July 23, 2016

Kiệt Anh Phùng giới thiệu tác phẩm Luật Pháp của Bastiat


ĐỌC LUẬT PHÁP 1.
.
Mua quyển Luật Pháp của Bastiat hơn hai tháng mà vẫn chưa đọc, khi đi Singapore tôi mang theo để cố đọc, nhưng rồi cũng vứt sang một bên vì còn nhiều mối bận tâm khác lúc đó, tình hình ở Hà Tĩnh cứ đeo bám và ám ảnh. Rồi, quên mất nó giữa chồng sách của mình.
.
Sáng nay, nhấm nháp ly cà phê tôi đọc trọn vẹn Luật Pháp trong hai tiếng. Một cảm giác hào hứng trỗi dậy. Cái hay và cái đẹp rất hiếm khi đi cùng nhau; cái hay mang lại hào hứng đầy thích thú, cái đẹp mang lại rung động một cách sâu xa. Nếu cái hay đưa con người đến tự tìm tòi khám khá thì, cái đẹp đưa con người vào nỗi trầm tư. Nếu cái hay là thứ gì đó thuộc về lý trí thì, cái đẹp lại thuộc về cảm tính. Và, trong trường hợp này, cả hai thứ đó có đủ trong Luật Pháp của Bastiat, qua sự chuyển ngữ của dịch giả Phạm Nguyên Trường.
.
Cái hay, nằm ở góc nhìn đầy tinh tế của Bastiat về luật pháp, tự do, cộng sản và phê phán tư tưởng của các triết gia tiền bối; ở đó, Bastiat cho thấy một tinh thần độc lập, nhạy bén trước thời đại và đấu tranh không khoan nhượng cho những gì mình tin là chân lý. Cái hay đó chắc chắn khiến những người mê đọc sách sẽ thấy hào hứng bởi dáng vẻ uyên bác của thế hệ triết gia hậu cổ điển, một đặc trưng của triết gia cổ điển vẫn còn tồn tại trong Bastiat là sự thông tuệ nhiều lĩnh vực.
.
Cái đẹp, nằm ở văn phong đầy những cấu trúc ngữ pháp trùng điệp, nó tạo nên từng làn sóng xô đập vào cảm xúc người đọc. Chẳng hạn, "Luật pháp chỉ buộc anh ta không được làm hại người khác. Luật pháp không xâm phạm cá nhân anh ta, không xâm phạm quyền tự do của anh ta, cũng không xâm phạm tài sản của anh ta. Luật pháp bảo vệ tất cả những thứ đó." (trang 78). Đặc trưng của đám triết gia nước Pháp chính là sự gần gũi của ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ văn chương, dáng vẻ hùng hồn của Rousseau vẫn đậm nét trong văn chương Bastiat ngay cả khi Bastiat phê phán nặng nề tư tưởng Rousseau về dân chủ.
.

Bản thân tôi đọc Bastiat trễ, đế giờ tôi chỉ đọc Bastiat chủ yếu thông qua những trích đoạn trong những quyển sách khác và nội dung tổng luận về triết gia luật pháp. Những ý tưởng của Bastiat trong tôi, thành thật mà nói, khá mờ nhạt. Điều này dễ hiểu, không ai có thể đọc tất cả trước tác kinh điển trong tuổi thanh niên, người ta có thể làm là cố gắng đọc phần nào trong số đó thuộc về sở thích cá nhân. Tôi thường bị khu phạm vào một số điển phạm nhất định, gói vào nhóm triết gia thời đại Ánh Sáng; có thể, thời đại đó có gì đó quyến rũ tôi đến mức phù phiếm. Ngay cả những tác phẩm lớn của thời đại mình, trừ lĩnh vực văn học, còn lại tôi biết đến thật khiêm tốn.
.
Hình như, quyển Luật Pháp này bị đình bản thì phải, nghĩa rằng không được phép tái bản. Nếu thật sự như vậy, tôi sẽ chia bài viết làm ba kỳ, đưa ra những ý tưởng quan trọng nhất của Bastiat về luật pháp và nền công chính vô tư, vô tư đến mức nó không thuộc phạm trù đạo đức.
.
Hiển nhiên, đọc trọn vẹn tác phẩm vẫn là tốt nhất. Cảm ơn dịch giả Pham Nguyen Truong đã chọn dịch nó.


