April 20, 2014

Osho - Thiền Động

Nguyễn Đình Hách dịch
Câu hỏi 1: Thiền Động là gì?
Điều đầu tiên phải hiểu thiền Động là một phương pháp tạo ra trạng thái bởi sự căng thẳng để thiền có thể xuất hiện. Nếu toàn bộ con người bạn hoàn toàn căng thẳng thì chỉ có một khả năng duy nhất còn lại là thư giãn. Thông thường con người không thể hướng trực tiếp tới thư giãn, nhưng nếu toàn bộ con người bạn đạt tới cực đỉnh của căng thẳng thì bước thứ hai sẽ tự động xuất hiện một cách tự nhiên: sự tĩnh lặng được tạo ra.
Giai đoạn đầu tiên của ba giai đoạn kỹ thuật được thực hiện nhằm đạt được cực đỉnh căng thẳng xuyên qua các lớp của bản thể bạn. Lớp đầu tiên là thể xác. Bên ngoài nó là prana sharir, thể phách: đây là thân thứ hai của bạn. Bên ngoài nó là thân thứ ba, là thể vía.


Thể phách của bạn coi thở là thức ăn của nó. Nếu lượng ôxy lấy vào thay đổi thì thể phách buộc phải thay đổi. Thở sâu và nhanh trong vòng mười phút ở giai đoạn đầu của kỹ thuật là phương pháp thay đổi toàn bộ hóa học của thể phách.
Thở phải sâu và nhanh - sâu nhất và nhanh nhất có thể. Nếu bạn không thể thực hiện cả hai thì phải nhanh. Thở nhanh trở thành một dạng nã liên hồi lên thể phách và một cái gì đó ngủ bắt đầu thức: kho năng lượng của bạn mở ra. Hơi thở như năng lượng điện tràn khắp hệ thống thần kinh.
Cho nên bạn phải thực hiện bước đầu tiên mãnh liệt nhất, dữ dội nhất có thể. Bạn phải hoàn toàn trong thở; không một phần nào của bạn bên ngoài thở. Bước đầu tiên toàn bộ con người bạn sẽ trong thở.
Bạn chỉ là một tình trạng hỗn loạn: hít vào, thở ra. Toàn bộ tâm trí bạn đang trong quá trình - hít vào, thở ra. Nếu bạn hoàn toàn trong nó thì những ý nghĩ sẽ dừng bởi vì không năng lượng nào của bạn sẵn sàng biến thành nghĩ - không còn lại năng lượng nào để duy trì sự sống cho chúng.
Thế rồi, khi thân điện bắt đầu hoạt động trong bạn, bước thứ hai bắt đầu. Khi năng lượng sinh học bắt đầu xoay vòng trong bạn, nó hoạt động thông qua hệ thống thần kinh của bạn, khi đó nhiều điều có thể xuất hiện với cơ thể bạn. Bạn phải để cho cơ thể mình tự do thực hiện bất kỳ điều gì nó muốn.
Bước thứ hai này sẽ không chỉ là trạng thái buông bỏ mà còn là trạng thái của hợp tác tích cực. Bạn phải hợp tác với cơ thể mình, bởi vì ngôn ngữ của cơ thể là biểu tượng mà con người đã bị thất lạc. Nếu cơ thể bạn muốn nhảy múa, bạn không thể cảm thấy thông điệp. Cho nên nếu có khuynh hướng mong manh về nhảy múa trong giai đoạn thứ hai thì hợp tác với nó; chỉ khi đó bạn sẽ hiểu được ngôn ngữ.
Bất kỳ điều gì xuất hiện trong giai đoạn mười phút thứ hai này thì hãy thực hiện ở mức cao nhất bạn có. Trong suốt quá trình kỹ thuật, không nên thực hiện bất kỳ điều gì dưới mức cực đại. Bạn có thể bắt đầu múa, nhảy, cười, hoặc khóc. Bất kỳ điều gì xảy ra với bạn thì năng lượng cũng muốn tự biểu cảm, hãy hợp tác với nó. Đó sẽ chỉ là một linh cảm lúc ban đầu, chỉ là sự cám dỗ nhẹ nhàng - quá nhẹ nhàng đến mức nếu bạn muốn kìm nén nó, nó sẽ không bao giờ xuất hiện tới mức ý thức. Có thể nó bị kìm nén một cách vô thức. Cho nên nếu có bất kỳ linh cảm nào, bất kỳ sự rung rinh nào, bất kỳ dấu hiệu nào trong tâm trí, thì hãy hợp tác với nó và thực hiện nó với mức cao nhất của bạn, tới cực điểm.
Chỉ có căng thẳng ở cực đỉnh, không thể khác được. Nếu nhảy múa không tới cực đỉnh thì sẽ không hiệu quả, sẽ không đưa bạn tới đâu; mọi người nhảy múa rất nhiều lần, nhưng không dẫn tới đâu. Cho nên nhảy múa phải ở cực đỉnh - và không sắp đặt trước, chỉ thực hiện một cách bản năng hoặc trực giác; lý lẽ hoặc trí năng của bạn phải không được xen vào.
Bước thứ hai chỉ là thân thể, hoàn toàn là một với nó, đồng dạng với nó - như ở bước đầu tiên bạn chỉ trở thành hơi thở. Thời điểm bạn đưa hành động của bạn lên đến cực đỉnh thì cảm giác tươi mới và sảng khoái sẽ dâng trào trong bạn. Một cái gì đó sẽ bị phá vỡ: bạn sẽ nhìn thấy cơ thể mình như là một cái gì đó tách ra khỏi bạn; bạn sẽ trở thành người chứng kiến nó. Bạn không phải cố là người chứng kiến, bạn chỉ phải đồng dạng với thân thể một cách toàn bộ và cho phép thân thể thực hiện bất kỳ điều gì nó muốn và di chuyển tới bất kỳ đâu nó muốn.
Thời điểm mà hành động ở cực đỉnh - nhảy múa, kêu khóc, cười, phi lý, làm bất kỳ điều gì vô nghĩa - thì sẽ có hiện tượng: bạn sẽ trở thành người chứng kiến. Bấy giờ bạn chỉ đang quan sát; không gia nhập, chỉ là một sự quan sát tỉnh táo tự xuất hiện. Bạn không cần phải nghĩ về nó, nó xảy ra.
Đây là bước thứ hai của kỹ thuật. Chỉ khi bước thứ nhất được thực hiện hoàn toàn thì bạn mới có thể chuyển sang bước thứ hai. Giống như hộp số xe hơi: số một chỉ có thể chuyển vào số hai khi vận tốc ở số một đạt cực đại, không thể nào khác. Và cũng tương tự như vậy khi chuyển số hai vào số ba. Những gì thu hút chúng ta đến thiền Động là hộp số của tâm trí. Nếu thân vật lý, số một đạt tới cực đại thông qua thở thì bạn có thể vào số hai. Số hai phải hoàn toàn mãnh liệt: thu hút, tận tâm, không gì còn giữ lại phía sau.
Khi bạn thực hành thiền Động lần đầu thì sẽ có khó khăn, bởi vì chúng ta đã kìm nén thân thể quá nhiều đến mức khuôn mẫu sống bị kìm nén đã trở thành tự nhiên đối với chúng ta. Đó không phải là tự nhiên! Hãy nhìn đứa trẻ: nó chơi với thân thể mình theo cách hoàn toàn khác. Nếu nó khóc, nó khóc hết cỡ. Đứa trẻ khóc là một cái gì đó đẹp để nghe, nhưng người lớn khóc thì lại xấu. Thậm chí trong giận dữ nhìn nó cũng vẫn đẹp; nó có toàn bộ sự mãnh liệt. Nhưng nhìn người lớn giận dữ thì thật tệ, thật xấu; họ không toàn bộ. Và bất kỳ dạng mãnh liệt nào cũng tuyệt.
