Sẽ không bao giờ
có được một bản báo cáo hoàn toàn chính xác và không thiên vị về trận đụng độ ở
Barcelona vì không có những tài liệu cần thiết. Các nhà sử học tương lai sẽ chẳng
có gì ngoài những lời buộc tội lẫn nhau và những tài liệu tuyên truyền mang
tính đảng phái. Chính tôi cũng có rất ít tư liệu, tôi chỉ dựa vào những điều mắt
tôi nhìn thấy và những điều tai tôi nghe được từ những người chứng kiến tin cậy
được mà thôi. Tuy nhiên, tôi có thể phản bác một số điều dối trá trắng trợn và
sắp xếp các sự kiện vào một mối tương quan nhất định.
Trước hết, đã xảy ra chuyện gì?
Trước đây một thời
gian, căng thẳng đã xảy ra trên khắp vùng Catalonia. Trong những chương trước tôi đã nói đến cuộc đấu tranh giữa những người cộng sản và những người theo phái vô chính phủ rồi. Đến đầu tháng 5 năm 1937, tình hình căng thẳng đến mức bạo lực là không thể tránh được. Nguyên nhân trực tiếp là lệnh của chính phủ buộc phải giao nộp tất cả vũ khí cá nhân, trùng hợp với quyết định xây dựng lực lượng cảnh sát “phi chính trị” được trang bị một cách đầy đủ, không còn các công đoàn viên nữa. Ý nghĩa của nó thì ai cũng rõ. Bước tiếp
theo sẽ là kiểm soát những ngành công nghiệp chủ chốt hiện đang nằm trong tay C.N.T. Ngoài ra, giai cấp công
nhân còn bất mãn vì khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng và cảm giác chung
của mọi người là cuộc cách mạng đã bị phản bội. Nhiều người còn phấn khởi, ngạc
nhiên khi bạo loạn không nổ ra vào ngày 1 tháng 5. Ngày 3 tháng 5 chính phủ quyết
định chiếm tổng đài điện thoại mà ngay từ đầu cuộc chiến đã do các công nhân
thuộc C.N.T. vận hành. Lí do là nó hoạt động kém và các
cuộc gọi của chính phủ đã bị nghe trộm. Salas, Giám đốc Sở cảnh sát điều ba ô tô tải chở đầy lính bảo vệ vũ trang đến chiếm toà nhà (ông
ta có vượt quyền hay không thì chưa rõ), các khu phố xung quanh bị cảnh sát vũ
trang mặc thường phục bao vây chặt. Cùng thời gian đó, các đơn vị bảo vệ vũ
trang cũng chiếm các toà nhà nằm ở các vị trí chiến lược. Dù mục đích thực sự
có như thế nào thì mọi người cũng đều tin rằng đây là tín hiệu để cho lực lượng
bảo vệ vũ trang và P.S.U.C. (cộng sản và xã hội) tấn công vào C.N.T. Khắp nơi trong thành phố, người ta đồn rằng các
toà nhà do công đoàn nắm giữ đang bị tấn công, lực lượng vũ trang vô chính phủ
xuất hiện trên đường phố, công nhân ngừng việc, chiến sự bùng lên ngay lập tức.
Đêm đó và sáng hôm sau chiến luỹ được dựng lên khắp nơi, mãi đến sáng mồng 6
tháng 5 chiến sự vẫn chưa chấm dứt. Nhưng ở cả hai bên, cuộc chiến chỉ có tính
phòng vệ. Các ngôi nhà đã bị bao vây, nhưng theo tôi biết thì không có cuộc tấn
công đánh chiếm nào, pháo binh cũng không được sử dụng. Về đại thể, lực lượng
C.N.T.—F.A.I.—P.O.U.M.
chiếm giữ các khu phố lao động ở ngoại ô, cảnh sát vũ trang và lực lượng P.S.U.C. giữ khu trung tâm và khu hành chính của thành phố. Ngày
mồng 6 tháng 5 có thoả thuận ngừng bắn, nhưng chiến sự lại nổ ra ngay sau đó vì
lực lượng bảo vệ vũ trang định tước vũ khí của công nhân-đoàn viên công đoàn C.N.T. Nhưng sáng hôm sau, dân chúng tự ý rời bỏ chiến luỹ. Trước đó,
tức là đến trước đêm này mồng 5 tháng 5 lực lượng C.N.T. vẫn giữ thế thượng
phong, có khá nhiều lính bảo vệ vũ trang đầu hàng. Nhưng công nhân không có ban
lãnh đạo chính thức được mọi người chấp nhận, không có một kế hoạch xác định -
thực ra là chẳng có một kế hoạch nào, họ chỉ có mỗi quyết tâm mơ hồ là phải chống
lại lực lượng bảo vệ vũ trang mà thôi. Những người lãnh đạo của C.N.T. đã cùng với lãnh đạo U.G.T. kêu
gọi dân chúng trở lại làm việc, trước hết là vì lương thực thực phẩm đã cạn.
Trong những hoàn cảnh như thế, không ai dám chắc kết quả sẽ như thế nào nếu còn
tiếp tục đánh nhau. Đến chiều ngày mồng 7 tình hình đã gần như đã trở lại bình
thường. Tối hôm đó, sáu ngàn quân xung phong được đưa từ Valencia tới bằng đường
biển và họ kiểm soát toàn bộ thành phố. Chính phủ ra lệnh cho các lực lượng
không chính qui phải giao nộp toàn bộ vũ khí. Trong vòng có vài ngày một số lượng
lớn vũ khí đã bị tịch thu. Theo số liệu chính thức, trong thời gian diễn ra chiến
sự đã có bốn trăm người bị giết và khoảng một ngàn người bị thương. Bốn trăm
người bị giết có thể là phóng đại, nhưng vì không có cách nào kiểm tra nên
chúng ta đành phải chấp nhận vậy.
Thứ hai, về hậu
quả của cuộc xung đột. Không có gì chắc chắn cả. Không có bằng chứng nào chứng tỏ vụ đụng độ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình mặt trận, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nếu nó kéo dài thêm vài ngày nữa. Đấy là cái cớ để cho Valencia kiểm soát hoàn toàn Catalonia nhằm đẩy nhanh việc giải tán lực lượng dân quân và đàn áp P.O.U.M., và
không nghi ngờ gì rằng vụ đụng độ này đã góp phần làm sụp đổ chính phủ của Caballero. Nhưng những sự kiện này chắc chắn sẽ xảy ra dù có xung đột hay là không. Vấn đề là những người công nhân-công đoàn viên C.N.T. được hay
thua trong cuộc chiến này. Chỉ có thể đoán, nhưng tôi cho rằng họ được nhiều
hơn mất. Vụ chiếm tổng đài điện thoại Barcelona chỉ là một tình tiết trong một
loạt các sự kiện. Công đoàn đã mất dần quyền lực ngay từ năm ngoái và xu hướng
chung là quyền kiểm soát chuyển dần từ tay giai cấp công nhân sang chính quyền
trung ương, sang chủ nghĩa tư bản nhà nước, mà cũng có thể là đang dẫn đến sự
phục hồi chủ nghĩa tư bản tư nhân. Sự phản đối chỉ có thể làm cho quá trình diễn
ra một cách chậm chạp hơn. Một năm sau khi chiến tranh nổ ra, công nhân vùng
Catalonia đã đánh mất khá nhiều quyền lực, nhưng họ vẫn có vị trí tương đối thuận
lợi. Địa vị của họ sẽ kém hơn nhiều nếu họ cúi mặt làm ngơ trước bất kì vụ
khiêu khích nào. Có những lúc thà đánh nhau mà thua còn hơn là không đánh đấm
gì hết.
Thứ ba, đánh nhau
để làm gì? Đây có phải là một vụ đảo chính hay một hành động cách mạng không? Có phải mục tiêu cuối cùng là lật đổ chính phủ không? Nói chung, mục tiêu đã được hoạch định hay chưa?
Cá nhân tôi cho rằng
vụ đụng độ đã được hoạch định theo nghĩa là mọi người đều tin rằng nhất định nó
sẽ xảy ra. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng các bên đã có sẵn kế hoạch từ trước. Hành động của quân vô chính phủ gần như chắc chắn là mang tính tự phát vì các đảng viên thường tham gia là chủ yếu. Quần chúng đổ ra đường phố, còn lãnh đạo thì miễn cưỡng đi theo hoặc hoàn toàn không theo. Chỉ có “Những người bạn của Durruti”, một nhóm cực tả, chẳng có mấy thành viên trong lực lượng F.A.I. và P.O.U.M. là nói theo tinh thần cách mạng mà thôi. Nhưng họ cũng chỉ đi theo chứ không phải là lực lượng lãnh đạo. Những người bạn của Durruti đem phân phát những tờ truyền đơn cách mạng, nhưng đấy là ngày mồng 5 và không thể nói rằng truyền đơn khơi mào cho cuộc chiến vì nó đã nổ ra trước đó hai ngày rồi. Các nhà lãnh đạo chính thức của C.N.T. phủ nhận
toàn bộ trách nhiệm ngay từ đầu. Có nhiều lí do. Trước hết là C.N.T. vẫn có đại diện trong chính phủ trung ương,
còn chính phủ Catalonia thì tìm mọi cách để bảo đảm rằng lãnh đạo C.N.T. phải là những người bảo thủ hơn các công đoàn viên của
họ. Thứ hai, mục tiêu chủ yếu của lãnh đạo C.N.T. là
thành lập liên minh với U.G.T., xung đột chỉ làm chia rẽ
sâu sắc thêm, ít nhất là trong thời gian đó. Thứ ba - mặc dù chuyện này lúc đó
chưa có nhiều người biết – những người lãnh đạo quân vô chính phủ sợ rằng nếu
tình hình vượt quá giới hạn nào đó và công nhân chiếm được thành phố (họ có thể
làm như thế vào ngày mồng 5 tháng năm) thì nước ngoài sẽ can thiệp. Một tuần
dương hạm và hai khu trục hạm của Anh đã đậu trong cảng và chắc chắn còn những
chiếc tàu chiến khác lởn vởn gần đó nữa. Báo chí Anh viết rằng những con tàu
này đến Barcelona là “để bảo vệ quyền lợi của Anh”, nhưng trên thực tế, họ
không có ý định làm việc đó vì không thấy họ đưa người lên cũng không thấy họ
đón bất kì người tị nạn nào. Không có bằng chứng chắc chắn, nhưng hoàn toàn có
khả năng là chính phủ Anh sẽ không động một ngón tay để cứu chính quyền Tây Ban
Nha khỏi bọn phát xít Franco, nhưng nó sẽ nhanh chóng can thiệp để cứu chính phủ
này khỏi tay giai cấp công nhân của chính mình.