ĐỌC LUẬT PHÁP 2.
.
Ý tưởng chính để Bastiat xây dựng sự suy tư của mình về luật pháp nằm ở đặc trưng tự nhiên trong mỗi con người: Cá tính, tự do và tài sản. Thứ mà Bastiat gọi là Món quà của Chúa (trang 46). Luật pháp được xây dựng trên cái nền bảo vệ món quà đó. Nhưng, Bastiat chỉ ra rằng trên cái nền kia khi đưa vào thực tế đã không còn được như vậy, luật pháp đã bị bóp méo, ông cho rằng có hai nguyên nhân chính: tham lam một cách ngu xuẩn và lòng từ bi sai lầm. (trang 49).
.
Tôi cho rằng đó là nền tảng của phép phân tích của Bastiat. Cả hai thứ đó đều có trong mỗi con người, chúng ta đều có lòng tham một cách vị kỷ và sự trắc ẩn trong mỗi chúng ta, đó là hai mặt trong một tấm mề đay con người.
.
Chính sự tham lam một cách ngu xuẩn, nó đã vẽ đường cho tầng lớp thống trị cướp bóc tài sản của người khác cho đến khi những nạn nhân của chúng đứng dậy lật đổ chúng và, tiếp tục xây dựng một hệ cướp bóc mới bằng luật pháp. Một vòng tròn luẩn quẩn mà người Việt có nhiều kinh nghiệm hơn cả, chính kinh nghiệm này mà nhiều người trong giới trí thức cho rằng, giải pháp hiện nay phải là tăng cường dân trí chứ không phải lật đổ chế độ cộng sản vì họ nhận ra rằng, có nhiều nguy cơ một thể chế mới xuất hiện sẽ đi tiếp tục vào quỹ đạo của lòng tham như hiện nay.
.
Lòng từ bi sai lầm theo cách nói của Bastiat, thực ra chính là lòng từ bi của thân phận nạn nhân. Là một nạn nhân của cướp bóc, người ta có khuynh hướng đòi hỏi phải cướp lại của người khác; là nạn nhân của cái nghèo, người ta dễ mặc nhiên tin rằng cướp của người giàu chia cho người nghèo là đạo đức; là nạn nhân của bất công, người ta có khuynh hướng muốn lan toả bất công đến mọi người xung quanh như một cách để công bằng cho tất cả. Đó chính là thứ hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, bởi nó hợp lý hoá sự cướp bóc dựa trên lòng từ bi ngu xuẩn của đám nạn nhân, nhất là khi người ta tin rằng cướp bóc kẻ giàu chia đều cho xã hội sẽ làm xã hội tốt đẹp hơn.
.
Nếu nguyên nhân thứ nhất Bastiat không gây hứng thú nhiều cho tôi thì, nguyên nhân thứ hai làm tôi ấn tượng mạnh.
.
Để lý giải sâu hơn nguyên nhân thứ hai, Bastiat đã đi vào bản chất của Luật pháp.
.
1. Luật pháp phải mang tính phủ định. Nghĩa rằng, mục đích chính của nó là ngăn chặn thông qua con đường phủ định (trang 78-79). Khi kẻ cai trị ban bố một điều luật cho phép cướp bóc lên một bộ phận nào đó, thì luật pháp từ người dân sẽ phủ định nó. Khi có kẻ muốn xâm phạm đến tự do một ai đó, luật pháp sẽ phủ định nó. Khi một kẻ cai trị không phù hợp ý nguyện của phần lớn người dân, luật pháp sẽ phủ định quyền cai trị hắn. Điều này thấy rất rõ trong luật pháp nước Mỹ, trong đó có một điều nằm hẳn trong hiến pháp mà ngày nay chúng ta hay gọi là Quyền bất tuân dân sự.
.
2. Luật pháp không phải là từ thiện (trang 81-82). Ở đây, Bastiat chỉ ra một vấn đề thuộc về bản chất, tự bản chất, luật pháp không sinh ra tiền cho người nghèo, không sinh ra cơm ăn áo mặc cho họ; nhưng, luật pháp tạo điều kiện cho họ tạo nên của cải cho mình và không bao giờ bị tước đoạt.
.
3. Luật pháp không phải là giáo dục. Cũng như trên, tự bản thân luật pháp không tạo nên tri thức cho con người, cái duy nhất luật pháp có thể làm là tạo ra bầu khí quyển tự do cho giáo dục phát triển. Luật pháp phủ định cái quyền buộc người dân phải học một thứ gì đó mà chính quyền tin rằng tốt cho họ, như chính quyền cộng sản hiện nay tin rằng triết học Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh tốt cho... sinh viên đại học; và buộc họ học chúng.
.
4. Luật pháp không phải là đạo đức. Như đã nói ở trên, luật pháp không khiến người ta trở nên có phẩm hạnh và sống tốt, hay luật pháp có thể cưỡng chế một người nào đó phải có đức tin. Điều luật pháp có thể làm là tạo cho người ta không gian để hoàn thiện đạo đức trên cơ sở không xâm phạm đến quyền của người khác.
.
Cả bốn đặc trưng trên, Bastiat đều dùng phương pháp phủ định để nêu bật bản chất luật pháp. Thật ra, theo tôi, bốn ý tưởng về luật pháp đó nó tạo ra một cái khung cho xã hội, giáo dục, lòng hướng thiện và đạo đức phát triển. Chúng ta biết, mọi thứ về xã hội, giáo dục, lòng hướng thiện của chúng ta không phải cố định, mà nó luôn thay đổi theo sự phát triển của loài người. Nghĩa rằng nó bị đào thải liên tục khi nó không còn phù hợp với trật tự mới. Nếu cố gắng giữ nó, xã hội sẽ xuất hiện nhiều định kiến và làm kiềm hãm sự phát triển xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến sự nghèo nàn ý tưởng cho giải pháp của thời đại. Chẳng hạn, với những tộc người còn dã man ngày trước, họ tin rằng giết kẻ thù và ăn thịt họ là một thứ đạo đức, hơn nữa còn là một sức mạnh tâm linh; giả sử điều đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay thì chúng ta mường tượng xem về mức độ man rợ của tư duy loài người sẽ thế nào khi chúng sở hữu trong tay vũ khí giết người hàng loạt?
.
Nên, giá trị lớn nhất trong ý tưởng về luật pháp của Bastiat là: Tạo ra cơ chế cho một xã hội có-thể-vận-động mà không bị khép kín.

No comments:

Post a Comment