November 15, 2021

Các tầng ý thức của con người

 


Chuong 4 tác phẩm Power vs. Force của David Hawkin (Năng lượng bên trong đối đầu với sức mạnh bên ngoài, Giải phẫu ý thức con người, Những yếu tố ẩn khuất quyết định hành vi của con người)

Hàng triệu lần hiệu chỉnh được thực hiện trong suốt nhiều năm nghiên cứu đã xác định được phổ giá trị tương ứng chính xác với các thái độ và cảm xúc được mọi người công nhận, được khu biệt hóa bằng các trường năng lượng điểm hút đặc thù, tương tự như trường điện từ hút mạt sắt. Để cho dễ hiểu, cũng như đảm bảo tính chính xác chủ quan và lâm sàng, chúng tôi áp dụng cách phân loại sau đây cho các trường năng lượng này.

Quan trọng, cần nhớ là các điểm hiệu chỉnh không phải tăng theo cấp số cộng, mà tăng theo hàm logarit. Do đó, tầng 300 không phải là cao hơn hai lần tầng 150; mà là lũy thừa 300 của 10 (10300). Do đó, chỉ cần tăng vài điểm là nội lực đã có một bước tiến lớn, tỷ lệ gia tăng năng lượng khi bước lên tầng mới là cực kì to lớn. 

Các tầng ý thức khác nhau của con người tự thể hiện theo những cách rất sâu sắc và tác động sâu rộng; chúng tạo ra những ảnh hưởng vừa to lớn vừa tinh tế. Nói chung, tất cả các tầng dưới 200 đều có tính hủy hoại cuộc sống của cả cá nhân lẫn xã hội; ngược lại, tất cả tầng trên 200 là biểu hiện của năng lượng nội tại mang tính xây dựng. Tầng then chốt (200) là bản lề phân chia khu vực của lực lượng bên ngoài (hay giả dối) với năng lượng bên trong (hay sự thật). 

Để mô tả các tương quan cảm xúc của các trường năng lượng của ý thức, cần nhớ rằng trong một cá nhân, các trường này ít khi được biểu hiện như các trạng thái thuần túy. Một người có thể hành động ở một tầng nào đó trong một lĩnh vực nhất định và ở tầng hoàn toàn khác trong một lĩnh vực khác của đời sống. Điểm ý thức tổng quát của một cá nhân là tổng toàn bộ tác động của tất cả những tầng khác nhau này. 

Tầng năng lượng 20: Nhục nhã 

Tầng Nhục nhã cận kề đến mức nguy hiểm với cái chết, người ta có thể vì nhục nhã mà cố ý tự tử, hoặc tự tử một cách tinh vi hơn: không làm gì nhằm duy trì đời sống, gọi là “tự tử thụ động”. Phổ biến nhất là chết trong những vụ tai nạn mà đáng lẽ ra là có thể tránh được. Tất cả chúng ta, ở mức độ nào đó, đều nhận thức được về nỗi đau “mất thể diện”, mất uy tín hoặc cảm thấy mình là “người chẳng ra gì”. Ở tầng  Nhục nhã, người ta gục đầu xuống và lẩn lút, ước mong mình trở thành vô hình. Nhục nhã thường bị trục xuất khỏi cộng đồng, trong các xã hội nguyên thủy - tất cả chúng ta đều từ đó mà ra - trục xuất cũng chẳng khác gì chết. 

Những trải nghiệm đầu đời như lạm dụng tình dục, dẫn đến Nhục nhã; nếu không được chữa trị thì sẽ làm méo nó nhân cách trong suốt một đời người. Như Freud đã nói, Nhục nhã sinh ra chứng loạn thần kinh chức năng. Nhục nhã có tính phá hoại đối với đời sống tình cảm và tâm lý và lòng tự trọng thấp còn làm cho cơ thể người ta dễ mắc bệnh. Người cảm thấy Nhục nhã thường nhút nhát, xấu hổ và hướng nội. 

Nhục nhã cũng được sử dụng làm công cụ đàn áp tàn bạo, và chính các nạn nhân của nó cũng trở thành những kẻ tàn bạo. Những đứa trẻ bị làm nhục rất tàn bạo với động vật và tàn bạo với nhau. Những người có tầng ý thức từ 20 đến 30 thường khá nguy hiểm. Họ rất dễ có ảo giác là mình bị buộc tội, cũng như hay mắc chứng hoang tưởng; một số người bị bệnh loạn thần kinh hoặc phạm phải những tội các kỳ quái. 



Một số người ở tầng Nhục nhã lại tìm cách bù đắp bằng thói cầu toàn và cứng nhắc, và thường trở thành cố chấp và bất dung. Ví dụ khét tiếng nhất là những kẻ cực đoan về đạo đức, họ lập ra các nhóm “kiểm tra” (vigilante groups – có nghĩa là tổ chức giết người theo kiểu Lynsơ, ND), phóng chiều cảm giác Nhục nhã vô thức của mình lên những người mà họ cảm thấy là tấn công hoặc giết những người đó là chính đáng. Những kẻ giết người hàng loạt thường hành động nhân danh sự trong sạch tính dục, biện minh rằng đó là hình phạt đối với những người phụ nữ “lẳng lơ”. 

Vì Nhục nhã hạ thấp toàn bộ tầng tính cách của một con người, cho nên người đó dễ có những cảm xúc tiêu cực khác, và do đó, người đó cũng thường có thái độ kiêu hãnh giả tạo, giận dữ, và cảm giác tội lỗi.

