July 26, 2016

Khoan dung, Phê phán và Tình người là những nguyên tắc cốt lõi của tự do

Sandy Ikeda

Phạm Nguyên Trường dịch

Xã hội tự do và thịnh vượng cần cả lòng khoan dung lẫn những lời phê phán của các công dân của nó.
Sandy Ikeda
Đức Phật từng nói: “Không có cái gì thực sự là cái tôi đang nghĩ tới”. Đối với tôi, câu này thể hiện tính bất định sâu sắc, thách thức tất cả những sinh vật có tư duy. Trong trường hợp tốt nhất, mỗi người chúng ta cũng chỉ nhìn thấy một phần của thế giới này, và cái phần của một quan điểm duy nhất đó lại thường xuyên bị những suy nghĩ lan man làm cho rối tung lên. Phần lớn những suy nghĩ lan man đó lại chỉ liên hệ rất ít với thực tế. Nói cách khác, chúng ta chỉ nhìn thấy ảo ảnh mà thôi.

Hàm ý là những suy nghĩ của chúng ta về bất cứ điều gì - đời sống tinh thần của chúng ta, kinh tế học, nền chính trị - có thể và rất có thể là đang đi sai đường và ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể thậm chí không biết là đang đi sai đường. Chúng ta không biết chúng ta không biết cái gì. Kết quả là, tất cả chúng ta đều có những sai lầm, lớn và nhỏ, suốt đời. Vấn đề là làm sao giải quyết những sai lầm đó một cách tốt nhất. Tất nhiên, đấy là một trong những việc mà kinh tế học cố gắng làm.

Nhưng, những điều chúng ta học được từ kinh tế học (đặc biệt là kinh tế học của Mises, Hayek, Lachmann và Kirzner) là ngay cả những hệ thống hoạt động tốt nhất cũng sẽ không bao giờ hoàn hảo. Ví dụ, những hoàn cảnh xung quanh các lựa chọn của chúng ta liên tục thay đổi và cách chúng ta nhận thức và giải thích những hoàn cảnh đang thay đổi đó, chí ít, cũng có phần nào đó bị sai. Điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng làm là trở thành người nhận thức được những sai lầm đó và sau đó, giải quyết chúng một cách hiệu quả nhất có thể.

Một bài học mà tôi rút ra từ sự sự vô minh và tính bất định lan tràn khắp nơi là thái độ lịch sự và sức mạnh của cộng đồng phụ thuộc vào khả năng của mỗi người chúng ta trong việc thừa nhận rằng, chí ít, một phần nào đó của tất cả những thứ mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết lại không phải là như thế (trong đó có cả ý kiến này, tôi nghĩ thế). Nghĩa là, xã hội tự do và phồn thịnh cần cả lòng khoan dung lẫn những lời phê phán của các công dân của nó.

Khoan dung

Tôi càng chắc chắn về cái mà tôi nghĩ tôi biết và càng nhiều thứ tôi cảm thấy chắc chắn là mình biết thì càng có ít có khả năng là tôi sẽ có thái độ khoan dung với những người mà tôi bất đồng về những vấn đề quan trọng và càng có nhiều khả năng là tôi sẽ hành động thiếu lịch sự với những người đó. Nói cho cùng, làm sao tôi có thể không lên án ai đó vì chính mình không còn nghi ngờ, nếu tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tôi đúng còn người kia sai? Nếu tôi tin tưởng chắc chắn vào những điều tôi biết, thì động cơ duy nhất tôi có thể có trong việc lôi kéo người không đồng ý với tôi là đánh bại hoặc thay đổi quan điểm của người đó. Còn nếu họ cứ khăng khăng bám vào sai lầm thì tôi sẽ tránh xa hoặc là làm những điều tồi tệ hơn nữa.

Tôi không có ý nói rằng khoan dung nghĩa là chấp nhận hay chấp nhận những tư tưởng hoặc hành vi của người khác một cách tùy tiện. Nhưng tôi tin rằng nó có nghĩa là tôi nên giữ vững nguyên tắc nói rằng - khi ý tưởng “xấu” hay hành vi “xấu” của người đó chưa bắt đầu hay chưa de dọa sử dụng bạo lực chống lại tôi thì tôi phải kiềm chế, không được đe dọa hoặc khởi sự dùng bạo lực chống lại người đó. Đấy là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, để có một xã hội phồn thịnh và văn minh.

Phê phán

Trong kinh tế học, sự cạnh tranh của người mua (với những người mua khác) và người bán (với người bán hàng khác) là nguyên tắc đặt hàng đầu tiên. Cạnh tranh giúp uốn nắn những sai sót của thị trường mà mọi người, do sự vô minh của họ, chắc chắn sẽ gây ra. Nếu bạn trả giá 30.000 USD cho một chiếc xe, người mua cạnh tranh với bạn có thể trả giá 31.000 USD, trong trường hợp này, bạn trả giá thấp; nếu bạn chào bán chiếc xe giá 30.000 USD, một người bán cạnh tranh với bạn có thể chào bán chiếc xe đó với giá 29.000 USD, trong trường hợp này, bạn đòi giá quá cao. Cạnh tranh cung cấp cho người ta phương tiện mạnh mẽ và hiệu quả để sửa chữa những sai lầm kiểu đó.

