2
Thành phố
Barbastro, tuy nằm xa mặt trận nhưng trông khá tiêu điều và đổ nát. Từng toán
lính áo quần xơ xác, tránh rét bằng cách đi qua đi lại hết phố này đến phố
khác. Tôi bắt gặp trên một bức tường đổ một tờ áp phích từ năm ngóai viết rằng
ngày này, tháng này, sẽ có “sáu con bò tót đẹp” bị giết trên đấu trường. Tờ
giấy bạc màu gợi lại biết bao hoài niệm! Những con bò đẹp và những đấu sỹ đẹp
trai đã trôi dạt về đâu? Tôi nghe nói rằng ngay cả ở Barcelona cũng không còn
tổ chức đấu bò nữa, không hiểu sao tất cả các đấu sỹ dũng cảm nhất đều chạy
theo phe phát xít hết.
Đại đội của chúng tôi được đưa bằng
ô tô tải đến Sietamo, rồi đi sang hướng tây, tới ngôi làng gọi là Alcubierre,
nằm ngay phía sau chiến tuyến Zaragoza. Sietamo bị giành đi giật lại đến ba lần
trước khi quân vô chính phủ chiếm được vào tháng mười, một số ngôi nhà đã bị
súng đại bác phá sập, còn phần lớn cũng đều bị vết đạn lỗ chỗ. Chúng tôi ở trên
độ cao 500 mét so với mặt biển. Gió rét căm căm; sương mù dày đặc, không biết
từ đâu ra, vần vũ đầy trời. Đi đến khoảng giữa Sietamo và Alcubierre thì lái xe
bị lạc đường (đây cũng là một trong những đặc điểm thường trực của cuộc chiến
tranh này) và chúng tôi đi loanh quanh suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Mãi đến nửa
đêm chúng tôi mới đến được Alcubierre. Một người đưa chúng tôi qua đi qua một
bãi bùn để đến chuồng la, chúng tôi chui vào đống rơm và ngủ thiếp đi ngay lập
tức. Rơm sạch thì ngủ cũng tốt, dĩ nhiên là không bằng cỏ khô, nhưng tốt hơn
rạ. Chỉ đến khi trời sáng tôi mới phát hiện ra rằng rơm lẫn đầy vỏ bánh mì,
giấy báo vụn, xương, chuột chết và ống bơ bẹp.
Lúc này chúng tôi đã ở gần chiến
tuyến, gần đến nỗi có thể ngửi thấy mùi của chiến tranh, theo kinh nghiệm của
tôi thì đấy là mùi cứt và mùi thức ăn thiu. Alcubierre chưa bao giờ bị pháo
kích và trông có vẻ thanh bình hơn hầu hết những ngôi làng nằm ngay sau chiến
tuyến. Nhưng tôi tin rằng ngay cả trong thời bình, những ai từng đi ngang qua
đây cũng đều nhận ra ngay sự nghèo khổ và bẩn thỉu của làng quê vùng Aragon.
Làng giống như một pháo đài với những ngôi nhà tồi tàn, được xây bằng đá và đất
sét, đứng lộn xộn xung quanh một nhà thờ. Ngay cả mùa xuân cũng khó thấy một
cánh hoa; không nhà nào có vườn, chỉ có sân sau với mấy con gà gày, suốt ngày
bới những đống phân la. Thời tiết thật kinh khủng: không mây mù thì lại mưa.
Những con đường đất hẹp biến thành những bể bùn, đôi chỗ sâu đến nửa thước. Ô
tô tải không thể đi được, bánh xe cứ quay tròn trong bùn; nông dân phải đóng có
khi đến sáu con la, con trước con sau, mới kéo được một chiếc xe còm của họ.
Những đội quân thường xuyên đi qua đã biến ngôi làng thành một bãi rác, bẩn
không thể tưởng tượng nổi. Làng không có, thực ra là chưa bao giờ có cái gọi là
hố xí hay cống thoát nước và bây giờ thì ở đâu cũng phải quan sát thật kĩ trước
khi muốn bước. Nhà thờ đã được sử dụng làm nhà xí từ lâu, khu vực xung quanh
rộng cả trăm mét cũng được dùng vào việc tương tự. Mỗi khi nhớ lại hai tháng
đầu tiên của cuộc chiến, bao giờ trong đầu tôi cũng hiện lên hình ảnh những
mảnh ruộng hiu hắt mùa đông, lởm chởm gốc rạ, bờ đầy phân người.
