14
Đối với những người bị cảnh sát truy nã ở những thành phố như Barcelona thì
khó chịu nhất là các cửa hàng, cửa hiệu đều mở rất muộn. Khi phải ngủ ở ngoài
đường, bao giờ người ta cũng dậy ngay từ lúc rạng đông, nhưng ở đây không có
quán café nào mở cửa trước chín giờ sáng. Phải mấy tiếng đồng hồ sau tôi mới cạo
được râu hay uống được một li café. Những bức tranh cổ động của phe vô chính phủ
treo trên tường hiệu cắt tóc, bảo cấm đưa tiển lót tay, giờ trông thật khôi
hài. “Cách mạng đã chặt đứt gông xiềng”, tranh cổ động viết như thế. Tôi chỉ muốn
nói với người thợ cắt tóc rằng nếu họ không cẩn thận thì chẳng bao lâu nữa gông
xiềng sẽ lại quay về mất thôi.
Tôi đi lang thang về phía trung tâm thành phố. Cờ đỏ đã bị gỡ khỏi những
toà nhà của P.O.U.M., thay vào đó là cờ của chính phủ cộng hoà,
lính gác của lực lượng bảo vệ vũ trang thấp thoáng bên trong. Cửa sổ toà nhà hội
chữ thập đỏ trên quảng trường Cataluna gần như không còn một tấm kính
nào. Cảnh sát đã đập hết, để mua vui. Các quán sách báo của P.O.U.M.
sạch trơn, không còn cuốn nào, trên tấm biển quảng cáo đối diện với phố Ramblas
có một bức biếm hoạ - P.O.U.M. mang một cái mặt nạ, đằng
sau là mặt của một tên phát xít. Khi đi đến cuối phố Ramblas, tức là sát bờ biển,
tôi bắt gặp một cảnh tượng kì lạ: một đám dân quân rách rưới, bẩn thỉu, mệt mỏi,
ngồi đợi trên những chiếc ghế ngay trước hiệu đánh giày. Tôi biết họ là ai rồi,
thậm chí còn nhận ra cả một người quen nữa. Đấy là những dân quân của P.O.U.M., những người mới rời mặt trận ngày hôm trước, nhưng nay
P.O.U.M. đã bị cấm hoạt động. Họ phải ngủ ngoài đường vì nhà đã bị lục
soát. Dân quân của P.O.U.M. trở về Barcelona vào thời
gian đó chỉ có hai lựa chọn: chạy trốn hoặc vào tù. Cảnh đón tiếp chẳng lấy gì
làm thú vị, nên nhớ rằng trước đó họ đã ở ngoài mặt trận ba bốn tháng liền.
Chúng tôi rơi vào một hoàn cảnh thật là chớ trêu. Ban đêm chúng tôi phải lẩn
trốn, nhưng ban ngày có thể sống một cách bình thường. Tất cả những ngôi nhà có
người ủng hộ P.O.U.M. cư trú cũng đều bị theo dõi, hoặc
có vẻ như bị theo dõi. Vào khách sạn hay nhà nghỉ cũng không được vì chủ nhà được
lệnh khi có người lạ phải báo ngay cho cảnh sát. Trên thực tế, điều đó có nghĩa
là chỉ còn cách ngủ ngoài đường. Nhưng với thành phố cỡ như Barcelona, ban ngày
lại khá an toàn. Ngoài đường đầy bảo vệ vũ trang, lực lượng xung kích, cảnh sát
vũ trang cũng như cảnh sát thường; rồi chỉ có Trời mới biết có bao nhiêu mật vụ
mặc thường phục đang lởn vởn khắp nơi. Nhưng họ không thể hỏi giấy tờ tất cả mọi
người được và người bình thường có thể vẫn thoát được sự dòm ngó của họ. Chỉ cần
tránh xa những toà nhà của P.O.U.M. và không được đến
các quán café hay khách sạn mà nhân viên biết rõ mặt mình là được. Tôi ngồi
trong nhà tắm công cộng gần suốt ngày hôm đó cũng như ngày hôm sau. Đấy là cách
giết thì giờ hữu hiệu mà lại không bị người ta để ý. Không may là nhiều người
cũng nghĩ như thế và mấy ngày sau - đấy là nói khi tôi đã rời Barcelona rồi - cảnh
sát đã bố ráp một nhà tắm công cộng và bắt được khá nhiều thành viên nhóm
Trotskyist trong tình trạng khoả thân.
Đang đi trên phố Ramblas thì tôi bắt gặp một thương binh từng nghỉ ở an dưỡng
đường Maurín. Chúng tôi nháy mắt ra hiệu cho nhau, lúc đó người ta vẫn chào
nhau như thế, và tìm cách gặp được nhau trong một quán café cũng nằm trên con
phố này. Anh đã chạy thoát khi cảnh sát bố ráp an dưỡng đường Maurín; nhưng,
cũng như những người khác, anh trở thành kẻ vô gia cư. Anh chỉ có mỗi một chiếc
áo sơ mi – phải vất lại cả áo vét khi bỏ chạy – túi không có xu nào. Anh kể cho
tôi nghe lính bảo vệ vũ trang đã giật bức chân dung khá lớn của Maurín vẫn treo
trên tường toà nhà và xéo nát như thế nào. Maurín (một trong những người sáng lập
P.O.U.M.) bị bọn phát xít bắt và người ta tin rằng lúc
đó ông đã bị chúng giết rồi.
Tôi gặp bà xã ở lãnh sự quán Anh vào lúc mười giờ sáng. McNair và Cottman
cũng đến ngay sau đó. Họ nói rằng Bob Smillie đã chết. Anh chết trong nhà tù ở
Valencia, còn vì sao thì không ai biềt. Người ta đem anh đi chôn ngay, David
Marray, đại diện của I.L.P. tại địa phương, cũng không
được nhìn thấy xác của anh.
