July 11, 2014

OSHO - Từ cái không (tiếp theo và hết)

Nguyễn Đình Hách dịch
Câu hỏi 4: Về việc đầu thai thì mức độ của sự lựa chọn là gì?
Bạn hoàn toàn tự do để chọn. Tự do không thể có mức độ. Làm cách nào tự do có mức độ? Làm cách nào bạn có thể nói rằng tự do có mức độ? Nếu bạn chỉ tự do bên trong nhà bạn, nhưng không có tự do nếu ra ngoài thì bạn không tự do. Tự do hạn chế không phải là tự do; đó là nô lệ có cái tên đẹp. Tự do có nghĩa là không giới hạn; không thể có bất kỳ nghĩa nào khác. Lệ thuộc có nghĩa là hạn chế. Điều này là một cái gì đó cần phải hiểu sâu sắc. Lệ thuộc không bao giờ là vô hạn - bạn không thể làm cho một người nào đó lệ thuộc mà không có những giới hạn - bởi vì lệ thuộc là một cái gì đó giới hạn. Có nhiều mức độ lệ thuộc: bạn có thể bị lệ thuộc nhiều hoặc ít. Tôi có thể làm cho bạn bị lệ thuộc tới một giới hạn cụ thể nào đó; tôi có thể nói, “Về vấn đề này hay vấn đề kia, bạn là tự do”. Nhưng không có mức độ tự do; tự do là toàn bộ. Nó là hiện tượng quá vô hạn đến mức chúng ta trở nên sợ hãi nó.


Erich Fromm đã viết một cuốn sách rất hay, Chạy trốn khỏi Tự do. Cái tên là rất ý nghĩa: Chạy trốn khỏi Tự do. Ông ta có lý - mọi người đều đang chạy trốn khỏi tự do. Ví dụ, tình yêu là tự do nhưng hôn nhân thì không. Khi bạn đang yêu, sớm hay muộn tâm trí bạn sẽ cố trốn thoát khỏi tự do và hướng vào hôn nhân.
Yêu là chưa biết, chưa lập bản đồ - không ai biết nó dẫn đến đâu. Và tự do là vô hạn - con người trở nên sợ hãi. Cho nên bạn tạo ra cái cũi, vẽ ra những đường biên, và sống trong đó. Thế rồi bạn biết mình đang ở đâu và bạn sẽ đi đâu. Bạn đã trốn khỏi tự do.
Chúng ta đang bỏ trốn bằng mọi cách. Tại sao? Bởi vì tự do là một cái gì đó toàn bộ, quá vĩ đại, và chúng ta thì quá nhỏ bé đến mức không thể đối diện với nó, chúng ta không thể sống cùng nó. Nếu bạn một mình thì bạn có tự do, nhưng khi có ai đó nữa, khi bạn ở giữa đám đông thì tự do bị lỡ. Chính vì vậy mọi người đang cố trốn khỏi trạng thái một mình. Không ai muốn một mình và tự do. Con người phải bám lấy đám đông bởi vì đám đông có nghĩa là ít tự do và nhiều lệ thuộc.
David Riesman đã viết cuốn sách, Đám đông cô đơn, trong đó ông ấy nói về hiện tượng này. Mọi người trốn vào đám đông bởi vì cảm nhận những day dứt của nỗi cô đơn lại trở thành nỗi sợ hãi - sợ chính mình, sợ sống với chính mình. Mọi người đã thực hiện điều tương tự, cho nên đó là một đám đông khổng lồ, mọi người đều cô đơn trong đó.
Con người không có khả năng sống với chính mình thì cũng không có khả năng sống với bất kỳ ai khác. Con người không có khả năng sống với chính mình, vui vẻ với chính mình thì sẽ không có khả năng trong mối giao cảm sâu sắc với bất kỳ ai khác. Nếu bạn chán chính mình thì bạn sẽ tạo ra nỗi buồn chán cho người khác. Cho nên những đám đông có đó, nhưng chúng là những đám đông cô đơn.
Tự do mà bạn đang hỏi là tự do vĩ đại nhất: chọn cuộc đời, chọn bản thể, chọn cái ta. Con người trở nên sợ hãi. Tốt hơn là buông bỏ với một người nào đó, tốt hơn là để một người nào đó chọn hộ bạn - một người nào đó chuyên gia hơn, một người nào đó điêu luyện hơn, một người nào đó có thể hướng dẫn bạn. Chúng ta vẫn đang bỏ trốn...
