December 4, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (3)

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ 


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch


Chương 3

Các lý thuyết về quan hệ quốc tế

 Leigh Ann Hester, trung sĩ Vệ binh Quốc gia Mỹ, 23 tuổi, đã phản ứng lại trước cuộc phục kích của những người nổi dậy chống chính phủ Iraq bằng cách chỉ huy đơn vị của mình lao vào phản công. Đơn vị của cô đã cứu đoàn chiến xa và tiêu diệt được 27 quân nổi dậy, làm bị thương sáu người, và bắt được một người. Hester không chỉ là người chỉ huy dũng cảm, mà còn rất thông minh. Bằng cách đưa đơn vị của mình ra khỏi khu vực hỏa lực của bọn phục kích, đơn vị của Hester đã có thể tấn công vị trí của quân nổi dậy từ hai bên cánh gà với hiệu quả cực kỳ cao. Do thành tích chỉ huy trong trận này, tháng 6 năm 2005, trung sĩ Hester được tặng huy chương chiến công hạng ba – Ngôi Sao Bạc - cô là người phụ nữ thứ hai, từ sau Thế chiến II, được trao huy chương này.

Nhiều phụ nữ đã chiến đấu và hi sinh trong vụ can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq (2003– 2011) hơn là tất cả các cuộc chiến tranh từ thời Thế chiến II cộng lại. Đúng như thế, dù mãi tới tháng 12 năm 2015 phụ nữ Mỹ vẫn không được phép phục vụ trong các đơn vị chiến đấu, phải tới lúc đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter, mới chính thức hủy bỏ quyết định đã có hiệu lực trong thời giàn dài này. Vì quân đội không còn chỉ chiến đấu trên tuyến đầu với những khu vực hậu phương tương đối an toàn, cho nên những phụ nữ này đã thiệt mạng ở Iraq và Afghanistan. Hiện nay, và trong tương lai có thể thấy được, bộ binh và thủy quân lục chiến đánh nhau trên bộ phải đối mặt với những mối đe dọa có thể đến từ bất kỳ hướng nào và bất kỳ lúc nào.

Phụ nữ phục vụ trong các khu vực tác chiến thường phải đối mặt với những rủi ro như nam giới và phải phản ứng y như các chiến hữu nam giới của mình. Nhưng, họ bị phân biệt đối xử, cả trong giai đoạn tại ngũ cũng như sau này; trong giai đoạn tại ngũ, có nhiều khả năng là họ còn bị tấn công tình dục. Nhiều nữ cựu chiến binh trong cuộc chiến Iraq rất ngạc nhiên khi thấy rằng khi họ trở về nhà, họ không được tôn trọng bằng những bạn đồng ngũ nam giới. Một cựu chiến binh Lục quân Mỹ hoàn toàn có lý khi nói một cách tức giận: “Chiến tranh chẳng thèm quan tâm tới công việc bạn làm, đằng nào chúng tôi cũng sẽ bị giết… Chúng tôi bị nổ  tung lên ngay bên cạnh những người đàn ông. Chúng tôi sử dụng bất kỳ vũ khí nào mà mình có thể nắm được trong đôi bàn tay nhỏ bé của mình. Chúng tôi đã ở mặt trận!”[1] Hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ trong quân đội Mỹ không phải là độc nhất vô nhị, nhưng nó thể hiện rõ quan điểm phê phán sâu sắc hơn, về mặt lý thuyết, về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, cả trong lịch sử lẫn giai đoạn hiện nay. Đâu là cội nguồn của qui định cấm đoán, đã có từ lâu, là không cho phụ nữ làm nhiệm vụ chiến đấu? Việc hạn chế vai trò của phụ nữ trong quân đội có ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm của chúng ta về tiềm năng của phụ nữ trong vai trò người lãnh đạo trong các lĩnh vực hoạt động khác? Nền chính trị thế giới có khác đi nếu phụ nữ và nam giới trên toàn thế giới đều có cơ hội bình đẳng như nhau, và nếu khác, thì khác như thế nào? Các lý thuyết về quan hệ liên quốc gia sẽ cung cấp đáp án.

Đối tượng nghiên cứu

- Giải thích ý nghĩa của việc nghiên cứu các quan hệ quốc tế từ quan điểm lý thuyết.

- Tìm hiểu vì sao các học giả quan tâm tới “cấp phân tích” (levels-of-analysis) [Cấp phân tích (levels-of-analysis) được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội để chỉ vị trí, và quy mô của mục tiêu nghiên cứu – ND].

 - Giải thích những nguyên lý quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cấp tiến và thuyết kiến tạo. Tìm hiểu những phê phán của chủ nghĩa nữ quyền đối với từng quan điểm vừa nêu.

- Sử dụng các quan điểm lý thuyết khác nhau để phân tích các sự kiện quốc tế đương đại.

Tư duy bằng lý thuyết

Lý thuyết là tập hợp các định đề và khái niệm, kết hợp lại nhằm giải thích các hiện tượng - bằng cách xác định các mối quan hệ giữa các định đề. Mục tiêu cuối cùng của lý thuyết là dự đoán các hiện tượng. Những lý thuyết tốt có thể giải thích các sự kiện ở những không gian (ví dụ, lý thuyết có giá trị ở Argentina cũng như ở Morocco) và thời gian khác nhau (ví dụ, có thể sử dụng cho cả hiện tại cũng như cho thế kỷ X). Các lý thuyết tốt tạo ra các giả thuyết có thể kiểm chứng được: Những lời phát biểu có thể kiểm sai (falsifiable)[2] đặt vấn đề về quan hệ đặc thù giữa hai hay nhiều biến. Bằng cách kiểm tra các nhóm giả thuyết liên quan với nhau, các lý thuyết bị loại bỏ hay được ủng hộ và trau chuốt - nhưng không bao giờ được “chứng minh” một cách hoàn toàn thuyết phục - khi tìm thấy những mối quan hệ mới thì phải kiểm tra lại.

Ví dụ nổi tiếng về lý thuyết đầy sức mạnh từ khoa học tự nhiên là thuyết tiến hóa của Charles Darwin (1809-1882). Thuyết lựa chọn tự nhiên của Darwin và khái niệm về sự sống sót của sinh vật có khả năng thích nghi nhất của ông lý giải điều mà trước đây đã làm người ta lúng túng: Sự khác biệt về màu lông và mỏ của cùng loài chim nhưng sống trong những môi trường khác nhau. Chúng ta nói rằng lý thuyết Darwin đầy sức mạnh vì lý thuyết này đã vượt qua nhiều thử thách; logic của nó là nhất quán, ngay cả khi áp dụng với những bằng chứng mà khi xây dựng lý thuyết, Darwin không hề biết. Do đó, cả trong khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, chúng ta đều không bao giờ cho rằng lý thuyết được “chứng minh” hay “đã được giải quyết” hay “là sự thật ”. Lý thuyết, dù là thuyết của Darwin hay thuyết của Albert Einstein hay của Kenneth Waltz luôn luôn có thể bị lật nhào hoặc bác bỏ bởi bằng chứng mới hay lý thuyết mới tốt hơn. Do đó, các lý thuyết không phải là những lời giải thích được các nhà khoa học “tin tưởng”. Mà, chúng ta nói các lý thuyết mạnh hơn hoặc yếu hơn, hay được nhiều người hoặc ít người ủng hộ.

Chuyển từ mô tả sang giải thích, rồi sang lý thuyết, ri từ lý thuyết đến các giả thuyết có thể kiểm chứng, không phải là quá trình hoàn toàn tuyến tính. Mặc dù các lý thuyết dựa trên diễn dịch theo lối logic các giả thuyết từ các giả định và kiểm nghiệm các giả thuyết khi ngày càng nhiều dữ liệu trong thế giới thực tế được thu thập, chúng ta thường phải sửa đổi hoặc điều chỉnh các lý thuyết. Quá trình này, một phần, là áp dụng một cách sáng tạo, trong đó, chúng ta phải chấp nhận sự mơ hồ, quan tâm đến xác suất và không tin vào những cái tuyệt đối.

Chú thích ảnh: Việc phá hủy tượng Saddam Hussein ở Baghdad trở thành biểu tượng cho việc đánh bại của chế độ ông ta, năm 2003, trước liên minh do Mỹ dẫn đầu. Lý thuyết có thể giúp chúng ta hiểu vì sao Saddam có nguy cơ phải đánh nhau với đất nước hùng mạnh hơn và vì sao Mỹ lại quyết định xâm lược Iraq.

Các lý thuyết về quan hệ quốc tế (IR) được trình bày dưới những hình thức khác nhau. Trong chương này, chúng tôi giới thiệu bốn lý thuyếttổng quát trong nghiên cứu quan hệ quốc tế: chủ nghĩa hiện thực (và chủ nghĩa tân hiện thực), chủ nghĩa tự do (và chủ nghĩa hiến định tân tự do - neoliberal institutionalism ), chủ nghĩa cấp tiến (radicalism - trong trường hợp này là chủ nghĩa Marx) và thuyết kiến tạo xã hội. Giải thích những sự kiện quan trọng và phức tạp như chiến tranh, hòa bình, áp bức, phát triển kinh tế và khủng hoảng là những nỗ lực đầy tham vọng; Những giải thích đòi hỏi phải thường xuyên được kiểm tra và liên tục được xét lại. Trước khi khảo sát các lý thuyết này một cách chặt chẽ hơn, chúng ta áp dụng ba cấp phân tích - công cụ mà các lý thuyết gia về quan hệ quốc tế sử dụng để xoay sở trước sự phức tạp dễ làm người ta lúng túng trước thế giới thực – nước Mỹ năm 2003 và cuộc xâm lược Iraq của liên minh.

Lý thuyết và cấp phân tích

Mỹ và đồng minh đã xâm lăng Iraq vào năm 2003. Tìm hiểu vì sao và khi nào diễn ra cuộc xâm lược có thể là yếu tố quyết định trong việc thách thức lý thuyết về quan hệ quốc tế hiện nay - và ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai. Vậy thì, đâu lời giải thích tốt nhất về cuộc xâm lược? Chúng ta có thể lập danh sách những lời giải thích có thể chấp nhận được theo ba cấp phân tích (Hình 3.1). Chia phân tích chính trị quốc tế thành cấp giúp định hướng các câu hỏi của chúng ta và gợi ý loại bằng chứng thích hợp cho quá trình khảo sát. Quan tâm đến các cấp phân tích giúp chúng ta rút ra những suy luận hợp logic và tạo điều kiện cho chúng ta khảo sát những lời giải thích thuộc tất cả các phạm trù.

Kenneth Waltz là người đầu tiên tiến hành phân loại, J. David Singer bàn rộng thêm bằng cách đưa ra ba nguồn giải thích khác nhau. Nếu trọng tâm là cấp cá nhân, thì tính cách, quan điểm, lựa chọn và hoạt động của những người ra quyết định (ví dụ, Saddam Hussein và George W. Bush) và những người tham gia (ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và những người con của Saddam) sẽ cung cấp cho chúng ta lời giải thích. Nếu trọng tâm là cấp nhà nước, hoặc các thành tố đối nội thì lời giải thích sẽ có nguồn gốc là đặc điểm của nhà nước: Chính phủ (ví dụ, dân chủ hay độc tài), hệ thống kinh tế (ví dụ, tư bản hay xã hội chủ nghĩa), các nhóm lợi ích trong nước, hay thậm chí là các nhóm lợi ích trên bình diện quốc gia. Nếu trọng tâm là cấp hệ thống quốc tế, thì giải thích phụ thuộc vào những đặc điểm của hệ thống đó (ví dụ, cách phân chia “quyền lực”) hoặc liên quan tới các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như thế mạnh và những điểm yếu tương đối của những tổ chức này[3].

Box 3.1 trang 76 phân loại những giải thích về cuộc Chiến tranh Iraq theo những cấp phân tích vừa nói. Đương nhiên là, những giải thích thuộc cả ba cấp có thể đã đóng góp vào quyết định của Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003. Mục đích của lý thuyết là làm cho chúng ta hiểu rõ tư tưởng nào trong số những tư tưởng khác nhau đó là cần và đủ đề có thể giải thích về cuộc xâm lược này.

Mặc dù hầu hết các học giả về quan hệ quốc tế đều thừa nhận rằng cần chú ý tới các cấp phân tích, nhưng họ không đồng ý với nhau về việc cần bao nhiêu cấp thì mới giải thích được các sự kiện. Hầu hết các nhà chính trị học sử dụng từ ba đến sáu cấp. Mặc dù đưa thêm cấp phân tích có thể cho ta nhiều bối cảnh mang tính mô tả hơn, nhưng nó lại làm cho việc giải thích và dự đoán trở nên khó khăn hơn. Sự khác biệt quan trọng nhất trong lý thuyết phải là giữa cấp quốc tế và đối nội. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ sử dụng ba cấp đã nói bên trên: cá nhân, nhà nước và quốc tế.

Vì vậy, lý thuyết tốt phải giải thích một cách hiệu quả các hiện tượng ở một cấp phân tích cụ thể; lý thuyết tốt hơn phải đưa ra được lời giải thích trên các cấp phân tích khác nhau. Những lý thuyết tổng quát được trình bày trong phần còn lại của chương này đều là những lý thuyết bao trùm tất cả, nghĩa là kết hợp được cả ba cấp phân tích. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết đều không đơn giản hoặc không thống nhất như được trình bày ở đây. Nhiều học giả đã đưa ra các biến thể, sửa đổi, và những vấn đề cần thảo luận; thậm chí, theo  thời gian, họ còn thay đổi quan điểm. Như vậy là, mỗi lý thuyết ở đây chỉ được giới thiệu dưới dạng những tính chất thiết yếu nhất của nó mà thôi.

Ghi chú hình tròn đồng tâm:

 

Hình 3.1 Cấp phân tích quan hệ quốc tế

 

Vòng trong cùng: Cá nhân, Tính cách cá nhân, Nhận thức, Hoạt động, lựa chọn

Vòng thứ hai: Nhà nước → Kinh tế → Quyền lợi quốc gia → Các nhóm lợi ích → Chính phủ

Vòng thứ ba: Hệ thống quốc tế → chuẩn mực/luật lệ → Các công ty đa quốc gia → Các liên minh

           

Box 3.1

Những giải thích theo cấp phân tích về cuộc xâm lược Iraq, năm 2003, do Mỹ tiến hành

Cấp cá nhân

 

  1. Saddam Hussein là nhà lãnh đạo độc ác, đã phạm tội ác chống lại nhân dân nước mình và thách thức phương Tây.
  2. Saddam Hussein là người không có lý trí; nếu có lý trí ông ta đã đầu hàng lực lượng vượt trội của liên quân Mỹ-Anh.
  3. George W. Bush và các cố vấn của ông đã nhắm vào Saddam Hussein và Iraq ngay từ năm 2001.

 

Cấp nhà nước

 

  1. Mỹ phải bảo vệ an ninh quốc gia của mình, vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq đe dọa an ninh của Mỹ.
  2. Đuổi Taliban khỏi Afghanistan chỉ là bước đầu tiên trong cuộc chiến chống khủng bố; xâm lược Iraq, quốc gia ủng hộ khủng bố nổi tiếng, là bước thứ hai.
  3. Mỹ phải chắc chắn về nguồn cung cấp dầu, Iraq có trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới.
  4. Mỹ không được cho các nước ủng hộ khủng bố hay các nhóm khủng bố tiếp cận vũ khí hủy diệt hàng loạt.
  5. Xây dựng các chế độ A Rập tiến bộ là quyền lợi quốc gia của Mỹ ở Trung Đông.

 

Cấp hệ thống quốc tế

 

  1. Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Iraq phải được thi hành nhằm duy trì tính chính danh của Liên Hiệp Quốc.
  2. Hệ thống quốc tế đơn cực là hệ thống duy nhất có khả năng ứng phó với các mối đe dọa mà người ta cho là sẽ gây mất ổn định cho hệ thống, cuộc xâm lược của Mỹ là một trong những biểu hiện của khả năng này.
  3. Can thiệp nhân đạo - lật đổ những nhà lãnh đạo độc ác và thiết lập chế độ dân chủ - là đòi hỏi về mặt đạo đức của cộng đồng quốc tế.

 

 

Chủ nghĩa hiện thực (và chủ nghĩa tân hiện thực)

Chủ nghĩa hiện thực là sản phẩm của truyền thống lịch sử và triết học lâu đời, mặc dù việc áp dụng trực tiếp vào các vấn đề quốc tế mới diễn ra trong thời gian gần đây. Chủ nghĩa hiện thực phản ánh quan điểm của cá nhân như là người lúc nào cũng sợ hãi và luôn luôn tìm kiếm quyền lực. Các quốc gia hành động một cách nhất quán, nghĩa là mỗi quốc hành động nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia của mình, lợi ích này lại được xác định theo quan điểm quyền lực. Đến lượt nó, nghĩ về quyền lực là chủ yếu nghĩ về những nguồn lực vật chất cần thiết nhằm làm hại về thể chất hoặc ép buộc các nước khác: Nói cách khác, để chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh. Những nhà nước này sống trong hệ thống quốc tế vô chính phủ, thuật ngữ vô chính phủ nhấn mạnh sự thiếu vắng hệ thống thang bậc thẩm quyền (tức là, một nhà nước có sức mạnh, đủ sức chinh phục tất cả các nhà nưc khác). Những người theo thuyết hiện thực khẳng định rằng trong tình trạng vô chính phủ, các quốc gia trong hệ thống quốc tế chỉ có thể dựa vào chính mình. Mối quan tâm lớn nhất của họ là gia tăng sức mạnh tương đối của chính mình. Họ có thể làm như vậy bằng hai con đường: (1) chiến tranh (và chinh phục) hoặc (2) cân bằng (phân chia sức mạnh của các đối thủ thực sự hay đối thủ tiềm tàng bằng chính sách liên minh hoặc trừng phạt kinh tế, hoặc gia tăng sức mạnh của mình bằng cách xây dựng quân đội, hoặc sản xuất vũ khí làm cho kẻ thù phải sợ hãi).