 Tầng năng lượng 30: Tội lỗi 

Tội lỗi, thường được xã hội của chúng ta sử dụng nhằm thao túng và trừng phạt, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như hối hận, tự trách mình, bạo dâm và toàn bộ triệu chứng tự coi mình là nạn nhân. Cảm giác tội lỗi vô thức gây ra bệnh tâm thần, dễ gặp tai nạn và có thể tự tử. Nhiều người phải vật lộn suốt đời với cảm giác này, trong khi một số người khác cố gắng đến mức tuyệt vọng nhằm chạy trốn nó bằng cách phủ nhận một cách vô đạo đức toàn bộ cảm giác Tội lỗi. 

Bị cảm giác Tội lỗi thống trị sẽ dẫn đến lo lắng rằng mình có “tội”, thái độ thiếu khoan dung đó thường bị những kẻ mị dân trong tôn giáo lợi dụng nhằm ép buộc và kiểm soát. Những kẻ buôn thần bán thánh này thường bị hình phạt ám ảnh, có thể hành động vì cảm thấy chính mình có tội, hoặc phóng chiếu tội lỗi của mình lên những người khác. 

Các nhóm tiểu văn hóa thường thực hiện những nghi thức tự trừng phạt khác thường, thể hiện dưới nhiều hình thức đặc biệt tàn bạo. Ví dụ như dùng người hay động vật làm vật hiến tế trong nhưng nghi lễ công khai. Cảm giác tội lỗi kích động những cơn thịnh nộ, và biểu hiện của nó là giết người. Tử hình là ví dụ về việc làm sao mà giết người lại làm cho đám đông có mặc cảm tội lỗi hài lòng. Ví dụ, xã hội thiếu khoan dung của chúng ta (Mỹ) bêu riếu nạn nhân trên mặt báo và giáng lên đầu họ những hình phạt mà chưa bao giờ chứng minh được là chúng có tác dụng ngăn chặn hoặc giúp người ta sửa chữa.

 Tầng năng lượng 50: Thờ ơ 

Tầng này có đặc điểm là nghèo đói, tuyệt vọng và vô vọng. Thế giới và tương lai trông có vẻ ảm đạm; cuộc sống đầy đau thương. Thờ ơ là trạng thái bất lực; nạn nhân của nó thiếu thốn mọi thức, họ không chỉ thiếu nguồn lực mà còn thiếu cả năng lượng để có thể tận dụng những nguồn lực sẵn có. Nếu không có nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài, thì họ có thể không làm gì nhằm duy trì đời sống, còn gọi là tự tử thụ động. Mất hết ý chí sống, ánh mắt của họ đờ dẫn và vô vọng, hờ hững trước các kích thích, cho đến khi mắt họ không còn phản ứng và thậm chí không có đủ năng lượng còn để nuốt thức ăn được đút vào tận miệng. 



Đây là tầng của những người vô gia cư và những người bị xã hội bỏ rơi; đấy cũng là số phận của nhiều người già và những người cô đơn do mắc các bệnh mãn tính hoặc những căn bệnh làm cho tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi. Người thờ ơ là sống phụ thuộc vào người khác; và bị coi là gánh nặng đối với những người xung quanh. 

Thường thì, xã hội không có đủ động lực nhằm giúp đỡ một cách thiết thực cho các cộng đồng cũng như các cá nhân ở tầng này – họ bị coi như những người ăn bám. Đây là tầng năng lượng của các đường phố ở Calcutta, nơi chỉ những người thánh thiện như Mẹ Teresa và đệ tử của Bà mới dám đặt chân đến. Thờ ơ là từ bỏ hy vọng, và chẳng có mấy người có đủ dũng khí để thực sự đối diện với nó. 

Tầng năng lương 75: Đau khổ 

Đây là tầng của buồn bã, mất mát và chán nản. Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng này nhiều lần, nhưng những người mắc kẹt ở tầng này sẽ có cuộc sống đầy hối tiếc và phiền muộn. Đây là tầng của những người thường xuyên than thở, thường xuyên cảm thấy mất mát, và hối hận về quá khứ; cũng là tầng của những người thường xuyên thất bại và những tay nghiện cờ bạc, coi thất bại là một phần trong cách sống của mình, kết quả là mất việc làm, mất bạn bè, mất gia đình, và cơ hội, mất tiền bạc và sức khỏe. 

Những tổn thất lớn đầu đời làm cho người ta sau này dễ dàng chấp nhận một cách thụ động đau khổ, coi nỗi buồn là cái giá của cuộc đời. Khi đang Đau khổ, người ta nhìn thấy ở đâu cũng buồn (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ - Nguyễn Du): những đứa trẻ con đáng buồn, hoàn cảnh của thế giới đáng buồn, chính cuộc sống cũng đáng buồn. Tầng này phủ màu sắc ảm đạm của nó lê toàn bộ tầm nhìn về cuộc sống của người đó. Một phần của hội chứng mất mát này là quan niệm cho rằng không gì có thể thay thế được những thứ đã mất hoặc thay thế được cho điều mà những thứ bị mất kia là biểu tượng. Ở đây người ta đã khái quát hóa trường hợp cụ thể đến mức mất người thân yêu bị coi là mất chính tình yêu. Ở tầng này, những mất mát về mặt tình cảm như thế có thể gây ra bệnh trầm cảm nghiêm trọng hoặc thậm chí là chết. 

Mặc dù Đau khổ là nghĩa địa của cuộc đời, song nó vẫn có nhiều năng lượng hơn Thờ ơ. Do đó, khi một bệnh nhân bị sang chấn và rơi vào trạng thái thờ ơ bắt đầu khóc, thì chúng tôi biết là họ đang khá lên. Khi bắt đầu khóc là họ sẽ bắt đầu ăn trở lại. 

