãi công trong một hoặc một vài xí nghiệp, đấy là giả sử chế độ toàn trị cho phép, cũng không tạo ra một mối nguy nào cho chủ sở hữu vì tài sản của nó không nằm trong một xí nghiệp cụ thể mà là toàn bộ nền sản xuất nói chung. Mất một vài xí nghiệp không phải là vấn đề, hơn nữa chính người sản xuất nghĩa là toàn bộ xã hội sẽ phải làm bù. Như vậy là đối với cộng sản, đình công, nếu có, cũng chỉ là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề kinh tế.

Những cuộc đình công lẻ tẻ trên thực tế là không tổ chức được và cũng không có ý nghĩa, điều kiện chính trị lại không cho phép tổng đình công. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt đã từng xảy ra đình công. Các cuộc đình công lẻ tẻ thường biến thành tổng đình công và mang ý nghĩa chính trị. Ngoài ra, chế độ cộng sản còn tiến hành đấu tranh chống lại các biểu hiện bất mãn, chia rẽ phong trào công nhân bằng cách thăng tiến cho các cán bộ từ chính công nhân. Những cán bộ này sẽ thực thi việc “giáo dục”, “rèn luyện tư tưởng” và “hướng dẫn” quần chúng.

Các tổ chức công đoàn và các tổ chức nghề nghiệp khác thực chất chỉ là những người giúp việc bộ máy đương quyền, và cũng là ông chủ duy nhất của tất cả mọi loại tài sản. Điều đó quyết định các xu hướng chủ yếu trong hoạt động của các tổ chức này: thúc đẩy việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội” nghĩa là nâng cao năng suất lao động, cũng như tuyên truyền ảo tưởng và lòng trung thành trong giai cấp công nhân. Nâng cao trình độ văn hoá của công nhân có thể coi là điểm tích cực duy nhất của các tổ chức này.

Không phải ngẫu nhiên mà công nhân luôn luôn là mối quan tâm lớn nhất của chế độ, nhưng đây không phải là vấn đề tư tưởng hay nhân đạo hoặc các vấn đề nào khác tương tự, mà chỉ bởi vì công nhân chính là người sản xuất ra của cải vật chất, sự thịnh suy, thậm chí tồn vong của giai cấp mới phụ thuộc trực tiếp vào họ.

3.

Dù lao động mang tính nô lệ, dù không có các tổ chức công đoàn độc lập, việc bóc lột trong chế độ cộng sản cũng có một giới hạn nhất định. Đây là vấn đề rất lớn, chỉ xin khảo sát những điểm quan trọng nhất.

Bên cạnh lí do chính trị, thí dụ nỗi sợ trước sự bất bình của quần chúng, người ta vẫn phải xác định các giới hạn bóc lột: những hình thức và mức độ bóc lột có thể đe doạ sự tồn vong của chế độ trước sau gì cũng bị huỷ bỏ hoặc hạn chế.

Thí dụ ngày 25 tháng 4 năm 1956 Liên Xô đã ra nghị định bãi bỏ việc truy tố người có hành vi đi muộn về sớm. Các trại lao động, nơi con người bị đối xử không khác gì tội phạm và là một hình thức bóc lột lao động nô lệ rẻ tiền, đã dần dần bị bãi bỏ. Sức lao động không phải nhờ thế mà thành tự do hơn, nhưng dù sao đây cũng một bước thay đổi tích cực to lớn sau cái chết của Stalin.

Lao động nô lệ cưỡng bách không chỉ tạo cho chế độ nhiều khó khăn về mặt chính trị mà còn vô cùng tốn kém. Sau khi Liên Xô có những máy móc phức tạp thì lao động cưỡng bách trở thành gánh nặng. Dù chi phí cho một người lao động cưỡng bách là không đáng kể, nhưng bộ máy hành chính để quản lí anh ta lại quá cồng kềnh, lao động của người đó trở thành vô giá trị và vì thế mà bị xoá bỏ. Nền sản xuất hiện đại cũng đặt ra những giới hạn cho sự bóc lột: người lao động kiệt sức không thể tạo ra sản phẩm có chất lượng trên những máy móc hiện đại. Tương tự như vậy, nếu muốn có sản phẩm người ta phải đáp ứng cả các yêu cầu về văn hoá, y tế, vệ sinh…

Trong chế độ cộng sản, bên cạnh việc bóc lột, do bản chất quyền lực và sở hữu, sức lao động còn bị hạn chế tự do. Khi chưa có sự thay đổi về quyền lực và sở hữu thì sức lao động không thể nào có tự do, dù ít dù nhiều, nó vẫn nằm dưới sự áp chế về kinh tế hoặc hành chính.

Đồng thời, do nhu cầu của sản xuất, chế độ cộng sản có thể tiến hành thay đổi điều kiện lao động, thay đổi vị trí của người công nhân bằng những biện pháp mạnh như: thời gian lao động, quyền nghỉ ngơi, học hành, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động nữ, lao động trẻ em. Nhiều biện pháp sẽ nằm trên giấy, nhưng đôi khi cũng sẽ có những biến đổi tích cực.

Xu hướng cải thiện quan hệ sản xuất, hướng đến sự ổn định và trật tự trong sản xuất là công việc thường xuyên của các chính quyền cộng sản. Người chủ sở hựu tập thể duy nhất giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Hình thức sở hữu không chấp nhận “vô chính phủ” trong lĩnh vực này. Sức lao động cũng như mọi thành tố khác của quá trình sản xuất phải “luôn ổn định”. Quyền lợi sống còn của người lao động chỉ đóng vai trò thứ yếu[6].

Nếu xem xét kĩ thì ta thấy việc người ta vẫn tuyên truyền rằng trong chế độ cộng sản mọi người đều có việc làm cũng chứa đựng nhiều khiếm khuyết. Ngay khi toàn bộ tài sản vật chất được tập trung vào tay chỉ một nhóm người thì lập tức xuất hiện nhu cầu kể hoạch hoá, kể cả nhu cầu về sức lao động. Các đòi hỏi về chính trị nhất định sẽ dẫn đến việc một số lĩnh vực bị lạc hậu và sống bám vào những lĩnh vực khác. Thất nghiệp trên thực tế được che giấu bằng cách đó. Nếu các lĩnh vực được tự do sản xuất không có sự can thiệp của chính quyền trong việc nâng đỡ ngành này làm thiệt hại cho ngành khác thì thất nghiệp sẽ xuất hiện ngay lập tức. Việc liên kết chặt chẽ với thị trường thế giới sẽ làm cho quá trình này càng rõ ràng và mở rộng thêm.

Như vậy, việc mọi người đều có việc làm không phải là kết quả của chủ nghĩa xã hội mà là một chính sách kinh tế, nó chỉ chứng tỏ sự mất cân đối và năng suất lao động thấp mà thôi. Nó không phải là mặt mạnh mà chính là điểm yếu của nền kinh tế bao cấp. Nếu Nam Tư chuyển sang nền kinh tế có hiệu quả hơn thì tình trạng thất nghiệp sẽ xuất hiện và nền kinh tế càng hiệu quả thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ càng tăng.

Trong chế độ cộng sản, việc ai cũng có việc làm che giấu hiện tượng thất nghiệp. Sự nghèo khổ chung làm lu mờ đi hiện tượng thất nghiệp của một bộ phận dân chúng, cũng như sự phát triển nhanh của một vài lĩnh vực che đậy sự lạc hậu của những lĩnh vực khác.

Tương tự như vậy, hình thức sở hữu đó cũng như hình thức chính quyền đó giữ cho nền kinh tế không bị phá sản nhưng không thể cứu nó khỏi cuộc khủng hoảng kinh niên. Sự độc quyền sở hữu tạo điều kiện xử lí để tránh đổ vỡ toàn diện nhưng quyền lợi ích kỉ của giai cấp mới cũng như bản chất của nền kinh tế không thể làm cho nó trở thành lành mạnh và cân đối được.

4.

Marx không phải là người đầu tiên cho rằng nền kinh tế tương lai sẽ là nền kinh tế kế hoạch hoá. Nhưng ông là người đầu tiên hoặc một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng nền kinh tế hiện đại có xu hướng tiến đến kế hoạch hoá vì bên cạnh các nguyên nhân xã hội còn có nguyên nhân nữa: dựa trên công nghệ tiên tiến. Các công ty độc quyền chính là những công ty đầu tiên thực hiện kế hoạch hoá trên bình diện quốc gia và quốc tế. Ngày nay, kế hoạch hoá là hiện tượng chung, là thành phần quan trọng của chính sách kinh tế của nhiều chính phủ các nước đã phát triển và đang phát triển, dù được thực hiện với những đặc thù khác nhau. Kế hoạch hoá là kết quả của trình độ sản xuất nhất định, của những điều kiện xã hội và quốc tế cũng như những điều kiện khác, không liên quan gì đến một lí thuyết cụ thể nào, đặc biệt là lại càng không liên quan đến chủ nghĩa Marx, vốn được xây dựng trên cơ sở quan hệ kinh tế - xã hội thấp hơn.

Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của những người Marxist, là nước đầu tiên thực hiện kế hoạch hoá trên toàn quốc, những người Marxist còn đánh đồng Liên Xô với kế hoạch hoá và với chủ nghĩa Marx nữa. Sự thật là: học thuyết của Marx, tức là cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng Nga, bị biến thành tấm bình phong che đậy cho những hành động của các lãnh tụ Liên Xô.

Tất cả những nguyên do lịch sử của việc kế hoạch hoá nêu trên sau đó đều được củng cố bằng lí luận, mà lí luận của Marx là gần gũi và dễ được chấp nhận nếu tính đến cơ sở xã hội và lịch sử của phong trào cộng sản.

Bên cạnh nguyên lí Marxist, kế hoạch hoá trong chế độ cộng sản còn dựa trên cơ sở vật chất to lớn và cơ sở tinh thần sâu sắc hơn nhiều. Nếu không có kế hoạch, làm sao có thể quản lí được nền kinh tế đã hoặc đang chuyển vào tay một người chủ sở hữu duy nhất? Thiếu kế hoạch, làm sao có thể đầu tư những khoản tiền to lớn như vậy vào một nền công nghiệp đang phát triển như vũ bão? Trước hết hãy là một nhu cầu, rồi sau sẽ trở thành lí tưởng. Kế hoạch hoá của cộng sản diễn ra đúng như thế. Đầu tiên là hướng vào những lĩnh vực có tác dụng củng cố chế độ. Đấy chỉ là nguyên tắc chung, vì trong mỗi nước cộng sản, đặc biệt là những nước độc lập với Moskva, đều có những đặc thù và cách làm khác nhau. Nhưng nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các nước[7].

Dĩ nhiên, phát triển kinh tế nói chung có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và sự phát triển của ngành này không thể tách rời với ngành khác. Nhưng trọng tâm của kế hoạch hoá trong tất cả các nước cộng sản bao giờ cũng hướng vào những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định chính trị của chế độ. Và trước hết là các lĩnh vực đảm bảo sức mạnh, vai trò và đặc quyền đặc lợi của bộ máy quan liêu. Chúng đồng thời củng cố chế độ trong lĩnh vực đối ngoại và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. Cho đến nay, đấy là các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng. Dĩ nhiên là trong từng nước có thể có những khác biệt. Hiện nay, ở Liên Xô ta có thể thấy nền công nghiệp năng lượng nguyên tử đang là lĩnh vực đầu tầu: có thể đấy là do các tính toán về đối ngoại và quân sự mà ra.

Tất cả đều phải phục vụ cho các mục đích do cấp trên quyết định. Vì vậy mà có nhiều lĩnh vực lạc hậu, hoạt động không hiệu quả, mất cân đối, chi phí sản xuất cao và lạm phát định kì là những hiện tượng thường thấy. Theo các số liệu của Andre Philip (trên tờ The New Leader, ra ngày 1 tháng 10 năm 1956) đầu tư vào công nghiệp nặng của Liên Xô đã tăng từ 53,3% vào năm 1954 lên 60% vào năm 1955. Đầu tư vào công nghiệp nặng chiếm 21% GDP trong khi nó chỉ làm tăng có 7,4% GDP trên đầu người, trong đó có đến 6,4% tăng trưởng là do đầu tư mới.

Trong tình hình như thế, mức sống của người dân không làm lãnh đạo phải bận tâm, mặc dù theo Marx, con người là nhân tố sản xuất quan trọng nhất. Theo ông Krankshown, một người gần gũi với Đảng lao động Anh, lương 600 rub một tháng phải được coi là không đủ sống, trong khi Harrie Shvars, một nhà báo Mĩ lại cho rằng có đến 8 triệu người chỉ được nhận dưới 300 rub một tháng[8]. Tribune, một tờ báo thể hiện quan điểm của của Công đảng (cánh tả), còn nhận xét rằng: nhiều phụ nữ phải làm các công việc năng nhọc không phải do nhu cầu bình đẳng giới. Việc tăng khoảng 30% lương gần đây ở Liên Xô chính là liên quan đến tầng lớp có thu nhập thấp nói trên.

Đấy là nói về Liên Xô. Các nước cộng sản khác, ngay cả Tiệp Khắc, nơi có cở sở kĩ thuật cao hơn, tình hình cũng tương tự. Nam Tư trước đây từng là nước xuất khẩu nông sản thì nay phải nhập. Theo các số liệu thống kê chính thức, mức sống của công nhân viên chức Nam Tư hiện nay thấp hơn thời trước chiến tranh, mặc dù lúc đó nước này được coi là một nước tư bản kém phát triển.

Các lí do chính trị và tư tưởng đóng vai trò quan trọng hơn nhu cầu kinh tế và thường là động lực của nền kinh tế kế hoạch hoá cộng sản. Chính các lí do này đóng vai trò chủ đạo mỗi khi chế độ cần lựa chọn giữa sự tiến bộ kinh tế, mức sống của người dân và quyền lợi chính trị của giới cầm quyền[9].

Kế hoạch hoá và chuyên chính vô sản (toàn trị) bổ sung cho nhau. Chính những tính toán về chính trị đã thúc đẩy cộng sản tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nhất định nào đó. Tất cả kế hoạch đều tập trung cho những lĩnh vực này. Chính điều đó đã gây ra mất cân đối mà thu nhập cướp được từ việc quốc hữu hoá các nhà tư sản cũng như địa chủ lớn không thể bù đắp được, giai cấp công nhân phải trả giá bắng mức lương chết đói, còn nông dân thị bị cướp bóc bằng hệ thống mua sản phẩm cưỡng bức (ở Việt Nam gọi là bán nghĩa vụ - ND).

Người ta có thể cãi rằng nếu Liên Xô không thực hiện kế hoạch hoá, không đẩy nhanh công nghiệp hoá thì sẽ buộc phải tham gia Thế chiến II với hai bàn tay không và sẽ là miếng mồi ngon cho nước Đức phát-xít. Điều đó đúng, nhưng không hoàn toàn như vậy. Sức mạnh của quốc gia không chỉ tính bằng số xe tăng và đại bác. Nếu Stalin không theo đuổi những mục tiêu đế quốc về đối ngoại và không tạo ra một chế độ đàn áp toàn diện về mặt đối nội thì đã không có tình trạng là nước đó phải một mình trực diện với quân xâm lược.

Nhưng những câu chuyện theo lối trà dư tửu hậu như vậy thì biết nói đến bao giờ cho xong[10].

Có thể khẳng định một điều: để có thể phát triển công nghiệp quốc phòng không nhất thiết phải sử dụng phương pháp kế hoạch hoá và phát triển kinh tế mang tính chính trị như thế. Những kẻ hữu sản nắm quyền áp dụng phương pháp đó là do nhu cầu không chịu phụ thuộc vào các lực lượng khác ở cả trong và ngoài nước, quốc phòng chỉ là tác nhân đi kèm, dù là tác nhân không có không được. Liên Xô có thể tiến hành kế hoạch hoá theo cách khác mà vẫn có số vũ khí như thế. Trong trường hợp đó, nó phải liên kết mật thiết với thị trường bên ngoài, phụ thuộc vào thị trường này và như thế có nghĩa là phải có chính sách đối ngoại khác. Trong điều kiện đan xen một cách chằng chịt các quyền lợi quốc tế như hiện nay, khi chiến tranh mang tính tổng thể như hiện nay, thì dầu mỡ cũng quan trọng chẳng kém gì súng đại bác. Điều này được khẳng định ngay với Liên Xô: sự giúp đở của Mĩ về lương thực thực phẩm cũng có ích không khác gì vũ khí.

Nông nghiệp cũng có hiện tượng tương tự. Trong điều kiện hiện nay, nền nông nghiệp hiện đại cũng có nghĩa là công nghiệp hóa. Nhưng nó cũng không bảo đảm được rằng chế độ cộng sản sẽ độc lập với bên ngoài. Còn ở trong nước, chế độ sẽ phải phụ thuộc vào nông dân, ngay cả khi đấy là những người nông dân đã là thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy mà sắt thép được ưu tiên, trong khi năng suất lao động trong nông nghiệp vẫn còn thấp. Người ta đã lập kế hoạch cho sức mạnh chính trị chứ không phải tiến bộ kinh tế.

Như vậy là, kế hoạch hoá của Liên Xô là một loại kế hoạch hoá đặc biệt. Nó không phải được tạo ra bởi trình độ kĩ thuật và tính tự giác “xã hội chủ nghĩa”, mà được tạo ra bởi các điều kiện lịch sử, bởi một hình thức chính quyền và hình thức sở hữu nhất định. Ngày nay là thời đại của các nhân tố khác, trong đó có các nhân tố kĩ thuật, nhưng những nhân tố nêu trên vẫn đóng vai trò quan trọng. Phải nắm được điều đó thì mới hiểu được tính chất của kế hoạch hoá và khả năng của nền kinh tế cộng sản.

Kết quả của nền kinh tế và kế hoạch hoá là khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.

Việc tập trung toàn bộ phương tiện sản xuất vào tay một nhóm người đã tạo điều kiện cho những tiến bộ cực kì nhanh chóng trong một vài lĩnh vực. Thế giới phải ngạc nhiên trước một số thành tích của Liên Xô. Nhưng sự lạc hậu trong những lĩnh vực khác lại làm cho những tiến bộ đạt được thành ra không thể biện hộ được về mặt kinh tế.

Nước Nga Sa Hoàng lạc hậu nay đã trở thành nước đứng thứ hai trong nhiều lĩnh vực. Nó đã là nước có lực lượng bộ binh mạnh nhất thế giới. Có giai cấp công nhân đông đảo, một lực lượng cán bộ khoa học kĩ thuật hùng hậu, có cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng mạnh mẽ.

Nhưng nền chuyên chính thì vẫn như xưa và không có cơ sở để nói rằng mức sống đã được nâng lên phù hợp với khả năng kinh tế.

Với quan hệ sở hữu và quyền lực chính trị như thế, kế hoạch chỉ là phương tiện, việc nâng cao mức sống người dân cũng như nới lỏng chuyên chính là điều không thể xảy ra. Sự độc quyền tuyệt đối của một nhóm người cả trong kinh tế và chính trị, kế hoạch hoá chỉ với mục đích củng cố sức mạnh của nhóm đó ở trong và ngoài nước nhất định sẽ dẫn tới sự tăng thêm đặc quyền đặc lợi và sự phình lên của chính nhóm đó; mức sống của người dân cũng như sự hài hoà của nền kinh tế chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là sự mất tự do.

Tự do trong chế độ cộng sản trở thành vấn đề kinh tế quan trọng.

5.

Nền kinh tế kế hoạch hoá của cộng sản hàm chứa trong mình nó sự hỗn loạn. Mặc dù có kế hoạch, nhưng ta có thể nói một cách dứt khoát rằng đây là một nền kinh tế lãng phí nhất trong lịch sử loài người. Điều đó mới nghe có vẻ kì quặc, nhất là nếu ta thấy sự phát triển nhanh trong một vài lĩnh vực và cả nền kinh tế nói chung. Nhưng đây là khẳng định có căn cứ vững chắc.

Ngay cả trong trường hợp khi mà nhóm người nắm quyền không lãnh đạo tất, kể cả lãnh vực kinh tế, chỉ trên cơ sở những tính toán về tư tưởng và sở hữu hạn hẹp của mình, thì cũng không thể nào tránh được những mất mát khủng khiếp, không thể nào thống kê nổi. 

Liệu những người ấy, ngay cả khi họ không nhìn mọi sự từ đỉnh cao quyền lực của mình, có thể quản lí một cách tiết kiệm và hữu hiệu nền kinh tế hiện đại phức tạp, dù với những kế hoạch hoàn thiện nhất, nhưng vẫn luôn luôn xuất hiện những xu hướng đối nghịch nhau hay không? Việc thiếu không những sự phê phán mà thiếu ngay những “gợi ý” từ bên ngoài nhất định sẽ dẫn tới trì trệ và tổn thất không thể chấp nhận được.

Do sự bao trùm tuyệt đối cả về chính trị và kinh tế cho nên đấy là những tổn thất không thể tránh được, dù có muốn. Do thái độ của những người cộng sản đối với nông nghiệp, nên cả một dân tộc đã coi thường nông nghiệp và đầu tư quá mức vào công nghiệp nặng thì hậu quả sẽ như thế nào? Bao nhiêu đồng vốn đã đầu tư một cách lãng phí vào những ngành kém hiệu quả? Việc coi thường nhu cầu giao thông sẽ đưa đến đâu? Tiền lương thấp dẫn đến lãn công và sản phẩm hỏng, kém chất lượng. Không có cách và không một kế toán viên nào có thể tính được tất cả các khoản đó.

Coi thường ngay cả lí thuyết của chính mình, không có lĩnh vực nào mà các lãnh tụ cộng sản lại có thái độ chủ quan như đối với lĩnh vực kinh tế. Thái độ duy ý chí gây ra nhiều tai hoạ nhất trong lĩnh vực này. Những nhà lãnh đạo cộng sản dù có muốn (nhỡ chuyện ấy xảy ra thì sao?) cũng không thể tính toán được hết các lợi ích khách quan của toàn bộ nền kinh tế. Vì những toan tính chính trị, lúc nào họ cũng sẵn sàng tuyên bố một vấn đề nào đó là “quan trọng sống còn”, “có ý nghĩa quyết định” (đối với họ có thể là như thế thật), nhưng đồng thời không gì có thể cản trở họ thực hiện những điều đã định vì họ đâu có sợ mất quyền lực và quyền sở hữu.

Những khi công việc quá trì trệ hoặc có những tổn thất rõ ràng thì họ lại làm cái việc gọi là phê bình và tự phê bình, rút kinh nghiệm. Khrushchev phê phán chính sách nông nghiệp của Stalin, Tito phê bình chế độ của mình vì đầu tư sai và lãng phí hàng tỉ đồng. Nhưng bản chất thì vẫn thế. Vẫn những con người đó, vẫn những phương pháp đó và vẫn hệ thống đó; vấn đề chỉ còn là lúc nào thì lại xuất hiện các “lệch lạc” mà thôi. Không thể nào tìm lại tài sản đã mất, nhưng đảng và chế độ lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Họ đã “rút kinh nghiệm” và “hứa sửa chữa”. Tóm lại, “hãy nhìn việc họ làm, chớ nghe lời họ nói”...

Không một lãnh tụ cộng sản nào từng bị trừng phạt vì lãng phí những nguồn tài sản khổng lồ, song có rất nhiều người đã bị lật vì “lệch lạc” về tư tưởng.

Ăn cắp và lãng phí khối tài sản khổng lồ trong các chế độ cộng sản là việc không thể nào tránh được. Mọi người đều được phép thò tay vào khối tài sản này không phải vì nhu cầu mà đơn giản nó gần như là tài sản vô chủ. Giá trị dường như không còn là giá trị nữa và đấy chính là điều kiện thuận lợi cho việc ăn cắp và lãng phí. Ở Nam Tư, năm 1954 đã phát hiện 20 ngàn trường hợp ăn cắp “tài sản xã hội”. Các lãnh tụ cộng sản nắm giữ tài sản quốc gia như tiền của mình, nhưng đồng thời lại phung phí nó như tiền chùa vậy. Bản chất của sở hữu, của quyền lực trong chế độ cộng sản là như thế đấy[11].

6[12].

Nhưng lãng phí lớn nhất lại là khoản lãng phí không nhìn thấy được. Đấy chính là lãng phí lao động.

Hàng triệu người làm việc một cách uể oải, không hề quan tâm đến kết quả lao động của mình, sự cấm đoán những hoạt động bị dán nhãn “phi xã hội chủ nghĩa” ngay cả khi đó không phải là lao động bóc lột là những lãng phí không thể thống kê, nhưng vô cùng lớn mà không một chế độ cộng sản nào có thể tránh được. Học thuyết của Smith, được Marx chấp nhận, coi lao động sống là cội nguồn của mọi giá trị, nhưng các lãnh tụ cộng sản lại ít quan tâm đến lao động sống nhất, họ lãng phí nó như một vật chẳng có giá trị gì, hoặc coi như nguồn lực lúc nào cũng có thể bổ sung được.

Nỗi hoảng loạn của những người cộng sản trước viễn cảnh “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, các biện pháp kinh tế mang màu sắc chính trị và quyền lợi giai cấp hẹp hòi đã gây ra những mất mát khủng khiếp cho các dân tộc, kìm hãm sự phát triển của các quốc gia nằm dưới quyền thống trị của họ.

Bao nhiêu ngành nghề đã chết vì nhà nước không thể bao cấp được cho hoạt động của những ngành này; chỉ “quốc doanh” mới được coi là xã hội chủ nghĩa. Đúng như câu châm ngôn: “Chó già giữ xương”[13].

Dân tộc làm sao chịu đựng và có thể chịu đựng điều đó đến bao giờ? Liệu đã tới lúc khi mà chính nền công nghiệp - ban đầu nó đã dựa vào những người cộng sản để phát triển - sẽ có khả năng giúp thủ tiêu cả quyền lực, cả hình thức sở hữu này?

Biết bao tiền của đã bị lãng phí vì sự cô lập của các nền kinh tế cộng sản. Tất cả các nền kinh tế cộng sản về thực chất đều là tự cấp tự túc. Nguyên nhân cũng là vì tính chất của quyền lực và hình thức sở hữu của chúng.

Không có nhà nước cộng sản nào, kể cả Nam Tư, do mâu thuẫn với Moskva mà buộc phải mở rộng quan hệ với các nước phi cộng sản, vượt qua được trao đổi hàng hoá truyền thống trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Kế hoạch hoá cộng sản không hề quan tâm đến nhu cầu của thị trường thế giới và quá trình sản xuất ở các nước khác. Một phần vì lí do đó và cũng vì những lí do chính trị mà các nhà lãnh đạo cộng sản không hề quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi tự nhiên cho việc phát triển sản xuất. Các xí nghiệp thường thiếu cơ sở nguyên vật liệu, người ta không bao giờ quan tâm tới giá cả và giá thành của từng sản phẩm trên thị trường thế giới. Một sản phẩm nào đó có thể đắt gấp mấy lần giá trên thị trường quốc tế vẫn được đầu tư sản xuất, trong khi lĩnh vực khác có hiệu quả cao hơn, có khả năng cạnh tranh thì lại bị bỏ bê. Có những ngành mới được thành lập mặc dù trên thị trường quốc tế sản phẩm trong lĩnh vực này đã tràn ngập từ lâu. Nhân dân phải trả giá hết: các nhà lãnh đạo chỉ cần độc lập mà thôi.

Đấy là một phần của vấn đề, phải nói là chung cho mọi chế độ cộng sản.

Vấn đề khác, cuộc chạy đua của nước xã hội chủ nghĩa mạnh nhất, tức là Liên Xô, với các nước tư bản phát triển khác để nhằm “đuổi kịp” và “vượt” họ. Cái giá phải trả là bao nhiêu? Và điều đó sẽ dẫn đến đâu?

Có thể Liên Xô sẽ đuổi kịp các nước tư bản phát triển trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó. Cái giá phải trả là sự hao phí sản xuất cực kì khủng khiếp, đồng lương công nhân thấp và sự tụt hậu của những ngành khác. Biết bao nhiêu hi sinh và cố gắng, về mặt kinh tế có đáng giá hay không lại là một câu hỏi khác.

Các kế hoạch như vậy tự chúng đã có tính chất gây hấn. Phía bên kia sẽ nghĩ gì: trong khi mức sống nhân dân còn thấp, chính phủ Liên Xô muốn dẫn đầu thế giới về sản xuất than và dầu khí để làm gì? Cùng tồn tại hoà bình và hợp tác hữu nghị sẽ như thế nào nếu đấy là kết quả của cuộc chạy đua về công nghiệp nặng, trong khi trao đổi hàng hoá lại rất nghèo nàn? Làm thế nào để hợp tác nếu các nền kinh tế cộng sản đều đóng kín, trong khi trên trường quốc tế họ chỉ tranh chấp về lĩnh vực tư tưởng?

Những kiểu kế hoạch và quan hệ như thế, sức lao động và các nguồn lợi khác của nước mình và các nước khác bị phí phạm như thế không thể biện minh được dù đứng trên quan điểm nào, ngoại trừ quan điểm của những ông trùm cộng sản. Sự tiến bộ về mặt kĩ thuật và nhu cầu luôn luôn thay đổi của đời sống sẽ đẩy khi thì lĩnh vực này, khi thì lĩnh vực khác thành ra lĩnh vực quan trọng không chỉ trên bình diện quốc gia mà trên bình diện quốc tế nữa. Nếu 50 năm nữa thép và dầu không còn là những lĩnh vực quan trọng nhất thì sao? Chuyện này và nhiều chuyện khác nữa không phải là mối bận tâm của các lãnh tụ cộng sản.

Mức độ tương tác của các nền kinh tế cộng sản, trước hết là Liên Xô, với thế giới bên ngoài, ước muốn làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đó tụt hậu rất xa so với khả năng, kể cả khả năng về kĩ thuật. Ngay trình độ hiện thời đã cho phép một sự hợp tác rộng lớn hơn rất nhiều.

Không sử dụng các điều kiện hiện có để hợp tác với các nước khác trong khi lại đẩy mạnh các quan hệ với thế giới bên ngoài dưới góc độ tư tưởng là hậu quả tất yếu của sự độc quyền của những người cộng sản trong lĩnh vực kinh tế và ước muốn duy trì quyền lực của họ. Bản chất hệ thống của họ là như thế.

Lenin đã đúng khi cho rằng chính trị là “kinh tế cô đặc”. Trong chế độ cộng sản, mọi thứ dường như đều lộn ngược: kinh tế trở thành chính trị, chính trị đóng vai trò quyết định trong kinh tế.

Cô lập với thị trường quốc tế, bảo vệ một cách mù quáng khái niệm “hệ thống thị trường quốc tế xã hội chủ nghĩa” mà thực chất vẫn là tự cấp tự túc của khối xã hội chủ nghĩa, là một trong những nguyên nhân, nếu không nói nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng căng thẳng quốc tế cũng như lãng phí các nguồn tài nguyên trên bình diện quốc tế.

Độc quyền về sở hữu, các phương pháp sản xuất lạc hậu, ai sở hữu hay phương pháp nào không quan trọng, quan trọng là điều đó mâu thuẫn với nhu cầu của nền kinh tế quốc tế. Tự do và quyền sở hữu đã trở thành vấn đề quốc tế.

Không nghi ngờ rằng việc xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa trong các nước cộng sản lạc hậu đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, dù là sự phát triển mất cân đối. Đã xuất hiện những nhà nước mạnh, có sức chịu đựng cao, đầy sinh lực. Các nhà nước đó được một giai cấp tự tin và cuồng tín, một giai cấp vừa được nếm vị ngọt của quyền lực và quyền sở hữu dẫn dắt. Nhưng điều đó đã không giải quyết (và với hình thức sở hữu và chính quyền hiện nay thì không thể giải quyết) được những vấn đề mà phong trào xã hội chủ nghĩa thế kỉ XIX hoặc Lenin đặt ra, nó cũng không thể đảm bảo được sự phát triển kinh tế một cách bình thường, không bị những khó khăn và chao đảo.

Nhưng đây là vấn đề cần thảo luận riêng.

