July 28, 2016

Nước Mỹ đang chia rẽ có thể học được gì từ Việt Nam

Tien Dinh

Phạm Nguyên Trường dịch

Ngày thương binh liệt sỹ ở Việt Nam (27 tháng 7) đang tới gần. Đó là ngày quốc lễ ở Việt Nam, để ghi nhớ các thương binh và liệt sĩ. Nếu ở Việt Nam lúc này, có lẽ tôi được ngồi bên cạnh ông nội (người đã từng phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam) và nghe những câu chuyện về thời chiến tranh của ông. Lần nào nghe ông nhắc tới cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi cũng đều không thể không tỏ lòng ngưỡng mộ, nhưng lại cảm thấy thương hại ông nội tôi, một người lính đã từng mạo hiểm cuộc sống của mình và hy sinh tất cả vì những tư tưởng mà ông tin là đúng.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Cộng sản miền Bắc Việt và tư bản miền Nam coi nhau là mối đe dọa đối với sự thịnh vượng của quốc gia. Hà Nội gọi chính phủ miền Nam là “quyền ngụy” (có nghĩa là con rối hay chính quyền bất hợp pháp), họ coi chính quyền miền Nam tư bản là “tham lam”, phản bội nhân dân Việt Nam và bán nước cho Hoa Kỳ. Trong khi Sài Gòn lên án chính phủ miền Bắc là biến người dân Việt Nam thành nô lệ cho cộng sản Trung Quốc, Liên Xô, và chủ nghĩa cộng sản “bẩn thỉu”.

Hận thù
Sau khi Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, hai bên đã có những hành động theo xu hướng phân cực chính trị cực đoan. Ở miền Bắc, Hồ Chí Minh tiến hành “cải cách ruộng đất”, giết chết hơn 172.000 người, sau khi coi họ là những người giàu có, địa chủ độc ác. Cũng trong khoảng thời gian này, Ngô Đình Diệm ở miền Nam tung ra “Chiến dịch chống cộng”, giết hại khoảng 12.000 người bị tình nghi và bắt giam 40.000 chính trị phạm.

Cả miền Bắc lẫn miền Nam đều quyết tâm đánh bại phía bên kia bằng mọi giá.

Bao giờ cũng là giá phải trả

Giá phải trả cho chiến tranh thật là khủng khiếp. Nhưng khi cả hai bên đều bị những tư tưởng cực đoan làm cho lóa mắt, phân tích chi phí-lợi ích không còn quan trọng.

Chiến tranh Việt Nam giết chết khoảng 2 triệu thường dân, 1,1 triệu quân Bắc Việt, 200.000 lính Nam Việt, và 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ. Số người bị thương lên đến số hàng chục ngàn hoặc hơn. Những vụ ném bom trải thảm của Hoa Kỳ đã tàn phát đất nước tôi, còn chất độc da cam thì làm mấy thế hệ người Việt Nam bị tàn phế.

Nghĩa trang Trường Sơn

Giá phải trả cho sự chia rẽ về tư tưởng còn kéo dài ngay cả sau khi cuộc chiến đã kết thúc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính phủ Bắc Việt Nam đã tiến hành một loạt chính sách “nhằm tiêu diệt tư sản” ở miền Nam, từ tập thể hóa kinh tế đến cải cách tư tưởng và trại “cải tạo”, làm cho đất nước tan hoang. Từ năm 1975 đến năm 1995, khoảng 2 triệu Việt đã bỏ nước ra đí bằng bất cứ phương tiện nào, chỉ một nửa đến được nơi họ muốn đến. 41 năm sau chiến tranh, căng thẳng giữa miền Bắc và miền Nam vẫn còn. Nhiều người miền Nam thường gọi người miền Bắc là “chó Bắc Kỳ” (ám chỉ người miền Bắc là nô lệ của cộng sản và Trung Quốc), và chỉ trích người miền Bắc là vô học, bất lịch sự, hung hãn và dối trá. Trước khi tôi rời Việt Nam để sang học ở Hoa Kỳ, thày giáo dạy tiếng Anh đã phải nhắc tôi: “Nếu em gặp người Việt ở Mỹ nói tiếng Anh. Em nói giọng Bắc. Người miền Bắc được cho là cộng sản. Muốn an toàn, thì đừng bao giờ nói tiếng Việt với người Việt; đừng bao giờ cho họ biết em sinh ra và lớn lên ở miền Bắc”.

