February 22, 2013

Victor Devis Hanson - Tại sao những xã hội đã từng có thời thành công lại trở nên xơ xứng và suy tàn


Phạm Nguyên Trường dịch

Chia cái bánh ngày càng nhỏ hơn, rồi sau đó sụp đổ

Có hàng trăm lý do được đưa ra nhằm giải thích cho sự sụp đổ của La Mã và sự cáo chung của chế độ cũ ở Pháp vào thế kỷ XVIII. Từ lạm phát và chi tiêu hoang phí đến sự suy kiệt nguồn tài nguyên, rồi những cuộc xâm lăng của ngoại bang. Các nhà khoa học đã tìm cách giải thích sự sụp đổ bất thình lình của những vương quốc của người Mycenae (Hy Lạp cổ đại – ND), người Aztec (thổ dân ở Mexico – ND) và cả Hy Lạp đương đại nữa, như thế đấy. Theo các tác giả, từ Catullus đến Edward Gibbon, thì không phải là nghèo đói và tình trạng kiệt quệ mà chính là sự sung túc và nhàn cư – nhất là những người hưởng phần lớn cả hai thứ này – đã làm suy sụp nền văn minh.


Một đề tài thường được nhắc đi nhắc lại trong sách báo bàn về Athens trước khi thành phố này bị người Macedon xâm chiếm: mâu thuẫn xã hội trước việc chia cái bánh đang ngày càng nhỏ đi. Những bài diễn văn của người Athens thời đó thường nhắc tới những vụ kiện tụng về tài sản và quyền thừa kế, trốn thuế và việc làm giả giấy tờ để hưởng trợ cấp. Sau khi nước cộng hòa La Mã sụp đổ, những người cầm bút theo phái phản động như Juvenal, Petronius, Suetonius và Tacitus đã nhấn mạnh vấn đề “bánh mì và hí trường” cũng như sự giàu sang quá mức, nạn tham nhũng và bộ máy nhà nước quá cồng kềnh.

Theo Gibbon và những học giả người Pháp sau này thì từ “Byzantine” đã trở thành từ mang tính miệt thị nhằm mô tả bộ máy quản lý quá cồng kềnh của Hy Lạp, thuế thu từ những người sản xuất ngày càng ít đi, không đủ để nuôi số quan chức ngày càng gia tăng. Trong thời cổ đại, để thanh toán các khoản nợ của nhà nước, người ta thường cho đúc thêm tiền, đồng tiền vì thế mà bị mất giá. Còn luật pháp thì thường bị bóp méo nhằm giải quyết những đòi hỏi của quần chúng chứ không còn được dùng để bảo vệ công lý nữa.

Sau Thế chiến II đa số các trung tâm quyền lực hiện nay – Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Đài Loan – đều hoặc là bị tàn phá hoặc là còn trong thời tiền công nghiệp. Chỉ có Hoa Kỳ và Anh quốc, những nước có nền kinh tế hiện đại, là tránh được sự tàn phá của chiến tranh mà thôi. Cả hai nước đều sẵn sàng cung cấp cho thế giới đã bị tàn phá những chiếc tàu thủy, ô tô, máy cái và phương tiện viễn thông.
So với Frankfurt, năm 1945 các nhà máy ở Liverpool phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng Anh đã bỏ lỡ cơ hội và phải nhường chỗ cho thần kỳ kinh tế Đức thời hậu chiến. Một phần là vì người Anh, bị rã rời sau những thiếu thốn của thời chiến tranh, đã quay sang với cuộc chiến tranh giai cấp và quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính, chẳng bao lâu sau những ngành này đã mất sức cạnh tranh.

Sự xuống dốc từ từ của xã hội thường là quá trình tự kích nhằm đáp ứng thói “được voi đòi tiên” (dịch thoát ý cụm từ ever-expanding appetites – ND) chứ không phải là không có khả năng sản xuất được lương thực, thực phẩm và nhiên liệu như trước hay không đảm bảo được quốc phòng. Người Mỹ chưa bao giờ được bảo đảm về công ăn việc làm và được chăm sóc y tế tốt như hiện nay – cũng chưa bao giờ có nhiều người tàn tật, sống bằng trợ cấp như hiện nay.

Đội quân người Persic lên đến 250.000 người, cả thủy thủ và lính bộ binh, của hoàng đế Xerxes vào năm 480-479 (trước Công nguyên) đã không hạ gục được nước Hy Lạp nghèo nàn. Nhưng 150 năm sau, lực lượng ít hơn từ phía Bắc, dưới quyền chỉ huy của Philip II của Macedon, đã áp đảo được hậu duệ giàu có của những người Hy Lạp từng chiến thắng trong trận đánh ở Salamis.