Lãnh đạo P.O.U.M. không chối bỏ trách nhiệm, trên thực tế họ còn khuyến
khích người của mình giữ vững chiến luỹ, thậm chí ủng hộ (trên tờ La Batalla,
ra ngày 6 tháng 5) khẩu hiệu cực đoan của Những người bạn của Durruti nữa.
(Không ai biết chắc nội dung tờ truyền đơn này vì cho đến nay chưa ai tìm thấy
tờ nào). Một số tờ báo nước ngoài gọi những tờ truyền đơn này là “khẩu hiệu kích động” được “dán” khắp thành phố. Nhưng chắc chắn là không có khẩu hiệu nào như thế cả. Sau khi so sánh những nguồn tin khác nhau, tôi có thể nói rằng truyền đơn kêu gọi (i) Thành lập hội đồng cách mạng, (ii) Bắn bỏ tất cả những người chịu trách nhiệm trong vụ tấn công tổng đài điện thoại, (iii) tước vũ khí lực lượng bảo vệ vũ trang. Vẫn còn chưa rõ là báo La Batalla
ủng hộ truyền đơn đến mức độ nào. Tôi không được đọc truyền đơn cũng như không
đọc báo La Batalla ra ngày hôm ấy.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột tôi chỉ nhìn thấy một tờ truyền đơn.
Đấy là tờ truyền đơn do nhóm Trotskyist (“Bolshevik-Leninist”), một nhóm rất ít
thành viên, phân phát hôm mồng 4 tháng 5. Tờ này viết: “Tất cả đều lên chiến luỹ - Tổng bãi công trong tất cả các ngành, xí
nghiệp, trừ các xí nghiệp sản xuất vũ
khí”. (Nói cách khác, nó chỉ yêu cầu làm những việc đã xảy ra rồi). Nhưng trên
thực tế, lãnh đạo P.O.U.M. đã giao động. Họ không bao giờ
ủng hộ cuộc nổi dậy nếu chưa chiến thắng Franco, nhưng khi công nhân nắm lấy vũ
khí thì những nhà lãnh đạo P.O.U.M. đã tuân theo đường lối Marxist
giáo điều, tức là đường lối cho rằng khi công nhân đã xông ra đường phố thì các
đảng cách mạng có trách nhiệm ủng hộ họ. Vì thế, trong khi mồm thì hô những khẩu
hiệu cách mạng “đánh thức tinh thần ngày 19 tháng 7” và những khẩu hiệu tương tự,
nhưng trên thực tế họ lại tìm mọi cách giới hạn hành động của công nhân theo hướng
phòng thủ là chính. Thí dụ, họ không bao giờ ra lệnh tấn công bất
kì toà nhà nào, và như tôi đã viết trong chương trước, họ chỉ hạ lệnh cho người
của mình luôn phải sẵn sàng, nhưng tìm mọi cách tránh nổ súng. Tờ La Batalla
còn in chỉ thị cấm các đơn vị quân đội rời mặt trận nữa[1]. Theo đánh giá của tôi thì trách nhiệm của P.O.U.M. chỉ là đã kêu gọi mọi người ở lại trên chiến luỹ, và
có thể đã thuyết phục được một số người ở lại lâu hơn là đáng lẽ họ đã làm. Những
người đã từng tiếp xúc với các nhà lãnh đạo P.O.U.M.
trong thời gian đó (tôi không tiếp xúc với họ) đều nói với tôi rằng họ đã mất hết
tinh thần, nhưng cảm thấy có trách nhiệm ủng hộ công nhân. Sau này, dĩ nhiên là
người ta đã thu được vốn liếng chính trị, đấy cũng là việc bình thường. Ông
Gorkin, một trong những nhà lãnh đạo của P.O.U.M., thậm chí còn
nói đến “những ngày tháng năm vinh quang” nữa. Từ quan điểm tuyên truyền thì điều
này có thể là đúng. Trong giai đoạn ngắn trước khi bị cấm, lực lượng của
P.O.U.M. có gia tăng được một ít. Về mặt chiến thuật, việc ủng hộ truyền
đơn của nhóm Những người bạn của Durruti có thể là một sai lầm; tổ chức này vừa
nhỏ, vừa hay có thái độ thù địch đối với P.O.U.M. Xét
tình trạng kích động nói chung và những lời phát biểu từ cả hai phía lúc đó thì
truyền đơn chỉ có nghĩa là kêu gọi mọi người tiếp tục giữ vững chiến luỹ. Nhưng
ủng hộ nó, trong khi tờ Solidaridad Obrera, cơ quan ngôn luận của những
người vô chính phủ, lên án truyền đơn, tức là các nhà lãnh đạo P.O.U.M.
đã tạo cớ cho báo chí chí cộng sản sau này nói rằng vụ chạm súng là một hình thức
khởi nghĩa chỉ do một mình P.O.U.M. phát động. Tuy
nhiên, chắc chắn là đằng nào thì báo chí cộng sản cũng nói như thế. Trước và
sau cuộc chiến, dù chẳng có sơ sở nào thì hai bên cũng đã kết án nhau hết sức nặng
nề rồi. Lãnh đạo C.N.T., vì quá thận trọng nên chẳng được gì.
Người ta đã ca ngợi họ vì có lòng trung thành, và khi có cơ hội thì đã tống khứ
họ ra khỏi cả chính phủ trung ương lẫn chính quyền Catalonia.
Theo lời người ta
nói lúc đó thì không ai có ý định làm cách mạng. Đứng sau chiến luỹ chỉ là những người công nhân bình thường, thành viên của công đoàn C.N.T., có thể
có cả thành viên công đoàn U.G.T. nữa; họ không có ý định
lật đổ chính phủ mà chỉ muốn chống lại, có thể đúng mà cũng có thể sai, cuộc tấn công của cảnh sát mà thôi. Thực ra, hành động của họ chỉ có tính chất tự vệ và tôi không biết đây có phải là một “cuộc nổi dậy” như báo chí ngoại quốc viết hay không. Nổi dậy hàm ý có hành động tấn công và một kế hoạch nhất định. Đây rõ ràng là một cuộc bạo loạn - một cuộc bạo loạn đẫm máu vì cả hai bên đều có vũ khí nóng và sẵn sàng nổ súng.
Còn ý định của
phía bên kia thì sao? Nếu đây không phải là cuộc đảo chính của lực lượng vô chính phủ thì có thể là cuộc đảo chính của cộng sản chăng? Đây có phải là cố gắng đã được tính toán trước nhằm tước đoạt quyền lực của C.N.T. chỉ bằng
một cú ra đòn hay không?
Tôi không tin, mặc
dù là có một số lí do để người ta ngờ là như thế. Đáng kể là sự kiện tương tự như thế đã xảy ra tại Tarragona hai ngày sau đó (cảnh sát vũ trang, theo lệnh của Barcelona, đã chiếm tổng đài điện thoại). Còn ở Barcelona thì tấn công tổng đài điện thoại không còn là hành động đơn lẻ nữa.
Các đơn vị bảo vệ vũ trang và thành viên P.S.U.C. đã chiếm
các toà nhà có vị trí chiến lược, nếu không nói là ngay trước khi xung đột xảy ra thì cũng diễn ra một cách mau lẹ đến bất ngờ. Nhưng nên nhớ rằng đấy là chuyện xảy ra ở Tây Ban Nha chứ không phải ở Anh. Barcelona là một thành phố có lịch sử đánh nhau khá dài. Trong những khu
vực như thế mọi chuyện xảy ra rất nhanh, các bên đều đã sẵn sàng, mọi người đều
nắm được địa hình địa vật, cho nên khi súng vừa nổ là mọi người đã vào đúng vị
trí, hệt như trong cuộc diễn tập cứu hoả vậy. Có lẽ những người chịu trách nhiệm
chiếm tổng đài điện thoại cho rằng sẽ có rắc rối – nhưng không đến mức như thực
tế đã diễn ra – và sẵn sàng đè bẹp mọi kháng cự. Nhưng như thế cũng không có
nghĩa là họ đã lập kế hoạch tấn công C.N.T. Tôi không
tin rằng một trong hai bên đã sẵn sàng cho một trận xung đột rộng lớn hơn. Có
hai lí do:
(i) Trước đó
không có bên nào đưa quân tới Barcelona. Chỉ có những người đang ở Barcelona, mà chủ yếu là thường dân và cảnh sát, tham gia đánh nhau mà thôi.
(ii) Lương thực
thực phẩm cạn kiệt gần như ngay lập tức. Những người đã từng phục vụ ở Tây Ban
Nha đều biết rằng chiến dịch duy nhất mà người Tây Ban Nha làm được một cách
hoàn hảo trong thời gian diễn ra cuộc chiến là nuôi quân. Có vẻ như hoàn toàn
không có khả năng là một bên nào đó đã dự liệu trước một hai tuần rằng cuộc đụng
độ và tổng đình công sẽ xảy ra mà lại không dự trữ trước lương thực thực phẩm.
Cuối cùng, bên nào đúng, bên nào sai?
Báo chí chống
phát xít đã tung ra một đống hoả mù, nhưng thường là chỉ có một bên được nghe
mà thôi. Kết quả là vụ động độ ở Barcelona được người ta mô tả như là cuộc nổi dậy của những kẻ phản bội - tức là phe vô chính phủ và Trotskyist - những người đã “đâm một nhát dao vào sau lưng chính phủ Tây Ban Nha”..v.v... Nhưng vấn đề không hoàn toàn đơn giản như thế. Không nghi ngờ gì rằng khi đang giao chiến với kẻ tử thù thì tốt nhất là quân ta không được đánh quân mình, nhưng cũng cần nhớ rằng phải có hai bên tham gia thì mới thành cãi nhau và dân chúng sẽ không xây chiến luỹ nếu họ không nhận được tín hiệu mà họ có thể coi là khiêu khích.