Dĩ nhiên tôi nghĩ ngay là chúng đã bắn chết Smillie. Lúc đó mọi người đều nghĩ như thế. Nhưng bây giờ tôi cho rằng có thể mình đã lầm. Sau này người ta nói rằng anh chết là do ruột thừa, một tù nhân được thả sau đó nói rằng Smillie đã bị ốm. Cho nên câu chuyện về bệnh ruột thừa có thể là đúng. Còn việc Murray không được nhìn thấy xác của Smillie có thể chỉ vì ác ý mà thôi. Bob Smillie mới có hai mươi hai tuổi, anh là một trong những những người
khoẻ nhất mà tôi từng gặp. Tôi nghĩ anh là người duy nhất, kể cả người Anh lẫn người Tây Ban Nha, đã ở chiến hào suốt ba tháng liền mà không bị ốm ngày nào. Những người khoẻ mạnh như thế ít khi chết vì bệnh ruột thừa, đấy là nói nếu được chăm sóc tử tế. Nhưng nếu nhìn thấy nhà tù Tây Ban Nha – nhà tù thường phạm được cải tạo lại để giam chính trị
phạm - thì không ai còn nghĩ rằng người bệnh được chăm sóc tử tế nữa. Có thể coi những nhà tù này là ngục tối thời trung cổ. Phải quay lại thế kỉ XVIII mới tìm được những nhà tù kiểu như thế ở Anh. Nhiều người bị lèn vào những phòng chật hẹp, đến nỗi không có chỗ mà nằm, đấy thường là các tầng hầm hoặc những chỗ tối tăm khác. Đây không phải là những biện pháp tạm thời, có người bị giam trong những phòng hầu như không có ánh sáng suốt năm sáu tháng liền. Thức ăn thì bẩn và thiếu: hai bát súp với hai mẩu bánh mì mỗi ngày. (Sau đó vài tháng thức ăn có vẻ như đã được cải thiện một chút). Tôi không nói ngoa, độc giả nào không tin xin cứ hỏi những người đã từng ngồi tù ở Tây Ban Nha thì sẽ biết. Tôi có bằng chứng về nhà tù Tây Ban Nha từ nhiều nguồn khác nhau, những bằng chứng này giống nhau đến mức ta buộc phải tin vào tính chân thực của chúng. Ngoài ra, chính tôi cũng đã vào nhà tù Tây Ban Nha vài lần rồi. Một ông bạn người Anh khác, bị đi tù sau đó một thời gian, viết rằng sự trải nghiệm “giúp anh ta dễ dàng hiểu được trường hợp của Smillie hơn.” Smillie chết là việc khó mà tha thứ được. Chàng trai dũng cảm và đầy tài năng này đã từ bỏ con đường hoạn lộ ở trường đại học Glasgow để lên đường chiến đấu chống lại bè lũ phát xít. Ngoài mặt trận, anh có thái độ tốt và dũng cảm không chê vào đâu được. Chính mắt tôi là người chứng kiến tất cả những chuyện đó. Thế mà để đáp lại, họ đã tống anh vào tù và để anh chết thảm chẳng khác gì một con chó hoang. Tôi biết rằng giữa lúc đang đánh nhau dữ dội và đẫm máu như thế này thì gây ồn ào về cái chết của một người là việc làm vô ích. Một
quả bom thả từ trên không xuống một dãy phố đông người còn gây ra nhiều đau khổ
hơn hàng loạt vụ bắt bớ chính trị. Nhưng điều làm người ta căm hận là Smillie
và những người tương tự như anh đã chết một cách hoàn toàn phi lí. Bị giết trên
chiến trường là chuyện đương nhiên, người ta sẵn sàng chấp nhận; nhưng bị tống
vào tù chỉ vì lòng thù hận mù quáng rồi bị bỏ mặc cho chết trong cảnh cô đơn lại
là chuyện khác. Tôi không biết những việc làm như thế - trường hợp của Smillie không phải là ngoại lệ - làm sao có thể mang lại chiến thắng được.
Hai
vợ chồng tôi đến
thăm
Kopp ngay chiều
hôm
đó. Có thể đến thăm những người tù không bị biệt giam, nhưng sẽ không an toàn nếu
đến quá một hai lần. Cảnh sát theo dõi việc ra vào nhà tù, những người đến thường
xuyên bị coi là cảm tình với Trotskyist và có thể bị bỏ tù. Nhiều người đã bị
như thế.
Kopp không bị biệt giam, chúng tôi được phép gặp anh mà không gặp phải khó
khăn gì. Khi được đưa qua cánh cửa sắt nhà giam tôi đã trông thấy một dân quân
người Tây Ban Nha mà tôi đã quen từ hồi còn ở mặt trận đang được hai lính bảo vệ
vũ trang giải đi. Bốn mắt gặp nhau, chúng tôi cùng bí mật chào nhau. Người đầu
tiên chúng tôi gặp trong tù là một dân quân người Mĩ. Anh này được cho về nhà
cách đây vài hôm, giấy tờ đủ cả nhưng bị bắt ở biên giới, có thể là vì anh vẫn
mặc quần nhung, mà họ coi là sắc phục của dân quân. Chúng tôi bước ngang qua
nhau như những người hoàn toàn xa lạ. Cảm giác thật kinh khủng. Tôi quen anh đã
nhiều tháng nay, chúng tôi đã từng cùng ngủ trong một căn hầm, anh đã khiêng
tôi ra khỏi mặt trật khi tôi bị thương. Nhưng bây giờ không thể làm khác được.
Lính bảo vệ mặc quân phục màu xanh có mặt khắp nơi. Muốn sống thì chớ làm ra bộ
biết nhiều người ở đây.
Phòng giam là tầng hầm của một cửa hàng. Gần một trăm con người chen chúc nhau trong hai phòng, mỗi phòng chừng hai mươi mét vuông. Chẳng khác gì những nhà giam hồi thế kỉ XVIII, vẫn được vẽ trên những tờ lịch treo tường. Ẩm ướt, bẩn thỉu, rất nhiều người, không giường phản - chỉ có nền đá, một cái ghế dài và mấy tấm nệm rách – ánh sáng lờ mờ vì của sổ đã bị bít bằng những tấm thép đục lỗ như mắt sàng. Trên những bức tường màu xám vẫn còn những khẩu hiệu cách mạng: “P.O.U.M. muôn năm!”, “Cách mạng muôn năm!” Chỗ này được dùng để giam chính trị phạm
được mấy tháng nay rồi. Ồn ào tưởng muốn vỡ màng nhĩ. Đây là giờ thăm nuôi, chật cứng người, đi lại rất khó khăn. Hầu như tất cả đều thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ nhất. Tôi đã trông thấy những người phụ nữ đang mở những cái túi đựng thức ăn thăm nuôi lép kẹp. Có cả mấy thương binh đã nghỉ ở an dường đường Maurín cũng bị giam ở đây. Hai người bị cưa chân, mà một người thì không có nạng, đành phải nhảy lò cò mỗi khi muốn di chuyển. Có cả một thằng bé chưa đến mười hai tuổi, chắc là họ bắt giam cả trẻ con. Mùi hôi nồng nặc, những chỗ đông người mà không có điều kiện vệ sinh thì bao giờ cũng hôi hám như thế
cả.
