April 23, 2013

George Orwell – Tưởng niệm Catalonia (tiếp theo)


12

Phải ba ngày sau khi những vụ đụng độ ở Barcelona chấm dứt chúng tôi mới quay lại mặt trận. Sau vụ đụng độ - nhất là sau cuộc đấu khẩu trên báo chí - thật khó mà nghĩ vể cuộc chiến này một cách lí tưởng thơ ngây như trước được nữa. Tôi cho rằng không có người nào từng ở Tây Ban Nha vài ba tuần mà không cảm thấy thất vọng, dù ít dù nhiều. Tôi chợt nhớ đến người phóng viên mà tôi gặp trong ngày đầu tiên tới Barcelona. Anh ta bảo: “Cuộc chiến tranh này cũng chỉ là một thủ đoạn giống như mọi cuộc chiến tranh khác mà thôi”. Nhận xét của anh ta đã làm tôi choáng váng, lúc đó (tháng 12) tôi cho là không đúng, còn bây giờ là tháng 5, cũng vẫn không đúng, mà phải nói là quá đúng. Vấn đề là cuộc chiến nào cũng dẫn đến thoái hoá, thời gian càng kéo dài thì thoái hoá lại càng gia tăng vì hiệu quả của các hành động quân sự không thể song hành với tự do cá nhân và báo chí trung thực.


Bây giờ người ta có thể dự đoán được các sự kiện sẽ phát triển theo hướng nào. Dễ dàng đoán được là chính phủ của Caballero sẽ đổ và sẽ được thay bằng một chính phủ hữu khuynh hơn, chịu nhiều ảnh hưởng của cộng sản hơn (chuyện này xảy ra sau đó một hoặc hai tuần), với mục tiêu là đập tan sức mạnh của các tổ chức công đoàn. Tương lai - đấy là nói sau khi đánh bại được Franco và để sang một bên những khó khăn to lớn của thời kì tái thiết – cũng sẽ chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Câu chuyện của báo chí nói rằng “đây là cuộc chiến vì dân chủ” chỉ là những lời ba hoa chích choè mà thôi. Không một người có lí trí nào lại hi vọng rằng sẽ có dân chủ - dù là dân chủ theo kiểu ở Anh hay theo kiểu Pháp - ở đất nước Tây Ban Nha đầy chia rẽ và kiệt quệ này, ngay cả sau khi chiến tranh đã kết thúc. Sẽ là chế độ chuyên chính và rõ ràng là cơ hội thiết lập chế độ chuyên chính của giai cấp công nhân đã vĩnh viễn qua rồi. Điều đó có nghĩa là sẽ hướng về chủ nghĩa phát xít. Không nghi ngờ gì rằng chủ nghĩa phát xít với một cái tên tao nhã hơn, và – vì đây là Tây Ban Nha – cho nên cũng nhân bản hơn và kém hiệu quả hơn là phát xít Đức và Ý. Chỉ có mấy khả năng, đấy là nền độc tài tồi tệ của Franco hoặc là chiến tranh sẽ kết thúc bằng việc chia cắt Tây Ban Nha với những đường biên giới thực sự hoặc thành những khu vực kinh tế riêng biệt.

Kiểu nào cũng khổ. Nhưng như thế không có nghĩa là không cần chiến đấu bảo vệ chính phủ, không cần chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít không che đậy và đã ăn sâu bén rễ của Farnco và Hitler. Dù chính phủ thời hậu chiến có mắc sai lầm gì đi nữa thì chế độ của Franco chắc chắn là vẫn xấu hơn. Đối với công nhân, tức là đối với người vô sản thành thị, ai chiến thắng có lẽ cũng không phải là điều quan trọng. Nhưng Tây Ban Nha là đất nước nông nghiệp và nông dân có phần chắc là sẽ được lợi nếu chính phủ cộng hoà giành được chiến thắng.  Nông dân sẽ giữ lại được một phần đất đai mà họ đã chiếm đoạt được, rồi ruộng đất trong khu vực còn nằm dưới quyền kiểm soát của phát xít cũng sẽ được đem chia, và chế độ nông nô từng tồn tại ở một vài khu vực có lẽ sẽ không được tái lập nữa. Nếu chính phủ giành được chiến thắng thì nhất định nó phải có tinh thần phản phong và bài giáo hội. Chính phủ sẽ hạn chế được ảnh hưởng của nhà thờ, ít nhất là trong một thời gian nào đó; sẽ hiện đại hoá đất nước, thí dụ như xây dựng đường sá, thúc đẩy giáo dục và bảo vệ sức khoẻ; ngay cả trong thời chiến người ta cũng đã làm được một vài việc theo hướng này rồi. Mặt khác, Franco, ngay cả nếu không coi hắn là bù nhìn của Đức và Ý, gắn bó chặt chẽ với những điền chủ lớn và là tay sai của các thế lực tăng lữ-quân phiệt phản động. Mặt trận nhân dân có thể là bịp bợm, nhưng Franco lại là hiện tượng lỗi thời. Chỉ có những triệu phú hoặc những người viển vông mới mong cho hắn thắng mà thôi.