Cội nguồn của chủ nghĩa hiện  thực

Thucydides, trong tác phẩm Lịch sử chiến tranh Peloponnesia, đã nêu ra ít nhất bốn trong số các giả định quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực[4]. Thứ nhất, đối với Thucydides, nhà nước (trong trường hợp này là Athens và Sparta) là tác nhân chính trong chiến tranh và trong chính trị nói chung, hệt như người theo thuyết hiện thực hiện nay. Mặc dù các tác nhân khác, ví dụ, các tổ chức quốc tế, có thể tham gia, nhưng ảnh hưởng của họ đối với hệ thống là không đáng kể.

Thứ hai, nhà nước được giả định là một tác nhân đơn nhất. Mặc dù Thucydides đưa vào các cuộc tranh luận đầy hấp dẫn giữa các quan chức khác nhau trong cùng một nhà nước, ông khẳng định rằng khi nhà nước quyết định tiến hành chiến tranh hay đầu hàng, nhà nước nói và hành động bằng một giọng nói. Không có tác nhân nào bên dưới cấp quốc gia tìm cách đảo ngược quyết định của chính phủ hoặc phá hoại lợi ích của nhà nước.

Thứ ba, người ban hành quyết định hành động nhân danh nhà nước được giả định là các tác nhân duy lý. Tương tự như phần lớn những người Hy Lạp có học thức, Thucydides tin rằng các cá nhân thực chất là những người duy lý: Họ chỉ quyết định sau khi đã cân nhắc những điểm mạnh và điểm yếu của các lựa chọn khác nhau trước các mục tiêu cần phải hoàn thành. Thucydides thừa nhận rằng, có những trở ngại tiềm tàng trong quá trình ban hành quyết định duy lý, trong đó có mơ tưởng của các nhà lãnh đạo, những mục đích và lợi ích quốc gia không rõ ràng, và hiểu sai đặc điểm của những người ban hành quyết định ở phía bên kia. Nhưng khái niệm cốt lõi – ban hành quyết định duy lý nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia – là có. Những người theo chủ nghĩa hiện thực hiện nay cũng nghĩ như vậy, các quyết định duy lý thúc đẩy lợi ích quốc gia - lợi ích của nhà nước - nhưng lợi ích quốc gia được định nghĩa như thế nào thì còn khá mơ hồ.

Thứ tư, Thucydides, tương tự như những người theo chủ nghĩa hiện thực hiện nay, quan tâm tới các vấn đề an ninh - nhà nước cần tự bảo vệ mình trước những kẻ thù ở cả trong lẫn ngoài nước. Nhà nước củng cố an ninh bằng cách gia tăng năng lực của mình ở trong nước, củng cố sức mạnh kinh tế, và thiết lập liên minh với quốc gia khác, trên cở sở quyền lợi tương tự nhau. Trên thực tế, Thucydides nhận thấy rằng trước và trong chiến tranh Peloponnesia, sợ hãi đối thủ đã thúc đẩy các quốc gia tham gia các liên minh - quyết định duy lý của các nhà lãnh đạo các quốc gia đó. Có lẽ phần nổi tiếng nhất trong tác phẩm Lịch sử Chiến tranh Peloponnesia là cuộc đối thoại ở Melos (Melian dialogue), Thucydides tóm tắt nguyên lý quan trọng nhất của tư duy hiện thực: “Kẻ mạnh làm những gì họ có thể, còn kẻ yếu hơn phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”. Nói một cách tổng quát hơn, các quốc gia có những quyền dựa trên quan niệm về trật tự mang tính đạo đức hoặc nguyên tắc xử thế được quốc tế công nhận, như những người theo phái tự do đề nghị hay không? Hay sức mạnh của quốc gia, trong trường hợp không có cơ quan quốc tế có thẩm quyền, là yếu tố quyết định?

Thucydides không làm rõ tất cả các nguyên lý của cái mà chúng ta hiện nay coi là chủ nghĩa hiện thực. Thật vậy, các nguyên lý và cơ sở của chủ nghĩa hiện thực đã hình thành qua nhiều thế kỷ, và không phải tất cả những người theo thuyết hiện thực đều đồng ý với nhau về những nguyên lý và cơ sở này. Ví dụ, sáu thế kỷ sau Thucydides, giám mục Kitô giáo và triết gia Saint Augustine (354–430) đã đưa thêm một giả định cơ bản nữa vào chủ nghĩa hiện thực, ông khẳng định rằng nhân loại bất toàn, ích kỷ và tư lợi, mặc dù không phải là tiền định. Augustine cho rằng chiến tranh là do những đặc điểm cơ bản này của nhân loại[5]. Mặc dù những người theo thuyết hiện thực sau này phản bác cách giải thích Kinh Thánh của Augustine về nhân loại bất toàn, bản chất là ích kỷ, ít người theo thuyết hiện thực phản bác quan niệm cho rằng con người cơ bản là tìm kiếm quyền lực và chỉ quan tâm tới mình.

Nguyên lý quan trọng nhất, hầu như tất cả các lý thuyết gia theo phái hiện thực đều chấp nhận là cản trở chính trong hành động của nhà nước “thiện lành hơn” - đặc biệt là nền hòa bình lâu dài - là các quốc gia sống trong hệ thống quốc tế vô chính phủ. Nguyên lý này đã được Thomas Hobbes khẳng định một cách mạnh mẽ (Chương 1) – ông này đã sống và trước tác trong một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử (Cuộc chiến tranh Ba mươi năm, 1618–1648, và cuộc Nội chiến ở Anh, 1641–1651). Hobbes khẳng định rằng hệt như các cá nhân sống trong “trạng thái tự nhiên” giả định phải chịu trách nhiệm và có quyền tự bảo vệ mình – trong đó có quyền sử dụng bạo lực để chống lại những người khác - mỗi nhà nước trong hệ thống quốc tế cũng phải làm như vậy. Trong chuyên luận nổi tiếng nhất của ông, Leviathan, Hobbes khẳng định rằng muốn chấm dứt cuộc chiến tranh liên miên trong một quốc gia thì phải có một ông hoàng duy nhất, đầy quyền lực, có thể làm cho tất cả những người khác nể phục: một Leviathan[6]. Áp dụng các luận cứ của mình cho các mối quan hệ giữa các các nhà nước có chủ quyền, Hobbes mô tả tình trạng vô chính phủ là nơi mà quy tắc của các quốc gia là “hướng vũ khí vào nhau và nhìn chằm chằm vào nhau”[7].  Khi không có chủ quyền quốc tế nhằm thực thi luật lệ thì chẳng có mấy luật lệ hay quy tắc có thể kiềm chế các quốc gia. Chiến tranh – theo định nghĩa của Hobbes là môi trường mà nền hòa bình không thể được đảm bảo - sẽ là vĩnh viễn.

Tóm lại, đến thế kỷ XX, người ta đã xác lập được hầu hết các nguyên lý quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực. Với hệ thống, trong đó không cường quốc duy nhất nào có khả năng áp đặt ý chí của mình lên tất cả những quốc gia khác (vô chính phủ), các quốc gia trong hệ thống này phải dựa vào chính mình. Vì ngay cả các nước trong cùng một liên minh, trong giai đoạn khủng hoảng, cũng có thể lưỡng lự hoặc từ chối giúp đỡ đồng minh, chính sách hợp lý duy nhất của nhà nước trong thế giới phải dựa vào chính mình là tìm kiếm quyền lực. Theo một người theo thuyết hiện thực nổi tiếng thời hậu Thế chiến II, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế, Hans Morgenthau (1904–80), ý tưởng này giải thích vì sao hòa bình trong hệ thống quốc tế này sẽ luôn luôn là hiện tượng hiếm có, khó tìm.

Chủ nghĩa hiện thực trong thế kỷ XX và XXI

Sau Thế chiến II, Morgenthau chấp bút tác phẩm tổng hợp có ảnh hưởng rất mạnh về chủ nghĩa hiện thực trong nền chính trị quốc tế và đưa ra cái mà ông khẳng định là tiếp cận mang tính phương pháp luận để kiểm tra lý thuyết này. Đối với Morgenthau, cũng tương tự như đối với Thucydides, Augustine và Hobbes, đặc điểm nổi bật nhất trong nền chính trị quốc tế là đấu tranh giành quyền lực. Cuộc đấu tranh này có thể được giải thích ở ba cấp phân tích: (1) cá nhân bất toàn trong trạng thái tự nhiên đấu tranh để tự bảo tn; (2) nhà nước tự trị và trung ương tập quyền liên tục bị lôi kéo vào các cuộc đấu tranh giành quyền lực, cân bằng quyền lực với quyền lực và phản ứng để bảo toàn lợi ích quốc gia; và (3) vì hệ thống quốc tế là hệ thống vô chính phủ - không có quyền lực mạnh hơn, đủ sức đánh bại các đối thủ cạnh tranh - cuộc sẽ đấu tranh không bao giờ ngưng. Vì phải đảm bảo cho sự sống còn của nhà nước, các nhà lãnh đạo có đạo đức khác với đạo đức của những người bình thường. Đối với những người theo thuyết hiện thực, đạo đức được đánh giá bằng những hậu quả chính trị mà chính sách tạo ra[8].

Cuốn sách giáo khoa quan hệ quốc tế của Morgenthau nhan đề Chính trị giữa các quốc gia (Politics among Nations) đã trở thành kinh thánh của những người theo thuyết hiện thực trong những năm sau Thế chiến II. Các hàm ý chính sách xuất phát tự nhiên từ lý thuyết, nói rằng kỹ thuật quản lý hiệu quả nhất quyền lực là cân bằng quyền lực. Người ta cho rằng cả George Kennan (1904–2005), một cây bút và chủ tịch bộ phận hoạch định chính sách của bộ ngoại giao Mỹ hồi cuối những năm 1940 và sau đó là đại sứ Mỹ ở Liên Xô, lẫn Henry Kissinger (sinh năm 1923), một học giả, cố vấn chính sách đối ngoại, và Bộ trưởng Ngoại giao thời tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, đều dựa vào thuyết hiện thực trong khi đưa ra các khuyến nghị chính sách.

Như chúng ta đã thấy trong Chương 2, Kennan là một trong những kiến ​​trúc sư của chính sách ngăn chặn được Mỹ áp dụng thời Chiến tranh Lạnh - một cách hiểu về cân bằng quyền lực. Mục tiêu của chính sách ngăn chặn là ngăn chặn quyền lực của Liên Xô, không cho Liên Xô khuếch trương ra những vùng nằm ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp hiện có của nước này (Đông Âu), do đó, cân bằng được quyền lực của Mỹ trước quyền lực của Liên Xô. Ngăn chặn là chính sách thay thế quan trọng cho chiến lược đua tranh gọi là “đẩy lùi”: Kết hợp đe dọa bằng vũ khí hạt nhân và quân sự thông thường để buộc Liên Xô rời khỏi Đông Âu và, đặc biệt là, rời khỏi nước Đức. Phân tích sắc sảo của Kennan về mục đích của Liên Xô và việc ông ta sợ tình hình sẽ mất kiểm soát và leo thang thành chiến tranh Thế giới III, cuối cùng đã dẫn đến việc Mỹ chấp nhận chiến lược ngăn chặn (containment strategy), dùng nó làm chính sách ngoại giao. Trong những năm 1970, Kissinger khuyến khích cân bằng quyền lực theo thuyết hiện thực cổ điển bằng cách hỗ trợ các cường quốc yếu hơn như Trung Quốc và Pakistan nhằm gây áp lực đối với Liên Xô và chống lại quyền lực ngày càng tăng của Ấn Độ. Lúc đó, Ấn Độ là đồng minh của Liên Xô.

Trong khi chủ nghĩa hiện thực dường như đưa ra được các chính sách rõ ràng, nhưng không phải tất cả những người theo thuyết hiện thực đều đồng ý thế nào là chính sách đối ngoại hiện thực lý tưởng. Những người theo thuyết hiện thực phòng vệ nhận xét rằng có rất ít cuộc chiến lớn - nếu quả thật là có - trong thế kỷ vừa qua kết thúc với kết quả là mang lại lợi ích cho nhà nước hay các nhà nước khởi sự chiến tranh. Họ khẳng định, các quốc gia bị đe dọa tìm cách cân bằng quyền lực với kẻ xâm lược, chắc chắn là mạnh hơn hẳn và đảo ngược được tình thế dù lợi thế ban đầu thu được có lớn đến đâu.

Những cố gắng của Saddam Hussein nhằm chinh phục và sáp nhập Kuwait, năm 1990, là ví dụ điển hình. Tháng 8 năm 1990, quân đội Iraq nhanh chóng áp đảo lực lượng phòng thủ yếu kém của Kuwait; sau chiến thắng, binh lính của Saddam tràn vào cùng với những vụ hãm hiếp và cướp bóc. Trước cuộc xâm lược này, Kuwait là một nhà nước Ả rập, nhiều dầu mỏ nhưng ít người biết. Ở nước này, một nhóm ưu tú cha truyền con nối cai trị đám dân chúng chủ yếu là những người hầu, được thuê từ các nước Ả Rập xung quanh (nhất là người Ả Rập gốc Palestine). Mặc dù những người phê phán chỉ ra rằng Kuwait không phải là nạn nhận thật sự đáng cứu, nhưng cuộc xâm lược của Saddam đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Năm 1991, liên minh các lực lượng vũ trang quốc tế, do Mỹ dẫn đầu, đã tràn vào Kuwait và nhanh chóng buộc quân đội Iraq rút lui và sau đó thì đầu hàng. Iraq bị buộc phải bồi thường tất cả các thiệt hại do cuộc xâm lăng gây ra, và chủ quyền của nước này bị teo lại bởi hai khu vực “cấm bay”, mục đích là bảo vệ người Kurd ở phía bắc và người Hồi giáo Shia ở phía nam, khỏi những vụ trả thù tàn bạo của Saddam. Nói cách khác, cuộc chinh phục không mang lại lợi lộc gì cho Iraq.

Đối với những người theo thuyết hiện thực phòng thủ, kết quả của cuộc chiến tranh Iraq, năm 1990, là một phần của mô hình lịch sử lâu đời về cân bằng hiệu quả (và không tránh khỏi). Trong trường hợp này, Saudi Arabia, Mỹ và những nước khác đã ủng hộ Kuwait nhằm cân bằng quyền lực của Iraq trong khu vực. Kết quả là, những người theo thuyết hiện thực phòng thủ khẳng định rằng các quốc gia trong hệ thống quốc tế nên theo đuổi chính sách kiềm chế, bằng các biện pháp quân sự, ngoại giao hay kinh tế. Có thể theo đuổi đường lối phòng thủ ôn hòa như vậy mà không dẫn đến mất niềm tin đến mức nguy hiểm giữa các quốc gia và, quan trọng hơn, không sợ quá trình leo thang không cố ý hoặc không kiểm soát được, dẫn tới các cuộc chiến tranh hao người tốn của.

Ngược lại, những người theo phái hiện thực tấn công nói rằng, thể hiện theo định kỳ rằng mình sẵn sàng tham chiến, mặc dù, trong ngắn hạn có thể là việc làm tốn kém, nhưng có thể thu được những món hời lớn, vì uy tín được nâng lên. Họ khẳng định rằng đe dọa bị xâm lược có thể trở thành động lực làm thay đổi lợi ích của quốc gia mà cuộc xâm lược nhắm tới, đưa các nước chống lại nước đang đe dọa, liên minh với nước đe dọa vào tiến trình mà các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế gọi là theo đuôi (bandwagoning). Logic là càng có nhiều quyền lực, thì càng nhận được nhiều quyền lực hơn. Nói cách khác, xâm lược là có lợi. Do đó, các quốc gia có thể theo đuổi chính sách bành trướng, củng cố các vị trí quyền lực tương đối của mình và đe dọa các đối thủ tiềm tàng, buộc các quốc gia này phải hợp tác.

Xin xem xét trường hợp làm người ta ngạc nhiên là quyết định của Libya, tháng 12 năm 2003, công khai công nhận và sau đó từ bỏ những nỗ đã kéo nhiều năm trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học, cùng với những phương tiện sử dụng các loại vũ khí này. Đối với người theo thuyết hiện thực tấn công, quyết định của Libya có thể là kết quả của việc chính quyền George W. Bush quyết định xâm lược Iraq, tháng 3 năm 2003, với lý do là chặn đứng quá trình sản xuất hoặc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Saddam. Sau nhiều năm đối đầu với Mỹ, đứng trước việc Mỹ phô trương sức mạnh, Libya quyết định theo đuôi Mỹ. Theo logic của người theo thuyết hiện thực tấn công, giá phải trả cho cuộc chiến chống Iraq, ít nhất đã được đền bù khi Libya thay đổi chính sách: Chinh phục, hoặc đe dọa chinh phục thực sự là có lợi.

