March 21, 2011

Aleksei Pimenov (Voice of America , tiếng Nga, 18/03/2011) – Libya và dầu mỏ: câu đố của Muammar Gaddafi


Phạm Nguyên Trường dịch

Như vậy là quyết định đã được thông qua – đấy là nghị quyết về việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Hôm qua người ta còn tưởng rằng tất cả các bản án đã được tuyên rồi. “Những vụ giết chóc ở Libya và sự kiện là Liên hiệp quốc (LHQ) không can thiệp chứng tỏ rằng LHQ đã hoàn toàn không còn là người bảo trợ cho hòa bình và công bằng nữa”, Iulia Latynina đã viết như thế. Thái độ hoài nghi còn đi xa hơn nữa: “Cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại trong thế giới Arab đã vấp phải tảng đá cản đường là Muammar Gaddafi”, Vladimir Abarinov nhận xét như thế và nói thêm “Phương Tây không có lãnh đạo khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở Libya”.


Nhưng dù sao thì sấm cũng đã nổ. Tuyên bố của Liên đoàn Arab rằng chế độ của Gaddafi đã đánh mất tính chính danh là sự kiện rất đáng chú ý. “Nói cho ngay”, giáo sư Valdimir Isaev, thuộc viện Đông phương học, trong khi trả lời kênh tiếng Nga của VOA đã nhận xét, “không rõ là ai hiện có tính chính danh đây? Hội đồng dân tộc, không biết là đại diện cho ai và mới được một mình Pháp công nhận, có tính chính danh ư? Cũng có ai bầu lên hội đồng này đâu”. 

Tính chính danh theo kiểu Libya 

Chuyện gì đang xảy ra ở Libya vậy?

“Đang xảy ra”, Vladimir Isaev nói tiếp, “những chuyện chưa từng xảy ra ở bất cứ nước Arab, bị hỗn loạn nào hết. Cụ thể là: cách đây vài ngày con trai của Gaddafi đã cảnh báo dân chúng hay là những người mà người ta gọi là bạo loạn: chúng tôi sẽ đưa quan đội tới. Và quân đội đã lên đường. Đương nhiên là các thành phố đã phải đầu hàng quân đội. Ở Ai Cập, quân đội giữ thái độ trung lập; ở Tunisia quân đội không ủng hộ tổng thống. Còn quân đội Libya lại đứng về phía Gaddafi. Như vẫn thế, lực lượng vũ trang có tổ chức sẽ giải quyết mọi chuyện. Phe đối lập đi trên những chiếc xe jeep vội vã bỏ chạy ngay khi thấy đối thủ xuất hiện. Những người không có tổ chức và thiếu trang bị bắt đầu rút lui”. 

Ai là những người nổi dậy đang chiến đấu với chế độ? Lãnh đạo Libya nhắc đi nhắc lại rằng đằng sau những người nổi dậy là al-Queda. 

“Đấy đương nhiên không phải là al-Queda rồi”, George Mirsky, nhà chính trị học-Arab học, giáo sư đại học kinh tế, nói như thế. “Hơn thế nữa”, ông nhấn mạnh, “tôi nghĩ al-Queda nghĩ là đã thua ở Bắc Phi: thí dụ như ở Ai Cập mọi chuyện đã xảy ra mà không có lực lượng này. Hóa ra là al-Queda đã chiến đấu chống lại những nhà cầm quyền bất lương, trong đó có Mubarak, suốt nhiều năm trời, những nhà cầm quyền này cũng thay nhau biến mất, nhưng al-Queda thì lại đứng bên lề. Không, những người nổi dậy ở Libya cũng chính là những người đã đứng lên ở Ai Cập và Tunisia. Bắt đầu bao giờ cũng là trí thức, là những người có học. Họ là những thanh niên có học vấn nhưng không có việc làm.

Thực ra ở Libya không có nhiều đến thế - hơn nữa, mức sống ở đấy cũng cao hơn. Không có người đói, nhà ổ chuột cũng không… Hiện tượng Libya cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở các nhân tố kinh tế…” 

“Vấn đề là chế độ đàn áp quá mức, không chấp nhận bất kì lực lượng đối lập nào, không chia xẻ quyền lực với bất kì ai”, giáo sư John Esposito, thuộc trường đại học Georgetown nói với ban tiếng Nga của VOA như thế, “Và nhân dân đã đứng lên chống lại”. “Đây còn là phản ứng chống lại hệ thống kinh tế không hiệu quả, chống lại việc vi phạm quyền con người. Và chống lại hiện tượng là số phận của đất nước phụ thuộc vào cách nhà cầm quyền lựa chọn người kế vị - một trong những người con của ông ta hay là một người nào đó trong giới quân nhân”. 

“Bốn mươi hai năm cầm quyền của một con người – đấy là vần đề”, George Mirky nói tiếp, “một người mà ai cũng chán ngấy rồi. Nếu không có Tunisia và Ai Cập thì có thể sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra trong nhiều năm nữa. Nhưng đây là thế giới Arab – không có Tunisia thì không có Ai Cập, không có Ai Cập thì không có Libya. Họ coi nhau là anh em và theo dõi một cách chăm chú những chuyện xảy ra trong nhà hàng xóm…”. 