Tôi đã tiếp rất nhiều người đến với tôi và nói, “Tôi không thể làm bất kỳ điều gì. Tôi buông bỏ với thầy - hãy làm một cái gì đó cho tôi!” Tôi luôn ngạc nhiên. Nếu bạn không thể làm bất kỳ điều gì thì làm sao bạn có thể buông bỏ? Buông bỏ là vấn đề rất lớn. Nhưng mọi người nói, “Tôi không thể làm bất kỳ điều gì cho nên tôi buông bỏ”, cứ như buông bỏ không là gì, cứ như buông bỏ nghĩa là không làm bất kỳ điều gì. Làm sao bạn có thể buông bỏ nếu bạn đã không chọn cuộc đời mình? Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã không chọn bất kỳ điều gì, rằng bạn chỉ bị quẳng vào cuộc đời, có thể bạn nói, “Tôi đã buông bỏ?”, bạn buông bỏ với ai?
Không! Buông bỏ là hành động vĩ đại nhất, là một hành động toàn bộ. Chỉ có người cảm nhận tự do toàn bộ thì có thể buông bỏ, mà không phải là một người nô lệ. Làm sao một người nô lệ có thể buông bỏ? Chỉ người có trách nhiệm mới có thể buông bỏ. Và nếu bạn có thể buông bỏ thì bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì.
Tự do này phải được hiểu một cách sâu sắc, không như là khái niệm mà như là trạng thái chúng ta sống. Chúng ta tự do. Chính thời điểm này bạn có thể đổi ý.
Không có số phận nào đang ép buộc bạn theo một hướng cụ thể, không quá khứ nào thúc ép bạn, không tương lai nào chèo kéo bạn - chỉ duy nhất bạn. Bạn có thể quay xung quanh thời điểm này và thay đổi. Bạn có thể khác đi, hoàn toàn khác. Bạn có thể là linh hồn mà không là cơ thể.
Không có những mức độ của tự do. Và khi tôi nói rằng không có những mức độ của tự do, không mức độ của lựa chọn thì tôi cũng nói rằng không có những mức độ của chứng ngộ.
Bạn trở nên chứng ngộ một cách bất ngờ. Chỉ có những mức độ của nô lệ mà không có mức độ của tự do, chỉ có những mức độ của vô minh mà không có mức độ của nhận biết. Bạn nhận biết hoặc bạn không nhận biết.
Mọi người đến với tôi và hỏi, “Ai chứng ngộ hơn, Phật hay Mahavira hay Krishna hay Christ?” Cứ như có nhiều mức độ lắm! Những người viết trong kinh sách rằng có nhiều mức độ chứng ngộ là những kẻ ngốc. “Phật đã đạt được mức độ này của chứng ngộ và Mahavira đã đạt được mức độ kia của chứng ngộ, một ai đó khác đã vượt lên cả hai...” Không có những mức độ chứng ngộ!
Bất kỳ ai tan biến đều nhảy. Chứng ngộ là cú nhảy. Cú nhảy vào tan biến, nhận biết của họ không có mức độ. Phúc lạc thấm vào toàn bộ sự sống.
Tương tự, có những mức độ ghét, nhưng không có những mức độ yêu. Có những mức độ giận dữ, nhưng không có những mức độ bao dung - bạn tha thứ hay không. Có những mức độ tội phạm, nhưng không có những mức độ đức hạnh - không thể có.
Bạn hoàn toàn tự do lựa chọn, tự do vô hạn để chọn. Bạn có thể liên tục chọn, rà đời tiếp sau ra đời trong hàng thiên niên kỷ. Không ai có thể nói bạn thay đổi. Bạn không thể thay đổi trừ khi chính bạn nhận ra rằng thế là đủ. Phật nói, “Thế là đủ. Tôi đã từng tồn tại, bây giờ tôi sẽ không đi đâu nữa”.
Khó để hình dung điều này bởi vì logic cảm nhận rằng phải mọi vấn đề đều phải có những mức độ. Lý trí nói, “Làm cách nào tôi có thể nói rằng tôi là tự do khi có đường biên ở mọi nơi?” Có, nhưng đó là do bạn tạo ra nó.
Logic không thể hình dung bởi vì logic là một phần của tâm trí, và logic nghĩ trong điều kiện những nhị nguyên cứng nhắc.
Với logic, có trắng hoặc có đen; bạn tự do hoặc không tự do. Với logic, không có xám. Nhưng trong cuộc sống, xám là thực tại duy nhất: trắng là một cực của xám và đen là cực kia của nó.
Khi bạn nói rằng bạn tự do, tôi cũng sẽ nói rằng bạn tự do để không tự do, bạn tự do để là nô lệ. Tự do của bạn cũng giống như bạn có thể chọn không tự do, bởi vì nếu bạn không thể chọn để trở thành không tự do thì tự do của bạn là không toàn bộ.