Hơn nữa, còn có vấn đề uy tín của chủ nghĩa phát xít quốc tế. Câu hỏi này, chẳng khác gì một cơn ác mộng, đã hành hạ tôi suốt một hai năm nay. Từ năm 1930 đến nay, bọn phát xít đã giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Đã đến lúc cho chúng một bài học, ai làm việc đó không phải là quan trọng. Nếu chúng ta có thể hất cẳng được Franco và bọn lính đánh thuê ngoại quốc của hắn thì tình hình thế giới sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Chỉ cần như thế cũng đáng phải thắng rồi, ngay cả nếu sau đó Tây Ban Nha có rơi vào tay chế độ độc tài và những người con ưu tú nhất của nó có bị tù đầy.

Trong thời gian đó tôi đã nghĩ như thế. Có thể nói rằng hiện giờ tôi đánh giá chính phủ của Negrín cao hơn là khi ông ta mới cầm quyền. Chính phủ đã kiên trì theo đuổi cuộc chiến đấu đầy khó khăn với một tinh thần dũng cảm vô song và đã thể hiện thái độ khoan dung chính trị không ai có thể ngờ được. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng - trừ phi Tây Ban Nha bị chia cắt với những hậu quả không thể lường trước được – chính phủ thời hậu chiến sẽ ngả về phe phát xít. Một lần nữa tôi xin đưa ra ý kiến của mình như thế, hãy để thời gian phán xét, cũng như đã từng phán xét hầu hết các nhà tiên tri khác.

Vừa ra đến mặt trận, chúng tôi nhận được tin là Bob Smillie đang trên đường trở về Anh thì bị bắt ở biên giới rồi bị giải về Valencia và tống vào tù. Smillie đến Tây Ban Nha vào tháng 10 năm ngoái. Anh làm trong văn phòng P.O.U.M. mấy tháng, và khi những thành viên khác của I.L.P. tới thì cùng với họ tham gia lực lượng dân quân và ra ngay mặt trận với điều kiện là sau ba tháng sẽ trở lại Anh để tham gia vào một đoàn tuyên truyền cổ động. Phải sau một thời gian chúng tôi mới biết vì sao Smillie bị bắt. Anh bị biệt giam cho nên ngay cả luật sư cũng không tiếp xúc được. Ở Tây Ban Nha – ít nhất là trên thực tế - người ta có thể bắt giam người mấy tháng liền mà không cần đưa ra bản án chứ chưa nói tới việc xét xử. Cuối cùng, có một người tù được thả cho chúng tôi biết rằng Smillie bị bắt vì “mang theo vũ khí”. Sau này, tình cờ tôi mới biết được rằng “vũ khí” ở đây là hai quả lựu đạn cổ lỗ sỹ được sử dụng hồi đầu cuộc chiến. Smillie mang theo cùng với vài mảnh vỏ đạn và đồ lưu niệm lặt vặt khác để làm “giáo cụ trực quan” trong những bài nói chuyện ở quê nhà. Mấy quả lựu đạn này đã bị tháo hết thuốc và ngòi nổ, chỉ còn là mấy ống kim loại rỗng, hoàn toàn vô hại. Rõ ràng đấy chỉ là cái cớ, Bob Smillie bị bắt là vì mối liên hệ của anh với P.O.U.M. mà ai cũng biết. Vụ đụng độ ở Barcelona vừa mới kết thúc và chính quyền tìm mọi cách không để cho những người có thể phản bác cách giải thích của chính phủ ra khỏi Tây Ban Nha. Kết quả là một số người đã bị bắt ở biên giới chỉ vì những lí do rất vớ vẩn. Hoàn toàn có khả năng là đầu tiên người ta chỉ định giữ Smillie mấy ngày thôi. Nhưng rắc rối là ở chỗ, ở Tây Ban Nha đã vào tù rồi thì cứ ngồi đấy, ra toà hay không không thành vấn đề.