Thế thì tại sao cuối cùng sự bất bình lại lên tới đỉnh điểm? “Thanh niên Libya có học vấn không tồi”, Vladimir Isaev nhận xét, “Nhưng lại không có cái thang cho người ta đi lên. 

Nói cách khác, không có đường hoạn lộ, không thể kiếm được chức vụ tử tế - dĩ nhiên đấy là nói những người không nằm trong băng đảng của Gaddafi. Băng đảng này đã chiếm được vị trí không tồi, trong hơn bốn mươi năm qua băng đảng này đã củng cố được địa vị của mình và đã chiếm được tất cả các vị trí lãnh đạo trong xã hội cũng như trong nền kinh tế… Và bằng cách đó, họ đã chặn hết đường sống của những người khác. Những người đó đã nổi lên chống lại Gaddafi – ban đầu là bằng những lá cờ ba màu và sau đó là bằng súng đạn”. 

Lãnh tụ - chức vụ không phải do dân bầu 

Đấy là cơ sở của phe đối lập. Còn chế độ cầm quyền và lãnh tụ của nó thì sao? 

“Ở đây có một chi tiết cực kì quan trọng”, Vladimir Isaev tiếp tục, “nhà lãnh đạo Libya không phải là người của bộ lạc đông dân nhất và hùng mạnh nhất. Sự kiện này đã và đang tạo ra sự bất bình trong xã hội với cơ cấu bộ lạc như ở Libya. Trước hết là trong những người có thế lực nhất của bộ lạc Kirenaika, họ không chấp nhận việc nắm quyền quá lâu của một bộ lạc không đáng kể - đấy là theo quan điểm của họ - mà đại diện của bộ lạc này lại trở thành người đứng đầu quốc  gia”. 

Gaddafi-độc tài là người thế nào? Có thể so sánh ông ta với ai? “Không thể so với ai”, Goerge Mirsky nói, “Ông ta là một người độc đáo. Không có người nào lập dị và kì cục như ông ta. Không phải vô tình mà người Arab lại gọi ông ta thằng điên: với nền “dân chủ trực tiếp” của ông ta, với những cố gắng nhằm thống nhất, khi thì với Ai Cập, khi thì với Algery, khi thì với Tunisia, với sự ủng hộ bọn khủng bố quốc tế của ông ta, với cách  sống của ông ta nữa. Chẳng ai coi ông ta ra gì. Nhưng đồng thời lại phải thận trọng với ông ta: đấy là đất nước giàu có nhất. Ngoài ra, vì muốn đứng đầu châu Phi cho nên ông ta đã đi khắp các nước, ông đã dạy bảo tất cả mọi người phải sống như thế nào. Nói chung người ta buộc phải tính tới ông ta. Còn một điều không kém phần quan trọng nữa: Mubarak và Ben Ali, nói chung đều là những người vô tình nắm được quyền lực: những người tiền nhiệm có số phận không may và lúc đó họ chính là những người đứng gần chiếc ghế tổng thống nhất.  Thế là họ ngồi lên. Còn Gaddafi thì tự mình làm cách mạng: một sĩ quan trẻ tuổi tụ tập xung quanh mình nhóm người và lật đổ nhà vua. Nói cách khác, đây là con người tự làm nên sự nghiệp: ông ta tự làm lấy tất cả và tham vọng của ông ta là tham vọng của một lãnh tụ vĩ đại, một nhà lãnh đạo mang tầm quốc tế. Và ông ta sẽ giữ quyền lực cho đến cùng…”. 

Nhà nước mà một kẻ xuất thân từ bộ lạc al-Gaddafi thành lập là nhà nước kiểu gì? “Từ Jamahiria” mà nhà lãnh đạo Libya đưa vào ngôn ngữ Arab có thể được dịch là quần-chúng-nhân-dân”’, Vladimir Isaev nói, “Chế độ ở Libya là một chế độ đặc biệt, không đâu có: trong nước không có chính phủ. Chính quyền địa phương nằm trong tay các ủy ban nhân dân. Nếu người đứng đầu ủy ban này không được lòng dân chúng khu vực thì dân chúng có quyền họp lại (không cần ai cho phép) và bầu ra người mới. Người chủ tịch cũ chỉ còn mỗi việc là từ chức”. 

Cách mạng thường trực à? “Đương nhiên”, Vladimir Isaev nhận xét như thế, “đúng theo kiểu của Trotsky. Đồng thời có cả những tư tưởng của Prudon và Kropotkin nữa. Có thể gọi đây là chế độ chuyên chế theo đúng nghĩa của từ này không? Bởi vì thường thì chuyên chế có nghĩa là đàn áp”. 