Kopp chen lấn một lúc mới ra được chỗ chúng tôi. Khuôn mặt đầy đặn, tươi tỉnh
của anh trông vẫn như xưa; ở một chỗ bẩn thỉu như thế này mà anh vẫn giữ được
quần áo tươm tất, lại còn cạo được cả râu. Còn một người mặc đồng phục sĩ quan
Quân đội Nhân dân nữa. Anh ta và Kopp vừa chen lấn vừa giơ tay chào nhau, trông
có vẻ khôi hào thế nào ấy. Kopp có vẻ rất phấn chấn. “Tớ ngờ rằng chúng tớ sẽ bị
bắn hết”, anh vui vẻ nói. Tôi thấy nhột
khắp người khi nghe anh nói từ “bắn”. Tôi bị trúng đạn cách đây chưa lâu, cảm
giác vẫn còn sống động trong trí nhớ. Chẳng thú vị gì khi nghĩ rằng điều đó sẽ
xảy ra với những người thân quen với mình. Lúc đó tôi tin rằng tất cả những nhà
lãnh đạo của P.O.U.M., trong đó Kopp, đều sẽ bị bắn. Đấy
là lúc có tin là Nin đã chết, chúng tôi cũng biết rằng P.O.U.M.
bị kết tội phản bội và hoạt động gián điệp. Tất cả các sự kiện đều cho thấy sẽ
có một phiên toà bịa đặt với rất đông bị can và sau đó là vụ giết hại hàng loạt
những người Trotskyist chủ chốt. Thật là kinh khủng khi phải chứng kiến cảnh
người bạn ở trong tù mà mình không thể nào giúp đỡ được. Vì không thể làm được
gì. Kêu gọi chính phủ Bỉ cũng vô ích vì bỏ nước ra đi là Kopp đã phạm luật rồi.
Tôi phải để bà xã nói chuyện là chính, trong khung cảnh như thế này anh sẽ
không thể nào nghe được giọng nói the thé của tôi. Kopp kể cho chúng tôi nghe về
những người bạn mà anh mới kết thân trong tù, về lính gác, một số lính gác là
người tốt, nhưng cũng có người chửi mắng và đánh đập tù nhân, thức ăn thì chẳng
khác gì cám lợn. May là chúng tôi có đem theo một bọc đồ ăn và cả thuốc lá nữa.
Sau đó Kopp kể về số giấy tờ mà họ đã tịch thu khi bắt anh. Trong đó có bức thư
của ông Bộ trưởng chiến tranh gửi cho viên đại tá chỉ huy lực lượng kĩ thuật ở
mặt trận phía Đông. Cảnh sát đã tịch thu mà không chịu trả lại, nghe nói nó nằm
trong văn phòng của cảnh sát trưởng. Nếu tìm được thì hoàn cảnh của Kopp có thể
sẽ khác.
Tôi nhận thức ngay được tầm quan trọng của bức thư này. Bức thư với lời giới
thiệu của Bộ trưởng chiến tranh và tướng Pozas sẽ cho người ta thấy Kopp là một
người rất đáng tin cậy. Nhưng vấn đề là phải chứng minh được rằng Kopp đã mang
theo người một bức thư như thế, nếu văn phòng cảnh sát trưởng đã mở bức thư thì
chắc chắn mật thám đã tiêu huỷ rồi. Chỉ có một người có thể lấy lại bức thư, đấy
là người nhận. Kopp đã nghĩ đến chuyện này và anh đã viết một bức thư, nhờ tôi
mang ra và gửi theo đường bưu điện. Nhưng tôi nghĩ nhanh nhất và bảo đảm nhất
là tự mình mang đến gặp viên đại tá. Để bà xã ngồi lại với Kopp, tôi lao vội ra
ngoài và sau một hồi tìm kiếm tôi đã bắt được một chiếc taxi. Tôi biết rằng thời
gian là tất cả. Bây giờ là năm giờ rưỡi, đại tá có thể sẽ rời văn phòng vào lúc
sáu giờ; còn ngày mai thì có Trời mới biết bức thư sẽ nằm ở đâu - bị xé hay bị
thất lạc giữa hàng đống giấy tờ của những người bị bắt. Văn phòng của đại tá nằm
ở Cục phòng vệ, gần cầu cảng. Tôi đang lao lên bậc tam cấp thì bị một lính xung
kích đưa báng súng dài ngoẵng của anh ta ra chặn đường và đòi “giấy tờ”. Tôi
giơ giấy xuất ngũ của mình ra. Có lẽ anh ta không biết đọc, nhưng bị mấy mảnh
giấy làm cho choáng váng nên đã cho tôi vào. Bên trong là những toà nhà to và rắc
rối, bao quanh một cái sân, với hàng trăm văn phòng làm việc trên mỗi tầng. Vì
đây là Tây Ban Nha nên không ai biết văn phòng tôi cần tìm nằm ở đâu. Tôi luôn
mồm nói: “El coronel —, jefe de ingenieros, Ejército de Este!”[1].
Tất cả những người tôi gặp đều mỉm
cười và nhún vai một cách rất tao nhã. Mỗi người chỉ theo một hướng. Hết lên rồi
xuống, rồi lại đi theo những hành lang dài bất tận để cuối cùng vào một ngõ cụt.
Mà thời gian thì cứ thế trôi. Tôi có cảm giác như đang rơi vào một cơn ác mộng:
chạy lên rồi lao xuống cầu thang, thấy những người bí ẩn đi dọc hành lang, ngó
vào những văn phòng, giấy tờ vương vãi khắp nơi, tiếng máy chữ lạch cạch. Mà thời
gian thì cứ trôi, trong khi cuộc sống của một người lại như đang treo trên đầu sợi
tóc.
Nhưng tôi đã đến kịp và lấy làm ngạc nhiên là người ta đã tiếp tôi. Tôi
không được gặp đại mà chỉ gặp viên sĩ quan tuỳ tùng hay thư kí của ông ta thôi.
Đấy là một người nhỏ bé, mặc bộ quân phục may vừa khít, đôi mắt to và lác. Anh
ta ra hẳn phòng ngoài để tiếp tôi. Tôi bắt đầu kể câu chuyện của mình: Tôi được
cấp trên cử đến đây, đấy là thiếu tá Jorge Kopp, người được phái ra mặt trận với
một nhiệm vụ khẩn cấp, nhưng do nhầm lẫn nên đã bị bắt. Bức thư mà thiếu tá
mang đến cho đại tá là tài liệu mật và phải thu hồi ngay lập tức. Tôi đã chiến
đấu cùng với Kopp suốt mấy tháng liền, đấy là một sĩ quan tuyệt vời, chắc chắn
là có sự nhầm lẫn, cảnh sát đã nhầm anh với ai đó ..v.v. Tôi khẳng định rằng
nhiệm vụ của Kopp là cực kì cấp bách, đấy chính là át chủ bài của tôi. Nhưng
câu chuyện, khi thì bằng tiếng Tây Ban Nha ngọng ngịu, lúc lại chuyển sang tiếng
Pháp chắc chắn là nghe cũng khá kì quặc. Tệ hại nhất là tôi bị mất giọng ngay từ
đầu và cố gắng lắm tôi cũng chỉ phát ra những âm thanh khò khè. Tôi sợ nhất là
sẽ mất hẳn gịong và người sĩ quan nhỏ bé này sẽ chán. Sau này tôi thường tự hỏi
không biết anh ta nghĩ thế nào: tôi say hay là lúng túng vì lương tâm không
trong sáng.