Hệ thống kinh tế cộng sản có sức mạnh vì được tập trung vào tay một nhóm người, hấp dẫn vì có tính mới mẻ và đạt được những thành tựu, dù là thiếu cân đối, trong một thời gian ngắn. Nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy những vết rạn nứt và tiêu cực ngay từ khi hình thái kinh tế này bao trùm lên toàn xã hội. Mặc dù vẫn giữ được một số tiềm năng cũ, hệ thống kinh tế đã bắt đầu có vấn đề. Tương lai của nó rất mù mờ, muốn sống còn, nó sẽ phải chiến đấu một cách quyết liệt với cả kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài.


Khủng bố về mặt tinh thần

1.

Sau khi giành được chính quyền, những người cộng sản đã thực hiện việc khủng bố về mặt tinh thần với một sự khéo léo đến trơ trẽn. Chủ nghĩa duy vật cộng sản có thể là thế giới quan bất dung nhất từ trước tới nay, chỉ điều này cũng đủ để có thể buộc các tín đồ của nó tiến hành những cuộc khủng bố “những quan điểm không phù hợp”. Nhưng nếu thế giới quan ấy không liên kết với những hình thức quyền lực và sở hữu nhất định thì người ta cũng không thể nào dùng nó để biện hộ cho tính chất quái gở của việc đàn áp và tiêu diệt tư duy của con người như đã từng xảy ra.

Mọi hệ tư tưởng, cũng như mọi quan điểm, đều cố gắng làm ra vẻ như là quan điểm duy nhất đúng, duy nhất không có tì vết nào. Bản chất tư duy của con người là như thế.

Ý định của Marx và Engels trong việc coi học thuyết của mình là đặc biệt không chỉ được thể hiện trong tư tưởng của họ mà còn thể hiện rõ trong cách mà tư tưởng đó được khẳng định. Họ phủ nhận mọi đóng góp về mặt khoa học và giá trị “xã hội - tiến bộ” của những người cùng thời với mình. Thay vì thảo luận và phân tích, họ gán cho ý kiến của những người đó cái nhãn “khoa học tư sản”.

Gót chân Achilles của chủ nghĩa Marx, sự hẹp hòi của Marx và Engels (đây chính là môi trường sống cho thái độ bất dung của chủ nghĩa cộng sản về sau) thể hiện rõ nhất trong việc họ không chịu tách thái độ chính trị của những nhà khoa học, nhà tư tưởng đương thời khỏi giá trị khoa học và đạo đức của những trước tác của họ. Họ đã áp dụng thái độ: “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” với các nhà tư tưởng đương thời.

Sự phản đối quyết liệt mà “bóng ma của chủ nghĩa cộng sản” đã phải trực diện ngay từ đầu chỉ biện hộ được phần nào cho thái độ như thế mà thôi.

Quan điểm bất dung thái quá của các “tổ sư” cộng sản xuất phát từ cội nguồn học thuyết của họ: tin rằng không có ngôi sao nào trên bầu trời triết học nữa, hơn nữa, họ còn cho rằng nếu có điều gì đó đáng giá xuất hiện thì nó nhất định phải dựa trên cơ sở học thuyết của họ. Tinh thần thượng tôn khoa học của thời đại cũng như nhu cầu của phong trào xã hội chủ nghĩa lúc đó làm cho Marx và Engels coi mọi hiện tượng "không quan trọng” đối với họ (không thúc đẩy phong trào) đều là thiếu khách quan và ít ý nghĩa.

Quá quan tâm đến việc định rõ danh giới “có tính nguyên tắc” trong đội ngũ của mình, trên thực tế, họ đã bỏ quên đóng góp của những nhà tư tưởng lớn đương thời.

Trong các trước tác của mình, họ không hề nhắc đến, thí dụ, nhà triết học lớn như Schopenhuaer, hay nhà mĩ học Taine hoặc các nhà văn và hoạ sĩ lớn cùng thời. Ngay những người say mê tư tưởng và tương lai do họ vẽ ra cũng ít được nói tới. Marx và Engels sử dụng một phương pháp đầy bất dung và tìm cách “thanh toán” những kẻ thù của phong trào xã hội chủ nghĩa, hệt như các nhà cách mạng trước đây đã từng dùng với những kẻ thù của mình. Có thể phản bác đóng góp của Proudhon cho khoa xã hội học, nhưng không ai có thể nghi ngờ giá trị những việc ông đã làm cho sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa và cuộc đấu tranh xã hội, nhất là ở Pháp. Ta có thể nói tương tự như vậy về Bakunin. Trong cuốn Misery of Philosophy (Sự khốn cùng của triết học), Marx không chỉ tranh cãi với Proudhon, mà còn coi ông này chẳng có tí giá trị gì. Marx và Engels cũng có hành động tương tự với Lassalle và những người đối lập khác trong phong trào của mình.

Mặt khác, họ lại có khả năng đánh giá chính xác các sự kiện lớn của thời đại: thí dụ, họ là những người đầu tiên đồng ý với Darwin, họ nắm vững các giá trị vĩnh hằng của quá khứ Cổ đại và Phục hưng, vốn là cội nguồn của văn hoá châu Âu. Về mặt xã hội học, họ dựa vào kinh tế chính trị học (Smith, Ricardo), về triết học, họ dựa vào triết học cổ điển Đức (Kant, Hegel), về lí thuyết phát triển xã hội họ dựa vào chủ nghĩa xã hội Pháp, đúng hơn là những xu hướng diễn ra sau cách mạng Pháp. Đấy đều là những đỉnh cao của tư tưởng khoa học, xã hội học của châu Âu dân chủ và tiến bộ và của cả loài người nói chung.

So sánh với Lenin, ta thấy Marx là một nhà khoa học lớn, có thái độ khách quan hơn. Lenin trước hết là một nhà cách mạng vĩ đại, được tôi luyện trong chế độ chuyên chế, tư bản, nửa thuộc địa, của nước Nga và cuộc đấu tranh giành thị trường của các tập đoàn độc quyền thế giới.

Dựa vào tư tưởng của Marx, Lenin đã đi đến kết luận rằng chủ nghĩa duy vật, nếu nhìn qua lăng kính lịch sử thế giới, là tiến bộ, còn chủ nghĩa duy tâm là phản động. Phải nói rằng kết luận này không những là phiến diện, nghĩa là thiếu chính xác, mà còn làm cho lí thuyết của Marx vốn đã độc tôn còn độc tôn hơn. Cũng cần phải nói rằng nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết về lịch sử triết học của chính Lenin. Vào năm 1908, khi viết cuốn Materialism and Empiro-Criticism (Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán), Lenin chưa thật sự hiểu các nhà triết học cổ đại cũng như đương đại. Muốn mau chóng đập tan các kẻ thù tư tưởng, những người cản trở sự phát triển của phong trào, ông đã bỏ qua một bên tất cả những gì không phù hợp với quan điểm cách mạng của Marx. Tất cả những gì trái ngược với chủ nghĩa Marx đều bị ông coi là sai, là vô nghĩa và vô giá trị.

Về khía cạnh này, có thể coi các trước tác của Lenin là khuôn mẫu của giáo điều, rất lôgic và có sức thuyết phục.

Tin rằng trong lịch sử, chủ nghĩa duy vật luôn luôn là hệ tư tưởng của các phong trào cách mạng, phong trào bạo loạn, Lenin rút ra kết luận phiến diện rằng, về nguyên tắc, (kể cả áp dụng cho việc nghiên cứu các qui luật phát triển của tư duy) chủ nghĩa duy vật là tiến bộ còn duy tâm là phản động. Đi xa hơn, Lenin đã trộn lẫn hình thức và phương pháp với nội dung và tính khoa học của mọi phát minh khoa học. Đối với Lenin, chỉ cần một người có quan điểm duy tâm thì ngay lập tức các đóng góp thực tế cũng như vai trò của người đó trong khoa học đều là “đồ bỏ” hết. Ông đã mở rộng thái độ bất dung về chính trị đối với kẻ thù của mình thành thái độ bất dung đối với toàn bộ lịch sử tư tưởng thế giới.

Triết gia người Anh, ông Bertrand Russell, người có cảm tình với Cách mạng tháng Mười ngay từ năm 1920 đã phát hiện được bản chất của của chủ nghĩa giáo điều của Lenin, cũng có nghĩa là cả chủ nghĩa cộng sản như sau[1]:

Tôi có những bất đồng về mặt nguyên tắc với một vài khía cạnh của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, đấy không chỉ là một học thuyết chính trị, nó còn là một tôn giáo với một giáo lí hoàn chỉnh và những cuốn kinh thánh. Định chứng minh một điều gì đó, chỉ cần có cơ hội, là bao giờ Lenin cũng trích dẫn Marx và Engels. Người cộng sản chân chính không chỉ là người thừa nhận quan điểm rằng đất đai và tư bản phải là của chung mà còn phải công nhận rằng tất cả sản phẩm làm ra phải được chia một cách công bằng nhất. Đấy còn là người chấp nhận một số định đề giáo điều có sẵn (thí dụ, chủ nghĩa duy vật), các định đề có thể phù hợp với chân lí nhưng về mặt khoa học thì không thể chứng minh một cách không chối cãi được rằng đấy chính là chân lí... Tôi tin tưởng rằng phương pháp khoa học là đặc biệt quan trọng đối với nhân loại. Nếu một hệ thống kinh tế công bằng hơn nào đó có thể được xây dựng với cái giá phải trả là không được tự do nghiên cứu nữa và trở về với thời kì đen tối Trung cổ thì tôi cho rằng giá đó là quá cao. Nhưng cũng phải công nhận rằng trong một khoảng thời gian ngắn nào đó chủ nghĩa giáo điều có thể có lợi cho cuộc đấu tranh.

Thời Lenin đã là như thế.

Tuy không có kiến thức sâu sắc và chiều sâu tư tưởng như Lenin, Stalin tiếp tục “phát triển” lí luận của ông này.

Ta có thể thấy rằng con người cho đến nay vẫn được Chrushchev coi là “nhà lí luận Marxist số một” thực ra chưa hề đọc Das Capital, tác phẩm quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx. Một người cực kì thực tế và giáo điều đã tự tạo ra “học thuyết về xây chủ nghĩa xã hội” mà không cần đọc các tác phẩm về kinh tế của Marx! Ông cũng không nghiên cứu bất kì một nhà triết học nào, Hegel thì bị coi là “con chó già” và là “phản ứng của chủ nghĩa chuyên chế Phổ đối với cách mạng Pháp”.

Đồng thời ông lại hiểu rõ Lenin, thường trích dẫn Lenin hơn cả Lenin trích dẫn Marx. Các tác gia khác cũng được Stalin trích dẫn theo Lenin. Điều duy nhất mà ông nắm vững là lịch sử chính trị, đặc biệt là lịch sử Nga, phải nói thêm rằng ông có một trí nhớ siêu phàm.

Để đóng vai của mình, Stalin chỉ cần có thế. Tất cả những gì không phù hợp với ước muốn và sự hiểu biết của ông đều bị ông coi là “thù địch” và cấm tiệt.

Ba người, Marx, Lenin, Stalin không chỉ khác nhau như những cá nhân mà khác nhau cả cách hành văn nữa.

Ở Marx, người ta thấy hình ảnh một nhà cách mạng, một giáo sư với văn phong sống động, tự do và cực kì sắc bén. Lenin là hiện thân của cách mạng, văn phong của ông có lửa, chặt chẽ và sắc sảo. Stalin tự coi mình là hiện thân của những khát vọng của nhân dân, còn tư tưởng của mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Stalin cho rằng sức mạnh của ông nằm trong việc thỏa mãn tất cả những ước muốn của con người, và tin rằng tư tưởng của ông là biểu hiện cao nhất của tư duy của con người[2]. Văn phong của Stalin đơn điệu, thiếu sức sống; nhưng chính nhờ tính chất logic và giáo điều mà nó lại có tính thuyết phục đối với nhiều người. Sự đơn giản này rất giống với giọng văn cô đọng của các thày tu, điều đó không chỉ là do thời trai trẻ Stalin đã từng theo học trong trường dòng và mà còn phản ánh chính xác tư duy giáo điều của những người cộng sản.

Không ai trong số những người kế tục Stalin có được sự hài hoà nội tại nghiêm khắc của “lãnh tụ vĩ đại”, niềm tin và sức cuốn hút giáo điều như ông. Là những người tầm thường trong mọi lĩnh vực, nhưng họ lại là những người rất thực tế. Không có khả năng tạo dựng những hệ thống mới, không thể đưa ra được những ý tưởng hay ho, nhưng họ lại có thể (nhờ khả năng nắm bắt được hiện thực) ngăn chặn được những cái mới hoặc bóp chết mọi sáng kiến ngay từ trong trứng nước.

Chủ nghĩa giáo điều trong tư tưởng cộng sản đã phát triển như thế đấy. Cái gọi là “sự phát triển của chủ nghĩa Marx” cùng với việc củng cố giai cấp cầm quyền mới như vậy là đã dẫn tới không chỉ sự độc quyền của một sơ đồ tư tưởng duy nhất, mà còn tạo ra sự bao cấp về tư tưởng của một người hoặc một nhóm người và như vậy kết quả nhất định sẽ là sự trì trệ về tinh thần và sự nghèo nàn của chính hệ tư tưởng kia. Đồng thời, thái độ bất dung đối với mọi quan điểm khác, đối với tư duy nói chung lại ngày một tăng thêm. Sức mạnh cũng như sức sống của hệ tư tưởng này tỉ lệ nghịch với quyền lực về mặt vật chất của những thánh tông đồ của nó.

Trở thành phiến diện và bất dung hơn, chủ nghĩa cộng sản hiện đại càng ngày càng sản sinh ra thêm nhiều những “nửa” sự thật hoặc là dùng những nửa sự thật như thế để biện hộ cho hành tung của mình. Mới nhìn thì một vài khía cạnh của nó có vẻ giống y như thật. Nhưng chính nó lại chứa đầy dối trá. Khi toàn bộ đời sống xã hội bị đặt dưới quyền kiểm soát của các lãnh tụ cộng sản thì những nửa sự thật kia, thậm chí cả lí thuyết cộng sản càng ngày càng mất khả năng vận động và chìm dần vào dối trá.

2.

Việc áp dụng luận điểm cho rằng chủ nghĩa Marx là phương pháp toàn năng mà người cộng sản phải luôn luôn sử dụng nhất định sẽ dẫn đến sự khủng bố đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần.

Nhà vật lí sẽ làm thế nào nếu các nguyên tử không chịu tuân theo nguyên lí thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của Hegel và Marx? Nhà thiên văn học sẽ làm thế nào nếu vũ trụ không tuân theo biện chứng pháp cộng sản? Nhà sinh vật học sẽ phải hành động ra sao nếu cây cối không chịu theo lí luận của Stalin và Lyshenko về sự hợp tác giữa các giai cấp trong “xã hội xã hội chủ nghĩa”? Không thế nói dối “một cách chân thành”, các nhà khoa học phải trả giá vì “tà thuyết” của mình. Các phát minh của họ chỉ có thể được công nhận nếu chúng “khẳng định” các công thức của chủ nghĩa Marx-Lenin. Các nhà khoa học cứ phải thường xuyên tìm cách lái kết quả hoặc phát minh của họ sao cho không trái ngược với giáo điều chính thống. Khoa học bị buộc phải trở thành cơ hội và thoả hiệp. Các lĩnh vực lao động trí óc khác cũng có số phận tương tự.

Sự bất dung của phong trào cộng sản hiện đại làm người ta nhớ đến các giáo phái thời Trung cổ. Những điều mà Jovan Dučič, một nhà thơ người Serbia, viết về thuyết Calvin (tác phẩm: Sorrows and Calm) dường như thể hiện chính xác bầu không khí tinh thần của đất nước cộng sản:
…Còn ông Calvin, vốn là một luật sư và một người giáo điều, đã biến linh hồn của người dân Geneva – cái linh hồn mà ông ta không đốt được trong ngọn lửa thiêu – thành đá. Ông ta đã đưa nỗi buồn tôn giáo và sự khổ hạnh vào những ngôi nhà này; đến tận hôm nay, đấy vẫn là những ngôi nhà lạnh lẽo và tăm tối; ông ta đã reo rắc lòng hận thù đối niềm vui và sự say mê; ông ta đã nguyền rủa thi ca và âm nhạc bằng các chỉ thị của mình. Là một chính khách và một kẻ bạo ngược, sau khi trở thành người đứng đầu nước cộng hòa, ông ta đã rèn đúc các đạo luật, y như người ta đúc cùm vậy, và trùm những đạo luật sắt của ông ta lên đời sống của nước cộng hòa, thậm chí ông còn quản lí cả tình cảm gia đình nữa. Trong tất cả các nhân vật mà công cuộc Cải cách tạo ra, Calvin có thể là nhà cách mạng cứng rắn nhất, còn Kinh thánh của ông ta có thể là cuốn sách dạy đời đáng buồn nhất… Calvin không phải một thánh tông đồ mới của Thiên chúa giáo, không phải là người mong ước khôi phục lại đức tin đối với sự trong sáng, thơ ngây và duyên dáng tinh khôi thuở ban đầu, tức là như thuở mới xuất hiện ở vùng Nazareth[3]. Calvin, một kẻ khổ hạnh người Aryan, sau khi đã đoạn tuyệt với chế độ thì cũng đoạn tuyệt với tình yêu, đoạn tuyệt với nền tảng chủ yếu của học thuyết của ông ta. Ông ta đã tạo ra một dân tộc đứng đắn và đầy đức hạnh, nhưng cũng đầy thù hận với cuộc sống và chẳng biết hạnh phúc là gì. Không có tôn giáo nào khủng khiếp hơn tôn giáo của ông ta, không có nhà tiên tri nào đáng sợ hơn ông ta. Ông ta đã biến người dân Geneva thành những kẻ bại liệt, thành những người không bao giờ biết niềm vui sống là gì. Không có dân tộc nào trên thế giới mà đức tin lại mang đến nhiều đau khổ và sợ hãi đến như thế. Calvin là một cây bút tôn giáo nổi tiếng, một người có nhiều đóng góp cho sự trong sáng của tiếng Pháp, cũng như Luther – người dịch Kinh thánh – đóng góp cho sự trong sáng của tiếng Đức vậy. Nhưng ông ta còn tạo ra nền chính trị thần quyền chẳng khác gì chế độ chuyên chế của Giáo hoàng! Trong khi tuyên bố rằng đang giải phóng tâm hồn của từng cá nhân con người thì ông ta lại biến người công dân thành nô lệ hạ cấp nhất. Ông ta đã lôi kéo được dân chúng, nhưng rồi đã tước đoạt hết niềm vui sống của họ. Ông ta đã làm thay đổi rất nhiều, nhưng chẳng hoàn thành được bất cứ việc gì, chẳng có đóng góp gì. Gần 300 trăm năm sau khi Calvin qua đời, Stendhal còn thấy ở Geneva những đôi trai gái suốt ngày nói về vị linh mục của mình, về bài giảng cuối cùng của ông ta và đọc thuộc lòng nhiều đoạn trong bài giàng đó.

Trong chủ nghĩa cộng sản hiện đại người ta có thể thấy sự bất dung giáo điều của những người Thanh giáo thời Cromwell và thái độ bất dung về chính trị của phái Jacobin. Dù sao vẫn có một khác biệt, nhưng đấy không phải là vì những người Thanh giáo tin tưởng tuyệt đối vào Kinh thánh, còn cộng sản thì tin vào khoa học hay quyền lực của cộng sản thì bao trùm hơn Jacobin. Sự khác biệt nằm trong khả năng: không một tôn giáo hay một nền chuyên chế nào từng có một sức mạnh vô giới hạn và toàn diện như chế độ cộng sản.

Vị trị của họ càng được củng cố thì các lãnh tụ cộng sản càng thêm tin tưởng rằng họ đã chọn được con đường duy nhất đúng để đi tới hạnh phúc và xã hội “lí tưởng”. Đã có một câu chuyện tiếu lâm nói rằng các lãnh tụ cộng sản xây dựng chủ nghĩa cộng sản cho chính mình. Nhưng các lãnh tụ đã không đùa khi đồng nhất mình với xã hội, với khát vọng của mọi người dân. Chế độ chuyên chế cực quyền đồng nhất mình với niềm tin không lay chuyển vào hạnh phúc tối cao của nhân loại, còn sự vạn năng của phương pháp và bao trùm của thế giới quan thì đồng nhất với sự bao trùm và vạn năng của áp bức.

Chính quá trình phát triển đã biến các ông trùm cộng sản thành những cai ngục của lương tâm con người, sự bao cấp về tư tưởng tăng lên theo đà phát triển của sức mạnh và “thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nam Tư cũng không tránh khỏi qui luật đó. Ở đây, các lãnh tụ thường xuyên nhấn mạnh “tính tự giác cao của nhân dân ta” trong thời kì cách mạng, nghĩa là khi nhân dân, đúng hơn, một bộ phận nhân dân đã tích cực ủng hộ họ. Ngày nay, cũng theo lời các lãnh tụ này, ý thức tự giác “của nhân dân” rất thấp cho nên không thể có dân chủ ngay được. Các lãnh tụ cộng sản Nam Tư tuyên bố công khai rằng khi tính tự giác xã hội chủ nghĩa phát triển cao, họ tin rằng ngày đó sẽ tới cùng với việc hoàn thành công nghiệp hoá, thì họ sẽ mở cánh cửa dân chủ. Khi ngày đó chưa tới thì họ lại tin tưởng tuyệt đối rằng họ có quyền, nhân danh tự do và hạnh phúc trong tương lai, dày xéo lên mọi mầm mống của những tư tưởng và quan điểm đối nghịch với họ.

Có lẽ trong thời gian đầu các lãnh tụ Liên Xô mới buộc phải sử dụng những lời hứa về chế độ "dân chủ trong tương lai". Còn bây giờ, họ tuyên bố rằng đất nước đã có dân chủ rồi. Nhưng phải nói rằng chính họ cũng thấy con thuyền đang chao đảo. Họ cũng thường xuyên phải “nâng cao” ý thức của nhân dân, nghĩa là bắt dân chúng phải học thuộc lòng các công thức Marx-Lenin và các chỉ thị của lãnh đạo. Tệ hơn nữa, họ còn bắt buộc dân chúng phải thề nguyền trung thành với chủ nghĩa xã hội, trung thành với tổ quốc và tin vào sự lãnh đạo và những lời hứa suông của họ.

Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Giống như thời Trung cổ, khi người ta luôn luôn phải chứng tỏ rằng mình là người trung thành với nhà thờ.

Bắt đầu ngay từ nhà trường, với hệ thống giáo dục và sau đó là tất cả mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần cũng như đời sống xã hội đều nhằm mục đích đó. Đảng cầm quyền quan tâm đến tính tự giác, lương tâm và sự “phát triển” của con người từ khi sinh ra cho đến tận lúc chết. Các nhà báo, các nhà tư tưởng, các văn nô, các trường học chuyên biệt, một hệ tư tưởng chủ đạo duy nhất, một khối lượng tài sản khổng lồ được chi ra cho công việc đó. Để cho bức tranh được toàn vẹn phải kể thêm số lượng khổng lồ các loại sách, loại báo, báo in, báo nói, báo hình và các loại tuyên truyền khác.

Mặc dù vậy, thành tích thu được thật là khiêm tốn và không tương xứng với chi phí cũng như biện pháp tiến hành (ngoại trừ đối với chính giai cấp mới, dĩ nhiên là họ luôn luôn tuân thủ đường lối do chính họ lựa chọn). Nhưng họ chỉ giành được kết quả khi tiến hành đàn áp các sáng kiến không phù hợp với hệ tư tưởng chính thống cũng như cố tình tiêu diệt mọi tư tưởng đối nghịch.

Ngay cả trong chế độ cộng sản người ta vẫn suy nghĩ, vì người ta không thể không suy nghĩ. Hơn nữa, người ta lại thường suy nghĩ khác với chỉ đạo. Xuất hiện tư duy nước đôi: cách nghĩ ngầm, cho mình, và có một cách nữa là để trưng ra, theo tiêu chuẩn chung. Đánh giá các sự kiện cũng theo kiểu nước đôi như vậy.

Điều đó phản ánh, một mặt là kinh nghiệm của quần chúng và mặt khác là sức mạnh của những người cộng sản[4].

Ngay cả trong chế độ cộng sản, con người cũng không bị bộ máy tuyên truyền đơn điệu làm cho mụ mị đến mức không nhận chân được sự thật hay không vươn tới được các ý tưởng mới. Nhưng, trong lĩnh vực tinh thần, kế hoạch của các ông trùm cộng sản tạo ra nhiều tha hoá, thối nát nhiều hơn là “thành tích”.

Các ông trùm cộng sản, những kẻ bao cấp về tinh thần, luôn luôn tiến hành theo dõi để tư tưởng của dân chúng không “đi lạc vào khu vực chống cộng”, họ chỉ chuyên cung cấp cho dân chúng hàng tiêu dùng loại hai (những tư tưởng cũ rích, đã hoá đá và không có khả năng thay đổi), chính họ đã đầu độc, đã giết chết đời sống tinh thần của dân tộc mình. Họ đã nghĩ ra những từ ngữ phi nhân chưa từng có - "đánh bật khỏi ý thức của con người" – và hành xử với tư duy của con người không khác gì người ta hành xử với búi cỏ trên sa mạc. Khi giết chết tư tưởng của người khác, không cho tư tưởng người khác được tự do bay bổng thì chính họ cũng trở thành một bọn người nhạt nhẽo, trống rỗng, một bọn người không hề biết đến những phút giây hạnh phúc của tư duy trầm mặc thâm sâu. Cả xã hội giống như một nhà hát không khán giả: các diễn viên đóng trò và tự sướng với nhau. Họ tư duy theo kiểu nhai lại: khi có nhu cầu là đầu óc bắt đầu xào xáo những ý cũ rích. Công việc của những cố-đạo-cảnh-sát-viên, đồng thời là chủ nhân ông không những của các phương tiện hoạt động trong lĩnh vực tinh thần như nhà in, đài phát thanh,... mà còn là chủ nhân của các phương tiện vật chất liên quan đến đời sống của từng con người như nhà ở và bánh mì, là như thế đấy.

Như vậy, chủ nghĩa cộng sản hiện đại có khác gì một giáo phái?

3.

Tuy nhiên, tất cả các nước cộng sản đều trải qua những bước nhảy vọt về kĩ thuật, theo kiểu của mình và trong những giai đoạn nhất định, tất nhiên rồi.

Quá trình công nghiệp hoá trong một giai đoạn ngắn như vậy nhất định sẽ tạo ra một tầng lớp cán bộ kĩ thuật đông đảo, tuy trình độ không thật cao, cũng như một số người có tài.

Tốc độ công nghiệp hoá cao trong một số lĩnh vực cũng thúc đẩy công tác nghiên cứu trong những lĩnh vực đó. Cả trong Thế chiến II, cũng như sau này, Liên Xô đều không thua kém nước nào về kĩ thuật quân sự. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Liên Xô chỉ đứng sau Mĩ.

Các nhà sáng chế vẫn tích cực hoạt động, mặc dù bộ máy quan liêu ngăn chặn áp dụng vào sản xuất, các phát minh sáng kiến nằm chất đống trong tủ của đủ thứ cơ quan. Nhưng tác dụng tiêu cực nhất, có thể nói giết chết mọi phát minh, sáng kiến, chính là sự bàng quan của chính các xí nghiệp.

Là những người rất thực tiễn, các lãnh tụ cộng sản lập tức hợp tác với các chuyên gia, các kĩ sư và các nhà bác học mà không cần để ý tới thế giới quan “tư sản” của họ. Họ biết rõ rằng không có cán bộ kĩ thuật thì không thể nào tiến hành công nghiệp hoá được, hơn nữa, tự thân giới này lại không tạo ra cho họ bất kì mối nguy nào. Đối với tầng lớp cán bộ kĩ thuật (đối với mọi thứ đều như vậy) cộng sản đưa ra lí thuyết nửa vời: ai trả tiền thì các chuyên gia phục vụ người ấy. Thế thì tại sao giai cấp vô sản, hay nói đúng hơn giai cấp mới, lại không thuê chuyên gia? Hệ thống trọng dụng nhân tài xuất phát từ ý tưởng đó.

Nhưng, dù có những tiến bộ kĩ thuật như thế, một điều rõ ràng là không có một phát minh khoa học lớn nào được tạo ra dưới chính thể Xô Viết. Về điểm này, Liên Xô còn kém hơn cả thời Sa Hoàng, khi đó, mặc dù còn bị lạc hậu về kĩ thuật, nước Nga đã có những phát minh mang tính thời đại.

Việc lạc hậu về kĩ thuật tất nhiên sẽ gây ra nhiều cản trở cho phát minh khoa học nhưng nguyên nhân chính vẫn là cơ cấu xã hội.

Giai cấp mới rất quan tâm tới tiến bộ kĩ thuật, nhưng nó còn quan tâm tới sự ổn định, sự độc quyền về tư tưởng của mình hơn. Trong khi đó, bất kì một phát minh khoa học lớn nào cũng đều là kết quả của quá trình thay đổi các quan niệm về thế giới, diễn ra bên trong óc não nhà bác học. Quan niệm mới đó không thể nhét vào các khung triết lí chính thức giáo điều. Những người làm nghiên cứu khoa học trong chế độ cộng sản luôn luôn phải cân nhắc xem liệu có nên mạo hiểm, luôn luôn phải đề phòng sao cho phát kiến của mình không đi ra ngoài cái khung triết lí giáo điều để chính mình không bị coi là tà đạo.

Quan điểm coi chủ nghĩa Mác hay chủ nghĩa duy vật biện chứng là phương pháp toàn năng, siêu hiệu quả đối với tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, lãnh vực tinh thần hay bất kì lĩnh vực nào khác cũng gây trở ngại cho quá trình phát triển của khoa học. Ở Liên Xô, không một nhà khoa học lớn nào thoát được các rắc rối về “đường lối chính trị”. Hoàn cảnh có thể khác nhau, nhưng các nhà bác học thường xuyên bị săn đuổi vì phát minh của họ mâu thuẫn với hệ tư tưởng chính thống. Ở Nam Tư, đàn áp có thể ít hơn, nhưng việc đề cao những nhà nghiên cứu “trung thành” về chính trị, song lại yếu về chuyên môn cũng có thể được coi là biểu hiện khác của cùng một căn bệnh.

Chế độ cộng sản khuyến khích tiến bộ kĩ thuật, nhưng đồng thời lại ngăn cản tất cả các công trình nghiên cứu mang tính toàn diện, đòi hỏi rỡ bỏ mọi rào cản trong tư duy. Khó tin, nhưng đấy lại là sự thật.

Ngay cả nếu ta đồng ý rằng chế độ này chỉ hạn chế một cách vừa phải sự phát triển của khoa học thì nó vẫn là kẻ chuyên chế tuyệt đối đối với sự bay bổng của trí tuệ nhân danh những điều mới mẻ. Dựa trên chỉ một triết lí, nó chính là hệ thống phản triết học. Các chế độ này cho đến nay vẫn không sản sinh được một nhà tư tưởng, một nhà nghiên cứu xã hội học chân chính nào, nếu không kể chính các lãnh tụ, những người vừa “làm nghề nghiệp chính” vừa kiêm nhiệm “chức năng triết gia” và chuyên gia về “củng cố nhận thức” của nhân dân. Trong chế độ cộng sản, các ý tưởng mới, triết lí mới hoặc lí thuyết xã hội học mới buộc phải đi theo những đường vòng lắt léo, thường là thông qua văn học hoặc những ngành nghệ thuật khác. Tư tưởng mới buộc phải ẩn mình, phải chờ đợi “cơ hội thuận lợi” trước khi có thể xuất hiện, trước khi được có tấm giấy thông hành vào đời.

Khó khăn nhất là môn xã hội học vì để tìm chân lí nó phải so sánh các quan điểm, ý kiến, suy nghĩ khác nhau. Liệu có môn này không khi mà Marx và Engels đã phân tích hết rồi, khi mà các lãnh tụ đã giành độc quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến xã hội và xã hội học rồi?