Chúng tôi vẫn đóng ở Huesca, nhưng lần này bị đẩy xa hơn v phía bên phải. Trước mặt chúng tôi là đồn địch mà chúng tôi đã tạm chiếm được cách đây vài tuần. Bây giờ tôi giữ chức teniente — có lẽ tương đương với chức thiếu uý trong quân đội Anh - chỉ huy khoảng ba mươi chiến sĩ, cả người Tây Ban Nha lẫn người Anh. Người ta đã đưa tên tôi vào danh sách phong hàm quân đội chính qui, nhưng không chắc là sẽ được phong. Trước đây sĩ quan dân quân không chấp nhận quân hàm chính qui vì nhận nghĩa là được thêm lương, mà như thế là trái ngược với nguyên tắc bình đẳng của lực lượng dân quân, nhưng nay thì bắt buộc phải nhận. Benjamin đã được phong hàm đại uý, còn Kopp thì đang đợi phong hàm thiếu tá. Dĩ nhiên là chính phủ không thể không dùng các sĩ quan trưởng thành từ lực lượng dân quân, nhưng chưa phong ai cao hơn cấp bậc thiếu tá, có lẽ họ muốn giữ các cấp bậc cao hơn cho các sĩ quan quân đội chính qui và học viên các trường sĩ quan. Kết quả là trong sư đoàn 29 của chúng tôi, chắc chắn là các sư đoàn khác cũng thế, sư trưởng, các trung đoàn trưởng, các tiểu đoàn trưởng, tất cả đều đeo lon thiếu tá!

Mặt trận vẫn bình lặng. Trận đánh giành quốc lộ Jaca đã chấm dứt, phải mãi đến tháng 6 chiến sự mới tái tục. Ở khu vực của chúng tôi rắc rối chủ yếu là bọn bắn tỉa. Chiến hào của bọn phát xít cách chúng tôi chừng một trăm năm mươi mét, nhưng chúng ở cao hơn và bọc chúng tôi từ cả hai phía vì chiến hào của chúng tôi có một góc nhọn đâm thẳng vào chiến hào của bọn chúng. Cái góc này là chỗ nguy hiểm nhất, nhiều thương vong do bọn bắn tỉa gây ra nhất. Đôi khi bọn phát xít còn bắn bằng súng phóng lựu hoặc là những loại vũ khí tương tự khác. Lựu đạn nổ rất to và rất đáng sợ, vì không thể biết trước mà tránh. Nhưng lại không nguy hiểm, nó chỉ tạo ra một hố bằng cái thau. Đêm mát mẻ và dễ chịu, nhưng ngày thì nóng như thiêu như đốt, muỗi bay như trấu và mặc dù có quần áo sạch sẽ mang từ Barcelona tới, chúng tôi gần như có rận ngay lập tức. Trong những vườn cây ăn trái vô chủ trên khu đất tranh chấp, hoa anh đào nở trắng xoá. Mưa xối xả kéo dài hai ngày liền, hầm trú ẩn đầy nước, bờ công sự sụt lở; sau trận mưa chúng tôi phải đào suốt ngày, đất thì dính mà xẻng Tây Ban Nha thì không có cán, lại cong queo chẳng khác gì những chiếc thìa bằng thiếc.

Họ hứa cấp cho chúng tôi một khẩu súng cối tầm ngắn. Nhưng chờ đến sốt ruột mà vẫn chưa thấy. Chúng tôi vẫn đi tuần đêm như thường lệ. Nhưng bây giờ nguy hiểm hơn vì bọn phát xít có đông quân hơn và chúng đã cảnh giác hơn, chúng vất vỏ đồ hộp bên ngoài hàng rào kẽm gai và thường nổ súng ngay khi nghe thấy tiếng vỏ đồ hộp va chạm nhau. Ban ngày chúng tôi nấp trong khu đất đang còn tranh chấp, hễ thấy tên nào ló ra thì bắn. Phải bò khoảng một trăm mét mới tới cái hào có đám cỏ cao che kín, nắm ở đây có thể nhắm bắn vào khoảng trống trên bờ công sự của bọn phát xít. Chúng tôi dựng một ụ súng trên bờ hào. Nếu chịu khó đợi thì thế nào cũng có lúc trông thấy một người mặc quần áo kaki vội vã chạy qua khoảng trống trên bờ công sự. Tôi đã bắn mấy lần. Chẳng biết có trúng không, nhiều khả năng là không; tôi bắn rất kém. Nhưng mà vui, bọn phát xít không biết đạn bắn từ hướng nào, còn tôi thì tin chắc rằng trước sau gì tôi cũng hạ được một tên. Nhưng thật là đồ chó chết, tôi trúng đạn trước. Tôi ra mặt trận khoảng mười ngày thì bị. Cảm giác trúng đạn cũng rất thú vị và tôi nghĩ là xứng đáng được ghi chép lại một cách tỉ mỉ.

Lúc đó tôi đang đứng ở góc chiến hào, mới năm giờ sáng. Đây là thời điểm nguy hiểm vì mặt trời mọc ở phía sau lưng chúng tôi, chỉ cần thò đầu lên khỏi chiến hào là bị phát hiện ngay. Tôi đang nói chuyện với mấy chiến sĩ sắp đổi gác. Bất thình lình, tôi chưa nói hết câu thì cảm thấy - thật khó nói tôi cảm thấy cái gì dù rằng cảm giác vẫn còn sống động như ngày nào.