Nhưng anh đã kiên nhẫn nghe tôi nói đến cùng, nhiều lần gật đầu tỏ vẻ đồng
ý với tôi. Vâng,
có thể đây là một sự lầm lẫn. Rõ ràng là cần phải xem xét vấn đề. Ngày mai –
viên sĩ quan nói. Không, không để đến mai được! – tôi phản đối. Vấn đề cực kì
khẩn cấp, Kopp đáng lẽ đã phải có mặt ở mặt trận rồi. Viên sĩ quan có vẻ như đồng
ý. Bây giờ đến câu hỏi mà tôi sợ nhất:
“Trong lực lượng dân quân của P.O.U.M.” - mấy từ khủng khiếp nhất đã được nói ra.
“P.O.U.M. à!”
Ước gì tôi có thể mô tả được sự hoảng hốt trong giọng nói của anh ta. Cần
phải biết rõ hoàn cảnh của P.O.U.M. lúc đó. Chiến dịch
săn lùng gián điệp đang ở thời kì cao điểm, có thể tất cả những người cộng hoà
đều tin rằng P.O.U.M. là tổ chức tình báo lớn ăn tiền của
Đức. Nói từ đó với một sĩ quan Quân đội Nhân dân cũng chẳng khác gì có mặt
trong câu lạc bộ kị binh ngay sau vụ “Bức thư đỏ[2]”
và tuyên bố rằng mình là cộng sản vậy. Đôi mắt đen của anh ta lướt nhanh trên mặt
tôi. Sau một lúc im lặng, anh ta chậm rãi nói:
“Anh bảo rằng đã cùng ở mặt trận với anh ta. Nghĩa là anh là dân quân của P.O.U.M.?”
“Vâng”
Anh ta quay lưng và chui tọt vào phòng viên đại tá. Tôi nghe thấy người ta
thảo luận rất sôi nổi. “Dĩ nhiên rồi”, tôi thầm nghĩ. Không bao giờ người ta trả
lại thư của Kopp. Hơn nữa, vì tôi tự nhận là người của P.O.U.M.
nên chắc chắn là họ sẽ gọi cảnh sát và đưa thêm được một Trotskyist nữa vào tù.
Nhưng người sĩ quan đã lại xuất hiện, anh ta lấy mũ và ra hiệu cho tôi đi theo.
Chúng tôi đi tới văn phòng cảnh sát trưởng. Đường đi khá xa, mất hai mươi phút.
Người sĩ quan nhỏ nhắn đi đằng trước, bước đều như duyệt binh. Không ai nói câu
nào. Chúng tôi trông thấy một đám đông những kẻ du thử du thực, trông rất hắc
ám; có nhiều khả năng đấy là những tên mật thám, những tên chỉ điểm, những tên
gián điệp đủ mọi loại, đang tụ tập trước văn phòng cảnh sát trưởng. Người sĩ
quan nhỏ nhắn đi vào văn phòng. Tôi nghe thấy người ta nói rất to, có lúc gay gắt
nữa. Tôi mường tượng trong đầu những cái vung tay quá đà, những cái nhún vai tỏ
vẻ khó hiểu và cả cảnh đập bàn đập ghế nữa. Chắc là cảnh sát không chịu trao trả
bức thư. Nhưng cuối cùng người sĩ quan cũng đi ra, mặt đỏ gay, tay cầm một chiếc
phong bì to tướng. Đấy chính là thư của Kopp. Chúng tôi đã giành được một chiến
thắng nho nhỏ, nhưng hoá ra sau này mới biết là cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bức
thư đã được chuyển đi, nhưng những người chỉ huy của Kopp đã không thể đưa anh
ra khỏi nhà tù.
Người sĩ quan hứa với tôi là bức thư sẽ được đưa đến tay người nhận. “Thế
còn Kopp?”, tôi hỏi. “Không thể đưa được anh ta ra hay sao?” Người sĩ quan khẽ
nhún vai. Đấy lại là vấn đề khác. Họ không biết Kopp bị bắt vì lí do gì. Anh ta
chỉ có thể nói với tôi rằng họ sẽ cho điều tra đến nơi đến chốn. Không còn gì để
nói với nhau nữa, đã đến lúc chia tay. Chúng tôi cùng khẽ nghiênh mình chào
nhau. Nhưng đúng lúc đó đã xảy ra một chuyện bất ngờ và cảm động. Người sĩ quan
lưỡng lự trong giây lát, rồi anh tiến lên nắm lấy tay tôi.
Không biết tôi có đủ khả năng thể hiện cho độc giả thấy sự xúc động của
mình trước cử chỉ đó hay không. Dường như đấy chỉ là một chuyện nhỏ nhặt, nhưng
không phải như thế. Phải hiểu được khung cảnh thời đó, đấy là lúc mà lòng hận
thù và nghi kị hiện diện khắp nơi, đấy là lúc mà những lời dối trá và tin đồn
thất thiệt lan truyền cùng khắp, đấy là lúc mà ở đâu cũng có những khẩu hiệu
nói rằng tôi và những người như tôi là gián điệp của bọn phát xít. Ngoài ra, cần
phải nhớ rằng chúng tôi đang đứng ngay bên ngoài văn phòng cảnh sát trưởng,
ngay trước mắt những kẻ ngồi lê đôi mách và những tên khiêu khích, bọn chúng có
thể biết là tôi đang bị cảnh sát truy nã. Bắt tay tôi lúc đó cũng chẳng khác gì
công khai bắt tay một người Đức trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới Thứ
nhất. Tôi đồ rằng anh ta nghĩ tôi không phải là gián điệp. Dù sao mặc lòng, anh
ta vẫn là một người rất tử tế.
