Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.
Bài 7
Kay S. Hymowitz: Có, rất hay xảy ra
Phạm Nguyên Trường dịch
Sự kiện là thị trường tự do tán dương chủ nghĩa khoái lạc và tinh thần tự chủ đã tạo ra những ảnh hưởng có thể đoán trước được đối với những người ít học – người nghèo và gần đây là cả giai cấp công nhân nữa. Trong những cộng đồng có thu nhập thấp, cuộc tấn công vào tính tự chế và lòng trung thành trong các mối quan hệ cá nhân đã làm suy yếu cả những gia đình hạt nhân lẫn gia đình mở rộng. Trong nhiều cộng đồng như thế, li dị và sinh con ngoài giá thú đang trở thành hiện tượng tự nhiên.
Các nhà phê bình đã nhận xét rất đúng rằng thị trường tự do làm suy yếu những phong tục truyền thống, mang tính địa phương, mà người dân vẫn dùng để duy trì đạo đức và truyền lại cho thế hệ sau. Xin hãy xem xét trải nghiệm của trẻ con. Trẻ con học những bài học đạo đức đầu tiên từ trong gia đình, tức là từ những người mà chúng có những quan hệ gắn bó nhất về mặt tình cảm. Tình yêu gắn bó trẻ con với những qui tắc đạo đức và đánh thức những xúc cảm đạo đức quan trọng nhất như sự đồng cảm và tội lỗi. Trong các xã hội tiền công nghiệp, những tập quán đạo đức này được bộ lạc, làng xóm cũng như các định chế tôn giáo và truyện kẻ dân gian củng cố thêm. Đứa trẻ đang lớn được bao bọc bởi “tổ chức bí mật” của những ông thày đức dục, tức là những người trình bày những bài học về cách sống bằng lời và (đôi khi) bằng hành động nữa.
Kinh tế thị trường ảnh hưởng tiêu cực đối với “tổ chức bí mật” về văn hóa này theo ba cách sau đây. Thứ nhất, nó giúp người ta tiếp xúc với những điều mới mẻ, thách thức các truyền thống văn hóa và giá trị đạo đức cũ. Thứ hai, nó khuấy động những ước muốn của người ta – nhờ đó mà thị trường mới hưng thịnh được - biến chúng thành tác nhân dễ dàng làm suy giảm khả năng tự chế và trách nhiệm đạo đức. (Nhà xã hội học Daniel Bell có câu nói nổi tiếng rằng thị trường có thể cáo chung bằng cách ăn thịt nền tảng đạo được của chính mình). Và thứ ba, cùng với sự phát triển, có vẻ như kinh tế thị trường càng ngày càng đối xử với đứa trẻ còn đang lớn như là đối xử với một người đã có thể tự chủ, như với một tác nhân đã trưởng thành chứ không phải như với một “nhóc tì”. Kết quả là từ một đứa học trò dễ bảo, đang phải tiếp thu những giá trị đạo đức, trẻ con trở thành người đa nghi, thậm chí thành một kẻ phản kháng không coi ai ra gì.
Hai sản phẩm được phát minh và có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỉ XX là ô tô và vô truyến truyền hình có thể được coi là những thí dụ điển hình về khả năng phá hoại của thị trường đối với sự đồng thuận về mặt đạo đức và lòng trung thành của cá nhân. Ô tô làm cho người ta dễ dàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác và vì vậy mà đã làm suy yếu ảnh hưởng của cộng đồng địa phương và những tiêu chuẩn đạo đức của họ. Nhờ có ô tô người cha có thể đi làm xa nhà và vì thế sự chia tách giữa công việc và đời sống gia đình cũng diễn ra nhanh hơn. Nói cho ngay, sự phát triển của thị trường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “những lĩnh vực tách biệt nhau”, kết quả là bà mẹ trở thành nội tướng còn ông bố thì là người đi làm ăn xa.