Như vậy là, những người theo thuyết hiện thực, phòng thủ và tấn công, có quan điểm khác nhau về chính sách đối ngoại[9]. Trên thực tế, chủ nghĩa hiện thực bao gồm một loạt các luận cứ có liên quan với nhau, trong khi chia sẻ những giả định và tiền đề chung. Chủ nghĩa hiện thực không phải là lý thuyết cố kết. Trong số những cách diễn giải khác nhau về chủ nghĩa hiện thực, quan trọng nhất là chủ nghĩa tân hiện thực (hay chủ nghĩa hiện thực cấu trúc - structural realism), như được trình bày trong tác phẩm Lý thuyết về chính trị quốc tế (Theory of International Politics) của Kenneth Waltz[10]. Lập luận rằng không có tiến bộ trong lý thuyết khoa học xã hội về chính trị quốc tế (nhất là nếu so với tiến bộ liên tục về mặt lý thuyết trong khoa học tự nhiên), Waltz diễn giải lại chủ nghĩa hiện thực cổ điển để làm cho chủ nghĩa hiện thực chính trị trở thành lý thuyết về chính trị quốc tế chặt chẽ hơn. Do đó, những người theo thuyết tân hiện thực đề xuất các quy định chung nhằm giải thích các sự kiện: họ đơn giản hóa các cách giải thích về hành vi với hy vọng là sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc giải thích và dự đoán các xu hướng.

Những người theo thuyết tân hiện thực dành ưu tiên cho việc phân tích cơ cấu của hệ thống quốc tế như là yếu tố dùng để giải thích, trong khi những ngưi theo thuyết hiện thực truyền thống coi tính chất của các quốc gia và bản chất con người là quan trọng. Theo Waltz, cơ cấu của hệ thống quốc tế là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất. Theo ông, cố gắng tìm hiểu hệ thống quốc tế bằng cách xem xét các quốc gia thì chẳng khác gì cố gắng tìm hiểu thị trường bằng cách xem xét các công ty riêng lẻ: Không hiệu quả, ngay cả trong trường hợp tốt nhất. Do đó, chủ nghĩa tân hiện thực đưa ra hai luận cứ mang tính quy phạm và một luận cứ mang tính lý thuyết. Luận cứ mang tính quy phạm đầu tiên là chúng ta cần lý thuyết để tìm hiểu nền chính trị quốc tế (và rằng trước khi cuốn sách của Waltz được xuất bản, chúng ta không có lý thuyết nào), và luận cứ thứ hai là lý thuyết của ông ta, thuyết tân hiện thực, giải thích nền chính trị quốc tế kể từ năm 1648, năm mà các học giả coi là thời khắc xuất hiện hệ thống các quốc gia. Luận cứ lý thuyết của Waltz là hòa bình và chiến tranh trong hệ thống quốc tế vô chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào phân bố quyền lực, mà phân bố quyền lực lại được mô tả từ quan điểm của cơ cấu hệ thống.

Những người phê phán chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhận xét rằng nếu khát vọng quyền lực của con người, được gắn với nhà nước, là động cơ làm cho các chiến tranh giữa các nước thường xuyên tái phát, thì làm sao chúng ta có thể lý giải được những giai đoạn hòa bình kéo dài? Waltz khẳng định rằng phân bố quyền lực trong hệ thống quốc tế có thể được mô tả là diễn ra dưới một trong ba hình thức: (1) đơn cực (trong đó một nhà nước trong hệ thống đủ mạnh, có thể đánh bại tất cả những nước khác khi các nước này kết hợp lại với nhau nhằm chống lại nó; chúng ta chưa bao giờ thấy tình huống đơn cực thực sự như vậy); (2) lưỡng cực (trong đó phần lớn quyền lực của hệ thống được phân chia giữa hai nhà nước hay hai liên minh giữa các nhà nước; giữa Roma và Carthage, hoặc Athens và Sparta); và (3) đa cực (trong đó quyền lực được phân chia giữa ba hoặc nhiều nhà nước hoặc liên minh của các nhà nước, như ở châu Âu, năm 1914). Như vậy là, theo những người theo thuyết tân hiện thực, cơ cấu của hệ thống và phân phối quyền lực bên trong nó, chứ không phải là đặc điểm của từng nhà nước, quyết định kết quả. Đây là lý do vì sao – theo quan điểm của những người theo phái tân hiện thực - sự phân bố toàn diện càng gần với trạng thái đơn cực, thì xác suất có hòa bình càng lớn hơn (nhưng không bao giờ là chắc chắn)[11].

Nhận xét này đưa tới một câu hỏi quan trọng khác, câu trả lời nằm ở cội nguồn của sự bất đồng giữa những người theo phái t do và theo phái hiện thực. Tại sao, chúng ta có thể hỏi, hai hoặc nhiều cường quốc hơn không bao giờ hợp tác với nhau để trở thành một leviathan duy nhất, và bằng cách đó, chấm dứt mọi cuộc chiến tranh? Những người theo phái tân hiện thực đưa ra hai câu trả lời: Thứ nhất, trong tình trạng vô chính phủ, những lo ngại về lợi ích tương đối mà các bên nhận được làm cho việc hợp tác trở thành khó khăn; và thứ hai, các quốc gia trong hệ thống vô chính phủ phải luôn luôn cảnh giác để không bị lừa.

Quyền lực tương đối giữa các quốc gia với nhau có vai trò quan trọng, có nghĩa là các quốc gia lưỡng lự, không muốn hợp tác nếu lợi ích thu được có thể được phân chia không đồng đều cho các bên tham gia. Ví dụ: Nếu bạn và tôi hợp tác buôn bán và sau mỗi lần giao dịch tôi được 3 USD còn bạn được 1,5 USD, cả hai chúng ta đều được lợi, nếu nói về giá trị tuyệt đối. Nhưng, theo  thời gian, tôi sẽ có nhiều tiền hơn bạn; và tôi có thể sử dụng lợi thế về của cải để o ép bạn. Trong thế giới cân-bằng-quyền-lực của những người theo thuyết tân hiện thực, sự sống còn của quốc gia phụ thuộc vào việc quốc gia này mạnh hơn những quốc gia khác. Như vậy, quyền lực và quyền lực giành thêm được, được xem xét theo nghĩa tương đối chứ không phải theo nghĩa tuyệt đối[12].

 

Tóm lược lý thuyết                   

Chủ nghĩa hiện thực/Tân hiện thực

Các tác nhân chính                  

Nhà nước (càng mạnh thì càng quan trọng)

Quan niệm về cá nhân            

Bất an, ích kỷ, tìm kiếm quyền lực

Quan niệm về nhà nước   

Bất an, ích kỷ, không phân chia, tìm kiếm quyền lực như là bằng chứng của thái độ duy lý  

Quan niệm về hệ thống quốc tế

Vô chính phủ (hàm ý thường xuyên có đe dọa chiến tranh), phân bố quyền lực càng gần với trạnh thái đơn cực thì càng ổn định hơn

Niềm tin về thay đổi

Khả năng một nền hòa bình vĩnh cửu bị loại trừ, nhấn mạnh vào việc quản lý tần suất và mức độ tàn bạo của chiến tranh

Các lý thuyết gia chủ yếu

Thucidides, Saint Augustine, Hobbes, Morgenthau, Waltz, Gilpin, Mearsheimer

 

Những người theo thuyết tân hiện thực còn quan tâm đến lừa dối. Các quốc gia có thể muốn dùng thỏa thuận để lừa dối, sao cho họ có thể giành được lợi thế tương đối so với các quốc gia khác. Nỗi sợ lớn nhất là sợ các nước khác phản bội những thỏa thuận hợp tác hiện hành trong lĩnh vực quân sự. Trong lĩnh này, thay đổi trong vũ khí, khí tài có thể dẫn đến thay đổi lớn trong cán cân quyền lực. Tư lợi là động lực mạnh mẽ để quốc gia này giành lợi thế so với quốc gia khác. Nhận thức rằng có những động cơ như thế cùng với mong muốn của các quốc gia trong việc bảo vệ lợi ích của mình, dẫn tới xu hướng cản trở sự hợp tác lâu dài giữa các quốc gia. Lord Palmerston (1784–1865), người Anh, từng nói: “Quốc gia không có bạn bè hay đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Các học giả cũng đưa ra những giải thích khác về chủ nghĩa hiện thực. Mặc dù chủ nghĩa tân hiện thực đơn giản hóa chủ nghĩa hiện thực cổ điển và tập trung vào một vài khái niệm cốt lõi (cơ cấu của hệ thống và cân bằng quyền lực), những diễn giải này lại làm cho chủ nghĩa hiện thực trở thành phức tạp hơn. Trong tác phẩm Chiến tranh và Thay đổi trong nền chính trị thế giới (War and Change in World Politics), Robert Gilpin trình bày những cách diễn giải lại như thế. Chấp nhận các giả định của thuyết hiện thực rằng các nhà nước là những tác nhân chính, là những người đưa ra quyết định về cơ bản là duy lý, và cơ cấu của hệ thống quốc tế có vai trò quan trọng trong việc quyết định quyền lực. Sau khi khảo sát lịch sử kéo dái 2.400 năm, Gilpin phát hiện được rằng “trong tất cả các hệ thống quốc tế, phân bố quyền lực giữa các quốc gia tạo ra hình thức kiểm soát chủ yếu”[13]. Gilpin bổ sung thêm khái niệm về tính năng động, khái niệm coi lịch sử là loạt các chu kỳ - sinh thành, bành trướng, và sự sụp đổ của các cường quốc giữ thế thượng phong.

Trong khi chủ nghĩa hiện thực cổ điển không đưa ra được lý do thỏa đáng cho sự suy tàn quyền lực, thì Gilpin tìm được câu trả lời trong sức mạnh kinh tế. Các nước bá quyền suy tàn vì ba quá trình: lợi nhuận từ việc kiểm soát đế chế ngày càng giảm, đấy là hiện tượng trên bình diện nhà nước; cùng với thời gian, các bá quyền kinh tế có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn và đầu tư ít hơn, đấy cũng là hiện tượng trên bình diện nhà nước; và quá trình phổ biến công nghệ, hiện tượng ở mức hệ thống, nhờ đó, các cường quốc mới có thể thách thức nước đang giữ vị thế bá quyền. Như Gilpin giải thích: “Mất cân bằng thay thế cho cân bằng, và thế giới chuyển vào chu kỳ xung đột bá quyền mới”[14].

Tóm lại, của chủ nghĩa hiện thực chính trị không phải là một truyền thống đơn nhất; có “một số chủ nghĩa hiện thực”. Mặc dù mỗi chủ nghĩa hiện thực đều dựa vào một nhóm các tiền đề chính, mỗi tiền đề lại gán cho mỗi mệnh đề cốt lõi khác nhau vai trò quan trọng khác nhau. Tuy nhiên, điều gắn kết những người theo thuyết hiện thực lại với nhau là: Họ nhấn mạnh vai trò của nhà nước tập quyền trong hệ thống quốc tế vô chính phủ và đe dọa chiến tranh, hiện tượng có thể quản lý được, nhưng không bao giờ loại trừ được hoàn toàn – làm cho họ trở thành khác hẳn với cả những người theo cả phái tự do lẫn phái cấp tiến.

Chủ nghĩa tự do (và chủ nghĩa hiến định tân tự do - neoliberal institutionalisma)

Chủ nghĩa tự do cho rằng bản chất con người về cơ bản là tốt và mọi người có thể cải thiện cả đạo đức lẫn điều kiện vật chất của mình, và trong khi làm như thế, họ góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội - trong đó có nền hòa bình lâu dài. Hành vi xấu hoặc độc ác của con người, ví dụ, bất công và chiến tranh, là sản phẩm của các tổ chức xã hội không phù hợp hoặc thối nát và các nhà lãnh đạo hiểu sai vấn đề. Như vậy là, những người theo phái tự do tin rằng bất công, chiến tranh và xâm lược là không thể tránh khỏi, nhưng có thể làm cho dịu bớt hoặc thậm chí là loại bỏ bằng những thiết chế hoặc hành động tập thể. Theo phái tự do, trong các chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường được quản lý tốt là nơi quyền tự do của con người được mở rộng nhất.

  1. Cũng có người dịch là Chủ nghĩa tự do thể chế - ND

Cội nguồn của chủ nghĩa tự do

Thuyết tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị thế kỷ XVIII và chủ nghĩa lý tưởng của Wilson thế kỷ XX. Đóng góp của phong trào Khai sáng cho chủ nghĩa tự do là tư tưởng Hy Lạp, nói rằng cá nhân là những con người duy lý, có thể hiểu được những quy luật phổ quát, điều khiển cả tự nhiên cũng như xã hội loài người. Hiểu được những quy luật này người ta có thể cải thiện được điều kiện sống của mình bằng cách xây dựng xã hội công bằng. Nếu không xây dựng được xã hội công bằng thì lỗi là tại các thiết chế không phù hợp, là kết quả của môi trường thối nát.

Các trước tác của triết gia người Pháp, Charles­Louis de Secondat, Baron de La Brède et de Montesquieu (1689–1755), thể hiện tư duy của phong trào Khai sáng. Ông này khẳng định rằng bản chất của con người là không xấu, mà vấn đề xuất hiện khi người ta tham gia vào xã hội dân sự và tạo ra các dân tộc riêng biệt. Chiến tranh là sản phẩm của xã hội chứ không phải là thuộc tính cố hữu của các cá nhân. Muốn khắc phục các khiếm khuyết của xã hội thì giáo dục là bắt buộc, giáo dục đào tạo con người cho đời sống dân sự. Nhóm các quốc gia đoàn kết với nhau theo luật của các dân tộc, các bộ luật này điều chỉnh hành vi ngay cả trong giai đoạn chiến tranh. Montesquieu tuyên bố một cách đầy lạc quan: “Các dân tộc khác nhau, ngay trong giai đoạn hòa bình phải làm cho nhau tất cả những điều tốt đẹp nhất có thể, còn trong giai đoạn chiến tranh thì phải làm hại nhau càng ít thì càng tốt, không cần để ý tới quyền lợi thực sự của mình”[15].

Tương tự như thế, các trước tác của Immanuel Kant (1724–1804) tạo ra những niềm tin cốt lõi của phong trào Khai sáng. Theo Kant, có thể dùng hành động tập thể đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng vô chính phủ trên trường quốc tế - đấy là liên bang các nước cộng hòa, trong đó chủ quyền của từng nước vẫn được giữ nguyên. Tương tự như các nhà triết học theo phái tự do khác, luận cứ của Kant cho thấy khả năng vượt qua những hạn chế của tình trạng vô chính phủ trong hệ thống quốc tế và xóa bỏ chiến tranh. Tuy nhiên, khác với những người kia, triết lý của Kant không giả định hay đòi hỏi những tác nhân có đạo đức. Ngược lại, Kant cho rằng các quốc gia sẽ hành động theo lối trọng tư lợi và tương tác được lặp đi lặp lại của các quốc gia trọng tư lợi cuối cùng sẽ làm cho khu vực hòa bình ngày càng mở rộng, bất chấp tư lợi. Ông có một câu nổi tiếng, nói rằng để nền hòa bình vĩnh cửu xuất hiện thì không cần các thiên thần đức hạnh, mà cần “những con quỷ dữ duy lý”[16].

Chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX lấy chủ nghĩa duy lý của phong trào Khai sáng và định nghĩa lại nó bằng cách đưa thêm thái độ ủng hộ chế độ dân chủ chứ không ủng hộ chế độ quý tộc và ủng hộ tự do thương mại chứ không ủng hộ nền kinh tế quốc gia tự cấp, tụ túc. Chia sẻ quan điểm lạc quan về bản chất con người của phong trào Khai sáng, chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX cho rằng ​​nhân loại có khả năng đáp ứng nhu cầu và ước muốn tự nhiên của mình bằng những biện pháp duy lý. Những nhu cầu và ước muốn này có thể được đáp ứng một cách hiệu quả nhất khi mỗi người theo đuổi quyền tự do và tự chủ của mình trong nhà nước dân chủ, không bị những biện pháp hạn chế quá mức của chính phủ trói chân trói tay. Tương tự như thế, trong các nhà nước tư bản, nơi những con người duy lý và hám lợi vừa có thể cải thiện điều kiện sống của chính mình vừa làm cho cả kinh tế cá nhân và lẫn tập thể và phúc lợi kinh tế gia tăng với tốc độ cao nhất, là nơi người ta dễ dàng giành được những quyền tự do chính trị nhất. Phải cho thị trường tự do phát triển, và chính phủ phải để cho thương mại tự do lưu thông. Các lý thuyết gia theo thuyết tự do tin rằng thương mại tự do làm cho các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, và do đó, làm cho chiến phí gia tăng và xác suất xảy ra chiến tranh giảm đi.

