3
Sống trong chiến
hào có năm thứ quan trọng: củi đun, thức ăn, thuốc lá, nến và quân thù. Trên
mặt trận mùa đông ở Zaragoza thì mức độ quan trọng được xếp theo đúng thứ tự
như thế, quân thù được xếp cuối cùng. Trừ ban đêm, khi kẻ thù có thể tấn công
bất cứ lúc nào, không ai thèm để ý đến quân địch. Quân địch trên thực tế chỉ là
những con côn trùng màu đen ở rất xa, thỉnh thoảng người ta mới thấy chúng nhảy
ra nhảy vào. Cả hai bên chỉ quan tâm đến mỗi một việc là làm sao không bị chết
cóng.
Nhân tiện xin nói
thêm rằng trong suốt thời gian ở Tây Ban Nha tôi chỉ chứng kiến có vài trận
đánh. Tôi ở mặt trận Aragon từ tháng giêng đến tháng năm; từ tháng giêng đến
cuối tháng ba, ngoài trận đánh ở Teruel ra thì không có gì hoặc gần như không
có gì xảy ra cả. Tháng ba có những trận đánh lớn ở Huesca, nhưng chính tôi lại
tham gia rất ít. Sau này, nghĩa là trong tháng sáu, đã xảy ra một trận tấn công
đẫm máu vào Huesca, mấy ngàn người bị giết trong một ngày, nhưng lúc đó tôi đã
bị thương và bị loại khỏi vòng chiến rồi. Nỗi khủng khiếp của chiến tranh, điều
mọi người thường hay nghĩ tới, lại ít khi đụng chạm đến người tôi. Máy bay
không bỏ một quả bom nào gần những chỗ tôi ở; đại bác, theo tôi nhớ, bao giờ
cũng nổ cách chỗ tôi năm mươi mét trở lên. Tôi chỉ tham gia đánh giáp la cà có
một lần (một lần cũng đã là quá nhiều, có thể nói như thế). Dĩ nhiên là tôi đã
nhiều lần nằm dưới làn đạn súng máy, nhưng thường là bắn từ rất xa. Ngay cả ở
Huesca, nếu thận trọng, vẫn có thể an toàn như thường.
Ở đây, trên những ngọn đồi xung
quanh Zaragoza người ta chỉ mệt mỏi vì buồn và sự thiếu thốn mà thôi. Đơn điệu,
chẳng khác gì cuộc sống của một viên thư kí quèn, ngày nào cũng lặp đi lặp lại
những việc y như cũ. Tuần tra, canh gác, đào hào; rồi lại đào hào, canh gác,
tuần tra. Trên mỗi đỉnh đồi, một nhúm người rách rưới, bẩn thỉu, run rẩy xung
quanh những lá cờ và tìm mọi cách để khỏi chết cóng. Phát xít hay cộng hoà thì
cũng thế. Đạn bắn qua cái thung lũng vắng suốt ngày đêm, nhưng ít khi trúng
được người nào.
Tôi thường nhìn
khung cảnh mùa đông xung quanh và nghĩ đến sự phù phiếm của tất cả những việc
đang diễn ra ở đây. Chiến tranh kiểu này chẳng bao giờ đi đến đâu. Trước đây,
khoảng tháng mười, đã từng diễn ra những trận chiến đấu kinh hoàng để giành
giật mỗi ngọn đồi ở đây; sau đó, vì không có đủ người và vũ khí, nhất là pháo
binh, không thể tiến hành được các chiến dịch lớn, quân đội hai bên phải đào
công sự và đóng lại trên những đỉnh đồi mà họ chiếm được. Bên phải chúng tôi có
một toán P.O.U.M. nữa, còn bên trái, chỗ quả đồi nhô ra là toán
quân của P.S.U.C[1]., vị trí này nằm đối diện với một quả núi cao hơn với vô số tiền đồn
của quân phát xít. Tiền tuyến là một đường chữ chi, thò ra thụt vào, không thể
nào phân biệt được nếu trên mỗi vị trí không có một lá cờ. Quân P.O.U.M.