Tầng năng lượng 100: Sợ hãi 

Ở tầng 100, có nhiều năng lượng sống hơn; sợ nguy hiểm thực sự là nỗi sợ lành mạnh. Nỗi sợ hãi đang vận hành phần lớn thế giới, thúc đẩy vô vàn hoạt động khác nhau. Sợ kẻ thù, sợ già hay sợ chết, sợ bị từ chối và nhiều nỗi sợ hãi trong xã hội là động lực cơ bản trong cuộc sống của hầu hết mọi người. 

Theo quan điểm của tầng này, thế giới trông có vẻ nguy hiểm, đầy rẫy cạm bẫy và đe dọa. Các cơ quan và chế độ độc tài áp bức thích dùng sợ hãi làm công cụ để kiểm soát dân chúng, và tình trạng bấp bênh là ngón nghề của những tay thao túng trên thương trường. Sợ hãi được các phương tiện truyền thông và quảng cáo sử dụng nhằm gia tăng thị phần. 

Sợ hãi, cũng như trí tưởng tượng của con người, có thể được khuếch đại đến vô cùng vô tận; một khi Sợ hãi trở thành trung tâm chú ý của một người nào đó, thì vô vàn những sự kiện đáng sợ trên thế giới sẽ cung cấp dưỡng chất cho nó. Sợ hãi trở thành ám ảnh và có thể xuất hiện dưới mọi hình thức. Sợ mất quan hệ dẫn đến ghen tuông và căng thẳng mãn tính ở mức độ cao. Tư tưởng sợ hãi có thể biến thành hoang tưởng hoặc tạo ra những cơ cấu phòng vệ thái quá và bởi vì Sợ hãi dễ lây lan, nó có thể trở thành xu hướng giữ thế thượng phong trong xã hội. 

Sợ hãi làm cho nhân cách không phát triển được và dẫn đến ức chế. Vì phải có năng lượng thì mới vượt qua được sợ hãi; cho nên nếu không có trợ giúp, những người bị ức chế không thể vươn lên được tầng cao hơn. Vì vậy, những người sợ hãi tìm kiếm các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những người dường như đã chinh phục được nỗi sợ hãi của mình để dẫn dắt họ thoát khỏi tình trạng nô lệ. 

Tầng năng lượng 125: Khát khao 

Tầng này có nhiều năng lượng hơn nữa. Khát khao là động lực của rất nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có kinh tế. Những người làm quảng cáo lợi dụng Khát khao của chúng ta để thao túng chúng ta bằng những nhu cầu liên quan tới bản năng sinh tồn. Khát khao thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu hoặc phần thưởng. Khát khao tiền bạc, uy tín hoặc quyền lực dẫn động đời sống của nhiều người, những người đã vượt thoát khỏi sợ hãi thì Khát khao là cách sống nổi trội nhưng đầy hạn chế của họ. 

Khát khao cũng là tầng nghiện ngập, trong đó khát khao trở thành thèm muốn còn quan trọng hơn chính cuộc sống. Những nạn nhân của Khát khao có thể thực sự không nhận thức được nền tảng của những động cơ của mình. Đối với một số người, khát khao được người khác chú ý trở thành chất gây nghiện và những đòi hỏi thường xuyên của họ làm cho người ta xa lánh. Khát khao hấp dẫn giới tính tạo ra toàn bộ ngành mỹ phẩm, thời trang và phim ảnh. 

Khát khao dẫn tới tích trữ và lòng tham. Nhưng Khát khao là vô độ, vì nó là trường năng lượng ngày càng gia tăng, do đó thỏa mãn khát khao này thì sẽ xuất hiện khát khao chưa được thỏa mãn khác. Các triệu triệu phú vẫn bị ám ảnh với việc kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn. 

Tuy nhiên, Khát khao là tầng cao hơn hẳn so với Thờ ơ hay Đau khổ. Để “có”, trước hết phải có năng lượng “muốn”. Truyền hình đã tạo được ảnh hưởng to lớn đối với nhiều người bị ức chế, bởi vì nó khắc sâu vào tâm trí họ những điều họ muốn và tiếp thêm năng lượng cho những khát khao của họ đến mức họ không thoát khỏi Thờ ơ và bắt đầu tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Mong muốn có thể đưa người ta bước lên con đường dẫn tới thành công. Do đó, Khát khao có thể trở thành bệ đỡ giúp người ta bước lên các tầng ý thức cao hơn. 

Tầng năng lượng 150: Giận dữ 

Mặc dù Giận dữ có thể dẫn đến giết người và chiến tranh, như một tầng năng lượng, nó cách xa cái chết hơn hẳn những tầng thứ bên dưới. Tức giận có thể dẫn đến cả hành động xây dựng cũng như phá hoại. Khi người ta thoát khỏi cách sống Thờ ơ và Đau buồn, để vượt qua Sợ hãi, thì họ bắt đầu mong muốn; Khát khao dẫn đến thất vọng, đến lượt nó, Khát khao dẫn đến Giận dữ. Vì vậy, Giận dữ có thể là điểm tựa mà những người bị ức chế cuối cùng vượt thoát tới tự do. Tức giận vì bất công xã hội, vì bị đối xử tàn nhẫn và bất bình đẳng đã tạo ra những phong trào quần chúng vĩ đại dẫn đến những thay đổi to lớn trong cơ cấu trúc xã hội. 

Nhưng, Giận dữ hay thể hiện nhất dưới dạng oán hận và trả thù và do đó, đây là tình cảm bồng bột và nguy hiểm. Có thể thấy lối sống Giận dữ ở những người hay cáu kỉnh, dễ nổi khùng, những người quá nhạy cảm với những chuyện nhỏ nhặt và trở thành “những kẻ tích tụ bất công”, hay sinh sự, hiếu chiến hoặc thích kiện tụng. 