Bước thứ hai này là duy nhất khó, bởi vì chúng ta đã kìm nén quá nhiều trong cơ thể, nhưng nếu bạn hợp tác với cơ thể thì ngôn ngữ bị lãng quên được nhớ lại. Bạn trở thành đứa trẻ. Và khi bạn lại trở thành đứa trẻ thì một cảm giác mới lại đến với bạn: bạn trở nên phi trọng lượng - thân thể không bị kìm nén trở thành phi trọng lượng.
 Khi thân thể trở nên hoàn toàn không bị kìm nén, những kìm nén được tích lũy suốt cuộc đời bạn đã bị quẳng đi. Đây là sự thanh tẩy. Con người đã trải qua sự thanh tẩy không bao giờ có thể trở thành mất trí; đó là điều không thể. Nếu người mất trí có thể được thuyết phục để làm điều đó thì họ sẽ trở lại bình thường. Con người trải qua quá trình này đã vượt lên sự mất trí: hạt mầm tiềm ẩn đã bị tiêu diệt, đã bị đốt cháy bởi tất cả sự thanh tẩy này.
Bước thứ hai này là liệu pháp tâm lý. Con người chỉ có thể vào thiền thông qua sự thanh tẩy. Con người phải được làm sạch hoàn toàn; mọi thứ vô nghĩa phải bị quẳng ra ngoài. Nền văn minh của chúng ta đã dậy chúng ta kìm nén, giữ nhiều thứ bên trong để mọi thứ trở thành vô thức, và trở thành một phần của tâm hồn, và tạo ra sự tàn phá ghê gớm khắp người.
Mọi tinh thần bị kìm nén lại trở thành hạt mầm tiềm tàng đối với sự mất trí. Điều này phải bị loại bỏ. Khi con người trở nên văn minh hơn thì họ cũng trở nên dễ bị điên hơn. Con người chưa văn minh thì ít khả năng trở thành điên, bởi vì họ vẫn còn hiểu ngôn ngữ của cơ thể, họ sẽ hợp tác với nó. Cơ thể họ không bị kìm nén; cơ thể họ là sự nở hoa của bản thể họ.
Bước thứ hai này phải được thực hiện một cách toàn bộ. Bạn không được bên ngoài cơ thể; bạn phải ở bên trong nó. Khi bạn làm một cái gì đó thì hãy thực hiện một cách toàn bộ: là việc làm, không là người làm. Đó chính là ý nghĩa của toàn bộ: là việc làm, trở thành hành động; không là kịch sĩ. Kịch sĩ luôn bên ngoài hành vi của mình, anh ta chưa bao giờ trong hành vi. Khi tôi yêu bạn tôi ở trong tình yêu, nhưng khi tôi đóng vai yêu, tôi bên ngoài hành vi.
Ở bước thứ hai có thể có nhiều điều - một cái gì đó khác sẽ xuất hiện với mỗi cá nhân. Người này sẽ bắt đầu nhảy múa, người kia sẽ bắt đầu khóc. Người này sẽ bắt đầu khỏa thân, người kia sẽ bắt đầu nhảy và người khác sẽ bắt đầu cười. Bất kỳ điều gì cũng là có thể.
Hãy di chuyển bên trong, di chuyển một cách toàn bộ, và thế rồi bạn có thể tiến đến giai đoạn thứ ba.
Giai đoạn thứ ba này đạt tới như là kết quả của chuỗi trình tự vốn có. Ở giai đoạn đầu, thân điện, hoặc bạn có thể gọi là kundalini, được đánh thức. Nó bắt đầu quay tròn và di chuyển. Chỉ khi đó cơ thể mới trong trạng thái hoàn toàn buông bỏ mà không phải trước đó. Chỉ khi sự chuyển động nội tại đã bắt đầu thì những sự chuyển động bên ngoài mới có thể.
Khi sự thanh tẩy của giai đoạn thứ hai lên tới cực đỉnh thì giai đoạn mười phút thứ ba mới bắt đầu. Bắt đầu lặp lại mãnh liệt câu thần chú Sufi: Hoo! Hoo! Hoo! Năng lượng được đánh thức thông qua thở và biểu lộ thông qua tẩy nhẹ thì bây giờ bắt đầu đi vào trong và hướng lên; câu thần chú hồi phục lại năng lượng. Trước đó nó di chuyển xuống và ra ngoài; bây giờ bắt đầu di chuyển vào trong và hướng lên.
Không ngừng đập mạnh bên trong - Ho! Ho! Ho! - cho đến khi toàn bộ bản thể không thể trở thành gì khác ngoài âm thanh. Chính bạn phải bị kiệt sức hoàn toàn; chỉ khi đó thì giai đoạn thứ tư, thiền mới xuất hiện.
Giai đạn thứ tư không là gì - chỉ còn sự tĩnh lặng và chờ đợi. Nếu bạn đi vào ba giai đoạn đầu một cách tuyệt đối, một cách toàn bộ, không giữ lại gì thì ở giai đoạn thứ tư bạn sẽ tự động rơi vào thư giãn sâu. Cơ thể kiệt sức; tất cả mọi kìm nén bị quẳng ra ngoài, tất cả mọi ý nghĩ bị thổi ra ngoài. Bây giờ sự thư giãn xuất hiện tự nhiên - bạn không cần phải làm bất kỳ điều gì để nó xuất hiện. Đây là sự khởi đầu của thiền.
Trạng thái đã được tạo ra: bạn không có đó. Bây giờ thiền có thể xuất hiện. Bạn cởi mở, chờ đợi, đón nhận. Và sự kiện xuất hiện.
Câu hỏi 2: Những người đến với tôi vì sự hướng dẫn tâm linh đều là những người có đầu óc kỷ luật. Làm sao những người như thế lại có thể thực hành thiền Động với sự biểu lộ những cảm xúc một cách bùng nổ như vậy?.
Những người như vậy bám vào kỷ luật, nhưng nhu cầu đầu tiên của tâm trí bất ổn là trở nên hỗn loạn; chỉ khi đó mới có thể tự vượt lên. Bạn có thể ban hành kỷ luật, nhưng kỷ luật là điều kiện bên ngoài - thực tại bên trong vẫn giữ nguyên. Sẽ có sự hỗn loạn bên trong và kỷ luật bên ngoài: sự hỗn loạn vẫn nguyên trong tâm hồn trong khi kỷ luật tạo ra phần tính cách được tu dưỡng. Cho nên điều đầu tiên là hãy để cho sự căng thẳng, lộn xộn, hỗn loạn lên tới cực đỉnh. Thế rồi sẽ có sự bùng nổ, và kỷ luật sẽ xuất hiện như là hệ quả.
Hãy nói phương pháp này với những người đến với bạn vì sự những hướng dẫn tâm linh. Họ sẽ cảm nhận sự thay đổi xuất hiện thông qua chính họ, đó là sự biến đổi. Hãy để họ thực hành như là một thử nghiệm - với tâm trí bất ổn của họ, với những nghi ngờ của họ - và nếu một cái gì đó xuất hiện thông qua nó thì việc thực hành sẽ tự tiếp diễn; sẽ không có nhu cầu thuyết phục họ.
Sự hỗn loạn bên trong phải bùng nổ. Nó không nên bị làm cho lắng xuống hoặc bị đẩy xuống dưới, nó phải được biểu lộ một cách mạnh mẽ. Sự điềm tĩnh, sự thanh thản, và trạng thái an lạc xuất hiện không bởi sự tĩnh lặng tâm trí mà bởi sự bùng nổ. Thế rồi tĩnh lặng sẽ tự xuất hiện; đó không phải là sự điềm tĩnh được tu dưỡng.
