4
Tôi đến mặt trận
được khoảng ba tuần thì có một nhóm từ hai mươi đến ba mươi người Anh do Đảng
lao động độc lập gửi sang cũng tới Alcubierre. Tôi và Williams được thuyên
chuyển sang với họ để thành một đơn vị toàn người Anh. Chúng tôi đóng chốt ở
Monte Oscuro, cách chỗ cũ mấy dặm về phía Tây, có thể nhìn thấy Zaragoza.
Chốt của chúng tôi nằm trên một mỏm
đá sắc như lưỡi dao cạo, hầm trú ẩn được khoét sâu vào bên trong tảng đá như
hang của loài chim én. Hầm trú ẩn được đào rất sâu, bên trong vừa tối vừa thấp,
quỳ cũng không được chứ không nói là đứng. Trên những mỏm núi phía bên trái
chúng tôi còn có hai chốt của lực lượng P.O.U.M. nữa,
trong đó có một chốt được tất cả mọi người trên chiến tuyến quan tâm vì có ba
cô chị nuôi. Các cô này thực ra là không đẹp, nhưng ban chỉ huy cho rằng cần
phải cấm người các đơn vị khác lai vãng đến đó. Ở bên phải, cách chúng tôi
chừng năm trăm mét, cạnh chỗ rẽ của con đường đi Alcubierre có một chốt nữa,
đấy là lực lượng của P.S.U.C. Từ đấy trở đi con đường
nằm trong tay đối phương. Ban đêm có thể nhìn thấy đèn xe vận tải của quân ta
từ Alcubierre tới và cùng lúc đó là đèn xe của phát xít từ Zaragoza lại.
Zaragoza nằm ở phía tây-nam, cách đây khoảng hai mươi cây số, có thể trông thấy
vào ban đêm, đấy là một vệt sáng mỏng, trông như ánh sáng phát ra từ cửa sổ của
những con tầu thuỷ vậy. Các đơn vị quân đội của chính phủ đã phải đứng ở đây để
dõi mắt về thành phố từ tháng tám năm 1936 và bây giờ họ còn tiếp tục dõi theo
như thế.
Đơn vị của chúng tôi có khoảng ba
mươi người, trong đó có một người Tây Ban Nha (Ramón, em vợ của Williams) và
hơn một chục xạ thủ súng máy người Tây Ban Nha nữa. Ngoài một vài trường hợp
ngoại lệ, chiến tranh, như mọi người đều biết, luôn luôn hấp dẫn các phần tử
bất hảo – nhóm người Anh ở đây thật là tuyệt vời, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đáng yêu nhất là anh chàng Bob Smillie. Anh vốn là cháu nội của một trong những
lãnh tụ nổi tiếng của công nhân mỏ, sau này anh đã chết, một cái chết cực kì vô
nghĩa ở Valencia. Dù có những khó khăn trong giao tiếp, nhưng các chiến sĩ
người Anh và người Tây Ban Nha luôn giữ được thái độ hữu hảo, đấy phần lớn là
do tính cách của người Tây Ban Nha. Tất cả các chiến sỹ Tây Ban Nha chỉ biết có
hai câu tiếng Anh. Một câu là “O.K., baby”, còn câu thứ hai là ngôn ngữ mà các
cô gái điếm ở Barcelona thường dùng trong giao tiếp với các thuỷ thủ người Anh,
tôi nghĩ là có viết ra đây thì thợ sắp chữ cũng sẽ bỏ đi thôi.
Trên khắp chiến tuyến vẫn chẳng có
chuyện gì cả: thỉnh thoảng mới có một viên đạn lạc hay một quả đạn súng cối,
mọi người cùng chạy vội lên giao thông hào cao nhất để xem viên đạn nổ ở đâu.