Những đơn vị kém hẳn về quân số của nước cộng hòa La Mã bé nhỏ và nghèo nàn đã từng chiến thắng nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang trong suốt nhiều thế kỷ. Nhưng mấy trăm năm sau, những bộ tộc người Goths, người Visigoths, người Vandals và người Huns đã tàn phá đế chế La Mã rộng lớn, chạy dài suốt rừ đầu này đến đầu kia của Địa Trung Hải.

Với món nợ quốc gia khủng khiếp hiện nay – gần 17 ngàn tỉ USD và còn đang tăng – nhiều người nói rằng Mỹ đang suy sụp, mặc dù chúng ta chưa giáp mặt với những thảm họa, với nạn hủy diệt của chiến tranh hạt nhân hay thiếu thốn lương thực và dầu khí.

Người Mỹ chưa bao giờ giàu có đến như thế – ít nhất là nếu đo sự giàu có bằng số lượng điện thoại cầm tay, bằng số lượng TV màn hình lớn, đường hàng không giá rẻ và thức ăn nhanh. Bệnh béo phì chứ không phải thiếu ăn là mối đe dọa chủ yếu đối với sức khỏe của dân tộc. Đám đông chen lấn vào các cửa hàng bán đồ điện tử chứ không phải là cửa hàng thực phẩm. Người Mỹ chi cho kem Botox, kem dưỡng da và hút mỡ bụng nhiều tiền hơn là cho những căn bệnh đã từng hành hạ nhân loại trong nhiều thế kỷ như bệnh bại liệt trẻ em, bệnh đậu mùa và bệnh sốt rét.

Nếu người trên sao Hỏa mà nhìn thấy những ngôi nhà bé như những cái hộp, những gia đình chỉ có một chiếc ô tô và những món hàng tiêu dùng thô thiển hồi những năm 1950 thì chắc chắc họ sẽ nghĩ là Mỹ là nước nghèo, mặc dù ngân sách năm 1956 vẫn còn cân đối. So với lúc đó, những người ở hành tinh khác sẽ thấy nước Mỹ đang ngập trong nợ nần hiện nay dường như đang bơi trong biển tiền bạc, nơi những người tiêu dùng giành giật nhau từng chiếc iPhones đời mới nhất.

Dùng bất cứ thước đo nào để đo thì tương lai của người Mỹ cũng chưa bao giờ tươi sáng đến như thế. Nước Mỹ có tất cả: tìm được những mỏ dầu khí mới mà trước đây không ai dám mơ tới, Mỹ là nhà sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất thế giới, công nghệ tiên tiến thường xuyên xuất hiện, dân số phát triển vững chắc, quân đội hùng mạnh và ổn định về thể chế.

Nhưng chúng ta không nói chuyện một cách tự tin về việc sử dụng và mở mang nguồn lực tự nhiên và tài sản mà chúng ta được thừa kế. Thay vào đó, người Mỹ chúng ta đang cãi nhau về những khoản trợ cấp, trong khi quốc gia tiếp tục thâm hụt hàng tỉ đô la. Quyền bình đẳng được tạo ra bằng áp lực chứ không phải là quyền tự do lựa chọn đã trở thành một tôn giáo mới của cả nước. Đơn thuốc là cắt bớt các khoản trợ cấp của chính phủ dường như là còn tệ hơn chính căn bệnh, mà bệnh ở đây là vay tiền của những thế hệ chưa ra đời để trả cho những khoản trợ cấp hiện nay.

Tháng 8 năm 1945, Hiroshima là một thành phố đổ nát, trong khi Detroit là một trong số những thành phố tân tiến và giàu có nhất thế giới. Hiroshima hiện nay trông như thành phố Detroit phát đạt của năm 1945; trong khi một số khu vực của Detroit lại trông như vừa bị ném bom cách đây vài chục năm vậy.
Lịch sử đã chứng tỏ rằng việc nhà nước tham gia phân phối số của cải ngày càng teo đi chứ không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân sản xuất được nhiều của cải hơn có thể gây ra tai họa lớn hơn cả những kẻ thù tàn bạo nhất.

V.D.H.

Đã đăng trên Bauxitevn

Victor Davis Hanson là nhà sử học, làm việc tại Stanford University’s Hoover Institution. Tác phẩm mới nhất của ông The Savior Generals sẽ được xuất bản trong mùa xuân năm nay.




No comments:

Post a Comment