April 24, 2013

George Orwell – Tưởng niệm Catalonia (tiếp theo)


13

Trong những tuần cuối cùng, khi tôi còn ở Barcelona, cảm giác ngột ngạt bao trùm lên khắp thành phố - thái độ nghi kị, sợ hãi, bất an và thù hận ngấm ngầm hiện diện khắp nơi. Những vụ đụng độ hồi tháng 5 còn để lại dấu vết chưa phai mờ. Sau khi chính phủ của Caballero đổ, quyền lực rơi vào tay những người cộng sản. Các bộ trưởng cộng sản chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng và mọi người đều tin rằng họ sẽ đập tan các đối thủ chính trị khi có điều kiện, dù là nhỏ nhất. Tôi không tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng nhận thức mù mờ về hiểm nguy, về một chuyện gì đó tồi tệ sắp xảy ra thì lúc nào cũng thường trực trong đầu. Cho dù không có chân trong một hội kín nào, nhưng không khí xung quanh làm người ta có cảm tưởng như mình đang tham gia vào một âm mưu nào đó. Ở các quán xá, chỗ nào cũng thấy người ta thì thầm với nhau, mắt lấm lét, như thể bàn bên đang có một tên chỉ điểm vậy.


Kiểm duyệt báo chí gây ra đủ loại tin đồn. Trong đó có tin chính phủ Negrín-Prieto chuẩn bị thoả hiệp nhằm chấm dứt chiến sự. Lúc đó tôi ngả sang quan điểm như thế vì bọn phát xít đã tiến gần đến Bilbao mà chính phủ thì không có hành động gì nhằm bảo vệ thành phố cả. Cờ xứ Basque tung bay trên khắp thành phố, các cô con gái mang hòm công đức đi quyên tiền trong các quán xá, loa phóng thanh ra rả suốt ngày về “những người bảo vệ anh hùng”, nhưng người dân xứ Basque lại chẳng nhn được một sự trợ giúp nào. Có vẻ như chính phủ đang chơi trò nước đôi. Các sự kiện sau đó chứng tỏ rằng tôi hoàn toàn sai, nhưng vẫn có thể cứu được Bilbao nếu quân đội cộng hoà cố gắng thêm một chút nữa. Tấn công trên mặt trận Aragon, ngay cả nếu không thành công cũng buộc Franco rút bớt quân khỏi Bilbao. Nhưng chính phủ chỉ ra lệnh tấn công khi đã quá muộn, đấy là lúc Bibao đã thất thủ rồi. Lực lượng C.N.T. tung ra rất nhiều truyền đơn, nói: “Hãy cảnh giác!”, ngầm hiểu rằng “có đảng” (tức là đảng cộng sản) đang chuẩn bị đảo chính. Mọi người còn sợ rằng quân phát xít sẽ tràn vào cả Catalonia nữa. Trước đó, trên đường trở lại mặt trận tôi đã trông thấy những chiến tuyến vững chắc, được xây dựng cách mặt trận cả chục cây số, ở Barcelona người ta còn đào cả hầm tránh bom nữa. Ngày nào còi báo động tấn công bằng đường không và đường biển cũng hụ vài lần, phần lớn là báo động giả, nhưng mỗi lần như thế thành phố lại mất điện mấy giờ liền, còn dân chúng thì phải chui xuống hầm. Cảnh sát mật có mặt khắp nơi. Nhà tù lúc nào cũng chật cứng, đấy phần lớn là những người bị bắt sau cuộc đụng độ hồi tháng 5. Ngoài ra, thỉnh thoảng lại có một hai thành viên đảng vô chính phủ hay P.O.U.M. bị bắt. Theo những gì được biết thì chưa có ai bị đưa ra toà hoặc bị kết án, ngay cả kết án là theo “phái Trotskyist” cũng không nốt. Đơn giản là bị tống vào tù, mà thường là biệt giam. Bob Smillie vẫn còn ngồi tù ở Valencia. Chúng tôi chỉ biết rằng cả đại diện tại chỗ của I.L.P. cũng như luật sư bào chữa đều chưa được phép tới thăm anh. Người ngoại quốc trong các Binh đoàn quốc tế bị bắt tù ngày một nhiều hơn. Họ thường bị vu là đào ngũ. Nói chung, hiện nay không hiểu người ta coi dân quân là lính tình nguyện hay lính chính qui. Mấy tháng trước, khi ghi tên, người ta nói rằng dân quân là lính tình nguyện và nếu muốn, có thể được cấp giấy chứng nhận xuất ngũ trong thời gian nghỉ phép. Bây giờ hoá ra chính phủ đã thay đổi thái độ, dân quân cũng được coi là lính chính qui và bị coi là đào ngũ nếu anh ta tìm cách trở về nhà. Nhưng ngay cả chuyện này cũng không có gì là chắc chắn cả. Ở một số khu vực, người ta vẫn cấp giấy xuất ngũ. Ở biên giới, đôi khi người ta công nhận giấy xuất ngũ, nhưng có khi lại không; có người bị tống vào tù là vì như thế. Sau này số người ngoại quốc “đào ngũ” bị tù lên đến hàng trăm, nhưng đa số đã được thả khi dư luận trong các nước đó phản đối dữ dội quá.

Các đơn vị xung kích sục sạo khắp các đường phố, trong khi lực lượng bảo vệ vũ trang vẫn còn chiếm đóng trong các quán café và những ngôi nhà giữ vị trí chiến lược, chiến luỹ và bao cát vẫn xếp đầy xung quanh những toà nhà của P.S.U.C. Người ta dựng lên trong thành phố những trạm kiểm soát, do lực lượng bảo vệ hay cảnh sát vũ trang trấn giữ, để kiểm tra giấy tờ người đi đường. Mọi người đều nhắc tôi không được đưa thẻ dân quân P.O.U.M., chỉ cần trình hộ chiếu và thẻ ra vào khách sạn là được. Nếu họ biết là đã từng phục vụ trong lực lượng dân quân P.O.U.M. là đã nguy hiểm rồi. Thương binh hay dân quân P.O.U.M. đi phép gặp đủ thứ phiền toái, thí dụ như gây khó dễ trong việc nhận lương. Tờ La Batalla vẫn ra, nhưng bị kiểm duyệt đến mức chẳng còn gì mà đọc nữa; tờ Solidaridad và những tờ báo khác của phe vô chính phủ cũng bị kiểm duyệt rất ngặt nghèo. Có luật mới là phần bị kiểm duyệt không được để trắng, phải thay bài khác vào, cho nên nhiều khi không biết phần nào bị cắt xén nữa.

