Theo dõi hành trình hành giả Minh Tuệ trong hơn một năm qua giúp tôi tổng kết được ba bài học cốt lõi sau đây:
Sư Minh Tuệ chỉ có 3 y, 1 bát nhưng nhìn Ông, tôi thấy nét mặt Ông lúc nào cũng ngời sáng và phảng phất nụ cười hạnh phúc, viên mãn. Đấy là điều gây ấn tượng nhất đối với tôi và tôi rút ra được kết luận: Biết đủ chính là hạnh phúc!
Tôi không phải người tu hành, càng không phải là người tu theo hạnh đầu đà, tôi không thể sống với 3 y, 1 bát như hành giả Minh Tuệ; nhưng từ ngày xuất hiện hiện tượng Minh Tuệ thì tôi càng tin tưởng tuyệt đối rằng mình không cần phải mua một chiếc I-phone đời mới mà mình không sử dụng hết chức năng, khi thấy một chiếc xe con bóng lộn vọt qua, hay thấy một ngôi biệt thực hoành tráng tôi không còn ao ước có nó nữa. Cuộc sống vì thế mà cũng nhẹ nhàng hơn hẳn.
Vì không phải là người tu hành cho nên tôi phải làm việc để nuôi mình và chăm lo cho những người phụ thuộc vào mình, nhưng từ ngày xuất hiện hiện tượng Minh Tuệ thì tôi càng tuyệt đối tin tưởng rằng mình chỉ nên làm những việc chính trực, “tự lợi và lợi tha”. Tôi phải coi mình là kênh dẫn để của cải đi qua tôi và tới những người khác: những người cộng tác với tôi, những bạn hàng của tôi và người tiêu dùng của tôi. Nói theo thuật ngữ kinh tế là làm gia tăng giá trị cho người tiêu dùng. Tôi phải tính toán và sắp xếp quy trình sản xuất tối ưu nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất, để có thể mở rộng hơn nữa quá trình sản xuất, nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.Nhưng tôi không chấp trước vào kết quả và cũng sẽ không quá đau khổ khi kết quả không được như ý. Tôi đã chứng kiến nhiều lần những món tiền không ngờ tới đột nhiên đến với mình và cũng nhiều lần những món tiền lớn đội nón ra đi mà không một lời báo trước. Tóm lại tôi để cho kết quả diễn ra một cách tự nhiên, cái gì của mình thì sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì có tranh giành rồi cũng sẽ mất. Tôi đã tới cuộc đời này với tiếng khóc oe oe và hai bàn tay trắng của chính mình và sẽ rời khỏi cuộc đời trong tiếng khóc nỉ non của vài người khác và đôi bàn tay trắng của chính mình, cho nên không cần phải quá vui vì có nhiều tiền hoặc quá buồn vì chẳng có đồng nào. Biết đủ chính là đủ và là hạnh phúc!
Bài học thứ hai: Càng ít mong muốn kiểm soát hay tạo ảnh hưởng lên người khác thì càng hạnh phúc.
Hành giả Minh Tuệ nói đại ý: Ông không có đệ tử, không có chùa và không giảng Pháp cho bất cứ người nào. Tôi hiểu rằng, Phật pháp đã được trình bày trong rất nhiều Kinh sách, người nào muốn thực thu thì đều có thể tham khảo, chứ Ông không muốn kiểm soát hay tạo ảnh hưởng hoặc hướng dẫn người nào đó tu theo cách của mình.
Trước khi hành giả Minh Tuệ xuất hiện tôi đã nhận thức được rằng, tại mỗi khoảng khắc, người ta không thể thực sự khác với con người mà họ đang là. Nếu họ có thể khác thì họ đã khác rồi. Và thật phi lý khi lên án hành vi của con người bằng cách so sánh nó với hành vi lý tưởng mà tôi nghĩ là họ nên làm. Sau khi hành giả Minh Tuệ xuất hiện thì tôi càng nhận thức rõ được bốn sự kiện sau đây:
Thứ nhất, tôi sinh ra
trong gia đình tôi, ở vùng quê tôi, được giáo dục theo một truyền thống của quê
tôi, thế thì tại sao tôi lại lấy cái khuôn mẫu đạo đức mà tôi cho là “đúng” để
chụp lên lời nói và hành vi của một người sinh ra trong một gia đình khác, ở một
vùng quê khác, được giáo dục theo một truyền thống khác hẳn với tôi và nói rằng
họ “sai”?