Tôi ghi lại câu chuyện này, tuy nghe có vẻ tầm thường, nhưng theo tôi rất đặc
trưng cho người Tây Ban Nha: lòng hào hiệp trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong đầu tôi, nước Tây Ban Nha để lại nhiều hình ảnh rất không hay, nhưng hình ảnh người Tây Ban Nha không ra gì thì rất ít. Tôi chỉ nổi đoá với người Tây Ban Nha có hai lần, nhưng bây giờ nghĩ lại, cả hai lần tôi đều là người có lỗi. Họ là những người có lòng hào hiệp, nhân cách cao thượng, không hoàn toàn phù hợp với thế kỉ XX. Điều đó gieo vào lòng ta hi vọng rằng ở Tây Ban Nha, ngay cả chủ nghĩa phát xít cũng sẽ có hình thức tự do hơn và dễ chịu hơn. Ít người Tây Ban Nha có những phẩm
chất như kiên trì và mẫn cán đến mức bệnh hoạn, mà đấy lại là những đặc tính tối cần thiết đối với nhà nước toàn trị. Có thể lấy việc cảnh sát khám xét căn phòng của bà xã nhà tôi cách đó mấy ngày làm minh chứng cho điều đó. Rất
tiếc là tôi đã không được chứng kiến cảnh khám xét, nếu có mặt tại chỗ có thể
tôi đã nổi đoá lên rồi.
Cảnh sát tiến hành khám xét theo đúng phong cách của OGPU hay GESTAPO. Tức là đập cửa vào lúc rạng đông, rồi sáu người bước vào phòng. Họ bật đèn lên và lập tức chiếm giữ những vị trí khác nhau, chắc là đã só
sự phân công từ trước. Sau đó họ bắt đầu lục soát hai căn phòng (phòng tắm nằm sát phòng ngủ) một cách cực kì kĩ lưỡng. Họ gõ vào tường, rồi lật thảm lên, họ kiểm tra cả nền nhà, xem cả rèm cửa, cúi xuống kiểm tra gầm bồn tắm và lò sưởi, họ đổ hết các thứ trong ngăn kéo và va li ra ngoài, họ còn mang tất cả quần áo ra trước ánh đèn để kiểm tra nữa. Cảnh
sát tịch thu tất cả sách vở, giấy má, kể cả giấy tờ trong sọt rác. Họ phát điên
lên khi phát hiện thấy bản dịch tiếng Pháp cuốn Cuộc đấu tranh của tôi của Hitler trong phòng chúng tôi. Nếu đấy là
cuốn sách duy nhất họ phát hiện được thì số phận của chúng tôi coi như xong. Kẻ
đọc Cuộc đấu tranh của tôi chắc chắn
phải là phát xít rồi. Nhưng ngay sau đó họ lại tìm thấy cuốn Những biện pháp đấu tranh với bọn Trotskyist
và những kẻ hai mặt khác của Stalin, cuốn này làm họ phần nào yên tâm hơn.
Họ tìm thấy mấy tập giấy quấn thuốc lá trong một cái ngăn kéo. Họ xé ra và kiểm
tra từng tờ một xem có chữ viết không. Vụ khám xét kéo dài chừng hai tiếng đồng
hồ. Nhưng họ lại không động tới giường ngủ. Lúc đó bà xã nhà tôi vẫn nằm trên
giường, chắc chắn bên dưới tấm nệm là cả tá súng ống, chưa nói dưới gối còn có
cả tập tài liệu Trotskyist nữa. Thế mà cảnh sát không động tới giường,
cũng không ngó xuống gầm giường. Tôi không tin là OGPU cũng làm như thế. Cần phải
nhớ rằng cảnh sát gần như nằm dưới sự kiểm soát toàn diện của cộng sản, chính
những người này có thể cũng là đảng viên cộng sản. Nhưng họ còn là người Tây
Ban Nha nữa, buộc người đàn bà đứng dậy là việc làm quá sức đối với họ. Bỏ qua
chiếc giường, việc khám xét của họ hoá thành công cốc.
Đêm đó tôi, McNair và Cottman ngủ ở một bãi cỏ rậm rạp trên một công trường xây dựng đã bị bỏ hoang. Trời lạnh so với mọi năm, không ai ngủ được đẫy giấc. Tôi nhớ mãi những giờ phút đi lang thang dài dằng dặc, loanh quanh hết chỗ nọ đến chỗ kia, chờ quán café mở cửa. Từ khi đến Barcelona, đây là lần đầu tiên tôi ghé thăm nhà thờ lớn - một biểu tượng của kiến trúc hiện đại, nhưng cũng có hình thù gớm guốc nhất thế giới. Nó có bốn cái tháp nhọn trông như những chai rượu vang lớn. Khác
với đa số nhà thờ ở Barcelona, nhà thờ lớn không bị hề hấn gì trong suốt thời
kì cách mạng. Có người nói rằng nó được giữ lại vì “có giá trị nghệ thuật”. Tôi
cho rằng những người vô chính phủ là những kẻ không có đầu óc thẩm mĩ cho nên họ
mới không cho nổ tung toà nhà này, mặc dù họ đã treo trên tháp của nó lá cờ hai
vạch đỏ và đen. Chiều hôm đó hai vợ chồng tôi đến thăm Kopp lần cuối. Chúng tôi không giúp được gì, tuyệt đối không, chúng tôi chỉ có thể nói lời
tạm biệt và đưa ít tiền cho những người ban Tây Ban Nha để thỉnh thoảng họ mang
thức ăn và thuốc lá vào cho anh. Một thời gian ngắn sau khi chúng tôi rời khỏi
Barcelona thì anh bị biệt giam, thức ăn cũng không được nhận nữa. Đêm đó, chúng
tôi đi dạo trên đường Ramblas và có ghé ngang qua quán café Moka, thấy lính bảo
vệ vũ trang vẫn đứng đầy xung quanh. Trong cơn bốc đồng, tôi bước thẳng vào
quán và nói chuyện với hai người đeo súng đang đứng tựa vào quầy tính tiền. Tôi
hỏi họ có biết những bạn đồng ngũ đã có mặt ở đây trong thời gian diễn ra những
vụ đụng độ hồi tháng 5 hay không. Họ nói không biết và cũng không biết tìm những
người ấy ở đâu. Tôi bảo rằng bạn tôi, tên là Jorge Kopp, hiện đang bị ngồi tù
và có thể bị đưa ra toà vì những vấn đề liên quan đến những vụ xung đột hồi
tháng 5. Những người thuộc lực lượng bảo vệ vũ trang có mặt ở đây trong thời
gian đó biết Kopp đã ngăn chặn được hoả lực và cứu được vài người trong bọn họ.
Họ phải đứng ra làm chứng. Một anh chàng trông có vẻ đần độn, nặng nề, cứ lắc đầu
suốt vì tiếng ồn bên ngoài át hết giọng của tôi. Nhưng anh kia thì lại khác.