Bạn như thế nào thì cũng phải biểu lộ một cách toàn bộ. Tất nhiên, điều đó sẽ có nghĩa là điên khùng, bởi vì bạn là điên khùng. Nếu bạn tự cho phép mình biểu lộ những gì bên trong thì sự điên khùng sẽ biến mất. Bạn sẽ có cảm giác kỳ lạ về nó: những gì sẽ được biểu lộ là một cái gì đó mà bạn còn chưa biết. Nhưng đó là sự biểu lộ của bạn - biểu lộ đích thực những gì bên trong bạn.
Cho nên, nhiều điều phải được biểu lộ thì đã bị kìm nén trong vô thức. Chúng đã bị kìm nén trong nhiều thế kỷ, qua nhiều cuộc đời. Sự hỗn loạn bên trong mỗi chúng ta thậm chí không được chúng ta biết đến. Nó phải xuất hiện, bóng ma bên trong chúng ta phải hiện ra bên ngoài. Và nó chỉ có thể ra ngoài khi nó được biểu lộ - biểu lộ một cách mãnh liệt từ sâu bên trong bản thể. Đầu tiên con người phải trở nên điên khùng để vượt lên sự điên khùng bên trong mình.
Hãy để những người đến với bạn thử thiền Động như là một thử nghiệmn. Hãy nói với họ rằng sự quan trọng không phải là tin mà họ nên thực hành nó, thế rồi họ sẽ  biết điều gì xuất hiện. Và nhiều điều buộc phải xuất hiện, bởi vì sự điên khùng mà tôi đang nói đến lại ở bên trong bạn.
Câu hỏi 3: Có một vài dạng thôi miên liên quan đến kỹ thuật không?
Thời điểm con người bắt đầu thử nghiệm phương pháp này thì không có vấn đề về tin hoặc trung thành, không có vấn đề về thôi miên. Ngược lại là thế này: chúng ta phải thôi miên chính chúng ta để tin rằng chúng ta là những người bình thường và lành mạnh. Đây là sự thôi miên! Toàn bộ thế gian là nhà thương điên khổng lồ và chúng ta đã tự thôi miên để nghĩ rằng chúng ta lành mạnh, bình thường. Nhưng sự điên khùng ẩn dấu bên trong cố ngoi ra ngoài: nó phụt ra, nó bùng nổ khỏi chúng ta trong những giấc mơ.
Nó bùng nổ khỏi chúng ta khi chúng ta say xưa. LSD hoặc cây có chất gây ảo giác gây ra sự bùng nổ điên khùng, nhưng sự bùng nổ không xuất hiện từ LSD hay cây có chất gây ảo giác, và những giấc mơ cũng không gây ra sự điên khùng. Thuốc gây nghiện hoặc những giấc mơ khám phá ra cái ta của chúng ta, thực tại đích thực bên trong chúng ta. Chính vì vậy mà đối với sadhaka, đối với người tìm kiếm, chất gây nghiện đã trở thành phần cốt lõi của nhiều truyền thống cổ để biết cái ta: nhiều loại chất gây nghiện, chất nhiễm độc đã được sử dụng để biết thực tại bên trong, để biết những gì bên trong.
Cố kỷ luật tâm trí là điều hoàn toàn vô nghĩa. Bạn đã không biết cái sâu thẳm bên trong, bạn đang nuôi dưỡng kỷ luật từ bên ngoài - bạn sẽ trở nên kỷ luật nhưng điên khùng vẫn còn giữ nguyên bên trong bạn. Hậu quả cuối cùng sẽ là bệnh tâm thần phân liệt: sẽ có hai con người sống đồng thời bên trong bạn, toàn bộ bản thể bạn bị phân chia. Bên trong sẽ liên tục có sự thiếu quả quyết và xung đột. Và nên nhớ, xung đột làm tiêu tan năng lượng. Cho nên, bước đầu tiên tiến tới một sự hài hòa và hợp nhất bản thể không phải là kỷ luật mà lại là nhận biết những gì bên trong.
Cái bên trong đã bị quá kìm nén trong nhiều thế kỷ, nhiều thiên niên kỷ, đến mức sự kìm nén này đã trở thành một phần thực tại bạn. Không chỉ riêng bạn mà toàn bộ loài người đã kìm nén những gì bên trong họ; bạn chỉ là một phần của quá trình. Bạn đã không kìm nén những gì bên trong bạn một cách tỉnh táo, chủ ý - đó là một phần thừa kế của bạn thực hiện điều đó.
 Đó là lý do vì sao lại sợ kỹ thuật này. Tâm trí kìm nén, cấm đoán, tích lũy là nền tảng của mọi sự điên khùng, căng thẳng, xung đột, không hòa hợp. Có nỗi sợ bị che giấu mà nếu chúng ta cho phép mình buông bỏ thì một cái gì đó đã bị kìm nén cho đến nay sẽ nổi lên. Nó buộc phải xuất hiện. Nỗ sợ này gây ra nghi ngờ về kỹ thuật, và rồi sự nghi ngờ lại trở thành dụng cụ khác cho kìm nén.
Cho nên, hãy nói với người học của bạn rằng đừng tin vào kỹ thuật mà hãy thử nó như là thử nghiệm trong mười lăm ngày. Hãy bảo họ thử một giờ ngày - bắt đầu với mười phút thở sâu và nhanh - và mọi thứ sẽ bắt đầu chuyển động.
Thở nên là cả hai: sâu hơn và nhanh hơn so với thở bhastrika. Không sử dụng nhịp điệu khi thở. Nếu bạn cố sử dụng bất kỳ phương pháp nhịp điệu nào thì sự bùng nổ sẽ không xuất hiện bởi vì bạn vẫn còn kỷ kuật chính bạn. Cho nên hãy để việc thở hỗn loạn như là nó có thể: chỉ nhấn mạnh về tốc độ, cường độ và độ sâu. Đừng hời hợt bên ngoài thở. Toàn bộ bản thể phải liên quan đến nó - tuyệt đối tận tâm và không giữ lại điều gì.
Khi bạn hoàn toàn thu hút vào nó thì toàn bộ cơ thể và tâm trí bạn bắt đầu rung động, thân điện bắt đầu chuyển động. Khi bạn cảm nhận một cái gì đó trong cơ thể mình mà bạn chưa bao giờ cảm nhận trước đó thì kỹ thuật đã trong tầm tay bạn. Thế rồi không còn lại sự nghi ngờ nào, bởi vì bạn đã trải nghiệm một cái gì đó mà bạn chưa từng biết trước đó.
Chúng ta chưa bao giờ cảm nhận thân điện của chúng ta. Đó cũng là một phần bị kìm nén của tính cách chúng ta: không chỉ tâm trí bị kìm nén mà cơ thể cũng vậy. Chúng ta không ở trong cơ thể nhiều như tạo hóa đã quy định; chúng ta đã kìm nén cơ thể chúng ta một cách tài tình.
Khi một ai đó bắt đầu rung động vì thở sâu và nhanh ở giai đoạn đầu tiên của kỹ thuật thì thân điện của anh ta bắt đầu chuyển động. Tại thời điểm đó anh ta thoát ra khỏi sự cương tỏa của xã hội: năng lượng sinh học của anh ta quá mạnh đến mức bạn không thể ép buộc anh ta làm theo. Khi năng lượng đạt tới sự thức tỉnh của nó, bạn chưa bao giờ cảm nhận rằng bạn chỉ đang tồn tại, rằng bạn là nô lệ cho điều kiện của bạn. Bạn cảm nhận mình là một cái gì đó phi giới hạn, một cái gì đó mạnh mẽ. Trong thời điểm đó, nhiều người đã tuyên bố chính họ là Thượng đế: AHAM BRAHMASMI, “Ta là Brahma”.