Chỗ này hai bên ở gần nhau hơn, khoảng ba bốn trăm mét. Chốt gần nhất nằm đối
diện với chúng tôi, có một khẩu súng máy, các chiến sỹ của chúng tôi cứ nhằm
vào lỗ châu mai mà bắn, nhưng chỉ phí đạn. Bọn phát xít không thèm dùng súng
trường, nhưng hễ ai ló ra là chúng dùng súng máy nã ngay. Thế mà phải mười ngày
sau hoặc hơn mới có người bị thương đầu tiên. Đối diện với chúng tôi là đơn vị
người Tây Ban Nha, nhưng theo lời những kẻ đào ngũ thì có cả mấy người Đức
thuộc lực lượng N.C.O.S. nữa. Trước đây, phía phát xít
còn có cả người Marocco - đấy là những người rất nghèo, chắc là rét lắm – vì
trên vùng đất trung gian có một xác người Marocco, hắn đã trở thành danh lam
thắng cảnh của khu vực. Chiến tuyến bị đứt đoạn ở cách chỗ chúng tôi khoảng ba
cây số về bên trái, đấy là vùng đất thấp hơn, có những cánh rừng rậm, không bên
nào kiểm soát được. Ban ngày, cả hai bên đều có thể đi tuần trong vùng này. Một
trò ú tim không đến nỗi tồi theo kiểu hướng đạo sinh, nhưng bao giờ bọn phát
xít cũng đi cách chúng tôi đến mấy trăm mét. Chúng tôi đã từng bò qua chiến
tuyến của quân phát xít và nhìn thấy một ngôi nhà có treo lá cờ bảo hoàng, đấy
là sở chỉ huy tại chỗ của quân địch. Chúng tôi nã một loạt đạn rồi tìm chỗ nấp
ngay. Tôi hi vọng bắn vỡ một vài cửa sổ, nhưng với khoảng cách tám trăm mét như
thế, đến bắn trúng ngôi nhà cũng còn khó.
Trời quang và lạnh, đôi khi có nắng
vào giữa trưa nhưng vẫn lạnh. Trên sườn đồi, đôi khi đã thấy xuất hiện những chồi
nghệ dại hay cây irit, thế là mùa xuân đang đến, nhưng đến rất chậm. Đêm còn
lạnh. Những hôm đi gác về vào lúc bình minh chúng tôi thường cùng nhau vét sạch
những gì còn sót lại từ bữa ăn tối hôm trước rồi nhảy vào đám than hồng. Đế
giầy bị nướng chín, nhưng chân thì đỡ lạnh rất nhanh. Nhưng có những hôm phong
cảnh bình minh trên những đỉnh đồi ở đây đẹp đến nỗi không ai cảm thấy hối tiếc
khi phải chui khỏi chăn vào lúc sáng sớm. Tôi không thích cảnh đồi núi, nhưng
đôi khi, nhìn ánh bình minh đang lên trên những ngọn núi phía sau trận địa,
ngắm những tia sáng màu vàng óng như những lưỡi kiếm xé toạc màn đêm và khoảng
sáng rộng dần ra, biển mây màu đỏ chót biến mất trong khoảng không vô cùng vô
tận, tôi thực sự không thấy hối tiếc vì đã phải thức suốt đêm, chân tay tê cóng
và phải ba tiếng đồng hồ nữa mới được ăn sáng. Trong những ngày sống ở đây, tôi
đã thấy nhiều buổi bình minh hơn tất cả thời gian trước đây cộng lại, và mong
sao sau này cũng không còn phải dậy sớm thường xuyên như thế nữa.
Chúng tôi không
có đủ người, thế có nghĩa là phải đứng gác lâu hơn và mệt mỏi hơn. Tôi bắt đầu
cảm thấy thiếu ngủ, một hiện tượng không thể tránh được, ngay cả trên những mặt
trận yên tĩnh nhất. Ngoài việc đứng gác và đi tuần, ban đêm còn thường xuyên có
báo động, không có những chuyện đó cũng chẳng ai có thể ngủ đẫy giấc trong
những cái hố chật ních, chân tay thì tê buốt vì lạnh. Trong ba bốn tháng đầu
tiên ở trên chiến tuyến có đến chục ngày tôi hoàn toàn không ngủ, nhưng mặt
khác, cũng không được ngủ trọn giấc quá mười đêm. Ngủ hai mươi đến ba mươi giờ
mỗi tuần là chuyện bình thường. Thiếu ngủ cũng không tai hại như ta có thể
tưởng; đầu óc có thể mụ mị đi, leo lên leo xuống đồi có thể chậm chạp hơn,
nhưng tâm trạng thì vẫn bình thường, chỉ có đói, đói khủng khiếp! Món ăn nào
cũng ngon cả, ngay cả món đậu mà ngày nào chúng tôi cũng phải ăn, đến nỗi cuối
cùng tất cả những ai từng đến Tây Ban Nha chỉ nhìn thấy đã phát khiếp. Nước,
hay cái gọi là nước, được chở từ cách đấy mấy cây số, trên lưng những con la
hay những con lừa gầy nhom. Không hiểu vì sao người nông dân Aragon đối xử với
la tử tế nhưng lại hay hành hạ lũ lừa. Lừa không chịu đi sẽ bị đá ngay vào dái.