Việc thiếu hụt lương thực thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng đây là giai đoạn tồi tệ nhất. Bột mì khan hiếm, người ta đem trộn những loại rẻ tiền với bột gạo. Binh lính trong trại được phát những mẩu bánh mì trông như ma-tít chèn cửa sổ. Sữa và đường cực kì khan hiếm, thuốc lá không còn, trừ những loại đắt tiền do buôn lậu mà có. Dầu ô liu là thứ người Tây Ban Nha rất hay dùng cũng cực kì khan hiếm. Phụ nữ xếp hàng mua dầu ô liu dài đến nỗi phải đưa các kị sĩ thuộc lực lượng bảo vệ vũ trang ra giữ trật tự, bọn này thỉnh thoảng lại cố tình để ngựa nhẵm vào chân các bà để mua vui. Không có tiền lẻ cũng gây ra phiền toái. Tiền xu bằng bạc đã bị thu hồi, trong khi tiền lẻ mới thì lại chưa có. Người nghèo lại càng khốn khó thêm. Một người phụ nữ có mười đồng bạc có thể phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ mà vẫn không thể mua được gì vì người bán hàng không có tiền lẻ, mà bà ta lại không thể tiêu một lúc cả mười đồng.

Thật khó mà tả được cơn ác mộng của thời đó - đấy là sự bất an đặc thù, sinh ra bởi những lời đồn đại cứ thay đổi luôn soành soạch, bởi báo chí bị kiểm duyệt và sự có mặt của binh lính. Thật khó mà mô tả được vì nước Anh hiện không có những cái làm nên cơn ác mộng đó. Ở Anh thái độ bất dung chính trị chưa phải là hiện tượng đương nhiên. Những vụ kì thị lặt vặt về chính trị dĩ nhiên là có, thí dụ nếu tôi là công nhân mỏ thì tôi không muốn ông chủ biết tôi là đảng viên cộng sản; nhưng khác với châu Âu lục địa, ở Anh hiện tượng “đảng viên trung kiên”, hiện tượng những ông trùm trong nền chính trị còn là của hiếm; khái niệm “tiêu diệt” hay “loại bỏ” tất cả những người bất đồng ý kiến còn chưa được coi là đương nhiên. Nhưng ở Barcelona thì đấy lại là những chuyện đương nhiên. Những người theo phái Stalin đang giữ thế thượng phong, và như thế, những người theo phái Trotskyist bị nguy là đúng rồi. Điều mọi người sợ nhất là sẽ nổ ra một vụ xung đột mới và cũng như trước đây, người ta sẽ lại đổ vấy cho P.O.U.M. và lực lượng vô chính phủ. Nhưng cuối cùng chuyện đó đã không xảy ra. Đôi khi tôi thấy mình dỏng tai nghe xem có tiếng súng không. Dường như thành phố đang bị một thế lực hắc ám đầy sức mạnh nào đó bao phủ vậy. Mọi người đều nhận thấy như thế. Và điều kì lạ là mọi người đều dùng những từ ngữ như nhau để nói về chuyện đó: “Thật kinh khủng. Chẳng khác gì sống trong một nhà thương điên.” Có lẽ tôi không nên nói là mọi người. Một số khách du lịch người Anh, những người chỉ đi từ khách sạn nọ sang khách sạn kia qua khắp nước Tây Ba Nha cỏ vẻ như đã không nhận thấy điều gì bất thường cả. Trên tờ Sunday Express ra ngày 17 tháng 10 năm 1937, bà Hu tước xứ Atholl viết như sau:

Tôi đã đến Valencia, Madrid và Barcelona . . . Trật tự vẫn được giữ vững trong các thành phố này mà không hề thấy sự hiện diện của lực lượng quân sự. Tất cả các khách sạn mà tôi có dịp dừng chân đều không chỉ “bình thường” và “lịch sự” mà còn cực kì tiện nghi nữa, chỉ hiếm bơ và café thôi.

Đặc điểm của các khách du lịch người Anh là họ thực sự không tin rằng bên ngoài những bức tường của các khách sạn sang trọng kia là một đời sống khác hẳn. Hi vọng là người ta đã tìm được bơ cho bà Hầu tước xứ Atholl.

Tôi được đưa tới an dưỡng đường Maurín, một trong những an dưỡng đường do lực lượng P.O.U.M. cai quản. An dưỡng đường này nằm ở ngoại ô, ngay dưới chân dãy núi Tibidabo, một dãy núi có hình thù kì quặc, dựng đứng như một bức tường thành ngay bên ngoài thành phố Barcelona. Truyền thuyết kể rằng quỉ Satan đã đứng trên ngọn núi này và chỉ cho Chúa Jesus vị trí của các nước trên trái đất. Ngôi nhà này trước đây là của một tay tư sản giàu có và đã bị tịch thu trong giai đoạn cách mạng. Đa số người đến đây là các thương phế binh, không thể nào chiến đấu được nữa, thí dụ như bị cụt chân cụt tay. Có cả mấy người Anh: Williams, bị thương ở chân; còn Stafford Cottman, một chàng trai mới có mười tám tuổi thì bị nghi là lao phổi; Arthur Clinton, với cánh tay trái bị thương phải nẹp bằng những cái thanh khá to, người Tây Ban Nha gọi là máy bay. Bà xã nhà tôi vẫn ở lại khách sạn Continental, ban ngày tôi thường trở về Barcelona. Buổi sáng tôi phải đến bệnh viện trung tâm để chạy điện cánh tay bị thương. Cách chữa khá kì quặc – kích thích cơ bắp bằng một loạt xung điện gây tê – nhưng hình như có tác dụng; các ngón tay đã cử động được và đỡ đau hơn. Chúng tôi quyết định tốt nhất là nên quay lại nước Anh ngay khi có điều kiện. Tôi còn yếu lắm, có vẻ như đã mất hẳn giọng nói, còn các bác sĩ thì bảo rằng phải mấy tháng nữa may ra tôi mới phục hồi được sức chiến đấu. Trước sau gì tôi cũng phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, ở lại Tây Ban Nha và ăn những thứ mà người khác đang rất cần là việc làm vô nghĩa. Nhưng động cơ của tôi vẫn chủ yếu là có tính ích kỉ. Tôi muốn rời xa tất cả những thứ này, muốn rời xa không khí nghi ngờ và thù hận chính trị ở đây, rời xa những đường phố đấy lính tráng, những vụ không kích, những giao thông hào, súng máy, rời xa những đoàn tàu điện rền rĩ, những tách trà không sữa, những món ăn đầy dầu ô liu và cảnh thèm thuốc lá - rời xa tất cả những thứ mà tôi tin là một phần của nước Tây Ban Nha ngày nay.