Rắc rối thực sự
bùng lên khi chính phủ ra lệnh cho quân vô chính phủ giao nộp vũ khí. Ở Anh, báo chí đã diễn giải theo cách hiểu của người Anh như thế này: mặt trận Aragon đang rất cần vũ khí, nhưng những người vô chính phủ không có lòng yêu nước đã giữ lại. Viết như thế là không hiểu hoàn cảnh thực tế ở Tây Ban Nha. Mọi người đều biết rằng cả quân vô chính phủ lẫn P.S.U.C. đều
tích trữ vũ khí và khi cuộc chiến bùng lên ở Barcelona thì càng rõ rằng hai bên
đã sản xuất được rất nhiều vũ khí. Quân vô chính phủ biết rằng ngay cả nếu họ
giao nộp vũ khí thì P.S.U.C., lực lượng chính trị chủ yếu
ở Catalonia, cũng sẽ không nộp. Sau khi cuộc xung đột chấm dứt, thực tế đã diễn
ra đúng như thế. Trong khi đó, như có thể nhìn thấy trên đường phố, một số lượng
lớn vũ khí rất cần cho mặt trận lại bị lực lượng cảnh sát “phi chính trị” giữ lại
ở hậu phương. Nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn không thể dung hoà giữa những người
cộng sản và những người vô chính phủ, trước sau gì cũng sẽ dẫn tới đụng dộ. Từ
ngày nổ ra chiến tranh, Đảng cộng sản Tây Ban Nha đã phát triển rất nhanh về số
lượng đảng viên và nắm được hầu hết quyền lực chính trị ở trong nước. Ngoài ra,
còn có hàng ngàn người cộng sản nước ngoài tìm đến Tây Ban Nha, nhiều người còn
nói rõ rằng sau khi đánh bại Franco thì sẽ “thanh toán” chủ nghĩa vô chính phủ.
Trong tình hình như thế, thật khó mà nghĩ rằng lực lượng vô chính phủ sẽ giao nộp
số vũ khí mà họ đã nắm được vào mùa hè năm 1936.
Việc chiếm tổng
đài điện thoại chỉ là que diêm châm vào khối thuốc nổ đã sẵn sàng từ lâu mà
thôi. Rất có thể là những người có trách nhiệm đã không tưởng tượng được rằng nó sẽ gây ra rắc rối. Người ta còn đồn rằng ông Company, Chủ tịch Catalonia, trước đó vài ngày còn vừa cười
vừa tuyên bố rằng bọn vô chính phủ sẽ phải ngậm bồ hòn làm ngọt[2]. Nhưng rõ ràng đây là một hành động thiếu khôn ngoan. Suốt mấy tháng gần đây, đụng độ giữa cộng sản và vô chính phủ đã xảy ra tại nhiều khu vực khác nhau rồi. Catalonia và đặc biệt là Barcelona đã ở trong tình trạng căng thẳng đến mức
đã xảy ra những vụ xung đột trên đường phố và giết người. Bất ngờ có tin loang ra khắp thành phố rằng một số người vũ trang đã tấn công những toà nhà mà công nhân chiếm được trong những trận đụng độ hồi tháng bảy, mà đấy lại là những biểu tượng rất quan trọng đối với họ. Cần phải nhớ rằng công nhân chẳng ưa gì bảo vệ vũ trang. Các thế hệ trước vốn vẫn coi la guardia (bảo vệ -ND) là đày tớ của các ông trùm và địa chủ. Bảo vệ vũ trang còn bị ghét nữa vì người ta ngờ rằng họ trung thành với bọn phát xít[3]. Có thể chính những tình cảm đã thúc đẩy người dân đứng lên chống lại các tướng lĩnh phản loạn hồi đầu chiến tranh lần này đã đưa họ lên chiến luỹ ngay trong những giờ phút đầu tiên. Dĩ nhiên là người ta có thể cãi rằng công nhân của C.N.T. không nên
kháng cự mà phải bàn giao ngay tổng đài điện thoại. Ở đây, ý kiến của mỗi người
lại phụ thuộc vào thái độ của người đó đối với quyền kiểm soát của chính phủ
trung ương và quyền kiểm soát của giai cấp công nhân. Câu trả lời phù hợp nhất
có thể là: “Vâng, hoàn toàn có thể là C.N.T. có lí. Nhưng đang có chiến tranh,
họ không nên gây sự ở hậu phương”. Tôi hoàn toàn đồng ý như thế. Bất kì sự rối
loạn nào ở bên trong cũng chỉ có lợi cho Franco mà thôi. Nhưng ai là người ta
tay trước? Chính phủ có thể có quyền mà cũng có thể không có quyền chiếm tổng
đài điện thoại; vấn đề là trong hoàn cảnh lúc đó việc chiếm tổng đài nhất định
dẫn đến đụng độ. Đấy là một hành động khiêu khích, nó chỉ có nghĩa là: “Quyền lực
của các vị đã hết, bây giờ đến lượt chúng tôi.” Chỉ có điên mới nghĩ là không
có kháng cự. Công bằng mà nói, những việc đại loại như thế này, không thể đổ lỗi
hoàn toàn cho một phía. Quan điểm thiên lệch đã được mọi người chấp nhận chỉ
đơn giản là vì các đảng cách mạng Tây Ban Nha không có cơ sở trong các cơ quan
báo chí ngoại quốc. Đặc biệt là trong báo chí Anh, phải tìm rất lâu thì may ra
mới thấy ý kiến có thiện cảm với những người vô chính phủ Tây Ban Nha. Họ bị
bôi nhọ một cách có hệ thống, và theo kinh nghiệm của tôi thì đưa những ý kiến
biện hộ cho họ lên mặt báo là việc gần như bất khả thi.
Tôi đã cố gắng viết
một cách khách quan về trận đụng độ ở Barcelona, mặc dù rõ ràng là chẳng ai có
thể hoàn toàn khách quan về những vấn đề như thế này. Trên thực tế, ai cũng phải
chọn phe. Tất nhiên là tôi đã có sai lầm, không chỉ trong lúc viết về những sự
kiện ở Barcelona mà còn trong những đoạn khác của tác phẩm này nữa. Thật khó mà
viết được một cách chính xác về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha vì không có tài liệu
nào là không mang màu sắc tuyên truyền. Tôi xin cảnh báo với độc giả về thành
kiến của mình cũng như sai lầm của mình. Nhưng tôi đã có gắng hết sức để có thể
viết một cách trung thực. Nhưng báo cáo của tôi sẽ khác hẳn với những bài viết
trên sách báo ngoại quốc, nhất là trên báo chí cộng sản. Cần phải xem xét lại lối
giải thích của cộng sản vì nó được báo chí toàn cầu đăng lại, được cập nhật thường
xuyên và vì vậy mà được nhiều người chấp nhận nhất.
Báo chí cộng sản
và thân cộng sản đổ toàn bộ tội lỗi vụ đụng độ ở Barcelona lên đầu P.O.U.M. Họ không coi đấy là một hành động bột phát mà là một
vụ bạo loạn có tổ chức, có kế hoạch, nhằm chống lại chính phủ, do P.O.U.M. cùng với một vài phần tử “quá khích” bị dụ dỗ khởi sự. Hơn thế nữa, họ bảo đây là âm mưu của bọn phát xít, do bọn phát xít chỉ huy nhằm phát động cuộc nội chiến ở hậu phương và như thế là làm tê liệt chính phủ. P.O.U.M. là “đạo quân thứ năm” của Franco, là tổ
chức Trotskyist cộng tác với bọn phát xít. Theo tờ Daily Worker (ngày 11 tháng
5):
Điệp viên Đức và Ý tràn vào Barcelona, bề ngoài là để “chuẩn bị Đại hội quốc tế IV” đầy tai tiếng, nhưng trên thực tế, chúng lại làm những việc hoàn toàn khác. Đấy là: Cùng với những tên Trotskyist ở địa phương gây ra tình trạng hỗn loạn và đổ máu, tạo điều kiện cho Đức và Ý tuyên bố rằng “vì những vụ bạo loạn ở Barcelona cho nên không thể kiểm soát được một cách hiệu quả vùng bờ biển Catalonia” và vì vậy mà “cần phải đưa quân vào Barcelona”.
Nói cách khác,
lúc đó người ta cố tình tạo điều kiện để chính phủ Đức và Ý có thể công khai
đưa bộ binh hoặc thuỷ quân đến bờ biển Catalonia nhằm “bảo vệ trật tự”…
Đức và Ý đã có sẵn
phương tiện trong tay, đó là tổ chức Trotskyist, vẫn được gọi là P.O.U.M.
P.O.U.M. đã cộng
tác với những phần tử tội phạm nổi tiếng và một số cá nhân lầm đường lạc lối
trong các tổ chức phi chính phủ để lên kế hoạch, tổ chức và chỉ huy vụ tấn công
ở hậu phương, đúng vào lúc bọn phát xít công kích trên toàn mặt trận ở Bilbao
.. v..v.. và ..v..v..
Ở đoạn sau của
bài báo, thì vụ đụng độ ở Barcelona đã trở thành “cuộc tấn công của P.O.U.M.”, còn một bài
khác, cũng trong số này, lại tuyên bố: “Không nghi ngờ gì rằng P.O.U.M.
phải chịu toàn bộ trách nhiệm về vụ đổ máu ở Catalonia”. Tờ Inprecor
(ngày 29 tháng 5) tuyên bố rằng tất cả những người xây dựng chiến luỹ ở
Barcelona “đều là thành viên của P.O.U.M., họ được đảng cử đi để
làm việc đó.”
Tôi có thể trưng
ra nhiều trích dẫn hơn nữa, nhưng như thế cũng đã đủ. P.O.U.M.
phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và P.O.U.M. đã hành động
theo lệnh của phát xít. Sau này tôi sẽ trưng ra thêm trích dẫn từ báo chí cộng
sản, để thấy rằng chúng tự mâu thuẫn với nhau nên chẳng có giá trị gì. Nhưng
trước khi làm như thế, cần phải chỉ ra một số lí do vì sao quan điểm cho rằng vụ
đụng độ vào tháng năm ở Barcelona là vụ bạo loạn của bọn phát xít, do người của
P.O.U.M. tổ chức, là không thể chấp nhận được.