Anh ta bảo rằng đã nghe thấy các bạn nói về Kopp. Kopp là buen chico (một
người tốt). Nhưng ngay lúc đó tôi biết rằng sẽ chẳng ích gì. Trong những trường
hợp như thế này, đấy là nói nếu Kopp bị đưa ra toà, người ta sẽ chưng ra bằng
chứng giả. Nếu họ bắn anh (tôi sợ là như thế) thì câu buen chico sẽ là
câu khắc trên bia mộ cho anh. Đấy là câu nói của một anh lính bảo vệ khốn khổ;
anh ta chính là một phần của cái hệ thống bẩn thỉu đó, nhưng anh vẫn còn giữ được
tình người và nhận thức được hành động nào là tử tế khi có dịp.
Chúng tôi có một cuộc sống khá kì quặc, chẳng khác gì lũ điên. Ban đêm
chúng tôi là tội phạm, nhưng ban ngày chúng tôi lại là những du khách khá giả
người Anh – cử chỉ của chúng tôi tỏ ra như thế. Ngay cả sau khi ngủ ở ngoài trời
suốt đêm, nhưng vừa rửa mặt, cạo râu và đánh giày xong là chúng tôi đã trở
thành những người khác hẳn. Hiện nay, trông càng giống người có của thì càng an
toàn. Chúng tôi thường đến những khu vực sang trọng, ở đấy người ta không biết
mặt chúng tôi, còn khi vào những nhà hàng đắt tiền thì chúng tôi phải cư xử với
bồi bàn như những người Anh chính hiệu. Đây là lần đầu tiên tôi viết lên tường.
Khẩu hiệu “Visca P.O.U.M.!” (P.O.U.M. muôn năm!)
được tôi viết bằng những chữ cái rất to trên những bức tường của mấy khách sạn
sang trọng. Mặc dù trên thực tế tôi đã rút vào bí mật, nhưng tôi không cảm thấy
lo lắng gì cả. Tất cả đều có vẻ quá vô lí. Tôi vẫn tin theo đúng kiểu người Anh
là nếu không vi phạm pháp luật thì không ai có thể bắt được mình. Nhưng trong
giai đoạn khủng bố chính trị thì đấy là một quan niệm cực kì nguy hiểm. Có lệnh
bắt McNair rồi và có thể tất cả chúng tôi cũng đều nằm trong danh sách đó. Bắt
bớ, khám xét vẫn tiếp tục. Trên thực tế, tất cả những người chúng tôi biết, nếu
không ở mặt trận thì đều đã vào tù rồi. Cảnh sát còn khám xét cả những chiếc
tàu của Pháp vẫn đến chở người tị nạn và bắt những người bị nghi là theo phái
Trotskyist đã lên tàu.
Nhờ sự nhiệt tình của lãnh sự quán Anh, họ đã phải cố gắng rất nhiều trong
suốt một tuần lễ đó, chúng tôi đã thu xếp được hộ chiếu một cách ổn thoả. Lên
đường càng nhanh càng tốt. Theo lịch trình thì tàu đi Port Bou sẽ khởi hành vào
lúc bảy rưỡi tối, nhưng chắc là tám rưỡi nó mới chạy. Chúng tôi thoả thuận là
bà xã sẽ thuê sẵn taxi, sau đó mới xếp đồ đạc, rồi thanh toán tiền phòng và rời
khách sạn càng muộn càng tốt. Nếu để người khách sạn biết thì chắc chắn họ sẽ
báo cảnh sát. Tôi đến nhà ga vào lúc bảy giờ và phát hiện ra rằng tàu đã chạy
vào lúc bảy giờ kém mười. Lái tàu ở đây thường cứ tự tiện như thế đấy. May là
chúng tôi đã kịp báo cho bà xã. Chuyến tàu tiếp theo khởi hành vào lúc sáng sớm
ngày hôm sau. McNair, Cottman và tôi ăn tối trong một nhà hàng nhỏ ngay gần sân
ga. Sau câu chuyện đầy ý tứ với người chủ nhà hàng, chúng tôi phát hiện ra rằng
anh là thành viên của C.N.T. và tỏ ra là một người thân thiện.
Anh cho chúng tôi ngủ trong một căn phòng có ba chiếc giường và “quên”
không đăng kí tạm trú với cảnh sát. Năm đêm rồi tôi mới được cởi quần áo trước
khi đi ngủ.
Bà xã đã chuồn khỏi khách sạn một cách an toàn. Tàu xuất phát muộn gần một
tiếng đồng hồ. Tôi dành thời gian đề viết một bức thư khá dài, gửi ông bộ trưởng
chiến tranh. Tôi nói với ông ta trường hợp của Kopp, tôi khẳng định rằng anh bị
bắt nhầm, anh rất cần cho mặt trận, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng anh là
người vô tội..v.v.. Không hiểu có ai đọc bức thư đó không, đấy là một bức thư
được viết trên tờ giấy xé ra từ cuốn sổ tay, bằng những nét chữ lộn xộn như gà
bới (các ngón tay của tôi vẫn cứng lắm) và bằng thứ tiếng Tây Ban Nha còn lộn xộn
hơn. Bức thư này cũng như tất cả những việc khác mà chúng tôi đã làm đều không
đem lại kết quả. Khi viết những dòng này, tức là sáu tháng sau ngày tôi gửi bức
thư, Kopp vẫn còn ở trong tù (đấy là nói nếu họ chưa bắn anh), không có án, mà
cũng chẳng có cáo trạng gì hết. Thời gian đầu chúng tôi có nhận được vài ba lá
thư của anh, những người tù được trả tự do mang ra và gửi từ Pháp. Vẫn là những
chuyện cũ: phòng giam bẩn, tối, chật chội; thức ăn thì vừa ít vừa không thể nuốt
nổi; ốm vì điều kiện giam giữ, lại không được chữa trị gì. Một vài nguồn tin
khác, cả của người Anh lẫn người Pháp, cũng khẳng định như thế. Gần đây Kopp bị
đưa vào một trong những “nhà tù bí mật”, không thể nào liên lạc được nữa. Số phận
của anh là số phận của hàng chục, thậm chí hàng trăm người ngoại quốc khác.
Không ai biết mấy ngàn người Tây Ban Nha bị rơi vào hoàn cảnh như thế.
Cuối cùng chúng tôi đã ra khỏi biên giới mà không gặp phải trở ngại nào.
Đoàn tàu này có một toa hạng nhất và toa nhà ăn - lần đầu tiên tôi thấy ở Tây
Ban Nha. Đến mãi thời gian gần đây tàu hoả ở Catalonia chỉ có toa hạng hai mà
thôi. Hai cảnh sát đi vào các toa và ghi tên người ngoại quốc; nhưng thấy chúng
tôi ngồi trong toa ăn, chắc họ nghĩ chúng tôi là những người thành đạt cho nên
không hỏi. Mọi sự đã thay đổi. Chỉ sáu tháng trước, khi chính quyền còn nằm
trong tay lực lượng vô chính phủ, chỉ có những người trông có vẻ vô sản mới
đáng tin. Khi nhập cảnh Tây Ban Nha qua ngả Perpignan vào Cerberes, một thương
gia người Pháp đi cùng toa đã bảo tôi: “Anh không được ăn mặc thế này khi vào
Tây Ban Nha. Tháo cổ cồn và cà vạt ra đi. Ở Barcelona người ta sẽ giật ra đấy.”