Các bác sĩ ở bệnh viện trung tâm phát cho tôi giấy chứng nhận thương tật. Nhưng để có giấy xuất ngũ, tôi phải trình diện hội đồng y khoa tại một trong những bệnh viện gần mặt trận và sau đó đến tổng hành dinh của P.O.U.M. ở Sietamo để họ đóng dấu vào giấy tờ của tôi. Kopp vừa trở về từ mặt trận, anh tỏ ra rất phấn chấn. Anh đã tham gia vào chiến dịch và nói rằng quân ta sắp chiếm được Huesca rồi. Chính phủ đã đưa quân từ Madrid tới, quân số lên đến ba mươi ngàn, với rất nhiều máy bay yểm trợ nữa. Các đơn vị người Ý mà tôi nhìn thấy trên đường tới Tarragona đã tham gia tấn công vào quốc lộ Jaca, nhưng bị thương vong rất nhiều, mất cả hai chiếc xe tăng. Nhưng Huesca nhất định sẽ thất thủ, Kopp nói như thế. (Lạy chúa tôi! Nó không thất thủ. Cuộc tấn công đã thất bại thảm hại, nếu không kể những trò dối trá trên mặt báo thì chẳng mang lại lợi lộc gì). Trong khi đó Kopp phải đi đến Valencia để gặp người của bộ chiến tranh. Anh có mang theo bức thư giới thiệu của tướng Pozas, chỉ huy tập đoàn quân phương Đông. Ông này giới thiệu Kopp là “người đặc biệt tin cậy” và đề nghị đưa anh vào các đơn vị kĩ thuật (Kopp vốn là kĩ sư). Ngày 15 tháng 6 chúng tôi cùng khởi hành, Kopp đi Valencia, còn tôi đi Sietamo.

Năm ngày sau tôi mới trở lại Barcelona. Chúng tôi tới Sietamo trên một chiếc xe tải vào lúc nửa đêm. Việc đầu tiên khi tới trụ sở của P.O.U.M. là xếp thành hàng, rồi chẳng cần hỏi tên tuổi gì, họ phát ngay súng đạn cho chúng tôi. Có vẻ như sắp bị tấn công và có thể phải gọi lực lượng dự bị bất cứ lúc nào. Tôi có giấy chứng thương, nhưng không nỡ từ chối tham gia với tất cả mọi người. Tôi nằm xuống đất, đầu gối lên hộp đạn, lòng buồn rười rượi. Vết thương đã làm đầu óc tôi mụ mẫm đi – tôi nghĩ cũng là việc bình thường – và khả năng phải nằm dưới tầm hoả lực của đối phương làm tôi vô cùng sợ hãi. Nhưng rồi cái mañana – ngày mai – như thường lệ đã diễn ra và chúng tôi không bị đưa ra mặt trận. Sáng hôm sau tôi mang giấy chứng thương ra trình và xin xuất ngũ.  Phải đi qua khá nhiều nơi và làm đủ thứ thủ tục rắc rối, mệt mỏi. Họ đẩy tôi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ Sietamo qua Barbastro, tới Monzon, rồi quay lại Sietamo để đóng dấu vào giấy chứng thương, sau đó trở về qua ngả Barbastro và Lerida. Toàn bộ phương tiện giao thông đã được trưng dụng cho việc chuyển quân đến mặt trận Huesca, chẳng còn trật tự nào hết. Tôi nhớ đã qua đêm ở những chỗ lạ lùng, khó tưởng tượng nổi – khi thì ngủ trên giường bệnh viện, lúc thì nằm dưới giao thông hào, có hôm lại ngủ trên một chiếc ghế băng hẹp đến mức đang ngủ thì bị rơi xuống đất, còn đến Barbastro thì được ngủ trong nhà tập thể của chính quyền địa phương. Đoạn nào không có đường sắt thì chỉ còn cách đi nhờ xe ô tô tải. Phải đứng đợi hàng tiếng, thậm chí ba bốn tiếng liền; bên cạnh là những người nông dân mệt mỏi, chán chường, tay sách nách mang những bao tải chứa đầy vịt và thỏ, liên tục vẫy tay xin đi nhờ những chiếc xe tải chạy ngang qua. Cuối cùng rồi cũng được một chiếc xe tải nào đó đã lèn chặt người với đủ thứ lỉnh kỉnh như là bánh mì, hòm đạn dừng lại bên đường và cho lên. Chưa có con ngựa nào hất tôi lên cao như những chiếc xe tải này. Chỉ còn cách là ngồi sát và bám chặt vào nhau. Thật xấu hổ khi tôi phát hiện ra là mình yếu đến nỗi không thể trèo được lên ô tô nếu không có người giúp đỡ.