Không được phát nến nữa, diêm cũng
chẳng còn bao nhiêu. Người Tây Ban Nha dạy chúng tôi cách làm đèn đốt bằng dầu
ôliu từ hộp sữa, vỏ đạn và một ít giẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi mới được phát dầu
ôliu, ánh sáng vừa nhỏ vừa khói, chỉ sáng bằng một phần tư ngọn nến, nhưng cũng
giúp tìm súng một cách dễ dàng hơn nhiều.
Có vẻ như sẽ chẳng bao giờ có đánh
nhau. Khi rời Monte Pocero, tôi mang đạn ra đếm và phát hiện ra rằng trong suốt
gần ba tuần tôi chỉ bắn có ba phát. Người ta bảo rằng phải một ngàn viên mới
giết được một người, cứ đà này thì phải hai mươi năm may ra tôi mới giết được
một tên phát xít. Tại Monte Oscuro, chiến hào ở gần nhau hơn, bắn nhiều hơn,
nhưng tôi có đủ lí do để tin rằng mình chưa bắn trúng người nào. Sự thật là,
tại mặt trận này và trong giai đoạn này, vũ khí không phải là súng đạn mà là
loa phóng thanh. Không thể giết được kẻ thù, chúng tôi đành quát tháo chúng
vậy. Đây là một cách tiến hành chiến tranh độc đáo, cần phải giải thích một
chút.
Khi chiến luỹ hai bên gần nhau, hò
hét cũng là một cách tốt. Chúng tôi thường hô: “Fascistas — maricones![1]”.
Phát xít trả lời: “Viva
España! Viva Franco![2]”,
còn khi biết có người Anh ở đây thì chúng hô: “Người Anh cút đi! Chúng tôi không
muốn người ngoại quốc ở đây!” Quân đội chính phủ cũng như lực lượng dân quân
của các đảng phái có hẳn kĩ thuật tuyên truyền bằng cách hò hét nhằm phân hoá
hàng ngũ của kẻ thù. Khi có điều kiện, bao giờ người ta cũng giao cho các chiến
sỹ, thường là các xạ thủ pháo binh loa và bảo hô cho thật to. Họ thường hô các
khẩu hiệu đầy tinh thần cách mạng, nhằm giải thích cho binh lính phía phát xít
rằng chúng chỉ là tay sai của chủ nghĩa phát xít quốc tế, rằng chúng đang chiến
đấu chống lại chính giai cấp của mình .v.v.. và thúc giục họ chạy sang phía
chúng tôi. Việc hô khẩu hiệu có khi kéo dài suốt đêm, toán này mệt thì có toán
khác đến thay. Chắc chắn là có hiệu quả, mọi người đều tin rằng quân phát xít
đào ngũ một phần là do kết quả của việc tuyên truyền như thế. Quả thật, một
người lính gác, nếu lại đã từng là đảng viên xã hội hay đoàn viên công đoàn vô
chính phủ bị bắt nhập ngũ, đang chết cóng trên vọng gác thì khẩu hiệu “Đừng chống
lại chính giai cấp của mình” được nhắc đi
nhắc lại trong đêm tối sẽ buộc anh ta phải suy nghĩ. Đấy có thể là giọt
nước làm lệch cán cân “đào ngũ – không đào ngũ”. Dĩ nhiên chuyện này không phù
hợp với quan niệm của người Anh về chiến tranh. Phải công nhận rằng tôi đã ngạc
nhiên, thậm chí khó chịu khi chứng kiến cảnh tượng đó lần đầu tiên. Thuyết phục
kẻ thù trong khi đáng ra phải cho nó một phát! Bây giờ, tôi công nhận rằng dù
đứng trên quan điểm nào thì đấy cũng là cách làm chấp nhận được. Trong cuộc trận
địa chiến bình thường, lại thiếu pháo binh, thật khó tiêu hao được lực lượng
địch nếu không muốn có số người bị thương vong tương tự bên phía mình. Nếu có
thể làm cho chỉ một số người đào ngũ thôi thì cũng tốt rồi, bọn đào ngũ có ích
hơn là mấy cái xác chết vì chúng có thể cho biết thông tin. Nhưng thời gian đầu