Đã hai ngày trôi qua mà chúng tôi
vẫn chưa được phát súng. Nếu có dịp ghé qua Ủy ban quân sự bạn sẽ thấy những
vết đạn lỗ chỗ trên tường, đấy là dấu vết còn lại của những vụ hành quyết bọn
phát xít, và toàn bộ khung cảnh vùng Alcubierre. Mặt trận có vẻ yên ắng, chỉ có
vài người bị thương đang đi vào. Náo nhiệt nhất là cảnh giải mấy tên phát xít
đào ngũ từ mặt trận về. Nhiều binh sỹ thuộc các đơn vị đang đánh nhau với chúng
tôi vốn không phải là phát xít, chiến tranh bùng nổ đúng vào lúc những người
lính bất hạnh này đang thi hành nghĩa vụ quân sự và chỉ muốn tìm cách chuồn chứ
có thiết đánh đấm gì đâu. Thỉnh thỏang lại có một nhóm nhỏ liều mạng lẻn qua
bên phía chúng tôi. Chắc chắn là sẽ có nhiều người làm thế hơn nếu thân nhân
của họ không sống trong vùng phát xít kiểm soát. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn
thấy những tên phát xít “thật”. Tôi lấy làm kinh ngạc khi thấy ngòai bộ quần áo
kaki, trông họ cũng chẳng khác gì chúng tôi. Khi mới đến người nào cũng lả đi
vì đói, chắc chắn đấy là do họ phải lẩn tránh từ một đến hai ngày trong những
khu vực không một bóng người, nhưng người ta lại hân hoan khẳng định rằng điều
đó chứng tỏ bọn phát xít đang bị đói. Tôi đã xem tù binh ăn trong nhà một người
nông dân. Cảnh tượng thật đáng thương. Đấy là một chàng trai chừng hai mươi
tuổi, cao, mặt sạm đi vì nắng gió, quần áo rách bươm, ngồi xổm ngay bên bếp
lửa, nín thở xúc thịt hầm đưa vào miệng, trong khi mắt vẫn láo liên nhìn mấy
người lính đứng quan sát xung quanh. Tôi tin là anh ta vẫn còn bán tín bán nghi
việc chúng tôi là “cộng sản” khát máu và sẽ bắn ngay khi anh ta ăn xong; người
lính áp giải có đeo súng vỗ nhẹ vào vai và nói vài câu an ủi anh ta. Tôi còn
nhớ có ngày có đến mười lăm người đào ngũ cùng tới một lần. Họ được dẫn qua
làng trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người, thậm chí còn có một người
cưỡi ngựa trắng dẫn đầu nữa. Tôi đã chụp được một kiểu ảnh, tuy không đẹp lắm,
nhưng sau này đã bị người ta ăn cắp mất.
Sáng ngày thứ ba súng mới được chuyển tới. Một viên trung sỹ mặt xương xẩu, rám nắng, phát cho mỗi người một khẩu ngay trong chuồng nhốt la cũ. Tôi cảm thấy choáng váng khi cầm khẩu súng vừa được phát. Đấy là một khẩu môze do Đức sản xuất từ năm 1896, nghĩa là đã 40 năm rồi. Bên ngoài đã han gỉ cả, quy-lát thì rít, báng gỗ thì nứt, chỉ nhìn qua cũng thấy bên trong nòng súng đã rỗ gần hết. Đa số những khẩu khác cũng ở trong tình trạng tương tự, có khẩu còn cũ hơn của tôi nữa kia, không ai nghĩ rằng nên đưa những khẩu tốt hơn cho những người đã biết bắn. Khẩu mới nhất, được sản xuất cách đây mười năm, rơi vào tay một cậu nhóc, miệng còn hôi sữa, vẫn bị mọi người gọi là maricón (tức là Gái). Viên trung sỹ bỏ ra chừng năm phút để hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng, bao gồm lắp đạn và tháo quy-lát. Nhiều người chưa bao giờ được cầm khẩu súng trong tay và tôi cho rằng rất ít người biết đầu ruồi dùng để làm gì. Mỗi người được phát năm mươi viên đạn. Sau đó chúng tôi xếp thành hàng ngũ, khoác ba lô lên vai và tiến ra mặt trận, cách đó chừng năm cây số.