Thực chất là lịch sử, đặc biệt là lịch sử giai đoạn cộng sản chưa hề được viết. Những hành động che giấu và ngụy tạo đã trở thành công việc thường nhật và với một mức độ không thể nào tưởng tượng nổi.

Truyền thống chính trị bị tiếm đoạt, di sản tinh thần của nhân dân bị cướp bóc. Những kẻ độc quyền đó hành xử như thể toàn bộ lịch sử trong quá khứ chỉ làm mỗi một việc là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với họ mà thôi. Quá khứ được họ đo với cái thước của họ, họ chia tất cả các sự kiện thành “tiến bộ” và “phản động”. Các đài kỉ niệm cũng được xây theo nguyên tắc ấy. Những kẻ tầm thường thì được dựng tượng còn tượng đài của các vĩ nhân (nhất là những người đương đại) thì bị phá đi.

“Phương pháp khoa học duy nhất” cuối cùng chỉ còn là phương tiện bảo vệ và biện hộ cho thái độ bất dung trong quá trình ép khoa học nói riêng và xã hội nói chung phải khuất phục tầng lớp đương quyền.


4.

Nghệ thuật cũng chịu chung số phận giống như khoa học.

Trong nghệ thuật, sự tầm thường, những hình thức và quan niệm cũ rích được coi là khuôn vàng thước ngọc, là đỉnh cao. Cũng dễ hiểu thôi: không thể có nghệ thuật thiếu tư tưởng, thiếu tương tác với môi trường xung quanh. Không có tác phẩm nghệ thuật lớn nào mà không có va chạm với những cấm đoán hoặc không bị giới cầm quyền chóp bu lên án. Chính vì muốn nắm độc quyền đối với nhận thức của người dân cũng như sự hạn chế và ngu dốt của họ mà cộng sản thường có thái độ bảo thủ đối với nghệ thuật. Biểu hiện dân chủ nhất của một nhà lãnh đạo cộng sản đối với trào lưu nghệ thuật mới là sự công nhận của ông ta rằng mặc dù không hiểu nhưng ông ta cho rằng có thể cho phép. Quan điểm của Lenin đối với chủ nghĩa vị lai của Mayakovsky đã là như thế.

Mặc dù vậy, bên cạnh sự hồi sinh về kĩ thuật trong các nước cộng sản lạc hậu còn có sự hồi sinh cả về văn hoá cho dù dưới dạng văn hoá tuyên truyền, nhưng dù sao nhân dân cũng dễ tiếp cận hơn. Giai cấp mới quan tâm đến vấn đề này vì quá trình công nghiệp hoá đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao. Đồng thời với tiến trình này là việc hình thành cơ chế uốn nắn nhận thức của nhân dân. Hệ thống trường học, các lớp xoá nạn mù chữ, các câu lạc bộ chuyên nghiệp và nghiệp dư phát triển rất nhanh, nhiều khi vượt cả nhu cầu và điều kiện thực tế. Dù sao thì sự tiến bộ trong lĩnh vực này là không thể chối cãi.

Ngay sau cách mạng, trong giai đoạn, khi mà giai cấp cầm quyền còn chưa kịp giày xéo lên toàn thể xã hội, đã từng có một số tác phẩm lớn. Đấy là Liên Xô những năm 30 và Nam Tư hiện nay. Cách mạng dường như đã đánh thức các tài năng, vốn là con đẻ của cách mạng, đang mơ màng, trái với ước muốn của chế độ chuyên chế trong việc đè nén những tài năng này.

Có hai phương cách đè nén: đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng mới và đấu tranh chống những hình thức thể hiện mới.

Dưới thời Stalin, tất cả các hình thức không hợp khẩu vị lãnh tụ đều bị đàn áp. Mà khẩu vị của ông ta phải nói là không được tinh tế lắm, thính giác của ông ta cũng không được tốt. Về thơ ca, ông ta chỉ thích loại thơ tám chữ và thơ thời Alexandrine. Deutscher từng tuyên bố rằng văn phong của Stalin đã trở thành văn phong của dân tộc. Tuân theo quan niệm chính thống về hình thức cũng là một bắt buộc hệt như phải học thuộc lòng các tư tưởng chính thức vậy.

Tất nhiên, việc tuân theo các hình thức nhất định không phải lúc nào cũng được thực hiện vì các hình thức này không phải là đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Đảng cộng sản Liên Xô ban hành nghị định cho rằng Đảng không theo đuổi một xu hướng văn học nghệ thuật cụ thể nào. Đồng thời Đảng vẫn tiếp tục “giúp đỡ về mặt tư tưởng”, nghĩa là vẫn tiến hành theo dõi về mặt chính trị và tư tưởng các nghệ sĩ. Đấy là mức độ dân chủ tối đa đối với văn học nghệ thuật của chủ nghĩa cộng sản. Lãnh đạo Nam Tư hiện cũng có quan điểm như vậy. Sau năm 1953, cùng với việc xa rời các hình thức dân chủ và trở về với chủ nghĩa quan liêu trong quản lí, các thành phần thô lậu và phản động lại tiến hành chiến dịch chê bai, truy bức cái mà họ gọi là “trí thức tiểu tư sản” để thực hiện cho được mục đích là kiểm soát cả hình thức thể hiện trong lĩnh vực nghệ thuật nữa. Toàn bộ giai cấp trí thức đã đồng loạt đứng dậy thách thức chế độ. Chế độ đã phải lùi một bước. Trong một tuyên bố của mình, Kardelj đã nhấn mạnh rằng Đảng không bắt buộc các nghệ sĩ phải theo một hình thức nào, nhưng không cho phép tuyên truyền phản cách mạng, nghĩa là không cho phép các hình thức mà chế độ cho là “phi xã hội chủ nghĩa”. Thế là vô tình ông ta đã nhắc lại nghị định năm 1925 của Liên Xô đã nói ở trên. Đấy cũng là “mức trần” dân chủ mà Nam Tư dành cho lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng thái độ của các đa số lãnh đạo đối với lĩnh vực này thì không thay đổi. Không bao giờ! Trong thâm tâm, họ luôn cho rằng giới văn nghệ sĩ là tầng lớp “tiểu tư sản”, không đáng tin. Tờ báo lớn nhất (tờ Politika số ra ngày 25 tháng 5 năm 1954) đã trích thuật lời Tito như một chân lí bất biến: “Một cuốn sách giáo khoa có ích bằng mấy cuốn tiểu thuyết”. Những phong trào phê phán các “xu hướng đồi truỵ”, các “quan điểm thù địch” vẫn thường diễn ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Khác với Liên Xô, nền văn học nghệ Nam Tư đã có nhiều hình thức thể hiện sự bất bình, lo lắng của xã hội. Điều đó cho đến nay vẫn không được phép ở Liên Xô. Có thể nói, trên đầu nền văn học nghệ thuật Nam Tư vẫn treo lơ lửng một thanh kiếm, nhưng ở Liên Xô thì mũi kiếm đã xuyên trúng tim.

Sự tự do tương đối về mặt hình thức biểu hiện không làm cho văn nghệ trở thành hoàn toàn tự do vì một lí do đơn giản là bất kì một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào cũng nhất định phải thể hiện được các tư tưởng mới. Thế mà dù có được tự do đến đâu thì vẫn còn đó mâu thuẫn giữa hình thức tương đối tự do đó với việc kiểm soát gắt gao về mặt tư tưởng. Thỉnh thoảng mâu thuẫn này lại bùng lên: khi thì dưới hình thức phản ứng của chế độ với “các tư tưởng phản động”, khi thì dưới hình thức phản kháng của văn nghệ sĩ chống lại sự đàn áp. Đấy chính là sự đối đầu giữa xu hướng độc quyền của bên này và ước vọng sáng tạo của bên kia.

Thực chất, đây là mâu thuẫn giữa đòi hỏi của tự do khám phá và giáo điều cộng sản được chuyển sang lĩnh vực văn nghệ.

Tất cả các tư tưởng mới đều phải bị kiểm soát, phải được cắt gọt cho vừa “khung an toàn”. Thực tế là như thế.

Các lãnh tụ cộng sản không thể giải quyết được mâu thuẫn này, cũng như nhiều mâu thuẫn khác nữa. Như chúng ta đã thấy, họ chỉ có thể nới lỏng sợi dây trói buộc, nhưng không thể dành cho văn nghệ sự tự do đích thực được.

Do mâu thuẫn này mà trong chế độ cộng sản vấn đề vai trò của văn nghệ trước các đề tài do cuộc sống đặt ra không thể giải quyết được, cũng như các lí thuyết về sáng tạo nghệ thuật cũng không thể phát triển được.

Vì về bản chất, tác phẩm nghệ thuật gần như bao giờ cũng là sự phê phán các quan hệ xã hội cũng như phê phán xã hội đương thời, sáng tạo ra các tác phẩm mang vấn đề thời sự trong chế độ cộng sản là việc bất khả. Chỉ được quyền ca ngợi cái hiện có và phê phán kẻ địch, một việc làm vô nhân đạo vì cái bị phê phán chính là cái bị săn đuổi và không có khả năng tự vệ. Trên một “cơ sở” như vậy thì việc tạo ra các tác phẩm đi vào các vấn đề thời sự, với một giá trị nào đó là việc bất khả thi.

Ở Nam Tư, giới chóp bu cũng như một số nhà hoạt động văn nghệ thường xuyên kêu ca rằng không có “tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Ở Liên Xô thì ngược lại, người ta “sáng tác” ra vô vàn tác phẩm mang đề tài thời sự, nhưng chính vì chúng không nói lên sự thật, giá trị của chúng rất đáng ngờ, những tác phẩm kiểu đó đã nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Hình thức có thể khác nhau nhưng kết quả cuối cùng thì ở đâu cũng thế.

5.

Trong tất cả các nước cộng sản cái gọi là “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” chiếm thế thượng phong.

Ở Nam Tư, lí thuyết này đã hoàn toàn thất bại, chỉ có những kẻ phản động giáo điều nhất là còn theo mà thôi. Trong lĩnh vực này, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, chế độ có thừa sức để tận diệt tất cả mọi luồng tư duy lí luận không “phù hợp”, nhưng nó lại quá yếu, không thể nhồi sọ được quan điểm của mình. Có thể khẳng định rằng trong các nước Đông Âu khác, lí thuyết này cũng có một số phận tương tự như ở Nam Tư.

Lí thuyết “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” không phải là một hệ thống hoàn chỉnh. Thuật ngữ này được Gorky sử dụng trước tiên. Quan điểm của ông có thể nói ngắn gọn là trong điều kiện của “chủ nghĩa xã hội” hiện nay, văn nghệ phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa và thể hiện càng chân thực đời sống thì càng tốt. Còn tất cả những điều khác (tính điển hình, tính đảng...) thì hoặc là được cóp nhặt từ các lí thuyết khác hoặc là được tạo ra từ các nhu cầu chính trị của chế độ.

Không được xây dựng thành một lí thuyết hoàn chỉnh, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, trên thực tế, chỉ có nghĩa là sự độc quyền về tư tưởng của cộng sản, là cố gắng khoác cho những tư tưởng phản động và hạn hẹp của các lãnh tụ hình thức nghệ thuật, là buộc phải ca ngợi sự nghiệp của họ dưới dạng những bản anh hùng ca. Cuối cùng, lí thuyết này chỉ còn là sự biện hộ giả trá của một cơ chế kiểm duyệt quan liêu và theo dõi của chế độ mà thôi.

Trong các nước cộng sản khác nhau, việc theo dõi được thực hiện theo những cách khác nhau: từ sự kiểm duyệt của bộ máy đảng cho đến áp lực “về mặt tư tưởng”.

Thí dụ, ở Nam Tư chưa bao giờ có chế độ kiểm duyệt. Việc giám sát được thực hiện một cách gián tiếp, thông qua các đảng viên ở các nhà xuất bản, các hội nghệ thuật, các tạp chí và báo, các đảng viên phải báo cáo ngay mọi “nghi ngờ” lên cấp trên. Kiểm duyệt thâm nhập vào ngay môi trường sáng tác, trở thành tự kiểm duyệt. Có trường hợp, ngay các đảng viên cũng “lừa” cả kiểm duyệt, nhưng bản năng tự kiểm duyệt đã buộc họ phải sống lá mặt lá trái và làm đủ điều hạ đẳng, vô luân khác.

Về nguyên tắc, ở Liên Xô cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, văn nghệ sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm tự kiểm duyệt dù có hay không kiểm duyệt chính thức. Hơn thế nữa, kiểm duyệt (tự kiểm duyệt) thường được thể hiện dưới dạng “giúp đỡ về tư tưởng”.

Các mối quan hệ xã hội buộc người ta, dù muốn dù không, phải tự kiểm duyệt, đây chính là hình thức theo dõi về tư tưởng chủ yếu của cộng sản. Giống như thời Trung cổ, trước khi sáng tác, người nghệ sĩ phải biết nhà thờ muốn gì; trong chế độ cộng sản, trước khi sáng tác, người nghệ sĩ cũng phải “thâm nhập” vào tư duy, mà nhiều khi còn phải biết “khẩu vị” của các nhà lãnh đạo nữa.

Sự đàn áp, cấm đoán, bao cấp về tư tưởng và hình thức thể hiện, sự “chỉ đạo” của các viên chức quan liêu ngu dốt - tất cả đều được thực hiện nhân danh nhân dân và quyền lợi của nhân dân. Theo nghĩa này, “hiện thực xã hội chủ nghĩa” ngay cả trên lời nói cũng không khác gì chủ nghĩa-xã hội dân tộc (phát xít - ND). Một nhà văn Nam Tư gốc Hung đã “phỏng vấn” các lí thuyết gia về nghệ thuật của hai hệ thống và được kết quả:

L.I. Timofiev, lí thuyết gia Liên Xô (viết trong tác phẩm: Theory of Literature): “Văn học là tư tưởng giúp con người nhận thức đời sống và cách hành xử trong cuộc đời”

Tờ Grundendanken Nationalcosialisticsher Culterpolitics (Nền tảng của chính sách văn hóa của chủ nghĩa xã hội quốc gia): “Người nghệ sĩ không chỉ là nghệ sĩ, anh ta luôn luôn là một nhà giáo dục”.

Baldur Fon Shirach, lãnh tụ Hitlerungend (phong trào Thanh niên Hitler): “Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải hướng đến toàn thể nhân dân”

Andrey Zhdanov, Uỷ viên bộ chính trị đảng cộng sản Liên Xô: “Mọi tác phẩm vĩ đại đều dễ hiểu”

Wolfgang Schulz viết trên tờ Grundendanken...: “Chính sách của chủ nghĩa xã hội dân tộc, trong đó có chính sách văn học là do lãnh tụ và những người mà ông tín nhiệm quyết định... Nếu ta muốn biết chính sách của chủ nghĩa xã hội dân tộc là gì, chúng ta chỉ cần nhìn vào những người ấy, nhìn xem họ đang làm gì, họ đang đưa ra những chỉ thị nào để cố kết xung quanh mình những người đồng chí hướng, những người nhận thức được trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.”

Emelian Iaroslavsky nói tại đại hội XVIII đảng cộng sản Nga (Bolshevik): “Đồng chí Stalin động viên các văn nghệ sĩ, giao cho họ các tư tưởng chỉ đạo... Nghị quyết ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nga (Bolshevik) và báo cáo của đồng chí A.A. Zhdanov đã đưa ra cho các văn nghệ sĩ Liên Xô một chương trình công tác hoàn chỉnh.”

Các chế độ chuyên chế thù địch nhau cùng tiến hành tự biện hộ giống nhau đến nỗi phải sử dụng cách nói giống hệt nhau.

6.


Là kẻ thù của tư duy khoa học và là kẻ thù của tự do dân chủ, các ông trùm cộng sản đã làm băng hoại một cách toàn diện tinh thần của toàn thể nhân dân. Các chủ đất phong kiến và các ông trùm tư bản trả tiền cho các văn nghệ sĩ theo kiểu của họ và trong khi giúp đỡ về mặt vật chất, họ đã mua chuộc những người đó. Trong chế độ cộng sản sự mua chuộc là một phần của chính sách quốc gia.

Nguyên tắc của chế độ cộng sản là nắm ngay lấy cổ, đè bẹp ngay mọi hoạt động tinh thần mà họ không chấp nhận; nghĩa là đè bẹp tất cả những gì là độc đáo và sâu sắc. Mặt khác, họ lại khen thưởng hậu hĩnh, động viên, thực ra là mua chuộc thẳng thừng tất cả những gì mà hệ thống cho là có ích cho “chủ nghĩa xã hội”, nghĩa là cho chính nó.

Ngay cả nếu để sang một bên những hình thức mua chuộc trắng trợn (huân chương Stalin, sự bảo trợ, nhuận bút cao khi thực hiện các đơn đặt hàng..vv..) thì sự thật vẫn là: chế độ cố tình mua chuộc giới trí thức, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Dù có bỏ kiểm duyệt và các phần thưởng đủ mọi loại thì mua chuộc và áp lực vẫn cứ hiện diện khắp nơi.

Cơ sở của sự mua chuộc và áp lực là chế độ độc quyền quan liêu đảng trị đang nô dịch toàn bộ xã hội. Người nghệ sĩ biết trốn đi đâu? Dù nói về tư tưởng hay đồng lương thì đấy cũng là một sức mạnh mà anh ta không thể nào vượt qua được. Mặc dù sức mạnh này không phải là quyền lực trực tiếp, nó vẫn ngấm vào mọi ngõ ngách. Tiếng nói cuối cùng luôn luôn thuộc về nó.

Đối với người nghệ sĩ, điều quan trọng là làm sao để áp lực càng nhẹ càng tốt, dù điều đó cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến vị trí của anh ta trong xã hội. Vì vậy, đối với văn nghệ sĩ, Nam Tư dễ chịu hơn Liên Xô nhiều.

Người nô lệ không có gì để chọn, anh ta buộc lòng phải chấp nhận sự băng hoại về mặt tinh thần. Nếu có ai quan tâm đến nguyên nhân vì sao một phần tư thế kỉ qua Liên Xô không có một tác phẩm nghệ thuật lớn nào (đặc biệt là trong văn học) thì người đó sẽ phát hiện ra rằng băng hoại trí thức đóng vai trò không nhỏ hơn (nếu không nói là lớn hơn) sự nô dịch.

Truy bức, bôi nhọ, buộc phải tự thú một cách nhục nhã (tự phê bình) những văn nghệ sĩ chân chính, đồng thời lôi kéo những kẻ dễ bảo bằng nhuận bút cao, phần thưởng lớn, nhà lầu, xe hơi, cho các chức vụ khác nhau...- bằng các chế độ ưu tiên như thế, hệ thống cộng sản đã lựa chọn được sự tầm thường, được những người chỉ biết phục tùng và không có khả năng sáng tạo.

Không có gì phải ngạc nhiên khi các văn nghệ sĩ lớn bị đặt trước sự lựa chọn giữa một cuộc sống đói khát (còn bị đe doạ suốt đời nữa) và “ân sủng” của các ông chủ, đã mất phương hướng và cùng với nó là niềm tin và sức mạnh vốn có của mình. Tự sát, tuyệt vọng, chạy trốn vào rượu chè, mất sự ổn định nội tâm, mất sự toàn vẹn của cá tính là kết quả của quá trình lừa dối và tự lừa dối - đấy là số phận của những người thực sự muốn và có thể tạo ra cái mới.

Tâm hồn con người buộc phải sáng tạo vì nó không thể không sáng tạo trong tuyệt vọng, nhưng dưới cái mặt nạ là chủ nghĩa lạc quan như thế đấy. Lương tâm con người tồn tại cả trong những những điều kiện như thế, đấy có phải là minh chứng rằng nó là bất khả chiến bại và đấy có phải là chỉ dấu về sự khốn cùng và bệnh hoạn của hệ thống không?[5]

7.

Người ta thường cho rằng chuyên chính cộng sản thực hiện kì thị giai cấp một cách trắng trợn. Nhưng không hoàn toàn như vậy.

Theo thời gian, kì thị giai cấp ngày càng giảm, còn kì thị về tư tưởng thì ngày càng tăng. Quan niệm cho rằng chính quyền thuộc về giai cấp vô sản cũng sai như quan niệm cho rằng cộng sản truy bức con người chỉ vì họ thuộc về giai cấp tư sản. Không nghi ngờ rằng cộng sản đánh các giai cấp hữu sản, đặc biệt là tư sản. Nhưng những người đã đầu hàng, những người đã “cải tạo” vẫn có thể tìm được một chỗ “ấm cúng” và được chính quyền “thể tất”. Hơn thế nữa, cảnh sát mật thường lựa được các gián điệp tài ba, còn các ông chủ thì tìm được đầy tớ trong số “tư sản đã cải tạo” này. Nhưng những người nghi ngờ các quan điểm và biện pháp cộng sản thì đừng hòng được tha thứ. Ở đây thành phần xuất thân không quan trọng, chống quốc hữu hoá hay chỉ là những người quan sát vô tình cũng vậy mà thôi, tư tưởng là thống soái.

Cần phải nói thêm rằng sự truy bức các tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa khác với cách nghĩ của tầng lớp chóp bu lại còn dữ dội hơn, mãnh liệt hơn cả cuộc đấu tranh với các quan điểm phản động nhất của những người ủng hộ chế độ cũ. Dễ hiểu, vì người ủng hộ chế độ cũ không nguy hiểm bằng, quan niệm của họ hướng về quá khứ, nó có thể gây phiền phức nhưng cơ hội để phục hồi, để chiến thắng là rất nhỏ.

Sau khi nắm được chính quyền, cộng sản liền tấn công tư hữu và bằng cách đó tạo ra ảo tưởng rằng họ làm thế là vì quyền lợi của người lao động. Nhưng sau này mới rõ rằng không hoàn toàn như thế, cơ sở của những hành động đó là ước muốn thống trị, mà thống trị chỉ có thể thực hiện thông qua kì thị về mặt tư tưởng chứ không phải giai cấp. Nếu vấn đề được đặt khác đi, thí dụ, thực sự trao tài sản vào tay người lao động, thì kì thị giai cấp sẽ chiếm thế thượng phong ngay.

Sự kiên trì kì thị về tư tưởng như thế có thể làm cho người ta nghĩ rằng cộng sản là một giáo phái tin tưởng tuyệt đối vào những điều răn duy vật-vô thần của mình và dùng sức mạnh ép buộc những người khác cũng tin như họ. Cộng sản hành động như một giáo phái nhưng thực ra không phải như vậy.

Hệ tư tưởng toàn trị không phải là kết quả của một hình thức quyền lực và sở hữu cụ thể. Tuy nó có đóng góp vào quá trình hình thành quyền lực và sở hữu, nhưng nó là chỗ dựa vững chắc nhất của quá trình phát triển đó. Kì thị về tư tưởng là điều kiện cần thiết sống còn của chế độ cộng sản.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng các hình thức kì thị khác như chủng tộc, giai cấp, dân tộc là những kì thị nặng nề hơn kì thị về tư tưởng. Bề ngoài chúng có vẻ là như thế, nhưng các dạng kì thị đó chưa bao giờ đạt đến độ tinh vi và toàn diện như kì thị về tư tưởng. Các dạng kì thị đó chỉ ảnh hưởng đến những bộ phận nào đó của xã hội, trong khi kì thị về tư tưởng ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và từng thành viên riêng biệt. Loại thứ nhất giày xéo con người về mặt thể xác. Kì thị tư tưởng đánh vào ngay cái Người nhất trong từng cá nhân. Khủng bố về mặt tinh thần là sự khủng bố dã man và toàn diện nhất, nó là sự khởi đầu và kết thúc của mọi sự khủng bố.

Trong hệ thống cộng sản, kì thị tư tưởng được thể hiện, một mặt, như là sự cấm đoán các tư tưởng “không phù hợp” và mặt khác, bắt buộc chấp nhận các tư tưởng của hệ thống. Đấy chỉ là hai khía cạnh rõ nhất của sự đàn áp không bút nào tả xiết được. Tư tưởng chính là sức sáng tạo có hiệu quả nhất. Sống, lao động, mà không suy nghĩ, không tưởng tượng là điều bất khả. Tuy phủ nhận, nhưng cộng sản vẫn phải tính đến đặc trưng ấy của con người. Vì vậy họ mới đàn áp mọi tư tưởng “không phù hợp”, nhất là khi những tư tưởng đó được đưa ra để giải quyết các vấn đề mà xã hội đang gặp phải.

Con người có thể sống trong nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng người ta không thể sống mà không nghĩ, không nói lên ý nghĩ của mình. Không có gì đau khổ hơn là buộc phải câm lặng, không có sự đàn áp nào dã man hơn việc bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và “nhai lại” suy nghĩ của kẻ khác.

Hạn chế tự do tư tưởng không chỉ là cuộc tấn công vào những nhóm chính trị hay xã hội cụ thể, mà là cuộc tấn công vào tính ngưới, tính nhân bản của con ngưới nói chung.

Dù thế, khát vọng tự do, tự do tư tưởng, khát vọng cải thiện và mở rộng sản xuất của con người không bao giờ phai nhạt, nó luôn luôn được thể hiện như một mệnh lệnh của những lực lượng nhất định. Nếu trong các chế độ cộng sản, các mệnh lệnh đó chưa có biểu hiện rõ ràng thì cũng không có nghĩa là chúng không tồn tại. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng đang hình thành, đang vươn lên từ trong lòng nhân dân mà thôi. Sự áp bức toàn trị dường như đã xoá tan ranh giới giữa các tầng lớp nhân dân, nhân dân đang tập hợp lại để đòi tự do. Trong đó có tự do tư tưởng.

Lịch sử sẽ tha thứ cho những người cộng sản nhiều tội lỗi mà họ đã phạm do hoàn cảnh, do nhu cầu tự vệ, nhu cầu sống còn. Nhưng bóp nghẹt mọi quan điểm khác biệt, sự bất dung, sự độc quyền về tư tưởng chỉ để nhằm bảo vệ những quyền lợi ích kỉ của họ là những tội lỗi không thể tha thứ. Chủ nghĩa cộng sản sẽ phải đứng chung một hàng với những tội lỗi nhục nhã khác trong lịch sử: toà án giáo hội và các đống lửa thiêu người thời Trung cổ. Cộng sản có thể giành được vị trí “vinh quang nhất” trong đám ấy.


Mục đích và phương tiện

1.

Các nhà cách mạng và các cuộc cách mạng không bao giờ từ chối sử dụng các biện pháp vũ lực và đàn áp.

Nhưng chưa có cuộc cách mạng nào, chưa có nhà cách mạng nào lại sử dụng bạo lực một cách có ý thức, đưa bạo lực thành hoàn thiện, thành công việc thường ngày như những người cộng sản.

“Không được lựa chọn phương tiện trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của chế độ...hãy đàn áp tất cả những ai không có ích, không giúp gì cho nước cộng hoà”. Dường như đấy không phải là những lời của Saint-Just mà được phát ra từ miệng lưỡi các lãnh tụ cộng sản đương đại vậy. Nhưng Saint-Just nói những lời này khi ngọn lửa cách mạng đang hừng hực cháy, khi lòng ông tràn ngập nỗi đau cho số phận của cách mạng, còn cộng sản thì khẳng định điều đó trong suốt cuộc hành trình, từ khi bước ra vũ đài chính trị cho đến lúc đạt đến đỉnh cao quyền lực và bắt đầu tan rã.

Mặc dù bạo lực cộng sản bao trùm hơn, kéo dài hơn, dã man hơn nhưng có thể nói rằng ngay trong cách mạng họ thường biết lựa chọn phương tiện hơn là các đối thủ của mình. Nhưng sau cách mạng thì phương pháp của họ, tuy ít đẫm máu hơn, nhưng càng ngày lại càng phi nhân hơn.

Nếu không kể đến hoàn cảnh lịch sử, chủ nghĩa cộng sản, cũng như bất kì phong trào chính trị-xã hội nào, cũng buộc phải sử dụng một loạt các biện pháp (chính trị là chính trị) phù hợp với quyền lợi và phân bố lực lượng trong xã hội, bất kể lí lẽ, bất kể đạo đức.

Ở đây chúng ta chỉ xem xét những biện pháp làm cho chủ nghĩa cộng sản hiện đại khác biệt với các phong trào chính trị xã hội khác, tuỳ hoàn cảnh, có thể dã man hơn, phi nhân hơn hay nhân đạo hơn các phong trào kia. Cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta chỉ quan tâm tới sự khác biệt, tính đặc thù của các biện pháp được cộng sản sử dụng, nghĩa là chỉ quan tâm tới sự khác biệt giữa cộng sản và các phong trào khác, không cần biết đấy là có phải là phong trào cách mạng hay không.

Ta có thể nói ngay rằng sự dã man không phải là điểm “khác biệt” của các biện pháp cộng sản. Dã man là điều dễ thấy, nhưng không phải là điểm khác biệt chủ yếu. Phong trào đặt cho mình nhiệm vụ khó khăn như thế - bằng bạo lực thay đổi toàn bộ nền kinh tế cũng như toàn xã hội - nhất định phải sử dụng các biện pháp dã man. Nhưng các phong trào cách mạng trước đó cũng đã buộc phải làm như vậy hay buộc phải tiến đến cách làm như vậy. Tiến đến nhưng không thành: giai đoạn bạo lực của họ không thể kéo dài. Và không thể toàn diện như bạo lực cộng sản: hoàn cảnh không cho phép.

Cũng không thể cho rằng cộng sản áp dụng các biện pháp ấy là do họ là những người không có các nguyên tắc đạo đức nhất định.

Những người cộng sản, ngoài việc là cộng sản, họ cũng là những con người bình thường, trong giao tiếp với những người khác họ buộc phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức của cộng đồng. Chân không đạo đức của họ không phải là nguyên nhân mà là kết quả của những biện pháp mà họ áp dụng. Trên nguyên tắc, cũng như trên lời nói, cộng sản luôn luôn tỏ ra là những chiến sĩ đấu tranh kiên cường để bảo vệ đạo đức và chủ nghĩa nhân đạo. Đôi khi họ có vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức của mình thì cũng chỉ là do hoàn cảnh bắt buộc. Nếu không phải làm như vậy thì sẽ tốt biết bao, họ vẫn thường nói như thế. Về điểm này, họ cũng gần giống với các phong trào kia, nếu có khác thì chính tính chất phi nhân của họ được thể hiện dưới những hình thức phải gọi là quái gở và kéo dài hơn mà thôi.

Các biện pháp bạo lực chính là những chỉ dấu phân biệt rõ nhất cộng sản với các phong trào chính trị khác. Điều kiện lịch sử và nhiệm vụ mà phong trào cộng sản muốn giải quyết là nguồn gốc của những biện pháp ấy.

Có một sự khác biệt căn bản mà mới nhìn người ta có thể cho rằng chủ nghĩa cộng sản có những nét tương đồng với những giáo phái trong quá khứ.

Đấy là những mục đích “lí tưởng”, người cộng sản có thể áp dụng mọi thủ đoạn nhân danh những mục đích ấy. Thêm nữa, thủ đoạn lại ngày càng trắng trợn hơn khi mục đích “lí tưởng” ngày càng xa vời hơn.

Nếu trong quá trình cách mạng, cộng sản phải sử dụng những biện pháp mà đối thủ cũng như tiến trình đấu tranh bắt buộc phải làm như thế, thì sau khi đã nắm được chính quyền, sau khi đã tiêu diệt được những kẻ thù trực tiếp, việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đó, thậm chí những biện pháp đàn áp dã man hơn vì “lí tưởng” như “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản”, “quyền lợi của giai cấp công nhân và của toàn thể nhân dân lao động” là điều không những không thể biện hộ được về mặt đạo đức mà còn chứng tỏ họ là những kẻ bất lương và tham quyền tàn nhẫn. Các giai cấp cũ, đảng phái cũ, hình thức sở hữu cũ đã không còn hoặc đã bị vô hiệu hoá, không thể kháng cự, nhưng biện pháp thì vẫn như cũ. Hơn nữa, chỉ đến lúc này việc sử dụng chúng mới thể hiện rõ tính phi nhân của toàn bộ hệ thống. 