Chủ nghĩa lý tưởng thế kỷ XX cũng có đóng góp vào chủ nghĩa tự do, trong khi tìm được người ủng hộ vĩ đại nhất là Tổng thống Mỹ, Woodrow Wilson. Wilson là tác giả hiệp ước của Hội Quốc Liên – vì vậy mà có thuật ngữ chủ nghĩa lý tưởng của Wilson (Wilsonian idealism). Định đề cơ bản của chủ nghĩa lý tưởng của Wilson là những hành động tập thể của các quốc gia có thể ngăn ngừa được chiến tranh; hơn một nửa trong số 26 điều khoản của hiệp ước của Hội Quốc Liên tập trung vào việc ngăn chặn chiến tranh. Hiệp ước này thậm chí còn có cả điều khoản hợp pháp hoá khái niệm an ninh tập thể, theo đó, nước đi xâm lược sẽ phải đối đầu trước phản ứng mang tính tự động và tập thể, được thể hiện trong “Hội Quốc Liên”.

Như vậy là, Hội Quốc Liên cho thấy những người theo phái tự do cho rằng những thiết chế quốc tế có tầm quan trọng đến mức nào trong việc đối phó với chiến tranh và cơ hội giải quyết vấn đề theo lối tập thể trên diễn đàn đa phương. Những người theo phái tự do còn tin vào luật pháp quốc tế và các công cụ pháp lý như hòa giải, trọng tài và tòa án quốc tế. Đến mức có những người theo phái tự do nghĩ rằng có thể dùng giải trừ vũ khí để loại bỏ tất cả các cuộc chiến tranh. Dù là giải pháp cụ thể được đặt ra có như thế nào, thì nền tảng của chủ nghĩa tự do vẫn bám chặt vào niềm tin rằng con người là những thực thể duy lý, không thể quy giản hoàn cảnh của nhân loại xuống mức cá nhân (khác với những người theo thuyết hiện thực, tức là những người xây dựng mô hình trên về tình trạng mất an ninh của nhân loại trên cá nhân bị cách ly khỏi cộng đồng, những người theo phái tự do nhận xét rằng ở đâu con người cũng sống trong xã hội), và thông qua học hỏi và giáo dục, con người có thể phát triển các thiết chế có khả năng đảm bảo và thúc đẩy phúc lợi của nhân loại.

Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, khi Hội Quốc Liên thể hiện rõ là không có khả năng bảo đảm an ninh tập thể, và trong Thế chiến II, khi những hành động vô cùng tàn ác làm cho người ta nghi ngờ về nhân chi sơ tính bản thiện, chủ nghĩa tự do bị chỉ trích rất gay gắt. Nhân loại có thực sự là nhân chi sơ tính bản thiện? Làm sao mà cái tổ chức được sắp xếp theo những giả định tốt nhất lại thất bại thảm hại như vậy? Chủ nghĩa tự do, như một lý thuyết, không được người ta ưa chuộng nữa, nó được thay thế bằng chủ nghĩa hiện thực và giải pháp ngăn ngừa chiến tranh được người ta ưa thích là cân bằng quyền lực.

Hiến định tân tự do

Tuy nhiên, từ những năm 1970, chủ nghĩa tự do đã hồi sinh dưới danh nghĩa chủ nghĩa hiến định tân tự do. Những người theo thuyết hiến định tân tự do, ví dụ, các nhà chính trị học Robert Axelrod và Robert O. Keohane hỏi tại sao các nhà nước quyết định hợp tác với nhau trong phần lớn thời gian, ngay cả khi hệ thống quốc tế là vô chính phủ. Người ta đã tìm được câu trả lời trong câu chuyện đơn giản nhưng quan trọng nói về tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân[17].

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân là câu chuyện về hai tù nhân được thẩm vấn riêng vì bị nghi là phạm một tội ác. Cảnh sát có đủ bằng chứng để kết án cả hai người tội nhẹ, nhưng cần lời thú nhận để gán cho họ mức án nặng hơn. Người thẩm vấn nói với từng tù nhân rằng nếu một người làm chứng chống lại người kia (đào ngũ) và người kia im lặng (hợp tác), thì người đào ngũ sẽ được trả tự do, còn người hợp tác sẽ bị tù một năm. Nếu cả hai đều đào ngũ, thì mỗi người sẽ bị ngồi tù ba tháng. Nếu không có người nào đào ngũ (nghĩa là cả hai đều hợp tác và không khai) thì cả hai sẽ bị tù một tháng. Giả sử cả hai tù nhân đều đào ngũ thì mỗi người đều sẽ bị ngồi tù lâu hơn là họ hợp tác và không khai. Tại sao từng tù nhân không hợp tác? Khi trò chơi được tung ra, không người tù nào có thể biết chắc người kia sẽ làm gì, vì vậy mỗi người sẽ đưa ra bằng chứng chống lại người kia (đào ngũ), vì mỗi người sẽ bị ngồi tù ít hơn dù người kia có làm gì thì cũng thế. Từ đây có thể rút ra hai điểm quan trọng. Thứ nhất, thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân thực sự không phải là tiến thoái lưỡng nan, bởi vì theo cách chơi này, bất kỳ người tù duy lý nào cũng sẽ quyết định đào ngũ: Đó là cách chắc chắn nhất để giảm thiểu khả năng xảy ra thảm họa (một năm tù). Thứ hai, tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân nổi tiếng như một trò chơi mang tính minh họa, vì nó nhấn mạnh cơ cấu tương tác có thể can thiệp vào giữa mục đích và kết quả nhằm giải thích kết quả không dự định trước (hoặc có hại). Đó là câu chuyện hiệu quả của phái hiện thực, nó nhấn mạnh cơ cấu của các tương tác có thể hạn chế khả năng giữ gìn hòa bình bằng hợp tác. Nhưng những người theo thuyết tự do thể chế đưa ra câu hỏi làm người ta ngạc nhiên: Tại sao lại chỉ chơi một vòng?

Chú thích ảnh: Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự lễ kỷ niệm quan hệ hòa bình Pháp-Đức, kéo dài từ khi Thế chiến II kết thúc. Các lý thuyết gia theo phái tự do tin rằng việc Pháp và Đức là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc, NATO và Liên minh châu Âu, đã giúp cho nền hòa bình kéo dài như thế.

Nếu tương tác của tình trạng tiến thoái lưỡng nan của tù nhân lặp đi lặp lại nhiều lần, thì khả năng nhân nhượng lẫn nhau (trong lý thuyết trò chơi gọi là “ăn miếng trả miếng”) làm cho mỗi tù nhân cảm thấy hợp tác thì có lý hơn là đào ngũ. Nếu trong vòng đầu tiên, một trong hai tù nhân chống lại người kia, thì ở vòng hai, tù nhân đó có thể sẽ bị trả thù. Khi chơi nhiều vòng, người chơi duy lý hiểu rằng họ có thể tối đa hóa lợi ích mà họ kỳ vọng bằng cách hợp tác và theo thời gian, hợp tác trở thành chiến lược ưu tiên hay chiến lược giữ thế thượng phong của họ. Tương tự như vậy, các quốc gia trong hệ thống quốc tế không chỉ “chơi” một vòng: Họ gặp nhau thường xuyên về nhiều vấn đề. Khác với những người theo phái tự do cổ điển, những người theo phái hiến định tân tự do không tin rằng các cá nhân hợp tác với nhau một cách tự nhiên là do nhân loại có tính chất bẩm sinh như thế. Thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân cung cấp cho những người theo phái hiến định tân tự do cơ sở hợp lý cho việc hợp tác với nhau trong môi trường khi không có cơ quan quốc tế nào bắt buộc người ta phải hợp tác.

Những người theo thuyết hiến định tân tự do cũng đi đến dự đoán như những người theo phái tự do - hợp tác - nhưng giải thích của họ về lý do vì sao người ta lại hợp tác với nhau thì lại khác. Đối với những người theo phái tự do cổ điển, hợp tác xuất từ việc nhân loại thành lập và cải cách những thiết chế tạo điều kiện cho những tương tác mang tính hợp tác và cấm những hành động cưỡng bức. Còn đối với những người theo phái hiến định tân tự do thì hợp tác là do người ta thường xuyên tương tác với nhau, hợp tác có lợi cho họ. Các thiết chế giúp ngăn chặn gian lận có lợi theo cách khác: Giảm chi phí giao dịch (chi phí phát sinh trong trao đổi), giảm chi phí cơ hội (chi phí cho các lựa chọn thay thế) và cải thiện việc lan truyền thông tin – hợp tác làm cho tất cả các bên đều có lợi.

Hai bổ sung khác vào tư tưởng của những người theo phái hiến định tân tự do cũng giúp lý giải sự hợp tác. Thứ nhất, cùng với thời gian, hợp tác trong một lĩnh vực có thể lan sang những khu vực khác. Ví dụ, cùng với thời gian, hợp tác trong lĩnh vực thương mại có thể dẫn tới hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Thứ hai, các lý thuyết gia như Robert Keohane khẳng định rằng hợp tác mang tính thiết chế có thể sâu đến mức có thể nói là đã trở thành quán tính: Dù điều kiện ban đầu cho việc thiết lập hợp tác có như thế nào thì một khi đã được thiết lập, hợp tác mang tính thiết chế có thể tồn tại và thậm chí phát triển - ngay cả khi những điều kiện ban đầu đã không còn. Xin xem xét NATO: Tổ chức này được thành lập sau Thế chiến II nhằm ngăn chặn, không để cho Liên Xô bắt nạt hay xâm lược châu Âu, nhưng Liên Xô đã tan rã vào năm 1991. Tại sao NATO vẫn tồn tại? Những người theo phái hiến định tân tự do khẳng định rằng hợp tác ban đầu đã làm cho NATO trở thành tổ chức có thể tồn tại được và có hiệu quả, và cùng với thời gian, đã được làm cho sâu sắc thêm, để trở thành mục đích của chính nó.

Tương tự như những người theo phái hiện thực, những người theo phái hiến định tân tự do cho rằng an ninh là tối cần thiết. Nhưng, các lý thuyết gia như G. John Ikenberry khẳng định, chủ nghĩa hiện thực không thể giải thích được sự ổn định thời hậu chiến vẫn tiếp tục sau khi Liên Xô tan rã, trong khi thuyết hiến định tân tự do có thể giải thích được[18]. Các tổ chức như NATO và Chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU cung cấp cho người ta khung tương tác được đảm bảo và do đó, làm cho người ta càng kỳ vọng rằng tương tác sẽ lặp lại. Hậu quả của những tương tác được lặp đi lặp lại này là hợp tác gia tăng, không chỉ đối với các vấn đề an ninh mà còn đối với tất cả các vấn đề quốc tế, trong đó có kinh tế và thương mại, nhân quyền (mối quan tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển), môi trường, nhập cư và tội phạm xuyên quốc gia[19]. Như vậy là, đối với những người theo thuyết tân tự do, các thiết chế là rất quan trọng: Thiết chế tạo điều kiện, mở rộng và tăng cường hợp tác bằng cách xây dựng trên những lợi ích chung, do đó, tối đa hóa lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Các thiết chế giúp định hình các ưu tiên của nhà nước củng cố quan hệ hợp tác.

Chủ nghĩa t do hiện nay

Với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990, chủ nghĩa tự do, như một lý thuyết tổng quát được nhiều người tôn trọng. Hiện rõ hai lĩnh vực cụ thể. Thứ nhất, các nhà nghiên cứu về cái gọi là hòa bình dân chủ (democratic peace) - thảo luận chi tiết hơn trong Chương 5) đã và đang tìm cách giải thích vấn đề nan giải mang tính thực tiễn: Mặc dù nếu để lên bàn cân, các quốc gia dân chủ cũng thích chiến tranh chẳng khác gì các quốc gia độc tài, các quốc gia dân chủ lại không bao giờ đánh nhau. Câu hỏi đặt ra: Vì sao? Những người theo phái tự do đưa ra những câu trả lời khác nhau. Một trong những luận cứ là các tiến trình dân chủ góp phần ngăn chặn thái độ hung hăng; các nhà lãnh đạo trong các chế độ dân chủ nghe được nhiều tiếng nói, những tiếng nói như thế thường có xu hướng trói chân trói tay những người ra quyết định và do đó làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh. Luận cứ khác là các thiết chế xuyên quốc gia và quốc tế liên kết các chế độ dân chủ lại với nhau bằng các mạng lưới dày đặc có tác dụng ngăn chặn hành vi. Những cách giải thích này được xây dựng trên lý thuyết của phái tự do. Các hàm ý chính sách là rõ ràng: Thay thế các chế độ độc tài bằng các chính phủ dân chủ có thể làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nước – tất cả các nước trong hệ thống quốc tế đều được lợi.

 

Tóm lược lý thuyết                                

Chủ nghĩa tự do/Tân tự do

Các tác nhân chính                                   

Nhà nước, các nhóm phi chính phủ, các tổ chức quốc tế

Quan niệm về cá nhân                      

Căn bản là tốt, có tính xã hội, có khả năng hợp tác

Quan niệm về nhà nước    

Nhà nước là ích kỷ, có các mối quan hệ (tình hữu nghị và cạnh tranh kéo dài), có thể là tốt (tự do dân chủ) hoặc xấu (độc tài – chuyên chế)

Quan niệm về hệ thống quốc tế

Tình trạng vô chính phủ bị giới hạn bởi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân và trật tự quốc tế. 

Niềm tin về thay đổi

Tư lợi nm dưới sự quản lý của cơ cấu (các thiết chế) làm cho nền hòa bình bền vững trở thành khả thi.

Các lý thuyết gia chủ yếu

Motesquieu, Kant, Wilson, Keohane, Doyle, Ikenberry

 

 

Thứ hai, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, học giả và nhà phân tích chính sách Francis Fukuyama không chỉ nhìn thấy sự hồi sinh mà còn thấy chiến thắng của chủ nghĩa tự do quốc tế. Ông thừa nhận rằng một số nhóm người, ví dụ, người Palestine và Israel, người Armenia và Azeris, sẽ tiếp tục chống báng nhau. Nhưng số cuộc xung đột quy mô lớn đã giảm trong suốt 20 năm qua. Lần đầu tiên, Fukuyama khẳng định, có thể “phổ cập chế độ dân chủ tự do phương Tây như là hình thức quản trị cuối cùng của nhân loại”[20]. Nhà chính trị học John Mueller còn làm cho những luận cứ của chủ nghĩa tự do trở thành mạnh mẽ hơn. Tương tự như đấu súng và chế độ nô lệ, những thông lệ từng được chấp nhận trở thành không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, các nước thuộc thế giới phát triển ngày càng coi chiến tranh là vô đạo đức và đáng ghét. Mueller nói, những khoảnh khắc đáng sợ của Thế chiến I và II đã làm cho chiến tranh trở thành lỗi thời (xem Chương 8)[21]. Và nhận xét của Mueller rằng chiến tranh sắp trở thành lỗi thời gần đây lại được hai học giả khác, Steven Pinker và Joshua Goldstein, mở rộng thêm. Pinker, học giả về tâm lý học nhận thức và tiến hóa, khẳng định rằng không chỉ chiến tranh trở thành lỗi thời, mà tất cả các hình thức bạo lực cũng đang biến mất dần. Phân tích của Goldstein chứng tỏ, trong bốn thập kỷ vừa qua, tần suất và cường độ chiến tranh giữa các nước đã giảm hẳn, giảm đến mức ông khẳng định rằng “cuộc chiến chống lại chiến tranh đã và đang chiến thắng”[22].

Nghĩa là chủ nghĩa tự do cung cấp cho cho ta luận điểm phản bác quan trọng đối với chủ nghĩa hiện thực. Mặc dù hai lý thuyết này khác nhau về nhiều khía cạnh, cả hai lý thuyết đều cho rằng các tác nhân về cơ bản là duy lý và các nhà nước là những tác nhân quan trọng nhất trên trường quốc tế, và cả hai lý thuyết đều định nghĩa quyền lực bằng những điều kiện vật chất.

Chủ nghĩa cấp tiến

Chủ nghĩa cấp tiến cung cấp cho chúng ta lý thuyết thứ ba về quan hệ quốc tế. Trong khi nhiều người đồng ý với việc họ được dán nhãn tự do hay hiện thực, thì không ai chấp nhận bị dán nhãn là cấp tiến; đối với một số người, thuật ngữ này chắc chắn là mang ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa trung lập hơn: “thoát hẳn ra khỏi quy tắc” và, trong trường hợp này, quy tắc: Nhà nước là hình thức cần thiết của liên kết chính trị. Những người cấp tiến, ví dụ, những người theo phái vô chính phủ và những người Marxist, coi nhà nước là vấn đề cần thảo luận. Tư tưởng của họ cho rằng nhà nước là vấn đề là một phần của những quan điểm làm cho họ khác hẳn với những người theo phái hiện thực và những người theo phái tự do.