Vì Giận dữ xuất phát từ mong muốn không được đáp ứng, nó lấy trường năng lượng bên dưới làm cơ sở. Thất vọng là kết quả của việc thổi phồng mức độ quan trọng của khát khao. Người tức giận có thể nổi cơn thịnh nộ, tương tự như một đứa trẻ cáu kỉnh. Giận dữ dễ dẫn đến căm thù, nó bào mòn tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của một người. 

Tầng năng lượng 175: Kiêu hãnh 

Kiêu hãnh, điểm hiệu chỉnh 175, có đủ năng lượng để vận hành Binh chủng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Đây là tầng mà phần lớn nhân loại chúng ta hiện nay mong ước. Trái ngược với các trường năng lượng thấp hơn, người ta sẽ cảm thấy phấn khích khi lên đến tầng này. Gia tăng lòng tự trọng xoa dịu tất cả những đau đớn mà người ta đã trải qua ở những tầng ý thức thấp hơn. Kiêu hãnh có vẻ ngoài đẹp đẽ và nó biết là nó đẹp; nó nghênh ngang mang những thứ của nó vào màn diễu hành của cuộc đời. Kiêu hãnh cách khá xa Nhục nhã, Tội lỗi hoặc Sợ hãi, cho nên, ví dụ, thoát khỏi cảnh tuyệt vọng trong khu ổ chuột để đạt tới niềm tự hào của người lính thủy đánh bộ đã là bước nhảy vọt rồi. Kiêu hãnh thường được coi là tốt và được xã hội khuyến khích, nhưng, như chúng ta thấy trong bản đồ tầng thứ ý thức, nó vẫn có nhiều tiêu cực, cho nên vẫn nắm dưới tầng tới hạn (200). Đây là lý do vì sao Kiêu hãnh chỉ tốt hơn so với các tầng bên dưới. 

Như tất cả chúng ta đều biết, vấn đề là “Kiêu hãnh thường dẫn tới sa ngã”. Kiêu hãnh mang tính phòng thủ và dễ bị tổn thương, vì nó phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài. Nếu không có những điều kiện đó, nó có thể đột ngột rơi xuống tầng năng lượng thấp hơn. Cái tôi bị thổi phồng rất dễ bị tấn công. Kiêu hãnh là tầng thứ yếu vì người ta có thể hạ bệ nó để đưa nó về tầng Nhục nhã, đó chính là đe dọa thổi bùng lên ngọc lửa sợ hãi về việc đánh mất Kiêu hãnh. 

Kiêu hãnh mang tính chia rẽ và tạo ra chủ nghĩa bè phái; với nhiều hậu quả tai hại. Người ta thường chết vì Kiêu hãnh; các đội quân thường xuyên tàn sát lẫn nhau vì một trong những khía cạnh của lòng Kiêu hãnh, được gọi là chủ nghĩa dân tộc. Chiến tranh tôn giáo, khủng bố chính trị và cuồng tín, lịch sử kinh hoàng của Trung Đông và Trung Âu, đều là cái giá phải trả của làng Kiêu hãnh, mà tất cả các xã hội đều phải trả. 

Mặt trái của Kiêu hãnh, do đó, là kiêu ngạo và phủ nhận. Đây là những đặc điểm cản trở phát triển; khi Kiêu hãnh, người ta không thể cai nghiện vì họ không công nhận mình bị mắc các vấn đề về tình cảm hoặc khiếm khuyết về ý chí. Tất các các phủ nhận đều là do Kiêu hãnh mà ra. Do đó, Kiêu hãnh là chướng ngại rất lớn trong quá trình vươn tới nội lực thực sự - thay thế Kiêu hãnh bằng tầm vóc và uy tín chân thực. 

Tầng năng lượng 200: Can đảm 

Tầng 200, tầng đầu tiên có nội lực thực sự. Khi kiểm tra đối tượng ở các tầng năng lượng dưới 200, chúng tôi nhận thấy - có thể dễ dàng kiểm tra lại - tất cả những người này đều thử yếu. Mọi người đều phản ứng mạnh với các trường năng lượng hỗ trợ sự sống trên tầng 200. Đây là tầng tới hạn, chia tách những ảnh hưỡng tích cực và tiêu cực đối với cuộc sống. Ở tầng Can đảm, người ta có nội lực thực sự; do đó, nó cũng là tầng có thể truyền năng lượng. Đây là khu vực của khám phá, của thành tựu, kiên cường và quyết tâm. Ở những tầng thấp hơn, người ta nhìn cuộc đời bằng cặp mắt vô vọng, buồn bã, đáng sợ, hoặc bực bội; nhưng ở tầng Can đảm, người ta thấy cuộc đời rất thú vị, đầy thử thách và kích thích. 

Can đảm nghĩa là sẵn sàng thử sức với những điều mới và đối phó với những thăng trầm của cuộc đời. Ở tầng này, con người có thể đối phó với và xử lý một cách hiệu quả những cơ hội của đời sống. Ví dụ, ở tầng 200, người ta có năng lượng để học các kỹ năng nghề nghiệp mới. Phát triển và học hành trở thành những mục tiêu có thể thực hiện được. Người ta có khả năng đối đối đầu với sợ hãi hoặc khiếm khuyết trong tính cách và vươn lên mặc dù còn có những khiếm khuyết như thế; lo lắng cũng không còn làm tê liệt nỗ lực như nó có thể làm ở các tầng thấp hơn. Những chướng ngại từng khuất phục được những người ở các tầng ý thức dưới 200, lúc này lại trở thành những yếu tố kích thích đối với những người đã tiến lên đến tầng đầu tiên của nội lực thực sự. 