Đại khái là tôi cảm thấy như đứng giữa trung tâm của một vụ nổ. Tiếng nổ rất to và tia chớp loá mắt bao trùm tất cả, rồi tôi thấy người mình giật bắn lên – không đau, chỉ bị giật mạnh, như điện giật, người lả đi, như đang rữa ra và tan biến đi vậy. Những bao cát trước mặt tôi bỗng lùi ra một khoảng cách rất xa. Tôi nghĩ là người bị sét đánh cũng có cảm giác như thế. Tôi biết ngay là mình đã trúng đạn, nhưng vì tưởng là có tiếng nổ và tia chớp cho nên tôi nghĩ là khẩu súng bên cạnh đã cướp cò và bắn phải tôi. Tất cả xảy ra chỉ trong vòng chưa đến một giây. Đầu gối khuỵu xuống, tôi ngã, đầu đập mạnh vào bờ hào, nhưng không thấy đau. Người tôi cứng đơ, mê đi, tôi biết mình bị thương nặng, nhưng không thấy đau theo nghĩa thông thường của từ này.

Tay lính gác người Mĩ vừa nói chuyện với tôi cúi xuống hỏi: “Này! Anh bị thương hả?” Đám đông bu lại xung quanh. Mọi sự bắt đầu rối tinh lên, như vẫn thường thấy trong những trường hợp thế này. “Đỡ anh ta dậy! Bị thương ở đâu? Cởi áo ra!” ..v.v.. và ..v.v.. Tay lính người Mĩ hỏi xem ai có dao để rạch áo cho tôi. Tôi nhớ có một con dao trong túi áo và định đưa tay tìm nhưng hoá ra tay phải của tôi đã bị liệt, không cử động được nữa. Vẫn không đau, thậm chí còn cảm thấy hài lòng. Bà xã sẽ khoái lắm đấy, tôi tự nhủ. Bà xã lúc nào cũng mong tôi bị thương, vì bị thương thì sẽ không bị giết. Chỉ đến lúc này tôi mới bắt đầu nghĩ xem mình bị thương ở đâu, có nghiêm trọng không. Tôi không có cảm giác gì, nhưng ý thức được rằng viên đạn đã bay từ đằng trước tới. Tôi cố lên tiếng, nhưng hoá ra không nói được thành lời, chỉ có những tiếng khè khè nhè nhẹ, nhưng rồi tôi cũng hỏi được là bị thương ở đâu. Vào cổ, họ bảo thế. Harry Webb, chiến sĩ cứu thương của chúng tôi, mang băng và một chai cồn dùng cho những trường hợp bị thương ngoài mặt trận. Tôi vừa được đỡ ngồi dậy thì đã thấy máu từ miệng tuôn ra xối xả. Một chiến sĩ người Tây Ban Nha đứng đằng sau tôi bảo rằng viên đạn bay xuyên qua cổ. Bình thường thì cồn rất xót, nhưng lần này tôi lại thấy cảm giác mát dịu khi những giọt cồn đầu tiên lan trên vết thương.

Trong khi đợi người ta mang cáng tới, họ lại đặt tôi nằm xuống. Vừa nghe thấy nói đạn xuyên qua cổ là tôi đã chắc mẩm: đời mình tiêu rồi. Tôi chưa từng nghe nói ai hay con vật nào bị đạn bắn xuyên quả cổ mà sống sót. Máu vẫn rỉ ra bên khoé miệng. “Đứt động mạch rồi”, tôi tự nhủ. “Không hiểu động mạch cảnh bị đứt thì còn sống được bao lâu? Chắc chỉ mấy phút thôi”, tôi thầm nghĩ như thế. Mọi thứ như đang trôi trong màn sương mù dày đặc. Tôi cảm thấy như mình đã chết rồi, chuyện ấy kéo dài độ hai phút. Cũng rất thú vị - ý tôi là thú vị khi biết ta đã nghĩ gì trong thời gian đó. Cũng bình thường thôi, trước hết tôi nghĩ đến bà xã. Thứ hai, cảm thấy rất hận khi phải từ biệt thế giới này, cái thế giới đầy những khiếm khuyết nhưng rất hợp với tôi. Cảm giác này rất là sống động. Rủi thế, tôi muốn phát điên lên được. Nhảm nhí quá thể! Trúng đạn, không phải ở giữa trận tiền mà trong góc cái chiến hào chết tiệt này, chỉ vì một phút lơ đễnh! Tôi cũng nghĩ về kẻ đã bắn trúng tôi – không hiểu đấy là người Tây Ban Nha hay người ngoại quốc, liệu hắn ta có biết là đã bắn trúng tôi không .v.v.. Tôi không hề căm hận hắn. Tôi mường tượng rằng vì hắn là một tên phát xít cho nên chắc chắn là tôi sẽ giết nếu có điều kiện, nhưng nếu hắn bị bắt làm tù binh và được đưa đến trước mặt tôi thì tôi sẽ chúc mừng hắn vì đã bắn trúng mục tiêu. Cũng có thể, một người chết thật sẽ có những ý nghĩ hoàn toàn khác với ý nghĩ của tôi.