Các tác phẩm của Karl Marx (1818–1883) là nền tảng cho toàn bộ tư tưởng cấp tiến, dù lý thuyết của ông không trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề chúng ta đang gặp hiện nay. Marx xây dựng lý thuyết về quá trình tiến hóa của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở xung đột giai cấp: chủ nghĩa tư bản châu Âu thế kỷ XIX xuất phát từ hệ thống phong kiến ​​trước đó. Theo Marx, trong hệ thống tư bản, lợi ích tư nhân kiểm soát lực lượng lao động và trao đổi trên thị trường, tạo ra những xiềng xích mà một số giai cấp tìm cách tự thoát ra. Nên nhớ rằng Marx và người cộng sự với ông, Friedrich Engels, đã mượn khái niệm “giai cấp” từ các tầng lớp xã hội châu Âu (tầng lớp thượng lưu, tầng lớp quý tộc; tầng lớp trung lưu, phường hội; và giai tầng thấp hơn, nông dân và người lao động): giai cấp tư sản - sở hữu tất cả các phương tiện sản xuất - và vô sản - lao động bị bóc lột. Cuộc xung đột giữa giai cấp tư sản, giữ quyền kiểm soát và giai cấp vô sản bị kiểm soát là không thể tránh khỏi. Trật tự xã hội chủ nghĩa mới sẽ được sinh ra từ cuộc đụng độ đầy bạo lực này, sau giai đoạn đấu tranh cách mạng, chắc chắn giai cấp vô sản sẽ thắng[23].

Một nhóm các niềm tin cốt lõi liên kết những những người ủng hộ quan điểm cấp tiến - chủ yếu là những người Marxist. Nhóm niềm tin cấp tiến đầu tiên xuất phát từ phân tích lịch sử. Trong khi đối với hầu hết những người theo phái hiện thực và tự do, lịch sử cung cấp cho người ta những điểm nhìn khác nhau, để từ đó rút ra những khái quát hóa phù hợp, thì những người cấp tiến lại coi phân tích lịch sử sẽ cho những kết quả mà chúng ta cần. Lịch sử của quá trình sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Trong quá trình tiến hóa của sản xuất từ ​​phong kiến ​​sang tư bản, các mô hình quan hệ xã hội mới đã hình thành và phát triển. Những người cấp tiến quan tâm nhiều nhất tới việc lý giải quan hệ giữa các phương tiện sản xuất với quan hệ xã hội và quyền lực.

Dựa trên phân tích lịch sử về vai trò quan trọng của quá trình sản xuất, hầu hết các lý thuyết gia cấp tiến còn dùng kinh tế học để giải thích hầu như tất cả các hiện tượng khác. Cùng với những tư tưởng khác nhau của các lý thuyết về việc phải có nhà nước, coi kinh tế là hạ tầng cơ sở làm cho chủ nghĩa cấp tiến khác hẳn chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự do. Đối với những người theo phái tự do, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là giải thích khả dĩ cho sự hợp tác quốc tế, nhưng chỉ là một trong nhiều yếu tố mà thôi. Đối với những người theo phái hiện thực, các tác nhân kinh tế là một trong những thành tố của quyền lực, là một thành phần của cơ cấu quốc tế. Tuy nhiên, trong cả hai lý thuyết này, kinh tế không phải là yếu tố quyết định. Cả những người theo phái hiện thực lẫn những người theo phái tự do đều chấp nhận rằng nhà nước là đơn vị phân tích quan trọng nhất. Nhưng, đối với chủ nghĩa cấp tiến, các yếu tố kinh tế (đối với những người Marxist thì giai cấp) có vai trò quan trọng nhất.

Một nhóm niềm tin cấp tiến khác nhau châu tuần xung quanh cơ cấu của hệ thống toàn cầu. Cơ cấu này, trong tư tưởng Marxist, là có tính thang bậc và phần lớn là sản phẩm phụ của chủ nghĩa đế quốc, hoặc là của quá trình bành trướng của một số hình thức kinh tế nhất định sang những khu vực khác trên thế giới. Nhà kinh tế học người Anh, John A. Hobson (1858–1940), đưa ra thuyết nói rằng quá trình bành trướng diễn ra là do, trong các nước phát triển hơn có ba điều kiện sau đây: hàng hóa và dịch vụ dư thừa, công nhân và các giai cấp hạ lưu tiêu thụ ít vì đồng lương thấp, các tầng lớp thượng lưu và tư sản tiết kiệm quá nhiều. Để giải quyết ba vấn đề kinh tế vừa nói, các quốc gia đã phát triển trong quá khứ bành trướng ra nước ngoài, và những người cấp tiến cho rằng các nước đã phát triển vẫn coi bành trướng là giải pháp. Hàng hóa tìm được thị trường mới ở những khu vực kém phát triển, tiền lương của người lao động được giữ ở mức thấp vì cạnh tranh của nước ngoài, và những khoản tiền tiết kiệm được đầu tư vào các thị trường mới chứ không dùng vào việc cải thiện điều kiện sống của công nhân. Chủ nghĩa đế quốc dẫn đến cạnh tranh giữa các nước đã phát triển[24]. Nghiêm trọng là, đối với những người cấp tiến, tình trạng hỗn loạn do việc công nhân bị bóc lột được nhà nước nhân danh giai cấp tư sản dẹp yên. Các quốc gia trở thành vật cản, không để cho người lao động được đối xử như những con người.

Đối với những người cấp tiến, chủ nghĩa đế quốc tạo ra hệ thống quốc tế theo thang bậc, cung cấp cơ hội cho một số nhà nước, tổ chức và cá nhân, nhưng áp đặt những hạn chế đáng kể đối với hành vi của một số nhà nước, tổ chức và cá nhân khác. Các nước đã phát triển có thể bành trướng, tạo điều kiện cho họ bán hàng hóa và xuất khẩu của cải dư thừa mà họ không thể sử dụng ở trong nước. Đồng thời, các nước đang phát triển ngày càng bị o ép bởi và phụ thuộc vào, các hành động của thế giới đã phát triển. Hobson, người lên án chủ nghĩa đế quốc là phi lý, đầy rủi ro, và có thể gây ra xung đột, không cho rằng đấy là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhưng, trong khi các nhà tư bản thị trường tự do khẳng định rằng có thể tìm được tình trạng cân bằng như thế nhờ thị trường, hầu hết những người cấp tiến lại dựa vào phân tích của Marx cho rằng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi.

Các lý thuyết gia cấp tiến nhấn mạnh kỹ thuật thống trị và đàn áp sinh ra từ quá trình phát triển kinh tế không đồng đều, vốn là bản chất của hệ thống tư bản. Phát triển không đồng đều làm cho các quốc gia giữ thế thượng phong có quyền và có thể bóc lột những quốc gia yếu kém hơn; sự năng động của chủ nghĩa tư bản và quá trình bành trướng kinh tế làm cho bóc lột trở thành nhu cầu, đấy là nói những nước đứng đầu muốn giữ vững vị trí và muốn cho cơ cấu tư bản tồn tại mãi. Trong khi những người theo thuyết hiện thực thấy rằng cân bằng quyền lực với các quốc gia khác nhằm chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh là cơ chế để giành và giữ quyền lực, thì những người Marxist và cấp tiến lại coi các biện pháp thống trị và đàn áp về kinh tế là công cụ của quyền lực trên thế giới; những nước yếu kém chẳng có mấy lựa chọn và lựa chọn của họ cũng không hiệu quả.

Một trường phái gần đây của chủ nghĩa cấp tiến công nhận rằng các nhà tư bản có thể áp dụng các kỹ thuật kiểm soát bổ sung, tinh vi hơn đối với những thị trường đang phát triển. Những người cấp tiến đương đại, ví dụ, các lý thuyết gia về phụ thuộc cho rằng việc kiểm soát do các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) và các ngân hàng quốc tế có trụ sở ở các nước phát triển tiến hành là quan trọng nhất. Những tổ chức đó được coi là các tay chơi chính trong việc thiết lập và duy trì quan hệ phụ thuộc; chúng là những gián điệp chui sâu leo cao, chứ không phải là những tác nhân tử tế, như những người theo phái tự do mô tả, hoặc những tác nhân với vai trò không đáng kể, như những người theo thuyết hiện thực nghĩ. Các tổ chức này có thể tạo những mối quan hệ xuyên quốc gia với giới ăn trên ngồi trốc ở các nước đang phát triển, sao cho giới ăn trên ngồi trốc trong cả những nước bóc lột và bị bóc lột liên kết chặt chẽ với nhau trong quan hệ cộng sinh.

Các lý thuyết gia theo thuyết phụ thuộc, đặc biệt là những người ở Mỹ Latin (Raul Prebisch, Enzo Faletto, Fernando Henrique Cardoso), tin rằng các quốc gia ở ngoại vi không có nhiều lựa chọn. Vì các điều khoản thương mại căn bản đã không công bằng, các quốc gia này có rất ít lựa chọn trong lĩnh vực đối ngoại. Họ cũng không có nhiều lựa chọn trong lĩnh vực đối nội, vì những hạn chế ở bên trong, vì quyền sở hữu đất đai và cơ cấu xã hội và cơ cấu giai cấp của mình[25]. Như vậy là, tương tự như những người theo thuyết hiện thực, lý thuyết gia phụ thuộc khá bi quan về khả năng thay đổi.

 

Tóm lược lý thuyết                                   

Chủ nghĩa cấp tiến/Thuyết phụ thuộc

Các tác nhân chính                                   

Giai cấp xã hội, giới ăn trên ngồi trốc xuyên quốc gia, các công ty đa quốc gia

Quan niệm về cá nhân                      

Hành động được quyết định bởi lợi ích kinh tế của giai cấp

Quan niệm về nhà nước    

Tác nhân của cơ cấu hệ thống tư bản chủ nghĩa và cơ quan chấp hành của  giai cấp tư sản.   

Quan niệm về hệ thống quốc tế

Phân tầng mạnh mẽ, bị hệ thồng tư bản chủ nghĩa quốc tế thống trị

Niềm tin về thay đổi

Thay đổi căn bản là không thể tránh khỏi

Các lý thuyết gia chủ yếu

Marx, Hobson, Lenin, Prebisch

 

 

Cuối cùng, hầu như tất cả các lý thuyết gia cấp tiến, dù họ có nhấn mạnh những luận điểm cụ thể nào, đều là những người có xu hướng quy phạm. Họ cho rằng cơ cấu thang bậc tư bản chủ nghĩa là “xấu xa” và các phương pháp mà nó sử dụng bao giờ cũng là bóc lột. Họ có những quan điểm tích cực và mang tính quy chuẩn ​​rõ ràng về những việc cần làm nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng giữa các cá nhân và giữa quốc gia với nhau - từ việc lập ra các tổ chức cấp tiến được những người theo chủ nghĩa Lenin ủng hộ, đến việc tạo ra những thay đổi ngày càng lớn hơn mà những người theo thuyết phụ thuộc có thể đề nghị.

Một số người cho rằng chủ nghĩa cấp tiến không thể được sử dụng như lý thuyết về quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa cấp tiến không thể giải thích được lý do vì các nước tư bản chủ nghĩa và và các nước xã hội chủ nghĩa bắt đầu hợp tác với nhau ngay từ khi Chiến tranh Lạnh chưa kết thúc. Lý thuyết này cũng không thể giải thích được sự chia rẽ thấy rõ giữa các quốc gia không phải tư bản ch nghĩa. Ví dụ, năm 1948, Nam Tư cộng sản và Liên Xô bất đồng sâu sắc về việc Nam Tư không chịu đệ trình các chính sách quan trọng về đối nội và đối ngoại để Stalin chấp thuận trước khi thông qua. Chủ nghĩa cấp tiến cũng không thể giải thích vì sao và làm thế nào mà một số nước đang phát triển, ví dụ Ấn Độ, đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất tư bản chủ nghĩa và đã thoát khỏi tình trạng phụ thuộc kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa cấp tiến đã không thể dự đoán được những hiện tượng như vậy. Và chủ nghĩa cấp tiến, tương tự như chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực, đã không dự đoán được sự sụp đổ của Liên Xô - được cho là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Mỗi lý thuyết, mặc cho những tuyên bố về tính toàn diện của nó, đều có những khiếm khuyết đáng kể.

Đối với một số nhóm người khác, chủ nghĩa cấp tiến tiếp tục tồn tại như lý thuyết tiền định về kinh tế và là một lực lượng ủng hộ cho những thay đổi lớn trong cơ cấu của hệ thống quốc tế. Những lời phê phán chủ nghĩa tư bản thị trường của thuyết này, cho rằng chính là nguyên nhân của bất bình đẳng về thu nhập vẫn đấy sức sống như trước đây. Chủ nghĩa cấp tiến giúp chúng ta hiểu vai trò của các lực lượng kinh tế, cả ở trong nước cũng như giữa các quốc gia, và giải thích động lực của toàn cầu hóa kinh tế cuối thế kỷ XX, cũng như khủng hoảng kinh tế năm 2008, như sẽ được thảo luận trong Chương 9.

Chủ nghĩa kiến tạo xã hội

Chủ nghĩa kiến tạo, một lý thuyết mới về quan hệ quốc tế, xuất hiện hồi cuối thế kỷ XX, đã đưa các học giả về quan hệ quốc tế trở lại với những câu hỏi nền tảng, trong đó có bản chất của nhà nước và các khái niệm về chủ quyền, bản sắc và tư cách công dân. Ngoài ra, chủ nghĩa kiến tạo đã mở ra những khu vực khảo sát mới, ví dụ, vai trò của giới và tính cách dân tộc, không có trong các lý thuyết khác về quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, tương tự như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa kiến tạo không phải là lý thuyết cố kết. Thật vậy, một số học giả nghi ngờ rằng đây có phải là một lý thuyết thực sự hay không. Nhưng đúng là, hầu hết những người theo thuyết kiến tạo đều chia sẻ một số tư tưởng cốt lõi.

Định đề chính của thuyết kiến tạo là cả đối tượng lẫn khái niệm đều không có bất kỳ ý nghĩa khách quan, cố định, hoặc tất yếu nào; mà, ý nghĩa của chúng được kiến tạo thông qua tương tác xã hội. Nói cách khác, chúng ta gán ý nghĩa cho các đối tượng, chứ không phải ngược lại. Suy ra, hành vi của nhà nước được định hình bởi niềm tin, bản sắc và các tiêu chuẩn xã hội của giới ăn trên ngồi trốc. Các cá nhân và tập thể tạo ra, định hình và làm thay đổi nền văn hóa bằng tư tưởng và thông lệ. Lợi ích của nhà nước và quốc gia là kết quả của bản sắc xã hội của các tác nhân này. Như vậy là, đối tượng của công trình nghiên cứu là các tiêu chuẩn và thực hành của các cá nhân và tập thể[26]. Ted Hopf đưa ra ví dụ đơn giản:

Kịch bản là một đám cháy trong một nhà hát, mọi người đều chạy ra lối thoát. Nhưng, do thiếu kiến thức về thông lệ xã hội về các tiêu chuẩn cơ bản, cơ cấu, ngay cả trong tình huống dường như đã được xác định một cách quá rõ ràng như thế này vẫn có những cái khá mơ hồ. Thậm chí nếu nhà hát chỉ có một cánh cửa, trong khi tất cả đều chạy ra lối thoát, ai là người đi trước? Những người khỏe mạnh nhất hay người tàn tật, phụ nữ hay trẻ em, người già hay người ốm, hay chỉ là vụ xô đẩy điên cuồng? Muốn biết kết quả sẽ thì phải hiểu rõ tình hình hơn là hiểu về sự phân bố quyền lực vật chất hay cơ cấu của thẩm quyền. Cần phải có hiểu biết về văn hóa, về các tiêu chuẩn, các thiết chế, quy trình, luật lệ và thực tiễn xã hội tạo ra các đối tượng cũng như cơ cấu[27].

Ghi chú hình: Chủ nghĩa kiến tạo giải thích cách thức các ý tưởng như “tội ác chống lại loài người” có thể phát triển thành các chuẩn mực và luật pháp quốc tế đầy sức mạnh. Tiền lệ từ các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh ở Nuremberg, sau Thế chiến II, đã được cả thế giới sao chép lại.

Xin lưu ý rằng nếu sử dụng logic của phái hiện thực để dự đoán kết quả của, ví dụ, đám cháy của Hopf, hoặc, thành phần nhân khẩu học của các thuyền cứu sinh của con tàu Titanic, năm 1912, các giả định của phái hiện thực là người ta coi trọng sự sống còn và quyền lợi của cá nhân mình và về quyền lực của người nọ so với người kia, thì dự đoán sẽ không chính xác. Trong đời thực, đôi khi người khỏe lại nhường người yếu. Đấy là lý do vì sao các thuyền cứu sinh của Titanic không đầy những người đàn ông khỏe mạnh, mà lại đầy những hành khách yếu đuối nhất của con tàu: Phụ nữ và trẻ em.

Do đó, những người theo thuyết kiến tạo bác bỏ ý tưởng cho rằng cơ cấu vật chất có ý nghĩa cố định, tất yếu hoặc cố hữu. Alexander Wendt, một trong những người theo thuyết kiến tạo nổi tiếng nhất, khẳng định rằng, tự nó, một cơ cấu chính trị - dù là vô chính phủ hay phân bố cụ thể về vật chất - không thể cho chúng ta biết nhiều về quyền lợi: Các nhà nước sẽ là bạn bè hay kẻ thù, sẽ công nhận chủ quyền của nhau, sẽ có những gắn bó theo lối vương triều, sẽ xét lại hay giữ nguyên trạng quyền lực của mình..v.v..”[28]. Nhiều người theo thuyết kiến tạo nhấn mạnh các cơ cấu có tính quy phạm. Cái chúng ta cần biết là bản sắc, còn bản sắc thì do hợp tác và học tập mà có sự thay đổi. Hệ thống có phải là vô chính phủ hay không phụ thuộc vào phân bố bản sắc, chứ không phải phụ thuộc phân bố khả năng quân sự, như những người theo phái hiện thực muốn chúng ta tin. Nếu các quốc gia chỉ gắn bó với chính mình, thì hệ thống có thể vô chính phủ. Nếu quốc gia này gắn bó với những quốc gia khác, thì sẽ không có tình trạng vô chính phủ. Tóm lại, “Vô chính phủ là do các quốc gia muốn như thế”[29].