1. P.O.U.M. không có đủ người và ảnh hưởng để
có thể tạo ra những vụ hỗn loạn lớn đến như thế. Lại càng không đủ sức kêu gọi
được cuộc tổng bãi công. Đấy là tổ chức chính trị không có cơ sở vững chắc
trong phong trào công đoàn, khả năng gây ra một cuộc đình công trên toàn lãnh
thổ Barcelona cũng chẳng khác gì, thí dụ, khả năng của Đảng cộng sản Anh trong
việc gây ra cuộc tổng đình công trên toàn lãnh thổ Glasgow vậy. Như tôi đã nói
bên trên, thái độ của những người lãnh đạo P.O.U.M. có
thể giúp kéo dài vụ đụng độ, nhưng họ không thể gây ra vụ đụng độ, ngay cả khi
họ muốn như thế.
2. Âm mưu của bọn
phát xít chỉ là lời khẳng định suông, trong khi tất cả bằng chứng đều chỉ theo
hướng ngược lại. Người ta bảo rằng kế hoạch là để Đức và Ý đưa quân tới Catalonia, nhưng chẳng có chiếc tàu chiến Đức hay Ý nào đến gần bờ chứ đừng nói đổ bộ. Còn “Đại hội quốc tế IV” cũng như “gián điệp Đức và Ý” cũng hoàn toàn là chuyện bịa đặt. Theo tôi biết thì chưa hề có ai nói đến Đại hội quốc tế IV. Có kế hoạch, nhưng chưa chắc chắn, cho Đại hội của P.O.U.M. và những
đảng anh em của họ (ở Anh là I.L.P., ở Đức là S.A.P…v.v.. và ..v..v..) vào khoảng tháng 7 – hai tháng sau vụ đụng độ - nhưng
không có đại biểu nước ngoài nào tham dự cả. “Gián điệp Đức và Ý” thì chỉ có mặt trên tờ Daily Worker mà thôi. Những ai từng đi qua
biên giới thời gian đó đều biết rõ rằng “tràn” vào hoặc đi ra khỏi Tây Ban Nha
là việc không dễ dàng gì.
3. Ở Lerida, vị
trí trọng yếu của P.O.U.M., cũng như ở ngoài mặt trận đều
không có chuyện gì cả. Rõ ràng là nếu các lãnh tụ của P.O.U.M.
muốn giúp đỡ quân phát xít thì họ đã hạ lệnh cho lực lượng của mình tránh ra
cho quân phát xít đi qua rồi. Nhưng không có chuyện gì như thế cả, kể cả nghe
nói cũng không nốt. Cũng không có chuyện rút người khỏi mặt trận, mặc dù đưa
lén một vài ngàn người đến Barcelona không phải là khó, thiếu gì lí do để làm
như thế. Cũng không có những hành động phá hoại, ngay cả gián tiếp, ở ngoài mặt
trận. Việc vận chuyển lương thực, đạn dược và những thứ khác vẫn được tiến hành
một cách bình thường; tôi đã kiểm tra vấn đề này. Nhưng trước hết là một cuộc nổi
dậy kiểu như thế, đấy là nói một cuộc nổi dậy theo kế hoạch, phải chuẩn bị hàng
tháng trời, phải tiến hành tuyên truyền trong hàng ngũ dân quân ..v.v.. Nhưng
không có dấu hiệu hay tin đồn nào như thế cả. Sự kiện là lực lượng dân quân
không tham gia vào cuộc “bạo loạn” là chứng cớ thuyết phục nhất. Nếu P.O.U.M. thực sự lập kế hoạch đảo chính[4]
thì họ không thể không sử dụng khoảng mười ngàn chiến sĩ vũ trang, tức là lực
lượng tấn công duy nhất mà họ có trong tay.
Như thế là đủ chứng
tỏ luận điệu của cộng sản cho rằng “vụ bạo loạn” là do P.O.U.M tổ chức theo lệnh
của bọn phát xít là hoàn toàn không có cơ sở. Xin dẫn ra thêm một vài trích dẫn
từ báo chí cộng sản. Những bài viết về vụ đột kích tổng đài điện thoại, tức là
sự kiện mở màn vụ xung đột, là rõ ràng hơn cả; mỗi bài nói một phách, ngoại trừ
độc một điểm, đấy là đổ tội cho phía bên kia. Đáng chú ý là báo chí cộng sản
Anh ban đầu đổ lỗi cho quân vô chính phủ, sau đó mới quay sang gán cho P.O.U.M. Họ có đầy đủ lí do để làm như thế. Chẳng mấy người ở
Anh được nghe nói tới “chủ nghĩa Troskyist”, nhưng ai cũng phát run khi nghe thấy
từ “vô chính phủ”. Đầu tiên hãy bảo rằng “quân vô chính phủ” có dính líu vào
chuyện này, tạo được định kiến rồi thì sẽ quay sang kết tội bọn “Trotskyist” cũng chưa muộn. Tờ Daily
Worker bắt đầu như sau (ngày 6 tháng 5):
“Trong ngày thứ
hai và thứ ba một nhóm quân vô chính phủ đã chiếm và cố gắng giữ trụ sở điện
báo và điện thoại và bắt đầu xả súng xuống đường phố”.
Bắt đầu bằng việc
đảo lộn vai trò. Lực lượng bảo vệ vũ trang tấn công toà nhà do C.N.T.
kiểm soát, cho nên họ phải viết là C.N.T. tấn công toà nhà của mình, nghĩa là tấn
công chính mình. Mặt khác, ngày 11 tháng 5 tờ Daily Worker lại
tuyên bố:
“Ông Aiguade, Bộ
trưởng bộ an ninh, thuộc phe tả và ông Rodrigue Salas, Tổng tư lệnh lực lượng
giữ gìn trật tự xã hội, đảng viên đảng xã hội thống nhất, đã ra lệnh cho lực lượng
cảnh sát cộng hoà vào tổng đài điện thoại để tước vũ khí những người đang làm
việc ở đó, mà đa số là thành viên tổ chức công đoàn C.N.T.”
Điều này có vẻ
như mâu thuẫn với tuyên bố ban đầu, tuy nhiên Daily Worker không thèm
công nhận là thông tin trước sai. Cũng ngày 11 tháng 5, Daily Worker lại
nói rằng những tờ truyền đơn của “Những người bạn của Durruti”, vốn bị C.N.T. lên án, xuất hiện vào ngày 4 và 5 tháng 5, tức là trong
thời gian đang đánh nhau. Tờ Inprecor (ngày 22 tháng 5) lại khẳng định rằng
truyền đơn xuất hiện vào ngày 3 tháng năm, tức là trước khi đánh nhau và nói thêm “trên cơ sở các sự kiện như thế” (sự
kiện xuất hiện những tờ truyền đơn này):
“Lực lượng cảnh
sát, do chính Cảnh sát trưởng chỉ huy đã chiềm tổng đài điện thoại vào chiều
ngày 3 tháng 5. Người ta đã bắn vào lực lượng cảnh sát trong khi họ thi hành
nhiệm vụ. Đấy chính là tín hiệu cho những tên khiêu khích nổ súng loạn xạ trong
khắp thành phố”.
Và đây là tờ Inprecor ngày 29 tháng 5:
“Vào lúc ba giờ
chiều, đồng chí Salas, Tổng tư lệnh lực lượng giữ gìn trật tự xã hội, đi đến tổng
đài điện thoại, mà đêm hôm trước đã bị 50 thành viên của P.O.U.M. và những phần
tử vô trách nhiệm khác chiếm giữ”.
Thật là kì quặc.
Việc chiếm tổng đài điện thoại do 50 người thuộc P.O.U.M.
tiến hành có thể coi là sự kiện khác thường và có thể chắc chắn là người ta đã
nhận ra ngay lúc đó rồi. Nhưng hoá ra là phải ba bốn tuần sau người ta mới phát
hiện được nó. Trong một số khác của tờ Inprecor, 50 thành viên của P.O.U.M. đã biến thành 50 du kích quân thuộc lực lượng P.O.U.M. Thật khó mà đưa được nhiều mâu thuẫn hơn vào mấy đoạn
văn ngắn như thế. Ban đầu C.N.T. là người tấn công tổng đài điện thoại, sau đó họ lại là
người bị tấn công; truyền đơn khi thì xuất hiện trước vụ chiếm tổng đài và là
nguyên nhân của nó, lúc khác lại xuất hiện sau và là kết quả của vụ tấn công tổng
đài; người ở tổng đài điện thoại khi thì là của C.N.T., lúc
khác lại là của P.O.U.M. .v.v.. Và trên tờ Daily
Worker ra ngày 3 tháng 6 ông J. R. Campbell lại cho chúng ta biết rằng
chính phủ chỉ chiếm đài phát thanh sau khi chiến luỹ đã mọc lên trên đường !
Vì khuôn khổ của
tác phẩm, tôi chỉ dừng lại ở những bài viết về có một sự kiện, nhưng những mâu
thuẫn như thế có mặt trong tất cả các bài viết trên báo chí cộng sản. Đấy là
chưa kể những bài mà thực chất là bịa đặt một cách trắng trợn. Thí dụ như tờ Daily
Worker (ngày 7 tháng 5) trích dẫn tuyên bố, dường như là do đại sứ quán Tây
Ban Nha ở Paris đưa ra như sau:
“Đặc điểm nổi bật
của vụ bạo loạn là lá cờ của phe bảo hoàng thủ cựu đã phấp phới bay trên nhiều
toà nhà của Barcelona, thể hiện niềm tin chắc chắn rằng những kẻ bạo loạn đã
làm chủ được tình hình.”
Rất có khả năng
là tờ Daily Worker đã tin khi đăng lại lời tuyên bố, nhưng những người
đưa ra lời tuyên bố đó đã cố tình nói dối. Bất kì người Tây Ban Nha nào cũng biết
rằng không phải như thế. Cờ bảo hoàng bay trên Barcelona! Đấy là điều duy nhất
có thể đoàn kết ngay lập tức tất cả các phe phái đang giao tranh. Ngay những
người cộng sản có mặt tại chỗ cũng phải mỉm cười khi đọc tin này. Có thể nói
tương tự như thế về những bài trên những tờ báo khác nhau của phe cộng sản viết
về số vũ khí mà P.O.U.M. đã sử dụng trong “vụ bạo loạn”.