và P.S.U.C. treo
cờ đỏ, vô chính phủ treo cờ nửa đỏ nửa đen, còn quân phát xít thì treo cờ bảo
hoàng (đỏ-vàng-đỏ), nhưng đôi khi chúng cũng treo cờ tam tài của quân cộng hoà
(đỏ-vàng-tía). Khung cảnh thật là hoành tráng, đấy là nói nếu có thể quên được
sự kiện là trên mỗi ngọn đồi đều có một toán quân và xung quanh là hàng đống vỏ
đồ hộp và phân người. Phía bên phải chúng tôi, dãy núi đá đi theo hướng đông
nam, tạo ra một bình nguyên rộng, có nhiều con suối nhỏ, kéo dài đến tận Huesca. Ở giữa cánh đồng nổi lên mấy khối nhà bé tí, trông như những con
súc sắc, đấy là thành phố Robres, hiện đang nằm trong tay quân phát xít. Buổi
sáng, bình nguyên thường bị che phủ bởi một biển sương mù, bên trên nhô lên
những ngọn đồi phẳng màu xanh, phong cảnh lúc đó trông chẳng khác gì một bức
ảnh âm bản. Bên kia Huesca còn có nhiều đồi hơn, hình thù cũng như ở đây, nhưng
những vệt tuyết phủ trên đó thì thay đổi hàng ngày. Xa hơn nữa là những ngọn
núi cao ngất như đang bơi vào thinh không của dãy Pyrenees, tuyết ở trên đó
quanh năm không bao giờ tan. Nhưng bên dưới, thung lũng trông trơ trụi và hoang
vắng đến rợn người. Mấy ngọn đồi trước mặt chúng tôi chỉ có một màu xám xịt và
đầy những đường rãnh trông như da voi. Gần như chẳng có chú chim nào bay qua.
Tôi chưa từng thấy nơi nào có ít chim đến như thế. Đôi khi tôi có thấy mấy con
trông như ác là và có lần một đàn gà gô vỗ cánh ban đêm làm mấy anh lính gác
giật mình, hiếm lắm mới thấy vài chú chim ưng lượn lờ bên trên, mặc cho những
loạt đạn cố tình nhắm vào chúng.
Ban đêm và vào những ngày có nhiều
sương mù, các đơn vị tuần tra phải đi xuống thung lũng giữa hai cao điểm. Chẳng
ai thích công việc này vì vừa rét vừa rất dễ bị lạc và tôi nhanh chóng nhận ra
rằng tôi có thể đi tuần bất cứ khi nào tôi muốn. Trong những cái hẻm núi lởm
chởm này không hề có lấy một con đường mòn nào, muốn tìm được lối về thì phải
đi thường xuyên và mỗi lần lại phải tìm cách ghi nhớ các dấu hiệu trên đường.
Theo đường chim bay, bọn phát xít chỉ cách chúng tôi khoảng bảy trăm mét, nhưng
muốn tới đó thì phải đi ít nhất là hai cây số. Đi trong đêm tối, trên đầu thỉnh
thoảng lại có một loạt đạn réo rắt như tiếng chim, nghĩ cũng vui. Còn thú hơn
nếu đấy là những ngày có nhiều sương mù. Sương mù kéo dài suốt ngày và thường
chỉ phủ trên đỉnh đồi còn bên dưới thung lũng thì lại quang đãng. Đến gần phòng
tuyến của quân phát xít thì phải bò thật chậm, nhưng trong những sườn đồi như
thế này giữ yên lặng là việc khó, không đè vào cành khô thì cũng làm lăn một
cục đá nào đó. Chỉ đến lần thứ ba hay thứ tư tôi mới đến gần được vị trí của
quân phát xít. Sương mù dầy đặc, tôi bò sát đến hàng rào kẽm gai và dỏng tai
lên nghe. Đứa thì nói chuyện, đứa thì hát. Sau đó tôi hốt hoảng nhận ra rằng có
mấy tên đang đi xuống đồi, về hướng tôi. Tôi nấp sau một bụi cây, lúc đó không
hiểu sao tôi thấy bụi cây lại nhỏ như thế và cố gắng lên đạn một cách nhẹ nhàng
nhất. Nhưng bọn phát xít đã rẽ ngang trước khi lọt vào tầm ngắm của tôi. Tôi đã
phát hiện được ở đằng sau bụi cây đó khá nhiều dấu tích của những trận đánh
trước đây, đấy là mấy băng đạn rỗng, một cái mũ da bị đạn bắn thủng và một lá
cớ đỏ, rõ ràng là cờ của chúng tôi. Tôi mang lá cờ về chốt, nhưng người ta xé
ra làm giẻ lau ngay lập tức.
