July 10, 2014

OSHO - Từ cái không (tiếp theo)


Nguyễn Đình Hách dịch

Không ai khác chịu trách nhiệm về chuyện này. Đi vào và phân tích xem tại sao bạn không là một vị phật. Tiềm năng có đó, năng lượng có đó. Tại sao bạn không trở thành một vị phật?
Đừng nghĩ liên miên nữa, ai tạo ra bất bình đẳng? Ai tạo ra một người nào đó là vị phật và người nào đó khác không là vị phật?
Không ai tạo ra điều này; tâm trí của chúng ta chịu trách nhiệm. Nếu tôi bám vào thuyết rằng Thượng Đế tạo ra chúng ta - người ta giống vị phật và tôi không giống vị phật - vậy thì tôi phải làm gì? Đó là số phận đã mặc định tôi. Thế thì tôi vẫn giữ nguyên tôi là vậy, tôi không thể tuôn chảy. Sự tuôn chảy này sẽ không được thực hiện! Lý thuyết chỉ là thiết bị bảo vệ, là trò ranh mãnh để bạn có thể tiếp tục như là bạn mà không bận tâm về việc thay đổi.


Tôn giáo nảy sinh trong bạn chỉ khi bạn bắt đầu cảm nhận toàn bộ trách nhiệm với chính mình. Triết học là cái thứ: nó có thể tiếp tục những điều vô nghĩa của nó, những học thuyết ngớ ngẩn. Tôn giáo thì khác: tôn giáo là quả quyết, là cảm nhận toàn bộ trách nhiệm với chính bạn. Bất kỳ tôi là gì - bạo lực, giận dữ, tham lam, đầu óc đầy ham muốn, nhiều ước mong - tôi là người chịu trách nhiệm.
Thời điểm mà tôi cảm nhận rằng sự xấu xa của tôi là trách nhiệm của tôi, rằng tâm trí tội lỗi là trách nhiệm của tôi, thế thì cú nhảy trở thành có thể. Vì tôi chịu trách nhiệm về điều xấu của mình nên không ai khác có thể chịu trách nhiệm về những điều tốt của tôi. Nếu tôi chịu trách nhiệm về tất cả những gì đen tối bên trong tôi thì tất cả ánh sáng rọi lên Phật cũng có thể rọi lên tôi. Bằng việc nhận trách nhiệm đối với một vấn đề thì tiềm năng khác trở nên rộng mở.
Trách nhiệm có nghĩa là tự do, cho nên đừng than phiền Thượng Đế nữa. Không có ai nhận lời than phiền của bạn đâu; bạn chính là người nhận. Nếu tôi không có trách nhiệm với chính mình thì tôi không tự do. Nhưng nếu tôi tự do, vậy thì tôi phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm.
 Nếu tôi đang sống ở địa ngục thì đó là quyết định của tôi. Tôi đã sử dụng năng lượng và tự do của tôi để đến với địa ngục này; tôi không bị đuổi tới đó. Sartre nói rằng con người bị quẳng vào thế gian. Không ai quẳng bạn; đó là quyết định của bạn để tới đó.
Sartre cảm nhận rằng chỉ trong một khía cạnh con người có vẻ tự do, và đó là tự sát. Bạn không chịu trách nhiệm về việc bạn ra đời, nhưng bạn có thể có trách nhiệm về cái chết của mình: bạn có thể tự sát. Điều này là phi logic! Nếu một cực là tự do thì đối cực không thể là ngược lại. Nếu bạn có thể tự sát - nếu tôi có thể kết thúc cuộc đời mình bởi chính quyết định của mình - vậy thì, cho dù tôi nhớ điều đó hay không thì con đường vào đời của tôi cũng đã là quyết định của tôi. Cực kia phải phù hợp. Nếu tôi chịu trách nhiệm với đau khổ của mình thì không ai khác có thể chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc của tôi. Nếu tôi có thể chịu trách nhiệm về cái chết của mình thì tôi cũng có trách nhiệm với việc tôi ra đời.
