May 30, 2014

OSHO - Những bí mật của tính môn đệ



Nguyễn Đình Hách dịch


Câu hỏi 1: Mối quan hệ guru / môn đệ là gì?
Trước tiên, vị guru không phải là thầy dạy; guru là con người đã đạt tới lối sống tôn giáo. Tôn giáo không phải là thông tin, nó không thể được dạy bởi vì tôn giáo là cách sống. Sự hiện diện thực sự của vị guru là sự đồng cảm. Và đối với người sống trong mối quan hệ với vị đó, có một cái gì đó được giao tiếp - mặc dù không thông qua lời nói. Mối quan hệ thân mật đến mức nó ít giống mối quan hệ giữa người rao giảng và người nghe mà giống nhiều hơn với mối quan hệ giữa người yêu và người được yêu.


Chính vị guru phải là người giác ngộ, chính vị đó phải đạt được, bởi vì người ta không thể giao tiếp với người chưa thực chứng. Trải nghiệm tôn giáo có thể được giao tiếp chỉ khi nó là trực tiếp. Người rao giảng không cần là người đã tự thực chứng, nhưng vị guru thì phải như vậy. Người rao giảng có thể trao thông tin cũ từ những kinh sách hoặc từ những truyền thống, nhưng vị guru thì không thể. Guru là người đã thực chứng sự thật. Bây giờ người đó là suối nguồn nguyên thủy; chính người đó đã đối mặt với thực tại, mặt đối mặt với nó. Người môn đệ xuất hiện trong mối liên hệ bởi nhận biết trực tiếp, bởi vì bất kỳ điều gì được nói hoặc được giao tiếp thì cũng bằng chính thẩm quyền của vị guru.
Điều thứ hai, vị guru không nhận biết tính guru của mình; vị đó không thể. Vị guru không thể tuyên bố rằng mình là một guru - không có kiểu tuyên bố như thế. Người ta chỉ có thể biết vị đó đã đáp ứng trạng thái vô ngã hay không; nếu không vị đó không thể đối mặt với sự thật. Sự thật được trực diện chỉ khi bản ngã tuyệt đối vắng mặt.
Tôi luôn nói rằng trong tôn giáo, trong vấn đề tâm linh, chỉ có các môn đệ tồn tại - bởi vì vị guru không có mặt, ông ấy chỉ là sự hiện diện. Chính thái độ không tuyên bố, vô ngã, không thuyết giảng và cuộc sống thực sự của vị đó, là sự giao cảm. Cho nên người nào tuyên bố mình là guru thì chỉ là một người rao giảng, người đó không phải là một vị guru.
Không có từ nào trong tiếng Anh để dịch từ guru, bởi vì mối quan hệ giữa vị guru và người môn đệ về cơ bản mang tính phương Đông. Không có mối quan hệ như vậy tồn tại trong văn hóa và truyền thống phương Tây, cho nên không ai ở phương Tây có thể hiểu guru là gì. Nhiều nhất thì họ cũng chỉ hiểu người thuyết giảng là gì.
Mối quan hệ giữa vị guru và môn đệ là rất thân mật... nó giống như tình yêu. Lòng sùng kính được cảm nhận như tình yêu, nhưng có một khác biệt: tình yêu là song song, lòng sùng kính là cho người ở bên trên, người cao cả hơn. Tình yêu tạo ra mối quan hệ bạn bè bởi vì người yêu và người được yêu cùng đẳng cấp. Lòng sùng kính cũng là một dạng tình yêu nhưng có sự khác biệt lớn: nó không cùng đẳng cấp; một người cao hơn. Nếu có tình thân mật yêu thương với cá nhân cao cả hơn thì lòng sùng kính được tạo ra quanh vị guru một cách tự động. Nhưng không được mong chờ, không được đòi hỏi.
Chỉ các môn đệ tồn tại - bởi vì họ cố ý là môn đệ, họ chọn là môn đệ. Vị guru không chọn, vị đó hành động. Cuộc sống của vị đó và hành động là một, và vì thế vị đó có thể thuyết giảng bởi chính hành động của mình. Thuyết giảng của vị đó và cuộc sống của vị đó là hai khía cạnh của một tồn tại. Chính việc đi, đứng, ngồi, nói, sự tĩnh lặng của vị đó - mọi thứ đều là dấu hiệu. Một cái gì đó xuất hiện thông qua sự tồn tại của vị guru, và người môn đệ phải luôn luôn đón nhận nó. Người môn đệ có nghĩa là người có tâm trí cởi mở, đón nhận cho nên anh ta không chỉ học hỏi mà còn đón nhận. Chính vì vậy mà sự tin cậy là nền tảng cơ bản để trở thành một người môn đệ.