Tôi được phong hàm hạ sỹ hay cabo, theo cách gọi của người Tây Ban
Nha, ngay khi vừa đặt chân đến mặt trận và được chỉ huy mười hai binh sỹ. Đây
không phải là địa vị ngồi mát ăn bát vàng, nhất là thời gian đầu. Centuria
này gồm toàn những thanh thiếu niên tuổi từ mười ba đến mười chín, lại chưa
được huấn luyện gì. Đôi khi còn có cả những đứa trẻ mới mười một, mười hai, đấy
thường là những người tị nạn từ vùng chiếm đóng của quân phát xít, tham gia dân
quân là cách kiếm cơm đơn giản nhất. Thường thì trẻ con được làm những công
việc nhẹ ở hậu phương, nhưng đôi khi chúng cũng tìm cách ra được mặt trận và
trở thành mối đe doạ cho chính các đơn vị của mình. Tôi còn nhớ cảnh một thằng
nhóc đã ném lựu đạn vào hầm trú ẩn “cho vui”. Theo tôi nhớ thì ở Monte Pocero
không có người nào dưới mười lăm tuổi, thế mà tuổi trung bình vẫn chưa đến hai
mươi. Đáng lẽ không được đưa những thiếu niên như thế này ra mặt trận bởi vì họ
không chịu nổi cảnh mất ngủ mà đấy lại là phần không thể thiều của trận địa
chiến. Thời gian đầu gần như không thể tổ chức được việc canh gác một cách nghiêm
túc vào ban đêm. Phải nắm chân lôi ra khỏi hầm trú ẩn thì mới đánh thức được
những đứa trẻ ở đơn vị tôi, nhưng vừa quay lưng đi là chúng đã bỏ vị trí và trở
về hầm trú ẩn hoặc dựa lưng vào tường chiến hào mà ngủ ngay lập tức, mặc kệ
rét. May là quân địch cũng rất thụ động. Có những đêm tôi có cảm tưởng rằng chỉ
cần hai mươi chàng trai hoặc hai mươi cô gái hướng đạo sinh trang bị súng hơi
hay vợt cũng có thể chiếm được chốt của chúng tôi.
Lúc đó, cũng như mãi về sau các đơn
vị ở Catalonia vẫn được tổ chức hệt như hồi đầu cuộc chiến. Ngay khi Franco nổi
loạn, tất cả các đảng phái và tổ chức công đoàn đều đứng ra thành lập các đơn
vị tự vệ; đấy thực chất là các tổ chức chính trị phải trung thành với đảng của
mình cũng như phải trung thành với chính phủ trung ương. Đầu năm 1937, khi Quân
đội Nhân dân, một đội quân “phi chính trị”, được thành lập một cách tương đối
chính qui thì về mặt lí thuyết tất cả các lực lượng vũ tranh của các đảng phái
đều hợp nhất vào đó. Nhưng trong một thời gian dài tất cả các thay đổi mới chỉ
diễn ra trên giấy, mãi đến tháng sáu các đơn vị Quân đội Nhân dân mới tiến đến
mặt trận Aragon, trước đó hệ thống dân quân vẫn giữ nguyên như cũ. Mấu chốt của
hệ thống này là sự bình đẳng giữa sỹ quan và binh sỹ. Tất cả mọi người, từ
tướng tới lính, đều nhận cùng một mức lương, ăn cùng một mâm, mặc cùng một loại
quân phục, hoàn toàn bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Nếu muốn hút thuốc, bạn có
thể vỗ vào vai viên tướng chỉ huy sư đoàn để xin một điếu, không ai coi đó là
chuyện lạ. Về lí thuyết, tất cả các đơn vị dân quân đều là tổ chức dân chủ chứ
không phải là đơn vị có cấp bậc hẳn hoi, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Mọi
người đều hiểu rằng mệnh lệnh thì phải thi hành, nhưng đây là đồng chí ra lệnh
cho nhau chứ không phải là cấp trên hạ lệnh cho cấp dưới. Vẫn có các sỹ quan và
hạ sỹ quan, nhưng không phải theo nghĩa thông thường; không có danh hiệu, không
có cầu vai, không có dậm chân và giơ tay chào như ở những nơi khác. Người ta có
ý định tạo ra trong các đơn vị dân quân hình mẫu của một xã hội phi giai cấp.
Dĩ nhiên là không thể có bình đẳng tuyệt đối rồi, nhưng tôi chưa thấy ở đâu có
một cái gì tương tự như thế hoặc tôi không bao giờ nghĩ rằng điều đó lại có thể
xảy ra trong thời chiến được.