Cảm nhận đầu tiên về “Aham Brahmasmi, ta là Thượng đế” xuất hiện từ cảm nhận về chuyển động của điện, mà nó thường ngủ sâu trong cơ thể, và chỉ được kích thích bởi thởi mạnh, sâu và nhanh. Thế rồi mọi trải nghiệm xuất hiện thông qua cơ thể trở nên đích thực.
Chúng ta gọi một cái gì đó là thực bởi vì chúng ta cảm nhận nó thông qua cơ thể. Tôi nói rằng bạn là thực bởi vì tôi có thể nhìn thấy bạn, tôi có thể sờ thấy bạn. Nếu tôi không thể sờ thấy bạn thì bạn là ảo giác; tôi không thể tin bạn. Nếu tôi không thể sờ thấy bạn, tôi không thể chỉ bạn cho những người khác. Thông qua cơ thể mà thực tại của chúng ta có thể trở nên giá trị.
Bất kỳ kỹ thuật nào mà nó mở ra một khía cạnh mới của trải nghiệm đối với cơ thể, thì trở thành thực đối với chúng ta. Thế rồi không còn nghi ngờ về kỹ thuật nữa và con người có thể tiến về phía trước.
Chính vì vậy mà ở bước đầu tiên tôi nhấn mạnh đến thở. Sau đó, ở bước thứ hai, thở sẽ tự tiếp diễn. Đồng thời khi đó sẽ có nhiều phản ứng trong cơ thể; có thể chúng có nhiều dạng, nhưng tất cả chúng sẽ là những hiện tượng, chúng sẽ không xuất hiện thông qua kỷ luật. Cho nên có rất nhiều điều sẽ xuất hiện!
Câu hỏi 4: Có thể ngồi khi thực hành kỹ thuật được không?
Bạn có thể ngồi ở mọi tư thế nhưng tốt hơn nếu bạn đứng. Mắt nên nhắm và kỹ thuật nên được thực hiện khi dạ dày trống rỗng.
Ở bước thứ hai, thư giãn cơ thể. Cho nó tự do; đừng kìm nén nó. Liên tục thở và cho phép cơ thể chuyển động, rung động, nhảy múa, khóc lóc, cười đùa. Hãy để bất kỳ điều gì xảy ra, cơ thể sẽ tự duy trì diễn biến của nó và nhiều điều sẽ bắt đầu xuất hiện. Sau đó, ở bước thứ ba, trong khi vẫn thở một cách mãnh liệt và cho phép cơ thể bạn thực hiện bất kỳ điều gì nó muốn, bắt đầu lặp lại câu thần chú Sufi – Hoo! Hoo! Hoo! - mà không có khoảng trống nào của âm thanh. Điều này phải được thực hiện mãnh liệt nhất có thể - sao cho bạn biết bạn đang không kìm lại bất kỳ năng lượng nào. Bạn phải để hết tâm trí vào. Dần dần, sự lặp lại của âm thanh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, mãnh liệt hơn.
Trong khoảng thời gian của bước thứ nhất, toàn bộ sự chú ý của bạn phải tập trung vào thở. Và khi bạn thở sâu thì bước thứ hai sẽ nảy sinh như là hệ quả từ bước thứ nhất: cơ thể bắt đầu chuyển động. Bạn không thư giãn thậm chí chỉ một thời điểm; nỗ lực không ngừng. Thế rồi thư giãn đi vào giai đoạn thứ hai, cho phép cơ thể bạn tự do biểu lộ bất kỳ điều gì còn giữ lại trong quá khứ. Cơ thể sẽ bắt đầu chuyển động, nhảy múa linh tinh, và bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận rằng bạn là một cái gì đó riêng biệt với cơ thể. Bạn sẽ nhìn thấy cơ thể khóc, cười, kêu la quá rõ ràng đến mức bạn sẽ không có khả đồng nhất chính mình với kẻ đang thực hiện tất cả những điều này. Bạn sẽ nhìn thấy bạn đang nhảy múa: một cái gì đó xuất hiện một cách máy móc. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy cơ thể như là một thực thể riêng biệt. Chỉ khi cơ thể trở nên như cỗ máy tự động thì tâm thức cảm nhận chính nó là tách biệt; trước đó luôn luôn có sự đồng nhất với cơ thể.
Câu hỏi 5: Tại sao chúng ta thường không có khả năng cảm nhận không đồng nhất với cơ thể?
Bạn hoàn toàn đồng nhất với cơ thể bạn bởi vì thông thường không có khoảng trống giữa bạn và cơ thể bạn. Những gì bạn đang làm thì cơ thể bạn cũng đang làm, và ngược lại. Bạn và những hoạt động của cơ thể bạn được nhận diện là một và như nhau. Nhưng khi cơ thể thực hiện tiến trình của riêng nó thì nó trở thành máy móc. Nhiều điều bắt đầu xuất hiện mà chưa từng lên kế hoạch, bạn chưa bao giờ nghĩ là có thể. “Mình đang làm điều này sao? Mình đang cảm nhận điều này sao?” và bạn biết rằng bạn đang không thực hiện điều đó. Bạn đã không thực hiện nhưng nó vẫn tiếp tục nhảy múa - cũng rất mãnh liệt.
Thế rồi có khoảng trống. Có đó khoảng trống giữa người làm và việc làm: bạn đang không thực hiện điều đó. Bây giờ cơ thể trở nên máy móc.
Ý thức không thể tự đồng nhất nó với thứ máy móc. Bạn không thể đồng nhất với   máy móc trừ khi máy móc làm việc theo ý chí của bạn. Nếu tôi bảo cái microphone này di chuyển và nó bắt đầu di chuyển thì sẽ có nhiều khả năng rằng chính tôi đồng nhất với nó. Bây giờ nó đã trở thành một phần của tôi: nó di chuyển khi tôi yêu cầu nó di chuyển. Tay di chuyển khi tôi nói nó di chuyển, và khi tôi nói nó không di chuyển, nó dừng. Đó là nền tảng của sự đồng nhất: thông qua chuyển động mà thực thể chuyển động và sự chuyển động đã trở thành một.
Nhưng khi cơ thể chuyển động mà không có nỗ lực của ý thức bạn thì nó sẽ trở thành cỗ máy riêng biệt. Chỉ khi đó bạn mới có thể nhìn thấy rằng bạn là tách biệt với cơ thể. Đây là cảm nhận quá rõ ràng đến mức không có sự nhầm lẫn nào.
Chính vì vậy mà tôi nhấn mạnh đến sự chuyển động của cơ thể. Hãy để nó xảy ra. Bất kỳ điều gì xuất hiện hãy để nó xuất hiện. Bạn sẽ nhìn thấy rằng cơ thể bạn đã trở thành giống như người điên, hoặc như con thú, hoặc như cỗ máy, và bạn sẽ không có khả năng đồng nhất với nó, cho nên bạn vẫn giữ nguyên tách biệt. Bây giờ bạn bắt đầu là người chứng kiến.
Ở bước thứ hai của kỹ thuật bạn bắt đầu chứng kiến tất cả những điều đang xảy ra. Cơ thể đang chuyển động, hai tay đang chuyển động, đang hình thành những mudras – mudras mà bạn chưa bao giờ biết hoặc chưa bao giờ dự định. Sự chứng kiến bên trong bạn biến thành thực tại. Bạn bắt đầu nhìn thấy một cái gì đó như là hiện tượng bên ngoài bạn; bây giờ bạn không là người làm mà chỉ là người nhìn. Dù bạn đang làm gì cũng không thành vấn đề; bạn bắt đầu nhìn.
