July 29, 2023

Elisabeth Kübler-Ross: Năm giai đoạn đau buồn

 Lucy Burns

 Chối bỏ. Phẫn nộ. Mặc cả. Chán nản. Chấp nhận. Mọi người đều biết lý thuyết nói rằng khi chúng ta đau buồn, chúng ta trải qua một số giai đoạn - nó xuất hiện ở khắp mọi nơi từ các phòng khám chữa bệnh cho tới phòng hội nghị. Một bài báo được truyền tay nhau cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ đã trải nghiệm những giai đoạn này trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhưng có phải tất cả chúng ta đều đau buồn theo cùng một cách?

Khi bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross chuyển sang Mỹ vào năm 1958, bà đã bị sốc bởi biện pháp mà các bệnh viện nơi bà làm việc xử lý những bệnh nhân sắp chết.

Bà nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn năm 1983: “Mọi thứ đều rất lớn và rất phi cá nhân, rất kỹ thuật. Những bệnh nhân mắc bệnh nan y thực sự bị bỏ rơi, không ai nói chuyện với họ”.

Vì vậy, bà bắt đầu tổ chức hội thảo dành cho sinh viên y khoa tại Đại học Colorado, nơi bà tiến hành phỏng vấn những người sắp chết về cảm nhận của họ đối với cái chết. Mặc dù bà đã bị các đồng nghiệp của mình phản ứng một cách gay gắt, nhưng chẳng bao lâu bà đã có một chỗ đứng vững chắc.

Kết quả của những cuộc phỏng vấn này là tác phẩm Kiến thức chân thực về chết và người sắp chết (On Death and Dying), xuất bản năm 1969. Trong đó, bà bắt đầu bằng cách mô tả cách bệnh nhân nói về cái chết, và tiếp tục thảo luận về cách cải thiện việc chăm sóc người sắp chết.

 Một phần của cuốn sách khuấy động trí tưởng tượng của công chúng là ý tưởng cho rằng khi một người được chẩn đoán mắc bệnh nan y, họ sẽ trải qua một loạt các giai đoạn cảm xúc khác nhau.

 Kübler-Ross mô tả năm giai đoạn cụ thể như sau:

 Chối bỏ - “Không, không phải tôi, không đúng”

Phẫn nộ - “Tại sao lại là tôi”

Mặc cả - Tìm cách trì hoãn bằng “những hành vi tốt”

Chán nản – Phản ứng với căn bệnh và chuẩn bị cho cái chết

Chấp nhận – “Nghỉ ngơi lần cuối trước một hành trình dài”

 Bá mô tả những giai đoạn này như là “cơ chế phòng thủ... cơ chế đối phó với những tình huống cực kỳ khó khăn”.

 Tuy nhiên, không bao giờ chỉ có năm giai đoạn. Trong khi mỗi giai đoạn là nhan đề từng chương trong cuốn sách, biểu đồ trong cuốn sách mô tả khoảng 10 hoặc 13 giai đoạn, bao gồm sốc, đau buồn mang tính chuẩn bị - và hy vọng.

 Và con trai của bà, Ken Ross, nói rằng bà không thích ý tưởng cho rằng người ta phải lần lượt đi qua những giai đoạn này.



 “Năm giai đoạn có nghĩa là một khuôn khổ lỏng lẻo - chúng không phải là một loại công thức hay bậc thang nhằm chinh phục nỗi đau. Nếu mọi người muốn sử dụng các lý thuyết khác nhau hoặc các mô hình khác nhau, thì bà cũng không quan tâm. Bà chỉ muốn bắt đầu cuộc hội thoại mà thôi”.

 Kiến thức chân thực về chết và người sắp chết trở thành cuốn sách bán chạy nhất, và chẳng bao lâu sau Elisabeth Kübler-Ross đã nhận được vô số thư từ bệnh nhân và bác sĩ trên khắp thế giới. “Điện thoại bắt đầu đổ chuông liên tục”, Ken Ross hồi tưởng lại. “Người đưa thư bắt đầu đến hai lần một ngày”.

 Năm giai đoạn đã có cuộc sống của riêng chúng. Chúng được sử dụng để đào tạo bác sĩ và chuyên viên trị liệu, được truyền cho bệnh nhân và gia đình họ.