Chỉ có những người không biết một chút sự kiện nào mới có thể tin được mà thôi.
Ngày 17 tháng 5, ông Frnak Pitcairn viết trên tờ Daily Worker như sau:
“Họ đã sử dụng mọi
loại vũ khí, khí tài. Có loại là do họ ăn cắp và dấu diếm suốt mấy tháng trời,
còn những loại khí tài như xe tăng thì họ lấy từ trại lính đúng vào thời điểm
diễn ra bạo loạn. Rõ ràng là họ còn giữ nhiều khẩu súng máy và mấy ngàn khẩu
súng trường.”
Tờ Inprecor (ngày 29 tháng 5) còn khẳng định:
“Ngày 3 tháng 5,
lực lượng P.O.U.M. có trong tay mấy chục khẩu súng máy và mấy ngàn khẩu súng
trường … Ở quảng trường Plaza de España, bọn Trotskyist dùng cả súng
75-milimet, đấy là những khẩu đáng lẽ phải được đưa ra mặt trận Aragon, nhưng họ
lại đem dấu trong doanh trại của mình.”
Ông Pitcairn
không nói cho chúng ta bằng cách nào và khi nào thì người ta biết rằng P.O.U.M. có hàng chục khẩu súng máy và mấy ngàn khẩu súng trường.
Tôi đã liệt kê số vũ khí có trong ba toà nhà chính của P.O.U.M.:
khoảng 80 khẩu súng trường, mấy quả bom, nhưng không có khẩu súng máy nào. Đấy
là số vũ khí đủ để trang bị cho lực lượng bảo vệ những toà nhà mà đảng phái
chính trị nào lúc đó cũng có. Thật kì lạ là sau đó, khi P.O.U.M. đã bị cấm và các toà
nhà của tổ chức này bị tịch thu thì hàng ngàn khẩu súng ấy bỗng biến đi đâu mất
hút; đặc biệt là xe tăng và trọng pháo là những thứ không thể dấu vào ống khói
được. Nhưng điều đập vào mắt trong hai bản tin vừa dẫn là tác giả của chúng
hoàn toàn mù tịt, hoàn toàn chẳng nắm được tình hình gì hết. Theo ông Pitcairn thì P.O.U.M. đã ăn cắp xe tăng “từ doanh trại
quân đội”. Lực lượng của P.O.U.M. ở Barcelona (lúc đó đã không còn bao nhiêu vì các đảng
phái đã không còn tuyển thêm quân nữa) đóng trong doanh trại mang tên Lenin,
Quân đội Nhân dân cũng đóng ở đấy mà quân số lại đông hơn nhiều. Như vậy là ông
Pitcairn yêu cầu chúng ta tin rằng P.O.U.M. đã ăn cắp xe
tăng với sự đồng loã của Quân đội Nhân dân. Các “doanh trại”, nơi dấu những khẩu
pháo 75-milimet thì cũng thế. Không thấy nói các doanh trại ấy nằm ở đâu. Nhiều
tờ báo nói đến việc nã pháo vào quảng trường Plaza de España, nhưng theo tôi,
ta có thể nói một cách chắc chắn rằng không làm gì có những khẩu pháo như thế.
Như trước đây tôi đã nói, tôi không hề nghe thấy tiếng pháo nổ trong suốt thời
gian giao tranh, mà quảng trường Plaza de España chỉ cách chỗ tôi chưa đến hai
cây số[5].
Sau khi chiến sự chấm dứt mấy ngày, tôi có đến quảng trường Plaza de España
nhưng không thấy toà nhà nào có vết đạn pháo. Một người từng có mặt gần quảng
trường trong suốt thời gian diễn ra chiến sự nói rằng ở đó không có khẩu pháo
nào cả. (Nhân đây xin nói thêm rằng câu chuyện về những khẩu súng bị đánh cắp
có thể là do Antonov-Ovseenko, tổng lãnh sự Liên Xô, bịa ra. Dù sao thì ông ta
cũng đã nói như thế với một nhà báo nổi tiếng người Anh, người này tin lời ông
ta và đã nhắc lại đúng như thế trên một tờ tuần báo. Sau này Antonov-Ovseenko
đã bị “thanh trừng”. Chuyện đó có ảnh hưởng thế nào đối tới mức độ khả tín của
ông ta thì tôi không biết). Sự thật, dĩ nhiên là, người ta phải bịa ra xe tăng,
pháo binh ..v.v.. vì nếu không thì khó có thể coi P.O.U.M., với một số lượng
thành viên ít ỏi, là lực lượng đã gây ra những trận xung đột dữ dội như thế.
Người ta cần phải tuyên bố rằng P.O.U.M. chịu hoàn toàn
trách nhiệm về vụ xung đột, người ta cũng cần tuyên bố rằng đấy chỉ là một đảng
không đáng kể, chỉ có “mấy ngàn đảng viên”, nhưng không có người ủng hộ, như tờ
Inprecor viết. Muốn
cho người ta tin cả hai lời tuyên bố trên thì phải bịa ra là P.O.U.M.
được trang bị những loại vũ khí, khí tài hiện đại nhất.
Không thể không
nghĩ rằng, đấy là nói khi đọc báo chí cộng sản, người ta đã cố tình lợi dụng sự
kém hiểu biết của độc giả và chỉ nhắm tới một mục đích duy nhất là tạo ra định
kiến mà thôi. Thí dụ như lời tuyên bố của ông Pitcairn trên tờ Daily Worker
ra ngày 11 tháng 5 rằng “vụ bạo loạn” đã bị Quân đội Nhân dân dẹp rồi. Ý tưởng
là làm cho người bên ngoài nghĩ rằng mọi người ở Catalonia đều chống lại “bọn
Trotskyist”. Nhưng Quân đội Nhân dân đã giữ thái độ trung lập trong suốt thời
gian xung đột, mọi người ở Barcelona đều biết như thế, và thật khó mà tin rằng
ông Pitcairn lại không biết chuyện này. Hay là trò lừa gạt của báo chí cộng sản
về số người chết và bị thương, mục đích của họ là thổi phồng mức độ rối loạn.
Báo chí cộng sản thường trích tuyên bố của Diaz, Tổng bí thư Đảng cộng sản Tây
Ban Nha, rằng có 900 người chết và 2.500 người bị thương. Trong khi ông Bộ trưởng
Bộ tuyên truyền Catalonia lại nói chỉ có 400 người chết và 1000 người bị thương
thôi. Đảng cộng sản sau khi đã nhân đôi lại còn cộng thêm vài trăm nữa cho chắc
ăn.
Báo chí tư sản
ngoại quốc, nói chung, đều đổ tội cho lực lượng vô chính phủ, nhưng cũng có vài
tờ theo đuôi cộng sản. Một trong số đó là tờ báo tiếng Anh mang tên News
Chronicle, thông tín viên của nó, ông John Langdon-Davies, cũng có mặt ở
Barcelona trong thời gian đó. Xin trích một phần bài báo của ông này:
VỤ BẠO LOẠN CỦA NHÓM TROTSKYIST
. . . Đây không
phải là vụ bạo loạn của bọn vô chính phủ. Đây là vụ đảo chính bất thành của đảng Trotskyist P.O.U.M., thông qua những tổ
chức mà nó kiểm soát như: “Những người bạn của Durruti” và “Thanh niên tự do”…
Bi kịch bắt đầu vào trưa ngày thứ hai, khi chính phủ đưa lực lượng cảnh sát vũ
trang đến giải giới số công nhân, phần lớn là thành viên C.N.T., làm việc ở tổng
đài điện thoại. Tình trạng lộn xộn nghiêm trọng ở đây đã gây ra tranh cãi từ
khá lâu rồi. Đám đông tụ tập trên quảng trường Plaza de Cataluña, trong khi các
thành viên của C.N.T. vừa chống cự vừa rút dần lên những tầng lầu phía trên. .
. . Tình tiết rất không rõ ràng, nhưng người ta đồn rằng chính phủ đánh nhau với
quân vô chính phủ. Đường phố đầy người mang súng. . . Ngay tối hôm đó trong các khu công nhân
và xung quanh những toà nhà chính phủ, chiến luỹ đã được dựng lên, và đến khoảng
mười giờ thì thấy những loạt súng đầu tiên, rồi tiếng còi của xe cứu thương
vang lên trên đường phố. Trước khi trời sáng cả thành phố chìm trong tiếng
súng... Sáng ra, số người chết đã là hơn một trăm, có thể đoán được là chuyện
gì đã xảy ra. Lực lượng C.N.T., theo đường lối vô chính phủ và lực lượng
U.G.T., theo đường lối xã hội chủ nghĩa về nguyên tắc là “không đổ ra đường”.
Trong khi đứng sau chiến luỹ, họ chỉ quan sát, nhưng sẵn sàng bắn vào bất cứ
người nào mang súng xuất hiện trên phố. . . Khủng khiếp nhất là những phát súng
của mặt trận đỏ - những tên bắn tỉa,
thường là phát xít, nấp trên mái nhà và bắn lung tung, nhưng chúng đã tìm mọi
cách để làm cho tình hình càng hỗn loạn thêm. . . . Tuy nhiên, đến chiều ngày
thứ tư thì người ta đã biết rõ kẻ nào đứng đằng sau vụ bạo loạn. Trên các bức
tường xuất hiện những lời hiệu triệu với giọng điệu khiêu khích một cách trắng
trợn, họ kêu gọi làm cách mạng và bắn bỏ các lãnh tụ cộng hoà và xã hội chủ
nghĩa ngay lập tức. Do “Những người bạn của Durruti” kí. Sáng thứ năm, tờ nhật
báo của lực lượng vô chính phủ tuyên bố rằng họ không biết và không đồng tình với
những lời hiệu triệu đó, nhưng tờ La Batalla, cơ quan ngôn luận của
P.O.U.M., chẳng những đã in lại mà còn đánh giá rất cao. Barcelona, thành phố đầu
tiên của Tây Ban Nha đã rơi vào một vụ tắm máu, do những tên khiêu khích sử dụng
tổ chức phá hoại này gây ra.