Ban đầu, có thể có sự đồng dạng với cơ thể, nhưng khi bạn cho phép mình đi vào kỹ thuật nhiều hơn thì hành động biến mất. Nếu cơ thể ngã xuống dưới đất thì bạn sẽ không nghĩ rằng bạn đã ngã mà là cơ thể đã ngã.
Thế rồi, ở bước thứ ba bạn hét to Hoo! Hoo! Hoo! với cường độ mãnh liệt. Bạn phải trở nên hoàn toàn điên khùng. Đi sâu hơn và sâu hơn nữa vào âm thanh. Hãy đưa nỗ lực của bạn lên tới cực đỉnh, bởi chỉ từ đỉnh bạn mới có thể rơi vào độ sâu của bản thể bạn. Bạn càng trở nên điên khùng thì đỉnh xúc cảm mãnh liệt mà bạn vươn tới càng cao hơn, bạn càng rơi vào sâu hơn thì càng sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn.
Sự tỉnh táo thực sự xuất hiện sau khi vượt lên sự điên khùng. Thư giãn xuất hiện chỉ khi bạn đã đạt tới cực đỉnh căng thẳng. Sau đó đạt tới giai đoạn thứ tư: tâm trí trở nên bình thản, tĩnh tại.
Bây giờ bạn đã trải qua ba giai đoạn trước, mỗi giai đạn mười phút, bạn chỉ đang thư giãn trong mười phút. Hãy dừng mọi thứ mà bạn đã thực hiện trong ba giai đoạn đầu và  rơi xuống và dừng lại, giữ vững bất kỳ tư thế nào mà bạn đang thực hiện dở. Bấy giờ không còn gì để làm. Không làm bất kỳ điều gì bởi vì bạn sẽ hoàn toàn kiệt sức, toàn bộ con người bạn sẽ mệt mỏi. Bây giờ buông bỏ trở thành một quá trình tự động.
Kỹ thuật là một chuỗi các giai đoạn, mỗi giai đoạn tự động theo sau giai đoạn trước. Nếu bạn tiếp tục kỹ thuật và không bổng sung thêm giai đoạn thứ tư thì nó sẽ tự xuất hiện như là một hệ quả tự nhiên về những gì đã trải qua trước đó. Buộc phải là như vậy - thời điểm buộc phải xuất hiện khi mà mọi thứ đều bị cạn kiệt và bạn ngã xuống. Không còn gì lại để thực hiện.
Giai đoạn thứ tư là thời điểm của không làm. Đó chính là điều mà tôi gọi là dhyana, thiền. Ba giai đoạn đầu chỉ là những bậc đi; giai đoạn thứ tư là ô cửa. Thế rồi bạn là bạn. Không có gì để làm, không thở hoặc không chuyển động hoặc không âm thanh, chỉ là tĩnh lặng.
Ba giai đoạn đầu phải “được thực hiện” trong một hoàn cảnh, nhưng giai đoạn thứ tư tự xuất hiện. Thế rồi một cái gì đó xuất hiện mà không phải bởi việc làm của bạn. Nó xuất hiện như là ân huệ: bạn phải trở nên trống rỗng, rỗng không và một cái gì đó tràn ngập bạn. Một cái gì đó thiêng liêng rót vào bạn khi bạn không có đó.
Bạn không có đó bởi vì không có gì làm; bản ngã biến mất khi không có người làm. Người làm là bản ngã. Cho nên bạn có thể ở ba bước đầu bởi vì bạn đang làm một cái gì đó - thở, chuyển động, la hét - nhưng bây giờ, ở giai đoạn thứ tư, bạn không thể, bởi vì không làm.
Bản ngã không là gì mà là sự chất chứa những ký ức về những hành động quá khứ của bạn, cho nên con người càng hoạt động nhiều thì anh ta càng trở nên bản ngã. Thậm chí nếu việc làm của bạn là phục vụ xã hội hoặc tôn giáo, bất kỳ điều gì bạn đã làm thì cũng trở thành một phần của bản ngã. Bản ngã không phải là thực thể mà là ký ức của bạn về việc làm, cho nên ở những thời điểm khi không có việc gì làm thì bạn cũng không có đó. Thế rồi một cái gì đó xuất hiện. Thậm chí bạn không thực hiện bất kỳ điều gì thì bạn cũng hoàn toàn tỉnh táo. Tĩnh lặng nhưng tỉnh táo. Kiệt sức nhưng tỉnh táo. Chỉ tâm thức còn đó: một tâm thức của từ bỏ sâu sắc, một tâm thức mà bây giờ mọi thứ đã biến mất.
Khi giai đoạn thứ tư kết thúc, khi nó trở thành ký ức, thì bạn có thể nhớ ra nó. Nhưng trong chính thời điểm thì lại không có gì, chỉ có tâm thức. Bởi vì chỉ có cái không ở đó, bạn không thể ý thức về bất kỳ điều gì. Sau đó bạn nhận ra rằng chỉ có khoảng trống. Tâm trí bạn đã hoạt động một thời điểm nào đó; thế rồi có một khoảng trống, và nó lại bắt đầu. Sau đó bạn cảm nhận khoảng trống này: khoảng trống, khoảng lặng trở thành một phần của ký ức bạn.
Ký ức của chúng ta ghi lại những sự kiện và khoảng trống này cũng là sự kiện quan trọng, đó là hiện tượng ý nghĩa. Tâm trí là cơ cấu. Nó ghi lại mọi thứ; nó giống như băng ghi âm mà chúng ta đang sử dụng ở đây. Máy ghi sẽ ghi lại hai điều: khi chúng ta nói, những lời nói được ghi lại; và khi chúng ta không nói, im lặng, khoảng trống, thì cũng được ghi lại. Thậm chí khi chúng ta không nói thì một cái gì đó cũng được ghi lại lại - im lặng, khoảng trống. Cũng tương tự như vậy, cơ cấu của tâm trí cũng luôn sẵn sàng để ghi lại mọi thứ. Thực tế, thậm chí nó còn sắc sảo hơn, nhạy cảm hơn khi có khoảng trống. Băng từ có thể làm mờ những gì tôi đang nói, nhưng nó không thể làm mờ khoảng lặng của tôi. Khoảng lặng sẽ được ghi lại một cách rõ ràng hơn; không thể có khả năng gây lỗi.
Cho nên khoảng trống được nhớ - và khoảng trống là niềm phúc lạc. Theo cách mà, một sự kiện đáng ghi nhớ là một gánh nặng, là sự căng thẳng, thì khoảng trống là một sự tĩnh tại, là một khoảng lặng phúc lạc. Khoảng trống này là dhyana, là thiền.
Câu hỏi 6: Có phải con người trải nghiệm nhiều thứ ở giai đoạn thứ tư?
Trải nghiệm như vậy là siêu linh. Thực sự không có điều như là “kinh nghiệm tâm linh”. Đó chỉ là khoảng trống. Người trải nghiệm không có đó, cho nên bạn không thể sử dụng thuật ngữ trải nghiệm. Bạn trải nghiệm một thời điểm mà nó là của phi-trải nghiệm. Đến chừng mực mà ngôn ngữ có khả năng biểu đạt thì tôi có thể nói rằng đó là khoảng trống.
Mọi dạng biểu đạt đều buộc phải là tiêu cực. Ngôn ngữ là của những sự kiện, không phải cho sự im lặng. Nếu tôi cố biểu đạt những gì xuất hiện trong thiền thông qua phương tiện là ngôn ngữ thì biệt ngữ tôi sẽ sử dụng sẽ phụ thuộc vào tôi - một biệt ngữ cũng vô nghĩa như bất kỳ biệt ngữ khác bởi vì trải nghiệm không thể được chỉ ra bởi ngôn từ. Cho nên bạn có thể gọi nó là Brahma, bạn có thể gọi nó là niết bàn, hoặc bất kỳ điều gì bạn thích, nhưng đó chỉ là sự lựa chọn giữa những tên khác nhau.