Những người ở tầng này lấy của thế giới bao nhiêu năng lượng thì sẽ trả lại bấy nhiêu; ở những tầng thấp hơn, tập thể cũng như cá nhân tiêu hao năng lượng của xã hội mà không hoàn trả. Vì thành tích tạo ra phản hồi tích cực, tự thưởng, và lòng tự trọng ngày càng được củng cố thêm. Hiệu quả bắt đầu từ đây. Ý thức tập thể của  nhân loại vẫn ở mức 190 suốt nhiều thế kỷ và, kỳ lạ là, nó chỉ mới nhảy lên được mức hiện nay (204) trong thập kỷ vừa qua mà thôi (tác phẩm này xuất bản năm 1995, nghĩa là ý thức của nhân loại mới vươn lên mức 204 trong những năm cuối 1980 đầu 1990 – ND). 

Tầng năng lượng 250: Trung dung 

Khi đạt đến tầng mà chúng tôi gọi là Trung dung, năng lượng trở nên rất tích cực, vì nó là hiện thân của sự giải thoát khỏi những tầng ý thức thấp hơn. Dưới 250, ý thức có xu hướng nhìn nhận mọi thứ theo hướng nhị nguyên và có quan điểm cứng nhắc, đó là trở ngại trong thế giới phức tạp và đa tầng chứ không chỉ có hai màu đen và trắng. 

Những quan điểm như thế tạo ra phân cực và phân cực, đến lượt nó, lại tạo ra đối lập và chia rẽ. Như trong võ thuật, tư thế cứng nhắc sẽ trở thành điểm sơ hở; không dẻo thì dễ gãy. Trung dung vượt lên trên các rào cản hoặc chống đối làm tiêu tan năng lượng của con người, nó làm cho con người trở thành linh hoạt và không phán xét, đánh giá các vấn đề theo lối thực tế. Trung lập có nghĩa là không dính chấp quá mức vào kết quả; không đạt được mục tiêu không còn bị coi là thất bại, đáng sợ hay thất vọng nữa. 

Người ở tầng Trung dung có thể nói, “Ồ, nếu không nhận được công việc này thì mình sẽ nhận được công việc khác”. Đây là khởi đầu sự tự tin ở bên trong con người; cảm nhận được nội lực của chính mình, nên khó có thể đe dọa được họ. Người đó không có động cơ chứng minh bất cứ điều gì. Thái độ điển hình của tầng 250 là cuộc sống, với những thăng trầm của nó, về cơ bản là ổn, nếu có thể linh hoạt theo hoàn cảnh. 

Những người Trung dung thường cảm thấy hạnh phúc; biểu hiện nổi bật của tầng này là khả năng tự tin để sống trong đời. Do đó, theo kinh nghiệm, đây là tầng an toàn. Những người ở tầng này dễ hòa đồng với mọi người, người khác cảm thấy an toàn khi kết giao và ở bên cạnh họ, vì họ không quan tâm tới xung đột, cạnh tranh, hoặc tội lỗi của người khác. Họ là những người thoải mái và về cơ bản là không lo âu. Đây là người có thái độ này không phán xét và không có nhu cầu kiểm soát hành vi của người khác. Đổi lại, vì những người Trung lập coi trọng tự do, nên rất khó kiểm soát họ. 

Tầng năng lượng 310: Thiện ý 

Tầng năng lượng rất tích cực này có thể được coi là cánh cổng dẫn đến những tầng cao hơn. Ví  dụ, trong khi ở mức Trung dung, tất cả công việc đều được hoàn thành ở mức thỏa đáng, thì ở tầng Thiện ý, công việc được hoàn thành ở mức tốt và thường thì, nỗ lực nào cũng thu được thành công. Trưởng thành nhanh; đây là những người được chọn để đưa lên. Thiện ý có nghĩa là người đó đã vượt qua được trở ngại tinh thần đối với đời sống và cam kết dự phần vào đời sống. Dưới điểm hiệu chỉnh 200, người ta thường bảo thủ, nhưng ở tầng 310, người ta có đầu óc rất cởi mở. Người ở tầng này trở thành thân thiện thực sự và thành công về kinh tế và xã hội dường như là đương nhiên. Thất nghiệp không làm cho người Thiện ý nao núng, vì họ sẽ nhận bất kỳ công việc nào, nếu cần, hay sẽ tạo dựng sự nghiệp hoặc tự mình kinh doanh. Họ không cảm thấy xấu hổ vì phải phục vụ người khác hoặc bắt đầu từ dưới đáy. Bản tính của họ là thích giúp đỡ người khác và có tinh thần xây dựng xã hội. Họ cũng sẵn sàng đối mặt với các vấn đề tinh thần của mình và không có các trở ngại lớn trong việc học hỏi. 

Ở tầng này, lòng tự trọng bẩm sinh đã khá cao và còn được củng cố bởi những phản hồi tích cực từ xã hội dưới những hình thức như công nhận, đánh giá cao và phần thưởng. Thiện ý nghĩa là đồng cảm và đáp ứng nhiệt tình trước nhu cầu của người khác. Những người Thiện ý là những người xây dựng và đóng góp cho xã hội. Với khả năng vượt qua nghịch cảnh và học hỏi từ kinh nghiệm, họ thường là những người có khả năng tự hoàn thiện bản thân. Sau khi buông bỏ thái độ Kiêu hãnh, họ sẵn sàng nhìn vào những khiếm khuyết của mình và học hỏi những người khác. Những người ở tầng Thiện ý là những học trò xuất sắc. Họ là những người dễ dạy và là nguồn nội lực đáng kể của xã hội. 

Tầng năng lượng 350: Chấp nhận 

Ở tầng nhận thức này, đã diễn ra một thay đổi lớn, người ta biết rằng mình chính là nguồn gốc và là người tạo ra những trải nghiệm trong cuộc đời của chính mình. Nhận trách nhiệm như thế là điểm nổi bật của tầng này với đặc điểm là sống hài hòa với các lực lượng bên ngoài của cuộc sống. 