Họ vừa đặt tôi lên cáng thì cánh tay phải cũng bắt đầu hồi sinh và đau không thể chịu nổi. Tôi mường tượng rằng tôi đã làm gãy tay khi ngã, nhưng cơn đau lại làm tôi yên tâm vì tôi biết rằng khi người ta hấp hối thì cảm giác không thể sắc bén như vậy được. Tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn và thấy ái ngại cho bốn chiến sĩ tải thương tội nghiệp, áo đẫm mồ hôi, bước thấp bước cao, đang phải cáng tôi. Phải đi gần hai cây số mới tới được trạm cứu thương, mà chiến hào thì trơn, đầy ổ trâu, ổ gà. Tôi biết rõ như thế, vì trước đó một hai ngày đã từng giúp cáng một thương binh trên con đường này. Đôi chỗ, cành bạch dương rủ xuống sát mặt chiến hào, lá bạch dương mơn man trên má tôi. Tôi nghĩ thật hạnh phúc biết bao khi được sống trên thế gian, nơi có những cây bạch dương như thế này. Trong khi đó tay vẫn đau không thể nào chịu nổi, tôi đã mấy lần văng tục, nhưng rồi lại cố không văng tục vì mỗi lần thở mạnh là máu lại sùi ra ở miệng.

Bác sĩ băng bó lại vết thương, tiêm cho tôi một liều morfin rồi cho chở tôi đi Sietamo ngay lập tức. Bệnh xá Sietamo là những nhà gỗ tạm, thương binh thường chỉ được giữ lại trong vài giờ rồi được chở đi Barbastro hoặc Lerida. Tôi bị say morfin, nhưng vẫn đau khủng khiếp, gần như không cử động nổi, máu vẫn chảy, tôi phải nuốt vì không nhổ ra được. Một cô y tá mang tới khẩu phần ăn của bệnh viện gồm một bát súp, mấy quả trứng luộc và một miếng thịt hầm béo ngậy - các bệnh viện Tây Ban Nha bao giờ cũng làm như vậy. Cô ý tá tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi không ăn. Tôi hỏi xin thuốc lá, nhưng đây là giai đoạn khan hiếm trầm trọng, bệnh viện không còn điếu thuốc lá nào. Một lúc sau có hai người bạn xin được phép đi thăm tôi xuất hiện.

“Chào! Thế là sống rồi hả? Tốt. Hãy cho chúng tớ đồng hồ, súng lục, đèn pin nữa. Nếu cậu có dao thì cũng cho xin luôn đi.”

Họ lấy hết những gì tôi có trong người. Thương binh nào cũng thế - tất cả những gì anh ta có đều bị chia ngay lập tức. Mà thế là đúng. Ngoài mặt trận đồng hồ, súng lục và những thứ khác đều là của quí cả, còn thương binh mà mang theo người thì trước sau gì cũng bị ăn cắp sạch.

Buổi chiều, khi thương bệnh binh đã nhiều, họ cho chúng tôi lên mấy chiếc xe cứu thương và chở đi Barbastro. Thật là một chuyến đi hãi hùng! Người ta thường nói rằng trong cuộc chiến tranh này nếu bị thương vào chân tay thì sống, còn bị thương vào bụng thì chết là cái chắc. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao. Vượt qua đoạn đường dài đã bị ô tô tải nặng cày nát và từ hồi chiến tranh đến giờ vẫn chưa được sửa chữa lần nào mà lại còn bị chảy máu nội tạng nữa thì sống làm sao nổi! Xe lao vào hết ổ gà nọ đến ổ gà kia, rung lên bần bật. Nó làm tôi nhớ lại trò chơi “bập bênh”[1] hồi còn bé. Người ta quên cột chặt chúng tôi vào cáng. May là tay trái tôi còn khoẻ nên vẫn bám được, nhưng có một cậu bị rơi xuống sàn, chắc là đau lắm. Một người khác, đi lại được, ngồi trong góc xe, nôn thốc nôn tháo suốt cả đoạn đường. Bệnh viện ở Barbastro chật cứng người, giường kê sát nhau. Ngày hôm sau, một số người được đưa lên mấy toa tầu bệnh viện để đi Lerida.