Bất kỳ khi nào chúng ta đối mặt với cái chưa biết thì không có logic nào, không sự giải thích lý lẽ nào là khả dĩ. Bất kỳ khi nào chúng ta đối mặt với cái chưa biết thì chỉ có sự tin tưởng mới có thể dẫn lối chúng ta. Nếu tôi nói điều gì đó về cái đã biết   thì bạn có thể tranh luận điều đó với tôi, bởi vì bạn cũng biết nó. Chúng ta có thể lý lẽ về điều đó, chúng ta có thể tranh luận về điều đó - đối thoại là điều có thể. Nhưng nếu tôi nói về điều gì đó tuyệt đối không biết đối với bạn, thì không cuộc đối thoại nào là có thể và không thể có tranh luận. Không thể có sự tiếp cận lý trí về điều đó bởi vì lý trí chỉ có thể tác dụng xung quanh cái đã biết.
Thời điểm cái chưa biết xuất hiện thì lý trí là vô dụng: nó trở nên vô nghĩa. Nghĩ là vớ vẩn bởi vì bạn không thể nghĩ về cái chưa biết. Giống như bạn bị mù và tôi nói với bạn về ánh sáng. Bạn chỉ có thể coi những gì tôi nói là niềm tin; không có cách nào khác.
Mối quan hệ giữa người môn đệ và vị guru là một mối quan hệ tin cậy, mật thiết. Đó không có nghĩa là niềm tin mù quáng, bởi vì vị guru không bao giờ mong chờ bạn tin vị đó - đó không phải là một sự mong chờ. Nhưng chính bản chất của cái chưa biết như vậy mà bạn không thể bước nổi một bước về phía trước mà không có sự tin cậy. Sự tin cậy đòi hỏi nơi người môn đệ, bởi vì anh ta sẽ không thể thực hiện nổi một bước vào vùng chưa biết mà không có sự tin cậy vào vị guru. Vùng chưa biết là bóng tối, là miền chưa được thám hiểm - đó không phải là phúc lạc, không phải là điều tối thượng - và vị guru luôn nói, “Hãy nhảy vào đó! Hãy thực hiện!” Nhưng trước khi bạn có thể nhảy, sự tin cậy là cần thiết hoặc bạn sẽ không nhảy. Và kiến thức chỉ có thể xuất hiện thông qua cú nhảy.
Trong khoa học, giả thuyết là cần thiết trước khi có những thử nghiệm. Giả thuyết có nghĩa là tin mà không chắc chắn. Nếu thử nghiệm chứng minh được giả thuyết thì nó trở thành một sự thật, nhưng nếu thử nghiệm không chứng minh được thì giả thuyết trở thành giả. Nhưng không có giả thuyết, không có niềm tin tạm thời thì không thể có thử nghiệm.
Với tôn giáo điều đó cũng chính xác như vậy: sự tin cậy là cần thiết giống như giả thuyết là cần thiết trong khoa học. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa thái độ khoa học và thái độ tin. Về mặt giả thuyết, con người có thể tin vào một đề xuất khoa học và cũng còn hoài nghi về điều đó. Lòng sùng kính là không cần đến bởi vì khoa học liên quan đến hiện tượng khách quan - bạn có thể thử nghiệm nó và có thể nhìn thấy nó xuất hiện như thế nào. Nhưng trong tôn giáo, niềm tin giả thuyết là không đủ bởi vì bạn không giải quyết vấn đề khách quan bên ngoài bạn. Bạn sẽ phải xử trí chính bạn; đó là hiện tượng chủ quan. Bạn sẽ phải liên quan, phải cam kết. Bạn sẽ không thực hiện thử nghiệm từ bên ngoài, bạn sẽ là sự thử nghiệm. Bạn sẽ phải nhảy vào và trở thành một phần của nó. Sự tin cậy sâu sắc là cần thiết.
Cho nên mối quan hệ giữa vị guru và người môn đệ là một trong những sự tin cậy sâu sắc nhất, tình yêu thân mật, lòng sùng kính. Nhưng những điều đó không được yêu cầu. Thời điểm chúng được yêu cầu thì chúng trở thành sự lợi dụng; thời điểm chúng bị ép buộc thì chúng trở thành bạo lực, bởi vì không ai sẽ tự ép buộc   lên bất kỳ ai. Đó không phải là sự ép buộc lên phía vị guru, đó là sự sẵn lòng từ phía  môn đệ cho phép vị guru thể hiện.