Tất cả những người dưới điểm 200 thường tỏ ra bất lực và coi mình là nạn nhân, phó mặc thân phận cho cuộc sống định đoạt. Đấy là do người ta tin rằng hạnh phúc hay trắc trở là do “bên ngoài”. Một bước nhảy lớn – giành lại nội lực - được hoàn thành triệt để ở tầng Chấp nhận, với nhận thức rằng nguồn gốc của hạnh phúc nằm trong chính mình. Tại tầng tiến hóa hơn này, không có gì ở “ngoài kia” có khả năng làm cho con người hạnh phúc, và tình yêu không phải là một cái gì đó được người khác ban cho hay lấy đi mất, mà nó được tạo ra ngay trong chính bản thân mình. 

Không được đánh đồng Chấp nhận với thụ động, đó là biểu hiện của Thờ ơ. Hình thức Chấp nhận này tạo điều kiện cho người ta tham gia vào đời sống theo các điều kiện của chính cuộc đời, mà không cố gắng uốn nắn nó theo một chương trình nào hết. Cùng với Chấp nhận là bình yên về tình cảm và khi siêu việt lên khỏi từ chối thì nhận thức càng mở rộng thêm. Lúc này, người ta nhìn thấy mọi thứ như chúng vốn là, mà không bị bóp méo hay hiểu sai; bối cảnh của trải nghiệm được mở rộng đến mức người đó có thể “nhìn được toàn bộ bức tranh”. Thực chất, Chấp nhuận là giữ cân bằng, cân đối và sự phù hợp. 

Người ở tầng Chấp nhận không thích tranh cãi đúng hay sai, thay vào đó, họ tìm cách giải quyết và tìm giải pháp cho vấn đề. Khó khăn không làm họ khó chịu hay nhụt chí. Các mục tiêu dài hạn được ưu tiên hơn các mục tiêu ngắn hạn; kỷ luật tự giác và làm chủ bản thân là đức tính nổi bật của họ. 

Ở tầng Chấp nhận, khác biệt hay quan điểm đối lập không chia rẽ được chúng ta; chúng ta nhận ra rằng người khác có những quyền giống như chúng ta, và chúng ta tôn trọng quyền bình đẳng. Trong khi các tầng thấp hơn có đặc điểm là cứng nhắc, thì ở tầng này, đa nguyên về mặt xã hội bắt đầu được coi là hình thức giải quyết vấn đề. Do đó, tầng này không còn phân biệt đối xử hay bất dung nữa; người ta nhận thức được rằng bình đẳng không loại bỏ đa dạng. Chấp nhận dung hợp chứ không chối bỏ. 

Tầng năng lượng 400: Lý trí 

Trí tuệ và lý trí bước lên hàng đầu khi người ta vượt lên khỏi xu hướng cảm tính của các tầng thấp hơn. Lý do là có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp; đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và đúng đắn; hiểu được sự phức tạp của các mối quan hệ, phân cấp và phân biệt tinh tế; và vận dụng khéo léo các biểu tượng để thể hiện các khái niệm trừu tượng, khái niệm trừu tượng ngày càng trở thành quan trọng hơn. Đây là tầng của khoa học, y học, và nói chung là khả năng trừu tượng hóa và sự hiểu biết ngày càng gia tăng. Kiến thức và giáo dục được coi là nguồn vốn. Hiểu biết và thông tin là công cụ chính để đạt được thành tựu, đấy là dấu ấn của tầng 400. Đây là tầng ý thức của những Khôi nguyên Nobel, của các chính khách vĩ đại, và Các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Einstein, Freud và nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác của lịch sử cũng nằm ở tầng này, các tác giả bộ sách Great Books of the Western World  (Những cuốn sách vĩ đại của Thế giới phương Tây) cũng nằm ở tầng này. 

Khiếm khuyết của những người ở tầng này là họ không phân biệt được một cách rõ ràng sự khác biệt giữa biểu tượng và nội dung đằng sau biểu tượng và lẫn lộn giữa thế giới khách quan và chủ quan, làm cho họ không hiểu đầy đủ về quan hệ nhân quả. Ở tầng này, rất dễ thấy cây mà không thấy rừng, rất dễ mê đắm vào các khái niệm và lý thuyết, để rồi cuối cùng rơi vào lý thuyết suông và bỏ qua bản chất của vấn đề. Tìm tòi tri thức có thể trở thành mục đích tự thân. Lý trí có giới hạn ở chỗ là nó không có khả năng phân biệt được bản chất hoặc điểm tới hạn của vấn đề phức tạp. Và, nói chung Lý trí thường không quan tâm đến bối cảnh. 

Tự nó, Lý trí không cung cấp cho chúng ta kim chỉ nam hướng tới chân lý. Nó tạo ra rất nhiều thông tin và tài liệu, nhưng không có khả năng giải quyết sự thiếu nhất quán trong dữ liệu và kết luận. Tự thân tất cả các luận cứ triết học đều nghe có vẻ rất thuyết phục. Mặc dù Lý trí rất có hiệu quả trong thế giới kỹ nghệ, nơi các phương pháp logic giữ thế thượng phong, nhưng ngược đời là, bản thân Lý trí lại là chướng ngại chính, ngăn cản không cho người ta vươn lên những tầng ý thức cao hơn. Chỉ có 4% dân số thế giới siêu viết được tầng ý thức này mà thôi. 