Tính chất bất nhân của các biện pháp đàn áp của Stalin đạt đỉnh điểm chính trong quá trình xây dựng “chủ nghĩa xã hội”. Khi tuyên bố quyền lợi của mình là mục đích tối thượng mà xã hội nhất định phải tiến tới, khi đã tạo được cho mình sự độc quyền trong lĩnh vực tinh thần cũng như các lĩnh khác, giai cấp mới tìm mọi cách hạ thấp giá trị của phương tiện. Họ thường tuyên bố: “Quan trọng là mục đích, phương tiện chỉ là thứ yếu”. “Điều quan trọng là chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, những việc khác rồi sau sẽ hay”, cộng sản thường biện hộ cho những hành động tội lỗi đê tiện của mình như thế đấy.

Mục đích biện minh cho mọi phương tiện, mà phương tiện ở đây chính là đảng. Đảng ngồi trên đầu trên cổ xã hội, giống như nhà thờ Trung cổ, đảng biện minh cho chính mình.

“Khi gặp nguy hiểm nhà thờ vứt bỏ hết mọi lời răn. Coi sự thống nhất là mục đích, nó đã dùng mọi phương tiện: lừa dối, phản bội, đàn áp, mua quan bán tước, nhà tù và án tử hình. Vì mọi chế độ đều nhân danh những mục đích chung nào đó và cá nhân phải hi sinh cho sự nghiệp chung” (Dithrich Fon Nikhaim, Giám mục xứ Verden).

Câu này như được phát ra từ miệng lưỡi của một trong những lãnh tụ cộng sản vậy.

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản đương đại khá giống với chủ nghĩa phong kiến (thí dụ, giáo điều đến mức cuồng tín) nhưng chúng ta không sống trong thời Trung cổ và cộng sản cũng không phải nhà thờ.

Bề ngoài, cộng sản giống với nhà thờ Trung cổ vì cả hai đều có tham vọng độc quyền về tư tưởng và cả các lĩnh vực khác, cả hai đều áp dụng cùng một biện pháp “tác động”. Nhưng thực chất thì đây là hai hiện tượng khác nhau. Nhà thờ chỉ nắm một phần quyền lực và sở hữu; trong trường hợp xấu nhất, nó cũng chỉ đòi độc quyền trong lĩnh vực tinh thần nhân danh hệ thống xã hội đương thời. Những kẻ dị giáo thường bị truy bức nhân danh đức tin chứ không nhằm một lợi ích cụ thể nào vì lúc đó người ta cho rằng thân thể kẻ dị giáo có bị giết đi thì tâm hồn tội lỗi của hắn mới được cứu rỗi, nghĩa là mọi phương tiện trần thế đều có thể được sử dụng nhân danh thiên đường.

Trong khi đó, tham vọng của cộng sản là quyền lực trực tiếp, là chiếm và giữ chính quyền nhà nước. Và cả quyền lực trong lĩnh vực tinh thần nữa, sự truy bức nhân danh “đức tin” chỉ là biện pháp phụ trợ để củng cố quyền lực mà thôi. Khác với các cố đạo, cộng sản không phải là điểm tựa của chế độ, họ chính là “hiện thân” của quyền lực.

Nói tất cả những điều này để thấy rằng vì sao người cộng sản về lí thuyết không phải là những người sử dụng các phương tiện một cách bừa bãi, nhưng trên thực tế, họ lại phản bội chính những nguyên tắc của mình[6]. Vì giai cấp mới không xuất hiện như một hiện tượng nhất thành bất biến mà biến đổi từ lực lượng cách mạng thành giai cấp hữu sản và phản động, nghĩa là các phương tiện của nó vẫn giữ cái vỏ bên ngoài, nhưng nội dung thì cùng với thời gian đã từ cách mạng trở thành phản động, từ tự vệ thành đàn áp, áp bức.

Các phương tiện của cộng sản vốn là vô đạo đức và trắng trợn, chúng cũng sẽ vẫn là như thế ngay cả khi về hình thức đã không còn quá dã man như cũ. Quyền lực toàn trị tuyệt đối không từ bất kì thủ đoạn nào. Cộng sản đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không thể từ bỏ nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện”, phương tiện bảo vệ quyền thống trị tuyệt đối và quyền lợi ích kỉ của họ.

Cộng sản đã tiến hành áp bức, cướp bóc, thủ tiêu con người mà không cần nhà tù và giá treo cổ. Điều đó được thưc hiện bằng cách tước đoạt khả năng gây ảnh hưởng của người dân đối với những thay đổi diễn ra trong xã hội, bằng cách tước quyền làm chủ ngay chính sức lao động của họ, không cho họ được quyền nói lên suy nghĩ của mình. Cộng sản đã biến tài sản xã hội thành tài sản của giai cấp mình, hứa huỷ bỏ nhà nước cùng với quá trình dân chủ hoá, nhưng trên thực tế, càng ngày càng củng cố quyền lực của chế độ chuyên chế; họ cũng làm tương tự như thế với các phương tiện đàn áp: nếu họ có nới lỏng các biện pháp khi không còn kẻ thù hoặc kẻ thù đã bị vô hiệu hoá thì cũng chỉ có tính chất tượng trưng[7].

Dù không muốn, cộng sản vẫn cứ là những chủ sở hữu và những kẻ chuyên chế, không từ bất cứ thủ đoạn nào. Trái với những lí thuyết đẹp đẽ và những dự định tốt đẹp, hệ thống bắt buộc họ phải làm như thế. Khi một cái gì đó đã trở thành tất yếu thì nhất định hệ thống sẽ biến một số tù nhân tinh thần của mình thành những kẻ thực hiện tự nguyện.

2.

Cộng sản thường nói đến “đạo đức cộng sản”, đến “con người mới xã hội chủ nghĩa” như là những phạm trù đạo đức cao cả. Nhưng những khái niệm đó chỉ có một nghĩa duy nhất: đoàn kết để chống lại mọi ảnh hưởng từ bên ngoài. Trên thực tế, chúng không phải là những phạm trù đạo đức.

Và, mặc dù người cộng sản không có những qui tắc hành xử đặc biệt nào, cũng như không thể có “con người xã hội chủ nghĩa”, nhưng cộng sản cố tình đưa vào hàng ngũ của mình “quan điểm riêng” về đạo đức: không phải như những nguyên lí tuyệt đối mà là những tiêu chuẩn động, ăn sâu bén rễ, thâm căn cố đế trong hệ thống thang bậc, nơi cấp trên có thể làm nhiều việc mà nếu cấp dưới vi phạm và bị phát hiện thì sẽ bị “ăn đòn”.

Thái độ và tiêu chuẩn đạo đức mang tính biệt phái của họ không phải là những tiêu chuẩn hoàn hảo và ổn định mà trải qua một quá trình phát triển lâu dài, đôi khi chính chúng cũng có đóng góp vào việc đưa giai cấp mới lên những tầng cao mới. Kết quả là, đã hình thành nên những tiêu chuẩn đạo đức bất thành văn, phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp chóp bu, tuy bất thành văn, nhưng lại là những tiêu chuẩn bắt buộc. Nói tóm lại, quá trình hình thành tiêu chuẩn đạo đức mang tính biệt phái đó trùng hợp với việc thăng tiến của giai cấp mới, các tiêu chuẩn đó thực chất là nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện”, không chấp nhận các phạm trù đạo đức chung của nhân loại nữa.

Xin khảo sát từng vấn đề một cách cụ thể hơn.

Tiêu chuẩn đạo đức cộng sản cũng như mọi tiêu chuẩn đạo đức mang tính biệt phái khác, ban đầu, tuy thuộc về một phong trào khép kín nhưng vẫn là các tiêu chuẩn nhân bản nói chung chứ chưa phải hoàn toàn mang tính giáo phái hay biệt phái. Không phải vô tình mà phong trào cộng sản đã xuất hiện như một phong trào có tính lí tưởng và hi sinh nhất, đã tập hợp được trong đội ngũ của mình những người con ưu tú nhất, dũng cảm nhất và dĩ nhiên là cũng đức hạnh nhất của dân tộc.

Kết luận này và tất cả những kết luận nói đến ở trên liên quan đến các nước mà phong trào cộng sản sinh ra và giành được sức mạnh trong lòng dân tộc (Nga, Nam Tư, Trung Quốc).

Khắp mọi nơi, phong trào cộng sản đều bắt đầu từ ước mơ về những điều tốt đẹp hơn, ước mơ về lí tưởng; chính vì thế nó mới hấp dẫn những người đức hạnh. Đồng thời, là một phong trào quốc tế, như cây hướng dương tìm mặt trời, nó luôn hướng về nơi có phong trào mạnh nhất, nơi phong trào đã giành được chính quyền. Cho đến nay đấy chính là Liên Xô. Vì vậy, phong trào cộng sản ở những nước chưa giành được chính quyền đã mất chất cộng sản lúc đầu và tiếp thu những phẩm chất cộng sản cầm quyền. Kết quả là, các lãnh tụ cộng sản ở phương Tây hiện nay cũng có thói quen xuyên tạc sự thật và lèo lái các tiêu chuẩn đạo đức hệt như các đồng nghiệp của họ ở Liên Xô. Nói chung, trong giai đoạn đầu, cộng sản là phong trào của những người đức hạnh, nguyên tắc đạo đức đó được người ta gìn giữ như báu vật và đấy là lí do của những cuộc khủng hoảng, hậu quả của những hành động vô luân và duy ý chí của các lãnh tụ về sau này.

Lịch sử có chưa nhiều các phong trào bắt đầu và phát triển trên những nguyên tắc cao thượng và với những chiến sĩ xả thân vì sự nghiệp, đoàn kết vì lí tưởng, gắn bó bằng tình yêu, tình đồng chí, lòng chân thành, sự nhiệt tình, sinh ra trong bão lửa đấu tranh, nơi họ hoặc sẽ chiến thắng hoặc sẽ chết như thế. Cùng làm việc, ước nguyện có cùng suy nghĩ và cảm xúc, cùng chia sẻ niềm vui, hi sinh cá nhân cho sự nghiệp của đảng, của tập thể, sẵn sàng hi sinh vì đồng đội, thương yêu thanh thiếu nên, chăm sóc người già cả, đấy là đặc điểm của những người cộng sản trong giai đoạn khi mà phong trào đang hình thành như một phong trào cộng sản chân chính. Đảng viên nữ, đấy không chỉ là một chiến hữu, một người đồng chí bình thường. Cần luôn luôn nhớ rằng chị đã hi sinh tất cả khi tham gia phong trào, cả tình yêu, cả khả năng làm mẹ. Giữa đàn ông và đàn bà đã hình thành mối quan hệ trong sáng, ấm áp, một mối tình đồng chí lí tưởng, bảo bọc lẫn nhau. Lòng trung thành, tương trợ lẫn nhau, chân thành trong từng ý nghĩ cao thượng nhất, đấy là những nét đặc trưng của những người cộng sản chân chính lúc đó. 

Nhưng đấy là ở những giai đoạn ban đầu, khi phong trào chưa được nếm vị ngọt ngào của quyền lực.

Để có những lí tưởng đó, phong trào phải đi qua những đoạn đường dài, đầy chông gai, thử thách. Phong trào cộng sản đã lôi cuốn được những thành viên của nhiều tầng lớp và lực lượng xã hội khác nhau. Sự đồng nhất về mặt tâm lí không thể xuất hiện ngay, trước đó nhất định phải diễn ra quá trình va chạm của những nhóm, những phe cánh khác nhau và chiến thắng (nếu điều kiện khách quan cho phép) sẽ thuộc về phe nhận rõ thực chất của phong trào và vì vậy cũng là phe thể hiện giá trị đạo đức cao nhất. Trải qua các cuộc khủng hoảng về đạo đức, qua các âm mưu về chính trị, các trò lừa đảo bẩn thỉu, các trò vu cáo lẫn nhau, các cuộc xung đột nội bộ, những vụ vỡ mộng về tinh thần cũng như trí tuệ, phong trào phát triển mãi lên, tạo ra hạt nhân lãnh đạo và giáo lí, đạo đức và tâm lí, phong cách và phương pháp làm việc.

Khi phong trào cộng sản trở thành một phong trào cách mạng thật sự và như ta đã thấy, trong một giai đoạn ngắn, đã có những phẩm chất đạo đức cao thượng. Đã có một giai đoạn, khi lời nói thường đi đôi với việc làm, nói đúng hơn, những người lãnh đạo phong trào, những người trung thành nhất, những người cộng sản chân chính đã thực sự tin vào lí tưởng của mình và một lòng một dạ thực hiện lí tưởng ấy. Đấy là giai đoạn trước cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền, là nói các phong trào phải trải qua giai đoạn như vậy.

Tất nhiên, đấy là đạo đức có tính biệt phái, nhưng là đạo đức cao thượng. Đây là một phong trào khép kín cho nên nó thường khó nhìn nhận được sự thật, mặc dù như thế, không có nghĩa là người ta không tìm kiếm và không yêu sự thật.

Tính biệt lập về trí thức và đạo đức là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài vì sự thống nhất về tư tưởng và hành động, ta sẽ khó tưởng tượng nổi một phong trào cộng sản cách mạng thiếu những đặc trưng vừa kể. “Thống nhất về tư tưởng và hành động” sẽ không thể nào xảy ra nếu thiếu sự thống nhất về tâm lí và đạo đức. Và ngược lại. Nhưng chính sự thống nhất về đạo đức và tâm lí tự phát như thế, không cần một nội qui và qui tắc nào, đã trở thành một thói quen và làm cho cộng sản thành một gia đình cố kết, bảo vệ lẫn nhau, có cùng cách phản ứng, có cùng những suy nghĩ và tình cảm, người bên ngoài không thể hiểu và không thể xâm nhập được. Sự xuất hiện một tổ chức thống nhất về đạo đức và tâm lí như thế là dấu chỉ rằng phong trào cộng sản đã đứng vững và trước mắt những người ủng hộ nó, cũng như trước mắt nhiều người khác, đây đã là một cơ thể duy nhất, một tâm hồn duy nhất, một bàn tay đã nắm thành quả đấm. Đấy là một phong trào đoàn kết nhất trí đầy tương lai. Nhưng đấy là cái tương lai khác hẳn với ước nguyện ban đầu.

Tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ bạc màu, sẽ tan dần trong quá trình tiến đến đỉnh cao của quyền lực. Chỉ còn lại hình thức và những thói quen rỗng tuếch, nội dung thực sự đã bị thay thế từ lâu.

Sự thống nhất hình thành trong cuộc đấu tranh với kẻ thù và những nhóm “nửa” cộng sản khi đối diện với một nhóm chóp bu nắm quyền (thường là một ông vua “xã hội chủ nghĩa”) đã biến thành sự thống nhất của những tên tay sai, những kẻ quan liêu “ăn theo nói leo” trong nội bộ phong trào. Thói luồn cúi, nịnh bợ, không dám phát biểu công khai, sự can thiệp vào đời sống riêng tư (sự tương trợ có tính đồng chí trước đây đã trở thành vũ khí nô dịch của nhóm đương quyền), hệ thống cấp bậc và khép kín, phụ nữ chỉ còn vai trò thứ yếu và mang tính tượng trưng, thói bon chen, ích kỉ, đố kị và thù hận – càng gần đến lúc giành được chính quyền thì những thói hư tật xấu nói trên càng xuất hiện nhiều và thế chỗ dần cho những phẩm chất cao thượng ban đầu. Tính nhân bản của một phong trào khép kín đã trở thành thói đạo đức giả và bất dung của một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Lòng chân thành cách mạng giữa các đồng chí với nhau cũng chấm dứt, mánh khoé và dự giả dối đã thành lẽ sống. Những người anh hùng (những người còn sống và chưa bị hất ra khỏi guồng máy) mới ngày hôm qua còn sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình vì người khác, vì lí tưởng và hạnh phúc của nhân dân đã trở thành những kẻ ích kỉ hèn nhát, chẳng còn lí tưởng, cũng chẳng còn ai là đồng chí của ai nữa. Họ sẵn sàng từ bỏ danh dự, từ bỏ chân lí và đạo đức miễn là được ở lại trong giai cấp cầm quyền, miễn là giữ được chiếc ghế trong bộ máy. Nếu trước đây thế giới ít khi được thấy nhiều người anh hùng như thế, nhiều người sẵn sàng chịu hi sinh, chịu đau khổ, nhiều người có niềm tin, thông minh và không khoan nhượng như thế (những người cộng sản đã là như vậy trước và trong cách mạng) thì thế giới cũng chưa từng biết nhiều kẻ hèn nhát, thiếu tư cách đến như thế, những người anh hùng ngày hôm qua, khi vừa nắm được quyền lực liền biến thành những kẻ bảo vệ mù quáng những khẩu hiệu đã mất hết sức sống. Chỉ vì quyền lực, vì đặc quyền đặc lợi mà thôi. Những phẩm chất nhân bản tuyệt vời là điều kiện tạo ra phong trào và sự hấp dẫn và sức mạnh của phong trào ấy, thì tinh thần bè phái, sự chà đạp đạo lí và đức hạnh lại là điều kiện bảo đảm cho sự hùng mạnh và sự sống còn của chính nó. Nếu trước đây sự trung thực, lòng chân thành, đức hi sinh, tình yêu chân lí là một cái gì đó hoàn toàn tự nhiên, là điều kiện tham gia phong trào và điều kiện để chính phong trào tồn tại, thì nay sự giả trá cố ý, âm mưu, vu khống, xuyên tạc, khiêu khích đã dần trở thành những hiện tượng đồng hành không thể thiếu của sự thống trị toàn diện và tuyệt đối của giai cấp mới nói chung và giữa các thành viên của giai cấp ấy với nhau nói riêng.

3.

Những người không nắm được sự phát triển một cách biện chứng đó của phong trào cộng sản sẽ không bao giờ hiểu được cái gọi là những vụ án Moskva và tại sao những cuộc khủng hoảng về đạo đức do sự phản bội của những kẻ mới hôm qua còn được coi là thánh sống lại không gợi lên trong tâm trí những người cộng sản sự chuyển biến mang tính quyết định mà một người bình thường hay một thành viên của những phong trào khác sẽ nhận ra ngay.

Khrushchev từng khẳng định rằng tra tấn là biện pháp chủ yếu để buộc các nạn nhân các vụ thanh trừng của Stalin phải “thú nhận tội lỗi”, tự vu khống mình. Ông ta không nhắc đến ma tuý mặc dù có bằng chứng chứng tỏ rằng ma tuý đã được sử dụng. Nhưng sự đàn áp dã man nhất và chất ma tuý có hoạt tính hữu hiệu nhất lại chính là cái chất có sẵn trong lòng các “tội nhân”.

Những tội phạm bình thường, không phải đảng viên thường không rơi vào trạng thái bị thôi miên, không tự vu khống một cách điên rồ và không xin được chết vì “tội lỗi”. Chỉ những người có “tư chất” đặc biệt, những đảng viên cộng sản mới làm như thế.

Đầu tiên, họ kinh ngạc vì sự tàn bạo và vô luân của cú ra đòn và những lời buộc tội của thượng cấp, họ còn chưa chịu tin rằng cái thượng cấp ấy lại vô nguyên tắc và vô luân đến như vậy dù rằng trong thâm tâm (và giữa những bạn bè thân hữu) họ đã ngầm lên án nó vì nhiều chuyện rồi. Thế mà bỗng nhiên họ bị bứt ra như người ta bứt mấy cây cỏ dại vậy. Ai đã quyết chuyện đó? Chính giai cấp của họ, lãnh đạo của họ, lãnh tụ của họ đã quyết như thế. Người ta đã nắm cổ và vứt họ ra đống rác. Tệ hơn nữa, họ đã bị coi là những kẻ phản bội dù không làm gì nên tội. Thế mà từ lâu họ đã được giáo dục, từ lâu họ đã quen là một tế bào của đảng, hết lòng vì lí tưởng của nó. Nay, sau khi bị bật khỏi gốc rễ, họ trở thành những người cực kì cô đơn. Họ không biết hoặc không nhớ rằng còn có một thế giới khác, thế giới bên ngoài giáo phái cộng sản, bên ngoài những quan niệm và quan hệ bệnh hoạn của nó, nhưng đã muộn, họ không còn thời gian: người ta không cho họ quay lại nữa, từ lâu, trong tư tưởng, trong tâm lí, họ đã là tù binh của giáo lí đó rồi.

Con người không thể đấu tranh, thậm chí không thể sống bên ngoài xã hội, bên ngoài cộng đồng. Đấy là dấu hiệu không thể tách rời của con người, khi người ấy còn có thể được coi là người, Aristotle đã nhận thấy điều đó, đã giải thích nó và gọi con người là “con vật chính trị”.

Một người đã từng là thành viên của một giáo phái biệt lập, nay bị tách ra khỏi môi trường quen thuộc, bị kết án về mặt đạo đức, lại bị tra tấn một cách tinh vi và dã man, có thể làm được gì? Người đó chỉ còn mỗi một việc là “thú nhận” và bằng cách đó giúp cho giai cấp, giúp cho các “đồng chí”, những người đang cần những lời thú nhận đó để tiếp tục chiến đấu với “kẻ thù của chủ nghĩa xã hội” với “bọn đế quốc”. Đấy là hành động “vĩ đại”, hành động “cách mạng” cuối cùng của một thân phận đã bị bỏ lỡ, một thân phận đã tan nát hoàn toàn.

Mọi người cộng sản chân chính đều được dạy và tiếp tục dạy người khác rằng bè phái, tranh chấp nội bộ là tội ác đối với đảng, đối với lí tưởng. Đúng như thế, nếu đảng cộng sản mà chia rẽ thì nó sẽ không thể giành chiến thắng trong cách mạng, không thể giành và giữ được quyền lực. Giữ sự thống nhất bằng mọi giá, đấy chính là cái mệnh lệnh bí hiểm mà đằng sau nó, giống như đằng sau bức tường công sự, ẩn chứa ước mơ của giới chóp bu về một quyền lực không giới hạn, không gì ngăn cản được. Ngay một người đối lập trong đảng, một người đã nghi ngờ hay biết rõ điều đó cũng không thể giải thoát khỏi sự thần bí của yêu cầu thống nhất. Ngoài ra, anh ta còn có thể nghĩ rằng các lãnh tụ sẽ đến rồi đi, những kẻ ngu dốt và độc ác, ích kỉ và tham quyền kia cũng sẽ phải đi, nhưng mục đích thì vẫn còn đó, vĩnh viễn. Mục đích là tất cả, chẳng phải ngay từ đầu, từ ngày thành lập đảng đã là thế ư?

Chính Trotsky, một người đối lập kiên trì nhất, cũng không vượt qua được cách lí luận như vậy. Một lần, trong cơn phấn khích tự phê bình, Trotsky đã tuyên bố rằng đảng không bao giờ sai vì đảng chính là hiện thân của nhu cầu lịch sử, nhu cầu xây dựng xã hội phi giai cấp. Còn khi đã lưu vong, để lí giải sự vô luân không thể tưởng tượng được của các vụ án ở Moskva, ông đã dựa vào các vụ tương tự trong lịch sử: xảy ra trước khi Thiên chúa giáo giành thắng lợi ở Rome, trong thời Phục hưng, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản; tất cả đều kèm theo những vụ hành quyết vô luân, vu khống và lừa dối đã là hiện tượng phổ biến và nhiều tội ác khác. Giai đoạn quá độ sang chủ nghĩa xã hội cũng không thể tránh được những hiện tượng như thế, đấy chính là tàn dư của xã hội có giai cấp, Trotsky đã kết luận như vậy đấy. Ông ta chẳng lí giải được gì, nhưng bằng cách đó, ông đã tự an ủi: ông đã không phản bội “chuyên chính vô sản”, không phản bội chính quyền Xô Viết, “hình thức quyền lực duy nhất trong giai đoạn quá độ sang xã hội phi giai cấp”. Nhưng nếu Trotsky đi sâu vào vấn đề thêm một chút nữa thì có lẽ ông đã hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản cũng như thời Phục hưng và nói chung trong lịch sử, khi một giai cấp hữu sản nào đó đang dọn đường cho mình thì khó khăn càng lớn, bức tranh về một thế giới ngày mai mà nó vẽ ra cho mình và cho những người khác càng “lí tưởng”, ước vọng của những người chiến đấu cho thế giới ấy càng sâu sắc và càng cao thượng thì đức hạnh càng ít có giá trị.

Tương tự như vậy, những người không hiểu các thay đổi xã hội to lớn đang diễn ra sau khi cộng sản chiến thắng đã đánh giá sai những cuộc khủng hoảng về đạo đức trong hàng ngũ của họ. Thí dụ, người ta đã đánh giá quá cao cuộc công kích của những cộng sự của Stalin vào phong cách làm việc của ông ta - được gọi là quá trình phi Stalin hoá.

Những cuộc khủng hoảng về đạo đức, lớn có, nhỏ có, là một phần không thể thiếu được của tất cả các chế độ chuyên chế vì những kẻ bảo vệ các chính thể ấy đã quen cho rằng đồng phục tư tưởng chính là lòng yêu nước, là trách nhiệm công dân cao cả nhất và họ cảm thấy đau khổ trước mỗi khúc quanh, trước mỗi thay đổi nhất định phải xảy ra. Các chế độ toàn trị lại càng không thể tránh được những cuộc khủng hoảng như thế.

Đồng thời cộng sản lại biết rõ bằng bản năng rằng, cứ sau mỗi khúc quanh như thế quyền lực toàn trị của giai cấp họ không những không giảm mà còn tăng thêm, đấy chính là con đường phát triển tự nhiên của họ, đức hạnh và bao điều khác không có vai trò gì, thậm chí còn có hại. Họ nhanh chóng nhận thức được điều đó qua thực tiễn. Vì vậy mà những cuộc khủng hoảng về đạo đức đó dù có sâu sắc đến đâu cũng chỉ là hiện tượng tạm thời. Thực ra, khi toàn thể trái tim và khối óc đã dành cho các mục tiêu thực tế, còn những cuộc thảo luận về lí tưởng chỉ là bức màn che giả tạo, thì phương tiện nào mà chả tốt.

4.

Chủ nghĩa cộng sản còn giữ được đức hạnh cho đến khi các lãnh tụ của nó bắt đầu thanh toán những người muốn lời nói đi đôi với việc làm ngay trong hàng ngũ của mình[8]. Nhưng việc mất giá về đạo đức đó trong mắt người ngoài không có nghĩa là cộng sản bắt đầu suy yếu. Cho đến nay thì ngược lại. Tất cả các vụ thanh trừng, kể cả những vụ án ở Moskva, không những không làm suy yếu, mà ngược lại còn tăng cường sức mạnh của hệ thống nói chung và Stalin nói riêng. Tất nhiên, một số tầng lớp, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có Andre Gide, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản vì ngờ rằng trong tình hình hiện nay, đấy không phải là hiện thân của lí tưởng mà họ hằng mơ ước. Nhưng chính cái chủ nghĩa cộng sản mà ta đang thấy không những không yếu đi: giai cấp mới đã cứng cáp, đủ sức lực và sau khi giải phóng khỏi những trở ngại về đạo đức thì đang dìm chính những chiến sĩ cộng sản chân chính trong biển máu. Mất giá về đạo đức trong mắt người khác, chủ nghĩa cộng sản trên thực tế đã tăng cường được quyền lực đối với xã hội và củng cố được địa vị trong mắt giai cấp mình.

Chủ nghĩa cộng sản hiện thời chỉ có thể bị mất giá về mặt đạo đức trong mắt chính giai cấp của mình khi bên cạnh việc thanh toán lẫn nhau của các lãnh tụ còn phải kèm theo các điều kiện khác nữa. Đấy là khi cách mạng không chỉ “ăn thịt những đứa con của mình” mà còn có thể nói tự ăn thịt mình. Đấy là khi chính giai cấp cầm quyền nhận ra rằng mục đích của nó là không thực tế, là không tưởng, không thể thực hiện được. Đấy là khi những bộ óc thông thái nhất của nó nhận thức được rằng đây là giai cấp bóc lột, chính quyền của nó là chính quyền bất công. Đấy là khi giai cấp đó hiểu rằng, việc tiêu diệt nhà nước cũng như xây dựng xã hội cộng sản, nơi mọi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu là không thực tế trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Khi đó họ sẽ hiểu rằng phương tiện mà giai cấp đã và đang sử dụng, trên lời nói là cho mục đích cao cả, còn trong thực tế là để củng cố quyền lực của mình đã không còn ý nghĩa nữa, khi đó họ sẽ hiểu tính phi nhân và không phù hợp của những phương tiện đó. Điều đó có nghĩa là trong giai cấp cầm quyền đã có dao động và chia rẽ, quá trình này sẽ không thể đảo ngược được. Nói cách khác, cuộc đấu tranh cho sự sống còn của chính nó sẽ buộc giai cấp cầm quyền nói chung và các phe nhóm trong lòng nó nói riêng từ bỏ các phương tiện cũ cũng như từ bỏ chính mục đích không thực tế và thiếu tương lai.

Hi vọng sự xuất hiện một hoàn cảnh như thế chỉ có tính chất lí thuyết, chưa có nước cộng sản nào gợi ý cho ta thấy rằng hi vọng đó sẽ được hiện thực hoá trong một tương lai gần, Liên Xô sau Stalin lại càng không. Giai cấp cầm quyền ở đó vẫn là một lực lượng cố kết, còn việc lên án các biện pháp của Stalin lại được tiến hành nhằm bảo vệ chính giai cấp ấy khỏi những hành động chuyên quyền của nền độc tài cá nhân. Tại đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chrushchev đã biện hộ cho cuộc “khủng bố cần thiết” chống kẻ thù và cho rằng nó khác xa với sự chuyên quyền của Stalin trong quan hệ với “các đồng chí tốt”. Ông ta không lên án các biện pháp như chúng vốn là, mà chỉ kết tội cách áp dụng có phần làm cho giới cầm quyền lo ngại. Những thay đổi nhãn tiền sau cái chết của Stalin diễn ra trong nội bộ giai cấp cầm quyền lúc này đã đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn việc thiết lập quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ và bộ máy cảnh sát. Còn chính giai cấp và các biện pháp thì vẫn chưa có thay đổi đáng kể, các vết rạn nứt và suy thoái đạo đức cũng chưa thấy rõ. Nhưng những dấu hiệu của sự rạn nứt thì đã có, đấy là cuộc khủng hoảng đạo đức như đã nói đến bên trên. Quá trình phân hoá về mặt đạo đức chỉ mới bắt đầu. Những điều kiện cho quá trình ấy đã bắt đầu hiện ra ngày càng rõ nét hơn.

Khi nhóm chóp bu tự cho mình đặc quyền chỉ trích việc Stalin o ép những người cộng sản thì câu chuyện đó nhất định sẽ tìm được tiếng vọng trong lòng những người còn bị o ép gấp trăm, gấp ngàn lần hơn thế. Giai cấp tư sản Pháp khi đã chán ngấy chiến tranh và chế độ chuyên chế, cũng đã nổi dậy chống lại hoàng đế Napoleon của mình. Nhân dân Pháp cuối cùng đã rút ra những bài học bổ ích. Các biện pháp của Stalin nhân danh xã hội tươi sáng trong tương lai không thể nào trở lại được nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhóm chóp bu hiện nay, dù không thể sử dụng bừa bãi mọi biện pháp được nữa, về nguyên tắc sẽ đoạn tuyệt với những biện pháp ấy. Điều đó cũng không có nghĩa rằng Liên Xô sẽ bất ngờ biến thành nhà nước dân chủ pháp quyền trong một tương lai gần.

Nhưng, rõ ràng là đã có một số thay đổi.

