July 1, 2019

GÁNH NẶNG THUỘC ĐỊA CỦA HOA KỲ (1)

Chương VI, tác phẩm Vạc Dầu Châu Á – Robert D. Kaplan


Bất cứ khi nào nghĩ đến Philippines, đôi mắt tôi lại hướng về bức tranh Tấm khăn choàng Manila của danh họa Henri Matisse, vẽ năm 1911, sau khi vị danh họa người Pháp trở về từ chuyến đi dài hai tháng sang Tây Ban Nha. Matisse đã mua tấm khăn choàng ở Seville, dùng tấm khăn ấy quàng quanh người mẫu, rồi vẽ người này đang trong tư thế bailaora của vũ điệu flamenco. Những tấm khăn choàng thêu lụa là báu vật được nhiều người ưa chuộng. Chúng được mang sang châu Âu bởi các tàu buôn Tây Ban Nha, xuất phát từ Philippines, xuyên qua Thái Bình Dương đến Tân Tây Ban Nha (Mexico), từ đây, được vận chuyển về Tây Ban Nha. Màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ, với họa tiết cỏ cây sơn dầu đỏ, cam, xanh óng ánh của tấm Khăn choàng Manila của Matisse là hình ảnh khiến tôi liên tưởng đến vẻ hùng vĩ và gợi cảm của Hòn đảo Philippine, đến sự chiếm đóng của Tây Ban Nha qua ngả Mexico ở đây trong gần ba thế kỷ rưỡi, bắt đầu từ năm 1556.
Philippines không những phải chịu đựng hàng trăm năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha, chế độ với những đặc trưng của Thiên Chúa giáo La Mã nặng nề thời tiền Cải cách tôn giáo, ít mang lại động lực hơn so với những gì Anh, Hà Lan và Nhật Bản đã làm ở những nơi khác trên Chuỗi đảo Thứ nhất , mà Philippines còn bị đè nặng gấp đôi bởi ảnh hưởng sâu sắc của thực dân Mexico, đại diện cho tiêu chuẩn ý thức về thể chế hiện đại thậm chí còn thấp hơn cả Tây Ban Nha.

Như những du khách thường sốc khi đến Philippines sau khi đã thăm thú những nơi khác trong khu vực Đông Á: tôi đã bị sốc sau 4 lần đến Philippines trong vòng một thập kỷ. Không có những đại lộ phân tầng, sáng bóng với kiến trúc hàng đầu của thế kỷ 21 giống như ở Malaysia, Singapore, Đài Loan hay miền ven biển Trung Quốc (chưa nói đến Nhật Bản và Hàn Quốc); không có nhịp sống như ở Việt Nam, quốc gia đã bị thực dân Pháp (Thiên chúa giáo) xâm chiếm trong gần 100 năm, cảnh quan đô thị của thủ đô Manila của Philippines chỉ là một sự tàn phá về thẩm mỹ và vật chất.

Xe ngụa ở Manila

Ấn tượng đầu tiên khi tới đây là những con đường tồi tàn, những vũng nước mưa rộng mênh mông vì hệ thống thoát nước kém, người ăn xin đứng đầy những ngã tư có đèn đỏ, những bảng hiệu neon mất chữ, những tòa nhà tiêu điều, nhếch nhác, trong giống như những cái sọt rách không mang bất kỳ một phong cách kiến trúc nào, và cũng chẳng ăn nhập gì với nhau, những thiết bị điều hòa cũ kỹ lắp bên ngoài, những khung cửa sổ đen thui, mớ bòng bong biết bao nhiêu là dây điện vắt chéo qua những cây cọ xiêu vẹo. Sự thiếu thẩm mỹ gần như toàn diện nổi lên giữa ánh nắng lấp lánh, ẩm ướt, chiếu xuyên qua màn sương và những đám mây gió mùa. Dù là những chiếc buýt jeepney màu vàng được trang trí bằng hình ảnh truyện tranh ngộ nghĩnh hay những mặt tiền tòa nhà màu sắc đặc biệt sặc sỡ đã nhuốm màu vì thời tiết, thì bộ mặt thành phố vẫn mang lại cảm giác rất nghiệp dư và rời rạc, như thể toàn bộ cảnh quan đô thị này – trừ Khu phố cổ Tây Ban Nha và những trung tâm mua sắm hạng sang – được gắn kết với nhau bằng hồ dính. Trái với những thành phố sôi động ở Việt Nam (những thành phố cũng có những vấn đề kinh tế), Manila, dù là một thành phố đông dân, lại khá ảm đạm và không mục đích. Cỏ dại và xi măng đổ nát hiện diện khắp nơi. Cảnh tượng ngổn ngang bên ngoài khu vực trung tâm không phải là của những ngôi nhà ngoại ô mà là của những khu ổ chuột với những mái nhà đen thui, mái tôn và những đống rác chất cao ngút trời.

Những nhân viên bảo vệ an ninh tư nhân, có cầu vai áo và phù hiệu làm tôi nhớ đến những nhân viên bảo vệ ở Mexico, đứng gác tại hành lang các khách sạn năm sao và các cửa hàng thức ăn nhanh cùng chó nghiệp vụ và súng săn cưa nòng. Các tòa nhà chính phủ trông thật hoang vắng, lạnh lẽo vì ánh sang chết choc phát ra từ những chiếc đèn huỳnh quang. Tất nhiên, cũng có âm thanh rộn rã trong những trung tâm mua sắm hiện đại và những chưỡi nhà hàng dàng cho giới trung lưu. Tuy nhiên, dù những cuốn cẩm nang du lịch có nói gì, thì chỉ sau vài ngày là người ta nhận ran gay rằng không hề có bất kỳ món ăn Philippines đặc trưng nào, ngoài cá, thịt heo và cơm nấu hết sức bình thường. Đây là một nền văn hóa vay mượn, không có chút gì đọng lại từ nền văn minh đa dạng hiện hữu ở những địa điểm khảo cổ tại những nơi như Việt Nam và Indonesia, chưa nói đến Trung Quốc và Ấn Độ. Trong một nền văn hóa như vậy, nổi bật lên là những khu phố xa hoa, kín cổng cao tường, trong đó, những người giàu nhờ hệ thống các thiết bị hỗ, có thể thoát khỏi cái môi trường bất thường kia.

Động lực của châu Á, bắt đầu từ những năm 1970, có thể cảm nhận được rõ ràng qua mọi thứ, từ những con tàu cao tốc ở Trung Quốc và Đài Loan, đến cơn sốt xây dựng ở Việt Nam và Malaysia, hay những hàng cây ven đường được cắt tỉa rất đẹp ở Singapore. Thế nhưng, ít nhất là cho đến lúc này, động lực ở châu Á đã bỏ qua Philippines.

Một nhà kinh tế hoạc phương Tây làm việc ở Manila nói với tôi: “Đây vẫn còn là một nền kinh tế Mỹ Latin yếu kém, chứ không phải là một nền kinh tế châu Á. Đúng là cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 không ảnh hưởng nhiều tới Philippines, nhưng trước hết đó là vì nước này chưa bao giờ hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”. Ông nói tiếp: những gì anh thấy, “là tốc độ tăng trưởng kinh tế được coi là ổn định, gần đây lên tới hơn 6% mỗi năm, song lại bị suy yếu đi bởi tốc độ tăng trưởng dân số 1,7%, không giống như những nền kinh tế khu vực vành đai Thái Bình Dương khác, những nền kinh tế mà trong mấy thập niên liền có tốc độ tăng trưởng cao hơn gần 1/3 Philippines, nhưng dân số không tăng tới mức đó. Điều quan trọng là tỷ lệ tăng trưởng GDP “đáng kinh ngạc”, lên tới 76,5% trong những năm gần đây lại thuộc về 40 gia tộc giàu nhất Philippines”. Câu chuyện về giới tinh hoa ở Manila đang giàu trong khi những người khác phải trả giá là câu chuyện đã cũ từ lâu.

Trong khi các nền kinh tế phát triển mạnh ở châu Á có nền tảng sản xuất mạnh mẽ và được xây dựng dựa trên xuất khẩu, thì trái ngược hẳn với mô hình tiêu chuẩn 75% của châu Á, ở Philippines, xuất khẩu chỉ chiếm 25% hoạt động kinh tế. Và 25% đó cũng chủ yếu là các linh kiện điện tử giá trị thấp, chuối và dừa. Nhà kinh tế học nói trên đưa ra số liệu thống kê nhanh như sau: Philippines đứng thứ 129/182 quốc gia về chỉ số minh bạch quốc tế , trở thành nền kinh tế tham nhũng nhất châu Á, thậm chí còn hơn cả Indonesia; theo chỉ số dễ-tiến-hành-hoạt-động-kinh-doanh của Ngân hàng Thế giới, Philippines đứng thứ 136/183; trong mọi bảng xếp hạng và hạng mục, Philippines – với dân số đứng thứ 12 trên thế giới – luôn là nền kinh tế lớn tệ hại nhất ở châu Á.

Không ai có thể phủ nhận là tình hình đang được cải thiện. Gần đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ đã xếp Philippines vào hạng giữa bảng đánh giá xếp hạng mức độ cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nạn nạn tham nhũng, những quy định hạn chế quyền sở hữu của người nước ngoài, cùng thủ tục giấy tờ bất tận đã làm cho Philippines trở thành quốc gia khó chịu nhất trong không gian hàng hải châu Á. Không có quốc gia nào ở châu Á, có lẽ chỉ trừ Myanmar, Campuchia, và Indonesia, lại có các thiết chế yếu kém hơn và tắc trách hơn.
Có lẽ, không có quốc gia rộng lớn nào khác trên thế giới được Hoa Kỳ đầu tư về chính trị, quân sự và kinh tế trong suốt nhiều thập kỷ liền như thế mà lại tạo ra được ít khác biệt đến như thế.

Cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ vào Philippines bắt đầu vào rạng sáng ngày 01 tháng 5 năm 1898, khi hải đoàn gồm chín con tàu của Phó Đô đốc George Dewey, hành quân qua màn đêm qua Đảo Corregidor đến gần Bán đảo Bataan, tiến vào Vịnh Manila và tiêu diệt hải đoàn mạnh hơn của Tây Ban Nha. Như nhiều sự kiện đáng chú ý trong lịch sử, chiến thắng của Dewey vừa là đỉnh điểm của các lực lượng chính trị và kinh tế rộng lớn, vừa là một tình huống bất ngờ, không dễ gì xảy ra. Nó không hẳn được thúc đẩy bởi những sự kiện tại Thái Bình Dương, mà là do vụ đàn áp của Tây Nha Ban đối ở Cuba đã khiến Tổng thống Hoa Kỳ William McKinley – bị thúc giục bởi những người theo chủ nghĩa bành trướng, bao gồm trong đó có trợ lý Bộ trưởng Bộ Hải quân Hoa Kỳ Theodore Roosevelt – tuyên chiến với Đế quốc Tây Ban Nha.

Cuộc xâm lược Philippines đánh dấu việc lần đần tiên Hoa Kỳ cố ý tiến hành chinh phục một khu vực lãnh thổ ở nước ngoài và cuối cùng, chiếm đóng luôn lãnh thổ đó. Phải hơn một thế kỷ sau, cho đến cuộc xâm lược Iraq, điều này mới xảy ra một lần nữa. Mặc dù bắt đầu bằng chiến thắng mở màn đầy vẻ vang của Phó Đô đốc Dewey, nhưng trong vòng vài tháng, cuộc xung đột lớn đầu tiên của Hoa Kỳ ở bên ngoài lục địa của nó đã biến thành cơn ác mộng về quân sự, cũng như đã gây ra sự rạn nứt trong nội bộ Hoa Kỳ như trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tiếp sau cuộc đổ bộ thành công vào Vịnh Manila của Dewey, quân đội Hoa Kỳ đã giúp quân nổi dậy Philippines giành lại quần đảo bị từ tay Tây Ban Nha. Nhưng cũng tương tự như ở Iraq và những nơi khác, người Mỹ đã sai lầm khi nghĩ rằng người dân bản xứ hoan nghênh việc đánh đuổi chế độ chuyên quyền bạo ngược và sẽ vẫn thân thiện một khi chế độ ấy đã bị lật đổ. Sau khi Tây Ban Nha bị đánh bại, căng thẳng giữa chính quyền mới ở Philippines do Emilio Aguinaldo, nhà lãnh đạo trẻ tuổi người Tagalog, đứng đầu và quân giải phóng Hoa Kỳ tăng lên, mặc dù cho Aguinaldo đang dần mất kiểm soát lực lượng năm bè bẩy mối của ông ta. Đến tháng 2 năm 1899, tình trạng hỗn loạn ở Philippines và chủ nghĩa lý tưởng bị đặt nhầm chỗ của Hoa Kỳ đã bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa quân đội Hoa Kỳ và lực lượng du kích trong nước của Philippines.

Ngày 04 tháng 7 năm 1902, khi Tổng thống Roosevelt tuyên bố chiến tranh Philippines kết thúc, 4.234 binh lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và 2.818 người khác bị thương. Tổng cộng, 200.000 người đã thiệt mạng, chủ yếu là dân thường Philippines. Cuộc chiến ở miền nam Philippines theo Hồi giáo còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Người ta có thể khẳng định rằng cuộc chiến đó là hoàn toàn không cần thiết, một sai lầm chính trị ngớ ngẩn bậc nhất của chính quyền McKinley, trong đó chủ nghĩa lý tưởng và sự ngây thơ của Hoa Kỳ đã đưa nó nước này vào con đường phá hủy và tàn bạo.
Theo sau chiến thắng quân sự lộn xộn và tàn bạo này là hàng thập kỷ thống cai trị của Hoa Kỳ, một chế độ được nhà báo, nhà sử học Stanley Karnow gọi là “mô hình khai sáng” so với chủ nghĩa thực dân châu Âu. Samuel Tan, nhà sử học người Philippines, người chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ trên những khía cạnh khác, cũng đồng tình và mô tả sự cai trị của Hoa Kỳ như một động cơ lịch sử đã mang chút ít hiện đại đến cho quần chúng nhân dân Philippines.

Người Mỹ bị cấm mua những khu đất lớn, họ tránh các những đề án, ví dụ như độc quyền thuốc phiện. Họ lấy đất của những nhà thờ giàu có cấp cho nông dân, họ xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng, đập và công trình thủy lợi. Từ 1900 đến 1920, nhờ viện trợ của Hoa Kỳ dành cho y tế và giáo dục mà dân số Philippines đã tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng 1 thế hệ, số người biết đọc biết viết đã tăng từ 20 lên 50%.

Theo chiều ngược lại, Philippines đã tác động đến vận mệnh của Hoa Kỳ trong suốt thế kỷ XX ở một mức độ mà ít có quốc gia xa xôi nào làm được. Thẩm phán bang Ohio, William Howard Taft, lãnh đạo Hội đồng Philippines và đây là bước để ông leo lên chức cụ tổng thống Hoa Kỳ. Đại úy John “Black Jack” Pershing, người chỉ huy đoàn quân viễn chinh chống lại Pancho Villa ở Mexico và chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ trong Thế chiến I, sau chiến công xuất sắc mà ông giành được khi chỉ huy đội quân chống quân nổi dậy Hồi giáo ở miền nam Philippines đã vượt lên 900 sĩ quan khác để được thăng cấp Chuẩn tướng. Douglas MacArthur, con trai của Tướng Arthur MacArthur, đã tới đến Philippines để chỉ huy cho lữ đoàn của Hoa Kỳ và trở lại lần thứ hai để đảm trách vai trò cố vấn quân sự cho chính quyền nước này. Một trong những phụ tá của Douglas MacArthur ở Manila là thiếu tá Dwight D. Eisenhower, người đã mài dũa kỹ năng phân tích của mình cho Thế chiến II bằng cách tổ chức quân đội quốc gia cho Philippines. Chiến thắng của Nhật Bản trước lực lượng của Tướng Douglas MacArthur ở Philippines, chiến lũy cuối cùng của MacArthur ở Corregidor, Vịnh Manila trước khi rút chạy sang Australia, những tội ác tiếp theo của Nhật Bản đối với cả tù binh chiến tranh người Mỹ lẫn người Philippines trong “Tháng 3 Chết chóc” trong khu vực gần bán đảo Bataan, và lần trở lại Philippines khải hoàn của MacArthur trong trận chiến trên vịnh Leyte - tất cả đã trở thành một phần trong huyền thoại theo kiểu Homer của Thế chiến II và tạo ra một di sản lịch sử chung cho cả người Mỹ lẫn người Philippines.

Đây là chưa nói đến sự can thiệp sâu của các nhà hoạch địnhnhững người lập chính sách Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ chính quyền Philippines bằng viện trợ và tư vấn kể từ Thế chiến II, đặc biệt là vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong việc phế truất nhà độc tài Ferdinand Marcos một cách hòa bình vào năm 1986. Hoa Kỳ không chỉ vật lộn với chế độ độc tài của Marcos, công việc đòi hỏi sự tham gia của các sĩ quan và nhà ngoại giao Mỹ từ những năm 1960 đến 1980, mà Hoa Kỳ còn có nhiệm vụ hỗ trợ Manila nhằm chống lại phong trào nổi dậy của chủ nghĩa cộng sản và của quân Hồi giáo đang lên cao ngay lúc nàykéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

Thật vậy, không thể nghi ngời Hoa Kỳ đang hoặc đã từng là một nước đế quốc xâm chiếm Philippines, nơi mà lãnh sự quán của Hoa Kỳ, tòa bạch ốc nguy nga, tráng lệ nằm đối diện Vịnh Manila chiếm giữ khu nhà đất đẹp nhất khu vực trung tâm, tương tự như các hội đồng cấp cao và lãnh sự quán Anh, Pháp chiếm giữ tại ở các quốc gia thuộc địa cũ của mình; nơi người Mỹ có khu nghỉ mát riêng giống tương tự như những khu nghỉ mát của người Anh ở Ấn Độ; nơi những sĩ quan quân đội, doanh nhân và chính khách hàng đầu của quốc gia bản địa này đều tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point, cũng tương tự như việc những nhân vật vai vế tại các nước thuộc địa cũ của Anh tốt nghiệp Sandhurst; và nơi mà vị anh hùng lãng mạn của quốc gia không phải là một người Philippines mà là nhân vật tựa như thần Promethues, Douglas MacArthur, người mà, theo suy nghĩ của người Philippines, đã giải cứu đất nước khỏi sự tàn sát của những chiếm đóng người Nhật.
Thử tưởng tượng về Iraq chín thập kỷ về sau, nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục can thiệp sâu vào những vấn đề ở đó với tư cách là một cường quốc thống trị từ bên ngoài tới ngoài. Lúc đó, Iraq sẽ trở thành Philippines. Philippines, trong gần hết thế kỷ XX, là thuộc địa của Hoa Kỳ về mọi mặt trừ cái tên, là quốc gia có chính sách quốc phòng và ngoại giao ủng hộ Mỹ hiển nhiên từ rất lâu.

Với di sản như thế, người ta cho rằng số phận của Philippines và việc nước này có bị Trung Quốc Phần Lan hóa hay không, tương tự như hướng đi chiến lược của Hoa Kỳ với tư cách là một siêu cường hơn là so với số phận của Iraq và việc liệu quốc gia này có tiếp tục phải chịu sự thống trị của Iran hay không. Xin đừng nhầm, Philippines rất quan trọng: quốc gia này có vai trò án ngữ bờ đông Biển Đông, tương tự như Việt Nam án ngữ bờ tây và Trung Quốc án ngữ bờ bắc. Với số dân gần 100 triệu người, Philippines thậm chí còn đông dân hơn cả Việt Nam.

Và cho đến bây giờ, mặc dù có đã được nhận những khoản kinh phí viện trợ hàng năm khổng lồ của Hoa Kỳ trong suốt thế kỷ qua, Philippines vẫn là một trong những xã hội tham nhũng, bất thường, khó uốn nắn và nghèo đói nhất ở trong không gian hàng hải ở châu Á, với những khu ổ chuột chẳng khác gì châu Phi, thuyết định mệnh và sự phân chia giai cấp mang phong cách Mỹ Latin. Quả thực, Philippines được người ta miêu tả như là một “nền cộng hòa may rủi”, nơi các chính trị gia “có quyền mà không có đức”, lãnh đạo bằng phương tiện là “vốn” và “tội ác”.

Philippines trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, vẫn tham nhũng như vậy, phần lớn là di sản của một người, Ferdinand Marcos, con người đại diện cho cực đối lập của với Lý Quang Diệu, và ở mức độ ít hơn với Mahathir bin Mohamad và Tưởng Giới Thạch. Trong khi những nhân vật kia để lại đằng sau là các quốc gia hoạt động hiệu quả, với các thể chế hết sức trong sạch, có phẩm chất trở thành các nền dân chủ hiệu quả, thì những Marcos để lại sau lưng nạn hối lộ, đút lót, chủ nghĩa ô dù và sự cảnh đổ nát. Khác với Singapore, Đài Loan, và ở mức độ nhỏ hơn là Malaysia, Marcos và Philippines hoàn toàn không có các giá trị của Khổng giáo. Trong khi những nhân vật kia có tư duy của những triết gia chính trị vĩ đại, thể hiện qua việc chứng tỏ rằng trong một vài trường hợp, chế độ chuyên chế hạn chế có thể dẫn đến hiệu quả chính trị, thì Marcos lại là người đại diện cho đa số các trường hợp hơn, trong đó, chế độ chuyên chế dẫn đến tội ác và sự thối nát về chính trị. Ba nhân vật kia, mỗi người đều là những người đặc biệt theo quyền cách riêng của mình, tuổi thơ của họ làm cho họ phải đổi thay để thích nghi với những sự thật không mấy dễ chịu về xã hội cần phải được điều chỉnh của họ. Họ nhìn xuyên màn khí độc của những hợp lý hóa thường gặp để luôn luôn có thể thấy thực tế nghiệt ngã mà họ phải đương đầu: thể hiện rõ nhất Lý Quang Diệu và Mahathir, và còn Tưởng Giới Thạch thì không rõ bằng. Đó là thiên tài năng đặc biệt của họ; trong khi thế giới của Marcos trở thành là sự tự dối mình. Lý Quang Diệu và Mahathir là những nhà lãnh đạo hiệu quả, mang phong cách của các nhà quản trị doanh nghiệp; Tưởng Giới Thạch thì tìm cách đạt được điều đó trong những năm cuối đời ở Đài Loan. Còn Marcos thì làm hoàn toàn ngược lại. Hãy lắng nghe ý kiến của Stanley Karnow, nhà báo – nhà sử học mà người ta cho là vĩ đại nhất của nước Mỹ về khu vực Đông Nam Á cuối thế kỷ XX:

“Bị cô lâp trong cung điện ngột ngạt của mình, Marcos cuối cùng đã không còn tiếp xúc được với thực tế nữa. Đến năm 1985, chính quyền tham nhũng của ông ta đã mất hết uy tín, nhưng niềm tin mù quáng của ông ta vào khả năng bất khả chiến bại của mình đã thúc đẩy ông ta lập kế hoạch bầu cử… báo hiệu sự sụp đổ của ông ta… Marcos sụp đổ dưới gánh nặng từ sự quản lý yếu kém và dễ bị mua chuộc của mình, cách quản lý như thế làm cho quốc gia phá sản. Để cạnh tranh với những nhà cầm quyền Khmer huyền thoại, đầu của những vị này được tạc bằng đá và rồi xếp thành hàng trên các kiến trúc trong quần thể Angkor , Marcos đã yêu cầu tạc tượng bán thân của mình vào sườn đồi trung tâm Luzon. Ông ta bịa ra một loạt các vị tổ tiên là quý tộc, chiến binh, nông dân, nghệ sĩ, thực dân và có tinh thần quốc gia dân tộc chủ nghĩa, như thể tinhthần từ của những người ấy tập trung hết cả vào ông ta”.

Trong hơn hai thập kỷ cầm quyền, Marcos và vợ, Imelda, không đánh cắp hàng trăm triệu USD, mà họ đã ăn cắp hàng tỷ. Thiên tài văn hóa là khi nhà lãnh đạo cô phân lập được những thuộc tính mạnh mẽ nhất của nền văn hóa nhằm đưa xã hội lên cấp độ cao hơn. Lý Quang Diệu đã làm như vậy với nền văn hóa Trung Hoa hải ngoại; Mahathir đã làm như vậy với nền văn hóa Mã Lai, kết hợp nhất nền văn hóa này với những thuộc tính kỷ luật của Hồi giáo toàn cầu. Nhưng Marcos lại đại diện cho di sản tệ hại nhất của Tây Ban Nha – chế độ chuyên chế, thuyết định mệnh và tiền cải cách tôn giáo, do đó, ông ta đã không làm được gì mang tính cách mạng và thú vị cho đất nước Philippines, ngoài việc trì hoãn cái ngày mà quốc gia này cũng có thể trở thành một con hổ châu Á.

Với tình trạng đình trệ vô định của kỷ nguyên hậu Marcos, Marcos cũng không còn bị mọi người ở đây căm ghét nữa. Một trong những luật sư hàng đầu của quốc gia này nói với tôi: “Trong suốt những năm đầu của chế độ độc tài Marcos, chúng tôi đã từng kì vọng. Marcos thực sự có đã có những khả năng và cơ hội để thay đổi nền văn hóa. Nhưng với ý thức về quyền lực của người vùng Java, ông ta tin rằng quyền lực gắn liền với thể xác của ông ta. Đây không phải là ý thức quyền lực kiểu Machiavelli, trong đó, đức hạnh không phải là khả năng thu hút quần chúng mà là việc làm và những lựa chọn khó khăn.” Vị luật sư nói tiếp, suốt từ khi Marcos lên cầm quyền: “nền dân chủ của chúng tôi chỉ dân chủ hóa tham nhũng. Không hề có chút gì Khổng giáo ”, tức là hệ thống giá trị lý giải cho các xã hội tự điều chỉnh và phát triển mạnh ở hầu hết khu vực Đông Á; cũng không có “kỷ luật Hồi giáo” nào - thứ lỷ luật có ích cho những người Mã La ở Malaysia và Indonesia. “Trong văn hóa của chúng tôi: chúng tôi không làm mất mặt xấu nhau; thay vì trừng phạt, chúng tôi thỏa hiệp và giải quyết theo hướng khác. Đây là bi kịch của chúng tôi.” Một nhóm các nhà báo Philippines nói với tôi rằng, chính sự thiếu kỷ luật đã khiến họ nghi ngờ khả năng duy trì một mặt trận mạnh mẽ và thống nhất nhằm chống lại Trung Quốc.

Những đặc điểm văn hóa ấy, tất nhiên, có thể thay đổi, và còn có thể thay đổi một cách cực kỳ nhanh chóng. Song việc này đòi hỏi phải có những chính sách tốt, đòi hỏi phải có nhà lãnh đạo xuất chúng.

Ngoài Marcos, vấn nan đề nan giải chính của Philippines là địa lý. Trước khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Ferdinand Magellan đặt chân lên đảo Cebu vào năm 1521, quần đảo Philippines không phải là một thực thể chính trị gắn bó với nhau. Sự tương phản rất rõ ràng với Việt Nam, một đất nước có ý thức dân tộc cách đấy cả ngàn năm. Trước khi Magellan tới, quần đảo Philippines đại thể bao gồm ba nhóm đảo có với rất ít điểm chung. Đảo Luzon ở phía bắc là nơi sinh sống chủ yếu của người Tagalog, có cội nguồn từ khu vực Đông Nam Á. Ở phía nam là đảo Mindanao và quần đảo Sulu, nơi sinh sống của người Moro theo Hồi giáo, tộc người có nhiều điểm chung về mặt văn hóa và sắc tộc với người ở Malaysia và Indonesia hơn là với người ở đảo Luzon. Điều này đã dẫn đến chủ nghĩa khủng bố và phong trào nổi dậy Hồi giáo, và chiến dịch chống nổi dậy được Hoa Kỳ trực tiếp giúp đỡ. Luzon ở phía bắc và Mindanao ở phía nam liên kết với nhau một cách lỏng lẻo bằng nhóm đảo Visayas nằm rải rác, rong đó có đảo Cebu. Việc phải bảo vệ 35.405,57 km (22.000 dặm) đường bờ biển, chật vật với những mối đe dọa từ bên trong, sản phẩm của sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo, khiến Philippines trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự xâm nhập của một cường quốc bên ngoài như Trung Quốc. Philippines giống một đế chế đổ nát được điều khiển từ Luzon hơn là một quốc gia. Quả thật, dù là một quốc gia quần đảo nhưng lục quân của Philippines lại có quân số gấp ba hải quân, chứng tỏ tình trạng mất an toàn ở trong nước. Chính vì đặc điểm địa lý mà giờ đây Philippines không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm sự bảo trợ từ Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.

Đúng là Philippines đã đóng cửa Căn cứ Hải quân của Hoa Kỳ ở Vịnh Subic vào năm 1992, đồng thời căn cứ Clark Airfield (cũng nằm trên đảo Luzon) cũng bị đóng cửa vào năm đó. Nhưng đó là trước khi sức mạnh hải quân của Trung Quốc trở nên thực sự rõ ràng. Chỉ hai năm sau, Trung Quốc đưa quân lên các dải đá ngầm do Philippines kiểm soát trên quần đảo Trường Sa và từ giữa những năm 1990 trở đi, Trung Quốc tiến hành mở rộng lực lượng không quân và hải quân một cách mạnh mẽ, cùng với một thái độ hung hăng hơn trên Biển Đông. Sự thống trị về mặt địa chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Manila được đẩy mạnh bởi thực tế thực tế Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa kiều có rất nhiều của cải và ảnh hưởng ở Philippines.

Trên phương diện khác, chủ nghĩa dân tộc dễ kích động ở Philippines trước sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc, theo phương diện khác, cũng chính là biểu hiện tính dễ bị tổn thương về địa lý của quốc gia này. Biển là đường giao thông huyết mạch cho mọi hoạt động kinh tế của Philippines, từ đánh bắt thủy hải sản đến khai thác năng lượng. Philippines nhập khẩu toàn bộ dầu bằng đường biển, trong khi toàn bộ nguồn cung khí thiên tự nhiên của quốc gia này được khai thác trên thềm lục địa gần Vịnh Manila. Do đó, khả năng bị tước mất đi quyền tiếp cận các mỏ hydrocarbon mới ở Biển Đông, như ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, cũng như bị tước mất quyền tiếp cận các ngư trường hiện tại do sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực trong không gian hàng hải là cơn ác mộng về an ninh quốc gia đối với Manila.

Khi tôi ở đây thì sự dễ bị tổn thương của một quốc gia sắp thất bại trước dưới cặp mắt đầy đe dọa của Trung Quốc đang được Washington khai thác nhằm làm sống lại, dưới hình thức khác, nền tảng chiến lược người Mỹ đã từng có ở đây, trên bờ đông Biển Đông trong gần một thế kỷ, kể từ năm 1899 cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Xích lô ở Manila

Chuyến sang thăm Philippines gần đây nhất của tôi vào mùa hè năm 2012 diễn ra đúng vào giai đoạn xảy ra căng thẳng quân sự trên Biển Đông, sự kiện mà trong các bản tin trên thế giới chỉ bị lấn át bởi cuộc nội chiến ở Syria và khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà thôi. Sự bế tắc trong cuộc đối đầu giữa tàu thuyền của Philippines và tàu thuyền của Trung Quốc, bắt đầu từ mùa xuân năm 2012, tại Bãi cạn Scarborough, cách 193,1km (120 dặm) về hướng Tây đảo Luzon, đã chứng minh cho sự tự tin vào chính sách “cây gậy nhỏ” của Trung Quốc khi đối phó với một địch thủ yếu kém và đáng thương như Philippines. Thay vì tàu chiến thứ thiệt, trong nhiều tuần, Bắc Kinh đã phái hơn 20 tàu tuần tra biển hạng nhẹ, không vũ trang (tương đương với những tàu cảnh sát biển bờ biển), đến hiện trường. Qua đó, Trung Quốc ám chỉ rằng nước này xem quyền lực trên biển là một “thể liên tục”, bao gồm nhiều phương án lựa chọn, vì ngay cả tàu buôn và tàu đánh cá cũng có thể thả thủy lôi và theo dõi tàu chiến của nước ngoài. (Như các giáo sư James Holmes và Toshi Yoshihara, Đại học Hải Chiến Hoa Kỳ khẳng định, trên thực tế, Trung Quốc đang tập hợp các tàu bảo vệ bờ biển hiện đại nhất “giống như xúc xích”, còn các đơn vị tuần tra trên biển thì đang tiếp nhận các tàu hải quân bỏ không). Việc sử dụng tàu lớn ở đầu yếu của “thể liên tục” đã củng cố thêm cho thông điệp của Trung Quốc rằng nước này chỉ đang kiểm soát các vùng nước đã sở hữu, chứ không phải đang cạnh tranh với các lực lượng hải quân khác để chiếm các vùng nước mới. Và không một ai có thể nghi ngờ khả năng có thể gia tăng một cách nhanh chóng sức mạnh của Trung Quốc trên các vùng biển trong vùng lân cận. Đối mặt với các tàu không vũ trang của Trung Quốc là niềm kiêu hãnh của hải quân Philippines - con tàu thời những năm 1960 mà Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã bỏ đi, được đặt lại với cái tên là Gregorio del Pilar. Sự mất cân đối này quả thật chua xót, dấu hiệu về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và thất bại của đất nước Philippines thời hiện đại, không có đủ lực lượng hải quân là hệ quả của những thấy bại về xã hội và kinh tế. Tất nhiên, sự kiện kích động phản ứng mãnh liệt và cảm tính của người Philippines đối với Trung Quốc chính là việc họ hiểu ra hoạt động hải quân của Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough chính là thái độ hết sức hợm mình, một điều làm họ vô cùng nhục nhã.

Còn 1 kì nữa.

1 comment:

  1. Dịch thuật ADI công chứng chuyên nghiệp, lấy nhanh nhất
    Dịch thuật công chứng đã trở thành nhu cầu tất yếu trong thời đại hội nhập của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới. Đê hoàn thiện các giao dịch và thủ tục có liên quan đến yếu tố nước ngoài như du học, du lịch, xuất khẩu lao động, làm hồ so xin VISA, công tác, giấy phép lao động, thủ tục xuất nhập khấu hàng hóa,... Dịch thuật và phiên dịch công chứng ADI chuyên cung cấp dịch vụ dịch thuật công chứng các thứ tiếng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga,...; phiên dịch hội thảo, cuộc họp, thu âm lồng tiếng, bản địa hóa bản dịch, vv
    www.idichthuatcongchung.com hoặc hotline: 0988-793-tám một ba

    ReplyDelete