Đó là những gì tôn giáo nói: tự do của bạn là được sinh ra, được sống hoặc được chết. Khi một người nào đó đang hấp hối, đối với chúng ta người đó xuất hiện như là đang hấp hối. Nhưng nếu bạn xuyên thấm vào tâm trí của người đang hấp hối bạn sẽ nhìn thấy rằng người đó đang ước mong sống nhiều cuộc đời hơn; người đó liên tục nghĩ về cuộc đời khác, về sự liên tục. Đầu tiên người đó cố bám vào cuộc đời này; sau đó, nếu việc bám vào trở thành không thể thì người đó sẽ ước mong cơ thể khác, hình thái khác để có thể sống lại. Nhưng nếu con người đang hấp hối mà không có ước mong nào còn lại chưa được thực hiện, không ước mong tiếp tục sống, thì với người đó sẽ không còn nhiều lần ra đời. Nếu một vài ước mong còn lại chưa được thỏa mãn thì tâm trí sẽ cố gắng hoàn thành: điều đó sẽ trở thành sự lựa chọn cho lần ra đời mới.
Chúng ta biết rằng một người nào đó ra đời thì cũng phải chết, nhưng chúng ta không biết khía cạnh khác của nó - rằng khi một người nào đó chết, người đó phải được tái sinh trở lại. Nếu ra đời dẫn tới cái chết thì cái chết sẽ dẫn tới ra đời, trừ khi bạn chết toàn bộ. Cái chết toàn bộ là samadhi. Cái chết toàn bộ là đỉnh cao nhất của thực tại linh hồn - linh hồn đã được làm hoàn toàn thanh khiết. Không còn ước mong cho tương lai, bởi vì tương lai có nghĩa là ra đời; không còn ước mong cho ngày mai, bởi vì ngày mai có nghĩa là ra đời; không còn ước mong cho thời điểm tiếp theo, bởi vì thời điểm tiếp theo là ra đời. Tại thời điểm này, nếu bạn có thể chết toàn bộ - không tương lai, không ngày mai, không ước mong, không gì còn lại chưa được thực hiện, thì sẽ không còn ra đời nữa.
Sinh ra lần nữa là sự lựa chọn của bạn, thậm chí đó là sự lựa chọn rất vô thức. Nếu bạn trở nên thức tỉnh hơn bạn sẽ không chọn, hoặc bạn sẽ chọn khác đi.
Phật đang hấp hối. Một ai đó hỏi người, “Thầy sẽ ở đâu sau khi chết?”
Phật nói, “Không nơi nào. Đủ rồi! Tôi đã từng ở trong quá nhiều cơ thể, trong quá nhiều cuộc đời - thế là đủ rồi. Lần này tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi đang thực sự hấp hối”.
Với người hỏi thì điều này có vẻ bi thảm - Phật đang thực sự hấp hối. Người sẽ không tái sinh trở lại. Bấy giờ không hy vọng nào còn lại. Người hỏi bắt đầu khóc.
Phật nói, “Đừng khóc. Hãy nhảy múa! đây là thời điểm mãn nguyện của tôi: tôi đang thực sự hấp hối. Đây là đỉnh cuối cùng, đây là khả năng cao cả nhất. Không ước mong, không hy vọng, không tương lai, tôi chỉ đang tan biến vào vũ trụ. Tôi sẽ không ở nơi nào bởi vì tôi sẽ ở mọi nơi.
Bạn sẽ không có khả năng tìm thấy tôi ở một nơi giới hạn nào đó mà tôi sẽ giống như muối của đất: bạn có thể nếm tôi ở bất kỳ đâu. Nhưng sẽ chỉ là nếm. Tôi sẽ không là cơ thể, không hình dạng hữu hình; tôi sẽ là năng lượng vũ trụ”.
Đây là điều mà Phật ngụ ý về niết bàn. Niết bàn là một từ đẹp. Nó không phải là moksha, không phải là giải thoát; niết bàn là từ khác, với phẩm chất khác. Nó có nghĩa là chấm dứt, giống như sự chấm dứt của ngọn nến.
“Giống như ngọn nến tắt,” Phật nói, “tôi sẽ dừng”. Khi ngọn nến tắt liệu bạn có thể nói ánh sáng đã đi đâu? Bạn sẽ không có khả năng tìm ra ngọn lửa, bạn sẽ không có khả năng xác định nó, bởi vì lúc đó không còn ước mong mới nữa. Nhưng nó sẽ vẫn là một phần của vũ trụ, bởi vì không gì có thể biến mất từ vũ trụ.
Mọi thứ đều là một sự lựa chọn. Đối với chúng ta, có vẻ khó khăn khi hình dung về điều này, bởi vì thế thì mọi đau khổ cũng là sự lựa chọn của chính chúng ta: đó là rắc rối. Nếu một ai khác chịu trách nhiệm thì tôi sẽ thoải mái; vậy thì tôi không đau khổ vì chính mình. Nếu có một số phận, nếu có một Thượng Đế, vậy thì một ai đó khác chịu trách nhiệm và tôi buộc phải như tôi vốn là vậy. Đây là một sự đào tẩu. Không ai ở đó! Bạn đang một mình.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể giải thích nỗi đau khổ? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta chưa bao giờ chọn đau khổ, nhưng điều đó là vô nghĩa - chúng ta chọn mọi thứ. Không ai sẵn sàng thừa nhận họ chọn đau khổ bởi vì khi chúng ta chọn, chúng ta chỉ chọn vẻ bề ngoài. Nhưng cuối cùng thì chúng ta phải đối mặt với thực tại của điều chúng ta đã chọn.
