August 13, 2015

Trung Quốc chinh phục Đông Nam Á như thế nào


Kent Harrington
Phạm Nguyên Trường dịch



Việc chuẩn bị chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Washington, DC, đang được tiến hành một cách khẩn trương, người ta cho rằng các quan chức ở cả hai bên sẽ làm nhẹ bớt sự khác biệt của họ về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi việc xây dựng các cơ sở quân sự trên những hòn đảo mà trước đây không có người ở và các đảo san hô, ở biển Đông (South China Sea). Việc xuống thang bằng con đường ngoại giao như thế theo sau mấy tháng trời tố cáo lẫn nhau và những vụ doạ dẫm ngầm sẽ làm hài lòng các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á.

Đương nhiên là, không có người nào trong khu vực Đông Nam Á lại cố tình lờ đi những dự án mang tầm chiến lược của Trung Quốc. Trong thập kỷ vừa qua, chi tiêu cho quốc phòng của khu vực này đã tăng hơn 50%, và 60 tỷ USD đã được dành ra cho việc mua các loại vũ khí mới, đặc biệt là tàu bè và trang thiết bị của hải quân, trong vòng năm năm tới. Sách trắng về chiến lược quân sự, mà Trung Quốc tung ra hồi tháng năm vừa qua, mô tả kế hoạch mở rộng vành đai phòng thủ của đất nước, làm cho các lân bang thêm lo lắng, có khả năng làm gia tăng thêm nữa các khoản chi tiêu cho quốc phòng. Các nhà lãnh đạo trong khu vực đang chào đón các giới chức quân sự và các sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng để xem việc “xoay trục” sang châu Á của Mỹ cung cấp cho họ điều gì.

Nhưng ngoài các tàu khu trục và bảo đảm an ninh mới, các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã tự kiềm chế, không phản ứng quá mạnh trước tham vọng về thềm lục địa của Trung Quốc. Các tác nhân kinh tế buộc người ta phải thận trọng.

Chỉ trong hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu các nước Đông Nam Á, nhân đó, thúc đẩy ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nỗ lực liên tục của các lãnh đạo Trung Quốc nhằm mở rộng hợp tác kinh tế hoàn toàn tương phản với cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực.

Xin xem xét lĩnh vực thương mại. Từ năm 2000, thương mại song phương giữa Trung Quốc và mười thành viên ASEAN đã tăng gấp mười lần, từ 32 tỷ USD lên 350 tỷ USD vào năm ngoái, và có thể lên đến 500 tỷ vào năm 2015. Trong khi Trung Quốc vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á thì Mỹ lại tụt xuống vị trí thứ tư, năm ngoái tổng lương hàng hoá giao dịch với ASEAN chỉ là 206 tỷ mà thôi.

Với tầm quan trọng đang ngày càng gia về mặt kinh tế của Đông Nam Á, tác động của xu hướng này có thể còn cao hơn. GDP hàng năm của tất cả các nước ASEAN là 2,4 ngàn tỷ USD và đang gia tăng nhanh chóng. Đấy là do tầng lớp trung lưu của họ đang phát triển nhanh chóng, công nhân có tay nghề cao và thị trường cao cấp ngày càng gia tăng. Nếu xu hướng này tiếp tục thì đến năm 2020, thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN có thể đạt 1 nghìn tỷ một năm.

Bức tranh về những khoản đầu tư trực tiếp – nguồn tiền nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng các nhà máy, văn phòng, kho, hầm mỏ và trang trại - cũng gây ấn tượng không kém. Từ năm 1995 đến năm 2003, các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 631 triệu USD vào các nước ASEAN; nhưngnăm 2013, họ đã đầu tư 30 tỷ USD. Mặc dù Trung Quốc vẫn đứng cách khá xa Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ trên mặt trận này, chắc chắn là họ có tiềm năng bắt kịp, vì các công ty cổ phần tư nhân của Trung Quốc đang ngày càng hướng ra nước ngoài. Thật vậy, từ nông nghiệp đến công nghệ thông tin, Trung Quốc đang đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ trong khu vực và đưa các công ty của họ vào các nền kinh tế tiên tiến và dẫn đầu của các nước ASEAN.

Các đối tác ở Đông Nam Á của Trung Quốc không thể bỏ qua những nỗ lực này. Đó là một trong những lý do vì sao tất cả mười nước ASEAN đã ký và trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc dẫn đấu, mặc cho sự phản đối của Mỹ. Trung Quốc, đã cam kết đấu tư ngay 100 tỷ USD, biến AIIB thành đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chiếm ưu thế, và hứa hẹn sẽ giúp các nước châu Á đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của họ.

Rõ ràng là, khi nói đến vai trò của mình ở châu Á, Trung Quốc sẵn sàng hành động mạnh mẽ. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Tại cuộc họp của tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi năm ngoái, các nhà lãnh đạo khu vực đã đồng ý bắt đầu làm việc theo hướng có thể thông qua hiệp định thương mại tự do do Trung Quốc hậu thuẫn – hiệp định này rõ ràng là nhằm đẩy lùi TPP – không bao gồm Trung Quốc - của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Dù Tập [Cận Bình] có thực hiện được tham vọng thương mại tự do của mình hay không cũng không thể phủ nhận sự cam kết của Trung Quốc trong việc củng cố quan hệ kinh tế ở châu Á và cả những nơi khác nữa. Nước này đã hứa chi 60 tỷ USD cho sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, nhằm xây dựng con đường tơ lụa kinh tế xuyên qua Trung Á và con đường tơ lụa trên biển liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông, và cuối cùng là Châu Âu. Mỹ, trong khi đó, đang tìm mọi cách nhằm tìm được sự đồng thuận ở trong nước về thương mại.

Chắc chắn là, Trung Quốc cũng có những khó khăn nhất định. Các dự án xây dựng đường sắt và đập thủy điện ở Myanmar bị huỷ bỏ, những cuộc bạo động ở Việt Nam khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp: đây là phản ứng tiêu cực mà đất nước đói khát tài nguyên có thể tạo ra. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ học hỏi từ những sai lầm của mình, và các nhà lãnh đạo của nước này có quan điểm rõ ràng về nơi việc nên đưa những khoản đầu tư vào chỗ nào.

Vào giai đoạn khi mà sự chia rẽ về đảng phái đang phá hoại khả năng lãnh đạo về kinh tế của Mỹ, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á đặt ra câu hỏi: Nếu tình hình ở biển Đông xấu đi, Mỹ có tìm được đồng minh ở đây hay họ sẽ chỉ bám vào cái áo của Sam mà thôi?

Kent Harrington, là cựu phân tích viên của CIA, từng là sĩ quan tình báo chuyên về Đông Á và trưởng văn phòng ở châu Á của CIA.



Đã đăng trên: http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-trung-quoc-chiem-ong-nam-nhu-nao.html

No comments:

Post a Comment