 Chúng đã được nhắc đến trong các bộ phim truyền hình từ Star Trek đến Sesame Street. Chúng đã được nhắc đi nhắc lại trong phim hoạt hình và chúng cũng truyền cảm hứng cho hàng trăm nhạc sĩ và nghệ sĩ.

 Người ta đã viết hàng ngàn bài báo mang tính hàn lâm về việc áp dụng những giai đoạn này cho rất nhiều trải nghiệm mang tính cảm xúc, từ vận động viên đối phó với những chấn thương có thể dẫn đến kết thúc sự nghiệp cho đến phản ứng của người tiêu dùng đối với iPhone 5.

 Những giai đoạn này cũng được sử dụng như một công cụ quản lý: Đường cong thay đổi Kübler-Ross được các công ty lớn từ Boeing đến IBM – trong đó có BBC - sử dụng để giúp hướng dẫn nhân viên của họ vượt qua những giai đoạn thay đổi.

 Và chúng có thể được áp dụng cho tất cả chúng ta trong đại dịch Covid-19, chuyên gia về đau buồn David Kessler cho biết như thế. Ông ta đã làm việc với Elisabeth Kübler-Ross và là đồng tác giả cuốn sách cuối cùng của bà, On Grief and Grieving, và cuộc phỏng vấn mà ông dành cho Harvard Business Review khi bắt đầu đại dịch đã lan truyền nhanh chóng, đấy là khi người tìm cách hiểu phản ứng cảm xúc của mình trước cuộc khủng hoảng này.

 “Có sự chối bỏ mà chúng ta đã thấy rất nhiều ngay từ đầu: Loại virus này sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta. Có sự phẫn nộ: Các vị bắt tôi ở nhà và không cho tôi hoạt động. Có sự mặc cả: Được rồi, nếu tôi giữ khoảng cách xã hội trong hai tuần thì mọi thứ sẽ ổn, sẽ tốt hơn, phải thế không? Có buồn bã: Tôi không biết khi nào việc này sẽ kết thúc. Và cuối cùng cũng có sự chấp nhận. Việc này đang xảy ra, tôi phải tìm ra cách tiếp tục.

 “Sự chấp nhận, như anh có thể tưởng tượng, sức mạnh nẳm ở đây. Chúng tôi phát hiện được sự kiểm soát trong thái độ chấp nhận. Tôi có thể rửa tay. Tôi có thể giữ khoảng cách an toàn. Tôi có thể học cách làm việc trên không gian mạng”.

 “Khi bị tổn thương, người ta đều muốn biết, ‘Nó sẽ kéo dài bao lâu? Chuyện gì sẽ xảy ra với tôi vậy?’ Họ muốn một cái gì đó để bám víu vào. Và mô hình các giai đoạn mang lại cho họ điều đó”.

 Charles A Corr, nhà tâm lý học xã hội và là tác giả cuón Death and Dying, Life and Living, đồng ý như thế: “Rất có sức quyến rũ”. Những giai đoạn này cung cấp cho người ta biện pháp dễ dàng trong việc phân loại những người ở trong những tình huống đó và chúng tình cờ nằm gọn trong một bàn tay năm ngón để người ta có thể chỉ ra”

 Nhưng George Bonanno lại nói rằng chúng có thể lợi bất cập hại. Ông khẳng định: “Những người không trải qua những giai đoạn này - và theo tôi, có thể nói đó là hầu hết mọi người - có thể khiến họ tin rằng họ đang đau buồn một cách sai lầm”.

 George Bonanno cũng nói rằng ông đã thấy nhiều ví dụ, trong nhiều năm, về những người “cho rằng họ nên cảm nhận theo một cách nào đó, hoặc bạn bè và người thân của họ cho rằng họ nên cảm nhận theo một cách nào đó, nhưng họ thì không, và mọi người gợi ý rằng có lẽ họ nên đến gặp một nhà trị liệu”.