Tôi ngủ một đêm ở bệnh viện Monzon, hội đồng giám định y khoa nằm trong bệnh viện này. Bên cạnh giường tôi nằm là một chiến sĩ thuộc lực lượng xung kích, bị thương vào trán, phía trên mắt bên trái. Anh ta tỏ ra thân thiện và lấy thuốc lá mời tôi. Tôi bảo: “Chút nữa là chúng ta đã bắn vào nhau ở Barcelona rồi”, và cả hai cùng phá lên cười. Điều thú vị là tình cảm người ta thay đổi khi tiến đến gần mặt trận. Tất cả hay gần như tất cả lòng hận thù mang tính đảng phái đã biến mất, không để lại dấu vết gì. Suốt trong thời gian ở mặt trận tôi chưa bao giờ thấy thành viên nào của P.S.U.C. tỏ thái độ thù địch với tôi chỉ vì tôi là quân của P.O.U.M. Thái độ đó chỉ có ở Barcelona hay ở những khu vực cách xa mặt trận. Ở Sietamo có rất nhiều lính xung kích. Họ được đưa từ Barcelona tới để tham gia tấn công vào Huesca. Về nguyên tắc, lực lượng xung kích không dùng để đánh nhau, nhiều người còn chưa ra trận lần nào. Họ là những ông tướng trên các đường phố ở Barcelona, nhưng ở đây họ chỉ là bọn lính mới tò te, bị cả những chú nhóc mới mười lăm tuổi, nhưng đã có thâm niên mặt trận vài tháng, nhìn bằng nửa con mắt.

Tay bác sĩ ở Monzon cũng vẫn làm những động tác như kéo lưỡi ra và đưa chiếc gương nhỏ vào miệng tôi rồi vui vẻ khẳng định rằng tôi sẽ không bao giờ nói bình thường được nữa. Sau đó ông ta kí giấy chứng nhận. Trong khi tôi chờ khám thì trong phòng phẫu thuật người ta thực hiện một ca mổ mà không có thuốc gây mê. Tôi không biết tại sao lại  không gây mê. Ca mổ kéo dài rất lâu, bệnh nhân kêu thét vang trời. Khi tôi ghé vào phòng mổ thì thấy ghế đổ ngổn ngang, trên nền máu và nước đái đọng thành từng vũng.

Những chi tiết của chuyến đi cuối cùng vẫn còn in đậm trong kí ức của tôi. Tôi đã có một tâm trạng khác, tôi chú ý quan sát hơn là mấy tháng trước đó. Tôi đã được giải ngũ, có dấu của sư đoàn 29 và giấy chứng thương của bác sĩ, nói rằngtôi là phế binh”. Tôi được tự do trở về Anh, và vì vậy mà gần như đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội ngắm nhìn lại Tây Ban Nha. Tôi có một ngày đi dạo Barbastro vì mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu đi qua thành phố này. Trước đây tôi chỉ được nhìn lướt qua thành phố và đối với tôi, nó chỉ đơn giản là một phần của cuộc chiến tranh - tất cả đều một màu xám ngoét, bùn lầy, lạnh lẽo và tiếng gầm của những chiếc xe tải, tiếng bước chân của những đoàn quân. Nhưng bây giờ mọi sự đều đã khác. Trong khi đi dạo quanh thành phố tôi đã phát hiện ra những con đường ngoằn nghèo dễ thương, những chiếc cầu đá cũ, những cửa hàng rượu vang với những thùng rượu cao ngang đầu người và tò mò đứng ngắm những người thợ thủ công bên vỉa hè đang làm những chiếc bánh xe bò, những con dao găm, những chiếc thìa bằng gỗ và những chiếc bình đựng nước làm bằng da dê. Tôi nhìn người người thợ làm bình đựng nước bằng da dê và phát hiện ra một điều cực kì thú vị là họ lộn phần lông, chưa hề cạo vào bên trong, hoá ra là người ta uống nước ngâm với lông dê. Tôi đã uống nước đó hàng tháng liền mà không biết. Sát ngoại ô thành phố có một con suối rất nông, nước màu xanh biếc. Một tảng đá lớn với những ngôi nhà đục trong đá đứng sừng sững giữa dòng nước. Có thể nhổ thẳng từ cửa số các ngôi nhà nằm trên độ cao chừng ba mươi mét đó xuống dòng suối bên dưới. Rất nhiều chim bồ câu sống trong vách đá. Ở Lerida tôi còn trông thấy những ngôi nhà đổ nát mà dưới mái hiên có hàng ngàn tổ én, cái nhô ra cái thụt vào, đứng gần trông như những hoa văn trang trí thời Rococo vậy. Điều kì lạ là suốt sáu tháng qua tôi đã không để ý đến những thứ như thế. Bây giờ, sau khi có tờ giấy xuất ngũ trong tay, tôi mới lại cảm thấy mình là một con người, thậm chí còn có vẻ như là một lữ khách nữa.  Đây gần như là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thực sự đang ở Tây Ban Nha, đất nước mà tôi suốt đời mong ước được tới thăm. Khi dạo bước trên những con phố nhỏ yên tĩnh ở Lerida và Barbastro, trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh của nước Tây Ban Nha xưa cũ, những hình ảnh mà qua những lời đồn đại vẫn sống trong trí tưởng tượng của mỗi chúng ta. Đấy là những dãy núi đá lởm chởm màu trắng, những đàn dê, những nhà ngục tối tăm của toà án giáo hội, những toà lâu đài của người Moor, những đàn la chở hàng màu đen đi thành hàng dài ngoằn nghèo, những hàng cây ô liu màu xám và những vuờn chanh, những cô gái choàng khăn đen, ruợu vang vùng Malaga và Alicante, những giáo đường, những vị hồng y giáo chủ, những trận đấu bò tót, những người Di Gan và dạ khúc – tóm lại là nước Tây Ban Nha. Trong tất cả các nước châu Âu thì đây là nước kích thích trí tưởng tượng của tôi nhiều nhất. Chỉ đáng tiếc là, cuối cùng, khi có điều kiện tới đây thì tôi lại chỉ nhìn thấy mỗi cái góc đông bắc nhỏ hẹp này, giữa thời buổi chiến tranh và trong mùa đông giá nữa.

Đêm đã khuya tôi mới về đến Barcelona. Ở đây không có taxi mà an dưỡng đường Maurín lại nằm ở ngoại ô thành phố cho nên tôi đi đến khách sạn Continental để ăn tối trước khi đi tiếp. Tôi nhớ đã nói chuyện với một người hầu bàn hiền hậu về những cái bình gỗ sồi viền đồng đựng bia để rót cho khách. Tôi nói muốn mua một bộ để mang về Anh. Người hầu bàn tỏ vẻ thông cảm và nói: “Vâng, đẹp phải không? Nhưng hiện không thể nào mua được. Không ai làm nữa, không ai làm bất cứ thứ gì nữa. Chiến tranh - tiếc quá!” Chúng tôi đồng ý rằng chiến tranh là đáng tiếc. Tôi lại cảm thấy mình là một lữ khách. Người hầu bàn thân mật hỏi tôi có thích Tây Ban Nha không, có trở lại Tây Ban Nha nữa không? Có, tôi sẽ trở lại Tây Ban Nha. Câu chuyện đầy tinh thần hữu hảo này bám chặt vào trí nhớ của tôi vì nó trái ngược hẳn với những gì diễn ra ngay sau đó.