Trong cái gọi là “thị trường ý tưởng”, cạnh tranh chính là phê phán. Áp dụng lý trí và bằng chứng cho lời tuyên bố của một người về thế giới làm cho người đó không đi chệch quá xa thực tế (vẫn phải giữ trong đầu rằng, trong thế giới bất định và vô minh, không thể có sự tương thích tuyệt đối giữ ý tưởng với thực tế). Tất nhiên, điều này giả định rằng người bị phê phán sẵn sàng chấp nhận phê phán. Đấy là việc khó. Khó hơn (và thậm chí, thường là ít vui vẻ hơn) là áp dụng lý trí và bằng chứng một cách có phê phán cho những ý tưởng của chính mình. Tuy nhiên, theo Alexander Pope (1688-1744):

“Người ta không bao giờ phải xấu hổ khi mình sai, đấy chỉ là, nói cách khác, hôm nay anh ta khôn ngoan hơn ngày hôm qua mà thôi”.

Alexander Pope (1688-1744)

Nhưng chúng ta càng chắc chắn là mình đúng thì càng khó công nhận là mình sai.

Trong khi khoan dung và phê phán là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, trên thực tế, chúng lại bổ xung rất tốt cho nhau; và là những khái niệm không thể thiếu đối với xã hội tự do và thịnh vượng.

Phê phán thiếu khoan dung

Nếu tôi chắc chắn rằng một cái gì đó mà tôi cho là cực kỳ quan trọng là đúng, thì tôi sẽ cần một tính cách mạnh mẽ để không khuất phục trước sức cám dỗ là ép người khác – có thể bằng vũ lực - cũng tin như tôi. Đáng lẽ phải tìm cách hiểu những điểm yếu của luận cứ của tôi hoặc những điểm mạnh của đối thủ thì tôi lại bịt miệng đối phương bằng cách lờ đi, chế giễu, và cuối cùng là tìm cách đuổi đối thủ đi. Lúc đó, mục tiêu không phải là hiểu, mà là giành chiến thắng, với bất kỳ phương tiện cần thiết nào.

Cách khác là, tôi có thể tự chui vào vỏ bọc để không dính dáng gì tới những người làm tôi bực mình hay không đồng ý với tôi. Một lần nữa xin hỏi: Vì sao chúng ta phải khoan dung trước một ý tưởng, nếu chúng ta biết đó là ý tưởng sai lầm và chúng ta đúng? Và nếu người nào đó vẫn vẫn khăng khăng nói lên ý tưởng hay có hành vi mà chúng ta biết là sai, tại sao chúng ta phải bảo vệ người đó?

Không có lòng khoan dung có nghĩa là ít cạnh tranh trong lĩnh vực tư tưởng và ít tiếp xúc với những ý tưởng khác biệt và không bị những quan điểm khác thách thức, phê phán thật sự cũng không còn. Mệnh lệnh thay thế cho cạnh tranh, mệnh lệnh trở thành nguyên tắc đặt hàng. Trong lịch sử, hiện tượng này đã dẫn đến chủ nghĩa gia cấp, địa phương chủ nghĩa, phân biệt chủng tộc, và những thứ còn tệ hại hơn. Phê phán mà thiếu khoan dung trở thành hiện tượng không thể chịu đựng được.

Khoan dung thiếu phê phán

Nhà thơ và nhà soạn kịch người Nigeria, Wole Soyinka (1934-), nói: “Mối đe dọa lớn nhất đối với tự do là không có phê phán”.

Nếu mọi thứ đều được “khoan dung”, thì sẽ không có gì có thể sửa chữa một cách có hệ thống quan điểm sai lầm của tôi về thế giới. Cùng với thời gian, không bị luận cứ và bằng chứng thách thức, sai lầm sẽ tiếp tục tồn tại và tích lũy thêm. Và, một lần nữa, việc tôi không sẵn sàng tự phê phán hoặc để cho người khác phê phán có thể sẽ dẫn đến kết quả là tôi sẽ chui vào vỏ bọc, tôi sẽ không nghe thấy bất kỳ quan điểm đối lập nào và sẽ làm tất cả những gì có thể để người khác không lọt vào vỏ bọc của tôi. Tất nhiên, hiện tượng đó đi ngược lại khoan dung thực sự và không thể trở thành lý tưởng của xã hội thịnh vượng.
Wole Soyinka (1934-)

Hơn nữa, khoan dung mà không có phê phán dường như, cuối cùng, sẽ biến thành hình thức bất khoan dung sâu sắc: tôi càng cảm thấy có ít lý do phê phán người khác thì tôi sẽ càng ít khoan dung trước những lời phê phán của họ. Khiêm nhường là khôn ngoan, nhưng khiêm nhường thực sự còn có nghĩa là phê phán chân thành. Không có phê phán, thì lòng khoan dung, và cùng với nó, tự do, cũng sẽ không bền vững được.

Biết rằng, “không có cái gì thực sự là cái tôi đang nghĩ tới”, không có nghĩa là tất cả mọi thứ chúng ta biết đều là sai. Nó có nghĩa là, chí ít, một số điều chúng ta biết có khả năng là rất sai và rằng, cách tốt nhất, có lẽ là cách duy nhất, nhằm cải thiện nhận thức của chúng ta về thế giới là tạo ra hệ thống và áp dụng các chuẩn mực khuyến khích chúng ta vừa khoan dung vừa có thái độ phê phán cả người khác lẫn bản thân mình. Thiếu lòng khoan dung và phê phán, xã hội sẽ không thể thịnh vượng hay tự do được lâu.

Sandy Ikeda là giáo sư kinh tế ở Purchase College, the State University of New York, và là tác giả cuốn The Dynamics of the Mixed Economy: Toward a Theory of Interventionism. Ông là thành viên của Quỹ giáo dục kinh tế (FEE).

Nguồn :https://fee.org/articles/tolerance-criticism-and-humility-are-core-principles-of-freedom/

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

No comments:

Post a Comment