 Có rất ít bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của năm giai đoạn đau buồn. Nghiên cứu dài hạn sâu rộng nhất về các giai đoạn đã được xuất bản vào năm 2007, dựa trên một loạt các cuộc phỏng vấn với những người vừa mất người thân. Công trình này rút ra kết luận rằng, mặc dù các giai đoạn được Elisabeth Kübler-Ross nhắc tới xuất hiện trong các kết hợp khác nhau, nhưng cảm xúc phổ biến nhất trong tất cả các giai đoạn là chấp nhận. Chối bỏ (hoặc hoài nghi, theo cách gọi của công trình nghiên cứu này) là rất thấp, và cảm xúc mạnh mẽ thứ hai được báo cáo là “khao khát”, đây không phải là một trong năm giai đoạn mà công trình của Elisabeth Kübler-Ross nhắc tới. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bị chỉ trích vì lấy mẫu có chọn lọc và cường điệu hóa những phát hiện của nó.

 Nhưng các giai đoạn đau buồn không được công trình nghiên cứu thực nghiệm này xác nhận thì sao?

 David Kessler nói rằng trong khi các học giả tranh luận với nhau, thì những người đau buồn mà ông gặp trong khi nghiên cứu vẫn tìm thấy ý nghĩa trong lý thuyết của Elisabeth Kübler-Ross.

 “Tôi thấy những người nói, ‘Tôi không biết mình bị làm sao nữa, tôi nghĩ mình bị điên - lúc thì phẫn nộ, lúc sau thì buồn’. Và tôi nói, ‘Có rất nhiều tên để gọi những cảm xúc đó, chúng được gọi là các giai đoạn đau buồn’, và họ nói: ‘Ồ, có một giai đoạn gọi là phẫn nộ à? Ồ, tôi thường hay phẫn nộ lắm!’ Tôi nghĩ rằng nó thực sự làm cho mọi người cảm thấy bình thường hơn”.

 Charles Corr nói: “Theo một cách nào đó, nếu Elisabeth Kübler-Ross không bao giờ sử dụng từ “giai đoạn” và nói rằng có năm hiện tượng, có lẽ chúng tôi sẽ cảm thấy tốt hơn. Nhưng người ta có thể đã không chú ý nhiều đến bà ấy”.

 Ông nói, ý tưởng cho rằng có năm giai đoạn cố định giống như một danh sách những triệu chứng y tế làm loãng những bài học thực sự có thể rút ra từ công trình của Elisabeth Kübler-Ross

 Elisabeth Kübler-Ross muốn nói một cách bao quát hơn hơn về cái chết và người sắp chết: giúp đỡ những người mắc bệnh nan y chấp nhận chẩn đoán được đưa ra, giúp những người chăm sóc và người thân trong gia đình lắng nghe họ và hỗ trợ họ trong khi đối mặt với cảm xúc của chính mình, đồng thời khuyến khích mọi người sống đời sống của mình một cách trọn vẹn nhất mà họ có thể, trong khi biết rằng thời gian của mình trên thế gian là hữu hạn.

 Năm 1983 bà nói: “Những người mắc bệnh nan y có thể dạy chúng ta mọi thứ - không chỉ về cách chết mà còn về cách sống”.

 Trong suốt những năm 1970 và 1980, Elisabeth Kübler-Ross đã chu du khắp thế giới để giảng bài và tham gia hội thảo có hàng nghìn người tham gia về chết và người sắp chết. Bà là người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối do một y tá người Anh, Cicely Saunders, dẫn đầu. Bà đã thành lập những khu vực chăm sóc người hấp hối trên khắp thế giới, khu vực đầu tiên được xây dựng ở Hà Lan. Năm 1999, Tạp chí Time gọi bà là một trong 100 nhà tư tưởng quan trọng nhất trong Thế kỷ XX.

 Uy tín của bà bắt đầu suy giảm khi bà khuếch trương công trình của mình về chăm sóc những bệnh nhân giai đoạn cuối sang các lý thuyết về những hiện tượng xảy ra sau khi chết, đồng thời bắt đầu nghiên cứu về trải nghiệm cận tử và lĩnh vực linh hồn.

 Bà có quan hệ với một người được gọi là nhà ngoại cảm tên là Jay Barham, nhưng đã xảy ra vụ bê bối trong năm 1979, khi người ta tiết lộ rằng ông ta đã lạm dụng tình dục những người phụ nữ tham gia trong các buổi cầu hồn, trong khi đóng giả là một “thực thể từ thế giới bên kia”.

 Trong những năm 1980, bà bắt đầu thành lập khu vực chăm sóc người hấp hối ở vùng nông thôn Virginia dành cho những đứa trẻ sắp chết vì AIDS, trước thái độ phản đối mạnh mẽ của dân chúng địa phương. Năm 1995, nhà của bà bị cháy trong những tình huống rất đáng ngờ và ngày hôm sau, lần đầu tiên Elisabeth Kübler-Ross bị đột quỵ. Bà đã chuyển đến ở gần con trai mình, Ken, ở Arizona, bà đã sống chín năm cuối đời ở đây.

 Trong buổi phỏng vấn được phát sóng cuối cùng với Oprah Winfrey, bà đã mô tả cảm xúc của mình về cái chết của chính mình là “phẫn nộ, phẫn nộ, phẫn nộ”.

 Ken nói: “Thật không may là công chúng không muốn mẹ tôi trải qua những giai đoạn của chính mình”. Họ nghĩ rằng vị bác sĩ vĩ đại chuyên nghiên cứu về chết và người sắp chết chỉ nên là thiên thần tới đây vì được bên trên chấp nhận - nhưng tất cả chúng ta đều phải đối mặt với đau buồn và mất mát theo những cách khác nhau”.

 Năm giai đoạn đau buồn không còn được giảng dạy một cách rộng rãi trong các cơ sở y tế nữa - mặc dù Đường cong thay đổi Kübler-Ross vẫn được sử dụng trong quá trình đào tạo những người điều hành và quản lý thay đổi, và các giai đoạn này vẫn truyền được cảm hứng cho một số nhận thức lan truyền có ảnh hưởng to lớn.

 Hiện nay đã xuất hiện một loạt các lý thuyết khác về cách xử lý đau buồn hiệu quả nhất.

 David Kessler tin rằng chìa khóa của đau buồn là ý nghĩa của sự kiện - giai đoạn thứ sáu mà ông cho thêm vào danh sách của Elisabeth, đã được gia đình Kübler-Ross đồng ý.

 “Có hàng triệu cách khác nhau để tìm ra ý nghĩa. Có thể tôi trở thành một người tốt hơn do một người thân của tôi đã chết. Có thể là người đó đã chết theo cách mà lẽ ra không thể chết, nên tôi muốn biến thế giới thành nơi an toàn hơn để không ai phải chết theo cách đó”.

 Charles Corr đề xuất lý thuyết gọi là “mô hình quy trình kép” của các nhà nghiên cứu người Hà Lan, Margaret Stroebe và Henk Schut, cho rằng khi người ta đau buồn, thì họ dao động giữa việc xử lý mất mát và chuẩn bị cho những thách thức mới trong cuộc đời.

 Trong khi đó, George Bonanno đã xác định được rằng đau buồn đi qua bốn quỹ đạo chung cho tất cả mọi người. Ông nói, nhiều người tương đối kiên cường và sẽ ít hoặc không bị trầm cảm, trong khi một số người sẽ trải qua nỗi buồn kinh niên, phải mất nhiều năm mới khỏi, một số người sẽ quay trở lại của chứng trầm cảm đã có từ trước, còn một số người thậm chí có thể thấy tâm trạng của họ được cải thiện sau khi mất người thân.

 Ông nói, hầu hết mọi người cuối cùng sẽ cảm thấy tốt hơn. Nhưng ông thừa nhận rằng cách tiếp cận của ông không có sự rõ ràng như lý thuyết về các giai đoạn.

 “Tôi có thể nói với người nào đó, ‘Anh/Chị có thể sẽ ổn thôi' - nhưng ‘Anh/Chị có thể sẽ ổn’ gần như không hấp dẫn lắm, phải không?”

 Rất khó kiểm soát nỗi buồn và nó gây ra đau khổ - và ý tưởng cho rằng có một lộ trình làm cho người ta cảm thấy dễ chịu, ngay cả khi đấy chỉ là vọng tưởng.

 Trong cuốn sách cuối cùng On Grief and Grieving, Elisabeth Kübler-Ross viết rằng lý thuyết về các giai đoạn của bà “không bao giờ có nghĩa là giúp người ta nhồi nhét những cảm xúc lộn xộn vào những cái va li gọn gàng”.

 Mỗi người có đau buồn khác nhau, ngay cả đôi khi có một số điểm giống nhau. Ai cũng phải tự mình vượt qua.

 Nguồn https://www.bbc.com/news/stories-53267505

No comments:

Post a Comment