Vừa bước vào khách sạn tôi đã nhìn thấy bà xã ngồi trong tiền sảnh. Cô ấy đứng dậy và tiến về phía tôi với dáng vẻ rất điềm tĩnh, rồi cô đưa tay choàng lấy cổ tôi và quay sang những người trong phòng với một nụ cười dịu dàng nhất nhưng lại ghé sát vào tai tôi:

“Ra ngay!”
“Sao cơ?”
“Ra khỏi đây ngay!”
“Sao cơ?”
“Đừng đứng ở đây nữa! Anh phải đi ra khỏi đây ngay lập tức!”
“Cái gì? Tại sao? Em định nói gì?”

Cô cầm lấy tay tôi và dẫn ra phía cầu thang. Trên đường đi xuống chúng tôi gặp một người Pháp, tôi sẽ không nói tên vì tuy không liên quan với P.O.U.M. nhưng anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong suốt giai đoạn khó khăn đó. Anh nhìn tôi với nét mặt đầy băn khoăn.

“Nghe đây! Anh không được đến đây. Đi ngay, trốn mau trước khi họ kịp báo cảnh sát.”

Trời đất! vừa đi tới chân cầu thang thì có một nhân viên khách sạn hớt hơ hớt hải lao từ trong thang máy ra, anh này cũng là thành viên P.O.U.M. (nhưng có lẽ ban giám đốc khách sạn không biết, tôi đoán thế), anh ta bảo tôi phải đi ngay. Đến lúc đó tôi vẫn chưa hiểu đã xảy ra chuyện gì.

“Có chuyện quỉ quái gì thế?”, tôi hỏi, sau khi cả hai đã ra đến hè phố.
“Anh chưa nghe thấy gì sao?”
“Chưa. Chuyện gì? Chưa nghe nói gì hết”
“P.O.U.M. đã bị cấm. Họ đã chiếm hết các toà nhà. Hầu như tất cả đều đã bị bắt. Người ta bảo rằng đã tử hình một số người rồi.”

Thế đấy. Phải tìm một chỗ nào đó để nói chuyện. Tất cả các quán café trên đường Ramblas đã đầy cảnh sát, nhưng chúng tôi cũng tìm được một quán café yên tĩnh trên một con hẻm. Bà xã vội vàng kể cho tôi nghe những chuyện đã xảy ra ở đây trong thời gian tôi đi vắng.

Ngày 15 tháng 6 cảnh sát bất ngờ xông vào bắt Andrés Nin ngay trong văn phòng làm việc của ông, chiều hôm đó thì bố ráp khách sạn Falcón và bắt tất cả những người có mặt trong đó, đa số là dân quân đang nghỉ phép. Người ta lập tức biến toà nhà thành nhà tù và chẳng bao lâu sau đã chật cứng tù nhân đủ mọi loại. Ngày hôm sau người ta tuyên bố P.O.U.M. là tổ chức bất hợp pháp và tất cả các văn phòng, các cửa hàng sách báo, nhà nghỉ, trung tâm chữ thập đỏ … đều bị đóng cửa hết. Trong khi đó họ cũng bắt giữ tất cả những người từng có liên hệ với P.O.U.M. Trong vòng một đến hai ngày tất cả hay gần như tất cả bốn mươi Uỷ viên ban chấp hành đều bị bắt giam. Có thể là một hoặc hai uỷ viên đã trốn được, nhưng cảnh sát đã áp dụng một biện pháp đơn giản (cả hai phía tham gia cuộc chiến này vẫn thường xuyên sử dụng biện pháp này) là bắt vợ người đó làm con tin. Không thể nào biết được có bao nhiêu người đã bị bắt. Bà xã nhà tôi nghe nói rằng chỉ riêng ở Barcelona đã có bốn trăm người rồi. Tôi nghĩ rằng ngay cả lúc đó số người bị bắt đã lớn hơn rất nhiều. Họ bắt mà chẳng cần phân biệt gì hết. Thậm chí có trường hợp cảnh sát còn bắt cả những thương binh đang điều trị trong bệnh viện.

Tôi cảm thấy chán nản vô cùng. Sao thế nhỉ? Cấm P.O.U.M. thì tôi có thể hiểu được, nhưng vì sao lại bắt người? Chẳng có lí do gì cả. Chắc là việc cấm P.O.U.M. đã có hiệu lực hồi tố, tức là hiện nay P.O.U.M. bị coi là bất hợp pháp và vì vậy mà tất cả các thành viên của nó đều bị coi là tội phạm. Thường thì chẳng có ai bị khởi tố hết. Trong khi đó, báo chí cộng sản ở Valencia chạy những hàng tít với những câu chuyện về “một âm mưu của bọn phát xít”, về việc liên lạc bằng sóng vô tuyến với quân thù, về những tập tài liệu được viết bằng mực hoá học..v.v.. và .v..v.. Chuyện này tôi đã kể rồi. Đặc biệt là chuyện này chỉ xuất hiện trên báo chí ra ở Valencia mà thôi. Tôi nghĩ sẽ không sai khi nói rằng báo chí ở Barcelona - dù là cộng sản, vô chính phủ hay cộng hoà – không nói một lời nào về việc cấm P.O.U.M. hoặc âm mưu nọ kia. Không phải báo chí Tây Ban Nha mà là báo chí xuất bản ở Anh được đưa đến Barcelona sau đó một hai ngày đã cung cấp cho độc giả cáo trạng chống lại những nhà lãnh đạo P.O.U.M. Lúc đó chúng tôi cũng không biết rằng chính phủ Tây Ban Nha không phải là người đưa ra cáo trạng về tội phản bội hay gián điệp, sau này chính các thành viên chính phủ đã phủ nhận những cáo trạng như thế. Chúng tôi chỉ biết một cách mù mờ rằng các nhà lãnh đạo của P.O.U.M. và có thể là tất cả chúng tôi đều bị kết tội là nhận tiền của bọn phát xít. Có tin đồn là tù nhân đã bị lén lút tử hình ngay trong nhà giam. Nhiều vụ đã bị thổi phồng, nhưng chắc chắn là đã có một vài trường hợp như thế. Nin là trường hợp khó có thể nghi ngờ được. Sau khi bị bắt, Nin được giải về Valencia, sau đó đến Madrid và ngày 21 tháng 6 thì có tin đồn ở Barcelona là ông đã bị bắn. Sau này người ta còn nói cụ thể hơn: Nin đã bị cảnh sát mật bắn chết trong tù rồi vứt xác ra đường. Nhiều người, kể cả Federico Montsenys, một cựu quan chức chính phủ đã nói như thế. Từ đó đến nay không thấy ai nói rằng Nin còn sống nữa. Sau này, khi bị các đoàn đại biểu ngoại quốc khác nhau chấn vấn, chính phủ đã tìm cách chối quanh và thường bảo rằng Nin đã biến mất và họ không biết ông đang ở đâu. Một vài tờ báo còn bịa chuyện nói rằng ông đã trốn sang vùng phát xít kiểm soát. Không có bằng chứng nào như thế cả, còn Irujo, bộ trưởng Bộ tư pháp thì tuyên bố rằng hãng thông tấn Tây Ban Nha đã xuyên tạc bản thông cáo chính thức của ông ta. Dù gì thì gì, một người tù quan trọng như Nin khó mà có cơ hội đào thoát. Tôi nghĩ ông đã bị giết trong tù.