Tôi nằm ở Lerida năm hoặc sáu ngày. Đây là một bệnh viện lớn, thương binh, bệnh binh và bệnh nhân bình thường nằm lẫn lộn với nhau. Trong phòng tôi có những thương binh rất nặng. Bên cạnh tôi là một thanh niên tóc đen, không biết uống thuốc gì mà nước tiểu xanh như ngọc bích. Chai đựng nước tiểu của anh ta trở thành sự kiện lạ, thu hút khối người tò mò. Nghe tin có một người Anh nằm viện, một đảng viên cộng sản Hà Lan nói được tiếng Anh đã đến thăm tôi. Chúng tôi kết bạn với nhau, anh ta mang báo tiếng Anh đến cho tôi đọc. Anh bị thương rất nặng trong trận đánh diễn ra hồi tháng mười, anh tìm cách ở lại làm việc tại bệnh viện Lerida và đã kịp cưới một cô y tá làm vợ. Vết thương làm một chân anh teo lại, bây giờ trông nó còn nhỏ hơn cả cánh tay tôi. Có hai cậu dân quân đi phép ghé vào thăm tôi. Tôi đã gặp hai cậu này ngay trong những ngày đầu tiên ra mặt trận, họ cũng nhận ra tôi. Hai cậu này còn rất trẻ, chỉ khoảng mười tám là cùng. Họ đứng cạnh giường tôi, ấp a ấp úng, không nói lên lời. Sau đó, họ rút hết thuốc lá trong túi ra và đưa cho tôi rồi chuồn thẳng đến nỗi tôi không kịp trả lại nữa. Đấy là cách thể hiện tình cảm của họ. Đặc sệt Tây Ban Nha! Sau này tôi mới biết rằng trong thành phố này không có chỗ nào bán thuốc lá, họ đã cho tôi tất cả số thuốc lá được phát cho cả một tuần.

Sau vài ngày tôi đã có thể đứng dậy và đi lại được, tuy tay vẫn còn phải băng và treo trước ngực. Không hiểu sao bỏ xuống thì đau hơn nhiều. Vẫn còn rất đau ở bên trong, đấy là do tôi ngã. Giọng nói thì mất hẳn, nhưng bản thân vết đạn thì không đau nữa. Có vẻ như ai cũng thế cả. Chính cú va đập mạnh của đầu đạn đã làm tê liệt cảm giác; trong khi mảnh đạn hay mảnh bom nham nhở, tuy va đập không mạnh bằng như lại gây đau đớn hơn nhiều. Trong sân bệnh viện có một mảnh vườn khá xinh xắn và bể cá, có cả cá vàng và mấy chú cá màu xám nhỏ nữa. Tôi thường ngắm chúng hàng giờ liền không biết chán. Cách làm việc ở Lerida cho phép tôi hiểu được hệ thống quân y viện ở mặt trận Aragon - ở những nơi khác có như thế hay không thì tôi không biết. Về một số mặt, quân y viện ở đây phải nói là tốt. Các bác sĩ đều giỏi, thuốc và dụng cụ y tế có vẻ như cũng không thiếu. Nhưng có hai khiếm khuyết nghiêm trọng, chắc chắn đã làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thương bệnh binh chết oan.

Một là, tất cả các quân y viện gần mặt trận chỉ được sử dụng gần như là trạm băng bó. Kết quả là chỉ các thương binh nặng, không thể chuyển đi được mới được cứu chữa tại chỗ. Về lí thuyết thì hầu hết thương binh đều phải được chuyển thẳng đến Barcelona hay Tarragona, nhưng vì không có phương tiện nên phải một tuần, thậm chí mười ngày sau họ mới được chuyển tới nơi. Thương binh nằm lăn lóc Sietamo, Barbastro, Monzon, Lerida và những nơi khác, trong khi chẳng được chữa trị gì ngoài việc thay băng, đôi khi ngay cả băng cũng chẳng được thay. Vết thương sâu hoắm hay gãy chân gãy tay cũng chỉ được băng hay bó bột sơ sài, bệnh án thì được viết bằng bút chì lên trên, rồi cứ đ như thế cho đến khi tới được Barcelona hay Tarragona, tức là mười ngày sau mới được tháo ra. Chữa trị vết thương trên đường là việc gần như bất khả thi. Mấy ông bác sĩ đi theo không thể làm xuể được. Họ thường chỉ chạy ngang qua, miệng lẩm bẩm: “Vâng, vâng, ở Barcelona người ta sẽ chữa cho anh.” Lúc nào cũng thấy nói mañana (ngày mai) sẽ có tàu bệnh viện đi Barcelona. Khiếm khuyết thứ hai là thiếu y tá có tay nghề. Rõ ràng là Tây Ban Nha không có đủ số y tá có tay nghề, có thể là do trước chiến tranh công việc này chủ yếu là do các bà xơ làm. Tôi không phàn nàn gì mấy cô ý tá, bao giờ họ cũng rất nhã nhặn, chỉ có điều là tay nghề rất kém. Tất cả các nữ y tá đều biết cặp nhiệt độ, một số người biết băng bó, tất cả kiến thức chỉ có thế. Kết quả là những thương binh nặng không tự chăm sóc được thường bị bỏ mặc. Các cô ý tá sẵn sàng để mặc người bị táo bón nằm như thế cả tuần lễ, họ cũng ít khi tắm rửa những người yếu quá không tự tắm được. Tôi nhớ một anh chàng tội nghiệp bảo với tôi là tay bị gãy, ba tuần liền không rửa được mặt. Chăn chiếu mấy ngày liền cũng chẳng ai thay. Thức ăn thì quân y viện nào cũng tốt, quá tốt là khác. Ở Tây Ban Nha người ta có thói quen cho người ốm ăn còn nhiều hơn là các nước khác. Thức ăn ở Lerida nhiều khủng khiếp. Sáu giờ sáng, điểm tâm: súp, trứng rán, thịt hầm, bánh mì, vang trắng, café; buổi trưa còn nhiều hơn – mà đấy là trong lúc đa số dân chúng đang bị thiếu đói nghiêm trọng. Có vẻ như người Tây Ban Nha không công nhận chế độ ăn kiêng. Cùng một khẩu phần cho cả người ốm lẫn người khoẻ, nhiều năng lượng, nhiều mỡ, lại tưới đẫm dầu ô-liu.