Ông ta nói hơi quá, nhưng đấy chính là Catalonia trong quá khứ. Tôi đã chứng kiến
cảnh lính biên phòng của lực lượng vô chính phủ không cho vợ chồng một người
Pháp ăn mặc lịch sự nhập cảnh. Tôi đồ rằng chỉ vì họ trông như những nhà tư sản
thứ thiệt. Bây giờ mọi sự đã khác, càng giống tư sản càng an toàn. Tại trạm kiểm
tra hộ chiếu trên biên giới, họ tìm xem chúng tôi có tên trong danh sách những
người khả nghi hay không, nhưng do sự cẩu thả của cảnh sát mà chúng tôi đã
không có tên trong danh sách. Ngay cả McNair cũng không có tên. Họ khám từ đầu
đến chân, nhưng chúng tôi không có bất cứ thứ gì đáng ngờ, nếu không kể giấy tờ
xuất ngũ của tôi, nhưng tay cảnh sát khám tôi không biết rằng sư đoàn 29 là lực
lượng dân quân của P.O.U.M. Thế là chúng tôi vượt qua
biên giới, tôi đã đặt chân lên đất Pháp sau đúng sáu tháng. Tôi chỉ mang theo
hai vật kỉ niệm, đấy là cái bình đựng nước bằng da dê và cái đèn dầu ô liu nhỏ
tí mà người nông dân Tây Ban Nha vẫn dùng để thắp sáng. Về hình thức, cái đèn
này giống hệt những cái đèn mà người Roma đã dùng cách đây hai ngàn năm. Tôi đã
nhặt được nó trong một căn nhà đổ và không hiểu sao nó lại vẫn còn nằm trong
túi sách của tôi.
Hoá ra chúng tôi đã thoát trong đường tơ kẽ tóc. Ngay trên tờ báo đầu tiên
mua được trên đất Pháp chúng tôi đã đọc được lệnh bắt giam McNair vì hoạt động
gián điệp. Chính quyền Tây Ban Nha đã tuyên bố chuyện này hơi sớm. May là thành
viên nhóm Trotskyist không thuộc loại tội phạm phải bị dẫn giải.
Tôi không biết là người ta thường làm gì ngay sau khi rời khỏi đất nước có
chiến tranh và đặt được chân lên mảnh đất hoà bình. Còn tôi thì chạy ngay ra
quán bán thuốc lá và lèn đến đầy túi mới thôi. Sau đó chúng tôi vào quán và uống
mỗi người một tách trà. Lần đầu tiên, sau nhiều tháng trời, chúng tôi mới lại
được uống trà với sữa tươi. Phải mấy ngày sau tôi mới quen với ý nghĩ rằng có
thể mua thuốc lá bất cứ lúc nào. Lúc nào trong đầu tôi cũng lởn vởn hình ảnh
quán bán thuốc lá đóng của và trên cửa sổ là hàng chữ: “No hay tabaco[3]”.
McNair và Cottman đi Paris. Vợ chồng tôi xuống tàu ở Banyuls, tức là ngay
ga đầu tiên, vì cảm thấy cần phải nghỉ ngơi vài ngày. Người Banyuls tỏ ra khá lạnh
nhạt khi biết chúng tôi từ Barcelona tới. Nhiều lần tôi phải nói cùng một câu
chuyện: “Ông từ Tây Ban Nha tới à? Đứng về bên nào? Bên chính phủ à?” – và người
đối thoại thể hiện thái độ lạnh lùng ngay lập tức. Thành phố nhỏ này có vẻ như
đứng về phe Franco, đấy chắn chắn là do có nhiều người tị nạn thuộc phe phát
xít đã chạy tới đây. Hầu bàn trong quán café mà tôi thường lui tới là một người
Tây Ban Nha theo phe Franco, hắn ta thường nhìn xoáy vào tôi mỗi khi đưa đồ uống
tới. Nhưng ở Perpignan thì lại khác, thành phố này gắn bó với chính phủ cộng hoà,
còn các phe nhóm cộng hoà khác nhau thì cũng đánh nhau chẳng khác gì ở Barcelona.
Có cả một quán café mà khi nghe nói đến P.O.U.M. là người hầu
bàn sẽ mỉm cười, còn bạn bè người Pháp thì vây quanh ngay lập tức.
Tôi nhớ đã ở Banyuls ba ngày. Đấy là những ngày tâm hồn xao xuyến một cách
kì lạ. Trong thành phố của những ngư phủ thanh bình, nhỏ bé này, cách xa khu vực
bom rơi đạn nổ, xa những đám người xếp hàng mua thức ăn, xa bộ máy tuyên truyền
và thủ đoạn, đáng lẽ chúng tôi phải cảm thấy lòng cực kì thanh thản thì mới
đúng. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Chúng tôi đã rời bỏ Tây Ban Nha,
nhưng những sự kiện ở Tây Ban Nha lại không chịu rời bỏ chúng tôi. Ngược lại,
các sự kiện lại còn sống động và gần gũi hơn cả trước kia nữa. Chúng tôi vẫn
liên tục suy nghĩ, nói và ước mơ về Tây Ban Nha. Nhiều tháng trời chúng tôi thường
tự nhủ “khi ra khỏi Tây Ban Nha” chúng tôi sẽ đến một chỗ nào đó bên bờ Địa
Trung Hải, hưởng không khí thanh bình một thời gian và có thể còn đi câu cá nữa.