Số vụ bắt bớ ngày càng gia tăng, bắt bớ kéo dài mấy tháng liền, cho đến khi con số người bị bắt lên đến mấy ngàn, đấy là chưa kể những tên phát xít bị bắt giam từ trước. Điều đặc biệt dễ nhận ra là sự lộng hành của cảnh sát cấp dưới. Nhiều người bị bắt một cách phi pháp, một số người được thả theo lệnh của cảnh sát trưởng đã bị bắt lại ngay ở cửa trại giam và bị đưa đến các “nhà tù bí mật”. Điển hình là trường hợp của vợ chồng Kurt Landau. Họ bị bắt vào khoảng ngày 17 tháng 6, Landau “biến mất” ngay sau đó.  Năm tháng sau người vợ vẫn còn bị giam giữ, không có án mà cũng chẳng nhận được tin tức gì của chồng. Bà tuyên bố tuyệt thực, lúc đó bộ trưởng bộ tư pháp mới gửi thư cho bà, nói rằng chồng bà đã chết. Bà được thả ngay lập tức, nhưng cũng ngay lập tức lại bị bắt giam và tống vào ngục. Rõ ràng là, cảnh sát, chí ít là trong thời gian đầu, chẳng thèm quan tâm tới hệ quả của những hành động của họ đối với cuộc chiến. Họ sẵn sàng bắt giam các sĩ quan quân đội đang giữ trọng trách mà không cần lệnh của ai hết. Khoảng cuối tháng 6, José Rovira, tướng chỉ huy sư đoàn 29, bị một nhóm cảnh sát từ Barcelona tới bắt ngay gần chiến tuyến. Các chiến sĩ dưới quyền ông đã cử đoàn đại biểu đến tận Bộ chiến tranh để phản đối. Hoá ra cả bộ trưởng bộ chiến tranh lẫn cảnh sát trưởng đều không nhận được báo cáo về vụ bắt giữ Rovira. Tuy có thể không phải là chi tiết đặc biệt quan trọng nhưng điều làm tôi day dứt hơn cả là các đơn vị ngoài mặt trận không hề hay biết gì về tất cả các sự kiện nói trên. Không có ai ngoài mặt trận biết rằng P.O.U.M. đã bị cấm hoạt động. Tất cả các sở chỉ huy dân quân, các trung tâm chữ thập đỏ của P.O.U.M. và các cơ quan khác vẫn hoạt động bình thường và cho đến tận ngày 20 tháng 6 ở Lerida, cách Barcelona khoảng 160 km, vẫn không ai nghe nói đến những sự kiện đang diễn ra ở đấy. Báo chí ở Barcelona không hề viết một chữ nào về những vụ bắt bớ (báo chí xuất bản ở Valencia với những câu chuyện bịa đặt về hoạt động gián điệp của P.O.U.M. không tới được mặt trận Aragon) và chắc chắn là một trong những lí do bắt giữ tất cả các dân quân P.O.U.M. đang nghỉ phép ở Barcelona là để họ không thể đưa tin ra mặt trận. Lực lượng tăng cường mà tôi đi cùng hôm 15 tháng 6 chắc chắn là đơn vị cuối cùng. Tôi vẫn suy nghĩ nát óc không hiểu họ làm thế nào mà giữ được bí mật, trong khi xe vận tải và những loại xe cộ khác vẫn đi đi về về; nhưng không nghi ngờ gì rằng vẫn giữ được bí mật và sau này nhiều người nói với tôi rằng mấy ngày sau những người ở mặt trận vẫn không hay biết gì. Động cơ thì đã rõ. Cuộc tấn công vào Huesca đã bắt đầu, mà P.O.U.M. vẫn là đơn vị riêng biệt, có thể người ta sợ rằng nếu dân quân P.O.U.M. biết thì họ sẽ không chịu chiến đấu nữa. Nhưng trên thực tế, khi tin tức đến được mặt trận thì những chuyện như thế đã không xảy ra. Trong những ngày đó chắc chắn là có nhiều chiến sĩ đã hi sinh mà không biết rằng báo chí ở hậu phương đã gọi họ là quân phát xít. Đấy là điều khó có thể tha thứ. Tôi biết là người ta thường không cho quân sĩ biết những tin thất thiệt, nguyên tắc này cũng có thể chấp nhận được. Nhưng đưa người ta ra mặt trận mà lại không nói cho người ta biết rằng ở hậu phương đảng của người ta đang bị đàn áp, lãnh đạo của họ bị kết tội phản bội, bạn bè và người thân của người ta bị tống giam, thì lại là chuyện khác được.