Centuria, gồm tám mươi người và mấy con chó, thất thểu lên đường. Mỗi đơn vị đều
mang theo ít nhất là một con chó, đấy là bùa hộ mệnh của họ. Con chó khốn khổ
đi cùng chúng tôi bị đóng dấu trên lưng mấy chữ cái: P.O.U.M.
to tướng bằng sắt nung đỏ, dường như nó cũng thấy ngượng vì diện mạo của
mình. Phía trước đoàn quân, đi bên cạnh lá cờ đỏ là Georges Kopp, vị chỉ huy
dũng cảm người Bỉ, cưỡi một con ngựa ô; xa hơn một chút là tay kị binh còn rất
trẻ, trông chẳng khác gì một tên du thủ du thực, thường thúc cho ngựa chạy nước
đại lên những chỗ cao rồi dừng lại một cách rất điệu nghệ trên đỉnh đồi. Trong
thời cách mạng người ta đã tịch thu được rất nhiều ngựa của kị binh Tây Ban
Nha, số ngựa này sau đó được giao cho dân quân, những người không hề biết chăm
sóc mà chỉ nghĩ cách cưỡi chúng cho đến chết mới thôi.
Con đường uốn lượn giữa những cánh đồng đất
màu vàng, cằn cỗi,
đã bị bỏ hoang từ năm ngoái. Phía trước là dặng núi đá thấp vốn là biên giới
giữa Alcubierre và Zaragoza. Chúng tôi đã đến rất gần
mặt trận, gần bom đạn, súng máy và bùn lầy. Trong thâm tâm tôi thấy sợ. Tôi
biết rằng mặt trận lúc này đang yên ắng, nhưng khác với đa số người đang có mặt
bên cạnh, tôi đã đủ lớn để nhớ cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, mặc dù lúc
đó chưa đến tuổi nhập ngũ. Đối với tôi, chiến tranh là đạn réo, bom gầm, là hàng
đống mảnh bom, nhưng trước hết là bùn lầy, chấy rận, đói và rét. Điều lạ là tôi
sợ lạnh còn hơn sợ kẻ thù. Ý nghĩ về cái lạnh cứ bám lấy tôi trong suốt thời
gian tôi ở Barcelona, có những đêm tôi hòan tòan không ngủ, chỉ nghĩ đến cái
lạnh trong chiến hào, trong những lần báo động trước khi trời sáng, trong những
buổi tuần tra ban đêm với khẩu súng lạnh như băng, nghĩ về lớp bùn buốt giá bám
vào ủng. Xin thú nhận là tôi phát hoảng khi nhìn vào những người đang đi bên
cạnh. Độc giả không thể nào tưởng tượng nổi cảnh khốn khổ khốn nạn của chúng
tôi lúc đó. Chúng tôi lê bước, còn rời rạc hơn cả một đàn cừu, mới đi chưa được
ba cây số mà đầu đuôi đã không nhìn thấy nhau. Một nửa binh sỹ của chúng tôi là
trẻ con, trẻ con theo đúng nghĩa của từ này, tức là chỉ mới mười sáu tuổi là
cùng. Nhưng tất cả đều tỏ ra phấn chấn và mừng rỡ ra mặt vì cuối cùng thì họ
cũng sắp đến mặt trận rồi. Khi đến gần chiến tuyến, mấy anh chàng đi gần lá cờ
đỏ bắt đầu hô «Visca P.O.U.M.! Fascistas-maricones![1]» và những khẩu hiệu
tương tự, ngôn từ có vẻ quyết liệt và đầy đe dọa, nhưng phát ra từ miệng những
đứa trẻ còn hôi mùi sữa nghe thảm hại như tiếng mèo gào. Thật là kinh khủng khi
nghĩ rằng bảo vệ nền cộng hoà lại chính là lũ trẻ rách rưới, tay cầm những khẩu
súng trường han gỉ mà phần lớn còn chưa biết bắn ra làm sao. Tôi còn nhớ lúc đó
đã tự hỏi: Nếu máy bay phát xít bay ngang qua và lao xuống bắn cho một loạt thì
sao? Chắc chắn là ngay ở trên không viên phi công cũng nhận thấy chúng tôi
không phải là những người lính thực thụ.