Đó là vấn đề khó xử. Logic thông thường sẽ hỏi, “Nếu con người là tự do thì tại sao anh ta lại không tự do? Nếu con người là linh thiêng thì tại sao anh ta lại không cảm thấy linh thiêng? Nếu con người là phúc lạc thì tại sao con người lại không trong phúc lạc?” Nhưng tôi nói rằng con người không tự do bởi vì anh ta tự do – anh ta đã chọn. Con người có thể chọn tự do và trở nên tự do, hay con người có thể chống lại chính mình, chống lại bản năng của mình. Đó là điều mà tự do ngụ ý. Khi bạn có thể chống lại bản tính tự nhiên của bạn, khi bạn có thể trải rộng ý thức của bạn hoặc không trải rộng ý thức của bạn thì bạn trở nên tự do, có trách nhiệm - hay tự làm hại bạn nhiều hơn.
Những con thú không tự do - không tự do trong hoàn cảnh rằng chúng vô thức hơn. Chúng sống theo bản năng, chúng không thể chọn. Chúng có một bản năng cố định; chúng phải theo bản năng đó.
Con người không có bản năng cố định - không có cái thứ như là bản năng con người. Con người có tự do: con người có thể xuống thấp, có thể lên cao: con người có thể tầm thường hơn những con vật hoặc cao cả hơn những thiên thần. Họ không có bản năng cố định.
Bạn càng trở nên ý thức thì bạn càng ít bị ràng buộc hơn. Bạn càng trở nên trách nhiệm thì càng nhiều nguy hiểm hơn. Những thay đổi nguy hiểm sẽ có đó, và bạn sẽ không trốn thoát khỏi chúng trừ khi bạn trở nên hoàn toàn nhận biết. Nhưng vượt lên chúng còn tốt hơn là cố trốn khỏi chúng, bởi vì những nguy hiểm này sẽ giúp bạn nhận biết nhiều hơn. Trốn chạy sẽ chỉ tạo ra vô thức, vô nhận biết, mê lịm hoặc ngủ.
Câu hỏi 5: Linh hồn có rời cơ thể khi thầy chết không? Nó sẽ đi đâu?
Toàn bộ cách nghĩ này - rằng một cái gì đó giữ nguyên và một cái gì đó rời đi – là lầm lạc. Cơ thể thô ráp như chúng ta biết chỉ là nguyên nhân, mặt nạ bên ngoài. Còn có những cơ thể tinh tế liên tục bao quanh linh hồn bạn, thậm chí khi nó rời đi. Những cơ thể này cũng là một phần của bạn.
Cơ thể cùng với tôi bây giờ là một phần của vũ trụ, nhưng bởi vì chúng ta hình dung con người ta như là của ta, điều đó trở thành rắc rối: cơ thể tôi kết thúc ở đâu?
Nếu bạn đi sâu vào nó bạn sẽ nhìn thấy rằng toàn bộ vũ trụ là một phần của bạn, một phần của cơ thể bạn. Ví dụ, nếu mặt trời dừng tại chính thời điểm này, cơ thể bạn không thể tiếp tục tồn tại. Nó không thể tồn tại nếu không có những đại dương, nó không thể tồn tại nếu không có bầu khí quyển. Cơ thể bạn chỉ là một phần, phần không ngừng thay đổi của vũ trụ. Khi mặt trời mọc, một cái gì đó nảy sinh trong bạn. Khi mặt trời lặn, một cái gì đó lặn trong bạn. Khi có trăng bạn khác. Cơ thể bạn không ngừng trong mối liên hệ động với toàn bộ.
Bất kỳ bạn ở đâu, bạn đang trong bất kỳ trạng thái nào thì bạn vẫn ở trong cơ thể. Nếu cơ thể bạn bị vũ trụ lấy đi thì vũ trụ sẽ cho bạn cơ thể khác, trừ khi bạn trở thành toàn bộ vũ trụ một cách tỉnh táo. Vậy thì không cần cơ thể, bởi vì chính vũ trụ không có cơ thể.
Các cá thể buộc phải có cơ thể. Nhưng cơ thể bạn kết thúc ở đâu và nó bắt đầu từ đâu? Đó là rắc rối, rắc rối đa phương diện. Cơ thể bạn không thể tồn tại nếu cơ thể cha bạn không có trong tồn tại. Cơ thể bạn là một phần của chuỗi dài, của chuỗi vĩnh hằng. Cơ thể bạn tồn tại trong cây, trong biển, trong mọi thứ. Nó là vũ trụ nhỏ liên quan tới mọi phần của toàn bộ.