Thế mà nay chúng tôi đã đến đây, ngay bên bờ biển, mệt mỏi và chán chường. Trời
lạnh, gió không ngừng thổi từ biển vào, nước nông và đục, mặt nước ngay bên bờ
cảng ngầu bọt, nút chai và ruột cá bám đầy trên những phiến đá. Nghe có vẻ như
dở hơi, nhưng cả hai chúng tôi đều muốn quay lại Tây Ban Nha. Dù chẳng mang lại
lợi ích gì cho ai, thậm chí còn có hại nữa, nhưng cả hai chúng tôi đều lấy làm
tiếc là đã không ở lại Barcelona để được đi tù cùng với những người khác. Tôi
nghĩ rằng mình chỉ có thể truyền đạt được một phần rất nhỏ ý nghĩa của những
ngày tháng đó. Tôi đã ghi lại được một số sự kiện bên ngoài, nhưng tôi không thể
ghi lại được tình cảm mà những sự kiện đó đã để lại trong tôi. Tình cảm của tôi
hoà quyện cùng với phong cảnh, mùi vị và âm thanh, là những thứ không thể nào
viết ra giấy được: mùi của chiến hào, đứng bên sườn núi ngắm ánh bình minh trải
dài đến tận chân trời, tiếng đạn nổ lạnh sống lưng, tiếng gầm rú và tiếng nổ của
những quả bom, ánh mặt trời buổi sáng lạnh và trong trẻo ở Barcelona, tiếng giầy
đinh trong sân doanh trại trong tháng 12 xa xôi, khi mà dân chúng còn tin vào
cách mạng. Và những dòng người trước của hàng thực phẩm, những lá cờ hai màu đỏ
và đen, rồi gương mặt những người dân quân Tây Ban Nha, vâng, trước hết là
gương mặt những người dân quân, những người tôi đã từng gặp ngoài mặt trận
nhưng nay đã bị tan tác, có trời biết là đã lưu lạc đến những đâu, một số đã hi
sinh ngoài mặt trận, một số bị thương, có người bị tù đày, nhưng đa số chắc là
vẫn còn sống và mạnh khoẻ, tôi hi vọng thế. Cầu Chúa phù hộ cho họ. Hi vọng rằng
họ sẽ thắng và sẽ đuổi cổ được tất cả những người ngoại quốc ra khỏi nước Tây
Ban Nha. Đức, Nga hay Ý thì cũng thế. Cuộc chiến tranh này, phần đóng góp của
tôi quả là không đáng kể, đã để lại trong lòng tôi những kỉ niệm buồn, nhưng
tôi không ân hận là mình đã tham gia chiến đấu. Nhìn lại cái thảm hoạ này – dù
kết quả cuộc chiến có như thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn là một thảm hoạ, đấy
là chưa nói đến cảnh giết chóc và đau khổ về mặt thể chất – tôi cũng không hoàn
toàn thất vọng và không muốn trở thành một kẻ ích kỉ. Thật thú vị là kinh nghiệm
vừa trải qua càng làm tôi tin tưởng hơn vào sự tử tế của con người. Tôi hi vọng
rằng câu chuyện của tôi không dẫn đến những sự hiểu lầm thái quá. Tôi tin rằng
chẳng có ai hoàn toàn khách quan khi nói về những vấn đề như thế này. Thật khó
mà khẳng định được bất cứ điều gì, ngoại trừ những điều chính mình đã chứng kiến.
Dù vô tình hay cố ý, người ta ai cũng có thái độ thiên vị cả. Nếu bên trên tôi
chưa kịp nói thì ở đây tôi xin được nói với độc giả như sau: xin hãy thận trọng
trước thái độ thiên vị, sai lầm và xuyên tạc không thể nào tránh khỏi của tôi,
vì tôi chỉ nhìn thấy một phần sự kiện mà thôi. Và xin bạn hãy có thái độ thận
trọng như thế khi bạn đọc bất cứ tác phẩm nào viết về cuộc chiến tranh Tây Ban
Nha trong giai đoạn đó.
Vì luôn cảm thấy phải làm một điều gì đó, nhưng thực ra chúng tôi chẳng làm
được gì, chúng tôi đã rời Banyuls sớm hơn dự kiến. Càng lên phía bắc, nước Pháp
càng xanh hơn và mềm mại hơn. Chúng tôi đã rời xa khu vực đồi núi và những cánh
đồng trồng nho để quay về với đồng cỏ và rừng cây du. Khi tôi đi qua Paris để đến
Tây Ban Nha, thành phố này trông có vẻ tàn tạ và tối tăm, khác hẳn với Paris mà
tôi từng biết tám năm về trước, khi đời sống còn dễ chịu hơn và Hitler thì còn
chưa được ai nhắc tới. Một nửa trong số những quán café mà tôi thường lui tới
đã phải đóng cửa vì vắng khách, ai cũng bị ám ảnh bởi giá cả hàng hoá và chiến
tranh. Bây giờ, sau khi chứng kiến nước Tây Ban Nha tội nghiệp, ngay cả Paris
cũng có vẻ vui nhộn và đang ăn nên làm ra. Hội chợ triển lãm quốc tế đang ở
giai đoạn nào nhiệt nhất, nhưng chúng tôi đã tìm cách tránh, không đến thăm.
Và sau đó là nước Anh - miền nam nước Anh có thể là vùng đất trù phú nhất
thế giới. Khi đi ngang qua vùng này, nhất là lúc đang tĩnh trí lại sau cơn say
sóng, thả lỏng người trên những tấm gối êm, thật khó tin rằng có chuyện gì đó
đang diễn ra ở một nơi nào đó. Động đất ở Nhật, nạn đói ở Trung Quốc, cách mạng
ở Mexico? Sáng mai người ta vẫn mang sữa đến đặt ngay trước cửa, còn tờ New
Statesman thì vẫn sẽ ra vào sáng thứ sáu, lo gì. Các thành phố công nghiệp
nằm ở rất xa, trái đất hình tròn cho nên nó đã che hết, không cho ta nhìn thấy
khói bụi và cảnh khốn cùng. Ngoài cửa sổ là nước Anh mà tôi đã biết từ thời thơ
ấu: hoa dại mọc đầy bên rìa đường xe lửa, những chú ngựa béo tốt bóng loáng
đang chậm rãi nhai cỏ trên những cánh đồng hoang, liễu rủ bên những dòng suối lững
lờ trôi, những cây du xum xuê cành lá, những hàng cây phi yến trong khuôn viên
những ngôi nhà nhỏ ở thôn quê, rồi sau đó là những khu rừng rậm bên ngoài ngoại
ô London, những chiếc phà trên dòng sông đục ngầu, những con phố quen, những bảng
quảng cáo về trận đấu cricket và đám cưới Hoàng gia, những người đàn ông đội mũ
nỉ, những chú bồ câu trên quảng trường Trafalgar, những chiếc xe ô tô màu đỏ,
những người cảnh sát mặc trang phục màu xanh da trời. Nước Anh đang ngủ, đang
ngủ rất say, đôi khi tôi lại có cảm giác sợ hãi, tôi sợ rằng chúng ta sẽ chỉ giật
mình tỉnh giấc khi có tiếng bom nổ ngay bên cạnh mà thôi.
HẾT
Dịch theo: GEORGE ORWELL: “HOMAGE TO CATALONIA”: A NOVEL
First published by Secker and Warburg, GB, London, in April 25, 1938.
First published by Secker and Warburg, GB, London, in April 25, 1938.
Nguồn:
http://www.orwell.ru/library/novels/Homage_to_Catalonia/english/e_htc
____
____
No comments:
Post a Comment