Phải công nhận rằng lúc đầu cảnh
tượng mặt trận như vậy đã làm tôi phát hoảng. Làm sao mà một đội quân kiểu này
có thể thắng được? Lúc đó ai cũng nói như thế cả, kể cũng đúng, nhưng không hợp
thời. Trong hoàn cảnh đó, khó mà có một lực lượng tốt hơn. Một đội quân cơ giới
hoá hiện đại không thể sinh ra từ con số không, nếu chính phủ đợi cho đến khi
huấn luyên xong thì Franco có thể tiến mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Sau
này, người ta thường chỉ trích lưc lượng dân quân và cho rằng khiếm khuyết của
nó là do sự bình đẳng quá trớn chứ không phải là do thiếu huấn luyện và không
đủ khí giới. Thực ra, tất cả các đơn vị dân quân vừa được thành lập đều là một
đám hỗn quân hỗn quan không phải là do sỹ quan gọi chiến sỹ là “đổng chí” mà vì
các đơn vị mới bao giờ cũng là một
đám người vô kỉ luật cả. Trên thực tế, kỉ luật cách mạng mang tính dân chủ hoá
ra lại đáng tin cậy hơn người ta tưởng rất nhiều. Kỉ luật trong các đội quân
công nhân, về lí thuyết, là kỉ luật tự giác, dựa vào ý thức giai cấp, trong khi
kỉ luật trong quân đội tư sản hoàn toàn dựa vào sợ hãi (Quân đội Nhân dân, thay
thế cho dân quân, nằm giữa hai lực lượng này). Ức hiếp và chửi rủa, vốn là hiện
tượng bình thường trong quân đội chính qui, không bao giờ xảy ra ở đây. Các
biện pháp trừng phạt chỉ được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng. Một người
bất tuân thượng lệnh thường sẽ không bị trừng phạt ngay, bao giờ người ta cũng
khuyến khích tình đồng chí của anh ta. Những người yếm thế, không có kinh
nghiệm sẽ nói rằng “không ăn thua”, nhưng trên thực tế làm thế lại “ăn”. Sau
một thời gian, kỉ luật của ngay cả những đơn vị ngổ ngáo nhất cũng được cải
thiện trông thấy. Trong tháng giêng, việc huấn luyện khoảng một tá chiến sỹ mới
làm tôi lo đến bạc cả tóc. Tháng năm, có lúc tôi được thay một viên trung uý
chỉ huy ba mươi chiến sỹ, có cả người Tây Ban Nha lẫn người Anh. Chúng tôi đã
sống dưới làn đạn suốt mấy tháng liền, nhưng tôi không gặp bất kì khó khăn nào
khi giao việc cho các chiến sỹ hoặc tìm người tình nguyện làm những việc nguy
hiểm. Giác ngộ chính trị, tức là hiểu vì
sao phải thi hành mệnh lệnh là cơ sở của kỉ luật cách mạng, muốn thế phải
có thời gian, nhưng muốn biến một con người thành cỗ máy tự động trên sa trường
cũng cần thời gian cơ mà. Các phóng viên từng đưa ra những nhận xét có tính chế
nhạo lực lượng dân quân đã quên mất một điều rằng chính họ đã giữ vững trận địa
trong khi Quân đội Nhân dân đang huấn luyện tại hậu phương. Chỉ nhờ có kỉ luật
“cách mạng” mà lực lượng dân quân mới ở lại mặt trận vì mãi đến tháng 6 năm
1937 ngoài ý thức giai cấp thì chẳng có gì có thể níu kéo được họ. Những kẻ đào
ngũ đơn độc có thể bị bắn - đã có những trường hợp như thế - nhưng nếu cả ngàn
người cùng quyết định rời bỏ mặt trận thì chẳng sức mạnh nào có thể giữ được
họ. Trong hoàn cảnh như thế, nếu không có các đơn vị quân cảnh, lính quân dịch sẽ
tan rã ngay lập tức. Dân quân đã giữ vững được trận địa, nhưng có Chúa chứng
giám, họ chỉ thắng được có vài trận, tuy nhiên hiện tượng đào ngũ cũng ít xảy
ra. Trong bốn, năm tháng ở trong lực lương vũ trang của P.O.U.M.,
tôi chỉ nghe nói có bốn người đào ngũ, trong đó có hai tên chắc chắn gián điệp.
Trong thời gian đầu, do binh lính chưa được huấn luyện, thường phải mất năm
phút mới thuyết phục được một người nào đó thi hành mệnh lệnh đã làm tôi phát
hoảng và có lúc tức muốn điên lên được. Tôi có quan niệm theo kiểu quân đội
Anh, chắc chắn là lực lượng dân quân Tây Ban Nha hoàn toàn khác quân đội Anh
rồi. Nhưng nếu xét đến hoàn cảnh lúc đó thì phải công nhận rằng dân quân đã
chiến đấu tốt hơn là người ta có quyền hi vọng.
Nhưng lúc này vấn đề là củi, lúc nào
cũng chỉ nghĩ đến củi thôi. Cuốn nhật kí tôi viết trong giai đọan này gần như không ngày nào không nói đến củi, đúng hơn là nói đến việc không có củi. Chúng tôi đóng quân ở độ cao từ 700 đến 1.000 mét trên mực nước biển, lại giữa mùa đông, lạnh không bút nào tả xiết. Thực
ra, nhiệt độ cũng không thấp lắm, nhiều đêm còn cao hơn không độ, giữa trưa
thường có nắng khoảng một tiếng đồng hồ; nhưng dù ngay cả những lúc không lạnh
lắm chúng tôi vẫn cảm thấy buốt thấu xương. Đôi khi có những cơn gió rú rít,
hất văng mũ ra và làm tung tóc lên, đôi khi sương mù phủ kín chiến hào; lại
thường có mưa, chỉ mưa mười lăm phút đã khủng khiếp lắm rồi. Lớp đất mỏng phủ
trên bề mặt đá vôi ngay lập tức trở thành trơn như đổ mỡ, thật khó mà không
trượt chân khi đi trên sườn dốc. Những đêm tối trời, có khi tôi ngã đến năm sáu
lần trên đọan đường chỉ dài có hai mươi mét; rất nguy hiểm bởi vì quy-lát có
thể bị dính bùn và hóc. Sau nhiều ngày, cả quần áo, giầy, chăn, súng đều bẩn
hết. Tôi mang theo rất nhiều quần áo ấm, nhưng nhiều người ăn mặc rất phong
phanh. Cả đơn vị khoảng một trăm người mà chỉ có hai mươi chiếc áo bông, chỉ
lính gác mới được thay phiên nhau mặc, đa số chỉ có một chiếc chăn đơn. Trong
một đêm lạnh giá tôi đã liệt kê vào nhật kí tất cả quần áo đang mang trên người.