Hoàn toàn khác với
cách giải thích của cộng sản mà tôi đã nói tới bên trên, nhưng chính bài báo
này tự nó cũng đã chứa đầy mâu thuẫn rồi. Đầu tiên sự kiện được mô tả như là “vụ
bạo loạn của những người theo phái Trotskyist”, sau đó lại được coi là kết quả
của vụ đánh chiếm tổng đài điện thoại và mọi người tin rằng chính phủ “ra đòn
chống lại quân vô chính phủ. Chiến luỹ được dựng lên trong thành phố và người của
C.N.T. cũng như U.G.T. đứng sau chiến
luỹ. Hai ngày sau đó thì xuất hiện biểu ngữ (thực ra là những tờ truyền đơn),
và đây được coi là nguyên nhân của toàn bộ vụ việc - hậu quả có trước nguyên
nhân. Còn một sự xuyên tạc trắng trợn nữa. Ông
Langdon-Davies viết rằng “Những người bạn của Durruti” và “Thanh niên tự
do” là những tổ chức do P.O,U.M. “kiểm soát”. Trên thực tế đấy là hai tổ chức
vô chính phủ và chẳng có liên hệ gì với P.O.U.M. Tổ chức
“Thanh niên tự do” là liên đoàn thanh niên vô chính phủ, tương tự như J.S.U. của
đảng P.S.U.C. Còn “Những người bạn của Durruti” là một
nhóm nhỏ trong F.A.I., và có thái độ thù nghịch với P.O.U.M. Theo tôi biết thì không có ai lại cùng một lúc là
thành viên của cả hai tổ chức đó. Nói thế thì cũng chẳng khác gì bảo rằng Liên
đàn những người xã hội chủ nghĩa là tổ chức do Đảng tự do Anh “kiểm soát”. Ông
Langdon-Davies có hiểu điều đó hay không? Nếu hiểu thì ông ta nên viết một cách
thận trọng hơn về vấn đề cực kì phức tạp này mới phải.
Tôi không bảo rằng
ông Langdon-Davies không trung thực, nhưng cuộc xung đột đã chấm dứt ngay sau
khi ông ta rời Barcelona, nghĩa là ông đã ra đi đúng vào lúc có thể tìm hiểu sự
việc một cách kĩ lưỡng hơn. Qua bài báo, có thể thấy rõ là ông đã chấp nhận
cách giải thích chính thức về “vụ bạo loạn Trotskyist” mà không kiểm tra một
cách đầy đủ. Điều này thể hiện rõ ngay trong đoạn tôi vừa trích dẫn. “Buổi tối”
chiến luỹ đã được dựng lên và “khoảng mười giờ” thì có tiếng súng nổ. Đây không
phải là lời của người tận mắt chứng kiến. Theo như bài báo này thì phải đợi cho
kẻ thù dựng xong chiến luỹ rồi mới bắn. Có cảm tưởng là phải mấy tiếng đồng hồ
sau khi xây xong chiến luỹ thì mới có những loạt đạn đầu tiên, trong khi trên
thực tế không phải như thế. Tôi và nhiều người khác nhìn thấy những loạt đạn đầu
tiên ngay từ buổi chiều. Lại còn những tên bắn tỉa, “thường là phát xít”, bắn từ
trên mái nhà xuống nữa chứ. Ông Langdon-Davies không bảo làm sao ông biết đấy
là bọn phát xít. Có lẽ là ông ta không leo lên mái để hỏi rồi. Ông ta chỉ nhắc
lại những điều người khác nói, mà vì đấy là những điểu phù hợp với cách giải
thích chính thức nên ông ta không kiểm tra nữa. Vấn đề là ngay ở đầu bài báo
ông ta đã thiếu thận trong khi nói rằng Bộ tuyên truyền là một trong những nguồn
thông tin chủ yếu của ông ta. Các phóng viên ngoại quốc hoàn toàn phụ thuộc vào
Bộ tuyên truyền, mặc dù đáng lẽ ra người ta phải thận trọng khi nghe thấy cái
tên này rồi. Nói Bộ tuyên truyền đưa tin khách quan về những rắc rối ở
Barcelona thì cũng chẳng khác gì bảo huân tước Carson, nay đã ra người thiên cổ,
đưa tin khách quan về vụ bạo loạn ở Dublin vào năm 1916 vậy.
Tôi đã đưa ra những
lí do để có thể khẳng định rằng cách giải thích của cộng sản về vụ đụng độ là
không nghiêm túc. Ngoài ra, tôi phải nói thêm một chút về lời buộc tội vẫn thường
được nhắc tới, đấy là P.O.U.M. là tổ chức phát xít bí mật,
do Franco và Hitler cung cấp tiền bạc.
Lời buộc tội này
được báo chí cộng sản nhắc đi nhắc lại, nhất là từ đầu năm 1937 trở đi. Đấy là
một phần của chiến dịch chống phái Trotskyist trên phạm vi toàn cầu do cộng sản
phát động, mà P.O.U.M. lại được coi là đại diện của phái này ở Tây Ban Nha.
Theo tờ Prente Rojo (tờ báo của Đảng bộ đảng cộng sản Valencia) thì phái
Trotskyist “không phải là một học thuyết chính trị. Trotskyist là tổ chức tư sản,
là một băng nhóm khủng bố phát xít, chuyên phá hoại và gây tội ác chống lại
nhân dân.” P.O.U.M. là tổ chức “Trotskyist liên minh với
bọn phát xít và là một phần của đạo quân thứ năm của Franco.” Đáng chú ý là
ngay từ đầu người ta đã không trưng ra được bất kì bằng chứng nào, tất cả chỉ là
những lời khẳng định của những người có vẻ như là có uy quyền mà thôi. Việc
công kích lại được thực hiện bằng những lời phỉ báng cá nhân dữ dội nhất, người
ta chẳng thèm quan tâm đến hậu quả của nó đối với cuộc chiến. Để thoá mạ
P.O.U.M, nhiều cây viết cộng sản có vẻ như sẵn sàng coi bí mật quân sự chỉ là
chuyện nhỏ. Thí dụ, trong số ra vào tháng 2 trên tờ Daily Worker nhà báo
(Winifred Bates) tự cho mình quyền tuyên bố rằng P.O.U.M.
chỉ đưa ra mặt trận có một nửa binh sĩ mà họ có. Điều này là không đúng, nhưng
cứ cho là nhà báo tin là đúng đi. Có nghĩa là, nhà báo này và tờ Daily
Worker sẵn sàng trao cho quân thù những tin tức cực kì quan trọng. Còn trên
tờ New Republic thì ông Ralph Bates lại tuyên bố rằng các chiến sĩ của P.O.U.M. “đã đá bóng với bọn phát xít trên vùng đất vô chủ”,
trong khi trên thực tế lúc đó P.O.U.M. đang bị thiệt hại
nặng nề, nhiều người bạn của tôi đã bị giết hoặc bị thương. Rồi còn một bức
tranh châm biếm rất hiểm ác, lưu hành rộng rãi, ban đầu là ở Madrid, sau đó lan
đến Barcelona, vẽ P.O.U.M. với chiếc mặt nạ có hình búa liềm
đang bị tuột ra, để lộ bộ mặt thật xăm hình chữ thập ngoặc. Nếu chính phủ thực
chất không bị cộng sản kiểm soát thì nó sẽ không bao giờ để cho những chuyện
như thế xảy ra trong lúc đang có chiến tranh. Đây là một đòn có chủ ý nhắm vào
không chỉ lực lượng quân sự của P.O.U.M. mà còn giáng vào cả những người
bên cạnh họ nữa, vì tin nói rằng đơn vị bên cạnh toàn bọn phản bội chỉ có tác dụng
làm nản lòng binh sĩ mà thôi. Tôi ngờ là chiến dịch thoá mạ P.O.U.M. cũng chẳng
làm cho các binh sĩ của họ nản lòng. Nhưng mục đích là như thế, và những người
chịu trách nhiệm về chiến dịch này đã đưa mâu thuẫn đảng phái lên trên sự đoàn
kết của các lực lượng chống phát xít.
Lời kết án
P.O.U.M. rút cuộc lại là như sau: tổ chức này gồm mấy ngàn người, đa số là công
nhân, chưa kể khá nhiều ủng hộ viên người ngoại quốc, mà phần lớn là người tị nạn
từ các nước phát xít cũng như hàng ngàn dân quân chỉ là tổ chức gián điệp ăn
lương của bọn phát xít. Thật là trái ngược với lí trí thông thường, lịch sử của P.O.U.M. chứng tỏ
đấy là những điều không đáng tin. Tất cả các nhà lãnh đạo của P.O.U.M. đều có
quá trình hoạt động cách mạng khá lâu dài. Một số người từng tham gia vào cuộc khởi nghĩa năm 1934, phần lớn đều bị chính quyền quân chủ hoặc chính phủ Lerroux bỏ tù vì những hoạt động theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Năm 1936, người lãnh đạo lúc đó là Joaquin Maurín đã là một trong những đại biểu
quốc hội báo động về việc chuẩn bị bạo loạn của Franco. Sau khi chiến tranh bùng phát, trong khi đang tổ chức kháng chiến ở hậu phương của Franco thì ông đã bị
bọn phát xít bỏ tù. Sau
khi nổ ra bạo loạn, P.O.U.M. có vai trò nổi bật trong cuộc kháng chiến, nhiều thành viên của P.O.U.M.,
đặc biệt là ở Madrid, đã hi sinh trong những trận chiến đấu trên đường phố. Đây
là một trong những tổ chức đầu tiên thành lập được lực lượng dân quân ở Madrid
và Catalonia. Thật không thể nào tưởng nổi rằng đấy là những hành động của một
đảng ăn tiền của bọn phát xít. Đảng do phát xít nuôi sẽ làm một việc đơn giản
là chạy sang phía bên kia.
Trong thời gian
chiến tranh cũng không thấy họ có hoạt động thân phát xít nào. Có người biện luận
rằng việc P.O.U.M. đòi chính phủ phải thực hiện đường lối cách mạng hơn đã gây
chia rẽ trong chính phủ và như vậy là gián tiếp giúp đỡ bọn phát xít. Tôi không
đồng ý như thế. Tôi nghĩ bất kì chính phủ theo đường lối cải cách nào cũng sẽ
được thể tất nếu họ coi những tổ chức tương tự như P.O.U.M.
là những kẻ nhiễu sự. Nhưng phản bội lại là vấn đề khác hẳn. Không thể nào giải
thích được vì sao - đấy là nói nếu P.O.U.M. là tổ chức
phát xít - lực lượng dân quân của họ lại vẫn trung thành với chính phủ. Mà đấy
là tám đến mười ngàn người trên những khu vực xung yếu nhất, trong những điều
kiện vượt quá sức chịu đựng của con người trong những ngày mùa đông năm 1936-1937.