Mọi người chọn vui vẻ và cuối cùng mọi người đau khổ, bởi vì niềm vui chỉ là vẻ bề ngoài, là giả. Bạn càng gần hơn với niềm vui thì niềm vui bắt đầu biến đi. Điều này xảy ra ở mọi thời điểm, nhưng chúng ta vẫn không nhận ra rằng niềm vui chỉ là bộ mặt giả của bệnh tật, của khổ đau, của cùng cực.
Không ai trực tiếp chọn đau khổ; mọi người chọn nó một cách gián tiếp. Nhưng sự lựa chọn là vô thức, không nhận biết. Bạn chọn niềm vui và thế là bạn cũng đã chọn đau khổ: mọi niềm vui đều kết thúc trong đau khổ, mọi niềm vui đều tạo ra trạng thái căng thẳng của tâm trí. Đau khổ là phần không thể tránh của niềm vui, là cái đuôi. Bạn không thể lẩn trốn khỏi nó. Nỗi khao khát niềm vui, sự tìm kiếm niềm vui là một ảo ảnh; cuối cùng những gì bạn đạt được chưa bao giờ là niềm vui. Hãy nhìn nó từ bên ngoài. Một ai đó chọn niềm vui.
Đó là nỗ lực tích cực: tham vọng, thành tựu... thế rồi đau khổ xuất hiện - bạn chọn thiên đường và đi vào địa ngục. Thiên đường là cổng vào địa ngục. Vào trong cổng, bạn đã vào địa ngục. Niềm vui là thứ được tìm kiếm một cách chủ động; hạnh phúc là thụ động. Nó không phải là sự hiện diện của bất kỳ điều gì, nó là sự vắng mặt của một cái gì đó - sự vắng mặt của đau khổ. Không chọn niềm vui và đau khổ sẽ bị quẳng đi một cách tự động. Khi không niềm vui hoặc đau khổ thì có hạnh phúc và phúc lạc.
Nhìn từ bên ngoài thì điều đó có vẻ tiêu cực - đó là sự vắng mặt - nhưng từ bên trong thì đó là điều tích cực. Hạnh phúc là bản chất bạn. Nó cũng còn là sự lựa chọn - mọi thứ là sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn không chọn niềm vui thì bạn đã chọn hạnh phúc rồi.
Bất kỳ thời điểm nào bạn cũng có thể thay đổi. Và khi tôi nói “bất kỳ thời điểm”, tôi ngụ ý nhiều bởi điều đó. Tôi ngụ ý rằng bất kỳ điều gì tôi đã chọn trong quá khứ thì không phải là rào cản. Có thể bạn chọn niềm vui, niềm vui và niềm vui trong hàng thiên niên kỷ và có lẽ bạn chỉ nhận được đau khổ, đau khổ và đau khổ.
Nhưng đó không phải là rào cản. Bất kỳ điều gì bạn đã chọn trong quá khứ thì bạn cũng đã chịu đựng vì điều đó - không có gì giữ mãi cân bằng. Chính thời điểm này bạn có thể chọn đối cực, dù nghiệp chướng là gì, dù những hành động của bạn trong quá khứ là gì thì cũng sẽ không là rào cản.
Tâm trí có thể chơi trò ranh mãnh. Nếu không có định mệnh, nếu không có Thượng Đế thì nghiệp chướng trở thành cái bung xung của bạn. Bạn nói, “Tôi có thể làm gì? - tôi đã từng là tội phạm trong nhiều đời, và bây giờ nghiệp chướng của tôi là đứng bên đường. Làm sao tôi có thể tự do lựa chọn? Tôi bị giới hạn bởi nghiệp chướng của tôi”.
Bạn không trong bất kỳ cảnh nô lệ nào. Và nếu không như vậy, nếu bạn vẫn cảm thấy cảnh ràng buộc quanh bạn, đó là sự lựa chọn của bạn. Không có nhà tù và không có cai ngục.
Bạn có thể ra khỏi thời điểm quan trọng này. Sống trong tù là lựa chọn của bạn, ở đó hay không ở đó cũng là lựa chọn của bạn; không ai ngăn cản bạn rời nơi đó.