Tương tự như những người theo thuyết hiện thực và những người theo phái hiến định tân tự do, những người theo thuyết kiến tạo cũng coi quyền lực là quan trọng. Nhưng, trong khi những người theo thuyết hiện thực và những người theo thuyết hiến định tân tự do cho rằng quyền lực được thể hiện trước hết trong các điều kiện vật chất (quân sự, kinh tế, chính trị), thì những người theo thuyết kiến tạo lại cho rằng quyền lực được thể hiện trong ngôn từ - sức mạnh của tư tưởng, văn hóa và ngôn ngữ. Như vậy, đối với những người theo thuyết kiến tạo, quyền lực bao gồm những tư tưởng như tính chính danh; các quốc gia có thể thay đổi hành động của mình, sao cho những thành viên khác trong cộng đồng quốc tế coi mình là chính danh. Quyền lực hiện diện trong tất cả các cuộc trao đổi giữa các tác nhân, và mục tiêu của những người theo thuyết kiến tạo là tìm cho bằng được nguồn gốc của quyền lực này. Đóng góp độc đáo của những người theo thuyết kiến tạo là giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của quyền lực trong các tư tưởng và chỉ ra cách thức mà những tư tưởng định hình và làm thay đổi bản sắc. Có thể thấy ví dụ về đóng góp của những người theo thuyết kiến tạo trong cuộc thảo luận về chủ quyền. Những người theo thuyết kiến tạo cho rằng, chủ quyền không phải là khái niệm tuyệt đối mà là khái niệm còn phải tranh cãi. Họ chỉ ra rằng các quốc gia chưa bao giờ nắm được độc quyền kiểm soát lãnh thổ của mình. Chủ quyền quốc gia luôn bị thách thức và đang liên tục bị những hình thức tổ chức mới và nhu cầu mới của quốc gia thách thức.

Thuyết kiến tạo cung cấp cho chúng ta những cách giải thích khác nhau về thay đổi. Thay đổi có thể xảy ra nhờ quá trình lan truyền các tư tưởng hoặc quốc tế hóa các quy tắc, cũng như hòa nhập, khi người ta chấp nhận bản sắc của những nhóm người cùng thời với mình. Những cách giải thích như thế giúp chúng ta hiểu rằng các tư tưởng lan truyền cả trong biên giới quốc gia lẫn xuyên quốc gia. Đấy là cách thức lan truyền chế độ dân chủ, cách thức quốc tế hóa những tư tưởng về bảo vệ quyền con người, và cách thức các quốc gia thành viên mới của Liên minh châu Âu chấp nhận các quy tắc và thong lệ của cộng đồng này. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do khó giải thích các sự kiện quan trọng như giải thích sự lan truyền và tác động của các tư tưởng và quy tắc đối với thế giới thực, ví dụ, cấm mìn trên mặt đất hoặc “trách nhiệm bảo vệ” (xem Chương 8). Như vậy là, thuyết kiến tạo không chỉ là những cuộc thảo luận suông và những lời nói sáo rỗng, mà, tương tự như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cấp tiến, còn giúp đưa ra những lời giải thích đầy sức mạnh về những thay đổi trong nhận thức của chúng ta về các sự vật có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

 

Tóm lược lý thuyết                                   

Thuyết kiến tạo

Các tác nhân chính                                   

Nhân dân, giới tinh hoa, nền văn hóa

Quan niệm về cá nhân                      

Thành tố quan trọng nhất trong việc tạo ra ý nghĩa, bị ràng buộc bởi giáo dục, xã hội hóa, và văn hóa.

Quan niệm về nhà nước    

Do con người tạo ra, vai trò của nó được kiến tạo qua các diễn ngôn.

Quan niệm về hệ thống quốc tế

Do con người tạo ra, vai trò của nó được kiến tạo qua các diễn ngôn.

Niềm tin về thay đổi

Có thể xảy ra thông qua diễn ngôn: “[vô chính phủ] [chiến tranh] [hòa bình]” là cái mà diễn ngôn của chúng ta tạo ra” 

Các lý thuyết gia chủ yếu

Foucault, Derrida, Kratochwil, Hopf, Wendt

 

 

Nhưng, tương tự như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cấp tiến, thuyết kiến tạo có những khiếm khuyết nhất định. Cho đến gần đây, thuyết kiến tạo vẫn chủ yếu được dùng như công cụ phê phán chứ không phải là lý thuyết có thể giải thích kết quả trong thế giới thực. Nhưng, tình hình đang thay đổi. Trong suốt cuốn sách giáo khoa này, những ví dụ từ các công trình nghiên cứu của những người theo phái kiến tạo sẽ tạo điều kiện cho độc giả thấy cách tiếp cận này được sử dụng như thế nào và độc giả có thể đưa ra những đánh giá riêng về lý thuyết quan trọng và tương đối mới này.

Phê phán của chủ nghĩa nữ quyền nhằm vào lý thuyết quan hệ quốc tế

Những người theo phái nữ quyền đưa ra một loạt những lời phê bình cả bốn lý thuyết về quan hệ quốc tế. Nhiều phê phán chia sẻ những định đề cốt lõi. Định đề quan trọng nhất là thế giới sẽ là nơi tốt đẹp hơn, hòa bình hơn, thịnh vượng hơn - nếu phụ nữ có nhiều quyền hơn trong việc quyết định, vạch ra và lãnh đạo những vấn đề đối nội và đối ngoại (những vấn đề được nói tới trong hu hết các lý thuyết về quan hệ quốc tế của phái nữ quyền). Như vậy, cả những người nữ quyền theo thuyết hiện thực lẫn những người nữ quyền theo phái tự do đều biện hộ cho sự tham gia mạnh mẽ hơn của phụ nữ trong việc ban hành các quyết định trên bình diện quốc gia và quốc tế, và tham gia vào đời sống kinh tế. Ví dụ, những người nữ quyền theo phái tự do kêu gọi phát triển các chính sách về tổ chức có ảnh hưởng đến phụ nữ, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, phụ nữ là nạn nhân của tội phạm và nạn phân biệt đối xử với phụ nữ trong các vụ xung đột vũ trang. Các nhà nước đã lờ những vấn đề này trong giai đoạn quá dài.

Những người nữ quyền theo phái cấp tiến cũng phê phán các lý thuyết về quan hệ quốc tế. Khác với những người cấp tiến khác, tức là những người coi cơ cấu của hệ thống kinh tế quốc tế là yếu tố quyết định trong quan hệ quốc tế, những người nữ quyền cấp tiến định nghĩa vấn đề này như là hệ thống gia trưởng bao trùm lên tất cả. Hệ thống gia trưởng thấm vào các hệ thống quốc gia và quốc tế; ví dụ, nó làm cho chiến tranh dường như là đáng mong muốn hoặc hợp lý. Trước khi hệ thống này thay đổi, khả năng xảy ra chiến tranh bao giờ cũng sẽ vẫn cao, và phụ nữ sẽ luôn luôn là người phụ thuộc - những nạn nhân của mô hình quản trị kinh tế của chủ nghĩa tư bản tân tự do, làm cho phụ nữ nghèo trở thành nạn nhân của những sự tàn phá do cạnh tranh toàn cầu gây ra.

Có các nhà phê bình theo phái nữ quyền trong số những người theo phái kiến tạo xã hội, những người theo phái hậu hiện đại và các lý thuyết gia phê phán. Đối với những nhà nữ quyền này, việc nghiên cứu về giới bao gồm nhiều vấn đề chứ không chỉ đếm số phụ nữ trong giới tinh hoa hay liệt kê những chương trình nhắm vào phụ nữ. Như những người theo phái kiến tạo khẳng định một cách bao quát hơn, ý nghĩa của các đối tượng được thiết lập, ủng hộ và thay đổi thông qua quá trình tương tác xã hội được gọi là thảo luận.

Ví dụ, theo J. Ann Tickner, chủ nghĩa hiện thực cổ điển dựa trên một khái niệm rất hạn hẹp - nam tính - về cả bản chất lẫn quyền lực của con người. Bà khẳng định rằng bản chất của con người là không cố định và không phải là không thay đổi được; bản chất của con người là đa chiều và thay đổi theo bối cảnh. Quyền lực không thể chỉ là kiểm soát và thống trị về mặt vật chất. Tickner cho rằng tất cả các lý thuyết về quan hệ quốc tế phải được định hướng lại theo hướng dung hợp hơn về quyền lực, trong đó quyền lực là khả năng hành động có phối hợp (chứ không chỉ xung đột) hoặc tham gia vào quan hệ cộng sinh (chứ không phải là cạnh tranh quyết liệt). Nói cách khác, quyền lực cũng có thể là khái niệm về kết nối chứ không chỉ là khái niệm về quyền tự chủ[30].

Đối với Tickner, cũng như nhiều học giả nữ quyền khác, ví dụ, Cynthia Enloe và Christine Sylvester, quan điểm hạn hẹp của nam giới chiếm thế thượng phong trong các cuộc thảo luận. Thế thượng phong của nam giới không chỉ ảnh hưởng đến các vấn đề lý thuyết về quan hệ quốc tế và nhà hoạch định chính sách coi là quan trọng, mà còn ảnh hưởng tới những chuẩn mục dùng để đánh giá chính sách được đưa ra là có hiệu quả hay không hiệu quả. Ví dụ, nếu chúng ta muốn tìm hiểu cường độ của vụ xung đột có tính bạo lực, chúng ta có thể nghĩ rằng số binh sĩ bị giết là tiêu chí có cơ sở vững chắc để đánh giá về tầm quan trọng của vụ xung đột đó. Tuy nhiên, các học giả về quan hệ quốc tế theo phái nữ quyền đã chỉ ra rằng hãm hiếp là giá đắt mà cuộc xung đột gây ra, nhưng thường không làm ai chết về mặt thể xác. Vì coi số người chết trong cuộc xung đột quan trọng hơn hãm hiếp, cho nên chúng ta đã làm giảm cái giá thực sự mà dân chúng phải trả và giảm hậu quả của cuộc xung đột bạo lực, dù đấy là nội chiến hay chiến tranh giữa các quốc gia thì cũng thế. Việc ít chú ý đến tiếng nói của phụ nữ có ảnh hưởng tới những kiểu câu hỏi mà chúng ta đưa ra và cách thức chúng ta đánh giá các câu trả lời.

Tickner cũng chỉ ra quá trình nam tính hóa nhiều mục tiêu của chính sách đối ngoại. Ví dụ, nam giới có xu hướng trình bày các vấn đề thành hai phần tách biệt, theo giới tính, vì vậy mà họ tạo ra các hiệp hội mang tính thang bậc, thường dẫn đến kết quả là các quốc gia dành ưu tiên tùy tiện hoặc có tác dụng ngược cho cuộc xung đột vũ trang, coi đấy là như giá trị cốt lõi của “an ninh”. Một số nước bị coi là “đàn bà” hoặc “trẻ con”, và do đó cần được các quốc gia “đàn ông” hoặc “đã trưởng thành” (ví dụ, Anh hoặc Đức) hướng dẫn hoặc đưa vào khuôn phép. Tình huống này khuyến khích người ta can thiệp (ảo tưởng cứu vớt người khác) và, đồng thời, dành các hình thức can thiệp “hiệu quả” cho lực lượng quân sự nhằm đạt được các mục tiêu cao cả (nam tính), và can thiệp về ngoại giao hay kinh tế cho mục tiêu thấp (nữ tính).

Những người theo phái nữ quyền khác, ví dụ, Cynthia Enloe, nói rằng, ngược lại với khẳng định của Tickner rằng phụ nữ không tham gia vào nền chính trị quốc tế, trên thực tế họ là những người tham gia chính[31]. Theo Enloe, vấn đề là việc tham gia của họ gần như hoàn toàn không được người ta chú ý tới (và, bà có thể nói thêm, không được tưởng thưởng). Enloe kêu gọi mọi người chú ý tới cách mà vai trò trong gia đình của phụ nữ ảnh hưởng tới hiểu biết của chúng ta về tiềm năng của họ khi trở thành các nhà lãnh đạo và những người lập chương trình nghị sự trong nền chính trị quốc tế.

Kể cả ngày nay, chúng ta thấy khoảng cách lớn giữa tiềm năng của phụ nữ và sự tham gia có thể nhìn thấy được cũng như vai trò lãnh đạo trong nền chính trị quốc tế so với nam giới. Có lẽ, luận cứ mạnh mẽ nhất sẽ là, hệt như trong khoa học, công nghệ, toán học, và kỹ thuật, các giá trị cốt lõi của công lý, hòa bình và thịnh vượng, mà cả hai giới cùng chia sẻ, không thể tiến bộ được nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ và không có thêm phụ nữ tham gia vào bộ phận lãnh đạo.Và các lý thuyết quan hệ quốc tế có thể hưởng lợi t nhiều phê phán khác nhau mà các nhà nữ quyền thuộc nhiều trường phái lý thuyết khác nhau đưa ra. .

Áp dụng lý thuyết: Phân tích cuộc chiến tranh Iraq năm 2003

Các lý thuyết cạnh tranh với nhau, được thảo luận trong những phần trước, nhìn  thế giới và thậm chí các sự kiện cụ thể theo những cách rất khác nhau. Các lý thuyết gia và các nhà hoạch định chính sách quyết định xem xét cái gì, họ tìm cách giải thích cái gì và rút ra những kết luận nào - tất cả những yếu tố phân tích này đều khác nhau, mặc dù bằng chứng về sự kiện dường như giống hệt nhau. Phân tích cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003 bằng cách áp dụng những lý thuyết khác nhau tạo điều kiện để chúng ta so sánh và đối chiếu những lý thuyết này vào thực tế .

Quan điểm của phái hiện thực

Giải thích của phái hiện thực về Chiến tranh Iraq năm 2003 tập trung vào các yếu tố ở cấp quốc gia và quốc tế. Những người theo phái hiện thực coi hệ thống quốc tế là vô chính phủ: Không có cơ quan có thẩm quyền trên bình diện quốc tế và ít nhà nước, trừ Mỹ, có khả năng và sẵn sàng hành động nhằm giải thoát thế giới khỏi sự đe dọa của Iraq. Iraq đe dọa an ninh của Mỹ bằng kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà người ta cho rằng nước này đang có; do đó, Mỹ cho rằng cần phải loại bỏ kho vũ khí đó và đồng thời, đảm bảo nguồn cung dầu ổn định cho phương Tây. Cách duy nhất để đạt được những mục tiêu này là lật đổ chế độ Baathist của Saddam. Sau khi đã đẩy những biện pháp đe dọa lên cao nữa và tăng quân trên vùng biên giới Iraq nhằm buộc chế độ phải từ bỏ quyền lực, khi áp lực thất bại, Mỹ chỉ còn một cách là động binh, ngoài ra không còn lựa chọn nào khác.

Đằng sau tiêu đề báo chí

 

Hiệu quả của các đơn vị thủy quân lục chiến toàn nữ trong các trận đánh: sát hạch có công bằng?

 

Tháng 9 năm 2015, tờ The Marine Corps Times (tờ báo của Thủy quân Lục chiến Mỹ, một năm ra 26 số - ND) đưa ra báo cáo kết quả của một cuộc sát hạch quan trọng: Nỗ lực nhằm đánh giá một cách khách quan xem phụ nữ có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tương tự như nam giới hay không. Bài báo “Mixed-Gender Teams Come Up Short in Marines’ Infantry Experiment”a cho chúng ta biết rằng các đơn vị thủy quân lục chiến được đánh giá hoạt động như các đơn vị bộ binh, thiết giáp và pháo binh, và có cả nam lẫn nữ. Trừ pháo binh, trong tất cả các lĩnh vực khác, các đơn vị gồm toàn nam giới có thành tích tốt hơn các đơn vị hỗn hợp. Tất cả năm binh chủng – bộ binh, hải quân, thủy quân lục chiến, không quân và tuần duyên – đang bị Bộ Quốc phòng buộc phải cho phụ nữ làm tất cả các công việc (như nam quân nhân) trước ngày 1 tháng 1 năm 2016 hoặc xin những ngoại lệ trước yêu cầu này bằng cách chỉ ra rằng làm như thế sẽ giảm hiệu quả chiến đấu. Tuy nhiên, vụ sát hạch thủy quân lục chiến cho thấy đưa thêm phụ nữ vào sẽ làm giảm hiệu quả chiến đấu. Bộ chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ phải làm gì? Và cuộc sát hạch có công bằng hay không?

