Phạm Nguyên Trường dịch
Lòng yêu
nước không phải là vẫy cờ
Trong những ngày này lòng yêu nước chẳng khác gì lễ Giáng
sinh - rất nhiều người bị cuốn vào không khí lễ hội tràn ngập ánh sáng và những
màn trình diễn. Chúng ta nghe những lời nhắc nhở về “ý nghĩa thực sự” của lễ Giáng
sinh và chúng ta thậm chí có thể lầm bầm một vài từ đầy tội lỗi về những cái
đang tác động tới chúng ta, nhưng mỗi người chúng ta dành nhiều thời gian và
suy nghĩ về cỗ bàn, tặng quà, và những thứ khác của một ngày lễ thế tục hơn là
suy nghĩ một cách sâu sắc về ý nghĩa thật sự của nó.
Lòng yêu nước thì cũng thế, nhất là vào ngày Tưởng niệm các
chiến sĩ trận vong (Memorial Day) trong tháng Năm, Ngày Quốc kỳ vào tháng Sáu,
và ngày Độc lập vào tháng Bảy. Hãy đi xuống Main Street America và hỏi từng công dân
xem lòng yêu nước có nghĩa là gì và trừ một vài ngoại lệ, hầu hết các câu trả
lời đều có tính tự mãn nhưng hời hợt và thường là hoàn toàn sai. Nếu nhìn thấy
chúng ta như hiện nay thì những Người Lập Quốc, những người đàn ông và đàn bà
đã tạo cho chúng ta lý do để trở thành người yêu nước, sẽ nghĩ rằng chúng ta đã
lạc đường.
Kể
từ cuộc tấn công bỉ ổi ngày 11 tháng 9 năm 2001, người Mỹ đã gần như thống nhất
trong “tình yêu nước”. Đối với hầu hết mọi người, thật đáng buồn là thế cũng đủ
để trở thành một người yêu nước cứng rắn rồi. Nhưng nếu tôi đúng, thì đây là giai
đoạn để người Mỹ tham gia vào một khóa bồi dưỡng.
Lòng yêu nước không
phải là tình yêu đất nước, nếu bạn coi “đất nước” có nghĩa là những cánh
đồng lúa chín, những dãy nui uy nghi và những thứ tương tự như thế. Hầu như
nước nào cũng có những dãy núi đá, những cảnh sông nước đẹp đẽ, cùng những thứ
để con người trồng cấy và ăn. Nếu lòng yêu nước chỉ có thế, thì người Mỹ có ít những
thứ quý giá mà chúng ta có thể nói là
đặc biệt hay độc đáo để có thể yêu. Và chắc chắn, lòng yêu nước không có nghĩa
là hi sinh cuộc đời của con người chỉ vì một dòng sông hay một dãy núi.
Lòng
yêu nước không phải là niềm tin mù quáng vào những thứ mà các nhà lãnh đạo của
chúng ta làm hay nói với chúng ta. Đấy chỉ là thay một số khái niệm cao cả bằng
những bước duyệt binh không cần động não mà thôi.
Lòng
yêu nước không chỉ đơn giản là đi bầu cử. Bạn cần phải biết nhiều hơn về những động
cơ thúc đẩy cử tri trước khi bàn về lòng yêu nước của ông ta. Ông ta có thể đi bầu
cử bởi vì ông ta muốn một cái gì đó mà người khác phải trả tiền. Có lẽ ông ta
cũng chẳng suy nghĩ nhiều về việc chính khách mà ông ta thuê sẽ lấy cái đó ở
đâu. Xin nhớ câu nói uyên thâm của Tiến sĩ Johnson: “Lòng yêu nước là nơi trú ẩn
cuối cùng của một tên vô lại”.
Vẫy cờ có thể là một dấu hiệu bên ngoài của lòng yêu nước,
nhưng chúng ta không coi rẻ thuật ngữ này bằng cách có một lúc nào đó cho rằng
đó là chỉ là một dấu hiệu. Thương tiếc những người đã hi sinh cuộc đời chỉ đơn
giản là vì họ đã sống trên đất Mỹ là việc bao giờ cũng nên làm, nhưng đấy cũng
không phải là lòng yêu nước.
Người dân ở mỗi quốc gia và lúc nào cũng thể hiện tình cảm về
cái mà chúng ta gọi là “lòng yêu nước”,
nhưng điều đó lại đặt ra câu hỏi. Cái này là gì vậy? Chả nhẽ nó lại rẻ và vô
nghĩa như vậy sao? Chỉ cần vài động tác và tình cảm là bạn đã trở thành người
yêu nước ư?
Không phải trong sách của tôi.
Tôi cho rằng lòng yêu nước ăn sâu bén rễ trong tư tưởng sinh
thành ra một đất nước, nhưng đó là phải tư tưởng mà tôi nghĩ đến khi tôi cảm
thấy mình là người yêu nước. Tôi là một người Mỹ yêu nước, vì tôi tôn kính những
tư tưởng đã thúc đẩy những Người Lập Quốc và buộc họ, trong nhiều trường hợp, phải
đặt cược sinh mạng, tài sản, danh dự thiêng liêng của mình.