Bà xã bắt đầu kể cho tôi nghe về mấy người bạn của mình. Một vài người Anh và người ngoại quốc khác đã kịp thời vượt biên rồi. Williams và Stafford Cottman đã trốn thoát khi an dưỡng đường Maurín bị bố ráp và đang lẩn trốn ở đâu đó. John McNair cũng đã bỏ trốn, anh này đã sang Pháp nhưng lại quay về Tây Ban Nha sau khi P.O.U.M. bị coi là tổ chức bất hợp pháp. Mạo hiểm đấy, nhưng anh không thể sống trong cảnh thanh bình khi các đồng chí của mình gặp nguy hiểm. Còn những người khác thì chỉ đơn giản là: “Họ đã bắt trong hoàn cảnh như thế, như thế.” Có vẻ như họ đã bắt được tắt cả mọi người rồi. Nhưng việc họ bắt George Kopp đã làm tôi choáng váng.

“Sao? Cả Kopp nữa à? Anh nghĩ là anh ta ở Valencia?”

Hoá ra là Kopp đã quay lại Barcelona với một bức thư của bộ chiến tranh gửi cho viên đại tá chỉ huy các đơn vị kĩ thuật ở mặt trận phía đông. Anh biết là P.O.U.M. đã bị cấm hoạt động, dĩ nhiên là như thế, nhưng có thể anh không nghĩ rằng cảnh sát lại ngu đến mức bắt người đang trên đường ra mặt trận để thi hành một nhiệm vụ quân sự cấp bách. Anh ghé vào khách sạn Continental để lấy ba lô, lúc đó vợ tôi đang đi vắng, nhân viên khách sạn tìm cách giữ chân anh cho đến khi cảnh sát tới. Tin Kopp bị bắt làm tôi tức điên lên được. Anh là bạn của tôi, anh là người chỉ huy của tôi suốt mấy tháng liền. Chúng tôi đã ở bên nhau dưới làm đạn của quân thù và tôi biết khá nhiều chuyện về anh. Anh là người đã hi sinh tất cả - gia đình, tổ quốc, đời sống tiện nghi - để đến Tây Ban Nha nhằm chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít. Bí mật rời khỏi nước Bỉ và tham gia quân đội nước ngoài trong khi anh đang là lực lượng trù bị của Bỉ, và trước đó anh đã giúp đỡ bí mật sản xuất vũ khí cho chính phủ Tây Ban Nha, nếu một mai Kopp trở về cố quốc thì đấy sẽ là những tội lỗi phải trả giá bằng nhiều năm tháng tù đầy. Anh đã ra trận từ tháng 10 năm 1936 và đã tiến từ một dân quân bình thường lên đến cấp bậc thiếu tá, tôi không biết anh đã chiến đấu trong bao lâu, nhưng đã có lần bị thương. Trong những vụ lộn xộn hối tháng 5, chính mắt tôi đã nhìn thấy Kopp đứng ra ngăn cản một vài vụ nổ súng trong khu vực và như vậy là anh đã cứu sống từ mười đến hai mươi người. Họ đã trả công bằng cách tống anh vào tù. Tức giận chỉ làm mất thì giờ, nhưng ngu đến mức như thế thì khó ai có thể bình tĩnh được.

Họ vẫn chưa bắt bà xã nhà tôi. Mặc dù cô ấy vẫn trong khách sạn Continental nhưng cảnh sát chưa động tới. Chắc chắn là họ đang dùng cô làm một cái bẫy. Cách đây vài ngày, khi trời vẫn còn chưa sáng hẳn, có sáu cảnh sát mặc thường phục xông vào phòng của chúng tôi thuê trong khách sạn. Họ lục soát và lấy đi tất cả giấy tờ, may là họ còn để lại hộ chiếu và sổ tín dụng. Họ tịch thu tất cả các cuốn nhật kí, tất cả sách vở của tôi; cả những mẩu báo cắt từ những tờ báo ra cách đây mấy tháng (tôi không biết họ lấy để làm gì), cả những vật kỉ niệm chiến trường và thư từ của chúng tôi họ cũng không tha. (Cảnh sát tịch thu cả những bức thư của độc giả gửi cho tôi. Có một số bức tôi chưa kịp hồi âm, và dĩ nhiên là tôi cũng không có địa chỉ người gửi. Không hiểu những người đã viết cho tôi về cuốn sách mới ra gần đây của tôi mà không nhận được hồi âm, khi đọc những dòng này có coi đây là là lời tạ lỗi hay không?) Sau này tôi mới biết rằng cảnh sát còn tịch thu cả những thứ tôi bỏ lại ở an dưỡng đường Maurín nữa. Họ mang đi cả những tấm vải trải giường đã bẩn. Có lẽ họ nghĩ rằng trên đó có những bức thư viết bằng mực hoá học.

Bà xã nhà tôi cứ ở lại khách sạn thì sẽ an toàn hơn, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nếu cô có ý định đi khỏi đây thì họ sẽ theo dõi ngay. Còn tôi thì phải trốn cho mau. Viễn cảnh quả là ngán ngẩm. Mặc dù đã có vô số vụ bắt bớ, tôi vẫn không thể tin là mình đang gặp nguy hiểm. Tất cả đều có vẻ quá nhảm nhí. Chính vì không chịu cân nhắc một cách nghiêm túc những vụ bắt bớ ngu ngốc này mà Kopp đã bị tống vào tù. Nhưng tôi tự hỏi vì sao người ta lại muốn bắt tôi? Mình phải làm gì bây giờ? Tôi không chỉ là thành viên của P.O.U.M. Đúng là trong thời gian diễn ra những vụ xung đột hồi tháng 5 tôi đã mang súng, nhưng lúc đó có chừng bốn năm chục ngàn người mang súng như tôi. Ngoài ra, tôi buồn ngủ quá rồi. Tôi định đi vào khách sạn đánh một giấc, nhưng bà xã nhất định không chịu. Cô đã nhẫn nại giải thích cho tôi toàn bộ tình hình. Vấn đề không phải là tôi đã làm hay không làm một việc gì đó. Vấn đề không phải là săn lùng tội phạm mà là chế độ khủng bố. Tôi không có tội gì ngoài tội theo phái Trotskyist. Chỉ một việc là chiến đấu trong hàng ngũ dân quân P.O.U.M. cũng đủ để người ta bắt giam tôi rồi. Bám vào khái niệm của nước Anh - người không phạm pháp là người vô tội - là việc làm vô ích. Ở đây, luật pháp là do cảnh sát quyết định. Chỉ còn cách là đi trốn và xoá sạch dấu vết liên hệ với P.O.U.M. Chúng tôi xem lại tất cả giấy tờ đang giữ trong túi áo. Bà xã bắt tôi phải xé thẻ quân nhân có chữ P.O.U.M. in to bên trên, xé tấm ảnh chụp mấy chiến hữu trên nền lá cờ P.O.U.M.; đấy là những thứ mà hôm nay có thể đưa người ta vào tù. Nhưng tôi phải giữ lại giấy chứng nhận xuất ngũ. Mặc dù trên những tờ giấy này có đóng dấu của sư đoàn 29, mà cảnh sát có thể biết rằng sư 29 là quân của P.O.U.M., nhưng nếu không mang theo những giấy tờ này thì tôi lại có thể bị bắt vì tội đào ngũ.