“Trong khi đó”, nhà Arb học ở Moskva nói tiếp, “Ở Libya không có các vụ đàn áp lớn – đấy là nói trước khi xảy ra những chiến dịch quân sự. Gaddafi làm gì? Đẩy phe đối lập ra nước ngoài ư? Người nào trong thế giới Arab không làm như thế? Lập ra các trại tập trung theo kiểu Stalin ư? Không có gì như thế cả. Giết những người phản đối ư? Cũng không thể nói như thế được. Không có gì ngạc nhiên khi ông ta trả lời tất cả những lời kết án bằng cách nói như sau: “Xin lỗi, tôi chẳng dành cho nhân dân quyền lực rộng rãi đó ư? Có dành. Trong nước có dịch vụ y tế miễn phí ư? Có. Giáo dục? Cũng có luôn. (Nhân tiện xin nói thêm là lương hưu ở Libya bằng 80% lương chính). Các vị còn muốn gì nữa? Muốn tôi từ chức ư? Nhưng tôi có giữ chức vụ nào đâu. Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng thường trực – theo kiểu Trotsky - ở Libya. Các vị không thể cách chức tôi vì đơn giản là đây không phải là chức vụ do dân bầu”.

Dầu hỏa và vũ khí 

Đấy là quan điểm vế chính quyền. Còn lực lượng vũ trang? “Ông ta có nguồn lực”, George Mirsky nhấn mạnh, “Quân đội không đáng kể, chỉ có 50 ngàn người. Người ta có thể nghĩ rằng khi có nhiều tiền từ dầu lửa như thế thì có thể xây dựng một đội quân hùng mạnh. Nhưng không, ông ta xây dựng những đơn vị tinh nhuệ, ông ta tụ họp bọn lính đánh thuê từ các nước châu Phi: Chad, Sudan, Mavritania”. “Cả từ Serbia nữa”, John Esposito nói tiếp, “mà lại từ thời Miloshevich còn cầm quyền cơ. Tiền thu từ dầu khí được ông ta chi cho các đơn vị quân sự người nước ngoài chứ không dùng để mua lòng trung thành của dân chúng”.  

Thế còn vũ khí? “Ông ta cò hơn một trăm máy bay Liên Xô”, George Mirsky nói, “ông ta còn có xe tăng, có tên lửa kiều Grad và Kachiusha. Hai tuần trước những tưởng rằng giờ cáo chung của ông ta đã điểm. Nhưng hóa ra là không: ông ta đã lợi dụng được thời gian và chuyển sang phản công. Vì vậy mà bây giờ ông ta có thể dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Điều duy nhất có thể ngăn chặn ông ta là loại bỏ lực lượng không quân. Vì vậy câu hỏi quan trọng nhất là: có thể lập vùng cấm bay hay không?” 

Quyết định lập vùng cấm bay đã được thông qua. Nhưng theo Vladimir Isaev thì vấn đề phức tạp hơn. “Đóng cửa bầu trời tức là phải tiêu diệt hệ thống phòng không. Nói cách khác, các cuộc tấn công trên mặt đất sẽ còn tiếp tục”, nhà chính trị học này nói như thế. 

Tiếp theo sẽ là gì? “Chưa rõ”, Isaev nói tiếp, “Vì tất cả mọi người đều chống lại việc đưa quân đội ngoại quốc vào. Thế mà quyền chủ động lại nằm trong tay quân đội chính phủ. Có vẻ như quyết định đóng cửa bầu trời được thông qua quá muộn. Vì rằng những người nổi dậy không thể cầm cự được lâu. Và không nghi ngờ gì rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ yêu cầu đưa quân đội nước ngoài vào để bảo vệ thường dân. Sẽ phải làm gì? Phải thông qua những nghị quyết khác? Hay là làm như đã làm với Saddam?” 

“Cộng đồng thế giới đã mất không ít thì giờ cho những chuyện nhảm nhí”, John Esposito khẳng định như thế, “Tất cả mọi người đều nói về việc ủng hộ dân tộc đang vùng lên, nhưng lại không có hành động can thiệp thực sự. Liệu cuộc can thiệp hiện nay đã muộn chưa? Đưa quân vào nghĩa là chiếm đóng. Nhưng một vấn đề khác cũng quan trọng: nếu cộng đồng thế giới chấp nhận những điều đang diễn ra hôm nay thì uy tín của nó sẽ bị ảnh hường, mà ảnh hưởng một cách tiêu cực nhất”.

Còn một câu hỏi nữa: người ta có thể chờ đợi gì từ Gaddafi, một người đã mất hết uy tín trên trường quốc tế? Liệu ông ta có kêu gọi những người Hồi giáo cực đoan giúp đỡ không? Chắc là không, Vladimir Isaev cho là như thế: mời họ vào thì dể, nhưng đưa họ ra thì khó hơn nhiều. “Ngoài ra”, nhà bình luận này nói thêm, “nhà cầm quyền Libya đi theo con đường khác: xùy những lợi ích kinh tế ra cho nước ngoài, mà không phải là những nước phát triển nhất. Quan hệ với Pháp và các nước khác đã bị phá hủy. Các công ty của Pháp và Ý đã làm việc nhiều năm ở Libya bây giờ sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Nga đã liên minh với cộng đồng này cho nên cũng sẽ không đến Libya nữa. Nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thế chỗ cho Nga. Khi có mùi dầu hỏa thì mọi người đều trở thanh thực dụng hết”. 


No comments:

Post a Comment