Thứ hai, giả sử quan niệm
của tôi là hoàn hoàn toàn “khoa học” hoàn toàn “đúng” và tôi muốn người kia sửa
đổi cách sống theo lối “khoa học”, nhưng nếu tâm tôi không đủ từ bi, lời nói của
tôi không đủ yêu thương và hoà ái (thực ra tôi chưa đạt được như thế) mà mang
theo bản ngã, áp đặt “cái biết” của mình, và muốn kiểm soát người khác thì người
kia sẽ phản ứng và như thế người kia sẽ không thay đổi, nhưng cả hai chúng tôi
đều rơi vào tình trạng đối đầu không cần thiết, không có lợi cho bất cứ người
nào.
Thứ ba, dù tôi có không
thích lời nói và hành vi của người kia thì bản thân chúng cũng không có chút
năng lượng nào. Nếu tôi tức giận thì chính là tôi đã cung cấp năng lượng cho
chúng và chúng sẽ bám lấy tôi. Phản ứng của tôi càng tiêu cực thì tôi càng cung
cấp cho chúng nhiều năng lượng hơn và chúng sẽ làm tôi khó chịu hơn và trong thời
gian lâu hơn. Lâu dần, những cái đó sẽ tích lại và làm cho tôi bị bệnh, ví dụ
như mất ngủ, đau dạ dày, đau tim, trầm cảm hay các bệnh nan y khác. Đấy là tôi
tự chiêu mời những rắc rối vào mình!
Và thứ tư, chính tôi cũng
biết những tật xấu của mình và muốn sửa đi, nhưng khó lắm, những người khác chắc
chắn cũng gặp tình trạng tương tự: Giang sơn dễ đổi, bán tính khó dời. Không thể
sửa được người khác nhưng lại muốn sống yên ổn, hoà thuận với họ thì tôi phải
thay đổi chính mình, nói chữ là tu tâm, tôi phải trở thành một cái gương: nhìn
thấy hết, nghe thấy hết, biết hết nhưng không nhận xét, không phê phán… mà chấp
nhận con người đó như họ đang là. Còn nếu cao hơn nữa thì tôi nên cám ơn người
đó vì họ đã tạo ra chướng ngại để tôi phải vượt qua, đề tôi buông bỏ mọi định
kiến, Phật giáo gọi là chấp trước và vươn tới trạng thái bất động tâm trước tất
cả những biến động của cuộc đời.
Buông bỏ định kiến/chấp trước là bình an và hạnh phúc.
Bài học thứ ba: Càng từ bi với người khác thì càng hạnh phúc.
Hành giả Minh Tuệ nói đại ý: Người ta coi Ông là cái ATM di động ông cũng không có ý kiến gì, miễn họ thấy vui là được. Tôi cho rằng đấy là Ông đang thể hiện tư tưởng quan trọng nhất của những người Thầy vĩ đại nhất của nhân loại: Tất cả chúng ta đều sinh ta từ một Cội Nguồn. Cho nên hầu như tất cả mọi người Việt Nam dù không quy y vẫn tự gọi mình là Phật tử (con của Phật), còn các Kitô hữu thì tự gọi mình là “anh em trong Thiên Chúa” và tất cả người Việt Nam đều coi những người Việt Nam khác là đồng bào (cùng trong một bọc). Tất cả mọi người đều sinh ra từ một Cội Nguồn, cho nên để dễ hình dung có thể coi tất cả mọi người đều là những chiếc lá trên cái Cây Sự Sống. Mỗi cái lá đều có trách nhiệm vươn ra ngoài ánh sáng, nhưng không được cản trở những cái lá khác vươn ra ngoài ánh sáng, giúp đỡ những cái lá khác thu thêm nhựa sống là giúp đỡ chính mình. Mọi người đều sinh ta từ một Cội Nguồn, cho nên không thể giúp đỡ người khác mà không giúp đỡ chính mình; như thể ta ném một hòn sỏi xuống ao, những vòng tròn lan toả từ trung tam rồi sẽ lan tới chỗ mình đứng.