 

Lý thuyết về quan hệ quốc tế có thể giúp giải quyết những vấn đề quan trọng này. Ví dụ, lý thuyết về quan hệ quốc tế của phái hiện thực hướng sự chú ý của chúng ta vào quyền lực của nhà nước – mà cụ thể là sức mạnh trong chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh. Giải thích của phái hiện thực nhận xét rằng kinh nghiệm của đàn ông, những người lãnh đạo tất cả các lực lượng quân sự sẽ khiến họ coi việc cho phụ nữ tham gia chiến đấu là mạo hiểm, kết quả là họ phản đối việc để cho phụ nữ thực hiện tất cả các nhiệm vụ chiến đấu và, trong cuộc sát hạch, đã có sự thiên vị cố ý. Những người theo phái hiện thực sẽ không phản đối phụ nữ tham gia chiến đấu nếu có thể chứng minh được rằng kết quả của việc cho phụ nữ thực hiện tất cả các nhiệm vụ chiến đấu là ngang với nam giới hoặc tốt hơn; nếu thế, quyền lực tương đối của nhà nước sẽ được củng cố.

 

Lý thuyết về quan hệ quốc tế của phái tự do có thể sẽ không thống nhất về vấn đề vai trò của phụ nữ trong chiến đấu. Một mặt, các lý thuyết gia theo phái tự do nhận xét rằng phát triển kinh tế gia tăng đáng kể ở các nước để phụ nữ pham gia một cách đầy đủ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đời sống xã hội (và kinh tế chậm phát triển khi phụ nữ bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống). Do sức mạnh kinh tế là khía cạnh quan trọng của thương mại và hợp tác, những người theo phái tự do sẽ ủng hộ cuộc sát hạch không thiên vị về hiệu quả của việc để phụ nữ tham gia chiến đấu. Mặt khác, những người theo phái tự do có thể nhận xét rằng cả tần suất lẫn cường độ của các cuộc chiến tranh giữa các nước đều thấp đến mức nếu hiệu quả chiến đấu có giảm (hoặc tăng) một cách vừa phải do việc để phụ nữ tham gia vào tất cả các hoạt động chiến đấu thì cũng không có gì là quan trọng lắm. Xung đột giữa các quốc gia, ngay cả trong thế giới đang phát triển, đã không còn là chiến tranh, và, do đó, hậu quả của việc để phụ nữ tham gia vào tất cả các hoạt động chiến đấu dù sao cũng là không đáng kể.

 

Các lý thuyết về quan hệ quốc tế của phái kiến tạo và phái nữ quyền cung cấp cho chúng ta nhận thức thấu triệt, trực tiếp hơn hẳn. Đối với những người theo thuyết kiến tạo, tức là những người quan tâm nhiều tới bản sắc, thái độ thiên vị cuối cùng giảm xuống bằng với giá mà đàn ông từ bỏ quan điểm của họ về “nam giới” như là phái mạnh, phải bảo vệ phụ nữ. Bản sắc đàn ông đó là cơ sở để đàn ông, từ thời cổ đại, đã giữ tất cả các chức vụ trong quân đội. Nếu phụ nữ có thể chứng minh rằng, họ, như một tầng lớp, không cần phải bảo vệ, thì mở rộng ra, nam giới sẽ mất thành phần quan trọng - nam giới - trong bản sắc của mình.

 

Những lý thuyết khác nhau về quan hệ quốc tế của phái nữ quyền cung cấp cho chúng ta những hiu biết thấu triệt, tập trung nhất vào cả hai câu hỏi - Bộ chỉ huy Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể làm gì, và liệu cuộc sát hạch có công bằng hay không. Thứ nhất, nếu so sánh phụ nữ và nam giới, chúng ta có tính đến việc tham gia luyện tập và cơ thể vật lý có vai trò quan trọng như thế nào hay không? Nếu nam giới đã được “huấn luyện” căn bản ngay từ khi còn nhỏ, bằng thể thao và công việc, cho những nhiệm vụ thể chất mà họ phải thực hiệm, còn phụ nữ thì không được đào tạo, thì cuộc sát hạch là thiên vị. Thứ hai, hầu hết những thương tích mà các nữ thủy quân lục chiến bị đều liên quan đến quá trình di chuyển  với ba lô và súng trường nặng, , nhưng đặc điểm sinh lý và cấu trúc  xương của nam và nữ rất khác nhau. Ba lô và súng có được thiết kế cho phụ nữ hay không? Cả giầy nữa? Nếu không, cuộc sát hạch là thiên vị. Thứ ba, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế theo phái nữ quyền sẽ nhận xét rằng, ngay cả khi thủy quân lục chiến đã làm tất cả những gì họ có thể để mô phỏng những nhiệm vụ mà các đơn vị chiến đấu của họ phải đối mặt trong chiến tranh thực sự, những mô phỏng này có thể không tính đến những khả năng tích cực mà phụ nữ có thể mang đến cho cho đơn vị toàn nam giới có thể chẳng được ai để ý. Ví dụ, chúng tôi có bằng chứng nói rằng nam giới chiến đấu kiên cường hơn khi ở gần phụ nữ và khả năng chịu nóng, lạnh, đau và đói khác nhau giữa nam và nữ. Nếu không giải quyết được những đóng góp tích cực của giới, thủy quân lục chiến nữ và các đơn vị hỗn hợp nam nữ dường như sẽ kém hiệu quả hơn, trong khi trên thực tế, các đơn vị hỗn hợp nam nữ có thể hiệu quả hơn. Nhưng có lẽ quan điểm thấu triệt lớn nhất về mặt lý thuyết mà lý thuyết gia về quan hệ quốc tế theo phái nữ quyền có thể làm là, khi mà trong quân đội còn hệ thống thang bậc ưu tiên nam giời thì phụ nữ trong quân đội sẽ tiếp tục bị coi là những người chỉ huy và binh sĩ loại hai.

 

Chú thích ảnh: Binh nhất thủy quân lục chiến Mỹ, Stephanie Robertson, thành viên đơn vị toàn phụ nữ (FET), nói chuyện với dân chúng địa phương trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Marjah, Afghanistan, tháng 8 năm 2010. FET được biệt phái cùng các tiểu đoàn bộ binh trên khắp Afghanistan nhằm giúp lôi kéo phụ nữ ủng hộ Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (International Security Assistance Force - ISAF). ISAF đã bị giải tán vào tháng 12 năm 2014, các đơn đơn vị còn lại đóng vai trò tư vấn.

 

 

Câu hỏi phân tích

1. Vì sao xem xét toàn diện vấn đề phụ nữ trong chiến đấu, không chỉ ở Mỹ, mà còn rộng hơn, là vấn đề quan trọng đối với chúng ta?

2. Nếu các đơn vị chiến đấu hỗn hợp thực hiện các bài sát hạch mô phỏng trận đánh kém hiệu quả hơn các đơn vị chiến đấu toàn nam, có thể rút ra kết luận rằng đơn vị toàn nữ cũng sẽ kém hiệu quả như thế? Tại sao kém hay tại sao không kém?

3. Bạn đồng ý hay phản đối luận cứ nói rằng vấn đề có tính quyết định là tất cả các công việc trong quân đội trên thế giới đều mở cửa cho những người phụ nữ đáp ứng được yêu cầu, vì phân biệt đối xử trong các lực lượng vũ trang sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về khả năng lãnh đạo của phụ nữ và tiềm năng làm việc theo nhóm trong các lĩnh vực khác, ví dụ, công việc và chính trị? Hãy trình bày luận cứ của bạn.

 

a. Hope Hodge Seck, “Mixed-Gender Teams Come Up Short in Marines’ Infantry Experiment,” Marine Corps Times, September 10, 2015, www.marinecorpstimes.com/story/military/2015/09/10/mixed-gender-teams-come-up-short-marines-infantry-experiment/71979146.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người theo phái hiện thực đều đồng ý rằng chính sách mà Mỹ theo đuổi là đúng. Những người theo phái hiện thực đang có một cuộc thảo luận thú vị: Chiến dịch mà Mỹ tiến hành có cần thiết hay là không. John Mearsheimer, một người theo chủ nghĩa hiện thực tấn công, và Stephen Walt, một người theo chủ nghĩa hiện thực phòng thủ, đã cùng khẳng định rằng không cần chiến tranh. Trước khi chiến tranh nổ ra, họ viết rằng sức mạnh quân sự của Mỹ có thể ngăn chặn tất cả những đe dọa mà Saddam gây ra, ngay cả khi ông ta có thể nắm được vũ khí hạt nhân. Họ tiếp tục khẳng định rằng, ngay cả khi chiến tranh diễn ra một cách thuận lợi và tạo được hậu quả tích cực trong dài hạn, thì vẫn không cần chiến tranh và chiến tranh có thể tạo ra thái độ căm thù Mỹ, cả ở Trung Đông lẫn trên toàn thế giới. Chính sách ngăn chặn mà Mỹ áp dụng trước đây từng mang lại hiệu quả và có thể tiếp tục mang lại hiệu quả[32].

Nhưng các lý thuyết gia theo phái hiện thực khác, cũng như Tổng thống George W. Bush, tin rằng không thể ngăn chặn hiệu quả Saddam. Chính quyền Bush khẳng định, Saddam đã từng sử dụng vũ khí hóa học nhằm chống lại người Kurd, có nghĩa là ông ta có thể sẽ sử dụng những vũ khí này nhằm đe dọa Hoa Kỳ. Đe dọa mà người ta nghĩ là có thực như thế đã ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền Bush. Ngoài ra, một số người theo phái hiện thực trong chính quyền Bush khẳng định rằng phản ứng bằng bạo lực trước việc Saddam không tuân thủ nghĩa vụ của mình trước cộng đồng quốc tế (chính phủ của ông ta vi phạm các thỏa thuận đã ký trong khuôn khổ những biện pháp chấm dứt cuộc Chiến Vùng Vịnh Lần Thứ Nhất, năm 1991) sẽ có tác dụng ngăn chặn những kẻ thù khác của Mỹ và đồng minh, họ sẽ không dám gây ra những hành động làm thiệt hại lợi ích của Mỹ và đồng minh. Có lẽ việc biểu dương lực lượng một cách hoành tráng cũng giúp ngăn chặn cái mà chính quyền của tổng thống Bush gọi là chủ nghĩa khủng bố được nhà nước tài trợ. Rõ ràng là, những người theo phái hiện thực có thể rút ra từ lý thuyết những chính sách khác nhau.

Quan điểm của phái tự do

Quan điểm của phái tự do về Chiến tranh Iraq năm 2003 sử dụng cả ba cấp phân tích. Ở cấp cá nhân, rõ ràng là, Saddam là nhà lãnh đạo xấu xa, sau chiến tranh người ta đã phát hiện được những hành động tàn bạo mà ông ta sử dụng nhằm chống lại chính nhân dân nước mình – đấy là những ngôi mộ tập thể. Ông ta không chỉ hung hăng trong việc chống lại kẻ thù của chế độ ở trong nước mà còn chống lại các dân tộc khác trong khu vực; ông ta thậm chí còn hỗ trợ một số hoạt động khủng bố nhằm chống lại kẻ thù của mình ở phương Tây. Ở cấp nhà nước, những người theo phái tự do nêu bật những tính chất của chế độ ở Iraq - chủ yếu là bản chất độc tài của nó - và quan điểm cho rằng thay thế nó bằng chế độ dân chủ sẽ làm giảm đe dọa mang tính cưỡng bức của Iraq và tăng cường sự ổn định ở Trung Đông. Nước Iraq dân chủ sẽ là ngọn hải đăng cho các chế độ dân chủ non trẻ trong khu vực này. Sự kiện là nhiều người theo phái tự do tin rằng chế độ Saddam đã có, hoặc sắp sửa có, vũ khí hủy diệt hàng loạt chỉ làm cho yêu cầu thay đổi chế độ trở thành khẩn trương hơn mà thôi. Ở cấp quốc tế, những người theo phái tự do nhấn mạnh rằng Iraq không tuân thủ những nghĩa vụ mà các nghị quyết khác nhau của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước này. Như vậy, cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ ủng hộ các biện pháp trừng phạt và tiếp tục các cuộc thanh tra, và nếu không thành công, thì phải có hành động tập thể, phát động chiến tranh trừng phạt chế độ của Saddam và tạo điều kiện cho một chính phủ khác được thành lập và phát triển .

Tại sao cộng đồng quốc tế không phản ứng như một số người theo phái tự do dự đoán? Việc Mỹ kêu gọi hành động tập thể, nhưng không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ có thể là do một số thành viên của Hội đồng Bảo an, trong đó có Pháp và Nga, và một số quốc gia hùng mạnh khác, trong đó có Đức, tin rằng chỉ cần ngăn chặn chế độ Iraq là được, chưa có đủ bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt, và trong khi cần ưu tiên cho chiến đấu với Al Qaeda ở Afghanistan thì hành động ngay lập tức là không cần thiết. Dự đoán của những người theo phái tự do về sự thận trọng trước thái độ hoài nghi của các đồng minh ở Iraq, năm 2003, hóa ra là sai, nhưng sau đó, trong các cuộc thảo luận ở Anh và Mỹ, năm 2013, về việc có tiến hành can thiệp quân sự vào Syria hay không, lại được nhiều người ủng hộ.

Quan điểm của phái cấp tiến

Giải thích của phái cấp tiến về Chiến tranh Iraq có xu hướng tập trung chủ yếu vào cơ cấu của hệ thống quốc tế và lợi ích kinh tế của các nước. Những người theo phái cấp tiến cho rằng cơ cấu của hệ thống này được gắn chặt với hệ thống thực dân trong quá khứ và di sản hiện nay của nó. Những người theo phái cấp tiến khẳng định rằng chủ nghĩa thực dân về chính trị đẻ ra hệ thống đế quốc chủ nghĩa, trong đó, nhu cầu kinh tế của các nước tư bản là tối quan trọng. Ở Trung Đông, điều đó có nghĩa là phương Tây thực hiện những hành động đế quốc nhằm đảm bảo nguồn cung dầu mỏ. Trong thời kỳ thuộc địa thế kỷ XIX, nhà nước sinh ra chủ nghĩa thực dân; ngày nay, các tập đoàn đa quốc gia sinh ra chủ nghĩa đế quốc. Theo quan điểm này, sự bất ổn định của nguồn cung dầu từ Iraq là nguyên nhân thúc đẩy Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Nhiều người theo phái cấp tiến (và nhiều người trong thế giới Ảrập) tin rằng Mỹ xâm lược Iraq nhằm giành quyền kiểm soát dầu mỏ của nước này. Họ nhấn mạnh sự kiện là một trong những mục tiêu quân sự đầu tiên của Mỹ là chiếm mỏ dầu Rumaila ở miền nam Iraq. Quân đội Mỹ bảo vệ các mỏ dầu trên khắp cả nước, ngay cả khi xảy ra những vụ bạo loạn và cướp bóc các di tích văn hóa quý giá mà không bị ngăn chặn. Quân đội Mỹ dành ưu tiên cho việc khởi động lại các đường ống dẫn du hơn là cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân Iraq.

Những người theo phái cấp tiến, đặc biệt là các lý thuyết gia phụ thuộc, không hề ngạc nhiên trước việc các quốc gia nòng cốt của hệ thống tư bản – Mỹ và các đồng minh của họ - phản ứng bằng bạo lực khi thấy Iraq đe dọa lợi ích sống còn của họ về dầu mỏ. Họ cũng không hy vọng rằng Chiến tranh Lạnh có thể tạo ra bất kỳ khác biệt nào trong cơ cấu của hệ thống này. Thay đổi lớn trong quan hệ quyền lực quốc tế mà những người cấp tiến tìm kiếm - và dự đoán - chưa xảy ra.

 

Quan điểm trên thế giới

 

Quan điểm của Canada về can thiệp quân sự của nước ngoài: Afghanistan và xa hơn thế

 

Chính sách đối ngoại có xu hướng ăn sâu bén rễ trong một lý thuyết duy nhất. Những người hoài nghi hay bất đồng thường có quan điểm khác. Những lời biện hộ và bằng chứng mà họ đưa ra thường phản ánh những lý thuyết về quan hệ quốc tế khác nhau.

 

Ngày 7 tháng 10 năm 2001, chỉ vài giờ sau khi máy bay Mỹ và Anh ném bom các mục tiêu trong các thành phố Afghanistan, Thủ tướng Jean Chrétien tuyên bố Canada sẽ tham gia vào cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Đầu năm 2002, quân đội thường trực Canada tới nước này. Các binh sĩ, khoảng từ 2.500 đến 2.800 người, ngay lập tức tham gia Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF). Một trong những lực lượng quan trọng của Canada là 330 người trong Nhóm Tái thiết Tỉnh Kandahar, được triển khai nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết. Từ năm 2001 đến năm 2011, 158 binh sĩ Canada đã hy sinh vì sự nghiệp này, số tử vong cao thứ ba trong những quốc gia nước ngoài tham gia vào cuộc chiến. Vì, trong lịch sử Canada có ít người chết trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và dân số tương đối ít của Canada, số lượng thương vong cao tạo ra ảnh hưởng đặc biệt tới quan điểm của Canada về cuộc chiến ở Afghanistan. Kinh nghiệm của họ đã góp phần quyết định trong việc rút toàn bộ quân đội Canada vào cuối năm 2011, quyết định được xem xét lại khi Tổng thống Mỹ, Barack Obama, quyết định giữ lực lượng Mỹ ở Afghanistan cho đến năm 2014. Tương tự như vậy, Canada cũng khuếch trương sứ mệnh của mình (chỉ dùng các lực lượng không quân), sứ mệnh này kết thúc ngày 12 tháng 3 năm 2014.