chúng tôi rất chán nản, chúng tôi nghĩ rằng người Tây Ban Nha thiếu nghiêm túc
đối với cuộc chiến này. Người làm nhiệm vụ hô khẩu hiệu trên chốt của lực lượng
P.S.U.C., nằm ở bên phải chúng tôi, là một chuyên gia trong
lĩnh vực này. Đôi khi, thay vì hô khẩu hiệu cách mạng, anh ta lại bảo bọn phát
xít rằng chúng tôi được ăn uống tốt hơn chúng. Dĩ nhiên là khẩu phần có tưởng
tượng thêm. “Bánh mì chiên bơ!”, giọng anh ta vang xa khắp thung lũng. “Chúng
tớ đang ngồi cạnh đĩa bánh mì chiên bơ! Thơm ơi là thơm!” Không nghi ngờ gì
rằng, giống như tất cả chúng tôi, cả tuần nay, thậm chỉ cả tháng nay anh ta
không nhìn thấy miếng bánh mì chiên bơ nào, nhưng trong cái đêm lạnh lẽo này
câu chuyện bánh mì chiên bơ chắc chắn đã làm nhiều tên phát xít phải rỏ dãi.
Tôi cũng rỏ dãi, tuy biết rằng anh ta xạo.
Một lần, vào tháng hai, chúng tôi
trông thấy một chiếc phi cơ phát xít bay lại gần. Như mọi khi, chúng tôi lôi
súng máy ra chỗ đất trống, hướng nòng lên cao và nằm ngửa để ngắm cho dễ. Vị
trí đơn độc của chúng tôi không đáng ném bom, trước đây máy bay phát xít thường
bay vòng qua để tránh đạn súng máy. Lần này phi cơ bay thẳng qua đầu, nhưng rất
cao, không thể bắn tới; từ trong bụng nó tung ra một cái gì đó màu trắng giống
như những tờ giấy, vừa rơi vừa lật qua lật lại mãi trên đầu. Có mấy tờ rơi đúng
vào chốt của chúng tôi. Hoá ra là tờ báo Heraldo de Aragón, đưa tin
chúng đã chiếm được Malaga.
Đêm đó bọn phát xít tung ra một trận
tấn công, nhưng không thành. Tôi vừa đi nằm, mệt muốn chết được, thì bỗng nghe
một loạt đạn nổ ngay trên đầu, rồi có người thò đầu vào công sự, hét: “Chúng
tấn công rồi!” Tôi vồ lấy khẩu súng và lao lên vị trí của mình ở trên đỉnh đồi,
ngay cạnh khẩu súng máy. Tối như hũ nút, ồn ào như vỡ chợ. Chúng bắn như vãi
đạn, tôi nghĩ phải đến năm khẩu súng máy đang bắn chứ không ít, một loạt lựu
đạn nổ, bọn phát xít ném ngay vào bờ công sự của chúng. Tối quá. Bên dưới thung
lũng, về phía bên trái, tôi nhìn thấy những luồng đạn súng trường màu xanh.
Chắc là một nhóm tuần tra phát xít đã tham chiến. Đạn bay vèo vèo xung quanh
chúng tôi. Có những quả đạn cối bay ngang qua đầu và rơi ở đâu đó khá xa, phần
lớn (chuyện thường ngày ở đây) không nổ. Tôi bỗng phát hoảng khi nghe thấy
tiếng súng máy nổ trên đỉnh đồi phía sau, hoá ra đấy là lực lượng tăng viện,
nhưng lúc đó lại ngỡ là chúng tôi đã bị bao vây. Lúc đó súng máy của chúng tôi
đang bị hóc, nó thường bị hóc vì đạn quá kém, tối quá, không thấy cái thông
nòng đâu. Không thể làm được gì, chỉ mỗi việc đứng đây và đợi một phát đạn vào
đầu. Các xạ thủ súng máy người Tây Ban Nha không chịu nấp, họ còn cố tình phơi
mình ra trước làn đạn, tôi phải làm theo họ. Hành động này, dù chẳng có ý nghĩa
gì, đã để lại cho tôi cảm giác rất thú vị. Nói cho ngay, đây là lần đầu tiên
tôi đứng dưới làn đạn. Thật xấu hổ vì tôi thấy mình sợ run lên. Dưới làn đạn,
ai cũng cảm thấy như thế cả, không phải là sợ bị bắn mà là không biết sẽ bị bắn
vào đâu. Người ta luôn tự hỏi không biết sẽ trúng vào đâu và mọi chỗ trên người
đều trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều.