Khá thú vị, bởi vì nó cho thấy một người có thể mang trên mình bao nhiêu quần
áo. Tôi mặc một áo lót, một quần xà lỏn dày, một áo sơ mi, hai áo len, một áo
vét len, một áo khoác da, quần nhung, xà cạp, tất, ủng, áo đi mưa, khăn quàng
cổ, tất tay da và mũ len. Thế mà lúc nào cũng run như cầy sấy. Nhưng nói cho
ngay, tôi là người chịu lạnh rất kém.
Củi đun là vấn đề quan trọng nhất.
Phải nói đến củi là vì ở đây hầu như không có một cây khô nào. Dãy núi này,
ngay cả những lúc mưa thuận gió hòa nhất cũng chẳng có mấy cây cối, dân quân
lại đóng ở đây đúng vào những tháng rét mướt nhất, thành thử cành cây bằng ngón
tay trở lên đã bị đốt sạch. Mọi người, trừ lúc ăn, lúc ngủ hay đi tuần, thời
gian còn lại tất cả đều phải đi xuống thung lũng ở phía sau chốt để kiếm củi
đun. Cứ mỗi lần nghĩ đến giai đọan này là tôi lại nhớ cảnh trèo lên trèo xuống
những bờ dốc đứng, đầy những tảng đá vôi sắc nhọn, cứa nát ủng, chỉ cốt túm
được một bụi cây nhỏ nào đó. Ba người lượm suốt vài tiếng đồng hồ cũng chỉ đủ
đốt trong vòng một giờ. Việc săn lùng củi đã biến tất cả chúng tôi thành những
nhà thực vật học. Tất cả cây cối mọc trên sườn núi đều được phân lọai, tùy vào
khả năng giữ lửa của chúng; cỏ và các lọai thạch nham dễ bén lửa nhưng cháy rất
nhanh, cây hương thảo dại và kim tước lại chỉ cháy khi bếp đã hồng, những cây
sồi tí hon, nhỏ hơn cả bụi lí gai, thì gần như không cháy được. Có một lọai
sậy, rất dễ bén lửa, mọc trên đỉnh đồi, bên trái chốt của chúng tôi, lên đấy dễ
bị ăn đạn lắm. Nếu mấy tên giữ súng máy của bọn phát xít mà nhìn thấy thì thế
nào chúng cũng xả hết cả một băng mới thôi. Đạn thường bay rất cao, nghe như
tiếng chim kêu trên đỉnh đầu, nhưng đôi khi chúng cũng bắn vào những hòn đá vôi
ngay bên cạnh, lúc đó phải nắm úp mặt xuống ngay lập tức. Hết loạt đạn chúng tôi
lại đứng lên tiếp tục tìm kiếm, chẳng có gì quan trọng bằng củi đun.
So với rét thì mọi sự bất tiện khác
chỉ là chuyện vặt. Dĩ
nhiên là lúc nào chúng tôi cũng bẩn suốt từ đầu đến chân. Nước, cũng giống như
thức ăn, được la chở từ Alcubierre tới, một
người mỗi ngày được hơn một lít. Một thứ nước kinh khủng, đục nhờ nhờ như sữa.
Chính thức thì nước chỉ được dùng để uống, nhưng bao giờ tôi cũng lấy trộm được
một bát sắt đầy để rửa mặt vào buổi sáng. Tôi thường rửa mặt hôm trước, hôm sau
cạo râu, không đủ nước làm hai việc cùng một lúc. Hôi thối kinh khủng, ngay bên
ngòai hàng rào chướng ngại vật là hàng đống phân người. Một số dân quân còn có
thói quen ỉa ngay trong chiến hào, thật là khủng khiếp nếu phải đi lại vào ban
đêm. Nhưng tôi không ngại bẩn. Nhưng bẩn là đề tài được nói đến thường xuyên.