 

Năm 2001, Bộ trưởng Quốc phòng Canada ủng hộ dứt khoát sự can dự của Canada vào Afghanistan, coi đây là biện pháp giải quyết vấn đề khủng bố. Năm 2006, việc phát hiện âm mưu của nhóm Al Qaeda nhằm thực hiện các cuộc tấn công ở Ottawa và Toronto tái khẳng định rằng lực lượng khủng bố toàn cầu đang nhắm vào lãnh thổ Canada. Thủ tướng bảo thủ Stephen Harper đưa ra chính sách của Canada theo ngôn từ của những người theo phái hiện thực: Ông khẳng định, sự tham gia của Canada ở Afghanistan là quyền lực của Canada thể hiện trong quyền lợi quốc gia, nhằm bảo vệ chính mình và ủng hộ Mỹ. Theo quan điểm của Harper, các chính sách này tái khẳng định rằng an ninh, biên giới và kinh tế của Canada là tương thuộc với an ninh, biên giới và kinh tế của Mỹ.

 

Ban đầu, những người theo phái tự do ở Canada ủng hộ việc Canada tham gia cuộc chiến ở Afghanistan, vì những lý do vượt ra khỏi đe dọa khủng bố. Thiết lập các thể chế dân chủ có phải là mục tiêu xứng đáng? Canada có bảo vệ quyền làm người cho phụ nữ? Rõ ràng là, dưới chính quyền Taliban, kinh tế không thể phát triển, còn nhân quyền thì đã bị vi phạm nghiêm trọng.

 

Nhưng, những người theo phái tự do cũng như những người theo phái bảo thủ tỏ ra thất vọng trước những tiến triển ở Afghanistan. Cụ thể là, đại diện của Đảng Dân chủ Mới cho rằng chính các hoạt động chống lực lượng nổi dậy đã phá hoại ngầm công cuộc tái thiết ở nước này. Các nhóm phụ nữ nhấn mạnh rằng có rất ít cải thiện trong việc giải phóng phụ nữ - các cô gái vẫn bị tấn công và đôi khi bị đánh đến thành tàn phế chỉ vì đi học. Canada chỉ làm được vài dự án phát triển quan trọng mà thôi. Những người theo phái tự do khẳng định rằng tốt hơn, nên dành số tiền này cho các chương trình xã hội ở trong nước. Tiến bộ quá chậm chạp làm cho người ta càng khó chấp nhận số người thiệt mạng vừa nói bên trên.

 

Những người cấp tiến thất vọng với chính sách của Canada tập trung vào hai luận cứ: (1) sự can dự của Canada vào cái mà họ coi là cuộc chiến tranh của Mỹ là minh họa đáng buồn về thái độ miễn cưỡng và không sẵn sàng của chính phủ Canada trong việc bớt ủng hộ Mỹ. Và (2) các doanh nghiệp Canada và doanh nghiệp quốc tế được lợi nhờ chiến tranh, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất vũ khí và khai khoáng của Canada.

 

Những người theo thuyết kiến tạo có thể dùng sức mạnh của bản sắc Canada để giải thích các chính sách của đất nước này ở Afghanistan. Bản sắc đó xoay quanh nghĩa vụ một thành viên trong cộng đồng thế giới của Canada và sự ủng hộ của nước này đối với việc giữ gìn hòa bình, chủ nghĩa đa phương, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các vấn đề an ninh của nhân loại. Bản sắc này vẫn còn mạnh, mặc cho sự kiện là truyền thống trong quá khứ về ủng hộ, viện trợ và đầu tư rộng rãi của Canada ở nước ngoài đã chuyển sang hướng ngược lại.

 

Những người theo phái nữ quyền có thể có luận cứ mạnh mẽ hơn: Sự chuyển đổi từ chính phủ theo phái tự do (“nữ tính”) sang chính phủ bảo thủ (“nam tính”) trong năm 2006 đã được đánh dấu bằng sự dịch chuyển từ sự ủng hộ Liên Hợp Quốc (trong đó có các sứ mệnh nhân đạo và giữ gìn hòa bình) sang tìm và diệt hung hăng hơn và chủ động hơn, sau năm 2006.

 

Đến năm 2009, tâm trạng của cả giới chính trị lẫn dân chúng đều thay đổi. Thương vong tương đối cao và không có tiến bộ nào trong những mục tiêu chính trị đầy thiện ý làm cho người Canada không còn ủng hộ việc để cho binh sĩ của họ tham gia chiến đấu nữa. Đến năm 2013, sự tham gia của Canada ở Afghanistan đã chuyển thành hỗ trợ những công việc không liên quan trực tiếp đến chiến sự. Canada vẫn tự hào một cách chính đáng về những nỗ lực của mình nhằm mang lại an ninh và thịnh vượng cho Afghanistan, nhưng có lẽ thậm chí còn đáng tự hào hơn về quá trình chính trị dẫn đến quyết định mang tính lưỡng đảng và được thảo luận một cách kỹ lưỡng nhằm rút các lực lượng chiến đấu về nước một cách trang trọng nhất có thể.

 

Chú thích ảnh: Những gia đình tị nạn người Syria được tổ chức NGO địa phương, gọi là The Ripple Refugee Project, tài trợ, đứng chụp ảnh

 

Tháng 10 năm 2015, Canada quay trở lại với chính phủ theo phái tự do, và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này lúc đó thể hiện mạnh mẽ chính sách “thận trọng trên hết” trong các vụ can thiệp quân sự, như những chính sách đang được triển khai ở Syria và Iraq. Để làm cho chính sách của mình tương thích với chính sách của nhiều nước châu Âu, Canada đang tích cực tìm cách bảo toàn những khoản viện trợ của mình và giảm bớt chi tiêu quân sự. Ví dụ, từ tháng 12 năm 2015 chính phủ mới của Canađa đã ra lệnh rút, không để máy bay chiến đấu của Canada tham gia cuộc không kích của liên minh chống IS và đề nghị cho tái định cư 25.000 người tị nạn Syria ở Canada.

 

Câu hỏi phân tích

 

  1. Canada ủng hộ chính sách của Mỹ ở Afganistan, nhưng không ủng hộ chính sách của Mỹ ở Iraq. Lý thuyết nào giải thích tốt nhất quan điểm của Canada?
  2. Bạn cho rằng lời giải thích nào về chính sách của Canada là thuyết phục nhất? Vì sao?

 

 

 

Quan điểm của phái kiến tạo

Quan điểm của phái kiến tạo về Chiến tranh Iraq năm 2003 tập trung vào một số yếu tố. Các lý thuyết gia theo phái kiến tạo nhấn mạnh quá trình kiến tạo mang tính xã hội của mối đe dọa: Cách thức những người hoạch định chính sách của Mỹ kiến tạo Saddam Hussein và vũ khí hủy diệt hàng loạt thành các mối đe dọa ngay trước mắt đối với Mỹ, mặc dù các thanh tra Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng chương trình vũ khí đã được tháo dỡ. Bản chất “được tạo dựng” của đe dọa trở nên rõ ràng khi so sánh Iraq với Israel hay Vương quốc Anh - cả hai nước này đều có vũ khí hạt nhân tinh vi, nhưng không được coi là “đe dọa”, mà trên thực tế còn là những đồng minh gần gũi của Mỹ. Câu chuyện ồn ào về đe dọa gia tăng nhanh chóng khi Saddam được miêu tả như một bạo chúa, có quyền lực vượt ra ngoài tư duy theo lối duy vật. Những người theo phái kiến tạo cũng nói tới vai trò quan trọng của tính chính danh. Mỹ công nhận các hành động của họ phải có tính chính danh, những hành động này phải tuân theo khuôn khổ của các quy tắc. Điều này giải thích lý do vì sao Mỹ phải nỗ lực rất nhiều đ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý cho tiến hành cuộc xâm lăng, dù cuối cùng, những nỗ lực này đã thất bại. Trong phần lớn tư tưởng của phái kiến tạo, các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc có vai trò chính danh hóa và xã hội hóa khá mạnh trong quan hệ quốc tế. Nhưng, vào năm 2003, vai trò xây dựng tính chính đáng này đã bị Mỹ làm hỏng - siêu cường duy nhất lãnh đạo bởi một chính quyền phản đối mạnh mẽ khái niệm an ninh tập thể. Chính quyền Bush khẳng định rằng tính chính danh có được do Liên Hợp Quốc ủng hộ - quá chậm chạp và đòi hỏi  thỏa hiệp - bị mất tầm quan trọng trước tính chính danh cao hơn, đấy là làm cái cần làm một cách nhanh chóng, ngay cả khi phải làm một mình.

Tổng kết: Nhìn thế giới qua lăng kính lý thuyết

Không có lý thuyết, chúng ta sẽ chỉ còn biết dựa vào kinh nghiệm đ tìm cách giải quyết các cuộc khủng hoảng hay tìm những biện pháp có tính xây dựng nhằm thúc đẩy giá trị nhân bản như công lý và hòa bình. Nhận thức của chúng ta về quan hệ quốc tế phụ thuộc vào lăng kính lý thuyết của chúng ta. Bạn có nhìn các sự kiện bằng lăng kính của chủ nghĩa hiện thực? Bạn có thiên về những kiến giải của phái tự do? Hay bạn bám vào thế giới quan của phái cấp tiến, phái kiến ​​tạo, hoặc phái nữ quyền? Những quan điểm lý thuyết khác nhau không chỉ trong việc coi người nào là tác nhân chính, mà còn trong những sự kiện/phát ngôn được coi là đe dọa hay lợi ích. Những lý thuyết này cũng khác nhau trong quan niệm về quyền lực tương đối của cá nhân, nhà nước và hệ thống quốc tế - ba cấp phân tích. Quan trọng không kém là, những lý thuyết này ủng hộ các quan điểm khác nhau về khả năng và xu hướng đáng mong muốn của thay đổicụ thể là, chiến tranh, hòa bình và phát triển - trong hệ thống quốc tế.

Trong bốn chương tiếp theo, chúng ta xem xét chi tiết hơn mỗi lý thuyết này nhìn hệ thống quốc tế, nhà nước, cá nhân và các tổ chức quốc tế như thế nào. Chúng ta bắt đầu với cấp phân tích chung nhất - hệ thống quốc tế.

Câu hỏi thảo luận

1. Chọn một sự kiện đang diễn ra trong nền chính trị thế giới. Hãy sử dụng ba cấp phân tích đ mô tả và giải thích sự kiện đó.

2. Một người theo chủ nghĩa hiện thực và một người theo chủ nghĩa tự do đang thảo luận về ảnh hưởng của nền chính trị trong nước đối với kết quả của các sự kiện quốc tế. Tái tạo cuộc trò chuyện đó, nhấn mạnh những quan điểm khác nhau của hai người này.

3. Những người theo thuyết kiến tạo khẳng định rằng các quy tắc và tư tưởng thường xuyên định hình và tái định hình cách hành xử của nhà nước. Chọn một tư tưởng chính trị - bình đẳng, dân chủ, hoặc nhân quyền. Cùng với thời gian, tư tưởng đó đã thay đổi như thế nào? Các hành vi của nhà nước đã thay đổi như thế nào, nếu có?

4. Bạn cho rằng lời phê phán lý thuyết về quan hệ quốc tế nào của phái nữ quyền là thuyết phục nhất? Vì sao?

 

Các thuật ngữ chính


Theo đuôi bandwagoning (p. 80)) An ninh tập thể collective security (p. 84) Thuyết kiến tạo constructivism (p. 92) Lý thuyết gia phụ thuộc dependency theorists (p. 91) giả thuyết hypotheses (p. 72)

Thiết chế institutions (p. 83) Cấp phân tích levels of analysis (p. 74) chủ nghĩa tự do liberalism (p. 83)

Công ty đa quốc gia multinational corporations (MNCs)

Quyền lợi dân tộc national interest (p. 76) chủ nghĩa hiến định tân tự do neoliberal institutionalism (p. 85) Chủ nghĩa tân hiện thực (p. 80) neorealism (p. 80))

Lý thuyết theory (p. 72)

Tác nhân đơn nhất unitary actor (p. 77)

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân (p. 85) prisoner’s dilemma (p. 85) chủ nghĩa cấp tiến (p. 89) radicalism (p. 89) Tác nhân duy lý (p. 77) rational actors (p. 77) chủ nghĩa hiện thực realism (p. 76)

 

 



[1]Helen Benedict, “The Nation: The Plight of Women Soldiers,” May 6, 2009, www.npr.org

/templates/story/story.php?storyId=103844570.

[2] Đây là tiêu chuẩn của lí thuyết khoa học do Carl Popper (1902-1994) đưa ra: Chỉ ra tiêu chuẩn của khoa học là “kiểm sai”; vì giả thuyết khoa học không thể kiểm đúng, nhưng có thể kiểm sai - ND

[3] Kenneth N. Waltz, Man, the State, and War (New York: Columbia University Press, 1954); and J. David Singer, “fte Levels of Analysis Problem,” in International Politics and Foreign Policy, ed. James N. Rosenau, rev. ed. (New York: Free Press, 1961), pp. 20–29.

[4] Thucydides, History of the Peloponnesian War, trans. Rex Warner, rev. ed. (Harmondsworth, UK: Penguin, 1972).

[5] Augustine, Confessions and City of God, in Great Books of the Western World, ed. Robert Maynard Hutchins, vol. 18 (Chicago: Encyclopedia Britannica, 1952, 1986).

[6] Leviathan (phát âm: lɨˈvaɪ.əθən; tiếng Do Thái |לִוְיָתָן|Livyatan|Liwyāṯān|), là loài sinh vật biển thần thoại trong Kinh Thánh. Trong ngành khoa học nghiên cứu ma quỷ, Leviathan là một trong bảy hoàng tử của địa ngục và canh giữ cổng địa ngục. Trong văn học, (ví dụ tác phẩm Moby Dick của Herman Melville) con cá voi khổng lồ được ví như Leviathan – ND

[7]Thomas Hobbes, Leviathan, ed. C. B. Macpherson (Harmondsworth, UK: Penguin, 1968), p. 13.

[8] Hans J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace, 5th ed., rev. (New York: Knopf, 1978).

[9] John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics (New York: W. W. Norton, 2001), pp. 19–22.

[10] Kenneth N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, MA: Addison-Wesley, 1979).

[11] Kenneth N. Waltz, “Realist ftought and Neorealist fteory,” in Controversies in International Relations Theory: Realism and the Neoliberal Challenge, ed. Charles W. Kegley Jr. (New York: St. Martin’s, 1995), pp. 67–82.

[12] John J. Mearsheimer, “the False Promise of International Institutions,” International Security

19:3 (Winter 1994–95): 5–49.

[13] Robert Gilpin, War and Change in World Politics (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1981), p. 29.

[14] Gilpin, War and Change, p. 210.

[15] Montesquieu, The Spirit of the Laws, vol. 36, ed. David Wallace Carrithers (Berkeley: University of California Press, 1971), p. 23.

[16] Immanuel Kant, Perpetual Peace, ed. Lewis White Beck (New York: Macmillan, 1957).

[17] Robert Axelrod and Robert O. Keohane, “Achieving Cooperation under Anarchy: Strategies and Institutions,” in Cooperation under Anarchy, ed. Kenneth Oye (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1986), pp. 226–54.

[18] G. John Ikenberry, After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Rebuilding of Order after Major Wars (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2003).

[19] Robert O. Keohane and Joseph Nye, Power and Interdependence, 3rd ed. (New York: Longman, 2001); Keohane and Nye, “Transnational Relations and World Politics,” International Organization 25:3 (Summer 1971): 329–50, 721–48.

[20]Francis Fukuyama, “The End of History?” National Interest 16 (Summer 1989): 4.

[21] John Mueller, Retreat from Doomsday: The Obsolescence of Major War (New York: Basic Books, 1989).

[22]Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (New York: Viking Penguin, 2011); and Joshua S. Goldstein, Winning the War on War: The Decline of Armed Conflict Worldwide (New York: Dutton, 2011).

[23] Karl Marx, Capital: A Critique of Political Economy, trans. Ben Fowkes (New York: Random House, 1977).

[24] John A. Hobson, Imperialism: A Study, ed. Philip Siegelman (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1965).

[25] Tony Smith, “The Underdevelopment of the Development Literature: The Case of Dependency theory,” World Politics 31:2 (January 1979): 247–88.

[26] Stephen M. Walt, “International Relations: One World, Many fteories,” Foreign Policy 110 (Spring 1998): 29–46.

[27] Ted Hopf, “The Promise of Constructivism in International Relations theory,” International Security 23:1 (Summer 1989): 172.

[28] Alexander Wendt, “Anarchy Is What States Make of It: the Social Construction of Power Politics,” International Organization 46:2 (Spring 1992): 396. For a more complete analysis, see Wendt, Social Theory of International Politics (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1999).

[29] Wendt, “Anarchy Is What States Make of It.”

[30] Ann Tickner, “Hans Morgenthau’s Principles of Political Realism: A Feminist Reformulation,”

Millennium: Journal of International Studies 17:3 (1988): 429–40.

[31] Cynthia Enloe, Bananas, Beaches, and Bases: Making Feminist Sense of International Politics, 2nd ed. (Berkeley, CA: University of California Press, 2014).

[32] John J. Mearsheimer and Stephen M. Walt, “An Unnecessary War,” Foreign Policy 134 (January– February 2003): 50–59.

No comments:

Post a Comment