Buổi sáng hôm đó người ta bảo rằng tất cả mọi người trong phòng đều được chuyển đến Barcelona ngay. Tôi đã tìm cách gửi điện thông báo cho bà xã là mình sắp về. Sau đó họ đưa chúng tôi lên ô tô ra ga. Chỉ đến khi tàu đã chạy người hộ lí đi cùng mới làm như vô tình nói rằng tầu không đi Barcelona mà đi Tarragona. Tôi cho rằng tay lái tàu đã đổi ý. “Đúng là Tây Ban Nha!” – tôi tự nhủ. Nhưng còn Tây Ban Nha hơn nữa, khi họ đồng ý đợi tôi gửi bức điện thứ hai rồi mới khởi hành. Bà xã không nhận được bức điện này, đấy cũng là đặc trưng của Tây Ban Nha.

Họ đưa chúng tôi vào toa hạng ba, ghế ngồi bằng gỗ. Nhiều thương binh nặng, đây là lần đầu tiên họ bước ra khỏi giường. Chẳng bao lâu sau, vì nóng và sóc, một nửa số thương binh trong toa đã mệt rũ ra, có người nôn ngay ra sàn. Tay hộ lí chạy qua chạy lại giữa đám thương binh nằm ngổn ngang, tay cầm một cái bọc làm bằng da dê đựng đầy nước; thỉnh thoảng anh ta lại phun thẳng vào miệng một người nào đó. Nước có mùi vị rất hãi, tôi vẫn còn nhớ rõ. Chúng tôi đến Tarragona khi chiều tà. Đường tàu hoả chạy ngay sát bờ biển. Khi chúng tôi vào thì một đoàn tàu khác chở quân nhân các Binh đoàn quốc tế đang rời ga. Đám đông đứng trên cầu vẫy tay chào họ. Đoàn tàu này rất dài, toa nào cũng đầy lính, pháo đặt trên những toa không mui, xung quanh cũng đầy lính. Cảnh tượng sống động đó vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi: đoàn tầu hoả khởi hành trong ánh chiều vàng nhạt; những khuôn mặt đen nhẻm, rạng rỡ nụ cười bên cửa sổ các toa tàu; nòng súng trường và những chiếc khăn quàng màu đỏ thắm - tất cả lần lượt lướt qua một cách chậm rãi, đằng sau là mặt biển màu xanh ngọc.

Extranjerosngười ngoại quốc”, có người nói,Người Ý.”

Chắc chắn là người Ý rồi. Chỉ có người Ý mới sôi động và đáp lại lời chào của đám đông một cách trang trọng như thế - trang trọng ngay cả khi có đến một nửa số người trên tàu đang dốc ngược những chai rượu vang sắp cạn lên tu. Sau này mới biết rằng đấy là một trong những đơn vị đã giành chiến thắng trong trận đánh ở Guadalajara hồi tháng ba. Họ vừa trả phép và được đưa ra mặt trận Aragon. Tôi nghĩ là chỉ sau đó mấy tuần đa số đã hi sinh ở Huesca. Tất cả các thương binh có thể đi được đều đứng lên vẫy chào các chiến sĩ người Ý khi đoàn tầu của họ lướt qua. Người giơ nạng ra ngoài cửa sổ, kẻ đưa cách tay băng bó lên làm động tác chào. Thật là một bức tranh đầy ấn tượng về cuộc chiến: một bên là đoàn tàu hoả với những chàng trai tươi rói đang hùng dũng tiến ra tiền tuyến, còn bên kia là một đoàn tàu khác chở đầy thương binh chậm chạp bò về hậu phương; còn hình ảnh những khẩu pháo trên những toa tầu không mui lại làm tim đập rộn lên, làm sống lại cái tình cảm nguy hiểm nhưng rất khó bỏ: dù sao mặc lòng, chiến đấu vẫn là vinh quang..