Khoảng một hai giờ sau, tiếng súng
bắt đầu vãn dần rồi ngừng hẳn. Bên chúng tôi chỉ có một người bị thương. Bọn
phát xít đã đưa mấy khẩu súng máy ra vùng đất tranh chấp, nhưng vẫn giữ khoảng
cách và không có ý định tràn vào chốt của chúng tôi. Thực ra, chúng không tấn
công, chỉ bắn phí đạn, cốt yếu là gây ồn ào để chào mừng việc chiếm được
Malaga. Sau chuyện này tôi rút ra được bài học là phải cẩn thận với tin tức
chiến sự trên các báo. Một hai ngày sau báo chí và đài phát thanh đều đưa tin
là quân tình nguyện anh hùng người Anh đã đẩy lui được cuộc tấn công của kị
binh và xe tăng phát xít (trên sườn đồi gần như thẳng đứng!)
Ban đầu chúng tôi cho rằng tin bọn
phát xít chiếm được Malaga là xạo, nhưng ngày hôm sau thì có nhiều tin đồn và
vài ngày sau nữa thì có thông báo chính thức. Phải một thời gian sau toàn bộ
câu chuyện nhục nhã này mới loang ra hết, nào là thành phố đã di tản mà không
hề kháng cự, nào là sự điên rồ của quân đội Ý không đổ lên đầu quân đội cộng
hoà mà lại đổ lên đầu dân chúng, có người bị săn đuổi và bị bắn chết bằng súng
cối khi đã đi cách xa thành phố hàng trăm cây số. Tin tức như một gáo nước lạnh
dội lên toàn bộ mặt trận; dù sao mặc lòng, tất cả dân quân đều tin rằng Malaga
thất thủ là do có kẻ nào đó đã phản bội. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói tới
chuyện phản bội hay là sự thiếu nhất trí về mục tiêu. Lần đầu tiên trong đầu
tôi xuất hiện một mối nghi ngờ, tuy không rõ rệt, về cuộc chiến tranh này, một
cuộc chiến tranh mà trước đó chính tà đã được xác định một cách cực kì đơn
giản.
Chúng tôi rời Monte Oscuro vào giữa
tháng hai và được đưa, cùng với lực lượng P.O.U.M. đóng trong
khu vực này, vào đơn vị tham gia bao vây Huesca. Xe ô tô tải đưa chúng
tôi đi qua một bình nguyên dài tám mươi kilomet giữa mùa đông lạnh giá, nơi
những giàn nho chưa kịp đâm chồi, vài nhánh lúa mạch mới kịp nhú ra trên những
thửa ruộng lổn nhổn. Huesa, nhỏ tí và quang đãng, nằm cách chiến hào mới của
chúng tôi chừng bốn kilomet, trông như thành phố của những ngôi nhà búp bê vậy.
Mấy tháng trước đây, sau khi chiếm được Sietamo, viên tướng chỉ huy các đơn vị
của chính phủ đã vui vẻ nói: “Ngày mai chúng ta sẽ uống cà phê ở Huesca.” Nhưng
ông đã lầm. Đã diễn ra những cuộc tấn công đẫm máu, nhưng vẫn không chiếm được
thành phố và “Ngày mai chúng ta sẽ uống cà phê ở Huesca” trở thành trò cười cho
toàn thể bộ đội. Nếu có dịp trở lại Tây Ban Nha, nhất định tôi phải đến Huesca
để uống một li cà phê.
Dịch thuật theo cháu là 1 công việc tuy vất vả nhưng niềm vui nội tại mà người dịch có được cũng đáng để theo đuổi công việc, hiện cháu cũng tập tành dịch đôi chút, những bài dịch của chú trên Talawas rất đáng suy ngẫm. Cám ơn chú!
ReplyDeleteChúc Vệ Vương nhiều thành công.
Delete