Vừa
đến chân dãy núi đá thì chúng tôi rẽ sang bên phải và trèo dần lên theo con
đường mòn uốn lượn xung quanh sườn núi vốn chỉ dùng cho la đi. Đồi núi ở vùng
này có hình thù rất kì lạ, y như móng ngựa, đỉnh thì phẳng nhưng sườn lại rất
dốc, đổ thẳng vào những khe núi sâu hoắm. Trên sườn dốc, chỉ có những bụi cây
còi cọc và mấy cây thạch nham, không che hết được đất, chỗ nào cũng có đầu mẩu
đá vôi trơ ra như những mảnh xương. Chiến tuyến ở đây không phải là một giao
thông hào liên tục, không thể đào được một đường như thế trên dãy núi này; đấy
chỉ là một loạt hỏa điểm, được gọi là “chốt”, nằm ở trên các đỉnh đồi. Từ xa đã
có thể nhìn thấy “chốt” của chúng tôi ở trên đỉnh một cái móng ngựa, gồm có mấy
bao cát rách, một lá cờ đỏ tung bay trước gió và khói bốc lên từ đống lửa sưởi.
Đi đến gần người ta có thể thấy một mùi hôi thối, ngầy ngậy phát buồn nôn, vẫn
như sộc vào mũi tôi suốt nhiều tuần sau. Đã mấy tháng trời, tất cả rác rưởi, từ
bánh mì thiu đến vỏ đồ hộp han gỉ và cứt người đều được tuồn thẳng xuống cái
khe ở ngay phía sau vị trí đóng quân.
Đại
đội mà chúng tôi đến thay thế đang sắp xếp ba lô. Họ đã ở trên chiến tuyến ba
tháng rồi, người nào cũng râu ria tua tủa, áo quần đầy bùn đất, giầy rách tứ
tung. Người chỉ huy tên là Levinski, nhưng ai cũng gọi là Benjamin, vốn là dân
Do Thái sinh ở Ba Lan, nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, chui ra khỏi hầm trú ẩn
để chào chúng tôi. Anh ta mới khoảng hai lươi lăm tuổi, thấp bé, tóc rễ tre màu
đen, khuôn mặt tái mét nhưng đầy nhiệt huyết và cũng giống như những người
khác, tức là rất bẩn. Vài loạt đạn rít đâu đó rất cao phía trên đỉnh đầu. Chốt
là một vòng cung đường kính chừng bốn mươi lăm mét được quây lại bằng mấy bao
cát và những tảng đá vôi. Ở đây có từ ba mươi đến bốn mươi hầm trú ẩn khoét sâu
vào lòng đất trông như những cái hang chuột. Williams, tôi và một tay người Tây
Ban Nha, em trai vợ của Williams, chui ngay vào cái công sự không người, nhưng
có vẻ sạch sẽ đầu tiên mà chúng tôi trông thấy. Ở đằng trước, thỉnh thoảng lại
vang lên một lọat đạn súng trường, tiếng vọng kéo dài mãi trong vách núi đá
nghe réo rắt, rất lạ. Chúng tôi vừa bỏ ba lô xuống và đang chui ra ngoài công
sự thì lại có một tiếng nổ nữa và tôi thấy một cậu nhóc trong nhóm chúng tôi
nhảy từ trên công sự xuống, máu me đầy mặt. Hóa ra là chính anh ta bắn và không
hiểu làm thế nào mà để văng quy-lát ra, vỏ đạn vỡ làm sước một ít da đầu. Đây
là thương binh đầu tiên của chúng tôi, chính anh ta làm mình bị thương.