Bây giờ phải nghĩ cách chuồn khỏi Tây Ban Nha. Trước sau gì cũng vào tù thì ở lại đây là việc làm vô nghĩa. Sự thật là cả hai chúng tôi đều rất muốn ở lại, đơn giản để xem sẽ xảy ra chuyện gì. Tôi biết là nhà tù Tây Ban Nha thật là kinh khủng (nhưng trên thực tế còn tệ hơn tôi tưởng tượng nhiều), đã vào tù thì sẽ không biết bao giờ ra, mà tôi thì đang rất yếu, đấy là chưa nói cánh tay lại đang bị đau. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau ở lãnh sự quán Anh vào ngày hôm sau, Cottman và McNair cũng sẽ đến đó. Có thể phải mất vài ngày mới thu xếp xong hộ chiếu. Trước khi rời Tây Ban Nha, cần phải xin được dấu ở ba nơi khác nhau, đấy là văn phòng cảnh sát trưởng, lãnh sự quán Pháp và cơ quan xuất nhập cảnh Catalonia. Văn phòng cảnh sát trưởng dĩ nhiên là chỗ nguy hiểm rồi. Nhưng chúng tôi hi vọng là lãnh sự Anh có thể giải quyết được mà không để lộ mối liên hệ của chúng tôi với P.O.U.M. Chắc chắn là cảnh sát có danh sách những người ngoại quốc bị nghi là theo phái Trotskyist và có nhiều khả năng là chúng tôi có tên trong bản danh sách này, nhưng nếu gặp may thì chúng tôi có thể ra khỏi biên giới trước khi người ta lập xong danh sách. Ở đây mọi thứ bao giờ cũng lộn xộn và bê trễ lắm. Đây là Tây Ban Nha chứ không phải Đức. Cảnh sát mật Tây Ban Nha cũng tương tự như Gestapo nhưng năng lực thì kém xa.

Chúng tôi chia tay nhau. Bà xã quay lại khách sạn, còn tôi lang thang trong bóng đêm để tìm chỗ ngủ. Buồn bã và chán nản vô cùng. Chỉ muốn có một cái giường để ngả lưng! Không biết đi đâu, không biết trốn vào đâu. Thực tế là P.O.U.M. không có các tổ chức bí mật. Chắc là các nhà lãnh đạo của nó đã nghĩ đến khả năng bị cấm đoán, nhưng không bao giờ họ lại nghĩ là đàn áp sẽ biến thành vụ săn lùng phù thuỷ triệt để đến như thế. Quả thật là họ không nghĩ như thế, cho nên đến tận ngày bị đặt ra ngoài vòng pháp luật họ vẫn còn tiếp tục cải tạo những toà nhà do P.O.U.M. chiếm giữ (trong đó có việc dựng một rạp chiếu phim trong toà nhà dùng làm văn phòng của P.O.U.M.). Kết quả là P.O.U.M. không có những điểm hẹn và những nơi ẩn náu bí mật mà đương nhiên đảng cách mạng nào cũng phải có. Chỉ có trời mới biết có bao nhiêu người - những người mà nhà ở đang bị cảnh sát lục soát - phải ngủ ngoài trời đêm nay. Tôi đã trải qua một cuộc hành trình vất vả dài suốt năm ngày, đã qua đêm ở những chỗ khó tưởng tượng nhất, cánh tay thì nhức buốt không thể nào chịu nổi, thế mà bọn ngu ngốc đó lại đang săn lùng tôi và tôi sẽ lại phải nằm ngủ ngoài đường. Đầu óc chỉ quanh quẩn những chuyện như thế. Không còn sức đâu để nghĩ đến chính trị chính em nữa. Đấy là cách phản ứng của tôi. Tôi nhận thấy là khi bị dính líu vào chuyện chiến tranh hay chính trị là y như rằng bao giờ tôi cũng chỉ nghĩ đến những thiếu thốn về mặt vật chất và chỉ mong sao cho những chuyện vô nghĩa khốn nạn đó chấm dứt cho mau mà thôi. Sau này tôi có thể đánh giá được tầm quan trọng của những sự kiện đó, nhưng khi chúng đang diễn ra thì tôi lại chỉ muốn tránh cho xa. Thái độ tiểu nhân, có thể như thế lắm.

Tôi đi khá xa và đã đến gần khu vực bệnh viện trung tâm. Tôi muốn tìm một chỗ ngả lưng mà không sợ bị cảnh sát đến hỏi giấy tờ. Tôi đã thử chui vào một hầm trú ẩn, nhưng đấy là cái hầm mới, tường còn ấm ướt lắm. Tôi tìm được một ngôi nhà thờ đổ, trong những ngày cách mạng ngôi nhà thờ này bị cướp và đốt sạch. Chỉ còn cái vỏ với bốn bức tường, không có mái, xung quanh đầy gạch vụn.  Quờ quạng mãi trong bóng đêm tôi mới tìm thấy một chỗ như cái hang để nằm. Gạch vụn đâm vào lưng rất khó chịu nhưng may mà trời ấm và tôi đã ngủ được mấy tiếng.

No comments:

Post a Comment