Nhưng thường thì người môn đệ không sẵn lòng còn vị guru thì ép buộc. Nếu vậy, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Thời điểm mà vị guru cố ép buộc một cái gì đó lên một người nào đó thì đó là hủy hoại, là kết liễu, bởi vì đó là hành động bạo lực chống lại bản ngã của một ai đó. Nhưng nếu người môn đệ sẵn lòng, nếu anh ta dâng lên vị guru sự tin tưởng tuyệt đối của mình - nếu đó không phải là ép buộc, nếu đó là sự sẵn sàng buông bỏ của anh ta - vậy thì sự chuyển hóa lớn lao sẽ xuất hiện: môn đệ được chuyển hóa bởi chính sự buông bỏ của mình.
Đây là một hành động quan trọng nhất: buông bỏ hoàn toàn, tự buông bỏ toàn bộ   với một người nào đó khác. Đó không chỉ là sự tin cậy vào một người nào đó khác mà cơ bản là tin chính mình. Bạn không thể tự buông bỏ nếu bạn không đủ tự tin về quyết định của mình, bởi vì đó là quyết định quan trọng - tuyệt đối và vô điều kiện. Bất kỳ khi nào người môn đệ buông bỏ chính mình thì ý chí của người đó cũng sẽ liên quan, và từ ý chí đó mà quyết định nảy sinh. Người môn đệ trở thành một tính cách kết tinh thông qua sự buông bỏ, bởi vì quyết định quá lớn lao, quá toàn bộ, quá tuyệt đối và vô điều kiện.
Không sự buông bỏ nào có thể trở thành điều kiện; không thể có điều kiện với vị guru. Bạn không thể nói, “Nếu thầy thực hiện điều này thì tôi sẽ buông bỏ”. Thế thì đó sẽ không là buông bỏ. Không có “nếu” - bạn buông bỏ toàn bộ. Bạn nói, “Xin hãy thực hiện bất kỳ điều gì thầy muốn. Tôi đang trong tay thầy. Hãy yêu cầu tôi nhảy vào bức tường và tôi sẽ nhảy!”
Chính quyết định quan trọng để buông bỏ hoàn toàn này là sự chuyển hóa và kết tinh. Thái độc của người môn đệ luôn là một sự buông bỏ toàn bộ. Thế rồi vị guru có thể thực hiện bất kỳ điều gì, bởi vì thông qua sự đón nhận toàn bộ của bạn đối với vị đó mà bạn có thể giao cảm với vị đó. Thế rồi dần dần bạn thay đổi.
Vấn đề rất tinh tế, nó rất nhạy cảm. Thay đổi một thực thể sống, thay đổi tính cách con người là điều lớn lao nhất, gian khổ nhất và tinh tế nhất. Tính cách con người rất phức tạp và xung đột, rất nhiều điều bị kìm nén và bị xuyên tạc đến mức để biến đổi nó và làm cho nó nở hoa, biến nó thành một món quà giá trị đối với điều linh thiêng, là một khả năng nghệ thuật hay khoa học kỳ diệu.
Nhưng bạn phải nhớ rằng những gì tôi đã nói luôn xuất phát từ người môn đệ, mà không bao giờ từ vị guru. Nếu điều đó xuất hiện từ vị guru thì Krishnamurti đúng: vậy thì tính guru là một trong những sự lợi dụng tinh vi nhất và hủy hoại nhất. Nhưng Krishnamurti không thực sự đúng, bởi vì buông bỏ chưa bao giờ là một yêu cầu của vị guru; nó là điều kiện cơ bản của tính môn đệ. Không có vị guru hoặc không có mối quan hệ tin cậy thì sự phát triển tâm linh là rất khó. Thực tế, đó là điều không thể.
Có mọi khả năng rằng con người có thể nở hoa mà không có vị guru nào, nhưng người đó cũng sẽ phải buông bỏ, anh ta sẽ phải tin - nếu không tin vào người cụ thể thì cũng tin vào cái toàn bộ. Những yêu cầu cơ bản phải được thực hiện. Cho dù chúng được thực hiện trong mối liên hệ với một người hoặc không thì cũng là thứ yếu.
Tin vào một người dễ hơn tin vào cái toàn bộ. Nếu bạn không tin vào một người thì bạn không bao giờ có thể tin vào tồn tại như vậy. Nếu bạn không thể buông bỏ trong mối quan hệ có tính cách thì bạn không bao giờ có thể buông bỏ với đấng linh thiêng phi tính cách. Cho nên vị guru là một bước đi tới trạng thái mất tính cách, là một cách giúp con người buông bỏ với cái toàn bộ, với chính tồn tại.
Đối với tâm trí con người, mọi mối quan hệ là cá nhân. Đó có thể là tình yêu, có thể là sự kính trọng, có thể là bất kỳ điều gì, nhưng đó là cá nhân. Cho nên bước đầu tiên đi tới sự thực chứng về sự thật, hay sự thực chứng về thực tại vũ trụ cũng buộc phải mang tính cá nhân. Một người nào đó sẽ phải được sử dụng như một là bục nhảy.