Ngôn ngữ của chúng ta quá thô thiển và hạn chế, cho nên khi chúng ta nói rằng linh hồn rời cơ thể, điều đó gây ra ý tưởng sai lầm. Linh hồn di chuyển bên trong cơ thể của vũ trụ, nhưng vũ trụ liên tục cho nó cơ thể khác. Cơ thể mà bạn bỏ lại phía sau vẫn còn liên quan đến bạn, bởi vì toàn bộ liên quan đến bạn.
Bạn đang bơi trên biển. Bạn để lại một phần biển phía sau và tiến lên phía trước, nhưng phần bị bỏ lại phía sau vẫn là một phần của biển, nơi bấy giờ bạn đang bơi. Biển là duy nhất và bạn đang bơi trong nó chỉ giống như con cá được sinh ra ở biển và sẽ tan biến vào biển. Con cá không là gì mà chính là biển, lạnh cứng ở đâu đó, và sẽ nhanh chóng tan biến trở lại với biển.
Quan niệm của chúng ta về xuất hiện trong cuộc đời và đi khỏi cuộc đời là nguyên thủy. Bạn không thể đi đâu ra ngoài vũ trụ này. Bất kỳ bạn đi đâu thì vũ trụ cũng vận hành như cơ thể đối với bạn. Cơ thể bạn không chỉ là cơ thể của bạn: nó là cộng đồng lớn của nhiều linh hồn; bạn chỉ là một trong chúng. Mọi tế bào của cơ thể đều có linh hồn, mỗi cơ thể đều có bảy mươi triệu tế bào linh hồn sống.
Cơ thể bạn là đám đông của rất nhiều linh hồn sống trong thành phố lớn, và bạn chỉ là một linh hồn sống trong đó. Mỗi một phần của bạn là linh hồn bởi chính quyền hạn của nó. Nó có thể lớn và phát triển bên ngoài bạn, nó có thể yêu và sinh sôi nảy nở bên ngoài bạn; bạn là không cần thiết. Cho nên khi bạn đã rời cơ thể thì cơ thể là một thứ sống. Linh hồn trung tâm đã ra đi, nhưng vẫn có nhiều triệu tế bào còn sống trong cơ thể mà cuối cùng nó có thể phát triển, giống như bạn có thể, thành con người.
Cho nên đó là vấn đề phức tạp. Nhưng có một điều chắc chắn: không có gì chết. Chúng ta là một phần của đại dương sự sống; chúng ta vẫn tiếp tục sống.
Với chúng ta điều đó có vẻ là không thể tưởng tượng, bởi vì chúng ta liên tục nhìn vũ trụ từ một quan điểm cụ thể. Quan điểm đó là sự nhiễu lọan. Nếu điểm đó tan biến và không còn cái tôi để nhìn thì bạn không thể nói rằng khi bạn chết bạn đã đến một nơi nào đó. Bạn đã ở đó. Bạn sẽ tiếp tục ở đó. Thậm chí mọi thứ tan biến thì thực ra không có gì thực sự tan biến; không có gì kết thúc. Nhưng điều đó là có thể chỉ khi không còn cái tôi để nói, “Đây là ta”.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là trung tâm của vũ trụ, giống như loài người luôn nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng điều đó không phải như vậy. Sự sai lầm cho rằng mặt trời quay quanh trái đất cũng giống như sai lầm tâm thần rằng chúng ta thắng chúng ta. Thậm chí ngày nay điều đó nhìn có vẻ vẫn đúng, mặc dù chúng ta biết điều đó không đúng. Nếu chúng ta nhìn, có vẻ là mặt trời quay quanh trái đất.
Trong thâm tâm hiện tượng tương tự cũng xảy ra. Trong tôn giáo, chúng ta cũng còn giới hạn, còn bản ngã: có vẻ như mọi thứ chuyển động quanh bản ngã. Đó là ý tưởng sai lầm; thực sự là bạn đang quay trong vũ trụ. Bạn là một phần của nó; bạn không thể khác được.
Bất kỳ điều gì bạn nghĩ từ quan điểm tự coi mình là trung tâm thì cũng sẽ là sai lầm. Đối với tôi, đúng hay sai thì cũng đều có những nghĩa rộng khác nhau. Với tôi, bất kỳ điều gì có bản ngã trung tâm là sai, và bất kỳ điều gì không có bản ngã trung tâm là đúng. Và trừ khi bạn là một với vũ trụ, trừ khi bản ngã tan biến, bạn không thể có cái nhìn đúng.





No comments:

Post a Comment