Trong tương lai, giai cấp cầm quyền không thể biện hộ, dù trong nội bộ, việc sử dụng bừa bãi các biện pháp nhân danh mục đích “lí tưởng”. Nó vẫn sẽ còn ba hoa về chủ nghĩa cộng sản như là mục đích cuối cùng; nếu không thế thì sự độc quyền cũng sẽ tiêu ma. Nhưng đấy có lẽ chỉ là thói quen sử dụng bừa bãi các phương tiện còn sót lại từ quá khứ mà thôi. Không phải lúc nào nó cũng dám liều như trước nữa. Một sức mạnh lớn hơn, đấy là nỗi sợ trước dư luận quốc tế, sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình, đến quyền lực tuyệt đối của mình đã làm cho nó dao động, chùn tay. Cảm thấy mình đủ mạnh để có thể rỡ bỏ hiện tượng sùng bái cá nhân Stalin, sùng bái người sáng lập hệ thống, giai cấp mới đã đánh một đón chí mạng vào ngay lí tưởng của mình. Ngay khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, giai cấp mới bắt đầu tránh xa cái hệ tư tưởng, cái lí thuyết giáo điều đã góp phần dẫn nó đến quyền lực. Đã xuất hiện những vết rạn nứt, đã có dấu hiện rã đám. Trên bề mặt, dường như vẫn phẳng lặng, vẫn yên tĩnh, nhưng ở trong lòng, ở ngay trong hàng ngũ của nó bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ mới, các tư tưởng mới đang cày xới nền đất, đang tung ra những hạt giống cho những trận cuồng phong trong tương lai.

Chính vì vậy mà giai cấp mới sau khi đã từ bỏ các biện pháp của Stalin cũng sẽ không thể giữ mãi được giáo điều Stalin nữa. Các biện pháp đó chỉ là sự thể hiện giáo lí đó trên thực tế.

Không phải là lương tâm, cũng không phải là lòng nhân đạo đã buộc các chiến hữu của Stalin công nhận tác hại của những biện pháp mà ông ta đã sử dụng. Chính quyền lợi của giai cấp cầm quyền đã buộc họ, dù hơi muộn, dù sau khi người thày của họ đã qua đời, phải quay lại với lương tri và nhận ra rằng họ có thể xử sự một cách nhân đạo hơn.

Từ bỏ những biện pháp man rợ cực đoan, nhóm chóp bu, dù không muốn, cũng đã gieo vào lòng giai cấp mình hạt giống nghi ngờ chính những mục tiêu của nó. Trước đây mục đích đã là tấm màn che đậy cho những phương tiện vô luân. Từ bỏ nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện” tạo ra sự ngờ vực vào ngay chính mục đích. Nếu đã chứng minh rằng các phương tiện phải đưa đến mục đích đó lại là những phương tiện độc ác, thì mục đích tự nó cũng là bất khả thi. Vì trong chính trị chỉ có phương tiện là thật còn mục đích, trên lời nói, thì lúc nào cũng là tốt đẹp cả. “Con đường đưa đến địa ngục được xây bằng các ý tưởng tốt” là như thế đấy.

5.

Lịch sử chưa hề thấy mục đích lí tưởng nào được xây dựng bằng những phương tiện vô nhân đạo, phản nhân tính; cũng như nó chưa từng thấy một xã hội tự do nào lại được xây dựng bởi những kẻ nô lệ. Không gì có thể phản ánh rõ thực chất của mục đích bằng chính các phương tiện để đạt mục đích ấy.

Nếu mục đích có trách nhiệm biện minh cho các phương tiện phản nhân tính thì phải nói mục đích có vấn đề. Trong thực tế, chính là phương tiện, sự hoàn thiện liên tục và nhân đạo hoá các phương tiện mới có thể biện minh cho mục đích, biện minh cho những cố gắng và hi sinh cho thắng lợi của nó.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại chưa bắt đầu quá trình này. Nó mới chỉ tạm dừng chân, lòng tràn đầy niềm tin vào sức mạnh của mình và đang suy nghĩ về các phương tiện đã được lựa chọn.

Trong lịch sử không có chế độ dân chủ (tương đối dân chủ thôi, phù hợp với hoàn cảnh) được xây dựng bằng ước vọng đạt đến mục đích lí tưởng, mà chế độ dân chủ được xây dựng bằng những cố gắng tuy nhỏ nhưng thấy được từng ngày với việc sử dụng các phương tiện phù hợp. Bằng cách đó, các chế độ ấy đã và đang đưa, với ít nhiều tính tự phát, nhân dân họ đến gần những mục đích lớn lao hơn. Trong khi đó các chế độ chuyên chế thường tự biện hộ bằng những mục đích lí tưởng. Không chế độ chuyên chế nào có thể dẫn người ta đến những mục đích cao thượng mà nó từng tuyên bố.

Chủ nghĩa cộng sản đương thời, bằng các biện pháp cách mạng, đã đập tan một hình thái xã hội này và bằng các biện pháp độc tài đã tạo ra một hình thái xã hội khác. Ban đầu, được cổ võ bởi ước mơ thánh thiện nhất, vĩ đại nhất, ước mơ tự ngàn đời của con người về bình đẳng và bác ái, sau đó, chính những ước mơ này đã trở thành tấm màn che địa vị thống trị được áp đặt và thực thi bằng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu xa, bỉ ổi nhất.

Giống như nhân vật Sigaliov trong tác phẩm “Lũ người quỉ ám”  của Dostoevsky:

Hắn xếp đặt mọi chuyện đâu ra đấy trong một cuốn sổ ghi chú. Hắn vạch ra một mạng lưới do thám thật hay. Trong hệ thống đó, mỗi người của phong trào sẽ dò xét mọi người khác và báo cáo về họ. Mỗi người đều thuộc về tất cả và tất cả đều thuộc về mọi người. Tất cả đều là nô lệ và bình đẳng trong sự nô lệ. Trong những trường hợp hãn hữu mới cần đến vu khống và xử tử, còn chủ yếu là bình đẳng… Đám nô lệ phải được bình đẳng: không có sự chuyên chế thì chẳng bao giờ có tự do hay bình đẳng…”[9]

Như vậy là, khi dùng mục đích để biện minh cho phương tiện thì mục đích ngày càng trở nên xa vời và phi thực tế. Còn phương tiện thì ngày càng khủng khiếp hơn và không thể nào chấp nhận được.


 Bản chất

1.

Không có lí thuyết nào nói về bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại có thể chứa đựng được tất cả mọi vấn đề. Tác phẩm này cũng vậy. Chủ nghĩa cộng sản hiện đại xuất hiện là do một loạt nguyên nhân lịch sử, kinh tế, chính trị, tư tưởng, dân tộc và quan hệ quốc tế. Vì vậy, một lí thuyết khẳng định một cách dứt khoát bản chất của nó không thể coi là hoàn toàn đúng và đầy đủ được.

Không thể nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản trước khi nó chưa phát triển hoàn toàn, chưa thể hiện được toàn bộ chính mình. Thời điểm đó sẽ tới khi chủ nghĩa cộng sản bước vào giai đoạn chín muồi. Chỉ lúc đó ta mới có thể nhận thức được đầy đủ bản chất quyền lực, quyền sở hữu và hệ tư tưởng của nó. Còn khi chủ nghĩa cộng sản vẫn đang phát triển, đang là hiện thân chủ yếu như một hệ tư tưởng thì thật khó nhận thức được bản chất thật sự của nó.

Giống như mọi sự thật khác, sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại là công việc của nhiều tác giả, nhiều nước, nhiều phong trào khác nhau. Sự thật này sẽ hé lộ từng bước một, song song với sự phát triển của phong trào cộng sản, nhưng ta không thể nói đâu là sự thật cuối cùng vì chính phong trào cộng sản cũng còn đang phát triển.

Nhưng dẫu vậy, đa số các lí thuyết hiện thời đều chứa đựng những kết luận đúng và trong từng trường hợp cụ thể đã nắm bắt được một nét đặc thù hay một hình thức biểu hiện cái bản chất của nó.

Tồn tại hai quan điểm khác nhau về chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Một quan điểm coi chủ nghĩa cộng sản hiện đại là một loại tôn giáo kiểu mới. Nhưng, như chúng ta đã thấy bên trên, đây không phải là tôn giáo, không phải nhà thờ, dù rằng chúng có nhiều nét tương đồng.

Quan điểm thứ hai lại coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội cách mạng, nghĩa là sự phủ nhận nền công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, sự phủ nhận nảy sinh từ trong lòng nó cùng với giai cấp vô sản và những bất hạnh của giai cấp này. Chúng ta cũng đã khẳng định rằng quan điểm này cũng chỉ đúng một phần: chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trong lòng các nước tư bản phát triển như một tư tưởng về sự công bằng và phản ứng đối với tình trạng nghèo khó của quần chúng lao động trong quá trình công nghiệp hoá. Nhưng sau khi giành được quyền lực ở những nước chậm phát triển, chủ nghĩa cộng sản lại trở thành một cái gì đó khác hẳn – thành một hệ thống bóc lột, đi ngược lại quyền lợi của chính giai cấp vô sản.

Quan điểm này được phát triển thêm thành luận cứ cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại chỉ là biểu hiện hoàn toàn mới của chủ nghĩa chuyên chế vốn là bản chất của những người nắm được quyền lực trong tay. Chính bản chất nền kinh tế hiện đại với nhu cầu quản lí tập trung đã tạo cho nó điều kiện trở thành quyền lực tuyệt đối. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có phần đúng: chủ nghĩa cộng sản hiện đại thực tế đúng là một chế độ, chế độ đó nhất định có xu hướng trở thành toàn trị. Nhưng không phải chế độ chuyên chế hiện đại nào cũng đều là cộng sản và về mức độ toàn trị thì các chế độ đó không thể nào so với cộng sản được.

Như vậy là, sau khi xem xét các luận điểm đó ta thấy rằng chúng chỉ giải thích một khía cạnh nào đó, một số đặc trưng nào đó, một phần sự thật chứ không phải tất cả sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại.

Quan điểm của tôi về bản chất của chủ nghĩa cộng sản cũng không có tham vọng giành sự chính xác một trăm phần trăm. Và nói chung mọi định nghĩa đếu là “màu xám”, nhất là khi nói về những hiện tượng xã hội vốn rất phức tạp và sống động.

Nhưng về mặt lí thuyết, ta vẫn có thể nói đến bản chất của chủ nghĩa cộng sản, nói đến những đặc điểm căn bản của nó.

Chủ nghĩa cộng sản cũng như bản chất của nó luôn luôn chuyển động, từ hình thức này sang hình thức khác. Chúng không tồn tại bên ngoài chuyển động ấy. Vì vậy, nó mới thu hút những nhà nghiên cứu, thu hút việc đào sâu mãi cái sự thật đã được phát hiện về chính mình.

Bản chất của chủ nghĩa cộng sản chính là thành quả của một loạt điều kiện lịch sử và những điều kiện đặc thù khác. Nhưng sau khi chủ nghĩa cộng sản đã đứng vững thì bản chất của nó lại trở thành tác nhân độc lập, tự tạo ra những điều kiện cho sự tồn tại của chính mình. Vì vậy, cần phải xem xét nó một cách riêng biệt, trong các hình thức, điều kiện tồn tại và hoạt động của nó trong giai đoạn hiện nay.

2.

Quan điểm cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là biểu hiện của chủ nghĩa toàn trị mới đã được rất nhiều người nói tới và là quan điểm hoàn toàn đúng. Nhưng toàn trị mới là gì, nhất là khi liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản thì lại chưa được lí giải đúng mức.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người - quyền lực, sở hữu và tư tưởng - cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất hay như tôi đã trình bày và gọi ở trên là giai cấp mới, còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ cộng sản, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy.

Xem xét và cân nhắc từng tác nhân, ta có thể kết luận rằng quyền lực đã và vẫn là tác nhân quyết định cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Có thể một lúc nào đó, một trong hai tác nhân kia sẽ nổi lên, nhưng phân tích những quan hệ hiện thời cũng như những điều kiện khác cho thấy điều đó khó có thể xảy ra. Tôi nghĩ rằng quyền lực sẽ trở thành đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản.

Trong giai đoạn xuất hiện, chủ nghĩa cộng sản chỉ mới là một hệ tư tưởng. Nhưng hệ tư tưởng đó đã chứa sẵn trong lòng nó hạt giống của toàn trị và độc quyền. Có thể nói một cách tự tin rằng, hiện nay tư tưởng đã không còn đóng vai trò chủ yếu, vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho quyền thống trị của nó đối với con người nữa. Như một hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản đã đi hết lộ trình, nó không thể nói được điều gì mới nữa. Mặt thật của nó hiện nay là quyền lực và sở hữu.

Có thể nói rằng, tranh đoạt một kiểu quyền lực nào đó, dù đấy là quyền lực về chính trị, quyền lực về tinh thần, quyền lực về kinh tế, là mục đích của mọi cuộc đấu tranh, là mục đích mọi hoạt động xã hội của con người. Nhận xét này chứa đựng một phần sự thật. Có thể thêm rằng, trong hoạt động chính trị thì quyền lực, đấu tranh để giành và giữ quyền lực là vấn đề chủ yếu, hướng chủ yếu. Nhưng với chủ nghĩa cộng sản hiện đại vấn đề không chỉ là quyền lực. Nó là quyền lực đặc biệt, quyền lực bao hàm trong nó quyền thống trị đối với tư tưởng và sở hữu, nghĩa là quyền lực trở thành mục đích tự thân.

Chế độ cộng sản Xô Viết, có lịch sử dài nhất và phát triển nhất, đã trải qua ba giai đoạn. Chế độ cộng sản ở các nước khác, dù ít dù nhiều, cũng đều trải qua các giai đoạn tương tự, ngoại trừ Trung Quốc, nơi cộng sản đang ở giai đoạn hai, giai đoạn củng cố quyền lực.

Ba giai đoạn như sau: cách mạng, giáo điều và phi giáo điều. Mỗi giai đoạn có những khẩu hiệu, nhiệm vụ và người cầm cờ tương ứng: cướp chính quyền là Lenin; “chủ nghĩa xã hội” hay là xây dựng hệ thống là Stalin; “pháp chế” hay là sự ổn định của hệ thống là “lãnh đạo tập thể”.

Điều cần phải thấy là các giai đoạn đó không có biên giới rõ ràng và mỗi giai đoạn riêng biệt lại vẫn chứa những đặc điểm chung. Ngay trong giai đoạn của Lenin đã đầy giáo điều và bắt đầu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Stalin cũng vậy, ông ta không từ bỏ cách mạng và không chấp nhận những giáo điều cản trở việc thành lập hệ thống.

Và hôm nay, gọi là chủ nghĩa cộng sản phi giáo điều cũng chỉ là một cách gọi tượng trưng: giáo điều không phải là lí do để nó từ bỏ lợi ích dù nhỏ đến đâu, mặt khác, trong khi theo đuổi lợi ích nó sẽ không khoan nhượng đối với bất kì mối nghi ngờ nào về tính trong sáng và chân thành của giáo lí.

Như vậy là, do nhu cầu và khả năng của mình, chủ nghĩa cộng sản hiện nay đã tạm thời cho hạ cánh buồm cách mạng và bành trướng quân sự xuống rồi. Cho hạ không có nghĩa là từ bỏ.

Vì vậy, việc chia làm ba giai đoạn như trên chỉ đúng trong những biểu hiện chung nhất, chỉ có ý nghĩa khoa học thuần tuý mà thôi. Trên thực tế, không có sự phân chia rành mạch, giữa các nước cộng sản với nhau chúng cũng không trùng hợp về mặt thời gian.

Trong các nước cộng sản khác nhau, sự phân cách giữa các giai đoạn, sự tương tác giữa chúng và hình thức biểu hiện cũng không giống nhau. Thí dụ, Nam Tư đã trải qua cả ba giai đoạn nêu trên trong một thời gian tương đối ngắn, dưới quyền lãnh đạo của vẫn một số người và vì vậy, có ảnh hưởng đến quan điểm và nguyên tắc làm việc của những người đó.

Quyền lực đóng vai trò chủ yếu trong cả ba giai đoạn. Đầu tiên; trong giai đoạn cách mạng, cần phải giành chính quyền; sau đó trong giai đoạn “xây dựng chủ nghĩa cã hội”, phải dựa vào chính quyền để thiết lập hệ thống; còn hôm nay, chính quyền phải bảo vệ hệ thống đó.

Trong thời gian đó, từ giai đoạn một đến giai đoạn ba, bản chất cốt lõi nhất của chủ nghĩa cộng sản là quyền lực đã trải qua quá trình tiến hoá từ phương tiện thành mục đích.

Trên thực tế, dù ít dù nhiều, quyền lực vẫn là mục đích, nhưng các lãnh tụ cộng sản không quan niệm như vậy khi họ tin tưởng rằng nhờ quyền lực, sử dụng quyền lực như là phương tiện, họ sẽ đạt được mục đích “lí tưởng”. Chính vì quyền lực được coi là phương tiện để thực hiện cái mưu toan viển vông là cải tạo thế giới, nên quyền lực nhất định phải trở thành mục đích tự thân. Trong giai đoạn một và giai đoạn hai, nó có thể giống như là phương tiện. Nhưng giai đoạn ba thì không thể che dấu được nữa, nó đã là mục đích tối thượng, là bản chất của chế độ cộng sản.

Tư tưởng đã bị bạc màu, lại không thể tuyên bố thẳng thừng về quyền sở hữu, chế độ cộng sản buộc phải bám lấy quyền lực như là phương tiện chủ yếu, là biện pháp chính để đảm bảo quyền thống trị đối với con người.

Trong cách mạng, cũng như trong bất kì cuộc chiến tranh nào, tập trung toàn bộ nguồn lực vào tay chính quyền là lẽ đương nhiên: cần phải thắng. Trong giai đoạn công nghiệp hoá việc đó cũng còn có thể coi là tự nhiên: cần phải công nghiệp hoá, cần xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, biết bao nạn nhân đã được đặt lên bàn thờ của nó. Nhưng sau khi điều đó đã được thực hiện thì mới rõ rằng quyền lực đối với cộng sản không chỉ là phương tiện mà là mục đích chủ yếu, nếu không nói là duy nhất.

Hôm nay, đối với những người cộng sản, những người đang cố giữ bằng được đặc quyền đặc lợi và sở hữu, thì quyền lực vừa là phương tiện lại vừa là mục đích. Mà ở đây lại là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc biệt, nghĩa là dùng quyền lực để chiếm đoạt sở hữu cho nên quyền lực vừa là mục đích tự thân vừa là bản chất của chế độ cộng sản. Các giai cấp khác có thể giữ được sở hữu mà không cần độc chiếm quyền lực hoặc có quyền lực mà không cần độc chiếm sở hữu. Nhưng giai cấp mới, giai cấp hình thành trong chế độ cộng sản, thì chưa làm được như thế và có thể trong tương lai cũng sẽ không làm được như thế.

Trong cả ba giai đoạn hình thành và phát triển của chế độ cộng sản, quyền lực là mục đích bí ẩn, không nhìn thấy được, không được gọi tên, tự phát, nhưng lại là mục đích chủ yếu. Quyền lực có thể mạnh yếu khác nhau trong mỗi hình thức biểu hiện sự thống trị đối với con người; trong giai đoạn một, tư tưởng là động lực để giành chính quyền; trong giai đoạn hai, quyền lực đóng vai trò người sáng tạo xã hội mới, tuy không quên tự tạo “điều kiện” cho chính mình; còn hôm nay, “sở hữu tập thể” đã nằm trọn trong tay chính quyền, hoạt động theo nhu cầu của chính quyền.

Đối với chủ nghĩa cộng sản hiện đại, quyền lực là tất cả, ngay cả khi nó cố tránh điều đó.

Các thứ tư tưởng, các nguyên lí triết học và đạo đức, nhân dân và dân tộc, lịch sử của chính mình và ngay cả một phần tài sản “của mình”, tất cả đều có thể đem đổi, có thể hi sinh. Nhưng quyền lực thì không. Làm khác đi nghĩa là phủ nhận chính mình, phủ nhận ngay bản chất của mình. Từng cá nhân có thể được. Nhưng cả giai cấp, cả đảng, cả nhóm chóp bu thì không thể. Đấy chính là mục đích, là ý nghĩa sự tồn tại của họ.

Mọi quyền lực đều vừa là phương tiện, vừa là mục đích (đối với những người đang cố giành quyền) và nguồn gốc đặc lợi.

Trong chế độ cộng sản, quyền lực gần như hoàn toàn là mục đích vì nó là nguồn gốc và sự bảo đảm cho tất cả mọi đặc lợi trên đời. Giai cấp nắm quyền nhờ nó và thông qua nó mà chiếm đoạt được tất cả đặc lợi và quyền bá chủ đối với mọi tài sản quốc gia. Cân đong, đo đếm giá trị của con người, cho con người được sống hay bắt phải chết đều là quyền lực cả.

Đấy là sự khác biệt của quyền lực trong chế độ cộng sản với mọi hình thức chính quyền khác. Cộng sản cũng khác với mọi hệ thống khác chính vì thế.

Chính vì quyền lực là bản chất căn bản nhất của chế độ cộng sản nên chế độ ấy nhất định phải trở thành toàn trị, bất dung và khép kín. Giả sử chế độ ấy còn có (hay có khả năng có) những mục đích khác thì nó buộc phải cho những lực lượng khác được tự do phát triển và trở thành lực lượng đối lập với chính nó.

3[1].

Chế độ cộng sản hiện nay có thể nằm trong định nghĩa nào không phải là điều quan trọng. Nhưng vấn đề đó cũng phải được đặt ra đối với bất kì người nào có ý định tìm cách giải thích nó; dù các điều kiện cụ thể, trong đó người cộng sản ca tụng hệ thống của họ là “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội phi giai cấp’, “hiện thân của ước mơ ngàn đời của loài người”, còn phía chống lại thì chỉ nhìn thấy những sự đàn áp vô nghĩa, hay những thắng lợi “vô tình” của một nhóm những kẻ khủng bố và sự lăng mạ giống người.

Bất cứ môn khoa học nào muốn đơn giản hoá việc mô tả cũng buộc phải sử dụng các phạm trù có sẵn.

Trong môn xã hội học có phạm trù nào, dù là tương đối, có thể áp dụng cho chủ nghĩa cộng sản hiện đại hay không?

Cũng như nhiều tác giả, dù đứng trên những quan điểm khác, trong những năm qua tôi đã coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước, đúng hơn là chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị.

Quan điểm này đã từng chiếm thế thượng phong ở Nam Tư trong giai đoạn đối đầu với chính phủ Liên Xô. Nhưng người ta đã nói không quá rằng cộng sản thay đổi “quan điểm khoa học” của mình như người ta thay tất tay vậy. Các lãnh tụ cộng sản Nam Tư cũng thay đổi quan điểm của mình (một cách bí mật và nhục nhã) sau khi đã “làm lành” với chính phủ Liên Xô và lại tuyên bố Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, còn việc tấn công nước Nam Tư độc lập của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết chỉ là một biến cố đầy “kịch tính và khó hiểu” xuất phát từ “sự tuỳ tiện của một vài cá nhân”, như Tito từng nói.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại rất giống với chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị. Nguồn gốc và những nhiệm vụ của nó đã nói lên điều đó: cẩn phải cải tạo công nghiệp, tương tự như chủ nghĩa tư bản đã làm, nhưng khác với chủ nghĩa tư bản, ở đây người ta sử dụng bộ máy nhà nước để làm việc đó.

Có thể dẫn ra không ít lí lẽ (nếu không nói là nhiều) chống lại định nghĩa đó.

Nếu nhà nước trong chế độ cộng sản là chủ sở hữu thay mặt cho xã hội, cho dân tộc thì hình thức quyền lực chính trị của nó phải thay đổi, vì một lí do đơn giản là xã hội đó, dân tộc đó có rất nhiều khát vọng, hoài bão. Về bản chất, nhà nước là cơ quan liên kết và hoà hợp xã hội chứ không chỉ là sức mạnh áp đặt lên xã hội. Thay mặt xã hội nắm tài sản có nghĩa là thực hiện những chức năng đó của nó, hay nói cách khác, các lực lượng và xu hướng mà nó có trách nhiệm giữ cho cân bằng sẽ thể hiện quyền lực đối với nhà nước dưới những hình thức cực kì đa dạng. Nhà nước không thể vừa là chủ sở hữu vừa là người cai trị được. Ở đây hoàn toàn ngược lại: nhà nước là công cụ, nó chỉ phục vụ cho quyền lợi của một chính đảng, của một ông chủ duy nhất hay một xu hướng duy nhất trong lĩnh vực kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Tài sản nhà nước ở phương Tây phải được coi là chủ nghĩa tư bản nhà nước chứ không phải là sở hữu như trong chế độ cộng sản.

Khẳng định chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước phát xuất từ sự “cắn rứt lương tâm” của những người thất vọng với hệ thống cộng sản, không lí giải nổi hệ thống ấy và đem so sánh nó với các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản. Vì trong chế độ cộng sản tài sản tư nhân không hề tồn tại, về mặt hình thức, tất cả sở hữu đều thuộc về nhà nước cho nên mọi tội lỗi đều có thể đổ cho nhà nước cũng là hợp logic vậy. Từ đó mà có chủ nghĩa tư bản nhà nước. Định nghĩa này cũng được những người cho rằng tư hữu không phải là xấu, hơn nữa họ còn luôn nhấn mạnh rằng cộng sản cũng là tư bản, nhưng tồi hơn nhiều.

Khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là giai đoạn chuyển tiếp sang một cái gì đó chỉ là đưa vấn đề vào ngõ cụt và làm cho mọi tìm tòi giải pháp đều trở thành bất khả.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại, ngay cả khi cho rằng nó hàm chứa những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản nhà nước đi chăng nữa, thì nó cũng chứa nhiều đặc thù không kém và vì vậy phải coi nó là một hệ thống xã hội đặc biệt, hoàn toàn mới.

Không thể lẫn lộn bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại với bất kì một hệ thống nào khác. Hàm chứa nhiều đặc điểm của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và ngay cả chế độ chiếm nô, đồng thời nó vẫn là một chế độ hoàn toàn độc đáo, hoàn toàn riêng biệt, chưa từng có.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc

1.

Thống nhất về bản chất, nhưng chế độ cộng sản lại được thực hiện bằng những biện pháp và tốc độ khác nhau trong từng nước riêng biệt. Vì vậy, các hệ thống cộng sản riêng biệt có thể được xem như là những hình thức khác nhau của cùng một hiện tượng.

Sự khác nhau giữa các nước cộng sản, mà Stalin đã cố gắng loại bỏ một cách vô vọng, là hậu quả của tính đặc thù lịch sử của từng nước.

Ngay một người quan sát hời hợt nhất cũng nhận thấy, thí dụ, chủ nghĩa quan liêu ở Liên Xô hiện nay là sự tiếp tục của chế độ của Sa Hoàng mà ngay Engels đã nói rằng quan chức ở đó là một “giai tầng đặc biệt”. Có thể nói tương tự như vậy về cơ chế quyền lực ở Nam Tư nữa.

Sau khi nắm được “tay lái”, những người cộng sản ở các nước khác nhau phải trực diện với những trình độ kĩ thuật-văn hoá khác nhau, với những quan hệ xã hội không giống nhau, với những đặc thù dân tộc khác nhau, chính quyền mới không thể không tính đến điều đó. Những khác biệt này mỗi ngày lại càng sâu sắc thêm. Nhưng dù ít dù nhiều, nguyên nhân đưa họ đến quyền lực là giống nhau, kẻ thù bên trong và bên ngoài của họ cũng giống nhau, cho nên nói chung cộng sản không chỉ tiến hành một cuộc đấu tranh chung mà còn theo đuổi một tư tưởng chung nữa.

Tương tự như tất cả những thứ khác trong chủ nghĩa cộng sản, tinh thần quốc tế cộng sản, đã một thời là biểu hiện sự tương đồng về hoàn cảnh và nhiệm vụ mà xã hội đặt ra trước những người cách mạng, đã biến chất cùng với thời gian. Bây giờ, đây không chỉ là một “cái chảo quyền lợi chung” của bộ máy quan liêu cộng sản quốc tế mà còn là môi trường dung dưỡng cho những cuộc cắn xé và bất hoà của cái “tập thể” ấy trên cơ sở quốc gia-dân tộc. Chủ nghĩa quốc tế vô sản chỉ còn là những khẩu hiệu; giờ đây nó chỉ còn là một hố sâu che giấu những lợi ích trong quan hệ đối nội và đối ngoại trần trụi, che đậy những kế hoạch, dự định của các nhóm cộng sản chóp bu đương quyền mà thôi.

Bản chất của quyền lực và sở hữu, sự tương đồng về vai trò trên trường quốc tế cũng như hệ tư tưởng, nhất định sẽ buộc những người cộng sản phải tham khảo kinh nghiệm của nhau.

Mặc dù vậy, sẽ là sai lầm nếu không thấy hoặc không đánh giá đúng ý nghĩa của những sự khác biệt về tốc độ và con đường phát triển của các nước cộng sản. Sự đa dạng về đường lối, hình thức và tốc độ của từng nước là đương nhiên. Không có chế độ cộng sản nào, dù có vẻ giống các chế độ khác đến đâu, có thể tồn tại được nếu nó không khoác lên mình những biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản dân tộc. Hơn thế nữa, để có thể trụ được, chế độ cộng sản càng ngày càng phải có hình thức dân tộc chủ nghĩa hơn, càng phải thích nghi với thực tiễn của dân tộc hơn.

Hình thức quyền lực và sở hữu, nội dung của tư tưởng trong các nước cộng sản khác nhau không đáng kể. Vì bản chất thì ở đâu cũng là một: nhà nước toàn trị. Nhưng để có thể giành và giữ được quyền lực, người cộng sản buộc phải thích ứng, nghĩa là làm cho đường lối và tốc độ áp đặt những hình thức quyền lực và sở hữu giống nhau đó phù hợp với điều kiện của từng dân tộc.

Sự khác nhau giữa các nước càng lộ rõ khi những người cộng sản ở một nước nào đó, vì hoàn cảnh, đã chiếm được quyền lực bằng những con đường “phi truyền thống” và với tốc độ khác các nước kia. Và họ phải là những người tương đối độc lập.

Cụ thể chỉ có ba nước: Liên Xô, Trung Quốc và Nam Tư (nơi nhiều nơi ít khác nhau), nơi những người cộng sản tự tiến hành cách mạng, giành chính quyền và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu của mình và với tốc độ do mình định đoạt. Các nước này đã giữ được độc lập sau khi đã trở thành cộng sản, ngay cả khi Nam Tư trước đây và Trung Quốc hiện nay bị áp lực lớn từ phía Liên Xô. Tại phiên họp kín đại hội XX, Chrushchev đã vén bức màn bí mật về việc ngăn chặn vụ tranh chấp giữa Stalin với ban lãnh đạo Trung Quốc. Như vậy là, vụ đối đầu với Nam Tư không phải là vụ duy nhất, nó chỉ là vụ đầu tiên và kịch tính nhất, trồi lên trên bề mặt trong thời gian gần đây mà thôi.

Như ta đã biết, tất cả các nước cộng sản khác đều là do lãnh đạo Liên Xô áp đặt bằng quân đội của mình. Vì vậy, sự khác biệt về đường lối và tốc độ phát triển không đạt đến mức như Nam Tư và Trung Quốc. Nhưng cùng với sự củng cố của bộ máy quan liêu đương quyền, cùng với việc bộ máy này càng ngày càng độc lập hơn, nó sẽ càng ngày càng nhận thức được rằng việc tuân theo, việc sao chép Liên Xô một cách mù quáng chỉ làm cho nó thêm mất giá, nó sẽ bắt chước Nam Tư, nghĩa là phát triển độc lập hơn. Cộng sản Đông Âu là tay sai của Liên Xô không phải là vì họ thích như thế mà vì họ quá yếu. Cùng với việc ổn định vị thế của mình và khi điều kiện cho phép, nhất định họ sẽ bắt đầu khao khát độc lập, sẽ bắt đầu bảo vệ “nhân dân nước mình” khỏi bá quyền Xô Viết.

Sau thắng lợi của cách mạng cộng sản, chính quyền đã lọt vào tay giai cấp mới. Giai cấp này không muốn hi sinh đặc quyền đặc lợi đã giành được “bằng mồ hôi và cả máu” nhân danh tinh thần đoàn kết vì lí tưởng chung nữa, nó cũng không chịu hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của giai cấp gọi là “anh em” ở những nước khác nữa.