Nhưng vào thời mạt pháp – chưa rõ bây giờ đã là đỉnh điểm của mạt pháp hay chưa - người ta không còn nghĩ như thế nữa. Mỗi người đều tự coi mình là tách rời khỏi những người khác và tìm cách sống theo lối mà gọi một cách nhẹ nhàng là “khôn vặt”, còn nếu gọi đúng tên thì phải là “người coi người là kẻ thù”. Người coi người là kẻ thù cho nên người ta mới bán sữa giả, thuốc giả, gia vị chứa hoá chất độc hại, màu thực phẩm nhưng thực chất là hoá chất dùng trong công nghiệp… cho nhau. Họ tưởng thế là mình “khôn”. Nhưng anh bán sữa giả cho con tôi thì tôi bán thuốc giả cho bố anh; anh bán rau vừa phun thuốc trừ sâu cho tôi thì tôi bán cá ngâm hoá chất cho anh. Tóm lại, chúng ta lừa nhau, nhưng thực chất là đang tự lừa mình. Cho nên các vị Thầy vĩ đại của nhân loại mới nói: Không thể làm tổn thương người khác mà không làm tổn thương chính mình.
Khi “người coi người là kẻ thù” thì phải cần luật pháp để ngăn chặn, răn đe. Nhưng tâm người ta bất chính thì khi không có người nhìn thấy họ vẫn tìm cách “khôn vặt”, tìm cách làm hại người khác để thủ lợi.
Tôi không phải là người ban hành luật pháp, cũng không phải là người thực thi pháp luật và tôi cũng biết rằng trong quá khứ mình cũng đã từng “khôn vặt” như thế. Tôi đã từng dùng thước đo đạo đức của nhân loại – đang trượt dốc hàng ngày – để đo lường chính mình, và cho rằng mình tốt hơn người khác, chứ không dùng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để đo lường mình. Tôi biết rằng mình cũng có đóng góp một chút sóng cho nên mới tạo ra trận bão của ngày hôm nay, cho nên tôi không oán trách ai. Như Đức Phật nói: Mọi người đều do vô minh cho nên mới làm những việc như thế. Tôi cũng đã từng là người vô minh như thế. Hành giả Minh Tuệ đã giúp tôi nhìn lại chính mình, giúp tôi sống chính trực hơn và cố gắng phát phóng tâm từ tới mỗi người tôi gặp hàng ngày. Tôi chỉ có thể làm được như thế thôi!
Đây là ba bài học tôi rút
ra được từ hiện tượng Minh Tuệ. Ngày mai, thậm chí ngay hôm nay, hành giả Minh
Tuệ có thể không xuất hiện công khai nữa, hoặc sẽ ẩn tu ở nơi nào đó hay thậm
chí là hoàn tục thì ba bài học: muốn ít, buông bỏ định kiến/chấp trước, từ bi với tất cả mọi người cũng sẽ mãi mãi đi cùng
với tôi.
Tks bác Trường. em thấy bản thân mình trong bào viết của bác.
ReplyDeleteBài thật hay quá. Em xin phép được chia sẻ ạ. Em cảm ơn anh
ReplyDeleteCòn 1 bài học nữa. Càng nói ít càng tốt. Bác nói dông dài quá.
ReplyDeleteDông dài thì bạn đừng đọc, để ai thích thì đọc thôi. Chúc an lành nha.
Delete