November 17, 2021

Một lý thuyết về tự do (On Liberty)

 

Lời ngỏ của người dịch



Như các bạn thấy, đây là bản dịch thứ hai tác phẩm On Liberty, một trong những tác phẩm cội nguồn của triết học chính trị phương Tây. Bản dịch đầu tiên được Giáo sư Nguyễn Văn Trọng thực hiện và Nhà xuất bản Tri thức ấn hành vào năm 2005. Sau khi mở cửa với thế giới, đất nước ta đã trải qua những biến động vô cùng to lớn trong tất cả cả lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho đến học thuật. Đặc biệt, từ năm 1997, sau khi Internet chính thức xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta đã biết thêm và ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn rất nhiều khái niệm trong mọi lĩnh vực học thuật, triết lý chính trị không phải là ngoại lệ. Robert Dahl (1915-2014), nhà chính trị học người Mỹ đã quá cố, từng viết: “Nhưng có thể không phải là ý tưởng tồi nếu cứ khoảng hai mươi năm đất nước dân chủ lại tập trung một nhóm gồm các nhà nghiên cứu hiến pháp, các nhà lãnh đạo chính trị và những công dân thông thái để cùng nhau đánh giá lại hiến pháp của quốc gia…” (Robert Dahl - On Democracy). Bản dịch đầu tiên tác phẩm On Liberty xuất hiện cách đây cũng gần hai mươi năm, thiết nghĩ trong giai đoạn phát triển như vũ bão hiện nay, một bản dịch thứ hai cho tác phẩm quan trọng này đã là cần thiết. Xin nói thêm rằng chính các công trình chuyển ngữ các tác phẩm kinh điển của Giáo sư Nguyễn Văn Trọng đã khích lệ tôi cố gắng hoàn thành cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay. Tôi đã tham khảo kĩ lưỡng và học được rất nhiều từ bản dịch tác phẩm này, cũng như nhiều dịch phẩm khác của Giáo sư Nguyễn Văn Trọng. Xin được cám ơn ông! Và nhân đây tôi cũng xin gửi lời cám ơn tới Viện Giáo Dục (IRED), Tiến sĩ Chu Hảo về sự động viên và góp ý trong quá trình biên tập. Nhờ có đóng góp của họ mà dịch phẩm mới có được có hình thức tương đối hoàn thiện như hiện nay. Tuy vậy, chắc chắn là bản dịch này cũng còn nhiều thiếu sót. Tôi xin ghi nhận và chân thành cám ơn tất cả các đóng góp của quí bạn đọc.

Trong lần xuất bản này, để giúp độc giả hiểu rõ hơn các tư tưởng của J.S. Mill và ảnh hưởng của chúng trong quá khứ và cũng như trong thời đại hiện nay, chúng tôi còn dịch thêm phần dẫn nhập của Isaiah Berlin cho cuốn sách On Liberty and Utilitarianism, do Everyman’s Library ấn hành năm 1992. Người dịch cho rằng, phần dẫn nhập của Isaiah Berlin (1909 -  1997) - một trong những triết gia lớn nhất trong thế kỉ XX, từng là Chủ tịch Viện hàn lâm Anh từ năm năm 1974 đến năm 1978 – là quá đủ, không cần nói thêm bất cứ điều gì nữa, thậm chí là đại bất kính nếu cố tình viết thêm bất cứ điều gì về những đóng góp của J.S. Mill vào tiến trình tư tưởng của chúng ta.