Buổi chiều chúng tôi thực hiện ca
gác đầu tiên, Benjamin chỉ cho chúng tôi toàn bộ vị trí. Đằng trước công sự là
hệ thống giao thông hào hẹp được đục vào vách đá, với những lỗ châu mai được
xếp bằng mấy miếng đá vôi trông rất sơ sài. Trên các giao thông hào và đằng
trước công sự có hai mươi lính gác. Bên ngoài giao thông hào còn có hàng rào
kẽm gai, xa thêm một chút nữa là sườn dốc như lao thẳng xuống khe núi sâu thăm
thẳm. Phía bên kia là những ngọn đồi trọc, xám nghoét và lạnh lẽo, đôi chỗ chỉ
có những tảng đá trơ trọi, không thấy một biểu hiện gì của cuộc sống, không
thấy ngay cả một chú chim nào. Tôi thận trọng ghé mắt vào lỗ châu mai, có ý tìm
chiến hào của quân phát xít.
“Kẻ thù ở đâu?”
“Nhưng ở đâu?”
Theo tôi hiểu về trận địa chiến thì
bọn phát xít chỉ có thể ở cách chúng tôi từ năm mươi đến một trăm mét là cùng.
Tôi chẳng nhìn thấy gì hết, hay là chiến
hào của chúng được ngụy trang quá kĩ. Rồi tôi thất vọng nhận ra rằng Benjamin
đang chỉ lên đỉnh ngọn đồi trước mặt, tức là phía bên kia khe núi, cách chỗ
chúng tôi ít nhất cũng phải bảy trăm mét, chỉ thấy lá cờ nửa đỏ nửa vàng và một
vệt nhỏ mờ, đấy là công sự của bọn phát xít. Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng.
Chúng tôi ở xa quân địch quá! Xa thế thì súng trường còn có tác dụng gì. Nhưng
đúng lúc đó thì tôi nghe thấy tiếng thét của ai đó. Hai tên phát xít, từ khoảng
cách như thế trông chỉ như hai cái bóng màu xám, đang bò trên sườn đồi trọc
trước mặt. Benjamin giằng lấy khẩu súng của người đứng ngay bên cạnh, anh ta
nhằm thẳng vào mục tiêu và bóp cò. Tách! Không có đạn, tôi chợt nghĩ: điềm gở
rồi.
Toán lính gác mới vừa chiếm lĩnh vị
trí là lập tức bắn như vãi đạn vào không trung. Tôi nhìn thấy mấy tên phát xít,
bé chỉ như những con kiến, đi qua đi lại đằng sau công sự, thỉnh thoảng lại có
tên cố tình thò đầu ra ngoài. Rõ ràng là bắn chẳng có tác dụng gì. Thế mà tay
lính gác ở bên trái tôi đã bỏ vị trí của mình, đúng theo phong cách Tây Ban
Nha, lò dò đi đến bên cạnh tôi và giục tôi bắn ngay. Tôi cố gắng giải thích cho
anh ta rằng với khoảng cách xa như thế và với khẩu súng cũ như thế này thì bắn
trúng là việc cực kì hãn hữu. Nhưng đấy chỉ là một đứa trẻ con, hắn tiếp tục
hướng nòng súng vào một trong những chấm đen di động, răng nhe ra y như một con
chó đang chờ lao theo viên sỏi được người ta ném ra vậy. Cuối cùng tôi cũng đưa
nòng súng lên và bóp cò. Chấm đen biến mất. Đây là lần đầu tiên tôi bắn vào một
người thật sự bằng da bằng thịt.
Bây giờ, khi đã nhìn thấy mặt trận,
tôi bỗng cảm thấy chán nản vô cùng. Đây mà là chiến tranh à! Chúng tôi gần như
hoàn toàn không chạm trán với quân địch, tôi có thể đứng thẳng người ngay trong
chiến hào. Nhưng ngay lúc đó một viên đạn réo sát mang tai tôi và cắm vào thành
công sự phía sau. Lạy chúa tôi! Tôi vội cúi đầu xuống. Tôi đã thề suốt đời rằng
sẽ không bao giờ cúi xuống khi viên đạn đầu tiên bay ngang, nhưng đây là hành
động mang tính bản năng và hầu như ai cũng làm thế, ít nhất là một lần.
No comments:
Post a Comment