Điều ngạc nhiên là người ta làm quen rất nhanh với việc không có khăn tay và
dùng cùng một cái bát để vừa ăn vừa rửa mặt. Chỉ một hai ngày là việc mặc cả
quần áo đi ngủ sẽ chẳng gây ra bất cứ sự khó chịu nào. Lúc nào cũng phải sẵn
sàng chiến đấu, quần áo, đặc biệt là giầy, lúc nào cũng phải sẵn sàng trên
người, kể cả lúc ngủ. Trong tám mươi ngày trên chốt, tôi chỉ cởi áo có ba lần,
lại thường cởi vào ban ngày. Lạnh quá nên không có rận, nhưng chuột cống và
chuột chù thì rất nhiều. Người ta bảo chỗ nào có chuột cống thì không có chuột
chù, nhưng hóa ra chúng có thể sống cùng một chỗ, miễn là đủ thức ăn.
Các mặt khác không đến nỗi nào. Thức
ăn khá ngon, rượu vang đủ uống. Mỗi người, mỗi ngày được một bao thuốc lá, hai
ngày một bao diêm, chúng tôi còn được phát cả nến nữa. Những cây nến rất nhỏ,
giống như những cây dùng để trang trí trên những chiếc bánh trong ngày lễ
Nô-en, mọi người đều nói là đồ ăn cắp của nhà thờ. Mỗi hầm, mỗi ngày được phát
ba cây, mỗi cây dài chừng 7cm, cháy trong khoảng hai mươi lăm phút. Lúc đó còn
bán nến, tôi có mua được một ít. Sau này, chúng tôi đã lâm vào tình trạng khốn
khổ, khốn nạn vì không có diêm và nến trong một thời gian dài. Người ta chỉ có
thể thấy được sự quan trọng của những thứ này khi thiếu chúng. Thí dụ, khi có
báo động vào ban đêm, mọi người trong hầm đều lao vào chỗ để súng, dẫm đạp lên
cả mặt nhau, có que diêm mà bật lên sẽ thấy cuộc đời khác hẳn. Mỗi người đều
được phát một nắm bùi nhùi và đọan bấc màu vàng dài chừng nửa mét. Đối với mỗi
người lính, nếu không kể đến súng thì đây là tài sản quí giá nhất. Bùi nhùi có
cái hay là có thể bén lửa ngay trước ngọn gió, nhưng lại không đủ sức đốt cháy
được đống lửa. Khi không còn tìm đâu ra được diêm, để có thể đốt được lửa,
chúng tôi chỉ còn cách là tháo đầu đạn ra lấy thuốc làm mồi cho bùi nhùi.
Chúng tôi sống một cách bất bình
thường, bất bình thường trong chiến tranh, nếu có thể gọi đấy là chiến tranh.
Tất cả chiến sỹ đều bất bình vì cảnh ăn không ngồi rồi và lúc nào cũng đòi giải
thích vì sao không được phép tấn công. Nhưng rõ ràng là nếu quân địch không
khởi sự trước thì còn lâu mới đánh nhau. Georges Kopp, trong những chuyến kinh
lý định kì của ông, đã nói thẳng với chúng tôi: “Đây đâu phải là chiến tranh.
Đây chỉ là một vở hài kịch, thỉnh thoảng mới có một vài người chết mà thôi”.
Mặt trận Aragon giẫm chân tại chỗ là do những nguyên nhân chính trị mà lúc đó
tôi không biết; nhưng khó khăn về quân sự, chưa kể việc thiếu lực lượng trù bị,
thì ai cũng biết cả.
Trước hết là vấn đề địa hình. Chiến tuyến, cả chúng tôi lẫn phát xít, nằm ở những vị trí rất thuận lợi về mặt địa hình, về nguyên tắc chỉ có thể tiếp cận từ một phía. Chỉ
cần đào được vài hầm trú ẩn là bộ binh địch đã bó tay, trừ phi có một lực lượng
vượt trội hẳn về quân số. Chỉ cần một tiểu đội với hai khẩu súng máy là chúng
tôi có thể cầm cự được cả tiểu đoàn rồi. Các vị trí khác cũng như vậy. Đóng
trên đỉnh đồi như thế này, chúng tôi có thể là mục tiêu tốt cho pháo binh,
nhưng quân địch không có pháo binh. Đôi khi tôi lại ngồi nhìn ra xung quanh và
ao ước, ao ước đến cồn cào, một vài khẩu đội pháo binh. Có thể bắn nát hết vị
trí này đến vị trí khác của quân thù như dùng búa đập hạt dẻ vậy. Nhưng chúng
tôi không có khẩu nào. Bọn phát xít thỉnh thoảng cũng lôi được một vài khẩu từ Zaragoza tới và bắn mấy viên, bắn ít đến nỗi không kịp chỉnh mục tiêu,
chẳng gây ra bất kì thiệt hại nào. Không có pháo binh, trước họng súng máy chỉ
có thể làm ba việc: đào hầm ở khoảng cách an toàn, tức là cách quân địch chừng
bốn trăm mét; lao lên tấn công giữa đồng trống và bị giết hàng loạt hoặc thực
hiện các cuộc đột kích nhỏ vào ban đêm, mà kết quả cũng chẳng thay đổi được gì.