Nhiều người trong số họ phải ở trong chiến hào suốt bốn năm tháng liền. Nếu những
lời kết án trên kia là đúng thì thật không thể nào hiểu được vì sao họ không rời
bỏ mặt trận hoặc đơn giản là chạy sang phía bên kia. Lúc nào họ cũng có thể làm
như thế, có những giai đoạn mà việc bỏ trống trận địa có thể tạo ra ảnh hưởng
quyết định tới kết quả cuộc chiến. Nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Ngay cả sau
khi P.O.U.M. đã bị cấm hoạt động. Lúc sự kiện này vẫn
còn tươi rói trong trí óc của mọi người, thì lực lượng dân quân – lúc đó chưa bị
phân bổ vào các đơn vị Quân đội Nhân dân – đã tham gia vào một trận tấn công đẫm
máu ở phía đông Huesca với mấy ngàn người bị giết trong có một hai ngày. Ít nhất
họ cũng phải có thái độ hữu hảo đối với quân địch hoặc binh sĩ thường xuyên đào
ngũ. Nhưng như tôi đã nói trước đây, đào ngũ là hiện tượng cực kì hiếm. Hay là
công việc tuyên truyền thân phát xít, “chủ bại”. Không có dấu hiệu nào như thế
cả. Chắc chắn là có những tên gián điệp, những kẻ khiêu khích trong hàng ngũ P.O.U.M. rồi; đảng cánh tả nào mà chả có. Nhưng không hề có bằng
chứng nào chứng tỏ rằng P.O.U.M. có nhiều gián điệp hơn những đảng khác.
Đúng là một số
bài trên báo chí cộng sản có nói, dù là miễn cưỡng, rằng chỉ có các lãnh tụ của P.O.U.M. mới được lĩnh lương của bọn phát xít, còn các đảng viên thường thì không. Nhưng đây chỉ là mánh khoé nhằm chia rẽ lãnh đạo với quần chúng mà thôi. Thực chất của lời kết án là từ các đảng viên thường đến dân quân của
P.O.U.M. đều cùng một giuộc. Vì nếu Nin, Gorkin và những người khác thực sự ăn lương của bọn phát xít thì các đồng
chí từng tiếp xúc với họ phải biết trước khi tin ấy đến tai các phóng viên ngồi
tận London, Paris và New York chứ. Dù sao mặc lòng, sau khi P.O.U.M.
bị cấm, lực lượng cảnh sát mật do cộng sản kiểm soát đã coi tất cả đều có tội
như nhau. Họ bắt tất cả những người có dính líu với P.O.U.M., trong đó có cả
thương binh, ý tá, vợ và đôi khi cả con các thành viên của P.O.U.M. nữa.
Cuối cùng, ngày
15-16 tháng 6, P.O.U.M. bị cấm hoạt động và bị tuyên bố
là tổ chức bất hợp pháp. Đấy là một trong những hành động đầu tiên của chính phủ
Negrín. Chính phủ này được thành lập vào tháng 5. Khi Ban chấp hành của P.O.U.M. đã bị tống vào tù, thì ở bên ngoài báo chí cộng sản
tuyên bố rằng đã phá vỡ một âm mưu to lớn của bọn phát xít. Có thời, báo chí cộng
sản toàn thế giới đã phát sốt lên với những bản tin đại loại như (Tờ Daily
Worker, ngày 21 tháng 6):
BỌN TROTSKYIST TÂY BAN NHA ÂM MƯU VỚI FRANCO
Sau khi bắt giam
phần lớn những tên Trotskyist đẩu sỏ ở Barcelona và những nơi khác... đến cuối
tuần, người ta mới biết chi tiết một trong những vụ án gián điệp rùng rợn nhất
trong lịch sử chiến tranh và sự phản bội nhơ bẩn nhất của bọn Trotskyist cho đến
nay... Tài liệu mà cảnh sát nắm được cùng với lời thú nhận của của khoảng 200
người bị bắt chứng minh ..v.v. và ..v.v..
Đã “chứng minh”
được rằng các lãnh tụ của P.O.U.M. đã dùng điện đài để
chuyển các bí mật quân sự cho tướng Franco; tiếp xúc với Berlin, và hợp tác với tổ chức phát xít bí mật ở Madrid. Ngoài ra còn có những chi tiết giật gân về những bức thư viết bằng mực hoá học, những tài liệu bí ẩn với chữ kí là N. (nghĩa là Nin) ..v..v. và .v.v..
Nhưng kết quả cuối
cùng là như thế này: sáu tháng sau sự kiện mà tôi vừa kể, phần lớn các nhà lãnh
đạo của P.O.U.M. vẫn còn nằm trong tù, nhưng họ vẫn chưa
được đưa ra toà; tội dùng điện đài liên lạc với Franco .v..v.. vẫn
chưa được khởi tố. Nếu quả thật họ mắc tội hoạt động gián điệp thì họ đã bị đưa
ra toà và bị bắn ngay trong vòng một tuần như nhiều tên gián điệp phát xít khác
rồi. Nhưng ngoài những lời tuyên bố suông trên báo chí cộng sản, người ta đã
không tìm được một tí bằng chứng nào. Còn về hai trăm “lời thú tội”, nếu quả thật
có những lời thú tội như thế thì đấy chính là bằng chứng kết tội rồi. Nhưng không
thấy ai nói đến nữa. Thực ra, đấy cũng chỉ là kết quả của trí tương tượng của một
người nào đó mà thôi.
Hơn thế nữa, phần lớn các thành viên trong
chính phủ Tây Ban Nha cũng không tin vào những lời kết án chống lại tổ chức P.O.U.M. Gần đây, chính
phủ còn ra quyết định thả tất cả các tù nhân chống phát xít với năm phiếu thuận
và hai phiếu chống, hai phiếu chống là của các bộ trưởng đảng viên cộng sản.
Trong tháng 8 có một phái đoàn quốc tế do ông James Maxton, đại biểu quốc hội
Anh, dẫn đầu đến Tây Ban Nha điều tra những cáo buộc chống lại P.O.U.M.
và những sự kiện liên quan đến việc mất tích của Andrés Nin. Prieto, bộ trưởng
quốc phòng, Irujo, bộ trưởng bộ tư pháp, Zugazagoitia, bộ trưởng nội vụ, Ortega
y Gasset, tổng chưởng lí, Prat García và những người khác đã nói là họ không
tin rằng các vị lãnh đạo P.O.U.M. là những tên gián điệp.
Irujo nói thêm rằng ông ta đã kiểm tra các tài liệu, tất cả những cái gọi là bằng
chứng đều không có căn cứ và những giấy tờ được cho là do Nin kí đều “không có
giá trị”, nghĩa là giả mạo hết. Prieto cho rằng các lãnh đạo P.O.U.M.
phải chịu trách nhiệm về vụ xung đột hồi tháng 5 ở Barcelona, nhưng phủ nhận ý
tưởng cho rằng họ là điệp viên của lực lượng phát xít. “Quan trọng nhất là
không phải chính phủ quyết định bắt các lãnh đạo P.O.U.M.
mà cảnh sát đã tự ý làm. Không phải những người lãnh đạo cảnh sát quyết định,
mà là bộ sậu của họ, vốn vẫn bị rất nhiều đảng viên cộng sản thâm nhập từ lâu”,
Prieto nói như thế. Ông ta còn nói đến một số trường hợp câu lưu phi pháp khác.
Irujo cũng tuyên bố rằng cảnh sát đã trở thành lực lượng “độc lập giả hiệu” và
trên thực tế đã bị những phần tử cộng sản quốc tế kiểm soát. Prieto đã nhắc
khéo phái đoàn rằng trong khi người Nga còn cung cấp vũ khí thì chính phủ không
được làm phật lòng đảng cộng sản. Phái đoàn thứ hai, do ông John McGovern, đại
biểu quốc hội Anh, dẫn đầu đến Tây Ban Nhà vào tháng 12, cũng nhận được những
thông tin tương tự; ông Zugazagoitia, bộ trưởng nội vụ còn nhắc lại ý của ông
Prieto một cách thẳng thắn hơn nữa. “Chúng tôi được Nga viện trợ cho nên chúng
tôi buộc phải chấp nhận một số hành động mà chúng tôi thực sự không ưa.” Một
trong những biểu hiện của sự tự tung tự tác của cành sát là mặc dù đã có lệnh của
giám đốc nhà tù cũng như của bộ trưởng bộ tư pháp, McGovern và
những người trong đoàn vẫn không được tiếp cận với một trong những “nhà tù bí mật”
do đảng cộng sản quản lí ở Barcelona[6].
Tôi nghĩ rằng như
thế là đủ rõ. Người ta chỉ dựa vào những bài viết trên báo chí cộng sản và tài
liệu của cảnh sát mật do cộng sản kiểm soát để kết tội hoạt động gián điệp của P.O.U.M. mà thôi. Lãnh đạo P.O.U.M. và
hàng trăm, hay hàng ngàn đảng viên của họ vẫn còn bị giam, đã sáu tháng rồi mà
báo chí cộng sản vẫn còn lớn giọng đòi xử tử “những tên phản bội”. Nhưng Negrín
và những người khác vẫn kiên định, họ không chịu giết hại những người theo phái
Trotskyists. Nếu xét thêm những áp lực mà họ phải chịu thì càng thấy rằng họ là
những người rất đáng được tôn trọng. Cùng với những tài liệu mà tôi trích dẫn
bên trên, thật khó mà tin được rằng P.O.U.M. là tổ chức
tình báo phát xít. Đấy là nói nếu ta không tin rằng những người như Maxton,
Mc-Govern, Prieto, Irujo, Zugazagoitia và những người khác nữa cũng đều là gián
điệp ăn lương của bọn phát xít.