Quân y viện ở Tarragona thuộc loại rất lớn, đầy thương bệnh binh từ khắp các mặt trận đổ về. Đủ loại thương tật! Một số vết thương được điều trị bằng những phương pháp hiện đại nhất, nhưng chỉ cần nhìn vào cũng đã sởn ra gà rồi. Vết thương được để hở hoàn toàn, không băng bó gì, người ta chỉ che vết thương bằng mấy sợi tơ căng trên cái khung bằng dây thép để không cho ruồi bám vào. Có thể nhìn thấy rõ những miếng thịt bày nhày, đỏ chót trên những vết thương đang lên da non. Có một người bị thương vào mặt và cổ thành ra đầu anh ta được che không chỉ bằng mấy sợi tơ mà được bọc trong một cái lưới, trông như mũ bảo hộ; miệng ngậm một cái ống nhỏ làm lỗ thông hơi. Anh chàng tội nghiệp trông rất cô đơn, cứ đi ra đi vào một mình, chỉ nhìn mọi người mà không nói được. Tôi đã ở Tarragona được ba hoặc bốn ngày. Sức khoẻ đã dần hồi phục, một hôm tôi đã lết tới tận bãi biển. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy cuộc sống trên bãi biển vẫn diễn ra một cách bình thường. Những quán café sang trọng dọc con đường ven biển, những nhà tư sản địa phương béo núc ních tắm biển và nắm phơi nắng trên những chiếc ghế bố như thể chiến tranh đang xảy ra cách đây hàng ngàn dặm vậy. Thế mà tôi lại nhìn thấy một người bị chết đuối, thật không thể tưởng tượng được là có thể chết đuối trong vùng nước nông và lặng sóng thế này.

Cuối cùng, sau khi rời mặt trận được tám hay chín ngày, tôi được đưa đi kiểm tra vết thương. Trong phòng phẫu thuật, nơi những người mới tới được đưa vào khám, các bác sĩ  dùng những chiếc kéo lớn rạch những tấm thạch cao mà ở các trạm cứu thương ngoài tiền duyên người ta dùng để bọc những người bị gãy xương sườn hay xương đòn gánh. Đằng sau những tấm thạch cao sù sì ấy là những khuôn mặt đầy lo âu, bẩn thỉu, râu ria tua tủa vì cả tuần chưa cạo. Một tay bác sĩ đẹp trai, nhanh nhẹn, tuổi chừng ba mươi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tôi; anh ta lấy một miếng gạc đ lên lưỡi của tôi và kéo ra ngoài, rồi anh ta đưa vào họng tôi một chiếc gương nhỏ và bảo nóia”. Sau khi làm lưỡi tôi chảy máu và nước mắt tôi trào ra, anh ta bảo rằng một dây thanh âm của tôi đã bị liệt.

“Bao giờ thì tôi có thể nói được như trước?”, tôi hỏi.

“Nói như trước? Anh không bao giờ có thể nói như trước được nữa”, tay bác sĩ vui vẻ đáp.

Nhưng anh ta đã lầm. Trong vòng hai tháng tôi chỉ có thể nói thầm, thế rồi bất ngờ tôi lại nói được. Hoá ra dây âm thanh kia đã “gánh đỡ” được cho cái dây bị liệt. Cánh tay vẫn còn đau vì viên đạn đã làm đứt bó dây thần kinh ở sau gáy. Đau đớn kéo dài cả tháng, nhất là ban đêm, thành ra tôi gần như mất ngủ hoàn toàn. Các ngón tay trên bàn tay phải của tôi cũng gần như bị liệt. Đến nay, đã năm tháng rồi mà các ngón tay vẫn còn tê – cũng lạ, bị thương vào cổ mà lại liệt ngón tay.

Theo một nghĩa nào đó thì vết thương của tôi cũng là hiện tượng lạ. Khá nhiều bác sĩ tới khám đã tặc lưỡi bảo: “May quá! May quá!” Một ông còn bảo rằng viên đạn chỉ cách động mạch chủ “khoảng một milimet”. Tôi không hiểu làm sao mà ông ta biết được như thế. Tất cả những người tôi gặp hồi đó – bác sĩ, y tá, thực tập sinh, thương binh cùng phòng - đều khẳng định rằng người bị thương vào cổ mà còn sống thì nhất định sẽ là người hạnh phúc. Nhưng cá nhân tôi thì nghĩ rằng đã là người hạnh phúc thì không thể nào bị thương được.




[1] Dịch thoát ý từ Wiggle-Woggle

No comments:

Post a Comment