Nghĩa là chỉ có hai lựa chọn: giữ vững vị trí hoặc tự sát.
Ngoài ra, phương tiện chiến đấu cũng
hoàn toàn không có. Cần phải huy động trí tưởng tượng thì mới hiểu được lực
lượng dân quân được trang bị kém đến mức nào. Các phòng huấn luyện quân sự
trong các trường phổ thông ở Anh còn có nhiều vũ khí hiện đại hơn chúng tôi lúc
đó. Thật khó tin, xin được mô tả một cách kĩ lưỡng hơn.
Trên toàn bộ khu vực này có tất cả
bốn khẩu súng cối tầm ngắn, mỗi khẩu lại chỉ có đúng mười lăm quả đạn. Quí đến nỗi không thể nào mang ra bắn được và tất
cả bốn khẩu đều được giữ ở Alcubierre. Khoảng năm mươi người thì có một khẩu
súng máy; nhưng đây là những mẫu cũ, chỉ có thể bắn chính xác trong khoảng từ
ba trăm đến bốn trăm mét là cùng. Ngoài ra toàn là súng trường, mà đa số đều
đáng bán ve chai từ lâu. Có ba kiểu súng trường. Thứ nhất là loại Môze nòng
dài. Ít khẩu được sản xuất cách đây dưới hai mươi năm, đa phần đã han gỉ hết,
mười khẩu may mới có một khẩu dùng được. Rồi đến loại Môze nòng ngắn hay còn
gọi là mousqueton, thực chất là súng của kị binh. Đây là loại súng được
nhiều người thích vì nhẹ và dễ sử dụng trong chiến hào, lại tương đối mới và có
vẻ tốt. Nhưng trên thực tế hầu như chẳng có tác dụng gì. Chúng được lắp từ
những cơ phận cũ, không khẩu nào có bộ phận qui-lát phù hợp, chỉ bắn độ năm
phát là phần lớn đã bị hóc rồi. Còn có mấy khẩu súng trường Winchester nữa.
Loại này bắn dễ, nhưng độ chính xác thì lại rất kém; ngoài ra, vì không có băng
đạn nên mỗi lần chỉ bắn được một phát. Đạn cũng thiếu, khi lên chiến tuyến mỗi
người chỉ được phát năm mươi viên, đa số cũng đều han gỉ cả. Đạn do Tây Ban Nha
Sản xuất là loại tái chế cho nên ngay cả súng tốt cũng rất dễ hóc. Đạn do
Mexico sản xuất thì khá hơn cho nên chỉ được dùng cho súng máy. Đạn của Đức là
tốt nhất, nhưng không nhiều, chỉ khi bắt được tù binh hay lính đào ngũ thì mới
có. Bao giờ tôi cũng cất trong túi một băng đạn Mexico hay Đức để dùng trong
những trường hợp khẩn cấp. Nhưng khi có trường hợp khẩn cấp thì tôi lại ít khi
bắn bằng súng của mình vì sợ nó sẽ bị hóc hoặc sẽ chẳng còn viên đạn nào.
Chúng tôi không được trang bị mũ
sắt, cũng chẳng có lưỡi lê, rất ít người có súng lục hay súng ngắn, năm hay
mười người mới có một quả lựu đạn. Đấy là loại lựu đạn F.A.I[2].
rất đáng sợ, do những người vô chính phủ sản xuất ngay từ những ngày đầu chiến
tranh. Nó được kích nổ theo nguyên lí Mills, nhưng chốt an toàn lại được giữ
bằng một đoạn giây. Phải giật giây và ném thật nhanh. Người ta gọi đây là loại
lựu đạn “vô tư” vì chúng giết cả người bị ném lẫn người ném. Có cả những loại
lựu đạn khác nữa, có thể thô sơ hơn, nhưng ít nguy hiểm hơn, đối với người ném,
tôi muốn nói như thế. Mãi đến cuối tháng ba tôi mới trông thấy một quả lựu đạn
với đúng nghĩa của nó.