Tầng năng lượng 500: Tình yêu 

Tình yêu được bàn ở đây không phải là thứ tình yêu mà các phương tiện truyền thông đại chúng đang quảng bá. Ngược lại, nói chung thế giới coi tình yêu là cảm xúc mãnh liệt kết hợp hấp dẫn về thể xác, chiếm hữu, kiểm soát, nghiện, gợi tình và mới lạ. Loại tình yêu này thường phù phiếm và thất thường, thất thường khi điều kiện thay đổi. Khi thất vọng, tình cảm này thường thể hiện thành tức giận và phụ thuộc được nó che đậy. Người ta thường thấy tình yêu biến thành thù hận, nhưng đấy không phải là tình yêu mà là ràng buộc và thói đa cảm có tính gây nghiện. Thù hận là do Kiêu hãnh, chứ không phải Tình yêu. Trong mối quan hệ như thế, có lẽ chẳng bao giờ có tình yêu đích thực. 

Tình yêu vô điều kiện, không thay đổi và vĩnh viễn là đặc điểm của tầng này. Nó không lên xuống thất thường vì nguồn yêu thương ở bên trong người đang yêu, không phải phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Yêu thương là trạng thái của hiện hữu. Đó là liên hệ mang tính khoan dung, khuyến khích và nâng đỡ với thế giới bên ngoài. Tình yêu không mang tính trí tuệ và không xuất phát từ tâm trí. Tình yêu xuất phát từ trái tim. Tình yêu này, với động cơ thuần khiết, có khả năng nâng đỡ người khác và thực hiện được những thành tích to lớn. 

Ở tầng này, khả năng nhận biết bản chất nổi bật hẳn lên; cốt lõi của vấn đề trở thành trọng tâm chú ý. Vì đã vượt qua tầng Lý trí, ở đây xuất hiện khả năng nhận biết tức thời toàn bộ vấn đề và mở rộng bối cảnh, đặc biệt là đối với thời gian và quy trình. Lý trí chỉ giải quyết những vấn đề cụ thể, trong khi Tình yêu giải quyết tổng thể. Người ta thường cho rằng đấy là trực giác, tức là khả năng hiểu ngay lập tức mà không cần dựa vào quá trình suy luận biểu tượng một cách tuần tự. Trên thực tế, hiện tượng dường như trừu tượng này là khá rõ ràng; cùng với nó là quá trình giải phóng khá nhiều chất endorphin ở trong não. 

Tình yêu không có quan điểm và do đó, có tính bao trùm, vượt lên trên chia tách về địa vị. Lúc đó, nó có thể trở thành “hòa nhập với người khác”, vì không còn bất kỳ rào cản nào nữa. Do đó, Tình yêu mang tính dung hợp và không ngừng mở rộng cảm thức về bản thể. Tình yêu chú tâm vào những mặt tốt đẹp của cuộc sống trong tất cả các biểu hiện của nó và thúc đẩy những mặt tích cực. Nó xua tan tiêu cực bằng cách đưa cuộc đời vào bối cảnh khác chứ không tấn công. 

Đây là tầng hạnh phúc thực sự, nhưng, mặc dù thế giới rất hào hứng với chủ đề Tình yêu, và tất cả các tôn giáo trường tồn đều có điểm từ 500 trở lên, thật thú vị khi biết rằng chỉ có 4% dân số thế giới từng đạt đến tầng ý thức này mà thôi. Và chỉ có 0,4% đạt đến tầng tình yêu vô điều kiện (540). 

Tầng năng lượng 540: Niềm vui 

Khi Tình yêu ngày càng trở nên vô điều kiện, người ta bắt đầu thấy nó là Niềm vui bên trong chính con người mình. Đây không phải là niềm vui bộc phát khi thấy các sự kiện xoay chuyển theo hướng mà mình ao ước; mà là niềm vui đi kèm với tất cả các hoạt động của người đó (các thiền sư thường nói: Gánh nước bửa củi tài – ND). Niềm vui xuất hiện trong từng khoảnh khắc của đời sống, chứ không phải từ bất kỳ nguồn bên ngoài nào. 540 cũng là tầng chữa lành và của các nhóm giúp đỡ lẫn nhau về mặt tâm linh. 

Từ tầng 540 trở lên là lĩnh vực của thánh nhân, những người chữa bệnh về mặt tâm linh, và những đồ đệ xuất sắc của họ. Đặc điểm của trường năng lượng này là mức độ kiên nhẫn siêu hạng và giữ vững thái độ tích cực trước những nghịch cảnh kéo dài. Điểm nổi bật của trạng thái này là lòng trắc ẩn. Những người đạt đến tầng này có ảnh hưởng đáng kể lên những người khác. Họ có quan điểm cởi mở và bền bỉ, có thể khơi gợi trạng thái tin yêu và an bình. 

Ở tầng 500, người ta thấy thế giới lung linh vẻ đẹp tinh tế và hoàn hảo của tạo tác. Mọi thứ đều diễn ra một cách nhẹ nhành như không, vì chúng xảy ra đồng thời với nhau; thế giới cùng với mọi thứ trong thế giới này được coi là biểu hiện của tình yêu và Đấng Thiêng Liêng. Ý chí cá nhân hợp nhất với ý chí của Đấng Thiêng Liêng. Người ta cảm nhận được Hiện diện mang theo năng lượng tạo điều kiện cho các hiện tượng xảy ra ngoài sức tưởng tượng của người bình thường về thực tại, mà người quan sát bình thường gọi là kì diệu. Những hiện tượng này là sức mạnh nội tại của trường năng lượng, chứ không phải của cá nhân. 

Ở tầng này, ý thức trách nhiệm đối với người khác khác về chất so với những tầng thấp hơn. Họ mong muốn sử dụng trạng thái ý thức của mình vì lợi ích của chính cuộc sống chứ không phải vì lợi ích những con người cụ thể. Cùng với khả năng yêu nhiều người cùng một lúc, người ta còn phát hiện được rằng, càng yêu nhiều, thì người ta càng có thể yêu nhiều hơn nữa. 