Các nước, nơi mà cách mạng cộng sản chiến thắng chủ yếu nhờ vào nội lực, nhất định sẽ chọn đường lối phát triển riêng và sẽ mâu thuẫn với các nước khác, nhất là với Liên Xô, nước cộng sản mạnh nhất và cũng có thái độ đế quốc nhất. Theo quan điểm triết học thì như vậy có nghĩa là tầng lớp quan liêu của dân tộc ấy đã nhận thức được bản chất của mình, đã giành được chính quyền và nay đòi hỏi quyền bình đẳng.

Điều đó không chỉ có nghĩa là sự xung đột của hai hệ thống quan liêu. Tham gia vào cuộc đụng độ này còn có cả những nhà cách mạng của nước phụ thuộc, những người chống đối quyết liệt và không khoan nhượng “quyền của kẻ mạnh”, những người luôn luôn cho rằng quan hệ giữa các nước cộng sản phải là quan hệ lí tưởng như giáo lí vẫn dạy. Quần chúng nhân dân, trong sâu thẳm của tâm hồn, vẫn là lực lượng ủng hộ độc lập, cũng không thể đứng ngoài cuộc xung đột. Dù sao nhân dân cũng được lợi vì một mặt, họ không phải cống nạp cho chính quyền ngoại bang, mặt khác, giảm được ách nô dịch của chính phủ nước mình, một chính phủ không muốn và không thể sao chép mãi các biện pháp ngoại lai nữa. Cuộc xung đột còn đánh thức cả các lực lượng khác, ở các nước khác và phong trào khác. Nhưng bản chất của cuộc xung đột cũng như người tham gia xung đột thì vẫn thế. Cộng sản Liên Xô cũng như cộng sản Nam Tư đều không thay đổi bản chất của mình cả trước, trong và sau cuộc cải vã. Sự thật là bất đồng về đường lối và tốc độ phát triển đã dẫn đến sự phủ nhận tính chất xã hội chủ nghĩa của đối tác, nhưng cuối cùng, họ đã làm lành với nhau vì hiểu ra rằng nếu họ không muốn làm tổn hại đến uy tín và đánh mất điều quan trọng nhất (thực ra là một) thì phải tôn trọng sự khác biệt.

Các chính quyền cộng sản phụ thuộc ở Đông Âu có thể và phải giành lấy độc lập từ tay Liên Xô. Ước muốn độc lập sẽ đi xa đến đâu, cũng như mâu thuẫn sẽ biểu hiện dưới hình thức nào, là vấn đề không ai có thể đoán trước được, điều đó phụ thuộc vào hàng loạt tác nhân cả quốc gia và quốc tế. Nhưng bộ máy quan liêu cộng sản từng nước sẽ càng ngày càng độc lập hơn và nắm được nhiều quyền lực hơn, đấy là một điều chắc chắn. Phong trào phản đối Tito ở Đông Âu khi Stalin còn sống, cũng như việc công khai nói đến “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo “con đường riêng”, nhất là ở Ba Lan và Hungari, hiện nay, đã chứng minh điều đó. Chính phủ trung ương Liên Xô còn phải giải quyết vấn đề “dân tộc chủ nghĩa” ngay với những nhà lãnh đạo do họ nặn ra (Ukraine, Caucasia), nói gì đến các nước Đông Âu.

Một điều quan trọng nữa, Liên Xô đã không thể và trong tương lai cũng không thể đồng hóa được nền kinh tế các nước Đông Âu, và vì vậy ước muốn độc lập sẽ ngày càng dâng cao. Ước muốn này có thể bị đè nén hoặc đình chỉ trong một thời gian nào đó vì áp lực từ bên ngoài hoặc vì sự hốt hoảng của những người cộng sản trước “chủ nghĩa đế quốc” và “tư bản” nhưng không thể bị tiêu diệt hoàn toàn được. Ngược lại, xu hướng này sẽ ngày một tăng thêm.

Dĩ nhiên là không thể dự đoán được quan hệ giữa các nước cộng sản sẽ phát triển theo những hình thức nào. Sự hợp tác của những người cộng sản có thể đưa đến sự hợp nhất về tư tưởng, nhưng mâu thuẫn của các nước cộng sản lại có thể phát triển dưới mọi hình thức, dẫn đến mọi kiểu xung đột, kể cả chiến tranh. Không phải “chủ nghĩa xã hội” ở Nam Tư và Liên Xô mà chính là do Stalin đã không dám liều đi nước cờ “được ăn cả ngã về không”, mức độ lan rộng của nó không thể dự đoán trước, đã giúp tránh được cuộc đụng độ giữa hai nước.

Quan hệ giữa các nước cộng sản phụ thuộc vào một loạt hoàn cảnh, các sự kiện chính trị sẽ đóng vai trò chủ yếu, nhưng quyền lợi của tầng lớp quan liêu, thể hiện khi thì dưới dạng dân tộc khi thì dưới dạng quyền lợi chung, sẽ có vai trò không nhỏ. Tất cả những điều đó đang diễn ra trong xu hướng giành quyền tự chủ ngày càng dâng cao, không gì cản trở được của các nước cộng sản đàn em.

2.

Trước khi Thế chiến II kết thúc, khái niệm chủ nghĩa cộng sản dân tộc là khái niệm vô giá trị, vì lúc đó chủ nghĩa đế quốc Xô Viết chưa thể hiện được hết khả năng của nó không chỉ trong quan hệ với các nước tư bản mà còn trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa nữa. Khái niệm này chỉ xuất hiện khi xảy ra đụng độ giữa Nam Tư và Liên Xô.

Việc “ban lãnh đạo tập thể” Chrushchev-Bulganin phê phán các phương pháp của Stalin có thể đã làm cho quan hệ giữa Liên Xô và các nước cộng sản khác bớt căng thẳng, nhưng bình thường hoá hoàn toàn thì chưa. Với Liên Xô, chúng ta không chỉ chạm trán với chủ nghĩa cộng sản mà còn đối diện với tham vọng đế quốc của đế chế Đại-Nga-Xô nữa. Tham vọng này có thể thay đổi hình thức và phương pháp “tác động” nhưng không thể nào biến mất được, cũng như xu hướng độc lập của các nước cộng sản khác cũng là xu hướng bất khả tương nhượng vậy.

Các quốc gia cộng sản khác cũng có cùng xu hướng phát triển như vậy. Một lúc nào đó, tuỳ vào khả năng và hoàn cảnh, các chế độ đó cũng sẽ muốn trở thành (và sẽ trở thành) các nước đế quốc và bá quyền theo kiểu của mình.

Chính sách đối ngoại của Liên Xô đã trải qua hai giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mặc dù ngay cả giai đoạn tuyên truyền cách mạng ở các nước khác cũng có thể được coi là có tính đế quốc. Tôi nghĩ rằng không đủ cơ sở để coi giai đoạn đầu tiên, giai đoạn cách mạng trong quá trình phát triển ở Liên Xô là mang tính đế quốc vì khi đó nước này chủ yếu là tự vệ chứ chưa tấn công. Nhưng không nghi ngờ rằng trong chính sách của tầng lớp chóp bu đã có xu hướng đế quốc chủ nghĩa (thí dụ, trong quan hệ với vùng Caucasus)

Như vậy là, nếu không kể giai đoạn thứ nhất, giai đoạn hai, bắt đầu với chiến thắng cùa Stalin, của công nghiệp hoá và sự thống trị của giai cấp mới trong những năm 1930, chính sách đối ngoại của Liên Xô bắt đầu mang tính đế quốc chủ nghĩa. Bước ngoặt này xảy ra ngay trước chiến tranh, khi chính quyền Stalin đáng ra phải (và đã có điều kiện) chuyển từ những tuyên bố yêu chuộng hoà bình và chống đế quốc thành việc làm thực tế thì việc thay đổi lãnh đạo Bộ ngoại giao, từ một người cởi mở, khả ái và có nguyên tắc là Litvinov bằng một người người kín đáo và vô nguyên tắc là Molotov lại cho thấy điều ngược lại.

Không nghi ngờ gì rằng bản chất bóc lột và chuyên chế của giai cấp mới là nguyên nhân chủ yếu của chính sách đối ngoại mang tính đế quốc chủ nghĩa của nhà nước cộng sản. Nhưng để có thể bộc lộ những tham vọng đế quốc của mình, giai cấp đó phải có lực lượng và những hoàn cảnh nhất định. Lực lượng ấy đã sẵn sàng ngay trước chiến tranh. Còn chiến tranh lại là điều kiện cho những tính toán, tham vọng đế quốc chủ nghĩa. Các nước nhỏ bé vùng Baltic không thể nào đe doạ được an ninh của một nước khổng lồ như Liên Xô, hơn nữa, những nước này hoàn toàn không có thái độ thù địch. Nhưng đây lại là miếng mồi ngon cho lòng tham vô đáy của chế độ quan liêu cộng sản đại Nga.

Tinh thần quốc tế cộng sản trước đó đã là một phần trong chính sách đối ngoại của Liên Xô, thì nay, trong Thế chiến II, đã xung đột với quyền lợi của bộ máy quan liêu Xô Viết. Các tổ chức của Quốc tế III đã trở thành thừa. Ý tưởng giải tán Quốc tế cộng sản (Comintern), theo lời Georgi Dimitrov, xuất hiện ngay sau khi chiếm đóng các nước vùng Baltic, nhưng việc giải tán chỉ được thực hiện trong giai đoạn hai của cuộc chiến, khi đã liên minh với các nước phương Tây.

Phòng thông tin (Cominform), bao gồm các đảng Đông Âu, Pháp và Ý, được thành lập theo sáng kiến của Stalin nhằm bảo đảm cho sự thống trị của Liên Xô trong các nước tay sai và duy trì ảnh hưởng của nó ở Tây Âu. Phòng thông tin không thể nào so sánh được với Quốc tế Cộng sản, tuy vẫn là sự áp chế tuyệt đối của Moskva, nhưng dù sao cũng có đại diện của tất cả các đảng cộng sản. Phòng thông tin thực ra chỉ bao gồm khu vực ảnh hưởng của Liên Xô mà thôi. Cuộc đụng độ với Nam Tư chứng tỏ rằng Phòng thông tin chỉ làm mỗi một việc là duy trì sự lệ thuộc của các nước và các đảng cộng sản vào chính quyền Xô Viết, sự lệ thuộc này đã giảm nhiều cùng với việc củng cố các chế độ cộng sản dân tộc. Sau khi Stalin chết, Phòng thông tin cũng bị giải thể. Nhằm tránh những mâu thuẫn lớn và nguy hiểm trong tương lai, người ta đã phải công nhận quyền của cái gọi là con đuờng xây dựng chủ nghĩa xã hội riêng của mỗi nước.

Sự thay đổi về tổ chức như thế có thể diễn ra được là do một loạt nguyên nhân về kinh tế và chính trị.

Khi các đảng cộng sản Đông Âu chưa đủ mạnh và chính Liên Xô cũng chưa củng cố được về mặt kinh tế, chính phủ Xô Viết (ngay cả nếu không có sự độc đoán của Stalin) buộc phải dùng các biện pháp hành chính để duy trì sự thống trị trong các nước Đông Âu. Chủ nghĩa đế quốc Liên Xô đã buộc phải sử dụng các biện pháp chính trị, mà trước hết là cảnh sát và lực lượng vũ trang, để bù đắp cho những yếu kém, trước hết là về kinh tế của mình.

Đây chỉ là biểu hiện ở một trình độ cao hơn của chủ nghĩa đế quốc phong kiến – quân phiệt thời Sa Hoàng, nó cũng phù hợp với cơ cấu nội tại của Liên Xô, nơi bộ máy hành chính và cảnh sát đặt dưới sự chỉ huy của một cá nhân duy nhất đang giữ thế thượng phong.

Chủ nghĩa Stalin chính là sự kết hợp của nền chuyên chính cộng sản độc tài cá nhân và chủ nghĩa đế quốc quân phiệt.

Lập ra các tổ chức xã hội hữu nghị và các tổ chức khác ở mỗi nước, sử dụng áp lực chính trị để nhập khẩu hàng hoá từ Đông Âu theo giá thấp hơn giá cả trên thị trường quốc tế, thành lập “thị trường xã hội chủ nghĩa”, kiểm soát tất cả chính sách của các chính phủ và các đảng phụ thuộc, biến tình cảm tốt đẹp của những người cộng sản đối với “quê hương của chủ nghĩa xã hội” thành sự sùng bái nhà nước Xô Viết, sùng bái Stalin là những chính sách không thể tách rời của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết.

Chuyện gì đã xảy ra?

Ở Liên Xô, trong nội bộ giai cấp cầm quyền đã diễn ra sự thay đổi “thầm lặng”, Stalin đã ngăn chặn sự xuất hiện công khai của những thay đổi này. Những thay đổi tương tự cũng đã diễn ra trong các nước Đông Âu: bộ máy quan liêu dân tộc ở đấy, trong khi củng cố quyền lực và sở hữu của mình, đã vấp phải những vấn đề do áp lực bá quyền của Liên Xô gây ra. Nếu trước đây, để giành quyền lực, họ phải từ bỏ đặc thù dân tộc của mình thì ngày nay quan điểm đó đã trở thành chướng ngại vật trên con đường tiến lên của họ. Ngoài ra, chính phủ Liên Xô cũng không còn đủ khả năng theo đuổi chính sách đe doạ sử dụng vũ lực và cách li vừa tốn kém vừa nguy hiểm như thời còn Stalin, đồng thời, họ cũng không thể giữ mãi một loạt nước châu Âu trong “sân sau” của mình trong thời buổi mà những tình cảm chống đế quốc dâng cao như hiện nay nữa.

Sau một giai đoạn lúng túng và câu dầm, các lãnh tụ Liên Xô buộc phải công nhận rằng những lời kết án chống lại các nhà lãnh đạo Nam Tư về việc họ là gián điệp của phát xít Đức và của Mĩ vì họ đã bảo vệ quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình là không có cơ sở. Tito đã trở thành nhân vật nổi tiếng của phong trào cộng sản đương đại. Nguyên tắc dân tộc đã được công nhận về mặt hình thức. Nhưng đồng thời, Nam Tư cũng đánh mất vai trò của lực lượng sáng tạo trong phong trào cộng sản. Cách mạng Nam Tư đã được “thuần hoá”, bắt đầu một thời kì phát triển hoà bình và đơn điệu dưới quyền cai trị của độc tài cộng sản. Tình thân giữa các kẻ thù cũ không trở thành vĩnh cửu, các cuộc tranh cãi cũng chưa kết thúc. Chỉ là một giai đoạn mới.

Đồng thời Liên Xô cũng chuyển sang giai đoạn hai, giai đoạn sử dụng các biện pháp kinh tế và chính trị cho các tham vọng đế quốc của mình. Ít nhất, ta có cảm tưởng như thế khi phân tích các sự kiện hiện có trong ngày hôm nay.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc đã trở thành hiện tượng phổ biến. Nơi nhiều, nơi ít, nhưng nó đã thâm nhập vào phong trào cộng sản tất cả các nước. Liên Xô là trường hợp ngoại lệ, đấy chính là đối tượng mà các phong trào dân tộc chĩa mũi dùi vào. Nhưng trong thời Stalin, cộng sản Liên Xô cũng đã từng là cộng sản dân tộc. Khi đó phong trào cộng sản Nga đã chối bỏ chủ nghĩa quốc tế, nó chỉ lợi dụng tinh thần quốc tế như là công cụ của chính sách đối ngoại của mình mà thôi..

Chế độ cộng sản Xô Viết đã và đang đối diện với đòi hỏi phải công nhận một thực tế mới trong phong trào cộng sản quốc tế.

Với những thay đổi diễn ra từ bên trong, chủ nghĩa đế quốc Xô Viết cũng buộc phải thay đổi chính sách đối ngoại. Nó đã chuyển từ những biện pháp kiểm soát hành chính sang chính sách hợp tác kinh tế với các nước Đông Âu, lập kế hoạch chung trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Các chính phủ cộng sản Đông Âu hiện nay tỏ ra tự nguyện hợp tác vì họ biết rằng mình chưa đủ mạnh kể cả ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Tình trạng này không thể kéo dài được lâu vì chứa đựng trong lòng nó những mâu thuẫn cơ bản. Một mặt, tinh thần dân tộc sẽ ngày càng được củng cố, và mặt khác, chủ nghĩa đế quốc Xô Viết cũng là hiện tượng không thể nào loại bỏ được. Chính phủ Liên Xô và các chính phủ Đông Âu, trong đó có Nam Tư, phải tìm ra được các biện pháp hợp tác, phối hợp sức mạnh để giải quyết những vấn đề chung, quan trọng nhất, đấy là bảo vệ cho bằng được hình thức quyền lực và sở hữu hiện nay. Đấy là lĩnh vực duy nhất có thể hợp tác, ngoài ra thì không. Các điều kiện để hợp tác với chính phủ Liên Xô sẽ ngày càng nhiều thêm, nhưng những điều kiện đưa đến sự độc lập của các chính phủ Đông Âu thì còn nhiều hơn. Chính phủ Liên Xô sẽ không từ bỏ vai trò thống trị của mình, đồng thời, chính phủ các nước đó cũng cố gắng đấu tranh để giành cho bằng được một cái gì đó giống như sự tự chủ của Nam Tư. Mức độ tự chủ của từng nước sẽ phụ thuộc vào tương quan lực lượng, cả trong nước và quốc tế.

Việc chính phủ Liên Xô phải “nghiến răng” công nhận các hình thức dân tộc của phong trào cộng sản là một sự kiện cực kì quan trọng nhưng cũng cực kì nguy hiểm cho chủ nghĩa đế quốc Xô Viết.

Điều đó đã tạo ra một sự trao đổi tương đối tự do và như thế có nghĩa là một sự độc lập về tư tưởng. Từ nay trở đi, ảnh hưởng của một tư tưởng “tà giáo” nào đó đối với chủ nghĩa cộng sản không chỉ phụ thuộc vào lòng tốt của Moskva mà còn phụ thuộc vào chính sức mạnh của “tà giáo” đó nữa. Nếu Moskva dùng mọi cách để giữ ảnh hưởng của mình trong thế giới cộng sản trên cơ sở “tự nguyện” và một “hệ tư tưởng chung”, thì việc ngăn chặn quá trình phân li là bất khả thi.

Chính Moskva cũng đã không còn như xưa nữa. Độc quyền về tư tưởng và đạo đức đã không còn. Sau khi đoạn tuyệt với Stalin, Moskva không đã còn là trung tâm tư tưởng nữa. Thời đại của những hoàng đế cộng sản vĩ đại và những tư tưởng vĩ đại đã chấm dứt, bây giờ là thời của những viên chức quan liêu cộng sản tầm thường.

“Ban lãnh đạo tập thể” không hề nghi ngờ về những vấn đề và những mất mát đang chờ đợi nó, kể cả trong lẫn ngoài nước. Phải làm sao đây? Chủ nghĩa đế quốc Stalin không chỉ quá tốn kém và nguy hiểm, tệ hơn thế, còn không có hiệu quả. Nó không chỉ tạo ra sự bất bình trong dân chúng mà còn ngay trong hàng ngũ của những người cộng sản, thậm trí ngay khi tình hình quốc tế cực kì căng thẳng.

Liên Xô không còn là trung tâm tư tưởng của phong trào cộng sản quốc tế nữa. Sự thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế đã bị một vết thương không gì cứu chữa được, hiện chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nó sẽ hồi sinh trong một tương lai không xa.

Nhưng dù đã thay thế Stalin, “Ban lãnh đạo tập thể” không thể thay đổi được bản chất của hệ thống ở Liên Xô; cũng như các phong trào cộng sản dân tộc, dù đã vững mạnh lên sau khi thoát khỏi ảnh hưởng của Moskva, cũng không thể thay đổi được bản chất nội tại của mình, đấy là nhà nước toàn trị, độc quyền tư tưởng và bộ máy quan liêu. Thực ra nó cũng đã hạn chế được áp lực và làm chậm lại quá trình củng cố quyền sở hữu, đặc biệt là ở nông thôn. Nhưng chủ nghĩa cộng sản dân tộc không có ý định và không thể trở thành một cái gì khác ngoài chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy mà nó luôn luôn và một cách vô thức quay về với Liên Xô như là “cội nguồn của mọi cội nguồn”. Nó không thể tách số phận của mình khỏi số phận của các nước và các phong trào cộng sản khác.

Biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc trong phong trào cộng sản đã tạo ra nhiều nguy cơ cho chủ nghĩa đế quốc Xô Viết giai đoạn Stalin, nhưng không phải là nguy cơ của chính phong trào cộng sản. Ngược lại, nó có thể tăng cường sức mạnh ở những nơi đã giành được quyền lực và như thế, trở nên hấp dẫn hơn với những con mắt nhìn vào từ bên ngoài.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc xuất hiện trong giai đoạn phi giáo điều, nghĩa là giai đoạn bài Stalin của phong trào cộng sản và cũng là đặc điểm quan trọng của giai đoạn này.

3.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc không có khả năng thay đổi tình hình chính trị thế giới cả trên bình diện quan hệ giữa các quốc gia lẫn trong nội bộ phong trào công nhân. Dĩ nhiên là nó có thể có ảnh hưởng to lớn với cả hai tiến trình này.

Thí dụ, chủ nghĩa cộng sản dân tộc Nam Tư đã có tác động không nhỏ trong việc xói mòn chủ nghĩa đế quốc Xô Viết và hạ bệ chủ nghĩa Stalin trong nội bộ phong trào cộng sản quốc tế. Nguyên nhân của những sự thay đổi đang diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu nằm ngay trong lòng những nước đó. Nhưng những thay đổi đầu tiên theo kiểu đó đã xảy ra ở Nam Tư. Và cũng kết thúc ở đấy trước. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc Nam Tư, bằng cuộc đối đầu với chủ nghĩa Stalin, đã khơi mào cho một giai đoạn mới, giai đoạn hậu Stalin trong phong trào cộng sản quốc tế. Ảnh hưởng của nó đối với phong trào cộng sản quốc tế là rõ ràng, đối với quan hệ quốc tế và phong trào công nhân phi cộng sản, dĩ nhiên là ảnh hưởng của nó có yếu hơn.

Sẽ là không có cơ sở khi cho rằng Nam Tư sẽ phát triển theo hướng dân chủ xã hội hay sẽ là chiếc cầu nối giữa dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các lãnh tụ Nam Tư không phải là những người nhất quán trong vấn đề này. Trong giai đoạn bị áp lực từ phía Liên Xô, họ tỏ ra muốn liên kết với những người dân chủ xã hội. Nhưng sau khi đã làm hoà với Moskva, Tito lại tuyên bố rằng Phòng thông tin cũng như Quốc tế xã hội đều là những tổ chức không thiết thực, mặc dù trước đó không lâu Quốc tế xã hội (Socialist International) đã kiên quyết bảo vệ Nam Tư trong khi các đại diện của Phòng thông tin thì mở những cuộc tấn công điên cuồng vào nước này. Say sưa với chính sách gọi là cùng tồn tại tích cực, một chính sách đáp ứng đầy đủ nhất quyền lợi của họ trong thời điểm hiện nay, các nhà lãnh đạo Nam Tư tuyên bố rằng Phòng thông tin và Quốc tế xã hội đã đánh mất vai trò của mình chỉ vì một lí do đơn giản là chúng được hai khối thù địch dựng lên.

Các nhà lãnh đạo Nam Tư đã lẫn lộn giữa ước mơ và hiện thực, giữa quyền lợi nhất thời với những dị biệt sâu xa về xã hội và lịch sử.

Phòng thông tin là sản phẩm của Stalin, ông ta muốn tạo ra khối quân sự Đông Âu. Cũng không nên phủ nhận mối quan hệ của Quốc tế xã hội, hoạt động trong khuôn khổ các nước Tây Âu, với khối NATO. Nhưng Quốc tế xã hội trước hết vẫn là tổ chức của những người xã hội chủ nghĩa hoạt động trong lòng các nước tư bản phát triển, các nước có truyền thống dân chủ; các tổ chức xã hội, trong đó có Quốc tế xã hội, có thể tồn tại mà không cần NATO.

Các liên minh và khối quân sự là những hiện tượng nhất thời, trong khi chủ nghĩa xã hội phương Tây và chủ nghĩa cộng sản phương Đông là những xu hướng có tính ổn định và có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều.

Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa cộng sản và phong trào dân chủ xã hội không chỉ vì sự khác nhau về nguyên tắc (ít lí do nhất) mà là sự khác nhau về xu hướng phát triển của sức mạnh kinh tế và tinh thần. Điều mà Deutscher đã gọi rất đúng là khởi đầu một sự chia rẽ vĩ đại trong lịch sử - vụ đụng độ giữa Martov và Lenin tại Đại hội II Đảng dân chủ xã hội Nga ở London năm 1903 về vấn để đảng tịch, đúng hơn là về mức độ tập trung hoá và kỉ luật – đã đưa đến một loạt hậu quả mà những người khởi xướng cuộc tranh luận ấy không thể nào mường tượng nổi. Đấy không chỉ là sự khởi đầu của hai phong trào mà là sự khởi đầu của hai hệ thống xã hội khác nhau.

Không thể nào loại bỏ được hố sâu ngăn cách giữa những người cộng sản và những người dân chủ xã hội nếu không thay đổi bản chất của hai phong trào ấy, nếu không thay đổi ngay cái hoàn cảnh đã tạo ra mâu thuẫn giữa chúng với nhau. Trong nửa thế kỉ qua, dù có một số lần xích lại gần nhau trong những giai đoạn ngắn, sự khác biệt chỉ ngày một sâu sắc thêm, bản chất khác nhau của mỗi bên càng lộ rõ thêm. Hôm nay, dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản không chỉ là hai phong trào mà còn là hai thế giới.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc, sau khi tách khỏi Moskva, đã không có khả năng vượt qua được hố sâu ngăn cách đó, mặc dù đã có một vài cố gắng làm giảm nhẹ sự khác biệt. Đấy là sự hợp tác giữa ban lãnh đạo những người cộng sản Nam Tư với những người dân chủ xã hội – nhiều tuyên bố mà ít thực chất, vì “lịch sự” hơn là “theo tiếng gọi của con tim”. Sự hợp tác đã không đem lại kết quả khả dĩ nào cho cả hai bên.

Sự thiếu thống nhất giữa những người dân chủ xã hội châu Á và phương Tây lại có lí do hoàn toàn khác. Họ không có sự khác nhau quá lớn về bản chất và nguyên tắc. Vấn đề chính ở đây là hành động. Vì những vấn đề hoàn toàn có tính dân tộc mà những người xã hội châu Á không thể hợp nhất với dân chủ xã hội Tây Âu được. Dù là những người phản đối chế độ thực dân nhưng những người xã hội phương Tây vẫn là đại diện cho những nước phát triển, dù không có thế thượng phong về chính trị ở những nước kém phát triển kia nhưng vẫn là những nước bóc lột họ. Mâu thuẫn giữa những người dân chủ xã hội châu Á và Phương Tây là mâu thuẫn sinh ra do sự phát triển không đồng đều được chuyển vào phong trào. Mặc dù các mâu thuẫn đó là khá sâu sắc, nhưng sự gần gũi của hai phong trào cũng thật rõ ràng và bằng vào những gì ta thấy hôm nay, có thể nói rằng khả năng hợp tác là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

4.

Giống như Nam Tư, nếu các đảng cộng sản ở các nước phi cộng sản theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa thì ảnh hưởng của nó trên trường quốc tế sẽ còn lớn hơn cả ảnh hưởng của những đảng cộng sản dân tộc chủ nghĩa đã giành được chính quyền. Trước hết, đấy là đảng cộng sản Pháp và Ý, là những đảng tập hợp được đa số tuyệt đối giai cấp công nhân và nếu không kể đến một vài đảng ở châu Á, thì đây là những đảng có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế giới phi cộng sản.

Các biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản dân tộc trong các đảng đó hiện chưa đạt được qui mô và sự hưởng ứng có ý nghĩa. Nhưng các biểu hiện như vậy nhất định sẽ xảy ra và cuối cùng sẽ dẫn tới những thay đổi cơ bản trong nội bộ những đảng đó.

Không thể coi sự xa rời của các đảng đó khỏi ảnh hưởng của Moskva là do nhu cầu cạnh tranh với phong trào dân chủ xã hội, một phong trào đang sử dụng các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa để lôi kéo về phía mình khối quần chúng bất mãn. Càng không thể coi đấy là do sự thay đổi đường lối một cách đột ngột của Moskva và các đảng cộng sản chấp chính khác, tức là những thay đổi đã đặt những người cộng sản vừa kể và cả những người chưa được kể, hiện chưa nắm chính quyền, trước sự “khủng hoảng về mặt lương tâm”, phải lên án những điều mà vừa mới hôm qua còn được đưa lên tận chín tầng mây, buộc phải thay đổi đường lối một cách đột ngột. Việc tuyên truyền của các đảng phái đối lập cũng như áp lực của ban lãnh đạo xí nghiệp đối với công nhân đều không có ảnh hưởng đáng kể đối với sự chuyển hóa của các đảng này.

Bản chất các hệ thống xã hội của nhà nước, nơi các đảng đó hoạt động là nguyên nhân chủ yếu làm cho các đảng đó tách khỏi Moskva. Nếu giai cấp công nhân các nước đó có thể (khả năng này rất dễ xảy ra) giành được sự cải thiện điều kiện sống của mình bằng con đường nghị trường và bằng cách đó, làm biến đổi cả hệ thống, thì cho dù có những truyền thống cách mạng đến mức nào họ cũng sẽ quay lưng lại với những người cộng sản.

Chỉ một nhóm những người cộng sản giáo điều là có thể bình thản đứng nhìn sự xa lánh của công nhân, trong khi những nhà lãnh đạo chính trị tỉnh táo sẽ tìm mọi cách để cải thiện vị thế của mình, dù cái giá phải trả là giảm thiểu liên hệ với Moskva.

Các cuộc bầu cử tuy có đem lại cho các đảng cộng sản một số phiếu to lớn, nhưng điều đó không thể hiện sức mạnh thực sự của các đảng đó, nó chỉ chứng tỏ sự bất bình của quần chúng với trật tự hiện hành và sức cuốn hút của những ảo tưởng còn sót lại mà thôi. Những khối quần chúng đang đi theo các lãnh tụ cộng sản sẽ dễ dàng bỏ rơi họ một khi nhận ra rằng người cộng sản sẵn sàng hi sinh các biểu hiện dân tộc và những cơ hội cụ thể của giai cấp công nhân vì bản chất quan liêu, vì chế độ “chuyên chính vô sản” và các quan hệ với Moskva của họ.

Tất cả những điều vừa nói dĩ nhiên chỉ là giả thiết.

Hiện nay các đảng đó đang rơi vào tình trạng cực kì khó khăn. Nếu thực sự muốn theo con đường nghị trường, các lãnh tụ của họ phải từ bỏ đường lối chống nghị trường, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa cộng sản dân tộc, mà như thế - nếu tính đến vị trí của họ hiện nay – cũng có nghĩa là sự phân liệt của các đảng này.

Khả năng thực hiện được những thay đổi xã hội và cải thiện điều kiện sống của giai cấp công nhân bằng con đường dân chủ sẽ ngày một tăng lên, các bước đi lắt léo của Moskva sau khi bãi bỏ tệ sùng bái cá nhân Stalin cuối cùng sẽ dẫn tới sự tan rã của trung tâm tư tưởng, sự cạnh tranh của những người dân chủ xã hội, xu hướng thống nhất của phương Tây không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trên cơ sở xã hội, việc củng cố sức mạnh quân sự của phương Tây, việc giảm khả năng “giúp đỡ anh em” của quân đội Liên Xô, việc không thể thực hiện được những cuộc cách mạng cộng sản mới nếu không có Thế chiến III, tất cả những điều đó đã buộc lãnh đạo các đảng này phải quay sang sử dụng những hình thức dân tộc chủ nghĩa; nhưng nỗi sợ hãi trước hậu quả của con đường nghị trường và sự đoạn tuyệt với Moskva lại làm họ tê liệt, không thể hành động. Sự khác biệt ngày càng sâu sắc giữa phương Đông và phương Tây có ảnh hưởng cực kì to lớn. Cả Togliatti và Thorez đều lúng túng. Họ đã đứng ngoài sự vận động cả bên trong lẫn bên ngoài đảng của mình.