Và cũng còn những thứ khác…
Liên quan đến tâm linh thì những lời nói không thể giao tiếp lại rất ý nghĩa. Chính hiện tượng như vậy lại không thể biểu cảm. Nếu bạn nghe nhạc cụ nào đó, bạn không thể truyền đạt ý nghĩa của nó thông qua lời nói. Bạn có thể dùng những từ để đánh giá - tốt, xấu - nhưng chúng không chứa đựng bất kỳ điều gì. Bạn chỉ có thể truyền đạt những cảm nhận của bạn, nhưng điều này cũng rất không thỏa đáng.
Nếu bạn đã nhìn thấy một bông hoa, bạn có thể nói nó đẹp. Nhưng điều đó không truyền đạt bất kỳ điều gì. Những lời nói của bạn không bao giờ truyền đạt nhận biết thực của thời điểm, bởi vì chúng có thể có bất kỳ ý nghĩa nào đối với người được chúng truyền đạt. Con người chưa bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp của bất kỳ bông hoa nào thì sẽ nghe những lời nói của bạn và hiểu ý nghĩa của chúng, nhưng lại không hiểu bất kỳ điều gì, bởi vì lời nói đẹp không mang ý nghĩa gì đến cho người đó.
Ngay cả những khái niệm như là vẻ đẹp cũng không thể biểu cảm toàn bộ - chúng ta chỉ có thể cố để biểu đạt chúng. Những vấn đề tâm linh quá hoàn hảo, quá tĩnh lặng, quá vô hạn đến mức ngôn ngữ làm hủy hoại chúng. Lời nói hạn chế chúng trong một cái vỏ quá hạn hẹp đến mức ý nghĩa không thể được truyền đạt. Chính vì vậy mà tôi đã nói rằng tôn giáo không thể được thuyết giảng.
Tuy nhiên đó là khó khăn, toán học có thể được dạy bởi vì đó là biểu tượng, những biểu tượng có thể được truyền đạt. Vật lý có thể được dạy, bởi vì không có gì không thể biểu đạt về nó. Nhưng bạn càng đến gần hơn với trái tim con người - ví dụ, trong thơ ca - bạn càng cảm thấy rằng những lời nói của bạn đã không chuyển tải được vấn đề, một cái gì đó đã bị để lại phía sau. Cái vỏ có đó nhưng cái thứ bên trong đã bị để lại phía sau. Những lời nói đã chạm tới nhưng ý nghĩa đã ở lại phía sau. Bông hoa đã được nhận, nhưng hương thơm đã không còn ngay lúc nó được trao.
Ngôn ngữ là điểm ở giữa khoa học và tôn giáo. Trong khoa học mọi thứ đều có thể được truyền đạt; trong tôn giáo không gì có thể được truyền đạt. Có ba con đường: khoa học, có nghĩa là lý luận, và có thể biểu đạt; thơ ca và nghệ thuật, nó là xúc cảm, và có thể biểu đạt tới điểm nào đó, mà nếu vượt qua điểm đó thì chúng không thể biểu đạt; và tôn giáo, tâm linh là tuyệt đối không thể biểu đạt. Chính vì vậy mà mối quan hệ giữa người môn đệ và vị guru không phải là mối quan hệ thầy trò.
Tôn giáo không thể được dạy.
Vậy thì làm cách nào có thể truyền đạt? Có hai phương pháp.
Khi bạn đang yêu một người nào đó thì lần đầu tiên những điệu bộ trở nên ý nghĩa. Nỗi đau thầm kín trên nét mặt được phát hiện, nỗi thổn thức mong manh trong đôi mắt được nhận ra và được đoán ra. Trừ khi bạn đang yêu, bạn không bao giờ chú ý tới những điều tinh tế như vậy; bạn nhìn thấy khuôn mặt, nhưng bạn không nhìn thấy toàn bộ sự phức tạp của nó, bạn không nhìn thấy sự thay đổi hình thái liên tục của nó. Bạn nhìn thấy khuôn mặt như là ngoại vi, bạn chưa bao giờ thấy nội dung bên trong nó. Nhưng khi bạn yêu ai đó thì nét mặt không như là một hình ảnh mà là một hình thái sống động. Những chi tiết nhỏ và những thay đổi tinh tế khi biểu cảm được phát hiện và đoán ra. Thậm chí trước khi người yêu nói điều gì đó thì bạn đã biết nó là gì rồi. Thậm chí trước khi người yêu biết rằng chàng (hay nàng) đã cảm nhận một cái gì đó thì bạn có thể đã đoán ra.


No comments:

Post a Comment