Mọi tên cũng đều vô nghĩa như bất kỳ điều gì khác, cho nên mọi loại ngôn ngữ tôn giáo - Cơ đốc giáo, Hindu giáo, hoặc Phật giáo - sẽ vô nghĩa như nhau. Chỉ có một điều tương tự, sự duy nhất cốt lõi trong tất cả các tôn giáo, đó là ngôn ngữ của chúng đều sai lầm như nhau. Chúng buộc phải như vậy. Đây không phải là sự chỉ trích mà là thực tế - bởi vì khoảng trống không thể được biểu đạt, chỉ có thể được cảm nhận. Cảm nhận không có ngôn ngữ; không lời nói.
Câu hỏi 7: Nếu bản ngã tan biến trong giai đoạn thứ tư, thì với những gì xuất hiện sau giai đoạn thứ tư, con người có trở lại từ thiền không?
Bản ngã trở lại, bởi vì toàn bộ cơ cấu vẫn còn đó. Nó không chết; toàn bộ quá khứ vẫn còn đó. Trong một khoảng thời gian bạn không là một phần của nó, trong vài phút bạn siêu việt lên tâm trí, lên bản ngã. Bạn bên ngoài nó. Bạn đã rời ngôi nhà; bây giờ bạn trở lại. Nhưng bạn không thể trở lại như người cũ đã rời đi, bởi vì bây giờ bạn đã biết một cái gì đó bên ngoài. Bạn không thể trở lại như cũ nữa, nhưng bạn vẫn quay trở lại.
Ra và vào trở nên dễ dàng hơn, nhiều khả năng là giai đoạn mới bắt đầu mà trong nó bạn không ra cũng không vào: bạn vượt lên cả hai. Đây là cực đỉnh, bởi vì sau đó bạn có thể ra ngoài nếu bạn muốn ra và bạn có thể vào trong nếu bạn muốn vào. Bạn không là ra hoặc vào; bạn siêu việt trên cả hai. Đây là samadhi.
Khi tôi có thể đến hoặc đi như tôi chọn, khi tôi có thể vào hoặc ra, khi điều đó trở nên dễ dàng hơn và dễ dàng hơn cho tâm trí ở đây hoặc không ở đây tùy thuộc vào sự ưa thích của tôi, vậy thì có thể siêu việt lên cả hai: bên trong và bên ngoài. Chỉ khi đó mới đạt tới bản thể sâu thẳm. Đó là samadhi. Những gì xuất hiện ở giai đoạn thứ tư chỉ là sự thoáng qua về nó. Trong Zen Phật giáo, sự thoáng qua này được gọi là satori. Satori không phải là samadhi, satori chỉ là sự thoáng qua, bởi vì bạn vẫn có thể trở lại từ đó. Nhưng bạn không thể trở lại từ samadhi: đó là điểm không có đường quay.
Câu hỏi 8: Điều gì xảy ra với người đạt tới samadhi?
Nếu bạn nói “một người nào đó đạt tới” thì lại có một người nào đó. Chỉ khi không có một người nào, khi vắng mặt thì người đó đạt tới. Một người nào đó di chuyển vào thiền, một người nào đó ra khỏi thiền - đó là sự cảm nhận về linh hồn. Nhưng không ai đạt tới samadhi, bởi vì khi đạt được samadhi, không có ai ở đó.
Có nhiều tôn giáo đã dừng ở điểm đạt được trong giai đoạn thứ tư của thiền Động, cho nên họ nói có linh hồn, có atman, bởi vì tất cả điều họ đã biết thì cũng đều là vào và ra của linh hồn. Nhưng giai đạn thứ tư chỉ là thoáng qua. Bạn ra ngoài - bạn rời cơ thể, tâm trí, bản ngã - và bạn lại trở lại. Đó không phải là điểm không quay trở lại; có mọi khả năng để quay trở lại.
Bạn trở lại bởi vì toàn bộ cơ cấu vẫn đang chờ đợi bạn. Bạn trở lại và một lần nữa toàn bộ vấn đề lại bắt đầu vận hành. Tất cả mọi thứ để lại đều là ký ức về khoảng trống. Nhưng khoảng trống đó lại gọi bạn quay trở lại.
Một vài tôn giáo, chẳng hạn như Zen, đã tưởng lầm satori, sự thoáng qua này thành kinh nghiệm tối thượng, thành samadhi. Đó không phải là samahi bởi vì vẫn còn khả năng quay trở lại. Bản ngã không chết, bạn chỉ nhảy khỏi nó một cách tạm thời. Bạn đã thoát khỏi sự cầm giữ của nó trong thời điểm, nhưng bây giờ bạn lại quay trở lại. Satori chỉ là cú nhảy. Đừng trở nên quyến luyến với nó.
Bạn có thể trở nên quyến luyến với cú nhảy bên ngoài một cách dễ dàng bởi vì nó quá phúc lạc. Mỗi thời điểm bạn di chuyển vào trải nghiệm thì nó lại cho bạn sự sảng khoái nào đó, nó làm bạn xúc động. Nhưng sau đó bạn liên tục lặp lại trải nghiệm vào thiền, cảm nhận phúc lạc của nó và quay trở lại. Dần dần nó trở thành lề thói hằng ngày, và khi bạn quay trở lại bạn nghĩ rằng có thể bạn đã đạt được kinh nghiệm tối thượng bởi vì trải nghiệm quá phúc lạc. Nhưng bạn đã không biết một cái gì đó bên ngoài phúc lạc, cho nên mỗi trải nghiệm về thiền trở thành một phần của sự lặp lại, máy móc, thói quen cũ. Bây giờ, thậm chí khoảng trống, thậm chí thiền, cũng trở thành một phần của hoạt động máy móc của bạn.
Có những tôn giáo đã dừng ở điểm này; do vậy họ nói rằng có linh hồn, linh hồn cá nhân; họ không thể hình dung Brahma. Brahma chỉ xuất hiện sau khi bạn đã vượt ra ngoài giai đoạn thứ tư - khi bạn có thể ra ngoài và trở lại vào trong, và không trở nên quyến luyến với niềm phúc lạc từ khoảng trống. Và khi bạn bắt đầu chứng kiến quá trình vào và ra này, trạng thái thiền và trạng thái phi-thiền của tâm trí, bạn đã đạt tới điểm tinh tế nhất. Thế rồi bạn biết rằng đó cũng chỉ là thói quen mà bạn có thể kéo dài trong nhiều kiếp. Đó không phải là samadhi, đó không phài là nhận biết tối thượng; đó là satori.
Khi bạn bắt đầu quan sát điều này, sự nhận biết tĩnh lặng bắt đầu hạ xuống bạn. Chỉ có thể có sự nhận biết thầm lặng, sự nhận biết không lựa chọn ở thời điểm này, mà chưa bao giờ trước đó.
Câu hỏi 9: Ý thầy nói là sau satori?
Đúng. Chỉ khi sau satori mà chưa bao giờ trước đó. Khi bạn trở nên nhận biết một cách thầm lặng về vào và ra của bản ngã thì sự bùng nổ tối thượng có thể xảy ra. Bạn vượt ra ngoài cái sự ra và vào; bạn tan biến vào sự bùng nổ.
Đây là điểm của niết bàn, brahma-upalabdhi, hoặc bất kỳ điều gì bạn muốn gọi nó. Nó chưa bao giờ được ghi lại bởi tâm trí; nó chưa bao giờ có thể được ghi lại bởi vì chính cơ cấu đã bị tan rã.
Câu hỏi 10: Sau điều này thì con người còn sống trong cơ thể nữa không?
Chắc chắn, bởi vì sự vận hành của cơ thể lại là quá trình khác. Nó có quá trình của riêng nó; con người có thể sống trong nó hoặc ra khỏi nó. Đối với những người khác thì điều đó có vẻ như con người vẫn sống trong ngôi ngà, nhưng người trú ngụ trong ngôi nhà không còn đó nữa. Toàn bộ vũ trụ đã trở thành cơ thể, ngôi nhà.
Câu hỏi 11: Vẫn còn cơ thể cá nhân sao?
Không. Đối với những người khác thì có vẻ như vậy. Nếu tôi cố nói về điều đó, diễn đạt thành lời nói thì toàn bộ vấn đề trở nên rắc rối. Bất kỳ khi nào chúng ta nói về những gì xuất hiện khi con người ra bên ngoài thiền thì cũng trở thành nghịch lý. Nó chưa bao giờ có thể được giải thích bởi vì bất kỳ kiểu giải thích nào cũng sẽ tạo ra những nghịch lý mới, mâu thuẫn mới.
Giai đoạn thứ năm là sự bùng nổ của mọi thứ đã từng xảy ra. Bấy giờ không có gì được giữ lại. Đó là sự bùng nổ của toàn bộ mà bạn là: ký ức bạn, trí tuệ bạn, bản ngã bạn, tính cách bạn, bản thể bạn, linh hồn bạn. Mọi thứ là bạn thì bây giờ lại không phải; bạn chỉ ra bên ngoài. Không có bạn; bạn trở thành mọi thứ. Đó chính là giá trị của Brahma, của tâm thức vũ trụ.
Thiền Động chỉ có thể dẫn bạn tới giai đoạn thứ tư, satori. Giai đoạn thứ năm bên ngoài phương pháp. Hướng dẫn chỉ có thể tới giai đạn thứ tư. Chính vì vậy mà Krishnamurti nói về phi-hướng dẫn. Giai đoạn thứ năm bên ngoài sự hướng dẫn. Sự nhận biết thầm lặng luôn bên ngoài sự hướng dẫn. Nó xuất hiện hoặc nó không xuất hiện.
Giai đoạn thứ năm chính là tồn tại.
Hàng ngày Phật đã được hỏi cùng một câu hỏi: “Điều gì xảy ra với người chứng ngộ? Họ sẽ đi đâu? Họ có tồn tại hay không?”
Khi vẫn một câu hỏi được hỏi một cách dai dẳng, Phật nói, “Đó là điều vớ vẩn. Đừng hỏi. Đây là câu hỏi không được hỏi”. Người liệt kê mười một câu hỏi không được hỏi Người, và đây là một trong chúng. Không phải là Phật không biết; người không muốn trả lời bởi vì bất kỳ kiểu trình bày nào cũng buộc phải tạo ra những rắc rối mới.
Câu hỏi 12: Mục đích của cuộc sống là gì? Tại sao chúng ta nên thực hành Yoga hoặc bất kỳ kỹ thuật thiền nào hoặc kỷ luật? Sứ mệnh của con người trong cuộc đời nên là gì?
Cuộc sống là một sự huyền bí không thể được làm sáng tỏ. Nếu nó có thể được làm sáng tỏ thì nó hẳn không phải là huyền bí. Không có sứ mệnh trong cuộc đời, bởi vì không thể có sứ mệnh trong điều huyền bí; chỉ đơn giản là có cuộc chơi vui vẻ, leela.
Toàn bộ tồn tại chỉ là cuộc chơi của năng lượng. Chơi có nghĩa là một cái gì đó vô mục đích hoặc một cái gì đó là mục đích của chính nó. Không có gì để đạt được; hành động quan trọng là sự đạt được. Cuộc đời không có sứ mạng, bởi vì chính bản thân cuộc sống là sự đạt được. Cho nên bạn có thể sống theo nhiều cách, bạn có thể làm nhiều điều.
Tất cả đó chỉ là dòng mạch của năng lượng, là một cuộc chơi vũ trụ phi mục đích. Chính vì vậy mà nó là huyền bí.
Phương Tây hăng hái khám phá những điều mới mẻ hơn phương Đông. Tò mò hơn, tìm tòi hơn, nhưng họ chưa bao giờ phát triển tâm thức tôn giáo bởi vì họ chưa bao giờ hình dung cuộc sống phi mục đích. Chúng ta đã có khả năng nhìn thấy điều ý nghĩa trong vô nghĩa, chúng ta cũng có khả năng nhìn thấy điều phi-mục đích như là chính mục đích, chính giá trị nội tại của nó. Cuộc sống là vậy đó, thế thôi. Là tồn tại; thế là đủ. Tại sao lại hỏi nhiều hơn? Liệu có điều gì có thể hơn tồn tại?
Khi bạn đạt tới satori, cảm nhận về phi mục đích của cuộc đời bắt đầu lôi cuốn bạn: cuộc đời trở thành cuộc chơi. Chính vì vậy mà những vị tu sĩ Zen hạnh phúc và không nghiêm trọng. Con người nghiêm trọng là một trong những người chưa bao giờ cảm nhận được những điều kỳ diệu, những điều huyền bí, cho nên người nghiêm trọng không bao giờ có thể là tôn giáo. Ở giai đoạn mà satori bắt đầu xuất hiện, bạn trở nên hài hước. Cuộc đời trở thành như cuộc chơi; không có gì là nghiêm trọng đối với cuộc đời. Bạn có thể cười về nó. Tu sĩ Zen có thể cười vào Phật. Và điều đó mới đẹp, mới tuyệt vời làm sao - không ở đâu lại có thể đạt được điều như vậy.
Câu hỏi 13: Mọi người sợ đến với trạng thái này bởi vì họ biết nó sẽ phá vỡ khuôn mẫu của xã hội.
Nó phá vỡ bởi vì xã hội được tạo ra bởi những người đang chịu đựng căn bệnh được gọi là nghiêm trọng. Toàn bộ xã hội bị thống trị bởi căn bệnh đặc biệt này. Nó thống trị mọi thứ: mọi thứ bị đặt vào khuôn mẫu, phân loại, mọi thứ đã bị phân ranh giới.
Cuộc chơi không thể bị phân ranh giới. Khi tôi yêu một người nào đó thì đó là cuộc chơi. Nhưng khi nó trở thành hôn nhân thì cuộc chơi đã biến mất; nó trở thành công việc nghiêm trọng. Tình yêu luôn là cuộc chơi, chính vì vậy mà nó luôn là thời điểm; nó đến và đi. Nhưng hôn nhân là một cái gì đó tĩnh; nó đến và không bao giờ đi. Nó là kế hoạch, là chia ranh giới, là khuôn mẫu cố định.
Câu hỏi 14: Thầy đang nói rằng hôn nhân không thể là điều thiêng liêng?
Không thể. Hôn nhân không bao giờ là thiêng liêng bởi vì nó là vấn đề cụ thể. Nhưng tôi đã sử dụng hôn nhân như là ví dụ. Thực tế, toàn bộ xã hội không bao giờ là thiêng liêng, bởi vì nó dựa vào những luật lệ. Luật lệ luôn nghiêm trọng; bạn không vui đùa với chúng.
Khi Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Hoa, ông ấy đặt một chiếc giầy lên đầu và chiếc còn lại thì ở dưới chân. Hoàng đế hỏi, “Ông đang làm gì vây? Điều đó mới vô nghĩa làm sao!”
Bồ Đề Đạ Ma nói, “Tôi đang chơi đùa”.
Hoàng đế nói, “Nhưng chúng tôi chưa bao giờ chờ đợi vị sadhu hài hước, bông đùa”.
Bồ Đề Đạt Ma nói, “Làm sao mà vị sadhu lại có thể là nghiêm trọng? Thượng đế không nghiêm trọng, ngài vui đùa không biết mệt!”
Tính sáng tạo xuất hiện từ tính khôi hài vui vẻ; do vậy mà rất nhiều sự sáng tạo sinh ra từ satori.
Câu hỏi 15: Liệu satori có mang kiến thức nội tại đến không?
Ước mong kiến thức nội tại, ước mong kinh nghiệm này hoặc kinh nghiệm kia, chỉ là một phần của bệnh nghiêm trọng. Tâm trí nghiêm trọng thậm chí cố phân loại kinh nghiệm tôn giáo; nó muốn trở thành quyền lực: “Tôi có kiến thức nội tại. Tôi biết và bạn không biết. Tôi sẽ dạy bạn”.
Một lần nữa tâm trí lại cố gắng tái tạo lại khuôn mẫu cho xã hội nghiêm trọng. Bạn có nhìn thấy điều đó không? Các xã hội tôn giáo đã được tạo ra chỉ vì mục đích này. Các môn phái, ashram, các tu viện, những thứ linh tinh là những xã hội có thể thay thế.
Nhưng con người có tâm hồn luôn vui đùa. Cuộc đời họ chỉ là cuộc chơi, họ không nghiêm trọng về bất kỳ điều gì họ làm.
Không có gì mới xuất hiện từ tính nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng chỉ có thể lặp lại cái cũ bởi vì nó luôn nghĩ trong điều kiện an toàn, trong điều kiện của những luật lệ; và những luật lệ xuất phát từ những điều cũ kỹ, từ những truyền thống cũ - chúng không thể được phát minh hàng ngày. Tâm trí vui đùa là tự nhiên. Nó không có những luật lệ, cho nên nó luôn bất an toàn; nó luôn trong tình trạng sắp lỡ mọi thứ, bởi vì không có sự an toàn.
Khi một người đã bắt đầu trải nghiệm satori thì mọi dạng nghiêm trọng trở nên vô nghĩa. Đó là dấu hiệu duy nhất rằng thiền đã xuất hiện, và chính vì vậy mà người đạt được satori lại trở nên nổi dậy. Không có lý do nào khác. Họ trở thành nổi dậy bởi vì họ đã chống lại tất cả các loại nghiêm trọng.
Câu hỏi 16: Nhưng nếu mọi người trở nên nổi dậy thì làm sao xã hội kiểm soát được họ?
Chính khái niệm kiểm soát đã tạo ra toàn bộ thế giới hỗn loạn. Thời điểm bạn nghĩ về kiểm soát, bạn bắt đầu kìm nén và bắt đầu hủy diệt cá nhân và tạo ra những dạng người. Và nghịch lý là, khi bạn hủy diệt những cá nhân, những hình mẫu và những kiểu người thì lại kéo theo rất nhiều sự rối loạn. Nhưng sự rối loạn này không phải bởi những đầu óc nổi dậy mà chỉ là phản ứng chống lại mệnh lệnh cứng nhắc.
Thậm chí nếu tâm trí nổi dậy chiến thắng chỉ trong một ngày thì sẽ không còn rối loạn bởi vì sẽ không còn mệnh lệnh; trật tự và rối loạn là hai mặt của cùng một đồng tiền. Người nào mà cố tạo ra trật tự thì lại gây ra rối loạn: thái độ, đầu óc cố ban hành kỷ luật thì lại tạo ra vô kỷ luật.
Bản ngã bạn phản ứng chống lại người đang cố gắng kỷ luật bạn, nhưng đây là phản ứng mà không phải là nổi dậy, chống đối. Nổi dậy chỉ nảy sinh sau satori, cho nên không có nhiều người nổi dậy - chỉ có Jesus, Phật, Socrates, rất ít. Nhưng có nhiều kẻ phản động. Ví dụ, cộng sản - những người như Marx, Bakunin, Lenin, hoặc Mao - là những kẻ phản động, họ không phải là những người nổi dậy. Người nổi dậy là hiện tượng: chỉ khi bạn nổi dậy bạn mới thực sự sống. Và nếu toàn bộ thế giới đã trở nên nổi dậy...
Mọi dạng phát minh, mọi dạng khám phá, luôn xuất phát từ vui đùa hài hước. Einstein, Archimedes, Newton, và những người khác đều vui đùa hài hước. Nhiều điều xuất hiện khi bạn không nghiêm trọng, khi bạn không tập trung, khi tâm trí bạn đang buông bỏ.
Newton đang ngồi dưới cây táo. Quả táo rơi và một cái gì đó xuất hiện. Archimede đang nằm trong bể tắm và một cái gì đó xuất hiện. Ông ấy nhảy ra khỏi bể tắm và la lên, “Eureka! Eureka! tôi đã tìm ra, tôi đã tìm ra!” Einstein rất thích chơi với bọt xà phòng, thích quan sát chúng nở ra và tan biến.
Lịch sử loài người không phải là lịch sử của quần chúng, của kẻ tuân thủ, của kẻ nghiêm trọng, của những kẻ làm luật, của phép tắc và những kẻ đẻ ra phép tắc. Quần chúng đã không sáng tạo ra một kiệt tác nào - phát minh hay bức tranh hay bài thơ hay bản nhạc. Nhưng một số ít người tiên tiến không nghiêm trọng về cuộc đời họ thì lại là người sáng tạo. Khám phá luôn xuất hiện thông qua những người ẩn danh, chỉ biết chơi với cuộc đời họ. Nếu họ là nghiêm trọng họ hẳn thích công việc hơn, họ bắt đầu lập ra các nhà máy hoặc một cái gì đó.
Cho nên điều đầu tiên là chơi với cuộc đời bạn. Thế rồi rất nhiều điều phi thường xuất hiện: tôn giáo, khoa học, nghệ thuật - mọi thứ xuất hiện từ tâm trí phi nghiêm trọng, tâm trí vui chơi.
Không có mục đích trong cuộc đời, không sứ mạng trong cuộc đời. Cuộc sống là đủ! còn nhiều hơn đủ. Mọi ý nghĩa của sứ mạng phải biến đi bởi vì nó chống lại cuộc sống: tất cả mọi sự tuyên truyền không là gì mà chỉ là chính trị trong trang phục của tôn giáo, của sứ mạng, của tư tưởng. Các lãnh tụ, các vị guru, các môn đệ - tất cả đều vô nghĩa. Nếu bạn thực hành thiền Động, nếu bạn tự cho phép mình trải qua sự thanh tẩy và hướng vào buông bỏ toàn bộ thì ý tưởng của bạn về sứ mạng cuộc đời buộc phải bị tan biến.
Cho nên hãy thực hành thiền Động. Thực hành nó với khả năng tràn đầy nhất của bạn - đưa nó lên tới cực đỉnh. Bạn phải trở nên hoàn toàn điên khùng; chỉ có vậy thì sự lành mạnh đích thực mới xuất hiện, và chỉ khi đó những người khác sẽ bắt đầu được bạn giúp đỡ.




























3 comments:

  1. Kiến thức của tác giả thật hữu ích, thank bạn đã chia sẻ.
    Xem tại website : Thiền cho doanh nhân

    ReplyDelete
  2. Thông tin của Admin quá hữu ích, cám ơn bạn đã chia sẻ.
    Trang tham khảo : Thiền

    ReplyDelete
  3. Chao bạn cho mình xin facebook để giao lưu nhé

    ReplyDelete