Khi tuyên bố tại Đại hội XX rằng ngày nay nghị trường có thể là “hình thức quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội, Chrushchev một mặt muốn tạo thuận lợi cho các đảng cộng sản trong “các nước tư bản chủ nghĩa”, mặt khác, thúc đẩy sự hợp tác giữa những người cộng sản và dân chủ xã hội trong việc lập ra “mặt trận nhân dân”. Trên lời nói, ông ta tin vào phương án này, vì kết quả của những biến đổi đã dẫn đến việc củng cố chủ nghĩa cộng sản và hoà bình trên trái đất. Nhưng trên thực tế, bằng cách đó, ông ta đã ngầm công nhận không chỉ điều mà ai cũng rõ: cách mạng cộng sản trong các nước phát triển là điều bất khả, mà hơn thế nữa, việc mở rộng chủ nghĩa cộng sản trong điều kiện hiện nay là không thể thực hiện được, nguy cơ chiến tranh là không thể tránh khỏi. Chính sách của nhà nước Xô Viết tựu trung lại là, giữ nguyên hiện trạng, chủ nghĩa cộng sản sẽ đấu tranh giành những vị trí mới bằng những biện pháp khác.

Đấy chính là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng trong các đảng cộng sản ở các nước phi cộng sản. Chuyển sang lập trường cộng sản dân tộc thì có nguy cơ đánh mất bản chất, mà không chuyển thì mất người ủng hộ. Để thoát khỏi mâu thuẫn này, các lãnh tụ, nghĩa là những người đại diện cho bản chất cộng sản sẽ phải rất khéo léo. Nhưng họ cũng khó ngăn chặn được quá trình tan rã. Họ sẽ mâu thuẫn với những xu hướng phát triển mới cả trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc trong các nước phi cộng sản nhất định sẽ dẫn tới sự li khai với chính phong trào cộng sản, sự tan rã của các đảng cộng sản. Cơ hội của chủ nghĩa cộng sản dân tộc trong các nước phi cộng sản là rất lớn, nhưng chắc chắn nó sẽ dẫn đến việc li khai với phong trào cộng sản. Kết quả là chủ nghĩa cộng sản dân tộc ở các nước đó sẽ tích tụ được sức mạnh, qua những chặng đường đầy cam go và những vụ “bột phát” ngắn hạn.

Khi xem xét những đảng cộng sản không chấp chính, ta thấy rằng chủ nghĩa cộng sản dân tộc, mặc dù, với ý định “làm mới” chủ nghĩa cộng sản “nói chung” hay với ý định củng cố nó, nhưng đồng thời đấy lại là một một dị giáo, nó nhất định sẽ phá nát cái chủ nghĩa cộng sản “nói chung” ấy. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc chứa đầy mâu thuẫn nội tại. Về bản chất, nó là cộng sản Xô Viết, nhưng về hình thức, nó lại có xu hướng tách ra, mang màu sắc dân tộc. Trên thực tế, đấy là chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn suy đồi, giai đoạn thoái trào.



Trong thế giới ngày nay                 

1. 

Để có thể xác định được vị trí quốc tế của chủ nghĩa cộng sản đương đại phải xem xét, dù là một cách sơ lược, những sự kiện đang diễn ra trên thế giới ngày nay.

Thế chiến I đã biến nước Nga Sa Hoàng thành một nhà nước kiểu mới, nghĩa là ở đó đã hình thành những quan hệ xã hội kiểu mới. Ngoài ra, sự cách biệt về trình độ kĩ thuật và tốc độ phát triển giữa Mĩ và Tây Âu đang ngày một rộng thêm. Sự cách biệt này, vốn là kết quả của Thế chiến II, có nguy cơ trở thành hố sâu ngăn cách không thể nào vượt qua được nếu ở Mĩ không diễn ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu kinh tế. 

Không chỉ chiến tranh - chiến tranh chỉ là chất xúc tác - là nguyên nhân của sự cách biệt đáng kể giữa Mĩ và phần còn lại của thế giới. Nguyên nhân của sự phát triển nhanh chóng của Mĩ dĩ nhiên là do những khả năng của nước này: đấy là những điều kiện tự nhiên và xã hội cũng như đặc điểm của nền kinh tế Mĩ. Chủ nghĩa tư bản Mĩ đã phát triển trong những hoàn cảnh khác hẳn với châu Âu và đạt đỉnh cao khi những kẻ cạnh tranh châu Âu đã đi vào thoái trào. 

Ngày nay, sự cách biệt được thể hiện như sau: 6% dân số thế giới sống ở Mĩ sản xuất 40% tất cả sản phẩm vật chất và dịch vụ toàn cầu. So với châu Âu, tình hình như sau: giai đoạn giữa Thế chiến I và Thế chiến II, tỉ trọng của Mĩ trong nền sản xuất thế giới chiếm 35%, sau Thế chiến II đã là 50%. Châu Âu, không tính Liên Xô, tình hình hoàn toàn ngược lại: tỉ trọng của nó giảm từ 68% năm 1870 còn 42% trong những năm từ 1925 đến 1929, sau đó giảm còn 34% vào năm 1937 và 25% vào năm 1948 (số liệu của Liên hợp quốc). 

Sự phát triển nền công nghiệp ở các nước thuộc địa cũng có vai trò to lớn, chính nhờ đó mà đa số những nước này đã giành được độc lập sau Thế chiến II. 

Trong giai đoạn giữa Thế chiến I và Thế chiến II, chủ nghĩa tư bản đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế cực kì sâu sắc, với những hậu quả xã hội rất to lớn mà chỉ có những người cộng sản giáo điều, đặc biệt là tại Liên Xô, mới không chịu công nhận mà thôi. Cuộc đại khủng hoảng năm 1929 chứng tỏ rằng nó vượt xa những cuộc khủng hoảng hồi thế kỉ XIX và những sự xáo trộn tương tự như vậy có thể đe doạ cơ cấu xã hội, thậm chí sự sống còn của cả một dân tộc. Các nước phát triển, đặc biệt là Mĩ, đã phải từng bước và bằng những con đường khác nhau, áp dụng một nền kinh tế kế hoạch hoá, ban đầu là trên bình diện quốc gia và sau Thế chiến II thì mở rộng ra bình diện quốc tế. Cùng với nó, đã diễn ra những thay đổi, tuy không được nói đến nhiều về mặt lí luận, có ý nghĩa thời đại cho các nước đó và cho toàn thế giới nữa. 

Cũng trong giai đoạn này đã hình thành các hệ thống toàn trị, ở Liên Xô cũng như ở một vài nước tư bản (nước Đức quốc xã). 

Khác với Mĩ, nước Đức nằm trong tình trạng bất bình thường, nghĩa là nó không có khả năng sử dụng những biện pháp kinh tế để giải quyết các vấn đề nội bộ cũng như khuyếch trương thế lực trên trường quốc tế. Chiến tranh và chế độ toàn trị (chủ nghĩa quốc xã) là lối thoát duy nhất của các tập đoàn độc quyền Đức và vì vậy, họ đã khuất phục đảng phát xít quân phiệt. 

Liên Xô, như chúng ta đã thấy, áp dụng chế độ toàn trị vì những lí do khác: đấy là điều kiện cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá. 

Nhưng còn một điều nữa, có thể ít được để ý, nhưng thực ra lại là bước ngoặt cho thế giới hiện đại. 

Đấy chính là chiến tranh. Chiến tranh tạo ra những thay đổi to lớn ở cả những nơi mà hậu quả của nó không phải là cách mạng. Chiến tranh không chỉ gây ra những sự tàn phá khủng khiếp, nó còn làm đảo lộn trật tự thế giới và làm rối loạn quan hệ trong từng nước riêng biệt nữa. 

Tính chất bước ngoặt của các cuộc chiến tranh hiện đại được thể hiện không chỉ trong việc kích thích tiến bộ kĩ thuật mà còn tạo ra những thay đổi trong cơ cấu kinh tế và xã hội nữa. Chả phải là Thế chiến II đã cho nước Anh thấy những quan hệ lỗi thời và làm cho những quan hệ này lung lay đến mức người ta phải tiến hành quốc hữu hoá trên diện rộng ư? Chả phải là Burma, Ấn Độ, Indonesia nhờ đó mà trở thành những nước độc lập ư? Sự thống nhất Âu châu chả phải là hậu quả của nó ư? Chả phải nó đã đưa Mĩ và Liên Xô thành hai lực lượng kinh tế và chính trị chủ yếu ư? 

Chưa bao giờ chiến tranh lại có ảnh hưởng sâu rộng như thế đối với đời sống của từng quốc gia nói riêng và cả nhân loại nói chung. Có hai lí do. Thứ nhất, chiến tranh hiện đại nhất định phải là chiến tranh tổng lực. Tất cả các nguồn nhân vật lực đều phải được động viên vì trình độ kĩ thuật cao không cho phép bất cứ lĩnh vực nào “được ngồi chơi xơi nước” nữa. Thứ hai, vì những lí do về kinh tế, kĩ thuật và hàng loạt lí do khác, thế giới đã trở thành một thể thống nhất hơn bao giờ hết, bất cứ một sự thay đổi nhỏ nào (chiến tranh tạo ra biết bao thay đổi) của một bộ phận cũng tạo ra, giống như với một cơ thể sống, những phản ứng của các bộ phận khác. Bất cứ cuộc chiến tranh hiện đại nào cũng đều có xu hướng trở thành chiến tranh thế giới. 

Những bước ngoặt về kinh tế và quân sự “không nhìn thấy được” đó có ý nghĩa vô cùng to lớn và diện tác động vô cùng rộng. Và điều quan trọng là những biến đổi đó đều có “tính tự phát” (khác với các cuộc cách mạng bạo lực, có tổ chức và bị điều kiện hoá về tư tưởng) cho nên nó càng cho thấy rõ xu hướng phát triển của thế giới hiện đại. 

Như vậy là, thế giới ngày nay, sau Thế chiến II, đã không còn là cái thế giới như trước kia nữa. 

Năng lượng nguyên tử mà con người tranh đoạt được của thiên nhiên, của vũ trụ, là một mốc son chói lọi nhưng không phải mốc son duy nhất của thời đại mới. 

Vì đã nói đến năng lượng nguyên tử nên cũng phải ghi nhận rằng chính những người cộng sản đã lựa chọn nó làm biểu tượng của chế độ cộng sản cũng như máy hơi nước từng là biểu tượng và tiền đề của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Nhưng dù có đánh giá cao biểu tượng đó đến đâu đi chăng nữa thì sự thật vẫn là: năng lượng nguyên tử đã tạo ra những thay đổi không chỉ trong những nước riêng biệt mà trên toàn thế giới. Nhưng những thay đổi này không đưa nhân loại về hướng chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội như các “lí thuyết gia” cộng sản kì vọng. 

Năng lượng nguyên tử không phải là con đẻ của một dân tộc cụ thể nào, nó là sản phẩm của hàng trăm năm lao động miệt mài của những khối óc vĩ đại nhất của nhiều dân tộc. Việc áp dụng nó cũng là kết quả của những cố gắng của một loạt nước, cố gắng không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà của cả lĩnh vực kinh tế nữa. Thiếu sự thống nhất trên toàn thế giới thì việc sử dụng năng lượng hạt nhân đã không thể xảy ra được. 

Năng lượng nguyên tử trong tương lai cũng sẽ được sử dụng cho mục đích làm cho thế giới trở thành ngày một thống nhất hơn. Trên đường đi của mình, nhất định nó sẽ phá vỡ những rào cản mà nhân loại đã thừa kế được từ quá khứ, đấy có thể là quan hệ sở hữu, quan hệ xã hội, nhưng trước hết là những hệ thống và hệ tư tưởng khép kín, thí dụ như chủ nghĩa cộng sản trước cũng như sau khi Stalin chết. 

2.

Xu hướng hợp nhất quốc tế là đặc điểm chủ yếu, đặc điểm nổi bật trong thời đại của chúng ta. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là trước đây thế giới không có xu hướng hợp nhất, dĩ nhiên là hợp nhất bằng những phương pháp khác. 

Xu hướng thiết lập các mối liên hệ quốc tế thông qua thị trường thế giới đã giành thế thượng phong ngay từ giữa thế kỉ XIX. Đấy đã là sự hợp nhất quốc tế trong thời đại các nền kinh tế tư sản dân tộc và các cuộc chiến tranh dân tộc chủ nghĩa. Sự hợp nhất quốc tế như vậy là đã được thực hiện thông qua các nền kinh tế quốc gia và các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc. 

Quá trình hợp nhất quốc tế tiếp tục được thiết lập bằng cách phá vỡ những hình thức sản xuất tiền tư bản trong những vùng chưa phát triển và sự phân chia những khu vực này giữa các nước đã phát triển. Đấy là giai đoạn của chủ nghĩa tư bản độc quyền và chiến tranh xâm lược thuộc địa, trong đó mối liên hệ và quyền lợi của các tập đoàn thường đóng vai trò chính, nhiều khi còn lớn hơn cả nhu cầu quốc phòng của đất nước. Khi đó xu hướng hợp nhất quốc tế được thể hiện chủ yếu thông qua cuộc đấu tranh và thống nhất của tư bản độc quyền. Đấy là hình thức hợp nhất cao hơn sự hợp nhất thông qua thị trường. Tư bản đã vượt ra khỏi quốc gia, trụ vững và làm chủ toàn thể thế giới. 

Xu hướng hợp nhất ngày hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Sự tiến lên liên tục theo hướng đó đòi hỏi trình độ phát triển cao, nền khoa học hiện đại, phương pháp tư duy khoa học. Hợp nhất không thể tiếp tục tiến lên trên cơ sở dân tộc (càng không thể chỉ dựa vào cơ sở dân tộc) hay bằng cách chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng độc quyền được nữa.

Xu hướng hợp nhất mới (hợp nhất về sản xuất) đặt cơ sở trên mức độ hợp nhất đã có trước đây, nghĩa là hợp nhất về thị trường và tư bản, lại vấp phải những hình thức quan hệ không phù hợp, lỗi thời; đấy là quan hệ trong từng quốc gia, giữa các quốc gia và trước hết là quan hệ xã hội. Nếu trước đây hợp nhất đạt được thông qua những cuộc đấu tranh dân tộc (va chạm và chiến tranh) thì ngày nay hợp nhất chỉ có thể đạt được thông qua việc loại bỏ những quan hệ xã hội đã lỗi thời. 

Sự phối hợp và hợp tác trong sản xuất trên bình diện quốc tế sẽ được thực hiện bằng con đường nào, chiến tranh hay hoà bình, không ai có thể nói trước được, nhưng xu hướng là không thể đảo ngược và cũng không có gì phải nghi ngờ. 

Con đường thứ nhất: chiến tranh. Sự hợp nhất được thực hiện bằng vũ lực, nghĩa là bằng sự thống trị của một nhóm nào đó. Nhưng “di sản” là không thể tránh khỏi - ngọn lửa chiến tranh, bất hoà và bất công tiếp tục âm ỉ. Hợp nhất bằng chiến tranh là hợp nhất với cái gía là sự hi sinh của những kẻ yếu, những kẻ chiến bại. Ngay cả trong trường hợp chiến tranh có “giải quyết” được những quan hệ cụ thể thì di sản của nó vẫn là một loạt mâu thuẫn và hố sâu chia rẽ. 

Ngoài ra, vì nhiên liệu chủ yếu của ngọn lửa chiến tranh hiện là mâu thuẫn giữa hai hệ thống, cho nên nó sẽ mang đặc trưng giai cấp chứ không phải dân tộc hay quốc gia như trước nữa. Chiến tranh vì vậy sẽ cực kì mãnh liệt và tàn khốc. Cuộc chiến tranh tương lai sẽ là chiến tranh thế giới hoặc nội chiến chứ không còn là chiến tranh giữa các dân tộc và quốc gia. Chính vì thế mà chiến tranh sẽ khủng khiếp hơn và ảnh hưởng của nó với công cuộc phát triển hoà bình sau này cũng lớn hơn. 

Hợp nhất bằng biện pháp hoà bình sẽ diễn ra chậm hơn nhưng là biện pháp bền vững, là biện pháp hợp lí và công bằng duy nhất có thể chấp nhận được. 

Cứ theo những gì đang diễn ra hiện nay, ta có thể cho rằng sự hợp nhất sẽ tính đến những mâu thuẫn của hai hệ thống, ngược với mâu thuẫn đặc trưng (dân tộc) cho những quá trình tương tự, đã diễn ra trong thời gian qua. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là những mâu thuẫn hiện nay chỉ giới hạn trong sự đối đầu giữa hai hệ thống. Đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại những mâu thuẫn khác, kể cả những mâu thuẫn có nguồn gốc từ quá khứ. Xu hướng hợp nhất nền sản xuất toàn cầu phản ánh một cách rõ ràng và toàn diện nhất trên tấm gương của sự đối đầu giữa hai hệ thống. 

Đồng thời, sẽ là không thực tế khi cho rằng sự hợp nhất nền sản xuất toàn cầu sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Quá trình hợp nhất sẽ kéo dài (vì là kết quả của hoạt động một cách kiên trì, có sự phối hợp và tổ chức tốt của các lực lượng sản xuất và các lực lượng khác của toàn thể nhân loại) và sự hợp nhất hoàn toàn cũng là điều bất khả thi. Những cố gắng hợp nhất trong quá khứ chưa từng đạt được kết quả hoàn hảo. Sự hợp nhất hiện nay cũng chỉ là một xu hướng, một cái đích mà sản xuất (của các nước phát triển nhất) cố gắng vươn tới mà thôi. 

3. 

Cuối Thế chiến II, xu hướng phân li trên cơ sở hệ thống này hay hệ thống kia đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu. Những quốc gia rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô, dù đấy chỉ là một phần dân tộc (Đức, Triều Tiên), đã có những nét tương đồng của một hệ thống. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở phía bên kia. 

Các nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ như thế. Tôi còn nhớ trong một bữa ăn tối vào năm 1945, Stalin đã nói như vô tình: “Không như thời xưa, người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện đại sẽ áp đặt hệ thống của mình”. Điều đó được tuyên bố khi tiếng súng chiến tranh còn chưa chấm dứt, khi dường như mối thiện cảm và sự tin cậy giữa các đồng minh đang rất cao, hi vọng do những tình cảm ấy mang lại tưởng như vô bờ bến. Còn vào tháng 2 năm 1948, ông ta đã tuyên bố với những người Bulgaria và người Nam Tư chúng tôi như sau: “Họ, phương Tây sẽ thành lập nhà nước trên phần Tây Đức, còn chúng ta sẽ thành lập nhà nước trên phần Đông Đức. Chuyện đó là không thể tránh được.” 

Bây giờ người ta hay chia - không phải là không có cơ sở - chính sách của Liên Xô thành “tiền” và “hậu” Stalin. Nhưng không phải một mình Stalin phát minh ra hệ thống, còn những người kế vị ông ta cũng bám vào hệ thống chặt không khác gì thời còn Stalin. Sự khác biệt của thời hậu Stalin chỉ là cách tiếp cận của các lãnh tụ Liên Xô đối với quan hệ giữa hai hệ thống, chứ không động tới các hệ thống. Chả phải là chính Khrushchev, tại đại hội XX, đã khẳng định tính chất đặc biệt, riêng rẽ của “thế giới xã hội chủ nghĩa”, “hệ thống xã hội chủ nghĩa” đấy ư? Trên thực tế, điều đó chỉ có nghĩa là ý định ngoan cố trong việc chia thế giới thành những hệ thống, giữ nguyên tính khép kín của hệ thống của mình nhằm bảo vệ độc quyền lãnh đạo ở bên trong. 

Cuộc xung đột Đông - Tây được khoác cho hình thức đấu tranh tư tưởng vì thực chất nó là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống. Cuộc chiến tranh tư tưởng, đã đầu độc tâm hồn dân chúng của cả hai phe đối địch, không chấm dứt ngay cả khi hai bên đạt được những nhượng bộ tạm thời. Hơn thế nữa, khi cuộc đụng độ về kinh tế, về chính trị và các mặt khác càng khốc liệt thì người ta lại càng có cảm giác như đấy chính cuộc đấu tranh tư tưởng “đơn thuần”. Trên thực tế, tư tưởng đã trở thành lực lượng trừu tượng, đã là một thế giới đặc biệt, đã là vật tự thân từ lâu. 

Cũng còn một kiểu nhà nước nữa, đấy là các nước đã giành được độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân (Burma, Ấn Độ, Indonesia, các nước A Rập...). Những nước này đã thực hiện mọi biện pháp nhằm xây dựng một nền kinh tế tự chủ với hi vọng sẽ tạo cho họ nền độc lập thật sự. Tại đó, cùng lúc đang hiện diện nhiều thời đại và hệ thống đan xen vào nhau, mà trước hết là hai hệ thống đương thời. 

Vì nhiều lí do, mà chủ yếu là các lí do mang tính dân tộc, những nước này chính là đại diện chân thành của tư tưởng độc lập, hoà bình và hiểu biết lẫn nhau. Không đủ sức loại bỏ cuộc xung đột giữa hai hệ thống, họ chỉ có thể làm cho nó bớt căng thẳng phần nào mà thôi: chính những nước này đang là vũ đài tranh chấp của hai hệ thống. Nhưng vai trò của họ có thể gia tăng. Đáng tiếc là hiện nay các nước này chưa có vai trò quyết định. 

Cần phải thấy rằng mỗi hệ thống đều cho rằng sự hợp nhất thế giới phải được thực hiện theo hình mẫu của mình. Hai hệ thống đều nói “có” đối với hợp nhất, nhưng lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược về hình thức. Xu hướng hợp nhất thế giới ngày nay đã có hình thù cụ thể và sẽ được thực hiện thông qua cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, một cuộc đấu tranh nóng bỏng chưa từng có trong điều kiện hoà bình. 

Như ta đã biết, biểu hiện về mặt chính trị và tư tưởng của cuộc đấu tranh đó là (phương Tây) dân chủ và (phương Đông) cộng sản. 

Nhưng tại phương Tây, với nền chính trị dân chủ, trình độ văn hoá và khoa học kĩ thuật cao hơn nên các xu hướng hợp nhất tự phát cũng biểu hiện rõ ràng hơn, chính phương Tây đang thể hiện như lực lượng bảo vệ tự do, tự do chính trị và tự do tư tưởng. 

Hình thức sở hữu ở các nước đó có thể làm chậm lại hay thắt chặt xu hướng này, tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng xu hướng hợp nhất đã và đang hiện diện khắp nơi. Các công ty độc quyền chỉ là trở ngại không đáng kể đối với quá trình hợp nhất: họ thực hiện hợp nhất bằng biện pháp lỗi thời – thông qua khu vực ảnh hưởng. Vì quyền lợi của mình, họ cũng có xu hướng hợp nhất. Đảng lao động Anh, kẻ thù của các công ty độc quyền, cũng là những người ủng hộ hợp nhất, tất nhiên hợp nhất theo cách của họ. Ở Mĩ, ngay cả nếu nền kinh tế có bị quốc hữu hoá, xu hướng hợp nhất còn biểu hiện rõ ràng hơn. Xu hướng hợp nhất thể hiện rõ không chỉ ở Mĩ mà còn ở Anh, một nước đang tiến hành quốc hữu hoá. Nhưng ngay ở Mĩ quá trình quốc hữu hoá cũng đang được thực hiện, tuy không phải bằng cách thay đổi hình thức sở hữu mà bằng cách chuyển vào tay nhà nước phần lớn thu nhập quốc dân. 


4. 

Xã hội nói chung và từng thành viên của nó đều cố gắng mở rộng và hoàn thiện quá trình sản xuất. Đấy là qui luật. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của khoa học, kĩ thuật và tư duy, qui luật này tác động dưới dạng xu hướng hợp nhất nền sản xuất thế giới. Xu hướng này, nói chung, mạnh hơn ở những nơi có trình độ văn hoá và trình độ sản xuất vật chất cao hơn. 

Ở phương Tây, xu hướng hợp nhất thể hiện trước hết nhu cầu của kinh tế, kĩ thuật, và những nhu cầu khác; chỉ sau đó mới đến quyền lợi của các lực lượng chính trị, các chủ sở hữu và các lực lượng khác. 

Phe Liên Xô tình hình lại hoàn toàn khác. Dù không có các lí do khác, phương Đông cộng sản vẫn phải (chính vì sự lạc hậu) co cụm lại, khép kín lại về mặt kinh tế và tư tưởng, lấy các biện pháp chính trị bù đắp cho sự yếu kém về mọi mặt, trong đó có các yếu kém về kinh tế. 

Người ta có thể ngạc nhiên, nhưng sự thật là: cái gọi là sở hữu xã hội chủ nghĩa là trở ngại chủ yếu đối với xu hướng hợp nhất thế giới. Tập thể về mặt hình thức, toàn trị về mặt nội dung, sở hữu mà giai cấp mới đang nắm giữ đã tạo ra một hệ thống kinh tế và chính trị khép kín, ngăn cản việc thiết lập các mối liên kết quốc tế. Hệ thống này có thể sẽ biến đổi một cách cực kì chậm chạp và thật lâu; trên thực tế, nó không hề biểu hiện một sự quan tâm nào đến việc thâm nhập, hội nhập với những hệ thống khác, nghĩa là nó không hề quan tâm đến việc hợp nhất thế giới. Sự biến đổi diễn ra bên trong nó chỉ có mục đích duy nhất là tự củng cố. Đối với hệ thống này, một hệ thống khép kín về bản chất, hợp nhất với thế giới đồng nghĩa với tan rã. Hệ thống với một hình thức sở hữu, quyền lực và tư tưởng duy nhất nhất định phải là hệ thống khép kín, nó sẽ giữ mãi hướng đi độc đáo của mình. 

Các lãnh tụ Liên Xô không thể nào tưởng tượng được một thế giới hợp nhất khác với thế giới của chính họ. Thế giới thuộc về họ. Cùng tồn tại hoà bình giữa những hệ thống khác nhau, mà họ thường nói, đối với họ không có nghĩa là hội nhập mà chỉ có nghĩa là sự tồn tại tĩnh của một hệ thống này bên cạnh hệ thống kia cho đến khi hệ thống tư bản bị chinh phục hoặc tự cắn nát mình từ bên trong. 

Như đã nói bên trên, sự đối đầu giữa hai hệ thống không có nghĩa là các cuộc xung đột giữa các dân tộc hay chiến tranh giải phóng dân tộc đã chấm dứt. Nhưng những cuộc xung đột này cũng biểu hiện rõ tính chất chủ yếu của thế giới ngày nay: mâu thuẫn của hai hệ thống. Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez suýt nữa đã biến thành vụ đụng độ giữa hai hệ thống, đây chính là sự tranh chấp giữa chủ nghĩa dân tộc và nền thương mại thế giới do những lực lượng thực dân cũ là Anh và Pháp đại diện. 

Sự căng thẳng trong đời sống quốc tế là kết quả không thể tránh khỏi của những mối quan hệ kiểu đó. Chiến tranh lạnh là tình trạng bình thường của thế giới ngày nay. Hình thức của nó có thể luôn luôn biến đổi, có thể nóng lên hay dịu đi, nhưng trong tình hình hiện nay thì không thể loại bỏ hoàn toàn được. Muốn loại bỏ nó, trước hết phải loại bỏ nguyên nhân sâu xa hơn, nguyên nhân nằm trong bản chất của thế giới hiện đại, ở bản chất của các hệ thống mà trước hết là hệ thống cộng sản. Chiến tranh lạnh là nguyên nhân của sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai hệ thống, nhưng chính nó lại là sản phẩm của những mâu thuẫn sinh ra từ trong quá khứ. 

Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới không thể dự đoán được. Đây là thế giới với những chân trời khoa học rộng mở, đang vẫy gọi con người; nhưng nó cũng làm lạnh sống lưng khi nghĩ đến những thảm hoạ toàn cầu mà phương tiện chiến tranh hiện đại có thể gây ra. 

Thế giới này nhất định phải thay đổi. Nó không thể tồn tại, hay ít nhất không thể tồn tại lâu trong tình trạng lưỡng lự, nửa muốn phân li nửa muốn hợp nhất như hiện nay. Quan hệ quốc tế, sau khi thoát khỏi tình trạng rắc rối hiện nay, sẽ không phải là những quan hệ lí tưởng và cũng không tránh khỏi va chạm. Nhưng đấy sẽ là những quan hệ khác hẳn hiện nay. 

Tình trạng đối đầu giữa hai hệ thống đồng thời lại chứng tỏ rằng loài người đang tiến đến một hệ thống duy nhất. Tình trạng đối đầu hiện nay cũng chứng tỏ rằng việc hợp nhất thế giới, đúng hơn là sự hợp nhất của nền sản xuất quốc tế sẽ diễn ra thông qua cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống. 

Xu hướng hợp nhất nền sản xuất quốc tế không dẫn tới và không thể dẫn tới một hình thức sản xuất duy nhất, nghĩa là không dẫn tới một hình thức sở hữu, quyền lực,..v.v…duy nhất. Sự thống nhất này có nghĩa và chỉ có nghĩa là ước mơ vượt qua những trở ngại do quá khứ để lại hoặc do người ta cố tình tạo ra (về chính trị, do các hình thức sở hữu..v.v…), ngăn cản sự mở rộng và nâng cao hiệu quả của nền sản xuất hiện đại. Nó có nghĩa là sự thích nghi đầy đủ của nền sản xuất với những điều kiện của tự nhiên, dân tộc và địa phương. Xu hướng hợp nhất thực sự thúc đẩy sự đa dạng hoá phương pháp sản xuất, sự phối hợp chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tất cả những khả năng của nền sản xuất quốc tế. 

May là không có hệ thống duy nhất nào thống lĩnh được thế giới[2]. Ngược lại, không may là có quá ít hệ thống khác nhau. Không may nhất là các hệ thống này, dù kiểu gì đi nữa, cũng đều là những hệ thống khép kín, tách rời nhau. 

Sự khác nhau ngày càng sâu sắc giữa các hội đoàn, các quốc gia, các hệ thống chính trị cùng với sự nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất là một trong những qui luật phát triển của xã hội. Các dân tộc sẽ hợp nhất, con người sẽ càng ngày càng hoà nhập với thế giới xung quanh nhưng đồng thời càng ngày càng có cá tính hơn, cá tính hoá hơn. 

Thế giới sẽ trở thành đa dạng hơn nhưng cũng thống nhất hơn. Sự hợp nhất trong tương lai chỉ có thể xảy ra nhờ sự đa dạng chứ không phải sự đơn điệu và đồng nhất. Dù sao mặc lòng, cho đến nay mọi sự đã là như thế. Đơn điệu và đồng nhất chỉ có nghĩa là nô dịch và thoái hoá, có nghĩa là ít tự do hơn. 

Một dân tộc không nhận thức được các quá trình và xu hướng đó sẽ phải trả giá đắt: đấy sẽ là dân tộc lạc hậu, dù sức mạnh quân sự có như thế nào và dân số có đông đến đâu, nó vẫn buộc phải hội nhập. Không ai hay nước nào có thể tránh được điều đó, cũng như trước đây đã không có nước nào cản trở được sự thâm nhập của tư bản và sự xác lập mối liên hệ với các dân tộc khác thông qua thị trường quốc tế. 

Vì vậy, bất kì nền kinh tế nào có xu hướng tự cô lập theo kiểu tự cấp tự túc (dù với bất kì hình thức sở hữu, chế độ chính trị và ngay cả trình độ kĩ thuật nào đi nữa) cũng sẽ phải đối diện với những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được và sẽ bị thoái hoá. Điều đó cũng đúng cho cả các hệ thống xã hội, các hệ tư tưởng v.v... Ngày nay, trong một hệ thống khép kín, người ta chỉ có thể kéo lê cuộc đời, chứ không thể có bất kì tiến bộ nào và không thể giải quyết một cách rốt ráo những vấn đề do kĩ nghệ và tư duy hiện đại đặt ra, không giải quyết được những vấn đề do nhu cầu của các quan hệ bên trong cũng như bên ngoài hệ thống đặt ra cho con người. 