Chỉ xin nói một vài suy nghĩ của một người đọc và người hâm mộ J.S. Mill (bị biên tập viên cắt, không đưa vào sách in)

Thứ nhất, tôi được sinh ra và lớn lên trong một thế giới, trong một truyền thống khác hẳn với J.S. Mill. Trong thế giới của chúng ta, cá nhân chỉ có giá trị khi là thành viên của công đồng, như gia đình, dòng họ, làng xóm, đoàn thể hay quốc gia. Chúng ta thường cho rằng tuân phục, làm theo truyền thống là đức hạnh, đến mức những câu nói như “Người ta sao mình vậy” đã thành câu cửa miệng, thậm chí cho rằng “Tài kị nhất là bộc lộ” là minh triết tối thượng mà mọi người đều nên theo. Vì thế, tư tưởng của J.S. Mill: “Người nào để cho thế giới hoặc một phần thế giới riêng của anh ta lựa chọn cách sống cho mình thì người đó không cần bất kỳ năng lực nào khác ngoài năng lực bắt chước của loài khỉ” đã làm tôi choáng váng và khuyến khích tôi tìm hiểu kĩ lưỡng hơn các trước tác của ông. Bản dịch này là một phẩn kết quả của quá tìm tòi đó.  



Thứ hai, một thời gian ngắn cách đây khoảng 30 năm, một số người trong chúng ta từng tưởng tượng rằng lịch sử đã cáo chung, không còn bất cứ rào cản nào đối với tự do ngôn luận, thậm chí chẳng còn gì để mà nói nữa (Francis Fukuyama – The End of History and the Last Man). Nhưng hóa ra không phải như thế. Các chính phủ ở những nước được coi là tự do ngày càng nắm được nhiều nguồn lực và quyền lực hơn; cuộc chiến chống khủng bố càng làm cho quyền lực của chính phủ gia tăng hơn nữa. Các trào lưu chính thống về đạo đức, tư tưởng hay tôn giáo đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với lòng khoan dung. Và tinh vi hơn, áp lực xã hội và chính trị buộc các cá nhân chấp nhận thái độ và ý kiến của tầng lớp tinh hoa đang giữ thế thượng phong, buộc mọi người vào khuôn phép, gọi là phải đạo về chính trị. Đấy là phần thế giới được coi là tự do. Trong khi các chế độ độc tài, đạo tặc trị, với những nhà cầm quyền đầy mưu lược: Trên trường quốc tế, họ hội nhập sâu sắc vào thế giới tiến bộ, pháp quyền, tự do, dân chủ nhằm giúp họ củng cố quyền lực và tham nhũng (Alexandra Gillies - Crude Intentions: How Oil Corruption Contaminates the World); nhưng ở trong nước, họ lại sử dụng những phương tiện giám sát hiện đại, sử dụng Big Data để kiểm soát dân chúng. Thậm chí, mạng xã hội mà có thời chúng ta từng tin rằng sẽ trở thành “đệ ngũ quyền”, trở thành nơi để những người công dân thấp cổ bé họng được cất lên tiếng nói của mình và buộc nhà cầm quyền phải có trách nhiệm giải trình, thì, vì quyền lợi ích kỉ của mình, các ông chủ của chúng đã thỏa hiệp với nhà cầm quyền và sẵn sàng chặng đứng những tiếng nói bất đồng. Tóm lại, tự do ngôn luận, tự do thể hiện và lòng khoan dung vẫn gặp nhiều rào cản, nhiều trắc trở như xưa. Chỉ có biểu hiện là khác nhau mà thôi. Vì vậy, Một lý thuyết về tự do vẫn còn nguyên giá trị như thời J.S. Mill chấp bút tác phẩm này.

Cuối cùng, đây không phải là cuốn sách giải trí mà là cuốn sách cần phải được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và nghiêm túc. Tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do thể hiện và tự do sống theo ý mình là những quyền bất khả tương nhượng, nhưng không phải là miễn phí. Mỗi thế hệ, thậm chí mỗi người, đều phải chiến đấu để giành và bảo vệ quyền tự do của mình. Bạn đã đọc đến đây, tức là bạn đã lên đường tham gia trận chiến đấu cam go nhưng cực kì vinh quang mà những thế hệ trước đây đã từng chiến đấu. Tôi không chúc bạn một chuyến đi suôn sẻ và dễ dàng.

 

1 comment:

  1. từ TỰ DO thực sự nó rất rộng và bao trùm nhiều nội dung hàm chứa

    ReplyDelete