Ô tô còn làm cho các thành viên trong gia đình mỗi người tản mác một phương (cô chú ở California, còn ông bà thì ở tận Florida), mà trước kia đấy chính là những người giúp cho trẻ em nâng cao nhận thức về mặt đạo đức. Nó tạo điều kiện cho người ta trở thành những kẻ “nặc danh”, kết quả là người ta không còn cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng khi có những hành động vi phạm đạo đức nữa; đặc biệt là các thanh niên mới lớn, họ có thể tránh được ánh mắt chê trách của người lớn. Trong những năm đầu thế kỉ XX một vị thẩm phán chuyên trách các vụ án người vị thành niên khi nhận xét về cách giới trẻ sử dụng phát minh mới đã gọi loại xe không cần ngựa kéo này là “nhà thổ trên những bánh xe”.
Ảnh hưởng tiêu cực đối với lĩnh vực văn hóa của truyền hình, và đặc biệt là của quảng cáo, còn đáng ngại hơn là ô tô. Trước khi có màn ảnh nhỏ, các gia đình có thể tiến hành việc giáo dục đạo đức mà không bị thương mại can thiệp vào. Nói theo lời của nhà xã hội học Christopher Lasch thì đời sống gia đình là “bến đỗ trong một thế giới nhẫn tâm”. Dĩ nhiên là những người bán hàng có thể đi đến thành phố X nào đó, nhưng họ phải gõ cửa và bày những món hàng trước người gác cổng, mà thường đấy lại chính là người mẹ trong gia đình. Truyền hình cho phép những người bán hàng đẩy cha mẹ sang một bên và ngồi xuống ngay bên cạnh đức trẻ chưa chín chắn về mặt đạo đức và tìm cách quyến rũ nó, trong khi đứa trẻ chưa biết cách tự vệ trước những khoái lạc mà họ bày ra ngay trước mắt. Nói chung, truyền hình thường sử dụng những câu chuyện tưởng tượng về sự báo thù, bạo lực, dâm loạn và thừa mứa về mặt vật chất nhằm lôi kéo người xem, già cũng như trẻ.
Hiện nay Internet đã hất cẳng được truyền hình và trở thành người bảo trợ chính cho chủ nghĩa khoái lạc, thái độ sùng bái vật chất và chủ nghĩa cá nhân vô chính phủ. Nếu như truyền hình còn có những người kiểm duyệt, dù vụng về đi nữa, thì những người đó cũng thể hiện được một sự đồng thuận nào đó về những ý tưởng có thể được nói một cách công khai, thì mạng toàn cầu không công nhận bất cứ hạn chế nào. Hơn nữa, nếu như ô tô có thể tạo cho người nhà quê khả năng trở thành “nặc danh” thì the Internet cho phép trẻ con bước ra khỏi những hạn chế mà đáng lẽ ra chúng phải tuân thủ. Biểu tượng rõ nhất của việc thị trường có khả năng biến trẻ con thành người lớn-giả, có khả năng hủy hoại uy tín của cha mẹ và thúc đẩy sự nặc danh đáng xấu hổ nói trên là cảnh một bé gái mười ba tuổi hẹn gặp với một người đàn ông bốn mươi tuổi trên Internet chat room trong khi cha mẹ cô bé tưởng rằng cô đang làm bài.
Nhưng không phải tất cả đều là xấu hết. Ngay cả khi thị trường có làm suy yếu các tiêu chuẩn của cộng đồng và đặt toàn bộ trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục đạo đức lên vai những người làm cha làm mẹ, trong khi tiếp tục tấn công trẻ con bằng những trò chơi như Kẻ đánh cắp ô tô (Grand Theft Auto) và cảnh sống xa hoa của Paris Hilton nhưng nó vẫn chưa biến chúng ta thành Gomorrah[1]. Theo các số liệu thống kê ở Mĩ, trong mấy thập kỉ gần đây tình trạng phi đạo đức của trẻ vị thành niên như bạo hành, lang chạ và thái độ chống đối người lớn đã giảm, mặc dù các phương tiện điện tử đã giúp khuếch trương ảnh hưởng của thị trường.