Cuối cùng, xin
xem xét lời kết án cho rằng P.O.U.M. là tổ chức Trotskyist. Đây là từ rất thông dụng hiện nay, thường bị hiểu sai và bị người ta cố tình làm sai lệch đi. Xin xem xét ý nghĩa của nó một cách cụ thể hơn. Từ Trotskyist được sử dụng cho ba loại người khác nhau sau đây:
1. Những người, tương tự như Trotsky, kêu gọi
tiến hành “cách mạng thế giới”, chống lại “chủ nghĩa xã hội trong một quốc
gia”. Đại khái, đấy là người cách mạng quá khích.
2.
Thành viên của tổ chức do Trotsky lãnh đạo.
3. Những tên phát xít đóng giả người cách mạng,
thực tế là chống lại Liên Xô và nói chung là chia rẽ và phá hoại lực lượng cánh
tả.
Có thể gọi P.O.U.M. là tổ chức Trotskyist theo nghĩa thứ nhất. Nhưng thế
thì cũng có thể gọi Đảng lao động độc lập ở Anh, Đảng S.A.P. ở
Đức, Đảng xã hội cánh tả ở Pháp.. là các tổ chức Trotskyist vậy. Nhưng P.O.U.M. không có liên hệ gì với bản thân Trotsky cũng như với
tổ chức Trotskyist (“Bolshevik-Lenninist”). Khi chiến tranh nổ ra, những người
theo phái Trotskyist ngoại quốc đến Tây Ban Nha (khoảng mười lăm đến hai mươi
người) ban đầu đã làm việc cho P.O.U.M. vì đảng này có quan điểm
gần gũi với họ, nhưng họ không phải là thành viên của đảng. Nhưng sau
này, khi Trotsky ra lệnh cho người của mình tấn công đường lối của P.O.U.M. thì những người theo phái Trotskyist bị đuổi ra khỏi
các cơ quan của đảng, nhưng một vài người vẫn còn ở lại trong lực lượng vũ
trang.
Nin, trở thành người lãnh đạo của P.O.U.M.
sau khi Maurín bị bọn phát xít bắt, có thời từng là thư kí của Trotsky, nhưng
đã li khai với ông này cách đó mấy năm để thành lập ra P.O.U.M.
bằng cách liên kết những tổ chức cộng sản đối lập với đảng gọi là khối công
nông. Việc Nin có thời liên minh với Trotsky đã được báo chí cộng sản sử dụng để
chứng minh rằng P.O.U.M. là tổ chức Trotskyist. Nhưng bằng
cách đó ta cũng có thể chứng minh rằng Đảng cộng sản Anh là tổ chức phát xít vì
John Strachey có thời đã liên minh với Oswald Mosley.
Theo nghĩa thứ
hai, nghĩa chính xác nhất của từ này, thì P.O.U.M. rõ ràng không phải là tổ chức Trotskyist. Đây là điều đặc biệt quan trọng vì đối với phần lớn các đảng viên cộng sản, tổ chức Trotskyist theo nghĩa thứ hai chắc chắn phải là tổ chức Trotskyist theo nghĩa tứ ba, tức là Trotskyist đơn giản chỉ là tổ chức gián điệp của bọn phát xít mà thôi. Từ chủ nghĩa Trotskyist trở thành thông dụng trong thời gian diễn ra những phiên toà
mang tính trình diễn ở Moskva và gọi một người là Trotskyist cũng đồng nghĩa với việc coi người đó là tên sát nhân, tên khiêu khích... Nhưng đồng thời bất cứ người nào đứng trên lập trường tả khuynh mà phê phán đường lối của cộng sản thì cũng đều có thể bị gán cho là Trotskyist. Như vậy có phải là khẳng định rằng tất cả những người cách mạng quá khích đều ăn lương của phát xít?
Câu trả lời có thể
là khẳng định, mà cũng có thể là phủ định, tuỳ lúc và tuỳ nơi. Khi Maxton dẫn đầu đoàn đại biểu quốc tế đến Tây Ban Nha, như tôi đã nói bên trên, những tờ báo cộng sản như Verdad, Frente Rojo và một số tờ khác đã lập tức lên án ông ta là “Trotskyist-Fascist”, là gián điệp của Gestapo ..v.v... Nhưng báo chí cộng sản Anh đã không vào hùa với những lời kết án như thế. Báo chí cộng sản Anh chỉ kết án Maxton một cách tù mù là “kẻ thù của giai cấp công nhân”. Lí do rất đơn giản:
sau một vài bài học đau xót, báo chí cộng sản ở Anh đã biết sợ pháp luật, không
còn dám phỉ báng nữa. Việc người ta không dám nhắc lại lời kết án ở đất nước,
nơi mà đương sự có thể bị buộc phải chứng minh đủ cho ta thấy tính chất dối trá
của những lời kết án kiểu đó.
Có người sẽ cho rằng
tôi bàn quá nhiều, quá mức cần thiết, về những lời kết án đối với P.O.U.M. So với những tai hoạ khủng khiếp mà cuộc nội chiến đã
gây ra thì những vụ cãi vã giữa các đảng phái với những lời kết án sai lầm và bất
công có thể chỉ là chuyện vặt. Nhưng thực tế không hoàn toàn như thế. Tôi tin rằng
những lời vu khống và các chiến dịch do báo chí tiến hành và thói quen tư duy
mà chúng cho thấy có thể giáng vào sự nghiệp chống phát xít những đòn chí tử.
Ai có hiểu biết
sơ qua về cách thức cộng sản đối phó với những người đối lập đều biết rằng bịa
ra những lời kết án không phải là việc mới. Hôm nay họ gán cho là “Trotskyist-Fascist”; còn trước đây thì họ vu cho là “Xã hội-phát xít”. Chỉ mới sáu hay bảy năm trước đây toà án Liên Xô từng “chứng minh” rằng Quốc tế II, trong đó có Leon Blum và những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng lao động Anh từng
tham gia vào âm mưu to lớn với mục đích là đánh chiếm Liên Xô. Thế mà hiện nay những người cộng sản Pháp lại thấy vô cùng sung sướng khi có một nhà lãnh đạo là Blum, còn đảng viên cộng sản Anh thì tìm mọi cách để được đứng vào hàng ngũ của Đảng lao động. Tôi ngờ rằng cách làm như thế chẳng mang lại lợi ích gì, ngay cả xét theo quan điểm đảng phái. Nhưng không nghi ngờ gì rằng việc kết án là “Trotskyist-Fascist” đã gây ra hận thù và chia rẽ. Khắp mọi nơi, các đảng
viên thường đều được huy động tham gia vào một công việc vô nghĩa lí là truy
lùng những người theo phái Trotskyist, còn các đảng
như kiểu P.O.U.M. thì bị đẩy vào tình thế cực kì khó
khăn vì mang tiếng là những đảng chống cộng. Phong trào công nhân quốc tế đứng
trước những dấu hiệu chia rẽ đầy nguy hiểm. Chỉ cần một vài chiến dịch bôi nhọ
những người đã đấu tranh suốt đời cho chủ nghĩa xã hội, chỉ cần một vài âm mưu
xảo trá tương tự như những lời kết án chống lại P.O.U.M. là sự
phân rã có thể trở thành không gì cứu vãn nổi. Chỉ còn hi vọng là những mâu thuẫn
về mặt chính trị sẽ được giữ ở mức độ cho phép thảo luận mọi vấn đề một cách thấu
đáo. Có sự khác biệt thực sự giữa những người cộng sản và những người “tả hơn”
hoặc tuyên bố là “tả hơn” họ. Cộng sản cho rằng có thể liên minh với một vài bộ
phận của giai cấp tư sản (Mặt trận dân tộc) để đánh đổ chủ nghĩa phát xít, còn
những người phản đối thì cho rằng sách lược đó chỉ tạo thêm khu vực hoạt động
cho bọn phát xít mà thôi. Đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay. Quyết định
sai lầm có thể đẩy nhân loại vào tình trạng nô lệ trong hàng thế kỉ. Nhưng khi
mà lí lẽ duy nhất chỉ là những tiếng rên rỉ “Trotskyist-Fascist!” thì khởi
sự đã là việc bất khả thi rồi, nói gì đến thảo luận một cách nghiêm túc. Thí dụ,
tôi không thể nào tranh luận về vụ đụng độ ở Barcelona với một người đảng viên
cộng sản vì không có người cộng sản nào - đấy là nói người cộng sản “chân
chính” - chịu tin rằng tôi đã trình bày các sự kiện một cách chân thực. Nếu anh
ta tuân thủ “đường lối” của đảng thì anh ta sẽ tuyên bố rằng tôi cố tình nói dối
hoặc tôi đã lầm lẫn một cách nghiêm trọng. Anh ta sẽ nói rằng chỉ cần đọc đầu đề
của những bài báo trên tờ Daily Worker là một độc giả có ở xa cả ngàn
cây số cũng biết rõ các sự kiện ở Barcelona hơn là tôi. Không thể thảo luận
trong tình hình như thế, điều kiện tối thiểu cho sự đồng thuận cũng không thể
có. Nói rằng những người như Maxton ăn tiền của bọn phát xít để nhằm mục đích
gì? Mục đích duy nhất là chặn đứng mọi cuộc thảo luận nghiêm túc. Chẳng khác gì
đang chơi cờ mà một trong hai người bỗng gào lên rằng người kia từng đốt nhà
hay mắc tội đa thê. Không thể giải quyết được vấn đề. Vu khống không giải quyết
được gì hết.
[1] Trong số ra gần đây, tờ Inprecor
(cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Comintern) tuyên bố hoàn toàn ngược lại rằng
tờ La Batalla ra lệnh cho các đơn vị của P.O.U.M. rời mặt trận! Có thể dễ
dàng kiểm tra nếu xem lại số báo La Batalla ra ngày hôm đó.
[3] Ngay khi cuộc chiến nổ ra lực lượng
bảo vũ trang bap giờ cũng chạy sang phía mạnh hơn. Sau này, thí dụ như ở Santander , nhiều lính bảo
vệ vũ trang đã chạy sang phía phát xít.
[5] Nguyên văn: a mile – ND.
[6] Xem báo cáo của hai phái đoàn
trên các tờ báo: Le Populaire (ngày 7 tháng chín), Lalèche (ngày
18 tháng chính), Báo cáo của phái đoàn Maxton được Independent News (219
Rue Saint-Denis, Paris) và McGovern xuất bản thành cuốn sách Khủng bố ở Tây Ban Nha.
No comments:
Post a Comment