Đồng thời, cùng với tiến trình phát triển của thế giới, ta lại có thể nhận ra rằng lí luận của cộng sản (Stalin) về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội (cộng sản) trong một nước chỉ chứng tỏ đấy là phương pháp củng cố chế độ độc tài toàn trị, nghĩa là sự thống trị tuyệt đối của giai cấp mới, giai cấp bóc lột duy nhất mà thôi. Trong tình hình thế giới hiện nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay bất kì kiểu xã hội nào khác trong một nước hay một nhóm nước tách biệt khỏi toàn bộ cộng đồng thế giới nói chung là điều vô nghĩa, nhất định sẽ dẫn đến một nền kinh tế tự cấp tự túc, sẽ dẫn đến sự tự cô lập, dẫn đến chế độ chuyên chế và sự suy giảm khả năng phát triển về kinh tế và xã hội của chính những nước đó. Nhưng vẫn còn một khả năng khác: đấy là đảm bảo cho nhân dân nước mình (phù hợp và trong mối liên hệ với xu hướng tiến bộ về kinh tế và dân chủ trên thế giới) nhiều bánh mì hơn, nhiều tự do hơn, phân phối phúc lợi một cách công bằng hơn và với một tốc độ phát triển kinh tế bình thường. Nhưng phải với điều kiện là có những thay đổi trong quan hệ sở hữu cũng như các quan hệ về chính trị của chế độ cộng sản vốn là những trở ngại (trở ngại nghiêm trọng), tuy không phải là duy nhất trên con đường dẫn đến tiến bộ của từng quốc gia cũng như của toàn thế giới. 

5.

Xu hướng hợp nhất, cùng với những lí do khác, sẽ có ảnh hưởng đối với sự thay đổi trong quan hệ sở hữu.

Nói một cách ngắn gọn, vai trò của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế sẽ ngày một gia tăng.

Vai trò quyết định và ngày một nâng cao của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến việc nâng cao vai trò của nhà nước trong lĩnh vực quan hệ sở hữu cũng phản ánh xu hướng hợp nhất quốc tế. Dĩ nhiên là xu hướng này có biểu hiện khác nhau trong những nước và những hệ thống khác nhau, có thể là lực cản của quá trình hội nhập: thí dụ, ở những nơi (trong các nước cộng sản) mà sở hữu nhà nước chỉ là hình thức, chỉ là bức màn che đậy sự độc quyền toàn trị và sự thống trị của một giai cấp.

Ở Anh, sau khi Đảng Lao động tiến hành quốc hữu hoá, tài sản tư nhân, đúng hơn là tư nhân độc quyền, đã không còn tính thiêng liêng và trong sạch pháp lí nữa. Người ta đã quốc hữu hoá hơn 20% năng lực sản xuất của nước Anh, đấy là chưa kể tài sản khá lớn của các công xã. Trong các nước Bắc Âu, bên cạnh sở hữu nhà nước còn có hình thức sở hữu tập thể của các hợp tác xã[3].

Vai trò to lớn của nhà nước trong đời sống kinh tế thể hiện rõ trong những nước thuộc địa và nửa thuộc địa trước đây, dù đấy có là chính phủ xã hội chủ nghĩa như Burma, chính phủ theo đường lối dân chủ như Ấn Độ hay độc tài quân sự như Ai Cập, ở đâu nhà nước cũng là nhà đầu tư lớn nhất, cũng kiểm soát xuất khẩu và thu vào ngân sách khoản ngoại tệ ngày càng lớn,..v.v… Khắp mọi nơi, nhà nước đều là người đưa ra các sáng kiến trong cải cách kinh tế và quốc hữu hoá, quốc doanh đang là hình thức sở hữu ngày càng lớn.

Tình hình tương tự có vẻ như cũng đang diễn ra cả ở Mĩ, nước tư bản nhất trong các nước tư bản. Bắt đầu từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, mọi người đều nhận thức được vai trò ngày càng tăng của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế và không còn ai phản đối vai trò tự nhiên đó của nó nữa.

James Blaine Walker, trong tác phẩm The Epic of American Industry[4],  từng nhấn mạnh rằng: “Mối liên hệ của nhà nước với đời sống kinh tế là một trong những đặc điểm nổi bật của thế kỉ XX.”

Walker dẫn số liệu như sau: năm 1938 khoảng 20% ngân sách lấy từ xí nghiệp quốc doanh, năm 1940 con số này đã nâng lên 25%. Từ khi Roosevelt lên cầm quyền, người ta đã tiến hành kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân một cách có hệ thống. Số lượng các viên chức nhà nước, chức năng của chính phủ, đặc biệt là chính phủ liên bang cũng tăng lên không ngừng.

Johnson và Cross, trong tác phẩm The Origin and Development of the American Economy[5] cũng đưa ra các số liệu tương tự. Họ cũng xác nhận rằng quản lí đã tách khỏi sở hữu và vai trò của nhà nước như người chủ nợ đã tăng lên đáng kể. 

Hai ông viết như sau: “Một trong những đặc trưng cơ bản của thế kỉ XX là sự tăng cường liên tục ảnh hưởng của chính phủ, đặc biệt là chính phủ liên bang đối với các hoạt động kinh tế”.

Trong tác phẩm The American Way[6], Shepard B. Clough còn dẫn những số liệu về chi tiêu và nợ nần của chính phủ liên bang chứng tỏ xu hướng đó như sau:


Giai đoạn
Chi tiêu của chính phủ Liên bang (triệu $)
Nợ chính phủ liên bang (ngàn $)
1869-1878
309,6
243.645
1929-1938
8.998,1
42.967.531
1950
40.166,8
256.708.000

Clough, trong tác phẩm đã dẫn, còn nói đến cuộc cách mạng quản lí (managerial revolution), được hiểu như là sự xuất hiện của các nhà quản trị chuyên nghiệp, các chủ sở hữu sẽ không thể quản lí nổi doanh nghiệp nếu thiếu họ. Số lượng, vai trò và sự đoàn kết của các nhà quản lí này sẽ ngày càng tăng, các chủ doanh nghiệp có khả năng quản lí như John Rockefeller, John Wanamaker, Charles Shwab,..v.v... sẽ không thể xuất hiện được nữa.

Faneson và Gordon, trong tác phẩm Government and the American Economy[7], cho rằng, trước đây quyền lực đã là một tác nhân to lớn đối với nền kinh tế, các nhóm xã hội khác nhau đã lợi dụng quyền lực để gây ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế. Nhưng hiện nay, sự khác biệt là rõ ràng, hai tác giả này cho rằng vai trò điều tiết của nhà nước thể hiện không chỉ trong lĩnh vực lao động mà cả trong lĩnh vực sản xuất, thí dụ, trong những lĩnh vực quan trọng đối với quốc gia như vận tải, khai thác dầu khí, khai thác than. “Những biến chuyển mới và có hậu quả sâu xa thể hiện rõ nhất trong việc mở rộng các doanh nghiệp nhà nước, việc bảo vệ nguồn nhân lực cũng như vật lực. Doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như ngân hàng, tín dụng, điện lực và cung cấp các căn hộ rẻ tiền.” Họ nhận xét rằng, vai trò của nhà nước đã được nâng cao hơn rất nhiều so với nửa thế kỉ, thậm chí mười năm trước đây. “Kết quả là đã xuất hiện “nền kinh tế hỗn hợp”, trong đó, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp một phần vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng tồn tại bên nhau”.

Các tác giả nêu trên và nhiều tác giả khác đã đưa ra các đặc trưng cơ bản của quá trình này như sau: nhu cầu được đảm bảo về mặt xã hội, về học vấn được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước ngày một tăng; số lượng viên chức nhà nước cũng ngày càng tăng,..v.v..

Trong Thế chiến II, vì nhu cầu quân sự mà quá trình này đã đạt đến qui mô chưa từng có. Nhưng sau chiến tranh, nó không những không giảm mà còn diễn ra với tốc độ cao hơn thời tiền chiến nữa. Không chỉ chính phủ dân chủ mà ngay chính phủ cộng hoà của Eisenhower - được bầu năm 1952 - một chính phủ giành được quyền lực dưới ngọn cờ trả lại sáng kiến cá nhân, cũng không làm thay đổi được tình hình một cách đáng kể. Chính phủ bảo thủ ở Anh cũng gặp tình hình tương tự. Mặc dù chính phủ này không tiến hành tư hữu hoá, trừ ngành sản xuất thép, vai trò của nó trong lĩnh vực kinh tế nếu không tăng lên thì cũng không giảm đi so với chính phủ của Đảng lao động.

Sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh tế là kết quả tất yếu của các xu hướng đã ăn sâu vào nhận thức của dân chúng. Tất cả các nhà kinh tế học, kể từ Keyenes, đều thống nhất với nhau luận điểm về sự cần thiết phải can thiệp như thế. Ngày nay, đấy đã là một thực tế mang tầm vóc toàn cầu. Sự can thiệp của nhà nước và sở hữu nhà nước đã là một tác nhân quan trọng và ở một số nơi là tác nhân quyết định đối với sự phát triển kinh tế.

Dường như có thể rút ra kết luận: sự đối đầu giữa hai hệ thống không phải chỉ là do trong một hệ thống (phương Đông) nhà nước đóng vai trò quan trọng, còn trong hệ thống kia (phương Tây) sở hữu tư nhân, sở hữu của các công ty và tập đoàn độc quyền đóng vai trò quan trọng. Hơn thế nữa, vai trò của sở hữu tư nhân ở phương Tây đang ngày một giảm đi, trong khi vai trò của nhà nước ngày một tăng thêm.

Nhưng vấn đề không phải như vậy.

Hai hệ thống này có sự khác nhau căn bản trong việc điều tiết của chính phủ đối với lĩnh vực kinh tế và trong chính sở hữu nhà nước. Tuy về mặt hình thức, hai loại sở hữu đều là nhà nước – bên nhiều, bên ít – nhưng hai hình thức sở hữu này chẳng những khác nhau mà còn đối kháng nhau. Cũng có thể nói tương tự như vậy về tác động của nhà nước đối với kinh tế.

Không một chính phủ nào ở phương Tây nhận vào mình trách nhiệm như người chủ sở hữu trong phạm vi toàn quốc. Chính phủ không chỉ không phải là chủ nhân của khối tài sản đã quốc hữu hoá mà còn không phải là chủ của khối tài sản thu được qua thuế khoá nữa. Điều đó không thể xảy ra được, vì chính phủ thay đổi thường xuyên. Việc quản lí và phân phối phải được thực hiện dưới sự kiểm soát của quốc hội. Tất nhiên là chính phủ bị tác động từ mọi phía, nhưng nó vẫn không phải là chủ. Chính phủ chỉ quản lí và phân phối (khi còn cầm quyền), khối tài sản không thuộc về nó.

Trong các nước cộng sản tình hình khác hẳn. Chính phủ quản lí và phân phối toàn bộ tài sản quốc gia. Giai cấp mới, nghĩa là cơ quan thực hiện - giới chóp bu của đảng hành xử như là chủ nhân, và trên thực tế nó đúng là chủ nhân. Không một chính phủ siêu phản động, “siêu tư bản” nào dám mơ đến sự độc quyền trong lĩnh vực kinh tế đến như thế.

Như vậy là, quan hệ sở hữu ở phương Tây và phương Đông chỉ giống nhau về mặt hình thức, biểu hiện trong việc nâng cao vai trò của nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế, còn trên thực tế, nó là hai hình thức sở hữu hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối kháng nhau.

6.

Hình thức sở hữu sau Thế chiến I có thể đã là một trong những nguyên nhân căn bản của sự đối đầu giữa phương Tây và Liên Xô. Khi đó các tập đoàn tư bản độc quyền đã có vai trò lớn hơn hiện nay rất nhiều và dĩ nhiên là chúng không chấp nhận việc một phần thế giới, cụ thể là Liên Xô, bị giằng ra khỏi móng vuốt của mình. Tầng lớp quan liêu cộng sản lúc đó cũng mới chỉ chuẩn bị trở thành giai cấp cầm quyền mà thôi.

Đối với Liên Xô, quan hệ sở hữu vẫn là tác nhân quan trọng trong quan hệ với các nước khác. Liên Xô luôn luôn tìm cách áp đặt, bằng sức mạnh, hình thức sở hữu cũng như quan hệ chính trị của mình cho các nước khác. Sự phát triển các liên hệ thương mại hạn chế với thế giới bên ngoài không vượt qua và không thể vượt qua giới hạn của giai đoạn trao đổi hàng hoá của các nền kinh tế quốc gia. Điều đó đúng cho cả Nam Tư trong thời kì đoạn giao với Moskva. Nam Tư không vượt qua được hình thức trao đổi hàng hoá, mặc dù xu hướng hợp tác toàn diện hơn bao giờ cũng có và cùng với thời gian còn trở nên bức thiết hơn. Như vậy là nền kinh tế Nam Tư cũng là nền kinh tế đóng.

Còn một loạt yếu tố góp phần làm cho tình hình và các mối quan hệ phức tạp thêm.

Việc tăng cường xu hướng hợp nhất nền sản xuất toàn cầu, trên thực tế, đã dẫn đến ưu thế của một nước (Mĩ), trong trường hợp tốt nhất, là ưu thế của một nhóm nước.

Chính sự tự phát của các quan hệ đã bóc lột và buộc nền kinh tế, thậm chí toàn bộ đời sống của các nước chậm phát triển lệ thuộc vào các nước phát triển. Nhưng như thế không có nghĩa là muốn sống còn các nước chậm phát triển phải tự vệ bằng các biện pháp chính trị, bằng cách tự cô lập. Đấy là một cách. Cách thứ hai: dựa vào sự giúp đỡ của các nước phát triển. Không có cách thứ ba. Thực ra cách thứ hai cũng chưa có: sự giúp đỡ hiện không đáng kể.

Sự khác biệt trong thu nhập thực tế của một người Mĩ với, thí dụ, một công nhân Indonesia còn cao hơn là sự khác biệt của người Mĩ đó với một người nắm cực nhiều cổ phiếu: năm 1940 người Mĩ thu nhập ít nhất là 1.440$, trong khi người Indonesia chỉ nhận 27$, thấp hơn đến 53 lần (số liệu của Liên hợp quốc).

Quan hệ bất bình đẳng của phương Tây đã phát triển với những nước chậm phát triển càng ngày càng chuyển vào địa hạt kinh tế. Sự thống trị truyền thống của các viên toàn quyền và các lãnh chúa địa phương đã trở thành dĩ vãng. Ngày nay, các nền kinh tế kém phát triển của các quốc gia độc lập về chính trị đã rơi xuống vai trò phụ thuộc.

Không một dân tộc nào chịu tự nguyện đóng vai trò phụ thuộc như thế, cũng như không có người nào chịu từ bỏ lợi thế do sức lao động với năng suất cao mang lại cho anh ta.

Đòi hỏi người công nhân Mĩ hay công nhân phương Tây, chưa nói các sở hữu chủ, từ bỏ những phúc lợi mà họ có được nhờ trình độ kĩ thuật và năng suất lao động cao cũng vô nghĩa như thuyết phục những người dân nghèo khó ở châu Á rằng họ phải cảm thấy hạnh phúc với vài xu tiền công mỗi ngày.

Sự tương trợ giữa các quốc gia, từng bước tạo ra sự đồng đều trong lĩnh vực phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác giữa các dân tộc phải là thành quả của nhu cầu sống còn, chỉ khi đó chúng mới trở thành sản phẩm của những quan hệ tốt đẹp mà thôi.

Sự giúp đỡ về mặt kinh tế đã trở thành nhu cầu sống còn. Nhưng đấy là trong trường hợp khi các nước phát triển coi khả năng thanh toán thấp cũng như nền sản xuất thiếu hiệu năng tại các nước chậm phát triển là lực cản, là gánh nặng đối với chính mình. Sự đối đầu hiện nay giữa hai hệ thống là trở ngại chính cho việc biến sự trợ giúp về kinh tế thành một nhu cầu. Đấy không chỉ bởi vì một khối tài sản không lồ đã được sử dụng cho việc trang bị vũ khí và các mục chi tiêu tương tự. Các quan hệ hiện nay đã trở thành tác nhân cản trở sự phát triển kinh tế, cản trở xu hướng hợp nhất và vì vậy, ngăn chặn sự trợ giúp những người cần được giúp đỡ về mặt kinh tế, thiếu nó thì chính các nước phương Tây cũng không thể phát triển nhanh được.

Sự cách biệt về mặt vật chất và các mặt khác giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển thể hiện ngay trong đời sống của các quốc gia đó. Sẽ là sai lầm nếu coi nền dân chủ phương Tây chỉ là sự đoàn kết của những người giầu trong việc cướp bóc người nghèo vì trước khi có được những siêu lợi nhuận nhờ bóc lột thuộc địa, phương Tây đã có tự do, tuy mức độ thấp hơn hiện nay. Nhưng không nghi ngờ gì rằng nền dân chủ phương Tây hiện nay đã có một bước phát triển cao hơn thời của Marx và Lenin. Sự khác nhau là rõ ràng, cũng rõ ràng như sự khác nhau của chủ nghĩa tư bản độc quyền hay tư bản tự do với nhà nước tư bản hiện đại vậy.

Trong tác phẩm In Place of Fear[8], ông Aneurin Bevan, một nhà xã hội học người Anh, viết:

Cần phải phân biệt giữa ước mong và thành tựu của chủ nghĩa tự do: nó muốn giành quyền lực cho những hình thức sở hữu do cách mạng công nghiệp tạo ra. Nhưng điều nó làm được lại là: nhân dân, bất chấp sở hữu, đã giành được quyền lực chính trị...

…Từ quan điểm lịch sử, nền dân chủ đại nghị với quyền phổ thông đầu phiếu chính là đem đặc quyền đặc lợi của tầng lớp có của cho nhân dân tấn công. Nghị viện đã trở thành vũ đài[9].
Nhận xét này của Bevin liên quan đến Anh quốc. Nhưng cũng có thể mở rộng sang các nước phương Tây khác. Nhưng chỉ cho các nước phương Tây mà thôi.

Tất cả mọi người đều đồng ý rằng sự chênh lệch về vật chất và về các lĩnh vực khác giữa các nước phương Tây và các nước chậm phát triển không những không biến mất mà sẽ ngày càng rộng thêm[10].

Vì vậy, phương Tây đã sử dụng các đòn bẩy kinh tế như là những biện pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy hội nhập.

Tại phương Đông, trong khối cộng sản, chính trị vẫn được coi là đòn bẩy chủ yếu.

Hoá ra Liên Xô chỉ có thể “nhập” cái nó sẽ chiếm đoạt. Về điểm này, chế độ mới cũng chẳng đem lại được một sự thay đổi có ý nghĩa nào. Theo quan điểm của Liên Xô, các dân tộc bị áp bức là các dân tộc bị chính phủ nước ngoài áp đặt ách nô dịch, mọi chính phủ, trừ chính phủ Liên Xô. Mọi sự giúp đỡ, kể cả tín dụng đều phải tuân theo các mục đích chính trị của Liên Xô.

Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Liên Xô chưa đạt đến trình độ buộc nó phải tiến đến hợp nhất với nền sản xuất quốc tế. Chính các nguyên nhân nội tại của nó đã tạo ra những mâu thuẫn và khó khăn cho nó. Hệ thống hiện vẫn có thể tồn tại trong sự cô lập với thế giới bên ngoài. Rất tốn kém, nhưng còn có thể được nếu vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực trên diện rộng. Nền kinh tế Liên Xô chưa đủ sức “thức tỉnh” các nhà độc tài đầy quyền năng. Nhưng điều đó không thể nào tiếp tục mãi được, sự cáo chung là không tránh khỏi. Nó sẽ là sự khởi đầu của sự kết liễu ách nô dịch của tầng lớp quan liêu chính trị, kết liễu ách nô dịch của giai cấp mới.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại có thể yểm trợ cho quá trình hợp nhất thế giới trước hết là bằng các biện pháp chính trị, nghĩa là thực hiện quá trình dân chủ hoá ở bên trong và công khai hoá với bên ngoài. Nhưng có vẻ còn xa mới đến ngày ấy. Và liệu nó có thể làm một cái gì tương tự như thế hay không?

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại đang nhìn thế giới xung quanh và chính mình bằng con mắt như thế nào?

Khi còn trong giai đoạn độc quyền, chủ nghĩa Marx, được Lenin cải biên và “phát triển”, đã vẽ ra trước những người cộng sản và Đảng Bolshevik bức tranh khá đúng về tình hình cả bên trong lẫn bên ngoài nước Nga Sa Hoàng và những nước tương tự như nước Nga. Vì vậy, phong trào do Lenin lãnh đạo đã có thể đấu tranh và đã chiến thắng. Dưới trào Stalin, hệ tư tưởng ấy, lại một lần nữa được cải biên, có thể được coi là hiện thực vì nó đã xác định đúng vị trí và vai trò của nhà nước mới trong trật tự quốc tế lúc đó. Nhà nước Liên Xô và giai cấp mới đã nhận thức rõ quan hệ đối nội và đối ngoại của mình, khuất phục tất cả những gì có thể khuất phục, mà trước hết là khuất phục phong trào cộng sản quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn. Họ không còn khả năng nhận chân được thế giới hiện đại nữa. Hình ảnh mà họ có là một thế giới của quá khứ, hoặc là một cái gì đó được sinh ra từ chính trí tưởng tượng của họ, chứ không phải cái đang là hiện nay.

Bám mãi vào các giáo điều cũ rích, các lãnh tụ cộng sản cho rằng thế giới xung quanh họ sẽ sa lầy vào mâu thuẫn, thối nát và bất hoà. Điều đó đã không xảy ra. Phương Tây đã giành được những tiến bộ khả quan trong cả lĩnh vực kinh tế và tinh thần. Họ luôn đoàn kết mỗi khi đứng trước mối nguy, dù là nhỏ, do phía kia, tức hệ thống cộng sản gây ra. Các xứ thuộc địa đã trở thành tự do, nhưng phi cộng sản và không dẫn đến sự đoạn tuyệt với chính quốc.

Phương Tây đã không sụp đổ vì khủng hoảng và chiến tranh. Năm 1949, thay mặt chính phủ Liên Xô, Vyshinsky, tuyên bố tại Liên hợp quốc rằng cuộc đại khủng hoảng ở Mĩ và trong toàn khối tư bản là không tránh khỏi. Điều đó đã không xảy ra không phải vì chủ nghĩa tư bản là tốt hay xấu mà chỉ vì chủ nghĩa tư bản theo quan niệm của các lãnh tụ Liên Xô đã không còn tồn tại nữa. Ban lãnh đạo Liên Xô vẫn “không nhận ra” rằng Ấn Độ và các nước Ả-rập sau khi giành được độc lập đã không ủng hộ chính sách đối ngoại của Liên Xô. Trước đấy họ đã không hiểu và nay cũng chưa hiểu phong trào dân chủ xã hội. Từ sự kiện là, đất nước họ không phát triển theo con đường mà phong trào dân chủ xã hội dự đoán, họ liền rút ra kết luận rằng dân chủ xã hội phương Tây cũng là bọn “phản bội” và không có sức sống.

Đánh giá của họ về mâu thuẫn cơ bản, nghĩa là mâu thuẫn giữa hai hệ thống và xu hướng hội nhập của nền sản xuất thế giới cũng có số phận tương tự. Và ở đây, họ buộc phải “bơi”, họ không thể không “bơi”.

Xem xét mâu thuẫn như là một trận quyết đấu giữa hai hệ thống đối địch, họ tưởng tượng như sau: trong một hệ thống (dĩ nhiên là của họ) không có giai cấp hoặc là đang diễn ra quá trình thủ tiêu các giai cấp, còn sở hữu thì thuộc chính phủ; hệ thống kia (của người ta, dĩ nhiên) thì đang xảy ra khủng hoảng, đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, tất cả tài sản nằm trong tay tư nhân, chính phủ thì phục vụ cho quyền lợi một nhóm những nhà tư bản độc quyền tham lam vô độ. Khi đã vẽ ra cho mình và cho người khác bức tranh như thế, họ liền tuyên bố rằng có thể tránh được xung đột nếu phương Tây “thôi” sử dụng các quan hệ kiểu như thế.

Mấu chốt vấn đề là ở đấy.

Nếu quan hệ ở phương Tây phù hợp với ước mơ của những người cộng sản, nghĩa là trở thành quan hệ cộng sản thì mâu thuẫn không những còn mà có thể còn sâu sắc hơn. Vì vấn đề không chỉ là hình thức sở hữu mà còn là sự hiện hữu của rất nhiều xu hướng đối địch nhau, đằng sau các xu hướng đó là nền kĩ nghệ hiện đại, là quyền lợi của các dân tộc, mà từng nhóm, từng giai cấp hay đảng phái đều cố gắng giải quyết cùng một vấn đề, xuất phát từ nhu cầu của chính mình. Nhất định phải giải quyết.

Khi các nhà lãnh Liên Xô coi các chính phủ phương Tây hiện đại chỉ là công cụ mù quáng trong tay các tập đoàn tư bản độc quyền thì họ đã sai, cũng như người ta đã sai khi cho rằng xã hội của họ là xã hội phi giai cấp chỉ vì sở hữu tập thể ở đó chiếm ưu thế. Tất nhiên, các tập đoàn tư bản độc quyền vẫn còn vai trò, phải nói là không nhỏ, trong chính sách của phương Tây, nhưng không phải là vai trò như trước Thế chiến I hay Thế chiến II nữa. Đằng sau chính sách đó là xu hướng hợp nhất thế giới không gì ngăn cản được, xu hướng này được thể hiện qua việc quốc hữu hoá và sự điều tiết của nhà nước và ảnh hưởng của chúng còn mạnh hơn ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản độc quyền.

Giai cấp, đảng và lãnh tụ càng bóp nghẹt sự phê bình bao nhiêu, quyền lực của họ càng tuyệt đối bao nhiêu, thì đánh giá của họ càng dễ sai lầm và không thực tế bấy nhiêu. Đấy là điều đang xảy ra đối với các ông trùm cộng sản. Họ không làm chủ được ngay những hành vi của chính mình, ngày nay không phải họ, mà hiện thực sinh động mới là người áp đặt “luật chơi”. Nhưng ở đây họ vẫn còn một đặc quyền: họ phải tự biến thành những người thực tế hơn. Dĩ nhiên là có những nhược điểm, vì họ không nhìn thấy viễn cảnh hay một điều gì đó có thể coi là viễn cảnh. Không định hướng được trong tình hình thế giới hiện nay, nói chung họ chỉ biết tự vệ hoặc là chuyển sang tấn công một cách mù quáng. Những giáo điều xơ cứng đã đẩy họ vào những hành động thiếu cân nhắc và sau đó mới “tỉnh ngộ”, tuy bị nhiều thiệt hại nhưng bao giờ họ cũng “tỉnh ngộ” cả. Hy vọng rằng tác nhân này cuối cùng sẽ trở thành chủ đạo. Khi nhận chân được thế giới, những người cộng sản có thể thất bại. Nhưng họ sẽ thắng với tư cách là những con người bình thường, như một phần của nhân loại. 

Dù sao mặc lòng, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, sẽ đi theo con đường mà nó đã chọn, con đường mà nó đã bước chân lên, con đường dẫn đến sự hợp nhất, tiến bộ và tự do. Sức mạnh của hiện thực, sức mạnh của cuộc đời đã luôn luôn và sẽ mãi mãi mạnh hơn mọi áp bức, hiện thực hơn tất cả mọi lí thuyết.

Giai cấp mới

Tác phẩm của Milovan Djilas, xuất bản lần đầu năm 1957

Bản tiếng Việt do Phạm Nguyên Trường dịch, theo: Milovan Djilas, Bộ mặt của chủ nghĩa toàn trị, Nhà xuất bản Novosti, Moskva, 1992. Bản dịch từ tiếng Serb-horvatsky của P. A. Shetinin, E. A. Polak, O. A Kirilova.


Có tham khảo bản dịch tiếng Anh: Milovan Djilas, The New Class

A Harvest/HJB Book

Harcourt Brace Jovanovich, Publisher

San Diego New York  London  





[1] Bản tiếng Anh phần 2 và 3 nhập làm một – ND.
[2] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.
[3] Ghi chú của người dịch: những đoạn viết về quốc hữu hoá bên trên phản ánh quan điểm của những năm 1950. Sau này, trong những năm 1980 ở Anh đã thực hiện quá trình giải tư. Còn hiện nay, với việc khởi động lại chủ nghĩa tân bảo thủ thì sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh tế như thế đã không còn được hoan nghênh nữa.
[4] New York, Harper, 1949.
[5] New York, Prentice-Hall, 1955.
[6] New York, T. Y. Cromwell, 1953.
[7] New York, W.W. Norton, 1941.
[8] New York edition, Simon & Schuster, 1952, trang 9.
[9] Ibid, trang 6.
[10] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.



[1] Trích từ: Bolshevism: Practice and Theory; New York, Harcourt, Brace & Howe.
[2] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.
[3] Ý nói những lời dạy của Chúa Jesus Christ – ND.,
[4] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[5] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[6] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[7] Bản tiếng Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[8] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[9] Theo bản dịch Lũ người quỉ ám của Nguyễn Ngọc Minh, Nhà xuất bản Văn học Trung tâm ngôn ngữ đông tây, 2000, trang 521 – ND.






[1] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[2] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.
[3] V. I. Lenin, Toàn tập, Tập 29, trang 425. In lần thứ 3 – tiếng Nga.
[4] Một dân tộc ở miền nam châu Phi – ND.
[5] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[6] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[7] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[8] Đây là mức lương trước vụ đổi tiền năm 1961. Sau này tương ứng là 60 và 30 rub.
[9] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[10] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[11] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[12] Bản tiếng Anh phần 6 nhập vào phần 5 – ND.
[13] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
            



[1] New York, Prentice-Hall, 1951.
[2]Câu này trong bản tiếng Anh được dịch là: Trong con mắt người dân bình thường, cán bộ cộng sản là những kẻ rất giàu có và chẳng phải làm gì - ND. 
[3] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[4] A. Uralov (bản tiếng Anh: Orlov), Stalin au pouvoir, Paris. 1951, trang 202, 215.
[5] Không có câu này trong bản tiếng Nga – ND.
[6] Câu này trong bản tiếng Anh có hơi khác một chút – ND.
[7] Trong bản tiếng Anh không có hai câu này – ND.
[8] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[9] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.

[10] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[11] Bản tiếng Anh không có hai câu này – ND.
[12] Bản tiếng Anh: sau công nguyên – ND.
[13] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[14] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[15] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.

[16] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.
[17] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.                          
[18] Bản tiếng Nga không có câu này – ND.

[19] Bản tiếng Nga không có đoạn này – ND.






[1] Câu này trái ngược hẳn với bản dịch tiếng Anh: Nhưng lực lượng xã hội mà ông có thể dựa vào thì chưa có. Theo thiển ý của người dịch, bản tiếng Nga chính xác hơn.
[2] Chắc chắn rằng tôi không phải là người mac-xít rồi – tiếng Pháp.
[3] Câu này trái ngược hẳn với bản dịch tiếng Anh: Có thể là giáo điều nhất.  Theo thiển ý của người dịch, bản tiếng Anh chính xác hơn.
[4] Bản tiếng Anh không có đoạn này.
[5] Bản tiếng Anh: Đảng cộng sản có khoảng 80 ngàn đảng viên.
[6] Bản tiếng Anh: According to the Malthusian theory (Theo thuyết của Malthus) – có lẽ có sự nhầm lẫn vì Albert Mathiez (1874-1932) là nhà sử học có một số tác phẩm viết về Cách mạng Pháp.
[7]Selected Works, Tập X; New York, International Publishers, 1936. 
[8] Foundation of Leninism, New York, International Publishers, 1939.
[9] Bản tiếng Anh: Hàng ngàn người đã bị đàn áp - ND
[10] Hiện nay số liệu được đưa ra là từ 21.768 đến 22.000 người - ND.
[11]Bản tiếng Anh không có câu này – ND.
[12] V. I. Lenin, Toàn tập, Tập 30, trang 328 (tiếng Nga).
[13] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[14] Bản tiếng Anh không có đoạn này – ND.
[15] Bản tiếng Anh không có câu này – ND.

13 comments: