June 29, 2019

Philippines – hi vọng và khủng hoảng dân chủ

Trích tác phẩm Tinh thần dân chủ (Spirit of Democracy của Larry Diamond – chưa in)

HI VỌNG

Năm 1986, đã xảy ra “phép màu”. Lần đầu tiên của hiện tượng mà sau này được gọi là “Cách mạng Sức mạnh của nhân Nhân dân” (People Power Revolution) trong làn sóng thứ ba, lực lượng đối lập Philippines đã động viên được nhân dân với chiến thuật phản kháng bất bạo động nhằm chia rẽ chế độ và lật đổ nhà độc tài. Tháng 11 năm 1985, tổng thống Ferdinand Marcos, dưới áp lực ở trong nước và quốc tế vì đã cướp phá đất nước và đàn áp bất đồng chính kiến suốt hai thập niên, đã tìm cách củng cố tính chính danh của ông ta bằng cách kêu gọi bầu cử tổng thống trong một ngày không xa. Phe đối lập đã bị khích động từ tháng 8 năm 1983 -– lãnh đạo phe dân chủ rất được lòng dân, ông Benigno Aquino, bị ám sát ngay trên sân bay Manila khi ông vừa từ Hoa Kỳ trở về, sau một thời gian sống lưu vong ở nước ngoài. Ủy ban điều tra của chính phủ quy trách nhiệm cho tham mưu trưởng lục quân, tướng Fabian Ver (người từng là tài xế và bảo vệ của Marcos), nhưng ông ta đã được tòa án thiên vị tha bổng và được trở lại nhiệm sở, làm cho tình trạng náo động càng gia tăng. Tin rằng có thể thắng trong một cuộc kiểm tra nhanh mức độ ủng hộ của dân chúng, Marcos tuyên bố tổ chức “cuộc tuyển cử bất ngờ” nhằm “khôi phục lại niềm tin” vào quyền lực của ông ta. Nhưng dưới áp lực về mặt đạo đức của tổng giám mục được nhân dân kính trọng, Hồng y Jaime Sin, phe đối lập vốn vẫn chia rẽ đã tập hợp lại xung quanh bà Corazon, góa phụ của ông Aquino. Và khi Marcos trắng trợn gian lận, trò bịp này đã bị Phong trào Công dân Toàn quốc Ủng hộ Bầu cử Tự do (NAMFREL) -– bằng những cố gắng chưa từng thấy – cũng như các nhà quan sát quốc tế, vạch trần. Thượng nghị sĩ Richard Lugar, lãnh đạo nhóm các nhà quan sát cuộc bầu cử do tổng thống Reagan thành lập và Nhà thờ Công giáo đã kí xác nhận bản báo cáo về cuộc bầu cử do NAMFREL đưa ra. Cả Marcos và Aquino cùng tuyên bố chiến thắng, Aquino kêu gọi bất tuân dân sự, tẩy chay và những hình thức phản đối bất bạo động khác nhằm “hạ bệ kẻ tiếm quyền”, các tướng lĩnh có đầu óc cải cách rời bỏ Marcos và công nhận Aquino là tổng thống dân cử hợp pháp. Nghe theo lời kêu gọi của Hồng y Sin, hàng trăm ngàn người Philippine đã đổ ra đại lộ nối liền hai căn cứ khởi nghĩa ở Manila (EDSA) với nhau và quỳ gối cầu nguyện. Đám đông liên kết giới quân nhân với các bà xơ sơ tay lần tràng hạt – sau này được gọi là “Phép màu ở EDSA” -– đã ngăn chặn được đoàn xe tăng và những đơn vị còn trung thành với Marcos, không cho họ tiến lên. Marcos không còn được ai ủng hộ nữa, ông ta phải sống lưu vong.


……
CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHI TỰ DO GẶP KHỦNG HOẢNG

Hi vọng chế độ dân chủ có thể ăn sâu bén rễ ở châu Á được thúc đẩy một phần là vì những cuộc chuyển hóa trong những nước nghèo hơn hẳn Đài Loan và Hàn Quốc, ví dụ, Philippines và Bangladesh. Khi những nước này trở thành dân chủ, Philippines vào năm 1986 và Bangladesh vào năm 1991, triển vọng của chế độ dân chủ trên khắp lục địa châu Á đã sáng lên, và Bangladesh cũng thường xuyên được người ta nhắc đến như là bằng chứng về khả năng tồn tại của chế độ dân chủ trong các nước Hồi giáo. Tuy nhiên, dân chủ đã phải chiến đấu với nền chính trị hủ bại, với nạn lạm dụng quyền lực, bạo lực chính trị, khả năng thực thi chính sách quá kém, và cuộc đối đầu giữa chính phủ và phe đối lập làm tê liệt mọi hoạt động. Dân chủ ở Bangladesh làm người ta nghi ngờ; còn ở Philippines, nền quản trị tồi làm cho tình hình an ninh và phát triển xấu đi và làm xói mòn niềm tin của công chúng.

Kể từ năm 1986, chế độ dân chủ Philippines đã và đang chiến đấu với nhiều căn bệnh gây tai họa cho đất nước này kể từ khi Ferdinand Marcos giành chính quyền bằng sức mạnh quân sự vào năm 1972: bạo lực, đảng phái nằm trong tay các ông trùm, và tham nhũng – hay cái mà các nhà phân tích gọi là “súng, đâm thuê chém mướn và vàng”. Vài chục gia đình bao trùm lên toàn bộ nền chính trị quốc gia, hiện nay, còn được bổ sung thêm (và gắn bó bằng các mối quan hệ hôn nhân) bằng các ngôi sao điện ảnh, các vận động viên và những người nổi tiếng khác. Như tờ Economist nhận xét, vì “những tập đoàn chính trị này chẳng có mấy mục tiêu ngoài việc giữ gìn và mở rộng ảnh hưởng của mình, cho nên họ ít quan tâm đến việc hoạch định chính sách” và hoạt động lập pháp của họ trong hai thập kỉ gần đây đã bị teo lại. Ở các địa phương, hoạt động chính trị chỉ xoay quanh “một vài gia đình liên kết với chặt chẽ với nhau”, những người kiểm soát các vị trí trong lĩnh vực kinh doanh và chính quyền cũng như các phương tiện bạo lực – cả chính thức lẫn không chính thức. Hầu hết các đảng chính trị đều không có cương lĩnh hay nền tảng tư tưởng, mà đơn giản chỉ là liên minh của những kẻ ăn trên ngồi trốc nhằm giành giật quyền lực và nguồn lực của nhà nước mà thôi. Tham nhũng “lan tràn trên tất cả các cấp chính quyền, làm tê liệt các nỗ lực của chính phủ trong việc ổn định tài chính” trong khi “để lại những dự án [cơ sở hạ tầng] không đạt chuẩn và thường dở dang, rải rác khắp nơi và không thể liên kết được với nhau”. Tội phạm có tổ chức, “hầu như bao giờ cũng hoạt động với sự thông đồng của các quan chức”, chiếm khoảng 10 đến 20% thu nhập quốc gia hàng năm. Bất bình đẳng xã hội và bất công tiếp sức cho cuộc nổi dậy kéo dài của cộng sản, hiện có hơn mười ngàn chiến binh và hơn một triệu cử tri trung thành với họ. Ở quần đảo phía Nam của người Hồi giáo thiểu số, cuộc bạo loạn của các nhóm li khai và chống bạo loạn đã bước vào thập kỉ thứ tư.

Nhìn từ quan điểm xã hội học, hai vị tổng thống tương đối trung thực và có đầu óc cải cách là Corazon Aquino và Fidel Ramos dường như là hiện tượng bất bình thường và việc bầu Joseph Estrada, một diễn viên quay sang làm chính trị, làm tổng thống vào năm 1998 dường như là hiện tượng tự nhiên. Mặc dù Estrada giành chiến thắng trong “cuộc bầu cử trong sạch nhất và có tính quyết định nhất” của đất nước với chiến dịch hấp dẫn đối với các giai cấp nghèo khổ, nhưng ông ta đã nhanh chóng chìm vào nạn tham nhũng và thiên vị. Công chúng đã nổi điên khi những câu chuyện khủng khiếp về những quyết định của tổng thống được đưa ra giữa lúc ăn nhậu cùng “nội các ban đêm” của những người bạn nối khố và “những khoản bôi trơn hậu hĩnh đổ vào những thú vui cá nhân, trong đó có những biệt thự do các cô tình nhân của Estrada” làm chủ bị tung ra. Khi có bằng chứng rõ ràng rằng Estrada đã đích thân nhận tiền của các tập đoàn cờ bạc bất hợp pháp, tháng 11 năm 2000, hạ viện đã bỏ phiếu nhằm buộc tội ông ta. Những người ủng hộ ông ta trong thượng viện đã ngăn chặn được vào phút chót việc bãi nhiệm Estrada bằng cách không cho các công tố viên mở các hồ sơ cực kì quan trọng. Động thái này, một lần nữa, khuấy động phong trào “quyền lực nhân dân” ở Philippines. Sau những cuộc biểu tình đông người diễn ra trên đường phố và nội các từ chức, các nhà lãnh đạo quân sự tuyên bố rằng họ không còn ủng hộ ông ta nữa, và Tòa án Tối cao (từ một quan điểm hiến pháp rất mơ hồ) tuyên bố rằng chức vụ tổng thống bị bỏ trống. Tháng 1 năm 2001, phó tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo được phong làm tổng thống. “Quá trình này rất khó được coi là dân chủ, nhưng được mọi người coi là cần thiết, ít nhất là tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở Manila đã đồng ý như thế”.

Đối với những người ủng hộ quản trị tốt, cả ở Philippines lẫn trên trường quốc tế, việc đưa Macapagal-Arroyo – một nhà kinh tế học, một người theo quan điểm kĩ trị và là con gái của một cựu tổng thống – dường như là của trời cho. Vị tổng thống mới đã khởi động lại chương trình cải cách kinh tế của tổng thống Ramos từ giữa những năm 1990 và ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu của tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush, do đó viện trợ của Mỹ gia tăng rất mạnh. Nhưng những khó khăn của chế độ dân chủ ở Philippines đã cản trở bà và quốc hội, do những kẻ ăn trên ngồi trốc nắm giữ, đã chặn đứng những cuộc cải cách của bà. Tháng 5 năm 2004, bà đã tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống đầy đủ kéo dài sáu năm và đã đương đầu với một ngôi sao điện ảnh theo phái dân túy khác là Fernando Poe Jr. “Rất nổi tiếng, học hành không đến nơi đến chốn, tính khí thất thường và gắn bó chặt chẽ với nhóm của Estrada”, Poe là cơn ác mộng kinh khủng nhất của những người Phlippines có học”. Vận động tranh cử như một người yếu thế, Macapagal-Arroyo đã khởi động lại tất cả các dự án đã bị ngưng trệ, bảo trợ tràn lan, rót vốn của chính phủ vào các dự án ngắn hạn và bảo hiểm sức khỏe cho rất nhiều người nghèo. Bạo lực, được cho là đã giết chết 150 người, nhiều báo cáo nói rằng có gian lận và sự chậm trễ quá mức trong việc kiểm phiếu đã làm hoen ố cuộc bầu cử, nhưng sáu tuần sau, tổng thống đương nhiệm được tuyên bố là người chiến thắng với cách biệt là 3,5%. Vài tháng sau, Poe qua đời vì một cơn đột quỵ, tạo điều kiện cho Macapagal-Arroyo tái tập trung vào những thách thức về kinh tế và an ninh cấp bách của đất nước.

Tình hình dường như đã trở lại “bình thường” cho đến tháng 5 năm 2005, đấy là lúc người phát hiện ra băng ghi âm buổi nói chuyện giữa tổng thống với một ủy viên ủy ban bầu cử trong thời gian kiểm phiếu. Cuộn băng – các quan chức chính phủ không thể phủ nhận được tính trung thực của nó – dường như đã khẳng định những cáo buộc cho rằng tổng thống đã lợi dụng quyền lực của mình để gian lận bầu cử . Thế là xã hội dân sự của Philippines lại quay trở lại đường phố, họ tìm kiếm điều có thể đã được gọi là vụ trục xuất thứ ba bằng các cuộc phản đối từ năm đời tổng thống gần đây nhất. Nhóm khá lớn các bộ trưởng đã từ chức, liên minh của tổng thống bị teo đi, và tiếp tục có những cáo buộc về việc chồng và con trai của tổng thống nhận tiền từ hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, cũng là nguyên nhân làm cho Joseph Estrada bị hạ bệ. Cựu tổng thống Corazon Aquino tham gia vào phong trào đối lập; “nhiều nhóm xã hội dân sự khác nhau", từ cộng đồng doanh nghiệp ở Manila đến các tổ chức phi chính phủ tả khuynh “và 11 cựu thành viên của chính phủ” cũng tham gia phong trào này. Niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Macapagal-Arroyo suy giảm rất nhanh, “và chỉ trong vài ngày giữa tháng bảy, việc chấm dứt nhiệm kì tổng thống của dường như sắp xảy ra”.

Nhưng nhà kĩ trị này hóa ra là người lắm mưu nhiều kế, ngoan cường và không từ bỏ cuộc đấu tranh chính trị. Các quan chức cao cấp của chính phủ và các sĩ quan quân sự được lệnh không được làm chứng trước quốc hội nếu không được tổng thống cho phép. Khi một vị tướng hải quân làm việc đó, ông phải ra tòa án binh. Phong trào “quyền lực nhân dân mệt mỏi” và các cuộc biểu tình trên đường phố xẹp hẳn. Với quyền lực của tổng thống và được bảo trợ, Macapagal-Arroyo đã chặn đứng được hai vụ luận tội (impeachment), trong khi đó bà tiếp tục đưa vào nội các những người trung thành với mình. Các báo cáo về sự dính líu sâu của chồng bà vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp, buôn lậu và cờ bạc tiếp tục được tung ra, nhưng cơ sở điều tra tham nhũng đã bị ngăn chặn. Chẳng bao lâu sau, bà đã tung ra chiến dịch nhằm biến Philippines thành chế độ đại nghị, mà các nhà phê bình cáo buộc là nỗ lực để giữ quyền lực mãi mãi. Ngày 24 tháng 2 năm 2006, bà tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hủy bỏ tất cả những giấy phép về việc tổ chức biểu tình (trong đó có cuộc tuần hành nhân kỉ niệm cuộc cách mạng EDSA) và tuyên bố đã chặn đứng được một vụ âm mưu đảo chính. Súng phun nước và dùi cui đã được sử dụng để chống lại người biểu tình”. Sau ba tuần, trước làn sóng phản đối dâng cao, tình trạng khẩn cấp đã bị dỡ bỏ, và sau này Toà án Tối cao đã tuyên bố rằng hành động của các quan chức là bất hợp pháp.

Sau vụ khủng hoảng này, chế độ dân chủ ở Philippines rơi vào tình trạng ngả nghiêng, đầy thương tích, mệt mỏi và vỡ mộng, với tổng thống Macapagal-Arroyo “mang ơn những viên tướng của bà” và liên minh của các chính trị gia thối nát. “Mối nghi ngờ về tính ưu việt – và khả năng sống sót trong dài hạn – của chế độ dân chủ do những kẻ ăn trên ngồi trốc nắm quyền, được thiết lập sau khi Maros bị lật đổ, ngày càng gia tăng”. Niềm tin của dân chúng vào chế độ dân chủ và cách thức hoạt động của nó giảm đi nhanh chóng. Sự kiện là cảnh sát thường móc ngoặc với các ông trùm chính trị và tội phạm địa phương và giới quân sự để triển khai cái mà chính phủ tuyên bố là “cuộc chiến tranh tổng lực” chống lại các phiến quân cộng sản, các vụ vi phạm nhân quyền – trong đó có “mất tích, bắt cóc, giết người không cần xét xử, ngược đãi người bị tình nghi và người bị tạm giữ” – đã và đang gia tăng. Năm 2006, xảy ra “hàng chục vụ giết người, nhiều vụ được cho là có động cơ chính trị” mà không có nghi phạm nào bị truy tố (mặc dù tổng thống đã cam kết và đã thành lập ủy ban điều tra). Cuộc điều tra tháng 9 năm 2006 do Human Rights Watch tiến hành đã phát hiện ra rằng “xã hội rất nghi ngờ những nỗ lực điều tra của chính phủ, tất cả các nhân chứng và gia đình nạn nhân tỏ ra sợ hãi và sợ hãi bao trùm lên những khu vực từng xảy ra những vụ giết người”. Cũng trong khoảng thời gian, khi ủy ban của chính phủ phải trình báo cáo vào tháng 10, giám mục Công giáo Alberto Ramento bị đâm chết ngay trên giường ngủ của mình. Vị giám mục này là người ủng hộ những người công nhân đình công trong một đồn điền ở địa phương và lớn tiếng chỉ trích lực lượng an ninh Philippines, đã trở thành một trong “mấy trăm vị linh mục, các nhà hoạt động, nhà báo và những người bất đồng chính kiến khác bị sát hại kể từ khi Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo lên cầm quyền vào năm 2001”.

Trong số các vị bộ trưởng có tư tưởng tự do rời bỏ nội các của Arroyo-Macapagal có thứ trưởng giáo dục Jose Luis “Chito” Gascon. Là người đã từng tham gia chiến dịch “quyền lực nhân dân” đầu tiên, ông là người trẻ tuổi nhất trong Ủy ban Hiến pháp năm 1986 và đại biểu trẻ nhất trong quốc hội Philippines đầu tiên sau thiết quân luật. Là luật sư và giáo sư đại học, ông vô cùng lo lắng cho tình hình dân chủ của Philippines. “Đây chắc chắn không phải là chế độ dân chủ xuất hiện sau năm 1985”, ông nói với tôi. “Chúng tôi có chế độ dân chủ thế phẩm. Chúng tôi có hiến pháp, có luật, có quy trình và quy phạm, nhưng thường xuyên bị vi phạm. Rất ít người tin vào hiến pháp và tất cả các đảng phái chính trị. Xã hội không tin tổng thống, nhưng cũng chẳng tin phe đối lập”. Cho nên ông cảm thấy không có biện pháp thay thế nào khác ngoài thúc đẩy sự nghiệp dân chủ thông qua biện pháp bầu cử. “Người dân đã kiệt sức rồi. Họ mệt mỏi vì các biện pháp ngoài vòng pháp luật”. Theo nhà báo Steven Rogers, người đã từng sống ở Philippines hơn hai thập kỉ, các kiến trúc sư của vụ gian lận bầu cử giúp Macapagal-Arroyo nắm quyền một lần nữa vào năm 2004 có lẽ “thực sự tin rằng họ đã làm một hành động yêu nước và cần thiết. Như trong vụ phế truất Estrada, dân chủ đã bị đập tan nhằm cứu nó. Mặc dù sẽ cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng dân chủ có thể bị phá vỡ – thậm chí với động cơ tốt nhất – nhiều lần đến mức thu thập nó lại là việc làm bất khả thi”.

No comments:

Post a Comment