Những tư tưởng nào? Xin đọc lại Tuyên ngôn độc lập. Hoặc,
nếu bạn giống như hầu hết người Mỹ hiện nay, xin hãy đọc nó lấy một lần. Tất cả
đều có ở đó. Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Không phải chính phủ mà Tạo Hóa đã
trao cho họ một số quyền bất khả xâm phạm. Trước hết là quyền sống, quyền tự do
và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính phủ phải bị hạn chế nhằm bảo vệ hòa bình và gìn
giữ quyền tự do của chúng ta, và chính phủ làm như vậy thông qua sự đồng ý của những
người bị trị. Đó là quyền của những người tự do nhằm tự giải thoát khỏi chính
phủ khi chính phủ đó trở thành kẻ phá hoại những mục đích đó, như những Người Lập
Quốc của chúng ta đã làm trong một hành động cao cả của lòng can đảm và thách
thức hai trăm năm về trước
Xin gọi đấy là Freedom (tự do). Xin gọi đấy là Liberty (cũng
có nghĩa là tự do – ND). Gọi là gì cũng được, nếu bạn muốn; nhưng đó là nền
tảng xây dựng nên quốc gia này và nếu chúng ta rời xa nó thì chúng ta sẽ tự
chuốc lấy hiểm nguy. Đấy là cái xác định chúng ta là người Mỹ. Đó là những điều
ước ao của hầu hết những người đã từng sống trên hành tinh này. Nó làm cho cuộc
đời đáng sống, có nghĩa là, đấy là điều xứng đáng để chiến đấu và hi sinh.
Quan điểm Mỹ
Tôi
biết rằng khái niệm này về lòng yêu nước chính là ý nghĩa theo kiểu Mỹ của thuật
ngữ đó. Nhưng tôi không biết đối với Uganda hay Paraguay người yêu nước nghĩa
là gì. Tôi hy vọng rằng người Uganda và Paraguay có những lý tưởng cao cả làm
họ vui sướng khi họ cảm thấy mình là người yêu nước, đấy là câu hỏi mà bạn sẽ
phải hỏi họ. Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết lòng yêu nước có ý nghĩa gì đối
với tôi, một người Mỹ, mà thôi.
Tôi
hiểu rằng nước Mỹ đã thường không đáp ứng được những tư tưởng cực kì cao cả,
được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập. Điều đó không hề làm giảm sự tôn kính
của tôi đối với những tư tưởng đó, và cũng không làm lu mờ hi vọng của tôi rằng
thế hệ người Mỹ tương lai sẽ lại được chúng truyền cho cảm hứng.
Trên thực tế, cách hiểu như thế về lòng yêu nước đã giúp tôi
vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và chán nản nhất. Lòng yêu nước của tôi
không bao giờ bị ảnh hưởng bởi thất bại của bất kỳ chính trị gia nào, hoặc bất
kỳ sai lầm nào của một số chính sách của chính phủ, hoặc bất kỳ sụt giảm nào
trong nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán. Không có kết quả của bất kỳ cuộc
bầu cử nào, dù bất lợi đến đâu, làm cho tôi cảm thấy kém trung thành với những
lý tưởng mà những Người Lập Quốc của chúng ta đã viết ra vào năm 1776. Thật
vậy, như kinh nghiệm sống cho thấy, trí huệ mà những người khổng lồ như Jefferson
và Madison ban cho chúng ta chưa bao giờ trở thành rõ ràng như thế đối với tôi.
Tôi nóng ruột hơn bao giờ hết, chỉ muốn giúp đỡ những người khác để họ có thề
đánh giá đúng những việc đó.
Trong
lần về thăm quê cha đất tổ gần đây của tôi ở Scotland, tôi đi ngang qua một vài
từ rất cũ, chúng đã buộc tôi phải dừng lại. Mặc dù những từ này có trước Tuyên
ngôn Độc lập của chúng ta những 456 năm, và cách xa chúng ta ba ngàn dặm, tôi
khó có thể nghĩ về bất cứ điều gì từng được viết ở đây lại có thể khuấy động
lòng yêu nước mà tôi đã định nghĩa ở trên đến như thế. Năm 1320, trong một nỗ
lực nhằm giải thích lý do vì sao họ đã phải chiến đấu đẫm máu suốt 30 năm nhằm
đánh đuổi quân xâm lược người Anh, các nhà lãnh đạo người Scotland đã kết thúc
bản Tuyên bố Arbroath với dòng chữ sau đây: “Chúng tôi chiến đấu không phải vì
danh dự, vinh quang hay của cải, mà chúng tôi chiến đấu cho quyền tự do, quyền
tự do mà không một người tốt nào chịu từ bỏ, ngay cả khi phải hi sinh mạng sống
của mình.”
Tự
do – tìm hiểu nó, sống cùng với nó, giảng dạy nó và ủng hộ những người đang dạy
những người khác về những nguyên lí của nói. Đấy, thưa những người đồng bào Mỹ
của tôi, là ý nghĩa của lòng yêu nước đối với mỗi chúng ta trong những ngày
này.
Ghi chú của người dịch: Bài báo này được xuất bản tháng 6 năm 2003.
Đã đăng trên http://www.boxitvn.net/bai/26778
Lawrence W.
Reed trở thành chủ tịch quĩ FEE vào năm 2008 sau khi đã nằm trong ban giám đốc
quĩ từ những năm 1990, ông viết và nói trên FEE từ cuối những năm 1970. Trước
khi trở thành chủ tịch quĩ FEE ông đã làm chủ tịch Mackinac Center for Public
Policy ở Midland, Michigan trong 20 năm. Ông còn giảng dạy môn kinh tế học ở Northwood
University in Michigan từ năm 1977 đến 1984 và chủ nhiệm bộ môn kinh tế học ở
trường này từ năm 1982 đến 1984.
No comments:
Post a Comment