Trải nghiệm cận tử, do tác động mang tính chuyển hóa của nó, thường xuyên cho phép người ta trải nghiệm tầng năng lượng từ 540 đến 600. 

Tầng năng lượng 600: An bình 

Trường năng lượng này liên quan tới trải nghiệm được thể hiện bằng những thuật ngữ như siêu việt, tự thể hiện bản thân và Thần thức. Đây là trạng thái cực kỳ hiếm hoi. Khi đạt đến trạng thái này sẽ không còn có sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể nữa, và không còn tiêu điểm nhận thức cụ thể. Không hiếm những trường hợp khi những người đạt đến tầng này lui về ở ấn, tránh xa thế giới, vì trạng thái phúc lạc xuất hiện sau đó sẽ cản trở, không cho người đó làm những công việc trần tục nữa. Một số người trở thành đạo sư; một số người khác hoạt động âm thầm vì lợi ích của nhân loại. Một số người trở thành những thiên tài vĩ đại trong các lĩnh vực của mình và có những đóng góp to lớn cho xã hội. Những người này là thánh và cuối cùng có thể được chính thức phong thánh, mặc dù ở tầng này, người ta thường đã siêu việt tôn giáo chính thức, để được thay thế bằng tâm linh thuần khiết, cội nguồn của tất cả các tôn giáo. 

Đôi khi có người nói rằng nhận thức từ tầng 600 trở lên xảy ra như trong một đoạn phim quay chậm, chùng chình trong thời gian và không gian - mặc dù không có gì đứng yên; tất cả đều sống động và rạng rỡ. Mặc dù thế giới này cũng là thế giới mà những người khác đều nhìn thấy, nó liên tục trôi chảy, tiến triển trong vũ điệu tiến hóa được phối hợp một cách nhịp nhàng, một vũ điệu tràn đầy ý nghĩa và năng lượng. Mặc khải tuyệt vời này diễn ra một cách phi lý tính, đến mức tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng, không còn bất cứ giải thích nào nữa. Người chứng kiến ​​và điều được chứng kiến ​trở thành một; người quan sát hòa tan vào cảnh quan và trở thành cái được quan sát. Tất cả các thứ đều được Hiện diện – với quyền năng vô hạn, vi tế nhưng vô cùng bền chắc - kết nối với nhau. 

Những tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc xuất sắc có điểm từ 600 đến 700 có thể nhất thời đưa chúng ta lên tầng ý thức cao hơn và được mọi người công nhận là có khả năng truyền cảm hứng và vượt thời gian. 

Tầng năng lượng 700-1,000: Chứng ngộ 

Đây là tầng của những Vĩ nhân trong lịch sử, những người đã khởi phát những con đường tu luyện tâm linh mà quần chúng đã tu tập theo trong suốt nhiều thời đại. Tất cả đều gắn liền với Đấng Thiêng Liêng, và thường đồng nhất với Ngài. Đây là tầng của những cảm hứng mãnh liệt; những Vĩ nhân này nằm trong các trường năng lượng điểm hút có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại qua suốt nhiều thời đại. Ở tầng này, không còn trải nghiệm của cái tôi cá nhân tách biệt với những cái tôi khác nữa; mà, Đại ngã đã hợp nhất Ý thức và Đấng Thiêng Liêng. Người ta trải nghiệm Đấng Phi Hiển Lộ như là Đại ngã vượt ngoài tâm trí. Siêu việt khỏi tiểu ngã cũng là tấm gương dạy những người khác cách thức thực hiện điều đó. Đây là đỉnh cao nhất của quá trình tiến hóa ý thức trong cõi nhân gian. 

Những giáo lý vĩ đại đã nâng đỡ quần chúng và nâng cao tầng nhận thức của toàn thể nhân loại. Tầm nhìn như thế được gọi là ân sủng, và món quà mà nó mang lại là an bình vô hạn, không thể diễn tả bằng lời. Ở tầng tự thể hiện này, cảm thức về sự tồn tại của người đó siêu việt lên mọi thời gian và tất cả tính cá thể. Không còn đồng nhất với cơ thể vật lý như là “tôi” nữa, và do đó, không còn lo lắng cho số phận nữa. Cơ thể chỉ được coi là công cụ của ý thức thông qua sự can thiệp của tâm trí, giá trị cốt yếu của nó là truyền tải thông tin. Tiểu ngã hòa nhập trở lại vào Đại Ngã. Đây là tầng của bất nhị nguyên, hoặc Nhất thể hoàn chỉnh. Ý thức không còn nằm một chỗ; nhận thức hiện diện như nhau ở khắp nơi. 

Các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại khắc họa những người Chứng ngộ có đặc điểm là một người thày với vị trí cụ thể của bàn tay, được gọi là mudra (thủ ấn), lòng bàn tay tỏa ra phúc lành. Đây là hành động truyền trường năng lượng tới ý thức của loài người. Tầng Ơn Phước Thiêng Liêng đạt điểm 1.000, tầng cao nhất mà một số người sống trong giai đoạn lịch sử thành văn đã đạt được – tức là những người được tôn xưng là Thánh thần giáng thế như Thần Krishna, Đức Phật và Chúa Jesus Christ.




3 comments:

  1. Hay bác ạ, cảm ơn bác, cháu xin phép đăng ký mua một quyển ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. https://tiki.vn/power-vs-force-truong-nang-luong-va-nhung-nhan-to-quyet-dinh-tinh-than-va-suc-khoe-con-nguoi-p56307244.html

      Delete
  2. bài viết rất hữu ích, nhiều người chưa từng biết con người toàn diện đến thế

    ReplyDelete