Nếu bạn muốn là tù nhân bạn có thể tạo ra triết lý xung quanh bạn, và bạn có thể là tù nhân của nhù tù triết lý đó. Nếu bạn muốn là người tự do, nếu bạn muốn chính là tự do, vậy thì bạn có thể chọn dạng tư tưởng khác và bạn có thể tự do. Cả hai đều là sự lựa chọn của bạn.
Bất kỳ bạn ở mức độ nào thì bạn cũng chịu trách nhiệm bởi vì bạn tự do; không có cảnh nô lệ nào. Có rất nhiều cảnh nô lệ nhưng không cảnh nô lệ nào bên ngoài bạn. Tất cả đều là sự sáng tạo của bạn; tất cả chúng đều bởi bạn.
Nếu bạn thấy khó khăn trong việc rời nhà tù thì không phải nhà tù ngăn cản bạn, đó chính là thói quen của bạn, là sự lựa chọn sai của bạn. Bạn đã chọn nó rất nhiều lần đến mức nó đã trở thành lệ thường, thành thói quen: ở trong nhà tù dễ thở hơn ở bên ngoài.
Bạn đã quá quen thuộc với nhà tù, bạn đã trang trí nó quá nhiều, nhìn nó không giống nhà tù mà giống ngôi nhà. Bên trong có mọi sự bảo vệ, mọi biện pháp an toàn, bên ngoài bạn sẽ dễ bị tổn thương, dễ nhạy cảm - không bảo vệ, không đề phòng. Bạn sẽ ở trong thế giới chưa được biết đến, nỗi sợ hãi sẽ bám chặt lấy bạn. Thế giới chưa biết đó là mới; đó không phải là nhà tù của tâm trí bạn.
Bất kỳ lúc nào một ai đó chọn, trở nên ý thức và nhớ lại tự do của mình thì người đó tự do. Sự nhớ lại này làm cho họ tự do. Đó không phải là nỗ lực, nó xuất hiện để hiểu tự do và trách nhiệm của con người. Tự do và trách nhiệm là hai mặt của cùng một đồng tiền, cho nên đừng đổ trách nhiệm của bạn cho bất kỳ ai khác hoặc bạn sẽ thổi bay chính tự do của bạn.
Cảm nhận trách nhiệm, chấp nhận trách nhiệm với chính bạn, bởi vì chỉ khi đó thì bạn mới trở nên tự do. Nếu bạn nói rằng địa ngục mà bạn đang ở trong là lựa chọn của bạn, rằng không ai khác chịu trách nhiệm điều đó, vậy thì bạn đã trở nên tự do; bạn có thể ra ngoài nó, bạn có thể rời nó. Nhưng nếu ai đó tống bạn vào địa ngục này thì chỉ người đó mới có thể mang bạn ra khỏi. Bạn chưa bao giờ liên quan đến điều đó.
Thái độ rằng một người nào đó đã là nguồn của bạn, dù bạn là gì, thì sẽ làm cho bạn thành một cơ thể hơn là một linh hồn hơn. Tôi đang nói rằng nếu bạn cảm nhận trách nhiệm về chính bạn, thì tự do bất ngờ bắt đầu xuất hiện trong bạn. Bạn chịu trách nhiệm về chính mình; bạn trở thành một linh hồn hơn.
Một người như Phật cảm nhận trách nhiệm với toàn bộ nhân loại. Phật đi tới cực đỉnh khác: Người nói, “Bất kỳ khi nào tôi chọn đau khổ, tôi tạo ra những rung động của đau khổ”. Người nghèo khổ tạo ra một dạng rung động nào đó. Người hung dữ gây ra bạo lực, người tức giận gây ra giận dữ, người đằm thắm sinh ra tình yêu thương.
Thông thường, chúng ta cảm nhận rằng Thượng Đế chịu trách nhiệm cho chúng ta, cái toàn bộ chịu trách nhiệm hộ chúng ta. Phật lên tới cực đỉnh khác và nói, “Tôi có trách nhiệm với toàn bộ. Nếu có điều xấu xa trên thế gian thì tôi là người chịu trách nhiệm về điều đó bởi vì tôi đã tạo ra nó. Nếu có sự thù hận trên thế gian thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm vì tôi đã tạo ra nó. Tôi đã chọn thù hận rất nhiều lần trong khi tôi có thể chọn tình yêu. Tôi đã chọn thù hận, tôi đã chọn giận dữ, tôi đã chọn thú tính, và khi tôi chọn, tôi tạo ra hoàn cảnh để những người khác trở nên dễ nhạy cảm để chọn những điều tương tự”.
Nếu bạn cảm nhận rằng bạn có trách nhiệm với chính mình thì bạn trở thành linh hồn. Nếu bạn cảm nhận rằng bạn có trách nhiệm với toàn bộ thế gian thì bạn trở thành chúa trời. Thế thì không còn rào cản. Bạn đã trở thành toàn bộ - người “khác” đã ra đi.


 (còn nữa)

No comments:

Post a Comment