Cuối cùng, Bắc Việt Nam với ý thức hệ cộng sản đã thắng, và khoảng 10 năm sau mới chấp nhận nền kinh tế thị trường mà miền Nam đã từng đi theo. Sau tất cả những hận thù, tất cả những chết chóc, mất mát và phá hoại đó, mục đích của chiến tranh là gì?

Lịch sử lặp lại

Năm nay tôi học nội trú ở Hoa Kỳ, vì vậy, tôi không thể ngồi cạnh ông nội và nghe những câu chuyện về thời chiến của ông. Ở đây, chứng kiến sự chia rẽ ngày càng cực đoan hơn giữa hai đảng và trong dân chúng, đôi khi tôi thấy sợ. Nó làm tôi nhớ tới hình mẫu đã từng xảy ra ở Việt Nam. Theo khảo sát của Trung tâm Pew, hiện nay, 43% đảng viên Cộng hòa và 38% đảng viên Dân chủ nói về đảng đối lập bằng những thuật ngữ rất tiêu cực, và người dân, cả phái tả lẫn phái hữu, đều thích nói rằng điều quan trọng với họ là được sống ở khu vực mà hầu hết mọi người cùng chia sẻ quan điểm chính trị của họ.
Thuyền nhân, nỗi đau còn mãi

Nhiều người có thể khẳng định rằng nỗi sợ của tôi là vô lý, bởi vì ở Hoa Kỳ không thể nào có nội chiến được. Nhưng nếu bạn lớn lên ở đất nước mà những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, ở đất nước mà gia đình nào cũng có ít nhất một người bị giết trong chiến tranh, ở đất nước mà đồng bào giết hại lẫn nhau, mẹ mất con, vợ mất chồng, ở đất nước mà những người lính bị thương vẫn phải vật lộn với những chấn thương nghiêm trọng và những kỷ niệm ám ảnh mỗi ngày, tất cả chỉ vì sự chia rẽ sâu sắc về tư tưởng, thì bạn sẽ hiểu tôi.

Kinh nghiệm của tôi ở Việt Nam đã biến tôi thành người hoài nghi về tất cả những biện pháp tuyên truyền: mỗi hình ảnh, mỗi đoạn video, và tư tưởng trên phương tiện truyền thông xã hội. Khi đọc những đoạn văn hay bài báo nói rằng, “đây là sự thật”, “đây là sai”, “làm sao bịt miệng một người trong vòng 5 phút”…v.v.. hoặc thấy bạn bè của tôi từ chối tranh luận hoặc xóa bỏ bạn bè trên Facebook chỉ vì “tôi không thể để những thằng Cộng hòa ngu ngốc bao vây”, làm cho tôi lo lắng. Nếu đúng và sai có thể dễ nhận thấy như đen và trắng, nếu có thể tìm được sự thật một cách dễ dàng (chỉ trong một bài viết ngắn hoặc một đoạn video dài 2 phút), thì đất nước tôi đã không có chiến tranh. Vấn đề kiến thức, như Hayek nói: “không bao giờ tồn tại dưới dạng tập trung hoặc tích hợp, mà là những mẩu kiến thức phân tán, không đầy đủ và thường xuyên mâu thuẫn với nhau, do các cá nhân riêng biệt nắm giữ”.

Nói cho cùng, như Viet Thanh Nguyen viết trong tác phẩm The Sympathizer của ông: “bi kịch không phải là xung đột giữa đúng và sai, mà giữa đúng và đúng, một nan đề mà không người nào muốn góp phần vào lịch sử có thể thóat ra được”.

Tien Dinh là sinh viên ở University of New Orleans và là sinh viên nội trú ở Independence Institute.

Nguồn: https://fee.org/articles/lessons-from-vietnam-for-a-divided-america/

Đã đăng trên Dân Luận

No comments:

Post a Comment