Vì sao? Một trong những lí do là phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu đã phản ứng với sự quyến rũ của thị trường bằng cách để ý nhiều hơn đến con em của mình. Những cố gắng của họ đôi khi đã bị người ta chế nhạo - có đủ lí do để làm như thế. Nhưng sự bảo bọc quá đáng của phụ huynh là phản ứng có thể hiểu được trước tác động gây nhiễu do những cách tân của thị trường tự do gây ra. Sự bảo bọc như thế trên thực tế cũng chứng tỏ sự kiên cường – ít nhất là trong tầng lớp trung lưu – của gia đình tư sản, một kiểu gia đình đã tiến hóa nhằm đáp trả trước những thách thức của chủ nghĩa tư bản. Trong những cộng đồng, nơi mà những bà mẹ cũng đi làm còn họ hàng thì sống ở xa trong khi xung quanh toàn là người lạ và xe cộ, cha mẹ theo dõi con cái thông qua điện thoại di động, thông qua các chương trình ngoại khóa, thông qua các giáo viên và huấn luyện viên thể thao, và lạy Chúa tôi, thông qua cả những chương trình gián điệp trên Internet hoặc thậm chí thông qua cả mạng định vị toàn cầu nữa.
Phải công nhận rằng đạo đức của giới trẻ cũng được củng cố vì thị trường tự do thường xuyên khuyến khích người ta tính kỉ luật. Giới trẻ hiểu rằng muốn thành công trong nền kinh tế tri thức hiện nay thì phải học giỏi ngay từ trên ghế nhà trường. Mặc cho những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ, con em của giai cấp trung lưu và những đứa trẻ nhập cư đầy tham vọng đang lớn lên cùng với nhận thức rằng giáo dục là thành tố quyết định cho việc giữ gìn và cải thiện địa vị của họ và rằng cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế trí thức là rất khốc liệt. Trong những ngày xa xưa, trẻ con thấm nhuần tinh thần đạo đức Tin lành, thường giúp đỡ cha mẹ và cố gắng ứng xử hợp đạo lí. Trẻ con ngày nay bị nhà trường nhồi sọ và đeo trên lưng những cái cặp nặng tới 40 pound.
Như vậy là những người phê phán sai ư? Không hoàn toàn như thế. Sự kiện là thị trường tự do tán dương chủ nghĩa khoái lạc và tinh thần tự chủ đã tạo ra những ảnh hưởng có thể đoán trước được đối với những người ít học – người nghèo và gần đây là cả giai cấp công nhân nữa. Trong những cộng đồng có thu nhập thấp, cuộc tấn công vào tính tự chế và lòng trung thành trong các mối quan hệ cá nhân đã làm suy yếu cả những gia đình hạt nhân lẫn gia đình mở rộng. Trong nhiều cộng đồng như thế, li dị và sinh con ngoài giá thú đang trở thành hiện tượng tự nhiên. Trong nền kinh tế thị trường đã phát triển, giáo dục đạo đức cho thế hệ sau là một công tác khó khăn, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất. Đối với một bà mẹ đơn thân, lại sống trong khu vực nghèo khổ, nơi mà trường không ra trường, lớp không ra lớp, còn đàn ông có trách nhiệm thì đốt đuốc tìm cũng không thấy, thì đấy có thể gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Kay S. Hymowitz là cộng tác viên khoa học của viện Manhattan và là bình luận viên của tờ City Journal, tác phẩm mới nhất của bà: Marriage and Caste in America: Separate and Unequal Families in a Post-Marital Age.
[1] Theo Kinh Cựu Ước, Gomorrah là thành phố của Palestine, ổ gần Sodom; người dân ở hai thành phố này sống quá phóng túng, trụy lạc, cho nên đã bị Chúa Trời thiêu hủy.
No comments:
Post a Comment