Ngoài vũ khí, chúng tôi còn thiếu cả
những vật dụng cần thiết khác. Thí dụ như sơ đồ hay bản đồ địa hình cũng không
có. Đất nước Tây Ban Nha chưa được khảo sát một cách toàn diện. Những tấm bản
đồ quân sự cũ, tất cả đều nằm trong tay quân phát xít, lại chính là những tấm
bản đồ chi tiết nhất về khu vực này. Chúng tôi không có máy đo xa, không có
kính viễn vọng, không có cả ống nhòm, trừ một vài cái của cá nhân, không có
pháo hiệu, không có kéo cắt dây thép gai, không có cả dụng cụ sửa súng, ngay cả
giẻ lau cũng hiếm nốt. Có vẻ như người Tây Ban Nha chưa nghe nói đến cái dây
thông nòng súng bao giờ, họ rất ngạc nhiên khi thấy tôi làm được một cái giây
như thế. Khi muốn lau súng họ phải đến gặp viên hạ sỹ, chỉ người này mới có cái
que thông nòng dài, bằng đồng và bao giờ cũng cong cho nên thường làm xước rãnh
trong nòng súng. Không có cả mỡ bò. Người ta dùng cả dầu ô liu để lau súng, đấy
là nói khi kiếm được; thỉnh thoảng tôi còn lau súng bằng dầu vazơlin, bằng kem
chống rét, bằng mỡ lợn xông khói nữa. Không có đèn, cũng chẳng có đèn pin. Chắc
là lúc đó trên toàn khu vực mặt trận của chúng tôi chẳng có chiếc đèn pin nào,
phải đến Barcelona thì may ra mới mua được.
Thời gian tiếp tục trôi dưới những
loạt đạn súng trường rời rạc giữa những sườn đồi hoang vắng và tôi bắt đầu tự
hỏi liệu có thể xảy ra một chuyện gì đó đủ sức làm thay đổi cuộc chiến tranh
chán ngắt này hay không. Chúng tôi đang phải chiến đấu với bệnh viêm phổi chứ
không với quân thù. Khi mà chiến hào hai bên nằm cách nhau cả nửa cây số thì
khó mà bắn trúng lắm. Tất nhiên là có thương vong, nhưng đa phần là tự thương.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cả năm trường hợp bị thương ở Tây Ban Nha mà tôi thấy
đều là do vũ khí của chúng tôi gây ra. Tôi không nói rằng đó là do cố ý, không,
tất cả đều là vô tình hoặc cẩu thả mà ra. Những khẩu súng cũ của chúng tôi là
mối nguy chính. Một số khẩu có thể nổ khi chống báng súng xuống đất, tôi đã
thấy một người bị bắn vào tay theo cách đó. Ban đêm các tân binh rất dễ bắn vào
nhau. Một lần, mới nhá nhem tối mà tay lính gác đã bắn vào tôi, hai người cách
nhau chỉ khoảng vài chục mét, viên đạn đi cách tôi chừng một mét. Chỉ có trời
mới biết tài thiện xạ của người Tây Ban Nha đã cứu tôi mấy lần. Một lần, hôm ấy
có nhiều sương mù, tôi đi trinh sát, trước đó đã báo cáo cho chỉ huy toán lính
gác rồi. Nhưng khi quay về tôi lại đâm sầm vào một bụi rậm, tay lính gác giật
mình kêu ầm lên là phát xít tấn công và tôi nghe thấy tay chỉ huy hạ lệnh bắn
về hướng tôi. Tôi lập tức nằm xuống, đạn bay vèo vèo ngay trên lưng. Không ai
có thể thuyết phục được người Tây Ban Nha, nhất là những người còn trẻ, rằng
súng là vật nguy hiểm. Một lần, sau câu chuyện vừa nói ở trên, tôi đứng chụp
ảnh cho mấy anh chàng xạ thủ súng máy ngồi sau khẩu súng hướng thẳng vào tôi.
“Đừng bắn nhé”, tôi vừa nói đùa vừa chỉnh tiêu cự.
“Không, không bắn đâu”
Tiếng súng kinh hoàng vang lên ngay
lúc đó, một loạt đạn bay sát mặt tôi, đến nỗi má tôi bị thuốc đạn làm cháy xém.
Dĩ nhiên là một hành động bất cẩn, nhưng các xạ thủ lại coi là một trò đùa
tuyệt vời. Thế mà mới cách đây mấy hôm, họ đã trực tiếp nhìn thấy tay chính trị
viên chỉ vì đùa mà đã bắn một lúc năm phát đạn vào ngực một dân công làm nhiệm
vụ dắt la rồi đấy.
“Eroica nghĩa là gì?”
Tôi bảo anh ta rằng Eroica
cũng có nghĩa như từ valiente. Chỉ vài phút sau, khi anh ta đang dò
dẫm trong chiến hào thì nghe có tiếng lính gác hỏi:
‘Alto! Cataluña![4]’
‘Valiente!’, Jaime thét lên, tin rằng mình đã trả
lời đúng.
Đoàng!
May mà tay lính gác bắn trượt. Trong
cuộc chiến tranh này mọi người đều tìm cách để tránh bắn vào nhau.
No comments:
Post a Comment